You are on page 1of 7

Từ Hải, anh hùng hay lãng tử đa tình

Có những nhân vật như từ trang sách bước ra cuộc đời, sinh động mà trần trụi.
Nhận xét đó rất đúng với nhiều nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du. Một
Sở Khanh lặng nghe lẩm nhẩm gật đầu, một Tú Bà cao lớn đẩy đà, nhờn nhợt màu
da, một Mã Giám Sinh mày râu nhẵn nhụi, một Hoạn Thư, một Thúc Sinh…Tất cả
những con người đó đã bước vào đời thường , đã ở trên cửa miệng của người Việt
Nam, tiêu biểu cho một loại người, một thái độ sống…Nét bút của Tố Như tiên
sinh quả thật quán tuyệt với nhiều thủ pháp: khi chấm, khi phá, khi gieo khi gặt,
khi tung khi hứng…Nếu bản chất lừa đảo của Sở Khanh hiện lộ trong cái cách
nghe lẩm nhẩm gật đầu thì Tú Bà, loại người chuyên sống về đêm lại được trưng
bày ở màu da nhờn nhợt, màu da của loại người ăn đêm. Chúng ta yêu Nguyễn Du,
yêu truyện Kiều, bởi lẽ, từ trên hình tượng của nhân vật, tiên sinh đã dạy ta căm
ghét, yêu thương, buồn vui, cho ta cái hào khí và cả niềm căm giận. Với từng nhân
vật, dù là nhân vật nhỏ, Nguyễn Du đã chăm chút, cho họ một đời sống, một cái
bên trong sâu thẳm nên họ đã sống hoài với năm tháng cuộc đời . Nhưng còn
những nhân vật trung tâm? Tôi muốn khoanh vùng phạm vi trình bày xoay quanh
nhân vật Từ Hải . Từ Hải, anh hùng hay lãng tử đa tình…?
*
Chúng ta, không ai có thể nghi ngờ cái tình cảm nồng hậu của Nguyễn Du dành
cho họ Từ. Tiên sinh đã viết cho Từ những vần thơ đẹp nhất, hào sảng nhất, dành
cho cuộc đời của Từ gần 400 câu thơ (từ câu 2165 đến 2563 – khi Kiều xin đắp mộ
cho người tử sinh). Nếu Kiều là tiếng kêu xé lòng, là bài ca đoạn trường của bao
nhiêu kiếp tài hoa mệnh bạc ( có cả Tố Như), thì Từ Hải là cánh chim bằng lướt
gió tung mây, là khúc hành quân bi tráng. Nghe chăng tiếng lòng Nguyễn Du mở
hội hoan ca khi mà binh uy của Từ như sấm ran trong ngoài, thừa thế tiến công trúc
chẻ ngói tan và… Phong trần mài một lưỡi gươm / Những loài giá áo, túi cơm sá
gì!...Cái tâm của Nguyễn Du là thế nhưng ngòi bút của tiên sinh liệu đã khắc họa
thành công một Từ Hải anh hùng ? Hãy lần lượt điểm lại từ buổi đầu hội ngộ.

Chân dung của Từ Hải được phác họa khá tỉ mỉ trong cái đêm gió mát trăng thanh
ở lầu hồng :

Lần thâu gió mát trăng thanh


Bỗng đâu có khách bên đình sang chơi
Râu hùm, hàm én mày ngài
Vai năm tấc rộng lưng mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào
Côn quyền hơn sức lược thao gồm tài
Đội trời đạp đất ở đời
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo

Chỉ vỏn vẹn có mấy cặp lục bát nhưng diện mạo khách biên đình của Từ hiện ra
mồn một: một đấng trượng phu tài cao chí, lớn một người anh hùng như chính Từ
xác nhận với Kiều: một đời được mấy anh hùng…

Đến buổi dứt áo ra đi, cái hào khí của Từ lồng lộng cả trời mây. Mấy ai, trong chốn
thanh nhàn lại chỉ mới nửa năm hương lửa đang nồng mà chấp nhận quay lưng vì
động lòng bốn phương. Cái lý tưởng của Từ vút lên, kiên định, mạnh mẽ :

Bao giờ mười vạn tinh binh


Tiếng chuông dậy đất, bóng tinh rợp đường…
Trở về thắng lợi, trong rạng rở cân đai, Từ vẫn không đánh mất cái bản sắc anh
hùng của mình buổi hàn vi : Hãy còn hàm én, mày ngài như xưa

Và còn sung sướng tự hào

Anh hùng mới biết anh hùng…

Chảy trong tim dòng máu anh hùng, Từ công đã đùng đùng sấm vang vì bất bình,
vì căm giận. Thấy bao nhiêu oan khổ mà lũ giá áo túi cơm gây ra cho dân lành, Từ
quyết ra tay trừ hại nên phong trần mài một lưỡi gươm…

Nhưng rồi, Từ ở đó:

Tử sinh liền giữa trận tiền


Dạn dày cho biết gan liền tướng quân ?
Khí thiêng khi đã về thần
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng !

Chao ôi, tôi muốn nhỏ một giọt nước mắt cho người anh hùng của Nguyễn Du, một
giọt nước mắt xẻ chia nỗi đau đời của tiên sinh. Những từ – dạn dày – gan liền
tướng quân, thêm một dấu hỏi, một dấu chấm than lơ lửng như nỗi chua xót rụng
rời trong lòng Tố Như. Cái dáng đứng trơ như đá, vững như đồng của Từ nào phải
cái dáng đứng tạc vào thế kỷ để thiên thu bất diệt?

Ôi thôi, Nguyễn Du đã bị triệt buộc để không thể nào vẽ thành một Từ Hải anh
hùng, đem thanh gươm công lý dẹp bỏ bất bằng, cất cao tiếng hát thắng lợi, đành
để cho Từ nằm xuống …Nếu chúng ta có một ít chú tâm, sẽ thấy Nguyễn Du trốn
chạy hiện thực, vội vàng kết thúc bởi không muốn kéo dài sự đau khổ của lòng
mình. Từ Hải – trong việc giúp Kiều đền ơn trả oán , thật rạng rở uy phong (đoạn
thơ dài đến 138 câu từ 2289 đến 2417) nhưng trong cuộc đối đầu sinh tử với tên
mặt sắt Hồ Tôn Hiến lại rất mờ nhạt, mơ hồ (đoạn thơ chỉ vỏn vẹn 85 câu từ 2451
đến 2535). Nghĩa là, kể từ khi Hồ Tôn Hiến vâng chỉ đặc sai, lời thơ của Nguyễn
Du nhuộm buồn bởi lẽ tiên sinh đã thấy được cái hậu và cũng vì không thể tiếp tục
khắc họa Từ Hải như một mẫu anh hùng đúng nghĩa : Thảo trung chi anh, thú trung
chi hùng. Từ Hải, khi chấp nhận làm hàng thần lơ láo, vào luồn ra cúi làm sao có
thể là thảo trung chi anh. Lâm địch mà hờ hững biết đâu, bất ý chẳng ngờ, chỉ là
liều giữa trận tiền cũng không thể là thú trung chi hùng. Thiếu dũng khí, thiếu chí
mưu, thiếu quyết đoán lại thiếu cả sĩ khí (sĩ khả sát bất khả nhục), Từ Hải quả thật
làm chúng ta thất vọng !

Nhưng mà, nỗi oan tình của Tố Như xưa nay là ở đây. Bất tri tam bách dư niên
hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Tố Hữu đã khóc cùng Tố Như khi viết :

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

Chúng ta, những nguời đương đại, cũng có thể khóc với Tố Như bên xác của Từ
Hải trơ vơ giữa trận tiền…Bởi lẽ, bình tỉnh lật lại từng trang thơ, chầm chậm suy
nghĩ, ta lại thấy hiển hiện lên một Từ Hải khác không làm ta thất vọng : một Từ
Hải lãng tử đa tình…
*
Cái chất lãng tử giang hồ của Từ Hải nằm ngay trong khung cảnh giới thiệu ban
đầu. Từ là khách biên đình sang chơi lầu hồng, tìm vui xác thịt hoàn toàn khác với
một Lục Vân Tiên chính nhân quân tử, tả đột hửu xông, ra tay trượng nghĩa. Rồi
cái cung cách gươm đàn nữa gánh, cái điệu cười, cái liếc mắt cho đến lời ghẹo
nguyệt trêu hoa bướm lả ong lơi… Tất cả đều giới thiệu Từ như một lãng tử đa
tình.
Đa tình, phóng túng, hào hoa, Từ sẵn sàng tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.
Không mặc cả, không toan tính thiệt hơn, Từ đem cô gái lầu xanh về làm vợ ngay
sau buổi sơ ngộ. Việc giải phóng Kiều như thế, không hề là một nghĩa cử hào hiệp,
chỉ có thể nói là đồng thanh tương khí là tài tử ngộ giai nhân –Lãng tử gặp giang
hồ…

Trước cái nhan sắc khuynh thành, Từ ngày càng chìm đắm, càng mê càng mệt,
càng tình tứ nồng nàn. Trong việc Kiều đền ơn trả oán, Từ đã giao toàn quyền cho
nàng mặc nàng xử quyết – phó cho mặc nàng dù sau đó nàng có quẫy động đảo
điên đất trời. Tiến thêm một bước, Từ đem cả mười vạn tinh binh, đem tấm thân
muôn trượng, đem cả cái ngang tàng đội trời đạp đất đặt vào tay Kiều – Lại mặc
nàng. Kiều chỉ là thừa cơ bàn ra nói vào, không mấy vất vả đã khiến Từ công, gã
lãng tử từ thế công chuyển sang thế hàng. Từ hàng, không vì chức cao quyền trọng
mà vì nàng nói mặn mà, vì nàng là hồng nhan tri kỷ.

Không chỉ khi sống, sau khi chết , Từ vẫn tiếp tục làm gã đa tình lãng tử. Cho nên
tấm thân trơ như đá, vững như đồng của Từ liền ngã ra khi Kiều vừa phục xuống
với những giọt lệ ăn năn…Thế đó sống làm lãng tử, chết xuống làm gã tình si. Từ
phong lưu rất mực mà cũng đa tình thủy chung như nhất. Vì Kiều, Từ dứt bỏ sự
nghiệp mưa bá đồ vương, bỏ quên cái ý chí nghênh ngang một cỏi biên thùy, và cả
sinh mạng của mình. Quả thật, chí lớn trong thiên hạ không đong đầy đôi mắt mỹ
nhân…Từ chết như để tạ lòng tri kỷ.

Tôi đã nhỏ lệ chia buồn với Tố Như. Từ Hải ra đi, bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu
ước mơ thầm kín của tiên sinh đành tan thành bọt bể, trôi theo mây trắng cuối trời.
Từ chết, toàn quân tan rã, bọn phong kiến ca khúc khải hoàn. Đó là sự thật lịch sử:
chế độ phong kiến- cái gông xiềng áp bức tàn bạo – vẫn ung dung ngự trên máu và
nước mắt lớp lớp người lao khổ. Nhớ hôm nào, Tự Đức đã đòi đánh Nguyễn Du
mấy trăm hèo về cái tội đại nghịch bất đạo khi ca tụng Từ Hải dọc ngang nào biết
trên đầu có ai . Nguyễn Du chưa nhìn thấy được tương lai, chưa có lối thoát cho
nhân vật Từ Hải nhưng cái tài cái khéo của tiên sinh chính là – Tôi lại muốn mỉm
cười chia xẻ niềm vui ý nhị của tiên sinh-

Không, Từ Hải không chết vì lũ bất tài Hồ Tôn Hiến. Bỏ đi! Cái đám binh tôm
tướng cá của cái triều đình mục ruỗng có thể nào tơ hào đụng chạm đến chân tơ
cọng tóc của Từ - một Từ Hải anh minh thần võ, đội trời đạp đất, dọc ngang nào
biết trên đầu có ai…Từ chết vì Từ là lãng tử đa tình. Từ chết vì một nhan sắc
khuynh thành, vì nụ cười mật ngọt. Nguyễn Du đã không hề vô tình khi tô đậm,
phủ lên cái chết của Từ màn sương mù huyền thoại. Cú ngã của Từ cực kỳ vi diệu:
những giọt nước mắt của người đẹp, của người tình phải chăng có sức mạnh tan bia
vỡ đá, xô ngã cả tường thành?...

Thế đó, dụng tâm khổ nhọc của Nguyễn Du thật rõ ràng. Tiên sinh đã tìm cho
người anh hùng mà mình trân trọng nâng niu một lớp vỏ bọc : lãng tử đa tình. Lớp
vỏ bọc này, một mặt làm cho người anh hùng Từ Hải rất đời thường , vừa hư vừa
thật – hiên ngang mà vẫn có những phút xao lòng, mặt khác lý giải sự thất bại tất
yếu của Từ dưới khía cạnh trữ tình : sỹ vị tri kỷ giả tử; lãng tử đa tình tất lụy vì
tình bởi lẽ đa tình tự cổ thiên di hận…

Không, Từ Hải không thất bại và cả Nguyễn Du cũng không thua cuộc trước bè lũ
phong kiến. Chẳng qua, chỉ vì chữ tình – cái chữ tình chi chi mà kỳ lạ…Trong một
chừng mực nào đó, cái chết của gã lãng tử đa tình là đẹp, lại trọn vẹn cả đôi bề…
Mừng 240 năm sinh nhật Nguyễn Du, phải chăng chúng ta nên gở rối tâm tình cho
tiên sinh trong việc xây dựng hình tượng Từ Hải : một nhân vật vừa hư vừa thật,
vừa khẳng khái hiên ngang, vừa lãng mạn đa tình…? Phải chăng chúng ta nên
thông cảm nỗi đau của tiên sinh khi hạ bút viết những vần thơ uất nghẹn ngọn cờ
ngơ ngác,trống canh trễ tràng, và để cho thần tượng anh hùng của mình sụp đổ, dù
là dưới chân giai nhân? Phải chăng chúng ta nên ngắm nhìn Từ Hải với một quan
điểm mới : Anh hùng lãng tử - lãng tử anh hùng ”…

Cam Ranh 3/2005


( Kỷ niệm 240 năm sinh nhật Nguyễn Du )
Lê Vũ

You might also like