You are on page 1of 3

Sức khỏe tinh thần ở người trẻ: Sa sút vì thiếu thời gian để sống thật https://cuoituan.tuoitre.vn/cuoc-song-muon-mau/suc-khoe-tinh-than-o...

Sức khỏe tinh thần ở người trẻ: Sa sút vì thiếu thời gian để sống
thật

ĐỖ DƯƠNG

TTCT - Nhóm tuổi trẻ nhất trong một khảo sát về sức khỏe tâm thần quy mô lớn lại có kết quả thấp nhất, khiến các nhà
nghiên cứu phải lên tiếng cảnh báo về một vấn đề nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Cái gì đã khiến những người trẻ
đang trưởng thành lại sa sút về sức khỏe tâm thần đến vậy?

 Một em gái tuổi teen phải ở trong nhà để phòng dịch COVID-19 hồi tháng 4-2020 tại New York, Mỹ. Em đã
ngồi cả ngày trên chiếc ghế sofa của gia đình. Ảnh: Getty Images

Không ai nghi ngờ bệnh tinh thần là một nỗi khổ lớn của nhân loại toàn cầu, nhưng việc giải quyết nó có lẽ khó hơn
nhiều so với những vấn đề lớn kiểu như bệnh tật hay nghèo đói, một phần có lẽ vì sức khỏe tâm thần luôn là một điều
khó định lượng hay có thể đánh giá đầy đủ.

Kết quả bất thường

Tháng 3-2022, dự án Mental Health Million của tổ chức phi lợi nhuận Sapien Labs (thành lập năm 2016 tại Mỹ) công bố
báo cáo thường niên về tình hình sức khỏe tâm thần toàn cầu sau khi khảo sát hơn 220.000 người tại 34 quốc gia với
bảng hỏi Mental Health Quotient (MHQ) do họ thiết kế. Các kết quả thu được đặt ra nhiều vấn đề đáng chú ý, đặc biệt là
sự sa sút về sức khỏe tinh thần đáng lo ở nhóm tuổi 18-24.

Sự sa sút về sức khỏe tinh thần của nhóm tuổi nhỏ nhất trong khảo sát (nhóm cao nhất là >65) là thông tin bất ngờ với
nhóm nghiên cứu. Bởi lẽ trong các cuộc khảo sát tương tự trước đây - cũng sử dụng các công cụ phổ biến tại Mỹ - kết quả
thường cho thấy một sơ đồ trạng thái biến thiên theo hình chữ U về mức độ hạnh phúc của con người. Có nghĩa, ở độ
tuổi trẻ nhất và già nhất tinh thần con người thường tốt nhất, và ở độ tuổi trung niên, tâm lý thường rơi vào khủng
hoảng, “đáy” của tinh thần trong đời một người nói chung thường ở giai đoạn này.

Theo bà Tara Thiagarajan, nhà sáng lập và cũng là nhà khoa học trưởng tại Sapien Labs, đây thực ra “là một vấn đề toàn
cầu” và bà đã nhận xét đúng. Mới đây nhất, một khảo sát của Cơ quan Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ cho
thấy tỉ lệ cứ 10 thanh thiếu niên lại có 4 em có cảm giác “buồn chán liên miên hoặc thất vọng”. Tương tự, trang web của
Ủy ban châu Âu (ec.europa.eu) hồi đầu năm 2022 đã dẫn ý kiến các chuyên gia cảnh báo đại dịch COVID-19 khiến sức
khỏe tinh thần ở giới trẻ tại châu lục này vốn đã sa sút cả thập kỷ qua giờ càng tồi tệ hơn. Rất nhiều nghiên cứu đã cho
thấy mức tăng trầm cảm, lo lắng, cô đơn và số vụ tự tử. “Trước đại dịch chúng tôi chỉ thấy có khoảng từ 10-20% số trẻ
em gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần… Nhưng nay, từ hai năm qua, có vẻ đã tăng lên 20-25%” - bác sĩ Nina Heinrichs,
giáo sư tại khoa tâm lý học ĐH Bremen (Đức), nói với trang ec.europa.eu.

Xu hướng đáng lo về tình trạng sức khỏe tâm thần đi xuống ở người trẻ đã xuất hiện từ trước COVID-19, nhưng đặc biệt
tệ hơn trong giai đoạn từ 2019-2021 (dịch COVID-19). Khảo sát của Sapien Labs nhận thấy số người mệt mỏi và chán
nản đã tăng gấp đôi trong thời gian này, lên mức 30% so với trước đó. Đáng chú ý khi tình trạng xuống dốc này có liên
hệ gần hơn với các biện pháp phong tỏa phòng dịch nghiêm ngặt chứ không phải là một tác hại trực tiếp từ đại dịch.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tính tới các nguyên nhân khác có thể liên quan như bất bình đẳng thu nhập, bất ổn chính trị

1 sur 3 29/06/2022 11:40


Sức khỏe tinh thần ở người trẻ: Sa sút vì thiếu thời gian để sống thật https://cuoituan.tuoitre.vn/cuoc-song-muon-mau/suc-khoe-tinh-than-o...

và bất ổn xã hội, song các nhân tố này không gây khác biệt đáng chú ý nào. Thay vào đó, một nhân tố thực sự phổ biến
hơn và có lẽ chính là nguyên nhân gây ra sự khác biệt lớn về mức độ hạnh phúc giữa các thế hệ trẻ nhất và già nhất là
mức độ gia tăng sử dụng điện thoại và truy cập mạng. “Từ sau năm 2010, điện thoại di động xâm nhập và mau chóng phổ
biến… Những chiếc điện thoại di động đã thống lĩnh thế giới”, bà Tara Thiagarajan nói với chuyên trang thông tin y khoa
Medscape.

Sapien Labs xây dựng bảng hỏi Mental Health Quotient (MHQ) riêng sau khi nhận thấy thiếu một công cụ toàn diện và
độc lập giúp họ đánh giá được tình hình sức khỏe tinh thần trên toàn bộ dân số nhưng không phải nhìn vấn đề như một
chứng bệnh hay rối loạn tâm thần mà là cả góc độ tích cực của nó. Sau khi nghiên cứu một số công cụ và bảng hỏi đã có,
Sapien Labs xây dựng được danh sách gồm 47 yếu tố được dùng làm câu hỏi trong MHQ. Toàn bộ nội dung này có thể
được trả lời online (với 4 ngôn ngữ: Anh, Tây Ban Nha, Pháp và Ả Rập) trong khoảng 15 phút. Do khảo sát tiến hành
online và giới hạn trong 4 ngôn ngữ này nên chính nhóm nghiên cứu Mental Health Million cũng thừa nhận nó chưa
phải là nghiên cứu hoàn hảo và chưa mang tính đại diện cho toàn cầu ở một số phương diện. 

Thiếu thời gian để sống thật

Mặc dù lâu nay đã có những lo ngại về việc smartphone và mạng xã hội gây hại cho sức khỏe tâm thần, song nhóm
nghiên cứu của dự án Mental Health Million nhận ra yếu tố tác động chính không phải là bản thân Internet mà chính là
thời gian dành để lướt mạng.

Các số liệu thống kê toàn cầu gần đây cho thấy những người có kết nối mạng sẽ dành trung bình từ 7-10 tiếng lên mạng
mỗi ngày. Theo đó họ không còn thời gian cho các tương tác trực tiếp - yếu tố thiết yếu để xây dựng một “cái tôi xã hội”
mạnh mẽ.

“Thời gian tiêu tốn cho Internet đã ngốn vào khoảng thời gian mà những người thế hệ cũ sẽ dùng để xây dựng cái tôi xã
hội của họ. Những đứa trẻ lớn lên trong thời Internet đang mất đi hàng ngàn giờ tương tác xã hội, những điều sẽ thách
thức khả năng của chúng trong việc tạo dựng các mối quan hệ, cách chúng nhìn về bản thân và thích nghi với môi trường
xã hội” - bà Thiagarajan phân tích.

Việc rèn luyện kỹ năng sống cũng như tạo dựng các mối quan hệ cần phải có thời gian và trải nghiệm. Nhưng bà
Thiagarajan tin rằng thế hệ trẻ nhất hiện nay “đã bước vào độ tuổi 18-24 hay vào đại học chỉ với 1/10 mức độ thành thạo
trong giải quyết các vấn đề xã hội, khả năng chung sống với người khác hay cùng tồn tại theo những phương thức hiệu
quả mà không xung đột”. Bà phân tích thêm: “Tôi nghĩ rằng rất nhiều bất ổn, xung đột có thể hoàn toàn liên quan tới
điều đó, vì ở tuổi 18, giờ đây các bạn chỉ có những trải nghiệm tương tác với mọi người tương đương với một đứa trẻ 7
hay 8 tuổi trước kia”.

Bình luận với trang Medscape, bác sĩ Bernardo Ng, thành viên thuộc Hội đồng tâm thần học và sức khỏe toàn cầu thuộc
Hiệp hội Tâm thần học Mỹ, cho biết ông “đã không nghĩ tới tác động của việc sử dụng Internet với sức khỏe tinh thần lại
kinh khủng như vậy” trước khi đọc báo cáo của dự án Mental Health Million. Vị giám đốc y khoa của Trung tâm nghiên
cứu Sun Valley này cũng chia sẻ thêm một góc nhìn nữa của ông: “Cá nhân tôi quan tâm tới tác động của lối sống lười
vận động với sức khỏe tinh thần - không chỉ về cảm xúc mà còn cả về mặt sinh học. Tình trạng lười vận động có liên
quan trực tiếp tới thời gian nhìn màn hình, gây viêm và làm sa sút chức năng não”.

Trong khi đó, bác sĩ Ken Duckworth, giám đốc chuyên môn của Liên minh quốc gia về bệnh tinh thần, tỏ ra đặc biệt ấn
tượng với các dữ liệu liên quan tới người trẻ của nghiên cứu, bởi ông chưa từng nghĩ người trẻ trên toàn cầu lại đang sa
sút sức khỏe tinh thần đến vậy. Vị này cho rằng lý do có thể “liên quan tới tác động của lệnh phong tỏa trong dịch
COVID-19 với sự phát triển bình thường của người trẻ, trong khi những người trưởng thành hơn không phải vật lộn với
những thách thức phát triển này theo cách tương tự”.

 Một thiếu niên người Mỹ đang cầm điện thoại. Từ năm lên 10 em đã có điện thoại vì cha mẹ cần có cái để liên
lạc với em. Ảnh: New York Times

2 sur 3 29/06/2022 11:40


Sức khỏe tinh thần ở người trẻ: Sa sút vì thiếu thời gian để sống thật https://cuoituan.tuoitre.vn/cuoc-song-muon-mau/suc-khoe-tinh-than-o...

Vì sao sức khỏe tinh thần quan trọng?

Tờ The New York Times gần đây dẫn một nghiên cứu liên bang cho thấy thanh thiếu niên là nhóm tuổi đang ngủ ít hơn,
vận động ít hơn và cũng ít dành thời gian gặp gỡ trực tiếp hơn với bạn bè. Tất cả những cái “ít hơn” đó đều rất thiết yếu
cho một sự phát triển lành mạnh, nhất là ở một giai đoạn cuộc đời cần nhiều va chạm sống để kiểm nghiệm những giới
hạn cũng như khám phá bản thân. Hệ quả kết hợp của những điều này ở một số thanh thiếu niên là một dạng bùng nổ
nhận thức bên trong với những lo lắng, trầm cảm, các hành vi xốc nổi, tự hại và thậm chí tự tử.

Trang Vox nhắc tới một số nghiên cứu trước đây cho thấy ở một số nước có chỉ số hạnh phúc thấp ở cấp độ toàn quốc
thì tỉ lệ tự tử, bạo lực tình dục và tấn công bạo lực cũng cao hơn, đặc biệt trong nhóm tuổi 18-24.

Mental Health Million cho rằng các dữ liệu khảo sát cũng như báo cáo của họ mới chỉ là bước đầu tiên và sẽ cần thêm các
nghiên cứu khác nữa. Hiện đã có khoảng 20 tổ chức đang hợp tác với họ để tìm giải pháp cải thiện sức khỏe tinh thần.
“Các dữ liệu của chúng tôi được cập nhật liên tục theo thời gian thực và sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho việc sử dụng trong
nghiên cứu phi lợi nhuận, phi thương mại. Chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu sẽ tham gia theo hướng liên ngành kết
hợp xã hội học, kinh tế học, tâm thần học và các lĩnh vực khác”, bà Thiagarajan nói.

Trước đây những tác động của các chính sách với sức khỏe tâm thần của người dân thường rất khó để định lượng. Và rõ
ràng, khi các quyết định phong tỏa phòng dịch được đưa ra trước đây, việc tính tới hạnh phúc của người dân trong các
phân tích lợi ích và chi phí là điều gần như không thể. Tuy nhiên khi phải đối mặt với những cái giá phải trả trong thực tế
của vấn đề này, các kết luận rút ra từ báo cáo của Mental Health Million khiến chúng ta không thể phớt lờ vai trò của sức
khỏe tinh thần được nữa.■

!"Tags:
!"sức khỏe
!"mạng xã hội
!"Người trẻ
!"Sức khỏe tâm thần
!"
!"sức khỏe tinh thần

3 sur 3 29/06/2022 11:40

You might also like