You are on page 1of 9

MỞ ĐẦU

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong số những tội phạm phổ biến
trong nhóm tội xâm phạm đến quyền sở hữu đã được quy định cụ thể trong
Bộ luật Hình sự của nước ta. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và
lượng người dùng các trang mạng xã hội tăng nhanh như hiện nay thì tình
trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra rất phổ biến và ngày càng tinh vi. Để
tìm hiểu kỹ hơn về tội phạm này, em xin chọn đề bài số 02: “Phân tích, cho
ví dụ minh họa để làm rõ dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
NỘI DUNG
1. Khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: “Lừa đảo là dùng thủ đoạn
gian dối đánh lừa người khác để mưu lợi. Thủ đoạn gian dối rất đa dạng,
nhằm giấu giếm nội dung sai sự thật (ít, nhiều hoặc hoàn toàn) làm cho
người khác tin, nhầm, tưởng giả là thật để chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, thu
lợi vật chất khác hoặc che giấu một việc làm xấu”.
Trong khi đó dưới góc độ pháp lý, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được
xếp vào nhóm các tội phạm “xâm phạm về sở hữu” nên nó còn mang những
đặc điểm của nhóm tội phạm này: “Các tội xâm phạm sở hữu là những hành
vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có
năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS) thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm
phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.”1
Từ những phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm của tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản như sau: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi nguy hiểm
cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện bằng các
thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác, xâm phạm quan
hệ sở hữu tài sản được pháp luật hình sự bảo vệ.”.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
2.1. Cơ sở pháp lý
Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

1
TS. Đinh Văn Quế (2002), Bình Luận Khoa Học Bộ Luật Hình Sự - Phần Các Tội Phạm Tập 2, Nxb. Thành
phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, tr4.
1
“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người
khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới
2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt
cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà
còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các
Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được
xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình
họ.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ
02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c, Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000
đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ
chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 07
năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000
đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12
năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến
100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công

2
việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài
sản.”.
BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bãi bỏ một số điểm của
Điều 174 BLHS năm 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như:
- Cụm từ “tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt
tinh thần đối với người bị hại” thuộc điểm d khoản 1 Điều 174 BLHS năm
2015.
- Điểm g khoản 2, điểm b khoản 3, điểm b khoản 4 BLHS năm 2015.
2.2. Các yếu tố cấu thành của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
 Mặt khách quan của tội phạm
- Về hành vi khách quan: Hành vi khách quan của tội phạm là những
biểu hiện của con người ra bên ngoài thế giới khách quan, được ý thức kiểm
soát và ý chí điều khiển, có tính chất nguy hiểm cho xã hội và được quy định
trong BLHS. Hành vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là dùng thủ
đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay lúc đó, người bị
hại không biết được có hành vi gian dối.
Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả, không đúng với sự thật
nhưng làm cho người bị lừa dối tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm
tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác
nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động, bằng hình
ảnh…hoặc kết hợp bằng nhiều cách thức khác nhau.
Hiện nay, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm rất tinh vi, tội phạm thường
thực hiện hành vi lừa đảo trên các trang mạng xã hội hoặc các trang web, sau
khi đã chiếm đoạt được tài sản, tội phạm sẽ cắt đứt mọi liên hệ với người bị
hại và thường người bị hại không biết hoặc biết những thông tin không chính
xác về tội phạm.
Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm
tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm
đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối cũng được thể hiện bằng
những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản,
không có thủ đoạn thuộc về tư tưởng, suy nghĩ của người phạm tội lại không
được biểu hiện ra bên ngoài bằng hành vi, cũng chính vì thế mà khi phân tích
các dấu hiệu khách quan cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số quan

3
điểm cho rằng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hành vi khách quan là
hành vi “gian dối” và hành vi “chiếm đoạt”, nói như thế cũng không phải là
không có căn cứ. Tuy nhiên, điều luật quy định: “Người nào bằng thủ đoạn
gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…” nên không thể coi thủ đoạn
phạm tội là một hành vi khách quan được vì thủ đoạn chính là phương thức để
đạt mục đích mà biểu hiện của thủ đoạn gian dối lại bao gồm nhiều hành vi
khác nhau, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể khác mà người phạm tội thực hiện
hành vi đó nhằm đánh lừa người khác.
Đặc điểm nổi bật của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn gian dối
của người phạm tội phải có trước hành vi chiếm đoạt và là nguyên nhân trực
tiếp khiến người bị hại tin là thật mà giao tài sản cho người phạm tội. Thủ
đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng phải có trước khi việc giao tài
sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm
đoạt tài sản. Đây cũng là đặc điểm để phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
và tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo chiếm đoạt tài
sản sử dụng thủ đoạn gian dối gây lòng tin đối với chủ tài sản, làm chủ tài sản
tin tưởng người phạm tội mà trao tài sản cho họ. Để chiếm đoạt được tài sản,
người phạm tội lừa đảo phải dùng thủ đoạn gian dối trước. Chính thủ đoạn
gian dối là nguyên nhân làm người có tài sản tin tưởng mà trao tài sản. Người
lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn khác với người lừa đảo
chiếm đoạt tài sản, mặc dù sự chiếm đoạt tài sản có tính chất gian dối. Người
lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bằng cách vay, mượn, thuê, hợp đồng
với chủ tài sản để chủ tài sản giao tài sản. Họ nhận được tài sản từ chủ tài sản
một cách hợp pháp, ngay thẳng. Sau khi nhận được tài sản người phạm tội
mới thực hiện hành vi gian dối chiếm đoạt tài sản ấy. Sự gian dối chiếm đoạt
tài sản sảy ra sau khi nhận được tài sản nên lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài
sản là bội tín (phản bội lòng tin) của chủ tài sản.
Về hậu quả: Hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản là làm
thiệt hại về tài sản của người khác. Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm
này, nếu hành vi gian dối bị phát hiện trước khi người bị lừa dối giao tài sản
hoặc người bị lừa dối không phát hiện ra hành vi gian dối nhưng không thực
hiện việc giao tài sản thì không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời
điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc kẻ phạm tội đã chiếm giữ

4
được tài sản sau khi đã dùng thủ đoạn gian dối để làm cho người chủ sở hữu
tài sản hoặc người quản lý tài sản bị mắc lừa giao tài sản cho mình hoặc
không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ
thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Khoản 1 của điều luật quy định giá trị tài
sản bị chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu
tài sản bị chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị
xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội
này hoặc một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173,
175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc gây
ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản là phương tiện
kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ. Nhưng không vì thế mà cho
rằng, phải có thiệt hại về tài sản (người phạm tội chiếm đoạt được tài sản) thì
mới cấu thành tội phạm.
Đối với những trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản
có giá trị lớn hoặc rất lớn như ôtô, xe máy, máy tính xách tay, điện thoại đắt
tiền, đồng hồ có giá trị rất lớn hoặc tài sản khác có giá trị hàng chục triệu
đồng trở lên, thì dù người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản vẫn bị coi là
phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, là phạm tội trong trường hợp
phạm tội chưa đạt hoặc chuẩn bị phạm tội tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ
thể.
Về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm: Cũng
như những tội có cấu thành vật chất khác, hậu quả và hành vi khách quan của
tội phạm có mối quan hệ nhân quả với nhau. Hậu quả thiệt hại về tài sản phải
được xuất phát từ hành vi lừa dối.
 Mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của
Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đối tượng tác động của tội phạm này là
tài sản, bao gồm vật, tiền. Việc xâm phạm quyền sở hữu cũng thể hiện ở hành
vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác sau khi lừa lấy được tài sản.
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính
chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm
đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một

5
điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội
cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản, nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức
khoẻ là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt
được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà có hành vi chống trả để tẩu thoát,
gây chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người
khác thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội còn phải bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khỏe của người khác.
 Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức
rõ hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của
mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý
của chủ thể, mục đích là mong muốn chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu
của người bị hại. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ
cũng có trước khi thực hiện thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp, ngay thẳng rồi mới có ý định
chiếm đoạt tài sản thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tùy
trường hợp cụ thể, người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về
tội phạm khác như tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thực tế việc
chứng minh ý thức chiếm đoạt của người phạm tội thường căn cứ vào tài sản
thực có, tình trạng tài chính, nhu cầu tài sản của người phạm tội kết hợp với
lời khai nhận của người phạm tội như thế nào. Thông thường trước khi thực
hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị rơi vào hoàn cảnh
nợ nần do thua cờ, bạc, lô đề, kinh doanh… không có khả năng trả nợ cho chủ
nợ nên nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản.
 Mặt chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 16
tuổi trở lên). Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm
hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà chỉ có người trên 16 tuổi mới
phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này vì Điều 12 BLHS 2015 quy định về

6
tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ
thể của tội phạm không phải là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Ví dụ: Kết, 27 tuổi, đã có vợ, là một người ham chơi cờ bạc và đang bị
thua nợ cả tỷ đồng. Kết đã bán hết các đồ dùng trong nhà để trả nợ nhưng vẫn
không trả đủ. Gần ngày phải trả nợ, chủ nợ kéo đến đòi tiền Kết, đánh đập
Kết để đòi tiền. Kết cảm thấy đã vượt quá sức chịu đựng của mình nên đã nảy
sinh ý định lừa đảo người khác để chiếm đoạt tài sản đem đi trả nợ.
Vào ngày 30/12/2021, Kết gọi cho Long (bạn đại học của Kết), Kết nói
với Long là mượn chiếc xe oto Vinfast đời mới của Long để đưa vợ con đi du
lịch trên Sapa nhân ngày sinh nhật vợ, Kết đã đưa cho Long ảnh màn hình tin
nhắn của Kết với vợ, ảnh cưới, ngày cưới (tất cả đều do Kết làm giả). Long
tin lời Kết và đã đưa xe cho Kết mượn. Kết đem xe oto của Long đi bán và
lấy tiền đánh bạc và cuối cùng vẫn thua trắng.
Phân tích tình huống:
Hành vi phạm tội của Kết: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
- Mặt khách quan:
+ Hành vi: Kết đã dùng thủ đoạn gian dối (nói dối là mượn xe để đưa vợ
con đi du lịch để kỉ niệm sinh nhật vợ, đưa các ảnh tin nhắn, ngày cưới giả) để
chiếm đoạt tài sản của Long (ở đây là chiếc oto Vinfast) mà ngay lúc đó,
Long không biết được Kết có hành vi gian dối.
Hành vi lừa dối của Kết xuất hiện trước sự việc bàn giao xe oto của
Long cho Kết.
+ Hậu quả: Kết đã làm thiệt hại (mất) tài sản của Long, mà ở đây là Kết
bán xe oto của Long. Giá trị thiệt hại lên tới trên 1 tỷ đồng.
+ Mối quan hệ nhân quả: Hậu quả việc thiệt hại (mất) tài sản (xe oto) của
Long xuất phát hành vi lừa dối Long của Kết (nói dối là mượn xe để đưa vợ
con đi du lịch để kỉ niệm sinh nhật vợ, đưa các ảnh tin nhắn, ngày cưới giả).
- Mặt khách thể: Ở tình huống này, khách thể của tội phạm chính là
chiếc xe oto Vinfast của Long. Kết đã xâm phạm quyền sở hữu chiếc xe oto
của Long thể hiện ở hành vi chiếm hữu bất hợp pháp tài sản của người khác
sau khi lừa lấy được tài sản.
- Mặt chủ quan: Do lỗi cố ý của Kết, mục đích của Kết là mong muốn
chiếm đoạt được tài sản thuộc sở hữu (xe oto) của Long để đem đi bán lấy

7
tiền chơi cờ bạc. Mục đích chiếm đoạt tài sản của Kết có trước khi thực hiện
thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản.
- Mặt chủ thể: Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm
hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên). Ở tình huống này, Kết 21 tuổi, đã có vợ, chứng
tỏ Kết đã có đủ năng lực trách nhiệm hình sự để trở thành chủ thể của tội
phạm này.

KẾT LUẬN
Tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản và các tội phạm về sở hữu hiện nay xuất
hiện khá phổ biến, xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội kéo theo sự gia
tăng của các tội phạm về sở hữu như trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản,
cướp tài sản… Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam đã quy định rất rõ về
các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản để răn đe những thành phần coi
thường pháp luật. Tuy nhiên cần phải có những biện pháp mạnh tay hơn nữa
để trình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm bớt.

8
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;


2. Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung & Phần các tội phạm),
Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB CAND 2019;
3. Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự hiện hành (Sửa đổi, bổ sung năm
2017), TS Nguyễn Đức Mai, NXB Chính trị quốc gia sự thật;
4. ThS Lê Quang Thắng, Nguyên nhân và giải pháp hạn chế mức độ ẩn
của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tạp chí Kiểm sát số 14/2018;
5. ThS Lê Quang Thắng, Những thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm
đoạt tài sản trên địa bàn Hà Nội và các giải pháp nâng cao hiệu quả phòng
ngừa, Tạp chí Tòa án điện tử;
6. Nguyễn Thị Xuân Thu, Nhận diện một số phương thức, thủ đoạn của
tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tạp chí Cảnh sát nhân dân, 2018.

You might also like