You are on page 1of 10

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

BÀI TIỂU LUẬN


Môn: Luật Hình Sự
Đề bài:
Phân tích, cho ví dụ minh họa để làm rõ
dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật
Hình sự năm 2015.
Mục lục

Lời mở đầu................................................................................................................3
Nội dung....................................................................................................................3
I. Những vấn đề chung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...................................3
II. Phân tích dấu hiệu pháp lí của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản......................4
1. Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản............................................4
2. Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản...................................5
3. Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản................................................7
4. Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.......................................8
III. Ví dụ minh họa..............................................................................................8
Kết luận.....................................................................................................................9
Lời mở đầu
Quyền sở hữu là một trong những quyền quan trọng và thiết yếu của con
người và luôn chiếm được sự quan tâm của các nhà lập pháp ở bất kì quốc gia nào.
Qua từng giai đoạn kinh tế thì nhà nước đều có những biện pháp khác nhau để bảo
vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân đều phải chịu trách nhiệm pháp lí.
Hiện nay kinh tế đất nước đang phát triển lớn mạnh, kéo theo đó là những tội phạm
về lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang gia tăng theo từng ngày. Việc nghiên cứu làm
rõ dấu hiệu pháp lí của tội này không chỉ mang ý nghĩa về lí luận mà còn có ý
nghĩa trong việc đấu tranh với loại tội phạm này. Vì vậy em xin đi vào phân tích,
cho ví dụ minh họa để làm rõ dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nội dung
I. Những vấn đề chung về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Khái niệm các tội xâm phạm sở hữu
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nằm trong chương các tội phạm về sở
hữu. Nên để hiểu rõ hơn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì trước tiên ta bắt
đầu từ khái niệm các tội xâm phạm về sở hữu. Khái niệm các tôi xâm phạm
sở hữu được định nghĩa là: “những hành vi có lỗi, xâm hại quan hệ sở hữu
và sựu xâm hại này thể hiện đầy đủ bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành
vi”
Khách thể của tội phạm này là quan hệ sở hữu. Tội này hướng đến đối
tượng là tài sản – đối tượng vật chất có sự tồn tại quan hệ sở hữu. Chủ thể
của loại tội phạm này hầu hết là chủ thể thường. Hành vi khách quan là gây
thiệt hại cho quan hệ sở hữu.
2. Khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

3
Theo từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam: “lừa đảo là hành vi gian
dối để làm người khác tin nhằm thực hiện những mục đích vụ lợi, trái pháp
luật…”
Theo Điều 174 BLHS 2015 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá
từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng
nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”
Qua những quy định trên, có thể hiểu tội lừa đảo chiếm đoạt tải sản là:
“hành vi chiếm đoạt tài sản của người khách bằng thủ đoạn gian dối do
người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý”
3. Đặc điểm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Qua khái niệm như trên, có thể rút ra những đặc điểm sau:
Thứ nhất tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm hại đến quyền sở hữu của
cá nhân, tổ chức, nhà nước.
Thứ hai, hành vi chiếm đoạt tài sản trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản được thực hiện bằng thủ đoạn gian dối.
Thứ ba, lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp.
II. Phân tích dấu hiệu pháp lí của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tội lừa đảo chiếm đoạt tài
sản là quyền sở hữu tài sản. Tội phạm này là chỉ xâm phạm đến quan hệ sở
hữu tài sản nên đây là điểm khác so với các tội xâm phạm sở hữu khác như
tội cướp tài sản cướp giật tài săn bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Vì các tội
này ngoài khách thể của tội phạm là quan hệ sở hữu thì người phạm tội còn
nhắm đến khách thể quan trọng khác đó là quyền được bảo vệ về tính mạng

4
sức khỏe. Khi bị bắt giữ mà người phạm tội lại sử dụng các thủ đoạn khác
như dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lí về tội phạm khác
Đối tượng tác động của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tài sản bao
gồm: vật, tiền giấy tờ có giá và các quyền tài sản.
Cần lưu ý với một số tài săn đặc biệt như: Rừng, tài nguyên khoáng
sản, các chất ma túy, vũ khí quân dụng không phải là đối tượng của hành vi
chiếm đoạt tài sản quy định tại điều này, vì đây là những tài sản đặc biệt, có
công dụng tính năng đặc biệt được pháp luật bảo vệ một cách nghiêm ngặt
nên sẽ là đối tượng tác động của những hành vi phạm tội khác được quy
định trong BLHS năm 2015
2. Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo quy định của BLHS thì hành vi nguy hiểm cho xã hội của tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện dưới hai hành vi thực tế là hành vi lừa dối và
hành vi chiếm đoạt tài sản
Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng nhằm để
người khác tin đó là thật. Hành vi gian đối và hành vi chiếm đoạt trong tội
lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mối quan hệ với nhau. Hành vi gian dối tạo
điều kiện cho hành vi chiếm đoạt tài sản được thực hiện một cách công khai,
dễ dàng. Trên thực tế hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
được hợp thành bởi hai yếu tố:
Thứ nhất: Đưa ra những thông tin gian dối. Hành vi này được thực
hiện bằng lời nói, hành động mượn danh nghĩa cơ quan tổ chức hoặc những
biểu hiện khác nhằm cung cấp thông tin sai lệch về sự việc.
Thứ hai: Chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản tin tưởng vào những
thông tin không đúng sự thật ấy mà trao tài sản cho người phạm tội. Khi
giao tài sản chủ tài sản không biết mình bị lừa dối. Họ có thể phát hiện ra

5
ngay sau khi trao tài sản nhưng bản chất của hành vi chiếm đoạt là dựa trên
thủ đoạn lừa dối thì vẫn bị xử lý về tội này.
Những thủ đoạn gian dối nêu trên không phải chỉ ở tội lừa đảo chiếm
đoạt tài sản mà còn được quy định ở một số tội phạm khác. Điều khác biệt ở
đây là hành vi gian dối trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện
nhằm chiếm đoạt tài sản, còn hành vi gian dối không hướng tới việc chiếm
đoạt tài sản mà nhằm mục đích khác như vì mục đích này có tính tư lợi thì
cũng không cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà cấu thành tội phạm
khác tương ứng với mục đích của người phạm tội. Ví dụ hành vi gian dối
trong cân đo, đong đếm ... thì cấu thành tội “Lừa dối khách hàng” được quy
định tại Điều 198 BLHS năm 2015.
Hành vi chiếm đoạt là: hành vi cố ý cách chuyển một cách trái pháp
luật tại sản của người khác thành tài sản của mình. Tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản được coi là hoàn thành khi có hậu quả xảy ra, kẻ phạm tội chiếm
đoạt được tài sản. Hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
có hai hình thức cụ thể:
Thứ nhất: Nếu tài sản chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ
tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận
tài sản từ người bị lừa dối. Khi nhận tài sản cũng là lúc người phạm tội đã
làm chủ được tài sản đó trên thực tế và cũng là lúc tội lừa đảo chiếm đoạt
tài sản được coi là hoàn thành
Ví dụ A muốn chiếm tiền của B nên hỏi tiền B với lý do phải đưa mẹ
vào viện cấp cứu gấp do bị tai nạn B tưởng thật nên đồng ý cho A mượn 20
triệu đồng. Sau khi mượn được tiền, A đã mang tiền bỏ trốn. Như vậy A đã
phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi chiếm đoạt tài sản được coi
là hoàn thành khi nhận được xe của B.

6
Thứ hai: Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang ở trong sự chiếm hữu của
người phạm tội thì hình thức thể hiện của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ
lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối vì đã tin vào thông tin của
người phạm tội nên người bị lừa dối đã nhận nhầm tài sản hoặc không nhận.
Khi người bị lừa dối nhận nhầm hoặc không nhận tài sản cũng là lúc người
phạm tội lừa đảo đã làm chủ được tài sản đó và cũng là thời điểm hoàn
thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ví dụ: A vay B 100 triệu đồng. Trong lúc giao tiền giữa, B đã dùng
thủ đoạn gian dối là ghi trong giấy giao nhận tiền là số tiền 100 triệu đồng
do tin tưởng B nên A đã ký vào giấy nhận tiền và không đếm cụ thể số tiền
mình nhận nhưng thực tế thì B chỉ giao cho A số tiền 85 triệu đồng khi về
đến nhà A mới phát hiện ra số tiền mình nhận được chỉ là 85 triệu đồng
thiếu 15 triệu đồng. Như vậy B đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thể hiện ở việc B ghi vào giấy
giao nhận tiền với A là số tiền 100 triệu đồng nhưng thực tế B chỉ giao cho
A số tiền 85 triệu đồng và giữ lại 15 triệu đồng số tiền này lẽ ra B phải giao
cho A.
Thông thường hành vi chiếm đoạt tài sản xảy ra kế tiếp ngay sau hành
vì gian dối, nhưng cũng có trường hợp giữa hai hành vi này lại có khoảng
cách nhất định về thời gian ở đây cần chú ý tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
chỉ coi là hoàn thành khi hành vi chiếm đoạt xảy ra. Nếu thủ đoạn gian dối
lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải là tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp cụ thể thủ đoạn gian dối đó có
thể là hành vi nhằm che dấu tội phạm hoặc lạm dụng chiếm đoạt tài sản.
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội có cấu thành vật chất. Hậu quả
của tội phạm được phản ánh trong cấu thành tội phạm thông qua thiệt hại về
tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Mối quan hệ giữa hành vi
7
và hậu quả của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được biểu hiện: hành vi
gian dối phải diễn ra trước hành vi chiếm đoạt. Đây là căn cứ đầu tiên để
kiểm tra giữa hành vi khách quan và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội
này có mối quan hệ nhân quả hay không
3. Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo Khoản 1 Điều 12 BLHS năm 2015 quy định về tuổi chịu trách
nhiệm hình sự “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về
mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.”
Căn cứ vào quy định của BLHS năm 2015 thì chủ thể của tội lừa đảo
chiếm đoạt tài sản phải là chủ thể thường, là người từ đủ 18 tuổi trở lên và
không ở trong tình trạng được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự
được quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015
4. Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Lỗi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là lỗi cố ý. Dấu hiệu lỗi của
được biểu hiện như sau
- Về lý trí: Người phạm tội khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài
sản đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy
trước hậu quả là hành vi của mình sẽ gây thiệt hại về tài sản cho người
khác, xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu hợp pháp của chủ tài sản
- Về ý chí: Người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra mà cụ thể là mong
muốn chiếm đoạt được tài sản của người khác.
III. Ví dụ minh họa
Ngày 1/2/2020, ông Nguyễn Văn A (sinh năm 1960) có bán một lô đất
cạnh nhà có diện tích là 100m2 với giá là 400 triệu đồng. Ông Nguyễn
Thanh K (sinh năm 1975) là em họ của ông A. Biết được ý định bán đất,
ông Nguyễn Thanh K đã giới thiệu với người quen là anh Trần Văn T đang
có nhu cầu mua đất là ông Nguyễn Văn A có lô đất muốn bán và đã nói dối
8
rằng được ông A ủy quyền để bán lô đất này. Vì là người quen nên anh Trần
Văn T tin tưởng và đặt cọc ngay 100 triệu đồng. Sau khi ông K nhận được
tiền thì đã bỏ trốn. Mấy hôm liên hệ với ông K không được thì anh T đã đến
nhà ông A thì được biết ông A đã bán mảnh đất đó cho người khác.
Theo Điều 174 BLHS 2015 quy định tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá
từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng
nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không
giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”
- Xét về khách thể: khách thể trong trường hợp này là quyền sở hữu tài
sản của anh Trần Văn T.
- Xét về mặt khách quan: ông Nguyễn Văn K đã có hành vi lừa dối đối với
anh Trần Văn T. Cụ thể là ông K đã nói dối anh T là ông Nguyễn Văn A
ủy quyền cho mình bán đất của ông A. Vì ông K là người quen của anh
T nên anh T không có chút nghi ngờ gì và đặt cọc ngay.
- Xét về mặt chủ quan: đối với hành vi này thi ông K hoàn toàn nhận thức
được hành vi của mình là gây ra nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được
hậu quả của nó và mong muốn cho hậu quả xảy ra. Vậy lỗi của ông K là
lỗi cố ý trực tiếp.
- Xét về chủ thể: ông Nguyễn Văn K đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự,
không thuộc trường hợp không có năng lực trách nhiệm hình sự được
quy định tại Điều 21 BLHS năm 2015
Từ đó ta có thể thấy ông Nguyễn Văn K có đầy đủ những dấu hiệu pháp
lí của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vậy ông Nguyễn Văn K bị truy cứu
trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết luận

9
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài sản
cho Nhà nước, xã hội và công dân mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình
an ninh và trật tự xã hội. Bên cạnh đó, thì tình hình tội phạm sử dụng công
nghệ cao tại Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh, tăng về cả số lượng,
mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Chính vì vậy, phát luật ngày càng
phải hoàn thiện pháp luật để đấu tranh với loại tội phạm này.
Tài liệu tham khảo

1. Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam. Phần các tội phạm, Quyển 1
Trường Đại học Luật Hà Nội; Nguyễn Ngọc Hoà chủ biên; Phạm Bích Học
2. Luận văn thạc sĩ luật học: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong
pháp luật hình sự Việt Nam / Đặng Thị Thanh Huyền; TS. Nguyễn Văn
Hương hướng dẫn.
3. Luận văn thạc sĩ Luật học: Các tội phạm về xâm phạm sở hữu
theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 / Nguyễn Khánh Phương; TS.
Lê Đăng Doanh hướng dẫn
4. https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/toi-lua-dao-
chiem-doat-tai-san-theo-phap-luat-hinh-su-viet-nam-ly-luan-va-thuc-tien

10

You might also like