You are on page 1of 9

ĐẠI HỌC KINH TẾ TPHCM

KHOA KINH DOANH


QUỐC TẾ - MARKETING

Đề tài
LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Giảng viên hướng dẫn: Lê Việt Hưng


Môn học: Quản trị học
Mã lớp học phần: 23C1MAN502
Nhóm: 08

TP. Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 9 năm 2023


DANH SÁCH THÀNH VIÊN:

Họ và tên MSSV Điểm đóng góp (%)

Dương Quỳnh Anh 31221025264 100

Đỗ Hải Anh 31221022265 100

Nguyễn Ngọc Hương Giang 31221023259 100

Trần Thị Mỹ Tâm 31221021354 100

Quách Thị Anh Thư 31221024266 100

Tôn Võ Cát Tường 31221023604 100


I. LẠM DỤNG TÍN NHIỆM CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TRONG MÔI
TRƯỜNG LÀM VIỆC:
1. Khái niệm:
Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người
khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng
thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó
vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Dấu hiệu phạm tội:
a) Dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm:
Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
b) Dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm:
Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như
các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt
tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ
sở hữu. Nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt mà
có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hoặc gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tùy từng trường hợp cụ thể mà
người phạm tội còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc
tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
c) Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:
Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm
đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý. Mục đích của người phạm tội là
mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu
bắt buộc cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên,
ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích
khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của
người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng bị truy cứu trách nhiệm hình
sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
d) Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm:
Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được cấu thành khi thuộc
một trong các trường hợp sau:
- Giá trị của tài sản chiếm đoạt của người khác từ 4.000.000 đồng trở
lên;
- Giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý phạt
vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về
tội này hoặc về một trong các tội về xâm phạm sở hữu khác: tội cướp
tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội
cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp, tội
sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực
hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn
vi phạm;
- Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống của chính người bị hại
hoặc gia đình họ.
Những hành vi khách quan cần có những điểm đáng lưu ý sau:
- Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua các hợp
đồng vay, mượn thuê tài sản của người khác hoặc bằng hình thức
khác. Sau khi có được tài sản người phạm tội mới dùng thủ đoạn gian
dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài
sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Nếu người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhưng
sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả
năng trả lại tài sản thì cũng bị coi là lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài
sản.
3. Mức phạt:
Căn cứ theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017)
quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của
người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới
4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt
tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các
điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa
án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người
bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt
tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của
người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc
bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc
dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của
người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục
đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến
07 năm.
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000
đồng;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ
chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.


3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000
đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ
12 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000
đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ
01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

II. PHÂN TÍCH TÌNH HUỐNG:


Vào ngày 23/6/2023, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Ngô Mạnh Hưng (SN
1995, ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) mức án 7 năm tù về tội Lạm
dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, Công ty cổ phần E. chuyên kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng
hóa, hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải. Công ty đặt kho hàng tại
các địa phương để bảo quản, lưu trữ hàng hóa và trung chuyển sản phẩm theo các
hợp đồng cung cấp dịch vụ với đối tác, trong đó có kho hàng chi nhánh thôn Văn ở
xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Năm 2019, công ty thuê Hưng làm nhân viên kho. Đến năm 2021, Hưng được
bổ nhiệm làm quyền quản lý kho hàng chi nhánh thôn Văn, có trách nhiệm chỉ đạo
và kiểm soát trực tiếp các hoạt động nhập hàng, đóng gói, xuất hàng. Đồng thời
quản lý các nhân sự; chịu trách nhiệm về các biện pháp an ninh thích hợp cho sự
an toàn của hàng hóa trong kho…
Năm 2020, Công ty E. có ký hợp đồng để lưu kho và vận chuyển hàng hóa cho
một đối tác. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2/2022, công ty kiểm kê định kỳ tài sản lưu
kho thì phát hiện thất thoát 83 tài sản gồm điện thoại di động, máy tính xách tay,
đồng hồ thông minh. Khi bộ phận an ninh xuống kho làm việc thì Hưng thừa nhận
đã chiếm đoạt các tài sản trên. Kết luận định giá tài sản thể hiện số tài sản trên có
giá trị hơn 1,94 tỷ đồng.
Tại cơ quan điều tra, Hưng khai nhận, trước khi lấy hàng ra kho, bị cáo xác định
số lượng hàng và thông tin hàng hóa sẽ lấy thông qua thông tin quản lý trên hệ
thống theo dõi nội bộ của công ty. Sau đó, Hưng lên mạng internet để liên hệ, trao
đổi với người mua hàng để thống nhất số lượng, giá tiền, địa điểm giao dịch…Tuy
nhiên, Hưng không nhớ các trang web mua bán, thông tin người mua và thời gian
liên hệ.
Vì được tự do vào kho hàng nên trong các ngày 21-29/12/2021, Hưng đã 3 lần
vào kho để lấy hàng. Hưng khai phải lấy hết hàng có trong 1 ô kệ để khi nhân viên
kiểm hàng sẽ không còn hàng hóa để quét mã. Từ đó sẽ không phát hiện việc mất
hàng. Sau đó, Hưng đóng hàng vào thùng carton, dán kín, mang ra khỏi kho. Tại
cửa có nhân viên kiểm tra việc ra, vào nhưng vì Hưng là quản lý nên không bị
kiểm soát. Bị cáo cũng thường chọn thời điểm nhân viên kiểm tra bận rộn để thực
hiện hành vi phạm tội.
Hưng khai bán số hàng trên thu lời hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền này bị cáo sử dụng
chi tiêu cá nhân.
Ở tình huống trên, bị cáo Ngô Mạnh Hưng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của
mình, lợi dụng sự tin tưởng của công ty E, cố ý thực hiện thủ đoạn gian dối nhằm
lạm dụng, chiếm đoạt hơn 83 tài sản gồm điện thoại di động, máy tính xách tay,
đồng hồ thông minh trong kho nhằm mục đích tư lợi cho bản thân. Theo Điều 175
Bộ luật Hình sự 2015, hành vi của bị cáo Ngô Mạnh Hưng là sai trái và được cấu
thành tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Cụ thể hành vi mang tính chuyên nghiệp và mức chiếm đoạt tài sản của bị cáo
lên tới 1,94 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay bị cáo có khắc phục hậu quả cho công ty
nên theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi và bổ sung 2017), bị cáo Ngô
Mạnh Hưng bị kết án 7 năm tù giam.
III. PHƯƠNG PHÁP KIỂM SOÁT CHO NHÀ QUẢN TRỊ:
Chức năng kiểm soát nhằm đảm bảo các công việc được diễn ra như kế hoạch
đã dự kiến, các nhà quản trị cần theo dõi sát sao các hoạt động của doanh nghiệp,
thu thập các kết quả thực nghiệm trên thực tế và so sánh với các mục tiêu đã được
đặt ra trước đó, kèm theo đó là tiến hành điều chỉnh nếu có sai sót hoặc sai lệch.
Để bảo vệ quyền và lợi ích cho mình, khi nhận thấy người trong doanh nghiệp
có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì cần lập đơn tố cáo lên cơ
quan có thẩm quyền:
Nội dung đơn tố cáo gồm:
1. Ngày, tháng, năm làm đơn
2. Tên đơn
3. Tên cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo
4. Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại người tố cáo
5. Họ tên, nơi cư trú, số điện thoại (nếu có) của người bị tố cáo
6. Trình bày nội dung sự việc
7. Yêu cầu cơ quan công an giải quyết
8. Bằng chứng kèm theo để Cơ quan công an xác minh và điều tra làm rõ
9. Người tố cáo ký tên và ghi họ tên
Để phòng chống những trường hợp lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, các
nhà quản trị có thể tham khảo các bước sau để kiểm soát môi trường doanh nghiệp
một cách chặt chẽ hơn:
1. Phân chia các nhiệm vụ và quyền hạn giữa các nhân viên để không ai có
quyền kiểm soát toàn bộ tài sản tài chính của doanh nghiệp.
2. Thực hiện kiểm tra và kiểm soát nội bộ: Tổ chức cần có quy trình kiểm
tra nội bộ định kỳ để theo dõi giao dịch tài chính và hoạt động của các
nhân viên. Xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ mạnh mẽ, bao gồm việc
theo dõi giao dịch tài chính, đánh giá rủi ro, và tự kiểm tra nội bộ.
3. Quản lý quyền truy cập và ủy quyền: Hạn chế quyền truy cập đối với các
tài sản và thông tin quan trọng và chỉ ủy quyền cho những người cần
thiết.
4. Khuyến khích người lao động báo cáo bất kỳ hành vi bất thường nghi
ngờ lạm dụng tín nhiệm mà họ nhận thấy.
5. Đảm bảo rằng doanh nghiệp tuân thủ tất cả các luật và quy định liên
quan đến tài chính và quản lý tài sản. Xây dựng môi trường doanh
nghiệp, mà ở đó các thành viên đều biết rằng hành vi lạm dụng tín nhiệm
sẽ bị xử lý nghiêm ngặt.
6. Cung cấp các lớp đào tạo thường xuyên về đạo đức và quản lý tài sản tài
chính cho nhân viên để tuyên truyền ý thức đúng đắn về vấn đề này.
7. Xây dựng các hệ thống báo cáo tài chính kỹ thuật số: Sử dụng hệ thống
công nghệ thông tin để theo dõi giao dịch và tài sản của doanh nghiệp
một cách hiệu quả và nhanh chóng.
8. Cung cấp thông tin tài chính và hoạt động của doanh nghiệp một cách
minh bạch để các bên liên quan có thể theo dõi và đánh giá sát sao.
9. Xử lý nhanh chóng: Nếu có dấu hiệu hoặc bằng chứng về lạm dụng tín
nhiệm, các nhà quản trị nên hành động ngay lập tức để điều tra và ngăn
chặn tình huống này xảy ra.

IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Đỗ, M. (2023, 09 06). Nhân viên dùng nhiều chiêu trò để chiếm đoạt tài sản doanh
nghiệp. vneconomy.vn. https://vneconomy.vn/dan-sinh.htm
2. Nguyễn, P. T. (2022, 07 06). Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy
định mới nhất?. luatminhkhue.vn. https://luatminhkhue.vn/toi-lam-dung-tin-nhiem-
chiem-doat-tai-san.aspx

3. Đức, H. (2023, 09 06). Ngăn chặn hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
nhandan.vn. https://nhandan.vn/ngan-chan-hanh-vi-lam-dung-tin-nhiem-chiem-doat-
tai-san-post757601.html

4. Thu, H. (2019, 12 28). Quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
noichinh.vn. https://noichinh.vn/hoi-dap-phap-luat/201912/quy-dinh-ve-toi-lam-dung-
tin-nhiem-chiem-doat-tai-san-307293/

You might also like