You are on page 1of 14

THẢO LUẬN HÌNH SỰ LẦN 11,12

THẢO LUẬN HÌNH SỰ LẦN 11


PHẦN I: Nhận định
Câu 28: Mọi hành vi phạm tội do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện đều cấu
thành các tội phạm về chức vụ (Chương XXIII BLHS)
Nhận định sai.
Các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII BLHS là những hành vi xâm
phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện trong khi
thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Ở đây khách thể của tội phạm là xâm phạm hoạt động đúng
đắn của cơ quan tổ chức trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trường hợp người có
chức vụ, quyền hạn thực hiện các hành vi xâm phạm đến những khách thể khác như các
tội xâm phạm tính mạng của con người, tội xâm phạm đến sự đúng đắn của hoạt động tố
tụng và thi hành án thì cấu thành các tội phạm theo từng loại khách thể tương ứng. Ví dụ,
hành vi làm chết người do dùng vũ lực ngoài những trường hợp pháp luật cho phép trong
khi thi hành công vụ do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện vẫn cấu thành Tội làm
chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 127 BLHS 2015.
Câu 29: Lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà mình có
trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên là hành vi chỉ cấu thành Tội
tham ô tài sản (Điều 353 BLHS).
Nhận định sai.
Căn cứ theo Điều 304 và Điều 252 BLHS 2015. Nếu chủ thể lợi dụng chức vụ quyền hạn
chiếm đoạt tài sản của Nhà nước mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ 2 triệu đồng
trở lên trong trường hợp tài sản của Nhà nước là vũ khí quân dụng thì sẽ cấu thành Tội
chiếm đoạt vũ khí quân dụng theo điều 304 BLHS 2015. Trường hợp nếu tài sản đó là ma
túy, chất gây nghiện thì sẽ cấu thành Tội chiếm đoạt ma túy (Điều 252 BLHS).
Câu 30: Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận
tiền, tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên chỉ cấu thành Tội nhận hối lộ (Điều 354
BLHS).

Nhận định sai

Căn cứ vào Điều 354, Điều 358 BLHS 2015. Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực
tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên với những
trường hợp cụ thể sẽ cấu thành tội khác nhau chứ không chỉ cấu thành tội nhận hối lộ.
Trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản
có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên mà dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có nhiệm
vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp
đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm thì không cấu thành tội
nhận hối lộ Điều 354 mà cấu thành Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn ảnh hưởng đối với
người khác để trục lợi (Điều 358 BLHS 2015).
Câu 34: Hành vi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên để dùng ảnh hưởng của mình thúc
đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm một việc không được phép làm thì chỉ cấu
thành Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (Điều
366 BLHS).
Nhận định sai.
Căn cứ theo Điều 358, khoản 1 Điều 366 BLHS 2015, nếu chủ thể là người không có chức
vụ quyền hạn có hành vi nhận tiền từ 2 triệu đồng trở lên để dùng ảnh hưởng của mình
thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn làm một việc không được phép sẽ cấu thành Tội lợi
dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi theo Điều 366 BLHS.
Trường hợp chủ thể của tội phạm này là người có chức vụ quyền hạn nhận tiền từ 2 triệu
trở lên và người này lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để gây ảnh hưởng thúc đẩy
người có chức vụ quyền hạn khác làm một việc không được phép làm cấu thành Tội lợi
dụng, chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358
BLHS 2015.
Câu 37: Đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên nếu chủ thể đã chủ
động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội.
Nhận định Sai.
Căn cứ theo Khoản 7 Điều 364 BLHS thì chỉ khi người đưa hối lộ bị ép buộc đưa hối lộ
nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì mới được coi là không có tội và được
trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Còn trường hợp không bị ép buộc nhưng vẫn
đưa hối lộ và chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì chỉ có thể được miễn trách
nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ chứ không
thể xem là không có tội.
PHẦN II: Bài tập
Bài tập 23
A là cán bộ Ngân hàng nông nghiệp huyện X được phân công phụ trách địa bàn xã
Y. A có nhiệm vụ nắm bắt nhu cầu phát triển sản xuất ở địa phương để đề xuất với
lãnh đạo Ngân hàng đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của nông dân, thực hiện việc
thẩm định, chịu trách nhiệm về nội dung thẩm định và mức vốn cho vay trên địa bàn
xã và thu hồi lại số tiền đã cho nông dân vay khi đến thời hạn thanh toán. Để thực
hiện nhiệm vụ trên, A được cơ quan giao tiền dưới hình thức tạm ứng để A chỉ cho
người vay.
Lợi dụng nhiệm vụ được giao, A đã thực hiện những hành vi sau đây:
- Lập 7 hồ sơ giả để lấy 61 triệu đồng chi xài cá nhân.
- Đến thời hạn thu hồi vốn, A thu hồi của những người đã vay tín dụng được
40.605.000đ nhưng không nộp lại cho Ngân hàng mà đem chi xài.
Hãy xác định A phạm tội gì? Cần áp dụng điều khoản nào BLHS đối với A?
A phạm Tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS 2015) và Tội giả mạo trong công tác (Điều
359 BLHS 2015).
Thứ nhất, đối với Tội tham ô tài sản (Điều 353):
Chủ thể: Chủ thể đặc biệt. A đủ tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự, A là người có chức
vụ, quyền hạn (A là cán bộ Ngân hàng nông nghiệp huyện X) và có trách nhiệm quản lý
tài sản (A được phân công phụ trách địa bàn xã Y).
Khách thể: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của bộ máy Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực
quản lý tài sản, đồng thời xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
Đối tượng tác động: Tiền (40.605.000 đồng) - Tài sản đang nằm trong sự quản lý của
người có chức vụ quyền hạn.
Mặt khách quan: Đây là tội phạm có cấu thành vật chất.
- Hành vi: A có hành vi sử dụng quyền hạn do chức trách, nhiệm vụ công tác được giao để
chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý: lập hồ sơ giả lấy tiền chi xài cá nhân,
thu hồi vốn của những người đã vay tín dụng nhưng không nộp lại cho ngân hàng mà đem
chi xài cá nhân.
- Hậu quả: gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Ngân hàng, làm giảm uy tín và hiệu
quả hoạt động của Ngân hàng.
- Mối quan hệ nhân quả: Hành vi của A là nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân
hàng.
Mặt chủ quan:
- Lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước
hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện và mong muốn thực hiện hành vi.
- Động cơ phạm tội: A có động cơ vụ lợi, mưu cầu lợi ích vật chất là tiền cho bản thân.
Thứ hai, đối với Tội giả mạo trong công tác (Điều 359):
Chủ thể: A - Chủ thể đặc biệt (Người có chức vụ, quyền hạn; đủ tuổi luật định để truy cứu
trách nhiệm hình sự).
Khách thể: Xâm phạm đến tính đúng đắn, xác thực của các loại giấy tờ, văn bản chính
thức của cơ quan, tổ chức làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức
đó.
Đối tượng tác động: Giấy tờ, tài liệu giả (07 hồ sơ giả).
Mặt khách quan: A lợi dụng mình là người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành
vi cấp giấy tờ giả với mục đích vì vụ lợi (lấy 61 triệu đồng để chi tiêu cá nhân).
Mặt chủ quan: A phạm lỗi cố ý trực tiếp do A biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật,
nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng vẫn mong
muốn thực hiện cho bằng được vì nhằm vụ lợi cho bản thân.

Bài tập 24: A là kế toán trưởng của một công ty tư nhân. Là một người có năng lực
trong nghiệp vụ và năng nổ nên A giúp cho chủ doanh nghiệp nhiều việc và được tin
dùng. Nhân một chuyến đi nước ngoài để thăm dò mở rộng thị trường, giám đốc
công ty đã giao cho A nhiệm vụ thanh lý một số hợp đồng tới hạn và thu tiền về cho
công ty. Sau khi thu được 300 triệu đồng tiền hàng do thanh lý hợp đồng, A bỏ trốn
cùng với số tiền trên.
Hãy xác định tội danh trong vụ án này
Hành vi của A cấu thành Tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS 2015) với tình tiết định
khung tăng nặng “Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000
đồng” theo điểm d khoản 2.
Chủ thể: Chủ thể đặc biệt. A đủ tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự, A là người có chức
vụ, quyền hạn (kế toán trưởng của một công ty tư nhân) và có trách nhiệm quản lý tài sản
(A được giám đốc công ty giao nhiệm vụ thu tiền về cho công ty từ việc thanh lý một số
hợp đồng tới hạn).
Khách thể: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của bộ máy Nhà nước, tổ chức trong lĩnh vực
quản lý tài sản, đồng thời xâm phạm đến quan hệ sở hữu.
Đối tượng tác động: Số tiền 300 triệu đồng (Tài sản trong phạm vi quản lý của A do A
được giao nhiệm vụ thanh lý hợp đồng tới hạn và thu tiền về cho công ty)
Mặt khách quan: Đây là tội phạm có cấu thành vật chất. A có hành vi sử dụng quyền hạn
do chức trách, nhiệm vụ công tác được giao để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm
quản lý, cụ thể là hành vi bỏ trốn sau khi thu được tiền hàng cho công ty từ việc thanh lý
hợp đồng tới hạn, dẫn đến hậu quả thiệt hại về tài sản trị giá 300 triệu đồng.
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã
hội, thấy trước hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện và mong muốn thực hiện hành vi.
Động cơ phạm tội: A có động cơ vụ lợi, mưu cầu lợi ích vật chất là tiền cho mình.
Bài tập 27: Lợi dụng cương vị công tác là cán bộ địa chính xã X, A đã thu của 14
người dân trong xã với số tiền 92 triệu đồng để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất. Khi thu tiền, A thông báo với người dân đó là số tiền nộp thuế chuyển mục đích
sử dụng đất. Nhưng thực tế số tiền nộp thuế chỉ là 56 triệu đồng. Số tiền còn lại A
chiếm đoạt để tiêu xài cá nhân.
Hãy xác định hành vi của A có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì? Tại sao?
Hành vi của A cấu thành Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều
355 BLHS
Khách thể: xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại về tài
sản cho người khác
Đối tượng tác động: Tài sản cụ thể là tiền của 14 người dân trong xã X (mỗi người 92
triệu đồng chênh lệch 36 triệu đồng so với số tiền thực tế phải nộp cho cơ quan nhà nước)
Mặt khách quan:
- Hành vi: Hành động phạm tội cụ thể là A đã thu số tiền nhiều hơn số tiền thực tế phải
nộp
- Hậu quả: Gây ra thiệt hại về vật chất (36 triệu đồng/người) đối với 14 người trong xã
X
- Mối quan hệ nhân quả: Hành vi thu số tiền lớn hơn số tiền thực tế của A đối với 14
người dân là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại về tài sản cho 14 người dân đó
Chủ thể: A là chủ thể đặc biệt, A là cán bộ tại xã X nên A là người có chức vụ và quyền
hạn đồng thời A có đủ năng lực và tuổi chịu trách nhiệm hình sự.
Mặt chủ quan:
- Lỗi: Cố ý trực tiếp. A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng A vẫn
thực hiện và mong muốn hậu quả (thiệt hại về tài sản đối với 14 người dân) xảy ra.
- Động cơ: vì động cơ vụ lợi

Bài tập 32: Đ là Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện X phụ trách hình sự. Biết Đ
là lãnh đạo Tòa án huyện, K đã đến nhà tìm gặp và nhờ Đ giúp đỡ đòi lại ngôi nhà
cho người khác ở nhờ đã nhiều năm nay và vụ kiện đang được thụ lý ở Tòa án nhân
dân huyện và hứa sẽ không quên ơn. Sau đó Đ đã trực tiếp nhờ thẩm phán giải quyết
vụ kiện đó chú ý hộ, báo K là người nhà của Đ. Kết quả là K được trả nhà, K đưa
cho Đ một lượng vàng SJC.
Hãy xác định K và Đ có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì? Tại sao?
K và Đ không phạm tội.
Trong đó, Đ không phạm Tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS 2015 vì Đ không trực tiếp
làm mà có hành vi tác động đến người có chức vụ, quyền hạn khác là thẩm phán giải
quyết vụ kiện đó để người thẩm phán này làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của K.
Đồng thời, của hối lộ không được đề cập một cách cụ thể mà chỉ là K đến nhà Đ nhờ giúp
đỡ trong vụ kiện đòi lại ngôi nhà và hứa sẽ không quên ơn, mà không thỏa thuận cụ thể sẽ
đưa gì cho Đ. Do đó, của hối lộ Đ nhận được không đương nhiên là “tiền, tài sản, lợi ích
vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất”. Trong khi đó, Tội nhận hối lộ Điều 354 thì người
nhận hối lộ phải biết mình được nhận hoặc sẽ nhận lợi ích gì sau khi thực hiện một việc vì
lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Việc K hứa không quên ơn là mô hình hối
lộ tạ ơn, thế nhưng ở Việt Nam chưa chấp nhận mô hình này mà chỉ chấp nhận mô hình
hối lộ mua chuộc. Do đó, Đ không phạm Tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS 2015 và K
không phạm Tội đưa hối lộ theo Điều 364 BLHS 2015.
Và Đ cũng không phạm Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người
khác để trục lợi theo Điều 358 BLHS 2015. Vì Đ là Phó Chánh án TAND huyện X nhờ
trực tiếp nhờ thẩm phán giải quyết vụ kiện đó chú ý hộ. Hành vi nhờ chú ý hộ của Đ
không thể hiện “dùng ảnh hưởng của mình do cương vị công tác đem lại thúc đẩy người
có chức vụ, quyền hạn làm trái chức trách”. Do đó, Đ không phạm Tội lợi dụng chức vụ,
quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo Điều 358 BLHS 2015.
Kết luận, Đ và K không phạm tội.

THẢO LUẬN HÌNH SỰ LẦN 12


PHẦN I: Nhận định
Câu 40: Thẩm phán, hội thẩm nhân dân có thể là chủ thể của tội Truy cứu trách
nhiệm hình sự người không có tội (Điều 368 BLHS 2015).
Nhận định sai.
Căn cứ Điều 368, 370 BLHS 2015 thì chủ thể của Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người
không có tội Điều 368 là người có thẩm quyền trong việc thực hiện các hành vi tố tụng
truy cứu trách nhiệm hình sự sau: khởi tố bị can; đề nghị truy tố trong kết luận điều tra và
truy tố bị can trước tòa. Theo đó, vì Điều 368 giới hạn giai đoạn điều tra và truy tố nên
thẩm phán và hội thẩm không là chủ thể của tội này. Nếu thẩm phán và hội thẩm có hành
vi truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội thì cấu thành Điều 370 BLHS 2015.
Do đó, thẩm phán và hội thẩm không là chủ thể của Tội truy cứu trách nhiệm hình sự
người không có tội Điều 368 BLHS.

Câu 42: Mọi hành vi ra quyết định mà biết rõ là trái pháp luật trong hoạt động điều
tra, truy tố, xét xử, thi hành bản án đều cấu thành Tội ra quyết định trái pháp luật
(Điều 371 BLHS)
Nhận định sai
Căn cứ theo Điều 371 BLHS 2015
Không phải mọi hành vi ra quyết định tố tụng trái pháp luật đều cấu thành tội ra quyết
định trái pháp luật. Theo Điều 371 BLHS, hành vi ra quyết định tố tụng thuộc trường hợp
quy định tại các Điều 368, 369, 370, 377, 378 BLHS thì không cấu thành tội phạm này mà
sẽ cấu thành tội phạm tương ứng.
Câu 45: Người bị hại có thể là chủ thể của Tội khai báo gian dối (Điều 382 BLHS).
Nhận định sai.
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 382 BLHS 2015 thì chủ thể của Tội khai báo gian dối bao
gồm: người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người
dịch thuật, người bào chữa. Tuy nhiên, người bị hại không thể đồng thời là một trong
những chủ thể nêu trên nên người bị hại không thể là chủ thể của Tội khai báo gian dối
(Điều 382 BLHS).
Câu 47 Mọi trường hợp biết người khác phạm tội, tuy không hứa hẹn trước mà giúp
họ lẩn trốn đều cấu thành Tội che giấu tội phạm (Điều 389 BLHS).
Nhận định sai
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 18, Điều 389 BLHS 2015.
Chỉ những tội được liệt kê tại khoản 1 Điều 389 BLHS 2015 khi bị che giấu mới là căn cứ
đề cấu thành tội phạm. Còn nếu không thuộc trường hợp che giấu các tội xâm phạm an
ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 BLHS 2015 thì
những chủ thể quy định tại khoản 2 Điều 18 BLHS 2015 người che giấu tội phạm là ông,
bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải
chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Do đó, không phải mọi trường hợp biết người khác
phạm tội, tuy không hứa hẹn trước mà giúp họ lẩn trốn đều cấu thành Tội che giấu tội
phạm theo Điều 389 BLHS 2015.
PHẦN II: Bài tập
Bài tập 33: A là điều tra viên của Phòng cảnh sát hình sự thuộc công an tỉnh. B là
người đang bị truy tố về tội buôn lậu. Biết A là điều tra viên nên B nhờ A giúp cho hồ
sơ của B nhẹ tội. A nhận lời và đến gặp trưởng phòng điều tra để nhờ vả nhưng bị từ
chối. A vẫn gặp B và nói dối rằng đã lo xong và yêu cầu đưa 6 triệu đồng để A đi
“chạy” giùm. B đưa cho A đủ số tiền như đã được yêu cầu. Sau một thời gian, không
thấy yêu cầu của mình được thực hiện, B đòi trả tiền lại, nhưng A không trả. Vụ việc
bị phát giác.
Hãy xác định tội danh trong vụ án này.
Hành vi của A cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS)
- Chủ thể: A đủ tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Khách thể: xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của B.
Đối tượng tác động: 6 triệu đồng.
- Mặt khách quan: Biết A là điều tra viên nên B nhờ A giúp cho hồ sơ của B nhẹ tội.
A nhận lời và đến gặp trưởng phòng điều tra để nhờ vả nhưng bị từ chối. A vẫn gặp
B và nói dối rằng đã lo xong và yêu cầu đưa 6 triệu đồng để A đi “chạy” giùm. B
đưa cho A đủ số tiền như đã được yêu cầu. Sau đó B thấy yêu cầu của mình
không được thực hiện, yêu cầu A trả tiền nhưng A từ chối.
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho
xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện và mong muốn thực
hiện hành vi.

Hành vi của B cấu thành Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS) (đưa qua trung gian).
- Chủ thể: Chủ thể thường. B đủ tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Khách thể: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
- Mặt khách quan: B biết A là điều tra viên nên đã nhờ A giúp cho hồ sơ của mình nhẹ tội.
B đưa A 6 triệu đồng theo yêu cầu của A để A đi “chạy” giùm.
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. B nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho
xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi nhưng vẫn thực hiện và mong muốn hậu quả xảy
ra.

Bài tập 34: A công tác tại Sở giao thông công chánh tỉnh M với nhiệm vụ quản lý hồ
sơ xe và cấp giấy phép lái xe. Lợi dụng cương vị công tác, A dùng con dấu của cơ
quan ký và đóng dấu nhiều giấy phép lái xe để bán cho người khác với giá 5 chỉ
vàng/ 1 giấy phép. Vụ việc bị phát giác. A bị đình chỉ công tác và chờ xét kỷ luật.
Trong giời gian này, A thuê B khắc dấu giả rồi dùng con dấu giả và các biểu mẫu in
sẵn trong cơ quan tiếp tục làm 10 giấy phép lái xe bán cho người khác. Những người
mua giấy phép do A bán cũng bị phát hiện.
Hãy xác định tội danh trong vụ án này.
*Tội danh của A là Tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 và Tội làm giả và sử
dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015.
Thứ nhất, dấu hiệu pháp lý đối với Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 BLHS 2015)
- Chủ thể: A là người có chức vụ, quyền hạn công tác tại Sở giao thông công chánh tỉnh
M (có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi đạt luật định)
- Khách thể: A đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Sở giao thông công chánh
tỉnh M nơi A công tác, làm cho cơ quan bị mất uy tín, khiến người dân mất lòng tin.
- Đối tượng tác động: giấy phép lái xe giả
- Về mặt khách quan:
+Hành vi: A đã có hành vi lợi dụng chức vụ công tác tại Sở giao thông công chánh tỉnh M,
quyền hạn quản lý hồ sơ, cấp giấy phép lái xe của mình để cấp giấy phép lái xe giả bằng
cách dùng con dấu của cơ quan ký và đóng dấu nhiều giấy phép lái xe để bán cho người
khác với giá 5 chỉ vàng/ 1 giấy phép.
- Mặt chủ quan: A thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi lợi
dụng chức vụ, quyền hạn cấp giấy phép lái xe giả của mình xâm phạm đến hoạt động đúng
đắn của Sở giao thông công chánh tỉnh M nơi A công tác mà vẫn thực hiện hành vi.
+Động cơ: A thực hiện hành vi vì động cơ vụ lợi, cụ thể là kiếm lời bất hợp pháp với tài
sản là 5 chỉ vàng/ 1 giấy phép lái xe.
Thứ hai, dấu hiệu pháp lý đối với Tội làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ
chức (Điều 341 BLHS 2015)
- Chủ thể: A là chủ thể thường lúc này đã bị đình chỉ công tác nên không còn chức vụ,
quyền hạn (có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi đạt luật định)
- Đối tượng tác động: con dấu, giấy phép lái xe giả.
- Khách thể: A đã xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước và hành chính.
- Về mặt khách quan:
+Hành vi: A đã có hành vi thuê B làm giả con dấu, và sử dụng các biểu mẫu in sẵn trong
cơ quan để làm giả giấy phép lái xe và sử dụng giấy phép lái xe giả để bán trái phép cho
người khác.
- Mặt chủ quan: A thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức rõ hành vi làm
giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của Sở giao thông công chánh tỉnh M của mình xâm
phạm đến hoạt động đúng đắn của Sở giao thông công chánh tỉnh M nơi A công tác mà
vẫn thực hiện hành vi.
*B đã phạm Tội làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015 vì hành
vi của B đã thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội này. Cụ thể:
- Chủ thể: B là chủ thể thường (đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi theo
luật định)
- Khách thể: xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước và hành chính.
- Đối tượng tác động: con dấu giả.
- Về mặt khách quan:
+Hành vi: B có hành vi là làm giả con dấu đang được phép lưu hành để bán cho A.
- Về mặt chủ quan: B phạm lỗi cố ý trực tiếp. B nhận thúc được hành vi làm giả con
dấu là trái pháp luật nhưng B vẫn cố ý thực hiện hành vi này.
*Đối với những người mua bằng lái xe có đóng dấu giả của A và bị phát hiện thì phạm
Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức theo Điều 341 BLHS 2015.
- Chủ thể: những người mua bằng lái xe từ A có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự
và đạt độ tuổi theo luật định.
- Khách thể: xâm phạm đến trật tự quản lý Nhà nước và hành chính.
- Đối tượng tác động: bằng lái xe giả mua từ A.
- Mặt khách quan:
+Hành vi: sử dụng giấy phép lái xe giả mua từ A để tham gia điều khiển phương tiện giao
thông.
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. Những người mua bằng lái xe giả từ A nhận thức
được việc mua bằng lái xe giả để tham gia điều khiển phương tiện giao thông là không
đúng đắn nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi này.
Bài tập 35: A là Trưởng công an xã X, đã có những hành vi sau:
Lợi dụng một số thương binh của xã nhờ lĩnh hộ số tiền trợ cấp nhân dịp có công tác
ở bên Phòng thương binh xã hội. A nhận được 15 triệu đồng rồi chiếm đoạt luôn.
Lợi dụng danh nghĩa công an xã, A đã khám xét nhà một người dân nghi là chứa
hàng buôn lậu và đe dọa sẽ bắt giữ nếu không nộp tiền cho hắn. Công dân này phải
trao cho A 4 triệu đồng.
A thả những người buôn lậu thuốc lá cùng hàng hóa của họ, vì trong số người bị bắt
có người là bà con của A.
Hãy xác định tội danh trong các trường hợp trên.
● A phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 BLHS
2015
Khách thể: xâm phạm quyền sở hữu tài sản của một số thương binh
Đối tượng tác động: 15 triệu đồng tiền trợ cấp của các thương binh
Mặt khách quan:
- Hành vi: nhân dịp A có công tác bên Phòng thương binh xã hội, một số thương
binh nhờ A lĩnh hộ số tiền trợ cấp. Sau khi nhận được số tiền trợ cấp 15 triệu
đồng, A đã chiếm đoạt số tiền này.
- Hậu quả: các thương binh không nhận được số tiền trợ cấp
- Mối quan hệ nhân quả: việc A chiếm đoạt 15 triệu đồng tiền trợ cấp là nguyên
nhân trực tiếp gây ra thiệt hại về tài sản của các thương binh.
Chủ thể: chủ thể thường. A có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi luật định.
Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. A biết hành vi chiếm đoạt 15 triệu đồng tiền trợ cấp là sai
trái, gây thiệt hại cho các thương binh nhưng vẫn mong muốn hậu quả xảy ra.
● A phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo Điều 355
BLHS 2015
Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan, Tổ chức gây thiệt hại về tài
sản cho người khác.
Đối tượng tác động: 4 triệu đồng
Mặt khách quan:
- Hành vi: A đã khám xét nhà một người dân nghi là chứa hàng buôn lậu và đe
dọa sẽ bắt giữ nếu không nộp 4 triệu đồng cho hắn
- Hậu quả: gây thiệt hại về tài sản cho người dân, cụ thể là 4 triệu đồng
- Mối quan hệ nhân quả: chính hành vi đe dọa bắt giữ đòi tiền của A là nguyên
nhân trực tiếp gây thiệt hại 4 triệu đồng cho nhà người dân bị A khám xét.
Chủ thể: chủ thể đặc biệt. A có đủ độ tuổi luật định và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
A là người có chức vụ, quyền hạn trong công việc khám xét nhà người dân.
Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. A biết hành vi đe dọa nộp tiền của mình là trái pháp luật, gây ra hậu
quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng vẫn mong muốn hậu quả đó xảy ra.
● A phạm Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo
Điều 356 BLHS
Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan,tổ chức đồng thời gây
thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Đối tượng tác động: những người buôn lậu thuốc lá cùng hàng hóa của họ
Mặt khách quan:
- Hành vi: A thả những người buôn lậu thuốc lá cùng hàng hóa của họ
- Hậu quả: thiệt hại về lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân.
- Mối quan hệ nhận quả: hành vi thả những người buôn lậu và hàng hóa của họ
thiệt hại về lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân làm giảm uy tín của Đảng,
nhà nước, xâm phạm nghiêm trọng đến các quyền quyền cơ bản của công dân
Chủ thể: chủ thể đặc biệt. A có đủ độ tuổi luật định và có đủ năng lực trách nhiệm
hình sự. A là người có chức vụ, quyền hạn trong công việc được giao.
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. A biết hành vi thả những người buôn lậu và hàng
hóa của họ là trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, nhưng vẫn mong muốn
hậu quả đó xảy ra.
Bài tập 40: A là Phó chánh án Tòa án huyện X và cũng là thẩm phán được phân
công giải quyết vụ án Cố ý gây thương tích mà N là bị cáo trong vụ án này. Do biết A
là người trực tiếp thụ lý vụ việc nên M là anh ruột của N đến gặp A đề nghị A giúp
đỡ giải quyết vụ việc theo hướng tuyên bị cáo N không phạm tội với mức tiền bồi
dưỡng 50 ngàn USD. A đề nghị 100 ngàn USD vì vụ việc phức tạp phải lo thu xếp
nhiều nơi. M đồng ý và đưa trước 50 ngàn cho A và 50 ngàn một tuần sau sẽ gửi vào
tài khoản riêng của A. Một tuần sau, khi nhận đủ 50 ngàn USD mà M chuyển vào tài
khoản, dù không có đủ căn cứ nhưng với tư cách là phó chánh án phụ trách A đã
hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm giam và cho bị cáo N tại ngoại. Sau đó, để giải
quyết vụ việc theo yêu cầu của M, A đã tiêu hủy, sửa chữa, bổ sung một số tài liệu
trong hồ sơ cũng như bí mật gặp gỡ B là người làm chứng trong vụ án đưa cho B 100
triệu đồng để B khai lại toàn bộ lời khai theo hướng có lợi cho N. B đồng ý nhận tiền
và khai lại lời khai theo hướng dẫn của A. Vụ án được đưa xét xử với bản án tuyên
bị cáo N không phạm tội. Vụ việc của A sau đó bị phát giác, A khai nhận toàn bộ
hành vi của mình. Hãy xác định tội danh trong tình huống trên.
Hành vi của A cấu thành Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015); Tội ra bản án trái pháp
luật Điều 370; Tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam (Điều 378 BLHS 2015); Tội
làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 375 BLHS 2015); Tội mua chuộc người khác trong việc
khai báo (Điều 384 BLHS 2015), cụ thể:
Hành vi của A cấu thành Tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015):
- Khách thể: xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.
- Mặt khách quan: M là anh ruột của N đến gặp A đề nghị A giúp đỡ giải quyết vụ việc
theo hướng tuyên bị cáo N không phạm tội với mức tiền bồi dưỡng 50 ngàn USD. A đề
nghị 100 ngàn USD vì vụ việc phức tạp phải lo thu xếp nhiều nơi.
- Chủ thể: A đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đồng thời A cũng là Phó Chánh
án Tòa án huyện X (chủ thể đặc biệt).
- Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi của A cấu thành Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 370 BLHS).
- Khách thể: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan xét xử đồng thời gây thiệt hại
cho lợi ích chính đáng của tổ chức, công dân.
Đối tượng tác động: Bản án trái pháp luật.
- Mặt khách quan: A có hành vi ra bản án mà A biết rõ là trái pháp luật (bản án không có
đủ căn cứ) thể hiện thông qua hành vi tuyên bị cáo N không phạm tội.
- Mặt chủ quan:
Lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức được việc ra bản án trái pháp luật của mình, nhận thức rõ
hành vi này là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn thực hiện.
- Chủ thể: A đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đồng thời A cũng là Phó Chánh
án Tòa án huyện X (chủ thể đặc biệt).

Hành vi của A cấu thành Tội tha trái pháp luật người đang bị tạm giam (Điều 378 BLHS
2015):
- Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan Tư pháp.
- Mặt khách quan: A đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để ra quyết định hủy bỏ
biện pháp tạm giam dù không có đủ căn cứ và cho bị cáo N tại ngoại.
- Chủ thể: A đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đồng thời A cũng là Phó Chánh
án Tòa án huyện X (chủ thể đặc biệt).
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi của A cấu thành Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 375 BLHS 2015):
- Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của hoạt động tố tụng.
- Mặt khách quan:
+ Hành vi: A đã tiêu hủy, sửa chữa, bổ sung một số tài liệu trong hồ sơ vụ án.
+ Hậu quả: làm cho những chứng cứ ban đầu không chính xác dẫn đến việc giải quyết vụ
án bị sai lệch.
- Chủ thể: A đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đồng thời A cũng là Phó Chánh
án Tòa án huyện X (chủ thể đặc biệt).
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi của A cấu thành Tội mua chuộc người khác trong việc khai báo (Điều 384 BLHS
2015):
- Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các Cơ quan Tư pháp, đồng thời xâm
phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Mặt khách quan: A bí mật gặp gỡ người làm chứng trong vụ án là B với mục đích mua
chuộc B với số tiền là 100 triệu đồng để B khai lại toàn bộ lời khai theo hướng có lợi cho
N.
- Chủ thể: A đủ tuổi và đủ năng lực trách nhiệm hình sự đồng thời A cũng là Phó Chánh
án Tòa án huyện X (chủ thể đặc biệt).
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. A nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi của M cấu thành Tội đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015):
- Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức.
- Mặt khách quan: Do biết A là người trực tiếp thụ lý vụ việc nên M là anh ruột của N đã
đến gặp A, đề nghị A giúp đỡ. M có hành vi đưa của hối lộ trị giá 100 ngàn USD cho A để
A làm một việc theo yêu cầu của M là giải quyết vụ việc theo hướng tuyên bị cáo N không
phạm tội.
- Chủ thể: M là chủ thể thường, đạt độ tuổi luật định và có năng lực chịu trách nhiệm hình
sự.
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. M nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Hành vi của B cấu thành Tội khai báo gian dối (Điều 382 BLHS 2015):
- Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của Cơ quan Tư pháp.
- Mặt khách quan: B là người làm chứng trong vụ án của N và có hành vi khai gian dối
toàn bộ lời khai để có lợi cho N.
- Chủ thể: người làm chứng B là chủ thể thường, đạt độ tuổi luật định và có năng lực chịu
trách nhiệm hình sự.
- Mặt chủ quan: lỗi cố ý trực tiếp. B nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật
nhưng vẫn thực hiện hành vi.

Bài tập 41: Trong khi nghiên cứu hồ sơ vụ án A phạm tội tham ô tài sản. K là kiểm
sát viên thụ lý vụ án đã yêu cầu người nhà bị can nộp 10 triệu đồng để K làm nhẹ tội
cho A. Sau khi nhận đủ số tiền của gia đình A, K đã hủy 3 trong số 6 chi phiếu giả
mà A đã dùng để rút tiền của nhà nước ra khỏi hồ sơ vụ án và chỉ quy kết A phải
chịu trách nhiệm về 10 triệu đồng trong tổng số 150 triệu đồng đã chiếm đoạt của
nhà nước. Do thiếu căn cứ quy kết A tham ô 150 triệu đồng như trong kết luận điều
tra đã phản ánh, TAND tỉnh H căn cứ vào các tình tiết khác như số tiền tham ô
không lớn, bị cáo đã bồi thường toàn bộ số tiền tham ô và các tình tiết giảm nhẹ khác
tuyên phạt A 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Theo anh (chị), K đã phạm tội gì? Tại sao?
● K đã phạm Tội nhận hối lộ tại Điều 354 BLHS 2015
Khách thể: xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ
chức ngoài nhà nước.
Đối tượng tác động: 10 triệu đồng
Mặt khách quan:
- Hành vi: K yêu cầu người nhà bị can nộp 10 triệu đồng để K làm nhẹ tội cho A
và K đã nhận số tiền trên.
Chủ thể: K là chủ thể đặc biệt. K đủ tuổi và nặng lực trách nhiệm hình sự đồng thời K
là kiểm sát viên và đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận hối lộ.
Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp. K nhận thức được hành vi yêu cầu A nộp 10 triệu để
giảm nhẹ tội cho A là trái pháp luật và là ảnh hưởng đến hoạt động điều tra của cơ
quan, tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước nhưng K vẫn muốn nó xảy ra.
- Động cơ: vụ lợi
● Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo điều 375 BLHS 2015
Khách thể: xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động tố tụng.
Đối tượng tác động: hồ sơ vụ án của A
Mặt khách quan:
- Hành vi: K đã hủy vật chứng của vụ án, cụ thể là hủy 3 trong số 6 chi phiếu giả
mà A đã dùng để rút tiền của nhà nước ra khỏi hồ sơ vụ án và chỉ quy kết A
phải chịu trách nhiệm về 10 triệu đồng trong tổng số 150 triệu đồng đã chiếm
đoạt của nhà nước

- Chủ thể: K là chủ thể đặc biệt. K đủ tuổi và nặng lực trách nhiệm hình sự đồng
thời K là kiểm sát viên và đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận hối
lộ.
Mặt chủ quan: K phạm lỗi cố ý trực tiếp mặc dù biết hành vi tiêu hủy chứng cứ là
hành vi trái pháp luật dẫn đến việc vụ án bị giải quyết sai lệch nhưng K vẫn để nó xảy
ra.
- Mục đích:làm sai lệch hồ sơ vụ án để giảm nhẹ tội cho A

You might also like