You are on page 1of 7

1. “Thiện nguyện” được hiểu như thế nào?

(Phân biệt “Từ thiện” và “Thiện nguyện”)


Trước khi đến với khái niệm “Thiện nguyện”, thì các bạn cho mình hỏi “Từ thiện” và
“Thiện nguyện” là giống hay khác nhau ạ?
Trên quan điểm của nhóm mình, thì “Từ thiện” và “Thiện nguyện” là khác nhau.

Từ thiện
Từ thiện vốn là từ Hán Việt. “Từ thiện” được kết hợp giữa “Thiện” - có nghĩa là việc
tốt và “Từ” - có nghĩa là lòng thương yêu. Như vậy, Từ thiện là việc tốt từ tâm, xuất phát từ
lòng thương yêu bằng những nghĩa cử hàng ngày trong cuộc sống như ân cần đối xử với
người khác, cứu tế người gặp nạn, nâng đỡ tinh thần những người đau khổ. Lòng thương yêu
này phải đến một cách tự nhiên, từ một trái tim mở rộng, chứ không phải đến từ trào lưu.

Thiện nguyện
Những người làm từ thiện hiện nay, có người làm vì trái tim họ cảm thấy xót thương
cho số phận con người; có người làm vì muốn bù đắp lại những tội lỗi do việc làm ăn bất
chính của mình; cũng có người muốn làm từ thiện vì danh tiếng, truyền thông; hoặc đơn giản
hơn họ làm từ thiện vì “rửa tiền”.
Nếu “làm từ thiện” mà không xuất phát từ lòng yêu thương, từ tâm thiện ở bên trong,
chỉ nghĩ rằng họ khó khăn, mình phải cứu giúp họ thì đó là “sự thương hại”. Và nhiều người
“làm từ thiện”, tự đặt ra cái suy nghĩ mình là một đấng cứu thế, đang cứu vớt những người
nghèo khổ, làm điều tốt cho xã hội thì đó cũng không gọi là từ thiện. Và đó chúng tôi là gọi là
“thiện nguyện”.
Nói một cách dễ hiểu, thì “thiện nguyện” là việc làm hướng tới điều tốt lành, cho dù là
động cơ mục đích của việc làm đó là tốt hay xấu đi nữa, thì đó vẫn là điều tốt - vì có những
người nghèo vẫn được hưởng lợi ích từ điều đó.

2. Góc nhìn của cộng đồng về việc thiện nguyện


2.1 Thiện nguyện ở góc nhìn của mọi người trong xã hội
Truyền thống “lá lành đùm lá rách” ở Việt Nam đã có từ rất lâu. Nó được truyền qua
từng thế hệ như lời căn dặn của ông cha ta một nét đẹp trong mỗi con người. Qua từng thế hệ
việc thiện nguyện có những cách thể hiện khác nhau và đều mang ý niệm tốt đẹp.
Thời gian vừa qua, nước ta bước vào một giai đoạn đầy thách thức khi dịch bệnh
Covid-19 bùng phát trở lại với cường độ mạnh hơn, tốc độ lây nhiễm của chủng mới tăng gấp
nhiều lần. Sau những thành công ở những giai đoạn đầu, ở đợt dịch bùng phát lần thứ 4 này,
nước ta đã ghi nhận hàng trăm rồi đến hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Nhưng chính
trong thời điểm này, chúng ta tiếp tục được chứng kiến một dân tộc Việt Nam đồng sức, đồng
lòng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ
đạo điều hành quyết liệt, sát sao và kịp thời của Ðảng, Chính phủ.
Đó là hình ảnh các bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã ở tuổi xưa nay hiếm vẫn dành dụm
những đồng tiền tiết kiệm ít ỏi để chung tay cùng Nhà nước chống dịch.
Đó còn là hình ảnh các em nhỏ đang cắp sách đến trường, nhưng cũng sẵn sàng dành
những đồng tiền mừng tuổi, những con lợn đất để mua khẩu trang ủng hộ chiến dịch chống
lại Covid-19.
Tại Hà Nội và Sài Gòn, nhiều địa điểm phát đồ ăn miễn phí được thiết lập từ các nhà
hảo tâm, doanh nghiệp với phương châm “Lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”
với thông điệp lan tỏa “Nếu khó khăn, hãy lấy một gói mỗi ngày. Nếu bạn ổn, xin nhường
cho người khác”. Mỗi suất quà có khi chỉ là gói mì tôm, cái xúc xích hay một cân gạo… cũng
đủ làm ấm lòng những người đang gặp khó.
Chắc hẳn cụm từ “giải cứu” không còn xa lạ gì với chúng ta. Hằng năm, việc “giải
cứu” dứa, dưa hấu và đủ loại nông sản đã như một hoạt động quen thuộc với người dân Việt
Nam. Nhưng phải đến khi người nông dân kêu cứu vì hàng trăm tấn thanh long mắc kẹt do
Covid-19, thì bằng một hành động thiết thực, những chiếc bánh mì thanh long đỏ rực mới
xuất hiện như một sáng kiến đầy nhân văn. Lần này, một món bánh mới đại diện cho một giai
đoạn đầy khó khăn nhưng ta vẫn cùng nhau đứng lên: “Bánh mì thanh long”, dưới ý tưởng
của “vua bánh mì” Việt sáng lập ra chuỗi cửa hàng bánh ngọt ABC Kao Siêu Lực.
Và còn rất nhiều những năng lượng tích cực đang được nhân rộng từng ngày trong
cuộc sống, là nguồn động lực để chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn
mỗi ngày.
Tuy nhiên, hai chữ “thiện nguyện” đang bị lợi dụng, bóp méo như thế nào?
Hẳn chúng ta không còn lạ với những câu chuyện về em Hào Anh, nhận tiền từ thiện
rồi tiêu xài hoang phí, hắt hủi bố mẹ, hết tiền thì ăn cắp. Dẫu biết rằng, từ thiện là hoạt động
thể hiện tính nhân văn, nhân đạo giữa con người với con người, là nét đẹp văn hóa của người
Việt nên không nhất thiết cần phải có quy định nào ràng buộc. Thế nhưng, nếu cứ từ thiện
theo kiểu phong trào, thì không ít người nghèo, người tốt trong những câu chuyện cổ tích mà
bạn vẫn được nghe xưa kia sẽ trở thành người người xấu. Vì nhiều tiền rồi thì không cần phải
làm việc để có tiền và kết quả là "nhàn cư vi bất thiện".
Ngày 10.11.2015, báo Thanh Niên có bài viết “Cướp cơm từ thiện ở Sài Gòn” phản
ánh việc nhiều người tới lấy cơm từ thiện trước cổng bệnh viện một cách chuyên nghiệp. Lấy
xong, họ chọn cơm ngon để ăn, còn thừa thì bán lại với giá 10.000 đồng/hộp, cơm không
ngon hoặc cơm chay họ đem về cho heo ăn, một số dân nhậu thì lấy thịt, đồ ăn làm mồi nhậu,
cơm trắng thì vứt vung vãi trước cửa bệnh viện. Tệ hại hơn, không ít thành phần là con
nghiện, người vô gia cư, lười lao động cứ vật vờ trước cửa bệnh viện chờ lấy cơm từ thiện.
Họ chẳng làm gì, chỉ nhậu, hút chích hoặc tán dóc trước cổng bệnh viện từ sáng tới tối, cứ có
ai đến cho cơm là họ xông ra giành lấy. Có người còn đem cơm lấy được về bán lại một ngày
cũng được mấy chục ngàn đồng.
Trong một xã hội hiện đại với tương quan phức tạp, trách nhiệm của công dân có ý
thức không chỉ là “lá lành đùm lá rách” mà cần phải cố gắng hiểu những tương quan đó, tự
hỏi mình về trách nhiệm cá nhân cũng như đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay
đổi những nguyên nhân của vấn đề hoặc chí ít không làm vấn đề trầm trọng hơn.
2.2. Thiện nguyện ở góc nhìn pháp lý
Hoạt động thiện nguyện nở rộ ngoài việc thể hiện sự phân hoá giàu nghèo trong xã
hội còn thể hiện sự nhân văn và ý thức vì cộng đồng của một số người dư giả. Tuy vậy, hoạt
động thiện nguyện mất kiểm soát lại đưa xã hội đứng trước những hiểm hoạ khó lường khi nó
làm mất đi ý thức lao động trong một bộ phận người nghèo, đẩy họ vào hoàn cảnh dễ dàng
phạm tội. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những chế tài rõ ràng, cụ thể và sự vào cuộc rốt ráo
của các cơ quan chức năng để chấn chỉnh các hoạt động thiện nguyện nhằm đạt được những
giá trị cao đẹp vốn có của nó.
Chúng ta đã có các quy định khi thành lập quỹ từ thiện. Tuy nhiên, chưa tìm thấy
những quy định hoặc chế tài xử phạt những người hoạt động thiện nguyện tự phát hoặc có
dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản từ các hoạt động thiện nguyện. Chúng ta cũng chưa
tuyên truyền, giáo dục kèm hướng dẫn pháp luật về việc tổ chức thực hiện từ thiện. Do vậy,
cả xã hội ta đang hoạt động thiện nguyện một cách tự phát, mất kiểm soát, không có phương
pháp, không có mục đích rõ ràng và đang gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Nếu không có sự can thiệp chấn chỉnh kịp thời và đủ tính răn đe từ pháp luật, e rằng
hoạt động thiện nguyện mất kiểm soát sẽ biến tướng thành các hình thức lừa đảo, và đẩy lùi ý
thức lao động của xã hội hoặc chỉ tạo thêm tệ nạn cho xã hội mà thôi.
Ngoài ra, thiện nguyện còn giúp chính bản thân chúng ta:

3. Mặt tích cực của việc thiện nguyện


Mặc dù người Việt thường có khuynh hướng giúp những người kém may mắn, hầu
hết những việc làm từ thiện này đáp ứng những nhu cầu tức thời hoặc những nỗ lực cứu trợ
trực tiếp. Một nghiên cứu năm 2015 của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường cho
thấy người Việt đóng góp nhiều nhất vào việc giúp đỡ người nghèo và cứu trợ thảm họa.
Những đóng góp nhằm tạo ra các tác động lâu dài và bền vững, hoặc giải quyết các vấn đề xã
hội phức tạp như sức khỏe, môi trường, giáo dục và văn hóa, vẫn còn hạn chế. Các nguồn lực
thiện nguyện chưa mang lại công bằng xã hội, hoặc những tác động phát triển lớn lao.
Các phong trào thiện nguyện rất có ích ở điểm có thể giúp huy động các nguồn vốn dân sự
để giải quyết một số khó khăn trong xã hội, đặc biệt ở các thời điểm có thiên tai, địch họa.
Hiện nay, ta thấy, nhà nhà đi giúp đỡ người nghèo, người người đi giúp đỡ người nghèo, đại
gia dốc cả tỉ bạc để cho người nghèo, ca sĩ cũng bán vé rồi trích ra một phần ủng hộ người
nghèo, các tổ chức xã hội và dân sự cũng lao vào giúp đỡ người nghèo để đánh bóng tên tuổi,
các tu sĩ ở cả hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Công giáo cũng tuyên truyền rằng làm việc
thiện sẽ giúp rửa nghiệp hoặc rửa tội… Tóm lại, trong việc này, người nghèo được lợi, và
những người đi giúp người nghèo cũng được lợi.
- Kết nối, tạo dựng và mở rộng mối quan hệ
Một trong những cách tốt nhất để kết bạn mới và củng cố các mối quan hệ hiện có là cùng
nhau hoạt động tình nguyện. Và đi làm thiện nguyện cho phép bạn làm điều đó. Trên thực tế,
đi từ thiện là một cách quan trọng và thú vị. Nó giúp bạn gặp gỡ nhiều người từ mọi tầng lớp
khác nhau. Thiện nguyện cũng là một thứ có thể làm bạn cởi mở và có cái nhìn thêm tích cực.
- Giúp xây dựng sự tự tin và lòng tự trọng
Thật tình mà nói, làm thiện nguyện sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn về bản thân. Điều mà bạn
có thể làm với thói quen thường xuyên của mình. Tạo ra cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống
và mục tiêu tương lai của chính bạn. Làm điều tốt cho người khác và cộng đồng giúp tạo ra
cảm giác hoàn thành tự nhiên. Và làm việc như một tình nguyện viên cũng có thể mang lại
cho bạn cảm giác tự hào. Thêm cảm hứng để tăng cường sự tự tin hơn nữa để bạn luôn luôn
cảm giác được thoải mái trong cuộc sống.
- Đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe thể chất
Điều thú vị khi làm thiện nguyện sẽ có ích cho sức khỏe và tăng cường tinh thần của bạn.
Đáng ngạc nhiên hơn chính là gia tăng sức khỏe thể chất. Ngày càng có nhiều bằng chứng
cho thấy rằng những người dành thời gian cho người khác có thể được hưởng lợi từ huyết áp
thấp hơn và tuổi thọ dài hơn. Một nghiên cứu năm 1999 cho thấy, những người thích làm
thiện nguyện có tỷ lệ tử vong thấp hơn 63% so với người không làm tình nguyện. Và nghiên
cứu (2013) từ Đại học Carnegie Mellon cho thấy: những người trưởng thành trên 50 tuổi
thường xuyên ít có khả năng bị huyết áp cao so với những người không tình nguyện.
Trưởng nhóm nghiên cứu Rodlescia Sneed nói rằng: làm thiện nguyện có thể làm tăng hoạt
động thể chất trong số những người thường không hoạt động. Và nó cũng có thể làm giảm
căng thẳng.
- Làm thiện nguyện giúp bạn thêm nguồn năng lượng tích cực
Một lợi ích khác khi làm thiện nguyện là tập trung vào người khác có thể cho chúng ta cảm
nhận sâu sắc hơn về quan điểm. Qua đó, giúp chúng ta phân tâm khỏi những suy nghĩ tiêu
cực. Tình nguyện thường liên quan đến việc giúp đỡ những người gặp khó khăn. Và càng trở
nên hữu ích trong việc cho chúng ta thấy rằng, trên thực tế, cuộc sống của chúng ta không tệ
như chúng ta nghĩ.
- Thiện nguyện góp phần quan trọng cho sự nghiệp của bạn
Trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, kinh nghiệm tình nguyện có thể vô
cùng hữu ích. Nó khẳng định với các nhà tuyển dụng rằng: bạn có thể chủ động. Và bạn đã
sẵn sàng dành thời gian của riêng mình để cải thiện thế giới cho những người khác. Hơn nữa,
khi làm thiện nguyện sẽ mang đến cho bạn cơ hội thực hành các kỹ năng phổ biến. Được sử
dụng tại nơi làm việc, chẳng hạn như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, lập kế
hoạch và tổ chức.
- Công việc thiện nguyện dạy cho bạn sự khiêm tốn
Làm tình nguyện hàng tuần để ghi chú cho một sinh viên đại học, người tình cờ ngồi xe lăn.
Và bạn sẽ được truyền cảm hứng từ họ. Quan sát động lực của người khác để đáp ứng những
thách thức hàng ngày của họ. Qua đó, bạn sẽ học được sự khiêm tốn.
- Làm thiện nguyện cũng là đang phát triển thương hiệu cho bản thân
Với công việc thiện nguyện, bạn sẽ khẳng định giá trị con người của chính bạn. Qua đó,
cộng đồng và mọi người sẽ biết đến bạn nhiều hơn.

4. Mặt hạn chế (bất cập) của việc thiện nguyện


Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, việc làm “thiện nguyện” sẽ gây ra bước cản cho xã hội.
Dưới đây, tôi xin được đưa ra mấy lập luận sau:
Thứ nhất, các quỹ chưa có cơ chế kiểm tra chất lượng hoạt động và tính minh bạch
của mình. Chúng ta chưa biết được tiền ủng hộ của mình cho một quỹ hoạt động nào đó có
được tiêu một cách đúng mục tiêu hay không, hay lại xảy ra hiện trạng bớt xén hoặc lợi dụng
quỹ để đầu cơ vào bất động sản hay cho vay nặng lãi. Bên cạnh đó, nguồn gốc của các khoản
tiền ủng hộ ra sao, chúng ta cũng không biết. Đó là khoản tiền “sạch”, hay là tiền “bất chính”
của các doanh nghiệp làm ăn không chân chính đang cần được hợp lý hóa mà phương án
“ban phát cho người nghèo” luôn là hữu hiệu nhất. Vậy thì, một cơ chế bắt buộc trong công
khai minh bạch các quỹ thiện nguyện cả ở hai đầu thu – chi là một điều cần thiết để đảm bảo
quyền lợi của tất cả các bên.
Thứ hai, việc làm thiện nguyện chỉ cho người dân nghèo con cá mà không cho họ cần
câu, khiến họ đã nghèo còn nghèo mãi, thậm chí còn thấy việc nghèo là có lợi. Bởi họ không
chịu học nghề, không chịu lao động, hoặc có nhưng vẫn núp dưới bóng nghèo khổ để chờ trợ
cấp của các đoàn thiện nguyện liên tục đến như phong trào. Việc “làm thiện nguyện” kiểu
cho con cá chứ không phải cần câu, sẽ gây ra tình trạng nghèo hóa là thực. Bởi trên thực tế,
các khu vực nghèo hoặc những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn thường đến từ mấy nguyên
nhân:
1. Vì có người tàn tật (đối với gia đình);
2. Vì đất đai cằn cỗi không thể kiếm lợi;
3. Vì dốt nát về kiến thức;
4. Vì lười biếng.
Với 4 lý do trên, ngoài lý do thứ nhất ra, cả ba lý do còn lại đều có thể được cải thiện bằng
nhiều cách. Thế nhưng, các “nhà thiện nguyện hảo tâm” cũng như các quỹ thiện nguyện đã
không đầu tư nhiều để cải thiện ba lý do trên mà chỉ đổ tiền vào giúp đỡ như muối bỏ bể,
không biết bao nhiêu là đủ. Và thế là nghèo lại hoàn nghèo.
5. Thực trạng việc làm “thiện nguyện” hiện nay ở nước ta
Trên thực tế, việc “thiện nguyện” nhiều năm qua đã trở thành một "trào lưu" trong không ít
cá nhân, doanh nghiệp (DN). Họ đem việc thiện ra làm trò đùa nhằm đánh bóng tên tuổi bản
thân, DN; thậm chí có kẻ còn trục lợi, kiếm chác tiền bạc trên danh nghĩa làm từ thiện cho
người hoàn cảnh ngặt nghèo, cần được giúp đỡ trong xã hội. Tiền không đến tay người nhận,
bởi đâu có tiền mà chỉ có lời hứa suông. Một trường hợp khác là lợi dụng đứng ra kêu gọi
quyên góp cho người cần giúp đỡ, cho tài khoản cá nhân rồi "ẵm" hết tiền chuyển đến, trục
lợi trên lòng tốt của các cá nhân, cộng đồng xã hội…
Hám danh, thích khoe mẽ cũng đã trở thành thói xấu trong một bộ phận DN và doanh nhân,
cộng đồng người Việt. Một sự kiện lớn, được truyền hình trực tiếp, khán giả thấy bóng dáng
một số người mang danh doanh nhân, đại diện DN lên sân khấu, trao tặng số tiền lớn ghi lên
tấm bảng. Nhưng sau đó nhiều người trong số họ không chuyển tiền cho nơi đã hứa. Khi báo
chí thông tin thì họ khất lần, thậm chí có người nại lý do làm ăn thua lỗ, khó khăn để không
thực hiện lời hứa. Đáng phê phán hơn là tình trạng "kinh doanh từ thiện" với những biểu hiện
đáng ngờ. Đây là cái ác giấu che, mượn danh từ thiện để trục lợi. Phía sau những căn phòng
kín, họ bàn bạc, chia chác số tiền thu lợi bất chính từ lòng tốt của người đời sau khi nhận và
chia lại một phần cho những người cần được giúp đỡ. Trong thực tế hầu như chưa có cơ quan
chức năng nào kiểm tra, xử lý những hoạt động bất chính này.
Đừng nói chi đâu xa, ngay tại môi trường đại học, vẫn có không ít bạn sinh viên hoạt động
tình nguyện chỉ nhằm mục đích như mở rộng mối quan hệ, ghi thêm vài dòng vào “bảng
thành tích” để thuận lợi hơn cho vấn đề xin việc khi ra trường hay có thêm “điểm cộng” để
đạt được học bổng.
Làm từ thiện cốt ở tấm lòng, cần sự khiêm cung, không phải là chỗ để khoe danh, khoe mẽ.
Trong việc này đừng để tốt xấu, thiện ác là ranh giới mong manh mà là hai mặt của sự vật,
hiện tượng, cần được rạch ròi.
6. Hướng giải quyết tình trạng “thiện nguyện” hiện nay
Để có một hướng đi mới dẫn đến các hoạt động thiện nguyện hiệu quả hơn, trước hết, ta
phải mở rộng khái niệm “thiện nguyện”. Làm “thiện nguyện” không phải đơn thuần là cứu
giúp người nghèo. Đó là những công việc huy động nguồn vốn xã hội để giúp đời sống xã hội
tốt hơn. Xã hội có thể tốt hơn bằng nhiều cách.
Với những hộ gia đình hoặc khu vực nghèo khó, thay vì chúng ta cho họ tiền bạc, chúng ta
có thể hướng dẫn cho họ cách kiếm sống phù hợp với năng lực của họ. Việc này đương nhiên
cần có kiến thức, thời gian, và nhân sự. Để làm công việc thiện nguyện một cách nghiêm túc,
chúng ta cần phải chuẩn bị đầy đủ và chu đáo. Tôi được biết ở Việt Nam có một mô hình hoạt
động như vậy, được gọi là các “quỹ tài chính vi mô”. Những người làm “tài chính vi mô” sẽ
vận động quỹ, mời chuyên gia về phân tích các đặc tính của làng xã rồi hướng dẫn làng xã
sản xuất ra các mặt hàng thủ công. Các quỹ này còn tư vấn cho người dân nghèo cách thức
thiết kế sản phẩm, quản lý tài chính và móc nối với các đầu mối thu mua sản phẩm ở nước
ngoài. Đây là một hình thức mới đang dần dần chứng minh tính hiệu quả của mình. Đó chỉ là
một trong số rất nhiều các mô hình tài chính có thể giúp đỡ người nghèo.
Và thời gian vừa qua thì chắc hẳn các bạn cũng biết vụ việc giữa một nữ doanh nhân với các
nghệ sĩ trong showbiz về việc vận động các quỹ thiện nguyện để hỗ trợ người dân miền trung
trong đợt lũ vừa rồi đúng không ạ? Đó có lẽ là một bài học rất lớn cho những thế hệ sau này
nói chung và thế hệ nghệ sĩ nói riêng về việc kêu gọi các quỹ thiện nguyện.
Và từ câu chuyện này, bài học chúng ta rút ra được là gì? Để vận động thực hiện các hoạt
động thiện nguyện được tốt, trước hết cần tuân thủ pháp luật, câu hỏi đầu tiên là tổ chức, cá
nhân đó có cơ sở pháp lý, chức năng để thực hiện nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, phân phối
cứu trợ trong tình huống có thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc chăm lo bệnh nhân bị bệnh
hiểm nghèo hay không nhằm đảm bảo không gặp rắc rối về pháp lý khi có các sự việc không
tốt xảy ra trước, trong và sau khi thực hiện công tác thiện nguyện. Hai là, phải có cơ sở, chủ
trương, nắm được nhu cầu thực tế về việc giúp đỡ đối với các cá nhân, địa phương cần được
hỗ trợ giúp đỡ. Ba là, xây dựng kế hoạch bám theo quy trình từ vận động, phân phối, thực
hiện các quyết toán, công khai minh bạch. Bốn là, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền tại
nơi làm công tác xã hội để đảm bảo được an ninh trật tự; bảo đảm về đối tượng, tất nhiên bên
hỗ trợ phải làm công tác giám sát, kiểm tra ngẫu nhiên hoặc nghi ngờ có sự khuất tất thì có
biện pháp kiểm tra phối hợp cấp ủy, chính quyền xử lý. Năm là, phải đảm bảo trao đúng, đủ
về tiền và đối với hàng hóa còn phải đảm bảo chất lượng, giá trị món quà hoặc giá trị các
công trình, dự án. Sáu là, phải phối hợp thực hiện công tác quyết toán tài chính, công khai
minh bạch từ trong nội bộ đến thông tin đến các đối tác, trong một số trường hợp thông tin
trên hệ thống truyền thông.
Xét một cách tổng quát, việc làm thiện nguyện sẽ phát huy được tối đa tất cả sự hữu ích của
mình, nếu được đặt trên nền tảng là một cơ chế minh bạch tài chính, sự hiểu biết về tri thức
và sự trung thực với bản thân của mỗi nhà thiện nguyện. Nếu không, công việc “thiện
nguyện” sẽ trở thành vỏ bọc cho những động cơ không chính đáng, và sẽ chỉ kéo lùi sự tiến
bộ của xã hội bằng việc tạo ra một lớp người nghèo đói chỉ biết ngửa tay cầu xin lòng thương
hại.

You might also like