You are on page 1of 6

Đề bài:

Theo anh/ chị, có những thách thức và thuận lợi nào cho ngành ngân hàng Việt
Nam trong giai đoạn hiện nay ?

Bài làm:

Ngân hàng luôn là ngành đóng vai trò quan trọng, chủ chốt trong nền kinh tế Việt
Nam. Hệ thống ngân hàng là nơi huy động nguồn vốn chủ yếu phục vụ các hoạt động
kinh doanh, sản xuất, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, xây dựng
nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu
rộng, đồng thời nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến
phức tạp với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới nguy hiểm hơn, nguy cơ lây lan
cao hơn, cùng với những vấn đề xung đột chính trị càng khiến nền kinh tế Việt Nam
trong những năm gần đây ảm đạm, khó phát triển. Với triển vọng kinh tế và lạm phát
toàn cầu không mấy khả quan như hiện nay, ngành ngân hàng đã và đang gặp rất nhiều
khó khăn, thách thức.

Thách thức 1: Chuyển đổi số ngân hàng

COVID – 19 đã có nhiều tác động đến nhu cầu của người dân trong việc sử dụng dịch
vụ ngân hàng điện tử trong giao dịch hằng ngày, thay thế cho các loại hình ngân hàng
truyền thống. Trong bối cảnh hội nhập và hợp tác diễn ra mạnh mẽ, việc áp dụng công
nghệ kĩ thuật vào mọi lĩnh vực đời sống ngày càng rộng rãi, áp lực cạnh tranh về mảng
ngân hàng số trong toàn ngành ngân hàng ngày càng khốc liệt. Điều này khiến các
ngân hàng phải nỗ lực nhiều hơn trong việc cung cấp những dịch vụ mới hơn, tốt hơn
cho khách hàng. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có 95% tổ chức
tín dụng đã và đang xây dựng triển khai chiến lược chuyển đổi số. Ngân hàng TMCP
Ngoại thương Việt Nam thử nghiệm mô hình kinh doanh số ( Vietcombank Digital);
NHTMCP Tiên Phong triển khai Livebank giúp khách hàng đăng kí vân tay, nhận diện
khuôn mặt chỉ mất 3 giây và định danh điện tử giúp khách hàng đăng khí, đăng nhập
tài khoản và xử lí giao dịch chỉ mất 30 giây,… Tuy rằng những bước đầu trong việc
xây dựng và áp dụng công nghệ vào lĩnh vực ngân hàng mang lại nhiều kết quả khả
quan, nhưng chuyển đổi số không phải là một công việc đơn giản, ngược lại, điều này
đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho cả hệ thống ngành tài chính – ngân hàng. Với
việc áp dụng công nghệ mới, nhiều ngân hàng đang gặp rất nhiều vấn đề bởi sự thay
thế của công nghệ trong quy trình vận hành, hoạt động. Mặc dù dịch vụ ngân hàng di
động (Mobile banking) hiện nay đã rất phổ biến, tuy nhiên nó vẫn chứa đựng nhiều lỗ
hổng trong việc bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng cũng như lịch sử giao
dịch của khách hàng, từ đó dẫn đến các vụ phạm tội ở nhiều mức độ. Cụ thể, theo một
thống kê, lĩnh vực tài chính – ngân hàng chiếm khoảng 51% các vụ lừa đảo trên mạng
trong năm 2018; động cơ chính của tội phạm mạng xuất phát từ lợi ích tài chính chiếm
đến 86%; sự cố an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính do cuộc tấn công ứng dụng
web chiếm khoản 30%. Các số liệu này đã phần nào nói lên sự nguy hiểm, rủi ro mà
chuyển đổi số ngân hàng mang lại. Bên cạnh các vấn đề về an ninh mạng thì hành lang
pháp lý về ngân hàng số cũng là vấn đề đang được quan tâm. Lĩnh vực ngân hàng
đóng vai trò quan trọng trong quá trính vận hành nền kinh tế quốc dân, bởi vậy tất cả
các ngân hàng đều phải tuân theo pháp luật. Lĩnh vực công nghệ vẫn được xem như
khá mới mẻ ở thị trường Việt Nam vì vậy mà khung pháp lí cũng như các văn bản
pháp luật về nó vẫn còn khá dở dang. Thêm vào đó, quy trình, thủ tục ban hành một
văn bản pháp luật thường tốn rất nhiều thời gian, trong khi tốc độ phát triển của khoa
học công nghệ lại vô cùng nhanh. Việc các quy định pháp lí trong nước chưa theo kịp
với yêu cầu khiến các ngân hàng e dè trong việc áp dụng công nghệ, dịch vụ mới.
Nhiều quy định tại các văn bản quy phạm, kể cả luật có nhiều bất cập, chồng chéo,…
Những lý do này càng làm cho quá trình chuyển đổi công nghệ số ở các ngân hàng
Việt Nam bị chững lại so với các quốc gia khác trên thế giới.

Thách thức 2: Lạm phát

Năm 2022, thế giới xảy ra rất nhiều sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn
cầu. Đại dịch COVID – 19 tuy đã phần nào được kiểm soát nhưng nó vẫn có nguy cơ
bùng phát lại bất cứ lúc nào, vì vậy mà các hoạt động kinh tế, hay thị trường tài chính
hồi phục vẫn còn khá chậm; xung đột chiến tranh giữa Nga – Ukraine kéo theo nhiều
hệ luỵ: lạm phát toàn cầu liên tục lập đỉnh, giá năng lượng tăng phi mã. Đây không chỉ
là vấn đề giữa hai quốc gia, mà còn tác động đến thương mại và thanh toán quốc tế.
Tại Mỹ, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 40 năm; còn tại Anh, lạm phát
cũng tăng lên cao nhất trong 30 năm. Lạm phát tăng cao kỉ lục đã buộc hầu hết các
ngân hàng trung ương áp dụng các chính sách thắt chặt tiền tệ đồng thời tăng mạnh lãi
suất để ứng phó. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm như vậy, Việt Nam cũng
không tránh khỏi ảnh hưởng. Giá cả hàng hoá, dịch vụ, năng lượng đang nóng lên
trong thời gian gần đây, đây sẽ là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc điều hành tỉ giá, lãi
suất,… ở các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hạn mức tín
dụng cùng với sự biến động của lạm phát. “ Liệu có nên nới lỏng tăng trưởng tín dụng
cho ngân hàng thương mại hay không?” vẫn đang là vấn đề “đau đầu” trong tình hình
lạm phát gia tăng đột biến như hiện nay. Trong những năm gần đây, cụ thể là từ 2020
đến nay, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đều vượt mức 20%, cao hơn
nhiều so với con số định hướng tăng trưởng tín dụng đề ra là 14%. Với tốc độ này nếu
không có biện pháp kiểm soát hạn mức tín dụng chặt chẽ thì áp lực lạm phát sẽ rất lớn,
áp lực tăng lãi suất huy động cũng rất cao. Trước sức ép mà lạm phát mang lại, ngành
ngân hàng sẽ gặp phải nhiều khó khăn khi cần phải đảm bảo nguồn cung vốn, giữ ổn
định lãi suất để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đồng thời cũng phải kiềm chế lạm phát ở
mức có thể kiểm soát, từ đó ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Thách thức 3: Kiểm soát nội bộ và Đội ngũ nhân viên

Lĩnh vực ngân hàng thường tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra sai sót trong quá trình làm
việc, chỉ sai sót nhỏ của một bộ phận nào đó cũng có thể dẫn đến sự đổ vỡ của cả một
hệ thống ngân hàng. Một ngân hàng có vấn đề cũng có thể gây nên sự sụp đổ hàng loạt
của dây chuyền hệ thống tài chính – ngân hàng, kéo theo sự suy thoái của nền kinh tế
quốc gia. Kiểm soát nội bộ hữu hiệu cùng với đội ngũ cán bộ tiềm năng có thể giúp
đảm bảo ngân hàng đạt được các mục tiêu dài hạn, duy trì uy tín đối với khách hàng.
Vì vậy, vấn đề kiểm soát nội bộ luôn được đặt lên hàng đầu trong việc quản lí cũng
như điều hành một ngân hàng, đây đồng thời là thách thức mà nhiều nhà quản trị đang
đối mặt.

Theo nhiều khảo sát cho thấy, hệ thống kiểm soát nội bộ trong các ngân hàng ở Việt
Nam hiện nay vẫn còn khá nhiều bất cập, chẳng hạn như: hầu hết các văn bản nội bộ
mà ngân hàng ban hành đều chỉ mang tính hình thức, không có tính thực tiễn, áp dụng
cao. Các nhà quản trị vẫn còn khá thờ ơ trong việc xây dựng các ước tính kế toán như
trong việc phân loại nợ, trích lập dự phòng,… Việc kiểm soát nội bộ không chỉ đơn
thuần là những chính sách, thủ tục, văn bản,… mà vai trò con người trong đó đóng vai
trò rất quan trọng. Chính con người định ra mục tiêu, thiết lập cơ chế kiểm soát ở mọi
nơi và vận hành chúng. Tuy nhiên, việc phân bổ nhiệm vụ cụ thể cho từng nhân viên,
đặc biệt là thành viên quản trị chưa được rõ ràng. Nguyên tắc bất kiêm nhiệm chưa
được tuân thủ chặt chẽ, đặc biệt ở các ngân hàng, chi nhánh nhỏ lẻ. Bởi vì sự liên hệ
mật thiết giữa con người và hệ thống kiểm soát nội bộ nên các sai lầm của con người
có thể gây ra những yếu kém dẫn đến không thực hiện được những mục tiêu đã đề ra
ban đầu. Những bất cập xoay quanh vấn đề “ đạo đức nghề nghiệp” đã và đang là chủ
đề gây nhiều nhức nhối trong ngành ngân hàng nói riêng cũng như toàn bộ nền kinh tế
nói chung. Quy định pháp luật hiện hành vẫn chưa xác định rõ được nguyên tắc, chuẩn
mực mà người quản lí, điều hành, làm việc trong nội bộ ngân hàng phải tuân theo.
Điều này đã tạo kẽ hở cho việc tuyển dụng người không đủ phẩm chất, khả năng vào
các vị trí trong ngân hàng, dẫn đến các vụ việc xảy ra gần đây như SCB, ACB, VNCB,
Đông Á Bank,…

Có thể nói đại dịch COVID – 19 cùng với những diễn biến bất ổn chính trị trên thế
giới đã gây ra nhiều tác động đến ngành ngân hàng Việt Nam, nhưng đây cũng sẽ là
dịp để các ngân hàng trong nước tìm ra những hướng đi, giải pháp mới cũng như mở
ra những cơ hội phát triển mới cho toàn ngành ngân hàng ở Việt Nam.

Cơ hội 1: Phát triển ngân hàng số

Dân số Việt Nam hiện nay là khoảng 99,18 triệu người, trong đó có hơn 22,1 triệu
người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước. Với cơ cấu dân
số trẻ, khả năng tiếp cận với công nghệ, internet ở Việt Nam khá cao, tỉ lệ dân số sử
dụng smartphone tăng nhanh. Theo một báo cáo gần đây, “ Việt Nam có đến 43,7 triệu
người đang sử dụng các thiết bị smartphone, đạt tỉ lệ 44,9%; Việt Nam nằm trong 15
thị trường có số người sử dụng smartphone cao nhất thế giới”. Từ những số liệu này có
thể thấy rằng Việt Nam đã và đang là thị trường đầy tiềm năng đối với việc phát triển
ngân hàng số.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên
toàn thế giới, hàng loạt các ngân hàng ở Việt Nam cũng dần dần đẩy mạnh việc áp
dụng công nghệ vào trong quá trình quản trị cũng như trong các sản phẩm của mình.
Những công nghệ tiên tiến như điện toán đám mây, internet kết nối vạn vật, trí tuệ
nhân tạo,… giúp các ngân hàng dễ dàng, thuận tiện hơn trong công tác quản lý cũng
như cung cấp dịch vụ cho khách hàng, nhờ đó mà chất lượng dịch vụ ngày càng được
nâng cao đồng thời chi phí hoạt động cũng được tối ưu hoá. Khảo sát trong tháng
6/2020 của Vietnam Report cho biết rằng: “ các ngân hàng đã và đang tập trung vào
công nghệ nhằm thay đổi hệ thống quản lý, dịch vụ phục vụ khách hàng, nâng cao
năng lực cạnh tranh trong cuộc cách mạng 4.0”. Có thể thấy rằng, công nghệ sẽ là lĩnh
vực mà các ngân hàng cần phải chú trọng khai thác mạnh mẽ vì đây là tương lai của
toàn bộ nền kinh tế trên thế giới.

Cơ hội 2: Hội nhập quốc tế sâu rộng

Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực rất nhiều trong việc chuyển đổi nền kinh tế
nước nhà từ kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nhập là quá trình tất yếu của kinh tế thị trường, bởi lẽ một
con người muốn tồn tại phải có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng, một quốc gia
muốn phát triển phải liên kết với các quốc gia khác. Kinh tế thị trường ngày càng phát
triển đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải mở rộng thị trường trong cả khu
vực lẫn quốc tế. Đây là động lực chủ yếu thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế. Trong
những năm gần đây, nước ta đang có những chuyển biến rất mạnh mẽ trong việc hội
nhập, hợp tác quốc tế, bằng chứng là Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương
mại tự do song phương và đa phương trong khu vực cũng như trên thế giới.

Hội nhập quốc tế chính là cơ hội để các ngân hàng gia tăng năng lực tài chính của
mình. Với sự liên kết của Việt Nam với thị trường quốc tế, các ngân hàng có thể dễ
dàng thu hút các nhà đầu tư và tiếp cận với dòng vốn quốc tế thông qua việc phát hành
các loại cổ phiếu, trái phiếu. Theo một số báo cáo cho biết, tính đến 30/6/2021 có 19 tổ
chức tín dụng có cổ đông là tổ chức nước ngoài sở hữu trên 1% vốn điều lệ của tổ
chức tín dụng, trong đó ngân hàng thương mại nhà nước có 03/04 ngân hàng và ngân
hàng thương mại cổ phần là 16/28 ngân hàng; 11 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu cổ
phần của tổ chức nước ngoài trên 15% trong đó có 5 tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu
cổ phần của tổ chức nước ngoài trên 25%. Việc gia tăng khả năng tài chính giúp các
ngân hàng có thể chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, phát triển và
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ đó nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng các
chuẩn mực quốc tế.

Tăng cường hợp tác quốc tế còn là cơ hội để các ngân hàng tiếp cận với những công
nghệ, kĩ thuật hiện đại trên thế giới. Được giao lưu, học hỏi, làm việc với các chuyên
gia hàng đầu trong lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp các ngân hàng Việt Nam có thêm kinh
nghiệm, kĩ năng trong việc điều hành nội bộ cũng như nắm bắt tốt cơ hội đầu tư. Hiện
nay, các ngân hàng đang rất chủ động trong việc đón đầu cơ hội kinh doanh, đi tìm
tiếng nói chung với các nhà đầu tư, đối tác nước ngoài để hướng tới mục tiêu cùng hợp
tác cùng phát triển.

Hội nhập quốc tế cũng tạo động lực cho việc nâng cao chất lượng ở các ngân hàng
Việt Nam hiện nay. Đây là cơ hội để các ngân hàng áp dụng các chuẩn mực quốc tế
trong quá trình vận hành, quản lí, từ đó từng bước cải thiện, phát triển ngân hàng theo
định hướng quốc tế. Việc kí kết, hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài buộc các ngân
hàng trong nước phải tăng cường kĩ năng quản trị rủi ro, tiếp cận gần hơn với các
chuẩn mực quốc tế như Basel II, III,… đồng thời phải minh bạch hoá, công khai thông
tin, các hoạt động kế toán, tài chính phải chuẩn hoá theo quy định quốc tế. Điều này đã
giúp hệ thống các ngân hàng Việt Nam ngày càng trở nên chuyên nghiệp, hoạt động
hiệu quả hơn.

Tóm lại, trước những cơ hội và thách thức mà bối cảnh kinh tế hiện tại mang lại, ngân
hàng Việt Nam càng phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để gia tăng tính cạnh tranh
cũng như ưu thế với các ngân hàng khác trên thế giới. Các ngân hàng cần phải tìm
hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc để tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, thử
thách còn tồn đọng đồng thời phải tận dụng tốt những cơ hội đang hiện hữu.

You might also like