You are on page 1of 14

See discussions, stats, and author profiles for this publication at: https://www.researchgate.

net/publication/334440956

Thể chế hóa DNXH - tiếp cận từ lý thuyết hành động thể chế

Conference Paper · July 2019

CITATIONS READS
0 536

1 author:

Trang Tran
Foreign Trade University
8 PUBLICATIONS   3 CITATIONS   

SEE PROFILE

Some of the authors of this publication are also working on these related projects:

Social Innovation and Social Entrepreneurship Research and Teaching Landscape Survey View project

Social Innovation and Social Entrepreneurship Research and Teaching Landscape Survey View project

All content following this page was uploaded by Trang Tran on 13 July 2019.

The user has requested enhancement of the downloaded file.


Thể chế hóa doanh nghiệp xã hội: tiếp cận từ lý thuyết hành động thể chế

TS. Trần Thu Trang


Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế
Đại học Ngoại thương

Tóm tắt

Bài viết này nhằm tìm hiểu cách thức các tổ chức quốc tế và các tổ chức địa
phương thúc đẩy quá trình thể chế hóa một mô hình doanh nghiệp mới. Dựa trên
nghiên cứu tình huống theo thời gian đối với khu vực doanh nghiệp xã hội mới
hình thành tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm (từ năm 2009 đến năm 2014), tác
giả tập trung làm rõ làm thế nào một số tổ chức trung gian và các cơ quan lập pháp
cùng phối hợp thực hiện các hành động thể chế để tạo lập một môi trường thuận
lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội. Kết quả nghiên cứu cho
thấy các tổ chức trên tiến hành 7 nhóm hành động thể chế. Những hành động này
góp phần vào việc hình thành nên 3 trụ cột của thể chế mới về doanh nghiệp xã
hội: nhận thức, chuẩn mực, và luật lệ. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho
thấy hành động kết nối của các tổ chức trung gian chính là cơ chế chính để thúc
đẩy thể chế hóa doanh nghiệp xã hội. Nghiên cứu này có hai đóng góp chính. Thứ
nhất, nghiên cứu tập trung phân tích các hoạt động để tạo lập một thể chế mới.
Đóng góp thứ hai của nghiên cứu là làm rõ vai trò quan trọng của các tổ chức
trung gian trong việc hình thành khu vực doanh nghiệp xã hội.

Từ khóa: Hành động thể chế, quá trình trung gian kết nối, doanh nghiệp xã hội,
thể chế hóa

Institutionalizing social enterprise: an institutional work perspective

This paper shows how international organizations work along with local
organizations to favor the institutionalization of a new organizational model.
Drawing upon a longitudinal case study of the emerging social entrepreneurship
field in Vietnam from 2009 to 2014, we examine how some organizations acting as
brokers in the field and local policy makers engaged in institutional work to create
an enabling environment for the development of social enterprises. We found that
these organizations performed seven types of institutional work, including
mapping, operationalizing, theorizing, educating actors, brokering relationships,
advocacy and legalizing. These types of practices ultimately contribute to shape
three pillars of the new institution of social enterprise (i.e., cultural-cognitive,
normative, and regulative). In addition, we emphasize brokerage as the key
mechanism to facilitate institutionalization of social enterprise. Our study
contributes to the institutional literature by focusing on the practices to create a

1
new institution and shedding light on the importance of brokerage in the social
entrepreneurship field.

Keywords: Institutional work, brokerage, social enterprise, institutionalization

1. Đặt vấn đề

Trong những thập niên gần đây, doanh nghiệp xã hội hay những tổ chức có
sứ mệnh kép (đồng thời theo đuổi mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội) xuất hiện
ngày càng nhiều trên thế giới. Mô hình tổ chức này được coi là một cách tiếp cận
mới trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Tuy nhiên, với bản chất
là một mô hình lai giữa khối kinh doanh với khối xã hội, doanh nghiệp xã hội gặp
không ít khó khăn trong hoạt động do không được công nhận một cách hợp pháp
tại nhiều quốc gia và thiếu các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của tổ chức
(Battilana & Lee, 2014). Các nhà nghiên cứu cho rằng doanh nghiệp xã hội chỉ có
thể tồn tại và phát triển nếu tạo được một thể chế mang tính chất hỗ trợ với các
yếu tố cấu thành như hình thức pháp lý mới, các hỗ trợ tài chính, và sự lan truyền
các giá trị tốt đẹp gắn liền với mô hình doanh nghiệp này (Sud, VanSandt, &
Baugous, 2009). Đến nay, các nghiên cứu về kinh doanh xã hội cũng như nghiên
cứu về thể chế vẫn chưa làm rõ được bằng cách nào một thể chế mang tính chất hỗ
trợ cho doanh nghiệp xã hội được hình thành.

Mục đích của bài viết này là tìm hiểu các hành động thể chế, nghĩa là
những hoạt động có chủ đích của cá nhân và tổ chức nhằm tạo dựng một thể chế
mới (Lawrence & Suddaby, 2006). Cụ thể, tác giả nghiên cứu những hành động
thể chế được thực hiện bởi các chủ thể là tổ chức quốc tế và tổ chức địa phương
nhằm thể chế hóa một mô hình tổ chức mới – doanh nghiệp xã hội – tại Việt Nam.
Nghiên cứu này nhằm trả lời câu hỏi sau:

“Để xây dựng thể chế cho doanh nghiệp xã hội, các tổ chức quốc tế và các tổ chức
địa phương thực hiện những hành động thể chế nào?”

2. Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết về kinh doanh xã hội

Trên thực tế, doanh nghiệp xã hội (DNXH) phát triển rất nhanh chóng tại
nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển nơi tồn tại
nhiều vấn đề xã hội và môi trường phức tạp (Bornstein, 2007). Một số mô hình
DNXH điển hình có thể kể đến là Grameen bank và tổ chức BRAC của
Bangladesh. Trái ngược với thực tế phát triển của DNXH, đến nay nghiên cứu về
doanh nghiệp xã hội vẫn là lĩnh vực nghiên cứu khá mới. Hiện chưa có một định
nghĩa thống nhất về doanh nghiệp xã hội (Short, Moss, & Lumpkin, 2009). Các
nhà nghiên cứu vẫn đang tìm cách làm rõ khái niệm về kinh doanh xã hội cũng
như giới hạn của khu vực này (Brouard & Larivet, 2010; Dacin, Dacin, & Matear,

2
2010; Dacin, Dacin, & Tracey, 2011). Theo một số nhà nghiên cứu, kinh doanh xã
hội là một khái niệm để chỉ các hoạt động kinh doanh được thực hiện bởi cá nhân
hoặc tổ chức nhằm tạo ra giá trị xã hội và/hoặc thay đổi xã hội (Roberts & Woods,
2005; Austin, Stevenson, & Wei-Skillern, 2006; Peredo & McLean, 2006). Một số
khác lại coi kinh doanh xã hội là một quá trình bắt đầu với khâu nhận diện một
vấn đề xã hội cho đến khâu thực hiện một giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề
trên (Mair & Martí, 2006; Martin & Osberg, 2007; Zahra và cộng sự, 2009). Trong
phạm vi của bài viết này, tác giả sử dụng cách hiểu của Cochran (2007), theo đó
kinh doanh xã hội được định nghĩa là “quá trình vận dụng các nguyên lý kinh
doanh và khởi nghiệp vào việc giải quyết các vấn đề xã hội” (Cochran, 2007: 451).
Theo cách hiểu này, tác giả cho rằng hoạt động kinh doanh xã hội được thực hiện
qua việc thành lập và vận hành các mô hình gọi là doanh nghiệp xã hội. Theo
Thompson & Doherty (2006: 362), doanh nghiệp xã hội là “các tổ chức tìm kiếm
các giải pháp kinh doanh cho các vấn đề xã hội”. Các tổ chức này có thể tồn tại
dưới nhiều hình thức pháp lý với mức độ tự vững về tài chính khác nhau (Brouard
& Larivet, 2010; Bacq & Janssen, 2011). Hiểu theo nghĩa rộng, doanh nghiệp xã
hội có thể nằm trong một trong ba khu vực (xã hội dân sự, chính phủ, và tư nhân)
hoặc là sự giao thoa của ba khu vực này (Austin và cộng sự, 2006).

Hầu hết các nghiên cứu trước cho rằng doanh nghiệp xã hội là mô hình tổ
chức mới vì nó kết hợp các yếu tố của một tổ chức từ thiện và một doanh nghiệp
(Battilana & Lee, 2014; Ebrahim, Battilana, & Mair, 2014; Hervieux và cộng sự,
2010). Mô hình tổ chức này là sự lai ghép của hai logic khác nhau – logic của khối
kinh doanh và logic của khối xã hội (Battilana & Dorado, 2010; Tracey, Phillips,
& Jarvis, 2011). Do doanh nghiệp xã hội là mô hình mới và mang tính chất lai nên
một trong những thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp này là thiếu tính
hợp pháp và nguồn lực (Battilana & Lee, 2014). Vì vậy, thể chế có vai trò đặc biệt
quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp xã hội. Các nhà nghiên cứu cho
rằng việc tạo dựng một thể chế mang tính chất hỗ trợ cho doanh nghiệp xã hội là
cần thiết để giúp cho các mô hình này có thể tồn tại và phát triển (Dees, 2007;
Florek, 2013; Sud et al., 2009). Tuy nhiên, các nghiên cứu về kinh doanh xã hội
trước đây mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu việc sử dụng ngôn ngữ để hợp thức hóa
mô hình này. Chẳng hạn, nghiên cứu của Di Domenico và cộng sự (2010) cho thấy
doanh nhân xã hội (DNhXH) sử dụng ngôn ngữ để thuyết phục các bên liên quan
từ đó đem lại tính chính danh và nguồn lực cho doanh nghiệp. Nghiên cứu của
Hervieux và cộng sự (2010) cho thấy các nhóm chủ thể, bao gồm giới học thuật,
các quỹ và công ty tư vấn hợp thức hóa mô hình DNXH bằng cách lan truyền
thông điệp về một mô hình lai. Tương tự, nghiên cứu của Nicholls (2010) cho thấy
các chủ thể truyền bá 2 thông điệp về DNXH – một là, doanh nhân xã hội là những
người phi lý và hai là, DNXH là một mô hình kinh doanh lý tưởng. Mặc dù có
đóng góp nhất định, các nghiên cứu trên chưa làm rõ các hành động cụ thể được
thực hiện trong quá trình thể chế hóa DNXH. Để hiểu rõ bằng cách nào các tổ
chức có thể thể chế hóa mô hình DNXH, nghiên cứu này sử dụng lý thuyết hành
động thể chế.

3
Lý thuyết hành động thể chế

Lý thuyết thể chế được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về tổ chức
(Greenwood và cộng sự, 2008). Thể chế là trọng tâm của các nghiên cứu sử dụng
lý thuyết thể chế. Scott (2008: 8) định nghĩa thể chế là “các yếu tố nhận thức,
chuẩn mực và luật lệ với các hoạt động và nguồn lực gắn kèm nhằm tạo sự ổn định
và ý nghĩa cho đời sống xã hội”. Hiểu một cách đơn giản hơn, thể chế là “các
khuôn mẫu hành động, cũng như các cơ chế luật lệ thực thi các khuôn mẫu này”
(Lawrence và cộng sự, 2009: 7). Các nghiên cứu thể chế ban đầu nhấn mạnh tính
tuân thủ của một tổ chức với môi trường thể chế bên ngoài tổ chức đó (Meyer &
Rowan, 1977) và các quá trình qua đó thể chế quy định kết cấu và hành vi của tổ
chức (DiMaggio & Powell, 1983). Hạn chế của các nghiên cứu này là không thể
giải thích tại sao thể chế có thể thay đổi theo thời gian. Để khắc phục điều này,
Lawrence & Suddaby (2006) đưa ra khái niệm hành động thể chế. Các tác giả định
nghĩa hành động thể chế là “hành động có chủ đích của cá nhân và tổ chức nhằm
tạo lập, duy trì và phá vỡ thể chế” (Lawrence & Suddaby, 2006: 215). Theo quan
điểm này, nghiên cứu thể chế tập trung vào các hoạt động của các chủ thể là cá
nhân hay tổ chức nhằm duy trì hoặc thay đổi môi trường thể chế xung quanh họ
(Lawrence, Suddaby, & Leca, 2009). Hành động thể chế thường mang tính chủ
đích và đòi hỏi nỗ lực nhất định từ các chủ thể liên quan để vượt qua những niềm
tin và hành vi mang tính mặc định và có thể tác động tới môi trường thể chế
(Lawrence et al., 2009). Trọng tâm nghiên cứu về hành động thể chế là các chủ thể
và năng lực hành động của họ. Vì vậy, lý thuyết hành động thể chế có khả năng
giải thích những thay đổi về thế chế trong xã hội (Lawrence, Suddaby, & Leca,
2011; Hwang & Colyvas, 2011).

Theo Lawrence & Suddaby (2006: 219-220), nghiên cứu về hành động thể
chế cần: (1) làm rõ “nhận thức, kỹ năng, và năng lực phản xạ (reflexivity) của các
chủ thể cá nhân hay tập thể”, (2) đem lại hiểu biết về “thể chế như là kết quả của
hành động (ít nhiều có ý thức) của các chủ thể cá nhân hay tập thể”, (3) coi “hành
động là thực hành (practice), kể cả hành động diễn ra trong phạm vi các quy tắc đã
được thể chế hóa nhưng với mục đích thay đổi trật tự thể chế của một khu vực tổ
chức (organizational field)”. Các tác giả đề xuất 3 nhóm hành động thể chế: tạo
lập, duy trì, và phá vỡ thể chế. Trong 3 nhóm hành động trên, nhóm hành động tạo
lập thể chế được nghiên cứu nhiều nhất.

Các nghiên cứu về hành động thể chế thường hướng vào 3 chủ đề: (1) Hành
động thể chế diễn ra như thế nào? (2) Ai thực hiện các hành động này? và (3) Yếu
tố nào tạo nên hành động thể chế? (Lawrence và cộng sự, 2013) Đến nay, các nhà
nghiên cứu trả lời câu hỏi thứ nhất bằng cách nhận diện hoặc mở rộng danh mục
hành động thể chế được hệ thống hóa bởi Lawrence & Suddaby (2006). Với câu
hỏi thứ hai, phần lớn các nghiên cứu cho thấy các chuyên gia (professionals)
thường có hành động thể chế trước những thay đổi của tổ chức hoặc khu vực tổ
chức (Currie và cộng sự, 2012; Empson và cộng sự, 2013; Suddaby & Viale, 2011).

4
Một số ít nghiên cứu tập trung vào hành động thể chế của các chủ thể là lãnh đạo
tổ chức (Kraatz, 2009; Rojas, 2010). Cuối cùng, các nhà nghiên cứu cho rằng các
khía cạnh của năng lực hành động (agency) của chủ thể như khả năng lặp lại thói
quen trong quá khứ (habit), khả năng tượng tưởng các phương án hành động trong
tương lai (imagination), và khả năng đánh giá thực tế (practical evaluation) cho
phép họ thực hiện hành động tạo lập, duy trì, hay phá vỡ thể chế (Battilana &
D’Aunno, 2009).

Thể chế hóa là quá trình mà một khái niệm, thực hành hoặc mô hình tổ
chức đạt tới trạng thái mang tính quy tắc (Meyer & Rowan, 1977). Quá trình thể
chế hóa đòi hỏi các chủ thể phải thực hiện rất nhiều hành động thể chế nhằm củng
cố thực hành hoặc mô hình tổ chức mới (Lawrence & Suddaby, 2006). Dựa trên lý
thuyết về hành động thể chế, nghiên cứu này làm rõ những cơ sở nền tảng của quá
trình thể chế hóa DNXH.

Từ tổng quan lý thuyết trên, mô hình lý thuyết được đề xuất như sau:

Hình 1. Mô hình nghiên cứu

Thể chế về DNXH


Các hành động thể chế - nhận thức
- chuẩn mực
- luật lệ
3. Phương pháp nghiên cứu

3.1. Phương pháp thu thập dữ liệu

Dữ liệu được thu thập từ 3 nguồn chính: phỏng vấn sâu, quan sát và dữ liệu
thứ cấp. Do đặc thù của vấn đề nghiên cứu, phỏng vấn là nguồn dữ liệu quan trọng
nhất của nghiên cứu này. Tổng cộng, tác giả thực hiện 61 cuộc phỏng vấn với 50
người đến từ các tổ chức khác nhau. Những người tham gia phỏng vấn được chọn
theo phương pháp chọn mẫu có chủ đích. Phương pháp này thường được sử dụng
trong các nghiên cứu định tính nhằm “lựa chọn các trường hợp chứa nhiều thông
tin nhất để có thể hiểu rõ vấn đề nghiên cứu” (Patton, 2002: 230). Cụ thể, tác giả
lựa chọn các tổ chức có đóng góp trực tiếp vào quá trình thể chế hóa DNXH
(chẳng hạn, hỗ trợ trực tiếp về tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp, nâng cao
nhận thức của cộng đồng về DNXH và tạo dựng khung khổ pháp lý cho DNXH).
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phương pháp chọn mẫu ném tuyết (snowball). Theo
đó, tác giả bắt đầu phỏng vấn từ các tổ chức tiên phong trong khu vực DNXH rồi
đến các tổ chức khác. Các tổ chức tham gia nghiên cứu bao gồm các tổ chức phi
chính phủ quốc tế và địa phương, các DNXH, các cơ quan nhà nước, các nhà đầu
tư xã hội, các trường đại học, và giới truyền thông. Để phỏng vấn, tác giả sử dụng
bảng hỏi mang tính chất định hướng với các câu hỏi mở. Nội dung bảng hỏi xoay
quanh quá trình thể chế hóa, các tổ chức liên quan, hoạt động của họ, vai trò và

5
quan hệ giữa các tổ chức này. Mỗi cuộc phỏng vấn kéo dài từ 30 phút đến 1,5
tiếng.

Nguồn dữ liệu quan trọng thứ hai cho nghiên cứu này là quan sát trực tiếp.
Từ năm 2013, tác giả đã quan sát nhiều sự kiện lớn, nhỏ về DNXH như Diễn đàn
đầu tư XH 2013, các hội thảo về DNXH, các khóa tập huấn cho DNXH và tham
gia một số chuyến tham quan DNXH.

Ngoài ra, nghiên cứu tham khảo rất nhiều các tài liệu thứ cấp, bao gồm một
số tài liệu nội bộ và tài liệu được công bố công khai của các tổ chức liên quan như
Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Hội đồng Anh Việt Nam, Viện
Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), ..v.v. Tác giả cũng tìm hiểu rất nhiều bài
báo về DNXH tại Việt Nam. Tổng cộng, tác giả tham khảo 123 tài liệu dưới nhiều
hình thức: báo cáo, nghiên cứu, kế hoạch kinh doanh, tài liệu chương trình, thông
cáo báo chí, bản tin, bài viết đăng trên trang web, tài liệu sự kiện, các tin tức báo
chí, phóng sự, chương trình truyền hình.

Phương pháp phân tích dữ liệu

Tác giả tiến hành phân tích theo 2 bước. Bước 1 là nhận diện các tổ chức
chính, hoạt động của các tổ chức này và các sự kiện quan trọng về DNXH theo
thời gian dựa trên các dữ liệu đã thu thập. Trên cơ sở đó, tác giả tái hiện lại quá
trình thể chế hóa dưới dạng bài tường thuật (Langley, 1999) để có thể hiểu rõ hơn
các sự việc đã diễn ra, thời điểm diễn ra sự việc và các chủ thể liên quan.

Bước 2, tác giả sử dụng phương pháp Gioia (Corley & Gioia, 2004) để
nhận diện các hành động thể chế được thực hiện bởi các chủ thể chính. Cụ thể, tác
giả thực hiện mã hóa mở (open coding) bằng cách nhận diện các mã ban đầu (first-
order codes) rồi nhóm các mã này theo các phạm trù nhất định. Các mã ban đầu là
các cụm từ sử dụng bởi người tham gia phỏng vấn hoặc đơn giản là câu mô tả lại
hành động của chủ thể khi không có các thuật ngữ tương đương. Sau đó, tác giả
thực hiện mã hóa hướng tâm (axial coding), tức là tìm kiếm mối quan hệ giữa các
mã ban đầu để có thể nhóm các mã này vào một số các chủ đề nhất định (second-
order themes). Cuối cùng, các chủ đề tương tự được nhóm thành các khía cạnh lý
thuyết tổng quát (aggregate dimensions). Quá trình mã hóa dữ liệu được thực hiện
lặp đi lặp lại, có đối chứng với lý thuyết thể chế và các nghiên cứu trước đó để hệ
thống thành các khía cạnh tổng quát về hành động thể chế. Phương pháp Gioia
được tóm tắt dưới bảng sau:

Bảng 1. Tóm tắt phương pháp Gioia

Mã ban đầu 1 Chủ đề 1


Mã ban đầu 2 Khía cạnh tổng quát
Mã ban đầu 3 Chủ đề 2

6
Mã ban đầu 4

Ghi chú:
Mã ban đầu 1 và 2 có quan hệ.
Mã ban đầu 3 và 4 có quan hệ.
Chủ đề 1 và 2 có quan hệ.

4. Kết quả nghiên cứu

Sau khi phân tích dữ liệu, tác giả nhận diện 2 giai đoạn thể chế hóa. Trong
giai đoạn 1, các tổ chức liên quan tập trung đưa khái niệm DNXH vào Việt Nam.
Giai đoạn 2, các tổ chức hướng đến việc hợp thức hóa mô hình DNXH thông qua
việc xây dựng khung khổ pháp lý cho mô hình này.

Giai đoạn 1: Giới thiệu khái niệm (2008-2011)

Trong giai đoạn này, CSIP và Hội đồng Anh Việt nam là 2 tổ chức tiên
phong giới thiệu khái niệm DNXH vào Việt Nam. CSIP là tổ chức phi chính phủ
địa phương có sứ mệnh hỗ trợ và nuôi dưỡng DNXH phát triển. Trong khi đó, Hội
đồng Anh là một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Anh có trụ sở tại 110 quốc gia
và vùng lãnh thổ. Đến nay, Hội đồng Anh đã thực hiện chương trình kỹ năng cho
DNhXH tại 24 quốc gia. Trong giai đoạn này CSIP cùng với Hội đồng Anh tham
gia vào 3 nhóm hành động thể chế nhằm biến các ý tưởng kinh doanh xã hội thành
các mô hình DNXH thực tế. Đó là nhận diện mô hình, hiện thực hóa mô hình, và
nâng cao nhận thức. Tất cả các nhóm hành động này đều được thực hiện ở cấp độ
vi mô. Bảng 2 cung cấp một số bằng chứng về 3 nhóm hành động thể chế nêu trên.

Bảng 2. Hành động thể chế trong giai đoạn 1

Hành động Mô tả Dẫn chứng


thể chế
Nhận diện mô Bao gồm các hành động “Xuất phát đầu tiên như chị hiểu thì là như chị Oanh là
hình nhằm xác định ranh giới người sáng lập – founder thì chị ý sẽ làm một cái base
và thực trạng của khu vực line survey nho nhỏ toàn quốc. Chị ý đi khắp từ Bắc chí
(trong nghiên cứu này là Nam để phỏng vấn, khảo sát rồi viết ra cái báo cáo hiện
khu vực DNXH) trạng DNXH Việt Nam như thế nào…Thì chị thấy rằng
là đâu đó manh nha đã có DNXH rồi nhưng họ ko tự gọi
mình là DNXH.” (#2)
Hiện thực hóa Bao gồm các hành động “Chương trình hỗ trợ DNXH là một trong những chương
mô hình tìm kiếm và hỗ trợ trực trình trọng tâm của CSIP nhằm tìm kiếm, ươm tạo và
tiếp để nuôi dưỡng và đầu tư cho những DNXH trong những giai đoạn phát
phát triển mô hình tổ chức triển khác nhau…Hỗ trợ DNXH sẽ bao gồm hỗ trợ vốn
mới (trong nghiên cứu hạt giống…Thứ 2 nâng cao năng lực – các khóa training,
này, việc hiện thực hóa các hội thảo tập huấn phù hợp với nhu cầu, phù hợp với
mô hình DNXH được DNXH…Và cái thứ 3 tư vấn, kinh doanh tư vấn, phát
thực hiện thông qua triển tư vấn kinh doanh theo yêu cầu tức là trực tiếp làm
chương trình trọng tâm việc với DNXH dựa trên các vấn đề chính của họ… Cái
của CSIP – đó là chương thứ 4 cũng rất quan trọng là cái hỗ trợ về kết nối mạng
trình hỗ trợ DNXH) lưới.” (#4)

7
Nâng cao nhận Bao gồm các hoạt động “Giai đoạn đầu nó chỉ mang tính chất là đưa một khái
thức truyền thông nâng cao niệm mới vào đó, nâng cao nhận thức cho cộng đồng,
nhận thức và qua đó tăng cho tất cả các bên có liên quan. Thế nào là DNXH và
cường sự chấp nhận xã những ai là DNXH…Làm rất nhiều công tác truyền
hội đối với mô hình mới thông, tổ chức sự kiện, nâng cao nhận thức.” (#2)
(trong giai đoạn này,
CSIP và BC truyền thông
về DNXH qua các kênh
khác nhau nhằm nâng cao
nhận thức của cộng đồng
về khái niệm DNXH)

Tóm lại trong giai đoạn đầu, vì DNXH là một khái niệm mới nên hai tổ
chức tiên phong tập trung vào các hành động thể chế nhằm đưa khái niệm này đến
gần hơn với công chúng và hỗ trợ trực tiếp DNXH ở tầm vi mô. Với các hành
động này, CSIP và Hội đồng Anh góp phần khởi xướng phong trào DNXH tại Việt
Nam.

Giai đoạn 2: Hợp thức hóa mô hình (2012-2014)

Trong giai đoạn 2, nghiên cứu cho thấy Hội đồng Anh hợp tác với Viện
QLKTTW để thực hiện các hành động thể chế ở cấp vĩ mô nhằm tạo dựng một
khung khổ pháp lý mang tính hỗ trợ cho DNXH. Với tư cách là một cơ quan chủ
trì dự án Luật Doanh nghiệp, CIEM thực hiện các hành động thể chế như lý thuyết
hóa, nâng cao nhận thức cho các cơ quan bộ ngành về tầm quan trọng của DNXH,
và luật hóa. Trong khi đó, Hội đồng Anh và CSIP kết nối để hỗ trợ CIEM trong
quá trình xây dựng chính sách về DNXH và tích cực vận động chính sách cho
DNXH. Bảng 3 minh họa các hành động thể chế trên.

Bảng 3. Hành động thể chế trong giai đoạn 2

Hành động Mô tả Dẫn chứng


thể chế
Lý thuyết hóa Bao gồm các hành động “Bắt đầu từ những cái nghiên cứu để xem là thực
nhằm định nghĩa mô hình trạng DNXH ở Việt Nam có hay không, và nếu có thì
và các đặc điểm của nó nó đang phát triển ở mức độ như thế nào cũng như là
(trong giai đoạn này, thực trạng DNXH ở trong khu vực cũng như là ở Anh
CIEM thực hiện các thì thông qua một chuỗi series những nghiên cứu…
nghiên cứu nhằm đưa ra “DNXH tại Việt Nam: Khái niệm, bối cảnh và chính
một định nghĩa pháp lý về sách”. Nghiên cứu đấy vào thời điểm đó đánh dấu
DNXH phù hợp với bối mốc thực trạng ở Việt Nam và dựa trên nghiên cứu
cảnh Việt Nam) đó…sẽ tạo ra các bước tiếp theo là nên vận động
chính sách để có sự ghi nhận của Chính phủ hay tạo ra
môi trường phát triển tốt hơn nữa cho DNXH hay
không?” (#6)
Nâng cao nhận Bao gồm các hoạt động “Sau khi có được nghiên cứu đó, đã định hình được
thức truyền thông nâng cao cái khái niệm rồi thì mình thấy bắt đầu cần nâng cao
nhận thức và qua đó tăng nhận thức cho các đại biểu quốc hội, nâng cao nhận
cường sự chấp nhận xã thức cho các cán bộ của chính phủ, bởi vì nếu như
hội đối với mô hình mới mình có vận động thì họ phải hiểu đã thì họ mới ủng
(trong giai đoạn này, 3 tổ hộ mình.” (#6)

8
chức nâng cao nhận thức
cho các cơ quan bộ ngành
về DNXH qua các kênh
khác nhau – hội thảo và
các phương tiện truyền
thông đại chúng)
Kết nối Bao gồm các hành động Bản thân CIEM phải đi nghiên cứu nhưng rõ ràng họ
nhằm giới thiệu và thúc phải dựa vào thông tin nguồn từ 2 cái hub chính này
đẩy trao đổi giữa các bên rất nhiều (CSIP và Spark)…Thực ra vào thời điểm đó
liên quan trong khu vực Hội đồng Anh kết nối các vệ tinh với CIEM…tức là
(trong nghiên cứu này, kết Hội đồng Anh hợp tác với CIEM trên tinh thần là tôi
nối giữa các hoạch định sẽ cung cấp cho anh các mô hình cả Việt Nam và UK.
chính sách, các doanh Khi nào cần tới Việt Nam thì tôi sẽ mời CSIP và
nghiệp, và các tổ chức Spark lên gặp anh, còn với UK thì tôi lại mời UK sang
trung gian đã được thực hoặc anh sang UK hoặc anh đi sang các nước khu
hiện) vực.” (#6)

“Chúng tôi cũng thông qua mạng lưới của mình,


chúng tôi kết nối DNXH trực tiếp tham gia vào hoạt
động phỏng vấn, hội thảo với các nhà hoạch định
chính sách.” (#1)
Vận động chính Bao gồm các hành động “CSIP cùng các DNXH khác đến trực tiếp những cái
sách thuyết phục nhằm tìm diễn đàn để mà chia sẻ, trình bày cho các đoàn đại
kiếm sự ủng hộ của các biểu quốc hội các tỉnh về cái gọi là DNXH và nó gắn
nhà hoạch định chính sách với cả những cái chương trình chính sách cụ thể của
cho mô hình mới (trong nhà nước… mình cũng advocate theo cái hình thức là
nghiên cứu này, các chủ DNXH là một trong những cái mô hình để giúp cho
thể thuyết phục các bên nhà nước có thể thực hiện được những chính sách liên
liên quan bằng các kết quan đến những đối tượng yếu thế… Tại mỗi nơi thì
quả nghiên cứu và các mô mình lại mời nhóm đối tượng DNXH phù hợp đến
hình thực tiễn) chia sẻ.” (#1)
Luật hóa Bao gồm các hành động “CIEM nói chung là một cơ quan đi tiên phong trong
tạo lập khung khổ pháp lý việc hình thành, phát triển, hoàn thiện môi trường kinh
cho mô hình mới (như doanh ở Việt Nam…và như thế thì nhìn thấy ở đây cơ
nghiên cứu, tổ chức hội hội có thể mở rộng Luật Doanh nghiệp và đưa DNXH
thảo, tham vấn bên liên như một mô hình kinh doanh vào Luật Doanh
quan, soạn thảo luật, giải nghiệp…Với một quy trình đầu tiên phải nghiên cứu,
trình với các cơ quan có phải biết được vấn đề, sau đó là thuyết giáo, thuyết
thẩm quyền để thông qua giảng, chia sẻ, tham vấn mọi thứ. Tham vấn thì thuyết
dự án luật) phục những người chống đối mình. Thứ hai là thu hút
sự ủng hộ nhiều hơn.” (#47)

Tóm lại, trong giai đoạn thứ hai, dựa trên các hành động thể chế trong giai
đoạn đầu, các chủ thể tập trung vào các hành động thể chế ở cấp độ vĩ mô nhằm
hợp thức hóa mô hình DNXH. Trong giai đoạn này, hai tổ chức trung gian là CSIP
và Hội đồng Anh có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ CIEM thực hiện các hành
động thể chế nhằm tạo sự ủng hộ từ các bên liên quan, đặc biệt là các cơ quan bộ
ngành đối với việc thể chế hóa DNXH tại Việt Nam. Thông qua 5 nhóm hành
động thể chế, các tổ chức này đã góp phần hình thành khung khổ pháp lý cho
DNXH. DNXH đã được ghi nhận chính thức tại điều 10 trong Luật Doanh nghiệp
sửa đổi 2014.

5. Thảo luận kết quả và hàm ý

9
Trong bài viết này, tác giả đã cung cấp bằng chứng thực tiễn về hành động
thể chế nhằm tạo lập thể chế về DNXH tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy
các chủ thể thực hiện 7 nhóm hành động: nhận diện mô hình, hiện thực hóa mô
hình, lý thuyết hóa, nâng cao nhận thức, kết nối, vận động chính sách và luật hóa
mô hình. Bên cạnh đó, nghiên cứu cho thấy vai trò của các tổ chức trung gian
trong quá trình thể chế hóa. Thông qua các hoạt động hỗ trợ trực tiếp DNXH trong
giai đoạn đầu và tiếp theo là các hoạt động kết nối trong giai đoạn sau, các tổ chức
này giúp các tổ chức địa phương có thể tác động đến các trụ cột của thể chế (nhận
thức, chuẩn mực và luật lệ). Kết quả nghiên cứu có đóng góp về thực tiễn cũng
như lý thuyết.

Trong nghiên cứu này, tác giả đã làm rõ các hành động thể chế nhằm tạo
dựng thể chế cho DNXH. Kết quả nghiên cứu cho thấy các chủ thể thực hiện nhiều
hành động thể chế khác nhau theo thời gian và theo 2 hướng tiếp cận (từ dưới lên
và từ trên xuống). Mỗi hành động thể chế mang ý nghĩa nhất định trong quá trình
thể chế hóa. Lawrence et al., (2013) cho rằng nghiên cứu về hành động thể chế cần
phải làm rõ các phương tiện mà chủ thể tương tác với thể chế, chẳng hạn ngôn
ngữ, các mối quan hệ xã hội, các biểu tượng và yếu tố vật chất. Nghiên cứu này
cho thấy các chủ thể liên quan sử dụng tất cả các phương tiện nêu trên để thực
hiện hành động thể chế. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu tiên, các chủ thể trung
gian tập trung vào việc nhận diện và hiện thực hóa mô hình. Về bản chất, các hành
động này nhằm tạo ra các yếu tố vật chất để có thể truyền bá mô hình rộng rãi
cũng như thực hiện các hành động thể chế ở giai đoạn sau. Dựa vào các yếu tố vật
chất (các mô hình DNXH) và thông qua hành động kết nối, các chủ thể có thể
thuyết phục các bên liên quan ủng hộ việc hợp thức hóa mô hình mới bằng một
khung khổ pháp lý. Nói cách khác, các hành động thể chế ở giai đoạn đầu là tiền
đề cho các hành động thể chế ở giai đoạn sau. Trong khi đó, hành động nâng cao
nhận thức cho các bên liên quan (chẳng hạn, cộng đồng và các nhà lập pháp) được
thực hiện liên tục trong hai giai đoạn có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành
một khu vực mới như khu vực DNXH. Cuối cùng, luật hóa là hành động thể chế ở
mức độ cao nhất nhằm hợp thức hóa mô hình mới, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy sự
phát triển của mô hình này.

Bên cạnh những kết quả đạt được, bài viết còn một số hạn chế. Thứ nhất,
do nghiên cứu dựa trên một tình huống định tính (quá trình thể chế hóa DNXH),
nên kết quả mang tính chất đặc thù, khó có thể áp dụng vào các bối cảnh nghiên
cứu khác. Tuy nhiên, ưu điểm của nghiên cứu tình huống là rất phong phú và sâu
về thông tin, vì thế người đọc có thể hiểu rõ hơn vấn đề nghiên cứu. Hạn chế thứ
hai là khả năng tác giả diễn giải sai lệch dữ liệu do nghiên cứu định tính. Tuy
nhiên, tác giả cho rằng đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo độ
chính xác và tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Chẳng hạn, tác giả sử dụng các
nguồn dữ liệu khác nhau và phương pháp phân tích Gioia. Cuối cùng, trong bài
viết này, tác giả mới tập trung tìm hiểu các hành động thể chế của các tổ chức,
nhất là các tổ chức trung gian nhằm tạo lập thể chế mới. Các nghiên cứu tiếp theo

10
có thể làm rõ hơn cơ chế và các điều kiện giúp các tổ chức này có thể thực hiện
hành động thể chế. Chẳng hạn, trong tương lai các nghiên cứu có thể làm rõ mối
quan hệ giữa vị thế và nguồn lực của các tổ chức này với hành động thể chế hoặc
mối quan hệ giữa các điều kiện về bối cảnh thể chế với hành động thể chế được
thực hiện.

Danh mục tài liệu tham khảo


Austin, J., Stevenson, H., & Wei-Skillern, J. 2006. Social and commercial
entrepreneurship: same, different, or both? Entrepreneurship theory and practice,
30(1): 1-22.
Bacq, S., & Janssen, F. 2011. The multiple faces of social entrepreneurship: A review of
definitional issues based on geographical and thematic criteria. Entrepreneurship
& Regional Development, 23(5-6): 373–403.
Battilana, J. & D’Aunno, T. 2009. Institutional Work and the Paradox of Embedded
Agency. In T.B. Lawrence, R. Suddaby & B. Leca (Eds.), Institutional Work:
Actors and Agency in Institutional Studies of Organization: 31-58. New York:
Cambridge University Press.
Battilana, J., & Dorado, S. 2010. Building sustainable hybrid organizations: The case of
commercial microfinance organizations. Academy of Management Journal, 53(6):
1419–1440.
Battilana, J. & Lee, M. 2014. Advancing Research on Hybrid Organizing – Insights from
the Study of Social Enterprises. The Academy of Management Annals, 8(1): 397-
441.
Bornstein, D. 2007. How to Change the World: Social Entrepreneurs and the Power of
New Ideas. Oxford University Press, Oxford, UK.
Brouard, F. & Larivet, S. 2010. Essay of clarifications and definitions of the related
concepts of social enterprise, social entrepreneur and social entrepreneurship. In A.
Fayolle & H. Matlay (Eds.), Handbook of research on social entrepreneurship:
29-56. Edward Elgar.
Cochran, P. L. 2007. The evolution of corporate social responsibility. Business Horizon,
50(6): 449-454.
Corley, K. G. & Gioia, D. A. 2004. Identity Ambiguity and Change in the Wake of a
Corporate Spin-Off. Administrative Science Quarterly, 49(2): 173- 208.
Currie, G., Lockett, A., Finn, R., Martin, G., & Waring, J. 2012. Institutional Work to
Maintain Professional Power: Recreating the Model of Medical Professionalism.
Organization Studies, 33(7): 937–962.
Empson, L., Cleaver, I., & Allen, J. 2013. Managing Partners and Management
Professionals: Institutional Work Dyads in Professional Partnerships: Managing
Partners and Management Professionals. Journal of Management Studies, 50(5):
808–844.
Dacin, P.A., Dacin, M. T. & Matear, M. 2010. Social Entrepreneurship: Why We Don’t
Need a New Theory and How We Move Forward From Here. Academy of
Management Perspectives, 24(3): 37-57.
Dacin, M. T., Dacin, P. A., & Tracey, P. 2011. Social Entrepreneurship: A Critique and
Future Directions. Organization Science, 22(5): 1203–1213.
Dees, J. G. 2007. Taking Social Entrepreneurship Seriously. Society, 44(3): 24-31.
Di Domenico, M., Haugh, H., & Tracey, P. 2010. Social Bricolage: Theorizing Social

11
Value Creation in Social Enterprises. Entrepreneurship Theory and Practice,
34(4): 681-703.
DiMaggio, P. J. & Powell, W. W. 1983. The Iron Cage Revisited: Institutional
Isomorphism and Collective Rationality in Organizational Fields. American
Sociological Review, 48(2): 147-160.
DiMaggio, P. J. 1988. Interest and Agency in Institutional Theory. In L.G. Zucker (Ed.),
Institutional Patterns and Organizations Culture and Environment: 3-22.
Cambridge Mass.: Ballinger.
Ebrahim, A., Battilana, J., & Mair, J. 2014. The governance of social enterprises: Mission
drift and accountability challenges in hybrid organizations. Research in
Organizational Behavior, 34(2014): 81-100.
Florek, N. E. 2013. Enabling social enterprise through regulatory innovation: a case study
from the United Kingdom. Journal of Sustainable Finance & Investment, 3(2):
155-175.
Hervieux, C., Gedajlovic, E., & Turcotte, M.-F. B. 2010. The legitimization of social
entrepreneurship. Journal of Enterprising Communities: People and Places in the
Global Economy, 4(1): 37-67.
Hwang, H., & Colyvas, J. A. 2011. Problematizing Actors and Institutions in Institutional
Work. Journal of Management Inquiry, 20(1): 62–66.
Kraatz, M. S. 2009. Leadership as institutional work: a bridge to the other side. In T.B.
Lawrence, R. Suddaby & B. Leca (Eds.), Institutional Work: Actors and Agency
in Institutional Studies of Organization: 59-91. New York: Cambridge University
Press.
Langley, A. 1999. Strategies for Theorizing from Process Data. The Academy of
Management Review, 24(4): 691-710.
Lawrence, T. B. & Suddaby, R. 2006. Institutions and Institutional Work. In S. R. Clegg,
C. Hardy, T. B. Lawrence & W. R. Nord (Eds.), The SAGE Handbook of
Organization Studies: 215-254. London: SAGE Publications.
Lawrence, T. B., Suddaby, R. & Leca, B. 2009. Introduction: theorizing and studying
institutional work. In T.B. Lawrence, R. Suddaby & B. Leca (Eds.), Institutional
Work: Actors and Agency in Institutional Studies of Organization: 1-27. New
York: Cambridge University Press.
Lawrence, T. B., Suddaby, R., & Leca, B. 2011. Institutional Work: Refocusing
Institutional Studies of Organization. Journal of Management Inquiry, 20(1): 52–
58.
Lawrence, T. B., Leca, B., & Zilber, T. B. 2013. Institutional Work: Current Research,
New Directions and Overlooked Issues. Organization Studies, 34(8): 1023–1033.
Mair, J. & Martí, I. 2006. Social entrepreneurship research: A source of explanation,
prediction, and delight. Journal of World Business, 41(1): 36–44.
Mair, J. & Martí, I. 2009. Entrepreneurship in and around institutional voids: A case
study from Bangladesh. Journal of Business Venturing, 24(5): 419–435.
Martí, I. & Mair, J. 2009. Bringing change into the lives of the poor: entrepreneurship
outside traditional boundaries. In T.B. Lawrence, R. Suddaby & B. Leca (Eds.),
Institutional Work: Actors and Agency in Institutional Studies of Organization:
92-119. New York: Cambridge University Press.
Martin, R. J. & Osberg, S. 2007. Social entrepreneurship: The case for a definition.
Stanford Social Innovation Review, Spring 2007: 29-39.
Meyer, J. W. & Rowan, B. 1977. Institutionalized organizations: Formal structure as

12
myth and ceremony. American Journal of Sociology, 83(2): 340– 363.
Nicholls, A. 2010. The Legitimacy of Social Entrepreneurship: Reflexive Isomorphism in
a Pre-Paradigmatic field. Entrepreneurship Theory and Practice, 34(4): 611-633.
Patton, M. Q. 2002. Qualitative research & evaluation methods (3rd ed.). Thousand
Oaks, Calif.: Sage Publications.
Peredo, A. M., & McLean, M. 2006. Social entrepreneurship: A critical review of the
concept. Journal of World Business, 41(1): 56–65.
Roberts, D. & Woods, C. 2005. Changing the world on a shoestring: The concept of
social entrepreneurship. University of Auckland Business Review, 7(1): 45-51.
Rojas, F. 2010. Power through institutional work: Acquiring academic authority in the
1968 third world strike. Academy of Management Journal, 53(6): 1263-1280.
Scott, W. R. 2008. Institutions and Organizations (3rd ed.). Thousand Oaks London:
Sage Publications.
Short, J. C., Moss, T. W., & Lumpkin, G. T. 2009. Research in social entrepreneurship:
past contributions and future opportunities. Strategic Entrepreneurship Journal,
3(2): 161-194.
Sud, M., VanSandt, C. V., & Baugous, A. M. (2009). Social Entrepreneurship: The Role
of Institutions. Journal of Business Ethics, 85: 201–216.
Suddaby, R. & Viale. T. 2011. Professionals and field-level change: Institutional work
and the professional project. Current Sociology, 59(4): 423–442.
Thompson, J., & Doherty, B. 2006. The diverse world of social enterprise: A collection
of social enterprise stories. International Journal of Social Economics, 33(5/6):
399-410.
Tracey, P., Phillips, N., & Jarvis, O. 2011. Bridging Institutional Entrepreneurship and
the Creation of New Organizational Forms: A Multilevel Model. Organization
Science, 22(1): 60–80.
Zahra, S. A., Gedajlovic, E., Neubaum, D. O., & Shulman, J. M. 2009. A typology of
social entrepreneurs: Motives, search processes and ethical challenges. Journal of
Business Venturing, 24(5): 519–532.

13

View publication stats

You might also like