You are on page 1of 10

CHƯƠNG 1: BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH GIAI CẤP CÔNG

NHÂN VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1976 – 1986.


1. Giai đoạn 1976 – 1980.
1.1. Bối cảnh lịch sử.
1.1.1. Tình hình đất nước sau 30 năm chiến tranh.
Chiến thắng mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng
chiến lâu dài, gian khổ nhưng rất vẻ vang của dân tộc ta. Thắng lợi vĩ đại
đó đã tạo ra bước ngoặt lịch sử to lớn của cả dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới
của cách mạng Việt Nam, kỷ nguyên độc lập thống nhất cả nước cùng tiến
lên CNXH. Nước ta từ chỗ bị tạm thời chia cắt thành hai miền, chiến tranh
liên miên diễn ra vô cùng ác liệt, "đã chuyển sang giai đoạn mới, giai
đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm một nhiệm vụ chiến lược duy nhất là
tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững
chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
Tình hình mới tạo cho đất nước và nhân dân ta những thuận lợi cơ
bản; song cũng đặt ra những vấn đề mới, đầy khó khăn, phức tạp. Những
thuận lợi cơ bản của đất nước khi bước vào giai đoạn mới là:
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước toàn thắng đã đưa lại quyền
làm chủ cho nhân dân lao động trên toàn bộ đất nước. Đất nước thống nhất
đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý và điều hành
của Nhà nước XHCN đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Nước ta có
nguồn lao động dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú.
Sau chiến tranh, nền kinh tế giữa hai miền Nam - Bắc tuy còn có
những điểm khác nhau, trình độ phát triển và cơ cấu thành phần kinh tế
chưa thống nhất; song trong giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế - xã
hội, thế mạnh ở mỗi miền sẽ bổ sung lẫn nhau, tạo thế mạnh mới thúc đẩy
nền kinh tế cả nước phát triển. Với sự ra đời của nước Cộng hoà xã hội chủ
nghĩa Việt Nam, uy tín và địa vị của nước ta trên trường quốc tế ngày càng
được nâng cao. Tính đến ngày 19-8-1976, nước ta đã có quan hệ ngoại giao
với 97 nước trên thế giới.
Cùng với những thuận lợi cơ bản, đất nước ta phải đương đầu với
nhiều khó khăn chồng chất. Ở miền Bắc, sau một thời gian ngắn xây dựng
CNXH đã phải trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại của
giặc Mỹ (1964 – 1972). Sau chiến tranh, nền sản xuất xã hội ở miền Bắc
vẫn chưa ra khỏi tình trạng sản xuất nhỏ, và chế độ xã hội chủ nghĩa ở
miền Bắc vẫn chưa được xây dựng trên cơ sở đại công nghiệp. Ở miền
Nam, sau khi hoàn toàn được giải phóng, chủ nghĩa thực dân mới đã để lại
những dị hại nặng nề cả về kinh tế, văn hoá, xã hội. Nền kinh tế ở miền
Nam đã trải qua nhiều năm phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Song
về thực chất vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, sản xuất nhỏ là
phổ biến, phát triển mất cân đối, lệ thuộc vào viện trợ của nước ngoài. Sau
khi đất nước hoà bình và thống nhất, bọn phản động từ bên ngoài chưa từ
bỏ chính sách thù địch chống phá cách mạng Việt Nam. Mối quan hệ giữa
các nước xã hội chủ nghĩa vẫn bất động nghiêm trọng, nhất là giữa Liên
Xô và Trung Quốc. Quan hệ kinh tế với một số nước bắt đầu giảm, sự giúp
đỡ của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu đối với nước ta không
còn như trước đây. Đế quốc Mỹ và các thế lực phản động quốc tế thực hiện
chính sách bao vây về kinh tế, cô lập ta về chính trị.
Về chủ quan, mô hình kinh tế thời chiến áp dụng trong một thời gian
dài ở miền Bắc tỏ ra không còn thích hợp. Biểu hiện là cơ chế quản lý tập
trung quan liêu, bao cấp; tổ chức nền kinh tế và quan hệ sản xuất không
còn phù hợp với trình độ lực lượng sản xuất của thời kỳ cả nước đi lên
CNXH. Nhìn chung nền kinh tế của cả nước vẫn là phổ biến sản xuất nhỏ,
trong đó sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Đây là đặc điểm lớn nhất của
nước ta khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản
chủ nghĩa.
1.1.2. Khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã
hội.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng ta đã kịp thời bổ
sung đường lối, xác định nhiệm vụ cụ thể của cách mạng ở mỗi miền phù
hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới.
Ở miền Bắc, chiến tranh đã kết thúc sau hiệp định Paris 1973 về Việt
Nam. Nhưng do sự tàn phá nặng nề của chiến tranh phá hoại và nhân dân
ta phải dồn sức người, sức của thực hiện nhiệm vụ giải phóng miền Nam
nên nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh
tế - xã hội được đặt lên hàng đầu. Đến cuối năm 1975, các nhà máy, xí
nghiệp ở miền Bắc đã kết thúc việc di chuyển máy móc, thiết bị từ các cơ
sở sơ tán trở về, bước vào sản xuất ổn định.
Ở miền Nam, sau đại thắng mùa xuân năm 1975, công tác tiếp quản
các vùng giải phóng được tiến hành khẩn trương. Hệ thống chính trị cách
mạng, từ thành thị đến nông thôn được xây dựng và củng cố trên toàn bộ
lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Đội ngũ công nhân và lao động ở miền Nam
hăng hái trong lao động sản xuất, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt
trong những năm đầu ổn định tình hình xã hội, khôi phục và phát triển kinh
tế ở miền Nam.
1.1.3. Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, phấn đấu thực
hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV và kế hoạch 5 năm (1976 -
1980).
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam đã được
thống nhất về lãnh thổ, song ở hai miền còn tồn tại các tổ chức Nhà nước
khác nhau. Nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước là sớm được sum
họp trong một đại gia đình, có một Chính phủ thống nhất, một cơ quan đại
diện quyền lợi chung của dân tộc Việt Nam.
Tháng 8-1975, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), họp Hội
nghị lần thứ 24, ra Nghị quyết "Về nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam
trong giai đoạn mới". Nghị quyết nhấn mạnh "Thống nhất đất nước vừa là
nguyện vọng tha thiết nhất của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách
quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt
Nam".
1.2. Tình hình giai cấp công nhân.
Sau ngày đất nước thống nhất, giai cấp công nhân Việt Nam phát
triển nhanh, mạnh về số lượng, không chỉ được bổ sung đội ngũ công nhân
lao động ở miền Nam, mà còn được bổ sung đội ngũ công nhân tay nghề
bậc cao trong một số lĩnh vực sản xuất hiện đại. Do hoàn cảnh lịch sử đất
nước bị chia cắt, nên đội ngũ công nhân ở hai miền trong buổi đầu có sự
khác biệt trong cơ cấu ngành nghề, trình độ kỹ thuật và giác ngộ giai cấp.
Ở miền Bắc, đội ngũ công nhân công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có
tuổi đời cao, trình độ tay nghề không đồng đều, thợ bậc cao còn ít, tập
trung tại các thành phố lớn. Lực lượng công nhân nữ chiếm tỷ lệ lớn. Trải
qua thực tiễn vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chiến đấu đánh bại cuộc
chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đội ngũ công nhân miền Bắc có lập
trường giai cấp vững vàng, có lòng yêu nước nồng nàn, cần cù và sáng tạo
trong lao động. Là lực lượng nòng cốt, tiên phong của toàn dân tộc trong
xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cùng cả nước tiến hành
thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ở miền Nam, đội ngũ công nhân phân bố không đều, tập trung chủ
yếu trong một số ngành: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp (các đồn điền)
và cơ sở sản xuất nhỏ dưới 10 công nhân. Đội ngũ công nhân miền Nam
sau ngày giải phóng đã trở thành lực lượng nòng cốt, trong việc tiếp quản
và duy trì hoạt động các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền, cơ sở hạ
tầng như điện nước, giao thông.... Một bộ phận công nhân, do nhiều cơ sở
sản xuất bị đình đốn không đủ việc làm đã bỏ xí nghiệp, gia nhập lớp
người thất nghiệp nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Tuy đội ngũ công nhân ở hai miền còn có những điểm khác nhau,
chưa đồng đều. Song cùng với nhân dân lao động cả nước giai cấp công
nhân đã đoàn kết, cùng đẩy mạnh sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh,
đưa nền kinh tế nước nhà đi vào ổn định. Bên cạnh những mặt tích cực,
giai cấp công nhân nước ta giai đoạn này còn bộc lộ những mặt hạn chế và
nhược điểm. Ngoài những hạn chế như trình độ tay nghề, trình độ học vấn,
cơ cấu giữa các ngành nghề... thì họ còn có những nhược điểm như tinh
thần lao động và kỷ luật công nghiệp chưa cao, chưa chặt chẽ khiến tại nạn
lao động xảy ra nhiều, sức khoẻ bị giảm sút. Một bộ phận công nhân do
trình độ chính trị còn hạn chế, nên tinh thần lao động còn uể oải, chây lười
không chấp hành tốt kỷ luật lao động, không tuân thủ quy trình công nghệ.
Có không ít công nhân trẻ ngại rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ tay
nghề.
2. Giai đoạn 1981-1985.
2.1. Bối cảnh lịch sử.
Thời kỳ 1981-1985 là "khoảng thời gian có tầm quan trọng đặc biệt"
vì thời kỳ này, chúng ta xây dựng CNXH trong tình hình quốc tế có nhiều
diễn biến phức tạp và trong điều kiện đất nước đang còn nhiều khó khăn.
Bọn đế quốc thường xuyên dùng mọi cách chống phá, ngăn cản công
cuộc khôi phục, phát triển của đất nước ta. Các thế lực thù địch cùng phù
họa với Mỹ ngăn cản sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân
ta. Bè lũ đế quốc giúp đỡ bọn phản động người Việt ở trong và ngoài nước
"phục quốc", thực hiện kế hoạch hậu chiến. Trên các diễn đàn quốc tế,
chúng ra sức xuyên tạc việc quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc
tế ở Campuchia gây chia rẽ Việt Nam với các nước trong khu vực Đông
Nam Á.
Thập kỉ 70 và đầu thập kỷ 80 nước ta rơi vào cuộc tổng khủng hoảng
kinh tế - xã hội trầm trọng. Những yếu tố đổi mới trong kinh tế chỉ là bước
đầu chưa toàn diện, chưa đủ thời gian phát huy tác dụng và chưa đủ điều
kiện đưa đất nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội sâu sắc sau chiến
tranh.
Trong hoàn cảnh mới, chúng ta không còn những nguồn viện trợ từ
các nước anh em như những năm chống Mỹ. Vì vậy, sản xuất tiến bộ chưa
đều, chưa mạnh, chưa vững chắc. Nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng,
kéo dài. Cơ chế quản lý kinh tế chưa được cải tiến một cách cơ bản mạnh
mẽ, đồng bộ đã gây ra những khó khăn, rối loạn trong hoạt động kinh tế -
xã hội. Sản lượng của nhiều ngành kinh tế quốc doanh có tăng năng suất,
nhưng chất lượng và hiệu quả còn thấp.
Trong bối cảnh đó ngày 27-3-1982, Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ V của Đảng chính thức khai mạc. Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ chiến
lược của toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn cách mạng mới. "Một là
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; Hai là sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ
vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Thực hiện Nghị quyết Đại
hội V của Đảng, chúng ta không những chặn được đà giảm sút trong sản
xuất công nghiệp của những năm 1976 - 1980 mà còn làm cho sản xuất
tăng lên một cách đều đặn, năm sau cao hơn năm trước.
2.2. Tình hình giai cấp công nhân.
Cùng với sự phát triển của kinh tế công nghiệp, đội ngũ công nhân
nước ta cũng tăng lên nhanh chóng về số lượng và có sự biến đổi về cơ
cấu, chất lượng. Năm 1980 có 3,31 triệu người, năm 1985 có 3,83 triệu.
Về tuổi đời: Tính chung trong cả nước, công nhân Việt Nam có tuổi
đời khá trẻ: dưới 30 tuổi chiếm 53,6%, từ 30 tuổi đến 49 tuổi chiếm 41,9%,
từ 50 đến 60 tuổi chiếm 4,4% và trên 60 tuổi chiếm 0,1%.
Về trình độ học vấn: Năm 1980, tính chung trong cả nước số công
nhân có trình độ phổ thông cơ sở chiếm 60%, phổ thông trung học là 40%,
đến năm 1985 số công nhân có trình độ phổ thông cơ sở chiếm 57,5%; số
công nhân có trình độ phổ thông trung học chiếm 42,5%.
Cũng như trình độ học vấn, trình độ tay nghề của công nhân trong
những năm 1981 - 1985 tuy đã được nâng lên nhưng so với yêu cầu thực tế
thì còn thấp. Số thợ bậc 1-2 chiếm 40%; số thợ bậc 3-4 chiếm 55%. Bậc
thợ bình quân của công nhân là 3,3/7. Thợ bậc cao rất ít.
Về trình độ chính trị, đạo đức và phong cách. Những năm 1981 -
1985 là thời kỳ đầy khó khăn, thử thách đối với nhân dân và giai cấp công
nhân nước ta. Từ năm 1979, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế -
xã hội. Đời sống nhân dân, nhất là công nhân, viên chức gặp rất nhiều khó
khăn. Nhiều người lao động chưa đủ và chưa có việc làm. Nhiều nhu cầu
chính đáng, tối thiểu của nhân dân về đời sống vật chất và văn hoá chưa
được bảo đảm.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong công nhân nước ta cũng còn bộc
lộ những mặt hạn chế, tiêu cực. Chúng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân,
trong đó nổi bật là những nguyên nhân sau:
Phần lớn công nhân nước ta xuất thân từ những người sản xuất nhỏ,
nên họ mang theo tư tưởng, tác phong của người sản xuất nhỏ mà biểu hiện
rõ nhất là tác phong làm ăn tuỳ tiện, thiếu kế hoạch, thiếu tính tổ chức, kỷ
luật trong lao động công nghiệp. Trình độ học vấn và trình độ tay nghề của
công nhân còn thấp và bất cập trước yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp
hoá.
3. Năm 1986.
3.1. Bối cảnh lịch sử.
Sau 10 năm (1976 – 1985), cách mạng XHCN nước ta đạt được
nhiều thành tựu đáng kể; song cũng còn gặp nhiều khó khăn, đất nước lâm
vào khủng hoảng kinh tế - xã hội như: di dân, bị các thế lực thù địch quấy
phá, xung đột với Khmer đỏ,..
Nguyên nhân cơ bản được đề cập đến trong văn kiện Đảng toàn tập:
“Sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách sai lầm về chỉ
đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Ngoài ra còn tồn tại một số nguyên
nhân khách quan đó là: Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, lực lượng
sản xuất cùng với xu thế toàn cầu hóa thay thế cho sự đối đầu, thù địch kéo
dài nhiều năm. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa tư bản vẫn hết sức quyết liệt trên nhiều trận tuyến mới. Chủ nghĩa đế
quốc, đứng đầu là Mỹ, mưu toan xoá bỏ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội trên
phạm vi toàn thế giới. Trong khi đó, ở các nước xã hội chủ nghĩa, về cơ
bản, vẫn tiếp tục duy trì cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp, nên nền kinh
tế hết sức trì trệ. Yêu cầu đặt ra đối với các nước xã hội chủ nghĩa là phải
tiến hành công cuộc cải tổ, cải cách, đổi mới,… toàn diện và sâu sắc.
Trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, tháng 12 -1986, Đại hội lần
thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức thông qua đường lối
đổi mới toàn diện, đồng bộ. Mà trọng tâm đổi mới ở đây là đổi mới kinh tế:
Thứ nhất là tạo điều kiện cho mọi người làm giàu cho mình và cho đất
nước. Thứ hai là xóa bỏ kinh tế tập trung bao cấp, hình thành cơ chế thị
trường có sự quản lý của Nhà nước và cuối cùng là mở cửa, hợp tác kinh tế
quốc tế.
Tuy nhiên, bước vào thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam còn gặp
rất nhiều khó khăn. Cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngày càng gay gắt,
hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng đều sụt giảm. Làm cho đời
sống của các tầng lớp nhân dân trở nên hết sức khó khăn. Bên cạnh đó là
sự bao vây cấm vận của Mỹ cùng với sự chống phá của các thế lực phản
động trong và ngoài nước; sự căng thẳng của quan hệ Việt Nam - Trung
Quốc; vấn dề Campuchia chưa được giải quyết; mối quan hệ với các nước
trong khu vực chưa được cải thiện; ...
3.2. Tình hình giai cấp công nhân.
Bước vào thời kỳ đổi mới, lực lượng công nhân, viên chức nước ta
có 4,12 triệu người (tăng 1,64 triệu người so với năm 1976), chiếm 6,56%
dân số và 15,32% tổng số lao động xã hội, nhưng tập trung chủ yếu ở các
thành phố, thị xã, khu công nghiệp (riêng thành phố Hà Nội có hơn
500.000 người, thành phố Hồ Chí Minh hơn 400.000 người).
Cùng với lực lượng công nhân, viên chức, khi bước vào đổi mới,
Việt Nam còn có 1,8 triệu lao động thủ công làm việc trong 5.641 hợp tác
xã tiểu thủ công nghiệp, 12.000 tổ hợp tác sản xuất và hàng chục vạn hộ
gia đình sản xuất từ nhân, cá thể. Đây cũng là một lực lượng lao động xã
hội quan trọng, trực tiếp làm ra 43% giá trị sản lượng công nghiệp, 65%
tổng sản phẩm hàng tiêu dùng, 20% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, trình
độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ cũng như ý thức tổ chức kỷ luật và tác
phong công nghiệp của công nhân nước ta còn thấp.
Nguồn:
Title: Lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam (1976 –
2000) – Tập 3
Author: Hoàng Ngọc Thanh chủ biên, Trịnh Nhu, Hồ Thức Hòa.
NXB: Lao động, Hà Nội
Year: 2003
Page: 11-19; 21-22; 29-31; 144-148; 151-152; 156-164; 317-321

You might also like