You are on page 1of 12

Chương 4

TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1965 – 1975
I. HOÀN CẢNH LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH VĂN HỌC
Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (1964), bầu không khí chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, cả
đất nước chìm trong lửa đạn. Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa nhận được sự
hậu thuẫn của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN. Miền Bắc tăng cường đưa
quân đội vào Nam với danh nghĩa giúp đỡ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam.
Năm 1965, Mỹ và Đồng Minh cũng đưa quân vào miền Nam với danh nghĩa bảo vệ
chế độ Việt Nam Cộng hòa và thế giới tự do. Chính quyền Sài Gòn và Mỹ đem bom
ra ném miền Bắc. Chính phủ miền Bắc kêu gọi nhân dân luôn sẵn sàng chiến đấu
chống các cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Không lực Mỹ và
Nam Việt ném một lượng bom khổng lồ xuống đường Trường Sơn nhưng vẫn không
cản được bước tiến của bộ đội Bắc Việt.
Quảng Trị trở thành tuyến lửa thường xuyên diễn ra những trận huyết chiến của hai
phe và trở thành một địa danh được nhắc đến khá nhiều trong văn học. Cuộc tấn công
với quy mô lớn của quân cách mạng vào tết Mậu Thân cũng tạo ra những biến chuyển
mạnh mẽ ở miền Nam. Chính quyền Sài Gòn cùng với Mỹ đã đề ra các kế hoạch lớn
như: Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, “Việt Nam hóa” chiến tranh... nhưng
kết quả không như mong muốn. Năm 1973, chính phủ Mỹ đành phải ký Hiệp định
Paris và rút quân về nước, để người Việt Nam tự quyết định lấy vận mệnh của mình.
Mùa xuân năm 1975, bộ đội miền Bắc đánh thắng Tây Nguyên rồi lật đổ toàn bộ
chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thống nhất đất nước, khép lại một thời kỳ bị thương
trong lịch sử dân tộc.
Trong giai đoạn 1965 - 1975, chính phủ miền Bắc thực hiện song song hai nhiệm vụ
lớn: chiến đấu giải phóng miền Nam và xây dựng CNXH. Người dân miền Bắc mỗi
người làm việc bằng hai. Nông dân thực hiện phấn đấu “Ba mục tiêu”, công nhân
phấn đấu “Ba điểm cao”, cán bộ viên chức thực hiện “Ba cải tiến”, trí thức thực hiện
“Ba quyết tâm”. Thanh niên có “Ba sẵn sàng phụ nữ có “Ba đảm đang, trường học có
phong trào “Hai tốt”, thiếu niên, nhi đồng có phong trào “Làm nghìn việc tốt”... Cả
miền Bắc sôi động trong các phong trào thi đua yêu nước. Khí thế anh hùng mạnh mẽ
hơn bao giờ hết, đại đa số dân chúng đều hăng hái thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả cho
tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nam thanh niên tự nguyện gia nhập quân đội, nữ
thanh niên tự nguyện đi thanh niên xung phong. Họ dũng cảm chiến đấu hy sinh vì lý
tưởng cách mạng. Đây là hiện thực lý tưởng để sản sinh ra một nền nghệ thuật mang
đậm cảm hứng anh hùng ca.
 Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương toàn thể văn nghệ sĩ phải toàn tâm, toàn ý nỗ
lực hết sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam và xây dựng miền Bắc
XHCN. Văn nghệ sĩ được siết chặt thành một khối, chấm dứt tình trạng tự do sáng tác
dẫn đến các cuộc tranh luận ồn ào như trước đây. Đời sống phê bình văn học giai đoạn
này chỉ có khen chứ ít khi chế. Đảng chủ trương mở nhiều hình thức sinh hoạt văn
nghệ để phổ biến đường lối của Đảng và phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, nhất
là xây dựng mẫu nhân vật anh hùng để cổ vũ chiến đấu. Trong các năm 1966 - 1967,
tạp chí Văn học đăng nhiều bài lý luận về việc xây dựng hình tượng nhân vật anh
hùng trong thời đại cách mạng vô sản. Trong bài Xây dựng hình tượng nhân vật anh
hùng là vấn đề trung tâm của nghệ thuật chúng ta, Hoàng Việt cho rằng: “Chưa bao
giờ, cuộc sống hiện thực lại thôi thúc những người làm công tác nghệ thuật biểu hiện
nhiều nhân vật anh hùng như mấy năm gần đây. Có thể nói: hầu hết những người làm
công tác nghệ thuật đều chung lòng dốc sức xây dựng thành công hình tượng về người
anh hùng”(1). Tổ Văn học nước ngoài của Viện Văn học cho ra mắt cuốn sách về hình
tượng nhân vật anh hùng qua một số tiểu thuyết Xô Viết) của Lưu Liên và Lê Sơn
(Nhà xuất bản KHXH, H. 1968). Tác phẩm giúp cho các văn nghệ sĩ học tập cách xây
dựng nhân vật anh hùng của các nhà văn Xô Viết. Tháng 5 - 1971, trường Lý luận
nghiệp vụ Bộ Văn hóa tổ chức hội thảo về phạm trù Mỹ học “Cái anh hùng” và xuất
bản thành sách. Các bài viết đã chỉ rõ cách thức xây dựng nhân vật anh hùng trong các
thể loại văn học nghệ thuật. Chưa có lúc nào trong lịch sử văn học dân tộc, cảm hứng
anh hùng ca phát triển sung sức như giai đoạn này. Từ đó hình thành một nền văn học
mang đậm tính sử thi. Những nguyên tắc sáng tác hiện thực XHCN đã phát huy ở giai
đoạn chín muồi nhất. Nhìn vào văn học cách mạng Việt Nam 1965 - 1975, người ta có
thể thấy được toàn bộ đặc điểm của nền văn học XHCN.
Số lượng xuất bản tiểu thuyết của thời kỳ này diễn biến như sau: Trong năm 1965,
không có cuốn tiểu thuyết mới nào được xuất bản ở Hà Nội. Năm 1966, có hai truyện
dài được in. Nhưng thực ra, tiểu thuyết Hòn Đất đã được trao giải năm 1965 ở trong
Nam. Còn Đội du kích thiếu niên Đình Bảng là truyện viết cho thiếu nhi. Sở dĩ có tình
trạng khan hiếm tiểu thuyết là bởi vì từ cuối năm 1964, Mỹ ném bom miền Bắc, nhiều
thành phố đổ nát, các cơ quan lo sơ tán. Dân chúng lo thi đua sản xuất lương thực chi
viện cho bộ đội trong Nam, đời sống vật chất khó khăn, nhu cầu thưởng thức văn hóa
không cao như giai đoạn trước. Các văn nghệ sĩ trở thành nhà báo - chiến sĩ xông xáo
vùng lửa đạn viết các phóng sự ngắn phục vụ kịp thời các nhiệm vụ nóng hổi trước
mắt. Tình hình xuất bản tiểu thuyết chững lại, từ năm 1967 đến 1970, mỗi năm không
quá năm cuốn tiểu thuyết mới được xuất bản. Từ 1971, cuộc sống trở lại ổn định, tình
hình xuất bản phát triển khá hơn, mỗi năm in được trên 10 cuốn tiểu thuyết mới. Đặc
biệt là năm 1973, có 16 cuốn tiểu thuyết mới được công bố. Đây là thời điểm Mỹ đã
rút về nước, miền Bắc trở lại thời kỳ hòa bình, cảm hứng anh hùng ca tràn ngập các
trang sách.
Tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn này có thể được chia làm hai bộ phận lớn:
tiểu thuyết cách mạng miền Nam và tiểu thuyết miền Bắc.
II. TIỂU THUYẾT CÁCH MẠNG MIỀN NAM
Ở miền Nam, Hội Văn nghệ giải phóng ra đời năm 1961, đặt căn cứ ở rừng Tây Ninh.
Tiếp theo là sự ra đời từ Văn nghệ Quân Giải phóng (Ở Nam Bộ), Văn nghệ Quân
Giải phóng Trung Trung Bộ (ở khu Năm), Nhà xuất bản Giải phóng (đặt ở Hà Nội).
Nhiều tờ báo của Đảng bộ các tỉnh và các đơn vị bộ đội chủ lực cũng hình thành. Tuy
nhiên, bộ phận báo chí, văn nghệ giải phóng chỉ phổ biến ở vùng nông thôn, miền núi.
Trong giai đoạn mở đầu (1960 – 1964), văn xuôi giải phóng chỉ mới có truyện ngắn,
ký mà chưa có tiểu thuyết, mặc dù từ năm 1961, đã có mặt một số nhà văn viết tiểu
thuyết. Đó là những cán bộ gốc miền Nam tập kết ra Bắc nay được điều động bí mật
vào Nam nhưng phải thay tên đổi họ để tránh tiếng Bắc Việt Nam can thiệp vào công
việc nội bộ của Nam Việt Nam. Như Phan Tứ (tên cũ là Lê Khâm), Nguyễn Trung
Thành (Nguyên Ngọc), Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Anh Đức (Bùi Đức Ái),
Trần Hiếu Minh (Nguyễn Văn Bổng), Nguyễn Sáng (Nguyễn Quang Sáng), Thu Bồn,
Đinh Quang Nhã... Đó là các nhà văn thuộc diện “B dài”. Và còn có rất nhiều nhà văn
thuộc diện “B ngắn” cũng góp phần làm đông đảo thêm lực lượng viết tiểu thuyết
trong văn học giải phóng miền Nam. Do điều kiện chiến trường phân cách, nên các
nhà văn thường sinh hoạt với nhau theo từng khu vực. Có thể chia văn học giải phóng
miền Nam theo từng bộ phận nhỏ như sau: Nam Bộ, khu Năm, Trị Thiên.
Trước hết, ta hãy đề cập bộ phận tiểu thuyết cách mạng vùng Nam Bộ. Năm 1962,
Anh Đức vào Nam tham gia phụ trách tờ Văn nghệ giải phóng. Tác phẩm nổi tiếng
nhất của ông là Hòn Đất, dựa vào một câu chuyện chống còn có thật xảy ra ở huyện
Châu Thành B, tỉnh Kiên Giang thời chiến tranh đặc biệt. Nữ anh hùng liệt sĩ Phan
Thị Ràng là nguyên mẫu để tác giả xây dựng nên chị Sứ, một trong những nhân vật
nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết Việt Nam. Ngoài ra, tác phẩm còn có nhiều nhân vật
có cá tính riêng đặc sắc như thằng Xăm, bà Cà Xợi, thím Ba Ú... Ngôn ngữ mang đậm
sắc thái Nam Bộ, nghệ thuật dẫn truyện đặc sắc, giàu kịch tính... Từ khi đoạt giải
thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu (1960 – 1965) và xuất bản năm 1966, tác phẩm
tạo được tiếng vang lớn, có rất nhiều bài viết khen ngợi, xem Hòn Đất là “hòn ngọc”
quý giá của văn học dân tộc. Đây cũng là tác phẩm mở đầu cho bộ phận tiểu thuyết
cách mạng miền Nam.
 Trần Hiếu Minh là người gốc Trung Bộ những năm 1962 được điều động vào Nam
Bộ làm Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam. Năm 1965, ông về thực tế
Cà Mau, tìm hiểu về phong trào Đồng Khởi ở xã Khánh An thời kỳ 1957 - 1960. Kết
hợp với những kiến thức thực tế trước đó về Bến Tre, ông viết tiểu thuyết Rừng U
Minh. Tác phẩm như một lời giải đáp vì sao dẫn đến phong trào Đồng Khởi ở miền
Nam. Nó còn cung cấp cho bạn đọc nhiều kiến thức bổ ích về đất và người Nam Bộ,
những vấn đề tế nhị của lịch sử miền Nam trước Đồng Khởi... Năm 1966, Trần Hiếu
Minh thâm nhập vào Sài Gòn với bí danh Tám Nhàn để tham gia phụ trách các tờ Tin
Văn, Người Việt và chỉ đạo phong trào “Bảo vệ văn hóa dân tộc”. Sau tết Mậu Thân,
ông rút ra vùng giải phóng và viết tiểu thuyết Áo trắng nói về phong trào đấu tranh
của giới trí thức học sinh, sinh viên Sài Gòn. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất hiếm hoi
trong văn học cách mạng thời chiến tranh viết về đề tài đô thị miền Nam.
Nguyễn Thi là tác giả của truyện kỹ nổi tiếng Người mẹ cầm súng viết về chị Út Tịch.
Ông là người có thói quen ghi chép rất tỉ mỉ. Năm 1964, ông có dịp về Bến Tre và sưu
tập nhiều tư liệu quý về khu trù mật và chính sách cải cách điền địa của chính quyền
quốc gia. Năm 1965, đang viết được ba chương cuốn tiểu thuyết về đề tài này thì ông
phải xếp lại đi làm các việc khác. Năm Mậu Thân, Nguyễn Thi xung phong theo một
đơn vị bộ đội tiến đánh Sài Gòn và đã ngã xuống trên đường Minh Phụng, cách không
xa nơi ở của đứa con gái mà ông chưa từng thấy mặt khi tập kết ra Bắc. Một số tác
phẩm của ông được tập hợp in trong tập Truyện và ký (1969), trong đó có một tiểu
thuyết đang viết dở dang là ở xã Trung Nghĩa (nhan đề do ban biên tập đặt). Giới
nghiên cứu phê bình đánh giá rất cao tiểu thuyết này, đặc biệt là ở ngôn ngữ và nghệ
thuật miêu tả nhân vật.
 Năm 1966, Nguyễn Quang Sáng trở lại đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiến trường
trống trải, có đồng nước mênh mông và những Mùa gió chướng khắc nghiệt. Ông ưu
tiên cho thể loại truyện ngắn để kịp thời phục vụ các mục tiêu trước mắt, tuy nhiên
vẫn thai nghén những trang tiểu thuyết. Năm 1973, ông công bố truyện vừa Cái áo
thằng hình rơm. Năm sau nữa, ông công bố trên tạp chí Tác phẩm mới một số chương
của cuốn tiểu thuyết Mùa gió chướng (in năm 1975). Đinh Quang Nhã vào lại miền
Nam cuối năm 1967 và kịp tham gia cuộc tổng tiến công tết Mậu Thân. Lấy chất liệu
từ hiện thực đầy máu lửa ấy, ông viết nên tiểu thuyết Đất trong làng (1974) kể về
những khó khăn của phong trào cách mạng ở một làng quê Nam Bộ sau tết Mậu Thân.
Nguyễn Hải Trừng là nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc, năm 1973, ông công bố một
cuốn tiểu thuyết viết về phong trào Đồng Khởi ở Nam Bộ là Không chịu sống quỳ.
Tác phẩm góp một tiếng nói đấu tranh đòi thống nhất nước nhà.
Ở chiến trường khu Năm, phần lớn nhà văn tập trung về Quảng Nam, nơi đóng trụ sở
của Bộ Tư lệnh, Khu ủy khu Năm, Ban Tuyên huấn khu Năm và Hội Văn nghệ giải
phóng Trung Trung Bộ. Quảng Nam đất rộng người đồng, có phong trào cách mạng
cao, nói như Dương Hương Ly, đó là “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”. Bởi vậy,
mảnh đất anh hùng này được nhắc đến khá nhiều trong tiểu thuyết cách mạng Việt
Nam. Nhà văn trở lại mảnh đất này đầu tiên là Phan Tứ (năm 1961), vào làm ở Ban
Tuyên huấn Khu ủy khu Năm. Phan Tứ mau chóng nhập cuộc phong trào cách mạng,
bám trụ vùng giải phóng Tứ Mỹ (Tam Kỳ), vừa lãnh đạo vừa tìm hiểu chuyển | biến
của người nông dân trong thế “Một nước hai miền, tỉnh quận hai miền, tới một làng
cũng hai miền, hai chế độ” (Mẫn và tôi). Ngoài thời gian làm rẫy, đi phát động quần
chúng, “ông bốn gương” ngồi trong lều rơm say sưa viết truyện. Phan Tứ là người có
nhiều tiểu thuyết nhất so với các nhà văn cách mạng miền Nam. Tiểu thuyết Gia đình
má Bảy phản ánh phần nào tình trạng phổ biến trong các gia đình miền Nam lúc bấy
giờ: má Bảy và con gái Út Sâm đi làm cộng sản nhưng con trai Tư Sỏi nằm trong quân
đội quốc gia. Phong trào Đồng Khởi bùng lên như để giải quyết phần nào những bi
kịch đó. Ngòi bút Lê Khâm - Phan Tứ không ngại đề cập tới những vấn đề gai góc của
cuộc cách mạng. Có điều là cuối tác phẩm, tác giả thường xử lý những mâu thuẫn theo
hướng có lợi cho cách mạng. Trong Mẫn và tối, tác giả cũng mạnh dạn khai thác
những xung đột trong nội bộ cách mạng, qua cuộc đấu tranh giữa hai chủ trương: tìm
địch mà đánh của Mẫn và né tránh đổ máu của Tám Liệp. Mối tình của Mẫn và Thiềm
tượng trưng cho tình đoàn kết, phối hợp chiến đấu giữa du kích địa phương và | bộ đội
chủ lực. Tiểu thuyết sử thi Mẫn và tôi có giọng điệu anh hùng ca vào loại cường tráng
nhất trong văn học Việt Nam. Trong giai đoạn này, Phan Tứ còn có tiểu thuyết Trại
S.T. 18 viết về trại tù binh Mỹ ở vùng giải phóng. Đây là một đề tài mới lạ, cung cấp
nhiều tri thức thú vị về cuộc sống nước Mỹ. Thông qua các nhân vật Xam (lính da
đen), Tom (lính da trắng), Bều (sĩ quan), tác giả khái quát lên các quan điểm khác
nhau của xã hội Mỹ liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam. Các nhân vật được chú ý
miêu tả về mặt tâm lý nên có sức thuyết phục cao... Tác phẩm có tính chất của một
tiểu thuyết luận đề.
Năm 1962, Nguyễn Ngọc (Nguyễn Trung Thành) vào khu Năm làm Chủ tịch Hội Văn
nghệ giải phóng Trung Trung Bộ, phụ trách tờ Văn nghệ Quân giải phóng Trung
Trung Bộ. Ông xác định phải làm một chiến sĩ thực thụ trước khi làm nhà văn nên lăn
lộn chiến đấu Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Ông từng làm Bí thư chi
bộ một xã ở vành đai trắng của huyện Điện Bàn. Thời kỳ này, ông có những tác phẩm
nổi tiếng như truyện ngắn Rừng xà nu, tùy bút Đường chúng ta đi. Về tiểu thuyết, có
Đất Quảng nhưng chỉ in tập I năm 1971. Tác phẩm dựng lên cuộc chiến ác liệt giữa du
kích xã Hòa Thanh với quân đội Mỹ và quốc gia. Mâu thuẫn quá khứ giữa “ông già
sống Trúc” với địa chủ Hứa Xâng được tiếp nối qua đời con của họ. Bí thư chi bộ
Thắm có chồng bị Hứa Xâng uống tiết, thù nhà nợ nước sâu nặng nên dũng cảm
đương đầu với trung tá Hứa Min, một người có học thức, biết phấn đấu hết mình cho
lý tưởng chống cộng. Điểm nhìn khách quan, toàn diện và kịch tính sâu sắc đã làm
nên giá trị tác phẩm.
Trong chiến tranh, Thu Bồn có mặt ở nhiều chiến trường. Những năm tháng ở khu
Năm đã cung cấp tư liệu cho ông viết tiểu thuyết Chớp trắng. Tác phẩm viết về hoạt
động cách mạng của dân tộc Kà Tu và một đơn vị bộ đội đặc công trên địa bàn Quảng
Nam - Đà Nẵng - Quảng Ngãi - Bình Định - Kon Tum. Những mối quan hệ đời tư ly
kỳ được lồng ghép vào hoạt động cách mạng của các nhân vật nên tạo sự lôi cuốn bạn
đọc. Tiểu thuyết Dưới đám mây màu cánh vạc được Thu Bồn sáng tác sau chuyến
thực tế Quảng Trị năm 1972, lấy nguyên mẫu từ nữ anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm ở
Mỹ Thủy - Hải Lăng. Tác giả rất có ý thức tìm tòi những cách thể hiện mới, như sử
dụng bút pháp kỳ ảo làm cho sự vật hiện tượng có đời sống như con người và làm cho
con người cũng có khả năng phi thường như thần thánh. Nhiều nhân vật trung gian có
dấu ấn riêng rõ nét như mụ Cửu Xéo, lão Mãn, mụ Khờ Thứ... Ngôn ngữ nhân vật
sinh động, được cá biệt hóa, đối chỗ pha giọng điệu hài hước. Tác phẩm giàu màu sắc
tu từ, kết cấu linh hoạt... Đây là một trong những tiểu thuyết xuất sắc trong văn học
Việt Nam.
 Chiến trường Trị Thiên thu hút rất nhiều nhà văn cách mạng nhưng chủ yếu thuộc
diện “B ngắn”, tức là từ miền Bắc đi thực tế ngắn ngày ở Quảng Trị, Thừa Thiên.
Trong những chuyến thực tế Thừa Thiên, nhà văn quân đội Hồ Phương đã viết tác
phẩm Kan Lịch, có dấp dáng như một truyện ký kể về phong trào cách mạng của đồng
bào Pa Cô. Sau đó, ông ra tiếp truyện ký Khi có một mặt trời kể về anh hùng Lê Mã
Lương. Xuân Thiều (Nguyễn Thiều Nam) cũng vào thực tế Thừa Thiên và viết tiểu
thuyết Thôn ven đường. Tác phẩm cho thấy được sự chuyển biến trong quan hệ của
người dân Việt Nam và lính Mỹ trong chiến tranh. Tác giả xây dựng được nhiều nhân
vật có cá tính riêng đặc sắc như thím Hai Cao, cảnh sát Tư Hiền... Ngôn ngữ sinh
động, mang bản sắc địa phương.
Giai đoạn này có hai tiểu thuyết viết về thành phố Huế. Tác phẩm Thúy của Hà Khánh
Linh lấy bối cảnh ở hai thành phố Huế và Đà Nẵng theo bước đường kiếm sống của
một thiếu nữ nghèo khổ. Từ một cô gái làm việc ở quán bar, Thúy giác ngộ cách mạng
và kết thân với một thiếu tá Mỹ để lấy tin tức cho cách mạng. Tác phẩm cũng tái hiện
chân thực phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Huế cũng như thế giới ăn chơi
của sĩ quan Mỹ. Tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng của Tổ Nhuận Vỹ có dung lượng
đồ sộ, vắt qua hai giai đoạn, tập I (1974), tập II (1977), tập III (1982). Nội dung chính
miêu tả thời gian trước và sau cuộc nổi dậy tết Mậu Thân ở Thừa Thiên - Huế. Tác
phẩm ngồn ngộn sự kiện, cung cấp cho bạn đọc một bức tranh phong phú về cuộc
sống đô thị Huế, nhất là hoạt động của giới sĩ quan cao cấp trong chính quyền quốc
gia. Bởi vậy, có giá trị hiện thực cao.
Sao Mai của Dũng Hà là một cuốn tiểu thuyết hiếm hoi viết về binh chủng bộ đội đặc
công. Tác phẩm trình bày song song hai tuyến cách mạng - quốc gia, lồng ghép hai
nội dung thù nhà và nợ nước. Cuối tác phẩm, đồn địch bị tiêu diệt, chính trị viên Hoài
Châu bắn chết trung tá Sáu Vằn chấm dứt khối xung đột chung và riêng. Tác phẩm có
nhiều kịch tính ly kỳ và chân thực. Tiểu thuyết Chiến sĩ là kết quả của đợt thực tế
tuyến lửa Trị Thiên của Nguyễn Khải. Tác phẩm trình bày dưới hình thức kể chuyện
của nhân vật “tôi” là một chiến sĩ thiết giáp hoạt động ở miền Tây Quảng Trị. Qua
cuộc phiêu lưu của anh ta, tác phẩm tái hiện cuộc sống của bộ đội ở chiến trường gần
như đầy đủ các binh chủng: bộ binh, tăng thiết giáp, pháo binh, trinh sát, công binh,
vận tải, quân y, quân lương... Tác phẩm giàu màu sắc chính luận, thể hiện rõ nét lý
tưởng cách mạng của thanh niên miền Bắc thời chống Mỹ.
 Quảng Trị là giới tuyến quân sự của hai miền Nam - Bắc, cũng là tuyến lửa ác liệt
nhất của cả nước. Nguyễn Minh Châu gọi đây là “cái rốn” của chiến tranh. Từ năm
1967, với tư cách phóng viên tạp chí Văn nghệ quân đội, ông đã nhiều lần đi theo bộ
đội tham gia chiến đấu ở các mặt trận Khe Sanh, đường 9 Nam Lào... Kết quả của
những chuyến đi này là sự ra đời tiểu thuyết sử thi nổi tiếng Dấu chân người lính, từng
được xem là sách gối đầu giường của thanh niên thập niên 70. Tác phẩm được trích
đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1970 và được in trọn vẹn năm 1972. Cuốn
sách đã tái hiện sinh động khung cảnh chiến trường Khe Sanh với sự tham gia của hầu
hết các binh chủng, và các phe đều huy động hết toàn bộ khả năng của mình. Điều
đáng chú ý nhất là, Dấu chân người lính có sự kết hợp hài hòa đến mức lý tưởng giữa
chất sử thi và chất tiểu thuyết. Dung hợp cả ba thể tài: lịch sử dân tộc - thế sự - đời tư,
và có đầy đủ các sắc màu thẩm mỹ như: cao cả, bi, hài, đẹp, xấu... Tác giả sử dụng
rộng rãi tiếng cười Carnaval để làm giảm bớt không khí khắc nghiệt của chiến trường,
tăng thêm tinh thần lạc quan để xua tan những gì cứng nhắc, lột mặt nạ nhân cách để
hoàn thiện con người... Ngôn ngữ vừa trang nghiêm vừa suồng sã, văn bản gợi mở
nhiều vấn đề để bạn đọc tham gia đối thoại. Thời hiện tại chưa hoàn thành đã tạo ra
chất tiểu thuyết nhưng không làm phá vỡ hạt nhân sử thi của tác phẩm. Không gian
công cộng, không gian chiến trường và kiểu thời gian lịch sử - sự kiện là cái nền sử thi
vững chắc. Tác phẩm kết thúc trong âm hưởng hùng tráng của sự thi. Có thể nói, Dấu
chân người lính là một tiểu thuyết sử thi điển hình trong văn học Việt Nam.
Nhìn chung, các nhà văn từ tuyến đầu Tổ quốc đã thực hiện đúng đắn phương châm
“sống rồi hãy viết”. Nhờ có từng trải thực tế chiến trường, họ đã tạo ra được những
trang văn chân thực và sinh động, góp phần lưu giữ những hình ảnh bi hùng của một
thời lửa đạn để làm tài liệu quý giá cho các thế hệ mai sau. Đặc điểm chung của hầu
hết tiểu thuyết cách mạng miền Nam giai đoạn này là ưu tiên cho đề tài chống địch.
Để tạo kịch tính và tăng sự chân thực cho tác phẩm, nhiều nhà văn có ý thức khắc họa
thành công chân dung nhân vật phản diện như: thằng Xăm (Hòn Đất), đại diện Hiếm,
cảnh sát Âu (Ở xã Trung Nghĩa), Hứa Min (Đất Quảng), cảnh sát Tư Hiền (Thôn ven
đường), Rô-bớt Lin (Dòng sông phẳng lặng)... Và các nhân vật trung gian, nhân vật
tiêu cực như: Bà Cà Xợi, thím Ba Ú (Hòn Đất), mụ Ba Sồi (Ở xã Trung Nghĩa), Tám
Liệp (Mẫn và tôi), Tôm, Xam, Bêu (Trại S.T.18), mụ Cửu Xéo, lão Mãn (Dưới đám
mây màu cánh vạc)... Phía nhân vật chính diện, nhiều nhà văn cũng miêu tả thành
công các nhân vật quần chúng như: thím Hai Cao (Thôn ven đường), ông già U Minh
(Rừng U Minh), má Bảy (Gia đình má Bảy), Xiêm (Dấu chân người lính)...
Đặc biệt, điều quan tâm nhất của các nhà văn là phải xây dựng được mẫu người anh
hùng lý tưởng để nêu gương và cổ vũ chiến đấu. Không hẹn mà gặp nhau, phần lớn
các nhân vật chính được tác giả ưu ái lại là các nữ anh hùng: Chị Sứ (Hòn Đất), Út
Hảo (Rừng U Minh), Thắm - Chính trị viên xã hội (Không chịu sống quỳ), Phượng -
Thủ lĩnh thanh niên (Áo trắng), Sáu Linh - Bí thư chi bộ (Mùa gió chướng), Sáu Thắm
- Bí thư chi bộ (Đất Quảng), Ủt Sâm - Xã đội phó (Gia đình má Bảy), Mẫn - Bí thư
chi bộ (Mẫn và tôi), Tâm - Chỉ huy du kích xã (Dưới đám mây màu cánh vạc), Kan
Lịch - Huyện đội phó (Kan Lịch), 0 Lành - Bí thư chi bộ (Thôn ven đường), cô Cúc -
cán bộ biệt động thành (Dòng sống phẳng lặng)... Hình tượng các nữ anh hùng xuất
hiện trong hàng trăm tác phẩm văn xuôi Việt Nam thời chiến tranh khiến cho người ta
có cảm nhận rằng, chính các “đội quân tóc dài” mới giữ vai trò chủ đạo trong cuộc
kháng chiến. Trong Mùa gió chướng, tác giả để cho nhân vật Năm Bờ phát biểu:
“Thời buổi này là thời buổi của đàn bà con gái”, “Đàn bà con gái như sao trên trời (...)
trời càng tối thì sao càng sáng. Cách mạng thoái trào, vai trò phụ nữ càng nổi bật”.
Đây có lẽ là hiện tượng đặc biệt trong văn học thế giới. Các nhà văn cách mạng đã tạo
ra những nét cách tân với quan niệm truyền thống về vai trò của người phụ nữ đối với
thời cuộc. Họ là phái yếu nhưng có khả năng làm chuyện phi thường như bắn hạ trực
thăng, xe tăng Mỹ, chiến thắng những đấng mày râu sừng sỏ. Đây cũng là một thủ
pháp nghệ thuật, nhằm nâng cao tầm vóc của cuộc chiến tranh du kích. Đưa hình
tượng người phụ nữ vào tác phẩm cũng có nghĩa là tăng thêm sức phê phán chính
quyền địch, vì xã hội quá bất công đến mức phụ nữ phải ra trận. Mặt khác, phụ nữ đại
diện cho phái đẹp, từ đó đối lập với kẻ thù của họ là những kẻ xấu. Vẻ đẹp ngoại hình
của các nhân vật nữ cũng góp phần làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Đồng
thời là lời kêu gọi các trang nam nhi từ miền Bắc hãy ra chiến trường giúp đồng bào
miền Nam. Sự xuất hiện với mật độ cao hình tượng nhân vật nữ anh hùng đã làm cho
tiểu thuyết cách mạng Việt Nam giai đoạn này có thêm nét độc đáo so với các giai
đoạn khác.
III. TIỂU THUYẾT MIỀN BẮC
Cuộc chiến tranh trong Nam đã lan ra miền Bắc, mà nơi chịu bom đạn nhiều nhất là
khu Bốn, đặc biệt là con đường mòn vận tải phía Tây Quảng Bình. Không quân Mỹ đã
ném đủ các loại bom lẫn các thiết bị quân sự hiện đại xuống vùng này để ngăn chặn
hoạt động của cộng sản. Hàng vạn thanh niên xung phong cùng các đơn vị vận tải,
công binh, pháo binh, bộ binh... đã dũng cảm sống dưới mưa bom, không ngừng sửa
chữa để đảm bảo cho con đường thông suốt. Có thể thấy điều này trong rất nhiều tác
phẩm văn học đương thời. Tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài bộ đội vận tải trên đường
Trường Sơn là Sao Băng (1968). Tiếp theo là hàng loạt tiểu thuyết về đề tài này ra đời
trong giai đoạn 1970 - 1975 như: Đường trong mây, Con đường mòn ấy, ở một cung
đường, Giữ đường. Những người mở đường. Những người cùng tuyến, Thung lũng
Cô Tan, Nước nguồn, Xẻ núi... Các tác phẩm này đều có tinh thần chủ đạo là phê phán
hành động tàn phá của địch đối với con đường huyết mạch. Đồng thời ca ngợi chủ
nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần lạc quan yêu đời của thanh niên xung phong và
bộ đội. Tiểu thuyết Con đường mòn ấy của Đào Vũ có giọng văn linh hoạt, có nhiều
chi tiết cảm động, tái hiện đầy đủ nhất hiện thực gian khổ mà hào hùng của các chiến
sĩ trên đường Trường Sơn. Tiểu thuyết Thung lũng Cô Tan tô đậm chủ nghĩa anh hùng
tập thể, “tiếng hát át tiếng bom”. Tác giả cũng tạo ra một khung cảnh thần tiên, núi
rừng lung linh những sắc màu kỳ ảo, có sức vẫy gọi thanh niên đến với nó để chiêm
ngưỡng, khám phá và lao động. Nét chung của các tác phẩm này là không có cốt
truyện rõ ràng, phổ biến kiểu con người tập thể, mang đậm cảm hứng ngợi ca.
 Theo sự phân công của tổ chức Đảng, các nhà văn Việt Nam đã chia nhau đi thực tế
đủ các lĩnh vực cuộc sống để cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn diện về thời
đại anh hùng. Trong lĩnh vực quân đội, hầu như binh chủng nào cũng được phản ánh
trong tiểu thuyết. Hải quân (Ra đảo, Cửa sông Bầu trời và dòng sông...), không quân
(Vùng trời, Mặt trận trên cao, Những tầm cao...), pháo cao xạ (Vào lửa, Nắng giữa
đồng, Vùng trời, Bầu trời và dòng sông, Đám cháy trước mặt, Đất mặn, Những tầm
cao, Bến sông Son...), công an vũ trang (Bầu trời và dòng sông, Biển động...), tình báo
(“Mũi tên 17”, “Nhóm rắn lục”, Thiếu tá đặc nhiệm, Hoa hồng trắng...), bộ đội biên
phòng (Bên dòng Đăng - nơi), dân quân trực chiến (Dòng sông phía trước, Cửa sông,
Đám cháy trước mặt, Người ở nhà, Ngày và đêm hậu phương. Những tấm cao, Nơi
anh sẽ đến, Giáp trận, Gương xanh, Đất mặn...). Các tác phẩm này đề cập tới hai đối
tượng chính: người lính và nông dân. Những người dân miền Bắc lúc bấy giờ cũng
đồng thời là người lính, họ vừa lao động sản xuất vừa trực chiến sẵn sàng bắn hạ máy
bay địch. Như Tố Hữu đã ca ngợi: “Chào cô gái dân quân vai súng tay cày / Chân lội
bùn mơ hạ máy bay”. Văn học lúc bấy giờ có tính thời sự cao, phản ánh kịp thời các
sự kiện chính trị trước mắt.
Đề tài sản xuất nông nghiệp cũng chiếm một số lượng lớn trong các tiểu thuyết giai
đoạn này. Đa số các tác phẩm đều đề cập tới phong trào xây dựng HTX nông nghiệp
từ kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trở về sau. Vấn đề ra - vào HTX không còn phổ biến
như trước nữa, mọi người đều có ý thức tập thể, cùng làm, cùng hưởng, cùng vui tươi
xây dựng cuộc sống mới. Phụ nữ chăm lo cấy cày, trực chiến, nam thanh niên nô nức
tòng quân, tình dân quân thắm thiết mặn nồng.
Có thể thấy những bức tranh đẹp về nông thôn Việt Nam trong chế độ mới qua các
tiểu thuyết: Cửa sông, Người ở nhà, Gương xanh... Tuy nhiên, bên cạnh miêu tả
những mặt tốt, nhiều tác giả cũng chú ý đến những mặt còn chưa tốt của phong trào
hợp tác. Như thói quen tự hữu, chiếm dụng của công, làm ít hưởng nhiều, tệ quan liêu,
hách dịch, đấu đá nội bộ tranh chức quyền, chạy theo thành tích ảo... Nhưng nhìn
chung, những cái xấu xa, lạc hậu này chỉ mang tính cá biệt, và ngày càng bị loại trừ,
suy yếu dần để nhường chỗ cho cái tiến bộ nảy nở. Kết thúc tác phẩm bao giờ cũng
tràn ngập không khí vui tươi tin tưởng vào cuộc sống mới. Tinh thần này thể hiện
trong các tác phẩm: Chủ tịch huyện, Hai người du kích cũ, Ngày và đêm hậu phương,
Vùng quê yên tĩnh, Giáp trận, Đất mặn...
 Tiểu thuyết Ao làng cũng mạnh dạn đề cập những mâu thuẫn về cách thức sản xuất
cũ và mới, vấn đề riêng và chung. Hai nhân vật để lại nhiều ấn tượng là anh cán bộ
Mọc (góa vợ) và chị Cả Phây (góa chồng). Cuộc sống làm ăn chung tạo điều kiện cho
hai người gặp gỡ nhau. Nhưng tuy gần mà xa vì anh Mọc quá say mê việc công, tức là
đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân... Tiểu thuyết Đất làng cũng được dư luận
đương thời đánh giá cao. Nội dung chính đề cập tệ chiếm dụng của công làm của
riêng, bên cạnh những cán bộ xã viên tích cực cũng còn một số người lo vun vén bản
thân, báo cáo thành tích láo... Tác giả có nhiều sáng tạo về nghệ thuật dẫn truyền,
giọng văn sối nổi lôi cuốn.
Cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất về đề tài xây dựng XHCN ở miền Bắc là Bão biển của
Chu Văn. Tác phẩm chứa vô số xung đột, trong đó cơ bản là xung đột về hệ tư tưởng
giữa chính quyền địa phương và phe phản cách mạng trong nhà thờ. Từ mâu thuẫn ý
thức hệ, kéo theo hàng loạt những mâu thuẫn khác trong mỗi cá nhân và xóm làng,
xung đột trong nội bộ mỗi phe, mâu thuẫn vợ - chồng, cha - con trong gia đình chủ
tịch Thất. Rồi mâu thuẫn giữa hai vợ chồng Nhân và Lực phải dùng đến súng đạn để
giải quyết. Bi kịch tình yêu giữa Nhân và Tiệp là đề tài nổi cộm trong các cuộc thảo
luận về tác phẩm này. Ngoài ra, còn có xung đột về cái cũ và cái mới trong sinh hoạt
văn hóa và lao động sản xuất, xung đột giữa con người với thiên nhiên... Tất cả các
mâu thuẫn trong Bão biển đều được giải quyết theo hướng có lợi cho cách mạng. Tác
phẩm ngôn ngộn sự kiện, cung cấp một bức tranh phong phú và đầy gai góc ở nông
thôn miền Bắc buổi đầu thiết lập phương thức sản xuất mới. Phải tới Bãi biển, văn học
Việt Nam mới có được những gương mặt anh hùng vạm vỡ ở lĩnh vực xây dựng nông
thôn. Nhân vật Tiệp là mẫu con người mới điển hình trong văn học cách mạng, là một
anh hùng Ulysse của nền văn học sử thi Việt Nam.
Đề tài công nghiệp chiếm một số lượng khiêm tốn hơn. Các tiểu thuyết giai đoạn này
đã đề cập các lĩnh vực sau: khai mỏ (Đi lên đi), nhiệt điện (Nơi anh sẽ đến, Những
tầm cao), luyện gang (Trước lửa), xây dựng (Xi măng), giao thông vận tải (Ngôi sao
sông Lam), lâm nghiệp (Bạch đàn, Mở đất)... Hình tượng chính là những công nhân
cần cù lao động, quên mình vì lợi ích tập thể. Họ ý thức được tầm quan trọng của
ngành công nghiệp trong tương lai và vai trò của giai cấp công nhân trong chế độ cộng
sản. Hiện tại còn có nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm quản lý theo phương
thức mới, cộng với sự phá hoại của bom Mỹ, nhưng những hạn chế đang được khắc
phục dần để vững bước tiến lên CNXH.
Đề tài miêu tả cuộc sống mới ở miền núi cũng được nhiều nhà văn đề cập. Sao Mai
(tác giả của Thôn Bầu thắc mắc) vốn là người đồng bằng lên vùng kinh tế mới Phú
Thọ, từ đó gắn bó với đề tài miền núi. Làng cao miêu tả cuộc sống của một bản làng
dân tộc miền núi trong thời kỳ tập thể hóa nông nghiệp. Tác giả có giọng văn uyển
chuyển, nhiều sáng tạo. Vùng cao của Đỗ Quang Tiến đặt những người dân tộc Dao ở
Yên Bái vào hai đoạn đời trước và sau 1945 để thấy được sự đổi đời nhờ cách mạng.
Trần Hữu Tòng chú ý miêu tả những khó khăn của buổi đầu xây dựng cuộc sống mới
của người dân U-ní ở bản giáp biên giới Việt - Trung - Lào (Bên dòng Păng-tơi). Tô
Hoài là người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với vùng đất Tây Bắc từ thời chống Pháp. Sau
này ông còn trở lại nơi đây nhiều lần để lấy tư liệu cho các sáng tác của mình. Tiểu
thuyết Miền Tây đã tái hiện lại bước đường đi theo cách mạng của đồng bào các dân
tộc Tây Bắc. Sự phức tạp của cuộc sống nơi đây được thể hiện qua gia đình bà Giàng
Súa. Con cả Thào Nhìa theo toán phủ về quấy rối, gặp sự ngăn cản của con thứ Thào
Khày (cán bộ Đảng). Cô gái út là Mỵ yêu cán bộ Nghĩa, tượng trưng cho tình đoàn kết
các dân tộc. Cuối tác phẩm, vùng Phiềng Sa tấp nập vui tươi xây dựng cuộc sống mới.
Có thể thấy rõ tác phẩm mang tính minh họa cho các chính sách của Đảng nhưng vẫn
có giá trị nghệ thuật cao. Miền Tây được trao giải thưởng Bông Sen của Hội Nhà văn
Á - Phi năm 1970. Tiểu thuyết Rừng động (2 tập, 1975 - 1977) kể về đời sống của các
dân tộc Lai Châu trong khoảng thời gian 1948 - 1954. Đó là thời kỳ giáp ranh giữa
chế độ cũ và chế độ mới, với nhiều mối quan hệ phức tạp.
Tác phẩm có giá trị hiện thực cao, ngôn ngữ mang đậm sắc thái miền núi, giàu màu
sắc tu từ. Nhìn chung, các tác phẩm này đã thành công trong việc tạo dựng được
không khí miền núi, cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về phong tục tập
quán đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là kết quả của những chuyến thực tế “ba cùng”
của các nhà văn. Giai đoạn này còn xuất hiện một tiểu thuyết liên hoàn của Đào Vũ tái
hiện lịch sử Việt Nam qua các giai đoạn: thời Pháp thuộc (Lưu lạc, 1973), kháng chiến
chống Pháp (Hoa lửa, 1974), xây dựng CNXH (Dải lụa, 1974). Không gian sự kiện
khá rộng: Việt Nam - Trung Quốc, đồng bằng - miền núi, dân tộc Kinh - Thượng,
chiến tranh - hòa bình... Tác giả đã lồng ghép lịch sử cá nhân vào lịch sử đất nước,
nhân vật có tính điển hình cao, thông qua cuộc đời cô Lự, bạn đọc có thể thấy được
lịch sử Việt Nam thế kỷ XX.
Trong chiến tranh, có nhiều đơn vị bộ đội và chuyên gia Việt Nam hoạt động trên đất
nước Lào và có nhiều kỷ tốt đẹp ở nơi đây. Văn Linh từng là cán bộ sự đoàn, có nhiều
gắn bó với vùng Quảng Bình và Trung Lào. Ông đã viết nhiều tác phẩm về đất Lào,
trong đó có tiểu thuyết Pả Sua. Nhân vật Pả Sua được xây dựng như mẫu người anh
hùng lý tưởng của thời đại cách mạng vô sản. Nét độc đáo nhất của cô du kích người
Mẹo này là nhan sắc tuyệt trần, xứng đáng là hoa hậu trong tiểu thuyết cách mạng
Việt Nam thời chiến tranh. Đường về cánh đồng Chum của Bùi Bình Thi là một tác
phẩm dài hơi miêu tả về cuộc chiến đấu của bộ đội Pathét Lào với quân đội Viêng
Chăn. Tác giả miêu tả song song hoạt động của hai phe để cung cấp một bức tranh
tương đối toàn vẹn về tình hình chính trị Lào. Hương cam Nậm Bạc của Phan Đình
Huyền có dung lượng ngắn hơn nhưng súc tích, cũng miêu tả cuộc đấu tranh của nhân
dân Lào ở vùng địch tạm chiếm. Các tác phẩm này đều có giá trị hiện thực cao, giúp
bạn đọc hiểu thêm nhiều điều kỳ thú về lịch sử và văn hóa Lào.
Giai đoạn này còn có sự ra đời của nhiều tiểu thuyết trinh thám. Viết về hoạt động tình
báo trong lòng địch thời Pháp thuộc, có Hoa hồng trắng. Viết về cuộc đấu tranh chống
gián điệp để bảo vệ thành quả của chế độ cách mạng ở miền Bắc, có Mũi tên 17,
Thiếu tá đặc nhiệm, “Nhóm rắn lục”... Cái hay của tiểu thuyết tình báo là có cốt
truyện ly kỳ, gay cấn, nhiều chi tiết bí mật gây hồi hộp, cách sắp xếp chi tiết khéo léo,
gây bất ngờ. Thời nào cũng vậy, loại tiểu thuyết này thu hút khá nhiều độc giả. Như
tác phẩm Nhóm rắn lục được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in lần đầu năm 1971
với số lượng 35.000 cuốn (chỉ lưu hành trong miền Bắc). Tuy nhiên, các nhà phê bình
đương thời ít chú ý đến thể loại tiểu thuyết phản gián vì nó không thể hiện đầy đủ các
đặc điểm của phương pháp sáng tác hiện thực XHCN. Chẳng hạn, nhân vật chính diện
phải mang mặt nạ hóa trang, nói một đằng làm một nẻo, hoạt động trong thế giới bí
mật, ít người tham gia, cốt truyện phức tạp...
Giai đoạn này rất ít truyện viết về đề tài Nam Bộ thời chống Pháp. Tiểu thuyết Bán đất
viết về cuộc chiến giành dân giữa Việt Minh và Pháp, tác phẩm cũng đề cập vấn đề tế
nhị phức tạp giữa những người theo đạo Cao Đài và cộng sản. Tiểu thuyết phiêu lưu
Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi là một trong những cuốn sách xuất bản nhiều ở
Việt Nam và thế giới. Nó có thể đáp ứng thị hiếu mọi đối tượng bạn đọc. Thông qua
cuộc lưu lạc của cậu bé An, tác giả giới thiệu một kho tang kỳ thú về thiên nhiên và
con người Nam Bộ. Tác phẩm cũng nói lên được quá trình giác ngộ cách mạng của
nhiều người dân Nam Bộ thời kháng Pháp. Tiểu thuyết Nắng miêu tả cuộc kháng
chiến chống Pháp ở vùng bắc khu Bốn. Tác giả lấy bối cảnh một vùng công giáo nên
tạo được nhiều kịch tính cho tác phẩm. Truyện Đằng sau phía trước miêu tả một đội
dân công Thanh Hóa phục vụ chiến trường. Viết về cuộc chiến tranh du kích ở vùng
địch hậu miền Bắc, còn có Đội du kích thiếu niên Đình Bảng. Tác phẩm có nhiều chi
tiết li kỳ gay cấn rất hấp dẫn các bạn đọc trẻ tuổi.
Các nhà văn thời kỳ này thường ưu tiên phản ánh thực tại vì nó thiết thực, cổ vũ kịp
thời cho các mục tiêu trước mắt của Đảng. Tuy nhiên, cũng có một số tác phẩm viết
về đề tài trước Cách mạng tháng Tám. Nguyên Hồng tiếp tục cho ra đời tập II và III
bộ tiểu thuyết sử thi Cửa biển. Nguyễn Đình Thi cũng công bố tập II của Vỡ bờ. Tiểu
thuyết Xóm thợ Trường Thi tái hiện lại phong trào công nhân thành phố Vinh trước và
sau Cách mạng tháng Tám. Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ có đặc điểm của truyện danh
nhân, kể về anh hùng Hoàng Văn Thụ, dân tộc Tày. Bối cảnh mở rộng từ Lạng Sơn
đến Vũ Hán (Trung Quốc) trước 1945. Tô Hoài ảnh hưởng lối viết của tiểu thuyết
chương hồi, rất thành công trong nghệ thuật tạo không khí truyện. Một tiểu thuyết nữa
cũng mang tính chất truyện danh nhân viết về tuổi trẻ anh hùng Lê Quảng Ba là Vòm
trời biên giới...
Giai đoạn này còn có ba tiểu thuyết viết về đề tài lịch sử. Đó là Trăng nước Chương
Dương nói về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Bóng nước Hồ Gươm
miêu tả tinh thần dũng cảm của quân dân Hà Nội đánh Pháp thế kỷ XIX. Và Tổ quốc
kêu gọi tái hiện lại cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên của Lương Ngọc Quyến năm 1917.
Các tác phẩm này có giá trị lịch sử cao, lưu giữ quá khứ hào hùng của dân tộc, đồng
thời cũng gián tiếp phục vụ công cuộc chống Mỹ với tinh thần “Bốn mươi thế kỷ cùng
ra trận / Có Đảng ta đây, có Bác Hồ” (Tố Hữu).
Như vậy, tiểu thuyết cách mạng Việt Nam 1965 - 1975 có sự đa dạng về chủng loại.
Như tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết ký sự, tiểu thuyết phong tục, tiểu
thuyết phiêu lưu, tiểu thuyết tình báo, tiểu thuyết luận đề, tiểu thuyết tư liệu, tiểu
thuyết sự kiện... Đặc điểm chung của tiểu thuyết giai đoạn này là có sự thống nhất cao
trên nhiều phương diện. Tất cả nhà văn đều tập hợp trong một tổ chức chặt chẽ, đặt
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và có nhiệm vụ minh họa cho các đường lối
chính sách của Đảng. Văn học hướng đến phục vụ kịp thời các mục tiêu chính trị
trước mắt nền thể tài lịch sử dân tộc được ưu tiên. Hầu hết các nhân vật chính diện đều
là những con người tốt đẹp toàn vẹn, theo mô hình con người mới XHCN, có tác dụng
nêu gương và cổ vũ chiến đấu. Giọng điệu anh hùng ca được phát triển đến độ sung
sức nhất. Trong lịch sử tiểu thuyết Việt Nam, chưa bao giờ cảm hứng anh hùng ca
phát triển mạnh mẽ và đồng bộ như thời kỳ 1965 - 1975. Các nhà văn đều tuân thủ
theo phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, không có cuốn tiểu thuyết nào “lệch
chuẩn”, bởi vậy cũng không có các cuộc tranh luận sôi nổi như giai đoạn trước.
Nghiên cứu văn học giai đoạn này, người ta có thể thấy được tất cả đặc điểm của nền
văn học cách mạng Việt Nam.

You might also like