You are on page 1of 4

TỰ TÌNH II – HỒ XUÂN HƯƠNG

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền văn học trung
đại Việt Nam, được mệnh danh là “bà chúa thơ Nôm”. Bà là một “thiên tài kì nữ”
nhưng cuộc đời đầy éo le, bất hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương là thơ của phụ nữ viết về
phụ nữ, trào phúng mà vẫn rất trữ tình. Một trong những bài thơ tiêu biểu về tâm
trạng, nỗi đau của người phụ nữ trước duyên phận cuộc đời mình là Tự tình II. Bài
thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật.
Tự tình II là bài thơ thuộc chùm thơ Tự tình gồm ba bài của bà. Đây là chùm thơ
nữ sĩ viết để tự kể nỗi lòng, tâm tình của mình. Tác phẩm được viết bằng chữ Nôm,
làm theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật với bố cục bốn phần: đề, thực, luận,
kết. Bài thơ thể hiện thái độ, tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước thực tại
đau buồn, tuy vậy, bà vẫn gắng gượng vươn lên, nhưng rồi vẫn rơi vào bi kịch.
Dựa vào nội dụng bài thơ, ta có thể đoán bài thơ được sáng tác khi bà đã gặp phải
những éo le, bất hạnh trong tình duyên.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh người phụ nữ không ngủ, một mình ngồi giữa đêm
khuya:
Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Giữa đêm khuya, người phụ nữ thao thức không ngủ được và nàng nghe thấy
âm thanh trống canh dồn dập. Đêm khuya là thời gian của hạnh phúc lứa đôi, của
sum họp gia đình, vậy mà ở đây, trớ trêu thay, người phụ nữ lại đơn độc một mình.
Nàng cô đơn quá nên thao thức không ngủ, nàng nghe tiếng trống canh văng vẳng.
Từ láy này miêu tả âm thanh từ xa vọng lại. Với nghệ thuật lấy động tả tĩnh, người
đọc cảm nhận được không gian đêm khuya tĩnh lặng, im lìm và người phụ nữ thật
cô đơn, tội nghiệp. Trong xã hội xưa, tiếng trống canh dồn – tiếng trống dồn dập
khẩn trương – có lẽ vì nàng đang ngồi đếm thời gian và lo lắng thấy nó trôi qua
một cách dồn dập, tàn nhẫn. Nó chẳng cần biết tuổi xuân của nàng sắp tuột mất mà
nàng thì vẫn đang phải trơ cái hồng nhan ra giữa nước non. Dường như, nỗi cô
đơn, xót xa ấy luôn dày vò nữ sĩ nên thời gian trở thành nỗ ám ảnh không nguôi
trong tâm hồn bà. Trong chùm Tự tình, nỗi ám ảnh về thời gian còn hiện hữu trong
âm thanh tiếng gà. Người phụ nữa ấy cũng trằn trọc cho đến sáng để rồi nghe âm
thanh tiếng gà văng vẳng gáy trên bom mà đau đớn, mà oán hận. Ở đây, hồng
nhan là nhan sắc của người phụ nữ vẫn còn ở độ mặn mà, cái mà bất cứ ai cũng
trân trọng. Thế mà nó lại kết hợp với từ cái – một danh từ chỉ loại thường gắn với
những thứ vật chất nhỏ bé, tầm thường. Nàng tự thấy nhan sắc của mình quá nhỏ
bé, rẻ rúng bởi nó chẳng khác gì một thứ đồ vật vô giá trị, chẳng ai đoái hoài đến.
Nó phải trơ ra, phô ra, bày ra một cách vô duyên, vô nghĩa lý giữa đất trời. Từ trơ
đứng đầu câu cho ta cảm nhận được nỗi xót xa, đau đớn, tủi khổ, bẽ bàng của
người phụ nữ một mình giữa đêm khuya, không ai quan tâm, đoái hoài. Tuy có bẽ
bàng, tủi hổ nhưng ta vẫn thấy ẩn khuất trong câu thơ một nữ sĩ mạnh mẽ, cá tính
dám đem cái tôi cá nhân để đối lập với cả nước non rộng lớn. Hồ Xuân Hương là
thế, không bao giờ chịu bé nhỏ, yếu mềm. Hai câu đầu bằng cách khắc họa thời
gian, không gian, nghệ thuật và cách kết hợp từ độc đáo đã thể hiện rõ nỗi cô đơn,
đau đớn, tủi hổ, bẽ bàng trước tình duyên hẩm hiu của chính mình.
Hai câu thực khắc họa sâu sắc sự phẫn uất trước tình cảnh éo le:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Giữa đêm khuya, cô đơn và buồn tủi, nàng tìm đến rượu để quên đi tất cả nhưng
nào quên được say lại tỉnh. Say, có thể quên đi được một chốc, nhưng đâu có thể
say mãi, rồi sẽ lại tỉnh ra. Tỉnh ra lại càng ý thức sâu sắc hơn nỗi cô đơn, xót xa lại
càng buồn hơn. Ẩn sau cái hành động tìm đến rượu để giải tỏa nỗi sầu là có niềm
phẫn uất sâu sắc trước số phận bất hạnh. Cụm từ say lại tỉnh cho thấy cái bế tắc,
quẩn quanh trong nỗi buồn, cô đơn của người phụ nữ. Nàng cô đơn nên tìm đến
vầng trăng bên ngoài kia mong sự đồng cảm. Nàng thấy vầng trăng đã xế bóng
khuyết chưa tròn. Nàng nhìn thấy số phận bất hạnh của mình trong hình ảnh vầng
trăng: nàng cũng đã ở tuổi xế chiều mà tình duyên vẫn hẩm hiu, lận đận chưa tròn.
Ở hai câu này, bằng phép đối, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nữ sĩ đã khắc họa nên
tâm trạng bế tắc mà phẫn uất sâu sắc trước duyên phận hẩm hiu, lỡ làng.
Sang hai câu luận, dường như sự phẫn uất ấy biến thành sự chống trả kịch liệt:
Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
Hai câu thơ được cấu tạo đặc biệt: đảo vị ngữ là những động từ mạnh lên đầu
câu: xiên ngang và đâm toạc là hành động của những vật vô tri vô giác. Trong tự
nhiên, rêu là sự vật bé nhỏ, yếu mềm, thế mà ở đây dường như nó mạnh mẽ hơn,
cứng cỏi thêm để xiên ngang mặt đất. Đá là vật biến động, thế mà ở đây cũng đang
to hơn, nhọn hơn, đang cựa quậy, nổi loạn phá tan không gian tù túng bị giới hạn
bởi chân mây. Hình ảnh thiên nhiên động, thiên nhiên nổi loạn này không chỉ xuất
hiện một lần mà còn có trong nhiều những tác phẩm khác của bà. Lí giải cho sự
xuất hiện những hình ảnh thiên nhiên như thế là ở cá tính mạnh mẽ của nữ sĩ.
Thiên nhiên được miêu tả thể hiện rõ tâm trạng con người, như đại thi hào Nguyễn
Du từng đúc kết về mối quan hệ giữa cảnh và tình: Người buồn cảnh có vui đâu
bao giờ. Cảnh được miêu tả là nổi loạn, là phá bỉnh thể hiện tâm trạng người phụ
nữ lúc nào cũng muốn nổi loạn, quẫy đạp để phá tan số phận bất hạnh, tình duyên
hẩm hiu của mình. Dường như, người phụ nữ đang gồng mình lên để chống trả
kịch liệt số phận. Đó chính là thái độ phản kháng mạnh mẽ của nữ sĩ trước thực tại
đau buồn. Đằng sau sự phản kháng mạnh mẽ ấy là khao khát sống, khao khát hạnh
phúc lứa đôi mãnh liệt của nữ sĩ. Hai câu thơ, với phép đối, phép đảo nhấn mạnh
hai động từ mạnh đầu câu và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình cho thấy sự cố gắng vươn
lên đấu tranh với số phận; đồng thời cho thấy khát khao sống, khát khao hạnh phúc
lứa đôi mãnh liệt ở nữ sĩ xinh đẹp, tài năng mà cuộc đời không ưu ái. Người đọc
thật sự khâm phục trước bản lĩnh cứng cỏi, không chịu đầu hàng số phận của người
phụ nữa cá tính ấy.
Đến hai câu cuối bài thơ, tuy nàng đã cố gắng vươn lên nhưng không thoát khỏi
cái thở dài ngán ngẩm trước bi kịch:
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Nàng thở dài ngán nỗi. Nàng chán ngán bởi xuân đi xuân lại lại. Mùa xuân và
vẻ đẹp của nó phai đi nhưng rồi sẽ quay trở lại theo quy luật của tạo hóa. Nhưng
xuân của người phụ nữ, tuổi trẻ và sắc đẹp của nàng thì không thể nào trở lại thêm
một lần nữa, tuổi xuân của đời người ra đi, thế nên nàng ngán. Cụm từ lại lại như
một sự thở dài ngao ngán trước sự trôi chảy tàn nhẫn của thời gian. Nó cứ trôi đi
không thèm để ý đến cái bi kịch đang cướp đi tuổi trẻ của nàng: mảnh tình san sẻ.
Tình yêu của nàng vốn dĩ mỏng manh, bé nhỏ, chỉ là một mảnh, thế mà còn phải
san sẻ, chia năm sẻ bảy ra thật tội nghiệp. Bởi bậy mà nó chỉ còn là một tí con con.
Nghệ thuật tăng tiến theo chiều giảm dần khiến người đọc thấy rõ cái bi kịch xót xa
của nữ sĩ và cảm thương cho con người tài hoa mà bạc mệnh. Bi kịch ấy đeo đẳng
lấy người phụ nữ khiến nàng không chỉ thốt lên ngao ngán một lần. Trong Tự tình
III nàng cũng từng thở dài:
Ngàn nỗi ôm đàn những tấp tênh.
Đây cũng là một cách nói khác của bi kịch tình yêu bị chia năm sẻ bảy. Nàng có
chồng – ôm đàn – nhưng lấy chồng mà vẫn tấp tênh như chẳng có, một tháng đôi
lần có cũng như không. Hai câu kết bài thơ với những từ ngữ giản dị, tự nhiên và
nghệ thuật tăng tiến, người đọc cảm nhận được cái chán ngán khi rơi vào bi kịch
của nữ sĩ. Tuy thế, dư âm của cái khát khao sống, khát khao hạnh phúc lứa đôi
mãnh liệt ở hai câu trước vẫn khiến người đọc cảm phục bản lĩnh cứng cỏi của bà
chúa thơ Nôm.
Với ngôn ngữ thơ Nôm giản dị, tự nhiên nhưng cũng sắc nhọn, với các biện
pháp nghệ thuật đảo, đối, dùng động từ mạnh, tả cảnh ngụ tình... bài thơ thể hiện
tâm trạng vừa đau đớn, vừa phẫn uất trước duyên phận, nhưng vẫn cố gắng vươn
lên với khát khao sống, khát khao hạnh phúc mãnh liệt, tuy vẫn rơi vào bi kịch.
Tóm lại, Tự tình II thể hiện bản lĩnh Hồ Xuân Hương qua tâm trạng đầy bi kịch:
vừa buồn tủi, phẫn uất trước tình cảnh éo le, vừa cháy bỏng khao khát được sống
hạnh phúc. Đọc bài thơ, ta vừa thương cho số phận bất hạnh, vừa khâm phục bản
lĩnh cứng cỏi của nữ sĩ. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho tài năng ngôn ngữ của
bà chúa thơ Nôm.

You might also like