You are on page 1of 4

Nguyễn Thành Long được biết đến là một cây bút tài hoa trong lĩnh vực truyện

ngắn, với lối viết trong trẻo, nhẹ nhàng những lại đầy chất thơ và giàu ý nghĩa. Một
trong số tác phẩm tiêu biểu của ông đại diện cho phong cách trữ tình nhẹ nhàng đó là
truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”. Với cốt truyện đơn giản, câu chuyện bàng bạc đầy chất thơ,
tác phẩm đã gây được ấn tượng sâu đậm không chỉ bằng cách tái hiện một Sa Pa thơ
mộng mà còn ở con người nơi mảnh đất sương mù này. Tất cả vẻ đẹp của con người nơi
xứ sở sương mù đã được tác giả tái hiện qua nhân vật anh thanh niên.
Tác phẩm được ra đời vào năm 1970 trong một chuyến công tác của nhà văn lên
mảnh đất Lào Cai, khi mà nước ta đang phải chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đây
là khoảng thời gian mà nhân dân hai miền cùng nhau chiến đấu để mong ngày độc lập
thống nhất đất nước, khi miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa, trở thành hậu phương về
cả tài chính, lực lượng, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Trong những năm mưa bom
đạn nổ ở chiến trường miền Nam, hình ảnh những lớp chiến sĩ giã từ quê hương để hi
sinh bảo vệ độc lập dân tộc không còn hiếm, họ ra đi vì mục tiêu hoàn thành công cuộc
giải phóng dân tộc và vì tình yêu nước thiết tha. Tác phẩm là hành trình khám phá
những con người vô danh cống hiến thầm lặng, đặc biệt là qua nhân vật anh thanh niên.
Đoạn trích xoay quanh tình huống là cuộc nói chuyện chóng vánh 30 phút giữa bác lái
xe, cô kĩ sư, ông hoạ sĩ với anh thanh niên – người được coi là cô độc nhất thế gian. Một
cuộc gặp gỡ vô tình, ngẫu nhiên nhưng đã giúp ta thấy được hết vẻ đẹp của anh thanh
niên, về công việc anh đang làm, về cuộc sống một mình của anh trên đỉnh núi, về
những thú vui của anh ở nơi quanh năm bao vây bởi sương mù,…Tất cả đều bình dị, đơn
giản thầm lặng nhưng ở đó là cả một lí tưởng cao đẹp của người thanh niên trẻ. Đoạn
trích khai phá con người của anh thanh niên qua những câu chuyện anh kể cho những
người khách đến thăm nhà và những khám phá thú vị nhưng cũng rất ngỡ ngàng của
mọi người về cuộc sống đơn độc của anh trên đỉnh Yên Sơn.
Nhân vật anh thanh niên được khắc hoạ trong đoạn trích là đại diện cho con
người sử thi, con người đại diện cho xã hội, có những vẻ đẹp phẩm chất tốt đẹp của một
người công dân, cho những người trẻ với lý tưởng cao đẹp, biết hướng về Tổ quốc. Sống
ở những năm tháng chiến tranh mất mát của nhân tộc, anh cũng như biết bao người
cũng thế hệ của mình đã sẵn sàng bước vào chiến trường. Anh cũng mang trong mình
lòng yêu nước rộng lớn, sẵn sàng cống hiến tuổi xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng
dân tộc. Anh đã quyết định cùng bố viết đơn ra mặt trận, nhưng vì không đủ tiêu chuẩn
nên anh không thể cùng ra chiến đấu, cấm súng giết giặc như bố hay bao người khác.
Nhưng với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, lý tưởng cao đẹp anh đã quyết định xách balo đến
với đỉnh núi Yên Sơn cao 2600m để làm công việc thầm lặng đầy đơn độc. Phải là một
người có lý tưởng cao đẹp, không sợ gian khổ anh thanh niên mới có thể lựa chọn một
cuộc sống đầy sự cô đơn này, từ bỏ cuộc sống phố xá để bước lên đỉnh núi cao chót
chót này, anh từ bỏ những hạnh phúc nhỏ nhoi để ước ao cống hiến điều gì đó lớn hơn.
Tuổi trẻ có lẽ sợ nhất là cô đơn nhưng người thanh niên đấy vì lí tưởng cao đẹp đã
không ngại nỗi cô đơn đó. Đoạn trích tập trung mô tả lí tưởng sống cao thượng của anh
thanh niên, để từ đó thấy được niềm say mê, ý thức trách nhiệm cao trong công việc
của anh. Chính những suy nghĩ đúng đắn, lòng yêu nghề đáng trân trọng của anh khiến
cho người đọc không khỏi ngỡ ngàng. Anh làm công tác khí tượng khiêm vật lí địa cầu,
một công việc nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đòi hỏi sự chính xác, kiên cường, tỉ mỉ
không chút sai của con người. Đặc biệt công việc của anh là ở giữa mênh mông đất trời,
nơi mà chỉ có sương tuyết, mây mù bao quanh. Mỗi ngày 4 lần, anh phải “đo gió, đo
mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất” nhằm để “dự báo thời tiết, phục vụ sản
xuất, phục vụ chiến đấu”. Công việc quanh quẩn, kéo dài từ ngày này sang ngày khác,
tháng này sang tháng sáng, nghe như đã chán. Vậy mà với anh thanh niên, chỉ trong 5
phút anh đã kể cho mọi người về công việc âm thầm đó của mình bằng giọng đầy tự
hào. Tất cả đã cho thấy niềm say mê, hào hứng của anh khi được chia sẻ về công việc
đặc biệt của mình cho mọi người cùng nghe “đây là máy móc của cháu, cái thùng đo
mưa này, cái này là máy nhật quang, đây là máy vin, kia là máy đo chấn động vở quả
đất,…”. Chỉ thông qua những lời giới thiệu về máy móc làm việc đã toát ra sự nhiệt
huyết, vui sướng của anh thanh niên. Với anh từng đó thời gian làm việc đã khiến anh
đối với máy móc như là những người bạn, cùng nhau làm việc, cùng nhau trải qua
những đêm rét buốt. Chắc hẳn phải là người hiểu rõ và yêu cái nghề này lắm, anh mới
kể tỉ mỉ như bằng tất cả tình cảm của mình cho mọi người cùng biết về nghề nghiệp của
mình. Anh thanh niên đã nhận thức được tầm quan trọng của công việc mình đang làm,
bởi vậy anh vẫn luôn rất tự hào về nó lắm. Trong cuộc nói chuyện chóng vánh ấy anh đã
có những chia sẻ rất thành thực về nghề đo gió, đo mưa này. Đó là một công việc đòi hỏi
sự kỉ luật gắt gao về mặt thời gian và độ chính xác, một công việc bất chấp các khắc
nghiệt của thời tiết như gió, rét, mưa và nắng. Anh kể chuyện lần đi báo “ốp” vào lúc 1
giờ sáng với mọi người bằng sự chân thành, đơn giản của người làm công tác khí tượng
“Rét bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết. Nửa đêm trong chăn…xách đèn ra vườn, gió tuyết và
lặng im… chực mình ra là ào ào xô tới…gió như nhát chổi muốn quét đi tất cả..lanh
cóng”. Những câu chuyện về nghề của anh giúp con người ta hiểu rằng đằng sau cái im
lặng, thong dong của mảnh đất ngàn sương của Sa Pa vẫn luôn ẩn chứa những cái khốc
liệt. Sự khốc liệt nằm ở thời tiết, những con gió tuyết thổi mạnh như muốn “chặt ra
từng khúc, muốn quét đi tất cả, ném lung tung”. Từ những hình ảnh khó khăn về công
việc của anh thanh niên, Nguyễn Thành Long muốn cho mọi người biết rằng ta sẽ không
thể hiểu hết được nếu chưa được tìm hiểu về nó; giống như mảnh đất núi cao Sa Pa
được mọi người biết là nơi dành cho nghỉ dương, nhẹ nhàng âm thầm nhưng có biết
bao cái hiểm nguy. Khó khăn là thế, rét buốt, lạnh cóng nhưng anh thanh niên chưa lần
nào bỏ qua giờ ốp, anh vẫn luôn hoàn thành tốt công việc của mình dù ở bất cứ hoàn
cảnh nào. Anh cũng từng chia sẻ thật với ông hoạ sĩ, cô kĩ sư, bác lái xe rằng “nằm trong
chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn tắt đi” nhưng rồi anh vẫn dậy hoàn thành công
việc của mình. Người thanh niên ấy đã chiến thắng thời tiết khắc nghiệt, khung giờ đặc
biệt bằng chính sự kỉ luật, ý chí nghị lực của mình. Vì thế mà anh thừa nhận rằng “khi ta
làm việc ta với công việc là đôi…không có nó cháu buồn đến chết mất”. Chính sự gắn bó,
yêu mến công việc có phần đặc biệt này mà từ lâu anh chẳng còn thấy cô đơn, hay sợ
sống một mình nữa, anh coi công việc, những máy móc như người bạn hàng ngày. Sự
chân thành, chia sẻ đầy tự hào của anh về nghề của mình đã khiến ông hoạ sĩ bối rối, cô
kĩ sư thì cảm thấy thật ngỡ ngàng trước lí tưởng sống, làm việc rất đỗi cao đẹp của anh
thanh niên này. Ông hoạ sĩ dường như tìm kiếm được điều gì đó của người con trai ấy,
ông thấy ở đó bóng dáng của một con người thật bình dị, nguồn cảm hứng sáng tác bấy
lâu ông tìm kiếm, là người giúp ông tìm lại được giá trị thật sự của cái đẹp. Lấy điểm
nhìn anh thanh niên là ông hoạ sĩ, Nguyễn Thành Long đã tô đẹp thêm vẻ đẹp của người
con trai này, để thấy rằng nhân vật được soi chiếu nhìn nhận qua lăng kính của người
theo đuổi cái đẹp cả một đời như ông hoạ sĩ càng đẹp biết bao.
Có cho mình vẻ đẹp đầy cao thượng trong lí tưởng sống và làm việc nhưng anh
thanh niên lại là một người có đời sống rất đơn giản, bình dị. rong cuộc gặp gỡ ngắn
ngủi chỉ 30 phút thôi nhưng mọi người đã ngỡ ngàng trước không gian sống của anh.
Cuộc sống một mình làm việc trên đỉnh núi cao, quanh năm làm bạn với mây mù và cây
cỏ nhưng anh luôn biết sắp xếp đời sống của mình sao cho tốt nhất. Anh luôn tìm mọi
cách để khắc phục, xây dựng cuộc sống, tạo niềm vui riêng cho mình. Khi anh xin phép
chạy lên nhà trước, ông hoạ sĩ cứ nghĩ rằng “khách đến bất ngờ…chưa kịp gấp chăn”
nhưng thật ra anh lên để hái hoa. Chính khoảnh khắc mà anh thanh niên đứng giữa
vườn hoa đã khiến ông hoạ sĩ cũng như cô kĩ sư vô cùng ngạc nhiên, ngỡ ngàng. Hình
ảnh một người con trai đang cắt những bó hoa khiến cô kĩ sư như có chút rung động “cô
ôm bó hoa vào ngực, nhìn thẳng vào mặt anh”. Chưa hết ngỡ ngàng vì bó hoa anh tặng,
khi bước vào ngôi nhà anh đang sống mọi người càng có thêm những suy nghĩ mới về
người con trai này “một căn nhà ba gian sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê,
máy bộ đàm…góc gian trái nhà cới chiếc giường con, bàn học, giá sách”. Đó là một
không gian nhỏ những vẫn rất gọn gàng, ngăn nắp, không cẩu thả như suy nghĩ trước đó
của ông hoạ sĩ. Ngoài niềm vui trong công việc, anh còn biết tự tạo thú vui bằng việc đọc
sách. Nhờ nó mà anh thấy như lúc nào mình cũng có bạn để trò chuyện “lúc nào tôi
cũng có người trò chuyện”. Ngỡ tưởng cuộc sống một mình trên đỉnh núi cao hơn
2000m sẽ thật nhàm chán nhưng với anh thanh niên thì thật khác, anh trồng hoa, nuôi
gà, đọc sách, tự tạo ra một không gian sống giữa mây mù đầy lí tưởng. Sự chân thành,
giản dị của người thanh niên này được thể hiện ở cả cách nói chuyện, chia sẻ cũng mình
lẫn cuộc sống hàng ngày của anh. Chính nhờ sự giản dị, bình thường của anh mà càng
gây ấn tượng lớn đối với người đọc; một người bé nhỏ, đơn giản nhưng thật đáng để
tôn trọng.
Anh thanh niên là đại diện cho thế hệ trẻ trong những năm kháng chiến oanh
liệt. Xuất thân bình thường, nhưng được cách mạng soi rọi với lí tưởng rất cao đẹp, cống
hiến thầm lặng. Nhân vật anh thanh niên khí tượng ghi dấu ấn với người đọc bằng lí
tượng cao thượng đi cùng với sự giản dị, rất đỗi chân thành của mình. Thông qua đoạn
trích ta thấy được ở người thanh niên ấy sự cao đẹp trong suy nghĩ, trách nhiệm công
việc cao cả và nét giản dị, chân thật trong đời tư. Qua nhân vật anh thanh niên, Nguyễn
Thành Long muốn khắc hoạ hình ảnh những con người thầm lặng, có cách sống đẹp, lí
tưởng tuyệt vời, sống cống hiến hết mình. Ngoài ra tác giả cũng muốn nêu lên một phát
biểu mới: Trong nhịp sống hối hả của những tháng ngày chiến tranh, lịch sử gây dựng Tổ
quốc không chỉ có những vĩ nhân, chiến sĩ nơi tuyến đầu mà còn có phần công sức
không nhỏ của những người lao động nhỏ bé, lặng lẽ sau màn sương của núi đồi, những
con người hăng say trong thầm lặng cũng vì mục tiêu dân tộc thống nhất.
Đoạn trích chỉ quanh với cuộc nói chuyện đầy bất ngờ, tình cờ kéo dài 30 phút
của những người chưa từng quen biết nhau. Đây là cuộc trò chuyện để tìm hiểu về
người mà bác lái se cho rằng là người cô độc nhất thế gian. Tác giả đã đưa nhân vật vào
tình huống rất cụ thể để bộc lộ những vẻ đẹp của mình và cũng là để ông hoạ sĩ, cô kĩ sư
cùng quan sát, tìm hiểu về con người đặc biệt này. Chính vì thế nhân vật không chỉ hiện
ra tự nhiên mà con được soi chiếu, nhìn nhận qua cái nhìn, cảm xúc của nhân vật khác.
Nghệ thuật kể chuyện trần thuật trong đoạn trích phù hợp lúc thì thể hiện được cái tự
hào của anh thanh niên, lúc gợi ra được cái khó, khổ của nghề anh làm.
Trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” còn có những nhân vật không được xuất hiện
trực tiếp mà chỉ thông qua lời kể của anh thanh niên và những nhân vật này cũng đã
giúp thể hiện chủ đề tác phẩm. Đó là ông kỹ sư ở vươn rau Sa Pa, hàng ngày ngồi chăm
chú quan sát cách lấy mật của ong rồi thụ phấn cho hàng vạn cây su hài để người dân
được ăn những giống tốt hơn ,ngọt hơn. Đó là anh cán bộ nghiên cứu 11 năm ròng trực
ở cơ quan chờ sét để lập bản đồ, tìm tài nguyên cho đất nước. Hay anh bạn trên đỉnh
núi Phan – xi – păng cao 3142m. Tất cả đã tạo ra thế giới của những người như anh
thanh niên – thầm lặng nhưng thật đáng tôn trọng. Họ say mê làm việc trong âm thầm,
họ cống hiến sức mình để giúp xã hội tốt hơn, những con người miệt mà lao động vì lợi
ích của đất nước, cuộc sống của mọi người. Đây là những con người ở hậu phương,
thầm lặng làm việc, cống hiến
Xây dựng nhân vật anh thanh niên, tác giả dựa theo hình tượng được soi chiếu
bởi cách mạng, bởi sử thi những năm 1945 – 1975, là mẫu người đại diện cho xã hội bấy
giờ. Một con người hoàn hảo, đời tư trong sạch, giản dị nhưng với lí tưởng cao đẹp,
đáng trân trọng. Từ nhân vật anh thanh niên, Nguyễn Thành Long muốn cho mọi người
hiểu rằng: hình tượng trong văn chương đôi khi không cần là những người có tầm vóc vĩ
đại, có tầm ảnh hưởng lớn lao mà đôi khi chỉ cần là một nhân vật nhỏ bé, có cuộc sống
tầm thường, lặng lẽ. Và điều này cũng thể hiện cách xây dựng hình tượng nhân vật đầy
mới mẻ của nhà văn.

You might also like