You are on page 1of 15

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

KHOA LUẬT

PGS.TS. VŨ CÔNG GIAO – TS. BÙI TIẾN ĐẠT

(Đồng chủ biên)

GIÁO TRÌNH

QUẢN TRỊ NHÀ NƯỚC VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG


(sắp xuất bản)
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI – 2021

CHƯƠNG 5
KHÁI QUÁT VỀ THAM NHŨNG

(PGS.TS. Vũ Công Giao)

Nội dung chính của Chương:

5.1. Khái niệm tham nhũng

5.2. Biểu hiện và những đặc điểm cơ bản của tham nhũng
5.3. Nguyên nhân của tham nhũng

5.4. Hậu quả của tham nhũng

---------------------------------------------

Tham nhũng là một tệ nạn xã hội mang tính phổ biến, xảy ra ở mọi quốc gia, không
phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế hay đặc thù về xã hội, văn hoá.
Chính vì vậy, phòng, chống tham nhũng là mối quan tâm và là một hoạt động quan trọng
của tất cả các nhà nước và xã hội.
Để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, cần phải có hiểu biết toàn diện, sâu
sắc về vấn nạn này. Chương 5 nhằm cung cấp những kiến thức lý luận tổng quát về tham
nhũng, trong đó bao gồm khái niệm, biểu hiện, đặc điểm, nguyên nhân
và hậu quả của tham nhũng.

5.1. Khái niệm tham nhũng


Thuật ngữ “tham nhũng” (corruption) bắt nguồn từ tiếng La-tinh “corruptus”, có
nghĩa là lạm dụng (abuse), phá hoại (destroy) hay vi phạm (break).1 Từ điển Oxford định
nghĩa tham nhũng là: “sự bóp méo hay phá hoại tính liêm chính trong thực thi công vụ
bằng cách hối lội hoặc đối xử thiên vị”.2 Trong Từ điển Merriam Webster, tham nhũng
là: “sự khuyến khích điều xấu bằng những cách thức sai trái hoặc phi pháp (chẳng hạn
như hối lộ)”3 còn theo Từ điển Tiếng Việt thì tham nhũng là “lợi dụng quyền hành để tham
ô, nhũng nhiễu dân”.4 Như vậy, xét tổng quát, thuật ngữ “tham nhũng” hàm ý những hành
vi trái phép hoặc bất hợp pháp.
Về mặt pháp lý, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (United Nations
Convention against Corruption – UNCAC) – văn kiện pháp lý quốc tế cơ bản nhất về vấn
đề này – không đưa ra một định nghĩa về tham nhũng mà chỉ xác định một tập hợp những
hành vi được coi là tham nhũng. Ở cấp độ khu vực, Công ước Luật dân sự về chống tham
nhũng của Hội đồng Châu Âu (Council of Europe Civil Law Conventions on Corruption)
năm 1997 định nghĩa tham nhũng là:“…việc đòi hỏi, gợi ý, đưa ra hoặc trực tiếp hay
gián tiếp nhận của hối lộ hoặc lợi thế bất chính khác, hay triển vọng về của hối lộ hay lợi
thế bất chính đó, làm ảnh hưởng đến sự thực hiện đúng đắn nhiệm vụ hoặc công việc của
người nhận hối lộ hoặc nhận lợi thế bất chính hoặc triển vọng của người đưa hối lộ hay
lợi thế bất chính đó”.5
Trong thực tiễn, một số tổ chức quốc tế đã nêu ra định nghĩa về tham nhũng để làm
tiêu chí cho các hoạt động trong hệ thống của mình, trong đó tiêu biểu là:

- Theo Ngân hàng thế giới (World Bank – WB), tham nhũng là “hành vi lạm dụng
quyền lực công để thu lợi ích riêng”.6
-Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International – TI) tham nhũng là
“hành động lạm dụng quyền lực được giao để thu lợi riêng”.7
1
Nguồn: http://www.ustreasury.hu/nc500/lessons/glossary.htm, http://en.wikipedia.org/wiki/Corruption
2
Nguồn: https://en.oxforddictionaries.com/definition/corruption
3
Nguồn: https://www.merriam-webster.com/dictionary/corruption
4
Nguồn: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/Tham_nh%C5%A9ng
5
Nguồn: https://rm.coe.int/168007f3f6
6
World Bank (1997), Helping Countries Combat Corruption: The Role of the World Bank, Washington DC, tr.8.
-Theo Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank – ADB), tham nhũng
là: “sự lạm dụng quyền lực công hoặc tư để thu lợi riêng” 8, hoặc là:“hành động lạm
dụng chức vụ để làm giàu bất chính hoặc bất hợp pháp cho bản thân hoặc cho những
người thân cận của một bộ phận nhân viên ở cả khu vực công và khu vực tư, hoặc để tạo
cơ hội cho những kẻ khác làm như vậy”.9
Ở Việt Nam trước đây, Luật PCTN năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
vào các năm 2007 và 2012) định nghĩa: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ,
quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 1 Khoản 2). Khoản 3 Điều
này định nghĩa “người có chức vụ, quyền hạn” bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên
chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị
thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn
– kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Cán bộ lãnh đạo, quản lý
trong doanh nghiệp của Nhà nước; cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện phần vốn
góp của Nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có
quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Từ quy định như vậy, có thể thấy
Luật PCTN năm 2005 mới chỉ tập trung điều chỉnh vấn đề tham nhũng ở khu vực công.

Luật PCTN năm 2018 vẫn định nghĩa “Tham nhũng là hành vi của người có chức
vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 3 khoản 1), tuy nhiên
đã mở rộng vấn đề sang cả khu vực tư, bằng cách mở rộng định nghĩa về người có chức
vụ, quyền hạn. Cụ thể, theo Điều 3 khoản 1 Luật này, ngoài các chủ thể nêu ở Luật PCTN
năm 2005, khái niệm người có chức vụ, quyền hạn còn bao gồm: Người đại diện phần
vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh
nghiệp, tổ chức; Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền
hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Từ những định nghĩa nêu trên, có thể thấy đặc điểm nổi bật của tham nhũng là hành
vi lợi dụng, lạm dụng quyền hạn và vị thế để thu lợi bất chính. Đối tượng hưởng lợi
không chỉ là người trực tiếp thực hiện hành vi mà bao gồm cả những chủ thể khác như
người thân, đồng nghiệp, bạn bè… của họ. Tham nhũng có thể diễn ra cả ở khu vực công
và tư, mặc dù thường được chú ý hơn ở khu vực công.

Về bản chất, tham nhũng là hệ quả của sự tha hoá về đạo đức của những chủ thể
nắm giữ quyền lực. Sự tha hoá đó được xem như là một vấn đề mang tính quy luật:

7
Transparency International. What is corruption? https://www.transparency.org/en/what-is-corruption
8
Nguồn: http://www.adb.org/Documents/Policies/Anticorruption
9
Nguồn:http://www.adb.org/Documents/Policies/Anticorruption
“Quyền lực có xu hướng dẫn tới sự tha hoá/đồi bại, quyền lực độc đoán sẽ dẫn tới sự tha
hoá/đồi bại tuyệt đối” (Power tends to corrupt, and absolute power corrupts
absolutely)10. Từ cách tiếp cận đó, có thể thấy tham nhũng là một “căn bệnh” chung,
mang tính cố hữu của mọi nhà nước, bất kể thuộc thể chế chính trị nào, bởi nhà nước là
một thiết chế quyền lực công. Cùng với quan liêu, căn bệnh tham nhũng xuất hiện ngay
từ khi nhà nước ra đời và sẽ tồn tại cùng với nhà nước cho tới khi nó tiêu vong. Những nỗ
lực PCTN, cho dù quyết liệt và bền bỉ tới đâu cũng chỉ có thể kiềm chế, giảm thiểu chứ
không thể xóa bỏ triệt để tình trạng tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Về khía cạnh
này, theo một nhà khoa học được giải thưởng Nobel kinh tế năm 1992 đã từng phát biểu:
“Chúng ta chỉ có thể hoàn toàn triệt tiêu tham nhũng khi xóa bỏ nhà nước mà thôi”.11

5.2. Biểu hiện và những đặc điểm cơ bản của tham nhũng

5.2.1. Biểu hiện của tham nhũng


Dưới góc độ pháp lý, tham nhũng thể hiện qua hành vi cụ thể mà được xem là vi
phạm pháp luật. Theo UNCAC, những hành vi cần được xem là tham nhũng bao gồm:

(1) Hối lộ công chức quốc gia (Điều 15)


(2) Hối lộ công chức nước ngoài hoặc công chức của tổ chức quốc tế công (Điều
16)
(3) Tham ô, biển thủ hoặc các dạng chiếm đoạt tài sản khác bởi công chức (Điều
17)
(4) Lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi (Điều 18)
(5) Lạm dụng chức năng (Điều 19)
(6) Làm giàu bất hợp pháp (Điều 20)
(7) Hối lộ trong khu vực tư (Điều 21)
(8) Biển thủ tài sản trong khu vực tư (Điều 22)
(9) Tẩy rửa tài sản do phạm tội mà có (Điều 23)
(10) Che dấu tài sản (Điều 24)
(11) Cản trở hoạt động tư pháp (Điều 25)
Tương tự, trong Luật PCTN của Việt Nam cũng có quy định về những hành vi được
xem là tham nhũng. Cụ thể, Điều 2 Luật PCTN năm 2018 quy định:

10
Lord Acton (1887) Letter to Bishop Mandell Creighton, tại
https://history.hanover.edu/courses/excerpts/165acton.html
11
Gary S. Becker (1998), the Causes and Cures of Corruption, tại https://www.project-
syndicate.org/commentary/bec6/English
1. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn
trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị
hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì
vụ lợi;
m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật
vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm
toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ,
quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức
mình vì vụ lợi.
Về bản chất, tham nhũng dưới dạng thức hay mức độ nào cũng đều là hành vi sai
trái về mặt pháp luật và đạo đức, và vì vậy cần phải phòng ngừa và xoá bỏ. Tuy nhiên, để
có thể nhận diện rõ hơn và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, có thể chia tham
nhũng thành dạng thức khác nhau, theo một số tiêu chí sau đây:

- Tham nhũng lớn (grand corruption) và tham nhũng nhỏ (petty corruption).
Theo Cơ quan phòng chống tội phạm và ma tuý của Liên hợp quốc (UNODC),
“tham nhũng lớn” được hiểu là loại tham nhũng xâm nhập đến những cấp cao nhất của
nhà nước, các vụ việc thường gây ra những thiệt hại lớn, có thể làm ảnh hưởng nghiêm
trọng đến sự ổn định của nền kinh tế; còn “tham nhũng nhỏ” (hay còn gọi là “tham nhũng
vặt”) là loại tham nhũng gắn với những hành vi hối lộ hay lạm dụng ở cấp thấp, thiệt hại
trong các vụ việc thường không nhiều12.

Trong thực tế, tham nhũng nhỏ thường được phát hiện nhiều hơn so với tham
nhũng lớn, tuy nhiên tác hại của nó cũng không kém tham nhũng lớn, bởi việc phải chứng
kiến, đối phó với tình trạng tham nhũng diễn ra hàng ngày làm xói mòn lòng tin của
người dân và các nhà đầu tư vào sự liêm chính của bộ máy và năng lực quản lý của chính
quyền.

- Tham nhũng chính trị (political corruption), tham nhũng hành chính
(administrative corruption) và tham nhũng kinh tế (economic corruption).

Khái niệm tham nhũng chính trị được hiểu là sự lạm dụng quyền lực của những
quan chức cấp cao trong hệ thống chính trị. Biểu hiện của nó là việc quan chức cấp cao
dùng vị trí hay ảnh hưởng của mình để nêu ra hay chi phối những chính sách thiên lệch ở
tầm vĩ mô nhằm làm lợi bất chính cho một nhóm hay cá nhân nào đó.

Khái niệm tham nhũng hành chính chỉ những hành động lạm dụng quyền lực của
đội ngũ công chức hành chính để gây khó khăn cho công dân hoặc tổ chức nhằm trục lợi
bản thân. Tham nhũng hành chính thường diễn ra trong quá trình giải quyết các thủ tục
hành chính hay trong hoạt động quản lý hành chính nói chung.

Khái niệm tham nhũng kinh tế chỉ những hành vi tham nhũng xảy ra trong hoạt
động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, được thực hiện bởi những người có
thẩm quyền quản lý nhà nước về kinh tế hay những người có chức vụ, quyền hạn trong
các doanh nghiệp.

- Tham nhũng cá nhân và tham nhũng tập thể


Tham nhũng cá nhân là hành vi tham nhũng do một người có chức vụ, quyền hạn
thực hiện, lợi ích bất chính thu được thường do cá nhân đó độc chiếm, còn tham nhũng
tập thể là những hành vi tham nhũng do một số người hoặc một cơ quan, tổ chức cấu kết,
thống nhất với nhau cùng thực hiện, lợi ích bất chính thu được dùng để ăn chia giữa
những chủ thể tham gia.

Ngoài những biểu hiện đã nêu, từ những góc độ khác, có thể thấy những dạng thức
khác của tham nhũng như: Tham nhũng xuyên quốc gia và tham nhũng trong nội bộ quốc
gia; Tham nhũng công (trong cơ quan nhà nước – công quyền) và tham nhũng tư (ngoài

12
UNODC (2004), UN Corruption Toolkit, 3nd Edition, Vienna, at http://www.ODCCP.org/corruption.html.
cơ quan nhà nước); Tham nhũng trực tiếp và tham nhũng gián tiếp; Tham nhũng chủ
động (ví dụ đưa hối lộ) và tham nhũng bị động (ví dụ nhận hối lộ).

5.2.2. Những đặc điểm cơ bản của tham nhũng


Từ góc độ tội phạm học, tham nhũng là một hành vi vi phạm pháp luật, song có một
số đặc điểm khác biệt so với những hành vi vi phạm pháp luật thông thường. Theo pháp
luật Việt Nam, những đặc điểm đó bao gồm:13
Thứ nhất, chủ thể tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn

Khái niệm“người có chức vụ, quyền hạn” theo Khoản 2 Điều 3 Luật PCTN năm
2018 của Việt Nam bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân
chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội
nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn – kỹ thuật, công
nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Người đại diện phần vốn
nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp,
tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong
khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

Thông thường các nhóm đối tượng nêu trên là những người đã có quá trình công tác
nên có nhiều hiểu biết, kinh nghiệm, được đào tạo có hệ thống, có quan hệ rộng và có uy
tín xã hội nhất định việc việc phát hiện, điều tra, xét xử hành vi tham nhũng của họ không
dễ dàng.
Thứ hai, chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao

Yếu tố “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng cơ bản để xác định
hành vi tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng
“chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để thu lợi bất chính cho bản thân,
gia đình mình hoặc cho người khác. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi lợi dụng chức vụ,
quyền hạn đều được coi là hành vi tham nhũng, bởi hành vi này cũng có thể cấu thành vi
phạm pháp luật khác.
Thứ ba, mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi
Động cơ của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Khoản 7 Điều 3 Luật PCTN năm 2018
quy định, vụ lợi là “việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn
nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng”. Thông

13
Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (2011), Tài liệu bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng (Dành cho giáo
viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp), NXB CTQG, tr.12-14.
thường, những lợi ích mà đối tượng tham nhũng hướng tới bao gồm: Tiền, tài sản công
(đối với hành vi tham ô…); tiền, tài sản của doanh nghiệp, cá nhân, lợi ích phi vật chất
(đối với hành vi nhận hối lộ…). Đối với những lợi ích phi vật chất, thông thường đó là
chức vụ, quyền hạn song đôi khi có cả cơ hội hay tình dục.

5.3. Nguyên nhân của tham nhũng


5.3.1. Những nguyên nhân phổ biến
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tham nhũng, tuy nhiên có thể xác định
một số nguyên nhân quan trọng bao gồm: Quản trị nhà nước yếu kém; Khung pháp luật
về PCTN thiếu đầy đủ hoặc không được thi hành hiệu quả; Cơ chế và hệ thống cơ quan
PCTN quốc gia chưa được xây dựng hoặc hoạt động hình thức; Đội ngũ công chức, viên
chức thiếu liêm chính; Lương của đội ngũ công chức, viên chức quá thấp, không đủ nuôi
bản thân họ và gia đình; Thể chế chính trị và truyền thống văn hóa hàm chứa những yếu
tố ủng hộ hay khoan dung với hành vi tham nhũng…

Tùy thuộc vào bối cảnh của quốc gia, các nguyên nhân có thể khác nhau và thứ tự
(ảnh hưởng) của các nguyên nhân cũng khác nhau. Tuy nhiên, từ góc độ lý luận, các
nguyên nhân của tham nhũng có thể quy vào một trong ba lý thuyết đó là: thuyết duy tâm
tác nhân (agency-idealist); thuyết duy vật cấu trúc (structural-materialist); và thuyết duy
tâm cấu trúc (structural-idealist) về tham nhũng.14

Theo thuyết duy tâm tác nhân, chỉ có người xấu thì mới ăn cắp tài sản công, hay đưa
hoặc nhận hối lộ, còn người tốt thì không có những hành động như vậy. Do đó, tham
nhũng gắn liền với và phổ biến ở những nơi mà đạo đức con người xuống cấp. Điều đó
có nghĩa là việc giáo dục đạo đức cho công dân có ý nghĩa như là nền tảng trong PCTN.

Theo thuyết duy tâm cấu trúc, bối cảnh xã hội và văn hóa có tác động rất lớn đến
tình trạng tham nhũng. Nếu như xã hội hàm chứa những tập tục, giá trị ủng hộ hay khoan
dung với tham nhũng thì vấn nạn này sẽ hoành hành và khó xóa bỏ15. Điều đó có nghĩa là
việc xây dựng và củng cố một nền văn hoá liêm chính là rất cần thiết trong PCTN.

Theo thuyết duy vật cấu trúc, tham nhũng phụ thuộc vào các nhân tố thể chế - tức là
những điều bên trong tạo ra hoặc hạn chế các hành vi sai trái của cơ quan, công chức nhà
nước – vì vậy, mức độ tham nhũng tỷ lệ thuận với sự độc quyền, tùy tiện, thiếu hoặc yếu

14
Xem: Thaveeporn Vasavakul el all (2009), “Pubic Administration and Economic Development in Vietnam:
Reforming the Pubic Administration for the 21th Century’, in Reforming Public Administration in Vietnam,
CECODES and UNDP, the National Political Publishing House, Hanoi, tr.21-42.
15
Xem: Thaveeporn Vasavakul el all (2009), tài liệu đã dẫn, tr.21-42.
về cơ chế kiểm soát, đối trọng trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Theo các tổ
chức quốc tế như UNDP, WB… nguyên nhân cơ bản của tham nhũng nằm ở vấn đề quản
trị nhà nước, và từ cách tiếp cận này, việc thúc đẩy “quản trị nhà nước tốt” (good
governance) chính là để kiềm chế, loại trừ tham nhũng16.

Từ cách tiếp cận thể chế, UNDP mô tả nguyên nhân của tham nhũng bằng công thức:17
C = (M + D) – (A + I + T)
Trong đó:

C = Corruption (Tham nhũng)

M = Monopoly (Sự chuyên quyền, độc đoán)


D = Discretion (sự tùy ý hành động do thiếu sự kiểm soát)

A = Accountability (trách nhiệm giải trình).

I= Integrity (sự liêm chính)


T= Transparency (tính minh bạch)

Công thức trên có thể diễn giải như sau:

“Tham nhũng là hậu quả của sự thiếu hụt ba yếu tố gồm Trách nhiệm giải trình, Sự
liêm chính và Tính minh bạch trong bối cảnh tồn tại sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý
hành động do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước”.

Một số tổ chức và chuyên gia khác cũng có cách tiếp cận và quan điểm tương tự
như của UNDP về nguyên nhân của tham nhũng. Cụ thể, Robert Klitgaard – một chuyên
gia quốc tế hàng đầu về quản trị tốt và chống tham nhũng cũng đưa ra công thức: 18
C=M+D–A

Do các yếu tố C, M, D và A có nội hàm giống như trong công thức của UNDP nên
công thức trên có thể được diễn giải như sau:

16
UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note, final version, tr.2, tại http://intra.undp.org/b
dp/anticorruption/sourcebook_ati.htm
17
Xem: UNDP Source Book on Accountability, Transparency and Integrity, tại http://intra.undp.org/b
dp/anticorruption/sourcebook_ati.htm.
18
Xem: Tanzi, Vito (1998), Corruption Around the World: Causes, Consequences, Scope and Cures, IMF Staff
Papers Vol. 45, No. 4, tr.73. Cũng xem UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note, tài liệu đã dẫn, tr.2.
“Tham nhũng là hậu quả từ sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động do thiếu
sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước trong bối cảnh thiếu những cơ chế
về trách nhiệm giải trình”.

So sánh hai công thức kể trên có thể thấy, ngoài một số khác biệt nhỏ, các yếu tố
Trách nhiệm giải trình, Sự liêm chính và Tính minh bạch đóng vai trò then chốt để kiềm
chế và kiểm soát tham nhũng; trong khi sự chuyên quyền, độc đoán và tùy ý hành động
do thiếu sự kiểm soát của các cơ quan và công chức nhà nước là những tác nhân tạo
thuận lợi cho tham nhũng.
5.3.2. Những nguyên nhân đặc thù ở Việt Nam

Những nguyên nhân phổ biến của tham nhũng trên thế giới đã nêu ở trên cũng thể
hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam còn có những nguyên
nhân khác bao gồm:19

Những nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, lương của đội ngũ cán bộ, công chức còn thấp trong khi trình độ quản trị
nhà nước còn hạn chế, hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật PCTN nói riêng còn
chưa hoàn thiện. Thêm vào đó, nước ta đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý
kinh tế, tồn tại đan xen giữa cơ chế cũ và mới. Tất cả những yếu tố này tạo điều kiện
thuận lợi cho các hành vi tham nhũng phát triển.

Thứ hai, mặt trái của kinh tế thị trường, thể hiện ở lối sống hưởng thụ, sự ngự trị
của đồng tiền ảnh hưởng đến khiến một bộ phận cán bộ, công chức có tâm lý kiếm tiền,
làm giầu bằng mọi cách, kể cả bằng tham ô, nhũng nhiễu, hối lộ, làm những điều phi
pháp, trái đạo lý…Những yếu tố này làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng trong xã
hội.
Thứ ba, giống như ở một số quốc gia khác, văn hóa truyền thống của nước ta chứa
đựng khá nhiều phong tục, tập quán dễ bị lợi dụng để biện minh, ủng hộ cho hành vi
tham nhũng, ví dụ như như tập quán ‘miếng trầu là đầu câu chuyện’, “đóng cửa bảo
nhau”, “không giở áo cho người xem lưng”, ‘hoa thơm mọi người cùng hưởng’, ‘đền ơn
đáp nghĩa, ăn quả nhớ người trồng cây”, và kể cả tâm lý phục tùng vô điều kiện cấp trên
hoặc người có kinh nghiệm, người cao tuổi…Những phong tục, tập quán kể trên mặc dù
có bản chất tốt đẹp và vẫn cần được duy trì, bảo vệ, song trong nhiều hoàn cảnh, chúng

19
Xem: Đinh Văn Minh (2006), Một số vấn đề về tệ nạn tham nhũng và những nội dung cơ bản của Luật PCTN
năm 2005, NXB CTQG, H., tr.45-57.
đã và đang bị lợi dụng, sử dụng như chất xúc tác cho những hành vi tham nhũng, hoặc
như vật cản với những nỗ lực PCTN.

Những nguyên nhân chủ quan


Thứ nhất, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nói chung, của bộ máy nhà
nước nói riêng còn nhiều bất hợp lý, hiệu quả hoạt động chưa cao; chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của một số cơ quan, tổ chức chưa được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp.
Tình trạng này tạo ra nhiều kẽ hở cho những hành vi tham nhũng.

Thứ hai, cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý nhà nước nói chung, về PCTN nói
riêng chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, còn nhiều sơ hở nhưng chậm được sửa đổi, bổ
sung, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng như quản lý và sử dụng đất
đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên, khoáng sản, tổ chức hoạt động và việc
cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…Cải cách hành chính vẫn chậm và lúng túng, dẫn
tới tình trạng thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà, phức tạp, bất hợp lý; cơ chế xin-cho
vẫn còn tồn tại. Những yếu tố này tạo điều kiện thuận lợi cho sự sách nhiễu, vòi vĩnh, đưa
và nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền.

Thứ ba, một số tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn
vị chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tính nghiêm trọng, sự nguy hại của tệ tham nhũng
nên lãnh đạo chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, đôn đốc, thậm chí còn nể nang, né tránh, dung
túng, bao che cho tham nhũng. Công tác cán bộ nói chung và việc quản lý, giáo dục cán
bộ, đảng viên, công chức nói riêng vẫn còn hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương, việc
xử lý các vụ việc tham nhũng chưa được kịp thời, công minh, gây bức xúc trong dư luận
xã hội, làm giảm uy tín và xói mòn niềm tin của quần chúng với quyết tâm PCTN của
Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, hệ thống cơ quan PCTN mặc dù đã được xây dựng và củng cố, song quy
định về chức năng, nhiệm vụ của một số cơ quan còn chưa thực sự hợp lý, cơ chế phối
hợp giữa các cơ quan PCTN chưa thực sự hữu hiệu. Những yếu tố này khiến cho hiệu quả
hoạt động của các cơ quan PCTN chưa cao.
Thứ năm, khung pháp luật về PCTN của Việt Nam đã tương đối toàn diện nhưng
chưa đủ mạnh, còn thiếu các công cụ pháp lý cho phép điều tra và xử lý các hành vi tham
nhũng một cách kịp thời, hiệu quả.

Thứ sáu, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN còn mang tính hình
thức, ‘phong trào’, cách thức và nội dung tuyên truyền, giáo dục nhìn chung chưa phù
hợp với đối tượng, vì vậy tác dụng, hiệu quả nâng cao nhận thức của các đối tượng trong
xã hội còn thấp.

5.4. Hậu quả của tham nhũng


Theo UNDP, tham nhũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng và đa dạng, mà có thể
khái quát như sau:20

- Kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế, làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và
nước ngoài;
- Làm giảm và thất thoát thu nhập quốc gia;
- Làm cho việc phân phối các nguồn lực của nhà nước trở nên bất hợp lý;
- Làm giảm hiệu lực của pháp luật;
- Nuôi dưỡng sự đặc quyền và làm xói mòn sự liêm chính trong xã hội; và
- Dẫn đến những vi phạm quyền con người.
Dưới đây phân tích hậu quả của tham nhũng trên một số khía cạnh cơ bản:

5.4.1. Hậu quả về kinh tế


Tham nhũng gây ra những hậu quả về kinh tế không chỉ cho nhà nước mà còn cho
hầu hết chủ thể trong xã hội, nhưng với mức độ và cách thức khác nhau.

Đối với nhà nước, như đã nêu ở trên, tham nhũng gây thất thoát, từ đó làm giảm
nguồn thu vào ngân sách của các nhà nước. Đây có thể xem là thiệt hại kinh tế từ tham
nhũng rõ ràng và dễ đo lường nhất. Về khía cạnh này, một nghiên cứu cho thấy ở một
nước châu Phi, cứ một đồng tiền thuế mà nhà nước thu được thì có 2,5 đồng khác bị thất
thoát. Qua khảo sát, tỷ lệ thất thoát tiền thuế do tham nhũng ở một nước châu Á cũng cao
không kém, dao động trong khoảng 30-45%, còn ở một nước A-rập là 20-70% tùy từng
lĩnh vực kinh tế.21
Đối với các doanh nghiệp, thiệt hại kinh tế trực tiếp từ tham nhũng thể hiện ở chỗ
họ phải trả những “chi phí bôi trơn”, còn thiệt hại gián tiếp xảy ra khi họ phải đối mặt với
sự nhũng nhiễu, gây khó khăn của các cơ quan, nhân viên công quyền. Ngoài ra, trong
một số trường hợp, thiệt hại kinh tế gián tiếp còn xảy ra khi việc sản xuất, kinh doanh bị
ảnh hưởng tiêu cực bởi sự thiếu nhất quán về chính sách kinh tế của nhà nước mà có
nguyên nhân từ tham nhũng. Ở đây, thiệt hại kinh tế của các doanh nghiệp cũng chính là

20
UNDP (2014), Discussion Paper: Corruption and Good Governance, tại
http://magnet.undp.org/Docs/efa/corruption3/corruption3.htm.
21
UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note, tài liệu đã dẫn, tr.4.
thiệt hại kinh tế của các nhà nước, bởi khi các doanh nghiệp cảm thấy ‘nản lòng’ và rút
vốn đầu tư vì tham nhũng thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu.

Đối với các cá nhân công dân, tham nhũng được ví như một dạng “thuế không
chính thức” (unofficial tax) đánh vào họ, vì mọi chi phí sản xuất, kể cả chi phí phải trả do
tham nhũng, sẽ được các doanh nghiệp tính vào giá thành sản phẩm để bán cho người
tiêu dùng. Trong việc này, những chủ thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại chính là những
người nghèo – nhóm vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội.

Trên đây là thiệt hại kinh tế gián tiếp của tham nhũng với cá nhân công dân. Bên
cạnh thiệt hại gián tiếp đó, cá nhân công dân còn phải chịu những thiệt hại kinh tế trực
tiếp khác khi phải trả “tiền bôi trơn”, “tiền cảm ơn” cho các cơ quan, nhân viên công
quyền khi tiếp cận với các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, văn hóa…hay khi phải giải
quyết các thủ tục hành chính, thủ tục tư pháp… Không thể phủ nhận cả hai loại thiệt hại
trực tiếp và gián tiếp, song đều rất khó lượng định một cách cụ thể, bởi những hành vi hối
lộ và nhận hối lộ thường không được công khai.
5.4.2. Hậu quả về chính trị, văn hoá, xã hội

Tham nhũng là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến bất bình
đẳng, chia rẽ và xung đột xã hội. Cụ thể, tham nhũng góp phần phân chia dân chúng
trong xã hội nói chung, các tầng lớp trong xã hội nói riêng thành hai nhóm giàu, nghèo,
trong đó một nhóm chủ yếu chỉ hưởng thụ mà không phải lao động, còn nhóm kia phải
vật lộn làm việc để kiếm sống. Trong những xã hội có sự hoành hành của tham nhũng,
khoảng cách giữa các nhóm giàu, nghèo thường tăng lên rất nhanh, từ đó thổi bùng lên
lòng đố kỵ, sự nghi ngại, tính ghen ghét và tư tưởng thù địch giữa các nhóm. Hậu quả là
phá vỡ tình đoàn kết trong cộng đồng và khiến cho an ninh, trật tự xã hội bị đảo lộn. Ở
một số quốc gia nơi mà tham nhũng diễn ra một cách phổ biến đã dẫn đến những cuộc
khủng hoảng chính trị, thậm chí bạo động xã hội khiến cho hệ thống chính quyền sụp đổ
hoặc bị tổn hại một cách nghiêm trọng.

Tham nhũng cũng khiến cho đạo đức xã hội bị suy thoái. Không chỉ các công chức,
viên chức nhà nước, lối sống của người dân nói chung cũng trở nên ích kỷ, thực dụng
hơn, trong khi các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như liêm chính, trung thực, tương
thân tương ái… ngày càng giảm sút trong bối cảnh tham nhũng. Nói cách khác, tham
nhũng góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy những niềm tin, thái độ và hành vi tiêu cực của
công chúng trong các quan hệ xã hội. Thái độ tiêu cực đó bao gồm sự thiếu tôn trọng nhà
nước và pháp luật; mất lòng tin, thậm chí chống đối các cơ quan và công chức nhà nước;
sự thờ ơ với các vấn đề chung của đất nước; sự gia tăng thái độ và hành động ích kỷ, cá
nhân, bất chấp những hậu quả gây ra với cộng đồng và với người khác.

Ở một góc độ khác, tham nhũng tàn phá hệ thống cơ sở hạ tầng về văn hoá, xã hội
của các quốc gia. Trong bối cảnh tham nhũng, các cơ sở giáo dục và chăm sóc y tế
thường rơi vào khủng hoảng về tổ chức hoạt động và về chất lượng dịch vụ, bởi chúng rất
nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước vấn nạn này. Do ở nhiều quốc gia, nhà nước vẫn tài
trợ, với những mức độ khác nhau, cho các hoạt động văn hoá, nghệ thuật nên lĩnh vực
này cũng không đứng ngoài tác động tiêu cực của tham nhũng.
5.4.3. Hậu quả về quản trị nhà nước

Như đã đề cập, tham nhũng tàn phá nền pháp chế khiến người dân mất lòng tin, chỉ
trích và thậm chí chống đối các cơ quan và công chức nhà nước. Trong bối cảnh đó, việc
xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật của nhà nước trên tất cả các lĩnh
vực đều gặp khó khăn vì không được người dân, các doanh nghiệp và các chủ thể khác
trong xã hội ủng hộ.

Không những vậy, tham nhũng còn dẫn đến những xung đột ngay trong hệ thống
các cơ quan nhà nước. Sự mờ ám, thiếu công khai, minh bạch và vụ lợi trong quá trình ra
quyết định là nguồn gốc của tình trạng bè phái, mâu thuẫn trong nội bộ các cơ quan nhà
nước. Hậu quả là các cơ quan nhà nước có thể bị tê liệt hoặc hoạt động kém hiệu quả, kéo
theo những hệ luỵ tiêu cực về quản lý xã hội.

Ngoài ra, tham nhũng làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước
với sự quản lý xã hội và điều hành nền kinh tế của chính quyền. Điều này cản trở chính
quyền xây dựng và thực thi các chương trình kinh tế lớn mà có tác động đến sự phát triển
về mọi mặt của đất nước.

Trên đây chỉ đề cập đến tác động tiêu cực của tham nhũng trên một số khía cạnh.
Trên thực tế, tham nhũng gây ra những hậu quả nặng nề và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội, song việc xác định và đánh giá mức độ tác động tiêu cực của vấn
nạn này trên từng lĩnh vực là một việc khó khăn, do tính chất phức tạp của nó. Tuy nhiên,
ở mức độ khái quát nhất, có thể coi tham nhũng như một “kẻ phá hoại” hay “kẻ huỷ diệt”
tất cả các thiết chế, cấu trúc, giá trị, đặc biệt là thuộc về kiến trúc thượng tầng, mà nhân
loại đã lập ra để bảo đảm cho đời sống của mọi cá nhân và sự phát triển của các xã hội.

Câu hỏi ôn tập


1. Phân tích khái niệm tham nhũng.
2. Phân tích những biểu hiện của tham nhũng.
3. Phân tích những đặc điểm của hành vi tham nhũng.
4. Phân tích những nguyên nhân của vấn nạn tham nhũng.
5. Phân tích những hậu quả của vấn nạn tham nhũng.

Tài liệu tham khảo và đọc thêm

1. Lord Acton (1887) Letter to Bishop Mandell Creighton, tại


https://history.hanover.edu/courses/excerpts/165acton.html
2. Đinh Văn Minh (2006), Một số vấn đề về tệ nạn tham nhũng và những nội dung
cơ bản của Luật PCTN năm 2005, NXB CTQG, H., tr.45-57.
3. Gary S. Becker (1998), the Causes and Cures of Corruption, tại
https://www.project-syndicate.org/commentary/bec6/English
4. Vũ Công Giao (chủ biên) (2020), “Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng”,
NXB CTQG, Hà Nội.
5. Tanzi, Vito (1998), Corruption Around the World: Causes, Consequences, Scope
and Cures, IMF Staff Papers Vol. 45, No. 4, tr.73. Cũng xem UNDP (2004), Anti-
corruption- Practice Note, tài liệu đã dẫn, tr.2.
6. Thaveeporn Vasavakul el all (2009), “Pubic Administration and Economic
Development in Vietnam: Reforming the Pubic Administration for the 21th
Century’, in Reforming Public Administration in Vietnam, CECODES and UNDP,
the National Political Publishing House, Hanoi, tr.21-42.
7. UNDP (2004), Anti-corruption- Practice Note, final version, tr.2, tại
http://intra.undp.org/b dp/anticorruption/sourcebook_ati.htm
8. UNDP (2014), Discussion Paper: Corruption and Good Governance, tại
http://magnet.undp.org/Docs/efa/corruption3/corruption3.htm.
9. UNODC (2004), UN Corruption Toolkit, 3nd Edition, Vienna, at
http://www.ODCCP.org/corruption.html.
10. Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra (2011), Tài liệu bồi dưỡng về phòng,
chống tham nhũng (Dành cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp),
NXB CTQG, tr.12-14.
11. World Bank (1997), Helping Countries Combat Corruption: The Role of the
World Bank, Washington DC.

You might also like