You are on page 1of 8

CHỊ EM THÚY KIỀU – NGUYỄN DU

Đề 1: Phân tích đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Nhận xét: Bài viết tốt

Dàn bài

I. MỞ BÀI:
Khi khẳng định giá trị của “Truyện Kiều”, nhà thơ Chế Lan Viên đã từng ca ngợi:
“Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn”. Có thể nói, “Đoạn Trường Tân Thanh” với
những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào cho nền văn chương Việt Nam. Dưới ngòi bút tài
hoa của Nguyễn Du, những phong cảnh tuyệt vời trong thiên nhiên, cỏ cây, những bức tranh tâm
trạng đã hiện ra tạo thành một thế giới thơ đầy quyến rũ. Bằng tấm lòng và sự nâng niu, trân
trọng, mến yêu nhân vật chân thành, ông đã để lại cho đời những rung cảm nghệ thuật trước cái
đẹp thật sâu sắc. Đến với đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”, một lần nữa ta hiểu thêm về nghệ
thuật miêu tả của Tố Như thần tình ra sao và trái tim Nguyễn Du chan chứa yêu thương
biết nhường nào!
“Đầu lòng hai ả tố nga,
………
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
II. THÂN BÀI:
1) Giới thiệu chung:
- Đoạn trích “Chị em Thuý Kiều” nằm ở phần mở đầu tác phẩm – gặp gỡ và đính ước. Sự độc
đáo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật ở đoạn trích này là bút pháp ước lệ tượng trưng, mượn
vẻ đẹp của thiên nhiên để chỉ vẻ đẹp của con người.
2) Phân tích:
a) Bốn câu thơ đầu:
- Đoạn trích có kết cấu chặt chẽ như một truyện ngắn cổ điển. Mở đầu là bốn câu giới thiệu
chung về hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều.
“Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
- Hai cô con gái đầu lòng của ông bà Vương viên ngoại đi vào trang thơ của Nguyễn Du đều
xinh đẹp, tươi tắn, cả hai hệt như những nàng “tố nga” – hằng nga tiên nữ ở chốn bồng lai.
- Thứ bậc trong gia đình cũng đã được Nguyễn Du thể hiện qua lời giới thiệu khá giản dị:  “Thúy
Kiều là chị, em là Thúy Vân”.
- Đặc biệt, ông chú trọng gây ấn tượng ở tinh thần, cốt cách của hai Kiều: cốt cách thanh tao,
duyên dáng như mai và tâm hồn, phẩm hạnh trắng trong, thuần khiết như tuyết. Hình ảnh ẩn dụ
nằm trong phép tiểu đối kết hợp với bút pháp ước lệ tượng trưng không chỉ đặc tả được cái
thần của bức tranh thiếu nữ: cả hai đều trinh trắng, sáng trong mà còn khơi gợi xúc cảm thẩm mỹ
cho người đọc về vẻ kiều diễm của hai chị em.
- Hai người họ với những vẻ đẹp không hoàn toàn như nhau mà là mỗi người đẹp theo một vẻ
nhưng đều là những vẻ đẹp hoàn mỹ. Từ vóc dáng cho đến tâm hồn, Thúy Kiều và Thúy Vân
đều đạt đến mức vẹn toàn thật là tuyệt đối như tác giả đã nhận định: “mười phân vẹn mười”.
Điều ấy cho thấy ý thức lí tưởng hóa cao độ của nhà thơ bởi lẽ ở đời “nhân vô thập toàn”.
Trong một giai đoạn khác của tác phẩm, nhan sắc này cũng được ông khẳng định qua hai câu
thơ:
“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

1
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai”
=> Bốn câu thơ không chỉ nhằm thông báo vẻ đẹp hoàn thiện của Thúy Vân, Thúy Kiều mà còn
chất chứa niềm ngưỡng mộ trước cái đẹp rất riêng của mỗi người.
b) Bốn câu tiếp: Bức chân dung Thuý Vân:
Những ước lệ của văn chương cổ đi vào câu chữ của Nguyễn Du với biết bao tình cảm
mến yêu, trân trọng. Lời khen chia đều cho cả hai, nét bút muốn đặc tả “mỗi người một vẻ”.
Chính vì thế mà liền sau đó, thi sĩ tập trung khắc họa từng người. Đầu tiên, chân dung Thúy Vân
hiện ra với bốn câu thơ.
“Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.”
- Chỉ vẻn vẹn bốn dòng thơ, Nguyễn Du đã thể hiện thật tài hoa vẻ đẹp tươi tắn, trẻ trung của
một cô gái đang độ trăng tròn. Ngay từ câu thơ đầu tác giả đã khẳng định cái điểm hơn người của
Vân: đó là vẻ đẹp phúc hậu, đoan trang nhưng cũng là sự “trang trọng khác vời”. 
- Để rồi, sau đó là sự cụ thể hóa ở khuôn mặt tròn đầy, ngời sáng như vầng trăng đêm rằm, đôi
lông mày cân đối, sắc nét như con ngài. Hiện diện trên khuôn mặt tươi sáng ấy là nụ cười tươi
thắm như hoa, giọng nói trong trẻo như ngọc. Hay là phải chăng “ngọc thốt” ở đây là để chỉ
những lời nói của nàng quý giá và đáng trân trọng như ngọc ngà? Một từ “thốt” thôi mà có thể
giúp ta nhận ra vẻ dịu dàng , hiền thục hiếm thấy của Thúy Vân. Thật là tài tình! Không những
thế, nàng còn sở hữu cả một mái tóc đen óng, nhẹ hơn mây và làn da mịn màng, trắng hơn cả
tuyết.
=> Quả là một vẻ đẹp hoàn hảo, cao sang, quý phái! Sắc đẹp của Thúy Vân sánh ngang với
những nét kiều diễm, sáng trong của trăng hoa, ngọc vàng, mây tuyết,…, những báu vật tinh
khôi, trong trẻo của đất trời.
- Chỉ thoáng nhìn hình dáng, thoáng nghe Vân chuyện trò, chúng ta cũng dễ dàng cảm nhận được
tất cả sự dịu dàng, đoan trang của một cô gái khuê các.
- Có lẽ, Nguyễn Du cũng đã rất có dụng ý khi sử dụng những tính từ chỉ độ tròn đầy, viên mãn
để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân: “đầy đặn”, “nở nang”. Một vẻ đẹp căng tròn của tuổi trẻ! Về
mặt này, con mắt nhìn của Nguyễn Du cũng thật “tinh đời”! Dựng lên hình ảnh của Thúy Vân
với một vẻ đẹp phúc hậu, quý phái khiến thiên nhiên, tạo vật cũng phải “thua”, “nhường”, nhà
thơ đã giúp ta nhận ra đấy là một vẻ đẹp có được sự hòa hợp, êm đềm với thế giới chung quanh.
Thêm vào đó là giọng thơ nhẹ nhàng, êm dịu nên Thúy Vân là hiện thân của cuộc đời yên ả, ấm
êm. Từ những thông điệp nghệ thuật trên, phải chăng đó là dự cảm về một cuộc sống bình lặng,
suôn sẻ, hạnh phúc trong tương lai?
c) 12 câu tiếp: Bức chân dung Thuý Kiều:
Nếu Nguyễn Du dành đôi nét tài hoa cho Thúy Vân thì với Thúy Kiều, tác giả dùng hết
tâm lực để có những nét vẽ thần kì, công phu hơn.
“Kiều càng sắc sảo, mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
- Câu chuyển tiếp cho ta thấy từ sắc đến tài, Kiều hơn hẳn Thúy Vân, đó không phải là cái
đẹp hiền lành, phúc hậu mà trái lại vừa sắc sảo, lộng lẫy, vừa mặn mà, duyên dáng, vừa yêu kiều
thiết tha. Thì ra, Thúy Vân đã sắc nước hương trời, Thúy Kiều còn rực rỡ hơn thế nữa. Bằng thủ
pháp đòn bẩy, Nguyễn Du đã mượn vẻ đẹp của Thúy Vân làm nền để nêu bật vẻ đẹp, tài năng
của Thúy Kiều, giúp người đọc hình dung rõ hơn về bức chân dung của nàng bằng cái nhìn của
riêng mình.
- Thực tế, đến Thúy Kiều, ta thấy Nguyễn Du rất ít tả mà chỉ gợi. Ông lại thêm một lần nữa
chứng tỏ cốt cách nghệ thuật của một nghệ sĩ bậc thầy. Bởi, nếu bây giờ nhà thơ cũng lặp lại
trình tự tả y hệt như tả Thúy Vân thì hóa ra quá đỗi vụng về. Đặc biệt, sức gợi của vẻ đẹp Thúy
Kiều toát lên từ đôi mắt: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”. Nguyễn Du dường như chỉ nói về đôi

2
mắt của nàng. Đôi mắt trong sáng, sâu thẳm, gợi tình như sóng nước mùa thu và đôi mày cong
cong mềm mại, thanh tú như dáng núi mùa xuân. Cách miêu tả khiến khi đọc lên, ta như thấy có
ánh sáng và làn sóng xao động bên trong. Chỉ vậy thôi mà bao ẩn ý. Đôi mắt nhìn đời, nhìn
người sâu thẳm. Đôi mắt dạt dào, ẩn chứa bao tình cảm lai láng: biết yêu thương, căm hận, nhức
nhối, sẻ chia,… Đôi mắt thể hiện một đời sống nội tâm phong phú. Đôi mắt “tinh đời” chứ không
như đôi mắt đẹp mà vô hồn, vô cảm của Thúy Vân. Thì ra, cụ Nguyễn Du cố tình bỏ sót đôi mắt
nàng Vân là vì lẽ đó. Một lần nữa, ta lại thấy nhà thơ sử dụng tối đa nghệ thuật ẩn dụ và tiểu
đối trong thơ cổ điển cũng với ý nghĩa tượng trưng để tô đậm, tạo ấn tượng về nhan sắc của
Kiều nhưng không gây rườm rà, phức tạp mà trái lại giá trị diễn đạt vẫn hay và tự nhiên. Nhan
sắc nàng tuyệt mĩ đến nỗi: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Thêm một lần nữa thiên
nhiên được sử dụng để nói về vẻ đẹp của người thiếu nữ. Thiên nhiên vốn là vẻ đẹp vĩnh cửu vậy
mà cũng phải “ghen”, “hờn” trước một nàng Kiều “sắc sảo mặn mà”. Hoa không tươi thắm
bằng dung nhan của nàng, liễu kém phần tươi non so với sức sống, tuổi trẻ mơn mởn của Kiều.
Nguyễn Du đã sử dụng biện pháp nhân hóa để thổi linh hồn vào câu thơ làm ý thơ thêm phần
sống động và trước mắt ta hiện ra một nàng Kiều trẻ trung với tuổi xuân tràn đầy như hoa vừa
đang độ nở, liễu đến kì xanh tươi. Mà cũng vì thế mà ta càng thấp thỏm hơn khi nghĩ tới tương
lai của đời Kiều. Liệu với vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” ấy, Kiều sẽ phải sống thế nào
trong bể đời vốn “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân”.
- Bút pháp miêu tả của Nguyễn Du tài hoa ở chỗ ông không chỉ miêu tả ngoại hình
để thể hiện tính cách, mà còn thông qua đó dự đoán số phận, cuộc đời nhân vật. Không phải
ngẫu nhiên mà Nguyễn Du dùng cặp từ “thua, nhường” để miêu tả Thúy Vân và cặp từ “ghen,
hờn” để miêu tả Thúy Kiều. Ảnh hưởng, tác động của nét đẹp hai Kiều với tạo hóa lại đi theo hai
hướng khác nhau. Tả Vân, câu thơ Kiều thanh thản bao nhiêu thì khi tả Kiều, câu chữ Tố Như lại
trăn trở bấy nhiêu. Như vậy đó, chỉ mới mươi câu Kiều mà đã giúp ta thấu hiểu tấm lòng ưu ái
sâu sắc, bao la của nhà thơ nhân đạo Nguyễn Du: ông yêu thương, nâng niu tất cả. Có điều, với
Thúy Kiều là cả một sự yêu thương, nâng niu đầy băn khoăn, lo lắng so với Thúy Vân. Thật vậy,
trong “Truyện Kiều”, có lúc Nguyễn Du đã để sư bà Tam Hợp đạo cô đoán định tương lai bất ổn
của Kiều qua lời thơ:
“Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành.
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên chỗ, ngồi không vững vàng”
- Chuyện thế thái, nhân tình cũng thật sâu sắc trong cách nhìn, cách cảm của Nguyễn Du.
Miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du còn đề cao trí tuệ và tài năng của nàng, cho thấy rằng Kiều
không phải chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn là người con gái vốn có thiên tư thông minh bẩm
sinh và rất mực tài hoa.
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân.”
Tài năng của Kiều đã đạt tới mức lí tưởng hoá theo quan điểm của lễ giáo phong kiến.
Làm thơ, vẽ tranh, âm nhạc, mọi thứ Kiều đều tỏ ra thành thạo. Nguyễn Du đã rất dụng
công khi dành cho Kiều các chữ: “vốn sẵn tính trời”, “đủ mùi”, “làu bậc”, “ăn đứt” để gợi lên
sự hoàn mỹ trong tài năng của nàng. Đặc biệt, nàng thuộc làu năm giai điệu trong âm nhạc cổ,
chơi đàn hồ cầm vượt trội hơn cả những nghệ sĩ tài ba. Tiếng đàn của nàng từng được
Nguyễn Du ca ngợi:

3
“Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”
Chỉ với vài phép so sánh, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được tài năng xuất chúng
của Thúy Kiều. Tiếng đàn của nàng mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc trầm lúc
bổng, lục nhặt lúc khoan. Tiếng đàn ấy dường như mang cả nỗi lòng, tâm tư của nàng. Không
những vậy, Kiều còn biết sáng tác nhạc, khúc “Bạc mệnh” – khúc nhạc buồn thương da diết,
thương cảm cho người nhưng cũng là để khóc cho mình. Khúc nhạc ấy đã ghi nhận minh chứng
cho một tâm hồn đa sầu đa cảm, trái tim nặng tình người của Thuý Kiều. Rõ ràng vẻ đẹp của
nàng là sự kết tinh hội tụ của ba yếu tố sắc tài tình. Kiều đúng là một cô gái tài sắc vẹn toàn.
=> Quả là “Sắc đành đòi một tài đành họa hai” – Nếu như về sắc thì chỉ có một mình Kiều là
nhất, thì về tài may ra có người thứ hai. Tạo hóa đã dành cả cho Thúy Kiều biết bao nhiêu điều
tốt đẹp, để rồi lại tỏ ra đố kị mà đang tâm chơi trò nhỏ nhen.
“Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”
Câu chữ, lời thơ chất chứa sự ngợi ca, ngưỡng mộ mà nỗi băn khoăn, lo lắng cứ xốn xang
trên mỗi từ ngữ của Tố Như. Có lúc ông đã phải thốt lên rằng:
“Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Nhưng làm sao khác được, “Thiên bạc mệnh” ai oán đã vận vào Kiều mất rồi.
Trái tim yêu thương mênh mông của Nguyễn Du cũng chẳng thể nào bảo vệ được Kiều trước
vòng xoáy nghiệt ngã của định mệnh.
c) 4 câu cuối:
Đoạn trích khép lại trong bốn câu miêu tả cuộc sống phong lưu, khuôn phép trong đức
hạnh, mẫu mực của hai chị em Kiều.
“Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.”
Vẻ đẹp chung của hai chị em được đúc kết lại trong cuộc sống nhung lụa, phú quý. Hai
cô gái họ Vương đang ở vào giai đoạn đẹp nhất, thơ mộng nhất của đời người, đó là tuổi dậy thì
vô tư, trong trắng. Đã đến tuổi cài trâm nhưng hai thiếu nữ không hề quan tâm đến những
chuyện “ong bướm”, tâm hồn như băng tuyết, họ đang sống trong cảnh êm đềm của một gia
đình gia phong, nề nếp. Một lần nữa, Nguyễn Du khẳng định lại nếp sống phong lưu, đài các của
hai chị em Kiều. “Êm đềm”, “mặc ai” là phong thái cao giá của người đẹp chứ nào phải sự vô
cảm trước những rạo rực của tuổi trẻ. Chữ dùng của Nguyễn Du tinh tế lắm chứ đâu phải buông
lơi hờ hững, vô tình!
3) Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật:
Bên cạnh Thuý Vân xinh đẹp, Thuý Kiều lộng lẫy, chúng ta còn thấy trong “Truyện
Kiều” hình ảnh của biết bao vẻ đẹp khác: Kim Trọng thư sinh hào hoa, Từ Hải anh hùng hào
hiệp, Giác Duyên hết lòng từ bi… Nếu khắc hoạ nhân vật phản diện, nhà thơ dùng bút pháp hiện
thực, miêu tả cụ thể chân tơ kẽ tóc, lời nói việc làm…để chúng hiện lên một cách sống động với
tất cả sự gớm ghiếc đê tiện…thì các nhân vật chính diện này đều được nhà thơ khắc hoạ bằng
bút pháp ước lệ để họ hiện lên với tất cả vẻ đẹp của con người lí tưởng. Đằng sau đó nhà thơ đã
cất lên lời ngợi ca, tôn vinh vẻ đẹp phẩm giá, tài năng, tâm hồn của con người điều đó xuất phát
từ tình yêu tha thiết đối với con người của Nguyễn Du. Đó cũng chính là biểu hiện của giá trị
nhân đạo cao cả, làm nên sức sống mãnh liệt của “Truyện Kiều”.

III. KẾT BÀI:


4
Chỉ với hai mươi bốn câu thơ lục bát, chúng ta cũng đủ thấy tài năng, sáng tạo bậc thầy
của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Ngòi bút của ông linh hoạt vô cùng, khi vẽ chi tiết, khi chỉ
lướt qua; khi tả, khi gợi, kết hợp nhuần nhuyễn tính ước lệ của sách vở và cách nói dân gian; vừa
làm nghệ thuật, vừa gởi gắm tâm tư, tình cảm. Để người đời yêu mến Tố Như và nhân vật của
ông khi đến với Truyên Kiều, đều cảm nhận được một ẩn ý sâu sắc: ẩn sau bức chân dung mĩ nữ
là tiếng lòng chan chứa yêu thương của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Bản thân em ….

*************************************

Đề 2: Cảm nhận của em về nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều trong đoạn thơ sau:
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
(Nhận xét: Bài viết tốt)

A.Mở bài:
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, 12 câu thơ
Nguyễn Du- đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại cho đời một tác
phẩm bất hủ. Đó là “Đoạn trường tân thanh” hay còn gọi là “Truyện Kiều”. “Truyện Kiều” gây
ấn tượng với người đọc không chỉ bởi giá trị nhân văn cao cả, giá trị hiện thực độc đáo mà còn
bởi nghệ thuật tả người đã đạt đến trình độ đỉnh cao. Nói đến nghệ thuật tả người trong
“Truyện Kiều” ta không thể không nhắc đến đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” và đặc biệt
nhất là 12 câu thơ miêu tả tài và sắc của nàng.
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
…..
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.”
B. Thân bài:
1. Khái quát về đoạn trích: (Số câu trong đoạn trích, thuộc phần nào của tác phẩm? Nội dung
chính là gì?)
Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” gồm 24 câu thơ lục bát, nằm ở phần 1 “Gặp gỡ và đính
ước” của tác phẩm “Truyện Kiều”. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du tập trung miêu tả vẻ đẹp
của chị em thúy Kiều để từ đó ca ngợi vẻ đẹp, đức hạnh và tài năng của những những người phụ
nữ trong xã hội phong kiến.
2. Cảm nhận về nhan sắc và tài năng của Thúy Kiều:
2.1. Khái quát nội dung và nghệ thuật ở 8 câu đầu:
Ở phần đầu của đoạn trích, Nguyễn Du đã rất thành công khi sử dụng bút pháp ước lệ tượng
trưng để giới thiệu khái quát về hai chị em Thúy Kiều đồng thời miêu tả Thúy Vân rất chi tiết cụ
thể. Thông qua những câu thơ ấy, ta nhận ra ở hai nàng là cốt cách thanh tao cao quý và một tâm
hồn trắng trong tinh sạch.
5
2.2. Cảm nhận 12 câu tả Kiều:
Sau những câu thơ miêu tả Thúy Vân, tác giả tập trung miêu tả Thúy Kiều với 12 câu thơ lục
bát. Chỉ nhìn vào số lượng câu thơ miêu tả Kiều, ta có thể thấy ND đã dành cho nhân vật này
một sự ưu ái đặc biệt. Nếu như tả Thúy Vân tác giả mượn cụm từ “trang trọng khác vời” thì khi
tả Kiều, Nguyễn Du viết:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
+ Ở đây tác giả đã sử dụng thủ pháp đòn bẩy để miêu tả Thúy Kiều. thông qua thủ pháp nghệ
thuật ấy, Nguyễn Du muốn khẳng định Vân đã đẹp Kiều còn đẹp hơn đồng thời miêu tả như
thế cũng là để vẻ đẹp của Thúy Vân không bị lu mờ trước vẻ đẹp của Thúy Kiều . Điểm này
Nguyễn Du thật tinh tế.
+ Thúy Kiều mang vẻ đẹp “mặn mà, sắc sảo” tức là ở nàng vừa có cả sự đằm thắm dịu dàng,
vừa có cả sự tinh anh về trí tuệ. Vẻ đẹp ấy được Nguyễn Du miêu tả ở cả hai phương diện là tài
và sắc.
*Nhan sắc của Thúy Kiều được tác giả miêu tả ở 3 câu thơ lục bát:
“Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng ngước nghiêng thành”
+ Nếu như tả Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả rất chi tiết cụ thể, từ khuôn mặt đến đôi lông mày,
từ giọng nói, nụ cười đến làn da, mái tóc thì khi tả Kiều tác giả chỉ tập trung miêu tả đôi mắt.
Có lẽ bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhìn vào đôi mắt, người ta có thể đoán biết được tâm tư,
tình cảm.
+ Tả đôi mắt của Kiều, nhà thơ một lần nữa sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng (làn thu
thủy nét xuân sơn). Để rồi qua bút pháp nghệ thuật ấy, ta nhận ra nàng có một đôi mắt sáng
trong và sâu thẳm như làn nước mùa thu, đôi lông mày thanh thoát đẹp như dáng núi mùa
xuân - một đôi mắt biết nói, biết cười, biết yêu thương hờn giận, đôi mắt chứa đựng cả tình đời,
tình người mênh mông. Đôi mắt ấy đã khiến cho bao đấng nam nhi phải mê say đắm đuối.

+ Kiều đẹp đến mức hoa phải ghen vì thua sắc thắm, liễu phải hờn vì kém sắc xanh. Phép
nhân hóa có tính chất cường điệu “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” như một lời khẳng
định vẻ đẹp của Thúy Kiều đã vượt hơn hẳn vẻ đẹp của thiên nhiên, khiến cho thiên nhiên
phải ghen hờn, đố kị. Không cần nói nhan sắc của Kiều ra sao, chỉ cần nói hoa còn phải ghen,
liễu còn phải hờn với nhan sắc của Kiều thì tưởng như với nhan sắc ấy, không lời nào có thể
diễn tả nổi nữa. Tuy nhiên, nếu đọc kĩ lại từng câu, từng lời, ta sẽ thấy dường như trong vẻ đẹp
của Kiều đã ẩn chứa những mầm tai hoạ. Một tương lai không bình lặng, một cuộc đời đầy thử
thách có lẽ đã đang đón đợi nàng.

+ Vẫn miêu tả Thúy Kiều, Nguyễn Du còn sử dụng nghệ thuật Việt hóa điển tích. Người Trung
Quốc có điển tích “khuynh quốc khuynh thành” để nói về những cô gái đẹp. Điển tích ấy làm ta
nhớ đến vẻ đẹp của Tây Thi đã làm cho vua Ngô Phù Sai vì đắm say mà quên việc nước hay vẻ
đẹp của Điêu thuyền khiến cho Lữ Bố và Đổng Trác vì mê mẩn mà quên việc binh. Dùng điển
tích ấy để miêu tả vẻ đẹp của Thúy Kiều là ND muốn khẳng định vẻ đẹp của nàng cũng
chẳng thua kém gì các mĩ nhân thủa trước. Nó cũng có thể khiến cho “nghiêng nước nghiêng
thành”.
=> Như vậy chỉ với một vài câu thơ lục bát, bằng bút pháp ước lệ tượng trưng, biện pháp tu từ
nhân hóa, nghệ thuật đòn bẩy và các từ ngữ chọn lọc, Nguyễn Du đã vẽ ra trước mắt người đọc
bức chân dung của một tuyệt thế giai nhân. Thúy Kiều mang vẻ đẹp mà có lẽ trên thế gian này
không ai có thể sánh được.
* Tuy nhiên, người thiếu nữ ấy không chỉ có nhan sắc mà tài năng cũng xuất chúng hơn
người. Tài năng ấy được Nguyễn Du diễn tả ở bảy câu thơ tiếp:

6
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung thương lầu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”

+ Theo Nguyễn Du miêu tả thì sự thông minh của Thúy Kiều là do trời phú. Và có lẽ vì thế
mà nàng rất đa tài. Kiều am hiểu rất nhiều các bộ môn nghệ thuật. Từ cầm, kì, thi họa, tài
năng nào của nàng cũng đạt đến trình độ đỉnh cao, xuất chúng. Các từ “đủ mùi, làu, ăn đứt” đã
chứng minh cho điều đó. Thế nên Nguyễn Du mới khẳng định về nàng là “Sắc đành đòi một, tài
đành họa hai” (tức là về nhan sắc thì trên thế gian này không ai có thể sánh kịp nàng còn tài năng
thì họa chăng may ra mới có một người vượt qua).
+ Và trong tất cả các bộ môn nghệ thuật, Thúy Kiều giỏi nhất là đánh đàn. Tiếng đàn của nàng
từng được Nguyễn Du ca ngợi:
“Trong như tiếng hạc bay qua
Đục như tiếng suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa”
+ Chỉ với vài phép so sánh, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được tài năng xuất chúng của
Thúy Kiều. Tiếng đàn của nàng mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, lúc trầm lúc bổng,
lục nhặt lúc khoan. Tiếng đàn ấy dường như mang cả nỗi lòng, tâm tư của nàng. Hơn nữa nàng
còn biết tự sáng tác nhạc. “Thiên Bạc mệnh” do nàng sáng tác đã khiến cho người nghe ai nấy
đều cảm thấy đau xót, não nề. Bài hát chính là tâm hồn, là bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều, biểu
hiện một trái tim đa sầu đa cảm và cuộc đời éo le, bất hạnh.
3. Đánh giá nghệ thuật và nội dung
ND đã thực sự rất thành công khi miêu tả Thúy Kiều trong đoạn thơ này – đó là một bức
chân dung mang tính cách và số phận. Không cầu kì, không kĩ lưỡng, chỉ với một vài thủ pháp
nghệ thuật (bút pháp ước lệ tượng trưng, phép nhân hoá, ẩn dụ, thủ pháp đòn bẩy…), tác giả đã
cho ta thấy được Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn. Nhưng theo thuyết “Hồng
nhan bạc phận, tài mệnh tương đố” thì cuộc đời nàng hẳn sẽ khó tránh khỏi những tai ương,
nghiệt ngã. Và đằng sau bức chân dung tuyệt sắc ấy, ta không khó để cảm nhận được một sự trân
trọng đặc biệt của nhà thơ dành cho Thúy Kiều nói riêng và dành cho những người phụ nữ trong
xã hội phong kiến nói chung.

C. Kết bài:
- Đánh giá chung về đoạn thơ
- Đoạn thơ khơi gợi trong em những tình cảm? Em học được bài học gì?
Tham khảo:
Có thể nói rằng “Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn trích thành công nhất về
nghệ thuật tả người trong “Truyện Kiều”. Đoạn trích này nhất là 12 câu thơ miêu tả Thúy Kiều
đã khơi gợi trong ta không ít những tình cảm đẹp. Có khiến ta càng thêm cảm phục trước tài
năng thơ của tác giả Nguyễn Du, khiến ta càng thêm yêu mến, trân trọng những người phụ nữ
trong xã hội phong kiến. Tác phẩm ấy đã đem đến cho chúng ta những bài học vô dùng sâu sắc.
Đó là bài học về lẽ công bằng, bài học về tình người trong xã hội. Và phải chăng chính vì thế mà
sau bao thăng trầm của lịch sử “Truyện Kiều” vẫn là tác phẩm bất hủ của văn học Việt Nam

=====================000======================

7
8

You might also like