You are on page 1of 5

Một số điểm mới về kỹ thuật lập hiến trong Hiến pháp năm 2013

Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam khóa XIII đã thông qua bản Hiến pháp 2013. Hiến pháp năm 2013 được Chủ
tịch nước công bố ngày 08/12/2013, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2014. Bản
Hiến pháp mới đã đạt được các mục đích, yêu cầu đặt ra là thể chế hóa những đường
lối, chính sách lớn của Đảng; là bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện, đáp ứng
yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế của nước ta, đồng
thời đánh dấu bước phát triển mới của lịch sử lập hiến Việt Nam; xứng tầm một bản
Hiến pháp mang tính ổn định, lâu dài. Những sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp mới rất
căn bản, sâu sắc, khẳng định con đường chúng ta đi theo là đúng, được nâng lên tầm
cao hơn, tạo điều kiện cho bước phát triển mới của đất nước.
Theo nghĩa rộng, kỹ thuật lập hiến được hiểu là toàn bộ những cách thức soạn
thảo, thông qua và ban hành Hiến pháp.
Theo nghĩa hẹp, kỹ thuật lập hiến là kỹ năng diễn đạt Hiến pháp thông qua cách
thức thể hiện viết các điều khoản quy định của Hiến pháp.
Kỹ thuật lập hiến có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm giá trị pháp lý của
Hiến pháp; là nhân tố quan trọng làm cho nội dung Hiến pháp được trình bày một cách
khoa học, chặt chẽ, lôgic; từ đó góp phần nâng cao chất lượng của Hiến pháp, đồng
thời bảo đảm hiệu lực và hiệu quả thực thi Hiến pháp sau khi ban hành. 
Lịch sử lập hiến của nhân loại cho đến nay chủ yếu là lịch sử của các bản Hiến
pháp được thể hiện dưới dạng văn bản, chỉ trừ một số rất ít quốc gia Hiến pháp được
thể hiện dưới hình thức bất thành văn như ở Anh, Isarel, Canada. Kỹ thuật lập hiến của
hiến pháp dưới dạng văn bản là kỹ năng diễn đạt hiến pháp thông qua cách thức thể
hiện, viết các điều khoản quy định của Hiến pháp. Như vậy, về cơ bản, kỹ thuật lập
hiến có thể xem xét ở 3 yếu tố chính: 
- Một là, bố cục và kết cấu của Hiến pháp. Cụ thể là kết cấu trong các chương,
mục, điều, khoản và thứ tự sắp xếp các chương, mục, điều khoản như thế nào.
- Hai là, phạm vi những nội dung cần phải thể hiện trong Hiến pháp. Cụ thể,
những vấn đề nào phải được quy định trong Hiến pháp và những vấn đề gì điều chỉnh
trong các văn bản luật.
- Ba là, cách diễn đạt nội dung của Hiến pháp thông qua ngôn từ, câu chữ sao
cho rõ ràng, minh bạch nhưng lại đủ bao quát và cụ thể.
Thứ nhất, về bố cục và kết cấu của Hiến pháp năm 2013 chặt chẽ và hợp lý
hơn.
Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều. So với Hiến pháp năm 1992
(được sửa đổi, bổ sung 2001), Hiến pháp năm 2013 giảm 1 chương, 27 điều, trong đó:
- Có 12 điều mới (Điều 19, 34, 41, 42, 43, 55, 63, 78, 111, 112, 117 và 118);
- Giữ nguyên 7 điều (Điều 1, 23, 49, 86, 87, 91 và 97)
- Và sửa đổi, bổ sung 101 điều còn lại.
Hiến pháp năm 2013 có cơ cấu mới và sắp xếp lại trật tự các chương, điều so
với Hiến pháp năm 1992 (được sửa đổi, bổ sung năm 2001), cụ thể như:
Chương I được xây dựng trên cơ sở nhập 2 chương: Chương I: “Nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Chế độ chính trị” và Chương XI: “Quốc kỳ, Quốc
huy, Quốc ca, Thủ đô, ngày Quốc khánh” của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung
năm 2001); đồng thời, viết gọn lại tên chương thành “Chế độ chính trị”. Việc kết cấu
lại như thế là lôgic vì đây đều là những nội dung quan trọng gắn liền với chế độ chính
trị của quốc gia. 
Chương II, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V:
Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung
năm 2001) thành: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc
thay đổi vị trí chương và tên chương thể hiện giá trị, vai trò quan trọng của quyền con
người, quyền công dân trong Hiến pháp. Đây cũng là một bước tiến lớn về nhận thức.
Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định chung, còn lần này đã quy định rõ ràng và minh
bạch rằng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền
công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo
vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Chương III: “Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi
trường” được quy định trên cơ sở lồng ghép Chương II: Chế độ kinh tế và Chương III:
Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung
năm 2001). Việc sắp xếp như vậy về mặt nội dung thể hiện sự gắn kết chặt chẽ, hài hòa
giữa phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội với phát triển văn hóa, giáo dục,
khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về mặt hình thức, khá gọn về bố cục.
Chương IV là những quy định về bảo vệ Tổ quốc nhưng tên chương viết gọn lại
là “Bảo vệ Tổ quốc” (trong Hiến pháp năm 1992 là Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa”) để phù hợp với tiêu đề Chương I.
Chương VIII: “Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân” được đổi vị trí từ
Chương X: Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân của Hiến pháp năm 1992; sắp
xếp ngay sau Chương VII: “Chính phủ” và trước Chương IX: “Chính quyền địa
phương”. Việc thay đổi này lôgic về trật tự vì từ Chương V đến Chương VII trình bày
hệ thống các cơ quan chính của trung ương, về mặt nội dung, thể hiện sự gắn kết giữa
các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (trong Hiến pháp năm
1992, Chương này sắp xếp sau Chương quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân).
Chương IX: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Hiến pháp năm 1992
được đổi tên thành Chương IX: “Chính quyền địa phương”, để làm rõ hơn tính chất
của hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương trong mối quan hệ với trung ương, thể
hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
trong chỉnh thể của chính quyền địa phương. Nội hàm của chương này không chỉ quy
định về Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, mà còn quy định về việc phân chia đơn
vị hành chính lãnh thổ và mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể xã hội ở địa phương. 
Chương X là chương hoàn toàn mới, quy định về một số thiết chế hiến định độc
lập gồm Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước nhằm hoàn thiện tổ chức bộ
máy nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta.
Thứ hai, về phạm vi những nội dung cần phải thể hiện trong Hiến pháp đầy
đủ hơn, phù hợp hơn so với Hiến pháp năm 1992.
Thông thường những quy định của Hiến pháp quá chi tiết gây khó khăn cho việc
xây dựng các văn bản luật và văn bản dưới luật. Thực tế cho thấy, nếu Hiến pháp quy
định quá cụ thể thì sẽ không thể phù hợp với mọi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội,
đặc biệt khi tình hình chính trị, kinh tế, xã hội thay đổi. Quy định nào của Hiến pháp có
tính chất “làm thay” quy định của luật, thậm chí văn bản dưới luật thì quy định đó sẽ
mau chóng trở nên lỗi thời. Chính vì thế, việc xác định phạm vi những nội dung cần
phải thể hiện trong Hiến pháp cũng thể hiện một trình độ kỹ thuật lập hiến.
Ví dụ như Điều 111, Hiến pháp năm 2013 quy định: 
“1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt do luật định”.
Với quy định như trên, Hiến pháp chỉ xác định mô hình khung chính quyền địa
phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính lãnh thổ. Còn việc tổ chức cụ thể như
nào sẽ do luật định để phù hợp với điều kiện đặc thù mỗi địa phương cũng như sự thay
đổi điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Thiết nghĩ đây cũng là một quy định thể
hiện kỹ năng lập pháp trong việc xác định phạm vi những nội dung cần thể hiện trong
Hiến pháp. Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định việc tổ chức
chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đều giống nhau
ở các loại đơn vị hành chính đã tạo ra sự rập khuôn, cứng nhắc, ít phân biệt được sự
khác nhau trong quản lý hành chính nhà nước ở đô thị, nông thôn, miền núi, hải đảo và
cũng không bảo đảm được tính tập trung cao từ trung ương xuống địa phương.
Để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương, cũng
như xác định việc phân cấp giữa trung ương và địa phương, Hiến pháp năm 2013
không quy định cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cấp chính quyền địa
phương mà quy định theo hướng:
“Chính quyền địa phương được tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp,
pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự
kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên” (Khoản 1, Điều 112);
“Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở
phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của
mỗi cấp chính quyền địa phương” (Khoản 2, Điều 112). Cách quy định như vậy tạo cơ
sở cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức chính quyền địa phương và sẽ được quy định cụ
thể trong luật.
Về thiết chế Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước, Hiến pháp năm
2013 quy định vai trò, địa vị pháp lý và chức năng của hai cơ quan này còn những vấn
đề cụ thể về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn sẽ do luật điều chỉnh. Như vậy sẽ tránh
tình trạng sao chép hay lặp lại quy định của Hiến pháp trong các luật tổ chức về nhiệm
vụ, quyền hạn.
Thứ ba, một số điểm mới về cách thức diễn đạt nội dung trong Hiến pháp
Ngay từ Lời nói đầu đến các điều quy định đều cô đọng hơn, khái quát, ngắn
gọn, chính xác, chặt chẽ hơn. Lời nói đầu Hiến pháp năm 2013 được rút ngắn, cô đọng,
súc tích, đủ các ý cần thiết nhưng chỉ có 3 đoạn với 290 từ so với 6 đoạn với 536 từ của
Hiến pháp năm 1992, nhưng vẫn phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những
mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được. Lời nói đầu của Hiến
pháp đã thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng,
kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục
tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định “Ở nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa
và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến
pháp và luật” (Điều 50).
Đến Hiến pháp năm 2013, dù chỉ sửa đổi một vài câu chữ nhưng tinh thần của
Hiến pháp đã có thay đổi lớn. Điều 14 Hiến pháp năm 2013: “Ở nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người và quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh
tế, văn hóa và xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và
pháp luật”. Với cách diễn đạt này, quyền con người không chỉ bị pháp luật giới hạn sự
tôn trọng trong quyền công dân nữa mà còn được bảo đảm bằng Hiến pháp và pháp
luật. Hơn nữa, quyền con người chỉ bị hạn chế bởi luật do Quốc hội ban hành, còn văn
bản dưới luật chỉ là quy định về trình tự, thủ tục để thực hiện các quyền đó… Về một
số quyền cơ bản như quyền biểu tình, hội họp, nếu theo Hiến pháp năm 1992, những
quyền này phải “theo quy định của pháp luật” thì lần này Hiến pháp năm 2013 đã quy
định công dân có các quyền đó, không phải chờ đến luật và pháp luật nữa. Luật sẽ quy
định trình tự, thủ tục tạo điều kiện cho công dân thực hiện các quyền này. Hạn chế
quyền này phải bằng luật. Ngoài ra, cũng có rất nhiều quy định mang tính tuyên ngôn,
diễn đạt một cách ngắn gọn, súc tích như: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con
người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật” (Điều
19 Hiến pháp 2013)…
Tóm lại, kỹ thuật lập hiến có vai trò quan trọng trong việc ban hành cũng như
sửa đổi Hiến pháp; là nhân tố quan trọng làm cho Hiến pháp được thể hiện một cách
khoa học, chặt chẽ; góp phần nâng cao chất lượng của Hiến pháp và bảo đảm hiệu lực
và hiệu quả thực thi Hiến pháp sau khi ban hành hoặc sửa đổi. Với những tiến bộ về kỹ
thuật lập hiến, Hiến pháp năm 2013 là bản Hiến pháp mẫu mực trong lịch sử lập hiến
Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 thực sự là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới
toàn diện đất nước, là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng và sửa đổi các văn bản
quy phạm pháp luật khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam./.
Nguyễn Vũ Hường (tổng hợp)

You might also like