You are on page 1of 8

HIẾN PHÁP 2013

I. Chế độ chính trị


Điều 1.
Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền,
thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời.
Điều 2. 
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
- Là một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Hiến pháp 2013 quy định về hình thức chính thể là một nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa, là “một nước độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ,
bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Đây như một thông điệp gửi
đến đồng bào trong nước và toàn thể nhân dân trên thế giới về địa vị pháp lý của
Việt Nam.
II. Bản chất nhà nước
Điều 2. 
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền
lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa
các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
- Hiến pháp 2013 đã bổ sung thêm một điểm quan trọng là “Nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ” (Khoản 2, Điều 2) cùng với việc tiếp
tục thể hiện nhất quán, xuyên suốt quan điểm “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về
Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân
và đội ngũ trí thức”.
- Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến nguyên tắc “kiểm soát quyền lực” được ghi
nhận trong Hiến pháp bằng quy định:
“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các
cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư
pháp” (Khoản 3, Điều 2).
So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 bên cạnh quy định về phân
công, phối hợp đã bổ sung thêm việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà
nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp . Nguyên tắc
này được thể hiện xuyên suốt trong các chương quy định về tổ chức bộ máy nhà
nước tại Hiến pháp 2013. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc quan trọng của nhà
nước pháp quyền, việc ghi nhận nguyên tắc này trong Hiến pháp 2013 đã thể hiện
rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của
Nhân dân, do Nhân Nhân dân, vì Nhân dân.
- Quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp” (Điều
6) được ghi nhận thành nguyên tắc trong Hiến pháp, đây là điểm mới quan trọng
của Hiến pháp 2013 so với các bản Hiến pháp trước đây. Theo đó, nhân dân được
thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua
Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước mà
không chỉ thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân như theo Hiến pháp năm
1992.
III. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Mỗi Hiến pháp đều ghi nhận cốt lõi những điều khoản về Nhân quyền trong
Hiến pháp. Thế nhưng, qua mỗi giai đoạn các bản Hiến pháp đã bộc lộ những thiếu
sót mà các nhà lập pháp chưa dự liệu được để Hiến pháp trở nên phù hợp với thực
tiễn. Để đáp ứng những thiếu sót đó, bản Hiến pháp 2013 ra đời và đặc biệt là khi
quy định về NHÂN QUYỀN. Đây được coi là điểm sáng trong Hiến pháp 2013.
- Hiến pháp 2013 có 11 chương, 120 Điều. Trong đó, chương về quyền con người,
quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là chương có Điều luật nhiều nhất: gồm 36
Điều (từ Điều 14 đến Điều 49).
→ Đây là chương quan trọng vì nói đến lập hiến là nói đến mối quan hệ giữa công
dân và các cơ quan Nhà nước. Quyền con người được quy định trong chương II
của Hiến pháp 2013, được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại
chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân). So
với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số
nội dung chủ yếu như:
+ Đưa vị trí chương "Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân"  từ chương V trong
Hiến pháp năm 1992 về chương II trong Hiến pháp 2013.
• Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là sự thay đổi về bố cục mà là
một sự thay đổi về nhận thức. Với quan niệm đề cao chủ quyền nhân dân trong
Hiến pháp, coi nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước, thì quyền con
người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí quan
trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến
pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện nhất quán
đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo
vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
+ Mặc dù Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận thuật ngữ “quyền con người” - thông
qua quy định “Quyền con người về chính trị, dân sự và kinh tế, văn hóa, xã hội
được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và
luật” tại Điều 50, nhưng lại chưa phân biệt rạch ròi được quyền con người với các
quyền cơ bản của công dân. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự
phân biệt giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Trong Hiến pháp sửa đổi,
khi nói đến quyền con người thì dùng từ “mọi người”, khi nói đến công dân Việt
Nam thì dùng từ “công dân”.
→ Quy định này thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy
trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp.
- Đồng thời, Hiến pháp 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền con người,
quyền công dân phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt
Nam là thành viên. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn
chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh
quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 14)
- Hiến pháp mới bổ sung một số quyền mới, thể hiện bước tiến mới trong việc mở
rộng và phát triển quyền, phản ảnh kết quả của quá trình đổi mới gần 30 năm qua ở
nước ta:
+ Quyền sống (Điều 19)
+Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20)
+ Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, Quyền được sống trong môi
trường trong lành (Điều 43).
→ Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế
mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn
về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực
hiện quyền con người.
Nghĩa vụ là điều kiện bảo vệ, đảm bảo quyền, tự do con người và công dân
và cũng là thuộc tính của đời sống xã hội, thuộc tính của quyền, tự do con người.
Khi thực hành các quyền, tự do của mình, cá nhân rất dễ rơi vào trạng thái có nguy
cơ lạm dụng, lợi dụng, vượt quá giới hạn và tràn sang miền cấm của luật và đạo
đức xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của những người khác và xã hội.
- Hiến pháp năm 2013 trên quan điểm tiếp cận quyền con người, quyền và nghĩa vụ
cơ bản của công dân, đã quy định các nghĩa vụ cơ bản của công dân, của con người
như: nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc của công dân (Điều 44); nghĩa vụ của công
dân về bảo vệ Tổ quốc; nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng
toàn dân của công dân (Điều 45);
IV. Bộ máy nhà nước
1. Quốc hội
- Theo Hiến pháp năm 2013, vị trí, chức năng của Quốc hội được quy định tại Điều
69, Điều đầu tiên của chế định Quốc hội (Chương V), tương ứng với Điều 83 của
Hiến pháp năm 1992. So sánh hai Điều này, có thể thấy vị trí của Quốc hội trong
cấu trúc tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 đã kế thừa hoàn toàn
Hiến pháp năm 1992. Theo đó, cả hai Điều đều quy định cùng một nội dung:
“Quốc hội là …  cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam”.
→ Với vị trí này, Quốc hội tiếp nhận quyền lực trực tiếp từ nhân dân với tư cách là
cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Quốc hội thực hiện quyền lực đó thông
qua chức năng của mình và thông qua bộ máy nhà nước do mình kiến tạo nên một
cách trực tiếp hay gián tiếp. Cũng với vị trí này, về mặt nhà nước, Quốc hội đứng ở
vị trí cao nhất trong bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không
có cơ quan nhà nước nào đứng ở vị trí ngang bằng hoặc cao hơn Quốc hội.
- Kể từ khi bộ máy nhà nước Việt Nam được tổ chức theo mô hình xã hội chủ
nghĩa (từ Hiến pháp 1959 cho tới nay), Quốc hội luôn được quy định 3 chức năng
là lập hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối
cao đối với hoạt đông của Nhà nước. So sánh Hiến pháp năm 2013 với Hiến pháp
năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), về cơ bản nội dung ba chức năng của Quốc
hội vẫn được kế thừa. Tuy nhiên, ở mức độ chi tiết, có thể thấy Hiến pháp năm
2013 quy định một số điểm mới nhất định, đặc biệt là liên quan tới chức năng lập
hiến, lập pháp và chức năng giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.
+ Hiến pháp năm 2013 (Điều 69, đoạn 2) quy định về chức năng lập hiến, lập pháp
của Quốc hội như sau: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”.
Trong khi đó, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Quốc
hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp” (Điều 83, đoạn 2). Như
vậy, về hình thức, sự khác biệt giữa hai Điều khoản chỉ nằm ở chữ “duy nhất”
• Đối với quyền lập hiến, sự khác biệt giữa hai bản Hiến pháp là không có nhiều do
tính duy nhất của Hiến pháp nên dù quy định như thế nào thì Quốc hội cũng là cơ
quan duy nhất làm Hiến pháp.
• Đối với quyền lập pháp, theo quy định của Hiến pháp năm 1992 thì chỉ có Quốc
hội mới có quyền này. Tuy nhiên, trên thực tế thì không phải chỉ có Quốc hội và
một mình Quốc hội cũng không có đủ khả năng tự mình xây dựng hệ thống pháp
luật hoàn chỉnh. Chính vì vậy, Hiến pháp năm 2013 đã không còn dùng từ “duy
nhất” để chỉ chức năng lập pháp của Quốc hội. Quy định này cũng mở đường cho
việc Quốc hội có thể ủy quyền cho Chính phủ cùng tham gia công tác lập pháp.
Điều này cũng đã được thể hiện trong quy định về quyền ban hành văn bản pháp
luật của Chính phủ tại Điều 100 Hiến pháp năm 2013, theo đó “Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ, Bộ Trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản
pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các
văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật”
- So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 không quy định Quốc hội giám
sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Sự khác nhau nằm ở phạm vi
của quyền giám sát tối cao.
+ Hiến pháp năm 2013, phạm vi giám sát được giới hạn trong hoạt động của các cơ
quan nhà nước ở cấp cao nhất, những cơ quan do Quốc hội thành lập, phê chuẩn và
chịu sự giám sát của Quốc hội. (Điều 70)
2. Chủ tịch nước
Chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013 vẫn được quy định tại
Chương VI gồm 8 điều, từ Điều 86 đến Điều 93. So với Hiến pháp năm 1992, chế
định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013 giữ nguyên 3 điều, sửa đổi, bổ sung
5 điều.
- Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà
nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Với vai
trò “là người đứng đầu Nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện trách nhiệm của Nhà
nước trong mối quan hệ với nhân dân, các nhà nước và các tổ chức khác. Với vai
trò “thay mặt nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện tính thống nhất về quyền lực nhà
nước trong mối quan hệ với bên ngoài. Như vậy, quy định tại Điều 86 Hiến pháp
năm 2013 đã đề cao vai trò của Chủ tịch nước, vị trí, tính chất pháp lý của Chủ tịch
nước đã thể hiện tính hệ thống và sự thống nhất trong nội tại bộ máy nhà nước
cũng như trong mối quan hệ với các chủ thể khác
- Trong mối quan hệ với cơ quan tư pháp, đã làm rõ hơn thẩm quyền bổ nhiệm,
miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao căn cứ vào nghị quyết
phê chuẩn của Quốc hội; đồng thời đã bổ sung thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm,
cách chức Thẩm phán các Tòa án khác.( Khoản 3 Điều 87)
3. Chính phủ
Hiến pháp năm 1992 mới chỉ đề cập đến Chính phủ với tư cách là cơ quan
chấp hành, cơ quan hành chính Nhà nước còn Chính phủ với tư cách là cơ quan
thực hiện quyền hành pháp chưa được làm rõ.
- Hiến pháp năm 2013 kế thừa đồng thời bổ sung để thể hiện một cách toàn diện
tính chất, vị trí, chức năng của Chính phủ. Điều 94 Hiến pháp năm 2013: “Chính
phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”
+ Để đảm bảo cho Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, Hiến pháp đã bổ sung
thẩm quyền của Chính phủ trong việc đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội,
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền ( Khoản
2 Điều 96).
Hiến pháp năm 2013 đã thay đổi kỹ thuật lập hiến khi quy định nhiệm vụ,
quyền hạn của Chính phủ. Theo đó, các quy định này được thể hiện khái quát hơn,
tạo cơ sở hiến định để kiện toàn bộ máy Chính phủ, nâng cao hiệu quả quản lý vĩ
mô trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
So với Hiến pháp năm 1992, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong Hiến pháp
hiện hành có những điểm mới cơ bản sau:
- Hiến pháp quy định cụ thể các loại văn bản quy phạm pháp luật mà Chính phủ tổ
chức thi hành. (Khoản 1 Điều 96 Hiến pháp năm 2013)
- Hiến pháp bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc
“thi hành các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài
sản của Nhân dân;” (khoản 3 Điều 96)
4. Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân
Hiến pháp 2013 chỉ dành 5 Điều để quy định về Tòa án nhân dân (từ Điều
102 đến Điều 106, giảm 6 Điều so với Hiến pháp 1992), nhưng đã thể hiện sâu sắc
bản chất, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động cơ bản của Tòa án nhân dân.
Nghiên cứu những quy định về Tòa án nhân dân
- Hiến pháp 2013 đã khẳng định quyền tư pháp thuộc về Tòa án ( Khoản 1 Điều
102).
→ Quan sát các bản Hiến pháp trước đây của Việt Nam, chúng ta có thể nhận thấy,
ngoài Hiến pháp 1946 tại Điều 63 có quy định cơ quan tư pháp bao gồm Tòa án
các cấp thì các bản Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp 1992 dường
như không nói rõ cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp
=> Với quy định này, chúng ta đã xác định rõ, chỉ có Tòa án nhân dân mới là cơ
quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, thực hiện chức năng xét xử; mới có quyền
đưa ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp theo quy định của pháp
luật và về các vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá
nhân.
- Hiến pháp năm 2013 quy định tại Khoản 2 Điều 107 "Viện kiểm sát nhân dân
gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do Luật định”. Quy
định này có ý nghĩa mở đường thực hiện chủ trương tổ chức lại hệ thống Viện
kiểm sát tương ứng hệ thống Tòa án theo thẩm quyền xét xử (Tòa án khu vực),
không tương ứng với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện như hiện nay để bảo đảm
nguyên tắc độc lập của Tòa án
5. Về chính quyền địa phương
- Trong Hiến pháp năm 1992, Chương IX có tên gọi là Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân còn trong Hiến pháp năm 2013, Chương IX có tên gọi là: “Chính
quyền địa phương”. 
- Ngoài ba cấp chính quyền tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; huyện, quận,
thị xã, thành phố thuộc tỉnh; xã, phường, thị trấn, Hiến pháp mới còn quy định
thêm đơn vị hành chính - lãnh thổ đặc biệt do Quốc hội thành lập( Khoản 1 Điều
110).
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hóa chính quyền địa phương, khoản 2
Điều 111 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và
Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo,
đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định.”
Kết luận
Có thể nói, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 đã thể hiện
được ý Đảng, lòng dân, là sự kết tinh của tinh thần dân chủ, đổi mới, phát huy sức
mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền
trong thời kỳ mới.
Việc hiến định, hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp
sửa đổi là sự tiếp nối, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, đồng thời chuyển hóa
sâu sắc nhiều nội dung, tinh thần các Công ước quốc tế về quyền chính trị, dân sự,
quyền kinh tế, văn hóa, nhân quyền…; tạo nền tảng pháp lý cao nhất bảo đảm
quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được thực hiện, đáp ứng mục tiêu
“dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”./.

You might also like