You are on page 1of 15

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

KHOA QUỐC TẾ

BÀI VIẾT
LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

[PHÂN TÍCH QUY ĐỊNH CỦA ĐIỀU 18 VÀ ĐIỀU 19 VỀ


CHẤP NHẬN CHÀO HÀNG CỦA CÔNG ƯỚC VIÊN (CISG)
1980 VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ]

CLC45A

Hoàng Trần Thanh Bình 2053801011030

Nguyễn Thị Minh Hiền 2053801012091

Doãn Thái Khả Hưng 2053801011100

Phan Nam Khánh 2053801014104

Trần Đăng Khoa 2053801014112

Chu Thị Thanh Phương 2053801011353

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 12 năm 2022


MỤC LỤC
I. Mở đầu: ........................................................................................................................ 3
II. Thế nào là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế? ................................................ 3
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên 1980: ............................ 4
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Pháp luật Việt Nam: ............................. 4
III. Chấp nhận chào hàng trong quy định của Công ước Viên 1980: ....................... 5
Hoàn giá chào hàng: ................................................................................................. 5
IV. Về Điều 18 trong Công ước Viên (CISG) 1980 ..................................................... 6
V. Về Điều 19 trong Công ước Viên (CISG) 1980 ........................................................ 7
Điều khoản soạn sẵn trong quy định của Điều 19: ................................................... 9
VI. So sánh giữa Công ước Viên (CISG) và pháp luật VN ...................................... 10
VII. Ví dụ thực tiễn ....................................................................................................... 10
#1: ................................................................................................................................... 11
#2: ................................................................................................................................... 12
VIII. Kết luận:.............................................................................................................. 14
Tài liệu tham khảo .................................................................................................... 15

2
I. Mở đầu:
Trong xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa, hoạt động thương mại quốc tế được thực
hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thương mại hàng hóa, thương mại liên quan đến
quyền sở hữu trí tuệ, thương mại trong lĩnh vực đầu tư… Trong đó các giao dịch trong lĩnh
vực thương mại hàng hóa luôn diễn ra sôi động nhất, giữ vị trí trung tâm trong các giao
dịch thương mại quốc tế. Một trong những “vật định” cho một giao dịch thương mại quốc
tế được xem là thành công chính là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Xoay quanh chủ
đề này, Công ước Viên năm 1980 đã có những điều khoản ràng buộc nhất định. Tuy nhiên
quy định tại Điều 18 và Điều 19 về “Chấp nhận chào hàng” vẫn chưa được hiểu rõ dẫn đến
việc những người tham gia trên thương trường quốc tế vẫn chưa thật sự sử dụng chúng một
cách đúng đắn để bảo vệ quyền và lợi ích của mình cũng như là giao dịch quốc tế mà họ
tham gia. Bài viết dưới đây sẽ giúp làm rõ nội hàm của những quy định lần lượt tại Điều
18 và Điều 19 cũng như là những vấn đề pháp lý liên quan khác thông qua thực tiễn áp
dụng của cả hai điều luật vào quá trình mua bán hàng hóa quốc tế cũng như sự so sánh giữa
hai hệ thống luật trong nước (Bộ luật Dân sự 2015) và Điều ước quốc tế (Công ước Viên
CISG 1980).
II. Thế nào là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế?
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa
với đặc thù là có “yếu tố quốc tế”. Khi sử dụng thuật ngữ “yếu tố nước ngoài” (foreign)
hoặc “nhân tố nước ngoài” thì hàm ý quan hệ được đặt trong hệ quy chiếu với 1 quốc gia
cụ thể, quốc gia sở tại. Khi sử dụng thuật ngữ “yếu tố quốc tế” (international) hoặc “nhân
tố quốc tế”, lúc này quan hệ được đề cập với một bối cảnh là sự liên quan tới hơn một quốc
gia. Như vậy, mặc dù việc sử dụng các thuật ngữ có đôi chút khác nhau nhưng việc dùng
thuật ngữ nào cũng thể hiện bản chất của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế. Theo
đó, vấn đề xung đột pháp luật hoặc áp dụng pháp luật nước ngoài được coi là những điểm
đặc trưng của quan hệ hợp đồng trong tư pháp quốc tế.
Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam và các văn bản pháp lí quốc tế điều chỉnh
các loại hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế dựa trên cơ sở dấu hiệu lãnh thổ, hay nói chính xác hơn là địa điểm hoạt
động thương mại của thương nhân. Nhằm hạn chế các trường hợp xung đột pháp luật trong
mua bán hàng hóa quốc tế, cộng đồng quốc tế đã xây dựng các điều ước quốc tế. Tới thời
điểm hiện nay, điều ước quốc tế phổ biến nhất trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế là
Công ước Viên 1980 (CISG) vì nó dung hòa được hầu hết những quan điểm pháp lý của
các hệ thống pháp luật quốc gia (đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và châu Âu lục địa). Các nguyên
tắc và quy định của CISG đã dần trở thành chuẩn mực mẫu để phân tích các quyền và nghĩa
vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

3
 Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Công ước Viên 1980:
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất
quốc tế. Tính chất quốc tế của một hợp đồng mua bán được xác định phụ thuộc vào từng
quy định quốc gia và quốc tế. Theo Công ước Viên năm 1980 (CISG) thì hợp đồng mua
bán hàng hóa quốc tế là các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại
tại các quốc gia khác nhau (khoản 1 Điều 1 của CISG). Từ quy định này, có nhiều quốc
gia, học giả cho rằng yếu tố quốc tế của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được xác
định dựa trên trụ sở chính của các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế
chứ không phải yếu tố quốc tịch. Quan niệm này dựa trên căn cứ tình hình thực tế khi hiện
nay các bên chủ thể tham gia quan hệ mua bán quốc tế thường có nhiều quốc tịch (các công
ty đa quốc gia). Tuy nhiên, CISG có phạm vi áp dụng cho các quốc gia thành viên công
ước và cả trong các trường hợp hợp đồng có quy định sẽ áp dụng CISG để điều chỉnh hợp
đồng. Căn cứ vào trụ sở kinh doanh chính cũng là một trong số những căn cứ được nhiều
quốc gia sử dụng để xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
 Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo Pháp luật Việt Nam:
Pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế,
tuy nhiên Điều 663 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước
ngoài. Theo đó, một quan hệ dân sự được xem là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài khi
có một trong ba yếu tố: chủ thể có yếu tố nước ngoài; việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc
chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Mua bán hàng hóa quốc tế là quan hệ thương mại quốc tế và theo đó là một quan hệ dân
sự theo nghĩa rộng và thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế. Như vậy, quy định tại
Điều 663 được áp dụng để xác định một quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế. Một hợp đồng
mua bán hàng hóa được xem là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi có một trong ba
căn cứ sau:
– Ít nhất một trong các bên tham gia mua bán hàng hóa là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước
ngoài;
– Căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ mua bán hàng hóa theo pháp luật nước
ngoài;
– Hàng hóa, đối tượng của hợp đồng, ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc xác định tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên
dấu hiệu lãnh thổ sẽ gặp khó khăn trong trường hợp khi các bên có nhiều trụ sở thương
mại. Điều 10 của Công ước Viên năm 1980 quy định: nếu một bên có nhiều hơn một địa
điểm kinh doanh thì sẽ chọn điểm kinh doanh nào có liên hệ gần nhất với hợp đồng và với
việc thực hiện hợp đồng, có quan tâm đến những tình huống mà hai bên đã biết hoặc đã
nghĩ đến tại thời điểm trước hay ngay khi kí hợp đồng. Nếu một đương sự không có địa
điểm kinh doanh thì chọn nơi thường trú của người này làm chuẩn.
4
Hiện nay, đã có nhiều quốc gia tham gia Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa
quốc tế, vì vậy có thể nói rằng pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới xác định
tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế dựa trên dấu hiệu lãnh thổ của các
bên ký kết hợp đồng.
III. Chấp nhận chào hàng trong quy định của Công ước Viên 1980:
Chấp nhận chào hàng trong thương mại quốc tế là sự đồng ý của người được chào hàng
với những đề nghị của người chào hàng. Chấp nhận chào hàng chỉ có giá trị làm phát sinh
quan hệ pháp lý giữa người chào hàng và người được chào hàng khi người chào hàng nhận
biết được sự chấp nhận của người được chào hàng. Để bày tỏ sự chấp nhận của mình, người
được chào hàng có thể thực hiện một số hành vi nhất định. Theo quy định của Công ước
Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì sự chấp nhận chào hàng của người
được chào hàng chỉ có giá trị pháp lý khi nó được thể hiện bằng lời tuyên bố hoặc bằng
hành vi của người được chào hàng, biểu thị sự đồng ý của mình đối với nội dung của chào
hàng. Như vậy, theo quy định này thì sự im lặng hoặc không hành động của người được
chào hàng sẽ không mặc nhiên có giá trị như một sự chấp nhận.
Chấp nhận chào hàng cũng phải được ghi rõ ràng là đồng ý như thế nào, mức độ ra sao
so với chào hàng đã được gửi, và được gửi tới địa chỉ chính xác, rõ ràng của người chào
hàng. Hậu quả pháp lý trực tiếp của việc chấp nhận đề nghị chào hàng sẽ dẫn tới việc chấp
nhận kí kết hợp đồng, chịu ràng buộc vào nội dung chào hàng.
Một chấp nhận chỉ phát sinh hiệu lực pháp lý khi tới tay người chào hàng nếu nó thỏa
mãn các yêu cầu sau: Theo quy định của Công ước, trong một số trường hợp
– Chấp nhận phải vô điều kiện. Mặc dù người được chào hàng không chấp nhận toàn bộ
chào hàng mà đưa ra một số điều kiện mới thì việc chấp nhận này cũng có giá trị như chấp
nhận vô điều kiện, nếu những điều kiện mới do người được chào hàng đưa ra không làm
thay đổi nội dung chủ yếu của chào hàng (khoản 2 Điều 19).
– Chấp nhận phải được gửi cho người chào hàng trong thời hạn đã ghi trong chào hàng
hoặc trong thời gian hợp lý quy định tại khoản 2 Điều 18 Công ước Viên 1980.
 Hoàn giá chào hàng:
Khi bên chào hàng gửi chào hàng cho bên nhận chào hàng mà bên nhận lúc này không
đồng ý toàn bộ nội dung của chào hàng, tuy có sự bày tỏ chấp nhận chào hàng đồng thời
đưa ra những điểm mình muốn bổ sung, bớt đi hay thay đổi có trong chào hàng thì lúc này
được gọi là hoàn giá chào (được quy định tại khoản 1 Điều 19). Trong đó nêu rõ các đề
nghị sửa đổi, bổ sung, thay đổi theo ý kiến của mình thấy phù hợp bên cạnh việc chấp nhận,
đồng ý với chào hàng ban đầu. Từ đó có thể tạo ra một chào hàng mới của người được chào
hàng đối với người chào hàng ban đầu nếu những nội dung muốn thay thế, sửa đổi làm
thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng. Đây cũng có thể được xem là một dạng chấp nhận

5
chào hàng nếu nó không thật sự làm thay đổi những nội dung cơ bản của chào hàng gốc
(khoản 2 Điều 19).
IV. Về Điều 18 trong Công ước Viên (CISG) 1980
Theo quy định của Công ước thì giao kết hợp đồng thương mại quốc tế được thực hiện
thông qua chào hàng và chấp nhận chào hàng. Theo đó, hợp đồng sẽ được xác lập khi bên
chào hàng gửi chào hàng cho bên được chào hàng và bên được chào hàng chấp nhận chào
hàng này. Khoản 1 Điều 18 Công ước Viên năm 1980 quy định: “Sự im lặng hoặc bất hợp
tác thì không mặc nhiên có giá trị một sự chấp nhận”. Có thể nói, sự im lặng của người
được chào hàng không thể là cơ sở đảm bảo chắc chắn với người chào hàng rằng sự chào
hàng của họ đã được chấp nhận. Trong mọi trường hợp, sau một khoảng thời gian im lặng
nào đó, bên nhận chào hàng chắc chắn phải thực hiện một hành vi thể hiện rõ ràng khuynh
hướng chấp nhận chào hàng của họ (như gửi hàng hoặc trả tiền) thì khi này chấp nhận chào
hàng mới được xem là có hiệu lực.
Pháp luật Việt Nam cũng có sự quy định về sự im lặng trong giao kết hợp đồng tại
khoản 2 Điều 393 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Sự im lặng của bên được đề nghị
không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc
theo thói quen đã được xác lập giữa các bên”. Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định
cụ thể rằng sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết
hợp đồng, trừ trường hợp giữa hai bên có một sự thỏa thuận hoặc đã có thói quen đã được
xác lập giữa hai bên từ trước tới nay. Sự im lặng được coi là chấp nhận đề nghị giao kết
hợp đồng nếu thuộc một trong các trường hợp sau: giữa các bên tồn tại thỏa thuận xem sự
im lặng của bên nhận đề nghị giao kết là chấp nhận toàn bộ lời đề nghị hoặc theo thói quen
được thiết lập lặp đi lặp lại, thường xuyên của các bên, không cần phải có sự trả lời. Như
vậy, quy định về sự im lặng trong Công ước Viên năm 1980 và Bộ luật dân sự Việt Nam
năm 2015 là giống nhau.
Khoản 2 Điều 18 Công ước quy định trường hợp khi người đề nghị không ghi rõ một
thời hạn trả lời nhất định, chấp thuận phải được thực hiện trong một “thời hạn hợp lý”.
Quy định về “thời hạn hợp lý” ở Công ước viên năm 1980 so với Bộ luật dân sự Việt Nam
năm 2015 có sự mềm dẻo và linh hoạt hơn khi áp dụng vào thực tiễn. Khoản 1 Điều 394
Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc
trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý” nhưng chưa
quy định cụ thể về các yếu tố dựa trên đó để xác định “tính hợp lý” của thời hạn hiệu lực
của chào hàng.
Trong khi đó, theo Công ước Viên năm 1980, việc xác định “thời hạn hợp lí” trong
trường hợp này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như hoàn cảnh giao dịch, phương tiện liên
lạc được sử dụng để gửi chào hàng và chấp nhận chào hàng, cách thức giao dịch, khoảng
cách địa lý giữa các bên… Ví dụ, bên chào hàng đưa ra một chào hàng bằng miệng với bên
được chào hàng và bên được chào hàng chấp nhận chào hàng đó. Tuy nhiên, sự chấp nhận
6
này chỉ có giá trị làm phát sinh hợp đồng giữa hai bên nếu chấp nhận này được đưa ra trong
thời gian hợp lý. Khi đó, “thời hạn hợp lí” trong trường hợp này là thời gian mà bên được
chào hàng phải trả lời ngay lập tức bằng miệng đối với đề nghị của bên chào hàng trong
lần giao dịch bằng miệng đó. Hoặc nếu đề nghị được thực hiện bằng điện thoại hoặc các
phương tiện truyền tin khác cho phép lời nói truyền dẫn thì chấp nhận chào hàng sẽ phải
được trả lời ngay bằng hình thức tương tự. Đối với các hình thức như gửi thư… thì chấp
nhận chào hàng có thể được trả lời trong một thời gian dài hơn. Tuy nhiên, nếu thông báo
việc chấp nhận chào hàng không thể giao tại địa chỉ của người chào hàng vào ngày cuối
cùng của thời hạn quy định vì đó là ngày lễ hay ngày nghỉ việc tại đó thì thời hạn này sẽ
được kéo dài tới ngày làm việc đầu tiên kế tiếp.
Bên cạnh các biểu hiện thông qua văn bản, lời nói thì một số hành vi khác có liên quan
đến nghĩa vụ như hành vi gửi hàng, mở thư tín dụng hay trả tiền vẫn được xem như là một
sự chấp thuận đối với chào hàng trong giao kết hợp đồng, chủ yếu là do hiệu lực của chào
hàng hoặc do những thỏa thuận thực tiễn giữa hai bên trong mối quan hệ tương hỗ hoặc
tập quán từ trước. Như vậy, khoản 3 Điều 18 Công ước Viên năm 1980 cho phép chấp
thuận chào hàng bằng hành vi nêu trên, dẫn đến hợp đồng mua bán hàng hóa có hiệu lực
vào thời điểm hành vi đó được thực hiện mà không cần thông báo cho bên chào hàng, và
việc này chỉ có hiệu lực nếu nó thỏa mãn được điều kiện khi đã được thực hiện xong trong
thời hạn mà bên chào hàng đã ấn định, hoặc là trong một “thời hạn hợp lý” như quy định
tại khoản 2 điều này. Trong các trường hợp chấp thuận chào hàng bằng hành vi khác, thông
thường bên chấp nhận chào hàng phải thông báo cho bên chào hàng, hoặc bên chào hàng
phải có xác nhận về việc chấp nhận chào hàng bằng hành vi. Trong trường hợp đó chỉ cần
thông báo/xác nhận về một hành vi chấp thuận chào hàng bắt đầu được thực hiện là đủ cấu
thành chấp thuận chào hàng bằng hành vi. Một lưu ý khác là trong trường hợp bên nhận
chào hàng thể hiện ý chí chấp nhận chào hàng thông qua hành vi giao hàng một phần, thì
hành vi đó chưa cấu thành chấp nhận chào hàng bằng hành vi mà sẽ được coi là một chào
hàng đối ứng mà bên chào hàng có quyền tự do chấp thuận hoặc từ chối.
V. Về Điều 19 trong Công ước Viên (CISG) 1980
Đối với Điều 19 của Công ước Viên, nội hàm của điều luật chủ yếu xoay quanh nội
dung về “phúc đáp chào hàng” và điều kiện để xác định lời phúc đáp đó có được xem là sự
chấp nhận của bên được chào hàng hay không. Cụ thể, ở khoản 1, đã nhấn mạnh rằng một
hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ được giao kết khi bên được chào hàng chấp nhận
đầy đủ, chính xác mọi điều kiện nêu trong chào hàng (quy tắc “hình ảnh trong gương”).
Nếu lời phúc đáp khuynh hướng “chứa đựng những điểm bổ sung, bớt đi hay các sửa đổi
khác” thì được coi là từ chối chào hàng và cấu thành một hoàn giá. Một hoàn giá có thể
hiểu nôm na là “bước thứ ba trong các bước giao dịch thông thường trực tiếp”, đó là sự
mặc cả về giá cả hoặc điều kiện giao dịch. Khi người nhận được chào hàng không chấp
nhận hoàn toàn chào hàng đó, mà đưa ra đề nghị (sự thay đổi mới về điều kiện và điều
khoản) mới thì đề nghị này là trả giá. Khi có sự trả giá, chào hàng trước coi như hủy bỏ.
7
Vì thế, dù sự trả lời có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng có kèm theo sự thay
đổi, bổ sung thì sự trả lời đó sẽ dẫn đến lời chào hàng cũ không còn hiệu lực, thay vào đó
là cấu thành một chào hàng mới hoặc một hoàn giá gồm nhiều trả giá. Điều này là phù hợp
với thực tiễn cuộc sống, khi cả bên chào hàng và bên được chào hàng đều giao dịch vì lợi
nhuận thông qua một giao dịch hay nói cách khác là thông qua một hợp đồng mua bán hàng
hóa quốc tế. Và họ đều có riêng cho mình mẫu chào hàng và/hoặc chấp nhận chào hàng
riêng chứa đựng những điều khoản soạn sẵn nhằm phục vụ cho lợi ích của họ. Do đó, một
sự trả lời có khuynh hướng chấp nhận chào hàng nhưng lại làm thay đổi hoặc bổ sung chào
hàng là điều dường như khó tránh khỏi. Nên nếu chiếu theo quy tắc này, một hợp đồng
mua bán hàng hóa quốc tế quốc tế sẽ khó có thể được tạo lập nếu ta quá xét nét theo khoản
1 Điều 19 này.
Lại nói, không hẳn tất cả những điều khoản bổ sung hay những điều khoản khác mà
không làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào hàng thì được coi là chấp nhận
chào hàng, trừ khi người chào hàng ngay lập tức không biểu hiện bằng miệng để phản đối
những điểm khác biệt đó hoặc gửi thông báo về sự phản đối của mình cho người được chào
hàng. Vì vậy, với quy định tại khoản 2 Điều 19, đã làm giảm bớt sự cứng nhắc của quy tắc
trên qua việc trở thành một ngoại lệ: vẫn chấp nhận chào hàng và giao kết hợp đồng nếu
những sự thay đổi không làm biến đổi các nội dung cơ bản của chào hàng và người chào
hàng không có bất kỳ hành động thể hiện sự phản đối “ngay lập tức” với các điều khoản
được thay đổi. Từ đó nhấn mạnh tinh thần tự do thỏa thuận giữa các bên và các nguồn luật
chỉ góp phần bổ trợ chứ không mang tính cưỡng chế, bắt buộc và hà khắc.
Tuy nhiên, mặc dù nói rằng những sửa đổi hoặc bổ sung “không làm biến đổi một cách
cơ bản nội dung chào hàng” và người chào hàng không có bất kỳ hành động nào (bằng lời
nói hoặc thông báo) biểu hiện sự phản đối “ngay lập tức” với những sửa đổi hoặc bổ sung
đó thì hợp đồng xem như được giao kết. Nhưng trên thực tế, Công ước Viên không hề đưa
ra căn cứ xác định hay khái niệm hoặc định nghĩa rõ thuật ngữ “cơ bản” mà thay vào đó là
liệt kê những điều kiện được xem là sửa đổi hoặc bổ sung một cách “cơ bản” nội dung của
chào hàng tại khoản 3 Điều 19. Ở đây, có 2 trường hợp cần được làm rõ: lời phúc đáp có
khuynh hướng như thế nào là “đã” làm thay đổi nội dung cơ bản của chào hàng, như thế
nào là “không” làm thay đổi nội dung cơ bản của chào hàng. Ngoài ra, như đã đề cập bên
trên là về điều khoản soạn sẵn trong cả lời phúc đáp lẫn chào hàng cũng là một vấn đề cần
được giải đáp cụ thể.
Với trường hợp đầu tiên, những yếu tố sửa đổi hay bổ sung liên quan đến các điều kiện
giá cả, thanh toán, đến phẩm chất và số lượng hàng hóa, địa điểm và thời hạn giao hàng,
đến phạm vi trách nhiệm của các bên hay đến sự giải quyết tranh chấp. Về mặt nguyên tắc,
nếu sự trả lời có khuynh hướng chấp nhận chào hàng có chứa đựng những điều khoản sửa
đổi hoặc bổ sung một trong các nội dung nêu trên thì đều bị xem là đã có sự sửa đổi hoặc
bổ sung một cách cơ bản chào hàng. Ở trường hợp thứ hai, xuất phát từ thực tiễn áp dụng
Điều 19 của một số tòa án quốc gia, những sửa đổi hoặc bổ sung liên quan đến những vấn
8
đề sau được xem là không làm thay đổi cơ bản chào hàng: điều khoản điều chỉnh giá của
chào hàng phù hợp với giá thị trường; điều khoản bảo lưu sự thay đổi ngày giao hàng trong
điều khoản soạn sẵn của người bán; điều khoản yêu cầu giữ bí mật nội dung hợp đồng đến
khi các bên công bố nội dung của hợp đồng đó; điều khoản quy định việc người mua từ
chối hàng được giao trong thời gian được quy định. Rõ ràng, một trả lời chào hàng có chứa
đựng các điều khoản soạn sẵn mà sửa đổi hoặc bổ sung nội dung của chào hàng nhưng
những sự sửa đổi hoặc bổ sung đó không làm thay đổi cơ bản nội dung chào hàng, tức
không thuộc những yếu tố quy định tại khoản 3 Điều 19 thì trả lời chào hàng đó sẽ cấu
thành một chấp nhận chào hàng trừ khi bên chào hàng ngay lập tức thông báo rằng phản
đối những sửa đổi hoặc bổ sung đó.
Cần lưu ý là việc xác định một sửa đổi, bổ sung chào hàng có thay đổi cơ bản nội dung
chào hàng hay không cần được thực hiện theo từng trường hợp, tùy thuộc vào các yếu tố
của giao dịch và sự ảnh hưởng của sửa đổi/bổ sung chào hàng đối với toàn bộ nội dung
hợp đồng và đối với từng bên của hợp đồng. Ví dụ, thông thường một sửa đổi bổ sung liên
quan đến vấn đề bao bì hàng hóa thường được coi là “không cơ bản”, nhưng trong một số
trường hợp, bao bì lại được coi là yếu tố cơ bản của hợp đồng. Có thể tham khảo Án lệ về
giao dịch mua bán đường được đóng trong bao bì có chất lượng (có thể là bao mới hay đã
qua sử dụng), trích dẫn bởi: Karl H. Neumayer, Catherine Ming, Convention de Vienne
sur les contrats de vente internationale de marchandise, Cedidac, 1993, tr.182. Hoặc án lệ
về thịt hun khói, theo đó việc người được chào hàng đề xuất giao hàng không có bao bì
được coi là thay đổi cơ bản nội dung chào hàng (trong chào hàng có nêu thịt hun khói được
đóng gói), xem án lệ của Đức: OIG Hamm, 22/09/1992- 19 U97/91.
 Điều khoản soạn sẵn trong quy định của Điều 19:
Đối với đề mục cuối, xoay quanh điều khoản soạn sẵn của lời chào hàng và lời phúc
đáp, sau khi xác định hợp đồng đã được giao kết, theo đúng quy định tại Điều 19 Công ước
Viên, vấn đề khó khăn là xác định điều khoản soạn sẵn trong mẫu của bên nào sẽ là nội
dung của hợp đồng, đặc biệt khi các điều khoản soạn sẵn đó xung đột nhau. Công ước Viên
không đưa ra khái niệm về “điều khoản soạn sẵn” nhưng tại khoản 2 Điều 19 của Những
nguyên tắc Hợp đồng thương mại quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là PICC – Principles of
International Commercial Contracts) đưa ra khái niệm về “hợp đồng soạn sẵn”, theo đó
hợp đồng soạn sẵn là “những hợp đồng có những điều khoản được chuẩn bị từ trước cho
việc sử dụng lại nhiều lần và nhìn chung được tiến hành không qua đàm phán với phía bên
kia”. Từ quy định này của PICC có thể hiểu điều khoản soạn sẵn là những điều khoản trong
hợp đồng được các bên chuẩn bị trước để sử dụng nhiều lần hoặc đang được sử dụng cho
bên kia mà không cần phải thỏa thuận lại nội dung của những điều khoản đó.
Lúc này, có hai tình huống phát sinh: Những điều khoản soạn sẵn xung đột đó sẽ không
có giá trị pháp lý, tức là hợp đồng sẽ được giao kết gồm những điều khoản soạn sẵn chứa
đựng trong mẫu của các bên, trừ những điều khoản soạn sẵn nào xung đột nhau; Một trong

9
các điều khoản soạn sẵn xung đột sẽ không có giá trị pháp lý, tức là hợp đồng sẽ được giao
kết gồm những điều khoản soạn sẵn chứa đựng trong mẫu của các bên và một trong những
điều khoản soạn sẵn xung đột. Ở trường hợp thứ nhất, mặc dù hợp đồng được ký kết theo
Điều 19 Công ước Viên nhưng những điều khoản soạn sẵn xung đột nhau sẽ không có giá
trị pháp lý, có nghĩa là khi các điều khoản soạn sẵn xung đột nhau, thậm chí mâu thuẫn
nhau thì không có điều khoản soạn sẵn của bên nào cấu thành nội dung của hợp đồng. Ở
trường hợp thứ hai, khi các bên trao đổi cho nhau các hoàn giá, mà bên nhận được hoàn
giá cuối cùng bắt đầu thực hiện hợp đồng nhưng không có phản đổi gì về các điều khoản
soạn sẵn thì hợp đồng được coi như đã được giao kết dựa trên các điều khoản bên cuối
cùng nhận được. Tuy nhiên, nếu bên cuối cùng nhận được trả lời chào hàng có chứa đựng
những điều khoản soạn sẵn làm biến đổi cơ bản hoặc không cơ bản nội dung chào hàng mà
lại thực hiện theo sự trả lời hoặc không có sự phản đối sự trả lời thì một số tòa án xem hành
động đó là sự chấp nhận các điều khoản soạn sẵn.
VI. So sánh giữa Công ước Viên (CISG) và pháp luật VN
Chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn chờ trả lời chấp nhận đã
được bên đề nghị ấn định trong “đề nghị”. Quá thời hạn trên, nếu bên đề nghị nhận được
chấp nhận của bên được đề nghị, chấp nhận này sẽ được xem là đề nghị mới của bên được
đề nghị đối với bên đề nghị. Trong trường hợp giao tiếp trực tiếp (kể cả điện thoại hoặc
các phương tiện khác), bên được đề nghị phải trả lời ngay khi có chấp nhận hay không
chấp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (khoản 2 Điều 393 BLDS 2015). Chấp nhận
có thể được rút lại nếu đến trước hoặc vào cùng thời điểm bên đề nghị nhận được chấp
nhận này. Đối chiếu với các quy định liên quan của Công ước Viên, có thể nói, ngoại trừ
một số chi tiết cụ thể, hầu hết các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến giao kết
hợp đồng đều tương thích với những nguyên tắc cơ bản của Công ước Viên 1980. Chỉ có
một số khác biệt nhỏ, thể hiện ở những quy định chi tiết hơn của Công ước.
Ví dụ, Công ước Viên quy định cụ thể về điều khoản chủ yếu của hợp đồng mua bán
hàng hóa (gồm tên hàng, số lượng, giá cả), còn pháp luật về mua bán hàng hóa của Việt
Nam hiện nay không có quy định hợp đồng mua bán hàng hóa phải có những điều khoản
chủ yếu nào. Ngoài ra, Công ước Viên còn quy định rất rõ tại khoản 3 Điều 19 về nội dung
của chấp nhận chào hàng, qua đó có thể xác định được những sửa đổi bổ sung nào của chấp
nhận chào hàng là cơ bản khiến cho chấp nhận chào hàng đó trở thành một chào hàng mới.
Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2015 không có quy định cụ thể như vậy. Ngoài ra, do yêu
cầu của thực tiễn thương mại quốc tế, CISG còn đưa ra quy định về việc kéo dài thời hạn
hiệu lực của chào hàng khi ngày cuối cùng của chào hàng lại rơi vào ngày nghỉ hay ngày
lễ, trong khi luật Việt Nam không quy định gì về vấn đề này.
VII. Ví dụ thực tiễn

10
#1:
Người mua Argentina đàm phán ký hợp đồng với người bán Italia để mua một số máy
móc công nghiệp. Người bán đã gửi cho người mua bản chào hàng căn cứ trên một mẫu
đơn chào hàng chuẩn. Người mua không có ý kiến gì về nội dung của chào hàng trên ngoài
việc yêu cầu thay đổi lại kích cỡ của một số phụ tùng kèm theo. Sau đó, người mua đã ký
vào đơn chào hàng và gửi đơn chào hàng đó đến một ngân hàng để xin cấp tín dụng cho
thương vụ này. Tuy nhiên, sau đó, người mua lại làm đơn kiện người bán ra tòa án
Argentina với lý do là hợp đồng chưa được thành lập. Người mua cho rằng chào hàng và
chấp nhận chào hàng chưa cấu thành một hợp đồng có hiệu lực. Người mua dẫn điều 18
CISG, theo đó, im lặng hay không hành động (inaction) không được coi là chấp nhận chào
hàng.
o Phân tích và quyết định của Toà án
Vì Argentina và Italia là hai quốc gia thành viên của CISG nên tòa án áp dụng CISG để
giải quyết tranh chấp. Toà án bình luận rằng theo điều 18 CISG thì im lặng hay không hành
động (inaction) tự nó không cấu thành chấp nhận chào hàng. Trường hợp này, mặc dù
người mua không chính thức trả lời người bán bằng văn bản hay bằng lời nói nhưng người
mua đã ký vào đơn chào hàng và gửi nó đến ngân hàng; đây chính là hành động mà người
mua thực hiện liên quan đến thanh toán tiền hàng, và hành vi này có ý nghĩa là đã chấp
nhận chào hàng theo quy định tại khoản 1 Điều 18.
Ngoài ra, người mua có một số thay đổi về kích cỡ của một số phụ tùng kèm theo nhưng
những thay đổi này không được coi là những sửa đổi, bổ sung cơ bản chào hàng ban đầu
và vì thế không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của chấp nhận chào hàng theo quy định tại
khoản 2 và khoản 3 Điều 19 theo quy định của Công ước Viên. Chỉ các yếu tố bổ sung hay
thay đổi liên quan đến các điều khoản giá cả, thanh toán, phẩm chất, số lượng, địa điểm &
thời gian giao hàng, phạm vi trách nhiệm các bên, việc giải quyết các tranh chấp mới được
coi là thay đổi cơ bản nội dung của chào hàng. Với những lập luận đó, tòa án cho rằng
người mua đã chấp nhận chào hàng của người bán Italia. Toà án kết luận hợp đồng đã được
thành lập và không thể bị bác bỏ.
o Bình luận bản án:
– Thứ nhất, theo quy định của Điều 18, im lặng và không có hành động gì (inaction) thì
không được coi là chấp nhận chào hàng. Tuy vậy, việc thực hiện một số hành vi lại được
coi là chấp nhận chào hàng, ví dụ như hành vi liên quan đến việc gửi hàng, mở thư tín dụng
hay trả tiền chẳng hạn, dù người chấp nhận không thông báo cho người chào hàng. Trong
thực tiễn kinh doanh quốc tế, trường hợp chấp nhận như vậy rất hay xảy ra, nhất là giữa
các bên đã có mối quan hệ làm ăn từ trước. Tuy vậy, pháp luật về hợp đồng của Việt Nam
lại không có quy định gì về vấn đề này. Vì thế, khi chấp nhận chào hàng, nên chấp nhận
bằng văn bản, trong đó nêu rõ những nội dung chấp nhận và những đề xuất chỉnh sửa nếu

11
có, tránh trường hợp chấp nhận bằng hành vi vì có thể gây ra những tranh chấp như vụ việc
vừa phân tích.
– Thứ hai, khi nhận được chào hàng, nếu có những ý kiến trái với chào hàng thì cần xem
xét và đưa ra các đề nghị sửa đổi kịp thời, đầy đủ. Sau khi gửi chấp nhận chào hàng (trong
đó có một số sửa đổi, bổ sung chào hàng ban đầu) thì nên yêu cầu bên chào hàng khẳng
định lại (confirm) một lần nữa có đồng ý với những sửa đổi, bổ sung đó hay không. Như
vậy sẽ tránh được những tranh chấp khi hai bên đàm phán giao kết hợp đồng một cách gián
tiếp thông qua việc gửi các đơn chào hàng và chấp nhận chào hàng.
#2:
– 05/06/2000, người bán chào hàng 10.000 MT hạt cải dầu với tiêu chuẩn trên 38% protein,
độ ẩm dưới 12,5%.
– 07/06/2000, người mua nhận được thư chào hàng và đề nghị người bán fax hợp đồng và
các điều kiện L/C (letter of credit) cho người mua. Ngày 09/06, người bán fax hợp đồng
số SF0610, có đóng dấu.
Bên mua nhận được, nhưng xóa “không chấp nhận thuê tàu hơn 20 tuổi” và sửa “cước
phí trả trước” thành “cước phí sẽ được trả theo hợp đồng thuê tàu” trong bản hợp đồng gốc,
sau đó ký, đóng dấu và fax cho người bán.
Vào ngày 14/06, người bán đã fax cho văn phòng đại diện của người mua ở Hong Kong,
thể hiện rằng với lý do người mua đã tự ý sửa đổi hợp đồng, người bán không thể xác nhận
hợp đồng này. Ngày 22/06, người bán gửi thư cho người mua nói rằng hợp đồng không có
hiệu lực và L/C người mua mở đã không còn giá trị. Cùng lúc đó, bên mua cũng trả lời bên
bán, giải thích rằng bởi vì điều kiện giao hàng trong hợp đồng là FOB (freight on board),
việc sửa lại tuổi tàu và việc trả cước phí sẽ không ảnh hưởng gì đến việc thực hiện hợp
đồng. Người mua đã cho người bán biết việc họ đã đồng ý bán hàng 7000 MT hàng (trong
số 10.000 MT theo hợp đồng) cho một khách hàng Italy. Người mua cũng khuyến cáo
người bán rằng nếu người bán từ chối thực hiện việc giao hàng thì nghĩa là đã vi phạm hợp
đồng. Trong thư, người mua đã yêu cầu người bán xác nhận hợp đồng và thực hiện nghĩa
vụ theo hợp đồng.
Ngày 23/06, người bán trả lời khăng khăng cho rằng hợp đồng đã vô hiệu, những điều
khoản về tuổi tàu và cước phí ảnh hưởng đến việc bốc dỡ của người bán. Người bán vẫn
cho rằng vì hợp đồng đã không còn giá trị nên mọi trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý theo
hợp đồng không còn ràng buộc hai bên. Tranh chấp giữa 2 bên sau khi không giải quyết
được bằng hòa giải thì bên mua đã đệ đơn kiện lên CIETAC ngày 23/07/2001.
o Lập luận của Nguyên đơn:
Theo quan điểm của người mua thì hai bên đã có hợp đồng thông qua việc chào hàng
và chấp nhận chào hàng. Người mua đã liên lạc với người bán yêu cầu người bán thực hiện

12
hợp đồng nhưng người bán vẫn không thực hiện. Trong tình huống đó, bên mua đã có
những thiện chí để giải quyết hậu quả một cách hợp lý bằng việc mua hàng thay thế (bên
mua đã thông báo với bên bán về giải pháp này). Chất lượng của hàng thay thế giống với
trong hợp đồng, đồng thời giá thấp hơn giá của hàng hóa đó trên thị trường quốc tế; những
giải pháp bên mua thực hiện vì vậy rất hợp lý.
o Phân tích và quyết định của trọng tài:
Vì cả Thụy Điển và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Viên 1980 nên hội
đồng trọng tài đã dựa vào nguồn luật này để xét xử tranh chấp.
– Phúc đáp chào hàng có thay đổi về điều khoản liên quan đến tuổi tàu và thanh toán cước
phí thuê tàu trên cơ sở điều kiện giao hàng FOB có được xem là chấp nhận chào hàng hay
không?
Rõ ràng ở đây có sự bất đồng quan điểm giữa người bán và người mua về việc lúc
nào thì một phúc đáp chào hàng được xem là một chấp nhận chào hàng. Người mua cho
rằng những thay đổi trong nội dung phúc đáp chào hàng của anh ta không ảnh hưởng đến
nội dung cơ bản của chào hàng; nhưng người bán thì cho rằng đó là mấu chốt để kết luận
hợp đồng chưa được hình thành.
Theo Điều 19 CISG, xét thấy hai thay đổi trong phúc đáp chào hàng của người mua,
bao gồm xóa “không chấp nhận thuê tàu hơn 20 tuổi” và sửa “cước phí trả trước” thành
“cước phí sẽ được trả theo hợp đồng thuê tàu” trong bản hợp đồng gốc, không thuộc các
yếu tố bổ sung hay sửa đổi liên quan mà làm biến đổi một cách cơ bản nội dung của chào
hàng như đã nói ở trên. Theo điều kiện giao hàng trong hợp đồng là FOB, Incoterms 2000,
những thay đổi của người mua về độ tuổi của tàu và việc thanh toán cước phí không làm
thay đổi cơ bản nội dung của thư chào hàng, không làm tăng trách nhiệm của người bán.
Bên cạnh đó, người bán chậm trễ trong việc thông báo từ chối của mình trước thay đổi
trong phúc đáp của người mua. Theo khoản 2 Điều 19, sự từ chối của người bán trước thay
đổi trong phúc đáp của người mua phải được thực hiện “ngay lập tức”. Chính vì vậy, người
bán trong trường hợp này đã coi như là chấp nhận những thay đổi đó. Dựa trên thực tế và
theo những điều khoản trong Công ước Viên, hội đồng trọng tài quyết định Hợp đồng số
SF0610 có hiệu lực đối với cả bên bán và bên mua.
o Bình luận và lưu ý:
– Về chấp nhận chào hàng
Theo thông lệ trong hoạt động mua bán hàng hóa, một hợp đồng được xem là hình
thành khi có một chào hàng từ người bán và chấp nhận chào hàng từ người mua. Tuy nhiên,
cách quy định về chấp nhận chào hàng ở những nguồn luật khác nhau là khác nhau. CISG
có những quy định rất chi tiết về chấp nhận chào hàng, theo đó, trong một số trường hợp,
những thay đổi, bổ sung trong chấp nhận sẽ được xem là từ chối chào hàng và cấu thành

13
chào hàng mới; nhưng nếu những thay đổi bổ sung không làm thay đổi cơ bản chào hàng
ban đầu thì một hợp đồng vẫn được coi là được thiết lập. Quy định này của CISG áp dụng
trong tranh chấp nói trên là hoàn toàn phù hợp, qua đó, chúng ta thấy được tính linh hoạt
của Công ước Viên trong việc điều chỉnh các vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán hàng
hóa.
– Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Kết quả của tranh chấp nêu trên là sự thất bại chào hàng của người bán và số tiền phải
bồi thường thiệt hại cho người mua lên đến hàng nghìn đô la. Tổn thất này đến từ sự thiếu
hiểu biết của người bán khi tham gia vào một cuộc giao thương quốc tế. Cách quy định về
chấp nhận chào hàng ở luật Việt Nam có sự khác biệt với pháp luật và điều ước quốc tế.
Điều 396 Bộ luật dân sự năm 2005 yêu cầu chấp nhận chào hàng là phải chấp nhận toàn
bộ nội dung của chào hàng và bất kỳ sửa đổi bổ sung nào cũng là từ chối chào hàng. Thông
qua tranh chấp nêu trên và bản thân là một thành viên của Công ước, Việt Nam vẫn cần có
sự xem xét liệu có nên mở rộng phạm vi các trường hợp để một chào hàng được chấp nhận
hay không.
VIII. Kết luận:
Với tất cả những lập luận và dẫn chứng trên, có thể thấy, việc tồn tại và điều chỉnh của
Công ước Viên 1980 là vô cùng cần thiết, bởi lẽ với sự đa dạng trong quy định của từng
bộ luật Dân sự khác nhau của mỗi quốc gia, nếu không tồn tại một quy định chung lớn
đứng ra chi phối thì quá trình giao kết hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng
mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, “chấp nhận chào hàng”
là một trong những giai đoạn vô cùng quan trọng trong quá trình giao dịch giữa những
thương nhân quốc tế với nhau. Nếu như ở giai đoạn này không được thực hiện một cách
đầy đủ và minh thị như những gì Công ước Viên quy định, thì sẽ gây ra rất nhiều hậu quả
pháp lý liên đới không chỉ hai bên thương nhân tham gia mà còn có khả năng dẫn đến mâu
thuẫn giữa các quốc gia này với nhau. Việc Việt Nam tham gia vào Công ước Viên cũng
như là sửa đổi Bộ luật Dân sự cùng một thời điểm, dẫn đến hầu hết các điều khoản liên
quan trong Bộ luật Dân sự 2015 đều mang tinh thần của Công ước Viên 1980, thể hiện
“chuyển mình” từng bước trong quá trình toàn cầu hóa, hội nhập hóa của đất nước ta, là
một quyết định phù hợp với thời đại và xu thế chung toàn cầu.

14
 Tài liệu tham khảo
1. Giáo trình Luật Thương mại quốc tế - Phần 2, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ
Chí Minh, Nhà xuất bản Hồng Đức.
2. Sách “101 Câu hỏi - đáp về Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế (CISG)”, Trường Đại học Ngoại Thương – Trung tâm Trọng tài
Quốc tế Việt Nam (VIAC).
3. Bài viết của Nông Quốc Bình và Võ Sỹ Mạnh, trang web: cisgvn.wordpress/Công ước
Viên 1980 (CISG) cho người Việt Nam.
4. Luận văn của Nguyễn Thị Mai, “Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng
hóa”, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội – Khoa Luật.
5. Luận văn của Nguyễn Văn Quang, “So sánh chế định giao kết hợp đồng mua bán
hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước Viên 1980”, Trường Đại
học Quốc gia Hà Nội – Khoa Luật.
6. Luận văn của Đỗ Thu Hằng, “Soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo
quy định của CISG – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, Trường Đại học Luật Hà
Nội.
7. Nguyễn Hồng Trinh – Bùi Thị Quỳnh Trang, “Phân tích phạm vi áp dụng của Công
ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và khuyến nghị áp dụng cho
Việt Nam”, Tạp chí Khoa học Kiểm sát, số Chuyên đề 01 – 2021.
8. Nguyễn Thị Lê Huyền – Vũ Thị Hương, “Giao kết hợp đồng theo quy định của Công
ước Viên 1980 trong tương quan so sánh với pháp luật Việt Nam”, Tạp chí Khoa học
Kiểm sát, số Chuyên đề 01 – 2021.
9. Bài viết trên trang web thuvienphapluat/Thư viên pháp luật, “Chào hàng và chấp
nhận chào hàng trong thương mại quốc tế”, tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu.
10. Bài viết của Nguyễn Minh Hằng trang web Trung ương Hội Kế toán và Kiểm toán
Việt Nam, “Chào hàng bằng hành vi”, Trường Đại học Ngoại Thương.
11. Lê Thị Diễm Phương, “Đề nghị và chấp nhận giao kết hợp đồng – nhìn từ góc độ so
sánh”, Tạp chí Khoa học Pháp lý Việt Nam, Đặc san 02/2013, tr. 68 – 74.

15

You might also like