You are on page 1of 7

HỘI NGHỊ THƯỢNG DỈNH MỸ - TRIỀU LẦN 2

DƯỚI SỰ QUY CHIẾU CỦA LÝ THUYẾT DONG KHUNG

Tô Minh Phương

1. Dẫn nhập
Trong lịch sử ra đời và phát triển của truyền thông đại chúng tính từ cuối thế kỷ thứ 19, một
trong những chức năng quan trọng nhất của truyền thông đại chúng được các nhà nghiên cứu truyền
thông đưa ra đó là hướng dẫn dư luận. Chức năng này được thực hiện thông qua việc chọn lọc các tin
tức để đăng tải, cùng với việc cung cấp những phân tích và bình luận kèm theo các sự kiện. Mục tiêu
của hoạt động này là giúp công chúng có được một định hướng theo dòng thời sự hàng ngày, hiểu
được những gì diễn ra xung quanh, tránh cho họ cảm giác mất phương hướng trước một lượng tin tức
khổng lồ nếu không được xử lý. Tuy nhiên, việc các phương tiện truyền thông đại chúng “chọn lọc”
hay “diễn giải” những tin tức lấy từ thực tế nhằm thực hiện chức năng đó cũng đặt ra một câu hỏi
xoay quanh cách thức lựa chọn thông tin và mục đích đằng sau nó của các phương tiện truyền thông.

Vấn đề này đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả và được các nhà truyền thông
khái quát hoá thành một số học thuyết tiêu biểu. Một trong số đó là lý thuyết đóng khung (framing
theory), tập trung vào cách thức các phương tiện truyền thông đại chúng thực hiện chức năng hướng
dẫn dư luận. Trong bài viết này, tác giả muốn đề xuất việc áp dụng lý thuyết đóng khung để phân tích
một sự kiện diễn ra vào cuối tháng 2 vừa qua: Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tổ chức tại Hà
Nội.
2. Câu hỏi nghiên cứu
Câu hỏi tác giả đặt ra trong nghiên cứu này là:
Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội đã được “đóng khung” như
thế nào trên các phương tiện truyền thông đại chúng?
Để trả lời cho câu hỏi này, tác giả đã xác định ba câu hỏi cụ thể hơn, đó là:
- Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 có phải sự kiện quan trọng đối với truyền thông đại
chúng hay không?
- Sự kiện này được “đóng khung” giống nhau hay theo các cách khác nhau tuỳ thuộc vào báo
đưa tin về sự kiện?
- Mục đích “đóng khung” như vậy về sự kiện này trên các phương tiện truyền thông đại chúng
là gì?
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của tác giả là tìm hiểu cách thức đưa tin về sự kiện này trên phương tiện
truyền thông đại chúng, cụ thể là các báo điện tử của Việt Nam và một số nước phương Tây dưới sự
18
tham chiếu của lý thuyết đóng khung, đồng thời cố gắng lý giải mục đích đằng sau cách “đóng khung”
đó.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích nội dung (content
analysis) với 468 tiêu đề bài báo đăng trong giai đoạn từ ngày 24/2/2019 đến 1/3/2019 trên 6 báo điện
tử sau đây:
- Vietnamnet
- Vnexpress
- Le Monde
- Le Figaro
- The New York Times
- The Guardian
Tác giả chọn mẫu nghiên cứu là các báo điện tử để thuận tiện cho việc truy cập nội dung. Sáu tờ
báo này đều là các báo điện tử chính thống, được lựa chọn dựa trên tiêu chí quốc gia. Do Hội nghị
thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 là sự kiện liên quan trực tiếp tới ba quốc gia Mỹ, Bắc Triều Tiên và
Việt Nam (đơn vị tổ chức), đồng thời để có cái nhìn khái quát về cách đóng khung sự kiện này trên
các phương tiện truyền thông đại chúng, tác giả quyết định chọn mẫu bao gồm các báo của Việt Nam,
Mỹ, Anh và Pháp với các bài báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp (ngôn ngữ tác giả có thể
sử dụng).
Ngoài ra, tác giả chỉ tập trung vào các bài báo được đăng tải trong giai đoạn từ ngày 24/2 đến
1/3/2019, bao gồm 2 ngày diễn ra sự kiện tại Hà Nội (27-28/2/2019). Đơn vị nghiên cứu được tác giả
lựa chọn là các tiêu đề bài báo (title) đưa tin về sự kiện. Để thực hiện việc phân tích nội dung, tác giả
đã xây dựng bảng phân tích bao gồm các tiêu chí như số lượng tiêu đề đưa tin về sự kiện, vị trí của
tiêu đề trong các chuyên mục, vị trí của tiêu đề trên trang báo, độ lớn của tiêu đề so với toàn trang,
các từ khoá có mặt trong tiêu đề tương ứng với 3 giai đoạn chuẩn bị - diễn biến - kết quả của Hội
nghị…
5. Lý thuyết đóng khung (Framing theory)
Như đã trình bày ở trên, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn nghiên cứu cách thức đưa
tin của các phương tiện truyền thông đại chúng về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 dưới sự quy
chiếu của lý thuyết đóng khung. Thuyết đóng khung bắt nguồn từ lĩnh vực tâm lý học và xã hội học.
Erving Goffman được cho là người đầu tiên đưa ra khái niệm “đóng khung” (framing) vào năm 1974,
trong cuốn sách có tựa đề Frame analysis: An essay on the organization of experience. Theo Goffman,
“khung” chính là những giản đồ của sự diễn giải (schemata of interpretation) cho phép con người
“xác định, tiếp nhận, định dạng và dán nhãn cho vô số những sự kiện diễn ra trong cuộc sống của họ”.
Sự đóng khung này được hiểu là quá trình tổ chức các kinh nghiệm, tìm ra ý nghĩa của chúng trong

19
sự tham chiếu tới những nhận thức sẵn có. Sức mạnh của việc đóng khung chính là ở chỗ con người
buộc phải viện tới các hệ thống quen thuộc để có thể diễn giải về một hiện tượng bất kỳ trong đời
sống xã hội.
Từ lý thuyết đóng khung của Goffman áp dụng trong phạm vi tổ chức kinh nghiệm của con
người, nhiều nhà nghiên cứu đã phát triển lý thuyết này cho lĩnh vực hẹp hơn là truyền thông đại
chúng. Hai trong số những tác giả tiêu biểu nghiên cứu về chủ đề này là Gamson William và Robert
Entman. Gamson William (1989) cho rằng quá trình đóng khung của báo chí là “gần như hoàn toàn
ngầm ẩn, và được thừa nhận như lẽ tất nhiên. Cả nhà báo lẫn công chúng đều không nhận ra rằng đây
thực chất là một quá trình kiến tạo mang tính xã hội (social construction), mà chỉ đơn giản xem nó là
việc phóng viên phản ánh lại sự kiện”. Theo Gamson, việc đóng khung chính là quá trình “quyết định
xem cái gì được chọn, cái gì bị loại bỏ, và cái gì được nhấn mạnh. Nói tóm lại, tin tức cho chúng ta
biết về một thế giới đã được đóng gói”. Khung được Gamson định nghĩa là “ý tưởng tổ chức cốt lõi”
của cái thế giới đã-bị-gói kia, giúp “giải nghĩa về các sự kiện liên quan, cũng như gợi ý xem đâu mới
là vấn đề cần xem xét”.
Quan điểm này của Gamson cũng tương đồng với định nghĩa của Robert Entman (1993) về quá
trình đóng khung của truyền thông đại chúng:
“Quá trình đóng khung chủ yếu liên quan tới việc lựa chọn (selection) và làm nổi bật (salience).
Đóng khung có nghĩa là lựa chọn một số khía cạnh trong cách hiểu về hiện thực, rồi làm cho nó nổi
bật lên trên văn bản truyền thông bằng cách nhấn mạnh vào một cách đặt vấn đề, một cách lý giải,
một cách đánh giá đạo đức, hoặc/và một cách xử lý nào đó”.
Như vậy, tin tức được truyền tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy cách “đóng
khung” của nhà báo. Ngoài ra, khán giả cũng có khung nhận thức của riêng họ, tuỳ thuộc vào kinh
nghiệm, vốn sống và kiến thức cá nhân của họ. Họ sử dụng cái khung cá nhân đó để giải thích các
thông điệp truyền thông mà họ tiếp nhận.
Thuyết đóng khung đã từng được nhiều nhà nghiên cứu sử dụng để tìm hiểu cách thức đưa tin
của các phương tiện truyền thông đại chúng đối với những chủ đề hay sự kiện quan trọng diễn ra trên
thế giới. Ví dụ, khi so sánh các bức ảnh đưa tin về trận sóng thần lịch sử năm 2004 ở Indonesia và
trận bão Katrina tại Mỹ năm 2005 trên hai tờ báo Mỹ là The Washington Post và The New York Times,
tác giả Porismita Borah đã sử dụng phương pháp phân tích nội dung trên 264 bức ảnh đăng trong tuần
đầu tiên sau khi xảy ra hai thảm họa để trả lời câu hỏi xem đối tượng nào thường bị đóng khung nhất.
Kết quả cho thấy là đối với trận sóng thần, hai tờ báo Mỹ đưa nhiều hình ảnh liên quan tới cái chết
và có khả năng tạo cảm xúc mạnh nơi người xem hơn, còn với trận bão Katrina, những hình ảnh về
công tác cứu hộ lại được chú trọng. Tác giả cũng chỉ ra rằng những hình ảnh về trận sóng thần ở
Indonesia không những nhấn mạnh hơn tới cái chết và tính cảm xúc, mà còn thường được đăng với
kích thước lớn, cận cảnh gương mặt người chết và xuất hiện cả trên trang nhất. Trong khi đó, hình
ảnh về chết chóc trong cơn bão Katrina nếu được đăng thì thường là trung cảnh và kích thước nhỏ.
Những bức ảnh thể hiện cảm xúc đau đớn mất mát trong cơn bão Katrina cũng rất ít, và nếu có thì
đăng ở kích thước nhỏ, thường là trung cảnh và chỉ xuất hiện ở các trang trong. Theo Borah, quá trình
20
đóng khung này xuất phát từ việc nạn nhân của bão Katrina là người Mỹ nên báo chí Mỹ thận trọng
hơn khi đăng ảnh nạn nhân do lo lắng những phản ứng tiêu cực từ phía công chúng. Trong khi đó,
nạn nhân của vụ sóng thần sống xa nước Mỹ, và hình ảnh cận cảnh, thương tâm về họ lại được cho
là chấp nhận được, thậm chí, gây ấn tượng tốt cho công chúng về khả năng phản ánh hiện thực của tờ
báo.
Một ví dụ khác, trên bình diện ngôn ngữ viết, các từ ngữ như “da đen”, “mọi đen” đã bị loại ra
khỏi vốn từ vựng chính thống của giới truyền thông và được thay thế bằng cụm từ “người Mỹ gốc
Phi”. Tuy nhiên, hình ảnh của nhóm chủng tộc này vẫn tiếp tục bị đóng khung với bệnh AIDS, tội
phạm đường phố, đói nghèo, ma túy, tù tội và dốt nát. Quan điểm được đóng khung là quan điểm của
tập đoàn người nắm quyền, cụ thể là nhóm người da trắng. Việc thường xuyên đưa hình ảnh tiêu cực
về người Mỹ gốc Phi phản ánh mối quan hệ quyền lực ngầm ẩn liên quan tới chủng tộc trong xã hội
Mỹ.
6. Kết quả nghiên cứu
Dựa trên lý thuyết đóng khung đã nêu, tác giả đã tiến hành phân tích nội dung các tiêu đề bài
báo đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội trên 6 tờ báo điện tử chính thống của
Việt Nam, Mỹ, Anh và Pháp trong khoảng thời gian từ ngày 24/2 đến 1/3/2019. Kết quả nghiên cứu
cho thấy Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội là một sự kiện quan trọng đối với các
phương tiện truyền thông đại chúng. Tuy nhiên, so với các báo phương Tây, sự kiện này được truyền
thông Việt Nam ưu tiên nhiều hơn. Thực vậy, báo điện tử Vietnamnet đã tạo hẳn một chuyên mục
riêng với tên gọi “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2”, trong đó tập hợp tất cả các bài báo đưa tin
về sự kiện. Dòng chữ “Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2” có kích cỡ rất lớn, được đặt ở vị trí
trung tâm và chiếm 2/3 diện tích toàn trang, kèm theo đó là hình ảnh hai nguyên thủ: tổng thống Mỹ
Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, đằng sau là hình ảnh lá cờ của hai nước. Các tiêu
đề bài báo xuất hiện ở các chuyên mục: Thời sự, Thế giới, Tuần Việt Nam, trong đó đa số nằm ở
chuyên mục Thời sự. Số lượng bài báo đưa tin về sự kiện trên Vietnamnet trong khoảng thời gian
thực hiện nghiên cứu là 81 bài.
Tương tự như Vietnamnet, trên báo điện tử Vnexpress cũng có một mục riêng dành cho sự kiện
này với dòng chữ “Thượng đỉnh Mỹ - Triều, Hà Nội” nằm ở vị trí nổi bật, phía trên cùng của trang
báo, ngay dưới tên báo, đi kèm theo đó là hình ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên. Chuyên mục
này cũng tập hợp tất cả bài báo trên Vnexpress đưa tin về sự kiện với tổng số lên tới 332 bài trong
thời gian tiến hành nghiên cứu. Các tiêu đề bài báo xuất hiện ở các chuyên mục: Tin tức, Tư liệu,
Bình luận và Video.
Với các báo nước ngoài (Le Monde, Le Figaro, The Guardian và The New York Times), kết quả
nghiên cứu cho thấy trên các báo này không có mục riêng dành cho sự kiện như trên 2 báo điện tử
của Việt Nam. Số lượng tiêu đề bài báo nói về sự kiện trong khoảng thời gian thực hiện nghiên cứu
cũng ít hơn nhiều, dao động từ 9 đến 23 tiêu đề, chủ yếu nằm trong chuyên mục Tin tức quốc tế. Tuy
nhiên, đây vẫn được coi là tin tức quan trọng trong thời gian tiến hành nghiên cứu.
Như vậy, tác giả có thể trả lời khẳng định cho câu hỏi thứ nhất của nghiên cứu. Hội nghị Thượng
đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội là một sự kiện quan trọng đối với truyền thông Việt Nam và quốc
21
tế. Đặc biệt là với Việt Nam, số lượng tiêu đề bài báo đưa tin về sự kiện, kích cỡ cũng như vị trí các
tiêu đề cho thấy đây là một sự kiện nổi bật, thu hút sự quan tâm rất lớn của công chúng.
Liên quan tới câu hỏi nghiên cứu thứ hai, việc phân tích các tiêu đề bài báo cho thấy dù các báo
đều coi đây là sự kiện quan trọng nhưng cách thức đưa tin của mỗi tờ báo lại không giống nhau, tức
là quá trình “đóng khung” được tiến hành khác nhau giữa các báo. Tác giả nhận thấy đối với hai tờ
báo điện tử lớn của Việt Nam, quá trình “đóng khung” được thể hiện thông qua 4 tuyến nội dung
chính:
- công tác chuẩn bị và tổ chức sự kiện, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của Việt Nam là
nước chủ nhà;
- diễn biến các hoạt động của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên trong khuôn khổ Hội nghị;
- kết quả của Hội nghị (dự đoán về kết quả trước khi Hội nghị kết thúc và những ý kiến bình
luận, đánh giá về kết quả thực tế đạt được);
- các yếu tố bên lề sự kiện.
Trong các tuyến nội dung nêu trên, tuyến nội dung về công tác chuẩn bị và tổ chức sự kiện được
truyền thông Việt Nam rất chú trọng, thể hiện qua số lượng tiêu đề bài báo và những từ ngữ mang sắc
thái rất tích cực được sử dụng trong các tiêu đề hướng tới nội dung này. Bản thân tuyến nội dung này
cũng được chia làm 2 mảng chính: thông tin về các hoạt động chuẩn bị cho sự kiện của Việt Nam với
tư cách nước chủ nhà và ý kiến đánh giá, phản ứng của các bên liên quan và của truyền thông quốc
tế với những gì Việt Nam đã làm cho sự kiện này. Tác giả cho rằng sở dĩ tuyến nội dung này được
đẩy mạnh là vì Việt Nam giữ vai trò chủ nhà, là nước đứng ra tổ chức sự kiện ở qui mô quốc tế. Việc
đón tiếp nhiệt tình, chu đáo hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên và công tác tổ chức chuyên nghiệp, đảm
bảo an ninh cho sự kiện sẽ góp phần quảng bá hình ảnh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường
quốc tế.
Với tuyến nội dung liên quan tới kết quả Hội nghị, tác giả nhận thấy các từ khoá được sử dụng
trong các tiêu đề bài báo của Việt Nam thường mang sắc thái trung lập hoặc tích cực, thể hiện cái
nhìn lạc quan về kết quả của sự kiện này. Các cụm từ thường được sử dụng để nói về nội dung này là
“không đạt thoả thuận”, “không ký thoả thuận”, “kết thúc sớm”, “mang tính xây dựng”, “tiến bộ ý
nghĩa”, “kết quả thời đại”… Tác giả cho rằng ở góc độ của nước chủ nhà tổ chức một sự kiện tầm cỡ
quốc tế và có ý nghĩa quan trọng như vậy, truyền thông Việt Nam muốn truyền đi những thông điệp
tích cực hơn về kết quả Hội nghị, cho dù mục đích chính của sự kiện được mọi người mong đợi thực
ra không đạt được.
Ngoài ra, việc đóng khung với 4 tuyến nội dung khác nhau cho thấy truyền thông Việt Nam quan
tâm tới mọi khía cạnh của sự kiện này, không chỉ là công tác chuẩn bị của nước chủ nhà hay các hoạt
động diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị, rất nhiều yếu tố bên lề cũng trở thành chủ đề đưa tin của
truyền thông Việt Nam như thực đơn các bữa ăn của hai nguyên thủ, đoàn xe hộ tống hai nguyên thủ,
khẩu vị của hai nhà lãnh đạo, các nhà hàng, khách sạn nơi hai nhà lãnh đạo lưu trú và dùng bữa, các
nhân vật góp phần vào thành công của sự kiện như vệ sĩ, phiên dịch, người tặng hoa cho nguyên thủ,
hay các sản phẩm ăn theo sự kiện, các hoạt động truyền thông quảng bá cho Hà Nội nói riêng và Việt

22
Nam nói chung với tư cách nước chủ nhà tổ chức sự kiện… Tất cả tạo nên một bức tranh đầy màu
sắc về sự kiện diễn ra tại Hà Nội. Tác giả cho rằng nhiều yếu tố bên lề được truyền thông Việt Nam
khai thác là nhằm đem đến cho công chúng cảm giác chân thực hơn, gần gũi hơn đối với một sự kiện
mang tính chính trị quốc tế, đồng thời thoả mãn sự tò mò của công chúng bởi đa phần người dân Việt
Nam đều tỏ ra đặc biệt hứng thú với sự có mặt tại Hà Nội của hai nguyên thủ, một bên là tổng thống
của cường quốc số 1 thế giới, một bên là nhân vật được BBC ví là “ngôi sao mới nổi trong số các nhà
lãnh đạo quốc tế”.
Với các báo nước ngoài (Le Monde, Le Figaro, The Guardian và The New York Times), kết quả
nghiên cứu cho thấy cách đóng khung khác với truyền thông Việt Nam. Cụ thể là quá trình đóng
khung về sự kiện này trên 4 tờ báo của Anh, Pháp, Mỹ chỉ tập trung vào diễn biến Hội nghị và kết
quả Hội nghị. Những nội dung về công tác chuẩn bị cho sự kiện của chủ nhà Việt Nam có xuất hiện
trên một số tiêu đề nhưng số lượng rất hạn chế. Những yếu tố bên lề sự kiện không được khai thác.
Mặt khác, các tiêu đề nói về kết quả của Hội nghị cũng thường sử dụng những cụm từ mang sắc thái
ý nghĩa ít lạc quan hơn so với các tiêu đề đăng trên 2 báo điện tử của Việt Nam. Ví dụ như “échec,
impasse, résultat regrettable, failure, collapse”. Việc sử dụng các từ ngữ như vậy khi đưa tin về kết
quả Hội nghị thể hiện góc nhìn trực diện, nhắm thẳng vào mục đích chính của sự kiện, cũng là điều
mà công chúng phương Tây quan tâm nhất.
7. Kết luận
Việc áp dụng lý thuyết đóng khung vào phân tích cách thức đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ
- Triều lần 2 cho thấy đây là một sự kiện quan trọng đối với truyền thông đại chúng, đặc biệt là ở Việt
Nam. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có sự khác biệt trong cách thức “đóng khung” về sự
kiện này trên các báo điện tử của Việt Nam và phương Tây. Nếu như quá trình đóng khung sự kiện
này trên các báo của Anh, Pháp, Mỹ chủ yếu tập trung vào diễn biến Hội nghị và kết quả Hội nghị,
được xem như một “thất bại” thì trên các báo điện tử Việt Nam, quá trình đóng khung về sự kiện lại
được thể hiện qua 4 khía cạnh nội dung khác nhau nhằm các mục đích truyền thông khác nhau.
Tóm lại, quá trình đóng khung trên các phương tiện truyền thông đại chúng gần như là tất yếu
vì không một hành vi nhận thức nào của con người có thể thoát khỏi việc bị định hình bởi hệ thống
nhận thức sẵn có. Nhưng hơn hết, các độc giả hay khán thính giả của các phương tiện truyền thông
đại chúng cần tạo một thói quen phân tích phê phán trước bất kỳ một sản phẩm truyền thông nào bởi
lẽ thông điệp truyền thông là các cấu trúc được xây dựng một cách chủ ý và bởi truyền thông luôn
chứa đựng giá trị và quan điểm.
TAI LIỆU THAM KHẢO
1. Catherine Lemarier-Saulnier, Cadrer les définitions du cadrage: une recension multidisciplinaire des
approches du cadrage médiatique, Canadian Journal of Communication, Vol 41 (1).
2. Erving Goffman, Frame analysis: An essay on the organization of experience, Northeastern University
Press, 1974.
3. Robert D. Benford, David A. Snow & Nathalie M. Plouchard, Processus de cadrage et mouvements
sociaux: présentation et bilan, Politix 2012/3, n°99, p.217-255.

23
4. Robert Entman, Framing: Toward Clarification of a Fractured Paradigm, Journal of Communication,
Autumn 1993.
5. William A. Gamson & Andre Modigliani, Media Discourse and Public Opinion on Nuclear Power: A
Constructionist Approach, American Journal of Sociology 95 (No. 1), 1989.
6. Vietnamnet: https://vietnamnet.vn/vn/su-kien/hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu-tien-lan-2-tin-moi-
nhat-vietnamnet-503490.html
7. Vnexpress: https://vnexpress.net/hoi-nghi-thuong-dinh-my-trieu
8. Le monde: https://www.lemonde.fr/international/
9. Le Figaro: http://www.lefigaro.fr/international/
10. The Guardian: https://www.theguardian.com/world
11. The New York Times: https://www.nytimes.com/section/world

24

You might also like