You are on page 1of 6

 

BÀI DỰ THI 
CUỘC THI “ ĐẠI SỨ VĂN HOÁ ĐỌC 2022.”

Họ và tên: Nguyễn Yến Nhi


Ngày sinh: 24/08/2006
Lớp: 10A13                                        
Trường: Trung học Phổ thông Trần Nhân Tông.

                                                         ĐỀ 1
Câu 1: Chia sẻ cảm nhận của em về một cuốn sách đã truyền cảm hứng, hướng em tới
lối sống tích cực, có ý thức xây dựng môi trường sống văn hóa lành mạnh, có trách
nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước.
Câu 2: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản
thân hoặc cộng đồng? (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc
thực hiện, kết quả đạt được).
                                                 Bài làm.
Câu 1:
Thế hệ của chúng tôi - gen Z - là một thế hệ may mắn (?) khi được sống trong thời đại
mà cuộc cách mạng khoa học 4.0 phát triển mạnh mẽ. Giữa hàng ngàn cánh cổng dẫn
đến những chiều không gian mới lạ của mạng xã hội và thiết bị điện tử, có lẽ với tôi, thế
giới trong những cuốn sách vẫn là những chiều không gian kỳ diệu và mê hoặc hơn cả.
Nếu được hỏi rằng cuốn sách nào đã truyền cảm hứng, khơi dậy một cách kỳ diệu khát
vọng muốn được làm “mùa xuân nho nhỏ” cống hiến cho Tổ quốc, tôi sẽ không chần
chừ mà trả lời rằng đó chính là cuốn “Chiến binh Cầu vồng” của nhà văn Andrea Hirata,
xuất bản năm 2005, được tới tay độc giả Việt Nam bởi Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn.

Andrea Hirata - một nhà văn người Indonesia, sinh ngày 24 tháng 10 tại đảo Belitong -
hòn đảo Thiếc của thế giới, nơi mà người dân chẳng khác những “con chuột chết đói
trong hũ gạo đầy thóc” là bao. Nhưng, chính cuộc sống cực khổ thời niên thiếu, đã trở
thành “suối nguồn” để ông viết nên “Chiến binh Cầu vồng” - một tác phẩm phản ánh
nguyên vẹn tuổi thơ không mấy may mắn của tác giả.
Cái thế giới “kỳ diệu và mê hoặc hơn cả” mà tôi đã nói kia, trong “Chiến binh Cầu vồng”
không phải một thế giới tươi đẹp như trong truyện cổ tích, cũng không mới lạ như trong
những cuốn sách khoa học viễn tưởng mà hồi thơ bé chúng ta thường mê tít. Đó chỉ là
cuộc sống của mười một đứa nhóc quanh quẩn trong ngôi trường làng xập xệ, cũ nát
mang tên Muhammadiyah, trên hòn đảo Belitong, Indonesia mà ngay từ ngày khai
giảng đầu tiên đã phải đứng trước nguy cơ đóng cửa chỉ vì không có nổi… mười học
sinh. May mắn thay, sự xuất hiện của Harun - một cậu học trò thiểu năng trí tuệ bẩm
sinh, đã xoay chuyển thế cực bàn cờ một cách ngoạn mục để cứu chín đứa trẻ còn lại
khỏi cảnh thất học. Nhưng đó không phải nguy cơ duy nhất đe dọa đến trường tiểu học
Muhammadiyah, khi bọn trẻ phải học tập dưới một ngôi trường xiêu vẹo đến nỗi chỉ cần
một cơn gió cũng đủ đánh sập, lệnh đóng cửa trường học đến từ thanh tra cùng những
con quái vật máy xúc khổng lồ chỉ chực chờ húc đổ trường học nhằm dò mạch thiếc
quý hiếm… Song bằng tình yêu vô hạn với học tập, ý chí kiên cường đến khó tin, cả
thầy và trò của trường không chỉ đứng lên chống đối lại những thế lực phá huỷ chốn
thiêng liêng của họ, thậm chí còn làm cho tất cả những kẻ đã từng khinh thường ngôi
trường này phải nhìn trường bằng con mắt khác. Nhưng số phận đã không mỉm cười
với những con người phi thường ấy. Cái đói nghèo đã san phẳng ước mơ mới nhú như
những mầm non mơn mởn dưới ban mai của những đứa trẻ cu li nghèo. Cuối cùng,
nhiều năm sau, trường tiểu học Muhammadiyah biến thành một đống đổ nát, và trong
nhóm “Chiến binh Cầu vồng” thuở ấy, chỉ có duy nhất một thành viên - Ikal, chọn giữ
vững ngọn lửa kiên trì theo đuổi con đường học tập của mình tại trời Âu…
Một cái kết không như mong đợi! Bởi lẽ ấy mà tôi đã từng tự hỏi tại sao sau hơn mười
bảy năm, sức hút của “Chiến binh Cầu vồng” vẫn còn mãnh liệt đến vậy - cho đến khi
đọc cuốn sách.

Cuốn sách khiến trong tôi dấy lên những xúc cảm khó tả ngay từ khung cảnh buổi khai
giảng đầu tiên tại trường tiểu học Muhammadiyah. Nó gợi lại hình ảnh ngôi trường của
những trẻ em miền núi mà tôi từng được chứng kiến trong một lần cùng các cô chú cơ
quan mẹ tới làm từ thiện cho người dân vùng sâu vùng xa. Hoặc còn nhói lòng hơn.
Hầu hết người dân đảo không coi trọng việc học. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở thành
phố mình đang sống, nét mặt đầy sợ hãi của chín đứa trẻ khi ước muốn được đi học
của chúng có chạm tay đến hiện thực hay không khi chỉ còn thiếu một học sinh nữa,
khuôn mặt khắc khổ của người đàn ông ở nhà còn mười bốn miệng ăn nhưng vẫn
quyết tâm dắt tay con đến trường, sự mong mỏi trong vô vọng của hai thầy cô - cô Mus
và thầy Harfan, khi nghĩ rằng mình sẽ chẳng thể nào đứng trên bục giảng một lần nữa.
Nhưng khoảnh khắc nhìn thấy Harun tiến vào từ phía cổng trường khiến tôi bất ngờ
hơn cả, vì lý rằng những gia đình không đủ ăn kia, lại quyết định cho một đứa trẻ thiểu
năng trí tuệ được đến trường, trái ngược hẳn với những gia đình giàu có nơi đô thị
chọn vứt bỏ con ở một xó xỉnh lạnh lẽo nào đó, khi hay tin rằng đứa bé mình vừa sinh
ra không giống như những đứa trẻ khác. Huống hồ là ở đảo Belitong?
Một hòn đảo mà nơi những chú bé mơ về không phải trường học mà là những nông
trường khai thác tiêu, khai thác thiếc rộng lớn. Một hòn đảo mà bọn con trai làm cu li
bán trầm hương còn dư sức mua được một chiếc xe đạp đẹp mê ly trong khi thầy hiệu
trưởng Harfan còn không thể mua nổi sợi xích xe. Một hòn đảo mà đã từ mấy ngàn
năm nay, người ta công nhận với nhau rằng học tập là thứ vừa xa lạ, vừa tốn kém, mà
chẳng mang lại lợi lộc gì.
Chưa bao giờ tôi đọc một cuốn sách nào có thể thay đổi nhận thức về giáo dục kỳ diệu
đến vậy. 
Từng có dịp tiếp xúc với nền giáo dục của một đất nước khác, cụ thể là “đất nước mặt
trời mọc” - Nhật Bản, tôi phát hiện ra một sự khác biệt thú vị. Sách giáo khoa của Việt
Nam ngàn đời nay luôn “nhắc nhở” chúng ta rằng: “Nước ta rừng vàng biển bạc, tài
nguyên khoáng sản dồi dào, mẹ thiên nhiên ưu đãi hết mực.” Còn sách giáo khoa của
Nhật Bản lại viết điều ngược lại: “Nước ta nghèo tài nguyên thiên nhiên lắm, mẹ thiên
nhiên bạc đãi lắm. Con đường duy nhất để tiến lên hoàn toàn phụ thuộc vào sự nỗ lực
của chính các em.” Nhưng trên đường đua phát triển, trong khi “xứ Phù Tang” nắm vai
trò như một trong những “con rồng vàng” của nền kinh tế thế giới, đất nước chúng ta
vẫn đang dừng lại ở khái niệm “những nước đang phát triển.” Hoặc, hiếm có đất nước
nào gặp phải nhiều bất lợi như Singapore, nhưng quốc gia của họ là một trong những
quốc gia phát triển nhất Châu Á. Hiếm có đất nước nào nhiều dầu mỏ hơn các nước
Trung Đông, nhưng người dân lại cực khổ trăm bề. Những thông tin ấy đã đủ để con
người ta nhận thức tầm quan trọng của giáo dục. Nhưng chỉ khi được chu du đến miền
đất của “Chiến binh Cầu vồng” nói riêng và văn chương nghệ thuật nói chung, ta mới
cảm nhận được hai chữ “giáo dục” thực sự trở thành một phần trong con người ta,
trong trái tim và khối óc ta, luôn hiện hữu xung quanh ta, là vấn đề cấp thiết của mỗi
con người chứ không còn là những dòng chữ khô khan trên sách báo, là việc mà chỉ
những tổ chức cấp cao mới cần quan tâm…
Giờ đây, tôi đang ngồi lặng lẽ bên cửa sổ, chầm chậm nhớ về những bài học mà tôi
học được, từ những chiến binh nhỏ bé.
Bài học đầu tiên là không bao giờ được phép đầu hàng số phận. Mười người bạn yêu
dấu của tôi - là những đứa trẻ đen đúa, đầu tóc bờm xờm, cúc áo không bao giờ có đủ,
cũng chẳng có compa, thước kẻ hay máy tính. Lớp học chẳng có gì, không mô hình
học tập, không có quả địa cầu, cờ, quốc huy, thậm chí cả ảnh Tổng thống và Phó tổng
thống Indonesia - những thứ được cho là bắt buộc tại các trường học Indonesia. Quãng
đường đến trường của họ lại càng khó khăn hơn. Đặc biệt là Lintang. Hãy thử tưởng
tượng một cậu nhóc đói ăn mười hai tuổi, đạp chiếc xe rách nát vượt chặng đường bốn
mươi cây số, qua bốn khu đầm lầy đầy cá sấu chỉ để được đến trường, nhưng luôn là
người đến lớp sớm nhất và về muộn nhất. Cho đến khi tiếng gầm rú của những con
quái vật máy xúc đã át cả tiếng giảng bài, tưởng chừng như ngôi trường đã không thể
chống lại số phận bị nghiền nát, những bạn học như Kucai, Ikal,... đã chọn bỏ học,
niềm đam mê của những đứa trẻ lần đầu được tiếp xúc với giáo dục vẫn không hề bị
dập tắt. Kể cả khi bốn chiến binh: Lintang, Flo, Trapani và Harun - đều đã nhìn thấy sự
khấm khá của đám bạn khi rời bỏ trường học, đến những nông trường rộng lớn làm cu
li. Rằng thằng Samson nhanh chóng mua được chai thuốc mọc tóc yêu thích chỉ sau
mấy ngày đi làm, rằng chúng đã giúp đỡ cho gia đình nhiều đến thế nào khi không chọn
nán lại ở ngôi trường tồi tàn Muhammadiyah. Không ai chọn bám víu vào một ngôi
trường nay mai thôi sẽ sụp đổ. Trong đời, chúng ta thường nương theo đời, luỵ đời và
thoả hiệp với đời. Không phải ai cũng chọn sống đến tận cùng với một giá trị. Con
người thường lựa chọn quy hàng trước những cái gì đã “thống trị” họ nhiều năm lịch
sử. Đó là lý do vì sao trên thế giới, chỉ có duy nhất hai dân tộc có thể giữ được tiếng nói
của mình qua hàng nghìn năm đô hộ - Việt Nam và Do Thái. Trong mắt người dân đảo
Belitong cũng vậy, tổ chức PN là một “ông vua” không thể bị lật đổ, và nếu có, thì người
lật đổ cũng sẽ không phải những người dân quèn, càng không phải một cô giáo nhỏ bé
cùng mười một đứa nhóc đen đúa. Giả dụ ở trong tình cảnh đó, tôi không dám chắc
mình đủ dũng cảm để lựa chọn như đám Lintang. Nhưng khoảnh khắc cùng Ikal nhìn
qua cửa sổ lớp học, tôi không khỏi ngạc nhiên. Kìa, dưới ánh nắng gay gắt, Lintang
đang giảng toán cho Flo, Sahara, Trapani và Harun. “Mồ hôi chảy ròng ròng, nhưng nó
vẫn giảng say mê với đôi mắt sáng bừng trên khuôn mặt.” 
Khi được hỏi về nguồn động lực nào đã tiếp thêm năng lượng phi thường cho nó,
Lintang đã nói những câu mà có lẽ trong suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên
được:
 “Chẳng phải tao đã nói với mày rồi sao, Boi? Tao sẽ tiếp tục học cho đến khi cái cột
thiêng chống đỡ ngôi trường này ngã xuống mới thôi. Tao sẽ không làm cha mẹ mình
phải thất vọng, Ikal à. Họ muốn tao tiếp tục đi học. Tụi mình phải biết ước mơ cao đẹp,
và học là con đường để chúng ta đi đến những ước mơ ấy. Đừng bỏ cuộc, Boi. Đừng
bao giờ bỏ cuộc.Tụi mình phải tiếp tục đi học, để cho con cái của tụi mình sau này
không phải học trong một ngôi trường như thế này.” 
Tự dưng sống mũi tôi cay cay.
Như vậy đó. Bài học thứ hai mà Lintang đã dạy cho tôi: không bao giờ ngừng mơ ước,
ngừng nỗ lực để thực hiện ước mơ ấy. Và cố gắng học tập không chỉ để cho mỗi mình
bản thân ta, mà còn để báo hiếu với bố mẹ, giúp đỡ thế hệ nối tiếp.
Bài học thứ ba mà tôi học được, xuyên suốt câu chuyện là một bài học về tình bạn. Khi
đón Flo - một đứa trẻ đến từ trường PN, một ngôi trường vẫn luôn đối đầu và xem
thường trường Muhammadiyah, hay khi đón Harun - một người bị thiểu năng trí tuệ
bẩm sinh, những người bạn của tôi đã chấp nhận họ, thay vì gạt bỏ. Tôi đã từng nghe
chú mèo béo Zorba nói với cô hải âu nhỏ Lucy trong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”
(Luis Sepulveda) rằng: “Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương kẻ nào giống mình,
nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó khăn.” Ấy vậy nhưng chẳng phải
họ đã đùm bọc nhau, đồng hành cùng nhau chống chọi lại tất cả những thế lực lăm le
lật đổ ngôi trường của mình đó sao?
Nhưng tôi không chỉ hái được những bông hoa tri thức nơi khu vườn những chiến binh
nhỏ bé, mà còn ở thầy Harfan và cô Mus. Chắc rằng hai thầy cô không bao giờ biết đến
tôi, nhưng tự sâu thẳm đáy lòng mình, tôi muốn nói rằng, hai thầy cô sẽ mãi là những
người thầy vĩ đại nhất trong trái tim tôi.
Thầy Harfan ơi, em sẽ chẳng bao giờ quên thầy, một người thầy hơn năm mươi năm
làm giáo viên mà không nhận được một rupi tiền lương nào, đến tận khu làm việc của
cu li để động viên từng trẻ đến trường. Nhờ thầy mà tôi hiểu được rằng:
“Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao
quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn
minh.”
Thầy cống hiến hết mình cho giáo dục để rồi từ giã cõi đời bất công ngay trên bàn làm
việc, lặng im, không ai biết. Nhưng với thầy, đó lại là “một cái chết vinh quang, như thầy
vẫn hằng mong muốn.” Thầy ra đi, nhưng cái giếng kiến thức mát lành mà thầy đã để
lại cho chúng em, sẽ không bao giờ cạn…
Và cô Muslimah ơi, cô mãi là tấm gương để em - một học sinh với ước mơ sau này
được đứng trên bục giảng noi theo. Một nhà giáo đã dũng cảm làm mọi thứ để bảo vệ
ngôi trường, bảo vệ học sinh của mình. Một nhà giáo mà với cô, “chỉ cần mất một học
sinh thôi cũng là mất một nửa linh hồn.”
Sức mạnh mãnh liệt của “Chiến binh Cầu vồng”, lạ thay, không nằm ở những lời hô
hào, đao to búa lớn, mà dịu dàng biết bao, như cách dòng sông hiền hoà kiên nhẫn qua
năm tháng bồi đắp phù sa cho hai bên bờ bãi, như cách những hạt mưa rơi xuống
thẩm thấu vào đất mẹ… Cứ dần dà như thế, li ti như thế…
 Thời ấu thơ của những “chiến binh cầu vồng” rực rỡ là thế, nhưng cuối cùng, cầu vồng
đã không xuất hiện sau cơn mưa. Lần đầu tiên gập cuốn sách lại, tôi đã cố gắng chối
bỏ kết cục của câu chuyện. Sau khi giữ được ngôi trường khỏi PN, Lintang - thần đồng
toán học của Muhammadiyah, đã bắt buộc phải thôi học vì cái chết của cha. Dầu vậy,
tôi đã tưởng tượng khung cảnh hoàn hảo biết bao: Ikal trở thành một nhà văn viết sách
thể thao hoặc một cầu thủ chuyên nghiệp, gặp lại A Ling sau nhiều năm xa cách;
Lintang trở thành một nhà toán học tài ba, cống hiến hết mình cho kho tàng tri thức của
nhân loại; Mahar có thể tiếp tục theo đuổi những thuyết tâm linh kỳ bí hay Sahara trở
thành một nhà nữ quyền… Nhưng những mộng tưởng chưa kịp sải cánh, đã bị cái
nghèo đói đè bẹp trên đường băng.
Cuối truyện, tôi gặp lại những chiến binh của tôi. Họ đã chiến thắng vô vàn khó khăn
tác động từ bên ngoài để có thể chạm tay đến giáo dục, nhưng lại không chiến thắng
nổi bản thân mình. 
Tôi không gặp lại Lintang - “người đã thông thạo tam giác Pascal ngay từ cấp tiểu học,
và là người hiểu được vi phân và tích phân từ khi còn rất nhỏ" không phải trong phòng
nghiên cứu của một viện khoa học nổi tiếng nào đó, mà trong một lán trại được xây trên
doi đất nhô ra biển. Anh “nhếch nhác, khắc khổ, chưa vợ con và thiếu ăn", “toàn bộ con
người gợi lên một niềm thương cảm vì trí thông minh bị phí hoài.”
Tôi không gặp lại Sahara trong dáng vẻ một nhà nữ quyền mạnh mẽ, mà trong dáng vẻ
của người vợ một chủ cửa hàng nhỏ trên đảo Belitong - ấy là A Kiong. Tôi gặp lại
Samson khi anh đang là một người làm thuê, gặp lại Harun là “một người lớn bị nhốt
trong tâm trí một đứa trẻ”, Syahdan là một diễn viên bèo bọt lạc mất đâu đó ở mảnh đất
Jakarta, Mahar tập làm đồ chơi cho trẻ nhỏ… còn Trapani - tôi nghĩ cậu là người đáng
thương nhất, không may mắn trở thành một bệnh nhân tâm thần với chứng bệnh hiếm
gặp ở bệnh viện Zaal Batu.
Chỉ có Ikal và Kucai - một kẻ rất đỗi bình thường trong lớp học cùng học sinh dốt nhất
trường tiểu học Muhammadiyah, hoàn thành giấc mơ của mình. Kucai  trở thành ứng
cử viên cho một đảng chính trị và thành công giành được ghế trong Quốc hội. 
Nhưng sau cùng, chỉ có Ikal theo đuổi đến cùng con đường học tập.
Một cái kết đầy tiếc nuối. Bởi văn là đời. Và nhà văn Andrea Hirata,đã hoàn thành sứ
mệnh của “người thư ký trung thành của thời đại” (Ban-dắc) khi không tô hồng cho cái
kết của câu chuyện. Cái kết ấy chẳng phải đã khiến cho triệu triệu trái tim trên thế giới
thổn thức và dành sự quan tâm nhiều hơn đến những trẻ em không được đi học, không
được tiếp xúc với giáo dục hay sao? 
Liệu còn bao nhiêu đứa trẻ như Lintang - những thần đồng toán học phải chịu sự kìm
kẹp của bóng tối thất học đi nữa? 
Liệu còn bao nhiêu trẻ em như Mahar - những thần đồng nghệ thuật phải từ bỏ thiên
phú trời cho của mình vì hoàn cảnh không cho phép?
Liệu còn bao nhiêu tổ chức tàn nhẫn như PN tồn tại trên thế giới này?
Liệu còn bao nhiêu thầy cô khác mang trong mình giấc mộng giảng đường mà bị vô
vàn khó khăn cản bước như cô Mus và thầy Harfan?
Và hàng ngàn câu hỏi khác nữa được gợi ra từ cuốn sách…
Đó là lý do vì sao trong hàng ngàn cuốn sách đã từng đọc, tôi vẫn chọn “Chiến binh
Cầu vồng” - như một cuốn sách “gối đầu giường”, như một hành trang quý báu mà tôi
gìn giữ cẩn thận khi vào đời, một người thầy truyền cảm hứng mạnh mẽ về ánh sáng
của học tập, sách vở, giáo dục. Tôi cảm thấy thật may mắn biết bao khi được gián tiếp
bước chân vào trường tiểu học Muhammadiyah, được nhập học cùng mười một đứa
trẻ đặc biệt, được gặp gỡ những thầy cô yêu nghề và vĩ đại đến thế. Đâu phải ngẫu
nhiên tổng thống Nam Phi Nelson Mandela khẳng định: “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia
nào, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi” ? Trong
bất kỳ nền văn minh hay thời đại nào, giáo dục vẫn là chìa khoá để phát triển bản thân,
kiến thiết đất nước.
Tính đến hiện tại, hành tinh của chúng ta đang có khoảng hơn 63 triệu trẻ em bị thất
học. 
Hi vọng tất cả chúng ta hãy biết quý trọng những gì mình đang có để không ngừng
phấn đấu và nỗ lực giải cứu đất nước.
Hi vọng giáo dục sẽ trở thành ngọn đuốc soi sáng khắp nẻo đường. Hộ tống hàng ngàn
giấc mơ dang dở, chống lại gió cuốn bụi bay.
“Học tập không phải phương tiện để thăng tiến, kiếm tiền hay làm giàu. Học tập là cao
quý, là ca tụng nhân bản, là niềm vui được cắp sách tới trường và là ánh sáng văn
minh.”
                                     (Thầy Harfan - Hiệu trưởng trường Tiểu học Muhammadiyah)
Câu 2:
Sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng của em là: Truyền
tải văn hoá đọc trên phương diện văn hoá nghe - nhìn.
Mục tiêu:
 Văn hoá nghe - nhìn tạm thời đang chiếm thế thượng phong so với văn hoá đọc.
Vậy hãy truyền tải văn hoá đọc ngay trên phương diện của văn hoá nghe - nhìn.
Giúp sách tiếp cận gần hơn đến những ai vẫn đang bị trói buộc trong mạng xã
hội.
Nội dung công việc thực hiện:
 Tổ chức những hội sách miễn phí, livestream về văn hoá đọc trên các nền tảng
mạng xã hội thu hút bạn đọc tham gia.
 Quảng cáo cho những cuốn sách bằng những hình ảnh sống động (áp phích,
tranh minh hoạ…) trên đường phố và trên mạng xã hội.
 Tổ chức các chương trình, gameshow về sách vui nhộn trên sóng truyền hình.
Đối tượng hưởng lợi:
 Những page về văn chương nghệ thuật, về sách,... đạt được lượng tương tác
nhiều hơn, sự quan tâm nhiều hơn.
 Gắn kết hội hoạ với văn hoá đọc.
 Nhà tổ chức các chương trình, gameshow.
 Người dân có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm, bước vào thế giới kỳ diệu của
sách.
Kết quả đạt được:
 Giảm thiểu đáng kể số người bị văn hoá nghe - nhìn “thống trị”, mê say hơn với
văn hoá đọc.
 Truyền tải văn hoá đọc đến những bạn thiếu nhi nhỏ tuổi nhất
 Văn hoá đọc được truyền bá rộng rãi đến mọi đối tượng.

You might also like