You are on page 1of 25

Kỹ năng Nghị luận xã hội

I. PHÂN CHIA DẠNG ĐỀ:

1) Số nhận định/trích dẫn đề bài:

- Dạng 1: Một nhận định/trích dẫn

VD:

Con ong không bao giờ tích trữ cho ngày mai, hôm nay là đủ cho chính nó.

(Đức Phật)

Anh/chị có suy nghĩ gì về lời dạy trên của Đức Phật? Hãy viết bài văn trình bày suy nghĩ
của mình.

- Dạng 2: Hai nhận định/trích dẫn

VD:

Trong bộ phim Three Idiots (Ba chàng ngốc), câu nói cuối phim đọng lại ấn tượng sâu
sắc trong lòng khán giả đó là: Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.

Còn bài viết đăng trên Tonybuoisang.club lại mang tựa đề: Có một thế hệ trẻ, mở
miệng là thốt đam mê, nhưng vẫn dậy muộn, đói ăn, lười đọc sách và mãi không kiếm
được tiền. (www.tonybuoisang.club, 18/4/2018)

Suy nghĩ của anh/chị về các ý kiến trên.

2) Hình thức của dữ liệu:

- Dạng 1: Văn xuôi (1 mẩu tin, 1 câu chuyện…)

VD1:
Cho dữ liệu sau:

(1) Tờ New York Times có một bài viết về Khin Myint Maung, một trung sĩ cảnh sát giao
thông tại Yangon (cố đô của Myanmar),vừa được bầu chọn là "anh hùng trong đời
thực" (real-life hero). New York Times mô tả thành tích của Khin Myint Maung như sau:
"Hàng ngày, Khin Myint Maung có khoảng 12 tiếng làm nhiệm vụ ở một trong những
nút giao thông hỗn loạn nhất thành phố. Anh ấy gỡ rối và chống ùn tắc giao thông bằng
một thái độ kiên nhẫn, không mệt mỏi và vui vẻ, hài hước". Sự mô tả ấy rõ ràng không
giống với chiến tích một người anh hùng. Nhưng Khin Myint Maung vẫn được cộng
đồng tôn vinh bởi thái độ và trách nhiệm tuyệt vời trong công việc của anh đã thuyết
phục được người dân. (Theo Vn Express)

(2) Khi giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học Truyền máu Trung ương (Hà
Nội) về hưu, hàng trăm người bệnh đứng xen kẽ với các y bác sĩ mặc blouse trắng đến
chia tay và tri ân ông. Điểm chung giữa họ là gương mặt xúc động, nụ cười chia sẻ, và
đâu đó có cả nước mắt nghẹn ngào…. Hơn 30 năm công tác, Giáo sư Trí có 14 năm gắn
bó với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, khởi xướng nhiều hoạt động hiến máu
tình nguyện: Lễ hội xuân hồng, Hành trình đỏ… thu hút hàng nghìn người tham gia. Bản
thân ông cũng đã 21 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Ông là niềm yêu mến của các
bệnh nhân và cán bộ nơi đây. (Theo Vn Express)

Từ những câu chuyện trên, anh/ chị hãy trình bày suy nghĩ của bản thân về những anh
hùng trong đời thực.

VD2:

"Diễn giả Lê-ô Bu-sca-gli-a lần nọ kể về một cuộc thi mà ông làm giám khảo. Mục đích
của cuộc thi là tìm ra đứa trẻ biết quan tâm đến người khác nhất. Người thắng cuộc là
một cậu bé bốn tuổi.

Người hàng xóm của em là một ông lão vừa mất vợ. Nhìn thấy ông khóc, cậu bé lại gần
rồi leo lên ngồi vào lòng ông. Cậu ngồi rất lâu và chỉ ngồi như thế. Khi mẹ em hỏi em đã
trò chuyện những gì về ông ấy, cậu bé trả lời: "Không có gì đâu ạ. Con chỉ để ông ấy
khóc"

(Theo Phép màu nhiệm của đời)

Câu chuyện trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

- Dạng 2: Thơ (1 đoạn thơ, 1 bài thơ ngắn…)

VD:

Suy ngẫm của anh/chị về lời nhắn nhủ của nhà thơ, nhà giáo Bùi Nguyễn Trường Kiên
trong đoạn thơ sau:
Hãy hân hoan trước điều nhân nghĩa

Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân

Và hãy tin vào điều có thật:

Con người – sống để yêu thương.

(Gửi con)

- Dạng 3: Đề mở/Câu hỏi thiên hướng "bài luận":

VD1:

Trên báo hoa học trò số 1391 ra ngày 12/9/2022 tác giả Khánh An có bài viết:

"Cảm xúc" cũng cần được nghỉ ngơi như "cảm cúm". Trong đó tác giả có kể lại câu
chuyện bản thân từng viết đơn xin nghỉ học vì lý do đang cảm thấy buồn bã, bị stress.
Nhưng lý do đó không thuyết phục được giáo viên.

Theo anh/chị, nhà trường có nên chấp nhận lý do bài viết đưa ra không? Vì sao?

VD2:

Nếu được hồi sinh một giá trị đã mất, anh/chị sẽ hồi sinh điều gì?

II. NHỮNG LƯU Ý CHUNG:

1. Cách khai thác dẫn chứng trong bài NLXH:

*Dẫn chứng NLXH rất đa dạng:

- Câu chuyện về một con người/nhân vật nổi tiếng: Đen Vâu, Đặng Lê Nguyên Vũ,...

- Câu chuyện về một tập đoàn/doanh nghiệp: Trung Nguyên, CocaCola,...

- Một sự kiện: Tưởng niệm nạn nhân chết vì Covid-19, Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt
sĩ...

- Một quốc gia: Người Nhật Bản/Người Ấn Độ/…

- Phong tục, tập quán, nét sống của người dân ở quốc gia nào đó: Ikigai, Kintsugi,
Lagom,...

- Câu chuyện về con vật/thực vật (bám vào thông tin khoa học): Cá heo 52Hz,...

- Khác: Phim ảnh (Tiệc trăng máu, Bố già,...)/Âm nhạc (MV,...)

*Cách tìm dữ liệu và chuyển hoá dẫn chứng:


➡️Tìm nguồn đọc ở đâu?

- Web: Vietcetera, Trạm đọc, Express, VietnamNet, Wechoice.vn,...

- Mạng xã hội: Facebook (Việc tử tế)

- Sách:

+ Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (TS. Đặng Hoàng Giang)

+ Thiện, Ác, Smartphone (TS. Đặng Hoàng Giang)

+ Nếu biết trăm năm là hữu hạn (Phạm Lữ Ân)

+ Hiểu về trái tim (Minh Niệm)

+ Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)...

ĐƯA SÁCH VỀ BUÔN LÀNG BẰNG XE THƯ VIỆN LƯU ĐỘNG

Bắt đầu lăn bánh từ tháng 6/2022, trong vòng chưa đầy một năm, chiếc xe thư viện lưu
động "Thư viện mùa xuân" đã đem sách đến 50 trường tiểu học thuộc những vùng xa,
vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên.
Theo anh Phạm Thanh Tuấn - người sáng lập dự án "Thư viện mùa xuân" - tại các tỉnh
vùng Tây Nguyên bao gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum mà chuyến xe đã đi
qua, vẫn còn rất nhiều trường học đơn sơ ở tận trong buôn làng, không đủ diện tích
cũng như nhân sự để mở một phòng đọc cho các em học sinh.

Từ những năm 2019, khi còn điều hành Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột với nhiều
hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, anh Phạm Thanh Tuấn đã nhận ra một vấn đề còn tồn
tại ở quê hương mình.

Trên vùng đất Tây Nguyên, khoảng cách giữa các huyện khá xa, có khi lên đến 100 km,
đang là trở ngại với nhiều độc giả tiềm năng, những người mà dù có tổ chức nhiều sự
kiện ở thành phố, họ cũng không thể đến được. "Càng vùng sâu vùng xa thì càng cần
sách, nhưng việc di chuyển lại gặp nhiều khó khăn", anh nói.

Với niềm tin rằng bản chất của sách là phải lan tỏa được đến người cần đọc, anh bắt
đầu làm dự án đưa sách về buôn sau khi kết thúc công việc điều hành đường sách. Như
dự đoán, dự án gặp phải trở ngại đầu tiên chính là việc di chuyển. Những con đường
đất đỏ vào mùa khô thì bụi mù, mùa mưa thì gần như không vào được, đội tình nguyện
của anh và những thùng sách có lúc phải nhờ đến các loại xe cày, xe thô sơ mới vào
được một điểm trường ở tận trong buôn làng.

Nhận thấy việc vận chuyển số lượng sách lớn bằng xe máy không khả thi, anh Tuấn bắt
đầu áp dụng mô hình xe thư viện lưu động. Với một chiếc xe nhỏ chứa đầy sách và các
dụng cụ để tổ chức một buổi vui chơi, anh đến được với những điểm trường khó khăn
hơn, tổ chức các buổi sinh hoạt, vui chơi và quan trọng là qua đó, truyền cảm hứng đọc
sách cho các em.

Chưa kể, với nhiều trẻ em là người dân tộc, việc đọc sách tiếng Việt vẫn còn là một rào
cản. Vì thế, anh chủ động ưu tiên những cuốn sách tranh sinh động, ít chữ để tất cả các
em đều có thể tiếp cận.

Đến các nơi, anh cũng kết nối với những tình nguyện viên tại vùng đó, những người yêu
trẻ em và thích sách để tổ chức những buổi sinh hoạt. Anh cho rằng sách nhiều hay ít
không quan trọng bằng những người truyền cho các em cảm hứng đọc sách. Tại những
ngôi trường nhỏ trong buôn làng, anh cùng các tình nguyện viên bày sách vở, đồ chơi ra
sân trường, dưới tán cây mát… rồi cùng chơi và cùng đọc với các em.

Trước khi rời khỏi các điểm trường, đội tình nguyện viên cũng trang bị cho mỗi lớp học
một kệ sách nhỏ. Đó là mô hình anh Tuấn nhận thấy sẽ phù hợp được với nhiều trường
học nhỏ không thể trang bị một thư viện riêng. Hơn nữa, sách lại được ở gần các em
nhất có thể. Cho đến nay, chuyến xe "Thư viện mùa xuân" đã đi qua 50 điểm trường,
trao tặng gần 15.000 cuốn sách với khoảng 150 giá sách trang bị cho các lớp học.
"Mỗi đứa trẻ đều là một tài năng. Giáo dục hạnh phúc là tôn trọng và tạo điều kiện để
tài năng đó phát triển", anh nói.

NHỮNG HẠT GIỐNG CỦA CƠN MƠ

Như một người lạc lõng và hão huyền giữa thời đại mình đang sống, trong ngày đầu của
năm mới, tôi cất tiếng hỏi: Có ai chuẩn bị những hạt giống của giấc mơ không?

Câu hỏi này không phải bây giờ mới có trong tôi mà đã có từ lâu. Tôi và không ít người
đã cất tiếng, nhưng đáp lại là sự hờ hững như là không ai nghe thấy. Hay nói chính xác
hơn, là quá ít người nghe thấy hoặc nghe thấy nhưng họ đã bỏ đi. Bởi hai từ giấc mơ
vang lên như chẳng có ý nghĩa gì, chẳng làm ai thấy rung động. Giấc mơ là gì mà sao tôi
lại phải nói đến như một nỗi dày vò khôn nguôi trong khi hầu hết chúng ta bị cuốn vào
sự mê đắm của những lợi ích cụ thể nhìn được trong mắt và cầm được trong tay?

Tôi chỉ muốn chúng ta dừng lại một khắc của một năm để nhìn vào chính mỗi ngôi nhà
của chính chúng ta và tự hỏi: Có bao giờ chúng ta nói với nhau trong một buổi tối nào
đó về những giấc mơ của mình. Và chúng ta, những người thấu hiểu đời sống này, sẽ
giật mình nhận ra rằng: Đã từ lâu, từ lâu lắm rồi, chúng ta không còn nói về những giấc
mơ của mỗi chúng ta nữa.

Sẽ không ít người lên tiếng nói với tôi bằng một cử chỉ khó chịu hoặc bằng một âm
giọng mỉa mai rằng: Ngươi cứ tiếp tục gieo cái thứ hạt giống đó của ngươi. Còn ta, ta
chẳng cần thứ hạt giống đó để làm gì. Đúng vậy. Quá nhiều người không bao giờ hình
dung ra thứ hạt giống đó và không hề tin thứ hạt giống đó có chút ý nghĩa gì đó với
cuộc sống của họ. Nhưng đấy chính là sự lầm lạc. Và sự lầm lạc này hình như cũng
không bao giờ hiện rõ để nói về chính nó với những người bị nó làm cho u uẩn và hoảng
loạn.

Năm 2008, có một sự kiện diễn ra trên thế giới làm tôi suy nghĩ mãi. Đó chính là cuộc
bầu cử Tổng thống Mỹ. Một người đàn ông da màu còn rất trẻ và ít danh tiếng đã trở
thành Tổng thống Mỹ, ngài Barack Obama. Không ít người nhầm tưởng rằng ông được
bầu làm Tổng thống Mỹ là do sự thăng hoa của chủ nghĩa bình đẳng sắc tộc. Nhưng
thực tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Mỹ, theo những nhà hoạt động và nghiên cứu
xã hội, vẫn là một cơn ác mộng đối với những người da màu. Vậy điều gì đã làm cho một
dân tộc được coi là thực dụng nhất đã bỏ phiếu lựa chọn Obama? Đó là bởi trong một
ngày, khi Obama đi qua họ thì họ bỗng nhận ra những cái cây của giấc mơ mọc lên lộng
lẫy trong tâm hồn họ. Bản chất và hiện thực của nước Mỹ vẫn không có một chút gì
thay đổi khi Obama trở thành Tổng thống. Chỉ có một thứ đổi thay. Đó là giấc mơ của
người Mỹ về một tương lai đẹp đẽ ngập tràn chủ nghĩa nhân văn. Và họ đã đi theo kẻ
gieo những hạt giống của giấc mơ vào con người đang hoảng sợ và vô vọng của họ.

Nếu chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ hồi tưởng lại trong một năm chúng ta đã sống
như thế nào trong chính ngôi nhà của mình. Tôi chỉ nói về ngôi nhà của mỗi chúng ta
mà không nói đến những không gian rộng lớn hơn. Tôi chỉ chọn lựa một không gian mà
ở đó chứa đựng nhiều lý do nhất để mỗi chúng ta gieo những hạt giống của giấc mơ
vào chính mảnh đất của tâm hồn mình và của những người thân bên cạnh chúng ta.
Một việc rất nhỏ đã mất đi trong những ngôi nhà chúng ta làm tôi buồn bã và nuối tiếc.
Đó là những buổi tối, những người già kể cho những đứa trẻ nghe những câu chuyện
cổ tích.

Tôi đã nói đến điều này trên VietTimes, chuyên trang của báo VietNamNet và tôi đã bị
không ít bạn đọc mỉa mai, thậm chí nhạo báng. Nhưng tôi không hề giận các bạn. Trên
một bức tường đã cũ ở làng Chùa của tôi có một câu nói của những người nông dân:
Người yêu thơ và ta yêu người. Nhưng người không yêu thơ ta phải yêu người hơn. Thơ
ca ở đây không phải là những bài thơ cụ thể. Đó chính là những giấc mơ về cuộc sống
này. Bởi thế, chúng vừa thương, vừa lo sợ cho những kẻ không mang trong mình những
giấc mơ đẹp ấy.

Và những câu chuyện cổ tích không chỉ là những câu chuyện cổ tích. Ở đó chứa đựng
những giấc mơ đẹp đẽ và nhân ái về thế giới. Khi tâm hồn chúng ta đã vắng những giấc
mơ, khi đôi cánh của tâm hồn chúng ta không còn da diết đập, thì chúng ta bắt đầu trở
về thế giới của mình ngay trên chính những con đường hiện đại siêu tốc của chúng ta.

Hàng triệu đứa trẻ đang lớn lên từ những ngôi nhà của chúng ta. Nhiều lúc, chúng ta
trở về và nhìn thật sâu vào ngôi nhà của chính mình. Chúng ta mới giật mình vì sự
hoang vắng của ngôi nhà. Đó sẽ chỉ là một thế giới chết nếu không có những con người
mang trong họ những giấc mơ đẹp về thế gian này. Có lẽ vì thế mà nhiều lúc chúng ta
nổi giận, chúng ta u uất, chúng ta hoảng loạn… nhưng không hiểu vì đâu.
Những công dân tương lai của chúng ta sẽ ra sao khi lớn lên từ những ngôi nhà ấy.
Chúng ta đã và đang mắc một sai lầm hệ trọng khi nghĩ rằng chúng ta đã mang lại cho
những đứa trẻ tất cả những gì chúng cần với mọi thứ vật chất tốt nhất như quần áo,
thực phẩm, đồ chơi... Có bao nhiêu người mẹ, người cha hay thầy, hay cô, nói cho
chúng nghe về những điều kỳ diệu ở ngay bên ngoài ô cửa phòng ngủ và phòng học
của chúng. Không! Chúng ta đã đã quên lãng điều ấy từ lâu rồi. Và chính vì thế mà khi
những đứa trẻ lầm đường lạc bước thì chúng ta không hiểu vì sao lại như vậy.

Không chỉ trong những ngôi nhà của chúng ta, mà trong từng lớp học và nhiều nơi
chốn khác, chúng ta gần như không được nhìn thấy bóng dáng và giọng nói của những
người gieo hạt giống của giấc mơ vào những đứa trẻ và vào chính chúng ta. Chúng ta
mới chỉ lo sợ đến sự đau ốm sinh học của những đứa trẻ, trong khi đó lại quá ít lo sợ cho
những cơn đau ốm thuộc về tâm hồn của chúng. Và nếu chúng ta có lờ mờ nhận ra
những cơn đau ốm tâm hồn của những đứa trẻ thì chúng ta cũng không biết phải chữa
chạy như thế nào.

Bởi chúng ta đã lãng quên những giấc mơ của chính mình. Và khi chúng ta xoè bàn tay
của tâm hồn chúng ta ra, chúng ta chẳng thấy một hạt giống nào của giấc mơ trong cả
hai lòng bàn tay ấy. Cho đến lúc đó, chúng ta mới nhận ra rằng: Chúng ta thực sự là
những kẻ nghèo đói.

*Cách viết dẫn chứng sâu, lướt:

a) Dẫn chứng sâu:

- Viết khoảng 15 dòng.

- Lấy một con người thì KHÔNG tóm tắt về cuộc đời, mà nói trọng tâm vào vấn đề.

- Khi viết dẫn chứng sâu thì nên có những suy ngẫm về dẫn chứng đó (đặt ở gần kết).

- Dẫn vào phần dẫn chứng: Ắt hẳn chúng ta còn nhớ một nhân vật…/Ai trong chúng ta
chắc hẳn cũng đã từng nghe đến cái tên…/Về điều này, chúng ta đã từng thấy…/Chúng
ta thấy điều này trong câu chuyện của…/…

- Nên tách thành 1 đoạn riêng.

b) Dẫn chứng lướt:

- Viết khoảng 3-5 dòng.

- Nói thẳng vào trọng tâm của câu chuyện đó: Cũng giống như cách mà H' Hen Nie đã
làm, khước từ đề nghị kết hôn ở tuổi 14 để theo đuổi việc học hành, thực hiện đam mê…

- Đặt đi kèm với lý lẽ.


2. Tổng hợp kinh nghiệm làm bài NLXH:

- Đảm bảo nội tại giải quyết được hai câu hỏi: Vì sao? Như thế nào? Đối với những đề
chia vế được, ta có thể chia vế. Nhưng đối với đề càng ngắn, ta càng cần bám vào các
câu hỏi như "Vì sao?", "Như thế nào?"

VD: Sống là tỏa sáng.

- Đối với những đề có nhiều vế dài, ta cần: xác định được vế nào "nặng ký" (vế chính của
đề), rồi đặt câu hỏi "Vì sao?", "Như thế nào?" ở ngay vế chính đó. Còn những vế phụ, chỉ
viết 1 đoạn như đoạn nền (thường đoạn nền thì dẫn chứng lướt).

- Luôn phải bám vào từ khóa để tư duy ý tưởng để bài văn trở nên chặt chẽ hơn.

- Đối với đề NLXH dữ liệu là câu chuyện, cần chú ý:

+ Một câu chuyện thì không bao giờ đơn nghĩa, vì thế, ta cần truy tìm ra các lớp nghĩa,
góc nhìn khác nhau, để bài viết đa chiều, sâu sắc hơn; trừ trường hợp, đề bài yêu cầu: 1
bài học, 1 thông điệp.

+ Mở bài không được tóm tắt lại câu chuyện.

+ Phần giải thích gồm: tóm tắt lại câu chuyện khoảng 5 dòng, rồi đi vào giải thích các dữ
liệu trọng tâm (nhan đề, từ khóa, lời thoại, chi tiết,...), rồi suy ra vấn đề nghị luận chính
(còn các vấn đề phụ không cần suy ra).

+ Trong quá trình làm đề về câu chuyện, không được rời xa câu chuyện. Các đoạn lập
luận phải luôn có sự gắn kết với 1 chi tiết, 1 khía cạnh nào đó của câu chuyện.

- Đối với đề NLXH dữ liệu là khổ thơ/bài thơ:

+ Chú ý dễ lạc đề. Thơ cũng rất đa nghĩa, nên cần xác định được: vấn đề nghị luận trọng
tâm & các khía cạnh khác.

+ Khi làm bài, cũng cần chú ý bám vào các từ khóa trong bài thơ để cắt nghĩa, ví dụ bài
thơ:

Dù cho nắng tắt cuối ngày

Sao mờ lỗi hẹn trăng gầy ngủ quên

Ngại gì hun hút màn đêm

Khi ta có một trái tim biết nhìn...

Thì ta cần lưu ý một số từ như: "trái tim - biết nhìn" ("trái tim" có "biết nhìn" không? "trái
tim" thuộc về cảm xúc, "nhìn" thuộc về quan sát, lý tính...)
- Đối với đề mà có cho chủ đề/nhan đề, ví dụ như: Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của
mình về "những ranh giới/người mở đường/…" trong cuộc đời; hoặc lấy chủ đề là
"những ranh giới/người mở đường/…" anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên. Thì ta cần
bám vào chủ đề + nhận định, nhưng giải thích thì giải thích chủ đề trước rồi mới tới
nhận định.

- Khi làm NLXH, không được lấy dẫn chứng từ nhà văn, tác phẩm văn học đưa vào, ví dụ
Nam Cao, Tố Hữu,... Nên sử dụng dữ liệu xã hội, đời sống (trừ trường hợp trích dẫn dẫn
chứng là 1 nhà văn; hoặc trích dẫn từ những cuốn sách kinh điển...)

- NLXH muốn hay, muốn tạo ấn tượng thì phải có 1 đoạn viết về bản thân mình (liên hệ
bản thân). Mà đoạn này được linh hoạt lồng ghép vào phần "bài học nhận thức - hành
động".

- Chiêm nghiệm trong bài văn NLXH từ đâu?

+ Từ liên hệ bản thân và liên hệ thực tiễn:

VD:

Ngày bà mất đi, tôi cứ ngỡ đến một thời điểm nhất định, ở tương lai không xa, nỗi đau
sẽ nguôi ngoai, nước mắt sẽ không còn chảy nữa. Khi đã ở lưng chừng tuổi trẻ, tôi nhận
ra rằng, có những nỗi đau mãi mãi không thể chữa lành. Thời gian sẽ làm dịu đi phần
nào, đúng, nhưng không thể xóa nhòa nỗi đau. Ta chỉ có cách chấp nhận nó, vỗ về nó.
Nỗi đau về sự ra đi của bà quả làm đau tôi, nhưng nó vẫn luôn ở đó như một lời nhắc,
vừa đẹp vừa đau lòng, về sự hiện diện đặc biệt của người đã làm nên bản thân của hiện
tại bằng những bát cơm muối vừng, những câu chuyện kể. Hiểu về nỗi đau, để thấy đau
đôi khi cũng đẹp, và theo một cách rất riêng.

+ Từ ý tưởng, góc nhìn, cách lập luận sâu sắc, trưởng thành.

VD:

"Thực ra, bản chất của những đối tượng bên ngoài như tiền bạc, quyền lực, sắc dục
không phải là khổ đau, chỉ vì kẻ chạm tới nó có mang theo tham, sân, si nên nó bị biến
thành thứ gây ra khổ đau.

Nên phải khẳng định lại rằng, cuộc đời này chỉ có những điều bất như ý hay bất toại
nguyện chứ không có khổ đau. Bất như ý hay bất toại nguyện mà chấp nhận được,
không kháng cự hay loại trừ, thì đâu có xung lực nào tạo ra cảm giác khổ đau? Vấn đề
còn lại là làm sao có được trái tim lớn để dung chứa tất cả".

(Minh Niệm)

Hoặc:
Liệu con người ta có thể có hạnh phúc mà không cần có sự tham dự của khổ đau hay
không? Có. Đó là hạnh phúc đến từ sự tỉnh thức. Nếu bạn có khả năng sống trong tỉnh
thức, luôn nhận ra những điều kiện hạnh phúc mà mình đang có, luôn phát hiện kịp
thời thói quen ham muốn và chống đối dư thừa để buông bỏ, thì khổ đau không cách
nào có mặt được cùng với cái hạnh phúc ấy. Nhưng vì bạn chưa thể tỉnh thức trọn vẹn
trong mỗi giây phút, bạn vẫn còn mất kiểm soát, nên bạn sẽ vẫn còn khổ đau. Mà như
đã nói, khổ đau phải cần có mặt để nhắc nhở những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta
đang có. Và, như đã nói, không có gì là khổ đau cả, chỉ có cái bất như ý đeo bám theo
hạnh phúc (những điều như ý) mà thôi.

+ Từ diễn đạt có chất văn, có sự điềm tĩnh trong cách viết: Giọng văn chắc, chậm rãi, đặc
biệt là không được lên án, phê phán ai cả (vì bài văn này em viết như cho chính mình, vì
chính mình, đặt mình vào bài viết).

- Các đoạn văn trong bài nên cân xứng, không nên quá dài hoặc quá ngắn, tiêu chuẩn
20-25 dòng/đoạn.

- Dung lượng tiêu chuẩn của bài văn NLXH: 4 - 5 trang

- Thời gian tiêu chuẩn: 60-70 phút (cho đề 180 phút)

III. Phương pháp làm bài các dạng đề cụ thể:

1. Dạng đề 1 nhận định/trích dẫn:

I. Mở bài

- Mở bài bằng dữ liệu độc đáo

- Nêu được vấn đề, trích được nhận định, ý kiến

II. Thân bài

1. Phần giải thích:

- Đi từ việc giải thích từ khóa, cụm từ, hình ảnh, vế,... đến tổng thể nhận định.

- Rút ra được vấn đề trọng tâm.

- Không nhất thiết phải giải thích theo thứ tự.

- Cần cô đọng, khéo léo, tránh dài dòng, lan man, khó hiểu và khô cứng.

- Cần tham khảo một số cách diễn đạt: âu cũng là, phải chăng là, có chăng là,...

- Nên có một câu dẫn vào phần giải thích


2. Phần bàn luận:

2.1 Câu hỏi Vì sao?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ những quy luật, thuộc tính - dẫn chứng lướt

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ quan điểm cá nhân - dẫn chứng sâu

- Luận cứ 3: Soi chiếu từ các góc nhìn khác như: triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa
học, thực tiễn đời sống, tâm lý học,... - dẫn chứng sâu

2.2 Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ góc độ bên trong/chủ quan/… - dẫn chứng lướt/sâu

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ góc độ bên ngoài/khách quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

2.3 Phản biện

- Cách 1: Tận dụng các cặp đối lập: bên trong - bên ngoài, cá nhân - cộng đồng,
chính mình - người khác, im lặng - cất tiếng, cảm ơn - xin lỗi, lý trí - tình cảm,...

VD: Tôn trọng sự khác biệt. Đối lập với "sự khác biệt" là "chuẩn mực" thì ta phản
biện: Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta cũng phải biết tôn trọng và thừa nhận cả
những chuẩn mực chung.

VD: Chờ đợi là hạnh phúc.

~ Đối lập với "chờ đợi" là "dân thân": Đôi khi để có được hạnh phúc, người ta phải
dấn thân.

~ Đối lập với "hạnh phúc" là "thất vọng": Đôi khi chờ đợi không mang lại hạnh phúc
mà chỉ mang lại sự thất vọng.

- Cách 2: Bám vào các từ khóa chính/phụ khác trên nhận định (thậm chí xem xét
cấu trúc câu, dấu chấm hỏi, dấu chấm than…)

VD: Tôn trọng sự khác biệt.

~ Bám vào từ "tôn trọng": Chỉ tôn trọng thôi sao? Đôi khi mình còn phải thấu hiểu,
học hỏi từ sự khác biệt của những người xung quanh và của chính mình. Tức là
không chỉ "tôn trọng" mà còn "trân trọng".

~ Bám vào từ "khác biệt": Khác biệt nhưng không phải là dị biệt. Tôn trọng sự khác
biệt là điều xứng đáng, nhưng những dị biệt (đi ngược lại luân lý, thuần phong mỹ
tục,...) thì không.

- Cách 3: Bám vào thực tiễn đời sống, soi chiếu những trường hợp ngoại lệ, đặc biệt.
VD: Tôn trọng sự khác biệt.

~ Sự khác biệt của người khác ngày hôm nay có thể là một nguồn động lực để kích
thích chúng ta dám khác biệt. Nên, tôn trọng sự khác biệt của người khác ngày hôm
nay cũng chính là tôn trọng sự khác biệt của mình sau này.

~ Có những sự khác biệt vừa mới chớm nở đã bị dập tắt. Trong một vài trường hợp
nhất định, con người dường như không được phép khác biệt. VD Câu chuyện nữ
sinh Sư phạm đi quán Bar?

*Lưu ý khi phản biện:

- Không đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không như thế… thì sẽ như thế nào?

- Phản biện phải có dẫn chứng lướt đi kèm.

- Đảm bảo tối thiểu 2 đoạn phản biện trong bài văn.

2.4 Mở rộng - nâng cao

Đặt các câu hỏi khác như: Có đúng trong mọi trường hợp không? Có đúng với mọi
kiểu người không? Có đúng với mọi thời điểm không?

3. Liên hệ thực tiễn

- Soi chiếu vào các câu chuyện/tình huống/sự kiện có thực trong thực tiễn đời sống:
của Việt Nam hoặc của quốc tế.

- Khi soi chiếu, cần hướng đến một đối tượng cụ thể, ví dụ giới trẻ, trẻ em, học sinh,
phụ nữ,...

- Chạm đến những câu chuyện mang tính thời sự, nóng hổi.

- Bày tỏ băn khoăn, trăn trở, không phán xét và lên án bất kì ai.

4. Liên hệ bản thân

- Soi chiếu với những trải nghiệm của bản thân (góc nhìn, suy tư, băn khoăn, trăn
trở,...); từ đó vừa bày tỏ sự trăn trở, vừa rút ra những bài học chung cho mình và cho
mọi người.

- Để có ý tưởng viết đoạn này, ta cần đặt những câu hỏi liên hệ bản thân ví dụ như:
Đã bao giờ ta thấy mình chợt ích kỷ trong 1 khoảnh khắc nào đó chưa?/Đã bao giờ ta
bỏ quên mơ ước của chính mình?/Đã bao giờ ta cảm thấy cuộc đời bất công, tàn
nhẫn?/Đã bao giờ ta thấy mất niềm tin vào con người chưa?/…
VD: Dám chấp nhận và chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình cũng là một bản

2. Dạng đề 2 nhận định/trích dẫn:

2.1 Cách 1: Giải quyết từng nhận định:

I. Mở bài

- Mở bài bằng dữ liệu độc đáo

- Nêu được vấn đề, trích được nhận định, ý kiến

II. Thân bài

1. Phần giải thích:

*Tiến trình giải thích: Nhận định 1 ➡️Tiểu kết nhận định 1 ➡️Nhận định 2 ➡️Tiểu kết
nhận định 2 ➡️Tổng kết, rút ra vấn đề: Mối quan hệ/Tương quan.

2. Phần bàn luận:

2.1 Giải quyết nhận định 1

Câu hỏi Vì sao?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ những quy luật, thuộc tính - dẫn chứng lướt

- Luận cứ 2 + 3: Soi chiếu từ quan điểm cá nhân & Soi chiếu từ các góc nhìn khác
như: triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa học, thực tiễn đời sống, tâm lý học,... - dẫn
chứng sâu

Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

- Luận cứ 1 + 2: Soi chiếu từ góc độ bên trong/chủ quan/… & Soi chiếu từ góc độ bên
ngoài/khách quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

Phản biện cho nhận định 1

2.2 Giải quyết nhận định 2

Câu hỏi Vì sao?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ những quy luật, thuộc tính - dẫn chứng lướt

- Luận cứ 2 + 3: Soi chiếu từ quan điểm cá nhân & Soi chiếu từ các góc nhìn khác
như: triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa học, thực tiễn đời sống, tâm lý học,... - dẫn
chứng sâu
Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

- Luận cứ 1 + 2: Soi chiếu từ góc độ bên trong/chủ quan/… & Soi chiếu từ góc độ bên
ngoài/khách quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

Phản biện cho nhận định 2

2.3 Mối quan hệ giữa hai nhận định

2.4 Phản biện chung

Ý kiến 1: Sự thành công đến từ đam mê.

- Phản biện riêng cho ý kiến 1: Sự thành công không chỉ đến từ đam mê mà còn đến
từ sự nỗ lực của con người.

=> Đúng: Sự thành công đến từ đam mê. Song, đam mê của con người phải chính
đáng, đủ lớn, không phải là những mơ tưởng viễn vông…

Ý kiến 2: Sự thành công đến từ sự nỗ lực.

=> Đúng: Song, không phải sự nỗ lực nào của con người cũng được đền đáp xứng
đáng. Có những sự nỗ lực không đặt đúng hoàn cảnh, đúng thời điểm sẽ chỉ là nỗ
lực ảo/vô nghĩa.

=> PHẢN BIỆN CHUNG: Thành công không chỉ đến từ đam mê (nhận định 1), không
chỉ đến từ sự nỗ lực (nhận định 2), mà còn đến từ các yếu tố khác nữa: điểm tựa bên
ngoài, may mắn…

2.5 Mở rộng - nâng cao

3. Liên hệ thực tiễn

4. Liên hệ bản thân

III. Kết bài

2.2 Cách 2: Giải quyết gộp:

I. Mở bài

- Mở bài bằng dữ liệu độc đáo

- Nêu được vấn đề, trích được nhận định, ý kiến

II. Thân bài


1. Phần giải thích:

*Tiến trình giải thích: Nhận định 1 ➡️Tiểu kết nhận định 1 ➡️Nhận định 2 ➡️Tiểu kết
nhận định 2 ➡️Tổng kết, rút ra vấn đề: Mối quan hệ/Tương quan.

2. Phần bàn luận:

2.1 Câu hỏi Vì sao?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ những quy luật, thuộc tính - dẫn chứng lướt

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ quan điểm cá nhân - dẫn chứng sâu

- Luận cứ 3: Soi chiếu từ các góc nhìn khác như: triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa
học, thực tiễn đời sống, tâm lý học,... - dẫn chứng lướt

2.2 Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ góc độ bên trong/chủ quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ góc độ bên ngoài/khách quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

2.3 Mối quan hệ giữa hai nhận định

2.4 Phản biện riêng/chung

2.5 Mở rộng - nâng cao

3. Liên hệ thực tiễn

4. Liên hệ bản thân

III. Kết bài

3. Dạng đề dữ liệu thơ/câu chuyện:

I. Mở bài

- Mở bài bằng dữ liệu độc đáo

- Nêu được vấn đề, trích được nhận định, ý kiến

II. Thân bài

1. Phần giải thích:

- Tóm tắt tinh thần chính của câu chuyện/bài thơ/…


- Tiến hành giải thích bình thường như dạng đề 1 nhận định, chỉ rút ra vấn đề trọng
tâm (những cái khác để dưới phần bàn luận trình bày)

2. Phần bàn luận:

2.1 Câu hỏi Vì sao?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ những quy luật, thuộc tính - dẫn chứng lướt

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ quan điểm cá nhân - dẫn chứng sâu

- Luận cứ 3: Soi chiếu từ các góc nhìn khác như: triết học, tôn giáo, đạo đức, khoa
học, thực tiễn đời sống, tâm lý học,... - dẫn chứng sâu

2.2 Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

- Luận cứ 1: Soi chiếu từ góc độ bên trong/chủ quan/… - dẫn chứng lướt/sâu

- Luận cứ 2: Soi chiếu từ góc độ bên ngoài/khách quan/… - dẫn chứng sâu/lướt

2.3 Phản biện

- Phản biện cho vấn đề nghị luận trọng tâm (bằng các cách trên).

- Nói về những ý tưởng, góc nhìn, thông điệp… khác có thể được rút ra từ dữ liệu
(trừ trường hợp đề bài yêu cầu chỉ 1 thông điệp).

2.4 Mở rộng - nâng cao

- Đặt các câu hỏi khác như: Có đúng trong mọi trường hợp không? Có đúng với mọi
kiểu người không? Có đúng với mọi thời điểm không?

- Hoặc nói về những ý tưởng, góc nhìn, thông điệp… khác có thể được rút ra từ dữ
liệu (trừ trường hợp đề bài yêu cầu chỉ 1 thông điệp).

3. Liên hệ thực tiễn

4. Liên hệ bản thân

4. Dạng đề mở (có thể đưa về dạng 1 - cần chú ý câu lệnh):

I. Mở bài

- Mở bài bằng dữ liệu độc đáo

- Nêu được vấn đề mở/gợi mở vấn đề


II. Thân bài

1. Phần giải thích:

2. Phần bàn luận:

2.1 Câu hỏi Vì sao?

2.2 Câu hỏi Như thế nào?/Bằng cách nào?

2.3 Phản biện

2.4 Mở rộng - nâng cao

3. Liên hệ thực tiễn

4. Liên hệ bản thân

III. Kết bài

IV. DÀN Ý THAM KHẢO:

Đề 1: "Hãy thử một lần làm "kẻ ngốc" trên đời!"

1. Giải thích:

- Kẻ ngốc:

+ Theo nghĩa đen, kẻ ngốc (đối lập với người tỉnh táo), là những người kém về trí khôn,
về khả năng suy xét, ứng phó, xử sự. Và kẻ ngốc thường "bị người khác coi thường"
(thông qua việc, người ta dùng "kẻ ngốc", chứ không ai nói người thông thái là "kẻ
thông thái" cả).

+ Trong trường hợp này, "kẻ ngốc" được đặt trong dấu ngoặc kép, thể hiện sự nhấn
mạnh hàm ý đặc biệt. Ngốc ở đây thể hiện một sự nhún nhường, khiêm tốn.

- Thử làm kẻ ngốc: đó chính là quá trình thử nghiệm, trải nghiệm cảm giác của kẻ ngốc.

- Cấu trúc: "Hãy…!" như một yêu cầu, một lời ngỏ rằng con người (cụ thể là những
người đang tỉnh táo), hãy thử một lần làm kẻ ngốc, trải nghiệm cảm giác của kẻ ngốc.

➡️Rút ra vấn đề: Một trải nghiệm đặc biệt: Thử làm kẻ ngốc.

2. Bàn luận:

2.1 Vì sao lại "thử làm kẻ ngốc" - một trải nghiệm lạ lùng?

- Đầu tiên, cần phải khẳng định, ai cũng mong muốn mình thông minh, thông thái,
nhanh nhạy trong các tình huống của cuộc hiện sinh (bởi xuất phát từ một nguyên
nhân sâu xa, cốt lõi: con người có cái tôi rất lớn, lòng tự trọng cao, không chấp nhận
việc bị người khác coi thường, khinh rẻ…)

- Thử làm kẻ ngốc chính là một trải nghiệm có thể "rất lạ", nhưng cũng rất cần thiết
trong cuộc sống: thử để sống trọn vẹn hơn, thử để biết nhiều hơn, thử để nắm bắt được
những câu chuyện mình chưa từng trải, thử để rút ra bài học, kinh nghiệm…

-…

2.2 Vậy "thử làm kẻ ngốc" ở đây là như thế nào?

- Thử làm kẻ ngốc - chính là thử một lần khác biệt, "lựa chọn lối đi không có dấu chân
người", mặc cho người khác chế giễu, coi thường, cho rằng mình ngu ngốc.

- Thử làm kẻ ngốc - chính là thử một lần không để tâm quá nhiều chuyện thiên hạ,
không toan tính quá nhiều, giả ngốc nghếch để sống nhẹ nhõm, thoải mái hơn.

-…

2.3 Phản biện:

- Cái ngốc mà mình thử, phải không được gây ảnh hưởng đến lợi ích của người khác,
của cộng đồng nói chung…

- Sự kết hợp linh hoạt giữa sự tỉnh táo - sự "ngốc nghếch" để cuộc sống trở nên dễ chịu,
tốt đẹp hơn.

2.4 Mở rộng - nâng cao:

Có phải lúc nào "thử làm kẻ ngốc" cũng tốt không? Để ý trên đề, chỉ "thử một lần", chứ
không phải là "nhiều lần" - đó là trải nghiệm cần thiết "nên thử", chứ không được lấy cớ
"thử làm kẻ ngốc" mà trở thành kẻ ngốc thật sự. Điều quan trọng vẫn là, sau sự "thử" ấy,
ta nhận được lợi ích gì.

3. Liên hệ thực tiễn:

Bày tỏ những suy tư, chiêm nghiệm về các tình huống thực tế đời sống/các vấn đề thời
sự nóng hổi.

4. Liên hệ bản thân: Bản thân em đã từng thử làm kẻ ngốc chưa?

Đề 2: Trong kí ức của Cao Huy Thuần, những ngày Tết ở quê hương thật đẹp: "Ai cũng
mặc đẹp, ai cũng giữ gìn lời ăn tiếng nói. Đầu năm, không giận, không nói lời thô tục. Ai
cũng cho vui, chào nhau, chúc nhau, ai cũng cho hoa miệng, ai cũng nhận tiếng cười,
hồn nhiên."

Trình bày suy nghĩ của anh/chị về những cái đẹp ấy trong cuộc sống hôm nay.
1. Giải thích:

- Chú ý, trong câu lệnh có nhắc đến "những cái đẹp ấy", nghĩa là trọng tâm là cái đẹp.

- Cái đẹp: những giá trị thẩm mĩ, là sự hoàn thiện mà con người theo đuổi như một đích
đến của lý tưởng sống. Cái đẹp trong cuộc sống rất đa dạng: bên ngoài - bên trong; quá
khứ - hiện tại; truyền thống - hiện đại;...

- Với Cao Huy Thuần, cái đẹp là những giá trị thuộc về truyền thống, thuần phong mỹ
tục của dân tộc Việt: "mặc đẹp", "lời ăn tiếng nói", cung cách ứng xử hòa nhã,... (những
gì mà Cao Huy Thuần nói chỉ là "biểu hiện" của cái đẹp truyền thống này thôi, chứ
không phải là đề bàn về "cung cách ứng xử, ăn nói, ăn mặc" các bạn nhé).

- Suy nghĩ của Cao Huy Thuần nhắc nhở ta về sự trân trọng những cái đẹp, những giá trị
truyền thống, cũng như là đặt ra vấn đề về câu chuyện của cái đẹp, giá trị ấy trong
"cuộc sống hôm nay".

2. Bàn luận:

2.1 Bàn về giá trị của cái đẹp phong tục, văn hóa, truyền thống:

2.2 Thực trạng về những cái đẹp ấy trong cuộc sống hôm nay:

2.3 Vì sao lại có thực trạng như vậy?

+ Nguyên nhân khách quan

+ Nguyên nhân chủ quan

2.4 Vậy đứng trước thực trạng đó, ta trân trọng, giữ gìn những cái đẹp ấy bằng cách
nào?

2.5 Phản biện:

- Biết giữ gìn, phát huy vẻ đẹp truyền thống, nhưng cần bài trừ những hủ tục lạc hậu, đi
ngược lại quy luật phát triển, nhân văn của xã hội.

- Biết ngoảnh lại quá khứ, nhưng phải hòa nhập để phát triển với xu thế chung, để
"thích ứng" trong thời đại "phẳng"...

2.6 Mở rộng - nâng cao:

- Nếu để ý, tác giả nói rằng "những ngày Tết ở quê hương", vậy tại sao những giá trị đẹp
đẽ đó lại bắt nguồn từ "quê hương", từ long mạch của văn hóa làng xã? Vậy phải chăng,
"quê hương" và "thành thị" có những góc nhìn, những "chuẩn" thẩm mĩ khác nhau khi
cùng nhìn về giá trị truyền thống? Ở đây, các em suy nghĩ về câu chuyện: Văn minh liệu
có làm cho giá trị truyền thống bị "biến dạng"?
- "Trong kí ức của Cao Huy Thuần" - hóa ra, đó là khi tác giả đã trưởng thành, ngoảnh lại
để nhìn ngắm những giá trị cũ, những cái đẹp cũ nhưng thuộc về "căn cốt" văn hóa,
phong tục, đời sống tinh thần của người Việt Nam. Biết nhìn lại ký ức, biết bày tỏ sự trân
trọng "cái đẹp" truyền thống là một sự cần thiết trong thời hiện đại, khi mà con người
đang bắt đầu sống vội, sống nhanh, và trở thành những cỗ máy...

3. Liên hệ thực tiễn:

Cao Huy Thuần lại là một người xa xứ. Đứng từ nơi đất khách quê người, trông lại gốc
gác của mình, của nôi văn hóa Việt, tác giả - như một đại diện cho những kiều bào Việt
Nam sinh sống trên khắp thế giới, đó là câu chuyện hướng về cội nguồn, yêu quê
hương, và nhìn sâu xa hơn, lại là câu chuyện "tìm về bản thể".

4. Liên hệ bản thân:

Đề 3: Kết thúc chương trình truyền hình VTV đặc biệt - RANH GIỚI, số ra ngày
8/9/2021, một câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Khải đã được dẫn lại:

"Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ. Ở
đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có
những sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy".

Anh/chị có suy ngẫm gì về "những ranh giới" trong cuộc đời.

1. Giải thích:

- Ranh giới là gì?

- Ranh giới được hình thành như thế nào?

+ Từ vận động đời sống, từ quy luật tồn tại ➡️ranh giới bên ngoài, hữu hình: ví dụ biên
giới quốc gia, ranh giới sống - chết, sinh tồn - hủy diệt, ranh giới mới - cũ...

+ Từ quan niệm, tư tưởng con người ➡️ranh giới bên trong, vô hình: ví dụ hạnh phúc -
khổ đau, định kiến - đồng cảm, tập quán - cổ hủ…

➡️Rút ra vấn đề: Sự hiện diện tất yếu của những ranh giới & sự cần thiết của việc bước
qua ranh giới trong cuộc đời.

2. Bàn luận:

2.1 Tại sao phải vượt qua ranh giới?

- Khát vọng chinh phục & kiến tạo xưa nay của con người cũng như nỗi sợ "bị mắc kẹt"
trong những ranh giới.
- Để ranh giới ấy không là con đường cùng (như Nguyễn Khải nói, cuộc sống này không
có con đường cùng)

- Để khẳng định bản thân, để tìm kiếm ý nghĩa sống, để chinh phục những giới hạn...

2.2 Vượt qua ranh giới như thế nào? (Nguyễn Khải chỉ mới nói chúng ta là "điều cốt
yếu phải có sức mạnh để vượt qua ranh giới đó", chứ chưa cụ thể hóa sức mạnh từ đâu,
làm sao để có sức mạnh...)

- Bằng điểm tựa bên trong (sức mạnh nội tại): sự dũng cảm, bản lĩnh, kiên trì, ước mơ...

- Bằng điểm tựa bên ngoài: đôi khi để vượt qua ranh giới, ta phải nhờ vào sự giúp đỡ, hỗ
trợ của người khác.

2.3 Phản biện:

- Có phải ranh giới nào cũng cần vượt qua? Có những ranh giới không thể/không nên
vượt qua, đó là ranh giới về đạo đức, về phẩm chất, nhân tính, pháp luật...

- Ta vượt qua ranh giới nhưng không được đánh mất chính mình: vượt qua ranh giới
không có nghĩa là ta trở thành con người mới, ta vẫn là ta, chỉ có điều sức mạnh của ta
được tăng lên. Vượt qua ranh giới không có nghĩa là phủ nhận hoàn toàn con người
mình trước ranh giới cũ.

2.4 Mở rộng - nâng cao:

- Có những người không thể vượt qua ranh giới của chính mình: đó là lý do dẫn đến hội
chứng tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu, đa nhân cách,... như vậy, cuộc sống với họ
chẳng khác gì con đường cùng !

- Và một điều đặc biệt, ranh giới "không ranh giới", nghĩa là khi ta vượt qua được ranh
giới 1 rồi, ta lại tiếp tục đối mặt với ranh giới 2, cứ như thế, cuộc đời mở rộng biên độ
hơn, sức mạnh của ta trở nên dồi dào hơn...

3. Liên hệ thực tiễn:

4. Liên hệ bản thân:

Đề 4: Nhà bác học Acsimet từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng cả
trái đất lên".

Từ câu nói trên, anh/chị có suy nghĩ gì về điểm tựa trong cuộc sống.

1. Giải thích:

Trước hết là sự xuất hiện của tương quan không cân xứng "tôi – trái đất" nhưng khi
"điểm tựa" xuất hiện thì tương quan ấy hoàn toàn bị thay đổi. Con người bé nhỏ bỗng
có một sức mạnh để "nâng bổng trái đất" – một sức mạnh phi thường có thể làm được
những điều không tưởng. Có thể hiểu theo công thức: "Tôi + Điểm tựa = Nâng bổng trái
đất".

Ý nghĩa của điểm tựa là nơi gia tăng sức mạnh, tiếp lực cho con người. Nếu có điểm tựa
thì một con người bé nhỏ có thể nâng sức mạnh của mình lên rất nhiều lần, thậm chí là
không tưởng.

➡️Điểm tựa của Acsimet là điểm tựa vật lí cơ học, nhưng nhìn ở góc độ nhân sinh thì đó
còn là những điểm tựa trong cuộc đời.

2. Bàn luận:

2.1 Trong cuộc sống, có những loại điểm tựa nào?

- Trong cuộc sống, điểm tựa xuất hiện rất nhiều nhưng cơ bản vẫn có hai loại điểm tựa
chính, đó là: điểm tựa bên trong và điểm tựa bên ngoài.

+ Điểm tựa bên ngoài: đó là gia đình, người thân, thầy cô, bạn bè, cộng đồng xã hội, giá
trị truyền thống văn hóa dân tộc…

+ Điểm tựa bên trong: đó là khát vọng, ý chí, nghị lực, lý tưởng…

- Mối quan hệ giữa điểm tựa bên trong và điểm tựa bên ngoài:

+ Nếu như chỉ có điểm tựa bên trong mà không có điểm tựa bên ngoài thì làm gì cũng
khó thành công, hoặc có thành công thì cũng khó có được những kì tích, những thành
công lớn. Có những điểm tựa phần lớn chúng ta đều có thể có (gia đình, bạn bè, thầy
cô) nhưng việc tìm kiếm những điểm tựa từ cộng đồng xã hội, từ những người xung
quanh mình, thậm chí là những kẻ đối lập với mình thì không phải ai cũng có thể làm
được. Điều đó cho thấy một điều: Việc tìm kiếm những ĐTBN là một năng lực, điều này
quyết định đến mức độ thành công của một cá nhân trong cuộc đời.

+ Nhưng nếu chỉ có điểm tựa bên ngoài mà không có điểm tựa bên trong thì con người
dễ rơi vào sự ỷ lại, dựa dẫm, khi đó điểm tựa sẽ trở thành điểm dựa, và con người cũng
không còn sức mạnh nội tại của mình. Và vì thế, khó có được những thành công đích
thực và lâu bền. Điểm tựa bên ngoài thì không bình đẳng đối với mỗi cá nhân (do vị trí,
cảnh ngộ, giai cấp khác nhau), nhưng chỉ khi nào điểm tựa bên ngoài được kết hợp và
chuyển hóa thành điểm tựa bên trong thì đó mới là sức mạnh đích thực của con người.

2.2 Cách xử lý điểm tựa cho mình và cho người khác?

- Chúng ta cần những điểm tựa cho mình để trưởng thành vững vàng và mạnh mẽ
trong cuộc sống nhưng ta chỉ thực sự trưởng thành vững vàng và thực sự mạnh mẽ khi
chúng ta trở thành điểm tựa cho người khác. Cảm giác được sống và làm điểm tựa cho
người khác khiến ĐTBT của chúng ta trở nên rắn chắc, mạnh mẽ hơn.
Điểm tựa bên ngoài rất phong phú nhưng sức mạnh của nó vẫn là hữu hạn, còn sức
mạnh của điểm tựa bên trong mới là vô hạn. Và sức mạnh vô hạn ấy chỉ được kích hoạt
khi ta biết sống như làm một điểm tựa cho người khác.

- Chúng ta cần phải làm điểm tựa cho người khác, nhưng đồng thời cũng là tìm ra ở đó
một điểm tựa cho chính mình. Khi ta biết sống một cách vị tha, biết sống bằng tình yêu
thương dành cho người khác, chẳng những ta đã dành cho người khác một điểm tựa
mà cũng là để tìm thấy điểm tựa cho chính mình.

2.3 Vị trí và ý nghĩa của điểm tựa trong cuộc đời?

- Điểm tựa luôn đi cùng chúng ta trong suốt cuộc đời này. Ta tiếp nhận điểm tựa ngay
từ khi còn ở trong bào thai. Chính những điểm tựa đã giúp ta trưởng thành, đưa ta vào
trong cuộc đời này. Nhưng không chỉ thế, sống cuộc đời ý nghĩa, ta vẫn cần phải có ước
mơ, mục tiêu để chinh phục, đồng nghĩa với việc, ta phải đối mặt với thử thách, thậm
chí là những thất bại. Và ở những thời khắc đó, ta càng cần hơn hết những điểm tựa.

- Điểm tựa giúp ta hiểu rằng ta không cô đơn trong cuộc đời này, không độc lập cá thể
mà sống trong sự cộng sinh, tương tác. Ở đó, ta vừa là điểm tựa cho người khác, vừa là
điểm tựa cho chính mình. Và sống tức là tương tác, là trở thành điểm tựa và tiếp nhận
điểm tựa. Và vì thế, điểm tựa không chỉ cho một cá nhân mà còn cho cả một thế hệ,
một cộng đồng, thậm chí là nhân loại.

3. Liên hệ thực tiễn:

- Thế hệ trẻ hôm nay, họ đang có thêm nhiều điểm tựa từ bên ngoài, nhưng chính vì
thế, đó lại là một thách thức đối với điểm tựa bên trong. Điểm tựa bên ngoài dễ khiến
họ ỷ lại và đánh mất đi sức mạnh nội tại của mình. Và trước mắt chúng ta, là "làm thế
nào để điểm tựa bên ngoài chuyển hóa thành điểm tựa bên trong?" chứ không phải là
để cho điểm tựa bên trong ngày càng trở nên mai một.

- Trong xã hội ngày nay, sự vô cảm đang nhiều lên, tức là sự tương giác giữa con người
với nhau sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Và ta đang mất đi những điểm tựa từ nhau. Một
mặt, ta không đủ dũng cảm, hào hiệp để làm điểm tựa cho người khác. Nhưng mặt
khác, ta cũng không đủ niềm tin để người khác làm điểm tựa cho chính mình. Mỗi cá
nhân và cả cộng đồng đang mất đi những sức mạnh.

4. Liên hệ bản thân:

Điểm tựa vật lí của Acsimet là điểm tựa sẵn có. Còn điểm tựa trong cuộc đời là ta phải
lựa chọn và quan trọng hơn, là ta phải kiến tạo nên nó. Và sự kiến tạo đó phải bắt đầu từ
chính mình – phải học để đi vào cuộc đời bằng tấm lòng rộng mở, bằng trái tim yêu
thương và trách nhiệm. Chỉ khi đó, ta mới đủ dũng cảm, hào hiệp và sự kiêu hãnh để
làm điểm tựa cho người khác. Và cũng chính vì thế, ta sẽ có được rất nhiều những điểm
tựa cho chính mình.

V. THỰC HÀNH:

Đề 1: Bạn hãy giữ lấy cái gì của riêng mình và làm sao cho nó phát triển một cách tự do.
Lúc một người không có cái gì của riêng mình thì người đó chẳng có gì hết.

Đề 2: Chúng ta thường đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của mình nhưng rồi sau
đó lại dành cả đời để sống theo tiêu chuẩn của người khác.

You might also like