You are on page 1of 12

BỘ TƯ PHÁP

TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

--------------

BÀI TẬP HỌC KỲ


MÔN: Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật

ĐỀ BÀI: 07

HỌ VÀ TÊN : Hoàng Bảo Trâm

MSSV : 453510

LỚP : 4535 - TL:A

Hà Nội, 2021

0
MỤC LỤC

MỞ ĐẦU ............................................................................................................... 2

NỘI DUNG ........................................................................................................... 2

I. Tóm tắt nội dung bài viết: “Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa pháp luật
và đạo đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội” của tác giả Hoàng Thị Kim Quế
(Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/1999)....................................................... 2

1.1. Vị trí, vai trò của pháp luật và đạo đức trong hệ thống các quy phạm
điều chỉnh xã hội ............................................................................................. 2

1.2. Sự thống nhất, sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức.................................... 3

1.2.1. Sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức........................................ 3

1.2.2. Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức .......................................... 3

1.3. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức ......................................... 4

II. Điểm giống và khác nhau trong quan điểm về mối quan hệ giữa pháp luật
và đạo đức của tác giả Hoàng Thị Kim Quế trong bài viết: “Một số suy nghĩ
về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội”
(Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/1999) và tác giả Nguyễn Văn Năm trong
bài viết: “Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức” (Tạp chí Luật
học, số 4/2006) ................................................................................................... 4

2.1. Sự giống nhau giữa pháp luật và đạo đức ................................................ 5

2.2. Những điểm khác nhau giữa pháp luật và đạo đức.................................. 5

2.3. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức ........................................ 5

III. Nhận xét về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức ở Việt Nam hiện nay 7

KẾT LUẬN ........................................................................................................... 9

DANH LIỆU TÀI MỤC THAM KHẢO .......................................................... 10

1
MỞ ĐẦU

Hiện nay, pháp luật được xác định là công cụ quan trọng nhất để nhà nước
quản lý xã hội và đồng thời vai trò của đạo đức cũng hết sức được chú trọng.
Giữa chúng thường xuyên có những mối quan hệ tác động qua lại, đan xen ảnh
hưởng lẫn nhau dù bản thân chúng có những điểm riêng biệt. Mối quan hệ ấy là
một đề tài rất lớn, đã được nhiều tác giả quan tâm và nghiên cứu ở nhiều góc độ
và phạm vi khác nhau. Tuy nhiên, việc giải quyết về mặt lý luận của mối quan
hệ này ở thực tiễn Việt Nam là điều khá mới mẻ và ít được quan tâm, nghiên
cứu. Vì vậy, em chọn đề bài số 7 để đi sâu và làm rõ hơn về mối quan hệ cơ bản
nhất giữa đạo đức và pháp luật, đồng thời qua đó đánh giá được thực trạng mối
quan hệ giữa pháp luật với đạo đức ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số phương
pháp để nâng cao vai trò của đạo đức và pháp luật trong đời sống.

NỘI DUNG

I. Tóm tắt nội dung bài viết: “Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa pháp
luật và đạo đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội” của tác giả Hoàng Thị
Kim Quế (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/1999)

Trong lý luận chung truyền thống về Nhà nước và pháp luật, mối quan hệ
giữa đạo đức và pháp luật ít được quan tâm nghiên cứu. Thời gian gần đây, mối
quan hệ trên đã được đưa ra xem xét trên các phương diện khác nhau. Trong
phạm vi bài viết này, qua bước đầu tìm hiểu, tác giả đã đưa ra những ý kiến sau
đây:
1.1. Vị trí, vai trò của pháp luật và đạo đức trong hệ thống các quy phạm điều
chỉnh xã hội

Hệ thống thống các quy phạm xã hội ở nước ta hiện nay rất phong phú,
bao gồm: quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, tập quán, phong tục, luật tục,
hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, quy phạm của các tổ chức xã hội...
Quan điểm đánh giá tổng thể và có hệ thống về pháp luật là quan điểm mà theo
đó phải đặt pháp luật trong mối tương quan với các quy phạm xã hội khác.

Tập quán là nhứng thói quen xử xự, những tác phong được lặp đi lặp lại
trong thời gian ở cá nhân hay ở một cộng đồng hoặc ở toàn xã hội. Những hành
vi vi phạm tập quán sẽ bị áp dụng bởi chế tài là dư luận xã hội, có tính chất

2
không “nặng nề lắm”. Phong tục là thói quen lan rộng, đã ăn sâu vào đời sống
xã hội từ lâu đời, được đa số chấp nhận và làm theo. Luật tục là những tập quán,
phong tục tồn tại dưới dạng truyền khẩu và thành văn, chỉ bao gồm những phong
tục, tập quán, quy lệ tác động đến những hành vi cá nhân trong cộng đồng hay
giữa các cộng đồng với nhau như là những quy tắc xử xự mang tính bắt buộc,
gắn với những hình thức xử phạt và khen thưởng.

Trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh xã hội, pháp luật và đạo đức giữ
vị trí trung tâm, có vai trò quan trọng nhất. Trong cuộc sống hằng ngày, hành vi
của mỗi cá nhân thường chịu sự điều chỉnh nhiều nhất của đạo đức và pháp luật.
Dưới dạng phổ quát nhất, đạo đức là tổng thể những nguyên tắc, quan niệm,
chuẩn mực xã hội về điều thiện, điều ác, về danh dự, lương tâm, lẽ công bằng…
Xã hội càng phát triển thì vai trò của những yếu tố đạo đức càng được đề cao.
Mọi hành vi của con người đều phải được đánh giá từ tiêu chí pháp luật và đạo
đức. Bằng những thuộc tính, những sức mạnh riêng có của mình mà các loại quy
phạm khác không có được, pháp luật có thể tác động mạnh mẽ đến các quy
phạm xã hội khác ở những điều kiện nhất định. Mỗi loại quy phạm xã hội đều có
vị trí, vai trò, đặc thù điều chỉnh, ưu thế và hạn chế riêng, song chúng đều nằm
trong một thể thống nhất, có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau.
Pháp luật không phải là công cụ vạn năng điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội
nên cần sự trợ giúp từ các công cụ khác, do đó cũng không nên “cố gắng” thể
chế hóa mọi quan hệ xã hội thành pháp luật.

1.2. Sự thống nhất, sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức

1.2.1. Sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức

Thứ nhất, chúng đều có chức năng chung là điều chỉnh hành vi của con
người và các mối quan hệ xã hội. Đạo đức và pháp luật đều có quy định về cái
thiện và cái ác thống nhất với nhau. Chúng bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên sự
điều chỉnh mạnh mẽ đối với hành vi con người.

Thứ hai, tính thống nhất nằm ở thái độ, sự đánh giá, sự cảm nhận, cách
xử lí đối với những hành vi của con người, hay là pháp luật và đạo đức có sự
phù hợp với nhau. Chính vì thế mà ta thấy được mối tương quan giữa các hành

3
vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức có liên hệ rất chặt chẽ với nhau, phải
có sự kết hợp các biện pháp để khắc phục và đấu tranh.

1.2.2. Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức

Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện ở nhiều góc độ khác
nhau:

Về phạm vi điều chỉnh, dù có nhiều quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng
cả pháp luật và đạo đức nhưng phạm vi điều chỉnh của chúng không hoàn toàn
trùng hợp nhau. Pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản;
đạo đức có thể điều chỉnh các quan hệ xã hội không thuộc phạm vi của pháp luật
như lĩnh vực tình yêu, tình bạn… Mặt khác, đạo đức không thể hoặc rất khó
đánh giá một số hành vi, mà ở pháp luật có những quy phạm liên quan đến pháp
lý – kĩ thuật.

Về hình thức, mức độ thể hiện, pháp luật có mức độ thể hiện cụ thể, chi
tiết hơn. Pháp luật dưới dạng văn bản được thể hiện thành những quyền và nghĩa
vụ cùng với biện pháp xử lý – những chế tài nhất định. Đạo đức thường đề cập
đến bổn phận nhiều hơn là quyền, chủ yếu tồn tại ở dạng bất thành văn thường là
trong ca dao, tục ngữ…

Về phương pháp đảm bảo thực hiện, đạo đức được đảm bảo thực hiện bởi
yếu tố lương tâm, hoặc sức mạnh từ dư luận xã hội; pháp luật được đảm bảo
thực hiện bởi quyền lực nhà nước, bằng cả sự tự giác của con người trên cơ sở
nhận thức đứng đắn. Chế tài của pháp luật được quy định cụ thể trong các điều
luật; còn ở đạo đức, chế tài mạnh nhất là dư luận xã hội, tiếp đến là sự day dứt
lương tâm khi không làm điều gì đó mà phù hợp với chuẩn mực đạo đức.

Ngoài ra, pháp luật và đạo đức còn thể hiện sự khác biệt ở nhiều góc độ
khác như: nguồn gốc ban đầu, sự hình thành trong đời sống xã hội…

1.3. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức

Pháp luật ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp những nguyên tắc đạo đức phù
hợp với xã hội. Pháp luật là một trong những hình thức khẳng định, bảo vệ và
phát huy chuẩn mực đạo đức, nhưng cũng hạn chế và loại bỏ các chuẩn mực đạo
đức tiêu cực, phản tiến bộ. Đồng thời, pháp luật hỗ trợ trong việc hình thành các

4
chuẩn mực đạo đức mới. Pháp luật là phương tiện đảm bảo đạo đức được thực
hiện trong cuộc sống thông qua các biện pháp tác động của Nhà nước.

Đạo đức không chỉ là môi trường để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp
luật mà còn là cơ sở cho việc xây dựng pháp luật. Ngoài ra, đạo đức cũng là
phương tiện bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật trong điều chỉnh quan hệ xã hội.

II. Điểm giống và khác nhau trong quan điểm về mối quan hệ giữa pháp
luật và đạo đức của tác giả Hoàng Thị Kim Quế trong bài viết: “Một số suy
nghĩ về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức trong hệ thống điều chỉnh
xã hội” (Tạp chí Nhà nước và Pháp luật số 7/1999) và tác giả Nguyễn Văn
Năm trong bài viết: “Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức”
(Tạp chí Luật học, số 4/2006)

2.1. Sự giống nhau giữa pháp luật và đạo đức

Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm chỉ ra được năm điểm giống nhau
giữa pháp luật và đạo đức, trong đó có hai điểm giống với bài viết của tác giả
Hoàng Thị Kim Quế. Một là, pháp luật và đạo đức đều là phương tiện điều chỉnh
hành vi quan trọng bậc nhất. Hai là, pháp luật và đạo đức luôn có sự phù hợp
với nhau ở những mức độ cơ bản, cách đánh giá của chuẩn mực đạo đức được
thừa nhận ở trong pháp luật, đạo đức lại có phạm vi điều chỉnh rộng hơn pháp
luật.

Ngoài ra, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm còn bổ sung thêm một số
điểm giống nhau giữa pháp luật và đạo đức. Một là, về tính chất, pháp luật và
đạo đức đều mang tính quy phạm phổ biến. Hai là, pháp luật và đạo đức đều
thuộc phạm trù ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn xã
hội phát triển nhất định. Pháp luật và đạo đức đều chịu sự chi phối của đời sống
kinh tế xã hội, bởi vậy mỗi xã hội có những quan điểm, chuẩn mực đạo đức
riêng, hệ thống pháp luật riêng phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, văn
hóa... trong xã hội đó. Ba là, cả pháp luật và đạo đức đều có tính giai cấp và tính
xã hội.

2.2. Những điểm khác nhau giữa pháp luật và đạo đức

5
Hai bài viết đều chỉ ra một số điểm khác nhau giữa pháp luật và đạo đức.
Một là, phạm vi điều chỉnh khác nhau. Hai là, hình thức và hình thức thể hiện
của pháp luật và đạo đức khác nhau (ở bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm có
phân tích rõ hơn và tách ra làm hai điểm khác nhau). Ba là, phương pháp đảm
bảo thực hiện khác nhau.

Ở bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm có bổ sung thêm một số ý kiến về
sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức mà bài viết trước đó không đề cập đến.
Một là, về con đường hình thành của pháp luật khác con đường hình thành của
đạo đức. Hai là, về cách thức điều chỉnh, pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã
hội bằng cách xác định các quyền, nghĩa vụ cho chủ thể còn đạo đức xác định
cho chủ thể hành vi nên làm và không nên làm. Ba là, cơ chế điều chỉnh của
pháp luật khác với đạo đức.

2.3. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức

Bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm đã chia rõ ra hai phần để đi sâu,
phân tích về tác động của đạo đức đến pháp luật và tác động của pháp luật đến
đạo đức.

Về sự tác động của đạo đức đến pháp luật

Cả hai bài viết đều chỉ ra rằng pháp luật được xây dựng trên một cơ sở
đạo đức nhất định. Tuy nhiên, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm còn có
thêm ý nhận xét là đạo đức của giai cấp thống trị có ảnh hưởng đến pháp luật
mạnh mẽ nhất.

Nếu như bài viết của tác giả Hoàng Thị Kim Quế có nhắc đến việc đạo
đức là công cụ bổ sung, hỗ trợ cho pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội (tuy
nhiên tác giả không đi sâu vào phân tích việc này) thì bài viết của tác giả
Nguyễn Văn Năm lại không chỉ ra điều đó mà lại đi sâu vào phân tích đạo đức
tác động đến việc thực hiện pháp luật của chủ thể. Cụ thể là đạo đức cá nhân
quyết định môi trường nội tại mỗi người để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp
luật như thế nào. Người có đạo đức tốt thì thường là người có thái độ tôn trọng
pháp luật và ngược lại. Đặc biệt, nhà chức trách cần phải có đạo đức tốt thì pháp
luật mới được áp dụng một cách “đạt lý, thấu tình”. Bài viết của tác giả Hoàng
Thị Kim Quế có đề cập đến vấn đề này đó là đạo đức là môi trường để mọi

6
người tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật, nhưng lại không nhấn mạnh
vào việc đi vào phân tích ở trong các trường hợp chủ thể khác nhau

Về sự tác động của pháp luật đến đạo đức


Cả hai bài viết đều chỉ ra rằng, pháp luật ghi nhận lại những nguyên tắc,
chuẩn mực đạo đức xã hội và hạn chế, loại bỏ một số nguyên tắc đạo đức. Tuy
nhiên, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm lại chú trọng đến tính giai cấp, có
nghĩa là những nguyên tắc đạo đức được ghi nhận lại trong pháp luật phải ưu
tiên phù hợp với giai cấp thống trị rồi mới phù hợp đến các giai cấp khác trong
xã hội. Không chỉ những nguyên tắc đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ mà cả trái với
lợi ích của giai cấp thống trị cũng bị pháp luật loại trừ, hạn chế.

Không chỉ hỗ trợ trong việc hình thành các chuẩn mực đạo đức mới, theo
tác giả Nguyễn Văn Năm, pháp luật còn góp phần ngăn chặn sự thoái hóa đạo
đức, điều này có ý nghĩa tương tự với luận điểm pháp luật là phương tiện đảm
bảo đạo đức được thực hiện trong cuộc sống thông qua các biện pháp tác động
của Nhà nước trong bài viết của tác giả Hoàng Thị Kim Quế.

Tóm lại, bài viết của tác giả Nguyễn Văn Năm có sự tiến bộ hơn, đã phát
hiện ra được một số điểm mới trong việc phân tích về mối quan hệ giữa đạo đức
và pháp luật, đặc biệt phải kể đến tính giai cấp của đạo đức và pháp luật đã chi
phối rất nhiều đến nội dung của chúng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã
hội. Bên cạnh đó, bài viết này còn mang tính khái quát, tổng hợp cao hơn từ việc
đã rút kinh nhiệm từ bài viết trước và bài viết cũng đã đã chỉ rõ từng ý một với
hệ thống luận điểm được sắp xếp mạch lạc, có hệ thống.

III. Nhận xét về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức ở Việt Nam hiện
nay

Rút kinh nghiệm từ hạn chế về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức của
cơ chế nền kinh tế cũ, Đại hội toàn quốc lần thứ sáu của Đảng Cộng sản Việt
Nam đã chỉ ra những nhận thức sai lầm trong hoặt động thực tiễn, đưa ra những
chủ trương đường lối mới để chuyển biến đất nước, trong đó, vai trò của pháp
luật và đạo đức trong quản lí xã hội cũng được khẳng định: “Quản lí xã hội bằng

7
pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức”1. Tuy nhiên, hiện nay
việc phối hợp nhịp nhàng giữa pháp luật và đạo đức để quản lí xã hội vẫn đang
gặp khó khăn, bởi lẽ hiện nay, nhận thức về pháp luật có hai khuynh hướng, một
là quá đề cao pháp luật, coi pháp luật là công cụ vạn năng, có thể xác lập hay
xóa bỏ một thành phần kinh tế nào đó một cách duy ý chí; hai là quá hạ thấp vai
trò của pháp luật; và đặt các truyền thống đạo đức lên để quản lí xã hội.

Có thể nói, do truyền thống làm Việt Nam chậm quan tâm tới pháp luật:
“Xã hội Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các trào lưu tư tưởng đạo
đức lớn của đạo Phật và Nho giáo, do vậy, xã hội Việt Nam là xã hội coi trọng
đạo đức, một xã hội duy tình”2. Giai đoạn hiện nay, chúng ta đang dần nhấn
mạnh vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Pháp luật được xây dựng trên
cơ sở quan niệm đạo đức của nhân dân lao động, pháp luật Việt Nam hiện hành
đã thể hiện ý chí và vì lợi ích của nhân dân lao động. Điều này được ghi nhận
trong Hiến pháp 2013 “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Pháp luật Việt Nam còn phản ánh rõ nét những tư tưởng nhân đạo, nhiều quy tắc
đạo đức đã được “luật hóa”, ví dụ như hành vi không cứu giúp người trong một
số trường hợp có thể coi là tội phạm và bị trừng phạt nghiêm khắc (Điều 102 Bộ
Luật hình sự năm 2015), hay những chính sách khoan hồng hành vi vi phạm
pháp luật (Điều 29 Bộ Luật hình sự 2015) phù hợp với truyền thống đạo đức
“đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”. Chính pháp luật đã góp phần
giữ gìn và phát huy những quan niệm, quy tắc đạo đức tiến bộ, tốt đẹp của dân
tộc, ngăn chặn sự thoái hóa đạo đức, và góp phần hạn chế, loại trừ dần những
quan niệm, quy tắc đạo đức lạc hậu, phản tiến bộ. Đặc biệt, các luật quy định
trong lĩnh vực hôn nhân gia đình phản ánh khá rõ các quan niệm, quan điểm đạo
đức bởi “so với lĩnh vực pháp luật khác, luật hôn nhân gia đình là lĩnh vực có
quan hệ mặn nồng nhất với đạo đức”3, ví dụ như Điều 5.2.c (Luật Hôn nhân và

1
Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội
1996, tr. 129
2
Nguyễn Minh Đoan (2008), Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, tr.168
3
Hoàng Thị Kim Quế, Báo cáo tóm tắt đề tài NCKH: Mối quan hệ giữa pháp luật với đạo
đức trong quản lí xã hội ở nước ta, Đại học quốc gia Hà Nội, tr.8

8
gia đình 2014) quy định: Cấm hành vi sau đây: “c) Người đang có vợ, có chồng
mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ,
chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có
chồng, có vợ”.

“Đạo đức là nguồn của pháp luật. Đạo đức trong xã hội đã thực sự hỗ trợ,
bổ sung cho pháp luật, tạo điều kiện để pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh
trong đời sống” 4. Điều 14 Bộ luật dân sự quy định: “Trong trường hợp pháp
luật không quy định và các bên không có thỏa thuận, thì có thể áp dụng tập
quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không được trái với những
nguyên tắc được quy định trong bộ luật này”, như vậy, nhà nước Việt Nam hiện
nay đã thừa nhận tập quán (bao gồm các nguyên tắc đạo đức) có thể dùng để xử
lí các tình huống mà pháp luật không quy định, miễn là nội dung không trái với
ý chí pháp luật.

Mặc dù đang dần đề cao vai trò của pháp luật nhưng gần đây hiện tượng
xuống cấp, thoái hóa đạo đức đang ngày phổ biến trong xã hội. Nhiều cán bộ,
công chức lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân, tham nhũng, vơ vét
bòn rút của công để phục vụ lợi ích cá nhân. Nhiều nhà sản xuất, gian thương
bán đồ giả, kém chất lượng. Chưa dừng lại ở đó, nhiều hành vi khác cũng phản
ánh sự xuống cấp của đạo đức như người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ, người
mẹ bỏ rơi đứa con mới sinh tàn nhẫn, giết người chặt xác phi tang… diễn ra
ngày càng phổ biến, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Hiện tượng đạo đức xuống
cấp như vậy là do sự can thiệp của nhà nước qua pháp luật vẫn còn chưa hiệu
quả, chưa có tính răn đe mạnh nên sự suy thoái đạo đức đang diễn ra và lại càng
trở nên trầm trọng hơn.

Để nâng cao vai trò, tác dụng của pháp luật và đạo đức, đặc biệt là khắc
phục tình trạng suy thoái đạo đức, cần phải có sự kết hợp của nhiều biện pháp.
Đầu tiên, chúng ta cần phải nâng cao nhận thức đúng đắn về bản chất, vị trí và
vai trò của pháp luật, đạo đức và sự tác động qua lại giữa chúng trong xã hội
hiện nay. Chính vì vậy, công tác giáo dục đạo đức và pháp luật cần phải thực
hiện đẩy mạnh, phù hợp với đối tượng tác động. Phải nhấn mạnh vị thế của pháp

4
Nguyễn Văn Năm, Mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức ở Việt Nam hiện nay, Luận văn
thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2003, tr.58

9
luật trong việc quản lý đất nước, “quản lý đất nước bằng pháp luật chứ không
chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, thể
hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước”5. Đồng
thời, chú trọng nâng cao đạo đức, bên cạnh tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,
cần phải tuyên dương những tấm gương đạo đức thời nay, những tấm gương mà
gần gũi với đời sống thường ngày của người dân. Bên cạnh đó, phải không
ngừng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật sao cho đáp ứng kịp thời nhu cầu
quản lí xã hội. Cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với một số tội
danh gây ảnh hưởng trầm trọng đến lợi ích xã hội. Pháp luật được ban hành phải
trên cơ sở các quan niệm, quan điểm đạo đức tốt đẹp của dân tộc, nhằm giữ gìn
và phát huy những quan điểm, quan niệm đạo đức đó. Kết hợp một cách hài hòa
hai công cụ quản lý này sẽ giúp phát huy ưu những thế, giảm bớt những hạn chế
của mỗi công cụ; góp phần tạo dựng nên xã hội Việt Nam công bằng và hạnh
phúc hơn.

KẾT LUẬN

Pháp luật và đạo đức là hai công cụ quản lí xã hội quan trọng, vì vậy, Nhà
nước đã xác định quản lí xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục,
nâng cao đạo đức. Để pháp luật và đạo đức được sử dụng một cách hiệu quả,
trước hết chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn về chúng và nghiêm chỉnh chấp
hành, tuân thủ pháp luật, đồng thời nâng cao ý thức đạo đức cá nhân. Có như
vậy thì mới góp phần tạo nên cuộc sống, xã hội ổn định và phát triển.

5
Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà
Nội, 1987, tr.120.

10
DANH LIỆU TÀI MỤC THAM KHẢO

Văn bản pháp luật


1. Hiến pháp 2013 nước CHXHCN Việt Nam
2. Luật dân sự 2015
3. Luật hình sự 2015
4. Luật hôn nhân và gia đình 2014
Sách, bài viết, tạp chí
5. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội lần thứ VIII, Nxb. Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 129.
6. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI,
Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.120.
7. Hoàng Thị Kim Quế, Báo cáo tóm tắt đề tài NCKH: Mối quan hệ giữa
pháp luật với đạo đức trong quản lí xã hội ở nước ta, Đại học quốc gia Hà
Nội, tr.8.
8. Hoàng Thị Kim Quế, Một số suy nghĩ về mối quan hệ giữa pháp luật và
đạo đức trong hệ thống điều chỉnh xã hội, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật
số 7/1999.
9. Nguyễn Minh Đoan (2008), Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.168.
10. Nguyễn Văn Năm, Nhận thức về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức,
Tạp chí Luật học số 4/2006.
11.Trương Nguyễn Tuệ, Suy nghĩ về thực trạng đạo đức xã hội hiện nay, Tạp
chí Tuyên giáo số 10/2019.
Luận án, luận văn
12.Nguyễn Văn Năm, Mối quan hệ giữa pháp luật với đạo đức ở Việt Nam
hiện nay, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2003,
tr.58.

11

You might also like