You are on page 1of 7

MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ MỐI QUAN GIỮA PHÁP LUẬT VÀ ĐẠO ĐỨC TRONG HỆ THỐNG

ĐIỀU CHỈNH XÃ HỘI


Nghiên cứu đề tài mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, có thể được xem là một trong
những hướng nghiên cứu cơ bản của khoa học pháp lý, bởi lẽ, quản lý xã hội bằng pháp luật kết
hợp với đạo đức là một vấn đề mang tính nguyên tắc, như Đảng ta đã khẳng định:" Quản lý xã
hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức".
Trong lý luận chung truyền thống về Nhà nước và pháp luật, mối quan hệ giữa pháp luật và
đạo đức ít được quan tâm nghiên cứu. Thời gian gần đây, những khía cạnh khác nhau của mối
quan hệ trên cũng đã bắt đầu được đưa ra xem xét như: tư tưởng đạo đức và pháp luật Hồ Chí
Minh², pháp luật và đạo đức trong hệ thống các quy phạm xã hội... Về phương diện pháp lý,
trước hết phải kể đến những ý kiến có tính chất định hướng cho việc nghiên cứu mối quan hệ
giữa pháp luật và đạo đức đã được thể hiện trong nhiều công trình khoa học của tiến sỹ luật học
Đào Trí Úc. Tác giả đề cập những hướng nghiên cứu quan trọng như: sự tương quan giữa hành
vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức; sự phối hợp giữa các công cụ điều chỉnh xã hội ở
nước ta; vai trò của đạo đức trong việc xây dựng nền văn hoá pháp lý, vv...
Mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức là một đề tài rộng và phức tạp cần được xem xét từ
nhiều góc độ khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, qua bước đầu tìm hiểu, chúng tôi xin nêu
một số ý kiến sau đây:
I. Vị trí, vai trò của pháp luật và đạo đức trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh xã
hội.
Mọi xã hội chỉ có thể tồn tại và phát triển được trên cơ sở của sự trật tự và ổn định, được hình
thành nên nhờ một hệ thống rất phong phú các quy phạm điều chỉnh xã hội. Hệ thống các quy
phạm xã hội ở nước ta hiện nay bao gồm: quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, tập quán,
phong tục, luật tục, hương ước, quy ước của các cộng đồng dân cư, quy phạm của các tổ chức
xã hội, và các tổ chức tôn giáo. Quan điểm đánh giá tổng thể và có hệ thống về pháp luật là
quan điểm mà theo đó phải đặt pháp luật trong mối tương quan với các quy phạm xã hội khác.
Lâu nay, luật học còn ít nghiên cứu về vai trò, tác dụng thực tế của các loại quy phạm xã hội
khác, mối quan hệ giữa chúng với pháp luật, đặc biệt là đối với tập quán, phong tục, luật tục và
hương ước - những phương tiện điều chỉnh quan trọng trong đời sống thường nhật của con
người.
Tập quán là những thói quen xử sự, những tác phong được lặp đi lặp lại trong thời gian ở cá
nhân hay ở một cộng đồng hoặc ở toàn xã hội. Những hành vi vi phạm tập quán sẽ bị áp dụng
những chế tài nhất định, đó chính là dư luận xã hội. Tính chất của những chế tài này không
“nặng nề lắm", bởi lẽ, ở tập quán, có sự thể hiện tính giao động "giữa tình trạng bắt buộc với rất
đáng làm theo"
Về phong tục, phong là gió, tục là thói quen, và vì vậy phong tục là thói quen lan rộng, đã ăn
sâu vào đời sống xã hội từ lâu đời, được đa số mọi người chấp nhận và làm theo. Phong tục
cũng là một loại tập quán, nhưng có những điểm khác với những tập quán thông thường bởi tính
chất, mức độ bắt buộc cao hơn so với tập quán. Trong nội dung của phong tục có chứa đựng
những chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, chính trị, khoa học, mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời
ít nhiều mang tính chất sinh hoạt tâm linh, tôn giáo. Phong tục có phạm vi điều chỉnh rộng. Cũng
như các loại quy phạm xã hội khác, phong tục, tập quán chi phối, ràng buộc hành vi của con
người; để tồn tại, con người buộc phải thích nghi, phải tuân theo ở mức độ này hay mức độ khác
các loại quy phạm xã hội khác nhau- những "sợi dây ràng buộc" con người trong xã hội. Trong
cả một hệ thống phong tục, tập quán chằng chịt, rắc rối, không thể nào nhớ hết, hiểu hết, những
quy định bất thành văn đó, khi rơi vào những hoàn cảnh, tình huống nhất định, con người phải
lựa chiều, tuỳ theo đó mà định liệu cách xử sự phù hợp, phải " tuỳ tục".
Về luật tục, theo các quan điểm phổ biến hiện nay, luật tục được hiểu là những tập quán,
phong tục tồn tại dưới dạng truyền khẩu và thành văn, là hệ thống những quy tắc xử sự điều
chỉnh mọi mặt của đời sống cộng đồng. Điều khác biệt giữa luật tục với những tập quán, phong
tục bình thường là luật tục không phải là tổng hợp mọi phong tục, tập quán mà chỉ bao gồm
những phong tục, tập quán, quy lệ tác động đến những hành vi cá nhân trong cộng đồng hay
giữa các cộng đồng với nhau như là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc, gắn với những
hình thức xử phạt và khen thưởng. Trong luật tục Ê ĐÊ và M'Nông có nhiều điều trực tiếp nói về
tập quán, phong tục và các hình thức xử lý các vi phạm tập quán. Hương ước làng cũng là một
loại quy tắc xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội ở làng, thôn.
Nội dung của hương ước có nhiều điểm phù hợp với pháp luật, với đạo đức truyền thống, thuần
phong mỹ tục của dân tộc ta. Những năm gần đây, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta đã
có những quy định làm tiền đề cho việc áp dụng và phát triển hương ước và luật tục. Đó là
nguyên tắc: tôn trọng, bảo vệ và phát huy những phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp của
các dân tộc, cho phép áp dụng tập quán trong lĩnh vực đời sống dân sự về những trường hợp
pháp luật không quy định (Xem các điều: 5, 79 Hiến pháp 1992; 4,14, 629 ... Bộ luật Dân sự ).
Trong hệ thống các quy phạm điều chỉnh xã hội, pháp luật và đạo đức giữ vị trí trung tâm, có
vai trò quan trọng nhất. Pháp luật và đạo đức có phạm vi điều chỉnh rộng, bao quát tất cả các
lĩnh vực quan hệ xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày, hành vi của mỗi cá nhân thường chịu sự
điều chỉnh nhiều nhất của đạo đức và pháp luật. Các yếu tố của đạo đức ở những mức độ khác
nhau được thể hiện trong tất cả các quy phạm xã hội, đặc biệt là ở phong tục, tập quán, luật tục,
hương ước. Dưới dạng phổ quát nhất, đạo đức là tổng thể những nguyên tắc, quan niệm, chuẩn
mực xã hội về điều thiện, điều ác, về danh dự, lương tâm, lẽ công bằng, vinh, nhục... Ở đâu có
con người thì ở đó có đạo đức, có quan hệ đạo đức. Trong xã hội có một hiện tượng phổ biến là
con người luôn có nhu cầu hướng tới các giá trị đạo đức, hướng tới cái thiện, nhân đạo, lẽ công
bằng. Xã hội càng phát triển, càng hiện đại thì vai trò của những yếu tố đạo đức càng được đề
cao. Một khi trong tay con người hiện đại có đầy đủ những phương tiện kỹ thuật mạnh mẽ, có
thể khiến cho hàng trăm, hàng nghìn và hơn thế nữa nhiều lần, những người xung quanh phải
phụ thuộc vào thì những phẩm chất đạo đức của người sử dụng kỹ thuật ấy sẽ là yếu tố hàng
đầu để đảm bảo đời sống an toàn, hạnh phúc của những người khác. Nói đến con người, đến
giá trị con người thì tất nhiên phải nói đến đạo đức, vì: "đạo đức là một lĩnh vực thực sự người"8.
Mọi hành vi của con người đều phải được đánh giá từ tiêu chí pháp luật và đạo đức. Yếu tố tích
cực, sự tác động trực tiếp lên hành vi của con người là một trong những điểm khác nhau cơ bản
giữa pháp luật và đạo đức với các bộ phận khác của thượng tầng kiến trúc xã hội. Bằng những
thuộc tính - những sức mạnh riêng có của mình mà các loại quy phạm xã hội khác không có
được, pháp luật có tác động mạnh mẽ đến các quy phạm xã hội, với nội dung tiến bộ, pháp luật
sẽ có ảnh hưởng tích cực tới các quy phạm xã hội, trong những chừng mực nhất định sẽ làm
thay đổi nội dung của những quy phạm xã hội đó. Trong những trường hợp cần thiết, pháp luật
sẵn sàng "xung phong" vào để hỗ trợ, bảo vệ các lợi ích khác nhau mà các quy phạm xã hội
khác điều chỉnh.
Mặc dù mỗi loại quy phạm xã hội có vị trí, vai trò, đặc thù điều chỉnh riêng của mình, song
chúng bao giờ cũng nằm trong một thể thống nhất, có mối quan hệ mật thiết, hỗ trợ, bổ sung cho
nhau. Pháp luật chỉ có thể thực hiện được vai trò là phương tiện hàng đầu trong việc điều chỉnh
các quan hệ xã hội, khi có sự bổ sung, hỗ trợ của các quy phạm xã hội khác. Pháp luật không
thể và cũng không cần thiết phải điều chỉnh hết tất cả các quan hệ xã hội. Không nên coi pháp
luật là công cụ vạn năng, và do đó cũng không nên "cố gắng" thể chế hóa mọi quan hệ xã hội
thành pháp luật. Mỗi một loại quy phạm xã hội có những ưu thế và hạn chế của mình, chẳng
hạn, pháp luật khó có thể tác động đến các quan hệ tư tưởng và quan hệ tình cảm. Nhưng trong
việc điều chỉnh loại quan hệ xã hội này, đạo đức, luật tục lại tỏ ra có ưu thế hơn. Pháp luật dù là
"đại lượng như nhau cho những người khác nhau" cũng không thể khái quát hoá đến mức không
tính đến những tập quán của các dân tộc thiểu số như luật tục ở Tây Nguyên, của các dân tộc
phía bắc nước ta. Phong tục, tập quán, luật tục, hương ước ngoài những hạn chế, ảnh hưởng
tiêu cực ra, còn có vai trò tích cực trong việc thực hiện pháp luật, xây dựng ý thức, lối sống theo
pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. Để cho pháp luật có hiệu lực, chúng ta có nhiều biện
pháp. Nhưng dù cho có sử dụng biện pháp nào đi chăng nữa, thì pháp luật cũng chỉ có thể có.
hiệu lực thật sự khi được người dân tiếp nhận và thi hành một cách tự giác. Luật tục, hương ước
là những phương tiện điều chỉnh gắn bó với điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng cộng
đồng nhỏ, nên dễ hợp với lòng người và thường được tuân thủ một cách tự giác. Pháp luật khi
áp dụng, muốn được công bằng và đầy đủ, cần phải được bổ sung bằng tục lệ, tập quán.
II. Sự thống nhất, sự khác biệt và sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức.
1. Sự thống nhất giữa pháp luật và đạo đức.
Pháp luật và đạo đức đều có chức năng chung là điều chỉnh hành vi của con người và các
mối quan hệ xã hội. Giữa pháp luật của Nhà nước ta và đạo đức truyền thống dân tộc, xét về
nguyên tắc, không có một sự đối lập nào, cả hai đều hướng tới sự công bằng, vì con người, bảo
vệ con người, vì sự thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội. Pháp luật và đạo đức có
mối quan hệ hữu cơ, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, tạo nên sự điều chỉnh mạnh mẽ nhất đối với
hành vi của con người. Khác với các hình thái ý thức xã hội khác, pháp luật và đạo đức tác động
trực tiếp đến hành vi của con người, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá các hành vi đó theo những
tiêu chí nhất định (mặc dù tính chất “đánh giá" ở đạo đức được thể hiện rõ nét hơn, chủ yếu hơn
ở pháp luật). Tính thống nhất của pháp luật và đạo đức cũng được thể hiện trong quy định của
chúng đối với cái thiện và cái ác. Đạo đức điều chỉnh hành vi của con người trên cơ sở sự vận
động của những mặt đối lập giữa thiện và ác. Đối với đạo đức và pháp luật tiến bộ, các quan
niệm về công bằng, thiện, ác, nhân đạo... về nguyên tắc không có sự đối lập nào. Các phạm trù
của đạo đức, như: lẽ sống, hạnh phúc, nghĩa vụ đạo đức, lương tâm, thiện và ác; trung thành,
nhân đạo, công bằng... có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật
của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chẳng hạn, "tình người" và "lương tâm" là những
đức tính cần phải có ở người thẩm phán. Thẩm phán khi quyết định một hình phạt không thể có
được một sự tính toán chính xác về mặt lý trí cũng như về toán học. Trong trường hợp này, sự
công minh và tình người sẽ giúp cho thẩm phán hành động đúng 10.
Tính thống nhất giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện ở thái độ, sự đánh giá, sự cảm
nhận, cách xử lý đối với những hành vi của con người. Chẳng hạn, đối với hành vi “tự thú" của
người đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa bị phát giác, sự sám hối công khai đó
của họ được pháp luật và đạo đức đánh giá cao, được hưởng sự khoan hồng: "Đánh kẻ chạy đi,
không đánh người chạy lại", và : "được coi là một trong những tình tiết giảm nhẹ và có thể được
miễn trách nhiệm hình sự" (xem các điều 38, 48 Bộ luật Hình sự)". Tính thống nhất giữa pháp
luật và đạo đức còn được thể hiện ở mối tương quan giữa các hành vi vi phạm pháp luật và vi
phạm đạo đức, ở việc sử dụng kết hợp các biện pháp pháp lý và các biện pháp tác động xã hội
trong đấu tranh phòng và chống các vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức. Trên thực tế, giữa
các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức có mối liên hệ rất chặt chẽ, đến mức "không
thể tách riêng ra để khắc phục và đấu tranh"
2. Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức.
Có quan điểm cho rằng "pháp luật chỉ là đạo đức tối thiểu", và "đạo. đức là pháp luật tối đa".
Điều này không hợp lý, bởi lẽ giữa pháp luật và đạo đức không có mối quan hệ giữa "cái chung"
và "cái riêng"; chúng có quan hệ mật thiết nhưng không loại trừ nhau, càng không thể lấy cái này
thay cho cái kia. Chúng có tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau nhưng cũng
với tư cách là những phương tiện điều chỉnh đặc thù, có ưu thế, sức mạnh riêng, có "vương
quốc" riêng, có "chủ quyền" riêng. Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức được thể hiện ở nhiều
góc độ khác nhau. Trên những điểm cơ bản nhất, pháp luật và đạo đức khác nhau về: nguồn gốc
ban đầu, sự hình thành trong đời sống xã hội, phạm vi điều chỉnh, hình thức thể hiện và các biện
pháp đảm bảo thực hiện.
- Về phạm vi điều chỉnh
Trong khoa học pháp lý còn tồn tại những quan điểm khác nhau về phạm vi điều chỉnh của
pháp luật và đạo đức. Theo chúng tôi, phạm vi điều chỉnh của pháp luật và đạo đức không hoàn
toàn trùng hợp nhau, mặc dù có rất nhiều quan hệ xã hội được điều chỉnh bằng cả pháp luật và
cả đạo đức. Có những lĩnh vực quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh nhưng lại không thuộc
phạm vi điều chỉnh của đạo đức và ngược lại, không phải bất kỳ một vi phạm đạo đức nào cũng
là vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, đạo đức điều chỉnh tất cả những hành vi "gian dối" trong cuộc
sống đời thường, với những biểu hiện phong phú của nó như: phản bội, không giữ lời hứa, nói
dối, lỡ hẹn..., còn phạm vi điều chỉnh của pháp luật thì hẹp hơn, không bao quát tất cả những
hành vi “gian dối" kể trên, mà chỉ có những hành vi gian dối thoả mãn những dấu hiệu pháp lý
nhất định như gây hậu quả nghiêm trọng trong việc lập chứng từ sổ sách, báo cáo sai trong quản
lý kinh tế... Pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng, cơ bản, ít nhiều mang ý nghĩa
quốc gia. Đạo đức có thể điều chỉnh những quan hệ xã hội không thuộc phạm vi điều chỉnh của
pháp luật. Chẳng hạn, những quan hệ xã hội trong lĩnh vực tình bạn, tình yêu, tình hàng xóm,
láng giềng, trong sự giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường. Đạo đức có ưu thế hơn pháp
luật trong việc điều chỉnh những quan hệ xã hội vừa nêu ở trên. Và, đấy cũng chính là cái
"vương quốc" riêng của đạo đức. Một mặt thì đạo đức điều chỉnh một phạm vi rộng lớn các quan
hệ xã hội hơn là pháp luật. Mặt khác, đạo đức không điều chỉnh hết các quan hệ xã hội mà chỉ
điều chỉnh những quan hệ xã hội trực tiếp thể hiện tính chất hành vi của con người, những hành
vi có thể đánh giá được từ phương diện đạo đức, theo quan điểm đạo đức. Những hành vi
không thể đánh giá (hoặc khó đánh giá) theo các tiêu chí đạo đức, về cơ bản, không thuộc lĩnh
vực điều chỉnh của đạo đức. Trong hệ thống pháp luật thường có những quy phạm 15
pháp lý kỹ thuật, hoặc những quy phạm về trình tự pháp lý, trình tự xác lập các biên bản pháp
lý... không có liên quan trực tiếp đến "đạo đức". Các quy phạm pháp luật kể trên mang tính
"trung lập" đối với đạo đức¹4. Thế nhưng, việc thực hiện các quy phạm đó trong cuộc sống lại
không thể không có liên quan ít nhiều đến đạo đức. Đạo đức có phạm vi điều chỉnh rộng hơn
pháp luật nếu đứng trên phương diện xem đạo đức là một yếu tố tinh thần không tách rời bản
thân hành vi của con người, không thể thiếu được trong đời sống của mỗi con người với xã hội.
Trên thực tế, không có một lĩnh vực quan hệ xã hội nào từ lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế -
kinh doanh, quân sự, hành chính pháp lý mà lại không có quan hệ ít nhiều với đạo đức và không
chịu sự đánh giá từ phương diện đạo đức, từ các phạm trù của đạo đức: thiện, ác, tốt, xấu, công
bằng, nhân đạo,
lương tâm, vinh, nhục...
Như vậy, khi xét đến pham vi điều chỉnh của đạo đức, theo chúng tôi, vừa phải làm rõ những
lĩnh vực quan hệ xã hội được điều chỉnh một cách "thuần tuý" tương đối bằng đạo đức, vừa phải
làm rõ tính phổ quát của đạo đức.
- Về hình thức, mức độ thể hiện.
So với đạo đức, pháp luật có mức độ thể hiện cụ thể, chi tiết hơn. Pháp luật dưới dạng các
văn bản được thể hiện thành những quyền và nghĩa vụ cùng với những biện pháp xử lý những
chế tài nhất định (xét theo cơ cấu lô gích của quy phạm pháp luật). Còn đạo đức, về nguyên tắc
cũng bao hàm cả nghĩa vụ- bổn phận và quyền được hiểu là quyền của cá nhân được hưởng
tình cảm, hưởng hạnh phúc sau khi đã thực hiện những tình cảm và hành vi đạo đức. Khi bàn về
đạo đức, người Việt Nam chúng ta thường đề cập nhiều đến bổn phận hơn là quyền. Đạo đức
được thể hiện một cách đa dạng, phổ quát hơn: bao gồm những chuẩn mực- quy tắc ứng xử,
những nguyên tắc, những quan niệm, những cảm xúc. Đạo đức chủ yếu được tồn tại ở dạng bất
thành văn, thường được thể hiện trong ca dao, tục ngữ, tập quán, phong tục, luật tục, hương
ước, trong dư luận xã hội, trong các truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ. Ca dao, tục
ngữ vốn là hằng số của lịch sử, là mẫu số chung tinh thần của cộng đồng, luôn luôn thể hiện
những quan điểm đạo đức nhất định:
Ăn đời, ở kiếp chỉ đây
Coi nhau như bát nước đầy thì hơn.
Đạo đức có thể được thể hiện ở những quy phạm cụ thể như: kính trọng ông, bà, cha, mẹ,
người già cả, vv...; ở những quy phạm trừu tượng, phổ quát hơn, hoặc ở những quan niệm, tình
cảm đạo đức như: lòng dũng cảm, sự hèn nhát, sự gian dối, tính trung thực,...Đạo đức điều
chỉnh hành vi con người dựa trên những cảm xúc, quan niệm, chuẩn mực, những nguyên tắc,
còn pháp luật lại điều chỉnh trước hết là ở tiêu chí xem xét hành vi của con người theo quy định
của pháp luật. Chẳng hạn, đạo đức khuyên bảo con người nên giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn,
hiểm nguy, khi "tắt lửa, tối đèn"- đó là cái đức, cái tâm ở đời:
Ở hiền thì lại gặp lành
Những người nhân đức trời giành phúc cho.
Cũng về vấn đề này, pháp luật lại có cách điều chỉnh riêng, cụ thể hơn, bằng việc nêu lên
những dấu hiệu pháp lý của một hành vi bị coi là phạm tội không cứu giúp người khác đang ở
trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng và những biện pháp trừng phạt hình sự (xem Điều
107, Bộ luật Hình sự Việt Nam). Những nguyên tắc, những quan điểm, những chuẩn mực đạo
đức riêng lẻ có thể được hệ thống hoá, song về tổng thể, đạo đức được thể hiện chủ yếu dưới
hình thức dư luận xã hội
Sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức về các phương pháp đảm bảo thực hiện.
Đạo đức được đảm bảo thực hiện trước hết nhờ vào những yếu tố kích thích nội tâm của con
người- sức mạnh bên trong, từ lương tâm, từ những thói quen xử sự và từ sức mạnh bên ngoài-
dư luận xã hội. Pháp luật được đảm bảo thực hiện bằng hoạt động tổ chức, thuyết phục và
cưỡng chế của Nhà nước; bằng cả sự tự giác của con người trên cơ sở nhận thức được sự cần
thiết của pháp luật; một khi pháp luật đó phù hợp với lợi ích của cá nhân, cộng đồng, xã hội. Đạo
đức và pháp luật đều dựa trên sức mạnh của cưỡng chế, nhưng tính chất của cưỡng chế, biện
pháp thực hiện cưỡng chế lại có sự khác nhau: ở đạo đức đó là dư luận xã hội- chế tài bên
ngoài và lương tâm chế tài bên trong. Ở pháp luật, đó là cưỡng chế Nhà nước với những biện
pháp xử lý nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên khi so sánh sự khác biệt giữa đạo đức và pháp luật cũng
không nên tuyệt đối hoá vấn đề, cho rằng, các chế tài pháp luật bao giờ cũng cụ thể, hà khắc
hơn chế tài đạo đức, và từ đó cho rằng, đạo đức kém hiệu quả hơn pháp luật trong việc điều
chỉnh hành vi con người, trong quản lý xã hội. Dư luận xã hội có sức mạnh rất to lớn trong việc
tác động đến ý thức và hành vi của con người. Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý còn có thời
hiệu, nhưng sự lên án, xử lý của đạo đức- của dư luận xã hội và của chính lương tâm con người
thì không phụ thuộc vào "thời hiệu" nào cả, trái lại rất triền miên, day dứt, thậm chí suốt cả cuộc
đời người vi phạm. Sức mạnh của dư luận xã hội đã được đúc kết:
Trăm năm bia đá thì mòn Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Người Việt Nam vốn trong danh dự. Lối sống trọng danh dự đó đã dẫn đến "cơ chế tin đồn",
tạo nên dư luận xã hội như một thứ vũ khí lợi hại bậc nhất của cộng đồng để duy trì sự ổn định,
đặc biệt là ở các buôn, làng. Con người ta sợ dư luận tới mức mà nhà văn Lê Lựu đã viết trong
cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng: Người ta chỉ dám dựa theo dư luận mà sống chứ ai dám dẫm lên
dư luận mà đi theo ý mình.
Thông thường có hai mức độ, hai trường hợp khác nhau trong việc thực hiện hành vi đạo đức
(hành vi hợp đạo đức). Về trường hợp thứ nhất, đạo đức được thực hiện từ lương tâm con
người, từ sự lựa chọn của họ những hành vi xử sự phù hợp trong những tình huống nhất định,
thực chất là ở họ đã diễn ra một cuộc đấu tranh tâm lý, thậm chí có khi rất quyết liệt, và sự day
dứt của lượng tâm đã thôi thúc họ thực hiện một hành vi đạo đức, chẳng hạn, hành vi tự thú,
khai báo tội lỗi của mình; hành vi của người thầy thuốc vẫn cứu sống người bệnh đã từng là kẻ
hãm hại mình trong chiến tranh...Về trường hợp thứ hai, cá nhân thực hiện một hành vi đạo đức
chỉ là vì họ sợ bị lên án từ phía dư luận xã hội, họ không muốn phải " nếm" sự công kích từ cái
vòng vây nghiệt ngã đó. Lại cũng có khi hành vi đạo đức được thực hiện là do, theo thói quen xử
sự trong những tình huống nhất định. Bằng thói quen mà hàng loạt các hành vi của con người
được thực hiện trong đời sống dường như là " tự động hoá".
3. Sự tác động qua lại giữa pháp luật và đạo đức.
Sự thống nhất bao hàm sự khác biệt giữa pháp luật và đạo đức chính là cơ sở quyết định sự
tác động qua lại giữa chúng, đảm bảo có hiệu quả việc thực hiện chức năng điều chỉnh các quan
hệ xã hội của pháp luật và đạo đức. Sự tác động biện chứng này được thể hiện ở vai trò của
pháp luật đối với đạo đức và ngược lại.
Pháp luật xưa nay, suy cho cùng bao giờ cũng dựa trên một cơ sở đạo đức nhất định, và là
một trong những hình thức khẳng định, - ghi nhận, bảo vệ những nguyên tắc, những chuẩn mực
đạo đức thống trị trong xã hội, để "biến chúng thành thói quen "15. Pháp luật của nhà nước hiện
nay là một trong những hình thức vừa khẳng định, vừa bảo vệ và phát huy những nguyên tắc,
chuẩn mực đạo đức truyền thống, vừa hạn chế để đi đến loại bỏ những quan điểm, chuẩn mực
đạo đức tiêu cực, phản tiến bộ. Pháp luật không tạo ra bản thân các giá trị đạo đức. Đạo đức
mất đi, thay đổi, xuất hiện cái mới trong đời sống không chỉ dưới tác động của một mình sự điều
chỉnh pháp luật. Pháp luật chỉ có thể tác động đến sự hình thành, hỗ trợ những điều kiện thuận
lợi cho sự hình thành những quan điểm, chuẩn mực đạo đức mới, cũng như trong việc loại bỏ
dần những quan điểm, chuẩn mực đạo đức cũ, lỗi thời. Đây là vấn đề có ý nghĩa thời sự hiện
nay, khi một số quan niệm, chuẩn mực cũ của đạo đức đang được đặt ra để xem xét lại, những
quan điểm đạo đức mới đang được hình thành nhưng chưa được chính thức thừa nhận trong
thời kinh tế thị trường hội nhập, mở cửa.
Pháp luật ghi nhận những nguyên tắc, những chuẩn mực, những quan điểm đạo đức theo
nhiều cách thức khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của các quan hệ xã hội mà các ngành luật
khác nhau điều chỉnh. Có thể là sự ghi nhận trực tiếp (thường thấy trong các quy phạm pháp luật
hôn nhân gia đình, dân sự, hiến pháp, hành chính...). Có thể là gián tiếp, thông qua việc quy định
những dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật (thường thấy trong pháp luật hình sự, trong các
quy phạm pháp luật hành chính có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính).
Pháp luật không chỉ ghi nhận đạo đức mà còn là phương tiện đảm bảo cho đạo đức được
thực hiện trong cuộc sống thông qua các biện pháp tác động của Nhà nước. Khi đã được “luật
hoá", các quan niệm, chuẩn mực đạo đức sẽ có cơ chế đảm bảo thực hiện ở " tầm cao hơn",
hữu hiệu hơn. Điều 131 Bộ luật Dân sự nước ta quy định: những giao dịch dân sự trái với pháp
luật và đạo đức thì bị coi là vô hiệu. Quy định này buộc các chủ thể khi xác lập giao dịch dân sự
phải cân nhắc đến tính hợp pháp và hợp đạo đức trong hành vi của mình. Khi đó chính pháp luật
là yếu tố bảo đảm cho hành vi của con người phù hợp với đạo đức.
Đạo đức là cơ sở, là môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực hiện pháp luật. Đạo
đức là yếu tố không thể thiếu được trong mỗi con người. Thiếu đạo đức con người sẽ mất đi
nhân tính, trong lĩnh vực pháp luật, thiếu đạo đức sẽ làm cho người ta xử phạt người ngay, tha
bổng kẻ phạm tội. Những quan điểm, những chuẩn mực đạo đức được sử dụng để giải thích các
quy phạm pháp luật, các vấn đề pháp lý cụ thể nảy sinh trong đời sống. Quy phạm đạo đức có
vai trò làm định hướng cho nhà làm luật trong việc xác định tội phạm hoa hay phi tội phạm hoá
các hành vi.
Trong công tác xây dựng pháp luật, nhà làm luật luôn luôn xuất phát từ quan điểm: đảm bảo
sự phù hợp của quy phạm pháp luật đó với đạo đức xã hội trong từng thời kỳ lịch sử. Đây cũng
là một trong những đảm bảo hiệu quả thực tế của pháp luật, pháp luật phải phù hợp với đạo đức
và ít nhất là không được trái với đạo đức. Đạo đức là phương tiện quan trọng bổ sung, hỗ trợ
cho pháp luật. Vai trò. này của đạo đức không chỉ được thể hiện trong những quan hệ xã hội
không có pháp luật điều chỉnh, mà còn cả trong những quan hệ xã hội có pháp luật điều chỉnh.
Pháp luật và đạo đức có mối liên hệ mật thiết với nhau, phát huy tác dụng khi được bổ sung,
hỗ trợ nhau. Quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với đạo đức là một tất yếu khách quan trong
điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.

You might also like