You are on page 1of 290

HỢP TÁC

CÙNG
VI SINH VẬT

Cẩm nang
nhà nông về lưới
thức ăn trong đất
TÁI BẢN CÓ CHỈNH SỬA

JEFF LOWENFELS
& WAYNE LEWIS
Lá Library dịch
Hợp tác cùng vi sinh vật

0
Trang này cố tình để trống

1
Hợp tác
cùng

vi sinh vật
Cẩm nang nhà nông
về Lưới thức ăn trong Đất

TÁI BẢN CÓ CHỈNH SỬA

Jeff Lowenfels & Wayne Lewis

Lời nói đầu được viết bởi Tiến sĩ Elaine Ingham

Biên dịch: Lá Library

2
Copyright 2010 by Jeff Lowenfels and Wayne Lewis. All rights reserved.

Originally published in the United States by Timber Press, Portland, OR.

Disclaimer: The use of the scientific term “soil food web” is not intended to promote
any commercial activity or to suggest any affiliation with a commercial entity.

Translated by Lá Library and volunteers from the English origin “Teaming with
Microbes. The Organic Gardeners’ Guide to the Soil Food Web”. The translation will
never be offered for sale and is to be used solely for educational purposes by
members of Lá Library. The translation will be created as a PDF and will not be
distributed in print or in any other format.

Bản quyền © 2010 của Jeff Lowenfels và Wayne Lewis. Đã đăng ký Bản quyền.

Được xuất bản tại Hoa Kỳ bởi Timber Press, Portland, OR.

Tuyên bố miễn trừ trách nhiệm: Việc sử dụng thuật ngữ khoa học “Lưới thức ăn trong
đất” không nhằm mục đích thúc đẩy bất kỳ hoạt động thương mại nào hoặc đề xuất
bất kỳ liên kết nào với một doanh nghiệp thương mại.

Dịch bởi Lá Library và các tình nguyện viên theo nguyên bản Tiếng Anh “Teaming
with microbes. The organic gardeners’ guide to the soil food web. Revised edition.
2010”. Bản dịch này không dùng để bán, và chỉ dùng trong mục đích giáo dục của các
thành viên Lá Library. Bản dịch này chỉ phát hành dưới dạng PDF mà không phát
hành dưới bất kỳ định dạng nào khác.

3
Xin dành tặng cuốn sách này cho những người vợ của chúng tôi,

Judith Hoersting và Carol Lewis,


những người đã ủng hộ chúng tôi làm vườn cùng vi sinh vật ngay từ những ngày đầu.

Họ kết hôn với những gã nông dân


mà cuối cùng những gã ấy lại trở thành những nhà vi sinh vật tay ngang.

Họ để chúng tôi làm phân trà trong căn bếp sạch sẽ của mình,

mà bên trong thứ trà ấy lại có nấm, vi khuẩn, tuyến trùng, nhền nhện và cả giun.

Họ cũng vờ như không hay khi chúng tôi lén thó mất mật mía trong tủ.

Rồi họ cũng học cách đảo đống phân ủ và học cả thái độ hoan nghênh

đối với những cây nấm trên bãi cỏ sân nhà của chúng tôi.

4
Bản dịch tiếng Việt được tác giả dành tặng cho ông John Berlow,
“Mr. Clean Vegetables John” (Ông John Rau Sạch)

5
Trang này cố tình để trống

6
Mục lục
Lời tựa của Tiến sĩ Elaine Ingham, 9
Lời nói đầu, 12

Phần 1. Khoa học cơ bản, 20


Chương 1. Lưới thức ăn trong đất là gì? Tại sao nên quan tâm?, 22
Chương 2. Khoa học cơ bản về Đất, 35
Chương 3. Vi khuẩn, 54
Chương 4. Cổ khuẩn, 67
Chương 5. Nấm, 78
Chương 6. Tảo và Nấm nhầy, 98
Chương 7. Động vật nguyên sinh, 105
Chương 8. Tuyến trùng, 113
Chương 9. Động vật chân đốt, 119
Chương 10. Giun đất, 131
Chương 11. Động vật chân bụng, 139
Chương 12. Bò sát, Động vật có vú và Chim, 143

Phần 2. Áp dụng Khoa học Lưới thức ăn trong đất vào việc vườn, 146
Chương 13. Cách ứng dụng Lưới thức ăn trong đất trong việc làm vườn, 148
Chương 14. Lưới thức ăn trong đất nhà bạn trông như thế nào?, 155
Chương 15. Các công cụ khôi phục và duy trì, 168
Chương 16. Phân ủ, 179
Chương 17. Lớp phủ, 196
Chương 18. Phân trà, 203
Chương 19. Nấm rễ cộng sinh, 223
Chương 20. Bãi cỏ, 236
Chương 21. Chăm sóc Cây thân gỗ, Cây bụi và Cây lâu năm, 249
Chương 22. Trồng Cây hàng năm và Rau củ, 258
Chương 23. Lịch làm vườn với Lưới thức ăn trong đất, 271
Chương 24. Chưa có ai từng bón phân cho rừng già, 276

Phụ Lục. Các quy tắc hợp tác cùng vi sinh vật, 279
Tài liệu tham khảo, 280
Thuật ngữ, 283

7
Trang này cố tình để trống

8
Lời tựa
Nếu bạn đi xem đất trong vườn hôm nay,
đừng nên đi một mình!
Vì nay là ngày bọn tuyến trùng đi dã ngoại!

Hát theo giai điệu của bài hát The Teddy bear’s Picnic
(tạm dịch: “Chuyến dã ngoại của gấu Teddy")

Nếu bạn thấy đất ở những bãi cỏ trong khu vực đô thị trông thật đơn điệu, hãy thử hát nhạc
chế đi! Lúc nào cũng vui cả! Đất không hề tẻ nhạt, nhưng ở thành phố, nhìn đất trông thật
chán vì đó là đất đã chết. Ý tôi ở đây là kể cả có ngồi cả vài tiếng đồng hồ soi loại đất này
qua kính hiển vi thì bạn cũng chẳng nhìn thấy gì ngoài các hạt đất trơ ra như tượng. Nhạt
lắm! Thế nên chúng tôi chẳng còn việc gì khác ngoài chế lời bài hát cho vui.

Đất “thật” thì sống động, tràn trề sức sống! Trong ấy, sinh vật ở khắp mọi nơi, làm mấy cái
hay ho! Không còn phải hát nhạc chế cho đỡ chán. Không còn những giờ đồng hồ dài đằng
đẵng tẻ nhạt ngồi nhìn hết micromet này đến micromet khác qua kính hiển vi mà chẳng
thấy gì xảy ra. Thay vào đó, chỉ mất vài giây, có cái gì đó nhúc nhích, có cái gì đó đang hoạt
động, cái gì đó đang thực sự sống!

Cư dân thành thị và những người làm vườn đã đổ hóa chất độc hại lên đất của họ trong
nhiều năm mà không nhận ra rằng những hóa chất đó gây hại cho chính những thứ làm cho
đất khỏe mạnh. Sử dụng hoá chất độc hại ở bất kỳ mức độ nào cũng tạo điều kiện phát triển
cho băng đảng vi sinh có hại cho cây trồng. Tại sao ư? Vì bình thường thì các loại động thực
vật khác sẽ cạnh tranh, tạo thành thế cân bằng và kiểm soát lại lũ băng đảng kia, nhưng một
khi đã phun hoá chất, thì chẳng còn ai chiến đấu cho cây trồng của chúng ta khỏi sự tấn
công của kẻ xấu. Những nghiên cứu gần đây chỉ ra rõ rằng các hóa chất độc hại làm ô
nhiễm nước, tàn phá sức khỏe của đất và thành phần dinh dưỡng trong thức ăn của bạn, rồi
cuối cùng, bởi tất cả những mất mát trên, cũng chẳng còn gì có lợi cho cây trồng. Nếu chỉ
dùng các hóa chất độc hại một lần trong đời thì tình trạng hiện nay cũng sẽ không quá tệ

9
hại đến mức này, nhưng chỉ cần một lần duy nhất đó, hàng ngàn sinh vật có lợi cho cây của
bạn cũng đã bị giết. Một số lượng sinh vật gây hại cũng chết theo, nhưng sinh vật có lợi đã
biến mất sẽ không quay trở lại nhanh như những kẻ xấu kia. Hãy nghĩ về khu phố của bạn: ai
sẽ quay lại nhanh hơn nếu khu phố của bạn bị biến thành một vùng chiến tranh hóa
học? Những kẻ cướp bóc và hôi của, đó là những kẻ trở lại đầu tiên sau những xáo trộn. Nếu
như điều đó xảy ra trong thế giới con người, chúng ta sẽ có các anh Công an để giữ đường
dây chống những tên tội phạm. Nhưng trong đất, lực lượng Công an của đất đã bị giết chết
mất rồi bởi thứ phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu độc hại liên tục đầu độc lên môi trường ấy.

Chúng ta phải khôi phục “lực lượng” vi sinh vật có lợi đã bị mất đi này.

Các tân binh sẽ đến từ đâu? Tân binh phải bao gồm: vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh,
tuyến trùng, giun đất, động vật chân đốt — Bạn phải thêm chúng vào đất của mình. Rễ cây
nuôi những sinh vật có lợi này, nhưng để đảm bảo rằng những sinh vật có lợi được tái thiết
lập, có thể cần phải thêm những gói “dịch vụ” chăm sóc đặc biệt. Liên hiệp Soil Foodweb
giúp mọi người nhanh chóng tái thiết lập hệ sinh thái để tạo ra một môi trường thích hợp
cho hệ thống các vi sinh vật có lợi sống khỏe mạnh và phát triển trong đất; và cuốn sách
này đang kể về những “chiến sĩ” vi sinh chiến đấu không ngừng nghỉ ở nơi tiền tuyến để bảo
vệ cây trồng của bạn. Họ sống ở đâu? Gia đình của họ là ai? Thức ăn nào dành cho các tân
binh?

Giành lại sức khỏe cho đất của bạn. Không cho vào đất bất cứ thứ gì nếu bạn không biết nó
sẽ ảnh hưởng gì đến sự sống dưới chân bạn. Đừng sử dụng bất kì vật liệu gì nếu không có
thông tin hay chưa từng có thử nghiệm về ảnh hưởng của nó đến sự sống trong đất. Nếu
bạn đã mua chúng, hãy tự mình kiểm tra.

Hoá chất đôi khi cần thiết để xua đuổi sự xâm nhập của sinh vật lạ hoặc những dịch bệnh
đặc biệt tồi tệ, nhưng chất độc nên được sử dụng như biện pháp cuối cùng, không phải là cứ
cây héo, cây bệnh là đi phun thuốc. Nếu phải dùng đến chất độc này thì nhớ bổ sung các
sinh vật có lợi ngay và chăm bẵm chúng.

Việc thiết lập lại một hệ sinh học chuẩn là tối quan trọng. Trong khi thực hiện việc này, bạn
có thể phạm phải một vài sai lầm khi bắt tay vào thực hiện. Nhưng “thắng thua là chuyện
10
thường tình của binh gia”, hãy kiên trì, và bạn có thể chiến thắng. Hãy tư duy như một chiến
lược gia: làm thế nào để vận chuyển quân lương, thuốc men và băng cứu thương đến tiền
tuyến trong cuộc chiến giữa giữa vi sinh vật có lợi và kẻ xấu một cách hiệu quả nhất? Những
hướng dẫn, ít nhất là theo cách mà chúng tôi biết rõ nhất, đều có trong cuốn sách này.

Hầu hết mọi người có rất nhiều điều để tìm hiểu khi nói đến đất. Bạn cần thông tin mà Jeff
và Wayne đã tổng hợp lại.  Họ chia sẻ “bài học” họ học được về sức khỏe của đất - những
thứ có thể coi là khá tẻ nhạt và khô khan - theo cách thú vị và dễ hiểu. Thay vì phải làm việc
trong nhiều năm, nhìn chằm chằm qua kính hiển vi, như cách tôi và các đồng nghiệp của tôi
đã nỗ lực để hiểu về sinh học đất, bạn sẽ được cuốn sách này cung cấp cái nhìn tổng quan
về những gì đã được nghiên cứu! Công trình của nhiều nhà khoa học được tập hợp lại trong
cuốn sách này, những câu chuyện phức tạp về sự sống trong đất được kể theo một cách đơn
giản và dễ hiểu.

Tôi hy vọng bạn sẽ tham gia cùng chúng tôi tìm hiểu và học hỏi cách trả lại sự sống cho đất,
mà qua đó, trả lại dinh dưỡng cho thực phẩm của chúng ta. Và sau đây là các hướng dẫn ấy.

Tiến sĩ Elaine Ingham


Chủ tịch, Liên hiệp Soil Foodweb Toàn cầu
www.soilfoodweb.com

11
Lời nói đầu
Chúng tôi là dân làm vườn vùng ngoại ô điển hình. Mỗi năm, vào đầu vụ, chúng tôi
“đánh bom” xuống sân cỏ nhà mình hàng tấn phân đạm dạng hoà tan rồi tưới nước
như điên; sau đó đánh bại cỏ dại bằng một loại thuốc diệt cỏ thông dụng. Tiếp theo,
chúng tôi tấn công các vườn rau và luống hoa của mình bằng một hoặc hai bao phân
bón bán sẵn và xới đất bằng máy cho đến khi nó tơi xốp và có màu như bột cà phê,
sau cùng san phẳng như cánh đồng muối Bonneville. Chúng tôi và cả hầu hết các
ông hàng xóm đều cần mẫn làm như vậy. À, một lần là không bao giờ đủ nhé! Chúng
tôi phải tiếp tục sử dụng phân bón hóa học trong suốt mùa vụ như thể đang cạnh
tranh trong cuộc thi trồng rau khổng lồ tại Hội chợ Bang Alaska — và vào cuối mùa
giải, chúng tôi lại xới đất lên, vì lý do gì thì khó lòng giải thích.

Khi cần thiết (mà kiểu gì thì cũng cần thôi), chúng tôi sẽ bận lên mình đồ bảo hộ —
găng tay cao su và khẩu trang — rồi sơn cây Bạch dương của mình bằng một số thứ
hoá chất có mùi kinh khủng để bảo vệ cây khỏi sự xâm nhập của bọn rệp. Tên các
thành phần của các loại hoá chất này được in chữ cực nhỏ trên bao bì và cũng
không có người bình thường nào có thể phát âm được, nhưng thực ra cũng hiếm
người dành thời gian để đọc. Sau đó, chúng tôi phun lên cây Vân sam của mình một
thứ khác có mùi thậm chí còn tệ hơn — thứ gì đó rất mạnh, một lần phun là đủ
không những cho một mà tận hai năm. Cũng may mà mà chúng tôi đã tự bảo vệ
mình, vì cả hai sản phẩm dạng xịt này hiện đã không được bán trên thị trường và bị
thu hồi vì chúng nguy hiểm cho sức khỏe của con người.

Đừng hiểu lầm về chúng tôi nhé! Chúng tôi cũng có trách nhiệm với môi trường và
chính trị lắm đấy. Chúng tôi để nguyên cỏ xén tại chỗ để chúng phân hủy này, xúc lá
rụng vào luống trong vườn này, và thêm nữa, thỉnh thoảng chúng tôi thả hàng loạt
bọ cánh cứng, bọ rùa và bọ ngựa - đây là cách quản lý dịch hại tổng hợp của chúng

12
tôi. Chúng tôi cũng làm phân ủ. Chúng tôi cũng đã tái chế báo và lon nhôm. Chúng
tôi cho chim ăn và để tất cả các loài động vật hoang dã có thể đi lang thang trong
sân của mình. Trong suy nghĩ của chúng tôi, chúng tôi khá là hữu cơ và có ý thức về
môi trường (thậm chí có thể nói là vô cùng có trách nhiệm). Nói tóm lại, chúng tôi
giống như hầu hết dân làm vườn nhà khác, cố gắng duy trì một sự cân bằng giữa
việc sử dụng hóa chất có chừng mực và đồng thời thực hành một vài lời dạy của
Rachel Carson. (Rachel Louise Carson (1907 - 1964) là nhà sinh học biển và nhà bảo tồn
người Mỹ. Tác phẩm nổi tiếng của bà, Mùa xuân vắng lặng (Silent Spring), được ghi nhận là
xuất phát điểm cho phong trào bảo vệ môi trường trên toàn cầu. - người dịch)

Bên cạnh đó, chúng tôi hầu như chỉ sử dụng phân đạm hòa tan trong nước
thôi! Điều đó làm sao mà ảnh hưởng xấu đến môi trường được? Nó chắc chắn làm
cho cây phát triển. Và chúng tôi thực ra chỉ sử dụng một loại thuốc diệt cỏ để diệt
tất cả các loại cỏ lá rộng thôi. Ừ thì thỉnh thoảng cũng phải dùng đến thuốc diệt côn
trùng. Nhưng chỉ với những cây chúng tôi yêu thích trong vườn ươm thôi! Nếu chỉ
thế thì việc gì phải nghĩ nhiều? Chắc chắn không thể hại gì khi chỉ cố gắng cứu một
cây Vân sam, giúp một cây Bạch dương, hoặc ngăn chặn bọn bồ công anh và mấy
loại cỏ dại xâm lược thế giới?

Tóm lại, cách chúng ta chăm vườn nhà và sân cỏ cũng giống như cả chục triệu người
nông dân khác. Sẽ chẳng có gì thay đổi cho đến khi bạn đọc hết cuốn sách này. Có
lẽ bạn cũng nghĩ như tôi trước đây: “Đạm hữu cơ cũng giống như đạm vô cơ. Cây cối
vốn chả quan tâm đạm ở đâu mà ra, từ mấy hạt xanh xanh bạn trộn với nước hay từ
phân hoai mục. Với chúng, tất cả đều là đạm thôi mà!”

Và rồi, vào một mùa thu nọ, sau khi khu vườn đã đi ngủ và chúng tôi đang chuẩn bị
cho vụ Mùa đông, cố gắng tìm cách nào đó để tiếp tục trồng trọt trong những tháng
buốt giá, thì tôi chợt nhận được email của một anh bạn chung sở thích vườn tược.
Trong email, anh đính kèm hai bức hình chụp từ kính hiển vi tuyệt đẹp. Cái ảnh thứ
nhất là một con tuyến trùng bị mắc kẹt bởi một sợi nấm hay tơ nấm. Chà! Đẹp ghê -
13
một loại nấm đang tiêu diệt tuyến trùng! Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về điều
này, và chúng tôi bắt đầu tự hỏi: làm thế nào mà nấm lại giết được con mồi của
nó? Điều gì ngay từ đầu đã thu hút con tuyến trùng mò tới cái bẫy của nấm? Và mấy
cái bẫy đó hoạt động như nào?

Cái ảnh thứ hai là những gì có vẻ là một loại tuyến trùng tương tự, chỉ có điều con
này không bị cản trở bởi sợi nấm và đã xâm nhập được vào rễ cà chua. Bức ảnh này
đã gợi lên những câu hỏi của chính nó. Tại sao con tuyến trùng này lại không bị tấn
công, và các sợi nấm đã giết chết con ở bức ảnh đầu tiên đâu rồi?

Một loại tuyến trùng ăn rễ đang kiếm ăn thì bị mắc kẹt bởi một sợi nấm. HH
Courtesy Triantaphyllou. Tái bản với sự cho phép từ http://www.apsnet.org/,
American Phytopathological Society, St. Paul, Minnesota.

Trong khi tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng tôi tình cờ gặp được
công trình của Tiến sĩ Elaine Ingham, một nhà Vi sinh vật học trong đất nổi tiếng với
công trình nghiên cứu của bà về sự sống trong đất, đặc biệt là về loài nào ăn loài
nào trong thế giới dưới đất. Vì một số sinh vật ăn nhiều các sinh vật khác trong các
chuỗi thức ăn, hoặc bị ăn bởi nhiều loại động vật ăn thịt trong vài chuỗi thức ăn
khác, các chuỗi này được liên kết thành mạng lưới – và được gọi là Lưới thức ăn

14
trong đất (thay vì chỉ là một chuỗi thức ăn đơn lẻ). Tiến sĩ Elaine Ingham, một giáo
viên xuất sắc, đã là người hướng dẫn cho chúng tôi về toàn bộ thế giới của các cộng
đồng vi sinh vật phức tạp trong đất. Nhờ bà mà chúng tôi biết được rằng nấm trong
bức ảnh đầu tiên đang bảo vệ rễ cây; điều đó đã đủ khiến chúng tôi phải dừng lại và
suy ngẫm, rồi tìm ra rằng ngay từ đầu, cây đã thu hút nấm đến vùng rễ của nó! Và
chúng tôi cũng biết được cái gì có thể giết chết loại nấm ngăn chặn tuyến trùng tấn
công rễ cà chua này.

Rồi một cách tự nhiên chúng tôi bắt đầu tò mò về những điều khác đang diễn ra
trong đất mà chúng tôi chưa từng thấy. Liệu thế giới hiện ra bằng các công cụ như
kính hiển vi điện tử có ảnh hưởng đến cách chúng ta chăm sóc cây cối trong vườn,
sân và bãi cỏ nhà mình không? Tất cả chúng ta đều đã bị choáng ngợp bởi những
hình ảnh từ kính viễn vọng Hubble (Hubble space telescope) về một vũ trụ sâu thẳm,
xa đến mức khó hiểu, nhưng ít người trong chúng ta đã từng có cơ hội để chiêm
ngưỡng những bức ảnh được tạo ra bởi kính hiển vi điện tử quét (scanning electron
microscope - SEM), mở ra một cánh cửa dẫn đến một vũ trụ khác chưa từng biết đến
ngay dưới chân chúng ta.

Chúng tôi đi tìm kiếm câu trả lời, và nhanh chóng nhận ra rằng trong khi chúng tôi
đang rải phân bón hoá học và xới luống vườn theo cách ai ai cũng làm, thì một nhóm
các nhà khoa học ngày càng đông trên khắp thế giới đã và đang khám phá ra nhiều
điều mới và bắt đầu ngờ vực những thực hành này liệu có thực sự đúng đắn. Nhiều
ngành khoa học — Vi sinh học, Vi khuẩn học, Nấm học, Kiến học, Hóa học, Nông học
— đã kết hợp với nhau trong những thập kỷ gần đây để cùng tập trung vào việc tìm
hiểu thế giới Đất. Dần dần, những phát hiện của họ về những gì diễn ra trong đất
đang được áp dụng cho ngành Nông nghiệp thương mại, Lâm nghiệp và ngành
Trồng nho. Đã đến lúc chúng ta áp dụng khoa học này vào những thứ chúng ta canh
tác trong sân và vườn nhà.

15
 

Không có sợi nấm nào cản đường tuyến trùng thâm nhập
vào rễ cà chua để kiếm ăn. Ảnh của William Weryin và Richard Sayre, USDA-ARS.

Hầu hết nông dân đều luẩn quẩn trong ruộng vườn “truyền thống” nơi pha trộn
nhiều niềm tin vô căn cứ từ lời của các bà các mẹ, từ thông tin khoa học không
chính xác và cả từ những chiêu trò quảng cáo để bán các sản phẩm nông nghiệp mà
bẻ lái hết mùa màng canh tác của chính mình. Nếu có bất kỳ hiểu biết nào về khoa
học cơ bản của việc làm vườn, thì hầu như nó luôn loanh quanh chỉ về ba chất NPK
trong đất và nó có tơi xốp hay không? Với cuốn sách này, bạn sẽ học cách sử dụng
sinh vật trong đất mang lại lợi ích cho cây trồng và cho chính mình - một cách tự
nhiên hoặc theo ý muốn. Vì phân bón hóa học giết chết các vi sinh vật trong đất và
làm các động vật lớn tránh xa, nên chúng tôi không sử dụng hoá chất mà chỉ dùng
vật liệu hữu cơ để tạo nên hệ thống của mình. Thực vậy, hóa chất là thứ đã giết chết
nấm bảo vệ rễ, cho phép bọn tuyến trùng dễ dàng tiếp cận với rễ cà chua trong bức
ảnh thứ hai.

16
Cuốn sách này được chia thành hai phần. Đầu tiên là giải thích về Đất và Lưới thức
ăn trong đất. Không thể bỏ qua phần này được! Bạn phải biết về khoa học cơ bản
trước khi áp dụng nó. Ít nhất trong trường hợp này, khoa học rất thú vị, thậm chí
đáng kinh ngạc, và chúng tôi cũng cố gắng không trình bày như một cuốn sách giáo
khoa tẻ nhạt. Phần thứ hai giải thích về cách vận dụng Lưới thức ăn trong đất để có
lợi cho đất của bạn và cho chính bạn – một người làm vườn.

Điều làm cho cuốn sách này khác với các tài liệu khác về đất là sự nhấn mạnh của
chúng tôi về sinh học và vi sinh vật trong đất - mối quan hệ giữa đất và sinh vật
trong đất cùng các tác động của chúng đối với thực vật. Chúng tôi không bỏ qua các
yếu tố hóa học của đất như độ pH, độ trao đổi ion dương, độ tơi xốp, kết cấu và các
cách khác để mô tả tình trạng đất. Khoa học cơ bản về đất được đề cập, nhưng dưới
góc độ là “sân khấu” để các vi sinh vật “trình diễn”. Sau khi từng nhóm sinh vật trong
đất được giới thiệu và kể những câu chuyện cá nhân của chúng, sẽ là tập hợp các
kết quả có thể dự đoán được từ mối quan hệ giữa chúng với nhau hoặc khi chúng
không có mặt trong đất. Trong nửa sau của cuốn sách, những kết quả này được tập
hợp lại thành một số quy tắc đơn giản, những quy tắc mà chúng tôi đã áp dụng
trong sân vườn nhà mình, cũng như nhiều người hàng xóm của chúng tôi ở Alaska,
nơi chúng tôi đã khởi xướng những thực hành mới này. Những người khác ở những
nơi khác trên thế giới cũng vậy, đặc biệt trên khắp Tây Bắc Thái Bình Dương. Chúng
tôi nghĩ rằng việc học và sau đó áp dụng khoa học đất (đặc biệt là khoa học về cách
các dạng sống khác nhau trong đất tương tác với nhau - Lưới thức ăn trong đất) đã
giúp chúng tôi trở thành những người làm vườn tốt hơn. Một khi bạn nhận thức và
biết rõ giá trị của sự hợp lực giữa các sinh vật trong đất, bạn sẽ không chỉ trở thành
nông dân giỏi hơn mà còn là người quản lý tài nguyên đất tài ba. Những người làm
vườn tại nhà nên ngừng việc phun chất độc vào thực phẩm họ trồng và ăn (và còn tệ
hơn khi loại thực phẩm này là dành cho gia đình của mình) và những sân cỏ nơi họ
và con cái mình vui chơi.

17
Bạn có thể muốn nhảy ngay sang đọc phần thứ hai của cuốn sách này, nhưng chúng
tôi thực sự khuyên không nên làm như vậy. Điều cần thiết là phải biết kiến thức
khoa học để thực sự hiểu các quy tắc. Chắc chắn, nó đòi hỏi một chút nỗ lực để học
lại (đặc biệt là chương 2: Khoa học cơ bản về Đất), vì trong một thời gian quá lâu, đối
với nhiều nông dân làm vườn kiểu “mì ăn liền”: tất cả điều chúng ta cần biết đều chỉ
là tên của mấy cái chai lọ; và tất cả những gì chúng ta phải làm là trộn với nước rồi
phun xịt điên cuồng. Thôi được rồi! Chúng tôi mong bạn là những nông dân biết tư
suy chứ không phải những kẻ tiêu dùng mù quáng, ngoan ngoãn tin theo những
quảng cáo trên tivi báo đài. Nếu bạn thực sự muốn trở thành một nông dân giỏi, bạn
cần hiểu những gì đang diễn ra trong đất của mình.

Chúng ta đã biết tất cả các loại nitơ đều không giống nhau. Vậy nếu bạn để cho thực
vật và các sinh vật trong đất thực hiện công việc của chúng, việc làm vườn sẽ trở
nên dễ dàng hơn nhiều và khu vườn cũng tốt hơn nhiều. Vườn nhà tôi đã phát triển
hết tiềm năng tự nhiên của nó. Tôi cũng mong cho sân vườn nhà bạn cũng được như
thế.

18
Trang này cố tình để trống

19
Phần 1
Khoa học cơ bản

Ảnh kính hiển vi điện tử chụp mùn hữu cơ (màu nâu), thực vật đang phân hủy (màu
xanh lá) và một số hạt khoáng (màu tím và màu vàng), 25x.
Bản quyền hình ảnh thuộc Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

20
Trang này cố tình để trống

21
Chương 1
Lưới thức ăn trong đất là gì?
Tại sao nên quan tâm?
ĐẤT RÕ LÀ VÔ CÙNG QUAN TRỌNG trong vườn tược, ấy thế mà phần lớn chúng ta
chẳng ai dấn thân đi tìm hiểu thêm, mà chỉ lờ mờ về việc đất tốt thì tốt cho cây, còn
đất xấu thì không. Đương nhiên là đất tốt thì phải có sâu, trừ khi bạn dùng thuốc trừ
sâu, và hẳn khi quan sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy cả các sinh vật khác nữa: rết, bọ đuôi
bật, kiến, sên trần, ấu trùng bọ rùa và nhiều loài hơn thế. Phần lớn các loài này nằm
trong 10cm đất mặt; một số vi sinh vật thậm chí còn thích sống ở độ sâu hơn 3km
bên dưới mặt đất. Tuy nhiên, Đất tốt không chỉ có một vài loài động vật, mà là cả
một thế giới sống động. Ấy thế mà sao chẳng mấy ai thấy vui sướng khi biết về sự
thật này nhỉ? Thật kỳ lạ!

Ngoài tất cả các sinh vật sống mà bạn có thể nhìn thấy trong đất vườn (ví dụ: có tới
50 con giun đất trong một ô 30x30cm đất tốt), còn có cả một thế giới sinh vật đất
mà bạn không thể nhìn thấy nếu không sử dụng các dụng cụ phức tạp và đắt tiền.
Chỉ khi đó, những sinh vật cực nhỏ - vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh, tuyến
trùng – mới xuất hiện với số lượng đáng kinh ngạc. Các nhà di truyền học vi sinh vật
đo được trong chỉ một thìa cà phê đất vườn tốt chứa tới hàng tỷ vi khuẩn vô hình,
còn sợi nấm vô hình thì dài cả vài mét, ngoài ra còn có hàng nghìn động vật nguyên
sinh và vài chục con tuyến trùng.

Điểm chung của tất cả sự sống trong đất là mọi sinh vật đều cần năng lượng để tồn
tại. Một số vi khuẩn, được gọi là sinh vật tổng hợp hóa học, lấy năng lượng từ các
hợp chất lưu huỳnh, nitơ hoặc thậm chí là sắt, số còn lại phải thức ăn chứa carbon
để lấy năng lượng cần thiết để duy trì sự sống. Carbon có trong vật chất hữu cơ thực
vật, hay các chất thải hoặc xác của các sinh vật khác. Công việc đầu tiên của tất cả
22
sự sống dù ở trên hay dưới lòng đất là thu thập carbon để cung cấp nhiên liệu cho
quá trình trao đổi chất - ngay ở đây, thế giới của các chuỗi thức ăn xuất hiện.

Bạn có nhớ bài hát thiếu nhi nói về một bà lão vô tình nuốt phải một con ruồi
không? Sau đó, bà nuốt một con nhện để bắt con ruồi (xong "nó uốn éo, lắc lư và
nhồn nhột bên trong bà"), và tiếp tục bà già lại nuốt thêm một con chim để bắt con
nhện, rồi cứ thế cho đến khi bà ăn thịt cả một con ngựa rồi chết ("Tất nhiên, như thế
thì chả chết!"). Nếu bạn lập một sơ đồ con gì có thể ăn con gì, bắt đầu với con ruồi
và kết thúc bằng con ngựa, bạn sẽ có một thứ gọi là Chuỗi Thức ăn.

Lưới thức ăn trong đất, USDA-NRCS.

Hầu hết các sinh vật ăn nhiều hơn một loại con mồi, vì vậy nếu bạn vẽ sơ đồ xem
con gì ăn con gì trong đất và trên mặt đất, chuỗi thức ăn theo đường thẳng, thay
vào đó, sẽ trở thành một loạt các chuỗi thức ăn gắn với nhau và liên kết chéo với

23
nhau, tạo ra một mạng lưới chuỗi thức ăn, hay chính là Lưới thức ăn trong đất. Mỗi
môi trường đất có một tập hợp sinh vật khác nhau và do đó, có một lưới thức ăn
trong đất khác nhau.

Đây là định nghĩa bằng biểu đồ về lưới thức ăn trong đất tương đối đơn giản, mặc dù
bạn có thể tưởng tượng ra một cảnh tượng có tính tổ chức rất cao và hết sức phức
tạp qua các biểu đồ diễn tả các tương tác, các mối quan hệ và các tiến trình hoá học
và vật lý. Tuy vậy, cái thứ lưới thức ăn rối rắm này, cứ mỗi khi được nói tới, lại như
một câu chuyện giản đơn và luôn bắt đầu từ Thực vật.

Thực vật kiểm soát tất cả


Hầu hết những người làm vườn đều nghĩ rằng cây cối chỉ lấy chất dinh dưỡng qua hệ
thống rễ và nuôi lá. Ít ai nhận ra rằng phần lớn năng lượng thu được từ quá trình
quang hợp ở lá thực sự được cây sử dụng để tạo ra các chất hóa học mà chúng tiết
ra qua rễ. Những chất này được gọi là dịch tiết, tương tự với mồ hôi, dịch tiết của
con người.

Vùng rễ là vùng tương tác giữa bề


mặt của rễ cây và vùng xung quanh
nó. Vi khuẩn cùng các vi sinh vật
khác và đất lấp đầy khu vực này.
10.000x. Ảnh của Sandra Silvers,
USDA-ARS.

24
Chất tiết ra từ rễ ở dạng tinh bột (gồm có cả đường) và chất đạm (protein). Thật
ngạc nhiên, chúng đánh thức, thu hút và nuôi dưỡng các vi khuẩn và nấm có lợi
trong đất sống nhờ vào các chất dịch tiết này và các vật chất tế bào bong ra khi đầu
rễ phát triển. Việc tiết dịch và xác bã tế bào thải loại được diễn ra quanh rễ và rộng
ra khoảng một vài milimet. Vùng rễ, có thể trông giống như thạch rau câu hoặc mứt
dưới kính hiển vi điện tử, chứa một tổ hợp các sinh vật đất biến đổi không ngừng,
bao gồm vi khuẩn, nấm, tuyến trùng, động vật nguyên sinh và thậm chí cả các sinh
vật lớn hơn. Tất cả “sự sống” này đều cạnh tranh để lấy dịch tiết, nước và khoáng
chất trong vùng rễ.

Khởi đầu của lưới thức ăn trong đất là vi khuẩn và nấm. Chúng bị thu hút bởi các
chất dịch tiết ra từ rễ cây. Đổi lại, chúng thu hút và bị ăn bởi các vi sinh vật lớn hơn,
đặc biệt là tuyến trùng và động vật nguyên sinh (bạn có nhớ không? Hồi xưa trong
môn Sinh học mình đã học về các loại trùng biến hình, trùng đế giày, trùng roi và
trùng lông), chúng là những loài ăn vi khuẩn và nấm (chủ yếu để lấy carbon), nhằm
cung cấp năng lượng cho việc trao đổi chất. Còn lại, cứ cái gì chúng không cần,
chúng sẽ thải ra, chất thải này lại chính là thức ăn của cây cối. Thật tiện khi quá
trình sản xuất chất dinh dưỡng cho cây lại diễn ra ngay trong vùng rễ.

Thực vật chính là trung tâm của bất kỳ lưới thức ăn trong đất nào còn hoạt động.
Thực vật kiểm soát lưới thức ăn vì lợi ích của riêng chúng, một thực tế đáng kinh
ngạc mà quá ít người hiểu, và chắc chắn không được coi trọng bởi những người
thường xuyên can thiệp vào hệ thống của Thiên nhiên. Các nghiên cứu chỉ ra rằng
một cái cây có thể kiểm soát số lượng và chủng loại nấm hoặc vi khuẩn khác nhau bị
thu hút vào vùng rễ của nó thông qua các dịch tiết chúng tạo ra. Trong các thời
điểm khác nhau của mùa sinh trưởng, các quần thể vi khuẩn và nấm ở vùng rễ sẽ
sinh sôi và chết đi, tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng và dịch tiết của cây.

25
Vi khuẩn và nấm trong đất giống như những túi phân bón nhỏ, chúng giữ lại trong
cơ thể mình nitơ và các chất dinh dưỡng khác mà chúng thu được từ các loại dịch
tiết ra từ rễ và các chất hữu cơ khác (chẳng hạn như xác tế bào đầu rễ bong ra).
Tương tự như vậy, các động vật nguyên sinh trong đất và tuyến trùng hoạt động như
những “người đi bón phân” bằng cách giải phóng các chất dinh dưỡng bị nhốt trong
các “túi phân bón” vi khuẩn và nấm. Tuyến trùng và động vật nguyên sinh trong đất
ăn vi khuẩn và nấm trong vùng rễ. Chúng tiêu hóa những gì chúng cần để tồn tại và
bài tiết carbon dư thừa cùng các chất dinh dưỡng khác dưới dạng chất thải.

Cây đã tự xoay sở tạo ra dịch tiết thu hút nấm và vi khuẩn (và sau cùng là tuyến
trùng và động vật nguyên sinh); sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào hoạt động
tương tác qua lại giữa các vi sinh vật này. Đó là một hệ thống hoàn toàn tự nhiên,
cũng chính là hệ thống cung cấp năng lượng cho các loài thực vật kể từ khi chúng
xuất hiện trên Trái đất. Sự sống trong đất cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết
cho sự sống của thực vật, và thực vật bắt đầu và cung cấp năng lượng cho chu trình
bằng cách tạo ra dịch tiết.

Sự sống trong đất tạo ra cấu trúc của đất


Các động vật nguyên sinh và tuyến trùng đang tha hồ tiệc tùng với món nấm và vi
khuẩn bị thu hút bởi dịch tiết của thực vật thì lại lần lượt bị tàn sát bởi động vật
chân đốt (bọn này có cơ thể phân khúc, các phần phụ có khớp và lớp bọc bên ngoài
cứng gọi là bộ xương ngoài).

Vi khuẩn trên một hạt đất.


Bản quyền hình ảnh Ann West.

26
Côn trùng, nhện, thậm chí cả tôm và tôm hùm đều là động vật chân đốt. Động vật
chân đốt trong đất ăn lẫn nhau và chúng là thức ăn của rắn, chim, chuột chũi và các
động vật khác. Nói một cách đơn giản, đất là một nhà hàng lớn bán thức ăn nhanh.
Trong quá trình này, các thành viên của lưới thức ăn trong đất đi tìm kiếm con mồi
hoặc sự bảo vệ cho chính mình, và vì những hoạt động này, chúng tác động đến đất.

Vi khuẩn rất nhỏ nên chúng cần bám vào mọi thứ, nếu không chúng sẽ bị rửa trôi;
để bám chắc, chúng tạo ra chất nhờn, kết quả là các hạt đất riêng lẻ được liên kết
với nhau (nếu khái niệm này khó nắm bắt, hãy nghĩ đến mảng bám được tạo ra qua
đêm trong miệng của bạn, tạo điều kiện cho vi khuẩn trong miệng bám vào răng của
bạn). Sợi nấm cũng vậy, di chuyển qua và dính vào các hạt đất, liên kết chúng với
nhau.

Giun, ấu trùng côn trùng và chuột chũi cùng các động vật đào hang khác, di chuyển
trong đất để tìm kiếm thức ăn và sự bảo vệ đã tạo ra những con đường cho phép
không khí và nước đi vào và đi ra khỏi đất. Ngay cả nấm cực nhỏ cũng có thể giúp
ích trong chuyện này (xem chương 4). Từ đó, lưới thức ăn trong đất, ngoài việc cung
cấp chất dinh dưỡng cho rễ trong vùng rễ, còn giúp tạo ra cấu trúc của đất: các
hoạt động của các thành viên trong lưới liên kết các hạt đất lại với nhau đồng thời
chúng cũng lại giúp cho không khí và nước đi qua đất.

Sự sống trong đất tạo ra chất dinh dưỡng trong đất


Bất kỳ thành viên nào của lưới thức ăn trong đất chết đi đều trở thành thức ăn cho
các thành viên khác trong cộng đồng. Và như thế, các chất dinh dưỡng trong xác
chúng cũng được truyền cho nhau. Chúng có thể bị ăn thịt bởi một kẻ săn mồi lớn
hơn, hoặc cũng có thể bị phân huỷ sau khi chết. Bằng cách này hay cách khác, nấm
và vi khuẩn đểu tham gia trong quá trình trực tiếp phân huỷ sinh vật hoặc phân huỷ
phân của kẻ săn mồi nói trên. Dù thế nào thì cũng không có gì khác nhau cả. Chất
dinh dưỡng được giữ lại và sau cùng thì lại ở trong cơ thể của các vi sinh vật, kể cả

27
các loại nấm hay vi khuẩn nhỏ nhất. Khi nấm và vi khuẩn ở trong vùng rễ, chúng giải
phóng các chất dinh dưỡng ở dạng mà cây có thể tiêu thụ được ngay khi đến lượt
chúng bị ăn hoặc chết đi.

Nếu không có hệ thống này, hầu hết các chất dinh dưỡng quan trọng sẽ thất thoát
khỏi đất. Còn nếu có hệ thống này, chúng được giữ lại trong cơ thể của các loài
trong đất. Và sau đây là một sự thật: khi bạn bón phân hóa học, một chút nhỏ sẽ vào
được tới vùng rễ, nơi cây hấp thụ, nhưng phần lớn lượng phân tiếp tục thấm sâu
xuống đất cho đến khi chạm vào mực nước ngầm. Điều này không xảy ra với các
chất dinh dưỡng được giữ bên trong các sinh vật đất ở một trạng thái được gọi là cố
định; những chất dinh dưỡng này cuối cùng được giải phóng dưới dạng chất thải,
hoặc khoáng hóa. Khi thực vật chết đi và được bỏ mặc tới khi phân hủy, các chất
dinh dưỡng mà chúng giữ lại sẽ được cố định trong nấm và vi khuẩn tiêu thụ các
chất dinh dưỡng này.

Sự sống trong đất cũng ảnh hưởng tới việc cung cấp các chất dinh dưỡng trong đất
theo những cách khác. Ví dụ, giun kéo chất hữu cơ vào đất, các chất hữu cơ này sau
đó bị bọ cánh cứng và ấu trùng của các loài côn trùng khác băm nhỏ, tạo điều kiện
cho nấm và vi khuẩn phân hủy. Hoạt động này của giun cung cấp thêm thức ăn cho
cộng đồng trong đất.

Sự sống trong đất khỏe mạnh giúp kiểm soát dịch bệnh
Lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh là một mạng lưới không bị phá hủy bởi các sinh
vật gây bệnh. Thực vậy, không phải sinh vật trong đất nào cũng có lợi. Là nông dân,
bạn hẳn đã biết rằng nấm và khuẩn hại gây ra nhiều bệnh cho cây trồng. Lưới thức
ăn trong đất khỏe mạnh không chỉ có thật nhiều một vài loại sinh vật, mà đa dạng
các loài hơn rất nhiều. Hãy nhớ rằng: trong một muỗng cà phê đất vườn tốt có thể
có khoảng 20.000 đến 30.000 loài khác nhau trong đó là cả tỷ loài vi khuẩn - đây
chính là một quần thể khỏe mạnh cả về số lượng lẫn sự đa dạng loài.

28
Một cộng đồng lớn và đa dạng sẽ dễ dàng kiểm soát được những kẻ gây rối. Hãy liên
tưởng tới kẻ trộm trong làng đông người; nếu làng mình có đủ người xung quanh và
đoàn kết, họ sẽ bắt hoặc thậm chí ngăn chặn tên trộm (một cách tự nhiên vì họ làm
vì lợi ích của chính bản thân mình). Ngược lại, nếu làng ta vắng vẻ, heo hút, tên trộm
sẽ thành công, hắn sẽ làm được nếu hắn mạnh hơn, nhanh hơn và đương nhiên kẻ
chuyên đi đêm bao giờ cũng thích nghi với bóng tối hơn những người đang truy lùng
tên trộm như chúng ta.

Trong thế giới của lưới thức ăn trong đất, những gã tốt bụng thường không mấy khi
đi bắt kẻ trộm; thay vào đó, chúng cạnh tranh với loài xấu về dịch tiết và các chất
dinh dưỡng khác, không khí, nước và thậm chí cả không gian sống. Nếu lưới thức ăn
trong đất là một mạng lưới khỏe mạnh, thì sự cạnh tranh này sẽ giúp kiểm soát các
mầm bệnh; các loại gây bệnh thậm chí có thể bị loại khỏi cuộc tranh đua và chết.

Điều quan trọng là mọi thành viên của lưới thức ăn trong đất đều có địa vị của mình
trong cộng đồng. Mỗi loại trên hoặc dưới mặt đất đều đóng một vai trò cụ thể. Chỉ
cần loại bỏ một nhóm nhỏ cũng gây ra một sự thay đổi rất lớn. Các loài chim cũng
góp phần phát tán động vật nguyên sinh dính trên chân chúng hoặc thả một con
sâu lấy từ vùng này sang vùng khác. Rồi nếu có quá nhiều mèo thì mọi thứ cũng sẽ
thay đổi. Phân của động vật có vú cung cấp chất dinh dưỡng cho bọ cánh cứng
trong đất. Giết các loài động vật có vú, hoặc phá hủy môi trường sống và nguồn
thức ăn của chúng (việc này cũng giống như giết chúng), rồi bạn sẽ không còn có
nhiều bọ cánh cứng. Điều ngược lại cũng đúng. Một mạng lưới thức ăn trong đất
khỏe mạnh sẽ không cho phép một nhóm thành viên nào mạnh đến mức phá hủy
mạng lưới này. Nếu có quá nhiều tuyến trùng và động vật nguyên sinh, vi khuẩn và
nấm mà chúng săn mồi sẽ gặp rắc rối mà cuối cùng, các cây trồng trong khu vực
cũng vậy.

29
Một những lợi ích khác: các lưới hoặc màng nấm hình thành xung quanh rễ đóng vai
trò như hàng rào vật lý chống lại sự xâm nhập và bảo vệ cây khỏi nấm và vi khuẩn
gây bệnh. Vi khuẩn bám trên toàn bộ bề mặt rễ nên không có chỗ cho loài khác bám
vào. Nếu có thứ gì đó tác động đến các loại nấm hoặc vi khuẩn này khiến số lượng
của chúng giảm hoặc biến mất, cây có thể dễ dàng bị tấn công.

Một loại nấm trong đất đặc biệt được gọi là nấm rễ cộng sinh, chúng tự thiết lập mối
quan hệ cộng sinh với rễ, không chỉ bảo vệ rễ cây về mặt vật lý, mà còn cung cấp
chất dinh dưỡng cho cây. Đổi lấy dịch tiết mà rễ cây tiết ra, những loại nấm này
cung cấp nước, phốt pho và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho cây. Các quần
thể lưới thức ăn trong đất phải được giữ trong trạng thái cân bằng, nếu không
những loại nấm này sẽ bị ăn và cây sẽ bị ảnh hưởng.

Vi khuẩn cũng tự tạo ra dịch tiết và chất nhờn chúng dùng để bẫy sinh vật gây bệnh.
Đôi khi, vi khuẩn kết hợp với nấm tạo thành các lớp bảo vệ, không chỉ ở vùng rễ mà
còn trên vùng bề mặt lá (một nơi quan trọng không kém). Lá tiết ra dịch tiết thu hút
vi sinh vật giống hệt như cách rễ làm; chúng hoạt động như một hàng rào chống lại
sự xâm nhập, ngăn chặn các sinh vật gây bệnh xâm nhập vào hệ thống của cây
trồng.

Một số loại nấm và vi khuẩn tạo ra các hợp chất ức chế, những thứ như vitamin và
kháng sinh, giúp duy trì hoặc cải thiện sức khỏe thực vật; Ví dụ, penicillin và
streptomycin là hai loại kháng sinh được tạo ra bởi một loại nấm và một loại vi
khuẩn sống trong đất.

Không phải Nitơ nào cũng giống nhau!


Nhìn từ quan điểm của thực vật, vai trò của lưới thức ăn trong đất là luân chuyển
các chất dinh dưỡng cho đến khi chúng tạm thời cố định trong cơ thể vi khuẩn và
nấm, rồi sau đó được khoáng hóa. Chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong số những
chất dinh dưỡng này là nitơ - thành phần cơ bản của axit amin và do đó nitơ là sự
30
sống. Sinh khối của nấm và vi khuẩn (nghĩa là tổng số lượng của mỗi loại trong đất)
quyết định phần lớn lượng nitơ cây trồng có thể sử dụng được.

Mãi đến những năm 1980, các nhà khoa học về đất mới có thể đo chính xác số lượng
vi khuẩn và nấm trong đất. Tiến sĩ Elaine Ingham tại Đại học Oregon, Mỹ cùng với
những người khác bắt đầu công bố nghiên cứu cho thấy tỷ lệ của hai sinh vật này
trong nhiều loại đất khác nhau. Nói chung, đất ít bị xáo trộn nhất (đất mà có cây gỗ
cổ thụ phát triển) có nhiều nấm hơn vi khuẩn, trong khi đất bị xáo trộn (bị cày xới
cho trồng trọt chẳng hạn) có nhiều vi khuẩn hơn nấm. Những nghiên cứu này và
những nghiên cứu sau này cho thấy rằng đất nông nghiệp có sinh khối nấm trên vi
khuẩn (tỷ lệ N:V) ​là 1: 1 hoặc ít hơn, trong khi đất rừng có nhiều nấm hơn vi khuẩn
mười lần hoặc nhiều hơn.

Tiến sĩ Elaine Ingham và một số sinh viên tốt nghiệp của bà tại Đại học Oregon cũng
nhận thấy mối tương quan giữa thực vật và sự ưa thích của chúng đối với các loại
đất có tỷ lệ N:V khác nhau (có nhiều nấm hơn hay có nhiều vi khuẩn hơn, hay có hai
loại này cân bằng). Vì vi khuẩn sẽ dần trao lại sự chiếm ưu thế cho nấm theo diễn
biến của Diễn thế thực vật, nên cũng khá dễ dàng dự đoán được loại đất mà một loại
cây ưa thích bằng cách tìm hiểu nó thường sống ở đâu. Nhìn chung, các loại cây lâu
năm, cây thân gỗ và cây bụi thì thích đất có nhiều nấm, còn cây hàng năm, cỏ và rau
thích đất có nhiều vi khuẩn.

Đằng sau những phát hiện này chính là ý nghĩa của các loại nitơ khác nhau trong vi
khuẩn và nấm đối với việc làm vườn. Hãy lưu ý rằng đây chính là ý nghĩa của lưới
thức ăn trong đất đối với cây cối: khi con này ăn con kia, thì con này giữ lại một số
nitơ, nhưng phần lớn nitơ trong số đó lại được thải ra dưới dạng amoni (NH4) mà cây
có thể hấp thụ ngay. Tùy thuộc vào môi trường đất, chất này có thể vẫn ở dạng
amoni hoặc được chuyển hóa thành nitrat (NO3) bởi các vi khuẩn đặc biệt. Khi nào
thì sự chuyển đổi này xảy ra? Khi amoni được giải phóng trong đất có nhiều vi

31
khuẩn. Điều này là do các loại đất như vậy thường có độ pH kiềm (nhờ chất nhầy của
vi khuẩn) từ đó khuyến khích các loại vi khuẩn cố định nitơ phát triển mạnh. Các
axit do nấm tạo ra, khi chúng bắt đầu chiếm ưu thế, sẽ làm giảm độ pH và làm giảm
đáng kể số lượng loại vi khuẩn này. Trong đất có nhiều nấm, phần lớn nitơ vẫn ở
dạng amoni.

Này nhé! Đây là sự thật: phân bón hóa học cung cấp nitơ cho cây trồng, nhưng hầu
hết cung cấp dưới dạng nitrat (NO3). Tuy nhiên, sự hiểu biết về lưới thức ăn trong
đất cho ta biết những cây ưa thích đất có nhiều nấm cuối cùng sẽ không thể phát
triển trong chế độ chăm sóc chỉ với nitrat. Điều này có thể tạo ra sự khác biệt lớn
trong cách ta chăm sóc khu vườn của mình. Nếu bạn có thể khiến nấm hoặc vi
khuẩn chiếm ưu thế hoặc cung cấp một hỗn hợp đồng đều (và ta có thể làm như vậy
với cách làm được giải thích trong Phần 2), thì thực vật có thể nhận được loại nitơ
mà chúng thích và phát triển mạnh mà không cần tới hóa chất.

Các tác động tiêu cực đến lưới thức ăn trong đất
Phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng và thuốc diệt nấm ảnh hưởng
đến lưới thức ăn trong đất, đầu độc một số loài, xua đuổi những loài khác và thay
đổi môi trường sống của toàn bộ cộng đồng. Mối quan hệ quan trọng giữa nấm và vi
khuẩn không hình thành và cây không nhận được chất dinh dưỡng miễn phí từ
chúng. Khi được chăm bón bằng phân hoá học, thực vật bỏ qua cách lấy chất dinh
dưỡng với sự hỗ trợ của vi sinh vật, và quần thể vi sinh vật sẽ tự điều chỉnh theo. Vấn
đề là ta phải tiếp tục bổ sung phân bón hóa học và sử dụng các loại thuốc diệt nọ
diệt kia, bởi vì nền tảng của lưới thức ăn trong đất - một sự kết hợp và tính đa dạng
hoàn hảo - đã đổi thay.

Điều này là hoàn toàn có lý: một khi vi khuẩn, nấm, tuyến trùng và động vật nguyên
sinh đã biến mất, các thành viên khác của lưới thức ăn cũng biến mất. Chẳng hạn,
giun đất sẽ bò ra khỏi khu đất khi thiếu thức ăn và bị kích ứng bởi nitrat tổng hợp

32
trong phân đạm hòa tan. Bởi giun đất giúp nghiền vụn các vật chất hữu cơ, sự vắng
mặt của chúng là một mất mát lớn. Khi làm mất đi các hoạt động và sự đa dạng của
một lưới thức ăn khỏe mạnh, bạn không chỉ tác động đến hệ thống dinh dưỡng mà
còn làm ảnh hưởng tới tất cả những lợi ích khác mà lưới thức ăn trong đất khỏe
mạnh mang lại. Khi cấu trúc đất xấu đi, việc tưới nước có thể trở nên khó khăn,
mầm bệnh và sâu bệnh tự hình thành và tệ nhất là việc làm vườn trở nên mất nhiều
công hơn mức cần thiết.

Nếu bản thân phân bón hóa học gốc muối không giết chết các thành phần của lưới
thức ăn trong đất, thì quá trình cày xới đất cũng sẽ tiêu diệt lưới thức ăn. Nghi thức
cày xới vào mùa xuân này phá vỡ sợi nấm, diệt giun, xé và nghiền nhỏ động vật chân
đốt. Nó phá hủy cấu trúc đất và cuối cùng làm mất dần không khí cần thiết trong
đất. Lại nữa, điều này có nghĩa là cuối cùng sẽ có nhiều việc hơn cho bạn. Ô nhiễm
không khí, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và thuốc diệt cỏ cũng giết chết các thành
viên quan trọng của lưới thức ăn hoặc “đuổi” chúng đi. Mọi mắt xích trong một
chuỗi bất kỳ đều quan trọng như nhau: nếu có khoảng trống trong lưới thức ăn
trong đất, hệ thống sẽ bị phá vỡ và ngừng hoạt động.

Lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh


có lợi cho chính bạn và cây trồng của bạn
Tại sao người làm vườn nên hiểu biết về cách vận hành của đất và lưới thức ăn trong
đất? Bởi vì sau đó bạn có thể quản lý chúng để chúng làm việc cho bạn và cây trồng
của bạn. Bằng cách sử dụng các kỹ thuật áp dụng khoa học về lưới thức ăn trong đất
khi làm vườn, ít nhất bạn có thể giảm thiểu và loại một cách tối đa nhu cầu về phân
bón, thuốc diệt cỏ, diệt nấm và thuốc trừ sâu (và rất nhiều công việc đi kèm). Bạn có
thể cải tạo đất bạc màu và làm cho đất hữu ích trở lại. Đất sẽ giữ lại chất dinh dưỡng
trong cơ thể của các sinh vật thuộc lưới thức ăn trong đất thay vì để chúng trôi ra
ngoài nơi mà có Trời mới biết được ở đâu. Cây của bạn sẽ nhận được chất dinh

33
dưỡng ở dạng mà từng loại cây cụ thể muốn và cần nên chúng sẽ ít bị căng thẳng
hơn. Bạn sẽ có cách phòng chống, bảo vệ và ngăn chặn bệnh tật một cách tự nhiên.
Đất của bạn sẽ giữ được nhiều nước hơn.

Các sinh vật trong lưới thức ăn trong đất sẽ thực hiện hầu hết các công việc duy trì
sức khỏe của cây. Hàng tỷ sinh vật sống sẽ liên tục làm việc trong suốt cả năm, làm
những công việc nặng nhọc, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng, xây dựng hệ
thống phòng thủ chống lại sâu bệnh, làm đất tơi xốp và tăng khả năng thoát nước,
cung cấp các con đường cần thiết cho Oxy và CO2. Bạn sẽ không phải tự mình làm
những việc này nữa.

Làm vườn với lưới thức ăn trong đất rất dễ dàng, nhưng bạn phải đưa sự sống trở lại
trong đất của mình. Tuy nhiên, trước tiên, bạn phải biết một số điều về đất mà trong
đó lưới thức ăn trong đất hoạt động; tiếp đó, bạn cần biết từng thành viên quan
trọng của cộng đồng lưới thức ăn làm gì. Cả hai mối quan tâm này đều được trình
bày trong các chương tiếp theo của Phần 1.

34
Chương 2
Khoa học cơ bản về đất
ĐÂY LÀ LÚC ta ra ngoài và lấy một vài mẫu đất từ những nơi khác nhau trong vườn
của mình. Quan sát đất thật kỹ, thật gần. Ngửi nó. Nghiền một ít ra giữa các ngón
tay. So sánh các mẫu để nhận biết sự giống và khác nhau. Sau khi đọc xong chương
này và thực hiện lại các quan sát, bạn sẽ có một cái nhìn khác về những gì có trong
tay mình.

Người làm vườn thông thường biết rất ít về đất và tại sao nó lại quan trọng. Dù vậy
với chúng ta, đất là ngôi nhà chung sống của tất cả các sinh vật trong lưới thức ăn
trong đất. Đó là sàn diễn cho các “diễn viên” khiến chúng ta hứng thú. Đơn giản là
bạn cần biết vài điều về bản chất vật lý của đất nếu bạn muốn hiểu về sinh học của
các cư dân sống trong đất, và cách sử dụng kiến thức sinh học này để trở thành một
người làm vườn giỏi hơn. Thật vậy, một mẫu (khoảng hơn 4000m2) đất vườn tốt đầy
ắp sự sống, chứa khoảng 1 kg động vật có vú nhỏ; 60 kg động vật nguyên sinh; 400
kg mỗi loại giun đất, động vật chân đốt và tảo; 900 kg vi khuẩn; và hơn 1 tấn nấm.

Hầu hết chúng ta, khi muốn mọi thứ phát triển tốt hơn, ta chỉ đơn giản là thay đất
kém chất lượng bằng đất tốt. Những nông dân lão luyện chỉ cần nhìn là biết đất tốt:
có màu cà phê, giàu chất hữu cơ, giữ được nước nhưng vẫn thoát nước tốt khi cần.
Và có cả mùi thơm! Đất nghèo thường nhạt màu, vón chặt, thoát nước quá nhanh và
không giữ được nước hoặc giữ quá nhiều nước, thậm chí đôi khi trở thành yếm khí.
Có thể có mùi hôi. Tuy nhiên, nếu bạn định sử dụng lưới thức ăn trong đất, bạn thực
sự cần biết nhiều hơn. Đất hình thành từ đâu? Các thành phần của nó là gì? Làm thế
nào chúng ta có thể mô tả thống nhất về nó, và làm thế nào chúng ta có thể đo
lường các đặc điểm của nó? Kiến thức này sẽ giúp bạn điều chỉnh đất của mình, vì
để quyết định được đất có tốt hay không, xét cho cùng, là những gì bạn muốn trồng
35
được trong đó: đất tốt phải có khả năng duy trì lưới thức ăn trong đất tương thích
với cây trồng mà nó hỗ trợ. Hãy tin chúng tôi — cuối cùng, bạn sẽ vui vì biết thêm
một chút gì đó về đất, hơn là mấy vụ màu và mùi.

Đất thực ra là gì?


Về mặt kỹ thuật, đất là tất cả các chất khoáng và chất hữu cơ rời rạc ở lớp trên cùng
của vỏ trái đất. Nếu dùng một quả táo để thể hiện cho trái đất. Gọt khoảng 75% lớp
vỏ táo đại diện cho toàn bộ nước và 15% khác đại diện cho sa mạc hoặc núi — nơi
đất quá nóng, quá lạnh, quá ẩm ướt hoặc quá dốc không thể sử dụng để trồng cây.
Vậy 10% còn lại đại diện cho tất cả đất của Trái đất - đất có các đặc tính vật lý, hóa
học và sinh học cần thiết để hỗ trợ sự sống của thực vật. Khi chúng ta tính đến phần
của các thành phố, đường xá và các cơ sở hạ tầng nhân tạo khác (những thứ này
thường ngẫu nhiên nằm trên một số loại đất tốt nhất), diện tích bề mặt của đất có
thể sử dụng được giảm thêm nữa.

Bây giờ, chúng ta quan tâm tới mảnh vỏ táo nhỏ bé còn lại tượng trưng cho đất
trong vườn và sân của chúng ta. Nó được hình thành như thế nào? Nó là gì? Tại sao
nó hỗ trợ sự phát triển của cây trồng?

Phong hóa
Phần lớn đất trong vườn nhà bạn là sản phẩm của quá trình phong hóa. Phong hóa là
tác động tổng hợp của tất cả các lực tự nhiên làm phân hủy đá. Các lực này có thể là
vật lý, hóa học hoặc sinh học.

Ban đầu, tác động vật lý đơn thuần của gió, mưa, tuyết, nóng và lạnh (cùng với băng
mài, va đập dọc các lòng sông, va quệt vào các tảng đá khác, và cuốn vào sóng biển
và dòng suối) phá vỡ những tảng đá thành các hạt khoáng chất nhỏ và bắt đầu quá
trình hình thành đất. Nước đông lại trong các vết nứt và kẽ hở của đá và giãn nở,
làm tăng thể tích của chúng lên 9% (và tạo ra một lực khoảng 140kg/cm² - hay

36
2000psi) khi biến thành băng đá. Trời nóng làm các bề mặt của đá nở ra, trong khi
phần đá bên trong, chỉ cách một milimet, vẫn mát và ổn định. Khi lớp đá bên ngoài
bị kéo đi, các vết nứt hình thành và bề mặt bong ra thành các hạt nhỏ hơn.

Phong hóa hóa học làm tan đá bằng cách phá vỡ các liên kết phân tử giữ nó với nhau
khi tiếp xúc với nước, oxy và CO2. Một số vật liệu trong đá bị hoà tan, làm cho đá
mất ổn định cấu trúc và dễ bị tác động bởi thời tiết hơn (hãy hình dung ta thả một
viên đường vào tách trà rồi khuấy lên). Nấm và vi khuẩn cũng góp phần vào quá
trình phong hóa hóa học qua việc tạo ra các chất hóa học khi phân hủy thức ăn của
chúng (nấm tạo ra axit và vi khuẩn tạo các chất kiềm); ngoài CO2, vi sinh vật tạo ra
amoniac và axit nitric, các chất này hoạt động như dung môi. Chất liệu của đá bị
phá thành các thành phần đơn giản hơn. Dù có đến gần 90 nguyên tố hóa học khác
nhau trong đất, chỉ có tám nguyên tố chiếm phần lớn: oxy, silic, nhôm, sắt, magiê,
canxi, natri và kali. Tất cả đều có điện tích ở cấp độ phân tử, và với các kết hợp khác
nhau chúng tạo thành các phân tử tích điện, kết hợp thành các khoáng chất khác
nhau.

Các axit được tạo ra bởi địa y màu vàng trên tảng
đá này đang dần dần góp phần chuyển hóa nó
thành đất. Dave Powell, Sở Lâm nghiệp USDA,
www.forestryimages.org.

37
Hoạt động sinh học cũng gây ra phong hóa. Rêu và địa y (hay chính xác hơn là lũ
nấm trong chúng) tự bám vào đá và tạo ra axit và các chất chelat làm tan các mảnh
đá nhỏ để sử dụng làm chất dinh dưỡng, dẫn đến các khe nứt nhỏ chứa đầy nước.
Các chu kỳ đóng băng và tan băng tiếp tục phá vỡ vật liệu đá ban đầu, và rễ của
những cây lớn hơn xuyên qua các kẽ hở và mở rộng chúng, buộc các tảng đá tách
rời nhau.

Chất hữu cơ
Quá trình phong hóa phá vỡ đá thành loại thành phần khoáng này hay khoáng khác.
Tuy nhiên, đất cần phải có khả năng hỗ trợ sự sống của thực vật — điều này đòi hỏi
nhiều thứ hơn là mỗi khoáng chất. Trung bình, đất vườn tốt có 45% khoáng chất tự
nhiên và 5% chất hữu cơ, được bồi đắp dần dần khi các sinh vật ở trên và trong đất
hoạt động. Khi thực vật và động vật trên mặt đất chết và được phân hủy bởi vi
khuẩn và nấm, chúng cuối cùng được chuyển thành mùn, là chất hữu cơ giàu
carbon, có màu cà phê. Giống như sản phẩm cuối cùng của quá trình ủ phân. Vật
chất quý giá này là mùn.

Mùn bao gồm các chuỗi phân tử cacbon rất dài, khó đứt gãy với diện tích bề mặt
lớn; các bề mặt này mang điện tích, hút và giữ các hạt khoáng chất. Hơn nữa, cấu
trúc phân tử của các chuỗi dài này giống như một miếng bọt biển — rất nhiều ngóc
ngách đóng vai trò là nơi cư trú thực sự cho vi sinh vật đất. Khi bạn đã thêm mùn và
các chất hữu cơ khác, chẳng hạn như xác bã động thực vật, vào các khoáng chất bị
phong hóa, bạn sẽ có một loại đất tương đối tốt để các loại cây thân gỗ, cây bụi, bãi
cỏ và vườn tược phát triển — nhưng vẫn chưa đủ.

Không khí và Nước


Khoáng chất và mùn tạo nên pha rắn của đất, nhưng thực vật cũng cần oxy và nước
— pha khí và pha lỏng. Khoảng trống giữa các hạt khoáng chất và hữu cơ riêng lẻ
được không khí hoặc nước (và đôi khi là cả hai) lấp đầy.

38
Mùn có màu cà phê đậm đặc và chứa đầy chất hữu cơ. Nắm mùn trong ảnh có

khoảng 55% chất hữu cơ. Công ty Alaska Humus, www.alaskahumus.com.

Nước di chuyển giữa các lỗ rỗng của đất theo một trong hai cách: do trọng lực hay
lực kéo của các phân tử nước riêng lẻ lên nhau, hoặc theo hoạt động mao dẫn. Nước
theo trọng lực di chuyển tự do trong đất. Hãy hình dung cảnh nước được đổ vào
một lọ đầy sỏi: nước được trọng lực kéo xuống khi dần dâng đầy lọ. Các lỗ lớn giúp
dòng nước chảy theo trọng lực. Khi nước lấp đầy các lỗ, nó sẽ thế chỗ và đẩy không
khí ra ngoài. Khi nước chảy qua, nó sẽ làm cho luồng không khí mới di chuyển vào
đất. Khi nước chảy theo trọng lực va vào rễ, bọn này hoạt động như bọt biển, nước
sẽ bị rễ hấp thụ.

Các lỗ trống nhỏ hơn trong đất chứa một màng nước mao dẫn, không chịu ảnh
hưởng của trọng lực và ở lại trong đất sau khi nước trọng lực chảy qua. Loại nước
này được liên kết với nhau bằng lực hút của các phân tử với nhau (lực này là lực liên
kết, nhưng chúng ta sẽ không đi sâu vào điểm này) và với các bề mặt đất xung quanh
(lực này là lực kết dính). Điều này tạo ra một sức căng bề mặt, làm cho nước mao
39
dẫn tạo thành một lớp màng dày trên bề mặt các hạt đất. Nước mao dẫn có thể
"chảy" ngược dốc. Rễ cây có thể hút nước mao dẫn sau khi nước trọng lực đã chảy
qua và vì thế đây là nguồn nước chính cho cây.

Nước ngưng tụ là một màng nước mỏng hơn, chỉ dày vài phân tử, giống như nước
mao dẫn, được gắn vào các hạt đất cực nhỏ nhờ đặc tính tích điện. Lớp màng này
mỏng đến nỗi các liên kết giữa các phân tử nước và các hạt đất được tập trung lại và
cực kỳ khó phá vỡ. Do vậy, rễ cây không thể hấp thụ được nó, nhưng lớp màng nước
này lại rất quan trọng cho khả năng sống và di chuyển của nhiều vi khuẩn. Ngay cả
trong điều kiện khô ráo, bề mặt hạt đất vẫn giữ một lượng nước ngưng tụ; bạn
không thể loại bỏ nó khỏi đất nếu không dùng nhiều nhiệt đun sôi nó.

Chỉ khoảng một nửa lỗ trống trong đất tốt chứa đầy nước. Nửa còn lại chứa đầy
không khí. Sự chuyển động của nước đẩy không khí cũ ra ngoài và hút không khí từ
bề mặt vào, vì vậy tưới thêm nước đồng nghĩa với việc thêm trao đổi không khí, điều
này rất quan trọng. Nếu có một lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh, hoạt động trao
đổi chất của các sinh vật trong đất sẽ sử dụng oxy và tạo ra CO2. Sự hiện diện của
CO2 là một dấu hiệu tốt cho thấy đất chứa sự sống; tuy nhiên, CO2 phải được trao
đổi với không khí trong lành để duy trì sự sống.

Ở một số loại đất, các lỗ trống trong đất bị tắc ở nhiều nơi và không khí không được
trao đổi khi nước chảy. Thậm chí, nước có thể không chảy được chút nào. Những
loại đất này có độ xốp rất kém - nghĩa là chúng thiếu khoảng trống cần thiết giữa
các hạt đất. Tất cả lượng oxy trong đất có thể được sử dụng hết bởi các hoạt động
trao đổi chất hiếu khí, dẫn đến các điều kiện yếm khí, thiếu oxy. Các sinh vật có thể
sống trong điều kiện này thường tạo ra chất cồn và các hợp chất khác làm chết tế
bào rễ cây.

40
Cấu trúc và phẫu diện đất
Đất chịu tác động không ngừng của sự phong hoá. Ví dụ, mưa sẽ làm cho một số
khoáng chất và chất hữu cơ trong đất bị rửa trôi khi nước chảy xuống đất. Các chất
này có thể va vào một rào cản không thấm nước và dồn tụ lại trong một vùng hoặc
lớp nhất định. Kích thước của các hạt đất có thể làm cho các chất trong đất bị cô
đặc hoặc bị lọc lại. Dần dần, theo thời gian, các lớp và khu vực đất khác nhau được
hình thành. Chúng có thể được nhìn thấy, giống như các tầng đá trong các vách núi
Grand Canyon, khi bạn đào sâu xuống đất. Cấu trúc đất là một bản đồ của các lớp
đất - hay các phẫu diện đất.

Các nhà khoa học về đất đã gắn một chữ cái hoặc tổ hợp các chữ (và cả số) vào mỗi
tầng đất xuất hiện trong bất kỳ cấu trúc đất điển hình nào. Đối với nông dân (may
mắn sao), các tầng đất trên cùng (O và A) là những tầng đất duy nhất có giá trị. Ở
tầng đất O, tầng Oi chứa các chất hữu cơ vẫn có thể định dạng được (cần thêm chút
đào tạo nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này); đây là đất lớp thô. Tầng Oe có nhiều
phân hủy hơn, và cho dù các chất hữu cơ ở đây có thể xác định được là từ thực vật,
bạn không thể biết đó là từ loại thực vật cụ thể nào, kể cả khi được đào tạo; đây là
lớp đất mùn. Cuối cùng, tầng Oa là nơi chất hữu cơ đã phân hủy nhiều đến mức bạn
không thể biết được nguồn gốc của nó. Nó có thể là từ thực vật hoặc động vật. Đây
là lớp đất bùn. Những kiến thức này sẽ là thông tin hữu ích nếu bạn muốn biết liệu
đất của mình có tiếp tục tạo ra các sản phẩm phân hủy (như đạm) nữa hay không,
khi quá trình chuyển hoá đất thành mùn chưa kết thúc; hay đất của bạn đã hoai mục
hoàn toàn đến mức chỉ còn là nơi chứa các vi khuẩn phân hủy.

Tầng đất A nằm dưới tầng O. Tại đây các hạt mùn tích tụ khi nước chạy qua tầng đất
O phía trên và kéo các hạt hữu cơ xuống dưới. Nước chảy qua tầng đất này mang
theo rất nhiều vật chất hòa tan và lơ lửng. Tầng đất A này có hàm lượng chất hữu cơ
cao nhất trong số các tầng đất và có hoạt tính sinh học cao nhất. Đây là nơi rễ phát
triển.
41
Xuống thêm nhiều tầng đất khác nữa và rồi đến tầng đá mẹ. Bạn sẽ cần một máy
xúc để đào qua hết tất cả các tầng đất dưới vườn của bạn, rõ chẳng nên phí công
thế làm gì. Thường thì một hoặc vài tầng đất có thể bị thiếu, bị mài mòn hoặc bị đẩy
đi do các lực phong hoá, và thường thì quá khó để thấy rõ sự phân biệt giữa các tầng
đất.

Điều quan trọng là đảm bảo vườn và sân của bạn có đất tốt — có tỉ lệ phối trộn phù
hợp của khoáng chất, chất hữu cơ, không khí và nước — ở các lớp đất mặt, ở khu vực
cây cối phát triển. Nếu không, bạn sẽ phải thêm vào những gì bạn có sẵn hoặc thay
thế đất hoàn toàn.

Màu đất
Màu sắc có thể là một chỉ báo dễ dàng để biết những gì có trong đất của bạn, vì màu
đất đôi khi phụ thuộc vào thành phần cụ thể các khoáng chất và hữu cơ có trong
đất. Các hoạt động phong hóa, oxy hóa, khử của các khoáng chất sắt và mangan, và
sinh hóa của sự phân hủy chất hữu cơ là những yếu tố chính ảnh hưởng đến màu
sắc của đất.

Các thành phần hữu cơ trong đất là các tác nhân tạo màu rất mạnh và tạo ra đất
sẫm màu; chúng có thể tích tụ hoặc có thể hòa tan và phủ màu đen lên các hạt đất.
Khi đất có chứa sắt, nó sẽ bị gỉ và các hạt đất được phủ lớp nhuộm màu đỏ và vàng.
Khi mangan oxit là thành phần chính của đất, các hạt đất có màu đen tím. Những
màu này khi có trong đất, thường báo hiệu khả năng thoát nước và thông khí tốt.

Đất xám màu cho thấy đất có thể thiếu chất hữu cơ. Màu này cũng thường báo hiệu
điều kiện hiếu khí, vì các vi khuẩn sống được trong điều kiện như vậy thường sử
dụng sắt trong đất, quá trình này khiến nó trở nên không màu. Tương tự, magiê bị
khử thành các hợp chất không màu bởi các loại vi sinh vật kỵ khí khác trong đất.

42
Các nhà khoa học đất sử dụng biểu đồ màu để xác định, so sánh và mô tả các điều
kiện của đất. Tuy nhiên, đối với nông dân, màu sắc không quan trọng lắm. Đối với
chúng ta, đất tốt có màu của cà phê sẫm - nhắc lại, phần lớn là do các thành phần
hữu cơ của nó.

Thành phần cơ giới của đất


Các nhà khoa học về đất mô tả kích thước của các hạt đất theo thành phần cơ giới.
Có ba loại thành phần cơ giới của đất: cát, thịt (bùn) và sét. Tất cả đất đều có một
kết cấu cụ thể cho phép người ta đánh giá xu hướng của nó để hỗ trợ lưới thức ăn
trong đất khỏe mạnh và nhờ đó cây khỏe mạnh.

Thành phần cơ giới của đất không liên quan gì đến thành phần đất. Ví dụ, nếu bạn
nghĩ rằng thuật ngữ “cát” chỉ áp dụng cho các hạt thạch anh, thì bạn đã nhầm. Đúng
vậy, hầu hết các hạt cát là khoáng thạch anh, nhưng tất cả các loại đá có thể bị
phong hóa thành cát: silicat, fenspat (silicat kali-nhôm, silicat natri-nhôm và silicat
canxi-nhôm), sắt và thạch cao (canxi sunfat). Nếu cát đến từ các rạn san hô vỡ vụn
ra, nó là đá vôi. Hầu hết các hạt đất thịt cũng là khoáng thạch anh (chỉ có điều
chúng có kích thước nhỏ hơn nhiều so với các hạt được tìm thấy trong đất cát), và
bùn có thể có các thành phần không phải thạch anh giống như cát. Ngược lại, sét
được tạo thành từ một nhóm khoáng chất hoàn toàn khác, nhôm silicat ngậm nước,
với các nguyên tố khác, chẳng hạn như magiê hoặc sắt, đôi khi thay bằng nhôm.

Vậy nên, điểm mấu chốt đối với nông dân là thành phần cơ giới đất chỉ liên quan
đến kích thước của các hạt, không phải thành phần của các hạt này. Vậy thì những
hạt có kích thước nào thì tạo thành cát, bùn và sét?

Bắt đầu với cát. Chắc chắn bạn đã từng đến một bãi biển và nhìn thấy các hạt cát
bằng mắt thường. Chúng có đường kính từ 0,0625 đến 2mm. Bất kỳ các hạt nào lớn
hơn đều tạo ra quá nhiều khoảng trống giữa các hạt để có ích cho nông dân, ngoại
trừ để làm sỏi cho lối đi. Các hạt cát chỉ đủ nhỏ để giữ một ít nước khi tụ lại, nhưng
43
phần lớn là nước trọng lực và dễ dàng thoát ra ngoài, để lại nhiều không khí và chỉ
có một ít nước mao dẫn. Hơn nữa, các hạt cát đủ lớn để chịu tác động của trọng lực,
và chúng nhanh chóng lắng xuống đáy khi hòa vào nước. Về thành phần cơ giới, đất
có tỷ lệ cát lớn khi xoa giữa các ngón tay sẽ có cảm giác sạn.

Loại thành phần cơ giới đất lớn thứ hai là bùn. Các hạt cát có thể nhìn được bằng
mắt thường, nhưng bạn sẽ cần kính hiển vi để nhìn thấy các hạt bùn riêng lẻ. Giống
như cát, chúng bao gồm đá phong hóa, chỉ có điều kích thước của chúng nhỏ hơn
nhiều - đường kính từ 0,004 đến 0,0625mm. Lỗ trống giữa các hạt bùn nhỏ hơn
nhiều và chứa nhiều nước mao dẫn hơn cát. Giống như cát, các hạt bùn cũng chịu
ảnh hưởng của trọng lực và sẽ lắng xuống khi cho vào nước. Kết cấu của bùn khi xoa
giữa các ngón tay có cảm giác giống với bột mì.

Sét được hình thành trong quá trình hoạt động thủy nhiệt cường độ cao hoặc do tác
động hóa học của axit cacbonic phong hóa đá chứa silicat. Các hạt sét được phân
biệt dễ dàng với bùn, nhưng lần này cần có kính hiển vi điện tử - những hạt này rất
nhỏ, nhỏ nhất trong các hạt tạo nên đất, có kích thước nhỏ hơn hoặc bằng
0,004mm. Các hạt sét có cảm giác như "nhựa" và hơi trơn khi xoa giữa các ngón tay.
Điều này là do các hạt sét hấp thụ và giữ nhiều nước, đó là lý do tại sao chúng được
gọi là các hợp chất silicat ngậm nước. Ngoài silic, chúng còn chứa nước và thường
có cả nhôm, magie và cả sắt.

Để so sánh, chúng ta hãy dùng các ví dụ quen thuộc hơn. Nếu một hạt sét có kích
thước bằng hạt cúc vạn thọ, một hạt bùn sẽ là một củ cải lớn, và một hạt cát sẽ là
một chiếc xe rùa trong vườn. Một cách khác để xem xét thành phần cơ giới của đất
là hình dung một gram (khoảng một muỗng cà phê) cát, trải ra theo độ dày của 1 hạt
cát; lượng cát này sẽ trải ra một khu vực có kích thước bằng một đồng xu. Nếu bạn
trải cùng một gram sét với độ dày của một hạt sét, bạn sẽ cần một sân bóng rổ — và
cả một số khán đài xung quanh.

44
Sơ đồ kết cấu của đất. Tom Hoffman Graphic Design. Vẽ lại từ USDA.

Thành phần cơ giới thì tạo ra khác biệt gì? Kích thước của các hạt có liên quan đến
diện tích bề mặt của chúng và diện tích bề mặt của không gian lỗ giữa các hạt. Sét
có diện tích bề mặt rất lớn so với cát. Bùn ở khoảng giữa. Đất sét có khoảng trống
giữa các hạt nhỏ hơn, nhưng tổng cộng có nhiều khoảng trống hơn, vì vậy diện tích
bề mặt của khoảng trống trong đất sét lớn hơn bùn, bùn lại lớn hơn cát. Chất hữu
cơ, thường ở dạng mùn, bao gồm các hạt rất nhỏ, giống như sét, có rất nhiều diện
tích bề mặt để chất dinh dưỡng cho thực vật bám vào, do đó ngăn chúng rửa trôi ra
ngoài. Chất mùn cũng giữ nước mao dẫn.

Tất cả các loại đất đều có thành phần cơ giới khác nhau, nhưng bất kỳ loại đất nào
cũng có thể được xếp vào một loại cụ thể, tùy thuộc vào lượng hạt cát, bùn và sét
mà chúng chứa. Đất làm vườn lý tưởng là đất thịt (đất mùn), một hỗn hợp có các
thành phần tương đối bằng nhau của cát, bùn và sét. Đất mùn có diện tích bề mặt
của bùn và đất sét để giữ chất dinh dưỡng và nước, và lỗ trống của cát giúp thoát
nước và giúp hút không khí.

45
Lấy mẫu đất của bạn
Đất vườn tốt chứa 30 đến 50% cát, 30 đến 50% bùn, và 20 đến 30% sét, với 5 đến
10% chất hữu cơ. Bạn có thể tìm hiểu xem đất của bạn có gần với loại đất mùn lý
tưởng hay không. Tất cả những gì bạn cần là một bình 1 lít, 0,5 lít nước và một
muỗng canh chất làm mềm nước, chẳng hạn như dung dịch Calgon. Bạn cũng sẽ cần
đất lấy từ lớp đất bề mặt xuống khoảng 30cm ở những khu vực bạn muốn kiểm tra,
có thể là vườn rau, bồn hoa hoặc bãi cỏ của bạn.

Trộn mỗi mẫu đất với khoảng 0,5 lít nước và một thìa chất làm mềm nước. Cho vào
bình, đậy nắp bình và lắc mạnh để tất cả các hạt lơ lửng trong nước. Sau đó đặt bình
xuống và để mọi thứ lắng xuống. Sau một vài phút, tất cả các hạt cát trong đất của
bạn sẽ lắng xuống. Phải mất vài giờ để các hạt bùn nhỏ nhất lắng xuống phía trên
lớp cát này. Phần lớn các hạt sét có kích thước nhỏ nhất sẽ ở trạng thái lơ lửng trong
tối đa một ngày. Chất hữu cơ trong đất sẽ nổi lên trên cùng và ở đó trong khoảng
thời gian lâu hơn.

Chờ 24 giờ và sau đó đo độ dày của từng lớp bằng thước. Để xác định tỷ lệ phần
trăm của mỗi lớp, hãy chia độ độ dày của mỗi lớp cho tổng độ dày của cả ba lớp và
sau đó nhân với 100. Khi bạn biết tỷ lệ phần trăm của mỗi thành phần trong đất của
mình, bạn có thể bắt đầu thay đổi nó nếu cần. Làm thế nào để làm điều này được
thảo luận trong nửa sau của cuốn sách.

Cấu trúc đất


Kích thước hạt hoặc kết cấu đất là một đặc tính quan trọng của đất, nhưng hình
dạng của những hạt này khi nhóm lại với nhau cũng không kém phần quan trọng.
Hình dạng này, hay cấu trúc của đất, phụ thuộc vào cả tính chất vật lý và hóa học
của đất. Các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc của đất là hướng của hạt đất, lượng sét
và mùn, khả năng giãn nở do thời tiết (làm ướt và khô hay đóng băng và tan băng),

46
lực rễ, ảnh hưởng sinh học (sâu và động vật nhỏ), và hoạt động của con người. Các
loại cấu trúc đất được chia thành nhiều loại riêng biệt.

Khi bạn nhìn vào đất vườn của mình, bạn không thấy các hạt riêng lẻ mà là tập hợp
của các hạt này. Quá trình sinh học trong đất tạo ra các chất keo liên kết các hạt đất
riêng lẻ thành các kết cấu. Trong quá trình hoạt động hàng ngày của chúng, vi
khuẩn, nấm và giun tạo ra polysaccharit, là loại cacbohydrat dính có tác dụng như
keo, liên kết các hạt khoáng chất và mùn riêng lẻ với nhau thành các kết cấu đất.

Hãy bắt đầu với vi khuẩn. Chất nhờn mà chúng tạo ra cho phép chúng dính vào các
hạt và dính với nhau. Cụm khuẩn được hình thành, và chúng cũng dính vào nhau,
cũng như các hạt đất mà vi khuẩn bám vào. Nấm cũng giúp tạo ra các kết cấu đất.
Một nhóm nấm đất phổ biến, thuộc họ Glomales (Nấm rễ nội cộng sinh), tạo ra một
loại protein dính gọi là glomalin. Khi các tơ nấm, hoặc sợi nấm, phát triển qua các lỗ
rỗng của đất, glomalin bao phủ các hạt đất giống như keo con voi, dính các hạt này
lại với nhau thành các kết cấu đất hoặc khối đất. Những kết cấu đất này làm thay đổi
lỗ trống trong đất, giúp đất dễ dàng giữ nước mao dẫn và các chất dinh dưỡng hòa
tan và cung cấp từ từ cho cây trồng.

Giun xử lý các hạt đất để tìm thức ăn. Các hạt khoáng chất và chất hữu cơ riêng lẻ
được tiêu hóa và cuối cùng được thải ra ngoài dưới dạng kết tụ; đống này khá lớn,
chúng được chúng ta gọi là phân giun. Ta cũng nên xem tác động của các sinh vật
trong đất khi chúng di chuyển qua đất. Mỗi nhóm động vật có chiều rộng cơ thể
khác nhau. Khi chúng di chuyển, chúng tạo ra các khoảng trống trong và giữa các
hạt và kết cấu đất. Để so sánh, hãy tưởng tượng một con vi khuẩn có đường kính 1
micromet, là chiều rộng của một sợi mì Ý. Thân nấm thường rộng hơn, từ 3 đến 5
micromet. Tuyến trùng (trung bình từ 5 đến 100 micromet) sẽ có kích thước bằng
một chiếc bút chì, thậm chí là loại bút dày; và động vật nguyên sinh (10 đến 100
micromet) sẽ có đường kính của một cây xúc xích Mỹ. Tiếp tục sử dụng thước đo

47
này, những con mạt đất và bọ đuôi bật, từ 100 micromet đến 5 milimet, sẽ có đường
kính của một cái cây tầm trung. Bọ cánh cứng, giun đất và nhện (từ 2 đến 100mm) sẽ
có đường kính của những cây lớn. Hãy tưởng tượng cách mỗi loài vỡ các hạt đất khi
chúng thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Các cấu trúc đất. Nguồn: Tom Hoffman Graphic Design.

48
Cuối cùng, các điện tích trên bề mặt của chất hữu cơ và các hạt sét hút nhau và các
chất hóa học (canxi, sắt, nhôm) trong nước, đóng vai trò các tác nhân liên kết giữ
các hạt đất lại với nhau.

Tại sao chúng ta lại cần đi qua những thứ về cấu trúc đất này? Bởi vì cấu trúc của
đất là một đặc điểm chính tạo nên điều kiện phát triển tốt cho cây. Nếu có cấu trúc
đất phù hợp, thì giữa các kết cấu đất sẽ có nhiều hệ thống thoát nước, nhưng cũng
có nhiều nước mao quản (mà) cây có thể hấp thụ được. Sự lưu thông không khí cần
thiết cho các hoạt động sinh học cũng phù hợp. Và, có lẽ quan trọng nhất, nếu có
cấu trúc đất phù hợp, thì sẽ có không gian cho sinh vật đất sống. Cấu trúc đất tốt có
thể chịu được những cơn mưa xối xả, sự khô hạn, những đàn động vật đi lại và
những đợt đóng băng sâu. Khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng sẽ cao. Cuộc sống
trong và trên đó sẽ phát triển mạnh mẽ.

Kết cấu đất kém dẫn đến thiếu khả năng giữ nước và đất bị sụp đổ dưới tất cả các áp
lực môi trường và nhân tạo nói trên. Sự sống trong đất nghèo nàn, và mức độ màu
mỡ giảm nghiêm trọng khiến con người buộc phải dùng đến phân bón hóa học với
lượng càng lúc càng tăng.

Hình ảnh hiển vi của một


loại nấm phát triển trên
một gốc ngô. Các hình
tròn là bào tử nấm, các
sợi mỏng là sợi nấm và
màu xanh lục là từ thuốc
nhuộm gắn vào glomalin,
chất keo giữ các hạt đất
lại với nhau. Ảnh của Sara
Wright, USDA-ARS.

49
Khả năng trao đổi cation
Tất cả các hạt nhỏ, không chỉ mùn, đều tích điện. Những hạt này được gọi là ion.
Các ion mang điện tích dương (+) được gọi là cation và các ion mang điện tích âm (-)
là anion. Hạt mang điện dương hút hạt mang điện âm. Đây chính xác là những gì xảy
ra khi các đầu nam châm trái cực hút nhau. Khi một cation tích điện dương tự gắn
vào một anion mang điện tích âm, thì cation đó sẽ bị anion “hấp thụ”. Ngay cả vi sinh
vật trong đất cũng đủ nhỏ để tích điện và chịu ảnh hưởng của các điện tích.

Các hạt cát quá lớn để mang điện, nhưng các hạt sét và hạt mùn đều đủ nhỏ để có
nhiều anion mang điện tích âm thu hút các cation mang điện tích dương. Các cation
được sét và mùn hấp thụ bao gồm canxi (Ca++), kali (K+), natri (Na+), magiê (Mg++),
sắt (Fe+), amoni (NH4+) và hydro (H+). Đây là tất cả các chất dinh dưỡng chính cho
thực vật, và chúng được giữ trong đất bởi hai thành phần của đất tốt. Lực hút của
các cation này đối với các hạt sét và hạt mùn rất mạnh đến nỗi khi một dung dịch
chứa chúng tiếp xúc với các hạt đất, lực hút này sẽ được trung hòa và chỉ khoảng 1%
các chất dinh dưỡng cation còn lại trong dung dịch.

Trong đất cũng có các anion. Chúng bao gồm clorua (Cl-), nitrat (NO3-), sunfat (SO4-)
và photphat (PO4- ) — tất cả đều là chất dinh dưỡng cho thực vật. Thật không may,
các anion trong đất bị đẩy bởi điện tích âm trên các hạt sét và các hạt mùn và do đó
sẽ ở trong dung dịch thay vì bị hấp thụ. Các chất dinh dưỡng thực vật này thường bị
thiếu trong đất vườn, vì chúng dễ bị rửa trôi trong dung dịch đất khi trời mưa hoặc
đất được tưới nước: không có gì giữ chúng lại trên bề mặt đất cả.

Tại sao chuyện này quan trọng? Các bề mặt của lông rễ có các điện tích riêng. Khi
một sợi lông rễ xâm nhập vào đất, nó có thể trao đổi các cation của rễ với các cation
được gắn vào các hạt sét hoặc hạt mùn và sau đó hấp thụ cation dinh dưỡng đó. Rễ
sử dụng cation hydro (H+) làm đơn vị tiền tệ để trao đổi ion, tạo ra một cation hydro

50
cho mỗi cation dinh dưỡng được hấp thụ. Điều này giữ cho sự cân bằng về điện tích.
Đây là cách cây “ăn”.

CẤU TRÚC ĐẤT CEC (MEQ/100G)

Cát (sáng màu) 3-5

Cát (tối màu) 10-20

Thịt 10-15

Thịt bùn 15-25

Sét và thịt sét 20-50

Đất hữu cơ 50-100

Nơi xảy ra quá trình trao đổi cation được gọi là vị trí trao đổi cation, và số lượng các
vị trí trao đổi này thể hiện khả năng giữ chất dinh dưỡng của đất, hay khả năng trao
đổi cation (Cation Exchange Capacity - CEC). CEC của đất đơn giản là tổng các chất
dinh dưỡng thay thế điện tích dương mà nó có thể hấp thụ trên một đơn vị khối
lượng hoặc thể tích đất. CEC được đo bằng đương lượng miligram trên 100 gram
(meq/100g). Điều người làm vườn cần biết là chỉ số CEC càng cao, đất càng có nhiều
chất dinh dưỡng và do đó, càng tốt để trồng cây. CEC càng cao thì đất càng màu
mỡ. Bạn có thể yêu cầu phòng thí nghiệm đất chuyên nghiệp thực hiện kiểm tra
CEC.

CEC của đất phụ thuộc một phần vào thành phần cơ giới của nó. Cát và phù sa có
CEC thấp vì những hạt này quá lớn để có thể bị ảnh hưởng bởi điện tích và giữ các
chất dinh dưỡng. Các hạt sét và hạt hữu cơ làm cho CEC của đất cao vì chúng mang

51
nhiều điện tích: càng nhiều mùn và, tới một mức nhất định, hạt sét trong đất, càng
có nhiều chất dinh dưỡng có thể được lưu trữ trong đất, đó là lý do tại sao những
người nông dân muốn có nhiều chất hữu cơ hơn trong đất của họ.

Cái gì tốt cũng có giới hạn. Đừng quên rằng các hạt sét cực kỳ nhỏ; quá nhiều sét và
quá ít mùn dẫn đến CEC cao nhưng ít không khí trong đất, do không gian rỗng của
đất quá nhỏ và bị cắt đứt bởi cấu trúc dạng tấm của đất sét. Đất như vậy có CEC tốt
nhưng thoát nước kém. Vì vậy, chỉ biết về CEC là không đủ; bạn phải biết kết cấu và
hỗn hợp đất.

pH đất
Hầu hết chúng ta đều có hiểu biết cơ bản về pH như là một cách đo chất lỏng có
phải là axit hay không. Trên thang từ 1 đến 14, độ pH bằng 1 rất có tính axit và độ pH
bằng 14 là rất có tính kiềm (hoặc bazơ), ngược lại với tính axit. Độ pH cho biết nồng
độ của các ion hydro (H+, một cation) trong dung dịch được đo. Nếu bạn có tương
đối ít ion hydro so với phần còn lại của dung dịch, thì độ pH thấp và dung dịch có
tính axit. Tương tự, nếu bạn có nhiều ion hydro trong dung dịch, thì bạn sẽ có một
dung dịch có độ pH cao, một dung dịch có tính kiềm.

Là một nông dân, (may mắn thay) bạn không cần biết nhiều hơn về độ pH. Tuy
nhiên, bạn cần phải hiểu rằng mỗi khi đầu rễ cây trao đổi một cation hydro để lấy
một cation dinh dưỡng, thì nồng độ của các ion hydro trong dung dịch sẽ tăng lên.
Khi nồng độ H+ tăng lên, độ pH tăng lên, và đất ngày càng có tính kiềm. Tuy nhiên,
mọi thứ thường cân bằng vì bề mặt rễ cũng hấp thụ các anion tích điện âm, sử dụng
anion hydroxy (OH-) làm chất trao đổi. Thêm OH- vào dung dịch làm giảm độ pH
(nghĩa là đất ngày càng chua) vì nó làm giảm nồng độ H+ . Nấm và vi khuẩn đủ nhỏ để
có các cation và anion trên bề mặt của chúng, giữ hoặc giải phóng các chất dinh
dưỡng khoáng mà chúng hấp thụ từ quá trình phân hủy trong đất. Điều này cũng có
tác động đến độ pH của đất.

52
Tại sao độ pH lại được tính đến khi chúng ta nói về lưới thức ăn trong đất? Độ pH
được tạo ra bởi sự trao đổi ion dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến các loại vi sinh vật
sống trong đất. Điều này có thể khuyến khích hoặc ngăn cản quá trình nitrat hóa và
các hoạt động sinh học khác và ảnh hưởng đến cách cây phát triển. Điều quan trọng
là mỗi cây có một độ pH đất tối ưu. Như bạn sẽ được học, điều này liên quan nhiều
hơn đến nhu cầu sống trong một độ pH nhất định của một số loại nấm và vi khuẩn
quan trọng đối với sự phát triển của cây hơn là với tính hóa học của pH.

Biết độ pH của đất rất hữu ích trong việc xác định những gì bạn muốn đưa vào đất,
nếu có, để hỗ trợ các loại lưới thức ăn cụ thể trong đất. Và việc biết độ pH trong
vùng rễ giúp xác định xem có nên có điều chỉnh gì để giúp cây phát triển hay không.

Phần còn lại của Phần 1 trình bày về sinh học của các sự sống trong đất. Tuy nhiên,
bạn phải trân trọng đất trước.

53
Chương 3
Vi khuẩn

VI KHUẨN CÓ Ở KHẮP NƠI. Rất ít người làm vườn hiểu được tầm quan trọng của vi
khuẩn đối với sự sống của thực vật, và cũng rất ít người từng đoái hoài tới chúng.
Tuy nhiên, không có một sinh vật nào khác có nhiều chủng loài hơn vi khuẩn ở
trong đất. Một phần là do những sinh vật đơn bào này rất nhỏ, đến mức có thể có từ
250.000 đến 500.000 con nằm gọn trong dấu chấm cuối câu này.

Vi khuẩn là dạng sống sớm nhất trên trái đất, xuất hiện cách đây ít nhất 3 tỷ năm.
Chúng là sinh vật nhân sơ: ADN của chúng được chứa trong một nhiễm sắc thể đơn
không có nhân bao bọc. Do quá nhỏ bé, tất cả những gì chúng ta hay nhắc tới khi
nói tới vi khuẩn chỉ loanh quanh về các bệnh do vi khuẩn gây ra, và cần phải rửa tay
trước khi ăn. Hầu hết những người thuộc thế hệ 5x-6x đều sử dụng kính hiển vi có
độ phóng đại 1000 lần để nghiên cứu vi sinh vật, nhưng với độ phóng đại này thì
chẳng thể nhìn thấy được chi tiết nào của vi khuẩn. Bây giờ các trường học đã trang
bị những kính hiển vi tốt hơn nên một số học sinh may mắn đã có cái nhìn cận cảnh
hơn về vi khuẩn. Từ đó vi khuẩn được thấy ở ba hình dạng cơ bản: là hình cầu (hình
cầu hoặc hình bầu dục), hình trực khuẩn (hình que) và hình xoắn ốc; tất cả ba dạng
này đều có trong đất.

Vi khuẩn sinh sản phần lớn bằng cách phân chia tế bào đơn lẻ; nghĩa là, một tế bào
phân chia và tạo thành hai tế bào, mỗi tế bào từ đó lại tiếp tục phân chia… Thật
đáng kinh ngạc, trong điều kiện phòng thí nghiệm, một loại vi khuẩn có thể tạo ra 5
tỷ con trong vòng 12 giờ nếu chúng có đủ thức ăn. Nếu tất cả vi khuẩn đều sinh sản
với tốc độ này, sẽ chỉ mất tầm một tháng để tăng gấp đôi khối lượng của hành tinh
chúng ta. May mắn thay, vi khuẩn trong đất bị điều kiện Tự nhiên hạn chế, ví dụ như

54
những kẻ săn mồi (động vật nguyên sinh), và tốc độ sinh sản của chúng bên ngoài
cũng chậm hơn so với trong phòng thí nghiệm với điều kiện sống tối ưu; ví dụ như
bên ngoài phải có một số dạng hơi ẩm để vi khuẩn hấp thụ các chất dinh dưỡng và
thải chất thải. Trong hầu hết các trường hợp, độ ẩm cũng cần thiết để vi khuẩn di
chuyển và vận chuyển các enzym mà chúng sử dụng để phân hủy chất hữu cơ. Khi
đất trở nên quá khô, nhiều vi khuẩn trong đất sẽ không hoạt động nữa. Vi khuẩn,
một cách ngẫu nhiên, hiếm khi chết vì già, nhưng thường bị ăn bởi loài khác hoặc bị
chết bởi những thay đổi của môi trường và sau đó bị giết bởi những sinh vật phân
hủy khác, thường là vi khuẩn khác.

Ảnh tổng hợp của ba hình dạng cơ bản của vi khuẩn: hình bầu dục,
hình que và xoắn ốc, 800×. Bản quyền hình ảnh Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

55
Những kẻ phân hủy chính
Mặc dù có kích thước siêu nhỏ, vi khuẩn là một trong những loài phân hủy chất hữu
cơ chính trên trái đất, chỉ đứng sau nấm. Nếu không có chúng, chúng ta sẽ chìm
trong chất thải của chính mình hàng tháng trời. Vi khuẩn phân hủy thực vật và động
vật để ăn nitơ, hợp chất cacbon và các chất dinh dưỡng khác. Các chất dinh dưỡng
này sau đó được giữ cố định bên trong vi khuẩn; chúng chỉ được giải phóng (khoáng
hóa) khi vi khuẩn bị ăn hoặc chết và tự phân hủy.

Các loại vi khuẩn đất khác nhau ăn các loại thức ăn khác nhau, tùy thuộc vào những
gì có ở nơi chúng sinh sống. Tuy nhiên, hầu hết, tốt nhất là phân hủy thực vật non,
vẫn còn tươi, mà khi ủ phân chúng ta gọi là Chất Xanh. Chất Xanh chứa nhiều đường
nên vi khuẩn dễ tiêu hóa hơn so với các hợp chất cacbon phức tạp của vật liệu thực
vật khác, mà các nhà ủ phân gọi đây là Chất Nâu. Các thành viên khác của lưới thức
ăn trong đất tiêu hóa chất nâu này dễ hơn vi khuẩn, cho đến khi chất nâu bị phân
hủy thành các chuỗi carbon nhỏ hơn.

Vì vi khuẩn rất nhỏ nên chúng phải ăn những mảnh chất hữu cơ nhỏ hơn chúng.
Chúng đã ăn như thế nào? Câu trả lời ngắn gọn là chúng hấp thụ thức ăn trực tiếp
qua thành tế bào, được cấu tạo một phần từ các protein hỗ trợ quá trình vận chuyển
phân tử. Ở bên trong thành tế bào của vi khuẩn là một hỗn hợp của đường, protein,
cacbon và ion — một hỗn hợp súp đậm đặc, không cân bằng với hỗn hợp ít cô đặc
hơn bên ngoài thành tế bào. Tự nhiên luôn cố giữ mọi thứ cân bằng; thông thường,
nước sẽ chảy từ phía dung dịch loãng bên ngoài vào dung dịch đậm đặc hơn bên
trong (đây là một hình thức khuếch tán đặc biệt, gọi là thẩm thấu), nhưng trong
trường hợp của vi khuẩn, thành tế bào hoạt động như một màng thẩm thấu.

Sự vận chuyển các phân tử qua màng tế bào được thực hiện theo nhiều cách. Trong
cách vận chuyển chủ động thường thấy nhất, các protein ở màng tế bào hoạt động
như máy bơm phân tử và sử dụng năng lượng để hút hoặc đẩy các phân tử qua

56
thành tế bào — hút các chất dinh dưỡng vào trong và đẩy các chất thải ra ngoài. Các
protein khác nhau trong màng tế bào vận chuyển các loại chất dinh dưỡng khác
nhau. Có thể hình dung điều này như cách chữa cháy bằng xô nước hồi xưa, trong
đó xô nước được truyền tay từ bên ngoài vào ngọn lửa: những protein này truyền
“xô” chất dinh dưỡng từ ngoài tế bào vào bên trong tế bào.

Vận chuyển chủ động là một quá trình khá hay ho nhưng phức tạp, được cung cấp
năng lượng bởi các điện tử (electron) nằm ở cả hai phía bề mặt màng tế bào. Hẳn
những người làm vườn nên hiểu và trân trọng cách vi khuẩn ăn nhưng thực thì chỉ
cần hiểu rằng vi khuẩn phân hủy chất hữu cơ thành các mảnh nhỏ, tích điện và sau
đó vận chuyển chúng qua màng tế bào của mình để sử dụng. Khi đã ở bên trong vi
khuẩn, các chất dinh dưỡng sẽ được giữ lại.

Các thành viên khác của lưới thức ăn trong đất lấy năng lượng và chất dinh dưỡng
bằng cách ăn vi khuẩn. Nếu không có đủ số lượng vi khuẩn trong đất, các quần thể
của những thành viên này của lưới thức ăn trong đất sẽ bị ảnh hưởng. Vi khuẩn là
một thành phần cơ sở của kim tự tháp lưới thức ăn trong đất.

Nuôi vi khuẩn
Dịch tiết ra từ rễ là thức ăn ưa thích của một số vi khuẩn trong đất, và kết quả là,
một số lượng lớn vi khuẩn tập trung ở vùng rễ, nơi vi khuẩn tìm thấy dinh dưỡng từ
xác bã tế bào bong ra trong quá trình phát triển đầu rễ. Nhưng không phải tất cả vi
khuẩn đất đều sống trong vùng rễ, may mắn thay, chất hữu cơ cũng có mặt ở khắp
mọi nơi cũng như vi khuẩn. Tất cả các chất hữu cơ đều được tạo thành từ các phân
tử lớn, phức tạp; nhiều phân tử lớn được tạo bởi các chuỗi phân tử nhỏ hơn nối lại
theo kiểu lặp đi lặp lại, thường là các chuỗi cacbon. Vi khuẩn có thể phá vỡ các liên
kết tại một số điểm nhất định của các chuỗi này, tạo ra các chuỗi đường đơn, chất
béo và axit amin nhỏ hơn. Ba nhóm này cung cấp các chất cơ bản mà vi khuẩn cần
để sống.

57
Vi khuẩn sử dụng các enzym để phá vỡ các liên kết gắn các chuỗi hữu cơ với nhau và
để tiêu hóa thức ăn. Tất cả điều này diễn ra bên ngoài, trước khi đi vào cơ thể vi
khuẩn. Số lượng các enzym được sử dụng bởi vi khuẩn chưa được thống kê hết,
chúng đã thích nghi qua hàng thiên niên kỷ để tấn công mọi loại vật chất hữu cơ và
thậm chí cả vô cơ. Quả là một kỳ tích đáng kinh ngạc khi vi khuẩn có thể sử dụng
các enzym để phân hủy chất hữu cơ, đồng thời lại không tác động đến màng tế bào
của chính chúng.

Hiếu khí và kỵ khí


Có hai nhóm vi khuẩn chính. Loại thứ nhất: vi khuẩn kỵ khí (yếm khí), có thể sống
trong điều kiện thiếu oxy; và chúng thường không thể sống sót trong điều kiện có
oxy. Ví dụ, chi vi khuẩn Clostridium không cần oxy để tồn tại và có thể xâm nhập và
phá hủy mô mềm bên trong của các vật chất đang thối rữa. Các sản phẩm phụ của
quá trình phân hủy kỵ khí bao gồm hydro sunfua (khí gây mùi trứng thối), axit
butyric (mùi bãi nôn), amoniac và giấm. Vi khuẩn E. coli (Escherichia Coli) khét tiếng
và các vi khuẩn khác thường được tìm thấy trong đường tiêu hóa của động vật có vú
(và như thế ta có thể tìm thấy chúng trong các loại phân làm từ phân chuồng kém
chất lượng) là những vi khuẩn kỵ khí; điều này có nghĩa là chúng có thể sống trong
điều kiện hiếu khí nếu cần, nhưng vẫn thích môi trường kỵ khí.

Hầu hết những người làm vườn đã ngửi thấy mùi của quá trình phân hủy kỵ khí, có
lẽ trong vườn hoặc trong tủ lạnh. Đây là những mùi cần nhớ khi ủ phân và làm vườn
với lưới thức ăn trong đất vì điều kiện kỵ khí thúc đẩy vi khuẩn gây bệnh và tệ hơn là
tiêu diệt vi khuẩn hiếu khí có lợi, là nhóm vi khuẩn chính còn lại: những vi khuẩn cần
không khí.

Một số vi khuẩn hiếu khí có thể bất đắc dĩ sống trong điều kiện kỵ khí, nhưng hầu
hết số còn lại thì không thể. Vi khuẩn hiếu khí thường không gây ra mùi hôi. Trên
thực tế, xạ khuẩn (thuộc bộ Actinomycetales, cụ thể là chi vi khuẩn Streptomyces)

58
tạo ra các enzym bao gồm các chất hóa học dễ bay hơi làm cho đất sạch, tươi, có
mùi thơm của đất. Bất cứ ai đã từng làm vườn đều nhận ra mùi này, mùi của “đất
tốt”.

Xạ khuẩn khác với các vi khuẩn đất khác: chúng tạo ra các sợi, gần giống như sợi
nấm. Một số nhà khoa học tin rằng các loài Streptomyces sử dụng các sợi phân
nhánh của chúng để kết nối các hạt đất, do đó chúng cùng với các hạt đất trở nên
quá lớn để có thể bị ăn thịt bởi các sinh vật khác, các sinh vật đơn bào thường sẽ
bọc lấy xạ khuẩn mà ăn thịt chúng. Xạ khuẩn đặc biệt thành thạo trong việc phân
hủy xenlulose và kitin - hai hợp chất cacbon khó tiêu hóa (“Chất Nâu”), xenlulose
được tìm thấy trong thành tế bào thực vật và kitin trong thành tế bào nấm và vỏ
động vật chân đốt. Đây không phải là thức ăn bình thường của các vi khuẩn khác. Xạ
khuẩn cũng thích nghi để sống trong phạm vi pH rộng hơn các vi khuẩn khác, từ
axit đến kiềm.

Ảnh hiển vi điện tử nhiệt độ thấp của một đám vi khuẩn E. coli. Các vi khuẩn trong
bức ảnh này có màu nâu và hình thuôn dài.
Ảnh của Eric Erbe, màu kỹ thuật số của Christopher Pooley, USDA-ARS.

59
Sự phân hủy xenlulose
Xenlulose (hay cellulose), một loại cacbohydrat phức tạp được tạo thành từ các
chuỗi glucose gốc carbon, là vật liệu phân tử tạo nên cấu trúc của thực vật.
xenlulose chiếm một nửa khối lượng của thực vật, tương đương với một nửa khối
lượng chất hữu cơ do thực vật tạo ra. Các vi khuẩn chuyên biệt, như Cellulomonas
được đặt tên khéo léo, chứa các enzym phân huỷ xenlulose mà chúng chỉ giải phóng
khi tiếp xúc với xenlulose, trái ngược với việc phóng bừa các loại enzym khác nhau
bởi các vi khuẩn khác ăn theo kiểu “trúng đâu thì trúng".

Hầu hết các vi khuẩn đều “bó tay” khi gặp lignin không chứa cacbohydrat, một
thành phần phức tạp phổ biến khác trong thực vật. Lignin, thành phần màu nâu
cứng của vỏ cây và gỗ, là một phân tử hữu cơ phức tạp hơn nhiều so với xenlulose,
được tạo thành từ các chuỗi phân tử gốc rượu liên kết với nhau; chúng có khả năng
chống lại các enzym do hầu hết vi khuẩn tạo ra và chỉ có nấm mới phân hủy nổi.

Sự tuần hoàn của các chất


Chúng ta có thể nhìn sự phân huỷ như một hệ thống tái chế của tự nhiên. Vi khuẩn
trong lưới thức ăn trong đất đóng một vai trò quan trọng trong việc tái chế ba trong
số các nguyên tố cơ bản cần thiết cho sự sống: cacbon, lưu huỳnh và nitơ. Ví dụ, CO2
là một sản phẩm phụ chính của quá trình chuyển hóa của vi khuẩn hiếu khí. Cacbon
liên kết trong sinh khối thực vật và động vật được chuyển hóa thành khí CO2 trong
quá trình phân hủy. Quá trình quang hợp ở thực vật bậc cao chuyển CO2 thành các
hợp chất hữu cơ, sau đó được tiêu thụ và cuối cùng được tái chế trở lại thành CO2.

Tương tự, lưu huỳnh cũng được tái chế. Vi khuẩn oxy hóa lưu huỳnh sử dụng nguyên
tố này để tạo ra các sulfat hòa tan trong nước, để cây có thể hấp thụ được. Các hợp
chất chứa lưu huỳnh được tạo ra bởi vi khuẩn hóa dưỡng (vi khuẩn lấy năng lượng từ
quá trình oxy hóa lưu huỳnh) và được giải phóng khỏi các chất hữu cơ bởi vi khuẩn
kỵ khí.

60
Chu trình nitơ, được thúc đẩy một phần bởi loại vi khuẩn chuyên biệt, là một trong
những hệ thống quan trọng nhất trong việc duy trì sự sống trên cạn: các sinh vật
đều sử dụng nitơ để tạo ra các hợp chất hữu cơ quan trọng, nền tảng của sự sống
như axit amin và axit nucleic. Các liên kết chặt giữ các phân tử nitơ trong khí quyển
(N2) lại với nhau làm cho khí nitơ trở nên trơ và vô dụng đối với nhu cầu của thực
vật. Để thực vật có thể sử dụng nitơ, nó phải được “cố định” – nghĩa là kết hợp với
oxy hoặc hydro - tạo ra các ion amoni (NH4+), nitrat (NO3- ) hoặc nitrit (NO2- ). Quá
trình quan trọng này được gọi là quá trình cố định nitơ hay cố định đạm.

Một số vi khuẩn chuyển hóa nitơ từ khí quyển thành các dạng nitơ mà thực vật hấp
thụ được. Các chi có thể thực hiện phản ứng cố định đạm này là Azotobacter,
Azospirillum, Clostridium và Rhizobium (nghe như tên anh hùng trong truyện
tranh). Azotobacter, Azospirillum và Clostridium sống tự do trong đất; Rhizobium
sống trong các mô rễ của một số cây, đặc biệt là cây họ đậu, nơi chúng hình thành
các nốt sần có thể nhìn thấy được.

Chúng tôi không có ý đề nghị bạn cần phải ghi nhớ các loài vi khuẩn đất, nhưng
chúng tôi muốn bạn nhớ thực tế rằng quá trình cố định đạm cũng như việc tái chế
cacbon và lưu huỳnh cần sự giúp đỡ của các sinh vật sống. Chúng luôn được dạy
như các phản ứng hóa học, nhưng chúng thực sự là quá trình sinh học. Vi khuẩn
thực hiện các quá trình này trong đất, hình thành các mối quan hệ cộng sinh với các
loài thực vật hoặc cộng sinh tồn tại bên trong các sinh vật. Nghe giống như một quá
trình sinh học tạo ra hóa học ấy nhỉ?

Một phần của chu trình nitơ “bắt đầu” trong đất là sự phân hủy protein thành amoni
(NH4+). Amoni này thường là một phần của chất thải do động vật nguyên sinh và
tuyến trùng tạo ra sau khi ăn vi khuẩn và nấm. Tiếp theo, vi khuẩn tạo nitrit
(Nitrosomonas spp.) chuyển các hợp chất amoni thành nitrit (NO2-). Loại vi khuẩn
thứ hai, vi khuẩn tạo nitrat (Nitrobacter spp.), chuyển nitrit thành nitrat (NO3-).

61
Chu trình nitơ. Tom Hoffman Graphic Design.

Vi khuẩn nitrat hoá thường không thích môi trường axit; số lượng của chúng (cùng
với việc chuyển hóa nitơ thành nitrat) bị suy giảm khi độ pH của đất giảm xuống
dưới 7. Chất nhờn của vi khuẩn (có khả năng liên kết các hạt đất với nhau) có độ pH
trên 7. Bởi vậy, nếu có đủ vi khuẩn trong một khu vực, chất nhờn mà chúng tạo ra sẽ
giữ cho độ pH trong vùng đó trên 7 và quá trình chuyển hoá nitơ có thể xảy ra. Nếu
không, amoni được tạo ra từ các sinh vật trong đất không thể chuyển thành dạng
nitrat. Nếu độ pH là 5 hoặc thấp hơn, rất ít hoặc hầu như không có bất kỳ lượng
amoni nào được chuyển hóa thành nitrat.

62
Vi khuẩn khử nitơ chuyển đổi muối nitơ trở lại thành khí Nitơ, thoát ra ngoài không
khí. Rõ ràng, vi khuẩn khử nitơ không giúp ích cho sự màu mỡ của đất, nhưng chúng
rất cần thiết để giữ cho chu trình nitơ chuyển động và tuần hoàn.

Màng sinh học


Chất nhờn của vi khuẩn, hay màng sinh học, là một chất nền của đường, protein và
ADN. Thực tế là chất nhờn của vi khuẩn trong đất có tính kiềm nhẹ không chỉ ảnh
hưởng đến độ pH trong vùng rễ (nơi chúng có mặt nhiều nhất), mà còn ổn định độ
pH cho đất trong khu vực đó.

Một số vi khuẩn sử dụng màng của chúng như một phương tiện vận chuyển, nghĩa là
chúng phun chất này để đẩy chúng đi. (Tuy nhiên, hầu hết vi khuẩn di chuyển bằng
cách sử dụng một chút công nghệ nano tự nhiên đáng kinh ngạc - với sự hỗ trợ của
một hoặc nhiều cấu trúc roi, hoạt động giống như cánh quạt.) Màng sinh học cứu vi
khuẩn khỏi sự hút ẩm khi đất bị khô; vi khuẩn đất thường sống bên trong các khối
màng sinh học hoàn chỉnh với cơ sở hạ tầng là các kênh chứa nước để vận chuyển
chất dinh dưỡng và chất thải. Màng sinh học cũng có thể đóng vai trò bảo vệ chống
lại chất kháng sinh của các sinh vật khác, bao gồm cả đồng loại của chúng. Các
khuẩn lạc (một nhóm các vi khuẩn - người dịch), được bảo vệ bằng chất nhờn, có khả năng
kháng kháng sinh và thuốc diệt khuẩn gấp 1000 lần so với một con vi khuẩn đơn lẻ.

Ảnh hiển vi điện tử quét (SEM) của bề mặt màng


sinh học. Các bộ phận của côn trùng và chất xơ thực
vật được bọc trong chất nhờn, cùng với nhiều tinh
thể.
Ảnh chụp: Ralph Robinson, www.microbelibrary.org.

63
Màng sinh học của vi khuẩn trên thép không gỉ, 1600x.
Bản quyền hình ảnh của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

Giữ chất dinh dưỡng


Vi khuẩn có vai trò chính với dinh dưỡng cây trồng. Chúng giữ lại các chất dinh
dưỡng thay vì để bị rửa trôi. Chúng làm như vậy bằng cách ăn chất dinh dưỡng trong
quá trình phân hủy chất hữu cơ và giữ chúng trong cấu trúc tế bào của mình. Vì vi
khuẩn tự bám vào các hạt đất nên các chất dinh dưỡng vẫn còn trong đất thay vì bị
rửa trôi như đối với phân bón hóa học.

Những chất dinh dưỡng này sẽ được giữ lại, cố định bên trong vi khuẩn cho đến khi
vi khuẩn bị ăn và biến thành phân bón. Vì vi khuẩn trong đất không di chuyển xa, và

64
có nhiều nguồn thức ăn cho vi khuẩn trong vùng rễ, nên các chất dinh dưỡng mà vi
khuẩn ăn vào sẽ được giữ lại trong vùng cận rễ. Các sinh vật khác, chẳng hạn như
động vật nguyên sinh, đóng vai trò tiêu thụ vi khuẩn, giải phóng đạm thừa dưới dạng
amoni (NH4+) trong chất thải của chúng, để lại trong vùng rễ, ngay nơi rễ cây có thể
hấp thụ chất dinh dưỡng.

Các lợi ích khác của vi khuẩn trong đất


Một số vi khuẩn kỵ khí tạo ra các phân tử rượu, gây độc cho cây và các vi khuẩn
khác. Những vi khuẩn kỵ khí này có thể tránh được khi làm vườn bằng cách kiểm
soát các điều kiện cho phép chúng sinh sôi: kết cấu đất kém, thiếu lỗ rỗng, nước
đọng và đất chặt. Một số vi khuẩn khác gây bệnh cho thực vật bậc cao. Danh sách
các vi khuẩn gây bệnh rất dài, bao gồm vi khuẩn gây bệnh thối trên cây ăn quả có
múi, bệnh hại khoai tây, dưa lưới và dưa chuột, bệnh cháy lá ở lê, táo và các loài
tương tự. Hàng ngàn mầm bệnh do vi khuẩn có trong đất, và hàng tỷ đô la được chi
tiêu hàng năm để bảo vệ cây trồng khỏi bị khuẩn hại. Vi khuẩn Agrobacterium
tumefaciens gây ra các khối u hoặc túi mật phát triển trên thân của một số cây
trồng. Burkholderia cepacia là một loại vi khuẩn lây nhiễm và làm thối rễ hành. Một
số loài Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) gây bệnh xoăn lá và đốm đen trên cà
chua.

Dù có nhiều vi khuẩn gây bệnh, quần thể vi khuẩn trong đất có nhiều lợi ích so với
việc gây hại. Ví dụ, vi khuẩn cũng thường chịu trách nhiệm phân hủy các chất ô
nhiễm và gây độc. Các quá trình này thường xảy ra trong điều kiện hiếu khí, cần oxy
để xảy ra. Bạn chắc chắn đã nghe nói về vi khuẩn có thể ăn dầu tràn trên một bãi
biển ở Alaska; cũng có những vi khuẩn tương tự sẽ ăn xăng đổ trên bãi cỏ của bạn.

Vi khuẩn trong đất tạo ra nhiều loại thuốc kháng sinh mà chúng ta đang phải phụ
thuộc vào chúng. Người ta chỉ có thể suy đoán rằng vì những con vi khuẩn này
không chỉ phải cạnh tranh với các vi khuẩn khác về chất dinh dưỡng mà còn với nấm

65
và các sinh vật khác. Chúng đã phát triển khả năng tự bảo vệ. Ví dụ, vi khuẩn
Pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh) có thể điều chỉnh bệnh nấm lúa mì tai hại, bằng
cách tạo ra phenazine, kháng sinh phổ rộng, rất mạnh. Rõ ràng, nhiều vi khuẩn
trong đất ngăn chặn vi khuẩn gây bệnh, đây là một lợi ích lớn của lưới thức ăn khỏe
mạnh trong đất.

Tất cả các vi khuẩn cạnh tranh với nhau và với các sinh vật khác để lấy lượng thức
ăn hữu hạn mà đất cung cấp và do đó giữ cho quần thể này được cân bằng. Đất có
sự đa dạng về vi khuẩn lớn sẽ thường có số lượng vi khuẩn không gây bệnh lớn hơn
và cạnh tranh về chỗ ở và cả chất dinh dưỡng với các vi khuẩn gây bệnh. Chúng tôi
tin rằng sử dụng hệ thống phòng thủ tự nhiên của lưới thức ăn đất là cách tốt nhất
để kiểm soát những kẻ xấu. Nông dân cần hiểu rằng vi khuẩn đang ở tiền tuyến bảo
vệ cây trồng của chính chúng ta.

66
Chương 4
Cổ khuẩn
CHỈ VÀI NĂM TRƯỚC ĐÂY, không ai nghĩ tới việc nhắc tới vi khuẩn cổ (cổ khuẩn)
(Tiếng Anh: archaea, đọc là: ar-KEY-ah) trong một cuốn sách về lưới thức ăn trong
đất. Lúc đầu, lũ vi sinh vật này được coi là một tập hợp con các vi khuẩn kỳ quặc và
bất thường, chỉ sống trong những môi trường khắc nghiệt, chẳng hạn như xung
quanh mạch nước phun trên mặt đất hoặc trong các lỗ thông hơi nước nóng của đại
dương. Vì những nơi này không có đặc điểm để thành vùng nông nghiệp hoặc vườn
tược, nên cổ khuẩn không được coi là thành viên của lưới thức ăn trong đất. Đến
đầu thế kỷ này, kết quả của những tiến bộ trong xác định gen vi khuẩn cho thấy
trong đất có cổ khuẩn. Hơn nữa, có vẻ như vai trò của chúng trong việc cố định đạm
- lấy nitơ trong khí quyển mà cây không sử dụng trực tiếp được và chuyển nó thành
dạng cây có thể sử dụng được - là một vai trò rất quan trọng. Bây giờ bọn chúng đã
giành được sự chú ý của chúng ta.

Khởi nguồn câu chuyện


Cổ khuẩn được nhận diện lần đầu tiên vào đầu những năm 1970 bởi Carl Woese và
cộng sự nghiên cứu George Fox, người đang nghiên cứu vi khuẩn tại Đại học Illinois.
Kết luận thú vị của họ: vi khuẩn có thể được chia thành hai nhóm riêng biệt, vi
khuẩn “bình thường” và nhóm thứ hai mới, gồm những “vi khuẩn chịu cực hạn”
không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong môi trường nhiệt độ cao. Nhóm thứ hai
tạo ra khí metan, giống như vi khuẩn trong ruột già của con người, nhưng quan
trọng nhất, những “vi khuẩn” mới này có cấu tạo di truyền riêng biệt. Người ta
nhanh chóng phát hiện ra rằng không chỉ cấu tạo di truyền của tất cả vi khuẩn cổ
(như Woese gọi chúng lần đầu) khác với các vi khuẩn khác, mà nó còn cực-kỳ-khác

67
biệt so với đặc tính di truyền của sinh vật nhân chuẩn (sinh vật sở hữu màng tế bào,
nhân riêng biệt và tế bào), như là nguyên sinh vật, nấm, thực vật hoặc động vật.
Chúng ta không còn gọi chúng là "vi khuẩn".

Khám phá ra một dạng sống mới rất muộn trong lịch sử sinh học là một bước phát
triển đáng kinh ngạc. Nó khiến Woese vẽ ra một Cây tiến hoá mới với ba lĩnh giới
chính, hay vương quốc: vi khuẩn, cổ khuẩn và sinh vật nhân chuẩn. Nhiều người tin
rằng vương quốc cổ khuẩn là vương quốc lâu đời nhất trong ba nhánh, vì các điều
kiện sống của nhiều loài cổ khuẩn được cho là đại diện cho các điều kiện khắc
nghiệt tồn tại trong quá trình hình thành sự sống trên Trái đất.

Cây tiến hoá. Minh họa bởi Nicolle Rager Fuller, Quỹ Khoa học Quốc gia.

Nhìn giống vi khuẩn


Về vấn đề phân biệt giữa cổ khuẩn và vi khuẩn, ta nghĩ tới từ "bất khả thi". Không có
ích gì khi chúng có cùng kích thước, nghĩa là chúng thực sự rất nhỏ. Như với vi
khuẩn, có thể có tới 500.000 cổ khuẩn nằm vừa trong dấu chấm cuối câu này. Hầu
68
hết cổ khuẩn và vi khuẩn trông giống nhau, đến mức dùng mắt, ngay cả ở độ phóng
đại cao, cũng chẳng phát hiện ra chút khác biệt nào. Giống như vi khuẩn, cổ khuẩn
thường di chuyển bằng cách quất một hoặc nhiều tiên mao (lông roi); và khi chúng
không đi di chuyển, cổ khuẩn cũng có thể tạo thành các cụm khuẩn (mặc dù một số
cổ khuẩn thích sống đơn độc hơn, cũng như một số vi khuẩn).

Cổ khuẩn phát triển và nhân lên giống như vi khuẩn. Chúng phân tách. Một nghiên
cứu cho thấy các tế bào cổ khuẩn phân chia sau mỗi 20 phút trong điều kiện lý
tưởng. Bạn không cần phải làm toán để biết rằng trong một thời gian ngắn, thế giới
sẽ là một nơi rất khác nếu điều kiện lý tưởng tồn tại.

Cổ khuẩn thường có ba hình dạng cơ bản giống như vi khuẩn, mặc dù một số (những
loài trong chi Haloquadratum ưa mặn) có hình vuông, một hình dạng không thấy ở vi
khuẩn. Ngoài ra còn có những cổ khuẩn dạng sợi mảnh, nhìn giống như xạ khuẩn.
Một số có dạng que hình chữ nhật hoàn hảo, một số cổ khuẩn có dạng hình thùy
không đều, hình tam giác, và thậm chí có hình dạng giống như tách trà.

Điều làm cổ khuẩn đặc biệt


Với rất nhiều điểm giống nhau, tại sao Woese tìm ra lý do để phân biệt cổ khuẩn với
vi khuẩn mà còn tuyên bố chúng là một vương quốc hoàn toàn mới, một nhánh
riêng biệt trên Cây tiến hoá?

Đầu tiên, mặc dù cả vi khuẩn và cổ khuẩn có thành tế bào giữ và bảo vệ vật chất bên
trong, nhưng màng tế bào của cổ khuẩn có chứa ete lipid, trong khi thành tế bào vi
khuẩn thì không. Thành của cổ khuẩn chứa các axit amin và đường khác với các
chất được tìm thấy trong thành tế bào của vi khuẩn. Và không giống như sinh vật
nhân chuẩn, thành tế bào cổ khuẩn không bao giờ chứa chitin (như của nấm), cũng
như không chứa xenlulose (cũng như thành tế bào của thực vật). Đây là một thứ
phức tạp, gợi lại cho một người trong nhóm chúng tôi về môn hóa hữu cơ ở trường
đại học (nguyên nhân khiến bây giờ cậu ta không phải là bác sĩ). Rõ ràng, cần có máy
69
tính và phân tích vượt quá khả năng của người làm vườn để phân biệt những khác
biệt này. Hãy tin chúng tôi, như chúng tôi tin Carl Woese và các đồng nghiệp của
anh ấy. Ở cấp độ tế bào, những sự khác biệt này rất quan trọng, chúng không chỉ để
phân biệt những sinh vật “kỳ quặc”, đôi khi có hình dạng kỳ lạ này thành nhóm của
riêng chúng mà còn đưa các cổ khuẩn này vào một vương quốc của riêng mình.

Đặc điểm thứ hai tách cổ khuẩn khỏi cổ khuẩn liên quan đến di truyền. Cả cổ khuẩn
và vi khuẩn đều là sinh vật nhân sơ: vật chất di truyền của chúng không được bao
bọc trong nhân. Tuy nhiên, các gen của cổ khuẩn (nhưng không phải vi khuẩn) có
liên quan chặt chẽ hơn với các gen của sinh vật nhân chuẩn, những sinh vật có DNA
được bao bọc trong nhân. Cụ thể, ở cả cổ khuẩn và sinh vật nhân chuẩn, đều có các
enzym giống nhau tham gia vào quá trình tổng hợp axit ribonucleic, hay RNA, bản
thân nó là chìa khóa để tổng hợp protein.

Một tập hợp các đặc điểm khác đặt cổ khuẩn ngoài vi khuẩn và sinh vật nhân chuẩn.
cổ khuẩn sử dụng nhiều chất khác nhau để cung cấp năng lượng: đường, amoniac,
hydro và nhiều ion kim loại. Một số thậm chí có thể sử dụng ánh sáng mặt trời như
một nguồn năng lượng; một số khác sử dụng CO2. Và, trong khi một số vi khuẩn và
sinh vật nhân chuẩn có thể sinh sản bằng bào tử thì cổ khuẩn lại không có khả năng
này.

Cuối cùng, nếu bạn thực sự muốn đi sâu vào chi tiết sự khác biệt giữa cổ khuẩn và vi
khuẩn thì: trong khi cách di chuyển của chúng giống nhau (đều sử dụng lông roi),
thành phần hóa học của lông roi và cơ chế hoạt động từng loại lại khác nhau. Đúng
kiểu so chân tơ kẽ tóc!

Các loại cổ khuẩn


Việc xác định sự khác biệt giữa vi khuẩn và cổ khuẩn đòi hỏi công việc ở cấp độ di
truyền. Chúng ta hãy nghĩ về nó như kiểu đọc mã vạch: mỗi sinh vật có một mã duy
nhất. Sử dụng giải trình tự DNA và RNA, các nhà khoa học có thể đọc cấu trúc gen —
70
mã vạch — giống như nhân viên thanh toán tại cửa hàng tạp hóa. Các kỹ thuật này
hoạt động trên DNA có trong chất lỏng, chất rắn và chất khí. Do đó, có thể đánh giá
tất cả các loại môi trường, bao gồm cả đất. Cho đến nay, khoảng 250 loại cổ khuẩn
khác nhau đã được xác định. Sẽ còn có nhiều chủng mới được phát hiện thêm khi
hiện nay các nhà khoa học đã biết những gì họ đang tìm kiếm và có các công cụ
thích hợp để thực hiện công việc.

Cổ khuẩn đóng một vai trò lớn trong chu trình carbon, và một cách để phân nhóm
chúng là xem cách chúng lấy năng lượng và chất dinh dưỡng. Một số cổ khuẩn có
khả năng quang tự dưỡng, nghĩa là lấy năng lượng từ ánh sáng và sử dụng CO2 làm
nguồn cacbon. Một số khác thuộc dạng hóa tự dưỡng, nghĩa là sử dụng các chất vô
cơ làm nguồn năng lượng trong khi vẫn sử dụng CO2 làm nguồn cacbon. Có những
loại khác là quang dị dưỡng, tức là chúng sử dụng ánh sáng để làm năng lượng
nhưng các hợp chất hữu cơ để làm nguồn carbon. Cuối cùng, một số cổ khuẩn là
dạng hóa dị dưỡng, sử dụng các chất hữu cơ để tạo nguồn năng lượng cũng như
carbon.

Cổ khuẩn được tìm thấy trong suối nước nóng và hồ muối, sống trong đá chôn sâu
trong lòng đất, dưới tầng băng sâu, và trong sa mạc khô cằn - những môi trường
khắc nghiệt đối với hầu hết các sinh vật sống khác. Những sinh vật chịu cực hạn này
có thể tồn tại trong môi trường như vậy vì chúng đã phát triển các enzym chuyên
biệt hoạt động ở nhiệt độ cao hoặc thấp và vì các protein của chúng có thể gấp rất
chặt để tránh bị phá hủy bởi muối, nhiệt hoặc hàn. Các đặc tính đặc biệt của màng
tế bào cũng giúp chúng có khả năng chịu nhiệt. Các cổ khuẩn sống trong những môi
trường sống này không cần oxy: tất cả chúng đều là sinh vật kỵ khí.

Một số cổ khuẩn ưa axit đã thực hiện các điều chỉnh về tế bào và trao đổi chất để
chúng có thể sống trong môi trường cực kỳ axit với độ pH thấp đến 1. Chúng liên
tục bơm các ion hydro ra khỏi tế bào, duy trì độ pH bên trong cao hơn nhiều và chỉ

71
có tính axit nhẹ là 6,5. Một nhóm cổ khuẩn khác là loài ưa mặn, hay loài ưa muối.
Loài vi khuẩn ưa nhiệt sống ở nhiệt độ cao, và loài vi khuẩn ưa lạnh phát triển mạnh
ở các vùng đóng băng.

Cổ khuẩn cực hạn sống


trong hồ nước nóng này gần
Red Cone Geyser, Công viên
Quốc gia Yellowstone. Ảnh
của William S. Keller, 1964,
US-NPS.

Ảnh màu từ kính hiển vi điện


tử truyền qua (TEM) cho
thấy một phức hợp enzym
chịu nhiệt từ một loài cổ
khuẩn chịu cực hạn. Enzym
này có tiềm năng sử dụng
trong công nghiệp vì nó có
thể hoạt động ở nhiệt độ lên
tới 135oC. Ảnh của Wolfgang
Baumeister, Photo Research, Inc.

Nhiều loại sinh vật chịu cực hạn này cũng là sinh vật sinh metan: các hoạt động trao
đổi chất của chúng tạo ra khí metan. Có thể khiến ta ngạc nhiên khi biết rằng khí có

72
mùi hôi ở đầm lầy và chứng đầy hơi của gia súc, trước đây được cho là do vi khuẩn
tạo ra, thực ra là sản phẩm phụ của cổ khuẩn trong các hoạt động bình thường của
chúng. Cổ khuẩn sinh metan được tìm thấy trên khắp các đại dương. Trên thực tế,
có rất nhiều cổ khuẩn này phát triển mạnh trong sinh vật phù du đại dương, ước
tính hiện nay với tổng số cổ khuẩn trong đại dương và trong đất, những vi sinh vật
này đã trở thành dạng sống phong phú nhất trên trái đất.

Việc khai thác các đặc tính cho phép cổ khuẩn tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt
có thể mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nhưng kỹ thuật nuôi cấy cổ khuẩn vẫn còn sơ
khai. Chúng tôi chắc chắn điều này và những khó khăn khác sẽ được khắc phục và
cổ khuẩn sẽ trở thành công cụ công nghệ sinh học quan trọng.

Cổ khuẩn và chu trình nitơ


Để quay trở lại chủ đề chúng ta quan tâm, hóa ra cổ khuẩn cũng tham gia vào chu
trình nitơ được mô tả ở trang 59. Khám phá này được thực hiện trong hai bước. Đầu
tiên, các nhà khoa học phân lập gen sản xuất enzym để oxy hóa amoniac từ loài cổ
khuẩn sống ở đại dương. Khi họ tìm kiếm gen này trong các mẫu đất, họ phát hiện
ra nó có nhiều gấp 3000 lần so với gen đối chứng ở vi khuẩn. Họ cũng xem xét lượng
lipid từ các sinh vật trong đất này và xác nhận sự hiện diện — đáng kinh ngạc hơn,
chính là sự thống trị — của cổ khuẩn trong quá trình cố định nitơ trong đất. Càng
thú vị hơn là số lượng cổ khuẩn tiếp tục tăng theo độ sâu tầng đất, còn số lượng vi
khuẩn thì giảm dần.

Các mẫu được lấy trên khắp thế giới cũng cho kết quả tương tự, khiến nhiều người
kết luận rằng cổ khuẩn, cụ thể là loài Crenarchaeota, là loài oxy hóa amoniac có
nhiều nhất trong đất. Khám phá này rất quan trọng, không ngoài lý do nào khác là vì
các khí nitơ gồm các khí nitric (NO) và nitrous (N2O). Đây là các khí gây hiệu ứng
nhà kính, nên việc tìm ra tỉ lệ các khí này có thể sinh ra từ hoạt động của cổ khuẩn
sẽ có ý nghĩa.

73
Vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về kích thước và phạm vi vai trò của cổ khuẩn trong
chu trình nitơ - ví dụ như tỉ lệ phản ứng oxy hóa amoni từ cổ khuẩn và từ vi khuẩn.
Bất kể tỉ lệ thế nào, cổ khuẩn cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người làm vườn,
những người dựa vào lưới thức ăn trong đất hoặc hợp tác với nó để cung cấp nitơ
cho cây trồng.

Kẻ phân hủy
Cổ khuẩn, giống như vi khuẩn, là sinh vật phân hủy. Chúng phá vỡ các vật liệu hữu
cơ và vô cơ, các nguyên tố tuần hoàn cần thiết cho sự sống của thực vật. Một số cổ
khuẩn lấy được chất dinh dưỡng bằng cách oxy hóa các hợp chất lưu huỳnh từ đá;
những cổ khuẩn này đã được tìm thấy ở những nơi có hoạt động núi lửa, chẳng hạn
như Vườn Quốc gia Yellowstone và Núi St. Helens ở Hoa Kỳ và ở các khu vực có núi
lửa của Băng Đảo (Iceland), Nga và Nhật Bản. Chúng xuất hiện rất nhiều trong các lỗ
thông hơi dưới đáy biển, nơi chúng oxy hóa lưu huỳnh hoặc sử dụng lưu huỳnh để
oxy hóa các hợp chất cacbon. Dù theo cách nào thì lưu huỳnh, một chất dinh dưỡng
chính cho thực vật, đều được giải phóng và cung cấp cho các sinh vật khác trong
lưới thức ăn và cuối cùng là cho thực vật.

Cổ khuẩn Sulfolobus phát triển mạnh


trong các suối nước nóng núi lửa, nơi
có độ pH là 2 và nhiệt độ từ 75oC đến
80oC. Ảnh của Eye of Science, Photo
Research, Inc.

Khí metan có khả năng giữ nhiệt trong khí quyển tốt hơn nhiều so với khí CO2 quen
thuộc và chúng tôi tin rằng nên là nguyên nhân đáng lo ngại hơn. Vi khuẩn từng bị
74
xem là nguyên nhân gây ra khí metan. Giờ thì khác rồi! Khi một số cổ khuẩn phân
hủy chất hữu cơ, chúng không chỉ tạo ra nitơ cho cây trồng mà còn tạo ra khí
metan, một thành phần chính của khí nhà kính. Một nguồn lớn khí metan do cổ
khuẩn tạo ra trong khí quyển là từ sản xuất lúa gạo: cổ khuẩn sinh metan khi phân
hủy các chất trong ruộng lúa ngập nước sẽ tạo ra cả nitơ và metan có thể sử dụng
được cho cây trồng. Với quy mô canh tác lúa gạo trên toàn cầu, đây là một phần
đáng kể. Mức độ metan đã tăng khoảng 150% kể từ năm 1750, và có ý kiến ​cho rằng
10 đến 25% lượng khí metan phát thải trên toàn thế giới là từ hoạt động của cổ
khuẩn sinh metan - một lượng rất lớn. Không có gì ngạc nhiên khi nhóm cổ khuẩn
này đang được các nhà khoa học nghiên cứu gắt gao nhằm tìm ra cách để giảm
lượng khí metan sinh ra trong các hoạt động nông nghiệp.

Hầu hết những người làm vườn hiện nay đều nhận thức được những vùng chết do
thiếu oxy hoặc oxy hòa tan hình thành tại nơi các chất rửa trôi từ nông nghiệp tích
tụ lại, những nơi như vùng nước ở cửa sông Mississippi trong Vịnh Mexico. Nitơ và
phốt pho trong dòng nước rửa trôi này cho phép tảo và vi khuẩn lam (tảo lam) sinh
sôi và phát triển. Bọn chúng dùng hết oxy. Và sung sướng thay, loài nào không cần
oxy luôn sẵn sàng đứng đó chờ phân hủy những sinh vật này? Chính là cổ khuẩn kỵ
khí.

Các cổ khuẩn tạo metan rất


chăm chỉ làm việc, phân hủy vật
chất trong các ruộng lúa bậc
thang của tỉnh Vân Nam, miền
nam Trung Quốc. Ảnh của Jialiang
Gao, www.peace-on-earth.org , lịch sự
GFDL / CC-by-sa-2.5.

75
Các lợi ích khác của cổ khuẩn
Một số loài cổ khuẩn tạo ra các loại thuốc kháng sinh từ cổ khuẩn, một loại kháng
sinh hoàn toàn mới. Một số đã được xác định và thậm chí đã được sản xuất, và giả
thiết là còn hàng trăm loại khác nữa. Cấu trúc của những kháng sinh này khác với
những kháng sinh do vi khuẩn tạo ra, vì vậy chúng hoạt động theo những cách mà
các loại kháng sinh hiện có không làm được. Việc dường như không có bất kỳ cổ
khuẩn gây bệnh nào dẫn tới nhiều tiềm năng thú vị; có lẽ chúng có thể được sử
dụng để chống lại các mầm bệnh, cho cả thực vật và con người, đã bị kháng thuốc
kháng sinh do vi khuẩn tạo ra.

Cổ khuẩn hiện đã là một nguồn quan trọng để tạo ra các enzym chuyên biệt có thể
hoạt động ở nhiệt độ cao; như dùng trong quá trình nhân bản DNA. Những loại khác
rất hữu ích để tạo ra các hợp chất hữu cơ. Các nhà máy xử lý nước thải sử dụng cổ
khuẩn để làm sạch, và ngành công nghiệp khoáng sản sử dụng chúng trong một số
quy trình tinh chế. Enzym từ cổ khuẩn thậm chí còn được dùng trong một số chất
giặt tẩy hiện đại (có ai từng dùng nước nóng để giặt rửa không?). Rõ ràng là sẽ có
những ứng dụng sử dụng cổ khuẩn hoặc các sản phẩm phụ của chúng để làm vườn.
Và luôn có khả năng cổ khuẩn sẽ cung cấp nitơ trong lưới thức ăn trong đất nhân
tạo được thiết lập trong môi trường khắc nghiệt như trên mặt trăng hoặc sao Hỏa.

Vi khuẩn cổ trong dạ dày


của động vật nhai lại là một
nguồn chính của khí metan.
Ảnh của Keith Weller, USDA-ARS.

76
Cổ khuẩn, giống như vi khuẩn và nấm, hình thành mối quan hệ với các thành viên
khác của lưới thức ăn trong đất. Một trong những tương tác như vậy là giữa vi khuẩn
cổ sinh metan và động vật nguyên sinh trong đường tiêu hóa của động vật nhai lại,
mối và các động vật ăn xenlulose khác. Các động vật nguyên sinh phân hủy
xenlulose và giải phóng hydro, còn vi khuẩn cổ sinh metan chuyển hydro thành
metan trong quá trình trao đổi chất. Ngay cả một số động vật nguyên sinh cũng là
vật chủ của những loại vi khuẩn cổ này, và ruột già của con người chứa vi khuẩn cổ
giúp hỗ trợ tiêu hóa, hoạt động tương hỗ với các loại vi khuẩn sống trong ruột khác.

Các cổ khuẩn không sinh metan đã được tìm thấy trong đất của các khu rừng
phương Bắc, nhưng chúng ta chờ nghiên cứu thêm để tìm hiểu về hoạt động trao
đổi chất và các đặc điểm khác của chúng. Đối với đất trong sân và vườn của bạn, nó
là thuộc địa của vi khuẩn cổ, chúng sống trong vùng rễ giàu carbon ngay xung
quanh các rễ của cây. Vì còn rất ít thông tin về vai trò cụ thể của những vi khuẩn cổ
sống trên đất này, trong cuốn sách này chúng tôi sẽ sử dụng từ “vi khuẩn” thay vì “vi
khuẩn/ cổ khuẩn”. Chúng tôi không có ý thiếu tôn trọng cổ khuẩn, khi chúng tôi đã
nghiêm túc thừa nhận tầm quan trọng của chúng, và không có ý cho rằng chúng là
những sinh vật kém hơn vi khuẩn, nhưng vì không có khả năng nhận dạng di truyền,
chúng tôi không thể phân biệt chúng.

Còn nhiều điều nữa


Những khám phá vẫn tiếp tục diễn ra. Hiểu đầy đủ về tác động của cổ khuẩn đối với
việc sản xuất nitơ (mà) cây có thể sử dụng được, về vai trò của chúng trong việc tạo
ra khí metan và phạm vi tương tác của chúng với các thành viên khác của lưới thức
ăn trong đất, tất cả sẽ giúp ta hiểu thêm về những gì đang xảy ra trong đất để giúp
cây phát triển. Rõ ràng, cổ khuẩn là thành viên quan trọng của lưới thức ăn trong
đất và không thể bị bỏ qua nữa.

77
Chương 5
Nấm
CÓ HƠN 100.000 loại nấm khác nhau đã được biết đến, và một số nhà nghiên cứu
cho rằng vẫn còn hàng triệu loài nữa đang chờ được khám phá. Tuy nhiên, nói đến
nấm, hầu hết dân làm vườn đều nghĩ ngay đến loại nấm mũ trắng quen thuộc, nấm
rỗ, nấm san hô và cả những “quả” nấm trứng xuất hiện trong bãi cỏ hoặc trên vỏ cây
(và nông dân cũng biết đến nấm trong đất qua ​những căn bệnh mà chúng gây ra —
điều chúng ta sẽ bàn thêm ở phần sau của chương này). Nhưng ngoại trừ những loại
nấm sợi trắng và nấm sinh bào tử, nấm trong đất thường không thể nhìn được bằng
mắt thường, cũng như vi khuẩn, ta cần kính hiển vi phóng đại vài trăm lần mới có
thể thấy được. Ngay cả những sợi nấm có thể nhìn thấy cũng thường ẩn nấp trong
các chất hữu cơ mà chúng đang phân hủy.

Nấm cũng không được những người làm vườn quan tâm đúng mức, nhưng chúng
thực sự đóng một vai trò chủ chốt trong lưới thức ăn trong đất và là một công cụ
quan trọng cho dân làm vườn trong việc áp dụng các quy tắc của lưới thức ăn trong
đất. Cách đây không lâu, chúng được coi là thực vật không có chất diệp lục và được
phân loại vào Giới Thực vật; nhưng bởi vì nấm không thể quang hợp và chúng có
thành tế bào bằng kitin thay vì xenlulose như ở Thực vật, cùng với vô số các đặc
điểm riêng biệt khác, chúng hiện đã được tách ra thành một Giới riêng trong Vực
Sinh vật nhân thực.

Nấm, giống như thực vật và động vật bậc cao, là sinh vật nhân thực: sinh vật có tế
bào với nhân riêng biệt được bao bọc. Mỗi tế bào có thể có nhiều hơn một nhân.
Nấm thường phát triển từ bào tử thành cấu trúc giống sợi gọi là sợi nấm. Một sợi
nấm đơn được chia thành nhiều tế bào bởi thành tế bào, hoặc vách ngăn bào tử. Các
thành tế bào kết nối các tế bào sợi nấm thường không kín hoàn toàn, nhờ vậy các
78
chất lỏng có thể chảy giữa các tế bào của sợi nấm. Hàng loạt các sợi nấm vô hình
mọc gần nhau tạo thành các sợi lớn tới mức có thể nhìn thấy được, hay được gọi là
Thể sợi (mycelium), mà bạn có thể tìm được trong lớp lá mục. Nấm sinh sản theo
nhiều cách khác nhau, không chỉ bằng bào tử, nhưng không bao giờ bằng hạt như
những loài thực vật bậc cao.

Sợi nấm lớn hơn đáng kể so với vi khuẩn, chiều dài trung bình từ 2 đến 15 micromet
với đường kính từ 0,2 đến 3,5 micromet - vẫn mỏng đến mức cần hàng trăm nghìn
sợi nấm riêng lẻ để tạo thành một mạng lưới đủ dày cho mắt người nhìn thấy. Một
thìa cà phê đất vườn tốt có thể chứa vài mét sợi nấm, không thể nhìn thấy bằng mắt
thường; hàng triệu triệu sợi nấm hợp nhất lại với nhau mới có tạo ra cấu trúc nhìn
rõ được như một cây nấm thông hoặc quả thể của một cây nấm tán giết ruồi
(Amanita muscaria). Những cây nấm ta thường thấy chỉ là quả thể của nấm. Biết bao
năng lượng, biết bao dưỡng chất mới có thể từ những sợi nấm siêu siêu nhỏ mà
thành cây nấm mà ta vẫn thường thấy?

Sơ đồ vẽ một sợi nấm. Thiết kế đồ họa Tom Hoffman.

79
Một lợi thế lớn của nấm so với vi khuẩn, và có lẽ cũng lý do khiến chúng bị phân loại
sai thành thực vật trong thời gian dài, là khả năng phát triển chiều dài của sợi nấm.
Không giống như các tế bào vi khuẩn với một thế giới rất hạn chế, các sợi nấm có
thể di chuyển trong không gian được tính bằng cả mét chiều dài, khoảng cách mà
đối với vi khuẩn thực sự là rất lớn. Và cũng không giống như vi khuẩn, nấm không
cần màng nước để sinh sôi trên đất; do đó, sợi nấm có thể đi thẳng tới nguồn thức
ăn bằng quãng đường ngắn hơn, cho phép chúng xác định nguồn thức ăn mới và vận
chuyển chất dinh dưỡng từ vị trí này đến vị trí khác tương đối xa.

Khả năng vận chuyển chất dinh dưỡng là một điểm khác biệt chính giữa nấm và vi
khuẩn. Các sợi nấm chứa tế bào chất, một chất lỏng lưu thông khắp vách ngăn trong
tế bào của chúng. Ví dụ, khi một đầu sợi nấm xâm nhập vào tuyến trùng, nó hút hết
chất dinh dưỡng của nạn nhân không may mắn của nó và phân phối chúng trong tế
bào chất của sợi nấm và từ đó đi về cơ thể chính của nấm. Nhờ vậy mà các chất dinh
dưỡng được chuyển từ đầu của sợi nấm đến một vị trí hoàn toàn mới có thể cách xa
vài mét (như những băng chuyền). Khi đã ở bên trong nấm, các chất dinh dưỡng
được cố định và sẽ không bị mất khỏi đất.

Amanita muscaria, loài nấm tán diệt ruồi đẹp nhưng độc. Ảnh của Judith Hoersting.

80
Bào tử nấm được tạo ra từ quả thể nhô lên trên nấm giúp chúng được phân tán. T.
Volk. bản tái bản, với sự cho phép của http://www.apsnet.org/, American Phytopathological Society,
St. Paul, Minnesota.

Nấm tạo ra các cấu trúc đặc biệt để phát tán bào tử - ví dụ, cây nấm trên mặt đất
hoặc nấm cục bên dưới mặt đất. Vì nấm phát triển trong mọi loại môi trường, chúng
đã nghĩ ra một số phương pháp phức tạp để có thể phát tán bào tử, bao gồm mùi
hương hấp dẫn, chất kích thích, lò xo và cả hệ thống đẩy phản lực. Để đảm bảo sự
tồn tại, bào tử nấm có thể phát triển màng cứng cho phép chúng ngủ trong nhiều
năm nếu điều kiện không thích hợp để nảy mầm ngay lập tức.

Cũng như vi khuẩn, nấm xuất hiện ở mọi nơi; một số loài thậm chí còn tồn tại trong
vùng đóng băng ở Nam Cực. Sự phát tán bào tử trong không khí giúp giải thích tại
sao du khách từ Alaska, sẽ nhận ra các loài nấm mọc ở nước Úc xa xôi. Mặc dù bào
tử ngủ đông có thể được tìm thấy trên khắp thế giới, nhưng chúng cần điều kiện
thích hợp để nảy mầm và phát triển. Do đó, bào tử nấm có thể được tìm thấy ở các

81
lục địa cách xa khởi nguồn của chúng, nhưng chúng cũng có thể không còn hoạt
động nữa vì chưa gặp đúng điều kiện phát triển.

Sự phát triển và chết đi của nấm


Trong khi một số loại nấm lại giống vi khuẩn thích các loại đường “mềm hơn”, dễ
tiêu hóa hơn, thì hầu hết các loại nấm lại thích các loại thực phẩm khó tiêu hóa hơn
(chủ yếu là do vi khuẩn đã nhanh chân hấp thụ hết đường đơn). Tuy nhiên, nấm
giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh các loại thực phẩm phức tạp hơn: chúng
tạo ra enzym phenol oxidase, một loại enzym mạnh có thể hòa tan ngay cả lignin,
hợp chất liên kết và bảo vệ xenlulose. Một đặc tính khác của nấm là khả năng xâm
nhập vào các bề mặt cứng. Nấm đã làm đầu các sợi của chúng trở nên hoàn hảo cho
công việc này. Sự phát triển ở đầu các sợi nấm là một quá trình vô cùng phức tạp,
một công việc kỹ thuật giống như xây dựng một đường hầm dưới sông và đòi hỏi sự
phối hợp chặt chẽ của nhiều hoạt động khác nhau. Ngay cả trước khi có kính hiển vi
điện tử, các nhà khoa học đã xác định được một “điểm tối”, gọi là Spitzenkörper, ở
đầu sợi nấm đang phát triển mạnh; khi sự phát triển của sợi nấm ngừng lại,
Spitzenkörper biến mất. Có vẻ như khu vực bí ẩn này có liên quan đến việc kiểm
soát hoặc chỉ đạo sự phát triển đầu sợi nấm.

Trong quá trình phát triển đầu sợi nấm, các tế bào mới liên tục được đẩy vào đầu và
dọc theo các thành bên, kéo dài ống sợi nấm. Nguyên liệu cho sự phát triển của
đỉnh sợi nấm được tế bào chất cung cấp, chúng vận chuyển các túi chứa tất cả các
vật tư “xây dựng” cần thiết. Tất nhiên, điều quan trọng là phải giữ cho các chất
không liên quan chảy vào bên trong sợi nấm cũng như ra ngoài trong lúc sự phát
triển này đang diễn ra. Trong suốt quá trình, các enzym mạnh có khả năng hòa tan
tất cả, trừ các hợp chất cacbon cứng đầu nhất, được giải phóng khi các tế bào mới
được đưa vào đúng vị trí. Hãy nghĩ về điều này: những enzym này đủ mạnh để
chuyển đổi lignin, xenlulose và các chất hữu cơ bền khác thành đường đơn và axit
amin, nhưng chúng lại không phân hủy thành tế bào kitin của nấm.

82
Nấm có thể dài ra 40 micromet trong một phút. Hãy khoan bàn đến tốc độ lúc này,
dù như thế là cực kỳ nhanh đối với những sinh vật nhỏ bé này, mà giờ hãy so sánh
chiều dài này so với khoảng cách mà một vi khuẩn trong đất có thể di chuyển:
chúng chỉ có thể đi 6 micromet trong suốt cuộc đời của mình.

Giống như cái chết của bất kỳ sinh vật nào trong đất, cái chết của nấm có nghĩa là
các chất dinh dưỡng chứa trong chúng sẽ bị tiêu thụ bởi các thành viên khác của
lưới thức ăn trong đất. Nhưng chưa hết, khi nấm chết đi, sợi nấm của chúng để lại
một hệ thống đường hầm dưới đất với đường kính lên đến 10 micromet, qua đó
không khí và nước có thể chảy qua. Những “đường hầm” này cũng là vùng an toàn
quan trọng đối với vi khuẩn khi cố gắng lẩn tránh động vật nguyên sinh: động vật
nguyên sinh lớn hơn rất nhiều so với kích thước đường hầm.

Sợi nấm chết dính vào một hạt đất. Bản quyền hình ảnh của Ann West.

83
Nấm là nhân tố phân huỷ chủ yếu trong mạng lưới thức ăn trong đất. Các enzym do
chúng tiết ra cho phép nấm xâm nhập không chỉ vào lignin và xenlulose trong thực
vật (sống hoặc chết) mà còn cả vỏ kitin cứng của côn trùng, xương của động vật và
thậm chí cả protein trong móng chân và móng tay - như nhiều người làm vườn đã
thấy. Vi khuẩn cũng có các enzym của chúng, nhưng chúng cần những thức ăn dễ
tiêu hóa hơn, thường là những sản phẩm phụ của quá trình phân hủy của nấm, và
thường chỉ sau khi thức ăn đã được nấm và những loài khác phá vỡ hoặc mở ra. So
với nấm, vi khuẩn chỉ là Hạng hai về khả năng phân huỷ.

Việc kiếm ăn của Nấm


Các axit tiêu hóa do nấm tạo ra và tiết ra ngoài các đầu sợi của chúng cũng tương tự
như men tiêu hoá trong cơ thể người; Tuy nhiên, nấm không cần có dạ dày như một
bể chứa để tiêu hóa thức ăn. Giống như vi khuẩn, nấm không có miệng; thay vào đó,
nấm phân huỷ bằng cách phá vỡ các vật chất hữu cơ thành các hợp chất mà nấm có
thể hấp thụ qua thành tế bào thông qua khuếch tán (thẩm thấu) và vận chuyển tích
cực. Các chất dinh dưỡng do nấm hút vào thường đã được cố định, giống như ở vi
khuẩn, rồi được giải phóng sau này. Vì vậy, giống như vi khuẩn, nấm nên được xem
như những cái thùng phân bón.

Khi tiếp tục phát triển, nấm bỏ lại các axit, enzym và chất thải dư thừa và kết quả là
quá trình tiêu hoá các chất hữu cơ vẫn tiếp tục ngay cả khi nấm không còn ở đó nữa,
điều này giúp bẻ gãy liên kết trong các chất hữu cơ, tạo thành thức ăn dành cho vi
khuẩn và cũng trở thành chất dinh dưỡng cho thực vật và các loài khác trong cộng
đồng sinh vật trong đất. Sự phát triển của sợi nấm mang lại cho nấm khả năng di
chuyển một khoảng cách tương đối xa đến nguồn thức ăn thay vì đợi thức ăn của nó
đến gần (mặc dù rõ ràng chúng cũng có thể làm được điều này, giống như trường
hợp nấm bẫy tuyến trùng). Ví dụ, nấm có thể vươn lên đến xác lá trên bề mặt đất,
làm thối rữa lá và sau đó mang chất dinh dưỡng trở lại vùng rễ — một lợi thế rất lớn

84
so với vi khuẩn, một kẻ tái chế chất dinh dưỡng chính khác trong lưới thức ăn trong
đất .

Nấm trong đất thường phân nhánh và có khả năng thu thập các hợp chất hữu cơ từ
các nguồn khác nhau cùng một lúc. Một khi chất dinh dưỡng ở bên trong màng tế
bào, nó sẽ được vận chuyển trở lại thông qua mạng lưới sợi nấm, thường kết thúc ở
rễ cây, là nơi một số loại nấm đổi chất dinh dưỡng lấy các dịch tiết từ rễ cây. Do đó,
một loại nấm có thể kéo dài sợi nấm đi khắp nơi, hấp thụ một số chất dinh dưỡng
quan trọng — phốt pho, đồng, kẽm, sắt, nitơ — và cả nước. Ví dụ như trong trường
hợp đối với phốt pho, nấm có xu hướng thu thập và vận chuyển nó qua một khoảng
cách thực sự đáng nể. Khoáng chất này hầu như luôn bị nhốt về mặt hóa học trong
đất; ngay cả khi nó được bón cho cây trong phân bón, cây trồng sẽ không sử dụng
được lượng phốt pho này ngay. Nấm không chỉ tìm kiếm chất dinh dưỡng cần thiết
đối với thực vật này mà còn có khả năng giải phóng nó khỏi các liên kết hóa học và
vật lý. Sau đó, chúng vận chuyển mỏ phốt pho của mình trở lại rễ cây, nơi phốt pho
được cây hấp thụ và sử dụng.

Đừng quên rằng trong khi nấm mang thức ăn trở lại đầu rễ cây, thì nó vốn đã bị thu
hút bởi các dịch tiết do cây tiết ra. Nấm cũng khá giỏi đấy, nhưng cây mới là loài
đang thực sự kiểm soát mọi thứ.

Nấm và nitơ dành cho cây


Một số loại nấm trao đổi chất dinh dưỡng để lấy dịch tiết từ rễ cây, nhưng hầu hết
các chất dinh dưỡng thường được thải ra dưới dạng chất thải sau khi chúng bị nấm
tiêu thụ hoặc khi nấm chết và thối rữa. Phần lớn những gì được giải phóng là nitơ.
Một nguyên lý quan trọng của việc làm vườn với lưới thức ăn trong đất là cây chỉ có
thể hấp thụ nitơ ở hai dạng: ion amoni (NH4+) hoặc ion nitrat (NO3). Nitơ do nấm tiết
ra ở dạng amoni (NH4+). Nếu vi khuẩn nitrat hóa có mặt, chất này được chuyển hóa
theo hai bước thành nitrat (NO3).

85
Các enzym do nấm tạo ra thường có tính axit và làm giảm độ pH. Hãy nhớ rằng chất
nhờn vi khuẩn làm tăng độ pH của đất; Các vi khuẩn cố định đạm thường yêu cầu độ
pH trên 7. Khi đất có nhiều nấm, các quần thể vi khuẩn cố định đạm cần thiết để
chuyển amoni thành nitrat sẽ giảm dần bởi vì độ pH bị hạ thấp bởi các axit mà nấm
tạo ra. Vì thế nhiều amoni vẫn ở dạng amoni mà cây có thể hấp thụ được thay vì
được chuyển thành nitrat. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm vườn với
lưới thức ăn trong đất: đất có nhiều nấm có xu hướng có nitơ ở dạng amoni. Điều
này thật tuyệt nếu bạn trồng các loại cây ưa amoni hơn nitrat, nhưng sẽ không hay
lắm nếu cây của bạn lại thích nitrat hơn (điều này sẽ được giải thích thêm trong
chương 12).

Sự thích nghi của nấm


Nấm đã phát triển đủ kiểu sách lược quỷ quyệt để tồn tại — loại nấm bóp chết tuyến
trùng là một minh chứng điển hình. Loài nấm đã phát triển một sự thích nghi rất
tinh vi và hữu dụng này là Arthrobotrys dactyloides (nấm săn tuyến trùng - người
dịch). Vòng bẫy tuyến trùng thực chất chỉ là một nhánh sợi nấm tự xoắn lại. Mỗi
nhánh này chỉ gồm ba tế bào, khi bị chạm phải, chúng sẽ ra tín hiệu bơm nước vào,
làm cho các tế bào này phình to gấp ba lần kích thước của chúng và nạn nhân chắc
chắn sẽ bị giết trong một phần mười giây. Kỳ diệu thật! Một cơ chế bẫy phức tạp
được phát triển trong một nhánh của sợi nấm chỉ với ba tế bào. Công nghệ nano
cũng chỉ mong thực hiện được một quy trình phức tạp như vậy. Nấm không chỉ tìm
ra cách để tiêu diệt bọn tuyến trùng mù, mà còn thu hút chúng vào bẫy của nó ngay
từ đầu. Để làm được điều này, nấm tiết ra một chất hóa học thu hút các loài sâu bọ.

Chỉ trong vòng vài phút sau khi bẫy được con mồi, đầu sợi nấm xâm nhập vào cơ thể
tuyến trùng, tiết ra các enzym mạnh và bắt đầu hấp thụ chất dinh dưỡng. Vì tất cả
những gì tuyến trùng làm là ăn, nên chúng thường là một kho tàng chứa đầy chất
dinh dưỡng cho nấm. Tất nhiên, những chất dinh dưỡng này sau đó sẽ ở lại trong

86
nấm cho đến khi chúng bị ăn bởi loài khác hoặc tự trao đổi để lấy dịch tiết từ cây.
Sau đó, các chất dinh dưỡng được khoáng hóa và cây có thể hấp thụ được.

Loài nấm Pleurotus ostreatus, loại nấm sò thông thường bạn có thể mua ở siêu thị,
lại sử dụng một chiêu thức thông minh khác để bẫy thức ăn. Nó tiết ra những giọt
độc từ đầu sợi; thế rồi một con tuyến trùng (anh chàng lúc nào cũng bị nấm lừa),
đang ra ngoài kiếm ăn, nếm thử một giọt và trong vòng vài phút là bị bất động. Vài
giờ sau, nấm sò đã ở bên trong con tuyến trùng và tiêu hóa nó.

Đây cũng chẳng phải mưu hèn kế bẩn gì để có được một bữa ăn: chỉ là thu hút thức
ăn vào bẫy hoặc làm choáng nó rồi ăn. Còn nhiều cơ chế khác cũng đã được phát
triển. Một số loài nấm khác sử dụng chất kết dính để dính vào tuyến trùng. Các loài
khác lại bẫy cả động vật nguyên sinh và thậm chí cả bọ đuôi bật, một loài động vật
chân đốt siêu nhỏ có kích thước lớn hơn nấm nhiều, có thể nhìn thấy bằng mắt
thường. Sau khi bám vào, nấm sẽ tiêu hóa con mồi rồi khoá lại hoặc cố định chất
dinh dưỡng.

Điều gì dẫn nấm đến các nguồn chất dinh dưỡng mà chúng cần vẫn là một câu hỏi
mở. Người ta biết rằng một số thì phái tơ nấm như thể một đội trinh thám dò tìm
thức ăn. Bạn sẽ tưởng tượng ra ngay nếu bạn đã từng nhìn thấy một con chó được
huấn luyện để bắt chim đang dò tìm một con bị bắn hạ. Con chó chạy quanh cho
đến khi mũi của nó tìm thấy con chim. Một số loài nấm rõ ràng có khứu giác hoặc
xúc giác giúp chúng định hướng được con mồi hoặc các nguồn thức ăn khác. Một
vài loài nấm khác thì lại có khả năng lần theo các hóa chất cụ thể mà chúng biết
chắc là có ở quanh con mồi của mình.

Đối với người làm vườn thì chỉ cần biết rằng nấm có thể tìm thấy chất dinh dưỡng.
Khi tìm thấy được nguồn thức ăn, các sợi nấm sẽ đi đến khu vực đó và định cư theo
nghĩa đen, tiêu hóa nguyên liệu từ nhiều nguồn dinh dưỡng khác nhau và vận
chuyển chúng về cơ sở của nấm. Cùng lúc đó, các sợi khác “dò” tìm nhiều thức ăn

87
hơn để tấn công. Các chất dinh dưỡng được giữ bên trong các tế bào, ngăn không
cho chúng bị rửa trôi mất.

Nấm và sự cộng sinh


Nấm trong đất cũng hình thành mối quan hệ tương hỗ vô cùng quan trọng đối với
thực vật. Đầu tiên là sự liên kết của một số loại nấm với tảo lục, dẫn đến sự hình
thành địa y. Trong mối quan hệ cộng sinh này, tảo cho nấm thức ăn mà chúng tổng
hợp nhờ khả năng quang hợp của mình trong khi các sợi nấm tạo nên tản (tên chỉ
chung những thực vật bậc thấp chưa có phân hóa rễ, thân, lá - người dịch) hoặc thân
của địa y, nơi cả hai cùng sống. Hóa chất do nấm tiết ra sẽ phá vỡ đá và gỗ tại nơi mà
địa y phát triển. Nhờ thế mà khoáng chất và chất dinh dưỡng được tạo ra trong đất,
dành cho vi sinh vật trong đất và cây trồng.

Một nhánh nhỏ nhô ra từ thân chính của cây địa y, 140x.
Bản quyền hình ảnh từ Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

88
Loại thứ hai là nấm rễ cộng sinh - mycorrhizae (có nghĩa là “rễ nấm” trong tiếng Hy
Lạp), các liên kết cộng sinh giữa rễ cây và nấm. Để đổi lấy dịch tiết từ rễ cây, nấm rễ
cộng sinh tìm kiếm nước và chất dinh dưỡng, sau đó đưa chúng trở lại cho cây. Cây
trở nên phụ thuộc vào nấm, và đến ngược lại, nấm không thể sống mà không có dịch
tiết của cây. Thực sự đó là một thế giới tuyệt vời.

Nấm rễ cộng sinh được biết đến từ năm 1885, khi nhà khoa học người Đức Albert
Bernhard Frank so sánh những cây thông trồng trong đất khử trùng với những cây
thông trồng trong đất khử trùng được cấy với nấm rừng. Cây con trong đất được cấy
nấm phát triển nhanh hơn và lớn hơn nhiều so với cây trong đất khử trùng hoàn
toàn. Tuy nhiên, chỉ đến những năm 1990, thuật ngữ nấm rễ cộng sinh - mycorrhiza
(mối quan hệ cộng sinh giữa rễ và nấm) bắt đầu đi vào từ vựng của ngành nông
nghiệp, nhưng chưa được dân làm vườn nhà biết đến nhiều.

Chúng tôi là những người đầu tiên thừa nhận rằng chúng tôi đã hoàn toàn không
biết tới điều này - mặc dù một người trong chúng tôi đã phụ trách một chuyên mục
về làm vườn có tiếng phát hành hàng tuần trong suốt 30 năm mà chưa bao giờ đề
cập đến chúng vì sự thiếu hiểu biết của mình, cũng như hầu hết những người làm
vườn. Bây giờ thì chúng tôi đã biết mức độ thiếu hiểu biết của mình: ít nhất 90% các
loài thực vật hình thành nấm rễ cộng sinh, con số này có lẽ là 95% và thậm chí cao
hơn. Tệ hơn là chúng tôi học được rằng những mối quan hệ này bắt đầu từ khoảng
450 triệu năm trước, với sự tiến hóa của thực vật trên cạn: thực vật chỉ bắt đầu phát
triển trên bề mặt trái đất sau khi nấm bắt đầu mối quan hệ với thực vật thủy sinh.
Nếu không có nấm rễ cộng sinh, thực vật không thể nhận đủ lượng và loại chất dinh
dưỡng cần thiết để sống tốt nhất. Chúng ta phải thay đổi cách làm vườn của mình
để không giết chết những loại nấm có ích quan trọng này.

Có lẽ người làm vườn không hiểu được tầm quan trọng của nấm bởi vì tất cả các loại
nấm đất đều rất mong manh. Việc nén đất quá chặt, ống nấm bị dập nát và nấm
chết. Rõ ràng là không chỉ có thuốc diệt nấm mà còn cả thuốc trừ sâu, phân bón vô
89
cơ và sự thay đổi vật lý của đất (từ việc đào xới) phá hủy các sợi nấm. Hóa chất giết
nấm bằng cách hút tế bào chất ra khỏi cơ thể nấm. Việc xới đất phá vỡ các sợi nấm.
Quả thể của nấm rễ cộng sinh thậm chí còn giảm khi tiếp xúc với không khí ô
nhiễm, đặc biệt là môi trường có chứa các chất nitơ.

Nấm rễ cộng sinh có hai loại. Loại thứ nhất là nấm rễ ngoại sinh, mọc gần bề mặt
của rễ và có thể hình thành mạng lưới xung quanh chúng. Nấm rễ ngoại sinh thường
thấy ở cây gỗ cứng và cây lá kim. Loại thứ hai là nấm rễ nội sinh. Chúng thực sự xâm
nhập và phát triển bên trong rễ cũng như đâm ra đất. Nấm rễ nội sinh được ưa thích
bởi hầu hết các loại rau, cây thường niên, cỏ, cây bụi, cây lâu năm và cây gỗ mềm.

Nấm rễ tạo thành một mạng lưới dày đặc màu trắng xung quanh rễ.
Bản quyền của Mycorrhizal Applications, www.mycorrhizae.com.

90
Nấm nội sinh xâm nhập vào rễ. Bản quyền của LH Rhodes. Tái bản, với sự cho phép của
http://www.apsnet.org/, American Phytopathological Society, St. Paul, Minnesota.

Cả hai loại nấm rễ cộng sinh đều có thể giúp rễ cây mở rộng phạm vi tiếp xúc với
nguồn dinh dưỡng; ví dụ, diện tích bề mặt hữu hiệu của rễ cây có thể tăng gấp 700
đến 1000 lần bởi việc cộng sinh. Nấm rễ cộng sinh lấy tinh bột mà chúng cần từ dịch
tiết của cây chủ và sử dụng năng lượng đó để phát triển ra ngoài đất, bơm độ ẩm và
khai thác chất dinh dưỡng từ những nơi mà bản thân rễ cây không thể với tới.
Những loại nấm này cũng không làm việc một mình. Chúng tạo thành mạng lưới
phức tạp và đôi khi chúng không chỉ mang nước và chất dinh dưỡng đến rễ của cây
chủ của nó mà còn cả các cây khác nữa. Kể cũng kỳ khi biết đến nấm rễ kết hợp với
một cây này nhưng lại hỗ trợ cả các cây khác cùng một lúc, nhưng việc này lại có
thật.

91
Tìm và mang lại phốt pho rất quan trọng đối với cây trồng, dường như đây là một
chức năng chính của nhiều loại nấm rễ cộng sinh; các axit được tạo ra bởi nấm rễ
cộng sinh có thể mở khóa, lấy và vận chuyển phốt pho đã bị khóa hóa học trở lại cây
chủ. Nấm rễ cộng sinh cũng giải phóng đồng, canxi, magiê, kẽm và sắt cho cây
trồng. Bất kỳ hợp chất dinh dưỡng nào không được chuyển đến rễ cây luôn được
nhốt lại trong nấm và được giải phóng khi nấm chết đi và thối rữa.

Nấm nội sinh thực vật


Mối quan hệ cộng sinh quan trọng thứ ba giữa nấm và thực vật được hình thành bởi
nấm nội sinh thực vật, loại nấm sống hầu hết hoặc toàn bộ cuộc đời của chúng bên
trong mô thực vật. Không giống như các họ nấm rễ cộng sinh bám dưới đất của
chúng, Nấm nội sinh thực vật đã thích nghi để sống trong các cấu trúc bên trên mặt
đất của cây, trong lá, thân và vỏ cây, mặc dù một số phát triển trong mô rễ. Hầu hết
cây thân gỗ và cây bụi bị nhiễm không chỉ một mà hàng trăm loài nấm nội sinh khác
nhau, và tất cả các loài thực vật được thử nghiệm cho đến nay - bao gồm cả thực vật
đại dương và nước ngọt - đều chứa ít nhất một loại nấm nội sinh. Lý do mà những vi
sinh vật phổ biến này không thu hút được sự chú ý của chúng ta trong thời gian dài
là bởi vì hầu hết chúng phát triển trong vật chủ mà không gây triệu chứng — nghĩa
là, sống vui vẻ mà không gây hại cho vật chủ và thường làm việc tốt cho chúng.

Các nhà khoa học đã biết về nấm nội sinh thực vật ít nhất là từ năm 1904, khi một
bài báo thảo luận về một loại nấm nội sinh trong một loại cỏ thường niên được xuất
bản. Tuy nhiên, chúng được phân biệt rõ hơn vào giữa những năm 1970 khi người ta
so sánh gia súc ở các đồng cỏ khác nhau. Theo đó, một số gia súc bị ảnh hưởng xấu
do ăn cỏ đã bị nấm nội sinh xâm nhập. Thế là người ta nỗ lực trồng cỏ không có nấm
nội sinh thực vật và bất ngờ đã phát hiện ra một số điều đáng ngạc nhiên. Điều đầu
tiên là cỏ không phát triển tốt. Điều thứ hai là cỏ không có nấm sẽ mất khả năng
chống lại các loài gây hại. Một nghiên cứu vào những năm 1980 trên lúa mạch đen
cho thấy nấm nội sinh thực vật đã làm tăng đáng kể khả năng chống côn trùng của

92
lúa mạch đen. Các nghiên cứu sau đó đã chứng minh rằng một số loại cỏ nhờ có
nấm nội sinh mà chống lại các loại nấm khác, chẳng hạn như nấm gây bệnh nấm
đồng xu (bệnh dollar spot - người dịch), mặt khác, cũng có cả những ngoại lệ đối với
những ảnh hưởng lành tính này - ví dụ như một số nấm nội sinh khiến cây trồng hạn
chế sản xuất hạt.

Cấu trúc giống đuôi mèo là quả thể của một loại nấm nội sinh trên một loài cỏ ống
(Agrostis sp.). Đó là manh mối duy nhất có thể nhìn thấy được rằng nấm sống trên
khắp lá, đầu hoa và thậm chí cả hạt, truyền mối quan hệ này sang thế hệ tiếp theo.
Ảnh của Uljana Hesse và Christopher Schardl.

93
Phần lớn nấm nội sinh là ascomycetes, còn được gọi là nấm túi vì bào tử của chúng
được tạo ra trong một cấu trúc giống như túi. Nấm hương, nấm cục, men bia và men
làm bánh, và hầu hết các loại nấm hình thành địa y đều là nấm túi, mặc dù không
phải tất cả đều là nội sinh. Bào tử của nấm nội sinh thường được vận chuyển đến vật
chủ của chúng qua các dòng không khí, được phân tán từ nấm của một cây khác.
Một số loại nấm nội sinh xâm nhập vào hạt của cây chủ và phát triển cùng cây. Một
số côn trùng cũng giúp phát tán bào tử nấm khi chúng di chuyển từ cây này sang
cây khác (“Taxi!”). Sau khi nảy mầm, nấm sẽ sống trong vật chủ.

Cũng như nấm rễ cộng sinh, một số nấm nội sinh chỉ có thể sống trên một vài loài
cây chủ nhất định. Những loài khác thì dễ tính hơn nhiều, nên có thể lây nhiễm cho
nhiều loài cây khác nhau. Một loài nấm nội sinh trong cây này cũng có thể gây bệnh
cho cây khác. Một số loài nấm là nội sinh ở vài loài cỏ nhưng lại ký sinh gây bệnh
cho những loài khác.

Có vẻ như hầu hết các loại nấm nội sinh đều mang lại một số lợi ích cho cây chủ của
chúng. Ví dụ như một số tạo ra độc tố giết chết rệp và các côn trùng chích hút khác
tấn công vật chủ và thậm chí còn có thể ngăn không cho động vật gặm cỏ. Một số
nấm cộng sinh cải thiện khả năng nảy mầm của hạt giống vật chủ, đảm bảo sự tồn
tại của các loài. Một số khác tạo ra các chất kháng bệnh hoặc làm cho cây chủ tự
tăng khả năng kháng bệnh. Nhiều loại nấm nội sinh bắt đầu quá trình phân huỷ ngay
sau khi cây chủ chết, đảm bảo chu trình của các chất dinh dưỡng, có lẽ là cho các
thế hệ con cháu của cây chủ và cả của chúng. Nhờ những phát hiện này, hiện đang
bùng lên một cuộc chạy đua thương mại hoá nhiều lợi ích này, hứa hẹn mang lại một
loạt các cách kiểm soát sinh học cùng chế phẩm sinh học để tăng cường sự phát
triển của cây trồng, năng suất và sức khỏe thông qua mạng lưới thức ăn trong đất.

94
Nấm gây bệnh và ký sinh
Nấm có lợi cạnh tranh chất dinh dưỡng và thường kết hợp với vi khuẩn tạo hình
thành mạng lưới và lưới bảo vệ ở xung quanh rễ cây (và thậm chí cả trên bề mặt lá, vì
lá cũng tiết ra dịch tiết thu hút vi khuẩn và nấm); điều này ngăn chặn một số họ
hàng nấm ký sinh và gây bệnh của chúng xâm nhập vào cây. Danh sách các loại nấm
bệnh ảnh hưởng đến cây trồng nông nghiệp và cây vườn rất dài; cần rất nhiều giấy
bút để viết hết về chủ đề này, và nó nằm ngoài phạm vi của cuốn sách này. Ví dụ,
nấm than ảnh hưởng đến hoa của các loại ngũ cốc. Nấm gỉ sắt gây bệnh trên lúa mì,
yến mạch, lúa mạch đen, hoa quả và cây thông. Các bệnh phổ biến hơn là bệnh nấm
mốc sương (Plasmopara spp., Sclerophthora spp.), thối rễ (Phytophthora spp.), và
bệnh gỉ trắng (Albugo spp.).

Nấm mốc xám (Botrytis cinerea ) trên cây dâu tây. Ảnh của Scott Bauer, USDA-ARS.

Có người làm vườn nào chưa gặp phải bệnh nấm mốc xám hoặc bệnh phấn trắng?
Chúng là một nhóm nấm lây nhiễm cho các cây khác nhau với cùng triệu chứng: bột
nấm trắng hoặc xám bao phủ lấy lá, thân và hoa. Hầu hết các loại nấm bệnh phấn
95
trắng tạo ra các bào tử trong không khí mà không cần nước để nảy mầm. Chỉ cần
nhiệt độ từ 15 đến 27 độ C và độ ẩm cao, những bào tử này sẽ nảy mầm và lây nhiễm
cho vật chủ của chúng trong sân vườn nhà bạn. Rồi cả bệnh héo do nấm Fusarium
trên cây cà chua, dấu hiệu nhận biết đầu tiên là lá cà chua bắt đầu vàng từ dưới lên
trên. Bệnh này là do nấm Fusarium oxysporum f. sp. lycopersici, một loại nấm sống
trong đất có thể tồn tại trong một thập kỷ hoặc hơn trong giai đoạn ngủ. Nó xâm
nhập vào cây thông qua rễ và đi vào mạng lưới phân phối nước của cây. Một minh
chứng nữa cho sức mạnh của nấm là trường hợp Armillaria mellea (nấm rễ cây sồi),
loại nấm gây chết cây sồi đột ngột - một loại nấm nhỏ bé hạ gục những cây sồi cao
ngất. Hoạt động của nấm làm phân hủy lignin và cellulose đến mức gây chết cây.

Nấm gây bệnh và ký sinh xâm nhập vào thực vật qua các chỗ khác nhau, bao gồm lỗ
khí khổng (các lỗ hở trên bề mặt lá giúp cây thở) và các vết thương. Và, tất nhiên, với
tất cả những gì ta đã biết về các enzym phân hủy lignin khó tiêu hóa, sẽ không làm
bất kỳ người làm vườn nào ngạc nhiên rằng một số loại nấm có thể làm tan lớp biểu
bì và thành tế bào của cây mà nó đang tấn công. Nếu bạn nghĩ điều này là khó, hãy
nghĩ đến các loại nấm xâm nhập vào gạch nhà tắm, và biết rằng một số loại nấm có
thể xâm nhập vào đá granit để tìm kiếm thức ăn.

Toàn bộ cuốn sách này có thể chỉ nói về những loại nấm lấy dinh dưỡng từ cây của
bạn. Nhưng đây lại không phải là mục đích của chúng tôi! Chúng tôi chỉ muốn bạn
nhận ra rằng đất chứa đầy nấm, một điều mà hầu hết những người làm vườn đều dễ
dàng nắm được nhờ kinh nghiệm thực tế.

Sự chồng chéo chức năng với vi khuẩn


Bây giờ thì bạn đã có thể thấy rằng trong một lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh,
nấm và vi khuẩn đảm nhiệm nhiều công việc giống nhau và chia sẻ nhiều chức năng
giống nhau. Giống như vi khuẩn, một số loại nấm sản xuất vitamin và kháng sinh
tiêu diệt mầm bệnh trong đất cũng như trong cơ thể người. Bạn còn nhớ penicillin,

96
loại thuốc kháng sinh từ nấm nổi tiếng nhất? Năm 1928, khi nhà vi khuẩn học người
Anh Alexander Fleming trở lại phòng thí nghiệm sau kỳ nghỉ, ông đã phát hiện một
loại nấm đã nhiễm vào đĩa petri chứa đầy vi khuẩn Staphylococcus. Nó đã phá hỏng
thí nghiệm, ông không tìm thấy vi khuẩn nào phát triển gần loại nấm này, và thế giới
y học đã hoàn toàn thay đổi từ khoảnh khắc đó.

Nấm, giống như vi khuẩn, đóng vai trò quan trọng trong lưới thức ăn trong đất,
chúng giúp phân hủy, tuần hoàn dinh dưỡng, xây dựng cấu trúc đất, và chúng là các
loài cộng sinh có lợi giúp ngăn ngừa bệnh nhưng cũng gây bệnh. Ngoài ra, khả năng
ảnh hưởng đến độ pH của đất khiến chúng trở thành một công cụ quan trọng để
làm vườn với lưới thức ăn trong đất.

97
Chương 6
Tảo và nấm nhầy
TẢO VÀ NẤM NHẦY không liên quan tới nhau; chúng tôi chỉ đơn giản nhóm chúng
lại với nhau vì dù chúng vẫn có vai trò riêng trong lưới thức ăn trong đất, nhưng
chúng thường không ảnh hưởng gì đến người làm vườn. Tuy nói vậy, chúng tôi hy
vọng đã làm rõ quan điểm rằng lưới thức ăn trong đất là một cộng đồng các sinh vật
có vai diễn riêng trong một vở kịch: khi một nhân vật bị loại bỏ, nó có thể gây ra hậu
quả lớn đến cả vở kịch.

Tảo
Tảo được định nghĩa rộng là những sinh vật quang hợp đơn bào hoặc dạng sợi, bao
gồm tảo biển và thậm chí cả tảo bẹ khổng lồ. Có ai chưa từng thấy tảo trong ao,
sông, hồ, bãi biển, hoặc nếu không thì ở trên kính bể cá? Có ba loại tảo: biển, nước
ngọt và trên cạn, loại tảo trên cạn thường sống trong đất, trên hoặc gần bề mặt (nơi
có ánh sáng mặt trời), không gần rễ cây. Trong khi hầu hết các loại tảo đều cần điều
kiện ẩm ướt, thật đáng ngạc nhiên khi phát hiện một số loài mọc ở sa mạc khô nóng
và ở các cực đóng băng - mặc dù chúng vẫn cần một lớp màng nước để tồn tại.

Mặc dù tảo có quan hệ gần gũi với vi khuẩn trên cây sự sống, chúng thường được
coi là thực vật nguyên thủy vì chúng là loài quang tự dưỡng, nghĩa là chúng lấy năng
lượng từ mặt trời và tự sản xuất thức ăn. Thật sự tảo, giống như thực vật, là những
sinh vật sản xuất sơ cấp, không phụ thuộc vào chất hữu cơ của đất hoặc các thành
viên khác của lưới thức ăn trong đất cho nhu cầu thức ăn của chúng như vi khuẩn và
nấm. Hơn nữa, tảo thiếu sự chuyên hóa đặc trưng của những thực vật bậc cao, và
không giống như thực vật, chúng không có rễ, lá hoặc thân và không có hệ thống
mạch (dẫn nước và thức ăn). Thành tế bào của tất cả các loại tảo, trừ tảo cát, đều

98
chứa xenlulose như thực vật bậc cao. Thành tế bào của tảo cát được cấu tạo từ silica
được bao phủ bởi một lớp da hữu cơ, phân hủy và biến mất sau khi tảo cát chết, để
lại một số lượng rất lớn bộ xương silica tạo nên đất tảo cát, một sản phẩm quen
thuộc với nhiều người làm vườn.

Hầu hết những người làm vườn khi nói đến tảo sẽ nghĩ đến các vùng nước, không
phải là luống cây hoặc bãi cỏ, nhưng bạn sẽ tìm thấy chúng ở những chỗ đó nếu có
đủ độ ẩm — tảo cạn không chỉ cần ánh sáng mà còn cần màng nước để tồn tại. Một
muỗng cà phê đất có thể chứa từ 10.000 đến 100.000 tế bào tảo lục (ngành
Chlorophyta), tảo lục vàng (Xanthophyta) và tảo cát (Bacillariophyta). Có một thời,
tảo đóng vai trò là sinh vật tiên phong, phát triển trên bề mặt đá ẩm và khi chúng
chết đi, kết hợp với đá phong hóa, không khí và nước để tạo thành đất sơ khai. Theo
cách này, tảo đã giúp bắt đầu những sự sống kế tiếp bằng cách cung cấp các chất
hữu cơ cần thiết ở những nơi không có sự sống.

Tảo giúp tạo ra đất bằng cách tạo ra axit cacbonic qua quá trình trao đổi chất của
chúng. Chất này giúp phong hoá đá - một ví dụ tuyệt vời về hiện tượng phong hóa
hóa học do hoạt động sinh học mang lại. Kết quả là các khoáng chất và tảo chết kết
hợp với nhau, dần tạo ra đất. Điều này không khác gì sự phân hủy bề mặt đá do địa y
gây ra - mối quan hệ cộng sinh giữa một số loài tảo và nấm. Nấm cung cấp một môi
trường ẩm ướt và an toàn để tảo có thể sống, và đổi lại, nấm nhận được các thức ăn
quang hợp từ tảo. Trong mối quan hệ này, khả năng phân hủy của tảo được hỗ trợ
bởi các đối tác nấm của chúng, và quá trình phong hóa được đẩy nhanh đáng kể. Địa
y giúp bổ sung đạm (nitơ) cho đất, và tảo xanh lam (Cyanophyta) sử dụng enzym
nitrogenase để cố định đạm, theo quan hệ cộng sinh hoặc không cộng sinh, tương
tự như vi khuẩn cố định đạm. Đây là cách cây lúa có thể lấy đạm từ nước nơi chúng
sinh trưởng.

99
Bộ xương tảo cát, 445x. Bản quyền ảnh của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

Tảo lục mọc trên vỏ cây, 40x. Bản quyền ảnh của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

100
Trên thực tế, vai trò của tảo trong việc làm vườn là rất nhỏ vì chúng cần ánh sáng
mặt trời, chỉ có thể xuyên qua đất một khoảng cách ngắn. Tuy nhiên, ở những nơi
chúng có trong đất, tảo có thể bài tiết polisaccarit, chất nhầy và chất nhờn — tất cả
những thứ dính — giúp kết dính và kết tụ các hạt đất. Sự hiện diện của chúng cũng
có thể giúp hình thành đường dẫn khí giúp đất không bị nén chặt. Và trong một số
lưới thức ăn trong đất, tảo đóng vai trò là nhà sản xuất tiên phong, bị ăn bởi một số
tuyến trùng.

Nấm nhầy
Nấm nhầy là những sinh vật giống amip có hình dáng khác thường, sống trong các
loại gỗ, lá cây, phân, thảm cỏ, nấm thối rữa và các chất hữu cơ khác. Chúng dành
phần lớn cuộc đời để theo dấu vi khuẩn và nấm men trong đất. Vài trăm loại nấm
nhầy khác nhau khá giống với nấm nhưng lại khác ở cách chúng ăn. Trong khi nấm
“tiêu hóa” thức ăn của chúng từ bên ngoài và sau đó mang các chất dinh dưỡng vào
bên trong cơ thể, nấm nhầy sẽ bọc lấy thức ăn và tiêu hóa bên trong cơ thể.

Hai nhóm nấm nhầy — Dictyosteliomycota (nấm nhầy tế bào) và Myxomycota (nấm
nhờn đa nhân) —có vòng đời tương tự nhau: chúng bắt đầu dưới dạng bào tử và nảy
mầm thành khối hợp bào, các loại amip sống trong đất và ăn vi khuẩn, bào tử nấm,
và các động vật nguyên sinh nhỏ, giữ các chất dinh dưỡng chứa trong chúng và
ngăn chúng rửa trôi ra ngoài. Bản thân chúng là thức ăn cho ấu trùng côn trùng, sâu
bọ, và đặc biệt là những loại bọ có thiết kế hàm dưới để xúc phần nấm mềm và nhét
vào miệng.

Thỉnh thoảng, chẳng vì lý do gì, các khối hợp bào riêng lẻ tụ tập lại với nhau; lên đến
khoảng 125.000 cá thể, tạo thành một khối trông giống như một con sên lớn, một
viên thạch hoặc nhiều khi nhìn giống một bãi nôn. Những khối lượng này có kích
thước khác nhau, màu sắc nâu, vàng, hồng hoặc đỏ, và thực sự khá hấp dẫn theo

101
cách riêng của chúng. Các loài thuộc một chi nấm nhầy phổ biến, Physarum, thường
dày khoảng 2,5cm và có thể rộng tới 30cm hoặc hơn.

Các tế bào riêng lẻ trong khối này sẽ không còn thành tế bào và tạo thành
plasmodium (hoặc khối chất nhân sinh đa nhân) xuất hiện từ đất và từ từ di chuyển
trên lá, cỏ, đường đi, khúc gỗ, lớp phủ và bất cứ thứ gì khác trên đường đi của
chúng. Nó làm như vậy với tốc độ trung bình 1 milimet mỗi giờ, nhấn chìm thức ăn
khi nó di chuyển. Nếu một nguồn chất hữu cơ phân huỷ được đặt gần plasmodium,
nó sẽ đi đến nó. Tuyệt vời hơn nữa, nếu bạn cắt một nửa hoặc thậm chí một phần tư
plasmodium, các phần sẽ nối lại với nhau.

Nấm nhầy giai đoạn khối hợp bào ở trên cỏ. Bản quyền của B. Clarke. Được cho phép tái
bản, lấy từ http://www.apsnet.org/, American Phytopathological Society, St. Paul, Minnesota.

102
Nấm nhầy có thể trông giống như bãi nôn của chó. Ảnh của Tom Volk, Đại học
Wisconsin-La Crosse, www.TomVolkFungi.net.

Tất cả các giả thuyết đã được đưa ra để giải thích tại sao những sinh vật này lại tụ
tập lại. Có thể là khi thức ăn trở nên khan hiếm, cần có sự hợp tác của nhau. Rốt
cuộc đây là câu chuyện bó đũa. Mỗi khối hợp bào riêng lẻ để lại một chút chất hấp
dẫn hóa học khi nó di chuyển, có lẽ là trên con đường hướng tới chất dinh dưỡng.
Những nấm nhầy khác khi tiếp xúc với “màng nhầy” này, giống như những gì bị sên
để lại khi nó di chuyển, và đi theo cùng một đường, thêm dịch tiết của chúng vào
đường mòn này. Khi ngày càng có nhiều cá thể tụ tập trên con đường, mỗi con lại
thêm chất nhờn hóa học của nó vào hỗn hợp, sự hấp dẫn sẽ tăng lên cho đến khi các
khối hợp bào tụ tập thành một khối ngày càng lớn.

Cuối cùng thì plasmodium tìm một vị trí thích hợp và hình thành một cấu trúc quả
thể, hoặc túi bào tử. Cơ thể trông khác thường này có hình dạng riêng đối với từng
loài nấm nhầy. Một số túi bào tử giống như những tòa tháp nhỏ, trên đỉnh có các

103
bào tử hình thành. Túi bào tử có các màu vàng, xanh, đỏ, nâu và trắng và tạo thành
một mạng lưới màu sắc tuyệt đẹp thực sự đẹp như bất cứ thứ gì bạn có thể trồng
trong vườn của mình.

Từ góc nhìn của lưới thức ăn trong đất, nấm nhầy giúp luân chuyển chất dinh dưỡng
và chất nhờn mà mỗi khối hợp bào tạo ra giúp kết dính các hạt đất. Khi điều kiện trở
nên không thuận lợi, các plasmodium khô lại và chuyển sang dạng bụi bột. Mặc dù
những sinh vật này không đóng vai trò chính trong khu vườn, nhưng khi người làm
vườn bắt gặp nấm nhầy, họ sẽ nhớ ra nó.

104
Chương 7
Động vật nguyên sinh
HẦU HẾT NHỮNG NGƯỜI LÀM VƯỜN, chúng ta đều đã từng nghịch chơi động vật
nguyên sinh trong một bài tập thí nghiệm của môn Sinh học, khi ấy ta phải xác định
và vẽ phác thảo các bộ phận tế bào của một con trùng đế giày; chúng ta có thể nhớ
lại rằng động vật nguyên sinh là những sinh vật đơn bào có nhân, điều này khiến
chúng được xếp vào nhóm sinh vật nhân chuẩn và cùng với nấm, chúng trở thành
thành viên của vực Nhân chuẩn (Eukarya). Động vật nguyên sinh (Protozoa - thuật
ngữ mà chúng tôi sử dụng trong cuốn sách này để gọi tắt cho một nhóm sinh vật
đơn bào giống động vật, ở nhiều giới khác nhau, không có tảo, không có nấm —
nhưng đừng lan man vào điểm này!) Chúng hầu như luôn luôn là sinh vật dị dưỡng,
nghĩa là chúng không thể tự tạo ra thức ăn. Thay vào đó, chúng lấy chất dinh dưỡng
chủ yếu bằng cách ăn vi khuẩn, đôi khi chúng cũng ăn nấm và trong một số trường
hợp hi hữu, chúng ăn cả động vật nguyên sinh khác.

Trùng đế giày vẫn là vi sinh vật được nhiều người ưa thích. Đó là bởi vì chúng và các
động vật nguyên sinh trong đất lớn hơn đáng kể so với vi khuẩn với kích thước từ 5
đến 500 micromet so với 1 đến 4 micromet. Nó có vẻ nhỏ đối với bạn, nhưng với vi
sinh vật, 500 micromet là khá lớn — lớn đến mức trong điều kiện ánh sáng lý tưởng,
mắt người có thể nhìn thấy một con trùng đế giày trong nước. Bạn vẫn phải quan sát
thật kỹ mới thấy, nhưng hẳn nhiên cũng không thấy rõ tới mức có thể nhìn được các
đặc điểm bên trong và bên ngoài của con trùng để trả lời bài tập thí nghiệm trên
lớp; nhưng kể cả thế, nếu không có không kính hiển vi thì bạn vẫn có thể thấy chúng
lấp ló đâu đó. Chỉ có thông qua kính hiển vi điện tử, ta có thể quan sát được những
chi tiết không thấy được bằng mắt thường.

105
Động vật nguyên sinh là thứ cần tránh xa nếu bạn nhỏ như vi khuẩn. Để dễ tưởng
tượng hơn, nếu một con vi khuẩn có kích thước bằng hạt đậu, thì một con trùng đế
giày sẽ lớn bằng quả dưa hấu. Nhờ thế, vi khuẩn có thể trốn thoát khỏi hầu hết các
động vật nguyên sinh bằng cách chui vào các lỗ rỗng trong đất, nơi này quá nhỏ để
các động vật nguyên sinh to lớn có thể tiếp cận được. Trở lại với một thìa cà phê đất
tốt ta đã nhắc đến trước đây, trong đó có hàng tỷ vi khuẩn nhưng chỉ có vài nghìn
động vật nguyên sinh.

Hơn 60.000 loài động vật nguyên sinh đã được tìm ra và hầu hết đều sống trong đất
chứ không phải chỉ trong nước ao như hồi bé bạn vẫn nghĩ; tuy nhiên, tất cả chúng
đều cần độ ẩm để hoạt động tích cực.

Trùng đế giày khi nhìn qua kính hiển vi điện tử, 130x.
Bản quyền hình ảnh của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

Với vai trò quan trọng của động vật nguyên sinh, chúng ta sẽ lần lượt nhắc lại một
số bài học môn Sinh học hồi xưa.

106
Trùng biến hình, Trùng lông và Trùng roi
Động vật nguyên sinh có ba “dạng” chính. Đầu tiên là Giả túc, chúng là những động
vật đơn bào có dạng vô định, thường được nhớ đến với cái tên Trùng biến hình.
Chúng liên tục di chuyển bằng cách dồn tế bào chất của chúng về một phía tạo
thành một hoặc nhiều chân giả (được gọi là pseudopodia). Giả túc có hai loại. Loại
thứ nhất có một bộ xương ngoài giống như vỏ sò có năm lỗ cố định (hãy tưởng
tượng chúng giống như găng tay chơi bowling hoặc chơi gôn), các chân giả sẽ xuất
hiện qua các lỗ này. Loại thứ hai không có lớp vỏ hay chân giả nào được định trước;
loại trùng biến hình này là những vi sinh vật tương đối lớn, một số không quá trong
suốt thì có thể nhìn thấy được bằng mắt thường như trùng đế giày. Trùng biến hình
không có miệng và ăn vi khuẩn bằng cách bao vây rồi nhấn chìm chúng trong các
bong bóng khí, sau đó tiết các enzym tiêu hóa vào trong tạo thành một bọc nước.
Rồi toàn bộ bọc nước đó được hấp thụ, và các chất thải thì được tống ra ngoài.

Loài có kích thước lớn đứng sau là Trùng lông. Những động vật nguyên sinh này nhỏ
hơn đáng kể so với Trùng biến hình - người anh em họ của chúng, nhưng vẫn lớn
hơn nhiều so với vi khuẩn - con mồi của chúng. Trùng lông được bao phủ bởi những
hàng lông, như mái chèo trên con tàu La Mã, đẩy chúng tới nguồn thức ăn hoặc
tránh xa kẻ thù. Ngoài ra, những “mái chèo” này tạo ra các dòng nước đưa vi khuẩn
vào vùng miệng của trùng lông để chúng nuốt vào trong. Trùng đế giày là ví dụ quen
thuộc khi nói tới loài trùng lông.

Loài động vật nguyên sinh thứ ba và cũng là loài nhỏ nhất là Trùng roi. Chúng có
một hoặc hai sợi lông dài, giống như những chiếc roi giúp chúng di chuyển để tìm
kiếm thức ăn. Một số loài trùng roi, như Trùng roi xanh (loại trùng roi nước ngọt, đã
hay được nhắc tới từ xưa đến nay, có trong nước ao), tự sản xuất thức ăn bằng cách
quang hợp và do đó chúng là sinh vật tự dưỡng; tuy nhiên, hầu hết trùng roi là sinh
vật dị dưỡng, lấy chất dinh dưỡng từ việc ăn và tiêu hóa các sinh vật khác trong đất.

107
Ảnh chụp một con trùng biến hình trên kính hiển vi điện tử, 700x. Bản quyền hình ảnh
của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

Trùng roi xanh, 440x. Bản quyền hình ảnh của Dennis Kunkel Microscopy, Inc.
108
Các mối quan hệ cộng sinh
Giống như rất nhiều sinh vật trong lưới thức ăn trong đất, động vật nguyên sinh
hình thành các mối quan hệ cộng sinh, đặc biệt là với vi khuẩn, đến mức các mối
quan hệ như vậy dường như là chuẩn mực hơn là ngoại lệ. Một ví dụ thường được
nhắc tới là trùng roi trú ngụ trong ruột của loài mối, chúng tiêu hóa các thớ gỗ mà
mối ăn. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn tìm ra được rằng mối quan hệ cộng sinh
này thật ra là một mối quan hệ ba chiều. Nhờ kính hiển vi điện tử, người ta phát hiện
ra vi khuẩn cũng hoạt động trong ruột của loài mối; chúng cố định nitơ từ không khí
cho trùng roi. Quả là rất hiếm khi ta tìm thấy một mối quan hệ cộng sinh ba chiều
như vậy, và với kính hiển vi điện tử thì hẳn còn rất nhiều điều khác nữa đang chờ để
được khám phá.

Rất nhiều trùng lông cũng tham gia vào mối quan hệ cộng sinh với vi khuẩn. Một số
loài trùng lông sống trong cát và chăm sóc các vùng vi khuẩn; và chính các cổ khuẩn
sinh metan sống bên trong các loài trùng lông này đã sản sinh khí metan trong
trùng lông khi diễn ra quá trình hô hấp kỵ khí.

Cảnh sát kiểm soát dân số


Động vật nguyên sinh bị thu hút và đi vào khu vực có nguồn vi khuẩn tốt và ổn định
(trung bình, một động vật nguyên sinh có thể ăn 10.000 vi khuẩn mỗi ngày). Đầu
tiên hãy nói đến trùng roi, loài nhỏ nhất trong số những sinh vật này; chúng có thể
di chuyển vào các không gian nhỏ trong đất, những nơi mà các động vật nguyên
sinh lớn không thể chui vào và cũng là nơi có nhiều vi khuẩn. Ngay cả sau khi các
trùng lông lớn hơn đến hiện trường, quần thể vi khuẩn vẫn còn rất lớn, cung cấp
nhiều chất dinh dưỡng cho cả trùng roi ban đầu và các trùng lông mới tới. Cuối
cùng, trùng biến hình di chuyển để tìm kiếm con mồi vi khuẩn (và cả động vật
nguyên sinh nhỏ hơn). Tất cả áp lực dồn cả lên quần thể vi khuẩn trở nên quá lớn, số
lượng vi khuẩn bắt đầu giảm đi. Khi lượng vi khuẩn trở nên khó tìm hơn, các trùng
lông lớn và trùng biến hình bắt đầu ăn đám trùng lông và trùng roi nhỏ hơn. Điều
109
này làm giảm số lượng trùng lông và trùng roi, nhờ thế mà có thể duy các quần thể
vi khuẩn ổn định và trở lại mức cân bằng của lưới thức ăn trong đất.

Tại sao động vật nguyên sinh không thể ăn hết tất cả vi khuẩn? Một lý do là động
vật nguyên sinh bị hạn chế bởi chất nhờn của vi khuẩn; màng này rất khó để chúng
xuyên qua và nơi đấy không đủ lượng oxy mà chúng cần. Một lý do khác là các loài vi
khuẩn nhỏ hơn có thể ẩn náu trong các lỗ nhỏ trong đất, nơi chúng không vào được.

Nghe có vẻ không đúng lắm khi việc gia tăng số lượng động vật nguyên sinh lại
thường dẫn đến gia tăng số lượng vi khuẩn đang bị săn mồi. Nhưng nó lại xảy ra với
lý do là khi có ít vi khuẩn hơn thì sẽ có ít cạnh tranh về chất dinh dưỡng hơn giữa
các vi khuẩn sống sót. Không phải tranh giành thức ăn cũng có nghĩa là chúng có
thể chia đều thức ăn. Tương tự như vậy, thế hệ con cháu của chúng sẽ có đủ thức ăn
để ăn và sinh sôi nảy nở. Nếu động vật nguyên sinh có thể kiểm soát được dân số
của chúng thì chúng cũng sẽ có tất cả lượng vi khuẩn và nấm chúng cần.

Động vật nguyên sinh không chỉ giữ cân bằng dân số vi khuẩn. Trong quá trình tìm
kiếm thức ăn, một số động vật nguyên sinh còn tấn công cả tuyến trùng hoặc cạnh
tranh nguồn thức thức ăn hữu hạn với chúng (thức ăn này gồm động vật nguyên
sinh và các loại nấm khác). Điều này đã giúp giữ cho quần thể tuyến trùng không
phát triển mạnh.

Động vật nguyên sinh cần độ ẩm để sống, di chuyển và sinh sản, và nước ngưng tụ -
màng nước mỏng còn lại trên bề mặt của các hạt và cục đất - cung cấp đủ nước cho
chúng, trong điều kiện đất bình thường. Tuy nhiên, nếu mọi thứ khô đi, hầu hết các
động vật nguyên sinh ngừng ăn, phân chia và ngưng hoạt động, tự bao bọc trong
một cái nang. Thời gian chúng có thể tồn tại trong trạng thái này khác nhau giữa
các loài; một số có thể chịu được đợt khô hạn dài trong vài năm. Kỹ năng này đảm
bảo sự tồn tại của cả động vật nguyên sinh lẫn thực vật được hưởng lợi từ nitơ và
các chất dinh dưỡng khác do hoạt động sống của chúng thải ra.

110
Kẻ khai khoáng
Điều quan trọng nhất trong hoạt động của lưới thức ăn trong đất là các chất thải
được tạo ra khi động vật nguyên sinh ăn vi khuẩn hoặc nấm. Những chất thải này
chứa cacbon và các hợp chất dinh dưỡng khác đã được cố định nhưng giờ đây một
lần nữa được khoáng hóa và cung cấp cho thực vật. Các hợp chất nitơ, bao gồm cả
amoni (NH4+), nằm trong số đó. Nếu vi khuẩn cố định nitơ có mặt (hãy nhớ rằng
chúng thường yêu cầu độ pH từ 7 trở lên để có một quần thể tốt), amoni tự do được
chuyển thành nitrat. Nếu không, các hợp chất nitơ vẫn ở dạng amoni.

Sự khoáng hóa của các chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sự tồn tại của thực
vật trong hệ thống tự nhiên. Trước đây chúng ta can thiệp hoặc phá hủy mạng lưới
thức ăn trong đất, rồi người làm vườn phải trực tiếp tham gia và làm thêm việc, biến
việc làm vườn trở thành một công việc vặt thay vì một sở thích thú vị. Nếu bạn vẫn
chưa thấy thuyết phục, thì hãy nhớ rằng có tới 80% lượng nitơ, mà cây trồng cần,
đến từ chất thải do các động vật nguyên sinh ăn vi khuẩn và nấm tạo ra. Vì vi khuẩn
và nấm bị thu hút bởi dịch tiết thực vật đến vùng rễ, và đó là nơi động vật nguyên
sinh tiêu thụ chúng, nhờ thế mà một lượng thức ăn thực vật khổng lồ được phân
phối ngay xung quanh rễ.

Các chức năng khác trong lưới thức ăn trong đất


Tất cả các động vật nguyên sinh ở một mức độ nào đó đều tham gia vào quá trình
phân hủy hữu cơ do vô tình ăn phải các hạt nhỏ chất hữu cơ. Sau đó, chúng sẽ bị
phân hủy thành các mảnh nhỏ hơn nếu không được tiêu hóa hoàn toàn và trở thành
thức ăn cho vi khuẩn và nấm trong dòng chất thải. Các thành viên khác trong lưới
thức ăn trong đất cũng dựa vào động vật nguyên sinh như một trong những nguồn
thức ăn của chúng — cần phải nhắc lại rằng chúng ta đang làm việc với mạng lưới
thức ăn trong đất, chứ không phải chỉ một chuỗi thức ăn. Ví dụ, một số loài tuyến
trùng phụ thuộc vào động vật nguyên sinh như nguồn thức ăn của chúng và đã phát
triển các loại cấu trúc miệng chuyên biệt để ăn chúng tốt hơn. Giun cũng sống dựa
111
vào quần thể động vật nguyên sinh khỏe mạnh. Không có động vật nguyên sinh, các
khu vườn sẽ không còn sâu. Tương tự, nhiều loài động vật chân đốt siêu nhỏ cần
một lượng động vật nguyên sinh lớn để phát triển mạnh.

Cuối cùng, không phải tất cả các động vật nguyên sinh đều có lợi. Một số loại ăn rễ
cây, nhưng trong một mạng lưới thức ăn khỏe mạnh, chúng được kiểm soát bởi các
động vật nguyên sinh ăn thịt đồng loại khác. Vì vậy, ở một mức độ nhất định, động
vật nguyên sinh đóng vai trò là nguồn thức ăn cho chính chúng - và chúng vẫn là
những nhân vật quan trọng, thậm chí kể cả những loài xấu nhất cũng vẫn rất quan
trọng trong một lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh.

112
Chương 8
Tuyến trùng
TUYẾN TRÙNG là những con giun tròn mù, không phân đốt, cùng với động vật
nguyên sinh, khoáng hóa các chất dinh dưỡng có trong vi khuẩn và nấm. Tên của
chúng có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp nema, có nghĩa là "sợi", một mô tả thích hợp
cho những vi sinh vật này. Tuyến trùng lớn hơn nhiều so với động vật nguyên sinh,
với chiều dài trung bình 2mm và đường kính 50 micromet (so với 0,5mm đối với một
động vật nguyên sinh có kích thước khá). Tuy nhiên, hầu hết các loài tuyến trùng
đều khó nhìn thấy nếu không có kính hiển vi. Khi bạn có thể nhìn thấy chúng bằng
mắt thường, chúng thường trông giống như những sợi tóc chuyển động của con
người. Chúng tôi nói “thường” vì loài tuyến trùng lớn nhất được biết đến,
Placentonema gigantissima, có thể phát triển đến chiều dài 9 mét. May mắn thay,
loài tuyến trùng này sống trong tinh trùng của cá nhà táng chứ không phải trong
đất.

Những con giun tròn rất thú vị này thực ra là dạng động vật nhiều thứ hai chỉ sau
động vật chân đốt. Cho đến nay, hơn 20.000 loài tuyến trùng đã được xác định và
các nhà khoa học cho rằng có thể có tổng cộng khoảng 1 triệu loài. Dù ở khắp mọi
nơi, nhưng do ít nông dân biết đến, chúng đã thoát tội gây hại rễ.

Một muỗng cà phê đất tốt chứa đầy vi sinh vật có trung bình khoảng 20 tuyến trùng
ăn vi khuẩn, 20 tuyến trùng ăn nấm, một số tuyến trùng ăn thịt và ăn thực vật, cộng
lại là có tổng số từ 40 đến 50 tuyến trùng. Số lượng tuyến trùng ăn nấm và vi khuẩn
có liên quan trực tiếp đến sự sẵn có của nguồn thức ăn mà chúng yêu cầu.

113
Bọn kén ăn
Tuyến trùng là sinh vật tiêu thụ chính trong đất. Chúng có một hệ tiêu hoá dài chạy
từ miệng đến hậu môn, nằm ở cuối phần đuôi. Da tuyến trùng thực ra là một lớp
biểu bì; giúp bảo vệ chúng khỏi sự tấn công lý hóa và hỗ trợ cấu trúc nhẹ. Đối với
nông dân, cách tốt nhất để phân loại chúng là theo thói quen ăn uống của chúng:
các loại tuyến trùng khác nhau đã phát triển các cấu tạo miệng chuyên biệt cho
phép chúng tấn công và lấy được các loại mồi ưa thích của mình.

Hãy bắt đầu với tuyến trùng ăn thực vật. Những loài ký sinh thực vật này thường có
kiểu đầu giống như mũi kim giúp chúng có thể dễ dàng chọc thủng thành tế bào
thực vật. Một số loài tuyến trùng ăn rễ là loài ngoại ký sinh (nghĩa là chúng ăn trên
bề mặt rễ), trong khi những loài khác là nội ký sinh, xâm nhập vào rễ để kiếm ăn.
Tuyến trùng ăn thực vật có thể tạo ra các vết bệnh ở rễ cũng như các u nang và các
chỗ phình to mà nông dân gọi là nốt rễ. Rõ ràng, tuyến trùng ăn rễ không giúp ích gì
cho cây trồng.

Tiếp theo là các loài ăn vi khuẩn. Ở đây cấu tạo miệng chuyên dụng thường là ống
rỗng. Một tuyến trùng ăn vi khuẩn được trang bị loại miệng ống này có thể tiêu thụ
vô số vi khuẩn nhỏ trong một giờ. Các tuyến trùng khác ăn nấm. Loại tuyến trùng
này có miệng hình que, giúp đâm thủng thành tế bào kitin của sợi nấm. Giống như
các loài động vật nguyên sinh, cả hai loại tuyến trùng này đều khoáng hóa các chất
dinh dưỡng có trong cơ thể vi sinh vật nhỏ hơn, tạo ra chất cây trồng có thể hấp thụ
được.

Tuyến trùng ăn thịt động vật nguyên sinh, tảo (kể cả tảo cát) và các thành viên nhỏ
khác của lưới thức ăn trong đất — ấu trùng, mọt, ong bắp cày, thậm chí cả động vật
không xương sống nhỏ như sên (loại tuyến trùng có lợi đầu tiên được sử dụng trong
nông nghiệp là để kiểm soát sên). Tuyến trùng ăn thịt cũng ăn các loại tuyến trùng
khác, do đó ngăn chặn không cho chúng ăn thịt vi khuẩn và nấm một cách quá mức

114
và giữ cho quần thể tuyến trùng phá hoại, chủ yếu là tuyến trùng ăn thực vật, được
kiểm soát. Giống như động vật nguyên sinh ăn vi khuẩn, việc tuyến trùng ăn nấm
giúp giải phóng nguồn thức ăn cho nấm và làm tăng quần thể nấm, dẫn đến tăng
hoạt động phân rã rác hữu cơ. Vì vậy, tuyến trùng là nguyên nhân gián tiếp của sự
phân huỷ các chất trong và trên đất.

Hình ảnh SEM về cấu tạo đầu miệng của một tuyến trùng ăn nấm.
Bản quyền hình ảnh Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

115
Một loại tuyến trùng săn mồi điển hình. Ảnh của Bruce Jaffee, UC Davis.

Các loài tuyến trùng khác là sinh vật ăn tạp, ăn bất kỳ và tất cả các loại ở trên đời, kể
cả bào tử nấm. Một số thậm chí ăn cả chất hữu cơ và do đó trực tiếp tham gia vào sự
phân hủy các chất hữu cơ.

Khoáng hóa và các trò khác


Có thể cho rằng, khoáng hóa là điều quan trọng nhất mà tuyến trùng (ít nhất là loài
ăn vi khuẩn và ăn nấm) làm cho nông dân. Tuyến trùng cần ít nitơ hơn so với động
vật nguyên sinh; do đó, những loài ăn nấm và vi khuẩn, giải phóng nhiều nitơ đã cố
định trước đó vào trong vùng rễ, ở dạng amoni. Nếu quần thể của vi khuẩn cố định
đạm trong đất thấp (như những nơi có độ pH dưới 7), đạm khoáng chủ yếu vẫn ở
dạng amoni (nghĩa là nó không được chuyển thành nitrat).
116
Nhưng sau đây là một điều mới: Vì tuyến trùng lớn hơn vi khuẩn, nấm và động vật
nguyên sinh, chúng cần đất xốp hơn để di chuyển và số lượng của chúng sẽ giảm
nếu đất có kết cấu không phù hợp hoặc nếu đất quá chặt. Các điều kiện này sẽ
ngăn tuyến trùng tìm kiếm chất dinh dưỡng. Không thể tìm kiếm thức ăn, chúng
hoặc chết hoặc đi nơi khác, và lượng nitơ cung cấp cho thực vật bị giảm đi đáng kể.

Bọn này không chỉ là kẻ đào tẩu, tất cả lũ tuyến trùng đều vô tình đóng vai trò vận
chuyển vi khuẩn đến những khu vực xa khỏi nơi chúng sinh ra. Điều này là do vi
khuẩn bám vào da của tuyến trùng và đi sang các khu vực khác khi tuyến trùng di
chuyển qua đất để tìm thức ăn. Vì bản thân vi khuẩn có khả năng di chuyển cực kỳ
thấp trong đất, đây là một lợi thế lớn đối với chúng: chúng có thể “đi taxi” đến các
nguồn thức ăn mới. Điều này cũng được cho là có ích cho lũ tuyến trùng, về lâu dài,
chúng thỉnh thoảng ăn đám con cháu của bọn đi nhờ vé và tăng khả năng khoáng
hóa ở một khu vực mới. Nấm cũng có thể quá giang trên một con tuyến trùng.
Thường thì điều này là do tuyến trùng xui rủi lại là con mồi của một loại nấm ăn thịt,
và vẫn hoạt động mà không biết chúng đang bị ăn sống.

Một bào tử và thân nấm đã xâm nhập vào phía bên cạnh của tuyến trùng này và
đang tiến về phía đầu miệng co rút của nó. Ảnh của Bruce Jaffee, UC Davis.
117
Tuyến trùng đã phát triển một số cách thú vị để xác định vị trí thức ăn trong đất.
Chúng có cấu tạo mồm chuyên dụng, nhưng chúng không có mắt. Làm thế nào một
con tuyến trùng mù tồn tại trong đất hoặc bất kỳ nơi nào khác? Một số tuyến trùng
có thể cảm nhận được những thay đổi cực kỳ nhỏ về nhiệt độ trong đất. Chúng
“biết” những nguồn thực phẩm cụ thể sống ở nhiệt độ nào; chúng sẽ di chuyển
trong đất cho đến khi chúng tìm thấy nhiệt độ thích hợp và tiếp tục di chuyển dọc
theo nó cho đến khi chúng va vào thức ăn ưa thích của chúng.

Những loại khác tìm thấy thức ăn bằng cách cảm nhận các hóa chất cụ thể liên quan
đến chúng. Một khi phát hiện mùi hương, chúng hoạt động như tên lửa tầm nhiệt,
khóa chặt vào con mồi và tấn công. Loại nấm yêu thích của chúng tôi, loài bắt tuyến
trùng trong vòng của nó, thu hút tuyến trùng bằng một loại hóa chất. Rõ ràng,
phương pháp tìm thức ăn này của tuyến trùng có nhược điểm.

Cuối cùng, tuyến trùng là loài động vật vô cùng đa dạng và thú vị, giống như mọi
sinh vật khác trong lưới thức ăn trong đất, xứng đáng (và có) sách riêng viết về
chúng.

118
Chương 9
Động vật chân đốt

CHO DÙ NẾU BẠN KHÔNG BIẾT chúng được gọi là gì thì chắc chắn là bạn đã thấy
và biết rất nhiều động vật chân đốt rồi: chẳng hạn như ruồi, bọ cánh cứng và nhện.
Nói không ngoa thì động vật chân đốt thống trị thế giới. Khoảng 3/4 số sinh vật
sống là động vật chân đốt. Tuy nhiên, cho dù lớn hơn nhiều về số lượng và kích
thước, động vật chân đốt không dẫn đầu về lượng sinh khối: sinh khối của tuyến
trùng và thậm chí động vật nguyên sinh vẫn lớn hơn nhiều.

Động vật chân đốt (Arthropod) trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "chân phân đoạn"
(thực chất thì các chi và cơ thể của chúng đều phân đoạn, nhưng bạn hiểu ý đúng
không?). Ngoài các chân có khớp và các cơ thể phân đoạn, tất cả các động vật chân
đốt đều có điểm chung là một bộ vỏ ngoài làm từ kitin, cùng một chất liệu tạo nên
thành tế bào nấm. Bạn đã quen thuộc với vỏ của tôm hùm, tôm và cua, chúng là các
ví dụ quen thuộc về động vật chân đốt ở biển; vỏ của chúng là kitin. Giống như lớp
biểu bì của tuyến trùng, bộ xương ngoài này cung cấp sự bảo vệ và một khung cấu
trúc nhẹ (so với bộ xương bên trong phức tạp hơn và nặng hơn đáng kể). Khi động
vật chân đốt lớn lên, chúng sẽ lột xác thay đi bộ xương ngoài và phát triển một bộ
xương mới lớn hơn.

Động vật chân đốt thường có ba đoạn cơ thể (nhưng một số chỉ có hai), bắt đầu
bằng đầu, sau đó là ngực, và cuối cùng là một cái bụng. Hầu hết các động vật chân
đốt có ba giai đoạn phát triển. Chúng bắt đầu từ trứng; trứng nở thành ấu trùng; và
sau đó biến hình thành một dạng rất khác khi trưởng thành. Một ví dụ điển hình đó
là sâu bướm - giai đoạn ấu trùng của bướm, con bướm trưởng thành sẽ đẻ trứng để

119
bắt đầu lại chu kỳ. Nhiều động vật chân đốt sống cả ba giai đoạn trong hoặc trên
đất, nhưng nhiều loài sống ở đó chỉ trong một hoặc hai giai đoạn. Tất nhiên, bất kỳ
người làm vườn nào đã chống lại sâu bọ đều hoàn toàn biết rằng chỉ cần một giai
đoạn là có thể làm hỏng cây.

Các loài động vật chân đốt có kích thước từ những con cua hoàng đế Alaska khổng
lồ có kích thước dài vài mét đến những con rệp nhỏ cần phải có kính hiển vi mới có
thể nhìn thấy được. Những loài, cần phải phóng đại mới thấy được bằng mắt thường,
được phân loại vào nhóm microarthropods (tạm dịch: động vật chân đốt siêu nhỏ);
những loài có thể nhìn thấy dễ dàng mà không cần đến sự hỗ trợ của kính lúp hoặc
kính hiển vi được gọi là macroarthropods (tạm dịch: động vật chân đốt cỡ lớn).

Bên cạnh việc là thức ăn cho các thành viên khác của lưới thức ăn đất, động vật
chân đốt sống trong đất còn quan trọng đối với cộng đồng sinh vật đất như là chiếc
máy nghiền, loài ăn thịt và máy sục khí trong đất. Sự hiện diện hay vắng mặt của
một số nhân tố chính này có thể cho người làm vườn biết nhiều điều về sức khỏe
của đất và cây trồng trong đó.

Phân loại động vật chân đốt


Hầu hết những người làm vườn không quan tâm nhiều đến động vật chân đốt mà
đem gộp tất cả lại với nhau, chỉ đơn giản là “côn trùng” hoặc “bọ”. Bất kỳ người làm
vườn nào cũng có thể biết một vài loài, có thể phổ biến hoặc không phổ biến trong
các vườn quanh vùng mình, nhưng phần lớn thì không biết nhiều hơn thế. Một phần
là vì có quá nhiều động vật chân đốt: ngành Chân đốt cho đến nay là giới lớn nhất
trong thế giới động vật — lớn đến mức nó đặt ra một thách thức thực sự cho chúng
tôi rằng: làm sao có thể chỉ cho độc giả cách sử dụng lưới thức ăn trong đất mà
không làm cho họ choáng ngợp với lượng kiến thức khổng lồ? Khó có thể mô tả tất
cả động vật chân đốt sống trong đất phần vì chúng quá đông, và thật thì cũng vì có

120
quá nhiều danh pháp khoa học. Xin hãy cố gắng chịu khó một chút với một vài từ
ngữ khoa học chúng tôi sử dụng trong cuốn sách này.

Những người làm vườn đồng ý rằng sử dụng tên khoa học, thường có nguồn gốc từ
tiếng Latinh hoặc tiếng Hy Lạp, thực sự là cách duy nhất để xác định chính xác một
loại cây; nhưng hầu hết đều chưa học mớ hổ lốn bảng chữ mà các nhà khoa học
dùng để gọi tên các thành viên trong ngành Chân đốt, ngành với các loài có ảnh
hưởng lớn nhất đến lưới thức ăn trong đất. Và sau đây, để bắt đầu, chúng tôi xin liệt
kê các Lớp:

Lớp Arachnida: nhện, bọ cạp, ve, bọ ve, và nhện “ông bố chân dài”
Lớp Chilopoda: rết

Một con rust mite (tạm dịch: con mạt gỉ sắt) (Aceria anthocoptes), 700x. Ảnh của Eric
Erbe, màu kỹ thuật số của Christopher Pooley, USDA-ARS.

121
Mạt bụi nhà (Tyrophagus putrescentiae ), 100x. Ảnh: Eric Erbe, Màu kỹ thuật số: Christopher
Pooley, USDA-ARS.

Con cuốn chiếu đang kiếm ăn trên đất. Ảnh chụp bởi Frank Peairs, Gillette Entomology Club.

122
Con dế Mormon cái. Ảnh của Michael Thompson, USDA-ARS.

Lớp Diplopoda: cuốn chiếu


Lớp Insecta: bọ đuôi bật, bọ bạc, mối, thiêu thân, chuồn chuồn, chuồn chuồn kim,
ruồi đá, sâu tai, bọ ngựa, gián, bọ que, châu chấu, châu chấu voi, dế, bọ đấu sĩ, bọ
chân dệt, bộ zorapterans, bộ psocids, mọt sách, rận vỏ cây, chấy nhai, bọ chét, ruồi
bọ cạp, bọ trĩ, bọ cạp, kiến ​sư tử, bọ thật, bướm đêm, bướm, ruồi, bọ cánh cứng,
bướm cưa, ong, ong bắp cày và kiến.
Lớp Malacostraca: rận gỗ

Bạn đã quen thuộc với nhiều thành viên của lớp Insecta (côn trùng). Hầu hết mọi
người làm vườn đều biết rằng Hàng chục nghìn loại côn trùng khác nhau sống trong
và trên đất và cây trồng. Chắc chắn bạn đã từng thấy đại diện của một bộ thuộc một
lớp này, bộ Coleoptera (bọ cánh cứng) với khoảng 290.000 loài được mô tả, thật khó
để bỏ sót chúng khi bạn đi làm công việc làm vườn của mình.

123
Mối Formosan dưới lòng đất ăn gỗ vân sam và bạch dương. Ảnh của Peggy Greb,
USDA-ARS.

Bọ săn mồi Thanasimus formicarius ăn bọ cánh cứng chồi thông (nguyên văn: pine
shoot beetle), một loài gây hại nghiêm trọng trên cây thông. Ảnh của Scott Bauer,
USDA-ARS.
124
Chức năng trong lưới thức ăn trong đất
Hầu hết các động vật chân đốt, đặc biệt là những loài sống trên mặt đất, là những
động vật giúp cắt nhỏ chất hữu cơ. Chúng nhai các chất hữu cơ trong hành trình
tìm kiếm thức ăn liên tục, và cắt thức ăn thành các mảnh nhỏ hơn. Kết quả là, hoạt
động của nấm và vi khuẩn được tăng lên vì việc băm nhỏ làm lộ ra các bề mặt trên
lớp rác hữu cơ, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm dễ dàng tấn công hơn.

Khi chúng cắt thức ăn rồi di chuyển, động vật chân đốt cũng vô tình vận chuyển
những vi sinh vật bám trên cơ thể chúng hoặc bám trong các mảnh vụn chúng đẩy
theo. Vì hầu hết các loài động vật chân đốt là thức ăn cho những động vật lớn hơn,
tổng khoảng cách mà vi khuẩn có thể di chuyển khá lớn (tưởng tượng một quần thể
vi khuẩn bị ăn bởi một con bọ và sau đó bị ăn bởi một con chim). Hoạt động của vi
sinh vật sẽ tăng lên nếu được đi nhờ đến nơi có nguồn thức ăn tốt. Trên hết thì việc
băm nhỏ chất hữu cơ là quan trọng nhất. Hai loài động vật chân đốt phổ biến, rệp và
bọ đuôi bật, chịu trách nhiệm tái chế tới 30% lá và mảnh vụn gỗ trên nền rừng vùng
ôn đới.

Khi không đủ chất hữu cơ đang phân huỷ, động vật chân đốt thường tấn công các
nguồn chất hữu cơ còn sống. Và ngay cả khi nguồn cung cấp hữu cơ có sẵn dồi dào
để đáp ứng bất kỳ động vật chân đốt nào, một số loài như dế trũi, giòi rễ, ve sầu vẫn
tấn công rễ. Ví dụ, ấu trùng nấm muỗi mắt mới nở ra là ngay lập tức bắt đầu ăn lông
rễ, cuối cùng chúng theo đó ăn vào rễ và thân tác động lớn cho cây bị xâm nhập.
Vẫn còn những động vật chân đốt khác ăn các thành viên khác của lưới thức ăn
trong đất để tồn tại; bằng cách loại bỏ đồng loại của chúng, những động vật chân
đốt săn mồi này tạo chỗ trống cho các động vật chân đốt khác lấp đầy các hốc
trống, giúp tạo ra quá trình phân huỷ hoàn toàn của vật chất trong đất. Cuối cùng,
theo cách tương tự như động vật nguyên sinh và giun tròn, một số động vật chân

125
đốt ăn nấm, một số vi khuẩn khác, nhưng lần này giải phóng chất dinh dưỡng trên
quy mô lớn hơn, phù hợp với số lượng và kích thước lớn hơn của chúng.

Ấu trùng nấm muối mắt cánh sẫm.


Ảnh chụp bởi Whitney Cranshaw, Gillette Entomology Club.

Nhiều loài động vật chân đốt chỉ thực hiện các công việc hàng ngày của chúng trên
mặt đất. Tuy nhiên, có một lượng đáng ngạc nhiên về số các loài sống bán thời gian
dưới mặt đất. Khi những động vật chân đốt hoạt động, chúng trộn lẫn và làm thoáng
đất; các chất thải của chúng cũng bổ sung chất hữu cơ cho đất.

Bọ Mạt
Một số động vật chân đốt trong đất đóng vai trò thống trị trong lưới thức ăn trong
đất. Trong số đó có Bọ Mạt, chúng có hai loại chính ở trong đất. Loại đầu tiên là loài
ve giáp (Ve Oribatid), chúng có số lượng quần thể cao nhất trong số các loài động
vật chân đốt trên đất, lên tới vài trăm nghìn trên mỗi mét vuông; một lý do chính
cho điều này là con ve giáp cái không cần bạn tình để thụ tinh trứng. Những con bọ
mạt này dài từ 0,2 đến 1mm. Ve giáp sinh sống trên bề mặt đất, trong các mảnh vụn

126
hữu cơ, nhưng chúng cũng có thể sống trên thực vật, bao gồm cả rêu và địa y. Một
số giống ve giáp ăn tuyến trùng còn sống, một số khác ăn bọ đuôi bật đã chết. Tuy
nhiên, hầu hết chúng đều ăn nấm và tảo, thực vật thối rữa và do số lượng lớn, chúng
là những kẻ tái chế và phân hủy chính trong lưới thức ăn của đất. Mặc dù chúng dễ
bị tổn thương khi mới sinh ra và trong giai đoạn nhộng, nhưng khi đã trưởng thành,
bộ xương ngoài của chúng khiến những loài bọ mạt này mình đồng da sắt đối hầu
hết các kẻ săn mồi ngoại trừ kiến, bọ cánh cứng và các động vật lớn hơn, như kỳ
nhông.

Loài bọ mạt trong đất thứ hai là Bọ Ve (Ve Gamasid), là những kẻ săn mồi chính
trong đất. Quần thể của chúng (có thể lên đến vài trăm con trong một mét vuông
đất) phụ thuộc vào nguồn thức ăn sẵn có trong đất, cũng là nguồn thức ăn cho hầu
hết các loài động vật chân đốt khác trong đất. Do đó, sự hiện diện và số lượng của
bọ ve được coi là những công cụ hữu ích trong việc xác định tình trạng của đất: nếu
có nhiều bọ ve thì đồng loại của chúng cũng phải dồi dào và điều đó thường cho
thấy một lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh. Tuy vậy, do có thân mềm, chúng không
có khả năng chống chọi tốt như ve giáp trước những kẻ săn mồi và bản thân chúng
lại là con mồi của tất cả các loại động vật chân đốt khác.

Hầu hết các loài bọ ve đều hoạt động như loài nhện (chúng cũng thường bị nhầm là
nhện - tất cả các loài bọ mạt đều có 8 chân như nhện): chúng tiêm vào nạn nhân các
enzym làm tan các bộ phận bên trong cơ thể và biến chúng thành một chất lỏng để
hút. Bọ ve tồn tại trên các loài bọ đuôi bật, ấu trùng của côn trùng và trứng côn
trùng. Khác với những loài sống trên bề mặt, các loài bọ ve sống trong đất cũng ăn
tuyến trùng và nấm.

127
Bọ đuôi bật
Bọ đuôi bật (Collembola spp.), một nhóm động vật chân đốt quan trọng khác, là một
trong những loài côn trùng hoạt động nhiều hơn trong đất. Bạn có thể tìm thấy tới
50 con “bọ chét đất” trên mỗi centimet vuông trong đất có đủ chất hữu cơ. Dài từ
0,2 đến 2mm, chúng là những sinh vật nhỏ nhảy vào không khí khi lớp trên cùng của
đất bị xáo trộn.

Bọ đuôi bật không có cánh. Thay vào đó, chúng sở hữu một cái đuôi chẻ làm đôi, hay
thường gọi là đuôi bật, gấp khúc bên dưới nhưng có khả năng bật thẳng ra ngay lập
tức (khi đổ nước vào tổ của chúng), đẩy con bọ ngược lại khoảng một mét (lý giải tên
thường gọi của chúng), giúp chúng tránh khỏi nguy hiểm.

Giống như nhiều thành viên trong cộng đồng sinh vật trong đất, bọ đuôi bật đã
thích nghi với một số loại môi trường khác nhau. Ví dụ, những loài sống trên bề mặt
có đuôi bật phát triển tốt, mắt, chân dài và râu phát triển tốt, trong khi những loài
sống sâu hơn trong đất thì bị mù hoặc gần như mù và không cần có đuôi bật lớn
hoặc chân dài, vì đây sẽ là những trở ngại trong việc di chuyển tìm kiếm thức ăn.
Một số loài có “đuôi bật” phát triển hơn, đặc biệt thích nghi để sống trong cỏ.

Bọ đuôi bật với phần đuôi


bật phát triển tốt cho phép
những con vật này "nhảy"
xa khỏi kẻ săn mồi tới một
mét.
Ảnh của Michael W. Davidson,
Đại học Bang Florida.

128
Chế độ ăn của bọ đuôi bật bao gồm vi khuẩn, nấm và các chất hữu cơ đang thối rữa.
Những con bọ đuôi bật đôi khi cũng là loài ăn tuyến trùng và xác động vật chết. Còn
chúng là thức ăn ưa thích của Bọ Mạt.

Mối và kiến
Hai thành viên đại diện khác của lưới thức ăn đất: Mối và Kiến, không thực sự liên
quan mặc dù chúng trông giống nhau. Kiến giống ong và ong bắp cày; chúng thường
có mắt, cơ thể mờ đục, eo hẹp, chân dài và bộ xương ngoài cứng. Ngược lại, mối bị
mù và có thân mềm, trong mờ và chân ngắn. Hoạt động băm nhỏ chất hữu cơ của cả
hai loại côn trùng này giúp phân hủy các chất hữu cơ trên bề mặt đất.

Mối ăn phần lớn các vật liệu có chứa xenlulose. Cũng như các loài động vật chân đốt
khác, chúng giúp mở các chất hữu cơ, khiến nấm và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập
hơn. Một số chất hữu cơ này được đưa xuống các đường hầm và hang hốc, nơi nó
trở thành thức ăn cho các quần thể vi khuẩn khác nhau. Thật vậy, chính việc xây
dựng các đường hầm và gò đất giúp phân biệt mối và kiến ​với các loài động vật chân
đốt khác. Khi xây dựng nhà của chúng, kiến ​và mối trộn lẫn đất bề mặt và đất dưới
bề mặt. Kiến có thể trộn tới sáu tấn đất mỗi năm. Ở các khu vực nhiệt đới, sự đóng
góp của kiến ​và mối cho việc đảo trộn đất nhiều hơn so với hoạt động của giun. Các
đường hầm của kiến ​và mối rõ ràng là cách để không khí và nước đi vào đất và cho
các loài động vật khác di chuyển. Đôi khi những đường hầm này làm cho rễ dễ dàng
xuyên qua đất hơn; thường thì rễ sẽ men theo đường hầm được đào sẵn.

Các ụ mối và kiến ​hình thành trên bề mặt đất chứa các vật liệu từ bên dưới bề mặt,
và khi các ụ này bị phong hóa và vỡ ra, chúng làm thay đổi hỗn hợp đất bề mặt. Cuối
cùng, chân sau của mối có chứa vi khuẩn tạo ra khí metan, đến nỗi mối là một trong
những tác nhân chính của khí nhà kính.

129
Tóm lại, do có số lượng khổng lồ và các nhiệm vụ khác nhau, các loài động vật chân
đốt siêu nhỏ và cỡ lớn rất quan trọng đối với bất kỳ lưới thức ăn trong đất nào; và sự
hiện diện của chúng, cả về số lượng và chủng loại, là dấu hiệu cho thấy cộng đồng
không chỉ hoạt động mà còn khỏe mạnh và phát triển tốt.

130
Chương 10
Giun đất
GIUN ĐẤT là loài động vật dễ nhận biết nhất trong lưới thức ăn dưới đất và hóa ra
cũng chính là một trong những loài quan trọng nhất với vườn tược. Khả năng cao
loại giun bạn gặp phải sẽ là một loài thuộc Aporrectodea, Eisenia, hoặc Lumbricus,
những cái tên chi lạ lẫm của những loài giun đất quen thuộc nhất trong số 7000 loài
phổ biến ở những khu vườn có đất tốt. Về mặt kỹ thuật, giun đất là một nhánh của
giun, hay còn gọi là lớp giun ít tơ (oligochaetes), và khi phát triển có thể dài từ vài
centimet đến cả mét. Chúng gồm cả loài potworm nhỏ và ít quen thuộc
(Enchytraeus doerjesi) được tìm thấy trong đất rừng (những người làm vườn có thể
không quen thuộc với potworm trừ khi họ nuôi cá nhiệt đới, loài này rất thích ăn
potworm sống). Potworm nhỏ hơn nhiều so với giun thường thấy ở vườn, chiều dài
chỉ từ vài mm đến vài cm; chúng thành công khi thay thế giun đất trong đất rừng
axit nơi mà giun đất xa lánh. Nghe có vẻ khó tin, một mẫu (4.000m2) đất vườn tốt
chứa từ 2 đến 3 triệu con giun đất (từ 100 đến 500 con trong mỗi mét vuông); từng
đó đủ để thực hiện khối lượng công việc của một chiếc máy ủi và thực sự, đội ngũ
này có khả năng đáng kinh ngạc – chúng có khả năng di chuyển 18 tấn đất mỗi năm
để tìm kiếm thức ăn. Trong một mẫu (4.000m2) đất rừng, ta có thể tìm thấy khoảng
50.000 người anh em của chúng — một con số lớn, nhưng so sánh ra thì vẫn là nhỏ
(so với đất vườn). Rõ ràng, giun đất không đóng một vai trò lớn trong lưới thức ăn
dưới đất của rừng như ở vườn.

Những người châu Âu định cư đầu tiên đã vận chuyển nhiều giống giun đất đến bờ
biển phía đông của Bắc Mỹ. Những con giun rong ruổi trong các chậu cây và dằn tàu
và, ta có thể tưởng tượng, chúng đến như một hành trang quý giá được nâng niu bởi
những người làm vườn, những người biết rằng những con giun sẽ rất có giá trị ở nơi
131
thế giới mới. Khi đến đây, chúng di chuyển khắp lục địa trong những bầu đất chứa
cây ăn quả và các bầu ươm khác. Chúng phát triển mạnh mẽ. Nơi duy nhất ở Bắc Mỹ
mà giun từ châu Âu không phát triển tốt là ở vùng sa mạc ấm áp phía Tây Nam. Một
ví dụ là loài giun bò đêm thông thường (Lumbricus terrestris), loài chiếm ưu thế
trong đất vườn từ nơi này đến nơi khác, đã đến cùng với người châu Âu. Hoặc là loài
giun quế (Eisenia fetida), một loài giun ủ phân thông thường, có nguồn gốc bản địa
(mặc dù nó thường được gọi là giun quế Wisconsin); chúng được những người nuôi
giun trùn quế để lấy phân yêu thích (một cách xứng đáng). Tất cả các loài giun đất
có khả năng lan sang các khu vực mới, tồn tại và nhân lên thành những quần thể
đông đúc.

Cần có hai con giun để tạo ra giun con, mặc dù giun mang cả hai loại cơ quan sinh
dục. Mỗi con có một ống chất nhờn để ấp trứng được đặt trong một cái kén nhỏ.
Mỗi kén chứa 15 con giun con trở lên, bản thân chúng, khi nở ra, thường sẽ trưởng
thành và bắt đầu sinh sản chỉ sau ba hoặc bốn tháng. Hãy nghĩ tới một số loài giun
có thể sống tới 15 năm, sinh sản liên tục, thì số lượng lớn của chúng trong đất là
điều dễ hiểu.

Giun là một lực lượng hùng hậu trong đất. Charles Darwin, người đã nghiên cứu
chúng trong thời gian dài (và thậm chí đã viết một cuốn sách về chúng: The
Formation of Vegetable Mould Through the Action of Worms with Observations on
Their Habits - tạm dịch: Sự hình thành của nấm mốc thực vật thông qua hành động
của giun với những quan sát về thói quen của chúng), lập luận rằng mỗi hạt đất đều
đã đi qua cơ thể giun ít nhất một lần. Dù ông ta đúng hay sai, vai trò của chúng
trong lưới thức ăn dưới đất là rất quan trọng. Chúng tham gia mật thiết vào quá
trình băm nhỏ các chất hữu cơ, làm thoáng khí cho đất, kết tụ các hạt đất, và sự di
chuyển của các chất hữu cơ và vi sinh vật trong đất. Chúng cũng làm gia tăng quần
thể vi sinh vật và hỗ trợ sự phát triển của rễ cây.

132
Những cái máy ăn
Mặc dù giun đất không có mắt nhưng các tế bào cảm biến trên da của chúng rất
nhạy cảm với ánh sáng. Miệng của chúng, hay còn gọi là prostomium, là một miếng
thịt trông giống như một cái môi mở rộng; nó, cùng với yết hầu, có rất nhiều cơ,
nhưng không có răng.

Giun ăn gì? Chủ yếu là vi khuẩn, đó là lý do tại sao không có gì ngạc nhiên khi đất có
nhiều giun thường có vi khuẩn chiếm ưu thế. Các loại thức ăn khác của chúng là
nấm, tuyến trùng và động vật nguyên sinh, cũng như các chất hữu cơ nơi mà các vi
sinh vật này sinh sống. Giun ăn như thế nào? Nó bắt đầu bằng cách đẩy họng ra khỏi
miệng và sử dụng nó cùng với miệng để lấy thức ăn vào bên trong cơ thể. Thức ăn đi
vào và những cơ khỏe mạnh bắt đầu phân nhỏ nó thành các hạt. Nước bọt được trộn
lẫn, làm ẩm thức ăn.

Phần đầu làm công việc ăn uống của một con giun đất.
Ảnh: Tom Hoffman Graphic Design.

Tiếp theo, thức ăn đi từ thực quản của giun tới diều. Từ ngăn chứa này, thức ăn di
chuyển đến mề, một khối cơ cực khỏe được lấp đầy một phần bởi cát và các hạt đá

133
nhỏ. Khi mề co lại và giãn ra, thức ăn sẽ được cát nghiền nát, đóng vai trò như "răng"
của loại giun không răng này. Khi thức ăn được nghiền xong, nó sẽ đi đến ruột của
giun. Tuy nhiên, ngay trước đó, nó được trộn với một loại canxi cacbonat lỏng.

Với danh tiếng của chúng trong việc tái chế chất hữu cơ, thật đáng ngạc nhiên khi
nói rằng giun đất thiếu các enzym cần thiết để tiêu hóa chúng, thay vào đó phải dựa
vào vi khuẩn. Tất cả hoạt động nghiền trong mề đảm bảo rằng những thức ăn đến
ruột của chúng đủ nhỏ và sẵn sàng cho vi khuẩn sống ở đó nhanh chóng tiêu hóa
được. Các chất dinh dưỡng do vi khuẩn tạo ra cuối cùng được hấp thụ vào máu của
giun, và bất kỳ chất hữu cơ nào không được tiêu hóa hết sẽ bị loại bỏ. Chất thải này
có thể vô ích đối với giun, nhưng đối với một người làm vườn thì đó là chất cải tạo
đất tuyệt vời.

Phân trùn
Phân trùn (tên gọi của phân giun) có hàm lượng chất hữu cơ cao hơn 50% so với đất
chưa đi qua giun. Đây là một sự gia tăng đáng kinh ngạc và làm thay đổi hoàn toàn
thành phần của đất, làm tăng CEC do bề mặt hữu cơ giữ điện tích lớn hơn hẳn. Do
đó, các chất dinh dưỡng khác có khả năng bám vào chất hữu cơ đã đi qua giun.

Lợi ích không dừng lại ở đó. Các enzym tiêu hóa của giun (hay nói đúng hơn là các
enzym được tạo ra bởi vi khuẩn trong ruột của giun) mở khóa nhiều liên kết hóa học
đáng lẽ sẽ khóa chặt các dinh dưỡng và khiến thực vật không hấp thụ được. Vì vậy,
đất trùn giàu phốt phát gấp bảy lần so với đất chưa đi qua giun. Chúng có gấp mười
lần lượng kali có sẵn trong đất; năm lần nitơ; ba lần magiê có thể sử dụng được; và
có hàm lượng canxi cao gấp rưỡi (nhờ canxi cacbonat được bổ sung trong quá trình
tiêu hóa). Tất cả các chất dinh dưỡng này bám dính với các chất hữu cơ trong viên
phân.

Mỗi năm giun có thể tạo ra một lượng đáng kinh ngạc từ 10 đến 15 tấn phân trùn
trên một bề mặt rộng một mẫu Anh (hơn 4.000m2). Con số gần như không thể tin
134
được này rõ ràng có ý nghĩa quan trọng đối với những người làm vườn: khả năng
tăng lượng chất dinh dưỡng sẵn có mà không cần bón bổ sung và cung cấp hàng tấn
phân như vậy khác nào giả kim thuật.

Máy băm siêu hạng


Giun đất được xếp vào loại máy băm. Khi chúng tìm kiếm thức ăn, chúng phá vỡ lớp
lá mục trong vườn và trên bãi cỏ, trực tiếp và gián tiếp làm tăng tốc độ phân hủy
thực vật lên nhiều lần. Chúng đập vụn lá và các chất hữu cơ khác cho vi khuẩn và
nấm tiếp cận tốt hơn với xenlulose (và các loại carbohydrate khác) và lignin (chất
không phải carbohydrate) trong chất hữu cơ. Do đó, giun đất rõ ràng đã tạo điều
kiện cho việc tái chế chất dinh dưỡng trở lại cây trồng. Đồng thời, giun cũng có thể
thay đổi thành phần của quần xã lưới thức ăn bằng việc cạnh tranh với nấm và vi
khuẩn để lấy chất dinh dưỡng, thậm chí ăn cả chúng luôn. Tầm quan trọng của tác
động của giun đất được thể hiện bằng một thực tế đơn giản: lá cây trên nền rừng
hoặc trong vườn hoặc bãi cỏ thường cần một tới hai năm để phân hủy nếu không có
giun giúp cắt nhỏ, nhưng chỉ cần ba tháng khi có giun. Ở một số vùng của Hoa Kỳ và
Canada, rừng bị xâm lấn bởi giun đất do ngư dân để lại. Những thứ này đã làm thay
đổi hoàn toàn môi trường sống của tầng đất mặt, và toàn bộ khu rừng bị ảnh hưởng
vì lớp thảm mục bị mục nát nhanh hơn rất nhiều không tốt cho sức khỏe của cây và
phần còn lại của lưới thức ăn trong đất.

Kết quả cuối cùng của quá trình băm nhỏ và tiêu hóa của giun là các phần nhỏ rác
hữu cơ mà vi sinh vật có thể ăn được. Các quần thể vi sinh vật trong đất cũng được
tăng cường do một số vi sinh được trộn lẫn vào phân trùn trong quá trình hình
thành và thải bỏ, tạo ra các vùng bao bọc nấm và vi khuẩn.

135
Một con giun để lại đống phân của nó trên bề mặt của một bãi cỏ. Ảnh: USDA-NRCS.

Đào bới
Giun đất cực kỳ khỏe, điều này cực kỳ cần thiết với lượng công việc đào bới mà
chúng vẫn làm. Trong khi đi trong đất để kiếm ăn, giun có thể di chuyển những hòn
đá nặng gấp sáu lần trọng lượng của chúng. Đất cung cấp cho chúng độ ẩm, kiểm
soát nhiệt độ và bảo vệ chúng khỏi các loài chim và động vật săn mồi khác trên mặt
đất.

Các loại giun khác nhau tạo ra các loại đường hào khác nhau, một số là vĩnh viễn và
một số khác là tạm thời. Các đường hào tạm thời thường bị bỏ hoang sau khi bị lấp
đầy bởi phân và chất thải của giun, rễ cây đâm vào những con đường này, có thể
xuyên xuống sâu hơn mức mà thường rễ có thể, đồng thời tiếp cận được chất dinh
dưỡng và các vi sinh vật đã giải phóng chính những chất đó. Một số loại giun đất di
chuyển lên xuống trong đất, đôi khi sâu tới khoảng 3,7 mét. Chúng băm nhỏ rác trên
bề mặt và kéo một số vào đường hào, nơi sau đó nó sẽ bị phân hủy. Khi làm đường
136
hào, đất từ tầng ​sâu hơn được bỏ lại trên bề mặt. Các loài giun đất khác di chuyển
theo chiều ngang, hiếm khi rời khỏi lớp đất 15cm trên cùng, mà ngay cả những loài
giun đất này cũng phân bố lại các chất hữu cơ trong khoảng cách khoảng một mét,
mặc dù ở cùng một tầng đất. Dù bằng cách nào, hoạt động này cũng tương tự như
việc cung cấp thực phẩm đến một khu vực khác của thị trấn và tác động đến toàn
bộ cư dân của lưới thức ăn dưới đất. Giun đất cũng di chuyển các vi sinh vật, hoặc
gắn liền với cơ thể của chúng hoặc gắn vào lớp vụn mà chúng kéo xuống lòng đất,
bắt đầu các cộng đồng vi sinh vật ở nơi trước kia chưa từng có.

Giun đất không chỉ làm tăng độ tơi xốp của đất mà bằng cách phá vỡ và trộn các
chất hữu cơ, chúng còn làm tăng khả năng giữ nước của đất. Một lần nữa, hãy nghĩ
đến vài triệu con giun đang đào bới trong một mẫu đất vườn tốt tươi. Các đường
rãnh hào của chúng trở thành những con đường quan trọng để thoát nước và lưu
thông khí. Và vì có những con giun di chuyển theo chiều dọc và một số khác theo
chiều ngang xuyên qua đất, những con đường này có thể đưa nước đến đủ các ngóc
ngách dưới lòng đất, cho dù được cây trồng sử dụng ngay lập tức hay được lưu trữ,
để hấp thụ sau này.

Muôn loài đều yêu thích giun đất


Ngoài các loài chim, một số ký sinh trùng và ruồi ký sinh, và thỉnh thoảng là động
vật có vú (chuột chũi, cá ngư dân - loài cá ưa nhiệt đới), giun đất có rất ít kẻ thù.
Những con chim mà chúng thu hút đến bãi cỏ sẽ ăn chúng, nhưng từ góc độ mạng
lưới thức ăn trong đất, không có gì bị mất đi cả. Phân chim không chỉ chứa chất dinh
dưỡng và vi sinh vật, mà chân chim còn mang động vật nguyên sinh, và chúng lan
khắp nơi khi chim nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Và, thỉnh thoảng, một con chim
sẽ thả giun xuống một địa điểm mới (nhưng không phải những con chim tới sớm
hơn, chúng luôn bắt được giun).

137
Nhìn vào lợi ích của giun đất. Giun cắt nhỏ các mảnh vụn để các sinh vật khác có
thể dễ dàng tiêu hóa chúng hơn. Giun làm tăng độ tơi xốp, khả năng giữ nước, độ
phì nhiêu và lượng chất hữu cơ của đất. Giun phá vỡ đất cứng, tạo đường dẫn cho rễ
cây và giúp kết dính các hạt đất với nhau; giun luân chuyển các chất dinh dưỡng và
vi sinh đến các vị trí mới khi chúng di chuyển trong đất để tìm kiếm thức ăn. Với tất
cả những lợi ích này, chẳng phải thật lạ lùng sao khi coi người làm vườn là một trong
những kẻ săn thù của giun đất? Xới xáo và các phương pháp đảo đất cơ học khác
phá hủy hào rãnh của giun và làm giảm hoặc thậm chí tiêu diệt quần thể giun đất
bằng việc cắt chúng thành những mảnh nhỏ không bao giờ tái sinh lại thành giun
được nữa. Và người làm vườn sử dụng phân bón hóa học là xát muối vào vết thương
theo đúng nghĩa đen: những hóa chất này là muối gây kích ứng với giun và đuổi
chúng ra khỏi đất vườn.

Một quần thể giun đông đảo là một dấu hiệu rõ ràng của một mạng lưới thức ăn
khỏe mạnh. Nó có nghĩa là chất hữu cơ, vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh và
tuyến trùng — tất cả những thứ cần thiết để hỗ trợ một quần thể giun — đều có sẵn.
Với những nền tảng này, rất có thể các phần khác của lưới thức ăn trong đất cũng
theo đúng trật tự.

138
Chương 11
Động vật chân bụng
NGƯỜI LÀM VƯỜN NÀO MÀ chưa từng có cuộc đụng độ với một số thành viên của
bộ Động vật thân mềm (Mollusca)? Hoặc có lẽ bạn biết đến chúng với cái tên thân
thuộc hơn như là sên và ốc sên. Những động vật chân bụng này (tiếng Hy Lạp có
nghĩa là “chân nằm ở bụng”) thường được gọi là động vật thân mềm. Nhưng người đã
đặt cho chúng cái tên có nguồn gốc từ Hy Lạp đó có ý ​đúng. Cái tên này quả là một
mô tả phù hợp về những sinh vật này: một cái chân to nhưng ăn rất nhiều. Hầu hết
các loài sên trong vườn đều có kích thước bằng móng tay, nhưng một số loài phát
triển đến 45 cm và trở thành cơn ác mộng của người làm vườn. Bên cạnh đó, người
ta cũng thường biết đến động vật thân mềm sống ở nước mặn và nước ngọt nhiều
hơn, đặc biệt là nghêu và sò, chứ không phải trong vườn. Với khoảng 40.000 loài,
động vật chân bụng là nhóm lớn nhất trong bộ Thân mềm.

Ốc sên cạn - loài tiếp tục tiến hoá thành sên, tiến hoá từ môi trường biển cách đây
khoảng 350 triệu năm và chúng đã hình thành một lớp vỏ hoàn chỉnh giúp bảo vệ
mình khỏi những kẻ thù ở dưới nước hay các chất hóa học trong nước mặn. Hình
dáng của sên và ốc sên và mà chúng gây ra thiệt hại cho một khu vườn cũng có thể
nói lên sự tương đồng về sinh lý học giữa hai loài này. Sự khác biệt chính giữa chúng
là một loài có vỏ ốc, bộ phận có cấu tạo chủ yếu từ canxi, và một loài không. Sên
vườn phát triển từ những con ốc sên này qua một quá trình và tùy thuộc vào loài mà
chúng có thể bị mất hoàn toàn hoặc có thể mất gần hết lớp vỏ.

Sên và ốc sên rất dễ bị mất nước. Về khía cạnh này thì ốc sên có lợi thế hơn sên vì
sên sẽ phải tìm chỗ ẩn nấp ở khu vực ẩm ướt để tồn tại khi trời khô. Một con ốc sên
có thể chui vào vỏ của nó; bịt kín chỗ hở bằng cách tiết ra chất nhờn đông cứng lại

139
thành một lớp dày như da thuộc vậy, hay còn gọi là vảy ốc; và sống đến bốn năm bên
trong lớp vỏ kín của nó. Khi con ốc sên đã sẵn sàng trồi ra, nó chỉ cần ăn luôn lớp
ngăn cách này là xong.

Tại sao ốc sên lại tiến hóa thành sên, mất đi một ngôi nhà tuyệt vời là chiếc vỏ? Tuy
vậy thực tế là không có vỏ lại có những lợi thế riêng của nó. Rõ ràng một con sên có
khả năng di chuyển và thay đổi hình dạng linh hoạt hơn; nó có thể chui vào những
khoảng không mà một lớp vỏ cứng sẽ không cho phép, làm tăng đáng kể phạm vi
kiếm ăn của nó (theo nghiên cứu là lên đến một dặm trong một đêm). Ngoài ra, việc
duy trì lớp vỏ đòi hỏi khả năng tiếp cận tới nguồn dinh dưỡng chứa canxi, điều này
khiến phạm vi sinh sống của các loài chân bụng có vỏ bị giới hạn hơn. Vì sên có ít
nhu cầu canxi hơn nên chúng không phải chịu sự giới hạn này; chúng có quyền tự
do đi lang thang và tìm kiếm các nguồn thức ăn mới mà không bị cản trở.

Sên vườn và ốc sên là những loài ăn đêm, có thể do đây là thời điểm có độ ẩm cao
nhất hoặc ít cái nóng gây khô da của chúng nhất. Cũng có thể do lúc này chúng ít bị
phát hiện bởi những kẻ săn mồi hơn. Chúng dành cả ngày để trốn trong đất hoặc
dưới các mảnh vụn. Khi màn đêm buông xuống, chúng di chuyển bằng cách lướt
trên một “bàn chân” duy nhất đầy cơ bắp, và cũng là nơi chúng tiết ra glycoprotein -
một loại chất nhờn dính có thành phần là đường và protein.

Chất nhờn này được tạo ra trong các tế bào nằm trong cơ bàn chân của ốc sên và
sên, và được tiết ra từ trung tâm của bàn chân. Các cạnh bên ngoài của bàn chân sẽ
kéo giãn và trượt về phía trước nhờ vào chất nhờn này. Sên và ốc sên có khả năng
kéo giãn gấp 20 lần chiều dài cơ thể của chúng. Chất bôi trơn sau đó trở nên cứng
lại, đánh dấu thành đường đi, giúp chúng tìm đường sau khi đi kiếm ăn về, hoặc giúp
những con sên, ốc sên khác (hay cả những người làm vườn) nhận biết. Thật đáng
ngạc nhiên, chất nhờn có chứa các hóa chất gây khó chịu đối với kẻ săn mồi, giúp
chúng cắt đuôi những kẻ bám đuôi.

140
Sên và ốc sên là những loài lưỡng tính, nghĩa là chúng có khả năng tự thụ tinh. Tuy
nhiên, hầu hết chúng thụ tinh chéo, cho phép cả hai bạn tình đẻ từ 100 đến 200 quả
trứng đục hình bầu dục tới sáu lần mỗi năm. Trứng được đẻ ngay dưới bề mặt đất,
nơi chúng có thể tồn tại trong nhiều năm cho đến khi các điều kiện, chủ yếu là độ
ẩm, phù hợp hội tụ. Tuy nhiên khi gặp điều kiện thích hợp, trứng chỉ mất ít nhất là
trong vòng hai tuần để nở và thường là ở trong vườn. Sên con và ốc sên con có kích
thước rất nhỏ, nhưng chúng sẽ bắt đầu ăn như con trưởng thành và đi tìm kiếm thức
ăn ngay một hoặc hai ngày sau khi sinh. Chúng trở về “tổ” của mình vào mỗi buổi
sáng trong vài tháng đầu tiên; chúng đạt độ tuổi sinh sản sau sáu tháng và sẽ phát
triển tối đa sau khoảng hai năm.

Một con sên trần đỏ đang đi kiếm ăn. Ảnh của Gary Bernon, USDA-APHIS,
www.forestryimages.org.

Bạn có thể nghĩ rằng chúng chỉ ăn rau diếp và cải xoăn của bạn, nhưng cả ốc sên và
sên đều ăn nấm, tảo, địa y và các chất hữu cơ thối rữa. Bạn có thể tin hay không thì
tùy nhưng chúng không chỉ ăn thực vật trên bề mặt. Có báo cáo cho rằng sên chỉ

141
dành 5 đến 10% thời gian ở trên mặt đất. Với mỗi con sên bạn nhìn thấy trên mặt
đất, có ba hoặc bốn con ở dưới đất, kiếm ăn trong đất. Cả ốc sên và sên đều sở hữu
một dải răng kitin (radula), một loạt các răng từ chất kitin không khác một chiếc
răng gỗ, cho phép những động vật chân bụng sống trong vườn này nghiền thức ăn
của chúng thành những hạt siêu nhỏ. Nhiều loài sên và ốc sên có khả năng tiêu hóa
xenlulose.

Ốc sên và sên có một vị trí của riêng mình trong lưới thức ăn đất. Chúng tăng tốc độ
phân hủy và thối rữa bằng cách cắt nhỏ thức ăn trước khi tiêu thụ. Giống như giun
đất và một số động vật chân đốt, chúng khiến các chất hữu cơ trở thành thức ăn
cho nấm và vi khuẩn xâm nhập. Các chuyến đi dưới lòng đất của chúng tạo ra các
con đường cho không khí và nước lưu thông và rễ cây phát triển; chất nhờn mà
chúng tạo ra giúp kết dính đất. Bản thân chúng là nguồn thức ăn cho bọ cánh cứng
và bọ đất (đặc biệt ở giai đoạn ấu trùng), nhện, rắn vườn, kỳ nhông, thằn lằn và chim.
Một số tuyến trùng tồn tại trên sên hiện đã được bán trên thị trường; những con
giun mù này dùng một con sên không may mắn để “truyền nhiệt”, từ đó một phần
của sên trở thành bữa ăn cho tuyến trùng, trong khi phần còn lại để vi khuẩn và
nấm xâm nhập và trở nên thối rữa.

Khi động vật chân bụng là một phần của lưới thức ăn lành mạnh, số lượng của
chúng được kiểm soát; chúng không trở thành loài gây hại nghiêm trọng như khi
chúng ở trong một khu vườn mà việc sử dụng hóa chất và các hành vi gây hại khác
đã khiến hệ thống mất cân bằng.

142
Chương 12
Bò sát, Động vật có vú và Chim
Chúng ta sẽ không dành quá nhiều thời gian vào những con vật lớn hơn này. Nhiều
người làm vườn bị chúng phiền hà, nhưng sóc, chuột, chuột chũi, thỏ, sóc chuột,
chuột đồng, chó đồng cỏ, chuột vàng, chuột túi, rắn, thằn lằn - tất cả đều đào hang
và di chuyển trong đất, trộn lẫn, dịch chuyển và lắng đọng chất hữu cơ và cung cấp
đường đi và các hồ chứa cho nước và không khí. Tuy nhiên, hầu hết những người
làm vườn sẽ không bao giờ nhìn thấy một con trong vườn của họ hoặc vì sợ hãi (bò
sát) hoặc vì hận thù (chuột đồng, thỏ, chuột chũi – bạn cứ kể ra, nếu chúng đào
hang. Và chúng ta đã đề cập qua lũ nai và hươu chưa?).

Vai trò của những động vật lớn hơn này trong vườn rau rất khác với vai trò của
chúng ở những nơi khác. Nhưng ở bất cứ nơi nào chúng lai vãng tới, vai trò của
chúng cũng rất quan trọng và hoàn toàn được củng cố bởi các loài động vật chân
đốt và vi sinh vật, với số lượng vượt xa động vật lớn trong bất kỳ lưới thức ăn đất
nào. Phân của tất cả các loài bò sát, động vật có vú và chim đóng vai trò là nguồn
thức ăn cho các thành viên khác trong cộng đồng lưới thức ăn, và sẽ được tái chế
thành chất dinh dưỡng. Chúng cũng mang vi khuẩn trong cơ thể và bàn chân từ vị
trí này đến vị trí khác, và khi chết xác của chúng bị phân hủy bởi mạng lưới sống
trong đất.

Sóc chuột luôn bận rộn, và hoạt động của chúng ảnh
hưởng đến lưới thức ăn trong đất. Ảnh của Paul Bolstad,
Đại học Minnesota, www.forestryimages.org

143
Hoạt động của các loài động vật lớn hơn có thể được quan sát dễ dàng hơn và do đó
được biết đến nhiều hơn so với các thành viên lưới thức ăn khác; nhưng giống như
tất cả các dạng sống, số lượng của chúng phụ thuộc vào môi trường sống và thức ăn
mà chúng cần. Đặc biệt, sự xuất hiện của các loài chim cho thấy sự có mặt nhiều
hơn của các loài động vật chân đốt, sâu và ấu trùng, vì vậy việc nhìn thấy những con
chim nhảy qua bãi cỏ hoặc thậm chí trong khu vườn của bạn nên mang lại cảm giác
thoải mái: một lưới thức ăn có sẵn và đang sinh sôi tốt. Tất nhiên, điều tương tự có
thể nói về những con chuột chũi đào hang trên bãi cỏ để tìm kiếm ấu trùng bọ cánh
cứng Nhật. Bạn có thể không muốn chuột chũi đào đường hầm trong bãi cỏ của
mình, nhưng vì bạn biết cách thức hoạt động của mạng lưới thức ăn trong đất, ít
nhất bạn hiểu rằng có một nguồn thức ăn ở đâu đó đang hỗ trợ quần thể chuột chũi.
Điều này sẽ thôi thúc bạn làm điều gì đó để đối phó với chuột chũi mà không cần
dùng đến hóa chất và chất độc.

Chim két là “xe taxi” tuyệt vời


của vi sinh vật.
Ảnh của Terry Spivey, Sở Lâm nghiệp
USDA, www.forestryimages.org.

144
Con người chúng ta nằm ở đâu trong lưới thức ăn dưới đất? Chúng ta có tác động
rất lớn đến nó, và thường không phải là tác động tích cực. Hầu hết những người làm
vườn chưa bao giờ nghe nói về hệ thống mạng lưới thức ăn trong đất, mặc dù chúng
tồn tại ở khắp mọi nơi, và cũng không mảy may hay biết về vai trò của vi khuẩn và
động vật chân đốt trong mạng lưới này. Và, tất nhiên, người làm vườn hầu như
không bao giờ biết khi nào là đủ và hầu như luôn luôn phá vỡ sự cân bằng tinh tế mà
mạng lưới thức ăn trong đất duy trì.

Phay đất bằng máy; phun thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và thuốc diệt
bọ; nén chặt đất; loại bỏ vật chất hữu cơ khỏi bãi cỏ và dưới tán cây — tất cả những
hành vi này của con người đều ảnh hưởng đến mạng lưới thức ăn trong đất ở sân và
vườn của bạn. Khi một phần bị phá hủy, lưới thức ăn trong đất bắt đầu hoạt động
không hoàn hảo. Khi một thành viên của mạng lưới không còn nữa, điều tương tự
cũng xảy ra. Trong cả hai trường hợp, người làm vườn phải bước vào để lấp đầy
khoảng trống, nếu không hệ thống sẽ bị sụp đổ. Thay vì làm việc chống lại thiên
nhiên, người làm vườn nên hợp tác tốt hơn với tự nhiên; và điều này, như chúng ta
sẽ thấy, không đòi hỏi nhiều lao động nặng nhọc một khi người làm vườn hiểu và
hợp tác với lưới thức ăn trong đất, để các thành viên của nó làm công việc của mình.

145
Phần 2
Ứng dụng lưới thức ăn trong đất
trong chăm sóc vườn tược

Nấm rễ cộng sinh phát triển rộng từ rễ, giúp làm tăng khả năng tiếp cận chất dinh
dưỡng và nước của cây. Bản quyền hình ảnh của Mycorrhizal Applications,
www.mycorrhizae.com

146
Trang này cố tình để trống

147
​Chương 13
Cách thức ứng dụng lưới thức ăn
trong đất trong việc làm vườn
BẠN GIỜ ĐÂY đã hiểu rõ những lợi ích mang lại cho những người làm vườn khi lưới
thức ăn trong đất hoạt động khỏe mạnh. Dĩ nhiên, điều gì là tốt dành cho những
cánh đồng trồng hoa thử nghiệm ở California hẳn sẽ khác với điều gì là lý tưởng
dành cho những hàng cây lương thực ở Georgia. Tuy nhiên với bất kỳ kiểu khí hậu
hay loại đất nào bạn có, mọi thứ sẽ được lợi khi bạn đưa tất cả nấm, vi khuẩn, động
vật nguyên sinh, tuyến trùng, động vật chân đốt và các thành viên khác của lưới
thức ăn trong đất làm việc cho bạn 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Chúng làm
cho sân vườn của bạn tốt hơn và bạn trở thành người làm vườn giỏi hơn.

Đầu tiên, khi ở tình trạng khỏe mạnh, một lưới thức ăn trong đất sẽ có khả năng lưu
giữ chất dinh dưỡng trong đất tốt hơn. Cơ thể của tất cả loài sinh vật trong đất sẽ
giữ (cố định) các vật chất mà sau này sẽ phân hủy thành chất dinh dưỡng dành cho
cây. Mỗi khi động vật nguyên sinh hoặc tuyến trùng ăn và tiêu hoá nấm hoặc vi
khuẩn, chúng để lại chất dinh dưỡng ở dạng mà cây có thể hấp thụ ngay. Và vì cây
thu hút nấm và vi khuẩn đến vùng rễ của chúng, các chất dinh dưỡng sẽ ở đúng vị
trí để cây có thể dễ dàng hấp thụ.

Tiếp theo, một lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất,
trước hết bởi hoạt động của vi khuẩn tạo ra chất nhờn sẽ giúp liên kết các hạt đất
nhỏ lẻ thành một tập hợp lớn hơn. Sợi nấm, sâu, côn trùng và ấu trùng của chúng,
và thậm chí cả động vật có vú nhỏ đi trong lòng đất sẽ tạo ra các đường hầm lớn
nhỏ. Điều này làm đất có độ tơi xốp thích hợp, dẫn đến khả năng giữ nước và thoát

148
nước cũng như thoáng khí tốt và đây đều là những yếu tố để cây phát triển khỏe
mạnh.

Lưới thức ăn trong đất mang lại khả năng chống lại bệnh tật cho cây trồng và chống
lại tác động của một vài loài mà khi số lượng của chúng phát triển sẽ có khả năng
khiến lưới thức ăn bị mất cân bằng. Một số loài trong lưới thức ăn này hoạt động
như cảnh sát, săn lùng và bắt giữ những kẻ xấu. Một số loài khác hoạt động như bác
sĩ, phân phát vitamin và hóc-môn. Nấm và vi khuẩn đóng vai trò như những hàng
rào bảo vệ cây, chúng ngăn chặn động vật ăn thực vật lại gần rễ, thân hay lá cây;
ngoài ra, chúng còn cạnh tranh chất dinh dưỡng, nơi sinh sống và cả khí oxy với
những kẻ xấu.

Cuối cùng, các sinh vật trong lưới thức ăn trong đất ảnh hưởng tới độ pH của đất.
Ngay ở vùng quanh rễ, chúng quyết định nitơ sẽ ở dạng nào trội hơn: Nitrat hay
Amoni. Một cái cây mà nhận được nitơ ở dạng nó muốn sẽ phát triển một cách tối
ưu. Hệ vi sinh trong đất thậm chí có thể xử lý các chất ô nhiễm do việc sử dụng
thuốc diệt cỏ và hoá chất nông nghiệp khác gây ra, chưa kể đến các chất ô nhiễm
trong không khí và nước ở một số trường hợp nhất định. Trong một lưới thức ăn
trong đất khỏe mạnh, mọi thứ tồn tại trong đất đều có thể trở thành thức ăn cho
một loài gì đó, bao gồm rất nhiều thứ mà con người hoặc cố ý, hoặc vô tình thải ra.

Những quy tắc mới


Chúng tôi đã phát triển 19 quy tắc rất đơn giản để hướng dẫn người làm vườn sử
dụng lưới thức ăn trong đất (xem phần phụ lục để biết danh sách tóm tắt toàn bộ
các quy tắc).

Quy tắc số 1: một số cây ưa đất với nhiều các loại nấm; một số khác lại ưa đất với
nhiều các loại vi khuẩn. Cây cần nitơ để tạo ra axit amin; nitơ rất quan trọng đối với
sự phát triển và tồn tại của cây. Đây là lý do tại sao phân đạm vô cơ, hòa tan có tác
dụng rất tốt trong việc phát triển cây trồng ngay cả khi chúng gây bất lợi cho lưới
149
thức ăn. Khi hoà tan trong nước, loại nitrat này (NO3-) là đồ ăn dễ tiếp thụ đối với rễ
cây, khá giống như miếng bọt biển. Là các ion âm, chúng hoà tan trong nước thay vì
tự gắn với mùn hoặc đất sét giống như các ion dương.

Hai dạng nitơ có sẵn cho cây khi có lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh là nitrat và
amoni (NH4); và như trong hầu hết mọi thứ trong cuộc sống, khi được lựa chọn, một
số cây chọn loại nitơ nó thích hơn là dưới dạng nitrat trong khi một số khác lại chọn
amoni.

Khi tuyến trùng và động vật nguyên sinh ăn nấm và vi khuẩn, nitơ được giải phóng
dưới dạng amoni trong chất thải của chúng. Amoni nhanh chóng bị oxy hóa hoặc
chuyển hóa thành nitrat bởi vi khuẩn cố định đạm khi chúng có đủ số lượng trong
đất. Quá trình này gần như luôn xảy ra trong trường hợp đất có nhiều vi khuẩn hơn
so với nấm, vì chất nhầy của vi khuẩn trong đất có độ pH trên 7 và đây là môi trường
thích hợp cho vi khuẩn nitrat hoá. Trong loại đất có vi khuẩn hoạt động mạnh, vi
khuẩn nitrat hóa thường phát triển mạnh.

Nấm nuôi dưỡng độ pH thấp hơn vì chúng tạo ra axit hữu cơ để phân hủy chất hữu
cơ để lấy chất dinh dưỡng. Nếu có đủ axit nấm để bù đắp chất nhờn của vi khuẩn,
độ pH của đất giảm xuống dưới 7, làm cho môi trường có tính axit và do đó ngày
càng không thích hợp cho hầu hết các vi khuẩn nitrat hóa. Nhiều amoni vẫn còn là
amoni.

Là một người làm vườn, bạn cần hiểu rằng các cây trong vườn của mình không là
ngoại lệ đối với Quy tắc số 1.

Các loại phân đạm vô cơ hòa tan mà bạn sử dụng không chỉ hút sự sống của vi sinh
vật trong lưới thức ăn trong đất, mà thậm chí chúng có thể không phải là loại phân
bón tốt nhất dành cho cây trồng của bạn. Thông thường, cây vẫn có thể tồn tại khi

150
sử dụng dạng nitơ mà chúng ít ưa thích hơn; tuy nhiên, hầu hết chúng sẽ phát triển
tốt hơn với một dạng nitơ chúng ưa thích hơn.

Ai muốn gì
Câu trả lời cho câu hỏi “cây này thích cái gì” sẽ được tìm thấy trong 2 nguyên tắc
tiếp theo. Quy tắc số 2: hầu hết các loại rau, cây hàng năm và cỏ thích nitơ ở dạng
nitrat và hoạt động tốt nhất trong đất có nhiều vi khuẩn. Quy tắc số 3: chỉ ra rằng
hầu hết các cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm thích nitơ ở dạng amoni và phát
triển tốt nhất trong đất có nhiều nấm.

Hai quy tắc chung này giúp bạn không phải đoán mò điều gì có thể gây khó khăn khi
bạn bắt đầu làm vườn với lưới thức ăn trong đất. Các quy tắc giúp bạn dễ dàng tìm
ra một loài cây nhất định nào đó sẽ thích cái gì, nhưng một khi bạn hiểu lí do đằng
sau những quy tắc này, bạn sẽ càng trân trọng chúng hơn.

Các loài sinh vật của một quần xã ở giai đoạn phát triển ban đầu dễ bị vi khuẩn chi
phối. Khi ngày càng có nhiều chất hữu cơ tích tụ trong chất thải từ những sinh vật
này và loại cây mà chúng hỗ trợ, bào tử nấm cuối cùng cũng sẽ có đủ chất dinh
dưỡng để nảy mầm. Kết quả là nấm phát triển mạnh khi có một chỗ để bám vào và
có đủ sự hỗ trợ cần thiết.

Nhiều yếu tố khác có liên quan, nhưng chúng ta cần phải chú ý đến có thể khiến ta
lo ngại: khi các loài thực vật và mạng lưới thức ăn trong đất trở nên đa dạng hơn, số
lượng nấm tăng lên và nhiều loại cây có tuổi thọ ngắn như cây hàng năm sẽ nhường
chỗ cho các loại cây cỏ lưu niên lâu năm hơn. Nhiều chất hữu cơ được tạo ra, cung
cấp thức ăn cho các quần thể nấm ngày càng tăng. Cây bụi xuất hiện, tiếp sau đó là
cây thân gỗ mềm, cây con lớn lên, cây thân gỗ cứng đạt độ trưởng thành, và cuối
cùng là các loại cây lá kim bạn tìm thấy trong các khu rừng già. Trong khi đó, sinh
khối nấm phát triển theo tỷ lệ thuận với vi khuẩn, vi khuẩn không thể cạnh tranh
được vì bị giới hạn trong việc tiêu hóa đường đơn và các loại carbohydrat khác —
151
nguồn cung hạn chế do số lượng ngày càng tăng của các loài thực vật phức tạp hơn
chứa đầy lignin và xenlulose.

Diễn thế thực vật, từ cỏ dại trên đất trống đến rừng già.
Thiết kế đồ họa: Courtesy Tom Hoffman.

Có thể nói, khi từ biển chúng ta tiến dần vào đồng cỏ đến các cây lá kim lâu năm,
chúng ta sẽ thấy sự thống trị của nấm tăng lên trong đất theo từng bước một. Một
phần của sự gia tăng này là do tính chất thăm dò của các loài thực vật ở thời kỳ đầu.
Rất khó để hình thành mối quan hệ giữa nấm rễ với rễ cây khi cây sẽ chết chỉ sau
một thời gian ngắn tồn tại. Cũng như việc khi thời gian quá ngắn ngủi, bạn cũng sẽ
chẳng bận tâm đến việc tìm kiếm bạn đời.

Số lượng vi khuẩn gần như giống nhau trong một thìa cà phê đất trong vườn, đất
đồng cỏ hoặc đất rừng – từ 100 triệu đến 1 tỷ. Sự khác biệt về ưu thế của nấm so với
vi khuẩn nói chung liên quan đến sự gia tăng sinh khối nấm, chứ không phải giảm
sinh khối vi khuẩn. Những cây thường mọc gần rìa của dải đất thích đất có nhiều vi
khuẩn và những cây thường mọc ở phía bên trong, phía rừng già, phát triển tốt nhất
ở đất có nhiều nấm. Quá trình chuyển đổi xảy ra ở thực vật đồng cỏ, vì chúng lại
thích đất có sự cân bằng giữa hai loại (nấm và vi khuẩn). Một cách tình cờ, điều này
tương tự đối với cỏ trong bãi cỏ của bạn.

152
Một cách khác để tìm ra loại nitơ mà một cây nhất định nào đó sẽ thích là xem xét
tuổi đời của nó. Nếu nó chỉ tồn tại dưới đất trong một mùa, như các loại rau và cây
hàng năm, thì bạn biết dạng nitơ ưa thích của chúng là nitrat. Bất cứ cây gì sống từ
một năm trở lên thường sẽ thích lượng amoni lớn hơn. Điều này cũng khá dễ hiểu.
Hãy nhớ rằng, số lượng vi khuẩn luôn giống nhau trong tất cả các môi trường phát
triển: đó là sự gia tăng sinh khối nấm làm thay đổi tỷ lệ. Nấm là những sinh vật rất
mỏng manh và cần nhiều thời gian để phát triển. Nếu chúng là nấm rễ, mà rất nhiều
nấm trong đất là loại này, thì chúng phải có rễ sống để kết hợp. Có thể nói, rễ đó
sống càng lâu thì nấm rễ cũng sẽ như vậy (có thể nó không dài hơn, nhưng có thể có
nhiều nhánh hơn). Và cuối cùng, thảm mục từ thực vật sống một mùa thường không
có lignin và xenlulose, mà lignin và xenlulose là nguồn thức ăn tốt cho nấm. Nó hầu
như chỉ chứa đầy xenlulose mà vi khuẩn rất thích. Vi khuẩn trị vì.

VƯỜN ĐỒNG CỎ RỪNG

VI KHUẨN 100 triệu - 1 tỷ tương tự tương tự

NẤM Vài mét Hàng chục tới hàng 1 - 40 dặm


trăm mét (trong rừng lá kim)

ĐỘNG VẬT Cả ngàn Cả ngàn Cả trăm ngàn


NGUYÊN SINH

Số lượng vi sinh vật (số lượng vi khuẩn và động vật nguyên sinh; chiều dài sợi nấm)
trong một thìa cà phê các loại đất khác nhau.
Thiết kế đồ hoạ: Courtesy Tom Hoffman Graphic Design.

Tỷ lệ Sinh khối nấm trên sinh khối vi khuẩn (tỷ lệ N:V)


Đối với một số cây trong vườn cụ thể mà bạn có thể bắt gặp, tỷ lệ sinh khối nấm với
sinh khối vi khuẩn được ưa thích (tỷ lệ N:V) đã được quan sát và đo lường. Để phù
hợp với những điều này, bạn có thể tăng nấm bằng cách cung cấp thức ăn có nấm
hoặc nuôi dưỡng vi khuẩn bằng cách cung cấp thức ăn có vi khuẩn; các chương tiếp
153
theo sẽ giải thích cách thức (hoặc xem phụ lục để biết tóm tắt các chi tiết cụ thể về
các cách thực hiện điều này).

Nếu bạn là người trồng rau, bạn cần nhắm đến sinh khối có nhiều vi khuẩn hơn nấm
một chút. Cụ thể hơn, cà rốt, rau diếp, súp lơ xanh và các loại cải thích N:V từ 0,3:1
đến 0,8: 1; cà chua, ngô, lúa mì theo tỷ lệ N:V từ 0,8:1 đến 1:1. Cỏ thích tỷ lệ N:V từ
0,5:1 đến 1:1. Các phòng thí nghiệm nông nghiệp sẽ kiểm tra đất của bạn và cung cấp
cho bạn tỷ lệ N:V.

Cây thân gỗ yêu cầu tỷ lệ N:V cao hơn. Đất rừng, trong đó có nhiều cây cảnh của
chúng ta có nguồn gốc từ đó, có sinh khối nấm gấp 100 lần sinh khối vi khuẩn. Cây
lá kim yêu cầu loại đất có nhiều nấm nhất với N:V từ 50:1 đến 1000:1. Cây phong, cây
sồi và cây dương cần ít nấm hơn, N:V từ 10: 1 đến 100:1. Các mẫu cây ăn quả phát
triển tốt nhất trong đất có N:V từ 10: 1 đến 50:1; và một số cây (alder, beech, aspen,
cottonwood và những cây khác có nguồn gốc từ các hệ sinh thái ven sông) thực sự
phát triển tốt nhất trong đất nhiều vi khuẩn khi chúng còn nhỏ và đất nhiều nấm
(N:V từ 5:1 đến 100:1) khi trưởng thành.

Những người thích hoa sẽ cần biết rằng hầu hết các loài hàng năm thích đất nhiều vi
khuẩn, trong khi hầu hết các cây lâu năm thích đất nhiều nấm. Một lần nữa, thời
gian sống của cây ảnh hưởng đến các quy tắc.

Cây bụi nói chung thích nấm cao hơn cây lâu năm (chúng sống lâu năm, vì vậy điều
này tuân theo quy tắc của chúng ta). Những loài có nguồn gốc từ rừng cây lá kim,
ngược lại so với rừng cây rụng lá, yêu cầu tỷ lệ N:V cao; Ví dụ, như cây Đỗ quyên yêu
cầu đất có thật nhiều nấm, trong khi một loài hoa họ hoa Hồng hoặc Tử đinh hương
lại yêu cầu ít hơn.

Còn nhiều quy tắc khác nữa - nhưng đừng quên Quy tắc 2 và 3, vì việc quản lý nitơ
là yếu tố cơ bản để thành công trong việc làm vườn.

154
Chương 14
Lưới thức ăn trong đất nhà bạn trông
như thế nào?
NẾU BẠN DỰ ĐỊNH sẽ sử dụng lý thuyết khoa học về lưới thức ăn trong đất này,
điều đầu tiên bạn cần phải biết là hiện trạng của lưới thức ăn trong đất của bạn. Một
khi bạn đã thiết lập được nền tảng tốt, bạn có thể biết việc mình cần phải làm để
cuối cùng có được một lưới thức ăn trong đất tốt nhất cho bất cứ thứ gì bạn trồng.

Hãy thực hiện một “cuộc điều tra dân số”


Chúng ta đã nhắc đến các lưới thức thức ăn trong đất, số nhiều á? Đây không nên là
điều gì quá bất ngờ trong cuốn sách này. Các loại cây khác nhau tạo ra các dịch tiết
khác nhau thu hút các loại vi khuẩn và nấm khác nhau. Những thứ này lại thu hút
các sinh vật săn mồi khác nhau. Vì vậy, như bạn mong đợi, hệ vi sinh trong đất xung
quanh rễ cây ở một bên ngôi nhà của bạn sẽ hoàn toàn khác với những gì bao quanh
rễ rau của bạn, chúng cũng khác với hệ vi sinh trong đất hỗ trợ bãi cỏ của bạn và
thậm chí với cùng một loại cây nhưng ở phía bên kia khu đất của bạn cũng sẽ không
giống nhau.

Những khu vực đã từng tiếp xúc với phân bón vô cơ trước đây sẽ có hệ vi sinh trong
đất kém hơn những khu vực được giữ ở trạng thái tự nhiên. Những phần sân của bạn
đã được nén chặt hoặc thường xuyên xáo trộn sẽ có ít nấm và sâu hơn những khu
vực bạn để yên. Bạn có thể có một vườn cây ăn quả hoặc một nền tảng trồng cây lá
kim. Điều quan trọng là phải tìm ra sinh vật nào tạo nên các lưới thức ăn trong đất
khác nhau trong vườn của bạn. Để làm được điều này, bạn phải lùng sục trong đất và
thực hiện một “cuộc điều tra dân số” với các loài bạn tìm thấy.
155
Những hình ảnh trong cuốn sách này đã cảnh báo trước cho bạn: bạn có thể tìm
thấy những thứ trong đất của bạn mà khi xem xét kỹ hơn, sẽ khiến bạn sợ đến bay
màu. (Nói chung, chúng tôi khuyên bạn không nên đặt bất cứ thứ gì dưới kính hiển
vi điện tử. Ở cấp độ đó, mọi thứ sống đều có răng!) Vấn đề là, khi bạn nhìn rõ một số
loài động vật chân đốt có mặt trong đất, bạn có thể không bao giờ muốn đưa tay vào
trong đất một lần nữa. Đôi khi vô tâm thực sự là phúc lạc; tuy nhiên, trong trường
hợp này, một chút kiến thức sẽ không ảnh hưởng đến bạn mà thực sự sẽ giúp bạn
trở thành một người làm vườn giỏi hơn. Chỉ cần nhớ rằng, trước khi bạn biết trong
đất có gì thì bạn cũng chưa bao giờ bị thương khi chạm tay vào nó.

Bạn sẽ muốn lặp lại các quy trình sau đây với đất từ mỗi khu vườn và bãi cỏ của bạn,
và thậm chí xung quanh đám cây bụi cỏ cụ thể nào đó Chúng tôi đã làm điều này
hàng chục lần trong vườn của mình, và những gì chúng tôi tìm thấy không bao giờ
ngừng khiến chúng tôi kinh ngạc.

Hãy tìm những sinh vật lớn trước


Hãy bắt đầu bằng cách đào một cái hố trên khu vực đất bạn muốn, khoảng
30x30cm. Sử dụng thuổng hoặc bay hay bằng gì cũng được và cũng không cần phải
đo đếm quá chính xác. Cho đất bạn đào lên được vào 1 tấm bạt hay 1 cái hộp để bạn
sàng lọc, để tìm kiếm xem có sinh vật nào: sâu, bọ cánh cứng, ấu trùng côn trùng -
tóm lại là bất kỳ sinh vật sống nào bạn có thể nhìn thấy bằng mắt thường và có thể
cầm lên mà không cần phải dùng đến nhíp. Để ý theo dõi những gì bạn tìm thấy.

Không ai trong chúng ta được đào tạo để xác định tất cả các sinh vật trong đất của
mình, và thành thật mà nói, sự đa dạng của chúng quá lớn nằm ngoài phạm vi của
cuốn sách này. Hãy cố gắng hết sức trong việc xác định danh tính. Hãy tìm người
giúp mình. Theo thời gian bạn sẽ trở nên thành thạo hơn. Đây là thứ mới mẻ và và
chỉ cần tiếp xúc với nó sẽ khiến trải nghiệm học tập dễ dàng hơn. Chúng tôi đã

156
không mất nhiều thời gian, và bạn cũng vậy, sẽ không mất nhiều thời gian để làm
quen với các sinh vật trong lưới thức ăn trong đất.

Nếu bạn tìm thấy giun hoặc phân của chúng, đó là một dấu hiệu tốt. Hãy nhớ rằng
giun đóng vai trò là thức ăn cho các động vật có vú nhỏ và chúng ăn vi khuẩn, nấm,
động vật nguyên sinh và đôi khi là tuyến trùng. Nếu có giun trong mẫu đất của bạn,
hoàn toàn có thể là trong đất đó đang có một lưới thức ăn trong đất làm việc miệt
mài, và đất đó có thể là loại tốt, màu mỡ, giàu chất hữu cơ, thành phần cơ giới tốt.
Tương tự như vậy, sự có mặt của cuốn chiếu và rết, bọ cánh cứng, nhện, bọ đuôi bật
— thậm chí một vài loài sên và ốc sên — cho thấy một lưới thức ăn trong đất khỏe
mạnh. Nếu bạn tìm thấy những thứ này, bạn đang có một khởi đầu thuận lợi. Bạn đã
hợp tác với vi khuẩn, chưa kể đến động vật chân đốt lớn và sâu.

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng bạn thực sự nắm bắt được những gì có trong đất của
mình, bạn cần đặt bẫy đất. Nhiều sinh vật trong lưới thức ăn trong đất đi lang thang
trong hoặc trên bề mặt của đất cả ngày hoặc chỉ một thời gian trong ngày. Để đếm
được nhiều nhất số loài, bạn cần phải chôn một cái chậu cỡ một lít vào đất sao cho
miệng chậu ngang mặt đất. Nếu bạn ở vùng có mưa, hãy dựng vật gì đó che cho nó
(một cái ô (dù) chẳng hạn) để ngăn nước vào bẫy. Tiếp theo, đổ vào khoảng 2,5cm
chất chống đông cho xe hơi (chất làm mát động cơ) (loại an toàn đối với động vật)
hoặc cho vào một hoặc hai viên băng phiến rồi để yên trong vài ngày đến một tuần.
Bạn muốn kiểm tra bao nhiêu chỗ thì làm bấy nhiêu bẫy.

157
VƯỜN ĐỒNG CỎ RỪNG

Động vật chân đốt <100 500-2000 10.000-25.000

Giun đất 5-30 10-50 10-50

Số lượng sinh vật có thể nhìn thấy trong một 30cm vuông của
các loại đất khác nhau. Bản quyền của Tom Hoffman Graphic Design.

Một cái bẫy đơn giản sẽ cho phép bạn thống kê


các loài động vật lớn hơn trong đất của bạn. Bản quyền của Tom Hoffman Graphic Design.

Những động vật chân bụng (các loại ốc) và động vật chân đốt hồn nhiên sẽ rơi vào
những cái bẫy đơn giản này sẽ được chúng ta đếm sau. Thỉnh thoảng hãy để mắt tới
những cái bẫy để xem những con gì đã bị bắt. Nếu nhà bạn có trẻ con hoặc vật nuôi,
hãy bỏ qua chất chống đông và sử dụng băng phiến. Cả hai đều được sử dụng để
giết kẻ rơi vào bẫy (để chúng không ăn thịt lẫn nhau và làm rối tung cuộc điều tra
của chúng ta); chúng không phải là chất dẫn dụ, vì vậy chúng không hoàn toàn cần
thiết. Vào cuối tuần, bạn sẽ tìm thấy một vài loài động vật chân đốt lớn hơn như bọ
cánh cứng, cuốn chiếu và rết. Bạn cũng có thể tìm thấy một số con sên và thậm chí
một hai con sâu.

158
Kiểm kê tất cả các bẫy của bạn. Bẫy trống? Điều này có nghĩa là bạn cần phải làm rất
nhiều công việc để khôi phục mạng lưới thức ăn trong đất của bạn. Nếu có ít thành
phần tham gia lớn hơn trong lưới thức ăn trong đất, thì một số liên kết hoặc liên kết
trước chúng trong chuỗi thức ăn tạo nên lưới đang bị thiếu.

Thống kê các sinh vật nhỏ hơn


Việc khảo sát các động vật nhỏ hơn cần một loại bẫy khác — một cái phễu Berlese,
được đặt theo tên của Giovanni Berlese (1863–1927), nhà khoa học đã phát minh ra
nó.

Bạn có thể dễ dàng tạo phễu Berlese của riêng mình. Đầu tiên, hãy cắt bỏ đáy một
chai nhựa cỡ 1 lít, loại chai nước ngọt hay trái cây gì đấy, dốc ngược chai xuống (đây
chính là cái phễu). Tiếp theo, đặt 1 cái lưới (mắt rộng khoảng 1,5 - 3mm) vào phần cổ
chai (phần phễu). Không có gì lớn hơn mắt lưới có thể lọt qua được.

Tiếp theo, đặt miệng chai vào một thùng đựng có kích thước một lít. Thùng này có
hai mục đích. Đầu tiên là hoạt động như một kho lưu trữ để thu thập các sinh vật rơi
vào từ lưới và rớt xuống cổ phễu. Thứ hai là giữ phễu ổn định. Dù gì thì nó cũng chỉ
là một chai nước ngọt úp ngược và không được thăng bằng cho lắm. Chúng tôi sử
dụng thùng đựng sữa chua tái chế hoặc pho mát lớn vì chúng có kích thước vừa phải
để đựng một chai như vậy và thực sự dễ kiếm.

Bước tiếp theo là cho đất và những mảnh vụn hữu cơ nằm ở lớp đất mặt - khoảng vài
chục cm từ mặt đất xuống - vào đầy phễu. Hãy bắt đầu với một khu vườn cụ thể
hoặc bãi cỏ nhà bạn và lấy mẫu đất xuống khoảng 20cm.

Nếu bạn muốn làm mọi thứ khoa học hơn một chút, hãy đổ một chút chất chống
đông hoặc rượu/ cồn vào thùng đựng để vừa phủ toàn bộ đáy thùng. Một trong hai
cách này sẽ giết chết tất cả các sinh vật rơi vào để chúng không ăn thịt lẫn nhau
trước khi bạn kịp quan sát. Bạn có thể bỏ qua bước này, chúng không thoát ra được
159
đâu vì nhựa quá trơn. Một số con sẽ bị loài ăn thịt xơi mất. Sự kiếm ăn điên cuồng
diễn ra trong đất sẽ vẫn xảy ra trong bẫy; đây có thể là một màn diễn thú vị một
cách bệnh hoạn.

Tiếp theo, tăng nhiệt độ của bẫy. Cách này sẽ dẫn dụ các sinh vật trong mẫu đất ra
khỏi nơi chúng thích (chính là đất), rồi rơi xuống thùng chứa. Để thực hiện điều này,
hãy thắp 1 bóng đèn khoảng 40 - 60W ở đầu mở của phễu (hoặc đặt bẫy ở nơi có
nguồn sáng với công suất tương tự). Bạn nên để cách 15cm giữa nguồn sáng với
miệng phễu. Hãy cẩn thận: bạn có thể có một lưới thức ăn trong đất tốt nhất, nhưng
nếu bạn đốt nhà vì làm mọi thứ trong phễu Berlese trở nên quá nóng, vợ/chồng của
bạn sẽ không vui đâu, dù cho khu vườn của bạn có tốt đến đâu.

Bật bóng đèn và không động tới phễu Berlese trong ít nhất ba ngày. Ánh sáng và
nhiệt độ của bóng đèn sẽ làm các sinh vật trong đất đi xuống dưới, đi qua lưới và rớt
vào thùng chứa bên dưới. Một số người đặt một vài viên băng phiến lên trên mặt đất
thay vì sử dụng nhiệt từ bóng đèn với kết quả tương tự: các loài động vật chân đốt
siêu nhỏ cùng các vi sinh vật khác chạy tán loạn vào “đài quan sát” của bạn. Bạn có
thể xem bẫy thường xuyên nếu bạn muốn, nhưng hãy để quy trình này chạy trong ít
nhất 3 ngày (tốt nhất là 1 tuần) nếu bạn mong muốn thu được tất cả sinh vật có thể
bắt vào thùng chứa.

Bây giờ là lúc bạn có thể đếm số lượng các loài bạn thu được. Cách tốt nhất là soi
thùng chứa của bẫy bằng kính lúp hoặc một ống nhòm, ống nhòm một mắt cho
phép bạn đứng cách bẫy xa chừng một cánh tay nhưng vẫn có thể nhìn thấy các
động vật chân đốt và động vật chân bụng như thể chúng chỉ cách mắt mình vài
centimet.

Điều đã làm chúng tôi kinh ngạc trong lần đầu tiên chúng tôi thực hiện cuộc điều
tra này (và thật sự là đến giờ nó vẫn rất đáng kinh ngạc vượt qua tất cả các nghiên
cứu mà chúng tôi đã thực hiện cho cuốn sách này) là số lượng các sinh vật mà

160
chúng tôi đã thấy - ve, ấu trùng của sáu loài, những con bọ nhỏ, bọ đuôi bật và
nhiều hơn nữa. Chỉ đơn giản là chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy hầu hết những thứ
này trước đây. Người ta có thể biết điều này là đúng khi nói đến vi sinh vật, nhưng là
những người làm vườn lâu năm (những người đã sống khá lâu và dành rất nhiều thời
gian để đào xới đất), chúng tôi tưởng rằng mình biết con gì đang sống trong đó.
Điều này đã chứng minh chúng tôi đã sai cỡ nào. Chúng tôi chắc chắn rằng bạn sẽ
ngạc nhiên không kém chúng tôi đâu.

Vì số lượng của động vật chân đốt to và nhỏ là khác nhau ở các khu vực khác nhau
và quan trọng là phải có một hiểu biết tổng quan về cái gì thường có trong lưới thức
ăn trong đất vườn mình, bạn có thể sẽ cần liên hệ phòng khuyến nông hoặc phòng
ban nông nghiệp nhà nước để có thêm thông tin về những gì bạn thu thập được.
Bạn cũng có thể liên hệ với trường đại học gần mình nhất. Và cũng có rất nhiều
nguồn tra cứu sẵn có trên mạng.

Phải thừa nhận rằng những cuộc điều tra như này không hoàn hảo được. Bạn chỉ bắt
được những gì diễn ra tại thời điểm đặt bẫy, nhưng đó là ảnh chụp nhanh của một
vài các thành viên biết di chuyển của lưới thức ăn trong đất. Một quần thể đông đúc
và đa dạng xuất hiện trong phạm vi của Phễu Berlese là một dấu hiệu tốt cho thấy
mọi thứ đang đi đúng hướng và cũng cho thấy các quần thể của các vi sinh vật cũng
đang hiện diện trên đất của bạn. Tương tự như thế, sự thiếu hụt về số lượng và cả sự
đa dạng giống loài cũng báo động cho bạn biết rằng bạn sẽ cần phải làm gì đó để
chúng quay trở lại.

"Đếm" vi sinh vật


Bạn đánh giá thế nào về quần thể vi sinh vật, xét cho cùng, là nguồn duy trì và chu
trình dinh dưỡng chính trong lưới thức ăn trong đất? Số lượng giun tròn, động vật
nguyên sinh, vi khuẩn và nấm sẽ giúp bạn biết những chất dinh dưỡng nào có sẵn
cho cây trồng và khả năng khoáng hóa và cố định những chất dinh dưỡng này của

161
đất. Nếu bạn biết những gì có trong đất, bạn biết những gì đang thiếu — nhưng khi
nói đến vi sinh vật, chúng tôi sẽ là người đầu tiên thừa nhận rằng bạn sẽ không thể
xác định chính xác những gì có trong đất của bạn, ngay cả với một kính hiển vi cực
tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ có thể xác định danh tính các loại tuyến trùng, một số động
vật nguyên sinh và tảo, và ít nhất là nhìn thấy (nhưng không xác định được) vi khuẩn.
Tốt nhất là để lại việc đo lường chính xác cho các chuyên gia.

Nhưng trước tiên, hãy đưa ra một số suy luận. Nếu bạn tìm thấy nhiều giun đất
trong các mẫu đất của mình, có nhiều khả năng đất của bạn có chứa các quần thể vi
khuẩn, động vật nguyên sinh tốt và nhiều hơn nữa, vì đây là những thứ mà giun
thường ăn. Trong một số loại đất và lớp phủ, bạn có thể thấy bằng chứng của nấm là
cả sợi nấm (nơi có chất hữu cơ đang phân hủy) và thể quả ở dạng cây nấm (mà
chúng ta thường thấy). Nếu bạn đã chăm sóc khu đất của mình mà không sử dụng
thuốc trừ sâu, thuốc diệt nấm và phân bón vô cơ; và bạn biết rằng chất hữu cơ đặt
trong sân và vườn của bạn phân hủy nhanh chóng (trong vòng sáu tháng ở vùng ôn
đới), bạn có thêm một dấu hiệu cho thấy các thành viên cơ bản của lưới thức ăn
trong đất nhà bạn khá khỏe mạnh.

Bạn có thể không muốn, nhưng bạn có thể đo đếm một số quần thể tuyến trùng ở
một mức độ nhất định. Đầu tiên, lấy một cái phễu Berlese hoặc phễu bình thường
rồi đặt một đoạn ống phẫu thuật dài bằng bàn tay lên đầu nhỏ hơn của nó; kẹp chặt
ống bằng một kẹp giấy lớn. Tiếp theo, lấy một vài nắm đất và trộn chúng với nước
đã khử clo, tạo thành một loại bùn đặc và dẻo như cháo. Đổ bùn đầy một nửa phễu,
sau đó đổ thêm nước vào xâm xấp mặt bùn. Tuyến trùng sẽ chui vào cổ phễu. Sau 24
giờ, nhanh chóng mở và đóng kẹp giấy, đồng thời kiểm tra hỗn hợp sệt bạn vừa bung
ra với kính có độ phóng đại tốt nhất mà bạn có. Một chiếc kính hiển vi với một vài
giọt trên tiêu bản có thể đem lại những hình ảnh tuyệt vời.

162
Nhưng một lần nữa, để có được một đánh giá thực sự chính xác về quần thể vi sinh
vật đòi hỏi trình độ và những trang thiết bị phòng thí nghiệm tinh vi đẳng cấp
chuyên gia. Phương pháp kiểm tra đất truyền thống nhằm xác định sự thiếu hụt các
nguyên tố trong đất (kiểm tra NPK), đo độ pH và CEC (khả năng trao đổi ion). Những
điều này cũng có ích, nhưng đối với lưới thức ăn trong đất, việc xác định số lượng
nấm và vi khuẩn, đặc biệt rất quan trọng.

Hầu hết các phòng thí nghiệm nhận xét nghiệm đất nông nghiệp đều có thể thực
hiện xét nghiệm để kiểm tra tuyến trùng khá dễ dàng; và động vật nguyên sinh có
thể được nhìn thấy qua kính hiển vi loại rẻ tiền. Nếu bạn có nhiều tuyến trùng có lợi
và có ít hoặc không có loại có hại, điều này cho bạn biết rằng đất nhà mình có chu
trình dinh dưỡng tốt. Điều này cũng đúng nếu bạn có nhiều động vật nguyên sinh.
Nhưng điều bạn cũng muốn biết từ một phòng thí nghiệm kiểm tra sinh học đất nhà
bạn, là số sinh khối. Có bao nhiêu sinh khối nấm trong đất? Có bao nhiêu sinh khối
vi khuẩn? Đây là nơi lưu trữ các chất dinh dưỡng — trong cơ thể của nấm và vi
khuẩn. Thông tin này sẽ xác định loại sinh vật nào chiếm ưu thế trong đất của bạn
và chúng tồn tại ở tỷ lệ nào.

Ngày càng có nhiều phòng thử nghiệm nông nghiệp nhận ra giá trị của việc thử
nghiệm vi sinh của đất. Bạn sẽ có thể tìm thấy một phòng thí nghiệm để đáp ứng
nhu cầu của bạn (cuối chương này có đính kèm một phân tích mẫu phân trộn, từ
Soil Foodweb, Inc., www.soilfoodweb.com). Với kết quả của cuộc khảo sát trực quan
do bạn thực hiện, và kết quả của những xét nghiệm vi sinh từ phòng thí nghiệm, bạn
sẽ biết rõ loài nào đang hoạt động trong đất của mình, và qua đó, loài nào không có.
Tiếp theo, bạn cần tìm hiểu những gì bạn có thể làm để duy trì và hỗ trợ các thành
viên hiện có của cộng đồng vi sinh trong đất. Nhưng bạn yên tâm: loài bị thiếu đều
có thể được kích hoạt bằng các kỹ thuật làm vườn với lưới thức ăn trong đất.

163
Tập đoàn Soil Food Web
28 SW Wake Robin Avenue,
Điện thoại: (541) 752-5066
Fax: (541) 752-5142
Email: info@soilfoodweb.com

Dữ liệu sinh khối sinh vật

Mẫu số Mã định Trọng Sinh Tổng Sinh Tổng Đường kính Động vật nguyên sinh Tổng số tuyến trùng
danh lượng khô khối sinh khối sinh sợi nấm
của 1g vi khối nấm khối
khuẩn vi hoạt nấm
hoạt khuẩn động
động

Số lượng/g Số/g

Nguyên liệu (μg/g


Trùng roi Amoebae* Trùng lông
tươi (μg/g) (μg/g) ) (μg/g) (μm)

363 NW-Vermi 0.31 188 4.00 46, 4.928 2,75 1.136.894 146.682 1.831 48,1
2 0

364 KIS-Therma 0.30 468 2.193 32, 5.959 3,00 469.291 19.478 1.557 67,2
l 7

Cả hai Cả Cả hai Cả Cả hai Cả hai đều Rất nhiều động vật nguyên sinh. Sử dụng vật liệu này, động vật nguyên Có nhiều và rất đa dạng.
In đậm đều quá hai đều hai đều rất có số lượng sinh sẽ dễ dàng được cấy vào trong đất. Có khả năng có những
Có nghĩa là Thấp ướt: đều rất tốt đề tốt các loại Có nhiều trùng lông thể hiện mẫu phân trộn có cấu trúc tốt. Hỗn hợp tuyến trùng gây bệnh[*]
Để khô 1 rất u nấm ngăn có thể kỵ khí ở phía bên trong, nhưng vì các vật liệu kỵ khí khuếch tán Cần duy trì lượng loại
thời gian tốt rất bệnh ra ngoài khỏi hỗn hợp, chúng lại gặp phải môi trường hiếu khí, như nấm thích hợp để bảo vệ
để tránh tốt biểu thị trên số lượng lớn trùng roi và amoebae. Điều này thể hiện sự cây trồng.
tình trạng đa dạng vi sinh vật trong mẫu, và vì thế có một sự đa dạng lớn về vi
yếm khí khuẩn và nấm trong hỗn hợp.

Khoảng kỳ vọng 0.45 - 0.85 15 - 25 100 - 15 - 100 - (A) 10000 + 10000 + 50 - 100 20 - 30
3000 25 300

[*] Switcher, loại có thể chuyển đổi mạch để chuyển từ có lợi sang có hại

164
Phân trộn chưa hoai có thể có hoạt tính từ 10 đến 100%. Phân trộn đã hoai nên có hoạt tính từ 2 đến 10%. Hoạt động và sinh khối của nấm
phụ thuộc rất nhiều vào cây trồng. Khoảng kỳ vọng được đưa ra ở đây dành cho phân trộn với tỉ lệ 1:1.
Đường kính sợi nấm 2,0 cho biết phần lớn là sợi nấm xạ khuẩn (actinomycete), 2,5 cho biết chủ yếu là nấm lang (ascomycete), là loại nấm
trong đất điển hình ở vùng đồng cỏ, đường kính 3,0 hoặc cao hơn cho thấy chủ yếu là nấm có ích, một quần xã nấm đảm (basidiomycete).
Mùa, độ ẩm, đất và chất hữu cơ phải được xem xét để xác định cấu trúc mạng lưới thức ăn tối ưu.
Nếu các thông tin về thuốc trừ sâu, làm đất, bón phân, tưới tiêu không được cung cấp trong phiếu điều tra, sẽ dựa trên ngôn ngữ người gửi.
Một báo cáo được gửi đến địa chỉ được cung cấp trong phiếu điều tra.
Khi điền và gửi đi phiếu điều tra, mọi người đều nhận được 15 phút tư vấn miễn phí, vui lòng gọi tới số 1-541-752-5066

00363 : phân trộn đã hoai mục từ vùng NA, có mùi nhẹ.


Sử dụng để làm “trà phân ủ” (compost tea)
00364: phân trộn đã hoai mục, có mùi nhẹ

Mẫu Xét nghiệm Ghi chú

363 Hoạt tính Xuất hiện nấm xạ khuẩn/ nấm

363 Tổng sinh khối Nấm Tính đa dạng cao, và đường kính sợi nấm nằm trong khoảng 1,5 đến 8,0

364 Tổng sinh khối Nấm Tính đa dạng rất cao với đường kính sợi nấm trong khoảng 1,5 đến 2,0 và hầu
hết là 3, đồng thời rất nhiều sợi nấm dài.

165
Các tỉ lệ sinh vật

Mẫu Mã định Tổng Số nấm Số vi khuẩn hoạt Tổng sinh khối Lượng đạm từ nhóm săn mồi Tuyến trùng ăn rễ
số danh sinh hoạt động/ Tổng sinh khối nấm hoạt động/ (lbs/acre)
khối động/ vi khuẩn Tổng sinh khối vi
Nấm/ Tổng khuẩn hoạt động
Vi sinh khối
khuẩn Nấm

363 NW- 1,23 0,01 0,05 0,24 300+ nhưng đạm bị thất thoát Không phát hiện
Vermi

364 KIS- 2,72 0,01 0,21 0,07 300+ nhưng đạm bị thất thoát Không phát hiện
Thermal

Phân Thành NW vermi/ thành Theo thời gian, Chu trình dinh dưỡng tuyệt vời! Có khả năng có những
trộn có phần phần vi khuẩn đã phân trộn sẽ có Sự thất thoát đạm là do môi trường tuyến trùng gây bệnh[*].
nhiều nấm đã trưởng thành. nhiều vi khuẩn kỵ khí. Điều này thấy được do có Cần thêm nấm và tuyến
nấm, trưởng KIS Thermal chưa hơn xuất hiện số lượng lớn trùng lông. trùng có lợi để cân lại với
thích thành trưởng thành. Vui lòng điều kiện gây bệnh.
hợp với đợi đến khi hoạt tính
nhiều giảm xuống dưới 10%.
loại cây phân trộn này hiện
phù hợp với việc làm
“trà phân ủ” (compost
tea).

Khoảng mong muốn *(1) *(2) *(2) *(3) *(4) *(5)

(1) Cho các loại sau: Cỏ: 0,5-1,5; các loại quả họ dâu, cây bụi, nho: 2-5; cây rụng lá: 5-10; họ lá kim: 10-100
(2) Các sinh vật hoạt động trong phân trộn chín nên dưới 0,10. Phân ủ chưa chín, nghĩa là chưa ổn định, khi có giá trị > 0,10.
(3) Cây một năm tỉ lệ nên từ 1 trở xuống, cây lâu năm tỉ lệ nên từ 2 trở lên
(4) Dựa theo lượng đạm tiết ra từ động vật nguyên sinh và tiêu thụ tuyến trùng của vi khuẩn và nấm. Thường động vật nguyên sinh và tuyến trùng cạnh tranh thức ăn với nhau. Một
loại nhiều, loại còn lại có thể ít. Ngoài ra, nếu số lượng ăn thịt cao, loại bị ăn sẽ có số lượng ít.
(5) Đặc điểm nhận dạng chi.

166
Các loài tuyến trùng trong mỗi gram phân trộn

363 364

Nuôi Vi Khuẩn

Butlerius 4.86 1.04

Cuticularia 7.42 14.62

Eucephalobus 0.35

Mononchoides 0.77

1.04

Rhabditidae 1.53 1.04

Rhabdolaimus 0.35

Nuôi Nấm

Aporcelaimus 0.35

Mesodorylaimus 0.35

Nuôi Nấm/Rễ

Aphelenchus 0.26

Ditylenchus 0.26 0.70

167
Chương 15
Các công cụ khôi phục và duy trì
BÂY GIỜ THÌ BẠN ĐÃ biết có gì đang sinh sống trong đất của mình, và bây giờ là lúc
chúng ta thực thi các hành động cần thiết để đảm bảo cây trồng nhận được những
gì chúng cần từ lưới thức ăn trong đất (bao gồm cả chất dinh dưỡng và sự bảo vệ).

Phân ủ, lớp phủ và phân trà


Đây là lúc bạn bắt đầu hợp tác với vi sinh vật và trở thành người làm vườn với lưới
thức ăn trong đất. Với hầu hết các loại đất, mục tiêu đầu tiên của bạn sẽ là khôi
phục toàn diện một lưới thức ăn trong đất. Khi các sinh vật có lợi quay trở lại, bạn sẽ
thấy sự khác biệt không chỉ trong đất mà cả cây trồng của bạn. Một số khu vực cho
thấy kết quả rất nhanh (ví dụ như bãi cỏ và luống cây trồng hàng năm); các nơi khác
sẽ cần nhiều thời gian hơn để thiết lập lại hoặc thay đổi. Phần lớn các phản hồi trên
đất trong sân vườn nhà bạn liên quan tới những thực hành làm vườn trước đó. Nếu
trước đây, bạn đã phủ toàn bộ sân vườn của mình bằng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,
thuốc diệt nấm hoặc phân bón hóa học gốc muối, bạn có thể phải thiết lập lại hoàn
toàn mạng lưới thức ăn trong đất; điều này có thể mất một năm hoặc hơn. Những
nông dân “hữu cơ” thường chỉ cần chỉnh sửa mạng lưới thức ăn đã thiết lập của họ,
áp dụng một số phương pháp mới và tăng cường các phương pháp khác.

Việc này rất đơn giản. Phân ủ, lớp phủ và phân trà (và đôi khi là nấm rễ) là những
công cụ của người làm vườn với lưới thức ăn trong đất, và chỉ cần ba chiến lược để
khôi phục lưới thức ăn trong đất bằng các

168
h sử dụng những công cụ đó : bón loại phân hữu cơ thích hợp; phủ đất đúng cách
bằng chất hữu cơ đúng loại; và tưới các loại phân trà có sục khí tích cực. Sau khi
thiết lập, lưới thức ăn trong đất có thể được duy trì với các chiến lược giống nhau,
đơn lẻ hoặc kết hợp. Nếu được sử dụng hợp lý, những công cụ quản lý này sẽ thay
thế việc bón phân thông thường bằng hóa chất. Những công cụ này cung cấp thức
ăn cho vi sinh vật nuôi cây. Nếu bạn giữ cho các vi sinh vật vui vẻ, khỏe mạnh và đa
dạng, bạn sẽ có kết quả tuyệt vời.

Phân ủ đã được sử dụng để hỗ trợ các sinh vật lưới thức ăn trong đất từ rất lâu trước
khi mọi người biết chúng tồn tại. Nó đã được kiểm chứng là một loại giá thể rất tốt.
Phân ủ có thể cấy vi sinh vào một khu vực để hỗ trợ lưới thức ăn trong đất ở đó.
Phân ủ được làm đúng cách sẽ chứa toàn bộ vi sinh vật trong lưới thức ăn trong đất:
nấm và vi khuẩn, động vật nguyên sinh và tuyến trùng. Nó cũng chứa đầy chất hữu
cơ cung cấp không gian sống và chất dinh dưỡng cho nhóm vi khuẩn trong đống
phân ủ. Phân ủ thành phẩm không bao giờ có mùi hôi, đó sẽ là một dấu hiệu chắc
chắn cho thấy các vi sinh vật kỵ khí đang làm việc của chúng. Nó phải có mùi đất và
tươi, và nó luôn có màu cà phê đậm, đậm. Cảnh báo duy nhất là trong thời hiện đại,
chúng ta phải biết những gì đã được sử dụng để làm phân ủ, vì nhiều hóa chất chúng
ta tìm cách tránh sẽ không phân hủy đủ nhanh trong phân.

Lớp phủ hữu cơ cũng là một công cụ làm vườn với mạng lưới thức ăn trong đất hiệu
quả. Nhắc tới từ “hữu cơ”, ý chúng tôi muốn nói tới các vật liệu tự nhiên chứa đầy
carbon và nitơ - cụ thể là lá cây, cỏ và mạt gỗ. Những thứ này cung cấp môi trường
thích hợp cho các sinh vật trong cộng đồng đất và nhiều thức ăn hữu cơ để chúng
sống. Tóm lại, đây cũng chính là những thứ tạo nên đống phân ủ. Lớp phủ là một
dạng phân ủ nguội: nó không nóng lên như đống phân ủ, nhưng sẽ mục nát trong
một thời gian dài hơn. Bằng cách cung cấp các loại chất hữu cơ khác nhau dưới
dạng lớp phủ, bạn có thể thiết lập hoặc bổ sung các thành phần khác nhau của lưới

169
thức ăn trong đất, những thành phần sẽ cung cấp nhiều hơn các loại nitơ được các
loại cây trồng trong khu vực ưa thích.

phân trà được sục khí tích cực (Actively Aerated Compost Tea - AACT) là một chất
lỏng dễ dàng chiết xuất từ phân ủ. AACT được sản xuất đúng cách chứa cùng một
nhóm vi sinh vật giống như phân ủ mà nó tạo ra. Thuật ngữ “phân trà được sục khí
tích cực” (AACT) được sử dụng để phân biệt loại phân trà hiện đại này với các loại
phân trà kiểu cũ, như loại cha mẹ và ông bà chúng ta có thể đã làm bằng cách ngâm
một túi phân ủ hoặc phân động vật trong nước trong vài tuần. AACT được điều chế
bằng cách bơm không khí vào hỗn hợp của phân ủ, nước đã khử clo và các chất dinh
dưỡng dành cho vi sinh. Không giống như các loại phân trà kiểu cũ sẽ dẫn tới kỵ khí,
thì AACT là dạng hiếu khí — và các vi sinh vật hiếu khí là những vi sinh vật có lợi.
Năng lượng từ bọt khí sẽ đẩy vi khuẩn ra khỏi phân ủ và đi vào trà. Tại đây chúng
phát triển và sinh sôi, tạo thành một hầm chứa các vi khuẩn có lợi trong lưới thức ăn
có thể bón vào đất.

phân trà có sục khí dễ làm và dễ bón hơn nhiều so với phân ủ và có hàm lượng vi
sinh cao hơn, vì vậy bạn không cần nhiều trà như khi làm phân ủ thông thường để
cấy cho một khu vực. Những loại trà này cũng có thể được phun trên bề mặt lá, nơi
phân ủ không thể tiếp xúc. Tại đây, các vi sinh vật có lợi trong trà cạnh tranh với các
mầm bệnh về thức ăn và không gian sống.

Khổ trước sướng sau


Sử dụng phân ủ, lớp phủ và phân trà đúng cách sẽ làm giảm đáng kể khối lượng
công việc duy trì sân vườn của bạn. Có một vài công việc lớn cần phải làm khi muốn
chuyển đổi từ canh tác hóa chất sang canh tác cùng vi sinh, nhưng một khi bạn
chuẩn bị và thực hiện những thay đổi cần thiết, kết quả cuối cùng sẽ giúp bạn giảm
công sức vì hệ vi sinh sẽ làm việc cho bạn. Bạn sẽ cần tưới ít nước hơn vì các động
vật trong lưới thức ăn sẽ cải thiện khả năng giữ nước và không khí của đất. Bạn sẽ

170
không cần bón phân vì vi sinh vật sẽ luân chuyển dinh dưỡng trong đất một cách
thích hợp. Và bạn sẽ có thể đảm bảo cây của bạn nhận được loại nitơ mà chúng
thích.

Bạn sẽ gặp ít vấn đề với sức khỏe cây trồng hơn, và một số công cụ hiệu quả, dễ sử
dụng để làm cho mọi thứ tốt hơn nếu chúng diễn ra không như ý muốn. Và nếu
những điều nêu trên đây không phải là thứ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức,
thì chí ít bạn cũng sẽ không cần phải đào xới đất một lần nào nữa. Hơn hết, không
có hóa chất nguy hiểm; không có gì lọt vào mạch nước ngầm. Khi bạn hợp tác với vi
sinh vật, sẽ không có chữ in nhỏ nào để đọc (trên những bao bì hóa chất nông nghiệp
- người dịch) — và bạn cùng gia đình hoặc vật nuôi của mình cũng không gặp vấn đề
sức khỏe nào.

Bây giờ bạn đã nghe sơ qua về các công cụ trong phương pháp làm vườn hợp tác
vùng mạng lưới thức ăn trong đất; chúng tôi sẽ dành cho mỗi công cụ một chương
riêng. Khi bạn bắt đầu áp dụng tất cả các quy tắc bằng cách sử dụng các công cụ
này, chúng tôi chắc chắn rằng bạn sẽ không phải hối hận.

Nhưng trước tiên, hãy cùng lướt nhanh về viễn cảnh tương lai
Về tương lai thì ai mà biết được? Hơn một thế kỷ sau khi được phát hiện bởi Tiến sĩ
Frank, nấm rễ cuối cùng cũng được sản xuất để bán cho những người làm vườn tại
nhà, những người cần chúng, tại các vườn ươm và chuỗi cửa hàng trên khắp thế giới,
cùng với các sản phẩm vi sinh khác có nguồn gốc từ lưới thức ăn trong đất. Một số
sinh vật thuộc lưới thức ăn trong đất khác, và mối quan hệ của chúng với thực vật,
đang được nghiên cứu khi chúng tôi viết cuốn sách này. Với những kỹ thuật khoa
học tiên tiến, mức độ quan tâm cao đối với chủ đề này, và tác động của con người
cũng như tiền bạc đối với các sản phẩm sinh học có thể sử dụng được, chắc chắn nó
sẽ được sử dụng nhiều hơn - ngày càng thường xuyên hơn - như là những công cụ
bổ sung để phục hồi và bảo trì đất.

171
Vi sinh vật nội sinh (Endophytes)
Nấm nội sinh đã được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh cho người; trong đó Taxol có
lẽ là nổi tiếng nhất trong số các loại thuốc chống ung thư. Thật sự là một tiềm năng
đối với việc tạo ra các loại thuốc cứu sinh bổ sung, đặc biệt là các loại thuốc có đặc
tính kháng nấm, kháng sinh và chống oxy hoá được phát triển từ vi sinh vật nội sinh.
Điều này báo động tính cấp thiết của việc bảo tồn những cánh rừng già, nếu không
chúng ta sẽ vô tình loài bỏ các vi sinh vật nội sinh quan trọng, cùng với cây cối và cả
mạng lưới sinh vật chúng hỗ trợ. Hãy nhớ rằng mọi cây được thử nghiệm cho đến
nay đều có vi sinh vật nội sinh.

Có siêu nhiều điều được biết đến như là vai trò của những loại nấm này đối với sự
phát triển và sức khỏe của cỏ, nấm chọn cỏ chính là đối tác cộng sinh của mình
(xem chương 5). Chắc chắn rằng các loại thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu hữu cơ ứng
dụng cho bãi cỏ gia đình không thể tiếp tục tồn tại thời gian dài, may mắn thay đặc
biệt là ngày càng nhiều cộng đồng bài trừ hoặc rất hạn chế sử dụng hoá chất. Đứng
đầu trong danh sách mong muốn của chúng ta là một loại nấm nội sinh có thể loại
bỏ bãi cỏ của cây bồ công anh.

Một chi nấm nội sinh, Trichoderma, liên kết với rễ cây; Các thành viên của nó được
tìm thấy trong hầu hết các loại đất (và cả trong mô cây trên mặt đất) và là một trong
những loại nấm dễ nuôi cấy nhất. Một người trong chúng tôi đã nhìn thấy T.
harzianum trong phô mai cottage dùng dở cần bỏ đi, có màu xanh lá cây đặc trưng
khi được bao phủ bởi các bào tử, một số người khác thì nuôi cấy nấm này trong
đống phân ủ với một nắm yến mạch của trẻ con hoặc bột yến mạch sống.

Các loài Trichoderma là nấm đối kháng: chúng lấy chất dinh dưỡng bằng cách tấn
công các loại nấm khác. Chúng cũng có thể sống nhờ vật chất hữu cơ. Một số
trichoderma chỉ ký sinh trên một số loại nấm cụ thể; một số loại khác thì dễ tính
hơn. Đồng thời, những loại nấm này bằng cách nào đó giúp tăng cường sự phát triển

172
của cây chủ. Một chủng, T-22, có thể làm giảm nhu cầu nitơ của cây ngô từ 30 đến
40%. Chủng PTA-3701 là một chất ức chế tuyến trùng. Chủng T-39 sống nhờ vào
Botrytis cinerea (mốc xám), nhiều người làm vườn sẽ rất vui khi biết tin này. Các sản
phẩm có chứa trichoderma đã được sử dụng để bảo vệ tất cả các loại cây trồng
thương mại, từ đậu lăng đến cà chua; thêm cả Botrytis nữa, chúng còn có hiệu quả
với các loài gây bệnh: Fusarium, Rhizoctonia, Sclerotinia và Sclerotium .

Frankia
Frankia là một chi xạ khuẩn, vi khuẩn này hình thành các sợi dài, giống như sợi nấm
của các sinh vật riêng lẻ. Các loài tạo thành các nốt sần ở rễ trên cây ký chủ và tạo
ra enzyme nitrogenase để phá vỡ các liên kết phân tử mạnh mẽ của nitơ trong khí
quyển để nó có thể chuyển hóa thành amoni. Khuẩn Frankia chịu trách nhiệm cho
khoảng 15% tổng lượng nitơ cố định sinh học.

Khuẩn Frankia thường liên quan đến các cây trồng trên đất thiếu nitơ vì chúng có
khả năng hỗ trợ các cây thiếu nitơ bằng cách cố định nitơ từ không khí. Chúng xuất
hiện trên rễ của các loài tiên phong, những loài cư trú ở các khu vực bị xáo trộn;
bạn sẽ tìm thấy chúng trong đất sau khi núi lửa phun trào xong, sông băng rút lui
hoặc cồn cát dịch chuyển và phát triển. Chúng quan trọng ở những nơi mát mẻ hơn,
như Alaska, Canada, Nga, một phần của New Zealand và các nước Bắc Âu, nơi có ít
cây họ đậu để cố định nitơ và do đó lượng nitơ trong đất thấp.

Một số loài xâm nhập vào lông rễ, nơi sẽ trở thành không gian sống dành cho khuẩn
Frankia. Một số khác lại đi vào vào phía bên trong rễ, sống xung quanh các tế bào.
Hoạt động này khiến hình thành một số bộ phận mọc từ đầu rễ như là rễ phát triển
thêm các tế bào mới và trông rất giống rễ cây. Thực chất bên trong lại là các khuẩn
Frankia cố định đạm. Cho đến nay chúng ta đã biết đến 24 chi thực vật khác nhau
được biết đến là có khả năng hình thành mối quan hệ như thế với 12 loại Frankia.

173
Alders (Alnus spp.), Dương xỉ ngọt/ Cây ngọt (Comptonia spp.), Hương Đào (Myrtus
spp.), Thanh Mai ( Myrica spp.) là một trong số những loài cây cố định đạm, như
chúng đã được biết đến vì mối quan hệ của chúng với xạ khuẩn.

Một nốt sần ở rễ cây cố định đạm. Ảnh của David Benson, Đại học Connecticut.

Một số nghiên cứu cho rằng các loài Frankia có thể cố định đạm mà không cần sự
liên kết với rễ cây, chỉ đơn thuần là ở trong vùng rễ; điều này làm cho chúng trở
thành một loại phân bón sinh học tiềm năng (cho đạm/ nitơ) và mở ra khả năng làm
vườn trên đất thiếu đạm. Chúng tôi không nghi ngờ gì về khả năng cố định đạm của
Frankia sẽ sớm có mặt trên thị trường cho những người làm vườn.

Vi khuẩn lam
Vi khuẩn lam, một nhóm khác có tiềm năng trở thành “công cụ” cho người làm vườn,
đã tồn tại ít nhất 3,5 tỷ năm và được tìm thấy ở khắp mọi nơi, trên đất liền và trong
đại dương, mặc dù những người làm vườn có nhiều khả năng bắt gặp chúng là chất
nhờn màu đen ở chậu đất hoặc sàn gỗ bị ẩm. Lục lạp, cơ quan tạo ra thức ăn cho
thực vật trong quá trình quang hợp, thực ra là một loài vi khuẩn lam đã tiến hóa
thành một sinh vật sống cộng sinh bên trong một đối tác là Tảo — một sự kết hợp

174
tạo ra một số thực vật chúng ta đã biết. Một loại vi khuẩn lam quan trọng phát triển
trên lá của một loại dương xỉ thủy sinh nhỏ (Azolla spp.) trôi nổi trong ruộng lúa; nó
tạo ra đạm cho cây dương xỉ, và khi cây dương xỉ chết đi, nó sẽ trở thành một nguồn
dinh dưỡng tuyệt vời cho vi sinh vật nuôi cây lúa.

Giống như các vi khuẩn khác, các vi sinh vật quang hợp đơn bào này thường tạo
thành các cụm, tấm và thảm các sợi dài. Chúng phát triển ở lớp đất mặt (khoảng
25cm trên cùng), hấp thụ nước (ở những nơi có nước) và để lại sau khi chúng di
chuyển một chất dính liên kết các hạt đất và giúp ngăn ngừa xói mòn. Hãy tưởng
tượng những sản phẩm giúp cải thiện cấu trúc đất, hấp thụ nước gấp mười lần trọng
lượng của chúng và có thể bảo vệ cây trồng khỏi hạn hán và các điều kiện bất lợi.
Không nghi ngờ gì nữa, vi khuẩn lam sẽ góp một phần vào việc biến những sản
phẩm như vậy thành hiện thực.

Vi khuẩn lam hình trụ lớn thuộc Microcoleus, chuỗi tế bào giống như những hạt
cườm, thuộc họ Anabaena. Anabaena cũng chứa dị nang, tế bào chuyên biệt giúp cố
định nitơ khí quyển vào trong đất. Ảnh của Tony Brain, Photo Researchers, Inc.

175
Ảnh màu qua kính hiển vi điện tử quét (SEM) của loài Rhizobium cố định đạm (màu
xanh lá cây), sống trên nốt sần ở rễ của cây đậu.
Ảnh của Steve Gschmeissner, Photo Researchers, Inc.

Rhizobia
Lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1889, rhizobia là một nhóm vi khuẩn cố định
đạm quan trọng khác có liên quan đến rễ của các loại đậu (đậu Hà Lan, đậu nành,
lupin, cỏ ba lá). Chúng không tự cố định nitơ mà chỉ sau khi xâm nhập vào rễ, tạo
thành nốt sần trong đó các đàn vi khuẩn phát triển và hoạt động. Đổi lại lượng nitơ
được tạo ra, thực vật cung cấp cho vi khuẩn một nơi để sống, carbon và protein làm
chất dinh dưỡng và tiếp cận với oxy. Đó là một mối quan hệ tuyệt vời, với một số

176
nitơ được tạo ra còn lại trong đất, có sẵn cho các cây khác và các thành viên của
lưới thức ăn trong đất.

Rhizobia, hiện đã có trên thị trường mà người làm vườn có thể dễ dàng mua được.
Chúng là một công cụ hiệu quả và tác dụng nhanh khi hạt và rễ của cây họ đậu được
cấy. Phản ứng ở lông rễ diễn ra trong khoảng 1 phút ngay sau khi Rhizobia cấy vào
trong, và chúng sẽ bắt đầu sản xuất nitơ trong khoảng 2 tuần sau đó. Đây là hoạt
động hợp tác "tức thì" với vi sinh vật.

Vi khuẩn và nấm hòa tan phốt pho


Phần lớn phốt pho trong phân bón bị khóa hóa học trong đất bởi canxi, magiê, sắt
và nhôm để tạo thành phốt phát không hòa tan. Ở những dạng này, phốt pho không
ở dạng cây trồng có thể hấp thụ được. Các vi khuẩn và nấm hòa tan phốt pho, như
tên gọi của chúng, tạo ra các axit hữu cơ có khả năng chuyển hóa phốt pho không
hòa tan thành một dạng mà thực vật có thể hấp thụ được. Dường như có mối quan
hệ giữa nấm nội sinh và vi khuẩn hòa tan phốt pho. Phốt pho do vi khuẩn trong đất
giải phóng phải được hấp thụ nhanh chóng vì nó rồi sẽ chuyển trở lại dạng không
hòa tan. Nếu nấm nội sinh ở gần đó, một số phốt pho tự do này sẽ được hấp thụ và
chuyển đến cây ký chủ. Vi khuẩn có thể di chuyển theo sợi nấm để tìm kiếm phốt
phát. Thậm chí có thể do nấm nội sinh kích thích cây tiết ra nhiều dịch tiết để thu
hút nhiều vi khuẩn hòa tan hơn.

Trong một nghiên cứu, cấy mía với vi khuẩn hòa tan phốt pho làm tăng năng suất
12% và cần ít phân bón hơn, giảm chi phí. Vì tất cả các loài thực vật đều phụ thuộc
vào phốt pho để sản xuất năng lượng, nên những vi khuẩn này là đối tượng được
nghiên cứu mạnh mẽ. Hiện tại, các sản phẩm ngoài rìa của thị trường làm vườn gia
đình tận dụng chúng, và thật dễ dàng dự đoán được rằng rồi sẽ có nhiều sản phẩm
sinh học hơn có chúng.

177
Vi khuẩn Rhizobacteria
Nhiều vi khuẩn rhizobacteria (vi khuẩn sống trong vùng rễ) tạo ra các chất chuyển
hóa đặc biệt (một từ hoa mỹ để chỉ tất cả các phụ phẩm tạo ra bởi quá trình trao đổi
chất), bao gồm gibberellins (chất điều hòa sinh trưởng thực vật được sử dụng rộng
rãi trong vườn ươm và ngành nông nghiệp) và cytokinins (chất điều hòa sinh trưởng
thực vật thúc đẩy sự phân chia tế bào và hỗ trợ rất nhiều cho sức khỏevà sự phát
triển của cây). Những vi khuẩn rhizobacteria kích thích tăng trưởng thực vật này,
hay gọi tắt là KTTT, cũng sản xuất ra các enzym, bao gồm cả chitinase, cần thiết để
phân hủy kitin (chitin), thành phần chính trong thành sợi nấm. KTTT đã được tìm
thấy để hỗ trợ cây hấp thu chất dinh dưỡng và thậm chí hòa tan phốt pho; trong
một số trường hợp, chúng làm tăng sự phân nhánh và phát triển của lông rễ. Những
chất chuyển hóa khác vẫn còn được xem xét theo nghĩa đen. Những gì chúng ta biết
là với mỗi khám phá, một chân trời mới lại mở ra và đương nhiên, sẽ lại có nhiều bổ
khuyết hơn trong việc ứng dụng lưới thức ăn trong đất vào việc làm vườn.

178
Chương 16
Phân ủ (Phân trộn)
PHÂN Ủ LÀ CẢ một thế giới với đa dạng các loại sinh vật thuộc lưới thức ăn dưới
đất. Đừng bận tâm đến những con số khổng lồ trong đất vườn màu mỡ: số lượng
sinh vật trên một muỗng cà phê phân ủ quá lớn để có thể biết hết, đặc biệt là quần
thể vi sinh vật: có tới một tỷ vi khuẩn, tổng chiều dài các sợi nấm lên tới 150 - 300m,
10.000 - 50.000 động vật nguyên sinh, và 30 - 300 tuyến trùng. Ngoài số lượng vi
sinh vật rất lớn, phân trộn còn chứa tất cả các loài động vật chân đốt và đôi khi cả
giun. Nó tràn đầy sức sống.

Quy tắc số 4 (phân ủ có thể được sử dụng để cấy vi sinh vật có lợi và sự sống vào đất
xung quanh sân của bạn và giới thiệu, duy trì hoặc thay đổi lưới thức ăn trong đất ở
một khu vực cụ thể) thiết lập việc sử dụng phân trộn như một công cụ lưới thức ăn
chính trong đất. Quy tắc số 5 giải thích chi tiết điều này: thêm phân trộn và lưới
thức ăn trong đất của nó lên bề mặt đất sẽ gieo cùng loại lưới thức ăn trong đất của
phân trộn vào đất. Các sinh vật trong phân ủ mà bạn bón cho khu vườn, cây thân gỗ,
cây bụi và cây lâu năm sẽ lan truyền sự sống càng xa càng tốt. Đó là sứ mệnh của vi
sinh vật. Nhưng bạn có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu dinh dưỡng của cây bằng cách
thêm phân trộn có nhiều loại vi sinh vật phù hợp.

179
Phân ủ chứa các sinh vật lưới thức ăn quan trọng trong đất giữ cũng như chu trình
các chất dinh dưỡng thực vật. Ảnh: Courtesy Tom Hoffman Graphic Design。

Không phải phân ủ nào cũng giống nhau


Hầu hết những nông dân không nghĩ nhiều đến phân ủ. Họ làm hoặc mua nó, và họ
dùng nó — tất cả đều giống nhau. Tuy nhiên, có nhiều loại phân trộn, đây là điều
khiến nhiều người làm phân trộn kỳ cựu kinh ngạc. Chúng tôi cũng từng nghĩ rằng
tất cả phân trộn đều như nhau, bất kể bạn trộn chúng bằng gì thì cuối cùng thành
phẩm sẽ đều có tính chất sinh học và độ pH như nhau. Nhưng khi suy nghĩ sâu hơn,
đặc biệt là sau khi chúng ta đã biết thêm về các sinh vật trong lưới thức ăn dưới đất,
thì hẳn thành phẩm mỗi khi chúng ta ủ phân không thể giống nhau. Như với hầu hết
các hệ thống khác, đầu vào chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu ra.

Trên thực tế, với một chút kiến thức khoa học về lưới thức ăn dưới đất, bạn có thể
tạo ra 2 loại phân trộn: loại có nhiều nấm và loại có nhiều vi khuẩn. Tất cả phụ thuộc
vào những gì bạn cho vào đống ủ hoặc thùng ủ. Và vì một số cây trồng thích nitơ
của chúng ở dạng amoni và một số thì thích nitơ ở dạng nitrat (xem Quy tắc 2 và 3),

180
nên sẽ hợp lý nếu chúng ta có thể tùy theo “sở thích” của cây trồng mà sản xuất loại
phân trộn có dạng nitơ phù hợp.

181
Cách làm phân trộn
Nông dân đã sử dụng phân trộn để cải thiện đất của họ ít nhất kể từ thời của những
người La Mã đầu tiên. Chỉ đến thế kỷ trước, phân ủ đã nhường chỗ lại cho hóa chất
trong việc trồng trọt; trước đó, nếu bạn làm việc trong một trang trại hoặc trong
một khu vườn, bạn thường sử dụng phân trộn và phân chuồng để tăng khả năng
sinh sản. Tất cả điều này đã thay đổi khi động cơ đốt trong thay thế ngựa và ngày
càng ít nhà, nhất là ở các khu đô thị, nuôi gà, bò, lợn và các loại gia súc khác. Nông
nghiệp và trồng trọt đòi hỏi phải có hóa chất vì khan hiếm phân chuồng và rồi phân
ủ.

Làm và sử dụng phân trộn đã tạo nên sự trở lại mạnh mẽ của những người làm vườn
tại nhà và thậm chí còn trở nên đúng đắn về chính sách: ủ phân hữu cơ bảo tồn
không gian chôn lấp có giá trị qua việc tái chế ít nhất một số chất thải gia đình của
chúng ta. Hàng chục thùng ủ phân hữu cơ được bán trên thị trường và một lượng
sách tương tự có thể cho bạn biết cách làm phân trộn theo vô số cách. Tuy nhiên,
trung tâm của mọi hệ thống ủ phân là các vi sinh vật trong đất, cũng chính là các
thành viên trong lưới thức ăn trong phân ủ. Chính các vi sinh vật này tạo ra phân
trộn, bất kể phương pháp nào được sử dụng. Hoạt động trao đổi chất của chúng tạo
ra nhiệt và các phụ phẩm làm nên quá trình ủ phân hữu cơ.

Đây là chỉ là một chương, không phải là cả một cuốn sách về việc ủ phân. Những gì
chúng tôi sẽ mô tả ở đây chỉ là một chút khoa học về việc ủ phân hữu cơ và một vài
quy trình cơ bản để làm phân trộn tại nhà. Khi bạn đã thực hiện một vài mẻ phân
trộn, bạn có thể thử nghiệm và tự tìm cho mình một cách phù hợp nhất với nhu cầu
của cây trồng cũng như khí hậu, không gian sẵn có và thậm chí cả nhu cầu của vợ
chồng bạn. Bên cạnh các vi sinh vật cần thiết trong đất, việc ủ phân cần có nhiệt,
nước, không khí và các vật liệu hữu cơ với lượng cacbon và nitơ phù hợp. Tất cả đều
được trộn theo tỷ lệ thích hợp.

182
Các vật liệu hữu cơ rất dễ kiếm: cỏ xén, lá mùa thu, gỗ vụn, rơm rạ, mùn cưa, cành
cây và hầu như tất cả các phế liệu nhà bếp (trừ thịt và mỡ béo). Không nên ủ phân
người và vật nuôi vì khả năng sinh vật gây bệnh có thể tồn tại ngay cả khi nhiệt độ
cao của quá trình ủ phân; vì lý do tương tự, cá nhân chúng tôi không khuyến khích
việc sử dụng các loại phân chuồng khác trong phân trộn. Tại sao phải mạo hiểm khi
bạn không biết loại kháng sinh và các loại thuốc khác đã được sử dụng cho vật nuôi?
Ai muốn lo lắng về E. coli (Lỵ trực khuẩn gây bệnh lỵ)?

Vi khuẩn, nấm và các vi sinh vật khác chủ yếu tìm kiếm carbon từ chất hữu cơ trong
đống phân trộn, giống như chúng làm trong đất. Điều này thúc đẩy quá trình trao
đổi chất của chúng. Các vi sinh vật cũng cần nitơ để tạo ra các enzym được sử dụng
trong quá trình phân hủy và các protein (bao gồm thành phần chính của chúng, axit
amin) cần thiết để xây dựng cấu trúc và các enzym.

Độ ẩm cần thiết để cung cấp môi trường tối ưu cho vi khuẩn và ngăn chúng chết
hoặc đi vào trạng thái ngủ đông. Bạn không thể có vi khuẩn, động vật nguyên sinh
hoặc tuyến trùng hoạt động nếu không có nước cần thiết cho quá trình vận chuyển
và các chức năng sống khác của chúng.

Không khí là cần thiết vì các sinh vật có ích trong đất phân hủy các vật liệu cacbon
và nitơ rất hiếu khí. Chúng hít thở; chúng cần oxy. Đúng là các điều kiện yếm khí có
thể phát triển trong đống ủ và sự thối rữa cũng sẽ xảy ra trong những điều kiện này;
tuy nhiên, việc này cũng sản xuất ra những thứ có hại cho cây trồng, chẳng hạn như
rượu, trong đó chỉ một phần triệu sẽ giết chết tế bào thực vật. Rõ ràng, điều quan
trọng là phải giữ cho các đống ủ hiếu khí, đó là lý do tại sao các đống ủ được đảo và
mở ra, đưa không khí vào trong.

Cuối cùng, nhiệt cần thiết để ủ phân không đến từ mặt trời mà đến từ hoạt động
trao đổi chất của đời sống đất, phần lớn là từ hoạt động của vi khuẩn. Như bạn sẽ

183
thấy, nhiệt này là thứ tạo ra môi trường làm tăng quần thể và khiến chúng thay đổi
tính chất vào thời điểm thích hợp trong chu kỳ ủ phân.

Trộn các thành phần này theo tỷ lệ thích hợp, và bạn sẽ có một loại đất mùn màu cà
phê đậm đặc, vụn, sẫm màu, có mùi mùn đất ngọt và cũng tràn đầy sức sống. Mặc
dù có thể sẽ tốn cả năm hoặc hơn, nhưng cũng hoàn toàn có thể tạo ra phân trộn
chất lượng tốt chỉ trong một vài tuần. Với bất kể phương pháp nào được sử dụng thì
vi khuẩn mới là người thực hiện phần lớn công việc.

Giai đoạn của vi sinh ưa nhiệt độ ấm và ưa nhiệt độ cao


Vật liệu ủ trải qua ba giai đoạn nhiệt độ riêng biệt. Giai đoạn đầu tiên của giai đoạn
này là giai đoạn ưa nhiệt ấm. Các sinh vật ưa nhiệt phát triển mạnh ở nhiệt độ vừa
phải, từ 20 đến 40oC.

Ngay cả trong giai đoạn đầu tiên này, công việc bắt đầu trên các chuỗi thẳng, khó
tiêu hóa của xenlulose, chúng được chia thành các chuỗi glucoza nhỏ hơn; vi khuẩn
đặc biệt thành thạo trong việc khử phân tử, như quá trình này đã được biết đến.
Trong khi đó, nấm mục nâu (basidiomycetes, nấm “thường”) và một số vi khuẩn
(Bacillus spp., Heliospirillum spp.) đang hoạt động phân hủy các vật chất khó tiêu
khác. Những vi khuẩn này tạo ra nội bào tử, những bào tử chịu được hóa chất và
nhiệt; điều này cho phép chúng tồn tại trong giai đoạn tiếp theo, nóng hơn của quá
trình ủ phân, và chúng trở lại khi nhiệt độ hạ xuống.

Các sinh vật đất lớn hơn tham gia với nấm và vi khuẩn, phá vỡ các chất hữu cơ trong
đống khi chúng tìm kiếm thức ăn và hoạt động của vi sinh vật trong ruột của một số
loài động vật này dẫn đến sự phân hủy nhiều hóa học hơn. Tất cả hoạt động trao đổi
chất này tạo ra nhiệt, nâng nhiệt độ lên 40oC. Tại thời điểm này, nó trở nên quá
nóng đối với hoạt động liên tục của các sinh vật ưa nhiệt trung bình, và những sinh
vật thích nghi với nhiệt độ cao hơn sẽ thay thế.

184
Trong trường hợp bạn đang tự hỏi làm thế nào để một đống phân trộn nóng lên vào
mùa xuân sau một mùa đông lạnh giá, thì rất đơn giản: có một số vi khuẩn ưa lạnh,
nghĩa là chúng phát triển mạnh ở nhiệt độ chỉ trên mức đóng băng mặc dù một số
trong số chúng - vi khuẩn thực sự "mát" - có thể tiếp tục để hoạt động ở nhiệt độ
thấp đến 0oC. Hoạt động trao đổi chất của những vi khuẩn ưa lạnh này làm tăng
nhiệt độ của đống rác vừa đủ để đánh thức các sinh vật ưa nhiệt độ cao hơn để
chúng tiếp quản.

Các sinh vật trong giai đoạn thứ hai của chu trình ủ phân, giai đoạn ưa nhiệt cao, có
thể chịu được nhiệt độ từ 40 đến 65oC trở lên. Trong giai đoạn này, cacbohyrdrat
phức tạp được phân hủy hoàn toàn. Một số protein cũng bị phân hủy.
Hemicelluloses, cấu trúc khó phân huỷ hơn, bị phân hủy. Nhiều vi khuẩn hơn
(Arthrobacter spp., Pseudomonas spp., Streptomyces và xạ khuẩn khác) và nấm tham
gia hoặc bắt đầu đóng những vai trò nổi bật hơn. Nhiệt trao đổi chất của chúng
khiến nhiệt độ trong đống ủ tiếp tục tăng; những nhiệt độ cao này cũng tiêu diệt
các mầm bệnh có thể có trong hỗn hợp.

Hai giai đoạn đầu tiên này diễn ra rất nhanh chóng. Một đống phân trộn được làm
đúng cách sẽ nóng lên đến 57oC trong 24 đến 72 giờ; thông thường, nếu bạn có tỉ lệ
trộn phù hợp giữa cacbon với nitơ, chính giữa đống sẽ nóng lên 57oC trong một
ngày và 65oC trong ba ngày. Nếu đống không nóng lên thì bạn cần đảo trộn (tức là
chuyển vật liệu bên trong và dưới cùng trong đống với vật liệu bên ngoài và bên
trên) để bổ sung oxy. Nếu điều đó không hiệu quả, hãy thêm nguyên liệu tươi, xanh
(vì chúng giàu đường dễ tiêu hóa sẽ cung cấp vi khuẩn trong thức ăn mà chúng cần).
Cũng có thể thêm giấy báo, thịt hoa quả hoặc chất cấy phân trộn thương mại để
giúp đống ủ nóng lên.

Bạn phải theo dõi đống ủ. Nên giữ một đống phân từ 60oC đến 150oF 65oC trong ít
nhất vài ngày vì ở nhiệt độ ưa nhiệt này, vi khuẩn gây bệnh trong phân trộn sẽ bị
giết. Ở 65oC, hạt cỏ dại cũng bị tiêu diệt. Không bao giờ để đống ủ quá 68oC vì điều
185
này sẽ bắt đầu đốt cháy carbon. Để làm mát tạm thời đống quá nóng, hãy đảo nó
(đúng vậy, việc đảo trộn hỗ trợ cả làm nóng và làm mát). Điều này không chỉ giúp
các phần trong đống mở rộng, nó đảm bảo tất cả các vật liệu trong đống được xử lý.
Nếu việc đảo không hiệu quả, hãy thêm nước hoặc nhiều nguyên liệu màu nâu hơn,
thay đổi tỷ lệ thức ăn xanh (thức ăn vi khuẩn dễ tiêu hóa) thành thức ăn có nhiều
nấm hơn vì vi khuẩn mới là sinh vật tạo nhiệt chính nên cách tăng nấm này sẽ làm
chậm quá trình sinh nhiệt.

Trộn đống phân trộn tại nhà. Ảnh của Judith Hoersting.

Không có gì sai khi thọc tay vào đống phân trộn để đo nhiệt. Hoặc bạn có thể cắm
một chiếc đinh dài hoặc ống thép cây kim loại vào đống ủ; những thứ này truyền
nhiệt và nó sẽ ấm nếu mọi thứ diễn ra đúng. Tuy nhiên, nhiệt kế thì chính xác hơn;
bạn có thể mua một nhiệt kế đất hoặc sử dụng nhiệt kế dành cho lò nướng.
186
Giai đoạn chín
Khi các protein và cacbohyrat phức tạp bị phá vỡ và bắt đầu giảm đi, sẽ có sự giảm
hoạt động trao đổi chất và nhiệt độ trong đống ủ bắt đầu giảm. Các sinh vật ưa
nhiệt, có các bào tử được bảo vệ đặc biệt cho phép chúng sống sót trong giai đoạn
nhiệt cao hơn, tự khẳng định lại và thay thế các sinh vật ưa nhiệt. Phân trộn bước
vào giai đoạn cuối cùng, chín.

Trong giai đoạn chín, sự thối rữa của lignin - thành phần thực vật khó phân huỷ
nhất cũng xảy ra. Các liên kết giữ các chuỗi rượu trong lignin với nhau cực kỳ bền và
khó bị phá vỡ hơn nhiều về mặt cấu trúc so với hầu hết mọi thứ khác trong đống
phân trộn. Xạ khuẩn, vi khuẩn dạng chuỗi giống như nấm, tiếp tục tấn công những
tàn tích thực vật thực sự khó tiêu hóa này; đây là những sinh vật tương tự toả ra mùi
đất, mùi mà một đống phân trộn hay đất tốt nên có, mùi này sinh ra từ sự phân hủy
của xenlulose, lignin, kitin và protein. Những loài nấm chính tham gia vào giai đoạn
cuối này, loài basidiomycetes, vẫn đang hoạt động.

Cũng trong giai đoạn chín này, các chất phân hủy vật lý tiếp tục hỗ trợ nhóm vi sinh
vật. Việc ăn cỏ của tuyến trùng, sâu lông, rết, và các loài khác làm cho quần thể nấm
và vi khuẩn gia tăng; và khi các quần thể vi sinh vật này tăng lên, các hoạt động liên
kết đất của chúng cũng tăng theo. Rất nhiều tuyến trùng đã bị giết bởi nhiệt của giai
đoạn ưa nhiệt, nhưng những con sống sót sẽ có rất nhiều vi khuẩn và nấm để ăn; và
là một nhóm, chúng làm tốt. Giun cũng làm việc với các chất hữu cơ trong đống
phân trộn, tiếp xúc với vi khuẩn và sau đó phủ lên các hạt phân tử một chất nhầy để
liên kết chúng lại với nhau thành tập hợp. Kiến, ốc sên, sên, ve, nhện, bọ cánh cứng
và mọt có thể chui vào đống phân trộn và tìm ra chất hữu cơ thức ăn của chúng,
chúng băm nhỏ và khiến vi sinh vật dễ dàng tấn công hơn. Kết quả cuối cùng của
công việc ngày qua ngày của các vi sinh vật này chính là phân trộn.

187
Tốt nhất là giữ đống ủ ở nhiệt độ từ 40 và 55oC sau lần chạy ưa nhiệt ban đầu lên
đến 65oC. Đảm bảo rằng phần bên ngoài của đống ủ được đảo vào trong để tất cả
vật liệu được phân hủy. Nếu đống phân giảm xuống dưới 40oC trước khi nó chín, hãy
cân nhắc thêm một số vật liệu xanh, giàu nitơ hơn. Nếu nó vẫn trên 55oC, hãy xem
xét cho thêm vật liệu màu nâu, có chứa nhiều cacbon. Tất nhiên, việc sục khí một
đống lúc đầu sẽ luôn hạ nhiệt, và nếu bạn có đủ sức, việc đảo liên tục là cách kiểm
soát duy nhất mà bạn cần làm. Tưới nước vào đống ủ cũng sẽ giúp làm mát nó,
nhưng đây là cách hạ nhiệt nhanh.

Đống ủ cần được giữ ẩm trong suốt quá trình. Đừng để nó bị khô, nhưng cũng đừng
để nó trở nên ướt sũng đến mức không khí không thể vào trong. Bạn có thể phải
thêm nước khi đảo đống ủ, hoặc che đậy để tránh mưa làm ướt. Nếu mọi việc suôn
sẻ, và thực ra thì thường là suôn sẻ, bạn sẽ có “phân trộn.” Sau hai hoặc ba lượt đảo,
đống ủ của bạn sẽ trở thành phân trộn. Nó đã hoàn thành, hoặc đã chín, khi bạn
không còn có thể nhận ra có những gì trong đó nữa.

Tỷ lệ C:N và sự thống trị của nấm và vi khuẩn


Tỷ lệ cacbon trên nitơ phải đúng để làm phân trộn; tỷ lệ C:N lý tưởng cho mục đích
này là khoảng 25:1 đến 30:1. Nếu bạn có quá nhiều cacbon, nitơ sẽ nhanh chóng
được sử dụng hết và quá trình phân hủy bị chậm lại. Nếu bạn có quá nhiều nitơ, các
sinh vật sẽ lấy nó và sau đó carbon bị thoát ra ngoài không khí hoặc theo nước mà bị
rửa trôi khỏi đống ủ. Nhưng ở tỷ lệ lý tưởng, mọi thứ diễn ra nhanh chóng và quá
trình phân huỷ sẽ được hoàn tất.

Thường thì những nông dân chia vật liệu ủ sẵn có thành hai loại là nâu và xanh. Vật
liệu hữu để lâu có màu nâu hỗ trợ nấm, trong khi vật liệu hữu cơ xanh, tươi hỗ trợ vi
khuẩn (Quy tắc số 6). Các thứ màu nâu — bao gồm lá mùa thu, vỏ cây, vụn gỗ, cành
cây — có chứa nhiều cacbon; cacbon cung cấp năng lượng cho các thành viên của
lưới thức ăn dưới đất để trao đổi chất. Những thứ màu xanh — chẳng hạn như cỏ

188
mới cắt, cỏ dại mới nhổ, phế liệu nhà bếp — chứa nhiều thức ăn vi khuẩn dễ tiêu hóa
hơn và là nguồn nitơ tốt. Đồ màu xanh lá cây càng tươi thì càng có nhiều nitơ đóng
góp vào đống ủ. Nitơ cung cấp cho các sinh vật trong lưới thức ăn trong đất các
khối xây dựng nên protein, cùng với những thứ khác, được sử dụng để tạo ra các
enzym tiêu hóa cần thiết trong quá trình phân hủy.

Không phải chất thải hữu cơ nào cũng có tỷ lệ C:N lý tưởng; Ví dụ, mùn cưa là 500:1
và giấy là 170:1. Hai chất thải hữu cơ mà bạn nên có là cỏ mới cắt (19:1) và lá cây (40:1
đến 80:1) - trộn chúng với nhau, chúng sẽ cho bạn một tỷ lệ gần thích hợp.

Có thể xử lý nguyên liệu ủ để thành phẩm cuối cùng có nhiều nấm hoặc vi khuẩn
cao, hoặc cân bằng cả hai: chỉ cần tăng nguyên liệu nâu (để tăng số lượng nấm) hoặc
nguyên liệu xanh (để tăng số lượng vi khuẩn). Một hỗn hợp tốt của các nguyên liệu
cho một công thức có nhiều nấm là 5 đến 10% bột cỏ linh lăng, 45 đến 50% cỏ tươi,
và 40 đến 50% lá nâu hoặc gỗ vụn nhỏ. Một công thức có nhiều vi khuẩn phù hợp sẽ
bao gồm 25% bột cỏ linh lăng, 50% cỏ xanh và 25% lá hoặc vỏ cây màu nâu.

Một lần nữa, các vật liệu xanh đi vào phân trộn cung cấp đường đơn giản, dễ sử
dụng và nhiều nitơ và rất tốt để hỗ trợ vi khuẩn. Vật liệu màu nâu trong đống ủ bao
gồm lignin, xenlulose và tannin khó tiêu (và một số nitơ). Nấm thích loại vật liệu này
và có các enzym để phân hủy nó. Khi đó vi khuẩn mới có thể tấn công.

Các yếu tố quan trọng khác


Vi khuẩn trong phân trộn sẽ có xu hướng sống trong độ pH khoảng 7 đến 7,5. Nấm
trong phân trộn sẽ có xu hướng sống trong độ pH khoảng 5,5 đến 7, vì vậy bạn cần
có một số loại nấm trong tất cả các loại phân trộn của mình để ngăn chúng trở nên
quá kiềm. Càng nhiều nấm trong phân trộn của bạn, độ pH càng thấp, cho đến một
mức nào đó.

189
Phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu và thuốc diệt nấm sẽ
giết chết các thành viên lưới thức ăn dưới đất và do đó chúng không có vai trò gì
trong việc ủ phân. Vật liệu đi vào đống ủ phải không có các hóa chất này. Rất có thể
chúng sẽ phân hủy theo thời gian, nhưng có thể không kịp trước khi phân trộn được
mang đi bón; và tại sao phải chấp nhận rủi ro với hóa chất khi bạn không cần thiết
sử dụng đến chúng? Ngoài ra, nhiều loại hoá chất không có tính chọn lọc với vi sinh
vật, chúng có thể ảnh hưởng tới chính quá trình ủ khi loại bỏ vi sinh vật đóng góp
cho sinh nhiệt và phân hủy.

Kích thước của nguyên liệu cho vào đống ủ cũng rất quan trọng. Quá nhiều vật chất
dạng hạt mịn, đống ủ sẽ nén lại và nhanh chóng chuyển sang trạng thái kỵ khí. Nếu
nguyên liệu quá lớn, sẽ có rất nhiều không khí khuếch tán qua nó và đống vật liệu sẽ
nóng lên quá nhiều. Nếu vật liệu quá lớn, nó sẽ không phân hủy đủ hoặc đủ nhanh vì
vi khuẩn không thể xâm nhập đủ nhanh để thiết lập đủ quần thể. Có một sự cân
bằng tốt đối với kích thước của vật liệu được đưa vào một đống phân trộn, và chỉ có
thử nghiệm mới cho bạn hiểu rõ cái bạn cần và cuối cùng là kiểm soát nó theo ý
mình.

Kế đến, một đống phân trộn yêu cầu một khối lượng tối thiểu, khoảng 1 mét khối
(hình vuông hoặc tròn), để làm nóng phù hợp. Bạn có thể làm các đống ủ của mình
lớn hơn, nhưng việc tăng kích thước sẽ tốn công hơn, vì toàn bộ đống phải được sục
khí hoặc đảo ít nhất một vài lần để giữ cho nó không bị yếm khí. Theo kinh nghiệm
của chúng tôi, một đống ủ khoảng 2m, dài và rộng, là vừa đủ theo ý muốn mà không
cần nhiều sự trợ giúp của máy móc để đảo trộn và làm thoáng đống phân ủ.

Khá dễ dàng để làm phân trộn thành đống, đổ các thành phần ngay trên mặt đất và
trộn chúng. Một số người thích có khoang chứa vật liệu và để đảo đống phân trộn
dễ dàng hơn. Một vòng lưới hàng rào hoặc lưới quây gà, đường kính 1m và 1.2 - 1.5m
là rất phù hợp. Sử dụng một tấm (pallet) gỗ hoặc tấm chắn bằng gỗ đặt trên các khối
bê tông ở dưới cùng của đống sẽ cho phép không khí lưu thông vào trong đống,
190
như thế sẽ đỡ công hơn. Một số người đảo phân bằng cách quay thùng phi: trong
quá trình làm phân trộn và để sục khí, tất cả những gì bạn làm là quay thùng phuy
một vài lần. Một khi bạn tìm ra cách giữ cho các vật liệu trong thùng không bị quá
ẩm (một vấn đề kinh niên với các hệ thống kín), những cách này có thể rất hiệu quả.
Một lần nữa, bạn sẽ cần phải thử nghiệm để phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của
mình.

Một người chuyên sản xuất phân đảo đống phân ủ của mình để làm thoáng khí.
Ảnh của Ken Hammond, USDA-ARS.

Dù bạn làm phân theo cách nào thì bạn sẽ luôn cần phải theo dõi độ ẩm của nó. Đặt
vật liệu thành từng lớp từ 10 đến 15cm, xen kẽ giữa màu xanh lá cây và màu nâu, và
đảm bảo mỗi lớp đều ẩm. Khi hoạt động trao đổi chất đã bắt đầu, bạn cần đảm bảo
rằng đống phân vẫn ẩm trong toàn bộ quá trình ủ phân. Vì bạn không muốn đống
phân bị ướt (điều này khuyến khích hoạt động yếm khí), hãy trộn thêm vật liệu khô
191
nếu đống phân bị quá ướt. Nếu bạn đang ủ phân ở nơi có khí hậu khô, hãy san phẳng
hoặc tạo một vết lõm ở đầu đống phân của bạn để thu thập những gì mưa rơi xuống.
Tương tự, nếu bạn đang ủ phân ở nơi trời mưa nhiều, hãy phủ lên đống phân bằng
một tấm bạt hoặc cân nhắc làm phân trộn trong thùng kín.

Nếu đống ủ quá ẩm, nó sẽ không nóng đúng cách. Khi bạn lấy một nắm từ đống
phân ủ, bạn nên có thể vắt được một vài giọt nước từ đó, nhưng không nhiều hơn.
Nếu đống của bạn quá ướt, hãy thêm vật liệu khô hoặc đảo đống. Đây là công việc
nặng, vì vậy tốt hơn là bạn nên làm đúng ngay từ đầu.

Ủ nóng sẽ giết chết hạt cỏ dại và mầm bệnh trong hầu hết các trường hợp, nhưng
không có lý do gì để mạo hiểm cho thêm vật liệu có bệnh hoặc vật liệu là thực vật cỏ
dại thực sự độc hại vào đống phân của bạn cho đến khi bạn nắm rõ quy trình và có
thể phân biệt phân trộn với những gì chúng ta có thể biết đơn thuần "Gần như phân
trộn." Có một sự khác biệt lớn. Bạn phải hoàn thành quá trình ủ phân để đảm bảo
rằng mầm bệnh và hạt cỏ dại đã bị tiêu diệt.

Làm thế nào để bạn biết bạn có phân trộn tốt? Kiểm tra nó. Bạn có thể gửi phân
trộn đến phòng thí nghiệm sinh học, nhưng một thử nghiệm tại nhà dễ dàng hơn và
rẻ hơn là ngửi thành phẩm. Nếu nó có mùi khó chịu, như chất nôn mửa hoặc chất
khó chịu hoặc giấm, thì nó có chứa các sinh vật kỵ khí và các sản phẩm phụ của
chúng và không nên sử dụng. Nếu nó có mùi giống như amoniac, thì nó chưa kết
thúc. Trong cả hai trường hợp, hãy sục khí để thay đổi các điều kiện này và để yên
trong vài ngày trước khi bạn kiểm tra lần nữa. Bạn biết đất tốt sẽ có mùi như thế
nào; phân trộn tốt cũng phải có mùi “sạch” như thế.

Bạn cũng có thể trồng một cái gì đó trong đó. Phân hữu cơ tốt hỗ trợ sự phát triển
của cây. Nếu không có đủ những kẻ săn mồi ăn nấm và vi khuẩn, khi đó chất dinh
dưỡng mà chúng giữ sẽ không được chuyển hóa theo chu kỳ và bạn sẽ có thể nhận
ra sự thiếu hụt của cây.

192
Phân trộn cho người lười
Một hỗn hợp hiện đại cho “phân trộn ăn liền” cần ba mét khối lá cây nâu và một bao
bột cỏ linh lăng nặng 22,7kg từ một cửa hàng thức ăn gia súc. Hỗn hợp này thậm chí
còn hoạt động tốt hơn nếu lá được cắt nhỏ để các vi khuẩn có thể hoạt động để
phân hủy nó ngay. Nếu bạn không tìm được nguồn bột cỏ linh lăng, hãy bắt đầu với
khối lượng cỏ và lá bằng nhau và thực hiện từ đó. Nếu đống này nóng lên quá nhiều,
hãy sử dụng ít cỏ hơn. Nếu nó không đủ nóng, hãy sử dụng thêm cỏ. Điều này giả
định rằng độ ẩm và không khí là đủ. Chúng tôi rút ra kinh nghiệm rằng nếu bạn trải
cỏ tươi cắt nhỏ ra và để khô trong một hoặc hai ngày trước khi cho vào đống ủ,
chúng sẽ không bị nhão hoặc có mùi.

Để làm đống ủ, bạn rải từng lớp vật liệu một, bắt đầu với 10cm lá khô, tiếp theo là
một lớp bột cỏ linh lăng (hoặc cỏ tươi) có cùng độ dày, một lớp lá khác và một lớp
bột/ cỏ tươi khác… Tưới nhẹ từng lớp rồi đổ tiếp lớp tiếp theo. Thêm que và cành
khi bạn thực hiện để tăng không khí lưu thông qua và vào giữa đống.

Một khi bạn đã gom được ít nhất khoảng 3 mét khối vật liệu hữu cơ cần thiết cho
đội quân vi sinh vật và các sinh vật trong lưới thức ăn khác dưới đất, chúng sẽ hoạt
động. Bạn cần theo dõi nhiệt độ trong 24 giờ đầu tiên. Sau đó, bạn sẽ cần tiếp tục
theo dõi nhiệt độ: nhiệt độ không được cao trên 65oC hoặc dưới 40oC. Đảo đống sẽ
tăng nhiệt cho đến khi đống chín tới, sau đó khi đảo sẽ không nóng lên nữa. Giảm
nhiệt độ tạm thời cho đến khi vi khuẩn bắt đầu hoạt động trở lại. Một lần nữa, nước
sẽ giúp làm nguội đống ủ.

Nếu điều này nghe có vẻ quá nhiều việc với bạn, hãy thử ủ mát hoặc ủ lạnh: chỉ cần
chất đống chất hữu cơ vào một góc sân và để lại. Vật chất này cuối cùng sẽ phân
hủy, chỉ là rất chậm; ủ nguội có thể mất một năm hoặc lâu hơn so với ủ nóng chỉ vài
tuần hoặc vài tháng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng là phân trộn; và miễn là nó có
chứa tập hợp sinh vật thích hợp, bạn sử dụng cách nào cũng không quan trọng.

193
Lưu ý rằng sâu, bọ cánh cứng, bọ xít hút máu và các động vật chân đốt vi mô và thực
vật vĩ mô khác sẽ xuất hiện ở các quần thể cao hơn trong phân trộn nguội. Do đó,
một ý kiến hay là luôn luôn để một đống phân trộn mát; bất kể bạn có nhiều sức đến
đâu (để chăm vườn), thì việc đa dạng các loài sinh vật được thêm vào đất chỉ có lợi
cho vườn. Trong lưới thức ăn dưới đất, càng đa dạng các thành viên hơn thì càng có
khả năng loại bỏ hoặc kiểm soát các tác nhân gây bệnh tốt hơn, bằng cách tấn công
trực tiếp hoặc bằng cạnh tranh về chất dinh dưỡng và không gian.

Phân giun trùn quế


Xử lý vật liệu hữu cơ thông qua giun trùn quế tạo phân giun trùn quế, loại phân này
hầu như luôn bị vi khuẩn chi phối (rất ít nếu có nấm tham gia vào quá trình tiêu hóa
trùn). Nhiệt không liên quan, vì nó sẽ giết chết giun. Thay vào đó, giun (tức là vi
khuẩn bên trong chúng) tiêu hóa vật liệu và tạo ra phân giun. Bạn có thể mua giun
đất đặc biệt cho công việc này, và mua hoặc làm một cái thùng nhỏ để nuôi chúng;
nó có thể là một hộp gỗ hoặc nhựa đơn giản. Chỉ cần ra khỏi thùng, phân trùn quế
đã có sự thống trị của vi khuẩn; phân giun — được phủ bởi một polysaccharide cũng
như cacbohydrat và protein đơn giản — hoàn hảo để hỗ trợ các quần thể vi khuẩn
tốt.

Nguyên liệu ban đầu tốt cho phân giun trùn quế bao gồm chất thải thực phẩm
(không có chất béo hoặc thịt), giấy, bìa cứng, lá cây và cỏ xanh; hoặc bạn có thể sử
dụng các vật liệu giống như cách bạn làm để bắt đầu một đống phân trộn thông
thường. Nếu vật liệu của bạn có cỏ dại, hãy ủ chúng bằng nhiệt trước khi cho vào
thùng; điều này ngăn không cho cây dại không mong muốn phát triển trong thùng
giun. Bất kỳ vật liệu màu nâu nào cũng cần phải được cắt nhỏ hoặc chia nhỏ để giun
có thể ăn nó nhanh hơn. Nếu may mắn, vật liệu của bạn cũng sẽ có cả một số động
vật chân đốt để giúp phân hủy vật chất cho giun. Đặt thùng của bạn ở ngoài trời sẽ
khuyến khích động vật chân đốt và côn trùng hoạt động trong đó.

194
Cấy vào đất của bạn
Không cần nhiều phân trộn để truyền sự sống cho đất. Để cấy vào đất của bạn, hãy
đặt từ 0,5 đến 2,5cm phân trộn thích hợp (loại nhiều nấm hoặc nhiều vi khuẩn hoặc
cân bằng đôi bên) xung quanh cây của bạn. Phân trộn nấm nên được bón xung
quanh cây thân gỗ và cây bụi và hầu hết các cây lâu năm; phân vi khuẩn được đánh
giá cao nhất trong các vườn rau, vườn hoa và bãi cỏ (xem lại 4 Quy tắc đầu tiên!).
Phân trộn có thể phát huy tác dụng kỳ diệu trong đất chỉ trong vòng sáu tháng. Chỉ
sau khoảng thời gian ngắn đó, sự sống mới của đất sẽ hiện rõ trong 15 đến 38cm đầu
tiên của đất được cấy. Với sự sống mới này, tất cả các lợi ích của lưới thức ăn trong
đất mang lại: tơi đất, thông khí, giữ nước và thoát nước tốt hơn, đồng thời tăng khả
năng giữ lại và cung cấp các chất dinh dưỡng. Sau một năm, sự sống trong đất sẽ
xuống sâu khoảng 46cm.

Thu thập các vật liệu và làm một đống phân ủ mất một lượng công nhất định. Tuy
nhiên, những lợi ích thu được từ phân trộn gần như không thể tính được khi quản lý
lưới thức ăn dưới đất trong cuộc sống của bạn. Phân trộn là một công cụ làm vườn
với vi sinh vật không thể thiếu.

195
Chương 17
Lớp phủ

LỚP PHỦ ĐẤT LÀ BẤT CỨ THỨ GÌ có thể được đặt trên đất để giảm sự bốc hơi,
ngăn cỏ dại phát triển và cách nhiệt cho cây trồng. Với định nghĩa này thì tấm bạt
ni-lông sẽ là một lớp phủ rất tốt. Tuy nhiên, với mục đích đang nói tới trong cuốn
sách này, chúng tôi chỉ quan tâm đến lớp phủ hữu cơ, với các vật liệu là thứ đã từng
sống và có thể trở lại thành chất dinh dưỡng thông qua hoạt động của lưới thức ăn
dưới đất. Lớp mùn hữu cơ bao gồm lá và nấm mốc, lá thông già, cỏ xén, vỏ cây lâu
năm và gỗ vụn, rơm rạ, phân đã hoai mục (nếu bạn phải làm), rong biển, “phân ủ
chưa hoai”, xác bã thực vật và giấy.

Những lý do mới để sử dụng lớp phủ


Hầu hết những người làm vườn đều biết những lợi ích thông thường của lớp phủ
trong vườn. Một lớp phủ đủ dày sẽ ngăn ngừa cỏ dại bằng cách che toàn bộ ánh
sáng mặt trời mà chúng cần để phát triển hoặc ngăn chúng nảy mầm ngay từ đầu.
Lớp phủ cũng giúp các khu vực cảnh quan trông gọn gàng hơn và giữ cho đất mát
mẻ khi thời tiết quá nóng; Ở những nơi trời trở lạnh, lớp phủ sẽ cách nhiệt với đất và
ở những nơi có chu kỳ đóng băng - tan băng, lớp phủ rất tốt trong việc ngăn chặn sự
phát triển sớm của thực vật bằng cách giữ cho đất đông lạnh. Lớp phủ giúp đất
không bị nén chặt do mưa lớn và ngăn ngừa đáng kể sự bốc hơi từ đất.

Một lợi ích không được liệt kê trong danh sách các lợi ích của lớp phủ là: lớp phủ
cung cấp chất dinh dưỡng và đồng thời cũng cung cấp nơi ở cho một số vi sinh vật
nằm trong lưới thức ăn dưới đất, và một lớp phủ tốt có tác dụng kỳ diệu trong việc
lan tỏa những lợi ích của lưới thức ăn dưới đất vào đất. Ví dụ, giun kéo vật liệu mùn
vào các ổ trong lòng đất để băm nhỏ; kết quả là trong đất có nhiều phân giun giàu
196
chất dinh dưỡng, cũng có nhiều giun hơn, giun đào nhiều đường và ổ trong đất giúp
cải thiện khả năng giữ nước của đất, cũng làm đất thoáng khí hơn. Tất cả các loài
động vật chân đốt to và nhỏ đều có thể sống trong lớp phủ, làm tăng tốc độ phân
huỷ, bổ sung hàm lượng hữu cơ cho đất và thu hút các thành viên khác của lưới thức
ăn dưới đất.

Chúng tôi thừa nhận rằng lớp phủ không hiệu quả như phân ủ để bổ sung vi sinh
nhanh chóng vào lưới thức ăn dưới đất. Lớp phủ không thể có đa dạng các loài vi
sinh vật như phân ủ; quá trình phân huỷ chưa được hoàn thành (và thậm chí có thể
chưa bắt đầu), và do đó lớp phủ hữu cơ không có sự đa dạng về loài, cũng như số
lượng vi sinh vật như ở trong phân ủ.

Chúng tôi cũng thừa nhận rằng lớp phủ có thể dẫn đến sự điên cuồng kiếm ăn của vi
khuẩn và nấm, nếu không có sự điên cuồng săn mồi của tuyến trùng và động vật
nguyên sinh thì có thể dẫn tới việc chất dinh dưỡng trong đất sẽ bị khoá và gây hại
cho cây trồng. Đây cũng chính là một trong những lý do lớp phủ kiểm soát được cỏ
dại rất tốt: sinh học trong lớp phủ khoá nitơ, lưu huỳnh, phốt phát và các chất dinh
dưỡng khác trên bề mặt đất nơi lớp phủ được đặt xuống. Các loại chất dinh dưỡng
này không có sẵn dành cho các loại cỏ dại rễ ăn nông, trong khi ở sâu hơn trong đất,
nơi có rễ cây của bạn, mọi thứ vẫn ổn. Tuy nhiên, khi lớp phủ được sử dụng đúng
cách, các chất dinh dưỡng có thể trở lại theo chu kỳ của chúng.

Một lợi ích của việc sử dụng lớp phủ mà bạn sẽ thấy ngay đây là: nếu sử dụng đúng
loại lớp phủ, bạn có thể thiết lập sự thống trị của nấm hoặc vi khuẩn trong đất của
mình.

Lớp phủ vi khuẩn và nấm


Quy tắc số 6 vẫn đúng ở đây. Lớp phủ bằng vật liệu hữu cơ màu nâu, lâu năm hỗ trợ
nấm; còn lớp phủ bằng một lớp vật liệu hữu cơ xanh, tươi hỗ trợ vi khuẩn. Phủ lá nâu
cho khu vườn của bạn sẽ khuyến khích nấm bùng phát; phủ lớp phủ xanh lên đất sẽ

197
nuôi dưỡng các quần thể vi khuẩn. Cuối cùng sẽ thu hút các loài động vật chân đốt
siêu nhỏ và lớn, giun và những loài khác trong mạng lưới thức ăn dưới đất. Chúng sẽ
hoạt động xuyên qua lớp phủ, kéo hữu cơ vào đất, cắt nhỏ và đào đường hầm trong
đất, đưa các thành viên khác của lưới thức ăn đến các vị trí mới. Bạn biết đấy - một
mạng lưới thức ăn dưới đất sẽ phát triển.

Một cơ số vật liệu phủ hữu cơ luôn có sẵn hoặc miễn phí hoặc với chi phí thấp. Cỏ
tươi, lớp phủ xanh sẵn có nhất, chứa tất cả các loại đường cần thiết để thu hút và
nuôi vi khuẩn. Ta cần tránh cỏ được lấy từ những bãi cỏ nơi đã sử dụng thuốc diệt
cỏ và thuốc trừ sâu (và đừng lấy cỏ ở những nơi có chó là một phần của lưới thức ăn
trong đất. Hãy lưu ý: đừng chất đống cỏ tươi quá dày vì chúng sẽ bắt đầu phân huỷ
và trở nên yếm khí. Điều này sẽ tạo ra mùi khó chịu hoặc hơi nóng có thể ảnh hưởng
đến lưới thức ăn dưới đất mà bạn đang cố gắng xây dựng.

Lớp phủ nâu yêu thích của chúng tôi được làm từ lá rụng vào mùa thu. Chúng giúp
nấm thống trị khi không được nghiền thành những mảnh rất mịn (trong trường hợp
đó, chúng dễ tiếp xúc với vi khuẩn, những kẻ đánh bại nấm). Kinh nghiệm của chúng
tôi cũng là lớp phủ lá phát triển nhiều nấm hơn (hoặc ít nhất là nấm phát triển
nhanh hơn) so với gỗ vụn.

Than bùn thường được dùng làm lớp phủ nâu. Tuy nhiên, than bùn vốn vô trùng về
mặt sinh học và nên được trộn với các vật liệu khác để có thêm một số vi sinh. Lá
thông, một loại chất nâu khác có sẵn ở một số nơi, tạo ra lớp phủ tuyệt vời, nhưng
chỉ sau khi chúng được ủ một chút: chúng chứa tecpen, hóa chất dễ bay hơi gây độc
cho nhiều loại cây. Vụn gỗ Tuyết tùng cũng chứa hàm lượng tecpen cao và nên
tránh, nhưng hầu hết các loại vụn gỗ khác, vỏ cây vụn hoặc dăm, và mùn cưa là
những loại mùn nâu tuyệt vời và hoạt động tốt, đặc biệt nếu chúng đã già hoặc nếu
bạn trộn với một số dạng nitơ hữu cơ, chẳng hạn như cỏ xanh hoặc thậm chí bột cỏ
linh lăng, để đảm bảo tỷ lệ C:N là đủ mà không cần vi sinh vật nào vay mượn từ đất
dưới lớp phủ.
198
Lớp phủ sẽ duy trì hiệu quả trong bao lâu tùy thuộc vào loại vật liệu phủ được sử
dụng. Ví dụ, một lớp vụn vỏ cây dài 5 cm sẽ tồn tại khoảng ba hoặc bốn năm, vì
lignin, xenlulose và sáp trong vỏ cây rất khó để vi khuẩn phân hủy. Trong thời gian
này, nấm sẽ chiếm ưu thế. Mặt khác, lá có thể bị phân hủy hoàn toàn trong sáu
tháng; nấm chiếm ưu thế ngay từ đầu, nhưng vi khuẩn sẽ tăng lên khi chúng có thể
xâm nhập vào bên trong vật liệu.

Lá cây khô tạo nên lớp phủ nâu tuyệt vời. Ảnh của Judith Hoersting.

199
Vị trí và cách bạn đặt lớp phủ cũng đóng một vai trò quan trọng. Quy tắc số 7 (lớp
phủ phủ trên bề mặt có xu hướng hỗ trợ nấm, trong khi lớp phủ hoạt động trong đất
có xu hướng hỗ trợ vi khuẩn) có nghĩa là có thể sử dụng một loại lớp phủ, chẳng hạn
như chỉ sử dụng lá cây khô mà có được hai loại đất khác nhau. Chôn vật liệu xuống
đất sẽ giúp tăng vi khuẩn. Nếu ở trên bề mặt, nấm sẽ chiếm ưu thế trong hoạt động
phân huỷ trong một thời gian vì chúng dễ dàng di chuyển từ đất lên lớp phủ hơn.

Đó không phải là tất cả. Trạng thái của lớp phủ cũng rất quan trọng. Nếu bạn làm
ướt và nghiền kỹ lớp mùn, nó sẽ làm tăng tốc độ xâm nhập của vi khuẩn (Quy tắc số
8). Vi khuẩn cần môi trường ẩm ướt, nếu không chúng sẽ không hoạt động. Và nếu
vật liệu được nghiền, nó sẽ có nhiều diện tích bề mặt hơn; diện tích bề mặt tăng lên
có nghĩa là nó dễ xâm nhập hơn và số lượng vi khuẩn sẽ tăng lên. Để ngăn nấm xâm
nhập vào nguồn thức ăn của chúng, một số loại vi khuẩn này sản xuất ra chất kháng
sinh ngăn chặn sự phát triển của nấm, giúp vi khuẩn dễ dàng đạt được ưu thế khi
chúng được hình thành. Nếu bạn muốn có nhiều vi khuẩn hơn, hãy sử dụng lớp phủ
xanh đã được nghiền và ngâm nước. Nếu bạn chỉ có vật liệu mùn nâu và cần thiết
lập sự thống trị của vi khuẩn, hãy cắt nhỏ nó thành những mảnh nhỏ thật mịn và
trộn một ít trong vài cm trên cùng của đất.

Mặt khác, lớp phủ khô, thô hỗ trợ hoạt động của nấm (Quy tắc số 9). Lớp phủ có độ
ẩm dưới 35% được coi là "lớp phủ khô". Chắc chắn, nấm cần một số độ ẩm để sinh
sôi và phát triển, nhưng vi khuẩn phụ thuộc nhiều hơn vào độ ẩm. Nếu bạn muốn
nấm hoạt động, hãy sử dụng lá nâu hoặc gỗ vụn; không nghiền chúng thành bột
hoặc làm ướt chúng nhiều; và đặt chúng trên bề mặt.

Lại về tỷ lệ C:N
Để phân hủy, lớp phủ cần không khí, nước, cacbon, nitơ và hệ sinh học phù hợp; và
một lần nữa, tỷ lệ cacbon trên nitơ lại phát huy tác dụng. Nếu có nhiều carbon trong
lớp phủ nhưng không có nhiều nitơ, hoặc tỷ lệ 30:1 trở lên, thì các vi sinh vật phân

200
hủy sẽ sử dụng hết nitơ trong lớp phủ và khi lượng nitơ đó mất đi, sẽ lấy nitơ từ đất
chạm vào lớp phủ.

Chúng ta chi li đong đếm lượng nitơ bị “cướp" mất này, nhưng quả thực thì điều này
chỉ xảy ra trên lớp bề mặt rất mỏng giữa đất và lớp phủ. Mặc dù có tác động thực sự
ở đó, nhưng nó thường không ảnh hưởng đến vùng rễ của cây, cũng như vi khuẩn và
nấm cư trú ở đó. Và vì thế, ta cũng không cần quá lo lắng về điều này khi sử dụng
lớp phủ hữu cơ. Kinh nghiệm đã cho chúng tôi biết rằng lượng nitơ bị khoá chặt
(khiến cây không thể hấp thụ) trong đất dưới lớp phủ dăm gỗ có thể được giảm
xuống bằng cách làm cho các mảnh vụn có kích thước 1 cm hoặc lớn hơn. Cách làm
này ngăn chặn sự xâm lấn của các vi khuẩn ta thường thấy trong dăm gỗ kích thước
nhỏ hơn, và các vi khuẩn khoá chặt nitơ này lại tập trung ở vùng đất xung quanh nơi
áp dụng cách này.

Áp dụng lớp phủ


Lớp phủ dễ kiếm và tương đối dễ xử lý và sử dụng để hỗ trợ lưới thức ăn dưới đất
của bạn. Chỉ cần áp dụng các quy tắc và lớp phủ thích hợp (xanh hoặc nâu; ướt hoặc
khô; thô hoặc mịn) theo cách thích hợp (đào sâu hoặc trên bề mặt) xung quanh cây
trồng của bạn (rau, cây hàng năm và cỏ, hoặc cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm).
Hãy cẩn thận: nếu thêm một lớp phủ dày hơn 5 đến 7,5cm có khả năng sẽ ngăn đất
hấp thụ hơi ẩm và không khí, và có thể làm chết nấm rễ có lợi. Không đặt lớp phủ
lên thân cây; điều này có thể làm thân cây bị phân huỷ do hoạt động của vi sinh vật,
vì vậy hãy đặt lớp phủ cách khỏi thân cây một chút.

Nếu bạn đã sử dụng lớp phủ trên khu đất của mình, bạn biết những điều tuyệt vời
mà chúng có thể mang lại: ngăn cỏ dại, giữ ẩm trong mùa hè, cách nhiệt cho đất vào
mùa đông. Chúng giúp chúng ta giảm rất nhiều công, phải không? Hãy tưởng tượng
ta sẽ đỡ được bao việc khi áp dụng lớp phủ để cung cấp cho cây trồng đúng loại nitơ
mà chúng thích. Vì thế, hãy sửa chữa mọi sai lầm về lớp phủ mà bạn có thể mắc phải
và áp dụng lại loại lớp phủ thích hợp, theo cách thích hợp, cho từng loại cây bạn có.
201
Lớp phủ tốt hơn khi chúng được sử dụng cùng với phân ủ. Đặt phân ủ xuống trước
rồi phủ lên. Khi các sinh vật trong phân ủ hoạt động, chúng sẽ cấy vào lớp phủ và
bắt đầu phân hủy nó.

Cuối cùng, bạn có thể nuôi dưỡng tất cả vi khuẩn và nấm mà bạn muốn trong lớp
phủ, nhưng nếu bạn không có các chu trình dinh dưỡng thích hợp, đặc biệt là đối
với động vật nguyên sinh và tuyến trùng, thì nó sẽ không có nhiều tác dụng với cây
trồng của bạn. Bạn thực sự có thể phát triển động vật nguyên sinh của riêng mình
bằng cách ngâm cỏ tươi, cỏ linh lăng, cỏ khô, hoặc rơm trong nước khử clo. Tốt nhất
là bạn nên tạo bọt nước bằng máy sục bể cá và đá sục khí/ đá sủi (có thể tìm thấy ở
các cửa hàng cá cảnh) để giữ cho hỗn hợp ngâm này hiếu khí. Nếu quan sát kỹ hỗn
hợp ngâm này, bạn sẽ có thể phát hiện ra các động vật nguyên sinh trong nó (bằng
cách thử sử dụng kính lúp để tự khẳng định về điều đó). Đổ hỗn hợp động vật
nguyên sinh này lên lớp phủ và bạn sẽ tăng khả năng chu chuyển chất dinh dưỡng
của công cụ thứ 2 này trong phương pháp làm vườn cùng lưới thức ăn dưới đất.

202
Chương 18
Phân trà
Phân trà (hay trà phân ủ) — công cụ thứ ba trong nhà kho của người làm vườn với
mạng lưới thức ăn trong đất — đưa vi sinh trở lại đất. Có công cụ này nữa thật tốt vì
thực tế là có một số vấn đề với việc sử dụng hai loại công cụ khác là phân trộn và
lớp phủ. Ngoài nỗ lực để đảo một đống phân trộn, nếu bạn có một khu vườn có diện
tích kha khá, nhiều cây thân gỗ và cây bụi, việc rải phân trộn và tấp tủ xung quanh
cây có thể là công việc khó khăn. Bạn cũng cần phải có một lượng lớn cả hai thứ nếu
bạn đang làm vườn, trừ phi khu vườn đó nhỏ thôi. Nhưng vấn đề chính với hai công
cụ này là gì? Chúng cần một khoảng thời gian để đến được vùng rễ. Và không có lớp
phủ hay phân trộn nào tới được vùng lá. Thực vật tạo ra dịch tiết từ lá để thu hút vi
khuẩn và nấm đến phyllosphere - vùng ngay xung quanh bề mặt lá. Giống như tại
vùng rễ, những vi khuẩn này cạnh tranh với mầm bệnh để giành không gian và thức
ăn và trong một số trường hợp có thể bảo vệ bề mặt lá khỏi bị tấn công. Bạn không
thể ngay lập tức đưa hệ vi sinh vật này vào vùng rễ, và với vùng lá là không đưa được
luôn, khi dùng phân trộn hoặc lớp tấp tủ.

Mặt khác, các loại phân trà được sục khí tích cực thường dễ bón - cho cả đất và bề
mặt lá - và được phun ngay tại nơi cần thiết. Đây là một cách nhanh chóng, rẻ tiền
và chắc chắn hấp dẫn để quản lý hệ vi sinh vật lưới thức ăn trong đất trong sân và
vườn của bạn, khắc phục trong tầm tay những hạn chế của phân trộn và lớp tấp tủ.

AACT không phải là gì


Đừng nhầm lẫn giữa phân trà được sục khí tích cực (Actively Aerated Compost Tea -
AACT) với nước rỉ từ phân ủ, chiết xuất từ ​phân trộn, hoặc nước phân chuồng, tất cả
đều đã được nông dân và những người làm vườn sử dụng trong nhiều thế kỷ.

203
Nước rỉ từ phân ủ là chất lỏng chảy ra từ phân trộn khi nó được ép hoặc khi nước
chảy qua nó và rửa trôi ra ngoài. Chắc chắn, những hỗn hợp này có một chút màu
sắc và có thể có một số giá trị dinh dưỡng, nhưng nước rỉ phân ủ ít truyền sự sống
của vi sinh vật cho đất: vi khuẩn và nấm trong phân ủ gắn với chất hữu cơ và các hạt
đất bằng keo sinh học; chúng không dễ dàng bị rửa trôi.

Chiết xuất phân trộn là những gì bạn nhận được khi ngâm phân trộn trong nước để
vài tuần trở lên. Kết quả cuối cùng là một hỗn hợp xúp kị khí có lẽ có một chút hoạt
động hiếu khí trên bề mặt. Chỉ riêng việc mất đi sự đa dạng của vi sinh vật hiếu khí
(chưa kể đến nguy cơ chứa các chất gây bệnh kị khí và cồn) cho thấy các chất chiết
xuất từ ​phân trộn không xứng đáng công sức của chúng ta. Chúng tôi không nghĩ
dùng chúng là an toàn lẫn nên được khuyến khích.

Nước phân chuồng, được tạo ra bằng cách ngâm một túi phân trong nước trong vài
tuần, cũng là loại kị khí. Sử dụng phân chuồng đặt ra các vấn đề về mầm bệnh và
đặc biệt là trong điều kiện yếm khí, hầu như đảm bảo sự hiện diện của E. coli. Chúng
ta muốn các vi sinh vật có lợi hoạt động trong đất và để có được điều này, bạn phải
giữ cho nó luôn hiếu khí.

Phân trà hiện đại


Mặt khác, các loại phân trà hiện đại là hỗn hợp hiếu khí. Nếu trà được làm đúng
cách, nó sẽ tập trung của các vi khuẩn hiếu khí có lợi. Ví dụ, quần thể vi khuẩn phát
triển từ con số 1 tỷ trong một thìa phân trộn lên 4 tỷ trong một thìa phân trà có sục
khí tích cực. Những loại trà này được làm bằng cách thêm phân ủ (và một số chất
dinh dưỡng bổ sung để nuôi vi khuẩn của nó) vào nước đã khử clo và sục khí cho
hỗn hợp trong một hoặc hai ngày. Chính sự pha trộn hay sục khí chủ động này đã
đưa các loại phân trà kỵ khí kiểu cũ vào thời hiện đại; và cũng giữ cho những loại
phân trà này hiếu khí, và do đó an toàn. Việc cung cấp không khí phải đủ để giữ cho
trà hiếu khí trong toàn bộ quá trình.

204
Cần năng lượng để tách vi sinh khỏi phân ủ. Bạn biết bạn đã phải (hoặc nên) bỏ ra
bao nhiêu công sức hàng ngày để loại bỏ một dạng vi khuẩn có tính màng khác:
mảng bám trên răng. Màng vi khuẩn trong đất cũng mạnh như vậy. Cũng nên xem
xét rằng sợi nấm không chỉ phát triển trên bề mặt của vụn phân ủ mà còn bên trong
các ngóc ngách của nó; bạn phải sử dụng năng lượng để kéo các sợi này ra, ngoài
việc làm cho vi khuẩn “mất kết dính”. Tất nhiên, hành động quá mạnh có thể giết
chết những vi khuẩn này. Hành động của người “ủ trà” phải đủ mạnh để lôi vi khuẩn
ra nhưng không mạnh đến mức vi khuẩn bị giết khi chúng ra khỏi phân ủ và đi vào
trà.

10 – 150 µg Vi khuẩn hoạt động

150 – 300 µg Tổng số vi khuẩn

2-10 µg Nấm hoạt động

5-20 µg Tổng số nấm

1000 Trùng roi

1000 Trùng amip

20-50 Trùng lông

2-10 Tuyến trùng có lợi

Tiêu chuẩn tối thiểu cho lượng sinh vật trên một ml phân trà.
Nguồn: Tom Hoffman Graphic Design.

205
Phân trà có sục khí tích cực chứa đầy vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh và tuyến
trùng chiết xuất từ ​phân ủ. Ảnh của Judith Hoersting.

Máy ủ trà
Ngày càng có nhiều máy làm phân trà trên thị trường. Chúng trải từ các hệ thống
nhỏ từ 5 đến 20 gallons (khoảng 75,7 - 1.514 lít), có thể dễ dàng tạo ra đủ trà để chăm
sóc diện tích một vài mẫu Anh (khoảng 1,2ha) đến các máy thương mại có khả năng
sản xuất mỗi lần lên đến một nghìn gallon trà hoặc hơn. Internet là một nơi tốt để
tìm kiếm những máy làm phân trà và so sánh chúng. Các nhà sản xuất phải có khả
năng đưa ra các kiểm nghiệm chứng minh rằng máy móc của họ có thể chiết xuất
các quần thể nấm cũng như vi khuẩn khỏe mạnh. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới
cho bạn biết con số. Hãy kiên quyết yêu cầu xem kết quả xét nghiệm này, và nếu họ
không có, đừng mua máy.

Bạn cũng có thể tự tạo một máy pha phân trà có sục khí tích cực. Điều này rất dễ
dàng và là gợi ý của chúng tôi cho những người mới bắt đầu làm trà. Tất cả những gì
206
bạn cần là một xô nhựa 20 lít loại phổ biến; thêm vào máy bơm không khí cho bể cá
(loại lớn nhất bạn có thể mua được) và dụng cụ tạo bọt (dụng cụ sủi oxy), và khoảng
1,2 mét ống nhựa để dùng kèm. Các máy bơm tốt hơn có hai cửa thoát khí; nếu bạn
không thể mua một máy bơm hai đầu, hãy sử dụng ít nhất hai máy bơm một đầu.
Sục khí đầy đủ là rất quan trọng. Khi hệ thống của bạn đang hoạt động, bạn sẽ biết
liệu mình có sục đủ không khí hay không. Nếu trà có mùi thơm, mọi thứ vẫn ổn. Nếu
bắt đầu có mùi hôi, trà đang bị yếm khí.

Trong vật lý, chúng ta đã học được rằng các bong bóng càng nhỏ thì tỷ lệ bề mặt
trên không khí càng cao và do đó, không khí trao đổi với nước nhiều hơn. Nhưng khi
các bong bóng quá nhỏ, dưới 1mm, chúng có thể cắt nhỏ vi khuẩn. Dụng cụ tạo bọt
bể cá sẽ hoạt động tốt miễn là bạn nhớ giữ chúng (và ống nhựa gắn chúng vào máy
bơm) sạch sẽ. Một hệ thống khác có thể thay thế dụng cụ tạo bọt bằng một liên kết
hai chân của ống nối ¼ inch (~ 6.35mm) được thiết kế cho hệ thống tưới nhỏ giọt.
Vòi này có thể được cuộn lại và dán vào đáy xô, tạo ra “độ phủ” bong bóng tốt hơn
so với dụng cụ tạo bọt.

BobOLator, sử dụng một buồng để chứa phân ủ, tạo

ra hơn 220 lít phân trà trong 24 giờ.


Ảnh của Judith Hoersting.

207
Máy phân trà thương mại KIS có thể pha đủ trà trong 12 giờ để xử lý một khu đất

rộng một mẫu Anh. Ảnh của Judith Hoersting.

Sử dụng một chút băng keo, chúng tôi dán dụng cụ tạo bọt hoặc ống sục vào đáy xô,
sau đó kết nối ống và dẫn nó ra khỏi xô, gắn vào máy bơm. Nếu bạn muốn có một hệ
thống bắt mắt, bạn có thể mua một vòng đệm cao su nhỏ được thiết kế để đặt bên
trong thành xô để bạn có thể luồn ống khí qua nó mà không bị rò rỉ chất lỏng ra
ngoài. Nếu bạn đặt vật này đủ thấp trên thành xô, hoặc thậm chí dưới đáy xô, thì
việc giữ bất cứ thứ gì bạn dùng để tạo bong bóng dưới đáy xô sẽ dễ dàng hơn.

Một số người cho phân ủ của họ vào túi lọc trước khi cho vào máy làm trà thay vì để
phân trộn tự do trong nước. Điều này giúp loại bỏ sự cần thiết phải lọc trà trước khi
bón, điều mà bạn sẽ phải làm nếu bạn định sử dụng trà với bất kỳ vòi phun nào (nếu

208
bạn chỉ sử dụng trà để tưới đẫm lên đất, việc lọc không phải là vấn đề). Một đôi quần
tất cỡ lớn hoạt động tốt như một “chiếc tất làm phân ủ”. Chúng tôi sẽ tiết kiệm cho
các bạn đọc nam một chút thời gian nghiên cứu sau khi đã tham quan nhiều cửa
hàng bán quần tất: kích thước thường gặp cho các loại quần tất là size Q (loại lớn
hơn trung bình). Nếu có thể bạn kéo căng phần eo lớn của chiếc quần tất quanh
miệng xô, phần ống chân nằm trong xô, rồi ta đổ phân ủ vào trong chiếc quần. Hoặc
bạn có thể thắt các nút ở chân quần tất và lấp đầy "túi" vừa tạo ra bằng phân ủ. Ta sẽ
để nó trong nước.

Có thể dễ dàng tạo ra một máy làm phân trà có sục khí tích cực đơn giản bằng cách
sử dụng máy bơm bể cá và dụng cụ tạo bọt. Ảnh của Judith Hoersting.

209
Chỗ để và vệ sinh máy làm trà
Nhiệt độ rất quan trọng khi lên men ủ phân trà. Nếu trời quá lạnh, hoạt động của vi
sinh vật chậm lại. Nếu nhiệt độ quá cao, thì vi sinh vật bị nấu chín theo nghĩa đen
hoặc không hoạt động. Nhiệt độ phòng là lý tưởng. Theo dõi nhiệt độ nước. Đây là
một trong những biến số bạn có thể điều chỉnh sau này nếu cần, và ghi chép những
thông tin này sẽ hữu ích việc kiểm tra mẫu của bạn tại phòng thí nghiệm sau này.
Nếu bạn không thể đặt máy của mình ở một nơi ấm áp với nhiệt độ ổn định, thì có
thể cần một máy sưởi bể cá nhỏ, rẻ tiền; chúng đi kèm với bộ điều nhiệt tự động.
Nếu nơi bạn làm trà quá nóng, bạn có thể phải cân nhắc bao bọc xô của mình bằng
đá hoặc thỉnh thoảng thêm đá vào thùng để giảm nhiệt độ.

Phân trà nên được làm tránh ánh nắng trực tiếp vì tia cực tím giết chết vi khuẩn. Và,
vì các protein (chủ yếu là cơ thể giun) trong phân ủ có xu hướng tạo bọt trong trà,
nên hãy đảm bảo rằng bạn giữ máy làm trà của mình ở một nơi có thể chịu được
một số chất rơi vãi.

Những vòng đen này là chất lỏng sinh học


hình thành bên trong bình ủ trà. Nếu cứ để
vậy, mảng bám sinh học - bioslime có thể
ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng trà. Ảnh của
Judith Hoersting.

210
Dù là điều hiển nhiên nhưng phải lưu ý rằng điều quan trọng là phải làm sạch ngay
khi làm phân trà có sục khí tích cực. Màng vi khuẩn rất chắc và có thể làm tắc
nghẽn các lỗ khí trong bong bóng và đường ống. Những mảng bám sinh học này sẽ
xuất hiện ở những nơi kỳ lạ nhất. Nó sẽ bám vào thành xô và tích tụ trong kẽ hở dưới
đáy xô. Bạn có thể phải tháo rời các ống mềm và phụ kiện để làm sạch chúng kỹ
lưỡng. Vì vậy, ngay cả trước khi bạn sử dụng trà, hãy làm sạch hệ thống. Nếu bạn sờ
vào khi nó vẫn còn ướt, bạn thường có thể lau sạch nó hoặc "thổi" nó đi bằng lực của
nước từ vòi; tối thiểu, hãy xả nó bằng nước. Sử dụng sản phẩm oxy già 3% hoặc
dung dịch muối nở 5% để làm sạch chất nhờn đã khô.

Nguyên liệu
Các loại phân trà được sục khí tích cực (AACT) chứa nhiều vi khuẩn, nấm, tuyến
trùng và động vật nguyên sinh vì đó là những gì có trong phân trộn. Điều khiến
những loại trà này trở thành một công cụ mạng lưới thức ăn trong đất tốt như vậy
(bên cạnh nồng độ vi sinh cao) là bạn có thể điều chỉnh AACTs để cung cấp cho cây
trồng theo nhu cầu cụ thể của chúng bằng cách bổ sung một số chất dinh dưỡng
nhất định (xem Quy tắc số 10). Sử dụng Quy tắc số 10, áp dụng như nhau đối với
phân ủ, lớp phủ (tấp tủ) và đất, khi bạn làm phân trà và nó phát triển thành Quy tắc
số 11: chọn loại phân ủ để dùng và những chất dinh dưỡng bạn thêm vào nó, bạn có
thể tạo ra các loại trà quá nhiều nấm, vi khuẩn chi phối hoặc cân bằng. Đối với nhiều
người, quá trình làm trà trở thành thành một thú vui riêng, không khác gì nấu bia.

Tuy nhiên, tất cả các công thức đều bắt đầu với nguyên liệu cơ bản, đầu tiên là nước
không chứa clo. Quy tắc số 12 rất quan trọng: phân trà rất nhạy cảm với clo và chất
bảo quản trong nước và các thành phần nguyên liệu. Điều tối quan trọng là tất cả
các nguyên liệu bạn sử dụng không chứa bất kỳ chất bảo quản nào. Điều này là hợp
lý. Rốt cuộc, những hóa chất này nhằm tiêu diệt hoặc ngăn cản sự sống của vi sinh
vật. Nếu bạn dùng một hệ thống nước sử dụng clo, bạn sẽ cần đổ đầy nước vào
thùng ủ và cho sục bọt khí trong một hoặc hai giờ. Clo sẽ bay hơi, làm cho nước trở
211
nên an toàn đối với vi khuẩn. Bộ lọc carbon và hệ thống nước thẩm thấu ngược cũng
hoạt động tốt để loại bỏ cả clo và cloramin, và đặc biệt hữu ích nếu bạn cần lượng
nước lớn. Theo nguyên tắc chung, một bộ lọc carbon chứa 0,02 mét khối carbon sẽ
lọc hơn 15 lít nước mỗi phút.

Tiếp theo, bạn cần sử dụng phân ủ tốt (xin thứ lỗi vì nghe có vẻ thừa thãi: đối với
chúng ta, tất cả phân ủ đều tốt, nếu không thì đó không phải phân ủ). Một lần nữa,
hãy đảm bảo rằng không có tàn dư hóa chất nào trong đó, và tốt nhất là kiểm tra
bằng cách ngửi. Nếu nó không có mùi thơm, nó không phải là phân tốt. Rõ ràng,
cách tốt nhất để biết là mang đi kiểm tra. Tránh thứ “gần như phân ủ”, phân ủ chưa
hoàn thành quy trình hoặc đã bốc mùi và yếm khí. Đừng dùng đến phân ủ đã bị quá
nóng, giết chết các vi khuẩn có lợi và làm giảm lưới thức ăn trong đất. Nếu bạn có ít
đa dạng vi sinh trong phân ủ, bạn sẽ có ít đa dạng trong trà.

Phân trùn quế là một chất thay thế tốt cho phân ủ. Chúng chứa đầy vi sinh vật có lợi
và có xu hướng chứa rất nhiều vi khuẩn (hãy nhớ vai trò của vi khuẩn bên trong
giun, tiêu hóa thức ăn), đặc biệt là khi chúng còn tươi. Đối với lần mẻ pha khoảng
gần 19 lít ở trên, bạn sẽ cần khoảng bốn cốc phân ủ hoặc phân trùn quế. Với mẻ pha
càng lớn thì bạn có thể giảm dần tỉ lệ phân ủ.

Đối với các nguyên liệu phụ, bạn có thể cho quần thể vi sinh vật ăn trong khi trà
đang lên men ủ. Mật mía (không lưu huỳnh, để không giết chết vi khuẩn) ở dạng bột
hoặc lỏng, xi-rô mía, xi-rô cây phong và nước trái cây đều nuôi dưỡng vi khuẩn
trong trà và làm tăng quần thể của chúng. Hai muỗng canh của bất kỳ loại đường
đơn nào trong 15 - 19 lít nước sẽ giúp vi khuẩn sinh sôi và thiết lập sự thống trị. Nếu
bạn làm một mẻ lớn hơn, hãy thêm nhiều chất dinh dưỡng hơn theo cùng một tỷ lệ:
lượng tất cả các chất dinh dưỡng được thêm vào sẽ thay đổi tuyến tính khi bạn tăng
kích cỡ mẻ trà. Các loại đường phức tạp hơn và phân đạm cá cũng là thức ăn tốt cho
vi khuẩn, mặc dù cả hai loại này đồng thời sẽ hỗ trợ một số loại nấm phát triển.

212
Nước đã khử clo Phân ủ

25 gallon (~94,64 lít) 5 lbs (20 cốc)

50 gallon (~189,3 lít) 7 lbs (28 cốc)

500 gallon (~1.892,7 lít) 15 lbs (60 cốc)

Lượng phân ủ (hoặc phân trùn quế) được sử dụng để làm trà thay đổi một cách phi
tuyến tính, như biểu đồ này cho thấy. Nguồn: Tom Hoffman Graphic Design.

Để khuyến khích sự phát triển của nấm trong phân trà, hãy thêm tảo bẹ, axit humic
và axit fulvic, và bụi đá phốt phát, không chỉ cung cấp giá trị dinh dưỡng cho nấm
mà còn tạo bề mặt cho chúng bám vào khi chúng phát triển. Ascophyllum nodosum
là một loại tảo bẹ nước lạnh có thể mua trên Internet, tại các tiệm đồ làm vườn và
thậm chí cả các cửa hàng thức ăn gia súc, nơi nó thường được bán dưới dạng tảo
bột. Thịt trái cây như cam, việt quất và táo cũng sẽ giúp nấm phát triển trong phân
trà, cũng như chiết xuất lô hội (không có chất bảo quản) và thủy phân cá (về cơ bản
là xương cá và tất cả các thành phần đã được tiêu hóa bằng enzyme). Bạn có thể
mua sản phẩm thủy phân cá ở một số vườn ươm hoặc tự chế biến bằng cách thêm
papain (còn gọi là enzym đu đủ) hoặc kiwi (cũng chứa các enzym thích hợp) vào hỗn
hợp cá để tiêu hóa xương bằng enzym. Cây ngọc giá (yucca) và khoáng chất zeolit
​cũng là thực phẩm tốt cho nấm và không hỗ trợ các quần thể vi khuẩn.

Giúp nấm khởi đầu


Nhiều người mới làm trà thất vọng vì có thể khó gây nấm với số lượng đủ để tạo ra
một loại trà cân bằng, nấm ít ưu thế hơn nhiều. Điều này là do vi khuẩn không chỉ
phát triển mà còn nhân lên nhanh chóng trong trà được cung cấp đầy đủ dinh
dưỡng; trong khi thời gian ủ gần như không bao giờ đủ lâu để nấm sinh sôi trong trà
— chúng chỉ phát triển lớn hơn. Cách tốt hơn là kích hoạt nấm trong phân ủ trước
213
khi làm trà, cho phép các quần thể nhân lên trước khi chúng bị lôi ra khỏi phân ủ và
xâm nhập vào trà.

Quá trình kích hoạt này có thể thực hiện dễ dàng: vài ngày trước khi làm trà, trộn
phân ủ với các protein đơn giản dùng làm thức ăn cho nấm tốt — chẳng hạn như bột
đậu nành, mạch nha dạng bột, bột yến mạch, cám yến mạch, hoặc tốt nhất là bột
yến mạch trẻ em. Trộn kỹ một trong những chất này với tỷ lệ ba hoặc bốn muỗng
canh cho mỗi cốc phân ủ. Đảm bảo có đủ độ ẩm trong phân ủ, có nghĩa là một giọt
hơi ẩm có thể được ép ra khỏi một nắm phân. Cho hỗn hợp vào hộp và đặt hộp ở nơi
tối và ấm. Đặt một tấm lót ươm hạt bên dưới thùng chứa, có tác dụng rất tốt để
cung cấp nhiệt thích hợp.

Sau khoảng ba ngày ở 27oC, nấm trong phân ủ của bạn sẽ phát triển và các sợi nấm
vô hình của chúng hợp nhất thành một mạng lưới các sợi nấm có thể nhìn thấy
được, nếu ban đầu bạn có đủ số lượng. Phân ủ phải trông giống như bộ râu của ông
già Noel, được bao phủ bởi những sợi dài, trắng và mịn. Trong vài ngày nữa, sẽ có rất
nhiều nấm mốc, toàn bộ thùng phân ủ sẽ được dán chặt với nhau (nhờ nấm).

Các sợi nấm được kích hoạt bằng cách thêm các chất dinh dưỡng cho nấm vào
phân ủ trước khi làm trà. Ảnh của Judith Hoersting.
214
Tới lúc làm trà rồi!
Khi bạn bật máy lên, các bong bóng sẽ khuấy động phân ủ và bắt đầu bóc tách các vi
khuẩn ra khỏi nó. Tùy thuộc vào loại phân ủ và các chất dinh dưỡng, bạn có thể thấy
hơi sủi bọt; điều này có thể báo hiệu rằng protein giun đang được giải phóng khỏi
phân - một điều tốt. Bạn có thể thêm nấm rễ vào cuối chu kỳ ủ. Nếu bạn cho các
bào tử vào trà khi đang làm, chúng sẽ bị phá hủy hoặc các sợi nấm do chúng tạo ra
sẽ bị phá hủy — cả hai đều rất mỏng manh; Ngoài ra, vì nấm rễ sống nhờ dịch tiết ra
từ rễ, chúng và trà phải nhanh chóng đến được rễ cây.

Phải mất từ ​24 đến 36 giờ để tạo ra một loại trà tốt bằng cách sử dụng bình sủi bọt
xô đơn giản của chúng tôi; một số nhà sản xuất thương mại, với hệ thống năng
lượng cao của họ, làm phân trà trong 12 giờ. Trong bất kỳ trường hợp nào, trong quá
trình làm, trà chuyển sang màu nâu cà phê, một dấu hiệu thuận lợi khác: các chất
humate trong phân trộn đang được hòa vào trà. Nhiệt độ của trà cũng có thể tăng
lên một vài độ, là kết quả của hoạt động trao đổi chất tăng lên. Phần tốt nhất là mùi.
Mùi của các loại phân trà, đặc biệt là khi mật mía được sử dụng làm chất dinh
dưỡng, là một mùi đất, ngọt lành.

Phân trà có thời hạn sử dụng rất ngắn. Hiện có rất nhiều vi khuẩn sinh sống trong
trà khiến chúng nhanh chóng cạn kiệt chất dinh dưỡng và bắt đầu ăn lẫn nhau; quan
trọng hơn, chúng đang sử dụng hết oxy. Nếu bạn cảm thấy khó chịu bởi mùi của trà,
nó có thể đã bị yếm khí và nên bỏ đi; rõ ràng là không nên đổ lên cây. Tốt nhất là sử
dụng phân trà trong vòng bốn giờ ngay sau khi sản xuất, mặc dù quần thể vẫn còn
nhưng sẽ giảm dần trong khoảng ba đến năm ngày nếu được giữ trong tủ lạnh hoặc
nếu bạn tiếp tục sủi bọt khí.

Sau khi bạn đã có một số kinh nghiệm làm trà, bạn có thể muốn sửa đổi máy của
mình để làm trà tốt hơn nữa, nghĩa là những loại trà có số lượng vi khuẩn cao hơn. Ví
dụ, bên cạnh việc thay thế vòi sục cho dụng cụ tạo bọt, chúng tôi cũng tăng kích

215
thước máy bơm; cuối cùng chúng tôi đã tìm thấy một máy bơm không khí 1/3 mã
lực đã qua sử dụng, và nó khiến trà sủi bọt mạnh mẽ trong một thùng rác nhựa 30
gallon (~113.56 lít) (được gọi trìu mến là “Lawrence Welk – o Lator”). Các bong bóng
đến từ nhiều thiết bị khác nhau ; chúng tôi liên tục thử nghiệm, sử dụng bể cá
chuyên dụng và thiết bị sục khí Jacuzzi, dùng đầu bình tưới cây, và thậm chí là một
ống nước nhựa đục lỗ được làm với mũi khoan 1/16 và 1/8 inch (1.6mm và 3.2mm).

Ứng dụng
Chúng tôi sẽ nói với bạn luôn rằng không bao giờ là quá nhiều phân trà (nghiên cứu
của chúng tôi cho thấy không có tác dụng xấu nào từ việc sử dụng không giới hạn).
Nó không làm cháy rễ hoặc lá cây, và hệ vi sinh vật trong trà sẽ điều chỉnh để phù
hợp với các chất dinh dưỡng có sẵn tại vườn. Lặp đi lặp lại việc bón phân trà sẽ chỉ
giúp tăng tính đa dạng của quần thể vi sinh vật trong đất của bạn. Sử dụng trà trên
bãi cỏ, vườn rau, cây thân gỗ, cây bụi, cây hàng năm và cây lâu năm. Không giống
như phun và ngâm hóa chất, phân trà an toàn và dễ sử dụng.

Sau khi trà đã sẵn sàng, hãy dùng cốc hoặc bình tưới nhựa làm ướt đất (vi khuẩn có
thể tác động đến kẽm trong hộp kim loại) hoặc (nếu trà đã được lọc) bằng bình
phun. Vì phân trà sẽ “dính” vào bề mặt lá, bạn có thể cấy các loại vi khuẩn có lợi vào
lá bằng cách phun lên lá. Để có hiệu quả khi phun lá, trà phải phủ được 70% bề mặt
lá. Tưới cho cả hai mặt của lá. Khi bón các loại phân trà vào đất, hãy tưới cho cây và
khu vực đất xung quanh chúng. Không có gì là thừa cả.

Và đừng quên ánh nắng mặt trời: tia cực tím giết chết vi khuẩn. Nếu bạn sống ở các
vĩ độ phía nam, bạn sẽ muốn sử dụng trước 10 giờ sáng hoặc sau 3 giờ chiều, khi tia
UV yếu nhất, kể cả trong một ngày nhiều mây. Không có kem chống nắng vi sinh. Có
thể mất từ ​15 đến 30 phút để vi khuẩn hoặc sợi nấm tự bám vào lá (nơi chúng có thể
nhận được một số bảo vệ) — khoảng thời gian quá dài để bị tiếp xúc với tia nắng mặt
trời. Ngoài ra, phun với đường kính giọt ít nhất là 1 milimét; với nhiều nước đó, vi

216
khuẩn có thể phát triển đủ chất nhờn để tự bảo vệ trước khi nước bốc hơi. Tia UV
cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ vi sinh vật trong đất ẩm ướt, nhưng bạn có
thể thoải mái hơn một chút về thời gian tưới kiểu này vì vi sinh vật chìm vào đất và
lớp phủ lá gần như ngay lập tức.

Hãy nhớ rằng, ở đây bạn đang làm việc với các sinh vật sống. Các vi khuẩn được bạn
chăm bón và nuôi dưỡng cẩn thận trong trà mang đầy sức sống và cần được xử lý
nhẹ nhàng. Máy phun không được vượt quá áp suất 70 pound, và tốc độ phun phải
chậm. Đứng cách xa hoặc xoay đầu bình xịt lên để trà rơi kiểu “thả dù” xuống bề mặt
cần phủ; không nên để trà “bắn” mạnh vào đất hoặc bãi cỏ hoặc cây trồng, vì đây là
điều đôi khi sẽ giết chết cây trồng chứ không phải áp lực của bình. Máy phun tĩnh
điện, một cách ngẫu nhiên, có thể tiêu diệt vi khuẩn bằng cách đặt điện sai, vì vậy
hãy thử trà với máy phun như vậy trước khi sử dụng.

Có thể sử dụng bình xịt bơm tay nếu bạn đã lọc trà, nhưng bạn phải cẩn thận để
không lọc cả vi khuẩn ra ngoài. Lưới của bất kỳ "chiếc tất ủ phân" nào cũng phải có
kích thước ít nhất là 400 micromet, đủ lớn để cho nấm và tuyến trùng đi qua nhưng
sẽ ngăn cản các chất dạng hạt gây tắc nghẽn bình phun thông thường. Ngoài ra, bạn
có thể gạn dung dịch trà bằng cách để trong 15 phút sau khi ngừng sục khí. Điều này
giúp loại bỏ rất nhiều mảnh vụn; tin xấu là lượng nấm trong trà thường bị giảm đi.

Sẽ tốt hơn nếu bạn đầu tư vào một bình phun bê tông, có khả năng xử lý các hạt
phân ủ làm tắc nghẽn một bình phun vườn thông thường. Bình phun bê tông trông
giống hệt như bình phun trong vườn nhà, chỉ có ít khúc cua hơn, lỗ phun lớn hơn và
vòi phun hỗ trợ các hạt lớn hơn. Để biết giá cả và tình trạng sẵn có, hãy kiểm tra với
cửa hàng cung cấp vật liệu xây dựng tại địa phương của bạn, nhà thầu bê tông, cửa
hàng cung cấp bê tông hoặc công ty cát và sỏi. Máy phun sương ba lô chạy xăng
cũng rất thích hợp, đặc biệt là đối với sân rộng. Một cách tuyệt vời để tưới bãi cỏ là
sử dụng vòi phun nước lưu động với bộ phân phối phân bón cho trà vào dòng nước
(xem chương 18 để biết thêm chi tiết).
217
Dù được phun hay đổ, các vi sinh vật trong trà sẽ tự hình thành, phát triển, sinh sản,
thu hút các loài săn mồi, ăn và bị ăn thịt hoặc ngủ yên. Chúng tạo ra hàng rào bảo vệ
xung quanh rễ và giải phóng chất dinh dưỡng khi chúng chết. Chúng tạo ra và cải
thiện cấu trúc của đất. Chúng tạo hàng rào bảo vệ trên lá cây và cạnh tranh với
những kẻ xấu gây hại.

Các loại phân trà sẽ có tác dụng ngay lập tức, và vì lý do này, điều quan trọng là trà
được bón phải là loại trà tốt, có đầy đủ các sinh vật có ích, không phải bệnh tật hoặc
mầm bệnh. Có rất ít hoặc không có sự nhân nhượng cho một loại trà kém chất
lượng. Nếu bạn không tự làm được, bạn có thể mua AACTs từ các vườn ươm thương
mại và trung tâm vườn đang mọc lên ngày một nhiều; một số công ty không chỉ sản
xuất mà sẽ tưới luôn các loại phân trà cho bạn. Trong cả hai trường hợp, bạn vẫn
nên yêu cầu các xét nghiệm để xem trà lên như thế nào và tất nhiên, đừng ngại thử
mùi các loại trà thương mại trước khi mua hoặc sử dụng chúng. Có thể ban đầu
chúng tốt nhưng đã bị yếm khí trước khi bán.

Bạn có thể dùng AACTs thường xuyên tùy theo ý thích, nhưng tần suất bao lâu bạn
cần áp dụng (đặc biệt nếu bạn đang mua/thuê), như bạn có thể tưởng tượng, tùy
thuộc vào tình trạng của các sinh vật lưới thức ăn trong đất ở các khu vực quan tâm.
Những người mới nên đọc cơ bản về vi sinh vật và tính số lượng động vật chân đốt
trước khi sử dụng công cụ rất hiệu quả này. Khi lưới thức ăn trong đất của bạn trở
nên khỏe mạnh hơn, bạn sẽ ít thường xuyên phải bón trà hơn. Vì vậy, nếu sân vườn
của bạn đã bón phân hóa học trong nhiều năm, bạn nên bón phân trà cách tuần
trong ba tháng để thiết lập một quần thể lưới thức ăn lành mạnh trong đất. Sau đó,
bạn có thể bắt đầu bón trà mỗi tháng một lần trong một mùa và cuối cùng là ba lần
một năm.

Bạn nên bón bao nhiêu trà mỗi lần? Trong hai năm, một người trong chúng tôi đã sử
dụng khoảng 60 gallon (~227 lít) mỗi tuần trên một khu đất rộng một phần tư mẫu
Anh với kết quả khả quan (bù lại cho một vài lời phàn nàn từ người bạn đời cảm thấy
218
quá nhiều thời gian dành cho vi khuẩn). Tuy nhiên, nguyên tắc chung là bón 5 gallon
(~ 19 lít) phân trà trên mỗi mẫu Anh nếu tưới trực tiếp cho đất, 10 gallon (~38 lít) nếu
bạn cũng định phun lá. Pha trà loãng cũng được; chỉ cần đảm bảo có năm gallon khi
bạn bắt đầu. Khi bạn có kinh nghiệm hơn, bạn có thể so sánh lượng trà bạn bón với
các thử nghiệm đất và thử nghiệm trà để đạt được tỷ lệ nấm hoặc vi khuẩn cụ thể.

Canh thời gian


Có một số thời điểm nên sử dụng phân trà hơn. Ví dụ, bạn nên dùng trà ngay sau khi
lá rụng vào mùa thu. Nếu đất và lớp lá không bị đóng băng vào mùa đông, quá trình
thối rữa sẽ diễn ra trong suốt mùa đông. Ngay cả khi có tuyết bao phủ, sự thối rữa
sẽ xảy ra ở bề mặt giao của tuyết và mặt đất, nơi đủ ấm để hoạt động của vi sinh vật
tiếp tục. Vào mùa xuân, ngay trước khi cây bắt đầu phát triển, hãy dùng phân trà
một lần nữa: chúng tôi gợi ý 10 gallon (~38 lít) tưới đẫm đất trên mỗi 4.000m2. Xử lý
chồi non và lá non bằng cách phun lên lá 5 gallon (~19 lít)/ 4.000m2. Nếu cây của
bạn đang phát triển mạnh và sạch bệnh, bạn chỉ cần sử dụng trà vào hai thời điểm
này; nếu bạn sống trong môi trường nhiệt đới, bạn nên dùng trà bốn lần một năm.

Khi đề cập đến các sinh vật gây bệnh cạnh tranh trong đất hoặc bề mặt lá, các loại
trà chiếm ưu thế về nấm đã được sử dụng để ngăn ngừa và ngăn chặn sự phát triển
của bệnh phấn trắng (Erysiphe graminis trên cỏ, Phytophthora spp. trên đỗ quyên),
bệnh sương mai (Sclerophthora spp.), bệnh lấy-hết (take-all, Gaeumannomyces spp.),
mốc tuyết xám (Typhula spp.), mốc tuyết hồng (Microdochium spp.), chỉ đỏ
(Laetisaria spp.), nấm ẩm làm thối ngọn và rễ (Pythium spp.), đốm nâu (Rhizoctonia
solani ), đốm mùa hè (Magnaporthe spp.), rusts (Puccinia spp.), và nhẫn tiên (tất cả
các loại nấm).

Các loại trà chứa nhiều vi khuẩn rất hữu ích trong việc tiêu diệt mầm bệnh trong
các trường hợp nhẹ của đốm đô la (Sclerotinia spp. — trường hợp nhiễm nặng cũng
cần nhiều nấm cạnh tranh), đốm vòng hoại tử (Leptosphaeria spp.), Đốm vàng

219
(Rhizoctonia grainis ), đốm lá (Bipolaris spp., Curvularia spp.), đốm hồng
(Limonomyces spp.), và đốm sọc (Ustilago spp.). Côn trùng không chịu nổi tác động
của phân trà, đặc biệt là mọt ngũ cốc, giòi (Ataenius spp.), sâu ngài đêm và bọ da;
một số báo cáo chứng minh tác động tiêu cực đối với ruồi trắng, kiến ​lửa và vảy bắc.

Bệnh phấn trắng mọc trên lá. Phân trà phun trên
lá có thể cạnh tranh tốt hơn nấm bệnh này và các
bệnh nấm khác. Nguồn: Đại học Clemson, bài trình bày
Mở rộng Hợp tác USDA, www.forestryimages.org .

Cận cảnh bệnh phấn trắng. Bản quyền hình ảnh


Dennis Kunkel Microscopy, Inc.

Khi có dấu hiệu đầu tiên của bệnh hoặc côn trùng xâm nhập trên bất kỳ loại cây
nào, hãy bón các loại trà và lặp lại trong 5 đến 7 ngày. Rõ ràng, một giải pháp phòng

220
ngừa là tốt nhất: nếu bạn có hiểu biết về những hiện tượng học (chu kỳ theo mùa)
trong sân vườn của bạn, bạn sẽ có thể áp dụng các loại trà trước khi bệnh dịch tới.

Cuối cùng, một số loại cỏ dại nhất định bị ảnh hưởng bởi phân trà. Cỏ ba lá và cỏ
quạ* (quack grass) sẽ gặp khó khăn khi bạn bổ sung nhiều động vật nguyên sinh và
tuyến trùng có lợi vào đất; phân trà có tác dụng này và làm tăng chu kỳ nitơ. Cây mã
đề, cỏ tinh thảo và cây lách sẽ biến mất nếu bạn giảm lượng nitrat trong đất: hãy sử
dụng một loại trà có nấm mốc. Cây thường xuân cũng phản ứng với các loại trà có
nhiều nấm.

Bệnh thối rễ và chết rạp cây con (trong hình, trên cây cỏ bentgrass) cũng có thể
được kiểm soát bằng các sử dụng phân trà có sục khí tích cực. Nguồn: Đại học Clemson,
bài trình bày Mở rộng Hợp tác USDA, www.forestryimages.org .

Các loại phân trà thực sự là một mạng lưới thức ăn đất dạng lỏng. Thay vì đẩy những
chiếc xe cút kít đầy phân trộn qua lại, hãy xem xét dung các loại phân trà, hợp chất
vi sinh vật tương tự. Khi bạn sử dụng chúng, bạn thực sự đang hợp tác với vi sinh
vật.
221
Nếu bạn vẫn lo lắng về E. coli
Thật khó để vi khuẩn E. coli , một sinh vật kỵ khí, lại có thể được tìm thấy trong các
loại trà đã được sục khí. Chúng tôi cũng không sử dụng phân chuồng trong phân ủ,
vậy những vi khuẩn này sẽ có thể đến từ đâu? Tuy nhiên, một số người vẫn lo ngại về
khả năng vi khuẩn E. coli phát triển trong phân trà. Cách để tránh điều này là không
dùng phân chuồng, chắc chắn rồi, ngoài ra còn cả chất dinh dưỡng — các nguyên
liệu phụ — bạn cho vào khi làm phân trà (mật mía, tảo bẹ…) Làm trà nghiêm ngặt
bằng cách sục khí phân trộn để đạt được hoặc nhiều nấm, nhiều vi khuẩn hoặc cân
bằng. Hoặc tránh sử dụng AACT trên cây lương thực. Một lần nữa, hầu như không
thể phát triển E. coli trong các loại trà được pha với lượng oxy hòa tan cần thiết (sáu
phần triệu) để giữ cho trà hiếu khí. Máy bơm không khí của bạn phải cung cấp ít
nhất 0,05 feet khối (0,0014 mét khối) không khí mỗi phút, cho mỗi gallon nước được
sử dụng và càng nhiều không khí thì càng tốt, đặc biệt nếu bạn lo lắng về vi khuẩn E.
coli.

222
Chương 19
Nấm rễ cộng sinh
Phân ủ, lớp tấp tủ và phân trà là những công cụ cho mạng lưới thức ăn trong đất có
thể được sử dụng trong hầu hết mọi tình huống ở sân vườn. Công cụ thứ tư là nấm
rễ chỉ cần bổ sung nếu có vẻ thiếu hụt. Trong điều kiện tự nhiên, đất trong sân của
bạn sẽ chứa tất cả các loại nấm rễ và bào tử nấm rễ cần thiết. Nhưng chúng ta biết
rằng nấm là những vi sinh vật mỏng manh, thường ra đi đầu tiên khi môi trường đất
trở nên khó ở. Đào xới, khử trùng, khử nấm bằng thuốc diệt nấm, và nén chặt đất
đều có ảnh hưởng xấu đến nấm rễ trong đất. Để làm việc với vi sinh sau những thực
hành này có thể cần ta sửa chữa lại mạng lưới thức ăn trong đất: bổ sung các loại
nấm rễ thích hợp.

Một bài đánh giá ngắn


Đối với nhiều người, những trao đổi trong chương 5 là lần đầu tiên tiếp xúc với hai
nhóm nấm rễ lớn mà nông dân quan tâm: nấm ngoại cộng sinh - ectomycorrhizal
(EM) và nấm nội cộng sinh - endomycorrhizal (hoặc arbuscular mycorrhizal, AM).
Những loại nấm này mở rộng phạm vi vươn dài của rễ tới khoảng 95% ở tất cả các
loại cây. Lý do nấm rễ xâm nhiễm vào rễ là để có được nguồn cung cấp carbon liên
tục, nằm trong dịch tiết ra từ rễ cây (nấm không thể tự tạo ra carbon). Hãy nhớ
rằng, trong thế giới của chúng ta, cây cối làm chủ. Để đổi lấy carbon trong dịch tiết
ra từ rễ cây, nấm rễ phân hủy chất hữu cơ, mở khóa và hấp thụ các chất dinh dưỡng
cần thiết từ đất, sau đó vận chuyển và cung cấp các chất dinh dưỡng này đến các vị
trí trao đổi bên trong rễ. Trong đất nông nghiệp (và bao gồm cả sân vườn của bạn),
nấm AM (nấm xâm nhập và phát triển bên trong rễ cũng như vươn ra từ rễ) là cơ chế
lưu trữ carbon chính, giữ gần 30% carbon của đất (so với axit humic, chỉ chiếm 12%).
Khi có nấm EM, lớp vỏ bảo vệ hoặc lớp phủ xung quanh rễ cây xốp và giữ nước.
223
Nếu không có những loại nấm này, thực vật sẽ không hoạt động như bình thường
trừ khi một dung dịch dinh dưỡng hóa học được cung cấp để phục vụ chức năng của
các vi khuẩn bị thiếu. Nếu bạn trồng lan, bạn có thể biết rằng chúng thậm chí sẽ
không nảy mầm trừ khi có mặt loại nấm rễ dành riêng cho lan. Và các loài thực vật
thuộc họ đỗ quyên, bao gồm đỗ quyên, thạch nam, nguyệt quế núi, việt quất, và các
loại cây thường xanh tương tự, thì nhiễm nấm rễ ericoid. Cả hai loại này đều không
bày bán trên thị trường, nhưng nấm EM và AM thì có.

Bào tử nấm rễ. Nguồn: Mycorrhizal Application,


www.mycorrhizae.com

Đừng lo lắng khi chúng tôi sử dụng từ “bị nhiễm”. Thực tế, nấm rễ có lây nhiễm sang
rễ cây, nhưng chúng lại giúp cải thiện sức khỏe cho cây. Không chỉ vậy, sự có mặt
của nấm rễ còn có thể ngăn chặn sự lây nhiễm mầm bệnh cho cây chủ. Điều này có
thể do giảm không gian sống (không gian bị chiếm bởi nấm rễ) hoặc do nấm rễ lấn
224
át các mầm bệnh để lấy chất dinh dưỡng. Sau nữa, chúng có khả năng sản xuất
kháng sinh, hoặc nhờ các nấm cộng sinh hoặc bởi sự trợ giúp của các vi khuẩn mà
nấm cộng tác cùng.

Khi một chất dinh dưỡng cụ thể không còn trong đất, rễ sẽ không thể hấp thụ được
nữa trừ khi chúng phát triển sang những vùng đất mới hoặc nguồn cung cấp dinh
dưỡng mới chảy vào vùng rễ. Khi thực vật kết hợp với nấm, các sợi nấm đi sâu vào
đất hơn so với khả năng của rễ, vượt ra ngoài các vùng cạn kiệt chất dinh dưỡng
hình thành xung quanh rễ (xem phần “Khả năng trao đổi cation” trong Chương 2). Vì
nấm rễ mỏng hơn rễ đáng kể nên chúng có thể đi vào và đi qua các lỗ mà phần rễ
dày hơn không thể tiếp cận được. Những lỗ trống này chứa các chất dinh dưỡng và
nước chưa được khai thác, mở ra cả một kho tàng cho cây chủ. Cây được nuôi dưỡng
bởi nấm rễ sẽ phát triển lớn hơn, mạnh mẽ hơn và phát triển rễ, thân và lá khỏe
mạnh hơn.

Nấm rễ đã giúp cây bên trái phát triển khỏe hơn, rễ ăn sâu hơn.
Nguồn: Mycorrhizal Application, www.mycorrhizae.com .
225
Các loài riêng lẻ trong số hàng trăm loại nấm EM và AM được phát hiện cho đến nay
thường liên kết với nhiều loại thực vật. Trên thực tế, nấm rễ tạo thành một mạng
lưới rộng khắp có thể nuôi nhiều cây khác nhau và thường là các loại khác nhau
cùng một lúc. Một số loài nấm riêng lẻ thậm chí có thể đồng thời hình thành một
nội cộng sinh với một loại cây và một ngoại cộng sinh với một loại cây khác. Như là
phân tách nhân cách vậy. May mắn thay, hỗn hợp nấm EM và AM bán sẵn trên thị
trường có chứa các loài phổ biến như vậy và sẽ nhiễm cho nhiều loại thực vật.

Nam châm dinh dưỡng


Nấm rễ tạo ra chelate, hợp chất phá vỡ các liên kết hóa học chặt chẽ của các hóa
chất vô cơ thường liên kết với chất hữu cơ và đất sét trong đất; khiến cây không thể
tiếp cận được. Chúng hấp thụ các chất dinh dưỡng vô cơ này - đặc biệt là nitơ, phốt
pho và đồng, và cả kali, canxi, magiê, kẽm và sắt - và sau đó phân phối cho cây. Đến
lượt nó, thực vật sản xuất ra dịch tiết để thu hút và hỗ trợ các nấm rễ thích hợp. Vì
vậy, bạn sẽ biết nên áp dụng công cụ nào: hầu hết các loại cây lá kim và cây gỗ cứng
(bạch dương, sồi, dẻ, mại châu/hồ đào) hình thành mycorrhizae với nấm
ectomycorrhizae (Quy tắc số 16); hầu hết các loại rau, cây hàng năm, cỏ, cây bụi, cây
gỗ mềm và cây lâu năm hình thành nấm rễ với nấm endomycorrhizae (Quy tắc số
17).

Các nghiên cứu cho thấy sự hấp thụ nitơ, ở dạng cả nitrat và amoni, được kích thích
nhờ sự hiện diện của nấm rễ. Không chỉ là amoni được hấp thụ và cung cấp cho cây
chủ nhờ nấm EM, mà việc cố định đạm thực sự được tăng cường do sự hiện diện của
chúng. Một số nấm rễ thậm chí còn có các enzym cần thiết để lấy nitơ từ các nguồn
protein hữu cơ. Một nghiên cứu ở Bắc Cực (chúng ta có sống ở Alaska, vì vậy những
điều này có lẽ luôn phù hợp để lưu ý) cho thấy có tới 17% carbon có nguồn gốc
quang hợp được sử dụng để nuôi mạng lưới nấm, và đến lượt mình, mạng lưới này
cung cấp 61 đến 86% nhu cầu nitơ của thực vật— một giao dịch có lợi cho cây và
xứng đáng với năng lượng đã tiêu tốn.
226
Riêng phốt pho là một nguyên tố hóa học được giữ chặt trong các liên kết đất. Nó
cũng rất cần thiết cho sự phát triển của cây. Kết quả là, một lượng lớn được bổ sung
vào đất nhưng chỉ một chút trong số này cuối cùng sẽ nuôi sống cây. Sự dư thừa gây
ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng (có ai nghĩ tới phú dưỡng không?). Nấm rễ
làm tăng hấp thu photpho. Trên thực tế, nấm AM (loại nấm cung cấp thức ăn cho
cây trồng) chịu trách nhiệm đến 80% sự hấp thụ phốt pho của cây chủ. Vì nguyên tố
này là chất dinh dưỡng hạn chế cho sự phát triển của thực vật chỉ đứng sau nitơ,
nên việc tăng khả năng cung cấp rõ ràng là rất quan trọng nếu chỉ xét về mặt kinh
tế.

Nấm rễ sản xuất và giải phóng phosphatase, enzym phá vỡ các nhóm phosphate từ
các phân tử mà chúng liên kết cùng; chúng hấp thụ photphat và đưa đến rễ cây.
Thật đáng tò mò, các nghiên cứu cho thấy rằng nếu lượng phốt phát trong đất quá
cao, trên 50 đến 80 phần triệu, nhiều cây sẽ không hình thành nấm rễ. Tại sao phải
tiêu tốn năng lượng vào việc tạo ra dịch tiết khi không cần thiết? Một khi mức phốt
phát giảm, liên kết được thành lập. Dưới một hệ thống tự nhiên, không có ô nhiễm
phốt phát. Để biết thêm về mối quan hệ đặc biệt giữa nấm AM và vi khuẩn phân giải
phốt pho, xem chương 15.

Các vi sinh vật khác, đặc biệt là vi khuẩn (và ai biết được? có khi cả vi khuẩn cổ), liên
kết với nấm rễ và kích thích sự phát triển của nấm và do đó là sự phát triển của cây
chủ. Nếu tất cả những điều này là không đủ, nấm rễ tạo ra vitamin, hormone và
cytokinin. Chính vậy, nếu nấm rễ không có ở trong đất, chúng ta cần khôi phục
chúng!

Sinh quyển của nấm rễ


Nguyên tắc cơ bản của lưới thức ăn trong đất là dịch tiết thực vật, tế bào thực vật
bong ra và chất tiết trao đổi chất vào khu vực quanh rễ thu hút một quần thể vi sinh
vật. Điều tương tự cũng xảy ra, mặc dù nó không được nghiên cứu kỹ lưỡng, trong

227
sinh quyển của nấm rễ, khu vực ngay xung quanh nấm rễ. Số lượng vi khuẩn được
tìm thấy trong sinh quyển nấm rễ nhiều hơn so với trong đất gần đó. Điều này cho
thấy sự tồn tại của một số chất hấp dẫn, có thể là carbon. Sự hiện diện của những vi
khuẩn trợ giúp nấm rễ, hay còn gọi là MHB (mycorrhizal helper bacteria), giúp các
loại nấm theo một cách nào đó, thậm chí có thể kích thích sự hình thành của chúng.

Dù sống hay chết, carbon trong nấm AM cung cấp chất nền cho các sinh vật khác ở
lưới thức ăn trong đất và hỗ trợ nhiều nhóm sinh vật đa dạng giúp nuôi và bảo vệ
cây chủ. Các nhà khoa học đang nghiên cứu mối quan hệ cộng sinh giữa MHB và
nấm ngoại sinh EM, vì một số MHB phát triển và sống ngay trên thành của nấm EM.
Một số ý kiến ​cho rằng MHB giúp nấm trở thành hoại sinh nếu rễ cây chết. Những
người khác tin rằng vi khuẩn giúp thu thập phốt pho hoặc MHB bảo vệ nấm rễ bằng
cách phá vỡ các chất độc có thể giết chết chúng. Nói tóm lại, nấm rễ luôn được cho
là nằm trong những mối quan hệ cộng sinh hai chiều, nhưng MHB đang thay đổi
niềm tin đó. Nó có thể chỉ là một xa lộ ba chiều dưới đất.

Nấm ngoại cộng sinh (Ectomycorrhizal - EM)


Hầu hết trong số hơn 4.000 loài nấm EM đã biết đều là thành viên của ngành
Ascomycota (những loài này hình thành quả thể dưới lòng đất và bao gồm nấm cục)
và Basidiomycota (bao gồm nấm ống (bolete), nấm moscela, nấm puffball, nấm nắp
mực và các loại nấm tán đẹp nhưng độc). Quả thể có thể nhìn thấy được là một điểm
khác biệt lớn giữa nấm EM và nấm AM: bạn có thể nhìn thấy rhizomorphs của nấm,
một từ rất hay dùng để chỉ quả thể và sợi nấm của chúng.

Các loài nấm ectomycorrhizae (ngoại cộng sinh) có rất nhiều điểm chung. Đầu tiên
là sự phát triển của một lớp vỏ hoặc lớp phủ nấm xung quanh bên ngoài của chính
rễ bị nhiễm. Lớp phủ này làm tăng diện tích bề mặt của rễ và giữ nước; nó cũng có
thể kích thích và tăng sự phân nhánh của rễ. Thứ hai, rễ bị nhiễm có xu hướng rộng
hơn và ngắn hơn so với những rễ không có nấm. Cuối cùng, có một mạng lưới sợi

228
nấm, mạng Hartig, phát triển ở giữa các tế bào biểu bì bên ngoài và các tế bào bên
trong (của vỏ). Đây là nơi diễn ra quá trình vận chuyển các chất dinh dưỡng. Lưới
Hartig có thể hoạt động như một rào cản xâm nhập rễ với các loại tuyến trùng và vi
sinh vật khác trong lưới thức ăn trong đất; có thể, sợi nấm tạo ra các chất hóa học
giúp rễ chống lại mầm bệnh.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng cây lá kim và gỗ cứng bị nhiễm nấm EM (xem Quy tắc số
16) có khả năng kháng bệnh cao hơn những cây không bị nhiễm nấm. Ước tính tỷ lệ
phần trăm thực vật có liên quan đến nấm EM – dẻ phương nam (Nothofagus spp.),
Cây sồi (Quercus spp.), Cây thông (Pinus spp.), Cây bách (Abies spp.), Cây phỉ
(Corylus spp.), Cây óc chó (Juglans spp.), là một vài ví dụ — chiếm 2 đến 10%. Dù con
số là bao nhiêu, những cây lá kim và gỗ cứng này bao phủ một phần lớn diện tích bề
mặt có cây mọc của trái đất, bù lại bằng số đông những gì chúng thiếu ở từng thành
viên.

Đôi khi, nấm Ectomycorrhizae có thể chuyển đổi giữa việc sống với bạn cộng sinh
và lấy dinh dưỡng một cách hoại sinh (nghĩa là lấy carbon từ vật chất phân hủy). Khi
sống ký sinh, nấm EM không thể hiện sự kén vật chủ. Một nghiên cứu cho rằng vân
sam Na Uy (Picea abies) có thể kết hợp với hơn 100 loài nấm EM khác nhau. Nấm tán
ruồi (Amanita muscaria) được biết là có liên quan đến các loại cây họ tùng bách,
phong (Betula spp.), thông Douglas (Pseudotsuga menziesii), và thậm chí cả một loại
thuộc họ bạch đàn (Eucalyptus spp.).

Nấm nội cộng sinh (Endomycorrhizal - AM)


Nấm ngoại cộng sinh thực sự xâm nhập vào thành tế bào của rễ cây (nhưng không
phải màng tế bào) và chỉ có thể nhìn thấy khi phóng đại (và kể cả vậy cũng thường
cần nhuộm). Ở độ phóng đại thích hợp, nấm nội cộng sinh AM được đặc trưng bởi
mô hình phân nhánh giống như tán cây của sợi nấm, hay còn gọi là arbuscule - vỏ
cây (bắt nguồn từ từ arbor trong tiếng Latinh, có nghĩa là “cây”). Một khi đã bị

229
nhiễm, màng tế bào rễ sẽ bao quanh và bọc lấy arbuscule. Các arbuscule chỉ sống
trong một thời gian ngắn, từ một vài ngày đến khoảng hai tuần. Khi một arbuscule
chết đi, tế bào rễ sẽ trở lại bình thường. Những cụm phân nhánh của các sợi nấm rất
nhỏ này cung cấp nhiều diện tích bề mặt để vận chuyển chất dinh dưỡng. Tuy
nhiên, sự chuyển giao xảy ra mà không có bất kỳ nguyên sinh chất nào của nấm tiếp
xúc với nguyên sinh chất của thực vật. Đó là hoạt động giao thương hóa chất
nghiêm ngặt ở biên giới màng tế bào. (Chúng có thể dạy ta một vài điều về tín chỉ
carbon.)

Nhiều loại nấm AM tạo ra cấu trúc lưu trữ được gọi là tiểu nang (vesicle). Vì lý do
này, thuật ngữ vesicular-arbuscular mycorrhizae (VAM) ban đầu được áp dụng cho
tất cả các loại nấm nội cộng sinh (AM). Khi người ta phát hiện ra rằng nhiều loại nấm
AM không hình thành tiểu nang, thuật ngữ rộng này đơn giản thành (nếu đánh vần
những từ này là đơn giản) nấm arbuscular mycorrhizal (AM).

Khoảng 150 loài nấm AM đã biết liên kết với hơn 200.000 thực vật (xem Quy tắc số
17). Tất cả nấm AM đều là thành viên của họ Glomales. Tất cả đều là loài cộng sinh
bắt buộc: chúng chỉ có thể tồn tại khi kết hợp với cây chủ. Nếu không có dịch tiết
thì không có nấm AM.

Glomalin
Glomalin, siêu keo giữ carbon bao phủ sợi nấm của nấm AM, được coi là một chất
gây ô nhiễm mùn không xác định cho đến năm 1996, khi Sara Wright, thuộc
USDA-ARS, phát hiện ra nguồn gốc của nó và đặt tên theo họ nấm mà nấm AM
thuộc về. Glomalin bao phủ và giúp bịt kín các sợi nấm, bịt các khoảng trống và
ngăn nước và các dung dịch dinh dưỡng lỏng bị rò rỉ khi đi qua nấm đến rễ cây. Nếu
không có glomalin, sợi nấm AM sẽ giống như những cái ống bị rò rỉ, lãng phí chất
dinh dưỡng và năng lượng, của chính chúng và của rễ vật chủ cộng sinh của chúng.

230
Glomalin, được chiết xuất từ ​đất Nebraska không bị xáo trộn và
sau đó được đông khô. Ảnh của Keith Weller, USDA-ARS.

Glycoprotein, một sự kết hợp của đường và protein, là thứ làm cho glomalin trở nên
dính. Bởi vì chúng dính, sợi nấm AM liên kết các hạt đất, tạo ra các tập hợp đất lớn
hơn. Điều này cải thiện cấu trúc đất. Các lỗ khí được tạo ra cho phép các vi sinh vật
nhỏ hơn ẩn náu khỏi các vi sinh vật lớn hơn; chúng cũng cung cấp không gian hồ
chứa nước và các lối đi để nước đẩy không khí cũ ra ngoài và đưa vào không khí mới
trong lành khi nó chảy qua.

Phân tử glycoprotein có nhiều vị trí chứa carbon. Toàn bộ phần carbon này có một
kết quả tức thì và cực kỳ quan trọng. Khi các sợi nấm già chết đi, cacbon trong lớp
phủ glomalin tích tụ trong đất, kết dính và phân hủy từ từ; có thể mất đến 100 năm
để được phát tán. Bởi mạng lưới nấm AM có thể cực kỳ rộng lớn (trong một số loại
đất, muỗng cà phê đất có thể chứa tới 3 dặm ~ 4,8 kilomet mạng lưới), điều này đồng
nghĩa với một lượng lớn carbon.

231
Nấm Ectendomycorrhiza
Một số loài thực vật — cụ thể là cây dương tía (Alnus spp.), Cây bạch dương (Betula
spp.), Cây liễu ( Salix spp.), Cây dương (Populus spp.) Và cây bạch đàn (Eucalyptus
spp.) - có thể hình thành ecto (ngoại cộng sinh) - và endomycorrhizae (nội cộng sinh)
cùng một lúc. Không phải là để phức tạp hóa vấn đề, nhưng cũng có một số nấm rễ
sẽ hình thành cấu trúc ectomychorrhizae nhưng xâm nhập vào thành tế bào theo
kiểu nấm endomycorrhizae. Kết quả là ta có loại nấm hỗn hợp cộng sinh
ectendomycorrhizae. Nếu bạn đang thắc mắc, câu trả lời là nấm ectendomycorrhizae
có sự xuất hiện của nấm ectomycorrhizae. Những sự kết hợp này thường xảy ra trên
đất rừng đã bị đốt cháy. Chúng đặc biệt phổ biến trên cây thông con trong vườn
ươm nơi trước đây mặt đất được trồng, mặc dù chúng cũng được tìm thấy trong rễ
cây thông con trong các khu rừng đang tái sinh tự nhiên. Khi cây con trưởng thành,
liên kết này thường trở thành ectomycorrhizae. Các loài thực vật thường nuôi nấm
ectendomycorrhizae bao gồm vân sam (Picea spp.) và thông rụng lá (Larix spp.).

Mặc dù việc áp dụng kiến ​thức này vào sân vườn là khá hạn chế, nhưng ít nhất,
chúng tôi thấy rất thú vị khi sự kết hợp lai tạo này tồn tại. Một ngày nào đó những
loại nấm này có thể được bán trên thị trường, mặc dù hiện tại thì chưa.

Những gì không nên làm


Nấm rễ không phải dành cho mọi trường hợp, nhưng khi được chỉ định, việc lây
nhiễm nấm rễ cho cây có thể là một bước hữu ích để hỗ trợ sức khỏe và sự phát
triển của cây trồng. Đầu tiên và dễ nhất là tránh tạo ra các điều kiện gây hại cho
nấm rễ ngay từ đầu. Chúng tôi là những người đầu tiên thừa nhận rằng được chơi
trong đất là một phần quan trọng lý do tại sao chúng tôi làm vườn. Thật không may,
những nông dân thường chơi quá thô bạo. Nấm rễ và mối quan hệ cộng sinh mà
chúng tạo ra rất dễ bị phá vỡ. Tất cả các cách làm vườn đều có thể làm hỏng chúng.

232
Bắt đầu với việc khử trùng đất, một thực tế phổ biến khi đất được sử dụng để làm
hạt nảy mầm và trồng cây trong nhà. Nhiều hoạt động nông nghiệp ngoài trời cũng
phụ thuộc vào việc khử trùng đất để loại bỏ mầm bệnh và sâu bệnh như tuyến trùng
ăn rễ. Theo định nghĩa, khử trùng cũng có nghĩa là cái chết của nấm rễ. Sẽ là khôn
ngoan nếu bạn thêm một chút nấm mới khi trồng trên đất như vậy.

Tiếp theo, nguyên tắc không đào. Lượng hấp thu phốt pho giảm khi sự xáo trộn xảy
ra với nấm AM tăng lên, và rõ ràng quá trình phay đất là một sự xáo trộn cực độ đối
với các loại nấm quan trọng trong việc trồng rau và cây hàng năm (xem thêm về
điều này trong chương 22). Bào tử có thể vẫn còn, và mầm mới có thể được tạo ra,
nhưng chúng không khỏe mạnh và thậm chí có thể bị lệch ra khỏi vùng rễ và dịch
tiết của rễ, nơi chúng cần để nảy mầm. Ít nhất, chúng phải bắt đầu lại từ đầu, và
điều này cần có thời gian. Nói một cách đơn giản, mạng lưới nấm rễ phát triển
nhanh hơn trong đất không bị xáo trộn. Vì vậy, nếu bạn đảo đất, hãy dừng lại. Và
trong một hoặc hai mùa tiếp theo, hãy mua và bổ sung nấm rễ cho cây và hạt giống
vào thời điểm trồng.

Đất bị nén chặt có thể làm co lại hoặc làm hỏng các mạng lưới nấm rễ. Nếu điều này
đã xảy ra, làm thoáng khí - loại bỏ các điểm đất nén - là một phần của câu trả lời. Sự
nén chặt xảy ra vì đủ loại lý do từ lũ lụt, đỗ xe trên mặt đất, đến giao thông quá mức
của con người hoặc sự tích tụ băng tuyết. Việc nén chặt cũng xảy ra khi có thiết bị
nặng được sử dụng (khi một ngôi nhà đang được xây dựng, đất luôn được nén chặt).
Ngay cả lốp của máy kéo cỏ cũng có thể nén chặt đất.

Làm thoáng khí giúp cải thiện hệ thống thoát nước, thông thoáng cho khu vực và cải
thiện điều kiện cho nấm phát triển. Thêm nấm rễ sau khi làm thoáng khí sẽ tăng tốc
độ phục hồi của chúng và đảm bảo sự hiện diện của nhiều loại nấm. Đừng quên làm
thoáng khí xung quanh và dưới gốc cây, nơi sự nén chặt cũng có thể làm hỏng nấm
rễ. Bón chế phẩm nấm EM bằng cách bón rễ hoặc cho rễ tiếp xúc với hỗn hợp nấm.

233
Khi nào cần giúp đỡ
Ngay cả khi bạn duy trì các thực hành hữu cơ và là một tín đồ của mạng lưới thức ăn
đất (và chúng tôi chắc chắn bạn sẽ như vậy sau khi đọc cuốn sách này), có một số
tình huống mà đối với chúng ta, việc sử dụng nấm rễ luôn có ý nghĩa. Đầu tiên là khi
bắt đầu ươm cây con trong thùng chứa, dù ở trong nhà hay bên ngoài. Hầu hết đất
bầu và thậm chí cả phân ủ đều không có bào tử và mầm nấm rễ và thậm chí có thể
đã được khử trùng. Bổ sung đúng loại nấm ở giai đoạn này sẽ giúp hình thành nấm
rễ sớm. Lăn hạt giống trong hỗn hợp nấm và rắc một ít vào chất trồng và trên rễ lộ
ra khi cấy. Việc trồng cây trong nhà với phân ủ cũng cần tới lây nhiễm rễ cây với
nấm rễ sớm, để cây có thể lớn lên tốt nhất ở trong nhà. Trong khi phân ủ có vi
khuẩn, các loại nấm khác và các loài giun tròn và động vật nguyên sinh của chúng,
nó thường chứa ít bào tử nấm rễ.

Càng tìm hiểu, chúng tôi càng ít ngạc nhiên khi biết rằng ngay cả một số loại thuốc
trừ sâu cũng có hại cho nấm rễ. Nhưng — rõ ràng — cả nấm EM và AM đều không
hợp với thuốc diệt nấm. Nếu bạn đang sử dụng đất đã được sử dụng thuốc diệt nấm
trước đây, việc lây nhiễm nấm rễ sẽ tốt cho mạng lưới thức ăn trong đất. Tương tự,
nếu bạn đang đối mặt với đất đã tiếp xúc với nồng độ cao của phân bón hóa học,
hãy xem xét việc cấy chúng vơi hạt giống, bắt đầu và cấy ghép trong một hoặc hai
mùa nếu bạn muốn quay trở lại hệ thống hữu cơ nhanh hơn. Sự xâm nhập của nấm
AM đã được chứng minh là gia tăng khi ta chuyển từ canh tác hoặc làm vườn dựa
trên hóa chất và xới đất thông thường sang các phương pháp thực hành mạng lưới
thức ăn đất bền vững.

Một tình huống khác mà nông dân phải sử dụng nấm rễ: khi một loại nấm rế cần
thiết tự nhiên không có trong đất. “Cần thiết” có nghĩa là cây sẽ không phát triển
nếu không có nấm này, và nấm thì đơn giản là chưa kịp xâm chiếm tới vùng đất đang
nói tới. Đất của Puerto Rico là một ví dụ nổi tiếng. Vào những năm 1950, nỗ lực
trồng cây thông đã thất bại. Cây sẽ oặt ẹo trong khoảng một năm nhưng cuối cùng
234
sẽ chết. Có thêm phân bón cũng không giúp được gì. Năm 1955, người ta lấy đất từ
xung quanh một số cây thông ở Bắc Carolina và sử dụng để cấy rễ cây thông ở
Puerto Rico. Những cây thông không được cấy vật lộn, như những cây trước đó, và
chết. Tuy nhiên, những cây thông được cấy đã phát triển mạnh. Thêm các loại nấm
rễ cần thiết đã làm được điều đó.

Đây có phải là một trường hợp cá biệt? Không. Ở Anchorage, trồng một cây phong
(acer) dưới bất kỳ hình thức nào đều là một đề xuất thất bại. Tuy nhiên, khoảng hơn
chục cây được Sears bán vào đầu những năm 1970 vẫn tồn tại và phát triển. Thật
may mắn, những cây non này đã được vận chuyển đến Alaska khi đang còn ở trong
đất - một điều hiếm thấy khi vận chuyển hàng không đắt tiền và hầu hết các vật liệu
cảnh quan được vận chuyển ở dạng rễ trần. Những cây đó sống sót, cũng như cây
con của chúng. Bây giờ đã có những hỗn hợp nấm rễ thương mại, ngay cả những cây
phong được vận chuyển bằng rễ trần cũng sống được.

Khi làm cảnh quan, đặc biệt là trên đất xây dựng không mong muốn, hãy cuốn rễ
cây khởi phát trong nấm rễ hoặc trụ mầm để lây nhiễm nấm cho chúng. Điều tương
tự cũng áp dụng cho hạt giống của một bãi cỏ, dù mới hay đã có (vào mùa xuân năm
2009, hạt giống được sử dụng để cải tạo bãi cỏ ở Nhà Trắng đã được cấy với nấm rễ).
Thông tin thêm về điều này trong chương tiếp theo.

Chìa khóa trong tất cả những trường hợp này là làm cho một số bào tử có thể sống
được hoặc các mảnh sợi nấm rễ được đặt vào vùng rễ. Kiểm tra ngày hết hạn. Bào tử
tồn tại lâu hơn trụ mầm. Khi được trộn đúng cách trong đất, rễ cây sẽ phát triển
xuyên vào vùng nấm rễ và nhờ đó nhiễm nấm. Dịch tiết ra từ rễ làm cho bào tử nấm
rễ phát triển, vì vậy tốt nhất là bạn nên lây nhiễm cho cây càng sớm càng tốt. Lợi ích
của nấm cộng sinh là rất lớn, và chúng rõ ràng là một phần của đội, cần có mặt khi
làm vườn.

235
Chương 20
Bãi cỏ
Trước kia, nếu không hài lòng với diện mạo bãi cỏ của mình, bạn sẽ đổ phân chuồng
hoặc phủ đất bằng phân trộn. Nếu có cỏ dại, bạn hoặc đám trẻ nhà bạn nhổ chúng
bằng tay. Tất cả những điều đó đã thay đổi vào năm 1928, khi một công ty bán hạt
giống cỏ tìm ra cách sản xuất phân bón nitơ tổng hợp với chi phí thấp. Phần còn lại
là lịch sử: thông qua quảng cáo rầm rộ, và không thể phủ nhận những kết quả tuyệt
vời nó đem lại, chăm sóc bãi cỏ bằng hóa chất đã phát triển thành một ngành công
nghiệp trị giá hàng tỷ đô la.

Một vòng luẩn quẩn


Phân bón cỏ hoá học hiệu quả và hoạt động tốt. Nồng độ nitrat của chúng cao đến
mức chúng đem lại kết quả tức thì: phân bón là chất hóa học trực tiếp nuôi rễ, bỏ
qua hệ sinh thái trong đất. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón tổng hợp sẽ tiêu diệt
hầu hết hoặc tất cả các vi sinh vật trong lưới thức ăn trong đất (Quy tắc số 13). Các
loại phân bón này là muối, và khi tiếp xúc với những vi sinh vật đất, chúng gây ra
hiện tượng sốc thẩm thấu - nghĩa là, muối khiến nước từ trong tế bào của những
sinh vật này thoát ra ngoài và chảy đến nơi có nồng độ muối cao hơn, khiến thành tế
bào của chúng bị phá vỡ, giết chết vi khuẩn và nấm giúp giữ chất dinh dưỡng, cũng
như tuyến trùng và động vật nguyên sinh vốn có nhiệm vụ luân chuyển chất dinh
dưỡng.

Các sinh vật trong lưới thức ăn trong đất của bãi cỏ bị ảnh hưởng bởi phân bón hóa
học nhanh như thế nào phụ thuộc vào đó là loại sinh vật nào, cũng như nồng độ, sức
mạnh, và lượng phân bón được sử dụng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, cứ 100
pound (xấp xỉ 45kg) phân bón cỏ nitơ trên mỗi mẫu acre (xấp xỉ 4.000m2) sẽ quét

236
sạch một lưới thức ăn khỏe mạnh trong đất. Số lượng ít hơn sẽ giết chết ít thành
viên của lưới thức ăn trong đất hơn, nhưng vẫn đủ sức hủy hoại nó. Những sinh vật
còn sót lại sẽ bị đuổi đi do thiếu nguồn thực phẩm hoặc do mùi của chính phân bón
hóa học. Khi thiếu hệ vi sinh, như bạn đã biết, bạn phải bón (và bón lại) các chất
dinh dưỡng cần thiết để cỏ luôn xanh tốt.

Khi hoạt động đệm tự nhiên của vi khuẩn và nấm biến mất, độ pH của đất sẽ bị mất
kiểm soát; pH đất càng ngày càng thấp khi có quá nhiều muối nitrat được sử dụng,
đến cuối cùng sẽ cần điều chỉnh lại. Vấn đề thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn bởi thói
quen phổ biến là loại bỏ cỏ trong hoặc sau khi cắt. Người làm vườn sử dụng hóa chất
thường là người “dọn dẹp” sau khi cắt cỏ, và ngay cả người làm vườn hữu cơ cũng
thường xuyên dọn vụn cỏ cắt tỉa theo phản xạ. Bằng việc loại bỏ vụn cỏ và lá rụng,
người làm vườn đã vô tình tiếp sức cho việc phá hủy sự sống trong đất của bãi cỏ.
Chính vì thiếu đi hoạt động của lưới thức ăn trong đất để phân huỷ và làm mục nát
vụn lá và cỏ, họ buộc phải tự tay dọn dẹp để chúng không cản ánh sáng mà bãi cỏ
cần.

Việc sử dụng phân bón hóa học tạo ra một vòng luẩn quẩn: bạn càng sử dụng nhiều
phân bón, mạng lưới thức ăn trong đất càng bị phá hủy, và bạn càng cần nhiều phân
bón để lấp đầy những khoảng thiếu hụt dinh dưỡng mà bạn đã tạo ra. Nó là một
vòng xoáy đi xuống. Kết quả cuối cùng là một bãi cỏ hoặc trong tình trạng thực sự
tồi tệ, hoặc một người làm vườn phải làm rất nhiều việc. Việc loại bỏ lá vụn và đắp
muối lên bãi cỏ khiến người làm vườn phải một mình thực hiện tất cả công việc mà
trước đây được thực hiện bởi hàng nghìn tỷ vi khuẩn. Giun đất rời khỏi khu vực nơi
muối được sử dụng; muối là chất gây kích thích, và các vi sinh vật chịu trách nhiệm
cho việc tiêu hoá của giun sẽ chết nếu hấp thụ phải phân bón. Các loại nấm có tác
dụng kết dính đất sẽ biến mất. Các vi khuẩn tạo ra chất nhờn giúp liên kết các hạt
đất lẻ thành khối sẽ biến mất. Đất của bãi cỏ bị mất cấu trúc. Từ từ, chúng mất khả

237
năng giữ không khí và nước. Sắp tới lúc rắc rối xuất hiện, sẽ có nhiều loại bệnh tật
và vấn đề phát sinh.

Nếu không có một hệ thống lưới thức ăn trong đất đông đúc, hệ thống phòng thủ tự
nhiên sẽ không còn. Các bãi cỏ hàng năm bị nhiễm nấm mốc, đốm đen, thối rữa,
mốc xám và các loại vi sinh vật gây bệnh cơ hội rõ ràng là do thiếu vắng sự đa dạng
của sinh vật có ích, vốn thường đảm nhiệm việc kiểm soát những nguy cơ này. Bằng
cách hợp tác với vi sinh vật, bạn có thể có một bãi cỏ khỏe mạnh và xinh đẹp mà
phần việc của bạn sẽ ít hơn rất nhiều.

Bệnh đốm đô la, một trong hai loại bệnh phiền toái nhất đối với cây cỏ ở sân gôn,
nguyên nhân có thể là do dư thừa nitrat từ phân bón hóa học.
Ảnh của Kevin Mathias, USDA-ARS.

Kiểm tra số lượng


Với bất kỳ khu vực nào của sân vườn, điều quan trọng bạn cần phải làm trước tiên là
xác định tình trạng lưới thức ăn trong đất của bãi cỏ. Kiểm tra đất bằng phương
pháp sinh học bởi một phòng thí nghiệm uy tín là cách chính xác duy nhất để tìm
238
hiểu cần phải sửa chữa cái gì và chính xác lượng công việc cải tạo bạn cần phải thực
hiện là bao nhiêu, nhưng còn có những dấu hiệu khá tốt khác sẽ chỉ cho bạn về
trạng thái của đất. Chẳng hạn, giun đất sẽ không xuất hiện nếu không có vi khuẩn,
nấm và động vật nguyên sinh để ăn; do đó, sự hiện diện của chúng là một dấu hiệu
tuyệt vời của một mạng lưới thức ăn khỏe mạnh. Nếu bạn có một quần thể giun tốt,
chứng tỏ bãi cỏ của bạn đã có rất nhiều sinh vật có ích xây dựng cấu trúc đất, luân
chuyển chất dinh dưỡng đến rễ cỏ, xây dựng khả năng giữ nước và không khí, cũng
như thoát nước và chống lại mầm bệnh. Vì vậy, nếu bạn thấy chim săn tìm giun đất,
nhiều giun đất sau một trận mưa, hoặc phân giun đọng lại trên bề mặt bãi cỏ vào
ban đêm, có thể điều duy nhất bạn cần làm là duy trì mạng lưới thức ăn trong đất đã
có sẵn của bãi cỏ, chứ không cần phải thêm vi sinh để thiết lập một cái mới.

Bãi cỏ được duy trì nhờ lưới thức ăn trong đất. Để ý vùng màu vàng ở đằng sau nơi
không được xử lý. Dẫn nguồn từ Soil Foodweb, Inc., www.soilfoodweb.com.

239
Tương tự, đất bãi cỏ của bạn nên chứa nhiều động vật chân đốt cỡ nhỏ — những
động vật chân đốt siêu nhỏ mà bạn cần có ống kính cầm tay, như kính MacroScope,
hoặc kính hiển vi ánh sáng để nhìn thấy. Những động vật này có ích trong việc luân
chuyển chất dinh dưỡng, tách vụn cỏ và giúp thông khí cho đất. Sử dụng phễu
Berlese; nếu bạn phát hiện ra rằng đất của bạn đang thiếu các thành viên này, bạn
có thể khôi phục hệ vi sinh bằng cách cung cấp các loại nấm có ích, vi khuẩn, động
vật nguyên sinh và tuyến trùng – điều kiện để thu hút động vật chân đốt, giun hoặc
những thành viên đang bị thiếu khác của mạng lưới thức ăn trong đất.

Chăm sóc và nuôi dưỡng vi sinh


Vào đầu hoặc cuối mùa vụ, hãy rải phân hữu cơ (đây chính là là thức ăn vi sinh) trên
bãi cỏ của bạn. Điều này đảm bảo sẽ có đủ nguồn cung cấp hữu cơ để nuôi vi sinh
vật trong đất. Thức ăn vi sinh? Đây là một sự thay đổi lớn nhưng cần thiết trong
thuật ngữ làm vườn. Khi bạn phối hợp với vi sinh vật, bạn cho chúng ăn và chúng sẽ
cho rễ cây ăn.

Quy tắc số 14 nhấn mạnh rằng nếu bạn muốn làm việc ăn ý với lưới thức ăn trong
đất, bạn cần tránh xa các chất phụ gia có chỉ số NPK cao. Hầu hết những người làm
vườn đều biết những chữ cái này đại diện cho phần trăm nitơ, phốt pho và kali trong
phân bón và bộ ba NPK này xuất hiện trên tất cả các bao bì phân bón. Không dùng
bất cứ thứ gì với số lượng NPK lớn hơn 10-10-10 cho bãi cỏ; phân hữu cơ truyền
thống thường đáp ứng tiêu chí này. Đặc biệt lưu ý là nồng độ phốt pho cao (trên 10)
không chỉ ngăn ngừa nấm rễ cộng sinh phát triển mà còn giết chết những loài đang
có sẵn. Kết quả là cỏ mất khả năng hấp thụ dinh dưỡng một cách dễ dàng và cho dù
bạn có đổ bao nhiêu phốt pho vào bãi cỏ, nó sẽ nhanh chóng bị nhốt lại nhưng
những cây cỏ thiếu nấm rễ cộng sinh sẽ không thể tiếp cận được.

240
Nấm rễ cộng sinh (xem hình bên phải!) giúp cỏ phát triển.
Dẫn nguồn từ Mycorrhizal Applications, www.mycorrhizae.com.

Thức ăn vi sinh ưa thích của chúng tôi cho bãi cỏ là bột đậu nành với tỷ lệ NPK 6-1-1,
được áp dụng với tỷ lệ 1,3 hoặc 1,8kg trên khoảng 10 mét vuông. Các loại thức ăn vi
sinh hữu cơ vô cùng hữu ích khác bao gồm bột cỏ linh lăng, bột huyết, bột hạt bông,
bột lông vũ (tất cả được áp dụng với tỷ lệ 1,8kg/10m2 hay 180gram/m2) ban đầu và
sau đó được điều chỉnh theo nhu cầu) và bột xương cá (1,3kg/10m2 ~ 130gram/m2 –
nhưng chúng tôi xin báo trước là sẽ có mùi tanh nặng trong vài ngày). Tất cả những
thứ này đều nuôi sống hệ sinh học đất; chúng không được rễ cây hấp thụ – do đó,
chúng là thức ăn của vi sinh vật, không phải phân bón.

Nó cũng giúp khuyến khích một môi trường lý tưởng cho vi sinh vật của bãi cỏ.
Chúng tôi biết từ Quy tắc số 2 rằng các bãi cỏ thích loại đất hơi trội vi khuẩn. Chính
vì lý do này, bạn nên để cỏ đã qua cắt tỉa trên bãi cỏ cả mùa, như một lớp phủ mà vi
khuẩn ưa thích. Đường trong cỏ sẽ thu hút một lượng vi khuẩn khỏe mạnh. Cỏ cắt
tỉa cũng nuôi dưỡng các quần thể động vật nguyên sinh, đảm bảo chu trình tuần
hoàn dinh dưỡng. Và bạn sẽ ít phải cắt cỏ hơn, vì giờ đây lượng nitrat đậm đặc cao
không bị rễ cây hút vào.

241
Khi lá rụng vào cuối mùa hoặc khi nhánh và cành cây rụng sau một trận bão, đừng
nên cào xới chúng. Thay vào đó, hãy bồi chúng tại một chỗ bằng cách chạy máy cắt
cỏ của bạn lên chúng một hoặc hai lần. Điều này sẽ giúp tách cấu trúc và làm chúng
dễ tiếp cận thành phần nấm trong bãi cỏ, điều này cũng rất quan trọng; nấm giúp
cung cấp cấu trúc và hệ thống thoát nước, đồng thời ngăn những cọng cỏ khó phân
huỷ tạo thành lớp phủ dày. Đây là lý do tại sao bạn nên vui mừng khi nhìn thấy cây
nấm trên bãi cỏ của mình. Chúng thường là dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang khỏe
mạnh bên dưới thảm cỏ xanh.

Các loại cỏ không được hưởng lợi ích từ lưới thức ăn trong đất khỏe mạnh (có thể là
do thoát nước kém vì phân bón hóa học và thuốc diệt cỏ dại) nên được làm thoáng
khí, một quy trình mà trong đó các nhúm đất dài 5cm được rút ra khỏi bãi cỏ, tạo ra
các lỗ xuyên suốt. Những lỗ này thông thoáng bãi cỏ, cho phép nước, không khí và
thức ăn hữu cơ xâm nhập vào vùng rễ. Các nhúm đất nên được để lại trên bãi cỏ cho
hoại mục.

Một vài nhúm đất được rút ra từ bãi cỏ trong quá trình làm thông khí.
Ảnh của Judith Hoersting.

242
Làm thoáng khí vào đầu mùa xuân ba hoặc bốn năm một lần sẽ có ích cho lưới thức
ăn trong đất vì nó giúp giải tỏa sức nén đến từ trọng lượng của băng tuyết hay tác
động qua lại của vật nuôi, trẻ em và xe cộ. Việc làm thoáng khí đặc biệt hữu ích
trong việc giữ cho quần thể nấm của bãi cỏ được khỏe mạnh: vì là loài dễ tổn
thương nhất, như một điều không tránh khỏi, nấm cũng là sinh vật đất đầu tiên biến
mất khi bãi cỏ bị nén chặt. Sau khi làm thoáng khí mùa xuân, hãy bón thức ăn vi sinh
hữu cơ. Chất này sẽ rơi vào các lỗ hổng và cung cấp thức ăn xuống vùng rễ của bãi
cỏ.

Tiếp theo, cấy vi sinh có lợi vào bãi cỏ để đưa hệ vi sinh trở lại đất hoặc duy trì
những gì đã có ở đó. Nếu bãi cỏ nhỏ, bạn có thể dễ dàng thực hiện điều này bằng
cách phủ một lớp phân trộn trội vi khuẩn thật mỏng (lên đến nửa inch ~ 1,2cm) lên
bãi cỏ bằng máy rải phân bón. Nếu bãi cỏ rộng, hãy bón phân trà chứa một lượng ít
vi khuẩn. (Xem “Bón phân trà cho bãi cỏ” ở phần sau của chương này).

Còn clo trong nước bạn dùng để tưới cỏ thì sao? Nó sẽ không ảnh hưởng đến vi sinh
nếu bạn tưới bằng vòi phun nước. Màn phun sương mịn và di chuyển từ không khí
xuống mặt đất giúp loại bỏ phần nào clo trong nước. Tất nhiên, bạn có thể mua một
bộ lọc clo rẻ tiền và lắp nó vào yếm ống bên ngoài. Một bộ lọc sẽ dùng được cả mùa,
nhưng bạn nên thỉnh thoảng kiểm tra đầu lọc để cho chắc chắn.

Làm cỏ theo kiểu lưới thức ăn trong đất


Cỏ dại có thể bị chi phối bởi lưới thức ăn trong đất. Chẳng hạn, bồ công anh xuất
hiện trên bề mặt đất nghèo canxi. Những chiếc rễ dài của chúng tìm kiếm canxi
đang bị thiếu, và canxi lắng lại trong đất khi bồ công anh chết. Theo thời gian – thật
không may, đôi khi là khá lâu – hệ sinh thái của lưới thức ăn trong đất mới đưa được
nguồn canxi này lên tầng trên của đất, nơi nó bị thiếu hụt. Về bản chất, bồ công anh
có thể tự kết thúc sự tồn tại của mình. Nhưng để loại bỏ bồ công anh sớm hơn, hãy
tăng cường hoạt động của nấm trong đất; nấm giữ được canxi tốt hơn vi khuẩn.

243
Bạn cũng có thể sử dụng thức ăn vi sinh, gluten ngô (một sản phẩm phụ của quá
trình sản xuất tinh bột ngô) như một chất diệt cỏ hữu cơ. Phủ nó trên bãi cỏ với bồ
công anh hoặc các loại cỏ dại khác ngay khi chúng sắp kết hạt, và nó sẽ ngăn những
hạt mới phát triển rễ phụ. Trong khi đó, công thức 10-10-10 của nó nuôi dưỡng lưới
thức ăn trong đất.

Quá nhiều cỏ ba lá hoặc cỏ quạ (quackgrass) trong một bãi cỏ chỉ ra rằng lưới thức
ăn trong đất không luân chuyển đủ nitơ. Bổ sung tuyến trùng và động vật nguyên
sinh thông qua phân trộn, phân trà hoặc súp động vật nguyên sinh có thể làm đẩy
mạnh việc tuần hoàn nitơ. Cây tinh thảo (chickweed), một loại cỏ dại thường gặp
trên các bãi cỏ, phát triển mạnh khi có quá nhiều nitrat, đó là cái mà bạn thu được
khi dùng phân bón cỏ thương mại. Hãy ngừng bón phân hóa học; thay vào đó sử
dụng lưới thức ăn trong đất như công cụ để tăng sinh khối nấm (và đó là nguồn
amoni có sẵn) trong bãi cỏ của bạn.

Mặt khác, rêu chỉ ra rằng đất vườn của bạn trội thành phần nấm thay vì có xu hướng
hơi vi khuẩn như các loại cỏ ưa thích. Rêu thích điều kiện axit. Bón các loại trà nhiều
vi khuẩn và phủ một lớp mỏng phân trộn nhiều vi khuẩn lên các bãi cỏ bị rêu hại, và
độ pH sẽ dần thay đổi thành mức “chấp nhận được” đối với cỏ và không “chấp nhận
được” như đối với rêu. Điều này sẽ giảm bớt và cuối cùng ngăn chặn sự xuất hiện
của rêu mới. Bạn nên loại bỏ rêu hiện có bằng cào và có thể phải dùng sắt để diệt nó
trước.

Là một "người mới trong lĩnh vực mạng lưới thức ăn trong đất", giờ bạn đã biết mình
nên vui mừng khi nhìn thấy nấm trên bãi cỏ của mình. Tất nhiên không quá nhiều, vì
điều đó có nghĩa là bạn cần phải sử dụng thêm một chút trà vi khuẩn. Ví dụ, nếu bạn
lo lắng về nấm tiên hoàn (fairy rings), bạn chỉ cần tăng sự đa dạng của nấm trong
đất bãi cỏ của mình bằng cách đảm bảo rằng phân trà và phân trộn của bạn có
nhiều loại nấm tốt; nấm tiên hoàn sẽ được loại bỏ. Ngoài ra, hãy nhận biết rằng

244
động vật chân đốt lớn nhỏ cũng như chuột và chuột chù thích ăn những loài nấm
này và nhiều loại nấm khác, hãy luôn kiểm soát chúng.

Vòng nấm và các loại nấm độc canh khác trong bãi cỏ có thể được khắc phục bằng
cách tăng cường sự đa dạng nấm với phân trộn hoặc phân trà. Nguồn: Đại học Clemson,
USDA Cooperative Extension Slide Series, www.forestryimages.org.

Thay đổi dễ dàng và khởi đầu tốt


Bạn có thể sử dụng lưới thức ăn trong đất để làm lợi thế của mình khi thay đổi độ
pH. Thông thường, bạn sẽ phải bỏ hàng trăm kí vôi, thạch cao hoặc lưu huỳnh để
làm lệch vài chỉ số pH của đất trong một bãi cỏ cỡ vừa; vôi nói riêng hoạt động rất
chậm, mất cả mùa để có thể thay đổi một chỉ số. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng ít
vôi hơn đáng kể (khoảng ¼ lượng trung bình) và mất ít thời gian hơn để có được kết
quả tương tự bằng cách áp dụng kiến thức khoa học về lưới thức ăn đất. Thay vì bón
trực tiếp cho bãi cỏ, hãy trộn vôi khi bạn làm phân trộn. Nó sẽ được các vi sinh vật
trong phân trộn giữ lại và thải ra trong chu trình của lưới thức ăn. Bạn có thể phủ
phân trộn này trực tiếp trên bãi cỏ hoặc bạn có thể làm phân trà.

245
Rõ ràng, nếu bạn mới làm một bãi cỏ, bạn có cơ hội thiết lập một mạng lưới thức ăn
lành mạnh ngay từ đầu, giải thoát bãi cỏ của bạn khỏi việc nghiện hóa chất. Trước
khi bạn rải hạt giống cỏ, trộn nó với loại bào tử nấm nội cộng sinh dành cho cỏ có
tên vesicular-arbuscular mycorrhizae (VAM). Một bãi cỏ khỏe mạnh nên có đáng kể
một phần rễ được VAM xâm nhập để toàn bộ bãi cỏ được hưởng lợi ích từ mối quan
hệ nấm rễ. Sự xâm nhập của VAM giúp cỏ cạnh tranh với cỏ dại về chất dinh dưỡng
và ngăn chặn tuyến trùng ăn rễ. Và nấm rễ cộng sinh mang cả nước và chất dinh
dưỡng trở lại rễ. Phòng thí nghiệm kiểm tra sinh học có thể cho bạn biết bạn có bao
nhiêu VAM trong đất trồng cỏ hiện có của bạn.

Hai mươi bốn giờ trước khi gieo hạt, lăn hạt giống cỏ được làm ướt trong VAM và
bảo quản ở nơi tối, mát. VAM sẽ giúp bạn có một bãi cỏ khỏe mạnh mà không cần
tưới nước hoặc cho ăn thường xuyên như những bãi cỏ không có nấm rễ cộng sinh.

Nếu bạn cần chỉnh sửa nhanh thì sao?


Một số bãi cỏ dường như vô vọng, trong khi việc quản lý mạng lưới thức ăn trong
đất về sau mới có kết quả, đôi khi người ta mong muốn có cách nhanh hơn. Trước
tiên, hãy xem xét việc sử dụng nhiệt, giấm, hoặc lao động thủ công để loại bỏ cỏ dại
trong bãi cỏ; nếu cỏ dại quá tệ đến mức bạn cần sử dụng thuốc diệt cỏ hoặc nếu bãi
cỏ cần phủ xanh nitrat tức thì (chẳng hạn, cho một đám cưới diễn ra cấp kỳ ở sân
sau), thì bạn nên thực hiện các biện pháp khắc phục ngay sau đó để khôi phục mạng
lưới thức ăn trong đất.

Luôn thực hành Quy tắc số 15: Dùng phân trà ngay sau phun thuốc hóa học hoặc
tưới đẫm đất: để vài ngày cho mọi thứ phát huy tác dụng, sau đó mới dùng trà. Các
vi sinh vật trong trà sẽ ngay lập tức tiến hành giải độc đất bằng cách phá vỡ các
thành phần hóa học còn lại và tái tạo nó. Lặp lại sau một tuần và kiểm tra tình trạng
của mạng lưới thức ăn trong đất.

246
Cả vi khuẩn và nấm đều có thể phân hủy thuốc trừ sâu, nhưng phần lớn là nấm tấn
công và phá vỡ các vòng cacbon clo phức tạp này. Do đó, bạn cần phải cấy vào đất bị
ô nhiễm nhiều nguồn thực phẩm hữu cơ với các protein phức tạp (loại nấm thích)
chẳng hạn như tảo bẹ, dung dịch thuỷ phân cá và axit humic.

Dùng phân trà cho bãi cỏ


Một trong những cách tốt nhất để thiết lập hệ sinh thái phù hợp cho các bãi cỏ là sử
dụng phân trà được sục khí và chứa ít vi khuẩn theo tỷ lệ 19 lít trên 4,000m2. Chúng
tôi thừa nhận đầu tiên rằng việc bón phân trà trên một bãi cỏ lớn có thể gặp khó
khăn nếu bạn không có thiết bị phù hợp. Thuê dịch vụ bên ngoài là cách dễ nhất
nhưng có thể khó sắp xếp và tốn kém hơn nhiều so với việc tự làm.

Máy phun bê tông (xem chương 17) phù hợp với diện tích nhỏ. Đối với các khu vực
rộng lớn hơn, bạn nên cân nhắc một vòi phun nước di động (một vòi phun nước đi
theo ống đặt trên bãi cỏ) với một bộ phân phối phân bón nội tuyến (một thùng
chuyên dụng để rải phân hòa tan) được gắn vào nguồn nước của bạn. Thay vì đựng
phân bón, bộ phân phối có thể chứa đầy phân trà đã sục khí, nó sẽ cung cấp trà cho
vòi phun nước khi di chuyển khắp bãi cỏ.

Dịch vụ cho thuê bình xịt trà tới bãi cỏ. Ảnh của Judith Hoersting.

247
Máy tưới cỏ di động và máy rải phân bón giúp việc bón trà lên bãi cỏ trở nên dễ
dàng. Ảnh của Judith Hoersting.

Nếu bạn định bón phân trà cho một bãi cỏ thực sự lớn, bạn có thể cân nhắc việc
thuê hoặc mua một máy thổi khí (và sử dụng chế độ thấp nhất, nhẹ nhàng nhất của
nó). Bạn có thể phun sương cho một mẫu cỏ trong khoảng từ năm đến mười phút và
phun lên những cây cao tới 10 mét. Thuê là ý tưởng tốt nhất, vì bạn sẽ chỉ cần dùng
vào mùa xuân và mùa thu một khi mạng lưới thức ăn đất đã được thiết lập. Đảm bảo
bể không có tàn dư thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hoặc các hóa chất độc hại khác.

Một khi bãi cỏ của bạn có một hệ thống lưới thức ăn trong đất phát triển mạnh, việc
chăm sóc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Bạn sẽ không còn phải lợp hoặc cào vụn cỏ tỉa hoặc
lá. Bạn sẽ ít phải tưới nước hơn, cắt cỏ ít thường xuyên hơn và trên hết là bạn có thể
thoải mái vui chơi và làm việc trên bãi cỏ của mình mà không cần lo lắng về các hóa
chất độc hại.

248
Chương 21
Chăm sóc cây thân gỗ, cây bụi
và cây lâu năm
Cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm là những yếu tố chính trong cảnh quan của bất
kỳ sân vườn nào. Tuy nhiên, chúng hiếm khi nhận được bất kỳ sự chăm sóc chuyên
biệt nào mà thay vào đó bị đánh đồng chung với bãi cỏ. Bất cứ phân bón nào được
bón cho cỏ thì cũng là thứ cây thân gỗ và cây bụi nhận được, và tất cả các cây lâu
năm cũng vậy. Rễ của cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm chạy dưới bãi cỏ, chúng bị
ảnh hưởng bởi mạng lưới rễ ngầm và việc sử dụng thuốc diệt cỏ không chọn lọc,
ngoài việc diệt cỏ dại còn giết chết cả những sinh vật có ích bảo vệ thực vật. Với lưới
thức ăn trong đất bị thu hẹp dần, bạn phải trở thành người bảo vệ và tiếp tục nuôi
cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm.

Cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm thích loại đất trội nấm
Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao hoa tử đinh hương không bao giờ nở? Hay tại sao cây
vân sam đó không sống được khi bạn trồng nó ở giữa bãi cỏ xanh tươi, đẹp đẽ được
bón phân nitrat? Hãy nhớ rằng, Quy tắc số 3 nói rằng cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu
năm thích nitơ của chúng ở dạng amoni, không phải nitrat. Điều này có nghĩa là đất
phải có nấm. Mặt khác, các bãi cỏ thích hợp nhất với đất có nitrat hoặc đất có xu
hướng vi khuẩn chiếm ưu thế hơn một chút, và vấn đề nằm ở đó. Nếu đất có rất
nhiều vi khuẩn, nhiều cây sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập sinh trưởng.

Được bao quanh bởi các cỏ có thể không phải là điều tốt cho cây thân gỗ, cây bụi và
cây lâu năm – hoặc nông dân – trừ khi có các phương pháp quản lý lưới thức ăn
trong đất mà có thể tạo ra một mạng lưới riêng ở nơi mỗi cây phát triển. Chúng tôi
249
nhận thấy rằng cây thân gỗ và cây bụi nói riêng có thể đóng vai trò như các mẫu thử
nghiệm trong cảnh quan, ví dụ như một loài cây lá kim thèm nitơ amoni có thể nằm
ở giữa bãi cỏ nơi thiên về nitrat. Vậy, mẹo là hãy cố gắng tạo một hòn đảo xung
quanh mỗi cây và bụi cây với một mạng lưới thức ăn trong đó nấm chiếm ưu thế.

Một số ngoại lệ đối với Quy tắc số 3 là cây thân gỗ và cây bụi thường được coi là
đóng vai trò chuyển tiếp trong quá trình phát triển kế thừa của hệ sinh thái từ sa
mạc đến rừng già. Loại quen thuộc nhất trong số này là cây bông gòn, cây bạch
dương và cây dương. Những cây này hoạt động tốt trong đất trội vi khuẩn khi còn
nhỏ vì ở giai đoạn phát triển chúng có thể dễ dàng hấp thụ nitrat. Tuy nhiên, khi
trưởng thành, ngay cả những loài này cũng thích nitơ amoni hơn.

Cây phát triển trong môi trường cân bằng hoặc trội vi khuẩn sẽ được hưởng lợi từ
lớp phủ đất có khả năng thu hút nấm. Ảnh của Judith Hoersting.

250
Cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm không thích đất nén chặt
Cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm thường là nạn nhân của đất nén, đặc biệt là khi
chúng được trồng trên bãi cỏ (trường hợp của cây thân gỗ và cây bụi) hoặc trong
vườn có lối đi (trường hợp cây lâu năm). Cần thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa
để ngăn chặn tình trạng này (và thực hiện từng bước để khắc phục nó), vì rễ (và
đương nhiên là thực vật) hoạt động tối ưu trong môi trường đất có cấu trúc tốt, và
cấu trúc đất tốt như bạn biết đòi hỏi một lưới thức ăn hoạt động tích cực.

Các sinh vật lớn hơn không thể tồn tại trong đất nén – chúng không thể di chuyển
qua đất nén để tìm kiếm thức ăn vì các con đường di chuyển đã bị phá hủy; nếu tình
trạng đất bị nén thực sự nghiêm trọng, nó rất khó có thể tạo ra con đường mới,
hoặc không đáng để quan tâm nữa. Khi tuyến trùng và nhiều động vật nguyên sinh
biến mất, chất dinh dưỡng tích tụ trong sinh khối nấm và vi khuẩn thay vì được giải
phóng và tiếp cận cây trồng. Đồng thời, nấm rễ cộng sinh mong manh của rễ cây
thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm bị nghiền nát hoặc dìm chết; theo đúng nghĩa đen;
nấm rễ cộng sinh cạnh tranh với Nấm Pythium và Nấm Rhizoctonia, hai loại nấm gây
ra các vấn đề thối rễ và thân, sẽ biến mất. Sau một thời gian, các sinh vật trong lưới
thức ăn trong đất duy nhất còn sót lại là vi khuẩn, nấm cơ hội và động vật nguyên
sinh có kích thước nhỏ đến mức chúng có thể di chuyển qua đất bị nén chặt. Lưới
thức ăn không còn khỏe và chắc chắn không có nhiều nấm như cây thân gỗ và cây
bụi ưa thích.

Rễ cây cũng khó di chuyển qua đất nén chặt. Và vì chúng không còn có thể dựa vào
nấm rễ cộng sinh để mang lại chất dinh dưỡng, thực vật phải đối mặt với một cuộc
khủng hoảng kép trong đất nén: chúng không chỉ không nhận được loại nitơ chúng
thích, mà khả năng tiếp cận với nước, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác sẽ bị
hạn chế. Rễ cây sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.

251
Mọi thứ trở nên tệ hơn. Sức nén làm giảm mức oxy và vi khuẩn kỵ khí sẽ tiếp quản.
Vi khuẩn kỵ khí tạo ra các sản phẩm trao đổi chất làm chết rễ. Các đường hầm và
hang hốc mà nước chảy qua, kéo và đẩy không khí biến mất. Không có nấm rễ cộng
sinh, không có nấm có lợi, những nhân tố có hại chiếm ưu thế – đây không phải là
một tình huống vui vẻ gì.

Làm thoáng khí ở khu vực bị tác động chỉ là bước đầu tiên để khắc phục tình trạng
đất bị nén. Nếu bạn không có các sinh vật thích hợp trong lưới thức ăn trong đất để
cải thiện tình hình, lợi ích của việc làm thoáng khí sẽ rất ngắn ngủi. Giải pháp là áp
dụng thực hành các cách quản lý lưới thức ăn và trả lại các sinh vật cần thiết để xây
dựng và duy trì cấu trúc đất. Lớp phủ, phân trộn và phân trà đều rất hiệu quả khi xử
lý đất nén xung quanh cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm.

Áp dụng cả ba công cụ dành cho lưới thức ăn trong đất


Lớp phủ nâu, phân trộn chứa nấm và phân trà hoạt động tốt nhất khi được dùng để
chăm sóc cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm. Bắt đầu với phân trộn và bón nó sâu
dưới tất cả các gốc cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm từ 2,5 đến 5cm. Bón phân xa
tối thiểu tới các ống tưới nhỏ giọt của cây thân gỗ hoặc bụi cây, nhưng hãy đảm bảo
phân trộn không tiếp xúc với cành hoặc thân của bất kỳ loại cây nào trong số này
(để vi khuẩn trong phân trộn không tấn công vỏ cây). Rõ ràng, bạn nên từ bỏ việc cố
gắng trồng cỏ dưới gốc cây.

Lực hấp dẫn không phải là lý do duy nhất khiến cây thân gỗ và bụi cây rụng lá ở nơi
chúng đứng. Nitơ và carbon trong những chiếc lá này được tái chế một cách tự
nhiên và một số sẽ quay trở lại cây. Thiên nhiên bồi lớp phủ lên rễ cây; bạn cũng nên
sử dụng lớp phủ nâu này và một lần nữa, rải chúng xa ít nhất tới các ống tưới nhỏ
giọt của cây. Bồi lớp phủ ngay cả khi bạn không có phân trộn để dưới gốc cây của
mình. Bắt đầu với lá của chính cây đó nếu có thể (chạy máy cắt cỏ để tách cấu trúc
những lá này cho vi khuẩn và nấm tiếp cận), đừng loại bỏ chúng. Thêm vào lớp phủ

252
tự nhiên bất kỳ lớp phủ nâu nào, nhưng đừng để lớp phủ quá dày. Một vài inch (1
inch = 2,54cm) lớp phủ nâu là tất cả những gì cần thiết để hỗ trợ một quần thể nấm
khỏe mạnh. Lớp phủ có thêm lợi ích nữa là ngăn chặn cỏ và cỏ dại bằng cách cản
sáng.

Bón phân trộn và lớp phủ dưới cây thân gỗ và cây bụi xa tối thiểu tới ống tưới
nhỏ giọt của cây. Sơ đồ của Tom Hall, Ủy ban Lâm nghiệp Georgia, www.forestryimages.org .

Cuối cùng, hãy cân nhắc việc bón phân trà xung quanh cây thân gỗ, cây bụi và cây
lâu năm, một lần vào đầu mùa sinh trưởng (hai tuần trước khi cây ra lá) và một lần
nữa vào cuối mùa, ngay khi lá rụng xong dưới gốc cây. Các vi khuẩn trong trà sẽ đẩy
nhanh quá trình phân huỷ trong những tháng mùa đông và tiếp sức cho một mạng
lưới thức ăn lành mạnh nơi mà nấm chiếm ưu thế. Bạn có thể chỉ đơn giản là tưới
nước ngập đất và không cần phải bận tâm đến việc phun thêm gì cả, ngoại trừ với
cây lâu năm, ngoài hai lần tưới nước ngập đất nên được phun thêm phân trà ít nhất
một lần sau khi lá mới xuất hiện để bổ sung vi sinh cho bề mặt thực vật trên mặt
đất.

253
Mối quan hệ nấm rễ cộng sinh
Trước khi trồng cây, cây bụi và cây lâu năm, hãy cấy vào chúng nấm rễ cộng sinh.
Chúng có thể được mua tại các vườn ươm. Hãy nhớ rằng, có hai loại nấm rễ cộng
sinh cơ bản – những liên kết xâm nhập rễ, và những liên kết không xâm nhập rễ – vì
vậy, điều quan trọng là bạn nên biết được chính xác loại nào. Sử dụng loại nấm rễ
nào trên cây gì được trả lời ở Quy tắc số 16 và số 17: một lần nữa, hầu hết các cây lá
kim và cây gỗ cứng (bạch dương, các loại sồi, hồ đào) hình thành mối quan hệ nấm
rễ với hệ nấm ngoại cộng sinh; hầu hết cây bụi, cây gỗ mềm và cây lâu năm hình
thành quan hệ nấm rễ với hệ nấm nội cộng sinh. Các quy tắc này dựa trên nghiên
cứu của các nhà khoa học đất, những người hiện có công cụ để hệ thống hoá đánh
giá loại nấm nào kết hợp tự nhiên với loại cây nào. Có những ngoại lệ cho các quy
tắc này. Ví dụ, các cây thuộc họ thạch nam, bao gồm các loại đỗ quyên và việt quất,
yêu cầu loại nấm rễ cộng sinh dành cho họ đỗ quyên, loại này chưa có trên thị
trường. Dù vậy, bạn sẽ có mảnh đất tương đối ổn định miễn là tuân thủ các quy tắc
trên (với điều kiện đất không bị nén).

Bào tử nấm rễ cộng sinh phải tiếp xúc trực tiếp với rễ cây trong vòng 24 giờ kể từ
khi tiếp xúc với độ ẩm để có thể phát triển. Các chế phẩm thương mại có chứa nấm
rễ cộng sinh luôn ở dạng bột hoặc hạt khô (trộn với nhiều nguyên liệu khác nhau để
thuận tiện cho việc vận chuyển), vì vậy chúng dễ dàng sử dụng cho cây sắp trồng
xuống đất. Bạn chỉ cần rắc thuốc lên rễ hoặc nhúng rễ trực tiếp vào bào tử trước khi
trồng, sau đó tưới nước cho cây mới như bình thường.

Bào tử nấm rễ cộng sinh. Dẫn nguồn từ


Mycorrhizal Applications, www.mycorrhizae.com.

254
Cây thông bên trái đã được xử lý với bào tử nấm rễ cộng sinh khi trồng; lưu ý sự
tăng kích thước của cây con và hệ rễ của nó.
Dẫn nguồn từ Mycorrhizal Applications, www.mycorrhizae.com.

Nấm sẽ khó định cư hơn ở những cây đã tồn tại. Hãy hy vọng rằng đất của bạn
không bị thoái hóa đến mức làm ảnh hưởng đến nấm rễ cộng sinh tự nhiên. Hãy tìm
dấu hiệu của nấm rễ dưới dạng một cây nấm cụ thể mọc gần một loại cây. Ví dụ, cây
bạch dương thường hình thành mối liên hệ với nấm tán giết ruồi, Amanita muscaria.
Nếu cây của bạn có nấm dưới khu vực ống tưới nhỏ giọt, thứ bạn nhìn thấy có thể là

255
một tổ hợp nấm rễ cộng sinh đã tồn tại sẵn và bạn sẽ không cần phải thêm gì để tạo
ra một cái nữa.

Nếu bạn có sân với đất bị nén chặt, không thấy cây nấm nào xung quanh cây và bụi
cây, hoặc nhận thấy chúng hoạt động không tốt, hãy cân nhắc sử dụng dụng cụ bón
rễ hoặc ống tiêm dài (loại dùng để bôi keo) để cấy các loại nấm rễ cộng sinh thích
hợp vào rễ cây. Trong trường hợp của hầu hết các cây lâu năm và cây bụi, bạn có thể
cẩn thận đào sâu vào vùng rễ với thuổng hoặc bay, và bôi các bào tử nấm nội sinh
bất cứ khi nào bạn bắt gặp rễ.

Cây bạch dương thường hình thành quan hệ nấm rễ với nấm Amanita muscaria .
Ảnh của Judith Hoersting.

256
Cây không bị căng thẳng sẽ khỏe mạnh hơn
Cây bị căng thẳng phát ra tín hiệu được nhận biết bởi rệp và các côn trùng khác;
chúng biết cây nào yếu và tấn công. Những cây không bị căng thẳng không những
không phát ra tín hiệu này, thậm chí còn có thể tạo thêm sáp và nhựa để bẫy bất kỳ
loài bọ cánh cứng nào cố xâm nhập. Dịch tiết của cây thu hút tất cả các vi sinh vật
thích hợp. Lá của chúng được phủ một lớp vi khuẩn có lợi và nấm để chống lại bệnh
tật. Rễ của chúng đã hình thành nấm rễ cộng sinh giúp tăng khả năng tiếp cận và
hấp thụ phốt pho, sau đó tiêu hoá nó với thật nhiều nước.

Điểm mấu chốt khi nói đến việc chăm sóc cây thân gỗ, cây bụi và cây lâu năm đó là:
hãy cố gắng trồng chúng trong đất trội thành phần nấm. Nếu không, hãy bón phân
trộn, bồi lớp phủ và phân trà xung quanh chúng. Hãy để những chiếc lá ngay nơi gốc
cây chúng rụng xuống. Và trên hết, hãy sử dụng cả ba công cụ phục vụ lưới thức ăn
trong đất, đặc biệt là phân trà khi có dấu hiệu đầu tiên của bất kỳ bệnh nào.

257
Chương 22
Trồng cây hàng năm và rau củ
Một ngành công nghiệp toàn diện được xây dựng xung quanh việc bón phân cho cây
hàng năm và rau. Bãi cỏ có lẽ là nơi hứng chịu phân hóa học số một, nhưng cà chua
và cúc vạn thọ cũng không hề kém cạnh. Cùng với một nồng độ nitrat hòa tan cao
tương tự cho bãi cỏ, chỉ cần điều chỉnh tỷ lệ phần trăm một chút, sẽ hoạt động khá
tốt khi bón cho hoa và rau; và vòng luẩn quẩn của việc bón phân hoá học cho bãi cỏ
cũng sẽ xảy ra trên các luống hoa và rau của bạn. Vòng tuần hoàn tự nhiên của chất
dinh dưỡng kết thúc. Lượng phân bón hoá học bạn phải cung cấp cho cây trồng sẽ
ngày càng tăng vì không còn vi sinh để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, và khi
thiếu vi sinh, cấu trúc đất sẽ xấu đi. Nếu không có một lưới thức ăn trong đất lành
mạnh, các động vật và mầm bệnh cơ hội sẽ xuất hiện, và bạn sẽ cần thêm những
chất hoá học khác để đuổi chúng đi hoặc cân bằng chúng.

Các loại rau và cây hàng năm thích loại đất trội vi khuẩn
Muốn biết đất trong luống rau và hoa của bạn như thế nào, hãy tìm giun đất. Chúng
tồn tại bằng cách ăn động vật nguyên sinh và vi khuẩn, và cũng như với các bãi cỏ,
nếu bạn có nhiều giun đất và phân giun đất trong đất, thì đất của bạn sẽ có giàu vi
khuẩn với nhiều nitrat, đây là thứ mà hầu hết các loại rau và cây hàng năm ưa thích
(hãy nhớ Quy tắc số 2). Sử dụng phễu Berlese và xem những loại động vật chân đốt
nào đang di chuyển trong đất. Bạn muốn nhìn thấy nhiều bọ ve ăn vi khuẩn và sự đa
dạng của động vật. Đo độ pH của đất trong tầng sinh quyển. Nếu nó có tính kiềm,
rất có thể vi khuẩn chiếm ưu thế. Tương tự, tính axit có nghĩa là đất có nấm và nấm
chiếm ưu thế. Cuối cùng, lấy đất của bạn để kiểm tra thành phần vi sinh; đây là cách
tốt nhất để biết đất đang thiếu cái gì. Đương nhiên bạn có thể kiểm tra cả thành

258
phần NPK, nhưng thực chất tình trạng hệ sinh thái trong đất mới là cái bạn nên cần
biết.

Không cày xới


Nếu bạn là một người làm vườn hữu cơ, bạn có thể đã sử dụng một hoặc hai trong số
các công cụ lưới thức ăn trong đất. Nhưng có một phương thức thực hành hữu cơ
truyền thống mà chúng tôi phải yêu cầu bạn từ bỏ. Chúng tôi khuyến khích nguyên
tắc không cày xới. Đây là một cú sốc thực sự đối với những người thường xuyên xới
hoặc đảo đất. Việc xới đất đã ăn sâu vào tâm lý của người làm vườn và Quy tắc số 18
là một nguyên tắc đặc biệt đi ngược lại với điều đó: xới đất và xáo trộn đất quá mức
sẽ phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng lưới thức ăn trong đất. Đây là những cách
thức thực hành đã lỗi thời và nên từ bỏ khi thiết lập đất nền cho vườn. Đây là dị giáo
trong hầu hết các giới làm vườn. Nhiều người làm vườn hữu cơ ủng hộ việc xới đất
và đào kép như những cách để trộn chất hữu cơ trở lại đất; thực sự, các nhà sản xuất
máy xới đất là những nhà quảng cáo lớn trên các ấn phẩm quảng bá làm vườn hữu
cơ.

Có thể nói, hoạt động nông nghiệp lâu đời là cày xới đất bắt đầu thịnh hành khi luật
sư Jethro Tull (1674–1741) thừa kế một trang trại ở miền nam nước Anh và phát minh
ra một máy khoan hạt giống có thể đặt hạt giống ở độ sâu đã định trước một cách
cơ học thay thế làm thủ công bằng tay. Tull cũng tích cực khuyến khích người làm
vườn xới đất trước khi trồng màu; ông đã nhận thấy rằng rau phát triển tốt hơn
trong đất tơi xốp và từ đó kết luận rằng rễ cây có những cái miệng tí hon và ăn các
hạt đất (không thì còn cách nào khác để cây có thể hấp thụ chất dinh dưỡng?). Tin
rằng đất tơi xốp bao gồm các hạt nhỏ sẽ vừa với vào “miệng” rễ tốt hơn, ông đã phát
triển một chiếc máy cuốc ngựa để đưa lý thuyết của mình vào thực tế. Các bài viết
của ông sau đó đã thu hút sự chú ý của những người làm vườn như quý ông George
Washington và Thomas Jefferson, những người đã khuyến khích những người bạn
Mỹ của mình phá cấu trúc đất. Kết quả cuối cùng là hầu hết những người làm vườn
259
tại nhà vẫn làm tơi và cày xới đất của họ ít nhất hàng năm, mặc dù chúng ta biết rễ
cây không ăn đất.

Vì những lý do mà Tull và những người cùng thời của ông không biết, rau phát triển
tốt hơn trong đất được xới đất lần đầu và bổ sung thêm phân động vật. Điều này
không liên quan gì đến các hạt đất nhỏ; đó là bởi vì làm tơi đất hỗ trợ Quy tắc số 2.
Phá cấu trúc đất rừng để trồng một khu vườn thực sự không chỉ là làm một cánh
đồng trơ trụi cây; nó còn đảo ngược kết quả của nhiều năm đất hình thành, phá hủy
mạng lưới nấm trong đất. Với ít nấm hơn, vi khuẩn chiếm ưu thế, một lợi ích cho các
loại rau và cây trồng ưa nitrat. Việc những người làm vườn Mỹ thời kỳ đầu bổ sung
phân động vật cũng làm tăng đáng kể quần thể vi khuẩn, vì đây là thức ăn tuyệt vời
cho vi khuẩn.

Vì vậy, trước mắt, phá cấu trúc đất rừng nguyên sinh của Mỹ và trộn phân chuồng
làm đất thích hợp cho nông nghiệp; tuy nhiên, việc xới đất hay nói cách khác là đảo
đất cũng hủy hoại cấu trúc đất và thay đổi hệ sinh vật đất, phá vỡ lưới thức ăn trong
đất. Nó băm nhỏ những sợi nấm dài hàng dặm tồn tại kể cả trong đất giàu vi khuẩn.
Các đường hầm giun đào và các kẽ hở giữa các hạt đất sẽ bị tàn phá. Chắc chắn, đất
sẽ bông hơn sau khi cày xới, nhưng đó là cách mô tả một con cún, chứ không phải
mô tả về đất. Lần đầu khi nước tiếp xúc với đất bị xáo trộn, đất bắt đầu nén lại, xoáy
tròn, và trôi xuống mỗi khi có mưa hoặc luống rau được tưới nước.

Ngay cả những loại đất giàu vi khuẩn cũng cần phải chứa một số loại nấm để duy trì
cấu trúc đất và sự đa dạng của vi sinh vật. Thực hành làm vườn sử dụng lưới thức ăn
trong đất yêu cầu rằng đất vườn rau và cây hàng năm nên hạn chế bị xáo trộn, trừ
khi bạn đang cố gắng thiết lập một vườn rau hoặc cây hàng năm trên đất giàu nấm.
Dùng bay, then hoặc dụng cụ đào lỗ để tạo các lỗ riêng rẽ cho cây hoặc hạt giống.
Bạn cũng có thể dùng một một cái cuốc hoặc một góc của tấm ván 2x4 để rẽ hàng
và trồng cây để ít xáo trộn nhất có thể, lấp đất lại bằng phân trộn giàu vi khuẩn. Bạn

260
sẽ thấy ít cỏ dại hơn bằng cách sử dụng phương pháp này vì bạn không phải mở cấu
trúc đất và để hạt cỏ dại tiếp xúc với ánh sáng cần thiết cho sự nảy mầm.

Lưới thức ăn trong đất là những người làm vườn tuyệt vời

Làm thế nào bạn khuyến khích sự hoạt động của vi khuẩn cần thiết cho cây hàng
năm, rau và cây trồng theo luống nếu không thể cày xới? Giống như mọi thứ trong
lưới thức ăn đất, nếu bạn cho chúng ăn, chúng sẽ đến. Lớp phủ xanh thúc đẩy vi
khuẩn. Trong trường hợp này, lớp phủ xanh không chỉ cung cấp chất dinh dưỡng
cho các vi sinh cần thiết cho lưới thức ăn mà còn ngăn cỏ dại nảy mầm, giữ độ ẩm
và ngăn sự bốc hơi. Vi khuẩn cũng thích những thứ dễ tiêu hóa, vì vậy lớp mùn xanh
càng mịn thì lượng vi khuẩn phát triển càng cao. Vì vi khuẩn trong đất cũng ưa thích
sự ẩm ướt, nên lớp phủ ẩm ướt hơn – ở một mức nào đó – cũng sẽ thúc đẩy vi
khuẩn. Tuy nhiên, có một ranh giới giữa lớp phủ ẩm, hiếu khí và lớp mùn ướt tạo
điều kiện yếm khí, vì vậy hãy cẩn thận. Sử dụng mũi để kiểm tra. Nếu có mùi hôi,
điều đó có nghĩa bạn cho quá nhiều nước vào và bạn cần làm thông thoáng khí cho
lớp phủ cũng như tưới nước ít lại.

Ngoài lớp mùn giàu vi khuẩn, đất của bạn nên có nhiều chất hữu cơ để nuôi các vi
sinh vật đang nuôi cây của bạn. Sử dụng bất kỳ thức ăn vi sinh hữu cơ nào – với cả
ba chỉ số NPK dưới 10 – để đảm bảo rằng các loại nấm mỏng manh không bị tiêu
diệt. Bạn có thể bón vào vùng rễ khi trồng cây, hoặc bón phụ trước khi phủ đất và
sau đó bổ sung nếu cần. Sử dụng các loại trà giàu vi khuẩn để tưới ngập đất và phun
lá nhằm ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tật và giữ cho quần thể vi sinh vật trong đất
ở số lượng cao.

Cỏ được xén là lớp phủ xanh tuyệt vời để phủ xung quanh hoa hàng năm và rau vào
mùa sinh trưởng. Mặc dù mất màu và chuyển sang “nâu”, chúng vẫn được coi là mùn
“xanh” bởi vì khi được cắt ra, chúng vẫn còn lại đường ngay cả sau khi chất diệp lục
đã mất đi. Điều này cũng đúng với rơm. Vẫn nên bổ sung chất hữu cơ cho đất vườn
261
vào mùa thu để chúng có cơ hội kịp phân huỷ trước vụ gieo trồng mùa xuân. Hãy
thử bột cỏ linh lăng, rơm, hoặc vụn cỏ xén – tất cả đều là thức ăn tốt cho vi khuẩn.
Các vi khuẩn bắt đầu hoạt động vào mùa thu; trong thời điểm này, chúng có thể
tổng hợp tất cả lượng nitơ cần thiết với cacbon có sẵn mà không gây ảnh hưởng đến
nhu cầu dinh dưỡng của cây. Nitơ tồn đọng trên mặt đất và lớp phủ, nếu có, sẽ được
chấm dứt vào mùa xuân.

Khi nói đến việc trồng cây cần nitrat, các quần thể động vật nguyên sinh và tuyến
trùng cũng là một phần của chu trình, vì chúng là cơ chế hoạt động tuần hoàn.
Dùng súp động vật nguyên sinh tưới ngập đất giúp tăng khả năng luân chuyển chất
dinh dưỡng trong vườn rau và hoa. Có thể mất một tuần hoặc lâu hơn để các động
vật nguyên sinh tìm thấy vi khuẩn ở vùng rễ, vì vậy hãy dùng súp chứa động vật
nguyên sinh tưới lên thức ăn của vi khuẩn. Các chế phẩm tuyến trùng thương mại
được tung ra dành cho thị trường làm vườn thường chỉ hiệu quả cho các loài gây hại
như sên. Cách tốt nhất để tăng quần thể tuyến trùng có lợi cho tuần hoàn dinh
dưỡng, và cho đến nay là kinh tế nhất, vẫn là phân trộn tốt và phân trà.

Vườn rau được phủ rơm rạ. Nguồn: National Garden Bureau.
262
Và, tất nhiên, bạn sẽ có được lợi ích từ hoạt động của nấm rễ cộng sinh trong vườn
nếu tuân theo các thực hành của lưới thức ăn trong đất. Nấm rễ cộng sinh thậm chí
còn giúp cây trồng trong chậu. Mùa vụ càng dài, vai trò của chúng càng lớn. Điều
này là do những loại nấm này cần có thời gian để hình thành và phát triển. Quy tắc
số 19 nói rằng những người làm vườn theo phương pháp lưới thức ăn đất luôn cần
trộn nấm nội cộng sinh với hạt giống của cây hàng năm và rau lúc mới trồng hoặc
lúc cấy.

Trong số những loài thực vật không hình thành quan hệ nấm rễ cộng sinh, phần
nhiều là các loại rau. Cụ thể là họ Brassicaceae (cải bắp, cải xanh, súp lơ xanh) và
Chenopodiaceae (rau bina, củ cải, rau muối) không hình thành liên kết nấm rễ; sử
dụng các sản phẩm nấm rễ cộng sinh trên những loại cây này là một sự lãng phí thời
gian và tiền bạc.

Cúc vạn thọ trong chậu bên phải cho thấy lợi ích của nấm nội cộng sinh.
Nguồn: Mycorrhizal Application, www.mycorrhizae.com.

263
Chùm rễ lớn hơn đáng kể khi cây ngô (họ Gramineae) được xử lý bằng nấm nội cộng
sinh, như hình minh họa bên phải.Nguồn: Mycorrhizal Application, www.mycorrhizae.com.

Một khi ngừng sử dụng hóa chất, bạn sẽ dần tìm thấy giun đất trong vườn rau và
vườn hoa của mình. Việc bón một vài cm phân trộn giàu vi khuẩn vào đầu mùa thu
sẽ giúp thu hút và hỗ trợ giun đất, cũng như tưới ngập đất bằng phân trà giàu vi
khuẩn. Nếu bạn không thu hút được giun đất, đó là dấu hiệu cho thấy bạn cần phải
tăng quần thể vi khuẩn và động vật nguyên sinh. Hãy làm thế, và kết hợp đưa giun
đất vào vườn rau và cây hàng năm nếu bạn muốn đẩy nhanh tiến độ. Bạn có thể tưới
nước ngập đất cho cây từ mỗi tuần đến một lần một tháng, tùy thuộc vào hiệu quả.

Cỏ dại
Phản ứng thông thường của người làm vườn đối với cỏ dại trong vườn hoa hoặc rau
là sử dụng bất kỳ loại thuốc diệt cỏ nào được khuyến nghị và thường nhiều hơn một
chút so với chỉ dẫn. Dĩ nhiên đây không phải là thực hành theo phương pháp lưới
thức ăn trong đất. Sử dụng thuốc diệt cỏ không chọn lọc gây hại cho cộng đồng
sinh vật trong đất giống như cách phân bón hóa học gây ra, giết chết các động vật
chân đốt vi mô và vĩ mô, cũng như vi sinh vật. Thay vào đó, hãy nhặt sạch cỏ dại một
264
cách cẩn thận hoặc sử dụng giấm, nhiệt, nước sôi, gluten bắp ngô và các phương
pháp kiểm soát cỏ dại khác để lại ít hậu quả tạm thời hơn đối với hệ vi sinh vật trong
đất. Nếu cần dùng đến thuốc diệt cỏ (và chúng tôi chân thành hy vọng là không),
bạn phải thực hiện các biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt (Quy tắc số 15). Để
những chất độc này gây ra thiệt hại thì sau đó thực hiện các bước sử dụng cả ba
công cụ lưới thức ăn trong đất để đưa sinh vật quay lại nơi chúng thuộc về.

Trước hết, khi nói đến việc ngăn chặn cỏ dại thì không có gì đánh bại được lớp phủ.
Các loại cỏ dại cần nitơ, photphat và lưu huỳnh muốn nảy mầm và phát triển được
sẽ bị hệ sinh học trên bề mặt của đất và lớp phủ ngăn chặn. Điều này làm cho cỏ dại
khó phát triển gấp đôi, ngoài việc không có ánh sáng và bị rào cản vật lý, chúng sẽ
nhận được ít dinh dưỡng hơn. Thật vậy, khi bạn nghĩ về nó, tại sao phải loay hoay với
các công cụ khác như phân trộn và phân trà? Hãy đặt 2 đến 3 inch (5 đến 7,5cm) lớp
phủ chứa vi khuẩn trước khi cỏ dại xuất hiện, chú ý để lại một chút đất “trống" xung
quanh thân cây của bạn.

Ngoài việc phủ lớp phủ, những người làm vườn bằng lưới thức ăn trong đất không
bao giờ phải lo lắng về cỏ dại nữa. Thực tế là, kinh nghiệm đã thuyết phục được
chúng tôi rằng việc trả lại hệ vi sinh thích hợp cho đất có thể là bước duy nhất bạn
cần làm để kiểm soát các loại cỏ dại hàng năm, những loài phát triển mạnh nhờ
nồng độ nitrat cao có trong phân bón hóa học. Nhiều loài thực vật gây hại trong
vườn đã biến mất khi chúng tôi bắt đầu sử dụng lưới thức ăn trong đất. Cây tinh
thảo, kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi, đã hoàn toàn biến mất, vì chúng
không còn nhận được lượng nitrat cao và sẽ gặp khó khăn để nảy mầm, hạt của
chúng bị chôn vùi dưới lớp phủ và không thể tiếp xúc với ánh sáng vì chúng tôi
không đào xới đất.

Phân bón có hàm lượng nitơ cao khuyến khích sự phát triển cỏ dại cơ hội. Với nguồn
cung cấp nitrat dồi dào, các loại cây không được chào đón đột nhiên được tiếp thêm
thực phẩm để lấn át. Đau lòng hơn nữa, các loại nấm rễ cộng sinh mà rau và cây
265
hàng năm của bạn sử dụng giúp lấy nước và chất dinh dưỡng, đặc biệt là phốt phát
sẽ bị giết. Cây chủ cũng không hoạt động tốt; cỏ dại trên bề mặt ưa nitrat phát triển
nhanh hơn và tràn ngập vườn, cạnh tranh ánh sáng với các cây trồng chính.

Một khi bạn có được lưới thức ăn trong đất hoạt động, bất kỳ thành phần nitrat nào
cần cho cây trồng sẽ đến từ quá trình luân chuyển tự nhiên. Thay vì được đổ vào ở
dạng chất hóa học nồng độ cao và giết chết lưới thức ăn trong đất, chỉ các loại
nitrat được sử dụng mới được chính lưới thức ăn trong đất tạo ra. Không có hóa
chất và dùng một chút cấy ghép, nấm rễ cộng sinh sẽ quay trở lại.

"Sâu bọ"
Thật không may thế giới không phải lúc nào cũng lý tưởng, nhưng hầu hết các loài
côn trùng (chúng tôi dùng thuật ngữ này để chỉ chung cả nhện và những loài khác
không hẳn là côn trùng) mà chúng ta gặp trong vườn hoa và rau đều hữu ích theo
nhiều cách. Mọi người đều nhớ là côn trùng giúp thụ phấn cho hoa nhỉ? Ấu trùng
của chúng đào hầm và thông khí cho đất, và côn trùng ăn lẫn nhau cũng như tham
gia vào quá trình tái chế chất dinh dưỡng cho thực vật. Trong hầu hết các trường
hợp, số lượng côn trùng mất kiểm soát khi có gì đó không ổn với lưới thức ăn trong
đất, vốn thường đóng vai trò duy trì sự cân bằng giữa sâu bệnh và loài săn chúng.
Nhưng bạn sẽ không bao giờ có một khu vườn hoàn toàn sạch sâu bệnh ngay cả khi
có sẵn lưới thức ăn trong đất. Hãy chấp nhận nó là một phần của khoa học. Nếu lưới
thức ăn trong đất của bạn khỏe mạnh, cộng đồng này sẽ giúp cây trồng chiến thắng
bất kỳ loài côn trùng nào. Nếu có một vài sinh vật có hại, bạn cần nhận ra rằng
chúng giúp duy trì quần thể sinh vật tốt.

Mọi người làm vườn nếu có thể hãy tiếp cận các cơ quan địa phương hỗ trợ việc
phân biệt côn trùng có lợi với sâu bệnh: tìm hiểu về những sinh vật có lợi trong khu
vực của bạn là một phần của việc học làm vườn với lưới thức ăn trong đất. Bọ rùa và
ấu trùng của chúng ăn rệp, vảy và ve nhện. Bọ đất ăn giun chỉ, giòi rễ, sên và ốc. Bọ

266
cánh cứng ăn trứng và giòi ruồi, rệp, ve, sên, ốc và tuyến trùng. Bọ sát thủ rất giỏi
trong việc bắt ruồi, muỗi và sâu bướm. Ruồi xanh và ấu trùng thì ăn rệp, nhện, bướm
trắng và sâu bướm. Ong bắp cày đuổi ruồi. người làm vườn dựa vào mạng lưới thức
ăn trong đất quan sát và tìm hiểu những mối quan hệ này – và nuôi dưỡng những
mối quan hệ tốt.

Một con bọ xít gai nhọn


(Spined soldier bug) đang
ăn của ấu trùng bọ đậu
Mexico (Mexican bean
beetle) trên cây đậu cô ve.
Dẫn nguồn từ USDA-ARS.

Ấu trùng bọ rùa ăn rệp. Nguồn: Đại học


Clemson, Series Trang trình bày Mở rộng Hợp
tác USDA, www.forestryimages.org.

267
Một con bọ xít đang ăn một con
sâu bướm (eastern tent
caterpillar). Ảnh của Robert L.
Anderson, Sở Lâm nghiệp USDA,
www.forestryimages.org .

Ấu trùng ong bắp cày


Braconid ký sinh trên một
loại giun sừng. Nguồn: Công ty
Thuốc lá RJ Reynolds, RJ
Reynolds Tobacco Company Slide
Set, www.forestry-images.org .

268
Chúng ta không còn thích sử dụng thuốc trừ sâu trong vườn hoa và rau nhiều như
thuốc diệt cỏ. Những chất rất không chọn lọc này có tác động tiêu cực rõ rệt đến
mạng lưới thức ăn trong đất (một lần nữa, quy tắc số 15 sẽ chỉ bạn cách làm trẻ hóa
vũ trụ vi sinh vật trong đất và xóa sổ tàn dư của thuốc trừ sâu). Tuy nhiên, đừng
quên những thứ ít xấu hơn – xà phòng diệt côn trùng, thuốc diệt côn trùng thực vật,
Bacillus thuringiensis (Bt) – tất cả đều có những tác động khác nhau đến mạng lưới
thức ăn trong đất, nhưng độc hại nhất vẫn là thuốc trừ sâu hóa học.

Lên lịch để khôi phục và bảo dưỡng


Nếu bạn quen sử dụng phân bón hóa học trong vườn rau và hoa của mình, bạn sẽ
cần cả ba công cụ lưới thức ăn trong đất. Bón 2,5 đến 5 cm phân trộn giàu vi khuẩn
trước khi trồng cây và rau. Phun hạt giống với phân trà giàu vi khuẩn và cấy nấm rễ
cộng sinh trước khi trồng. Sau đó, phủ một lớp phủ xanh. Bắt đầu ứng dụng phân trà
vi khuẩn hàng tuần. Các biện pháp này sẽ khôi phục hoặc duy trì vi sinh vật của lưới
thức ăn trong đất luống rau của bạn.

Bón phân trộn cho các luống hoa và rau. Ảnh của Judith Hoersting.
269
Phun rau với phân trà giàu vi khuẩn ngay khi những chiếc lá đầu tiên xuất hiện và ít
nhất một lần nữa vài tuần trước khi thu hoạch. Phun lần thứ ba lên những tàn dư
còn sót lại từ mùa trồng trọt.

Tránh để đất bị nén, cố gắng tránh xa các luống rau trong vườn, giới hạn hướng và
các lối đi qua chúng. Bón phân trộn bằng cách phủ hoặc rải bên cạnh bất cứ khi nào
có thể, và bón trước mùa đông. Miễn là phân trộn giàu vi khuẩn, không bao giờ là
đủ!

Cuối cùng, điều quan trọng là phải bồi lớp phủ vào mùa thu để vi khuẩn, nấm, động
vật nguyên sinh và tuyến trùng có thể hoạt động xuyên suốt mùa đông để luân
chuyển chất dinh dưỡng.

Hãy khôi phục và duy trì mạng lưới thức ăn trong đất trong vườn hoa và rau của bạn.
Nếu chúng tôi không nhầm, kích thước và hương vị tuyệt vời của các sản phẩm hữu
cơ sẽ chỉ tương xứng với vẻ đẹp đặc trưng của cây lớn lên bằng lưới thức ăn trong
đất.

270
Chương 23
Lịch làm vườn với
Lưới thức ăn trong đất
Có nhiều cách để làm vườn với lưới thức ăn trong đất. Mỗi khu vườn đều khác nhau,
và các lưới thức ăn trong đất của vườn cũng vậy. Khí hậu nữa, nó cũng đóng một vai
trò quan trọng trong thời điểm và thậm chí cả cách bạn áp dụng khoa học lưới thức
ăn trong đất. Khi trời rất lạnh, các loại phân trà chắc chắn sẽ không hoạt động, và
nhiệt độ thấp sẽ làm đóng băng phân trộn và lớp phủ. Thời điểm khô hạn không
phải là lúc tốt nhất để dùng phân trà, và bồi lớp phủ vào thời điểm này còn ngăn cản
lớp đất bên dưới hút nước.

Tuy nhiên, bất kể bạn làm vườn ở đâu, ít nhất nên để ý xem xét các vi sinh vật và các
động vật trong lưới thức ăn đất mỗi mùa trôi qua. Việc chăm sóc sân và vườn không
còn chỉ là về cây cối. Bạn phải chú ý đến vi sinh vật nếu bạn định làm việc cùng với
chúng.

Mùa xuân
Mùa xuân là khi bạn bắt đầu kiểm tra mọi thứ và tăng cường vi sinh cho đất. Đống
phân trộn nên được quây lại để đảm bảo nguồn cung cấp dồi dào trong suốt mùa
trồng trọt. Đảo phân trộn của mùa thu năm ngoái, và nếu bạn còn chỗ, hãy bắt đầu
ủ một đống mới với thành phần nấm trội hơn. Sử dụng tàn dư hữu cơ tích tụ trong
mùa đông và lá rụng của mùa thu năm ngoái. Sử dụng vụn cỏ mới cắt để làm phân
trộn giàu vi khuẩn.

271
Lớp phủ nên được làm thoáng để cho đất ấm lên nếu cần và sau đó đắp lại và bổ
sung. Sử dụng các loại phân trà trên cây con để tưới ngập đất và phun lá. Cấy tất cả
hạt giống và cây với loại nấm rễ thích hợp.

Ba tuần trước khi lá xuất hiện, hãy kiểm tra vi sinh trong đất và phân trà. Bạn không
phải làm điều này hàng năm, nhưng bạn chắc chắn nên làm trong một hoặc hai năm
đầu làm vườn với lưới thức ăn trong đất. Sau đó, cây trồng của bạn sẽ cho bạn biết
tình hình mọi thứ như thế nào. Bạn cũng có thể đem đống phân trộn đi kiểm tra.
Đây cũng là lúc bạn có thể tự mình kiểm tra mọi thứ, sử dụng phễu Berlese và mắt
của mình. Bạn có thể sẽ muốn điều chỉnh bất kỳ khoảng trống nào trong lưới thức
ăn trong đất trước khi trồng.

Hai tuần trước khi ra lá, làm thoáng khí cho thảm cỏ của bạn. Một lần nữa, điều này
không nhất thiết phải được thực hiện hàng năm, nhưng chắc chắn bạn nên cân nhắc
làm vào năm đầu tiên sau khi ngừng sử dụng phân bón hóa học. Sau đó, bạn chỉ cần
làm thoáng khí vào đầu mùa xuân ba hoặc bốn năm một lần, tùy vào tình trạng sân
của bạn; lượng băng tích tụ mỗi mùa đông - nếu có; và trạng thái của lưới thức ăn
trong đất được chứng minh bằng hoạt động của sâu, bọ và nấm.

Sau khi làm thoáng khí (hoặc hai tuần trước khi cây rụng lá, nếu bạn không làm
thoáng khí), hãy bón loại thức ăn vi sinh hữu cơ thích hợp, chẳng hạn như bột đậu
nành cho bãi cỏ. Nếu có quá nhiều nấm (hoặc chỉ độc một loài nấm) vào năm trước,
hãy bón một ít bột cỏ linh lăng vì nó sẽ nuôi nhiều vi khuẩn hơn nấm.

Đây cũng là thời điểm thích hợp để phun phân trà chứa vi khuẩn, với tỷ lệ ít nhất là
khoảng 19 lít cho mỗi 4000m2. Các lối đi trên bãi cỏ được tạo ra trong mùa đông
nên được rào lại và phun phân trà giàu nấm để khôi phục cấu trúc. Khi hoàn thành
việc ủ trà, hãy bỏ phân trộn còn sót và thừa lại trên những lối đi này. Sau một vài lần
áp dụng, mọi thứ sẽ trở nên mềm xốp. Ngay cả khi không có trà, hãy đảm bảo thức

272
ăn vi sinh hữu cơ ở những khu vực này đủ để hỗ trợ các quần thể vi sinh hiện có.
Những chất hữu cơ này sẽ không bao giờ làm hỏng bãi cỏ, vì vậy đừng lo lắng.

Thu dọn lớp mùn nâu bên dưới gốc cây thân gỗ, cây bụi và xung quanh cây lâu năm
sau đó phủ mới nếu cần. Đây là lý do tại sao bạn nên giữ lại lá rụng mùa thu: chúng
có thể không mọc kịp vào mùa xuân. Nếu bạn không có lá có thể dùng vỏ cây. Bạn
có thể rải phân trộn vào thời điểm này và bồi lớp phủ lên trên để kiểm soát cỏ dại.
Bón thức ăn cho nấm (axit humic và axit fulvic, tảo biển nước lạnh, bụi đá phốt phát)
cho cây của bạn, sau đó tưới cây lâu năm và cây bụi phân trà chứa nhiều thành phần
nấm. Phun trà chứa nấm lên cây lâu năm ít nhất một lần sau khi lá của chúng xuất
hiện.

Xử lý hạt giống hoặc cây cấy với loại nấm rễ thích hợp trước. Nếu có thể, ngâm cây
cấy trong phân trà có sục khí trước khi trồng. Xịt phân trà lên hạt trước khi trồng,
và tưới ngập đất sau khi hạt nảy mầm.

Không xới đất vườn rau hay đảo đất ở luống rau hàng năm. Bón khoảng 1.8kg bột
đậu nành mỗi 10m2 ngay khi băng tan, và phun trà giàu vi khuẩn. Khi trồng cây, hãy
đào lỗ cho hạt hoặc chỉ can thiệp mỗi khu vực gieo hạt. Sử dụng nhiều lớp phủ xanh
sau khi đất ấm lên.

Mùa hè
Trong những tháng mùa hè, bạn cần duy trì việc phun và tưới nước từ mùa xuân,
đặc biệt là năm đầu tiên sau khi ngừng sử dụng hóa chất.

Vi sinh vật sẽ lo việc phân huỷ cỏ xén. Nếu cỏ xén tích tụ với tốc độ đáng kể, hoặc
bãi cỏ không đủ xanh và thiếu nước không phải là nguyên nhân, hãy phun súp động
vật nguyên sinh. Tiếp theo hãy bón lần hai bột đậu nành hoặc thức ăn vi sinh. Sẽ rất
hữu ích nếu kiểm tra được điều gì đang xảy ra bằng phễu Berlese. Lưu lại những
thông tin này cho việc so sánh về sau.

273
Sử dụng nhiều phân trộn giàu vi khuẩn và bổ sung thường xuyên lớp phủ xanh sẽ
ngăn chặn cỏ dại trong các khu vườn rau và cây hàng năm. Bón thức ăn vi sinh hai
tuần một lần nếu cần.

Phân trộn nấm và lớp phủ nên được phủ nhiều xung quanh cây thân gỗ, cây bụi và
cây lâu năm. Trộn các loại cành cây trong khối thành phẩm cây rụng. Bạn có thể sử
dụng máy cắt cỏ tại chỗ để tách cấu trúc của chúng và làm mọi thứ trông gọn gàng
hơn.

Bất kỳ cây nào có dấu hiệu bị bệnh hoặc căng thẳng cần được phun ngay phân trà và
sau đó là tưới ngập đất bằng trà.

Mùa thu
Ngay trước khi cây bắt đầu rụng lá, hãy gom cỏ xén cho việc ủ vào mùa thu, việc này
nên được bắt đầu khi cỏ vẫn còn tươi và xanh. Bạn cũng có thể bồi lớp phủ xanh này
lên các luống rau và cây hàng năm, ngay cả khi mùa vụ sắp kết thúc. Sử dụng nấm rễ
cộng sinh trên rễ của cây cấy vào mùa thu.

Biến những chiếc lá rụng trên bãi cỏ thành lớp phủ mịn bằng máy cắt cỏ (bạn có thể
phải nghiền chúng nhiều lần). Để chúng tại chỗ. Việc này sẽ giúp cung cấp nấm để
cân bằng vi khuẩn trong trà mà bạn đã phun cho bãi cỏ. Gom tất cả lá còn sót lại
nhiều nhất có thể. Lá nâu luôn khan hiếm khi đến vụ ủ phân mùa xuân và mùa hè.
Tạo đống phân ủ và giữ phần còn lại.

Bồi lớp phủ lên các luống rau và vườn hoa. Sau khi lá rụng, hãy đảm bảo rằng tất cả
cây, cây bụi và cây lâu năm của bạn cũng được che phủ, và nếu có thể, hãy sử dụng
phân trộn giàu nấm đầu tiên.

Trong năm đầu tiên sử dụng lưới thức ăn trong đất, hãy phun 20 gallon (~ 75,5 lít) trà
trên mỗi acre (~ 4.000m2), đảm bảo mùn và lá được cấy vi sinh. Hoạt động của vi

274
sinh vật sẽ làm phân hủy khoảng một nửa khối lượng lá trong vòng một tháng hoặc
lâu hơn nếu trời ấm (và đến cuối mùa xuân, ngay cả khi trời mát).

Bón loại thức ăn vi sinh hữu cơ phù hợp. Hãy để các vi sinh vật được ngủ với cái
bụng no, thức dậy sớm và tiến hành luân chuyển chất dinh dưỡng.

Sau khi thu hoạch, hãy đưa đất đi kiểm tra một lần nữa và khởi động một số phễu
Berlese, nếu trời không quá lạnh; so sánh kết quả kiểm tra này với kết quả các kiểm
tra bạn đã thực hiện vào mùa xuân và mùa hè. Việc này sẽ cho phép bạn quản lý đất
của mình trong những tháng mùa đông để chúng sẵn sàng đến vào mùa xuân năm
sau.

Mùa đông
Hãy dành cả mùa đông để đọc về lưới thức ăn trong đất, lướt Internet và các thư
viện về chủ đề này. Đây là một ngành khoa học mới và các ứng dụng của nó cho
người làm vườn tại nhà đang ngày càng mở rộng. Các sản phẩm mới, chẳng hạn như
vi khuẩn săn mồi chuyên biệt và tuyến trùng tiêu diệt sâu và mầm bệnh được tuôn
ra liên tục. Tất cả các loại máy pha phân trà, máy phun và các chế phẩm dinh dưỡng
mới được tung ra thị trường. Có rất nhiều thứ ngoài kia giúp bạn làm việc với vi sinh
vật và bạn nên theo sát những phát triển mới nhất.

Tất nhiên, chỉ vì mùa đông không có nghĩa là bạn nên ngừng sử dụng các loại phân
trà. Bạn có thể có một hệ thống mạng lưới thức ăn đất đơn giản cho cây trồng trong
nhà; hãy đảm bảo đất chậu chứa nhiều thức ăn hữu cơ để hỗ trợ sự sống của những
vi sinh vật mà bạn bổ sung.

Cuối cùng, tùy thuộc vào nơi bạn sống, đống phân trộn của bạn có thể vẫn hoạt
động được vào mùa đông. Hãy đảo nó lên một chút. Có một câu nói rằng: một vài
lần “đảo” giúp bạn trở thành người làm vườn tốt hơn.

275
Chương 24
Chưa có ai từng bón phân
cho rừng già
Lưới thức ăn trong đất có thực sự hỗ trợ cho cây trồng? Liệu nó có hiệu quả trong
sân vườn của bạn? Chỉ để cho bạn thêm tự tin và khuyến khích bạn sử dụng những
gì đã học được, hãy đến khu rừng gần bạn nhất. Hoặc đơn giản chỉ là nhắm mắt lại
và hình dung bất kỳ khu rừng nào mà bạn từng ghé thăm. Bạn gần như có thể nghe
thấy tiếng một con suối gần đó, tiếng gió chạy qua lá. Nó đẹp và thật hùng vĩ – và
chưa ai từng bón phân cho bất cứ cái cây nào ở đó. Chưa từng một lần. Làm sao có
thể? Bạn biết câu trả lời rồi đấy. Hệ thực vật xinh đẹp ở những khu vực này hoàn
toàn được kiểm soát bởi lưới thức ăn trong đất mà chúng sinh sống.

Nó thường đến như một sự bất ngờ khi những người làm vườn chiêm nghiệm. Chỉ
khi đó chúng ta mới thực sự tỉnh ra: mỗi cây ta đang nhìn thấy đều tạo ra dịch tiết
và thu hút vi sinh vật đến tầng sinh quyển của nó. Đổi lại cộng đồng này thu hút các
loài động vật chân đốt nhỏ to khác nhau, giun, động vật thân mềm và phần còn lại
của một lưới thức ăn hoàn chỉnh trong đất. Nó là một hệ thống tự nhiên và nó hoạt
động tốt mà không có sự can thiệp của phân bón nhân tạo, thuốc diệt cỏ và thuốc
trừ sâu. Cây sồi cao mọc lên từ những quả sồi nhỏ không có bột màu xanh lam để
nuôi chúng hoặc những bình xịt có mùi khó chịu để bảo vệ chúng. Tuy nhiên, thực
vật vẫn sinh sôi nảy nở nhờ vi khuẩn, nấm, động vật nguyên sinh, tuyến trùng và tất
cả các phần còn lại của mạng lưới thức ăn trong đất.

Chúng tôi biết rằng có thể giúp những loại lưới thức ăn trong đất tương tự như vậy
lấy lại ưu thế trong sân vườn của bạn. Rất lâu trước khi có xây dựng, giao thông, đào

276
xới, phân bón và các hóa chất khác, một mạng lưới thức ăn lành mạnh trong đất đã
tồn tại sẵn ở đó. Bạn có thể phục hồi nó. Bạn thậm chí còn có thể cải thiện nó. Một
khi bạn làm việc với vi sinh vật ở tận đáy của lưới thức ăn trong đất, bạn sẽ thiết lập
lại lưới thức ăn trong đất đó. Chúng tôi biết. Chúng tôi và hàng nghìn hàng xóm và
bạn bè của chúng tôi đã làm được điều đó.

Bạn đã được giới thiệu về khoa học cơ bản của lưới thức ăn trong đất. Bạn biết cách
hoạt động của hệ thống và bạn đã được tiếp xúc với những lợi ích của nó. Khi vi sinh
vật trở lại sân của bạn, cấu trúc đất sẽ được cải thiện. Nấm rễ cộng sinh sẽ giúp bãi
cỏ, cây thân gỗ, cây bụi, cây lâu năm, hàng năm và rau của bạn nhận được chất dinh
dưỡng cần thiết. Các mầm bệnh gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Thực vật nhận được
nhiều loại nitơ mà chúng thích hơn. Khả năng thoát nước và giữ nước được cải
thiện. Các chất ô nhiễm bị phân hủy. Thức ăn ngon hơn. Hoa trông đẹp hơn. Cây ít
căng thẳng hơn. Và bạn sẽ không cần phải làm việc cực nhọc nữa; bạn sẽ có rất
nhiều sự giúp đỡ. Hơn hết, bạn sẽ không phải lo lắng về ảnh hưởng của hóa chất đối
với bạn hay gia đình, vật nuôi hoặc bạn bè của mình.

Hãy nhớ rằng: chưa từng có ai bón phân cho rừng già. Họ không cần phải làm vậy.
Bạn đã được cung cấp các quy tắc để làm vườn bằng cách sử dụng lưới thức ăn
trong đất. Không có nhiều người được như thế. Bạn còn chờ gì nữa? Bắt đầu hợp tác
với vi sinh vật và đưa hệ sinh thái đó vào đất và để chúng làm việc cho mình. Làm
vườn với lưới thức ăn trong đất là cách tự nhiên để trồng cây.

277
Không ai từng bón phân cho khu rừng này. Ảnh của Judith Hoersting.

278
Phụ lục
Các quy tắc hợp tác cùng vi sinh vật
1. Một số thực vật ưa thích đất có nhiều nấm; một số khác ưa thích đất có nhiều vi khuẩn.
2. Phần lớn các loại rau màu, cây hàng năm và cỏ đều thích nitơ ở dạng nitrat hơn và phát triển
mạnh tốt nhất trong đất có nhiều vi khuẩn.
3. Phần lớn các loại cây thân gỗ, cây bụi và cây thường niên thích nitơ ở dạng amoni hơn và phát
triển tốt nhất trong đất có nhiều nấm.
4. Phân ủ có thể dùng để cấy vi sinh vật có lợi và sự sống vào đất trong vườn nhà bạn; và cũng
có thể thiết lập, duy trì hoặc điều chỉnh lưới thức ăn trong đất ở những vùng cụ thể khác.
5. Đặt phân ủ và lưới thức ăn trong đất của nó lên trên bề mặt đất, lưới thức ăn trong đất đó sẽ
được cấy vào trong đất.
6. Vật liệu hữu cơ màu nâu, lâu năm hỗ trợ sự phát triển của nấm; còn vật liệu hữu cơ màu xanh
hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn.
7. Vật liệu phủ được đặt trên bề mặt đất có xu hướng hỗ trợ nấm; còn nếu trộn vào trong đất thì
chúng có xu hướng hỗ trợ vi khuẩn.
8. Nếu làm ẩm và nghiền nhỏ vật liệu phủ, vi khuẩn sẽ xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ nhanh hơn.
9. Vật liệu phủ dạng thô và khô hơn hỗ trợ hoạt động của nấm.
10. Đường giúp vi khuẩn sinh sôi và phát triển; tảo bẹ, axit humic và fulvic, cùng bụi đá phốt phát
giúp nấm phát triển.
11. Bằng cách chọn loại phân ủ và loại chất dinh dưỡng bạn thêm vào trong nó, bạn có thể tạo ra
các loại phân trà đặc nấm hay đầy vi khuẩn hoặc cân bằng.
12. phân trà rất nhạy cảm đối với Clo và các chất bảo quản bên trong nước và các nguyên liệu
khác.
13. Việc ứng dụng phân bón tổng hợp diệt phần lớn hoặc toàn bộ vi sinh vật trong lưới thức ăn
trong đất.
14. Tránh xa các chất phụ gia có chứa hàm lượng NPK cao.
15. Sau khi phun hoặc ngâm đất với bất kỳ chất hoá học nào, hãy sử dụng ngay phân trà.
16. Phần lớn các cây lá kim và cây gỗ cứng (Bạch Dương, Sồi, Dẻ Gai, Mại Châu) hình thành mối
quan hệ cộng sinh ở rễ với hệ nấm ngoại cộng sinh.
17. Phần lớn rau màu, cây hàng năm, cỏ, cây bụi, cây gỗ mềm và cây lưu niên hình thành mối
quan hệ cộng sinh ở rễ với hệ nấm nội cộng sinh.
18. Cày xới đất quá mức sẽ phá huỷ hoặc làm hư hại nghiêm trọng lưới thức ăn trong đất.
19. Hãy luôn trộn nấm rễ nội cộng sinh với hạt cây hàng năm, rau màu khi trồng hoặc bón chúng
vào vùng rễ khi chuyển cây từ vườn ươm ra đất.

279
Tài liệu tham khảo
American Phytopathological Society. “Plant Pathology on Line.”
http://www.apsnet.org/education/K-12PlantPathways/Top.html.
———. “Illustrated Glossary of Plant Pathology.”
http://www.apsnet.org/education/IllustratedGlossary/default.htm.
BioCycle. The JG Press, Inc., 419 State Ave., Emmaus, PA 18049, 610.967.4135,
biocycle@jgpress.com, http://www.jgpress.com/biocycle.htm.
Bugwood Network, USDA Forest Service / University of Georgia, Warnell
School of Forest Resources and College of Agricultural and Environmental
Sciences, Dept. of Entomology. “Forestry Images.”
www.forestryimages.org.
Carroll, S. B., and S. D. Salt. 2004. Ecology for Gardeners. Timber Press:
Portland, Ore.
Cloyd, R. A., et al. 2004. IPM for Gardeners. Timber Press: Portland, Ore.
Dennis Kunkel Microscopy, Inc. “Science Stock Photography.” http://denniskunkel.
com/.
Grissell, E. 2001. Insects and Gardens.Timber Press: Portland, Ore.
Hall, I., et al. 2003. Edible and Poisonous Mushrooms of the World.
Timber Press: Portland, Ore.
Helyer, N., et al. 2003. A Color Handbook of Biological Control in Plant
Protection. Timber Press: Portland, Ore.
Ingham, E., et al. 2000. Soil Biology Primer. Soil & Water Conservation Society
and USDA Natural Resources Conservation Service,
7515 NE Ankeny Rd., Ankey, IA 50021-9764, http://www.swcs.org.
Kilham, K. 1994. Soil Ecology. Cambridge University Press: London.
Lowenfels, Jeff. www.teamingwithmicrobes.com.
McBride, M. B. 1994. Environmental Chemistry of Soils. Oxford University
Press: New York.
Nardi, James B. 2007. Life in the Soil: A Guide for Naturalists and Gardeners.
University of Chicago Press.
Paul, E. A., and F. E. Clark. 1989. Soil Microbiology and Biochemistry.
Academic Press: San Diego.
Stephenson, S. L., and H. Stempen. 1994. Myxomycetes: A Handbook of Slime
Molds. Timber Press: Portland, Ore.
Sylvia, D. M., et al. 1998. Principles and Applications of Soil Microbiology.
Prentice Hall: Upper Saddle River, N.J.
United States Department of Agriculture, National Resources
Conservation Services. “Soil Quality.” www.forestryimages.org.
280
———, Agricultural Research Service. “Online Photo Gallery and Photo
Library Archives.” Conservation Communications Staff, Box 2890, Washington,
DC 20013, http://www.ars.usda.gov/is/graphics/photos/search.htm.
United States Department of Interior, Bureau of Land Management.
“Soil Biological Communities.” National Science and Technology Center,
Box 25047, Bldg. 50, Denver Federal Center, Denver, CO 80225-0047,
303.236.2772, http://www.blm.gov/nstc/soil/.
Weeden, C. R., et al., eds. “Biological Control:
A Guide to Natural Enemies in North America.” Cornell University.
http://www.nysaes.cornell.edu/ent/biocontrol/.
White, D. 1995. The Physiology and Biochemistry of Prokaryotes.
Oxford University Press: New York.
Worm Digest. Worm Forum, Box 544, Eugene, OR 97440-0544,
mail@wormdigest.org, http://www.wormdigest.org/forum/index.cgi.

Composting and compost tea


California Integrated Waste Management Board.
“Compost Microbiology and the Soil Food Web.”
http://www.ciwmb.ca.gov/publications/Organics/44200013.doc.
Composting News. McEntee Media Corp, 13727 Holland Rd.,
Cleveland, OH 44142, 216.362.7979, mcenteemedia@compuserve.com,
http://www.recycle.cc/cnpage.htm.
Compost Science and Utilization. The JG Press, Inc., 19 State Ave., Emmaus,
PA 18049, 610.967.4135, biocycle@jgpress.com, http://www.jgpress.com/
compost.htm.
Compost Tea Forum. http://groups.yahoo.com/group/compost_tea/.
Cornell University. “Cornell Composting.” http://compost.css.cornell.edu/
Composting_homepage.html.
Diver, S. 2002. “Notes on Compost Teas.” Appropriate Technology Transfer for
Rural Areas (ATTRA). http://attra.ncat.org/attra-pub/compost-tea-notes.html.
Granatstein, D. 1997. “Suppressing Plant Diseases with Compost.”
The Compost Connection for Washington Agriculture 5 (October).
http://csanr.wsu.edu/programs/compost/Cc5.pdf.
Ingham, E. 2000. The Compost Tea Brewing Manual. Soil Food Web, Inc.
Corvallis, Ore. http://www.soilfoodweb.com.
———. 2000. “Brewering Compost Tea.” Kitchen Gardener 29 (October).
http://www.taunton.com/fi negardening/pages/g00030.asp.
———. 2004. Compost Tea Quality: Light Microscope Methods. Soil Food Web,
Inc. Corvallis, Ore. http://www.soilfoodweb.com.
———. 2004. The Field Guide to Actively Aerated Compost Tea. Soil Food Web,
281
Inc. Corvallis, Ore. http://www.soilfoodweb.com.
Large-Scale Composting Forum.
http://www.oldgrowth.org/compost/forum_large/index.html.
Ringer, C. “Bibliography on Compost for Disease Suppression.”
USDA Soil Microbial Lab.
http://ncatark.uark.edu/~steved/compost-disease-biblio.html/.
Tranker, A., and W. Brinton. “Compost Practices for Control of Grape
Powdery Mildew (Uncinula necator).” A Biodynamics Journal reprint.
http://www.woodsend.org/will2.pdf.
Vermicompost Forum. http://www.oldgrowth.org/compost/forum_vermi1/.
Wilson, Tim. Microbe Organics. www.microbeorganics.com.

Compost tea brewers


Greater Earth Organics, N2210 Brothertown Beach Rd., Chilton, WI 53014-
9447, toll-free 866.266.FISH, fax 920.849.3938, www.greaterearthorganics.com.
Growing Solutions, 1605 Oak St., Eugene, OR 97401, 541.343.8727, toll-free
888.600.9558, growingsolutions.com.
Keep It Simple (KIS), Inc., 2323 180th Ave. NE, Redmond, WA 98052-2212,
866.558.0990, kis@simplici-tea.com, www.simplici-tea.com,
www.kisbrewer.com.
Willamette Organics, Box 1263, Salem, OR 97309, www.willametteorganics.
com/brewmaster.html.
Labs that perform biological testing
AgriEnergy Resources, 21417 1950 E. St., Princeton, IL 61356, 818.872.1190,
info@agrienergy.net, http://www.agrienergy.net/.
BBC Laboratories, Inc., 1217 N. Stadem Dr., Tempe, AZ 85281, 480.967.5931,
bbclabs@aol.com, http://bbclabs.com/.
Midwest Laboratories, 13611 B St., Omaha, NE 68144, 402.334.7770,
www.midwestlabs.com.
Soil Food Web, Inc., 980 NW Circle Blvd., Corvallis, OR 97330, 541.752.5066,
sfi @soilfoodweb.com, http://www.soilfoodweb.com.

Mycorrhizal fungi
Mycorrhizal Applications, Inc., Box 1181, Grants Pass, OR 97528,
866.476.7800, http://www.mycorrhizae.com/index.php?cid=60.
Reforestation Technologies International, 1341 Dayton St. Suite G, Salinas,
CA 93901, Neil@reforest.com.

282
Thuật ngữ
1 acidophiles sinh vật ưa axit
2 actinomycete nấm xạ khuẩn (actinomycete)
3 actinomycetes xạ khuẩn
4 algae tảo
5 ammonia amoniac
6 ammonium amoni
7 amoeba-like (tính chất) giống amip
8 amoebae trùng biến hình
9 anaerobic tính kỵ khí/ tính yếm khí
10 aphid rệp
11 archaea cổ khuẩn
12 archaeocin chất kháng sinh từ cổ khuẩn
13 arthrobotrys dactyloides nấm săn tuyến trùng - người dịch
14 arthropod động vật chân đốt
15 ascomycete nấm lang (ascomycete)
16 ascomycetes nấm túi
17 bacteria vi khuẩn
18 basidiomycete nấm đảm (basidiomycete)
19 beetle bọ cánh cứng
20 boreal forest rừng phương bắc
21 bulge chỗ phình
22 cellulose xenlulose
23 centipede rết

283
chelate (chelate là phức chất vòng càng
(càng cua) giữa các hợp chất hữu cơ
dẫn xuất từ aminoaxit, polycacboxylic
24 chelate axit với các ion kim loại.)
25 chemoautotrophic hóa tự dưỡng
26 chemoheterotrophic hóa dị dưỡng
27 chickweed cây tình thảo
28 chloroplast lục lạp
29 ciliate trùng lông
30 collembolans bọ đuôi bật
31 colony cụm khuẩn
32 compost phân ủ
33 coral fungi nấm san hô
34 crop diều
35 cuticle lớp biểu bì
36 cyanobacteria vi khuẩn lam
37 cyanobacteria vi khuẩn lam/ tảo lam
38 cyst u nang
39 cytoplasm tế bào chất
40 diatom tảo cát
41 diatomaceous earth đất tảo cát
42 dictyosteliomycota nấm nhầy tế bào
43 domain vực
44 dormant ngưng hoạt động
45 drip line đường chảy nhỏ giọt
46 ectomycorrhizal fungi hệ nấm ngoại cộng sinh
47 ectoparasitic ngoại ký sinh trùng
48 endomycorrhizal fungi hệ nấm nội cộng sinh

284
49 endoparasitic nội ký sinh trùng
50 endophytes vi sinh vật nội sinh
51 escherichia coli e. coli
52 esophagus thực quản
53 euglena trùng roi xanh
54 eukarya sinh vật nhân thực
55 eukaryotes sinh vật nhân chuẩn
56 extremophiles vi khuẩn ưa nhiệt
57 f:b ratio tỷ lệ n:v
58 fairy ring nấm tiên hoàn
59 fish hydrolysate dung dịch thuỷ phân cá
60 flagella (s.n), flagellum (p.n) tiên mao/ lông roi
61 flagellate trùng roi
62 flatulence chứng đầy hơi
fly agaric (amanita
63 muscaria) nấm tán giết ruồi
fly agaric (tên khoa học
64 amanita muscaria) nấm tán giết ruồi
65 fungi nấm
66 furcula đuôi bật
67 gamasid mites bọ ve (ve gamasid)
68 gastropod động vật chân bụng
69 geyser mạch nước phun
70 gizzard mề
71 glomales nấm rễ nội cộng sinh
72 growing medium giá thể
73 grub ấu trùng
74 halophiles sinh vật ưa muối/ưa mặn

285
75 herbivore loài ăn thực vật
76 hygroscopic nước ngưng tụ
77 hyphae sợi nấm
78 invertebrate động vật không xương sống
79 kelp tảo bẹ
80 king bolete nấm thông
81 kingdom giới
82 lichen địa y
động vật chân đốt vĩ mô
83 macro-arthropod động vật chân đốt to
84 methane (gas) khí metan
85 methanogenic archaea cổ khuẩn sinh metan
86 methanogens sinh vật sinh (khí) metan
động vật chân đốt vi mô
87 microarthropod động vật chân đốt nhỏ
88 millipede cuốn chiếu
89 mites bọ mạt
90 mollusca động vật thân mềm
91 mycelium thể sợi (mycelium)
92 mycoparasites nấm đối kháng
93 mycorrhizal fungi nấm rễ cộng sinh
94 myxomycota nấm nhờn đa nhân
95 nematode tuyến trùng
96 nitrite bacteria vi khuẩn nitrat hoá

97 non-methanogenic archaea cổ khuẩn không sinh metan


98 non-segmented không phân đoạn
99 ocean vent lỗ thông hơi đại dương

286
100 oribatid mites ve giáp (ve oribatid)
101 paramecia trùng đế giày
102 pathogen mầm bệnh/ sinh vật gây bệnh
103 peat moss than bùn
104 pharynx yết hầu
105 photoautotrophic quang tự dưỡng
106 photoheterotrophic quang dị dưỡng
107 phyllosphere vùng bề mặt lá
108 plankton sinh vật phù du
109 plant succession diễn thế thực vật
110 polypore/ bracket fungi nấm rỗ
111 polysaccharide polysaccharid
112 primary producer nhà sản xuất chính
113 prokaryotes sinh vật nhân sơ
114 protozoa động vật nguyên sinh
115 pseudomonas pseudomonas (trực khuẩn mủ xanh)
116 pseudopods giả túc
117 psychrophilic có tính ưa lạnh
118 quack grass cỏ lang băm
119 retracted stylet đầu thu gọn
120 rhizosphere vùng rễ
121 rood-feeding nematodes tuyến trùng hỗ trợ rễ
122 salamander kỳ nhông
123 sem kính hiển vi điện tử quét
124 septa vách ngăn bào tử
125 slim mold nấm nhầy
126 soil food web lưới thức ăn trong đất

287
127 soil texture thành phần cơ giới đất
128 springtail bọ đuôi bật
129 thermophilic có tính ưa nóng/ ưa nhiệt
transmission electron
130 micrograph (tem) kính hiển vi điện tử truyền qua
131 truffle nấm cục
132 wall thành tế bào
133 weevil mọt
134 white threads mushroom nấm tơ trắng
135 worm giun

288

You might also like