You are on page 1of 8

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP 12

ĐỀ 1:
Đọc đoạn trích:
Khu nhà nữ công nhân rộn rịp người ra vào, nhộn nhạo những tiếng cười, tiếng mời
chào, cả tiếng la hét. Đào không đi chơi đâu. Một lá thư mới nhận làm chị bàng hoàng. Ông
trung đội trưởng già phụ trách lò gạch của nông trường mới gặp chị có vài bận mà đã dám ngỏ
lời táo bạo. Mới đọc được mươi dòng chị giận dữ tưởng như có thể xé vụn từng mảnh được,
người ta coi thường chị đến thế kia ư. Nhưng khi gập lá thư lại thì một cảm giác êm đềm cứ lan
nhanh ra, như mạch nước ngọt rỉ thấm vào những thớ đất khô cằn vì nắng hạn, một nỗi vui
sướng kỳ lạ rào rạt không thể nén lại nổi, khiến chị ngây ngất, muốn cười to một tiếng nhưng
trong mí mắt lại như đã mọng đầy nước mắt chỉ định trào ra. Từ ngày goá bụa đến nay chưa ai
nói được với chị một câu nào yêu thương, một lần gắn bó, chưa ai khao khát đến chị, coi chị là
nguồn hạnh phúc của họ, là niềm an ủi cho họ. Những dòng, những chữ trong bức thư xa lạ
ngân vang mãi trong lòng chị, vang dội đến tận những kẽ ngách sâu kín nhất, thức tỉnh nỗi
khao khát yêu đương, khao khát hạnh phúc mà chị cố hắt hủi, vùi nén một cách bất lực từ ngót
chục năm nay.
(Trích Mùa lạc – Nguyễn Khải)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Chỉ ra sự việc được đề cập trong đoạn trích.
Câu 3: Diễn biến tâm trạng của nhân vật Đào đã có sự thay đổi như thế nào khi nhận được bức
thư của ông trung đội trưởng?
Câu 4: Từ đoạn trích trên, anh/chị trình bày suy nghĩ về niềm khao khát hạnh phúc chính đáng
của mỗi con người.
NLXH
Anh/Chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vai
trò của ý chí.
ĐỀ 2
Theo từ điển Tiếng Việt xu nịnh là nịnh nọt để lấy lòng và cầu lợi. Hiểu nôm na xu nịnh
là khen ngợi quá đáng chỉ cốt để làm đẹp lòng nhau, thông thường nhằm mục đích cầu lợi cho
cá nhân. Cần phân biệt rõ “nịnh” khác với “khen”. Cùng là mục tiêu tán dương hành động hay
suy nghĩ của cấp trên, người thật tâm khen cảm thấy thoải mái vì động cơ khen do ngưỡng mộ,
thán phục; trong khi đó, người có hành vi nịnh, thường sẽ nhận thức được ngay “tính sai trái”
của mình vừa làm vì họ hiểu rằng, cấp trên có thể không xứng với những lời "khen" như vậy.
Thói xu nịnh xưa nay, với muôn hình vạn trạng, biến hóa khôn lường. Kẻ xu nịnh rất giỏi
ứng biến, bất kể trường hợp nào cũng nịnh được và nịnh rất hay. Họ thường a dua theo đuôi
người có quyền nhưng ưa nịnh để trục lợi, thăng quan tiến chức, bất chấp lẽ phải. Một số
người được nịnh thì nghĩ rằng, chẳng mất gì, lại ưa nghe lời ngon ngọt, sống trong cảm giác
của kẻ bề trên. Từ đó, nó làm cho chính kẻ được nịnh xao lòng, mất bản lĩnh, không đánh giá
đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dẫn đến đánh giá sai lệch cán bộ dưới quyền;
người tốt không được trọng dụng, người xấu thì lấn lướt lộng quyền. Đây là nguyên nhân gây
mất đoàn kết nội bộ, chia bè, kéo cánh làm suy yếu tổ chức.
(Ngăn chặn thói xu nịnh, Bùi Huy Lưu,http://www.cpv.org.vn/noi-hay-dung/ngan-chan-
thoi-xu-ninh-510647.html)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.
Câu 2. Theo anh/chị, “nịnh” khác với “khen” ở điểm nào?
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: " kẻ được nịnh xao lòng, mất
bản lĩnh, không đánh giá đúng bản thân mình, sinh ra chủ quan, tự mãn, dẫn đến đánh giá sai
lệch cán bộ dưới quyền …"
Câu 4. Anh/chị có suy nghĩ gì về mục đích của những kẻ xu nịnh?
NLXH
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ
trình bày suy nghĩ về giải pháp để ngăn chặn thói xu nịnh trong cuộc sống.
ĐỀ 3.
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:
     Người có tính khiêm tốn thường hay tự cho mình là kém, còn phải phấn đấu thêm, trau dồi
thêm, cần được trao đổi, học hỏi nhiều thêm nữa. Người có tính khiêm tốn không bao giờ chịu
chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự
thành công của mình là tầm thường, không đáng kể, luôn luôn tìm cách để học hỏi thêm nữa.
      Tại sao con người lại phải khiêm tốn như thế? Đó là vì cuộc đời là một cuộc đấu tranh bất
tận, mà tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng, nhưng thật ra chỉ là những giọt nước bé
nhỏ giữa đại dương bao la. Sự hiểu biết của mỗi cá nhân không thể đem so sánh với mọi người
cùng chung sống với mình. Vì thế, dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học thêm, học mãi
mãi.
      Tóm lại, con người khiêm tốn là con người hoàn toàn biết mình, hiểu người, không tự mình
đề cao vai trò, ca tụng chiến công của cá nhân mình cũng như không bao giờ chấp nhận một ý
thức chịu thua mang nhiều mặc cảm tự ti đối với mọi người.
   Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường đời.
(Trích Tinh hoa xử thế, Lâm Ngữ Đường, Ngữ văn 7, tập 2, NXB Giáo dục, 2015, tr.70 –
71)
Câu 1: Trong đoạn văn thứ nhất, người có tính khiêm tốn có biểu hiện như nào?
Câu 2: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp liệt kê được sử dụng trong đoạn văn thứ nhất?
Câu 3: Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói sau:“Tài nghệ của mỗi cá nhân tuy là quan trọng,
nhưng thật ra chỉ là những giọt nước nhỏ giữa đại dương bao la”.
Câu 4: Anh/Chị có suy nghĩ thế nào về ý kiến: Dù tài năng đến đâu cũng luôn luôn phải học
thêm, học mãi mãi?
NLXH
Từ nội dung phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ
về ý kiến: Khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trên đường
đời.
ĐỀ 4
Đọc bài thơ dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
CUỘC CHIA LI MÀU ĐỎ
Đó là cuộc chia li chói ngời sắc đỏ
Tươi như cánh nhạn lai hồng
Trưa một ngày sắp ngả sang đông
Thu, bỗng nắng vàng lên rực rỡ.

Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ


Tiễn đưa chồng trong nắng vườn hoa
Chồng của cô sắp sửa đi xa
Cùng đi với nhiều đồng chí nữa.

Chiếc áo đỏ rực như than lửa


Cháy không nguôi trước cảnh chia li
Vườn cây xanh và chiếc nón trắng kia
Không giấu nổi tình yêu cô rực cháy
Không che được nước mắt cô đã chảy
Những giọt long lanh, nóng bỏng, sáng ngời
Chảy trên bình minh đang hé giữa làn môi
Và rạng đông đang hừng trên nét mặt
Một rạng đông với màu hồng ngọc.

Cây si xanh gọi họ đến ngồi


Trong bóng rợp của mình, nói tới ngày mai…
Ngày mai sẽ là ngày sum họp
Đã tỏa sáng những tâm hồn cao đẹp!
Nắng vẫn còn ngời trên những lá si
Và người chồng ấy đã ra đi…

Cả vườn hoa đã ngập tràn nắng xế


Những cánh hoa đỏ vẫn còn rung nhè nhẹ
Gió nói, tôi nghe những tiếng thì thào
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…”

Nhưng tôi biết cái màu đỏ ấy


Cái màu đỏ như màu đỏ ấy
Sẽ là bông hoa chuối đỏ tươi
Trên đỉnh dốc cao vẫy gọi đoàn người
Sẽ là ánh lửa hồng trên bếp
Một làng xa giữa đêm gió rét…
Nghĩa là màu đỏ ấy theo đi
Như không hề có cuộc chia li…
(Nguyễn Mĩ, 9 – 1964)
Câu 1. Hãy xác định thể thơ của bài thơ trên?
Câu 2. Cụm từ “màu đỏ” được nhắc mấy lần trong khổ thơ cuối?
Câu 3. Những hình ảnh nào tác giả muốn xây dựng để gợi màu đỏ thị giác? Những hình ảnh
nào không cảm nhận được bằng thị giác? Ý nghĩa của những hình ảnh đó?
Câu 4. Hãy lí giải ý nghĩa thông điệp: Như không hề có cuộc chia li.
NLXH
Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nêu suy nghĩa của anh (chị) về tuyên ngôn tình yêu trong
những năm kháng chiến chống Mĩ: Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau…
ĐỀ 5:
Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Có bao giờ bạn tự hỏi giá trị thực của cuộc sống không? Tại sao cả đời người, chúng ta cứ
mê mải đi tìm, trăn trở suy nghĩ về ý nghĩa và giá trị của nó?
Phải chăng…
Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại
ở phía sau và không bao giờ tới đích.
Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì
rào cản nào.
Cuộc sống là một đường chạy nước rút, nếu ta không cố gắng ta chỉ là người chạy cuối cùng.
Cuộc sống là một đường chạy tiếp sức, biết giúp đỡ nhau chúng ta sẽ chiến thắng.
Vậy cuộc sống của bạn là đường chạy nào?… Hay là tất cả?…
(Dẫn theo http://khotangdanhngon.com/danh-ngon-cuoc-song)
Câu 1. Phương thức biểu đạt trong đoạn trích trên là gì?
Câu 2. Xác định biện pháp tu từ trong đoạn trích trên?
Câu 3. Anh (chị) hiểu câu: Cuộc sống là một đường chạy marathon dài vô tận, nếu ta không cố
gắng thì sẽ mãi bị bỏ lại ở phía sau và không bao giờ tới đích là như thế nào?
Câu 4. Nội dung chính của đoạn trích trên là gì?
NLXH
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến được nêu
trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: Cuộc sống là một đường chạy vượt rào, nếu ta không cố
gắng ta sẽ không thể vượt qua bất kì rào cản nào.
ĐỀ 6:
Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu:
Chúng tôi có một kế hoạch kinh tế rất lớn. Chúng ta sẽ tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng hiện
tại và trở thành nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đồng thời chúng ta sẽ đi cùng với những quốc
gia sẵn sàng ủng hộ chúng ta. Chúng ta sẽ có được những mối quan hệ tuyệt vời. Không có ước
mơ nào là quá lớn, không có thử thách nào là quá khó. Không có gì thuộc về tương lai chúng ta
muốn chạm tới mà chúng ta không thể thực hiện được.
Nước Mĩ sẽ không chấp nhận những gì mà không phải là tốt nhất. Chúng ta phải đòi lại số
phận của nước ta và có những ước mơ lớn, táo bạo và liều lĩnh. Chúng ta phải làm điều đó.
Một lần nữa, chúng ta sẽ mơ về những điều đẹp đẽ, thành công cho đất nước.
(Trích Bài phát biểu nhận chức Tổng thống Mĩ của Donal Trum, 09 – 11 – 2016)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Lời phát biểu của Donal Trum đã đặt ra những mục tiêu gì cho nước Mĩ trong tương lai?
Câu 3. Nêu nội dung chính của lời phát biểu trên?
Câu 4. Anh (chị) hiểu như thế nào về câu nói: Không có ước mơ nào là quá lớn, không có thử
thách nào là quá khó?
NLXH
Anh (chị) hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn luận về vấn đề nêu ra trong đoạn
trích: Không có gì thuộc về tương lai chúng ta muốn chạm tới mà chúng ta không thể thực hiện
được.

NGHỊ LUẬN VĂN HỌC


ĐỀ 1:
Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi
quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ
ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười
rượi. Người ta thường nói: nhà Pá Tra làm thống lí, ăn của dân nhiều, đồn Tây lại cho muối về
bán, giàu lắm, nhà có nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng. Thế thì con gái nó
còn bao giờ phải xem cái khổ mà biết khổ, mà buồn. Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải
con gái nhà Pá Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra.
Cô Mị về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ, cũng không ai
nhớ. Những người nghèo ở Hồng Ngài thì vẫn còn kể lại câu chuyện Mị về làm người nhà quan
thống lí. Ngày xưa, bố Mị lấy mẹ Mị không có đủ tiền cưới, phải đến vay nhà thống lí, bố của
thống lí Pá Tra bây giờ. Mỗi năm đem nộp lãi cho chủ nợ một nương ngô. Đến tận khi hai vợ
chồng về già rồi mà cũng chưa trả được nợ. Người vợ chết, cũng chưa trả hết nợ.
Cho tới năm ấy Mị đã lớn, Mị là con gái đầu lòng. Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:
- Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xoá hết nợ cho.
Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc ngô, nhưng
cũng lại thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố rằng:
- Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố
đừng bán con cho nhà giàu”.
Đến Tết năm ấy, Tết thì vui chơi, trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi
chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai
đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách
đầu buồng Mị. Một đêm khuya, Mị nghe tiếng gõ vách. Tiếng gõ vách hò hẹn của người yêu. Mị
hồi hộp lặng lẽ quơ tay lên thì gặp hai ngón tay lách vào khe gỗ, sờ một ngón thấy có đeo nhẫn.
Người yêu của Mị thường đeo nhẫn ngón tay ấy. Mị bèn nhấc tấm vách gỗ. Một bàn tay dắt Mị
bước ra. Mị vừa bước ra lập tức có mấy người choàng đến, nhét áo vào miệng Mị rồi bịt mắt,
cõng Mị đi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 4 - 5)
Phân tích số phận và vẻ đẹp tâm hồn của nhân vật Mị được nhà văn Tô Hoài thể
hiện trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét giá trị hiện thực mà tác giả tố cáo trong đoạn
trích trên.
ĐỀ 2
“ Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm
mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước.Tai Mị
văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống
rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao
nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị .
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết.Mị vẫn ngồi trơ
một mình giữa nhà.Mãi sau Mị mới đứng dậy. Nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà Mị từ
từ bước vào buồng.Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ
Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy Mị thấy
phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn
còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị,
không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ
ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo
gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi…”
(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, trang 7-8)
Anh/ chị hãy phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn văn
bản trên. Từ đónhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả nhân vật của Tô Hoài.
ĐỀ 3
Lần lần, mấy năm qua, mấy năm sau, bố Mị chết. Nhưng Mị cũng không còn tưởng đến
Mị có thể ăn lá ngón tự tử nữa. Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Bây giờ thì Mị tưởng
mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này
đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, biết đi làm mà thôi. Mị cúi mặt, không
nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra
trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại: Tết xong thì lên núi hái thuốc phiện,
giữa năm thì giặt đay, xe đay, đến mùa thì đi nương bẻ bắp, và dù lúc đi hái củi, lúc bung ngô,
lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước thành sợi. Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt
đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ,
đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày.
Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở cái buồng Mị
nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy
trăng trắng, không biết là sương hay là nắng. Mị nghĩ rằng mình cứ chỉ ngồi trong cái lỗ vuông
ấy mà trông ra, đến bao giờ chết thì thôi.
(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam 2020, tr. 6)
Phân tích giá trị hiện thực được thể hiện trong đoạn trích trên. Từ đó nhận xét cách
nhìn về cuộc sống và con người của nhà văn Tô Hoài.
ĐỀ 4
Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở
đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
- Điêu! Người thế mà điêu!
Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai.
Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày
xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.
- Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:
- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.
Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
- Đây, muốn ăn gì thì ăn.
Hắn vỗ vỗ vào túi:
- Rích bố cu, hở!
Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
- Ăn thật nhá! Ừ ăn thì ăn sợ gì.
Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng
chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
- Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
Hắn cười:
- Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn,
nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau
không biết nghĩ thế nào hắn tặc lưỡi một cái:
- Chậc, kệ!
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt
vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về...
(Trích Vợ nhặt, Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam)
Cảm nhận của anh/chị về đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về giá trị hiện thực và giá
trị nhân đạo thể hiện trong đoạn trích.
ĐỀ 5
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích sau. Từ đó, nhận xét
tư tưởng nhân đạo trong ngòi bút Kim Lân được thể hiện qua đoạn trích.
(…) Thấy mẹ vẫn chưa hiểu, hắn bước lại gần nói tiếp:
– Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…
Chẳng qua nó cũng là cái số cả…
Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết
bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng
vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau
này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng
chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.
          Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân
vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này,
người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà
đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà
cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo
cho hết được?
          Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới”:
– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…
Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra
sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:
– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà
ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái
chúng mày về sau.
(Trích “Vợ nhặt”– Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo Dục Việt Nam, 2020)
ĐỀ 6
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai
lần,hoặc buổi sáng sớm và xế chiều,hoặc đứng bóng và sẩm tối,hoặc nủa đêm và trở gà gáy.
Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn
cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào
ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng
hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã
gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời.
Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh
nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số
hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực
người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. Ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết
thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây
vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông
vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một
thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã … Cứ thế hai ba
năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng …
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài
những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.
(Trích Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành, Ngữ văn 12,Tập hai,
NXB Giáo dục Việt Nam, 2008, tr 38)
Anh/chị hãy phân tích hình tượng cây xà nu trong đoạn văn trên. Từ đó, nhận xét
ngắn gọn về nghệ thuật đặc sắc được nhà văn Nguyễn Trung Thành được thể hiện qua tác
phẩm “Rừng xà nu”.

You might also like