You are on page 1of 3

THAY LỜI TỰA 1

Trần Minh: Từ khi đọc cuốn Chuyện Trà, trong lòng tôi luôn canh cánh một câu hỏi: bao giờ thì thầy sẽ
xuất bản… Chuyện Nhậu hoặc Chuyện Rượu.

Trần Quang Đức: Câu hỏi thật thú vị, bởi tôi vốn uống rượu trước khi uống trà, đáng nhẽ phải viết
Chuyện Rượu trước mới phải, nhưng tôi nghĩ, không cần cổ xuý viết Chuyện Rượu, xưa nay rượu vẫn
luôn phổ biến hơn trà, được ưa chuộng hơn trà. Tuy nhiên, trà uống đại trà khác với trà uống thưởng
thức, rượu dĩ nhiên cũng vậy. Để có được ấm trà thơm ngon cần trang bị trước kiến thức để tỉ mỉ pha
rót, còn rượu đa phần có sẵn, khi trút bầu nâng chén, bất tất thao tác nhiêu khê. Người ta thường có cái
thú thưởng trà đọc sách, ngẫm nghĩ sâu xa, ưa sự tĩnh tại thâm trầm, trong khi uống rượu lại cần buông
lơi hò hét, khuấy động vang trời mới đã cơn khoái trá. Mà một khi vung chén, cần chi sách vở rườm rà.
Bởi vậy Chuyện Trà đã ra đời, còn Chuyện Rượu vẫn bềnh bồng đâu đó trong tâm tưởng xa lắm của tôi.
Có điều, tôi đã nhiều lần vỗ đùi tán thán mỗi khi bắt gặp những câu thơ thần cú của tiền nhân được viết
trong cơn chếch choáng, thành thử đôi khi thoáng nghĩ, chẳng nhẽ cứ vậy để trôi suông?

Trần Minh: Nhà văn tôi yêu thích, Cổ Long, từng có một cuốn tùy bút mang tên “Ai cùng tôi cạn chén”, tôi
thích tác phẩm ấy hơn mọi cuốn tiểu thuyết của ông, vì nó được viết bởi một giọng văn hào sảng tuyệt
luân. Khi nghĩ về hai đại tác gia của nền tiểu thuyết võ hiệp Trung Quốc, tôi luôn nghĩ Kim Dung đại diện
cho trà còn Cổ Long đại diện cho rượu. Các tác phẩm của Cổ Long có thể gói gọn trong mô tuýp kinh
điển: “Giữa tửu quán phát sinh biến cố”. Đến như Hồ Chủ Tịch cũng thường xuyên nói về rượu. Ông viết
“rượu ngọt chè tươi mặc sức say” khi ở Việt Bắc, cám cảnh “trong tù không rượu cũng không hoa” khi
nhìn thấy vầng trăng tuyệt đẹp nơi lao ngục xứ người. Như vậy, dẫu là con người nghệ sĩ hay con người
cách mạng, rượu vẫn là một phần không thể thiếu để thăng hoa những cảm xúc trong họ. Và thầy có
đồng ý với tôi rằng khi uống rượu, con người ta sẽ thật thà hơn, dễ nói những điều giấu kín lúc tỉnh
không?

Trần Quang Đức: Tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi vẫn nghĩ: trong lúc Trần Minh thường xuyên đi phỏng vấn, trò
chuyện với người sống thì Trần Quang Đức thường xuyên trò chuyện với người chết, thông qua sách vở,
con chữ. Nói không ngoa, tôi đã có nhiều cuộc mạn đàm trong tâm tưởng như thế, với vô vàn cổ nhân.

Trần Minh: Tôi rất nóng lòng được nghe một ví dụ minh họa.

Trần Quang Đức: Tôi lấy ví dụ về đại thi hào Nguyễn Du của chúng ta nhé, người là idol văn chương của
Trần Minh, tôi đoan chắc vậy. Nguyễn Du viết Truyện Kiều với tiếng thơ đau đứt ruột chúng ta đều biết
rồi. Song cùng là một Nguyễn Du, khi tỉnh tảo thì nói rằng: “Nhất sinh u tứ vị tằng khai”, nỗi niềm u uẩn
cả đời chưa từng mở ra cho ai thấy, và rồi lại kêu than “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”, ai người trong
thiên hạ sau này, hiểu Tố Như, và nhỏ lệ vì Tố Như? Thực ra Tố Như nói vậy thôi, nỗi niềm u uẩn của ông
luôn được giãi bày bằng cách này hay cách khác, nhất là sau khi đã có men say. Hãy thử đọc bài Đối tửu,
để thấy Nguyễn Du mở lòng ra sao:
“Phu toạ nhàn song tuý nhãn khai, lạc hoa vô số há thương đài.
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu, tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi?”
Tôi dịch vụng:
Ngồi kề song cửa, mắt say ngà. Lả tả thềm rêu liệng cánh hoa.
Sống đã chẳng nghiêng bầu rượu cạn, chết rồi ai tưới nấm mồ ta? (*)
(*: Toàn bộ bản dịch trong quyển sách này đều là của Trần Quang Đức)
Trần Minh: Thật ư? Là một Nguyễn Du ngỡ như rất chán chường và “thanh niên nghiêm túc” đã viết nên
Truyện Kiều đó ư?

Trần Quang Đức: Nguyễn Du từng nói “Thi nhân bất đắc kiến, kiến thi như kiến nhân”, chúng ta chẳng
được gặp nhà thơ, nhưng gặp thơ như gặp chính con người của nhà thơ vậy. Chỉ là ta đọc đủ nhiều để
thấy được nhiều khía cạnh tâm hồn của nhà thơ hay không mà thôi. Một người đơn giản, chán chường,
nghiêm túc sao có thể viết nên áng thơ tuyệt phẩm Truyện Kiều được?

Trần Minh: Quả thật vậy, nếu không không biết “ăn chơi”, làm sao ông có thể miêu tả thế giới hưởng lạc
trong lầu xanh hay và diệu đến thế. Hai câu “Sống đã chẳng nghiêng bầu rượu cạn, chết rồi ai tưới nấm
mồ ta?” vừa cô đơn lại vừa hào sảng. Phiền thầy cho tôi nốt bốn câu cuối!

Trần Quang Đức: “Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ, niên quang ám trục bạch đầu lai. Bách kỳ đãn
đắc chung triêu tuý, thế sự phù vân chân khả ai”. Tôi dịch vụng: “Màu xuân dần nhạt chim vàng khuất,
năm tháng ngầm xui tóc bạc ra. Những muốn trăm năm say khướt mãi, ngẫm buồn thế sự áng mây qua.”

Trần Minh: Nếu bốn câu đầu cho thấy một Nguyễn Du hào sảng, dứt khoát thì bốn câu cuối đích thị lột tả
được tinh thần chán chường của đại thi hào. Thế sự phù vân chân khả ai! Tôi thích câu này quá, nỗi buồn
ấy đẹp mênh mang, và váng vất tinh thần vô thường của Phật Giáo.

Trần Quang Đức: Nhưng nghe những câu như muốn say khướt mãi, sống thì phải dốc cạn bầu rượu, tôi
có hơi băn khoăn. Vì nếu ra sách kể chuyện rượu, không khéo chuốc phải cái tiếng khuyến khích toàn
dân uống rượu. Trong khi trà có thể uống nhiều, còn rượu không nên lạm.

Trần Minh: Cuốn sách chưa ra thì người ta vốn đã… uống rượu nhiều rồi thầy ạ. Những cuộc nhậu diễn ra
hàng ngày, hàng giờ đã biến Việt Nam thành một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế
giới. Nếu trong các cuộc bàn luận trên bàn rượu, có thêm chủ đề về thơ phú hay chuyện nhậu của tiền
nhân thì sẽ thú vị hơn biết bao, tăng cường sự hưởng thụ tinh thần hơn biết bao.

Trần Quang Đức: Rượu quả thực là chất xúc tác để những bậc văn tài bật ra những ý tứ cùng lời thơ kỳ
tuyệt. Và từ những áng thơ tuyệt diệu ấy, tôi tin chúng ta có thể nhìn thấy thêm một khía cạnh tinh thần
của tiền nhân, một phần của lịch sử. Họ vẫn luôn giai bày khuyên nhủ ta, chỉ là ta có nhận ra, có kết nối
được hay không mà thôi. Vẫn là một Nguyễn Du hào sảng trước chén rượu đó, đã khuyên chúng ta thế
này: “Hoa đẹp chẳng trăm ngày, người thọ đâu trăm tuổi. Phù sinh vẫn phải vui, dù sự đời luôn đổi…
Khuyên người uống rượu hãy vui tràn, bóng xế hiên tây trời sắp tối!”

Trần Minh: Đời ngời ngắn ngủi, và đầy sự phù phiếm, nhưng dù sao chúng ta vẫn cần phải vui, phải nhìn
cuộc sống với đôi mắt tích cực. Câu chuyện này quả thực đang rất phù hợp với thời đại hôm nay, một
thời đại mà chúng ta dường như đang quần quật chạy theo danh lợi mà quên mất tận hưởng cuộc sống.
Thầy thầy đó, nếu có thể từ những câu thơ rượu mà cùng nhau mở rộng vấn đề, ta sẽ thấy tiền nhân bên
ta. Và cuộc nhậu nào cũng sẽ là “nhậu cùng tiền nhân”.

Trần Quang Đức: Tôi thích cái ý “Nhậu cùng tiền nhân” này. Có lẽ tôi đã vô thức làm việc đó mà không
hay. Nguyễn Khuyến quả đã từng nói: “Nhược giao khúc nghiệt phi giai phẩm, hà dĩ văn chương cánh
biệt truyền. Ngô đạo chí kim tiêu tác thậm, huề hồ độc thử tuý trung tiên”. Tôi lại dịch vụng: “Nếu bảo
men say là phẩm kém, văn chương giai tác sao lưu truyền, đạo ta giờ đã tiêu điều lắm, tuý luý ôm bầu
hoá tửu tiên”.
Trần Minh: Quả là những câu thần cú! Nếu rượu không tốt, tại sao có nhiều kiệt tác văn chương viết về
nó đến vậy. Đạo đã tiêu điều, chỉ có những người đeo bầu rượu trong làng say mới thực là tiên. Vì sao
Nguyễn Khuyến lại cảm thán đạo đã tiêu điều. Câu chuyện của thời đại ấy là như thế nào, nhân vật tài
hoa thi đâu đậu đó ngày ấy còn có những tư tưởng nào hay, còn có những bài thơ nào bên cạnh tam
tuyệt về mùa thu như mọi người đều biết, nếu được thầy phẩm bình thì thật tuyệt. Vậy hãy tiến hành
thôi! Nguyễn Du viết Kiều cũng chỉ nghĩ là “mua vui cũng được một vài trống canh” thôi mà! Tôi rất háo
hức được “nhậu” cùng Tố Như tiên sinh và cụ Tam Nguyên Yên Đổ lắm rồi.

Trần Quang Đức: Vậy mời Trần Minh cạn một chén!

You might also like