You are on page 1of 4

6.1.2.

Phân loại hợp đồng


Theo những tiêu chí khác nhau có thể chia thành nhiều loại hợp đồng.

a.Theo nội dung của hợp đồng

- Hợp đồng không có tính chất kinh doanh hay hợp đồng dân sự theo nghĩa hẹp.
Đó là những hợp đồng giữa cá nhân, hộ gia đình để thực hiện các giao dịch dân sự
nhằm thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt.

- Hợp đồng kinh doanh, thương mại. Hợp đồng giữa các chủ thể có đăng ký kinh
doanh để thực hiện các hoạt động kinh doanh, thương mại.

- Hợp đồng lao động Hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động về
việc làm có trả công, về điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong
quan hệ lao động.

b. Theo tính chất đặc thù của hợp đồng

- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
Khi tham gia giao kết hợp đồng, các bên tuân thủ nghiêm chỉnh các điều kiện để
bảo đảm cho hợp đồng có hiệu lực thì quan hệ hợp đồng này là hợp pháp và có
hiệu lực bắt buộc đối với các bên từ thời điểm giao kết hợp đồng.

- Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính. Hợp đồng
phụ dù đã tuân thủ các quy định của pháp luật về chủ thể, nội dung, hình thức hợp
đồng nhưng vẫn có thể bị coi là không có hiệu lực nếu hợp đồng chính (hợp đồng
mà nó phụ thuộc) không có hiệu lực.

- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng
đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện
nghĩa vụ đó. Các bên tham gia giao kết thực hiện nghĩa vụ dân sự không phải vì lợi
ích của bản thân họ mà thực hiện nghĩa vụ dân sự đó vì lợi ích của người thứ ba.

- Hợp đồng cỏ điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát
sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định. Việc thực hiện hợp đồng này
phụ thuộc vào sự kiện do các bên thỏa thuận trước. Sự kiện mà các chủ thể thỏa
thuận phải không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Đồng thời, nếu điều kiện của
hợp đồng là một công việc phải làm thì nó phải có tính khả thi, có thực trong thực
tế.

c. Theo sự tương xứng về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng

- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà các bên chủ thể đều có quyền và nghĩa vụ
tương ứng với nhau. Quyền dân sự của bên này tương ứng với nghĩa vụ dân sự của
bên kia và ngược lại.

- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.

d. Theo hình thức của hợp đồng

Theo cách phân loại này, hợp đồng được chia thành: Hợp đồng bằng văn bản (kể
cả hình thức thông điệp dữ liệu); Hợp đồng bằng lời nói; Hợp đồng bằng hành vi
cụ thể; Hợp đồng có công chứng, chứng thực, hợp đồng phải đăng ký.

đ. Theo lĩnh vực áp dụng của hợp đồng

- Hợp đồng thương mại: Hợp đồng giữa các thương nhân để thực hiện các hoạt
động thương mại như mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

- Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất: Hợp đồng giữa các bên liên quan đến việc
chuyển quyền sử dụng đất như chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, thế chấp,
góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật Dân sự và pháp luật về
đất đai.

- Hợp đồng chuyển giao quyền đối với các đối tượng trong quyền sở hữu trí tuệ.
Đó là các loại hợp đồng chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả,
quyền liên quan; Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp, hợp đồng
chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Hợp đồng chuyển nhượng
quyền đối với giống cây trồng, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng giống cây
trồng.

- Hợp đồng chuyển giao công nghệ: Những hợp đồng thực hiện chuyển giao các
đối tượng là bí quyết kỹ thuật; kiến thức kỹ thuật về công nghệ dưới dạng phương
án công nghệ, các giải pháp kỹ thuật, công thức, thông số kỹ thuật, bản vẽ, sơ đồ
kỹ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao, giải
pháp hợp lý hóa sản xuất, đổi mới công nghệ, cấp phép đặc quyền kinh doanh và
các đối tượng khác do pháp luật về chuyển giao công nghệ quy định.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải bằng văn bản và đăng ký tại cơ quan nhà
nước có thẩm quyền trong trường hợp pháp luật có quy định. Việc sửa đổi, bổ
sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng phải được lập thành
văn bản. Nếu hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại cơ quan nhà nước
có thẩm quyền thì việc sửa đổi, bổ sung, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng này cũng phải
được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hợp đồng giao thầu: Những hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu được
lựa chọn trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quyết định phê duyệt kết
quả lựa chọn nhà thầu.

e. Theo hình thức đầu tư

- Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi là hợp đồng PPP) là
hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh
nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư. Bao gồm các dạng: Hợp đồng BOT, Hợp
đồng BTO, Hợp đồng BT, Hợp đồng BTL, Hợp đồng BLT, Hợp đồng BOO, Hợp
đồng O&M.

- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được
ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia
sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

g. Theo tính thông dụng của hợp đồng

- Hợp đồng mua bán tài sản: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các
bên, theo đó bên bản chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền
cho bên bản”. (Điều 430, Bộ luật Dân sự 2015)

-Hợp đồng trao đổi tài sản: “Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các
bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho
nhau". (Khoản 1, Điều 455, Bộ luật Dân sự 2015)

- Hợp đồng tặng cho tài sản: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các
bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên
được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.” (Điều
457, Bộ luật Dân sự 2015)

-Hợp đồng vay tài sản: "Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo
đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho
bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chi phải trả lãi nếu
có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.” (Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015)

- Hợp đồng thuê tài sản: “Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo
đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên
thuê phải trả tiền thuê” (Điều 480, Bộ luật Dân sự 2015).

- Hợp đồng mượn tài sản: “Hợp đồng mượn tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên,
theo đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn để sử dụng trong một thời hạn
mà không phải trả tiền, bên mượn phải trả lại tài sản đó khi hết thời hạn mượn hoặc
mục đích mượn đã đạt được.” (Điều 494, Bộ luật Dân sự 2015).

- Hợp đồng dịch vụ: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên
cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch
vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.” (Điều 513, Bộ luật Dân sự
2015).

You might also like