You are on page 1of 2

CHƯƠNG 2: BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM

Khái niệm bộ máy nhà nước


Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là hệ thống các cơ quan
nhà nước được tổ chức và hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, tạo thành
một chỉnh thể thống nhất nhằm thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của nhà
nước.
Việc tìm hiểu bộ máy nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hai nội
dung cơ bản: các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước và hệ
thống các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
2.1. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã
hội chủ nghĩa Việt Nam
Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là những tư tưởng cơ bản chỉ đạo, chi phối quá trình thành lập, hoạt
động của hệ thống các cơ quan nhà nước nói chung và của từng cơ quan nhà nước
nói riêng nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của bộ máy nhà nước.
Các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
2.1.1. Nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân
Ở Việt Nam, nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 2 Hiến pháp 2013.
Khoản 1 và 2 của Điều này quy định:
“1. Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền
lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”
(như vậy có thể thấy rằng, ở nước chxhcnvn, nhân dân là chủ thể của quyền lực
nhà nước. Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực
tiếp hoặc dân chủ đại diện thông qua Quốc Hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan
của nhà nước.)
Theo Hiến pháp 2013, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân
được thể hiện như sau:
Thứ nhất, Nhân dân có quyền tham gia vào việc thành lập nên các cơ quan quyền
lực nhà nước. Công dân Việt Nam có quyền bầu cử, ứng cử vào Quốc hội và Hội
đồng nhân dân khi đạt đủ độ tuổi và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp
luật.

( Đây là một trong những phương diện thể hiện rõ nét nguyên tắc tất cả quyền lực
nhà nước thuộc về Nhân dân trong quá trình thiết lập, tổ chức nên bộ máy nhà
nước)
Thứ hai, Nhân dân có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào hoạt động quản
lý nhà nước và xã hội.

(Với phương thức trực tiếp, Nhân dân có quyền tham gia thảo luận và kiến nghị
với cơ quan nhà nước về các vấn đề của đất nước. Ngoài ra, nhân dân còn có thể
thực hiện quyền lực nhà nước một cách gián tiếp thông qua hoạt động của Quốc
hội và Hội đồng nhân dân)
Thứ ba, Nhân dân có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước
trong việc thực hiện quyền lực nhà nước theo những phương thức khác nhau.

(Nhân dân có thể bãi nhiêm các đại biểu không còn xứng đáng với sự tín nhiệm
của nhân dân thông qua việc giám sát. Ngoài ra, Nhân dân còn có quyền khiếu nại,
tố cáo những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân).
Như vậy, việc thực hiện tốt nguyên tắc này sẽ góp phần đảm bảo Nhà nước ta là
nhà nước của dân, do dân, vì dân. Ngoài ra, nguyên tắc này còn là biện pháp hữu
hiệu để ngăn ngừa và chống lại tệ quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng,
lãng phí trong bộ máy nhà nước.

You might also like