You are on page 1of 14

TƯ TƯỞNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC

1.ĐẠO ĐỨC LÀ GỐC,LÀ NỀN TẢNG TINH THẦN CỦA XÃ HỘI,CỦA


NGƯỜI CÁCH MẠNG
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà tư tưởng, một lãnh tụ cách mạng thế giới đã bàn nhiều về
vấn đề đạo đức,đặc biệt quan tâm tới đạo đức cách mạng, Người là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu
gương cho toàn Đảng, toàn dân ta. Đạo đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét toàn diện bao gồm đạo
đức công dân, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, chủ chốt. Đạo đức được nhận diện từ môi trường gia
đình, công sở, xã hội; trong các mối quan hệ với mình, với người, với việc. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí
Minh rất sâu sắc, phong phú, cả về lý luận và thực tiễn, đã trở thành một bộ phận vô giá của văn hoá dân
tộc và nhân loại,một sức mạnh to lớn làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Khi đánh giá vai trò của đạo đức trong đời sống, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đạo đức
là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, ngọn nguốn của sông suối – “cũng như
sông thì có nguốn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo.
Người cách mạng phải có đạo dức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân
dân”. Người nói, cán bộ, đảng viên muốn cho dân tin, dân phục thì không phải cứ “viết lên trán chữ cộng
sản mà ta được họ mến yêu. Quần chúng chỉ quý mến những người có tu cách, đạo đức”. “Vì muốn giải
phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức,
không có căn bản, tự mình đã hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”.

Đạo đức là sức mạnh của con người. Làm cách mạng là một việc lớn nên càng phải có sức mạnh.  Người
viết: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang, nhưng nó cũng là
một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh
được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành
được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí
Minh nhận thức sâu sắc Đảng phải trong sạch, vững mạnh, sức chiến đấu cao mới đảm đương được vai
trò lãnh đạo. “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững, thuyền mới
chạy”. Để được như vậy, mối quan tâm hàng đầu là xây dựng Đảng về đạo đức. 

Trong Di chúc, để xây dựng đất nước ta sau chiến tranh “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, ngoài việc phải
huy động được sức mạnh của nhân dân, Đảng có kế hoạch, chủ trương, đường lối đúng, thì điều quan
trọng và cần thiết là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên xứng danh và ngang tầm nhiệm vụ
cách mạng. Chính vì vậy, trong Di chúc, Người đã căn dặn ngay sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống
Mỹ, cứu nước, “Việc làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, với mục đích là làm cho mỗi đảng viên, mỗi
đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ
nhân dân”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ
sệt, rụt rè, lùi bước. Khi cần, thì sẵn sàng hi sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc. Có đạo đức
cách mạng thì gặp thuận lợi và thành công vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác khiêm tốn, “lo
trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không hưởng thụ; không công thần,
không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa.Người chỉ rõ "tuy năng lực và công việc của mỗi người
khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ; nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng".

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức trong hành động, lấy hiệu quả thực tế làm thước đo. Chính vì
vậy Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức bên cạnh tài năng, gắn đức với tài, lời nói đi đôi với hành
động và hiêu quả trên thực tế. Người nói: “phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức bao nhiêu cho sản xuất
và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình. Hãy kiên quyết chống bệnh nói suông, thói phô
trương hình thức, lối làm việc không nhằm mục đích nâng cao sản xuất”.

Mặc dù coi đạo đức là gốc, chiếm vị trí hàng đầu trong thang giá trị nhân cách người cách mạng nhưng
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt đạo đức và tài năng trong mối quan hệ biện chứng với nhau, tác động và
quy định lẫn nhau. Bởi vì, nhờ có phẩm chất và năng lực, đức và tài mà cán bộ, đảng viên hoàn thành
nhiệm vụ, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì nhân dân phục vụ, quyết tâm đưa cách mạng
Việt Nam đi đến thắng  lợi cuối cùng. Khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa tài và đức Chủ tịch Hồ Chí
Minh viết: "Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két
thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà
không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người"

Trên cơ sở xác định vai trò to lớn của đạo đức cách mạng, Người yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên phải
không ngừng tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức. Theo Người , yêu cầu đạo đức người cán bộ cần có
là trung với nước, hiếu với dân; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; thương yêu con người, sống có
tình nghĩa; tinh thần quốc tế trong sáng. Người đặc biệt nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền.
Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí
công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật
trung thành của nhân dân... Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh
niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên".

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội chưa phải là ở lý tưởng cao xa, ở mức
sống vật chất dồi dào, ở tư tưởng được tự do giải phóng, mà trước hết là ở những giá trị đạo đức cao đẹp,
ở phẩm chất của những người cộng sản ưu tú, bằng tấm gương sống và hành động của mình, chiến đấu
chi lý tưởng đó trở thành hiện thực.Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phong trào cộng sản công nhân quốc
tế trở thành lực lượng quyết định vận mệnh của loài người không chỉ do chiến lược và sách lược thiên tài
của cách mạng vô sản, mà còn do những phẩm chất đạo đức cao quý làm cho chủ nghĩa cộng sản trở
thành một sức mạnh vô địch.

Tấm gương đạo đức trong sáng của một nhân cách vĩ đại, song cũng rất đời thường của Chủ tịch Hồ Chí
Minh chẳng những có sức hấp dẫn lớn lao, mạnh mẽ với nhân dân Việt Nam mà còn cả với nhân dân thế
giới. Tấm gương đó từ lâu là nguốn cổ vũ động viên tinh thần quan trọng đối với nhân dân ta và nhân loại
tiến bộ đoàn kết đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

2.QUAN ĐIỂM CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC
CÁCH MẠNG
a) Trung với nước,hiếu với dân:
"Trung với nước, hiếu với dân" trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không phải là những điều mới được
đặt ra, mà đó là những phẩm chất đạo đức vốn có từ xa xưa trong tư tưởng đạo đức truyền thống phương
Ðông nói chung và đạo đức truyền thống Việt Nam nói riêng.“Trung” và “hiếu” là những khái niệm cũ,
phản ánh mối quan hệ lớn nhất và cũng là phẩm chất đạo đức bao trùm nhất: “trung với vua, hiếu với cha
mẹ”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mượn khái niệm “trung, hiếu” trong tư tưởng đạo đức truyền thống và đưa vào
đó nội dung mới: “trung với nước, hiếu với dân”, tạo nên một cuộc cách mạng trong quan niệm về đạo
đức. Người nói: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như
người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”.

Theo Người, trung là trung với nước, là trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, với sự nghiệp đấu
tranh cách mạng của Ðảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa... Nước ở đây với ý nghĩa "Dân là con nước, nước là mẹ chung", là nước của dân, của toàn dân tộc
chứ không phải của riêng  ai, và chính mỗi người dân là những "chủ nhân ông" của đất nước. Mối quan hệ
nước-dân, dân-nước mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hòa quyện với nhau trong một thể thống nhất về
trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi công dân với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

Về chữ hiếu, theo Người , là hiếu với dân. Hiếu với dân không phải chỉ là hiếu với cha mẹ mình   như
người xưa vẫn nói, mà là hiếu với nhân dân, với toàn dân tộc, vì "nước lấy dân làm gốc", dân là "gốc" của
nước. Bác Hồ từng chỉ rõ: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt
đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân"(1); "Nhân dân ta từ lâu đã sống với nhau có tình có
nghĩa như thế. Từ khi có Ðảng ta lãnh đạo và giáo dục, tình nghĩa ấy càng cao đẹp hơn, trở thành tình
nghĩa đồng bào, đồng chí, tình nghĩa năm châu bốn biển một nhà... đạo đức ngày nay cao rộng hơn:
không phải chỉ có hiếu với bố mẹ, mà trung với nước, hiếu với dân"(2); "Người kiên quyết cách mạng
nhất lại là người đa tình, chí hiếu nhất. Vì sao? Nếu không làm cách mạng thì chẳng những bố mẹ mình
mà hàng chục triệu bố mẹ người khác cũng bị đế quốc phong kiến giày vò.Mình không những cứu bố mẹ
mình mà còn cứu bố mẹ người khác, bố mẹ của cả nước nữa...Chữ tình, chữ hiếu, cũng phải hiểu một
cách rộng và hiểu như thế mới là đúng"...(3)

Trung với nước, hiếu với dân theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi công việc cách
mạng của Ðảng, trong từng suy nghĩ, việc làm cụ thể của mỗi cán bộ, đảng viên   và mỗi người dân. Dù
mục tiêu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng  khác nhau, nhưng yêu cầu về trung, hiếu luôn nhất
quán và là tiêu chí chung cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và rèn luyện.Chúng ta
có thể thấy rõ điều này ngay từ những ngày đầu cách mạng. Khi mở lớp huấn luyện, đào tạo lớp cán bộ
đầu tiên của Ðảng (ở Quảng Châu, Trung Quốc), một trong những vấn đề đầu tiên đồng chí Nguyễn Ái
Quốc quan tâm là, đào tạo những người tự nguyện hy sinh phấn đấu suốt đời cho sự nghiệp giải phóng
dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; học tập, tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lê-nin là để  "giữ chủ
nghĩa cho vững", tuyệt đối trung thành với sự nghiệp lớn của Ðảng, biết đoàn kết và tổ chức quần chúng
thực hiện.

Khi Ðảng ta được thành lập, Người luôn nhắc nhở : "Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên
xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Ðảng để làm đày tớ cho nhân dân. Bác nhấn mạnh: Làm đày tớ
nhân dân chứ không phải là "quan" nhân dân"(4). Khi Ðảng ta trở thành Ðảng cầm quyền, lãnh đạo toàn
dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: "Ðảng ta
là Ðảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Ðảng ta không có lợi ích gì khác", "Chính sách của Ðảng
và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân"(5)...   Vì vậy, Người luôn chỉ rõ cho
mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Việc gì  lợi cho dân phải hết sức làm.
Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh.    
Chính trong quá trình ấy, Người  đã nêu tấm gương sáng về lòng "tận trung với nước, tận hiếu với dân".
Lòng trung, hiếu ở Người là nhất quán, trước sau như một. Ngay từ những ngày đầu ra đi tìm đường cứu
nước, hướng tới mục tiêu độc lập cho Tổ quốc, cơm no áo ấm cho đồng bào, Người đã vượt qua bao khó
khăn, thử thách. Trong lao tù của bọn thực dân, đế quốc, lòng kiên trung bất khuất, quyết tâm giải phóng
dân tộc, cơm no áo ấm cho đồng bào càng  được bồi đắp thêm. Khi  đất nước giành được độc lập, Người
"tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào", không muốn "dính líu gì với vòng danh lợi"
mà "chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta
được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" .
Sau Ðại thắng Mùa Xuân 1975, nhân dân cả nước cùng chung sức xây dựng đất nước. Hậu quả nặng nề
sau chiến tranh và những biến động sâu sắc của tình hình thế giới đã  dẫn đến tình trạng khủng hoảng
kinh tế-xã hội kéo dài, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí
Minh về nhiệm vụ của Ðảng là lãnh đạo quần chúng chiến thắng  nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đời sống
ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, một lần nữa tinh thần "trung với nước, hiếu với dân" của đội ngũ những
người cách mạng được phát huy cao độ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  

Trung với nước, hiếu với dân trong giai đoạn hiện nay trước hết là trung thành với con đường cách mạng 
mà Ðảng ta và Bác Hồ đã chọn, là trung thành với sự nghiệp đổi mới đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; là sự thể hiện lương tâm và trách nhiệm của mỗi người trong
sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc.

b)Cần,kiệm,liêm,chính,chí công vô tư

Đây là phẩm chất đạo đức gắn liền với hoạt động hàng ngày của mỗi người, là đại cương đạo đức Hồ Chí
Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng
không bao giờ thực hiện mà lại bắt nhân dân tuân theo để phụng sự quyền lợi của chúng.Ngày nay, ta đề
ra cần kiệm liêm chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo là để đem lại hạnh phúc cho
dân. Với ý nghĩa như vậy, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cũng là một biểu hiện cụ thể, một nội
dung của phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”.

Cũng như khái niệm “trung, hiếu”, “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” cũng là những khái niệm cũ
trong đạo đức truyền thống dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh lọc bỏ những nội dung không phù hợp
và đưa vào những nội dung mới đáp ứng những yêu cầu của cách mạng.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là nền tảng của đời sống mới, là phẩm chất trung tâm của đạo đức
cách mạng trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, là mối quan hệ   “với tự mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh
quan niệm cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là bốn đức tính của con người, như trời có bốn mùa, đất
có bốn phương, Bác viết:

“Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông


Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc
 Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính
 Thiếu một mùa thì không thành trời
 Thiếu một phương thì không thành đất.
 Thiếu một đức thì không thành người”

Cần là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh
thần tự lực cánh sinh, không lười biến, không ỉ lại, không dựa dẫm. Phải thấy rõ “lao động là nghĩa vụ
thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta”.Hiểu sâu sa hơn thì Cần cũng có nghĩa là
làm để nuôi dưỡng tinh thần và lực lượng của mình, để làm việc lâu dài, để đạt được mục đích đề ra, bởi:
“Nếu mỗi người, mỗi ngày làm thêm một tiếng đồng hồ thì: Mỗi tháng sẽ thêm 300 triệu giờ. Mỗi năm
thêm lên 3.600 triệu giờ… Cứ tính một giờ làm đáng giá một đồng bạc, thì mỗi năm nước ta đã có thêm
được 3.600 triệu đồng. Đưa số tiền đó thêm vào kháng chiến, thì kháng chiến ắt mau thắng lợi, thêm vào
kiến quốc, thì kiến quốc ắt mau thành công”.

Kiệm là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm của dân, của nước, của bản thân mình, tiết
kiệm từ cái to đến cái nhỏ; “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương, hình thức,
…”. Trong đó, Cần phải đi đôi với Kiệm “như hai chân của con người”; vì “KIỆM mà không CẦN thì
không tăng thêm, không phát triển”. Tiết kiệm về vật chất phải đi đôi với tiết kiệm về thời giờ, bởi “của
cải nếu hết, còn có thể làm thêm. Khi thời giờ qua rồi, không bao giờ kéo nó trở lại được”. Vì thế, thời giờ
cần tiết kiệm và đó cũng là Cần; “tiết kiệm thời giờ của mình, lại phải tiết kiệm thời giờ của người”, cũng
giống như “khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi
ích cho đồng bào, cho Tổ quốc, thì dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới
đúng là kiệm”

Liêm là phẩm chất của người cán bộ trong thi hành công vụ.LIÊM “là trong sạch, không tham lam” và
“tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM”. Chữ LIÊM
phải đi đôi với chữ KIỆM, cũng như chữ KIỆM phải đi đôi với chữ CẦN, vì “có KIỆM mới LIÊM được.
Vì xa xỉ mà sinh tham lam”. Tham lam sẽ dẫn đến BẤT LIÊM, cho nên, cán bộ phải thực hành chữ LIÊM
trước, để làm kiểu mẫu cho dân”. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “trước nhất là cán bộ các cơ quan,
các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là
có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư” và “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết,
không chịu đút lót, thì "quan" dù không liêm cũng phải hoá ra LIÊM. Vì vậy dân phải biết quyền hạn của
mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ LIÊM”.Vì “pháp luật phải thẳng tay trừng
trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”, cho nên “cán bộ thi đua thực hành
liêm khiết, thì sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân. Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân
tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”.

Chính là ngay thẳng, không tà, là đúng đắn, chính trực. Đối với mình không tự cao, tự đại; đối với người
không nịnh trên, khinh dưới, không dối trá, lừa lọc, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết. Đối
với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Được giao nhiệm vụ gì quyết làm cho kỳ
được, “việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm; việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh.Việc gì dù lợi cho mình, phải xét
nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm
một việc lợi cho nước (lợi cho nước tức là lợi cho mình), dù là việc nhỏ, thì một năm ta làm được 365
việc.Nhiều lợi nhỏ cộng thành lợi to. Cả 20 triệu đồng bào đều làm như vậy, thì nước ta nhất định mau
giàu, dân ta nhất định nhiều hạnh phúc. Ai chẳng muốn cho tự mình thành một người tốt”.

Chí công là rất mực công bằng, công tâm; vô tư là không được có lòng riêng, thiên tư, thiên vị “tư ân, tư
huệ, hoặc tư thù, tư oán”, đem lòng chí công, vô tư đối với người, với việc. “Khi làm bất cứ việc gì cũng
đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”.
Muốn “chí công vô tư” phải chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.Đây là chuẩn mực của người lãnh đạo,
người “giữ cán cân công lý”, không được vì lòng riêng mà chà đạp lên pháp luật.

Cần, kiệm, liêm, chính có quan hệ chặt chẽ với nhau, với chí công vô tư. Cần, kiệm, liêm, chính dẫn đến
chí công vô tư. Ngược lại, đã chí công vô tư thì nhất định sẽ thực hiện được cần, kiệm, liêm, chính.Đối
với một quốc gia, cần, kiệm, liêm, chính là thước đo sự giàu có về vật chất, vững mạnh về tinh thần, thể
hiện sự văn minh, tiến bộ. Cần, kiệm, liêm, chính còn là nền tảng của đời sống mới, của các phong trào
thi đua yêu nước.
Để góp phần chống nạn đói năm 1945, Người đã kêu gọi đồng bào cả nước nêu cao tinh thần tương thân,
tương ái, nhường cơm, sẻ áo: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không
khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn
một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy, thì những
người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói”. Không chỉ gương
mẫu nhịn ăn, để dành gạo cho vào hũ gạo cứu đói, Người còn bán chiếc áo lụa đồng bào tặng lấy tiền mua
áo ấm tặng cho chiến sỹ trong mùa đông giá rét và đem số tiền tiết kiệm ít ỏi vốn là tiền nhuận bút của
mình để mua nước ngọt tặng cho các chiến sỹ trực phòng không trong những ngày hè nóng bức năm
1967. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện lưu giữ một hiện vật đặc biệt (đăng ký 4875-Gi-1026) -
Đó chính là thư chuyển số tiền 16.000 đồng của Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Tổng cục Chính trị
để mua thêm nước uống cho bộ đội phòng không trực chiến bên mâm pháo, làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời
của Tổ quốc. Món quà của Người tuy nhỏ nhưng đã kịp thời động viên tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho
các chiến sỹ phòng không, giúp họ vượt qua mùa hè nóng nực và lập nhiều chiến công xuất sắc, bắn rơi
nhiều máy bay Mỹ… Tấm lòng, tình yêu thương bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào, chiến sỹ
không chỉ thể hiện sâu sắc những giá trị đạo đức cách mạng mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng và tu
dưỡng mà còn thể hiện đậm nét cuộc sống “CẦN KIỆM LIÊM CHÍNH” của Người.

c)Thương yêu con người,sống có tình nghĩa

Yêu thương con người được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là một trong những phẩm chất tốt đẹp nhất.
Tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp làm nên giá trị vô giá về nhân
cách, phẩm giá, chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh. Tấm gương, di sản mà Người để lại cho hậu thế vẫn
trường tồn với thời gian. Ngày nay, trong bối cảnh đất nước đổi mới và tích cực, chủ động hội nhập quốc
tế sâu rộng thì việc học tập và làm theo Bác nói chung, học tập và làm theo tấm gương về tình yêu thương
con người của Bác nói riêng lại càng đặt ra bức thiết.Bác đã từng khẳng định người cách mạng là người
giàu tình cảm, có tình cảm cách mạng mới đi làm cách mạng. Vì yêu thương nhân dân, yêu thương con
người mà chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để đem lại độc lập, tự do, cơm áo ấm no và hạnh phúc cho con
người.

Tình yêu thương đó là một tình cảm rộng lớn, trước hết dành cho những người nghèo khổ, những người
bị mất quyền, những người bị áp bức, bị bóc lột không phân biệt màu da, dân tộc. Người cho rằng:"Nếu
như không có tình yêu thương như vậy thì không thể nói đến cách mạng, càng không thể nói đến chủ
nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.". Vì vậy, phải hết lòng giúp dân, giúp nước để đem lại tự do, hạnh
phúc cho nhân dân. Đó cũng là mong ước lớn lao của Bác: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc
là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có
cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng
bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.

Tình thương yêu con người phải được xây dựng trên lập trường giai cấp công nhân, thể hiện trong mối
quan hệ hàng ngày với bạn bè, đồng chí, anh em…nó đòi hỏi mỗi người phải chặt chẽ và nghiêm khắc với
mình; rộng rãi, độ lượng với người khác. Nó đòi hỏi thái độ tôn trọng những quyền của con người, nâng
con người lên, kể cả những người nhất thời lầm lạc, chứ không phải là thái độ dĩ hoà vi quý, không phải
hạ thấp, càng không phải vùi dập con người. Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có
tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách
“Người tốt, việc tốt” nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản
xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác đã nhắc nhở: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với
nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ
nghĩa Mác-Lê nin được”.
Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật giản dị mà cao quý. Tình yêu thương đó
không phải bằng lời nói cao sang hay những khẩu hiệu hô hào chung chung mà bằng chính hành động, lời
nói và việc làm cụ thể. Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ
lại phải đối phó với muôn vàn khó khăn, thử thách trước cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, cùng với hạn hán,
thiên tai, lũ lụt, Nhân dân ta rơi vào tình cảnh chết đói ở khắp mọi nơi. Vì vậy, để khắc phục nạn đói,
Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc quyên góp
cứu đói. Ngày 07/12/1945, trong thư gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: “Tăng gia sản
xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững quyền tự
do, độc lập".Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai, sắn… Người đề xướng phong trào quyên góp “hũ
gạo cứu đói”, kêu gọi đồng bào cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo cứu dân nghèo và Bác đã tự
gương mẫu thực hiện trước. Tại buổi khai mạc cuộc quyên góp tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội, Bác đã
đem phần gạo nhịn ăn của mình quyên góp trước tiên.

Tình thương yêu con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự chăm sóc, lo lắng đối với đồng
bào, đồng chí, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ ngoài mặt trận… Người
đã dành trọn số tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội phòng không uống. Người chia quà
cho các cháu thiếu nhi vào dịp tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi. Mỗi khi có gió mùa Đông Bắc về,
Người nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, các cụ già. Người quan tâm đến những ngày giáp hạt của nông
dân, thấu hiểu nỗi vất vả, khó nhọc của những người lao động và tìm mọi cách để góp phần cho cuộc
sống người dân bớt đi phần vất vả. Những khi làm việc đêm khuya, có bát chè bồi dưỡng, Bác cũng xẻ
đôi cho người chiến sĩ bảo vệ cùng ăn. Lúc đi chiến dịch biên giới, Bác không chịu một mình cưỡi ngựa.
Bác bảo cả bảy người cùng đi bộ, để ngựa thồ hành lý cho anh em đỡ mệt… Những lúc bớt bận rộn, Bác
thường dành thời gian đến thăm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Thấy các cháu
nhỏ sức khỏe yếu, Bác đề nghị những nhà lãnh đạo địa phương phải chăm lo đến đời sống người dân từ
việc nhỏ nhất.

Bác đã dành tình cảm đặc biệt cho thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Là Chủ tịch nước, dù bận
trăm công ngàn việc, nhưng cứ đến ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Bác đều gửi thư thăm hỏi thương, bệnh
binh, gia đình liệt sĩ. Những lá thư của Bác chân tình mộc mạc, ai đọc lên cũng cảm nhận được tình
thương yêu vô bờ bến của Người. Trong thư gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 01/1947), Bác cảm
ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Tôi
không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt
Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…”

Tấm lòng nhân ái, bao dung, tình yêu thương con người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm
của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho tới trước lúc đi xa, về với “thế giới người hiền”, trong lời Di chúc, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục
vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được
phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho toàn dân, toàn
Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các
đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”
d)Có tinh thần quốc tế trong sáng

Chủ nghĩa quốc tế là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của đạo đức cộng sản chủ nghĩa. Nó bắt
nguồn từ bản chất giai cấp công nhân, nhằm vào mối quan hệ rộng lớn, vượt ra khỏi quốc gia, dân
tộc.Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà yêu nước nhiệt thành, một chiến sĩ quốc tế vĩ đại. Người không chỉ giáo
dục tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung mà còn là hình mẫu của tinh thần quốc tế, kết hợp chủ nghĩa
yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Khi bàn về mối quan hệ Việt – Trung, Bác nói: “Mối
tình hữu nghị Việt –Trung/ Vừa là đồng chí vừa là anh em”, nói về mối quan hệ Việt – Lào Bác đã khẳng
định: “Việt, Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”, nói về tình anh em vô sản
thế giới Người từng nhắc nhở “Quan san muôn dặm một nhà/ Bốn phương vô sản đều là anh em”.

Nội dung chủ nghĩa quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất rộng lớn và sâu sắc. Đó là sự tôn trọng, hiểu
biết, thương yêu và đoàn kết với giai cấp vô sản toàn thế giới, với tất cả các dân tộc và nhân dân các
nước, với những người tiến bộ trên toàn cầu, chống lại mọi sự chia rẽ, hằn thù, bất bình đẳng và phân biệt
chủng tộc; chống lại chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, sôvanh, biệt lập và chủ nghĩa bành trướng bá quyền...Hồ
Chí Minh chủ trương giúp bạn là tự giúp mình.

Trong quá trình tìm đường cứu nước, Bác đã đến nhiều nước trên thế giới, các nước tư bản cũng như
thuộc địa. Người đã chứng kiến cảnh cùng cực của giai cấp công nhân và Nhân Dân lao động, đồng thời
cũng thấy rõ cảnh sống xa hoa của giai cấp tư sản. Thực tế sinh động đã giúp Người đồng cảm và nhận
thức rõ: Nơi đâu cũng có người nghèo như ở xứ mình, dù ở các nước thuộc địa hay chính quốc, họ đều bị
áp bức, bóc lột tàn nhẫn bởi chủ nghĩa thực dân tàn ác. Người đi tới kết luận: Dù màu da có khác nhau,
trên đời này chỉ có hai loại người: người áp bức và người bị áp bức. Cũng chỉ có một mối tình hữu ái là
thật mà thôi: tình hữu ái vô sản. Kết luận này cho thấy nhận thức của Người về ý thức dân tộc và ý thức
giai cấp đã vươn từ tầm nhìn quốc gia lên tầm nhìn quốc tế. Kết luận trên cũng là sự khởi đầu của tư
tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh - đoàn kết với những người cần lao trên thế giới, luôn gắn liền
lợi ích dân tộc với lợi ích giai cấp, lợi ích quốc gia với lợi ích quốc tế.

Tháng 6-1919, khi gửi tới Hội nghị Vécxây “Bản yêu sách của Nhân Dân An Nam”, lần đầu tiên xuất
hiện trên vũ đài quốc tế, Người đã thể hiện tư tưởng sát cánh cùng các dân tộc bị áp bức đấu tranh cho sự
bình đẳng. Mười năm đầu trong chuyến hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã sớm xác định
cuộc đấu tranh của Việt Nam, cũng như cuộc đấu tranh giải phóng của các dân tộc bị áp bức là một bộ
phận của cách mạng vô sản thế giới. Từ lời phát biểu đầu tiên tại Đại hội Tua (12-1920) trở đi, Người
luôn khẳng định cuộc cách mạng của các dân tộc bị áp bức đều có quan hệ với nhau. Nói về sự liên minh
đoàn kết đấu tranh của nhân dân lao động ở các nước thuộc địa, khi đó Người đã chỉ rõ: các nước thuộc
địa và phụ thuộc muốn được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa thực dân thì chỉ bằng cách
đoàn kết chặt chẽ để chống kẻ thù chung. Cũng là một người dân thuộc địa, Người thấy được khả năng,
sức mạnh đoàn kết của các dân tộc thuộc địa và tin tưởng vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh của họ.

Trong những năm tháng Nhân Dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của mình,
Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước ở
châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam và khẳng định sự ủng hộ
của Nhân Dân Việt Nam đối với cuộc đấu tranh của Nhân Dân các nước vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã
hội. Đồng thời, Người còn luôn nhắc nhở Nhân Dân Việt Nam về những nhiệm vụ đối với cuộc đấu tranh
giành độc lập dân tộc của Nhân Dân các nước này. Hồ Chí Minh tha thiết với độc lập tự do của dân tộc
mình, cho nên cũng rất trân trọng độc lập tự do của các dân tộc khác. Bởi thế, Người hết sức căm giận
trước bất cứ một hành động xâm lược nào và cho rằng: giúp đỡ một dân tộc khác bảo vệ độc lập tự do của
họ cũng chính là bảo vệ lợi ích của đất nước mình, “giúp bạn là tự giúp mình”. Đây chính là một bước
phát triển mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế. Vì lẽ đó, Người luôn động viên Nhân
Dân Việt Nam vừa tiến hành sự nghiệp bảo vệ độc lập tự do của dân tộc mình, vừa thực hiện sự giúp đỡ
vô tư chí tình, chí nghĩa đối với các dân tộc anh em .

Đoàn kết quốc tế là nhằm thực hiện những mục tiêu lớn của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ
và tiến bộ xã hội, là hợp tác và hữu nghị theo tinh thần: bốn phương vô sản, bốn bể đều là anh em. Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân
dân Việt Nam và nhân dân thế giới, đã tạo ra một kiểu quan hệ quốc tế mới: Đối thoại thay cho đối đầu,
nhằm kiến tạo một nền văn hoá hoà bình cho nhân loại.

3. QUAN ĐIỂM CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ NHỮNG NGUYÊN


TẮC XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG
a) Nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức
Nó đi đôi với làm là đặc trưng bản chất của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – đạo đức cách mạng , là nét
đẹp trong đạo đức truyền thống của dân tộc được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới. Trong suốt
cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn nêu gương sáng về đạo đức, Người nói ít làm
nhiều, có nhiều vấn đề về đạo đức Người làm mà không nói, phải đi sâu nghiên cứu hành vi đạo đức của
Người mới thấy được bản chất sâu xa của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Người coi đây là nguyên tắc quan trọng bậc nhất trong xây dựng nền đạo đức mới. Nguyên tắc cơ bản này
là sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, đã trở thành phương pháp luận trong cuộc sống và là nền tảng
triết lý sống hết sức bình dị mà vô cùng sâu sắc của Người. Trong tác phẩm Đường cách mệnh, khi đề cập
tư cách một người cách mệnh, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Nói thì phải làm”. Trong bài Nâng cao đạo đức
cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Trong suốt
cuộc đời mình, Hồ Chí Minh đã giáo dục mọi người và chính Người đã thực hiện điều đó một cách
nghiêm túc và đầy đủ nhất.Luận điểm ấy đã khẳng định rất rõ vấn đề nêu gương có tầm quan trọng đặc
biệt trong đời sống đạo đức, nhất là đối với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
“Nói đi đôi với làm" là đặc trưng bản chất của từ tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Nói đi đôi với làm đối lập
hoàn toàn với thói đạo đức giả, nói một đằng làm một nẻo, nói nhiều làm ít, thậm chí nói mà không làm.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã chỉ ra những biểu hiện của thói đạo đức giả
ở một số cản bộ vác mặt làm quan cách mạng”. Sau này, Người đã nhiều lần bàn đến việc quét sạch căn
bệnh quan liêu, coi thường quần chúng của một số cán bộ, đảng viên "Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm
việc thì họ theo lối “quan” chủ. Miệng thì nói “phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với lợi ích
của quần chúng, trái ngược với phương châm, chính sách của Đảng và Chính phủ” làm tổn hại đến uy tín
của Đảng và Chính phủ trước nhân dân.
Nêu gương về đạo đức là một nét đẹp của truyền thống văn hóa phương Đông. Để đạo đức cách mạng
thấm sâu, bám chắc vào đời sống xã hội và trở thành nền tảng tinh thần của nhân dân, Hồ Chí Minh đòi
hỏi cán bộ, đảng viên: “Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công
tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa”. Sự gương mẫu
của cán bộ, đảng viên trong lời nói và việc làm không chỉ là cách thức để giáo dục đạo đức cho quần
chúng, mà còn là một phương. pháp để tự giáo dục bản thân mình. Lời nói đi đôi với việc làm phải gắn
liền với nêu gương về đạo đức. Hồ Chí Minh đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu
tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Với
ý nghĩa đó, Hồ Chí Minh đã đào tạo các thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam không chỉ bằng lý luận cách
mạng tiền phong mà còn bằng chính tấm gương đạo đức cao cả của mình.
Theo Hồ Chí Minh, hơn bất cứ một lĩnh vực nào khác, trong việc xây dựng một nền đạo đức mới, đạo đức
cách mạng phải đặc biệt chú trọng đạo làm gương. Đối với cán bộ đảng viên, Người nêu luận điểm quan
trọng: Trước mắt quân chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm
mực thước cho người ta bắt chung Người nói: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày. Giáo dục lẫn
nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con
người mới, cuộc sống mới". Muốn làm được như vậy, phải chú ý phát hiện, xây dựng những điển hình
“người tốt, việc tốt" rất gần gũi trong đời thường, trong các lĩnh vực lao động, sản xuất, chiến đấu, học
tập, nghiên cứu... bởi vì, theo Người: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới
thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả... Người tốt, việc tốt nhiều
lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có".

Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bao nhiêu câu chuyện cảm động về việc nêu gương, nói
đi đôi với làm, tự mình làm trước.Năm 1945, trước nạn đói trên miền Bắc, Người đề xuất toàn dân tiết
kiệm gạo để giúp đồng bào bị đói và Người kêu gọi: "Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin
thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa, đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để
cứu dân nghèo”.Những năm Hồ Chí Minh sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, khi kinh tế khó khăn, đời
sống nhân dân còn nghèo khó, mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Người đề nghị nhà bếp: Cán bộ,
nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, nấu cơm độn cho Người từng ấy, giống như cán bộ, nhân dân.
Trong các chuyến đi thăm các địa phương, nhất là các chuyến đi trong ngày, Người thường mang theo
cơm nắm với muối vừng vì không muốn phiền hà đến cơ sở.Về chỗ ở, Người khước từ ở ngôi nhà sang
trọng của Toàn quyền Ðông Dương trước đây mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân phục vụ; đi dép
lốp, mặc áo vá vai, dùng chiếc ô tô cũ, mà coi đó là “cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Mùa hè
nóng bức, Hồ Chí Minh dùng chiếc quạt lá cọ, “để dành điện phục vụ cho sản xuất, dành điện phục vụ
sinh hoạt cho nhân dân”.Hồ Chí Minh làm những việc như thế để thực hiện điều Người nói: Cơm chúng
ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy,
chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân.

Tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh là tấm gương chung cho cả dân tộc, cho các thế hệ mai mãi về sau.
Nhưng còn nhiều tấm gương của các vị anh hùng, chiến sỹ thi đua nhứng tấm gương của những người
tiêu biểu cho từng ngành, từng cấp, những tấm gương “Người tốt việc tốt” rất gần gũi trong đời thường có
ở mọi lúc mọi nơi mà chúng ta không thể coi thường. Về vấn đề này Hồ Chí Minh đã nói: “Người tốt,
việc tốt nhiều lắm ở đâu cũng có. Ngành nào, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”.Như vậy,
một nền đạo đức mới chỉ được xây dựng trên một cái nền rộng lớn, vững chắc, khi những chuẩn mực đạo
đức trở thành hành vi đạo đức hằng ngày của mỗi người và của toàn xã hội.

b) Xây đi đối với chống


Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên tắc xây đi đối với chống là đòi hỏi của nền đạo đức mới, thể hiện tính
nhân đạo chiến đấu vì mục tiêu của sự nghiệp cách mạng; xây tức là xây dựng các giá trị, các chuẩn mực
đạo đức mới; chống là chống các biểu hiện, các hành vi vô đạo đức, suy thoái đạo đức.
Để xây dựng một nền đạo đức mới, cần phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Muốn xây phải chống,
chống nhằm mục đích cho xây. Trong đời sống hằng ngày, những hiện tượng tốt - xấu, đúng - sai, cái đạo
đức và cái vô đạo đức thường đan xen nhau, đối chọi nhau thông qua hành vi của những con người khác
nhau, thậm chí trong mỗi con người. Theo Hồ Chí Minh, “Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay".
Chính vì vậy, việc xây và chống trong lĩnh vực đạo đức rõ ràng không đơn giản. Xây phải đi đôi với
chống, muốn xây phải chống, chống nhằm mục đích xây, lấy xây làm chính.
Vấn đề quan trọng trong việc giáo dục đạo đức là phải khơi dậy ý thức đạo đức lành mạnh ở mỗi người,
để mọi người tự giác nhận thức được trách nhiệm đạo đức của mình, như Hồ Chí Minh đã nói, cảm nhận
thấy sâu sắc sự trau dồi đạo đức cách mạng là việc làm “sung sướng và vẻ vang nhất trên đời”. Tiếp nhận
sự giáo dục đạo đức là vấn đề nhất thiết không thể thiếu được, nhưng sự tự giáo dục, tự trau dồi đạo đức ở
mỗi người còn quan trọng hơn.Khi xây dựng, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức mới phải gắn liền chống lại
cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức thường diễn ra hàng ngày.
Xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng phải được tiến hành bằng việc giáo dục những phẩm chất,
những chuẩn mực đạo đức mới. Việc giáo dục đạo đức mới phải được tiến hành phù hợp với từng giai
đoạn cách mạng, phù hợp với từng lứa tuổi, ngành nghề, giai cấp, tầng lớp và trong từng môi trường khác
nhau; phải khơi dậy được ý thức đạo đức lành mạnh ở mỗi người. Hồ Chí Minh quan niệm, “Mỗi con
người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như
hoa mùa Xuân và phản xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Bản thân sự tự giác cũng là
một phẩm chất đạo đức cao quý đổi với mỗi người và mỗi tổ chức, trước hết là đối với đảng viên, cán bộ.
Hồ Chí Minh cho rằng, trên con đường đi tới tiến bộ và cách mạng, đạo đức mới chỉ có thể được xây
dựng thành công trên cơ sở kiên trì mục tiêu chống chủ nghĩa đế quốc, chống những thói quen và tập tục
lạc hậu, phải loại trừ chủ nghĩa cá nhân. Đây thực sự là một cuộc cách mạng khó khăn, lâu dài, gian khổ,
sâu sắc giữa tiến bộ và lạc hậu, giữa cách mạng và phản cách mạng. Muốn giành được thắng lợi trong
cuộc chiến đấu này, điều quan trọng là phải phát hiện sớm, phải tuyên truyền, vận động hình thành phong
trào quần chúng rộng rãi đấu tranh cho sự lành mạnh, trong sạch về đạo đức; phải chú trọng kết hợp giáo
dục đạo đức với tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.
Để xây và chống có hiệu quả phải tạo thành phong trào quần chúng rộng rãi; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
phát động rất nhiều phong trào như vậy. Đó là phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng
phí, quan liêu (năm 1952); đó là phong trào: 3 xây, 3 chống” năm 1963)... Có phong trào, có cuộc vận
động cho toàn Đảng, toàn dân; nhưng lại có phong trào, có cuộc vận động riêng cho từng ngành, từng
giới. Thông qua đó mà lôi cuốn mọi người vào cuộc đấu tranh nhằm xây gì, chống gì rất cụ thể, rõ ràng để
mọi người phấn đấu, tự bồi dưỡng và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng.
Xây dựng đạo đức mới cho cán bộ, đảng viên và hàng triệu, hàng triệu con người, trước tiên phải chăm lo
bồi dưỡng những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức mới ngay từ trong gia đình, đến nhà trường và xã hội;
chống lại cái xấu, cái sai, cái vô đạo đức. Trong bài Chống quan liêu, tham ô, lãng phí (năm 1952), Hồ
Chí Minh chỉ rõ: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần kiệm liêm
chính”. Nguồn gốc của mọi thứ tệ nạn là chủ nghĩa cá nhân. Trong bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét
sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969), Người viết: “do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm... Phải
kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh
thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”. Tuy nhiên, Người lưu ý: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Muốn nêu cao đạo đức cách mạng phải quét sạch chủ nghĩa
cá nhân.

c) Tu dưỡng đạo đức suốt đời.


Theo Hồ Chí Minh, tu dưỡng đạo đức như một cuộc cách mạng trường kỳ, gian khổ. Người đã nhiều lần
chỉ rõ: Mỗi con người phải thường; xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày đấy
cũng là công việc phải kiên trì bền bỉ suốt đời, không người nào có thể chủ quan tự mãn. Một nền đạo đức
mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi người. Hồ Chí Minh quan tâm
phải làm thế nào để mỗi người tự nhận thấy sâu sắc việc trau dồi đạo đức cách mạng là một việc phải kiên
trì, thường xuyên, liên tục. Người nhắc lại luận điểm của Khổng Tử “chính tâm, tu thân”; “tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ”, và nêu rõ: “Chính tâm tu thân tức là cải tạo. Cải tạo cũng phải trường kỳ gian khổ, vì đó là
một cuộc cách mạng trong bản thân của mỗi người. Bởi dưỡng tư tưởng mới để đánh tháng tư tưởng cũ,
đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới không phải là một việc dễ dàng... Dù khó khăn
gian khổ, nhưng muốn cải tạo thì nhất định thành công”.
Đạo đức cách mạng thể hiện trong hành động của người Việt Nam yêu nước vì độc lập tự do của dân tộc,
hạnh phúc của nhân dân. Chỉ có trong hành động, đạo đức cách mạng mới bộc lộ rõ những giá trị của nó.
Do vậy, đạo đức cách mạng đòi hỏi mỗi người phải tự giác rèn luyện thông qua các hoạt động thực tiễn,
trong công việc, trong các mối quan hệ của mình, phải nhìn thẳng vào mình, không tự lừa dối, huyền
hoặc; phải thấy rõ cái hay, cái tốt, cải thiện của mình để phát huy và thấy rõ cái dở, cái xấu, cái ác của
mình để khắc phục; phải kiên trì rồn luyện liên tục, tu dưỡng suốt đời, trong đó, thời tuổi trẻ đặc biệt quan
trọng. Đạo đức không phải là cái gì đó có tính “nhất thành bất biến", mà nó được hình thành, phát triển do
môi trường giáo dục, do sự rèn luyện, phấn đấu và tu dưỡng bản thân của mỗi người. Từ thực tiễn, Người
tổng kết sâu sắc: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ
hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng cùng luyện càng trong".
Do vậy, Hồ Chí Minh đòi hỏi mọi người phải thường xuyên được giáo dục và tự giáo dục về mặt đạo đức.
Người chỉ rõ. “Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết phải tự cải tạo bản thân chúng ta”.
Thực hiện việc này phải kiên trì, bền bỉ. Nếu không kiên trì rèn luyện, thì ở thời kỳ trước là người có
công, nhưng thời kỳ sau có thể lại là người có tội, lúc trẻ giữ được đạo đức, nhưng lúc già lại thoái hóa
biến chất, hư hỏng. Từ rất sớm, Người đã lưu ý: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua
là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca
ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân".
Hồ Chí Minh là một tấm gương suốt đời tự rèn luyện và trở thành tấm gương tuyệt vời về con người mới.
Những đức tính quý báu của người không phải là bẩm sinh có được mà do quá trình tu dưỡng rèn luyện
học tập, từng bước hấp thụ tinh hoa đạo đức dân tộc và nhân loại mà đã trở thành tư tưởng bất tử.Đây là
những nhân tố cơ bản để hình thành đạo đức cách mạng của người Việt Nam trong thời đại mới, nhân tố
quyết định thắng lợi sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức luôn luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức sâu sắc, là động lực,
là sức mạnh thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong suốt 78 năm qua và đang tiếp tục toả sáng trên con
đường xây dựng đất nước Việt nam trong giai đoạn mới. Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, việc vận
dụng tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là hết sức cần thiết, là công việc quan trọng để mỗi
chúng ta góp sức mình vào việc xây dựng đất nước.
Thấm nhuẫn tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Tại hội nghị TW 6(lần 2) khoá VIII (tháng 2/1999) của
Đảng cộng sản Việt nam đã đề ra cuộc vận động và xây dựng chỉnh đốn Đảng. Trong đó Đảng đặc biệt
chú trọng các nguyên tắc về xây dựng đạo đức mới mà Hồ Chí Minh đã đưa ra.Hội nghị TW6 khoá IX chỉ
rõ: Cần phải tiếp tục thực hiện nghị quyết hội nghị lần thứ II Ban chấp hành Trung ương khoá VIII về
giáo dục – đào tạo và nhấn mạnh phải nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học xã hội nhân văn,
nhất là các môn Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Và đặc biệt là chỉ thị số 06/CT-TW ngày 7 tháng
11 năm 2006 của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Để làm tốt cuộc vận động các tổ chức Đảng cần tăng cường công tác giáo dục trong toàn Đảng về lý
tưởng cộng sản chủ nghĩa, đường lối chính sách của Đảng, nhiệm vụ đạo đức của người đảng viên. Từng
cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của Đảng của nhân dân lên trên hết, phát huy dân chủ, nâng cao đạo đức
cách mạng, từng bước quét sạch chủ nghĩa cá nhân, học tập nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ
được giao.
Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cần gắn việc học tập với giải quyết những vấn đề thực tiễn
đang đặt ra trong các cơ quan, đơn vị, nhằm phê phán những biểu hiện tiêu cực đang diễn ra giúp cho cán
bộ, đảng viên nâng cao nhận thức, giác ngộ trước những lỗi lầm sai phạm, tự giác thực hành sửa chữa,
đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình người tốt, việc tốt, những tấm gương sáng tiêu
biểu để nhân rộng, tạo nên một phong trào sống chiến đấu, lao động và học tập theo đạo đức Hồ Chí
Minh mang đầy đủ ý nghĩa thực tiễn và có sức thuyết phục.

4.Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh cho rằng, đối với các dân tộc phương Đông giàu tình cảm, trọng đạo lý, việc tu dưỡng đạo
đức của mỗi cá nhân, mỗi con người có vai trò vô cùng quan trọng. Riêng với thế hệ trẻ, việc tu dưỡng
này còn quan trọng hơn, vì họ là “người chủ tương lai của nước nhà”; là cái cầu nối giữa các thế hệ -
“người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh
niên tương lai”. Chính vì vậy, việc giáo dục đạo đức và chăm lo cho việc rèn luyện đạo đức của sinh viên
đã được Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm.
Nói chuyện với sinh viên, Người khẳng định: “thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví
như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì
ích lợi cho xã hội, mà còn hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại
gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”.Người chỉ rõ, việc thực hành tốt đạo đức cách mạng trong
đời sống hàng ngày của mỗi cá nhân không chỉ có tác dụng tôn vinh, nâng cao giá trị chính họ mà còn tạo
sức mạnh nội sinh, giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách.Người viết: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp
khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước...Khi gặp thuận lợi và thành công cũng
vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành
nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu
ngạo, không hủ hoá”.
Nhấn mạnh vai trò của đạo đức trong đời sống của mỗi cá nhân trong xã hội, Hồ Chí Minh không phân
biệt đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường, đạo đức cán bộ và đạo đức công dân. Người chỉ rõ, trong
xã hội mỗi người có công việc, tài năng và vị trí khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng
ai giữ được đạo đức cách mạng đều là người cao thượng.
Cũng như các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khác, đối với tầng lớp thanh niên, sinh viên trí
thức, Hồ Chí Minh đã sớm xác định những phẩm chất đạo đức tối cần thiết để họ có phương hướng phấn
đấu rèn luyện. trong bài nói với Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ hai (7 -5 – 1958), những phẩm chất
đó được người tóm tắt trong “sáu cái yêu”:
Yêu tổ quốc: Yêu như thế nào? Yêu thì phải làm sao cho tổ quốc ta giàu mạnh. Muốn cho Tổ quốc giảu
mạnh thì phải ra sức lao động, ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Yêu nhân dân: Mình phải hiểu rõ sinh hoạt của nhân dân, biết nhâhn dân còn khổ cực như thế nào, biết
chia sẽ những lo lắng, những buồn vui, những công tác nặng nhọc của nhân dân.
Yêu Chủ nghĩa xã hội: Yêu tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền yêu chủ nghĩa xã hội, vì có tiến lên chủ
nghĩa xã hội thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm.
Yêu lao động: Một thật thà yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu chủ nghĩa xã hội thì phải yêu lao động, vì
không có lao động chỉ là lời nói suông
Yêu khoa học và kỷ luật: Bởi vì tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có khoa học và kỷ luật.
Theo Người, để có những phẩm chất như vậy, sinh viên phải rèn luyện cho mình những đức tính như:
trung thành, tận tụy, thật thà và chính trực. Phải xác định rõ nhiệm vụ của mình, “không phải hỏi nước
nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?Mình phải làm thế nào cho ích
lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào”. Trong học tập, rèn
luyện phải kết hợp lý luận với thực hành, học tập với lao động; phải chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá
nhân, chống tư tưởng háo danh, hám lợi. “chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc. chống thói
quên xem thường lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. chống cách sinh hoạt ủy
mị. chống kiêu ngạo, giả dối, khoe khoang”. Phải trả lời được câu hỏi: Học để làm gì? Học để phục vụ ai?
Phải xác định rõ thế nào là tốt, thế nào là xấu? Ai là bạn, ai là thù?...Người chỉ rõ: “Đối với người, ai làm
gì lợi ích cho nhân dân, cho Tổ quốc ta đều là bạn. Bất cứ ai làm gì có hại cho nhân dân và Tổ quốc ta tức
là kẻ thù. Đối với mình, những tư tưởng và hành động có lợi ích cho Tổ quốc, cho đồng bào là bạn. những
tư tưởng và hành động có hại cho Tổ quốc và đồng bào là kẻ thù...Điều gì phải,thì phải cố làm cho kỳ
được, dù là việc nhỏ. Điều gì trái, thì hết sức tránh, dù là một điều trái nhỏ”

You might also like