You are on page 1of 10

CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI VỚI NƯỚC LỚN CỦA THỦ TƯỚNG ẤN

ĐỘ NARENDRA MODI: TRƯỜNG HỢP VỚI MỸ


ThS Trần Ngọc Diễm1
TS Đặng Thu Thủy2
Tóm tắt
Từ khi lên nắm quyền vào năm 2014, Thủ tướng N. Modi đã có những
điều chỉnh chính sách đối ngoại, trong đó tập trung vào điều chỉnh thực chất
quan hệ với các nước lớn như Mỹ và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Quan hệ
Ấn Độ - Mỹ được xác định là yếu tố quan trọng góp phần nâng khả năng tự chủ
chiến lược của Ấn Độ. Bài viết dựa trên những thành tố cơ bản của chính sách
như mục tiêu, nguyên tắc và công cụ thực hiện, từ đó phân tích những nội dung
triển khai chính sách đối ngoại của với nước lớn của Thủ tướng Ấn Độ N.
Modi, trong trường hợp với nước Mỹ. Chính sách của Ấn Độ với Mỹ dưới thời
Thủ tướng N. Modi, về cơ bản là hướng tới tăng cường quan hệ dựa trên từng
bối cảnh cụ thể song luôn đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia và đã đạt được một
số thành tựu đáng kể.
Từ khóa: chính sách đối ngoại, Ấn Độ, Mỹ, Narendra Modi.
1. Giới thiệu
Mục tiêu đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi được hoạch
định rõ từ năm 2017 bao gồm: (i) thúc đẩy sự phát triển kinh tế; (ii) tăng cường
an ninh của Ấn Độ ở khu vực láng giềng, phấn đấu trở thành một nước lãnh đạo
trong khu vực; (iii) Nâng cao tầm ảnh hưởng của Ấn Độ trên thế giới, nỗ lực để
trở thành một “nước lãnh đạo” và một “lực lượng bảo vệ trật tự an ninh” toàn
cầu (The Times of India, 2017). Mục tiêu này đã thể hiện rõ ưu tiên của Thủ
tướng N. Modi trong đó đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu, xác định khu vực ưu
tiên và thể hiện rõ tham vọng lớn.
Về nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, Vipin Narang và Paul
Staniland (2012) lập luận “sự tự chủ, linh hoạt và mong muốn tránh phụ thuộc
vào các cường quốc mạnh hơn” là trọng tâm của tư duy chính sách đối ngoại
của Ấn Độ “ngay cả khi có sự khác biệt đáng kể theo thời gian và giữa các đời
thủ tướng”. Bên cạnh những điều chỉnh về mục tiêu so với từng thời kỳ, song
chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn tuân theo chiến lược “đa liên kết” từ thời
1
Nghiên cứu viên phòng Quan hệ quốc tế và Hội nhập, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á. Email:
ngocdiemtran1993@gmail.com
2
Nghiên cứu viên chính, Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế và Hội nhập, Viện nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam
Á. Email: thuy0183@gmail.com
Thủ tướng M. Singh với những nguyên tắc và hệ giá trị riêng cần được đảm
bảo. Chính sách "đa liên kết" của Ấn Độ không tập trung vào mục tiêu "liên
kết" mà hướng đến bảo vệ những giá trị đạo đức, tư tưởng mà Ấn Độ luôn tin
tưởng trước mọi biến động.. Chính phủ của Thủ tướng N. Modi cũng đề cao sự
đảm bảo hai giá trị sự cân bằng và sự tự chủ trong chính sách đối ngoại của Ấn
Độ (Kanwal Sibal, 2017).
Về công cụ thực hiện chính sách, hiện này chiến lược “đa liên kết” dưới thời
Thủ tướng N. Modi tuân theo cách tiếp cận làm việc với nhiều đối tác trên nhiều
cấp và nhiều cơ chế khác nhau sẽ chi phối tổng thể chính sách đối ngoại của Ấn
Độ với các quốc gia trên thế giới nhưng sẽ triển khai mạnh mẽ và thực chất hơn 3
(Monish Tourangbam, 2020). Điểm khác biệt là chính phủ N. Modi xác định đạt
được nguyên tắc tự chủ thông qua tăng cường quan hệ với các đối tác thay vì né
tránh quan hệ đối tác (Kashish Parpiani, Harsh V. Pant, 2019, pp.12). Ấn Độ
tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các nước, trong đó dưới thời Thủ
tướng N. Modi đã thể hiện những điều chỉnh tạo thành tựu đáng kể trong quan
hệ với các cường quốc như Mỹ. Nếu như với Trung Quốc, Ấn Độ vừa là đối tác
vừa là đối trọng thì với Mỹ, Ấn Độ cần thể hiện mình như một đồng minh chiến
lược trong điều kiện hai nước không có sự mâu thuẫn về quyền lợi mà còn có sự
tương đồng và cộng hưởng về lợi ích. Ngoài ra, việc duy trì quan hệ tốt đẹp với
Mỹ đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ nhận được nhiều nguồn lực ủng hộ về tài
chính, quân sự khiến các nước khác, trong đó có Trung Quốc phải dè chừng.
Cho nên, để đưa Ấn Độ trở thành một nước lãnh đạo trên thế giới, chính quyền
Modi không thể không dành cho Mỹ vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách
đối ngoại của mình.
Trong phạm vi bài viết, tác giả sẽ phân tích những điều chỉnh chính sách
đối ngoại của Thủ tướng N. Modi kể từ khi ông đắc cử vào năm 2014 đến nay
và những nội dung triển khai chính sách được chia làm hai giai đoạn theo nhiệm
kỳ của hai Tổng thống Mỹ (i) từ năm 2014 – 2017, dưới thời Tổng thống B.
Obama và (ii) từ năm 2017 – nay, dưới thời Tổng thống D. Trump. Sự điều
chỉnh quan điểm, hành vi của mỗi Tổng thống Mỹ tạo ra những tình huống cụ
thể tác động đến chính sách của Mỹ với khu vực, bối cảnh khu vực và quốc tế…
2. Triển khai chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi từ năm
2014 – 2017
Nước Mỹ, dưới thời tổng thống B. Obama, đã nhìn nhận Ấn Độ như một đối
tác chiến lược tiềm năng ở châu Á (Sumit Ganguly, 2019, pp.35), ngoài ra Mỹ
3
Phát biểu của Bộ trường Ngoại giao Ấn Độ - S. Jaishankar (2019) tại Ramnath Goenka Lecture lần thứ 4
và Ấn Độ vẫn luôn chia sẻ những thách thức từ động thái quyết đoán của Trung
Quốc ở khu vực. Chính sách đối ngoại của Thủ tướng N. Modi vẫn luôn tăng
cường hợp tác với Mỹ, tạo dựng quan hệ song phương tốt đẹp dựa trên những di
sản từ bước tiến đáng kể trong quan hệ Mỹ - Ấn Độ suốt hai nhiệm kỳ của M.
Singh và những khác biệt trong các vấn đề toàn cầu như thương mại, biến đổi
khí hậu và quan hệ chiến lược. Nhiệt huyết của Thủ tướng Modi khiến cho
chính người Mỹ cũng phải nhận xét rằng: “nhiệm vụ lịch sử của Modi” chính là
thúc đẩy mối quan hệ xong phương dường như đã trở nên nguội lạnh giữa Mỹ
và Ấn Độ trong những năm cuối nhiệm kỳ của thủ tướng Singh (Neha Desai
Biswal, 2014).
Năm 2007, Đại sứ của Ấn Độ tại Mỹ, dưới thời Thủ tướng M. Singh đã lưu ý
rằng “khía cạnh” Thái Bình Dương của Mỹ nên được bao hàm trong chính sách
Hướng Đông của Ấn Độ (Ronen Sen, 2007). Modi đã tiếp tục với các chính
sách của Singh, nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác chặt chẽ với Mỹ, đặc biệt là
ở Đông Á. Thủ tướng N. Modi và nhóm hoạch định chính sách đối ngoại của
mình đã xác định lợi ích nếu tận dụng cơ hội chính quyền B. Obama tăng cường
liên kết với Ấn Độ trong một loạt vấn đề khi phía Mỹ nhận thức được cần
chuyển dần trọng tâm sang cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm của Tổng thống B. Obama tới Ấn Độ vào năm 2015, Ấn Độ
và Mỹ đã ký một tài liệu chung về Tầm nhìn cho khu vực châu Á – Thái Bình
Dương và Ấn Độ Dương thể hiện rõ khu vực chiến lược chung của hai nước
đồng thời kêu gọi đảm bảo an ninh hàng hải và tự do hàng hải tại khu vực rộng
lớn này, đặc biệt là ở Biển Đông (The White House, 2015). Về mặt chiến lược,
phía Mỹ và Ấn Độ đều có sự hội tụ về khu vực ảnh hưởng 4 và phía chính quyền
Mỹ thể hiện nỗ lực củng cố năng lực hàng hải của Ấn Độ với tư cách là nhà
cung cấp an ninh (net provider) ở khu vực Ấn Độ Dương và xa hơn nữa (United
States Department of Defense, 2015, 28).
Đối với những khác biệt tồn đọng, nhiệm vụ cho chính sách đối ngoại của
Thủ tướng N. Modi cần hướng tới cải thiện hình ảnh của chính quyền mới của
ông khi đắc cử vào năm 2014. Như đã nói ở trên, mục tiêu phát triển kinh tế là
ưu tiên số một của chính sách đối ngoại Ấn Độ, do đó, những triển khai chính
sách của Thủ tướng N. Modi với Mỹ cũng tập trung vào linh vực kinh tế -
thương mại. Nếu như trước đây, Mỹ và Ấn Độ chỉ triển khai các đối thoại chiến
lược thì vào năm 2015, lần đầu tiên, Thủ tướng N. Modi đã nâng cấp lên Đối
thoại về Thương mại và Chiến lược, tìm kiếm những cơ hội hợp tác kinh tế
4
Thể hiện rõ trong chính sách Hướng Đông và sau nâng cấp thành Hành động hướng Đông của Ấn Độ và chính
sách Tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ
thương mại giữa hai nước. Dưới thời chính quyền N. Modi, thương mại hàng
hóa và dịch vụ song phương Ấn Độ - Hoa Kỳ đã vượt xa mục tiêu 100 tỷ USD
đặt ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống B. Obama, liên tục tăng trưởng hàng năm
từ 2014 – nay, trong đó năm 2017 đạt 126,2 tỷ USD. Tăng trưởng vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI) hai chiều cũng tăng trưởng mạnh. Trong năm 2017,
vốn FDI của Mỹ ở Ấn Độ tăng 15,1% và vốn FDI của Ấn Độ ở Mỹ tăng 11,5%
(Office of the United States Trade Representative, 2019).
Tháng 8/2016, Ấn Độ và Mỹ đã kí triển khai Biên bản thỏa thuận trao đổi
hậu cần (LEMOA) (Yashwant Raj, 2016) cho phép hai bên sử dụng các căn cứ
quân sự cho các mục đích tiếp nhiên liệu và cung cấp lực lượng quân sự cho
nhau. Trong khi đó những chính phủ tiền nhiệm trước của Thủ tướng N. Modi
đã tiến hành đàm phán trong suốt 10 năm và còn e dè trong việc thỏa thuận kí
kết do bất đồng về ý thức hệ với Mỹ. Thay vì chần chừ như trước, Ấn Độ dưới
thời Thủ tướng N. Modi xác định rằng để trở thành một nước lãnh đạo thì tăng
cường quan hệ với cường quốc số một hiện nay là nhiệm vụ tất yếu. Hơn nữa,
điều chỉnh sách của Ấn Độ với Mỹ không chỉ thể hiện ở việc nâng cấp tất cả các
lĩnh vực hợp tác song phương mà còn là sự hài hòa, hưởng ứng và bắt kịp tất cả
các chính sách mà Mỹ đang triển khai, nhất là chính sách đối với khu vực châu
Á - Thái Bình Dương nói chung và Trung Quốc nói riêng.
Thủ tướng N. Modi đã nhấn mạnh vào sự song trùng lợi ích giữa hai nước
khi tăng cường hiện diện ở Châu Á Thái Bình Dương, đó là kiềm chế sự nổi lên
của Trung Quốc và tạo nên thế cân bằng chiến lược ở khu vực này. Nhờ thế, Ấn
Độ đã thể hiện mình như một đồng minh quan trọng và đáng tin cậy của Mỹ.
Mặc dù có những khác biệt về mức độ và thái độ tiếp cận song về cơ bản, chính
sách đối ngoại của Thủ tướng N. Modi trong giai đoạn này là sự tiếp tục của
chính phủ tiền nhiềm M. Singh khi Ấn Độ nhận ra rằng mối quan hệ đối tác
mạnh mẽ với Hoa Kỳ thúc đẩy lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại Đông Á trong
khi tạo điều kiện cho Ấn Độ gia tăng trong trật tự quốc tế.
3. Triển khai chính sách đối ngoại của Thủ tướng Narendra Modi từ năm
2017 – nay
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là thông điệp trung tâm trong
chuyến công du của Tổng thống D. Trump khi lên cầm quyền được nêu rõ trong
bản Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ (2017): “Khu vực này, trải dài từ bờ biển
phía tây Ấn Độ tới bờ biển phía tây Mỹ,… lợi ích của Mỹ về khu vực Ấn Độ
Dương – Thái Bình Dương tự do và mở bắt nguồn từ những năm tháng đầu tiên
của nền cộng hòa Mỹ”. Ngoài ra, trong chiến lược này, Tổng thống D. Trump
cũng công bố Tứ giác hợp tác giữa Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ - Australia. Đại diện
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã chính thức họp bốn bên lần đầu tiên bên
lề Hội nghị cấp cao ASEAN, đưa ra chủ trương mở rộng hợp tác để duy trì trật
tự dựa trên các nguyên tắc và tôn trọng luật pháp quốc tế trong khu vực. Như
vậy, từ năm 2017, Chính quyền Tổng thống D. Trump đã bắt đầu đề cập đến
khu vực châu Á rộng lớn hơn, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để
nhấn mạnh hướng tiếp cận về phạm vi an ninh hàng hải của Mỹ đối với khu vực
và sự trỗi dậy dần dần của Ấn Độ với vai trò một cường quốc (Sevastopulo,
2017).
Chiến lược đa liên kết hiện nay trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ được
thể hiện rõ trong bối cảnh khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thủ
tưởng N. Modi hiểu rõ rõ được kỳ vọng của Mỹ đặt vào Ấn Độ: Mỹ mong
muốn New Delhi hiện đại hóa quân đội, củng cố vai trò dẫn dắt trong khu vực
Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như một đồng minh của Washington và đã
có những điều chỉnh chính sách đáp lại sự ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái
Bình Dương. Sau khi Mỹ tuyên bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương, Ấn Độ dưới thời Modi là quốc gia có tham vọng lớn và trở thành một
trong những nước ủng hộ quan trọng cho khái niệm về khu vực Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương. Ấn Độ tích cực nỗ lực nâng cấp Sáng kiến An ninh Tứ giác,
QUAD (bao gồm Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia) lên cấp bộ trưởng
ngoại giao, khởi xướng cuộc tập trận Tiger Triumph ba bên với Mỹ. Ngoài ra,
tại Đối thoại Shangrila tháng 6/2018, trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng
N. Modi quan điểm về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực được hình
thành theo tự nhiên và ủng hộ một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
với vị trí trung tâm của ASEAN5. Về cơ bản, Ấn Độ ủng hộ sự hình thành khu
vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, song với chiến lược “đa liên
kết” của mình, Ấn Độ không chỉ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình
Dương của Mỹ mà còn tích cực ủng hộ vị thế trung tâm của tổ chức ASEAN.
Chính sách của chính quyền Tổng thống D. Trump thực thi các biện pháp
bảo hộ, trừng phát kinh tế đã tạo ra thách thức nguyên tắc cơ bản của toàn cầu
hóa kinh tế thể hiện rõ qua sự leo thang của cuộc xung đột thương mại và công
nghệ với Trung Quốc. Ngoài ra, chiến tranh kinh tế với các biện pháp trừng phạt
trở thành công cụ thi hành ngoại giao cưỡng chế của chính quyền Tổng thống
D. Trump (DC Pathak, 2020, pp.1). Do đó, sự phát triển kinh tế - thương mại
5
Nguyên văn tiếng Anh: “The Indo-Pacific is a natural region. Inclusiveness, openness and ASEAN centrality
and unity, therefore, lie at the heart of the new Indo-Pacific. India’s own engagement in the Indo-Pacific Region
– from the shores of Africa to that of the Americas - will be inclusive”. 
của Ấn Độ có thể phải đối mặt với nhiều thách thức từ những điều chình này,
một là, chiến tranh thương mại tạo ra thách thức lớn đối với một trật tự kinh tế
toàn cầu đang ổn định vốn là điều kiện thiết yếu cho sự phát triển toàn cầu của
Ấn Độ (Harsh V. Pant, 2019); hai là bản thân Ấn Độ cũng là quốc gia đạt thặng
dư về thương mại với Mỹ, và trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống D.
Trump cũng đang thi hành các biện pháp bảo hộ kinh tế nghiêm khắc hơn; ba là
chính sách trừng phát của Mỹ trong vấn nhập khẩu dầu với Iran đe dọa đến
nguồn cung dầu lớn thứ ba, đóng góp 11% nhu cầu dầu thô của Ấn Độ (Minh
Việt, 2019). Về phần mình, Ấn Độ cũng thi hành các biện pháp đáp trả như áp
thuế nhập khẩu cao hơn đối với các mặt hàng nông sản, hóa chất từ Mỹ. Ngoài
ra, Ấn Độ cũng tìm kiếm những điểm chung với Trung Quốc trong toàn cầu hóa
quốc phòng chống lại chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ song vẫn tăng cường liên kết
với Mỹ trong những vấn đề khác (Kashish Parpiani, Harsh V. Pant, 2019,
pp.12).
Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn tập trung tăng cường hợp tác
kinh tế, trao đổi thương mại song phương do ưu tiên tăng trưởng kinh tế như ưu
tiên mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của chính quyền
Thủ tướng N. Modi. Chính sách hiện nay của Thủ tướng N. Modi đã phát huy
hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế hợp tác kinh tế, cụ thể trong giai đoạn 2018 –
2019, Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, trước đó là Trung
Quốc trong suốt giai đoạn 2013 – 2018, và Mỹ vẫn là thị trường có lợi vì là thị
trường lớn nhất cho hàng hóa dịch vụ Ấn Độ và trở thành đối tác tạo ra sự đa
dạng trong quan hệ ngoại thương bên cạnh Trung Quốc.
Ngoài ra, sự hội tụ về mặt lợi ích liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương –
Thái Bình Dương tự do và mở, chính phủ N. Modi đã có chính sách đẩy mạnh
lĩnh vực thương mại quốc phòng và khả năng tương tác về quân sự với Mỹ.
Thương mại quốc phòng Ấn Độ - Hoa Kỳ đã tăng từ 1 tỷ USD năm 2008, lên
hơn 18 tỷ USD năm 2019 (Sadanand Dhume,2019), đặc biệt dưới thời Thủ
tướng N. Modi, từ 2013 – 2017, xuất khẩu vũ khí của Mỹ sang Ấn Độ tăng
550%, đưa Mỹ trở thành nhà cung cấp vũ khí quân sự lớn thứ hai của Ấn Độ
(The Hindu, 2018). Mặc dù có sự suy giảm tương đối về sức mạnh kinh tế so
với Trung Quốc, song Mỹ vẫn thể hiện sự thống trị trong sức mạnh về quân sự
và quốc phòng. Do đó, chính quyền Thủ tướng N. Modi sẽ tập trung vào thương
mại quốc phòng với Mỹ như một biện pháp gia tăng nguồn lực chiến lược khi
hiện nay Ấn Độ là nước vận hành các đội tàu C-17 Globemaster và P-8
Poseidon lớn thứ hai trên thế giới (Rahul Singh, 2018).
Hiện nay những khác biệt trong chính sách quan hệ với các quốc gia thù địch
của Mỹ như Iran và Nga đã tạo ra thách thức cho quan hệ Ấn Độ và Mỹ. Chính
quyền Thủ tướng N. Modi đã tiến hành các cuộc đối thoại theo mô hình “2+2”
giữa Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng ngoại giao hai nước (năm 2018) nhằm
giảm bớt các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ngoài ra, tần suất dày đặc của các cuộc
gặp gỡ cấp cao giữa Mỹ và Ấn Độ hiện nay là tín hiệu tốt lành về sự khôi phục
quan hệ đối tác Ấn Độ - Mỹ.
Tóm lại, có thể thấy chính sách với Mỹ của chính quyền Thủ tướng N. Modi
là luôn đảm bảo duy trì lợi ích quốc gia trong các quan hệ kinh tế và xem vấn đề
trên là một phần của mối quan hệ kinh tế đang diễn ra với Mỹ và “sẽ tiếp tục
xây dựng mối quan hệ bền chặt với Mỹ, cả về kinh tế và nhân dân” (Amiti Sen,
2019).
4. Đánh giá và kết luận
Thủ tướng N. Modi xác định nhiệm vụ hướng tới tạo môi trường thuận lợi
cho bên ngoài để tăng trưởng nội địa không bị gián đoạn và thực hiện tham
vọng cao cả của mình là trở thành một cường quốc hàng đầu, đặt ra yêu cầu cho
các chính sách trong đó có chính sách đối ngoại phải khai thác các nguồn lực
trong và ngoài nước, từ tất cả các khu vực khả thi. Chính sách ngoại giao của
Ấn Độ đặc biệt với các nước lớn như Mỹ được điều chỉnh nhằm thu hút và tạo
ra những kết quả có lợi cho lợi ích quốc gia của Ấn Độ; thông qua sự am hiểu
sâu sắc về vị thế của Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ của chính quyền N. Modi
tạo nên sự thay đổi về chất cho quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Sự chuyển hướng chiến
lược của kịp thời và hợp lý của chính quyền Thủ tướng N. Modi đã từng bước
tác động đến các lĩnh vực hợp tác của quan hệ Ấn Độ - Mỹ, trong đó nổi bật là
kinh tế - thương mại và an ninh – quốc phòng. Đối với Mỹ, Ấn Độ giờ đây là
đối tác quan trọng trong một hệ thống quốc tế đang không ngừng biến đổi và
một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng.
Sự điều chỉnh chiến lược đối với Mỹ là một trong những điều chỉnh quan
trọng mà Chính phủ của N. Modi thực hiện trong chính sách đối ngoại của Ấn
Độ với các nước lớn tuân theo sự phát triển của một xu hướng mới – xu hướng
“đa liên kết”. Xu hướng “đa liên kết” của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng N. Modi
đang được dần được định hình hướng tới kết quả thực chất và những chuyển
biến trong quan hệ Ấn Độ - Mỹ là một trong những biểu hiện quan trọng nhất
của xu hướng này.
Chính sách của Thủ tướng N. Modi với Mỹ dưới thời Tổng thống B. Obama,
tăng cường quan hệ mạnh mẽ với Mỹ, thúc đẩy lợi ích chiến lược của Ấn Độ tại
khu vực Đông Á và Đông Nam Á, khi hai nước cùng chia sẻ thế giới quan về
khu vực ảnh hưởng thông qua chính sách Hành động hướng Đông và chính sách
“Xoay trục” - Tái cân bằng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi
đó, dưới thời Tổng thống D. Trump, Ấn Độ và Mỹ lại đồng quan điểm chiến
lược về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và mở.
Ấn Độ với tham vọng trở thành một “nước lãnh đạo” và đặt niềm tin Ấn Độ
là một trong những cực đang trỗi dậy trong thế giới đa cực, đặc biệt ở một châu
Á đa cực (Narendra Modi, 2017). Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Thủ tướng
N. Modi đã thành công trong việc thể hiện vai trò toàn cầu đối của Ấn Độ với tư
cách là nhân tố lãnh đạo trong hệ thống quốc tế, một trong những nhân tố định
hình các quy tắc toàn cầu chứ không chỉ đơn thuần là thể hiện sự cai trị của một
nước lớn. Trong nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng N. Modi cần hoạch định một
chính sách cụ thể cho mục tiêu thể hiện vai trò toàn cầu nhằm tạo một khuôn
khổ thể chế để phát huy tư duy chiến lược này trong dài hạn, nâng cao tính hiệu
quả hơn và củng cố các khối xây dựng kinh tế và quân sự của Ấn Độ (Harsh V.
Pant, 2019).
Tài liệu tham khảo
1. Amiti Sen (2019), India says US decision to withdraw GSP unfortunate,
The Hindu Business Line, June 01 2019
https://www.thehindubusinessline.com/economy/india-says-us-decision-to-
withdraw-gsp-unfortunate/article27399669.ece, truy cập ngày 03/04/2020.
2. Demitri Sevastopulo (2015), Trump Gives Glimpse of ‘Indo-Pacific’
Strategy to Counter China, Financial Times, November 11 2015,
https://www.ft.com/content/e6d17fd6-c623-11e7-a1d2-6786f39ef675, truy cập
ngày 01/05/2020.
3. DC Pathak (2020), “From the President’s desk”, Chanakya Journal of
CCSS: Emerging Challenges to India’s security environ, Vol 4, Issue 2, pp.1-2.
4. Harsh V. Pant (2019), Modi 2.0 Confronts a Challenging Foreign Policy
Landscape, The Diplomat, May 24 2019,
https://thediplomat.com/2019/05/modi-2-0-confronts-a-challenging-foreign-
policy-landscape/, truy cập ngày 04/05/2020.
5. India’s Arms Imports From U.S. Up By 550%, The Hindu, 13 March
2018, https://www.thehindu.com/news/national/indias-arms-imports-from-us-
up-by-550-report/article23166097.ece, truy cập ngày 20/04/2020.
6. Kanwal Sibal (2017), A strong relationship with Russia is essential for
India's foreign policy, The daily O, March 28 2017,
http://www.dailyo.in/politics/narendra-modi-vladimir-putin-india-russia-ties/
story/1/16399.html, truy cập ngày 21/4/2020.
7. Kashish Parpiani, Harsh V. Pant (2019), Unites State of America, Eds.,
Harsh V. Pant and Kabir Taneja, Looking back, Looking ahead: Foreign Policy
in Transition under Modi, ORF Special Report, No. 93, July 2019, Observer
Research Foundation.
8. Keynote Address by Narendra Modi, Prime Minister of India at Sangrila
Dialogue, Singapore, June 1, 2018, https://www.narendramodi.in/pm-%20modi-
%20to%20-deliver%20-keynote-%20address%20-at%20-shangri-la-
%20dialouge-%20in%20-singapore-540324, truy cập 01/07/2019.
9. Minh Việt (2019), Mỹ chấm dứt thương mại ưu đãi với Ấn Độ từ ngày
5/6/2019, Công Thương, 03/06/2019, https://congthuong.vn/my-cham-dut-
thuong-mai-uu-dai-voi-an-do-tu-ngay-562019-120534.html, truy cập ngày
20/04/2020.
10. Monish Tourangbam (2020), Multialignment and Indian Foreign Policy
in 2019, South Asian Voices, https://southasianvoices.org/year-in-review-
multialignment-and-indian-foreign-policy-in-2019/, truy cập ngày 02/05/2020
11. Narendra Modi (2017), Inaugural Address by Prime Minister at Second
Raisina Dialogue, New Delhi, January 17,
http://mea.gov.in/SpeechesStatements.htm?dtl/27948/Inaugural_Address_by_Pr
ime_Minister_at_Second_Raisina_Dialogue_New_Delhi_January_17_2017,
truy cập ngày 02/05/2020.
12. Neha Desai Biswal (2014), US–India relations under the Modi
government, US Department of State, 24 June 2014,
http://www.state.gov/p/sca/rls/rmks/2014/229739.htm#, truy cập ngày
01/05/2020.
13. PM Narendra Modi talks of foreign policy goals with Indian envoys, The
Times of India, Oct 2 2017, http://timesofindia.indiatimes.com/india/pm-
narendra-modi-talks-of-foreign-policy-goals-with-indian-envoys/articleshow/
58555674.cms, truy cập ngày 26/4/2020.
14. Rahul Singh (2018), India Still Largest Arms Importer, Spent More than
$100 B in Last 10 Years: SIPRI, The Hindustan Times, 12 March 2018,
https://www. hindustantimes.com/india-news/india-still-largest-arms-importer-
sipri/ story-w7R3VCsWxuelz97N2OsOqI.html, truy cập ngày 19/04/2020.
15. Ronen Sen (2007), Building Strategic Asia—The United States, Japan,
and India, Embassy of India, Washington, DC, June 28 2007,
https://www.indianembassy.org/archives_details.php?nid=877, truy cập ngày
01/04/2020.
16. Sadanand Dhume (2019), India Is Falling Behind China In An Asian
Arms Race, Wall Street Journal, 7 February 2019,
https://www.wsj.com/articles/india-is-falling-behind-china-in-an-asian-arms-
race-11549583595, truy cập ngày 02/05/2020.
17. Sumit Ganguly (2019), “A New Era in India’s Foreign Policy”,
International Studies Perspectives, (2019) 20, pp. 33 – 38.
18. The White House (2015), US-India Joint Strategic Vision for the Asia-
Pacific and Indian Ocean Region, The White House, January 25 2015,
https://www.whitehouse.gov/the-pressoffice/2015/01/25/us-india-joint-
strategic-vision-asia-pacific-and-indian-ocean-region, truy cập ngày
02/05/2020.
19. United States Department of Defense (2015), Asia-Pacific Maritime
Security Strategy, http://www.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/NDAA
%20A-P_Maritime_SecuritY_Strategy-08142015-1300-FINALFORMAT.PDF,
truy cập ngày 05/05/2020.
20. Office of the United States Trade Representative (2019), U.S.-India
Bilateral Trade and Investment, USTR Report, 8 April 2019, https://ustr.gov/
countries-regions/south-central-asia/india, truy cập ngày 08/05/2020.
21. Yashwant Raj (2016), India, US Sign Military Logistics Agreement,
Hindustan Times, August 30,
https://www.hindustantimes.com/india-news/india-us-sign-military-
logisticsagreement/story-yhvpLZjhyzvO9efV1XuS8J.html, truy cập ngày
07/05/2020.

You might also like