You are on page 1of 14

QUAN HỆ ẤN ĐỘ - ASEAN TRONG HAI THẬP NIÊN

SAU CHIẾN TRANH LẠNH: THÀNH TỰU VÀ TÁC ĐỘNG


THE ACHIEVEMENTS AND IMPACTS OF THE RELATIONSHIP
BETWEEN INDIA AND ASEAN DURING TWO DECADES
AFTER THE COLD WAR

ThS. Nguyễn Tuấn Bình


Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế
Email: nguyentuanbinh@gmail.com

TÓM TẮT
Sau sự kiện Chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô sụp đổ,
đứng trước vô vàn khó khăn do những yếu tố khách quan và chủ quan mang lại, Ấn
Độ đã nhanh chóng điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước ASEAN nhằm giải
quyết có hiệu quả các vấn đề đặt ra cho đất nước. Quan hệ Ấn Độ - ASEAN được
nâng lên một tầm cao mới. Bài viết tập trung trình bày một số thành tựu chủ yếu trong
quan hệ Ấn Độ - ASEAN, đồng thời đánh giá những tác động của mối quan hệ Ấn Độ
- ASEAN đối với Ấn Độ và sự phát triển cộng đồng ASEAN sau Chiến tranh Lạnh.
Từ khóa: Ấn Độ, ASEAN, quan hệ
ABSTRACT
After the collapse of Soviet Union and the Cold War’s end, in the face of
numberless difficulties due to the objective and subjective factors, India has rapidly
adjust its foreign policy with the ASEAN countries to solve the problems of the
country. India and ASEAN countries’s relationship is raised to new height. This paper
focuses on presenting some main achievements in the relation between India and
ASEAN; at the same time, we evaluate the impacts of this relationship towards India
and the development of ASEAN community after the Cold War.
Keywords: India, ASEAN, relation

1. Mở đầu
Trong bối cảnh quốc tế mới sau Chiến tranh Lạnh, dưới tác động của xu hướng
đối thoại, hợp tác, phát triển kinh tế, toàn cầu hóa và cách mạng khoa học kỹ thuật,
hầu hết các quốc gia lớn trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, đều phải điều chỉnh chính
sách đối ngoại cho phù hợp nhằm nâng cao vị thế kinh tế, chính trị ở khu vực và trên
trường quốc tế. Nhằm đạt hiệu quả cao trong chính sách đối ngoại “Hướng Đông”,
vươn ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ đã chú trọng đến ASEAN.
ASEAN là một tổ chức khu vực Đông Nam Á hoạt động thành công nhất với nhiều lợi
thế: nguyên vật liệu, thị trường, nhân công..., lại có vị trí liền kề nhau. Tăng cường
quan hệ với ASEAN sẽ góp phần giảm bớt những mất mát và khó khăn của Ấn Độ do
Chiến tranh Lạnh kết thúc. Từ Đông Nam Á sẽ là “tấm ván trượt” để Ấn Độ bứt phá
và vươn tới chiến lược châu Á - Thái Bình Dương. Với những nhu cầu và lợi ích trên,
Ấn Độ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước ASEAN nhằm mang lại lợi ích cao
nhất về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng, nâng tầm vị thế của Ấn Độ trên trường
quốc tế.
2. Những thành tựu chủ yếu trong quan hệ Ấn Độ - ASEAN
Về chính trị - ngoại giao, quan hệ Ấn Độ - ASEAN không ngừng được thắt
chặt, tạo nền tảng cho sự hợp tác trên các lĩnh vực khác. Từ những năm 1990, cùng với
khẩu hiệu “biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” của Thủ tướng Thái
Lan và những giải pháp về hòa bình ở Campuchia (1991) mà Ấn Độ là nước có tiếng
nói tích cực, đã góp phần ổn định tình hình khu vực Đông Nam Á. Các mối quan hệ,
giao lưu được mở rộng, xu thế xích lại gần nhau giữa các nước ASEAN và Ấn Độ
ngày càng rõ rệt. Đặc biệt từ sau khi Ấn Độ thực hiện chính sách đối ngoại “Hướng
Đông”, mối quan hệ chính trị - ngoại giao hai bên càng được xúc tiến mạnh mẽ. Năm
1992, Ấn Độ trở thành thành viên đối thoại từng phần của ASEAN. Sau đó tại Hội
nghị diễn ra năm 1993 (New Delhi) đã thành lập Ủy ban hợp tác khu vực chung giữa
ASEAN và Ấn Độ nhằm phối hợp các mối quan hệ khu vực giữa hai bên trong lĩnh
vực đầu tư, mậu dịch và du lịch. Những Ủy ban này tạo điều kiện thuận lợi cho các
mối quan hệ đối thoại khu vực, đặc biệt là quan hệ chính trị, ngoại giao. Ấn Độ tiếp
tục đẩy mạnh quan hệ với ASEAN và trở thành thành viên đối thoại đầy đủ (1995) và
năm 1996 là thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Đây là diễn đàn chủ
đạo đối thoại về các vấn đề chính trị và an ninh, có khả năng ứng phó hữu hiệu với
những thách thức lớn của khu vực. Năm 1997, Ấn Độ lần đầu tiên được tham dự cuộc
họp các quan chức cấp cao (SOM) lần thứ tư của ARF. Quan hệ đối tác chính thức
giúp Ấn Độ tham gia tích cực hơn trong các cơ chế hoạt động của ASEAN. Điều này
cho thấy những bước tiến và sự đánh giá ngày càng cao của ASEAN đối với vai trò Ấn
Độ ở Đông Nam Á. Biểu hiện rõ nhất chính là tại Hội nghị Thượng đỉnh các nước
ASEAN lần thứ 7 tổ chức tại Brunei (11-2001), ASEAN đã nâng tầm quan hệ đối tác
với Ấn Độ lên cấp Thượng đỉnh ngang hàng với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Từ đầu thế kỷ XXI, nhất là từ năm 2002, quan hệ Ấn Độ - ASEAN có bước đột
phá quan trọng, với các mối quan hệ rộng mở hơn. Tháng 12-2002, Hội nghị Thượng
đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần đầu tiên đã được tổ chức tại Campuchia, hai bên ra tuyên bố
chung về hợp tác ASEAN - Ấn Độ thế kỷ XXI. Ấn Độ đã đề nghị được tham gia
ASEAN + 3 (một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa ASEAN với 3 đối tác cấp
Thượng đỉnh của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Trong lĩnh vực
chính trị - ngoại giao, quan hệ Ấn Độ - ASEAN bước vào một giai đoạn mới với việc
ký bản kế hoạch “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và cùng thịnh vượng” (11-2004). Nhiều
Hội nghị cấp cao khác của ASEAN đều có sự tham gia của Ấn Độ. Hội nghị Thượng
đỉnh lần thứ 4 giữa hai bên được tổ chức tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào năm 2005.
Tại Hội nghị này, với vai trò là thành viên chính thức, Thủ tướng Ấn Độ M. Singh đã
khẳng định: “Mục tiêu lâu dài là tạo một cộng đồng các nước giàu có, hài hòa nhằm
đối phó với những thách thức chung. Có thể nói, quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã được
nâng lên tầm cao mới, hướng tới một cộng đồng kinh tế, chính trị, văn hóa rộng lớn” 1.
Những nỗ lực trong chính sách đối ngoại “Hướng Đông”của Ấn Độ đã cải thiện đáng
kể và đẩy mạnh quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Ấn Độ và khối ASEAN. Trong các
chuyến thăm của các quan chức cấp cao đến các nước Đông Nam Á, Ấn Độ luôn
khẳng định sự ủng hộ đối với những mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển của
ASEAN, đồng thời tuyên truyền cho chính sách coi trọng Đông Nam Á và công cuộc
cải cách thành công của Ấn Độ. Ấn Độ luôn coi Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái
Bình Dương là một trong những trung tâm chính sách ngoại giao, là thị trường rộng
lớn, là nguồn cung cấp công nghệ hết sức quan trọng để phục vụ cho công cuộc cải
cách kinh tế ở Ấn Độ và nhấn mạnh muốn tăng cường quan hệ chặt chẽ với các nước
Đông Nam Á.
Tháng 12-2004, Thủ tướng M. Singh đã tới thăm Malaysia. Nguyên thủ của các
nước thành viên ASEAN cũng đã nhiều lần đến thăm Ấn Độ. Quan hệ song phương
các nước thành viên ASEAN với Ấn Độ cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, tạo nên nhiều
1
Thông tấn xã Việt Nam (2003), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2-5-2003
cơ chế đa phương và song phương. Ấn Độ và Việt Nam đã ký kết Hiệp ước thiết lập
“đối tác chiến lược”. Ấn Độ cũng gia tăng quan hệ với Lào, Campuchia, hai bên đã ký
những hiệp định về văn hóa và chính trị. Trong những năm gần đây, quan hệ Ấn Độ -
ASEAN ngày càng thể hiện là các đối tác quan trọng của nhau. Tại Hội nghị Thượng
đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần thứ 3 tại Vientiane (11-2004), các nhà lãnh đạo ASEAN và
Thủ tướng Ấn Độ đã kí bản kế hoạch “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ, thịnh vượng
chung”, nhằm đưa mối quan hệ hai bên lên tầm cao mới, nhiều Hội nghị khác của
ASEAN cũng có sự tham gia của Ấn Độ. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ lần
thứ 4, được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia (năm 2005). Thủ tướng M. Singh
nhấn mạnh: “Quan hệ giữa Ấn Độ - ASEAN đã được nâng lên tầm cao mới, hướng tới
một cộng đồng kinh tế, chính trị văn hóa rộng lớn” 2. Đặc biệt trong năm 2010, Tổng
thống Ấn Độ đã lần lượt thăm chính thức Lào và Campuchia, đi cùng đoàn còn có 45
các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại nhằm thúc đẩy hơn nữa trong hợp
tác kinh tế hai bên. Mối quan hệ chính trị ngoại giao giữa Ấn Độ - ASEAN còn được
nâng lên trong cộng đồng Đông Á. Ấn Độ đã xác định rõ, ASEAN là mắt xích trung
tâm, là khâu đột phá nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị... với khu vực châu Á
- Thái Bình Dương, kể cả Đông Á (trong khuôn khổ hợp tác Đông Á gồm 3 cơ chế
chính ASEAN +1, ASEAN + 3, và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) 3. Trong tiến trình
này, với việc giành ưu thế lãnh đạo trong cơ chế hợp tác đầy tiềm năng giữa Trung
Quốc và Nhật Bản, Ấn Độ được coi là hạt nhân cố kết các bên tham gia. Với nhận
thức đó, Ấn Độ thực hiện các quyết định nhằm chính thức góp mặt vào Hội nghị
Thượng đỉnh Đông Á.
Về kinh tế, chính sách “Hướng Đông” được Ấn Độ đưa ra đầu những năm 1990
với mục đích tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN, trong đó đặc biệt
coi trọng lĩnh vực kinh tế. Những thành quả trong hợp tác kinh tế mà Ấn Độ và
ASEAN đạt được là do chính sách kinh tế tạo cơ chế đối thoại hai bên được thiết lập
từ rất sớm. Từ năm 2002, khi Ấn Độ thực thi giai đoạn 2 của chính sách hướng Đông,
mở rộng hơn nữa phạm vi quan hệ giữa Ấn Độ và ASEAN thì hai bên càng có thêm cơ
hội trao đổi thương mại thông qua Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN - Ấn Độ.

2
Thông tấn xã Việt Nam (2003), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2-5-2003, tr. 5
3
Võ Xuân Vinh (2007), “Ấn Độ với hợp tác Đông Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, (số 5), tr. 37
Về quan hệ thương mại, các cơ chế giữa hai bên càng hoàn thiện góp phần đắc
lực cho quan hệ đối tác kinh tế song phương giữa Ấn Độ và ASEAN ngày càng được
cải thiện và gia tăng. Giá trị thương mại Ấn Độ - ASEAN từ 1997-1998 đến 2002-
2003 đã tăng lên từ 6,1 tỉ USD lên đến 9,6 tỉ USD. Xuất khẩu Ấn Độ sang ASEAN
tăng rất mạnh trong thời gian từ 1999-2000 đến 2002-2003, với tỉ lệ trung bình
26,6%/năm. Tổng giá trị xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước ASEAN từ 2,475 tỉ USD
năm tài khóa 1997-1998 đã lên 3,457 tỉ USD trong năm tài khóa 2000-2001 và đặc
biệt lên cao vào năm 2002-2003, đạt mức 4,616 tỉ USD4. So với 5 nước thành viên mới
thì số lượng xuất khẩu Ấn Độ sang 5 nước thành viên cũ của ASEAN lớn hơn nhiều.
Singapore vẫn là bạn hàng lớn nhất của Ấn Độ ở Đông Nam Á, với giá xuất khẩu của
Ấn Độ năm 2002-2003 là hơn 1,4 tỉ USD, chiếm khoảng 30,8% giá trị xuất khẩu của
Ấn Độ với ASEAN, tiếp sau đó là Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra Việt
Nam cũng dần trở thành đối tác quan trọng của Ấn Độ, với giá trị xuất khẩu của Ấn
Độ sang Việt Nam tăng từ 126,76 triệu USD (1997-1998) lên đến 337,15 triệu USD
(2002-2003), chiếm 7,2% giá trị xuất khẩu của Ấn Độ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ
yếu của Ấn Độ sang ASEAN là đá quý và trang sức, sản phẩm điện tử, dầu ăn, thuốc
và dược phẩm, máy móc công cụ, sợi cotton, vải mỹ phẩm, nhôm, các hóa chất, quy
trình sản xuất kim loại...
Ấn Độ luôn ở mức nhập siêu từ các nước ASEAN và giá trị nhập khẩu ngày
một tăng lên. Nếu năm tài khóa 1997-1998 là 3,608 tỉ USD thì từ năm 2002-2003 đặc
biệt lên cao, đạt hơn 5,147 tỉ USD. Các nước mà Ấn Độ nhập siêu chủ yếu là
Malaysia, Singapore, Indonesia. Trong năm 2003, xuất khẩu của các nước Malaysia,
Singapore, Indonesia sang Ấn Độ với tỉ lệ thứ tự là 28,5%; 27,9%; 26,8%. Các sản
phẩm xuất khẩu chủ yếu của ASEAN sang Ấn Độ, bao gồm: các sản phẩm điện tử,
dầu thực vật, hóa chất hữu cơ, các loại máy móc không sử dụng điện tử, gỗ, các loại
sản phẩm từ gỗ, sợi vải, đồ trang điểm, than đa, than cốc, than cuội, nhựa tổng hợp,
quặng kim loại... Có thể nói ASEAN là nhà cung cấp gỗ và các sản phẩm từ gỗ chủ
yếu cho Ấn Độ. Đáng chú ý là các nước Malaysia, Myanmar và Indonesia là những

4
Hoàng Thị Minh Hoa (2012), “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Đông Nam Á giai đoạn 1991 - 2010 và tác
động của nó”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, (số 1), tr. 55
nước xuất siêu nhiều nhất trong khu vực, với tỉ lệ thứ tự là 27,1%;20,8% và 12,7%
tổng giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trên toàn cầu của Ấn Độ (2002-2003)5.
Một thành tựu to lớn khác do nỗ lực ngoại giao của Ấn Độ và cả các nước
ASEAN là việc thành lập Khu vực mậu dịch tự do (FTA) giữa Ấn Độ và ASEAN. Đây
là cơ sở hết sức thuận lợi gia tăng quan hệ kinh tế song phương và đa phương giữa Ấn
Độ - ASEAN, giữa Ấn Độ với hai hay nhiều nước ASEAN. Tháng 10-2003, sau Hội
nghị Thượng đỉnh kinh tế họp ở New Delhi, Ấn Độ và ASEAN đã đề ra nhiều chính
sách mới, thương mại Ấn Độ - ASEAN tăng lên nhanh chóng và liên tục, năm 2007 là
30 tỉ USD, năm 2008 là 45 tỉ USD, và dự kiến năm 2010, con số này lên đến 70 tỉ
USD6. Ấn Độ với Thái Lan quyết định ký “Hiệp định khung về thành lập Khu vực mậu
dịch tự do” giữa hai bên. Theo đó Khu vực mậu dịch tự do Ấn Độ - Thái Lan sẽ được
hoàn tất một phần (2006), hoàn tất toàn diện (2010). Nối tiếp Thái Lan là Singapore,
Malaysia, Indonesia. Ấn Độ đã ký kết các “Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện” với
Singapore (6-2005), với Malaysia (11-2005) để làm cơ sở tiến tới một FTA. Riêng đối
với Indonesia, hai nước đã quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu chung để nhanh
chóng hiện thực hóa một bản Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện. Chính sự tăng cường
mạnh mẽ các mối quan hệ kinh tế với ASEAN, chính sách “Hướng Đông” giai đoạn thứ
hai của Ấn Độ đã được thiết lập với ASEAN. Nó được đánh dấu bằng mối liên hệ
thương mại và đầu tư, bằng những thỏa thuận nhằm đi tới những Hiệp định thương mại
tự do và việc thiết lập các mối liên hệ kinh tế mang tính định chế giữa các nước trong
khu vực và Ấn Độ7.
Về hợp tác đầu tư, chính sách đối ngoại coi trọng ASEAN của Ấn Độ đã mang
lại cho cả hai phía những lợi ích đáng kể. Các nền kinh tế mạnh trong ASEAN đều là
các nhà đầu tư lớn vào Ấn Độ. Với việc đầu tư 60,7 tỉ rupee (chủ yếu vào ngành khí ga
hóa lỏng, năng lượng điện và xây dựng đường cao tốc) trong những năm 1991-2003,
Malaysia trở thành nhà đầu tư lớn thứ 10 của Ấn Độ. Singapore với khoản đầu tư vào
Ấn Độ 53,3 tỉ rupee (1991 - 2003) đã trở thành nước đầu tư thứ 12 vào Ấn Độ. Đây là
một thành công rất lớn của Ấn Độ vì so với đầu thập kỷ 90 - tức là trước khi thực hiện
5
Hoàng Thị Minh Hoa (2012), “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Đông Nam Á giai đoạn 1991 - 2010 và tác
động của nó”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, (số 1), tr. 55
6
Thông tấn xã Việt Nam (2006), ASEAN trong sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung Quốc, Tài liệu tham khảo đặc
biệt, ngày 23-3-2006
7
Thông tấn xã Việt Nam (2004), Ấn Độ ngày càng gắn kết với ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 10-3-
2004, tr. 21
điều chỉnh chính sách đối ngoại mới, có rất ít, thậm chí không thấy bóng dáng của các
nhà đầu tư ASEAN ở Ấn Độ8. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dòng vốn từ
Ấn Độ đến các nước thành viên ASEAN đạt 59,1 tỉ USD (2008), chiếm 1,2% tổng số
FDI trong khu vực. Đến năm 2009 con số này đã tăng lên 97 tỉ USD, chiếm 2,5% tổng
số FDI trong khu vực. Tích lũy vốn FDI từ Ấn Độ của khối ASEAN từ 2000 - 2009
đạt khoảng 3,67 tỉ USD.
Nhằm gia tăng những cam kết trong chính sách “Hướng Đông” giai đoạn 2,
ngày 2-3-2011, tại New Delhi, Ấn Độ đã tổ chức Hội chợ thương mại Ấn Độ -
ASEAN lần thứ nhất. Tại hội chợ, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Công nghiệp và Dệt Ấn
Độ Anand Sharma cho biết: chính sách mới của Chính phủ Ấn Độ sẽ tập trung thu hút
vốn đầu tư và công nghệ từ khu vực ASEAN, bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa
quan hệ đối tác giữa Ấn Độ - ASEAN. Ấn Độ nhấn mạnh trong vòng 5 năm tới, Ấn
Độ sẽ cần tới 1.000 tỉ USD để hiện đại hóa và nâng cấp cơ sở hạ tầng như cảng biển,
đường bộ, đường sắt, đường thủy nhằm đạt tiêu chuẩn quốc tế, và các nước ASEAN
được kỳ vọng sẽ rót một lượng vốn lớn vào thị trường này.
Về an ninh - quốc phòng, với vị trí địa lý, ý nghĩa chiến lược của vùng Ấn Độ
Dương, việc cùng chia sẻ một số lợi ích trên biển và có những mối an ninh chung đã
khiến sự phát triển trong quan hệ hợp tác an ninh giữa Ấn Độ và ASEAN trở thành tất
yếu. Từ sau Chiến tranh Lạnh trở đi, dưới tác động của chính sách “Hướng Đông”,
quan hệ hợp tác trên lĩnh vực an ninh quốc phòng giữa Ấn Độ với ASEAN diễn ra hết
sức sôi nổi, trên nhiều mặt như hợp tác chống khủng bố, an ninh biên giới, hợp tác
quốc phòng... Các mối quan hệ hai bên theo chiều hướng ngày càng tích cực và được
thắt chặt hơn. Ấn Độ, ASEAN đã có những nỗ lực lớn trong việc duy trì sự ổn định an
ninh khu vực.
Hợp tác chống khủng bố và an ninh biên giới đều được cả Ấn Độ và ASEAN
thống nhất nhanh chóng về mặt nhận thức, đặc biệt từ sau sự kiện nước Mỹ bị tấn
công (2001) cùng những bất ổn chính trị tại Ấn Độ, ở Nam Á và một số nước như ở
Philippines, Malaysia, Thái Lan... Hợp tác đấu tranh chống khủng bố trở thành
nhiệm vụ và là đề tài thảo luận hàng đầu trong các cuộc họp, các chương trình nghị
sự của ASEAN, đặc biệt là tại các kì họp thường niên ARF. Trong Hội nghị ARF

8
G.V.C. Naidu (2004), Whither the Look East policy: India and Southeast Asia, Strategic Analysis, Vol 28, N.2,
tr. 338-339
lần thứ 10 (tháng 6-2003) được tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia), lãnh đạo các
nước đã ra tuyên bố chung nhất trí quan điểm phải đặt việc tấn công chủ nghĩa
khủng bố và tội phạm quốc gia lên vị trí ưu tiên hàng đầu của ARF... Các Bộ
trưởng cho rằng, chủ nghĩa khủng bố quốc tế đang tiếp tục đe dọa nhân dân và an
ninh các nước trên thế giới, trong đó có khu vực Thái Bình Dương 9.
Khi triển khai chính sách an ninh với ASEAN, Ấn Độ rất coi trọng ARF (là
diễn đàn chung nhất về hợp tác an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương). Ấn
Độ đã thể hiện vai trò tích cực trong việc kêu gọi chống chủ nghĩa khủng bố, tiến tới kí
kết những tuyên bố, những văn kiện chung với các nước ASEAN, bảo vệ an ninh giữa
các quốc gia. Việc đóng góp tích cực vào lực lượng ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố là
một điều tất yếu. Mặt khác sự có mặt của Ấn Độ ở khu vực này sẽ hạn chế phần nào
việc Mỹ mượn cớ chống khủng bố để can thiệp vào các nước ASEAN. Trong bối cảnh
đó ASEAN nhìn nhận Ấn Độ như là một nhân tố để cân bằng những ảnh hưởng ở khu
vực Đông Nam Á10. Với những chính sách chống khủng bố đa dạng, ASEAN đã nhận
được sự ủng hộ về tài chính, phương tiện kĩ thuật, hỗ trợ nghiệp vụ, đào tạo chuyên gia
chống khủng bố từ cộng đồng quốc tế trong đó có vai trò tích cực của Ấn Độ.
Hợp tác an ninh quốc phòng được coi là hoạt động sôi động nhất trong mối
quan hệ an ninh giữa Ấn Độ và ASEAN. Chính sách “Hướng Đông” ra đời là kết quả
của sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ nhằm thích nghi với những biến
động của tình hình quốc tế, khu vực và trong nước. Chính sách đó thể hiện khát khao
xây dựng một nền kinh tế, quốc phòng vững mạnh, nâng cao vị thế quốc tế của Ấn
Độ11. Chính vì vậy, Ấn Độ đã hợp tác chặt chẽ về quốc phòng với ASEAN. Ấn Độ rất
quan tâm đến chính sách an ninh quốc phòng với ASEAN, cung cấp những trang thiết
bị quân sự quan trọng, đào tạo chuyên gia quân sự cho một số nước Đông Nam Á...
Ngay từ năm 1991, Ấn Độ đã duy trì các cuộc tập trận hải quân chung với hầu hết các
quốc gia ở Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn tổ chức, giúp đỡ, huấn luyện các
nhân viên quân sự cho Malaysia và Singapore. Ấn Độ cùng với Malaysia tiến hành tập
trận chung trên biển Đông (1992), với Thái Lan (1993), tập trận hải quân giữa Ấn Độ
9
Lê Sĩ Hưng (2009), “Hợp tác chống khủng bố trong ASEAN”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, (số 11),
tr. 46
10
G.V.C. Naidu (2004), Whither the Look East policy: India and Southeast Asia, Strategic Analysis, Vol 28,
N.2, tr. 338-339
11
Hoàng Thị Minh Hoa (2012), “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Đông Nam Á giai đoạn 1991 - 2010 và tác
động của nó”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và chính trị thế giới, (số 1), tr. 51
và Singapore (1993). Ngoài ra, Ấn Độ còn đẩy mạnh quan hệ quốc phòng với các quốc
gia khác trong khu vực. Bộ trưởng Bộ quốc phòng Ấn Độ, Najib Tum Abdul Radak,
đã có chuyến thăm Malaysia (1992). Hai nước đã kí “Biên bản ghi nhớ về hợp tác
quốc phòng”(1993). Malaysia bày tỏ mong muốn Ấn Độ đào tạo cho họ những sĩ quan
chỉ huy hải quân. Ngoài ra, Ấn Độ và Indonesia có dự định hợp tác trong ngành hàng
không vũ trụ nhằm phối hợp nghiên cứu vũ trụ phục vụ an ninh xã hội12.
Hợp tác quân sự của Ấn Độ với Singapore bắt đầu từ năm 1993, Singapore đã
đề nghị Ấn Độ kí Hiệp định về đào tạo hải quân (được hiện thực hóa vào năm 1998)
và một số lĩnh vực quốc phòng khác. Quan trọng hơn, hai bên đã có những cuộc tập
trận chung chống tàu ngầm ngay từ năm 1996. Mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước
còn được đẩy lên cao hơn trong cuộc viếng thăm đầu tiên của Bộ trưởng Bộ quốc
phòng Singapore Teo Chee Hean đến Ấn Độ (10-2003) 13. Những năm gần đây, Thái
Lan cũng có những động thái tổ chức những cuộc tập trận chung với hải quân Ấn Độ.
Thái Lan đã mua tàu sân bay của Ấn Độ và đề nghị Ấn Độ đào tạo sĩ quan cho nước
này. Bên cạnh đó, những cuộc tập trận giữa Indonesia và Ấn Độ được diễn ra thường
xuyên. Sau chuyến thăm Indonesia của Thủ tướng Ấn Độ A.B. Vajpayee (11-2001),
quan hệ quốc phòng hai nước được nâng cao hơn một bước với việc kí “Hiệp định hợp
tác trên lĩnh vực quốc phòng”.
Ấn Độ đã có những chuyển biến tích cực trong quan hệ với Myanmar, nhất là
về hợp tác an ninh quốc phòng. Trong chuyến thăm Myanmar của cựu Tư lệnh Ấn Độ
Joshi (5-1994), hai bên đã trao đổi về vấn đề phối hợp hành động chống lại các nhóm
phiến loạn ở những khu vực dọc biên giới hai nước. Đặc biệt, trong năm 1995, Ấn Độ
còn tổ chức Hội nghị thường niên các lực lượng hải quân khu vực vịnh Bengal, gồm
hải quân các nước: Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka, Indonesia, Malaysia, Singapore và
Thái Lan. Sự kiện này mang đến cho các nước nói trên cơ hội hợp tác nghiên cứu,
triển khai cứu hộ, bảo vệ môi trường biển và các đặc khu kinh tế. Tháng 3-1997, Tổng
tư lệnh quân đội Ấn Độ, S. Roychondhury đã viếng thăm Myanmar nhằm đẩy mạnh
hợp tác quốc phòng giữa hai bên.

12
Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 - 2000, NXB Khoa học Xã hội,
Hà Nội, tr. 259
13
Thông tấn xã Việt Nam (2007), Về cuộc tập trận chung Ấn Độ - ASEAN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 9-
8-2007, tr. 339
Từ đầu thập kỷ XXI, trong quan hệ với Đông Nam Á, Ấn Độ mong muốn đạt
được nhiều lợi ích khi mở rộng hoạt động của hải quân Ấn Độ ở khu vực này. Các
hoạt động cứu hộ của Ấn Độ sau sóng thần năm 2004 đem lại sự ngưỡng mộ của các
nước Đông Nam Á cho hải quân Ấn Độ. Trong những năm gần đây, hợp tác quốc
phòng giữa Việt Nam và Ấn Độ đã có những biểu hiện mới. Đó là chuyến thăm Việt
Nam của Bộ trưởng Bộ quốc phòng A.K. Antony (2007). Ấn Độ sẽ chuyển giao 5000
phụ tùng tàu chiến lớp Petya cho Việt Nam và giúp Việt Nam đào tạo các binh lính gìn
giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (2008). Tính đến năm 2009, đã có 49 sĩ quan quân đội Việt
Nam tham dự các khóa học của hải quân Ấn Độ và 64 cán bộ, chiến sĩ tham dự các khóa
học tiếng Anh. Hai bên đã đạt được những thỏa thuận về hợp tác an ninh quốc phòng,
đặc biệt trong đào tạo và chia sẻ thông tin về khủng bố, cướp biển và tội phạm xuyên
quốc gia.
Tháng 4-2009, tàu chiến Ấn Độ cập cảng Việt Nam với hai khu trục hạm INS
Mumbai và INS Ranveer vào cảng Hải Phòng. Ấn Độ cũng giúp Việt Nam một cách
tích cực trong huấn luyện hải quân. Trong khi đó, một cuộc diễn tập hải quân khổng lồ
khác mang tên “Rắn hổ mang vàng” (Cobra Gold) đã bắt đầu tại Thái Lan, đây là cuộc
diễn tập được Mĩ ca ngợi là giúp “ổn định an ninh và hòa bình tại châu Á”.
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2010 là cuộc diễn tập Milan kéo dài 4 ngày,
bắt đầu từ ngày 4-2-2010. Đây là một trong những cuộc diễn tập hải quân có quy mô
lớn nhất tại Ấn Độ, với sự góp mặt của các quốc gia Đông Nam Á. Nội dung chủ yếu
là những bài tập chống khủng bố tại các khu vực duyên hải và hải đảo. Các cuộc diễn
tập Milan được coi là nỗ lực tăng cường hợp tác hải quân của các nước châu Á - Thái
Bình Dương nhằm duy trì an ninh các vùng biên giới tại khu vực này.
Như vậy có thể thấy sau Chiến tranh Lạnh, cũng như các nước khác, Ấn Độ đã
điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình - chính sách “Hướng Đông” và bước đầu thu
được nhiều thành tựu to lớn. Chính sách đối ngoại mới của Ấn Độ sau Chiến tranh
Lạnh đã chú trọng đến Đông Nam Á với nhiều lợi ích gắn kết giữa Ấn Độ và khu vực
này. Mặc dù trong giai đoạn 2 của chính sách này, Ấn Độ đã mở rộng ra nhiều khu
vực khác, nhất là Đông Á, châu Á - Thái Bình Dương cũng như mở rộng phạm vi hợp
tác đa phương và toàn diện hơn nhưng ASEAN vẫn được coi là trọng điểm được Ấn
Độ chú trọng. Tác động của chính sách “Hướng Đông” Ấn Độ đối với Đông Nam Á
trên nhiều lĩnh vực chính trị ngoại giao, kinh tế, thương mại, an ninh quốc phòng là
những cơ sở quan trọng cho Ấn Độ nâng cao tiềm lực về kinh tế, chính trị, đặc biệt là
nâng cao vị thế nước lớn của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như
trên trường quốc tế.
3. Một số nhận xét
Chính sách “Hướng Đông” của Ấn Độ đối với ASEAN từ sau Chiến tranh Lạnh
với nội dung chủ yếu là lấy khu vực Đông Nam Á làm trọng điểm đã tạo điều kiện thúc
đẩy quan hệ Ấn Độ - ASEAN trên các lĩnh vực chủ yếu: chính trị - ngoại giao, kinh tế,
an ninh - quốc phòng... Điều này đã góp phần tạo ra những giá trị mới, thiết lập nên nền
tảng bền vững cho sự hợp tác trong tương lai, tác động sâu sắc không chỉ đối với Ấn Độ
mà còn cả các nước ASEAN. Có thể thấy những tác động chủ yếu sau đây:
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN được cải thiện và gia tăng, gặt hái nhiều thành tựu về
mọi mặt, có ý nghĩa tích cực không chỉ đối với sự phát triển của cả hai phía mà còn
gia tăng mối quan hệ Ấn Độ - ASEAN lên một giai đoạn mới.
Với mục tiêu tăng cường quan hệ với ASEAN, nhất là quan hệ kinh tế, đồng
thời xua tan mối nghi ngại của khu vực Đông Á về một Ấn Độ có chính sách đi ngược
lại với quan điểm của các nước ASEAN thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Bộ trưởng ngoại
giao Ấn Độ Gujral khẳng định: “Chúng tôi coi đối tác, đối thoại đầy đủ với ASEAN là
minh chứng cho vận mệnh của chính sách Hướng Đông”. Bằng các cuộc thăm viếng
lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên mà Ấn Độ và ASEAN đã gia tăng sự
hiểu biết sâu sắc hơn về nhau. Với sự tăng cường quan hệ trên lĩnh vực chính trị -
ngoại giao, Ấn Độ đã ngày càng thâm nhập mạnh mẽ hơn vào Đông Nam Á và châu Á
- Thái Bình Dương. Từ đối tác không đầy đủ, Ấn Độ đã trở thành đối tác hợp tác đầy
đủ của ASEAN (1995), và việc ký kết nhiều hiệp ước ngoại giao đa phương và song
phương với ASEAN cũng đã nâng cao vị thế của Ấn Độ trên trường khu vực và quốc
tế. Qua đó, Ấn Độ có cơ hội trong việc thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác khác của
ASEAN như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc... tạo điều kiện cho Ấn Độ dần dần cân bằng
lực lượng với các nước lớn. Với ASEAN, hợp tác chính trị - ngoại giao với Ấn Độ đã
làm cho ASEAN ngày càng tin cậy hơn với đối tác quan trọng này. Nhờ nhân tố Ấn
Độ mà ASEAN có thể giảm bớt áp lực và sự phụ thuộc từ các nước lớn khác, hạn chế
phần nào sự gia tăng ảnh hưởng của các nước, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh đó, với
việc gia tăng quan hệ với Ấn Độ, các nước ASEAN cũng đã củng cố sự liên kết chặt
chẽ với nhau hơn trong cộng đồng.
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN trên lĩnh vực kinh tế cũng có những chuyển biến tích
cực và phát triển nhanh chóng. Hai bên đã có sự am hiểu hơn các thế mạnh kinh tế của
nhau, từ đó có những phương cách hợp tác hiệu quả. Cả Ấn Độ và ASEAN đều đưa ra
những sáng kiến tích cực để thúc đẩy quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN tiến xa hơn như
FTA, BIMSTEC, dự án sông Hằng - Mekong... Vì thế, sức mạnh kinh tế của Ấn Độ và
ASEAN được phát huy và ngày càng có điều kiện cạnh tranh với các nền kinh tế khác.
Sự phát triển nhanh chóng trong quan hệ chính trị, kinh tế giữa Ấn Độ và
ASEAN kể từ khi thực thi chính sách “Hướng Đông” (1992) đến thập niên đầu thế kỷ
XXI không chỉ tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai bên, mà còn
thúc đẩy hợp tác khu vực, có những ảnh hưởng quan trọng đối với địa - chính trị, địa
kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương.
Quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã tạo những điều kiện cho một môi trường hòa bình,
ổn định, thúc đẩy hợp tác khu vực, góp phần vào việc thực hiện những mục tiêu chung
của nhân loại. Ấn Độ được coi là một nước lớn ở khu vực, giữ vị trí chủ đạo ở Nam Á,
thông qua việc thiết lập quan hệ chính trị mật thiết với ASEAN, Ấn Độ vừa nâng cao
địa vị quốc tế của mình, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sự
phát triển của xu thế tăng cường hợp tác kinh tế Ấn Độ - ASEAN đã thúc đẩy các
nước Nam Á cấp thiết phải đẩy mạnh hợp tác khu vực, đồng thời gia tăng hợp tác kinh
tế giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Đối với ASEAN, gia tăng quan hệ với Ấn
Độ vừa tạo cơ hội hợp tác với các nước Nam Á, vừa tăng cường vị thế của cộng đồng
trên bản đồ chính trị quốc tế.
Việc Ấn Độ lấy chính sách “Hướng Đông” thắt chặt quan hệ với ASEAN, xác
định khu vực này là trọng tâm trong chính sách đối ngoại sau Chiến tranh Lạnh có lợi
cho việc đẩy nhanh tiến trình liên kết kinh tế khu vực châu Á. Trên cơ sở tiến hành
điều chỉnh kinh tế với ASEAN, tháng 11-2004, Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh
đã đưa ra ý tưởng thiết lập “Cộng đồng kinh tế châu Á” nhằm mở rộng và làm sâu sắc
hơn phạm vi, nội dung hợp tác Đông Á và nhận được sự hưởng ứng của các nước có
liên quan. Tháng 12-2005, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần đầu tiên được tổ chức ở
Kuala Lumpur (Malaysia) xác định lấy ASEAN làm trung tâm, tiếp nhận Ấn Độ,
Australia và New Zealand tham gia hợp tác Đông Á trên cơ sở cơ chế 10+3.
Những thành tựu mà Ấn Độ và ASEAN đạt được do tác động chủ yếu của chính
sách Ấn Độ sau Chiến tranh Lạnh là rất đáng kể, có ý nghĩa tích cực không chỉ góp
phần quan trọng nâng cao vị thế của Ấn Độ và ASEAN trên trường quốc tế và khu vực,
mà nó còn có ý nghĩa quốc tế sâu sắc.
Việc Ấn Độ lấy chính sách “Hướng Đông” làm trọng điểm trong chính sách đối
ngoại nhằm thắt chặt quan hệ với ASEAN, xác định khu vực này là trọng tâm trong
chính sách đối ngoại sau Chiến tranh Lạnh, có lợi cho việc đẩy nhanh tiến trình liên
kết kinh tế khu vực châu Á. Trên cơ sở tiến hành điều chỉnh kinh tế với ASEAN, ý
tưởng thiết lập “Cộng đồng kinh tế châu Á”, kiến nghị về việc xây dựng FTA Đông Á
và hệ thống tiền tệ châu Á, thiết lập diễn đàn năng lượng châu Á, tham gia làn sóng
thiết lập FTA Đông Á và ASEAN, Ấn Độ và các nước lớn Đông Á thiết lập cơ chế
thương mại tự do... sẽ có những ảnh hưởng sâu xa tới tình hình kinh tế và chiến lược
thế giới. Sự phát triển của xu thế tăng cường hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và ASEAN
đã thúc đẩy các nước Nam Á gia tăng tính cấp thiết trong việc đẩy mạnh hợp tác khu
vực, đồng thời đã thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa khu vực Nam Á và Đông Nam Á vượt
qua cả giới hạn địa lịch sử, địa - chính trị.
Như vậy, có thể thấy quan hệ Ấn Độ - ASEAN trong thời gian nói trên đã đạt
được nhiều thành tựu, đặc biệt là Ấn Độ đã thực hiện được mục tiêu bứt phá khỏi
những hạn chế về địa chính trị, những khó khăn về kinh tế để vươn tới mục tiêu hội
nhập sâu vào khu vực và toàn cầu. Mặt khác, quan hệ Ấn Độ - ASEAN phản ánh sự
liên kết và hợp tác đa dạng với mục tiêu là cùng nhau hội nhập vào nền kinh tế của
khu vực và thế giới. Trong những năm qua, Ấn Độ và ASEAN đã sẵn sàng cùng nhau
giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng của hai bên, của khu vực và quốc tế trên các
lĩnh vực khác nhau. Điều này đã tạo ra không gian địa lý chiến lược cho các nước
ASEAN, trong đó có Việt Nam, xây dựng, củng cố, phát triển các mối quan hệ lịch sử,
văn hóa, chính trị và kinh tế với Ấn Độ, góp phần vào duy trì hòa bình, thịnh vượng
của khu vực và thế giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đỗ Thu Hà (2009), “Quan hệ Ấn Độ và ASEAN trong hơn mười năm gần đây”,
Kỷ yếu - Hội nghị khoa học Quốc tế “Quan hệ Ấn Độ và các nước ASEAN”, thành
phố Hồ Chí Minh
[2]. G.V.C. Naidu (2004), Whither the Look East policy: India and Southeast Asia,
Strategic Analysis, Vol 28, N.2
[3]. Hoàng Thị Minh Hoa (2012), “Chính sách đối ngoại của Ấn Độ với Đông Nam Á
giai đoạn 1991 - 2010 và tác động của nó”, Tạp chí Những vấn đề Kinh tế và
chính trị thế giới, (số 1)
[4]. Lê Sĩ Hưng (2009), “Hợp tác chống khủng bố trong ASEAN”, Tạp chí Nghiên
cứu Đông Nam Á, (số 11)
[5]. Thông tấn xã Việt Nam (2003), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 2-5-2003
[6]. Thông tấn xã Việt Nam (2004), Ấn Độ ngày càng gắn kết với ASEAN, Tài liệu
tham khảo đặc biệt, ngày 10-3-2004
[7]. Thông tấn xã Việt Nam (2005), Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 8-3-2005
[8]. Thông tấn xã Việt Nam (2006), ASEAN trong sự trỗi dậy của Ấn Độ và Trung
Quốc, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 23-3-2006
[9]. Thông tấn xã Việt Nam (2007), Về cuộc tập trận chung Ấn Độ - ASEAN, Tài liệu
tham khảo đặc biệt, ngày 9-8-2007
[10]. Trần Thị Lý (2002), Sự điều chỉnh chính sách của Cộng hòa Ấn Độ từ 1991 -
2000, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội
[11]. Võ Xuân Vinh (2007), “Ấn Độ với hợp tác Đông Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông
Bắc Á, (số 5)

You might also like