You are on page 1of 9

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU DỊCH TỄ HỌC MÔ TẢ

MỤC TIÊU
1. Phân biệt được các loại thiết kế nghiên cứu mô tả trong các trường hợp nghiên cứu cụ
thể.
2. Lựa chọn được thiết kế mô tả phù hợp trong một số trường hợp nghiên cứu cụ thể
3. Giải thích được các nội dung mô tả trong các trường hợp nghiên cứu cụ thể.
4. Phân tích được các ưu, nhược điểm của nghiên cứu mô tả trong một số tình huống
nghiên cứu

NỘI DUNG
1. Định nghĩa và ứng dụng của nghiên cứu DTH mô tả.
1.1. Định nghĩa nghiên cứu dịch tễ học mô tả:
Là nghiên cứu về hình thái xuất hiện bệnh có liên quan đến các biến số như con người,
không gian và thời gian. Nghiên cứu này thu thập và trình bày một cách có hệ thống các số
liệu cơ bản về sức khoẻ, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và đặc điểm của bệnh.
1.2. Mục tiêu nghiên cứu của dịch tễ học mô tả:
 Mô tả tình trạng sức khỏe, đánh giá chiều hướng của sức khoẻ cộng đồng, so sánh với
các cộng đồng khác trong một nước hay giữa các nước, xác định những bệnh và vấn đề sức
khỏe của cộng đồng.
 Cung cấp thông tin làm cơ sở cho việc lập kế hoạch và đánh giá các dịch vụ y tế chăm
sóc sức khoẻ.
 Xác định vấn đề cần nghiên cứu, hình thành giả thiết được kiểm định bằng các nghiên
cứu phân tích tiếp theo.
1.3. Nguồn số liệu trong nghiên cứu dịch tễ học mô tả
 Điều tra dân số
 Các báo cáo thống kê sinh tử
 Hồ sơ khám sức khoẻ tuyển việc làm
 Các bệnh án lâm sàng
 Số liệu thống kê quốc gia về thực phẩm, thuốc men...
1.4. Ý nghĩa và ứng dụng của nghiên cứu dịch tễ học mô tả:
 Hình thành giả thuyết
 Lập kế hoạch các dịch vụ y tế và phân bổ nguồn lực
2. Các loại thiết kế nghiên cứu mô tả:
Nghiên cứu mô tả được phân loại dựa trên thông tin thu thập là thông tin của quần thể hay
thông tin của cá thể.
- Dựa trên thông tin cá thể có 2 nhóm nghiên cứu:
+ Thông tin về bệnh hiếm: Báo cáo trường hợp bệnh hiếm, báo cáo chùm bệnh
hiếm
+ Thông tin về bệnh phổ biến: Nghiên cứu loạt bệnh (điều tra ngang)
- Dựa trên thông tin quần thể: Nghiên cứu tương quan
2.1. Báo cáo bệnh hay đợt bệnh
Báo cáo bệnh hay đợt bệnh mô tả diễn biến của từng bệnh nhân hay một nhóm bệnh nhân
có cùng một chẩn đoán. Bằng các nghiên cứu này, chúng ta có thể nhận biết được những
nét khác thường của bệnh và dẫn đến hình thành giả thuyết mới.
a. Báo cáo từng trường hợp bệnh:
Cung cấp thông tin về một hiện tượng y học bất thường như là một dấu mốc cho việc xác
định một bệnh mới hay ảnh hưởng ngược lại của việc dùng một loại thuốc điều trị mới.
Ví dụ: Mô tả một phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh bị viêm tắc mạch phổi sau năm tuần dùng
thuốc tránh thai để điều trị viêm chảy máu niêm mạc tử cung, dẫn đến hình thành giả
thuyết là dùng thuốc tránh thai làm tăng nguy cơ tắc mạch.
b. Nghiên cứu đợt bệnh
Là việc thu thập các báo cáo bệnh của từng cá nhân xảy ra trong một thời gian ngắn,
thường áp dụng để xác định sớm sự bắt đầu dịch hay bệnh mới.
Ví dụ 1: 1974, Creech và John báo cáo một đợt bệnh ung thư mạch gan ở 3 công nhân tiếp
xúc vinyl chlorid. Số trường hợp ung thư này trong một quần thể nhỏ trong một khoảng
thời gian nghiên cứu là bất thường và dẫn đến hình thành giả thuyết là tiếp xúc nghề
nghiệp với vinyl chlorid gây ra ung thư mạch gan. Giả thuyết này được chứng minh ở các
nghiên cứu phân tích sau này.
Ích lợi của nghiên cứu báo cáo bệnh hay đợt bệnh trong việc nhận ra một bệnh nhân mới
và việc hình thành giả thuyết có liên quan đến các yếu tố nguy cơ cao có thể được minh
họa bằng hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải SIDA.
Ví dụ 2: Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải: 5/1981, 5 trường hợp viêm phổi do
Pneumocystis carinii đã được báo cáo ở 5 thanh niên đồng tính ở Los Angeles. Sự xuất
hiện đợt bệnh này là hoàn toàn bất thường vì viêm phổi khối loại này trước đây chỉ xảy ra
ở bệnh nhân ung thư mà hệ thống miễn dịch của họ bị suy sụp do điều trị các thuốc chống
ung thư kéo dài. Sau 1 tháng người ta cũng báo cáo 4 trường hợp sarcoma kaposi ở 4 thanh
niên đồng tính ở New york và California. Sự kiện này cũng bất thường vì trước đây
sacoma kaposi chỉ xuất hiện ở người già, nam và nữ như nhau. Trước tình hình này, trung
tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ đã phát động một chương trình giám sát để xác định
phạm vi của vấn đề này và đề xuất các tiêu chuẩn chẩn đoán hội chứng mới này. Chương
trình đã nhanh chóng xác định rằng những người đồng tính nam có nguy cơ cao phát triển
hội chứng này, hình thành giả thuyết hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải có liên quan
tới đồng quan hệ đồng tính nam (gay relative immunodeficiency).
Các báo cáo bệnh và đợt bệnh tiếp theo cho thấy rằng hội chứng này cũng xảy ra ở những
người nghiện chích ma tuý và những người nhận truyền máu nhiều lần. Hội chứng này
được gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
Qua mô tả đợt bệnh này đã dẫn đến việc thiết kế và tiến hành nghiên cứu phân tích và
người ta đã xác định được một số yếu tố nguy cơ đặc biệt cho việc phát triển hội chứng
SIDA. Sử dụng nghiên cứu mẫu huyết thanh ở những bệnh nhân này và ở các nhóm so
sánh, cũng đã góp phần xác định tác nhân gây bệnh là virút gây suy giảm miễn dịch ở
người HIV (Human Immunodeficiency Virus).
c. Ưu điểm & hạn chế của nghiên cứu báo cáo bệnh hay đợt bệnh
 Ưu điểm: Hình thành giả thuyết liên quan đến các yếu tố nguy cơ cao cho các nghiên
cứu phân tích tiếp theo
 Nhược điểm:
- Không có khả năng kiểm tra được sự có mặt của một kết hợp thống kê.
- Hạn chế cơ bản của báo cáo bệnh là dựa trên tiến triển bệnh của chỉ một người. Sự có
mặt của bất kỳ một yếu tố nguy cơ nào chỉ có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
- Hạn chế do thiếu nhóm so sánh tương ứng. Mặc dù báo cáo đợt bệnh thường đủ lớn để
xác định về mặt số lượng tần số phơi nhiễm, sự giải thích thông tin này là rất hạn chế do
nhóm so sánh tương ứng và làm lu mờ mối quan hệ hoặc gợi ý một kết hợp không có trong
thực tế.
2.2. Điều tra ngang
Điều tra ngang là điều tra tỷ lệ hiện mắc toàn bộ hay tình trạng bệnh hoặc phơi nhiễm được
đánh giá đồng thời ở một quần thể xác định tại một thời điểm.
Cung cấp hình ảnh chụp nhanh về tình trạng sức khoẻ cộng đồng và các yếu tố ảnh hưởng
tại một thời điểm.
Điều tra ngang cung cấp thông tin về:
- Tỷ lệ mắc bệnh toàn bộ hay tình trạng sức khoẻ của một quần thể xác định
- Các bệnh cấp tính, mạn tính, tàn tật
- Sử dụng dịch vụ y tế
- Các đặc trưng các nhân, thói quen, lối sống
- Điều kiện kinh tế xã hội, tình trạng dinh dưỡng
- Các chỉ số sinh học và sinh lý
• Ưu điểm:
- Số liệu y tế có giá trị đối với các nhà lãnh đạo y tế công cộng trong việc hoạch định các
chiến lược y tế.
- Khi giá trị hiện taị của các phơi nhiễm không thay đổi theo thời gian điều tra ngang coi
như là một nghiên cứu phân tích để kiểm tra một giả thuyết dịch tễ học. Ví dụ các thông số
như màu mắt, nhóm máu.
• Nhược điểm
- Vì phơi nhiễm và tình trạng bệnh được đánh giá ở một thời điểm nên hạn chế của điều
tra ngang là trong nhiều trường hợp không thể xác định được là bệnh xảy ra là do phơi
nhiễm với chất độc quá nhiều hay phơi nhiễm chỉ là hậu quả của bệnh.
Ví dụ: Qua điều tra ngang nghiên cứu mối quan hệ giữa lao động thể lực và bệnh mạch
vành cho thấy tỷ lệ bệnh động mạch vành ở những người không lao động thể lực cao hơn
gấp 5 lần những người lao động thể lực. Tuy nhiên không thể xác định được từ các số liệu
điều tra ngang là lao động thể lực bảo vệ khỏi mắc bệnh động mạch vành tim hay những
người bi bệnh động mạch vành tim giảm lao động thể lực.
2.3. Nghiên cứu tương quan
 Nghiên cứu tương quan mô tả nhà nghiên cứu dựa trên những dữ kiện chung của quần
thể tìm ra mối liên quan giữa yếu tố nguy cơ và bệnh.
Ví dụ: Mô tả hình thái tử vong do động mạch vành có liên quan đến số thuốc lá bán ra trên
đầu người năm 1960 ở 44 bang của Mỹ, cho thấy tỷ lệ tử vong do động mạch vành cao
nhất ở các bang có thuốc lá bán ra nhiều nhất và thấp nhất ở các bang có thuốc lá bán ra ít
nhất.
 Hệ số tương quan: (r) là thông số mô tả về mặt số lượng các mối quan hệ trong nghiên
cứu tương quan. Hệ số này xác định về mặt số lượng mối quan hệ tuyến tính giữa phơi
nhiễm và bệnh. Có nghĩa là với mỗi thay đổi về mức độ phơi nhiễm, tần số mắc bệnh tăng
hay giảm tương ứng theo. Giá trị của r thay đổi từ + 1 đến – 1.
 Ưu điểm:
- Bước đầu tiên trong việc điều tra mối quan hệ giữa phơi nhiễm và bệnh
- Tiến hành nhanh, rẻ do sử dụng thông tin sẵn có
- Có thể cho phép so sánh tỷ lệ bệnh ở các vùng địa dư khác nhau
• Nhược điểm:
- Không có khả năng nối liền phơi nhiễm với bệnh ở từng cá thể riêng biệt
Ví dụ: Để đánh giá liệu vết đốm papannicolaou có liên quan đến tỷ lệ tử vong do ung thư
cổ tử cung, người ta so sánh tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung giữa hai thời kỳ 1950 -
1954 và 1965 - 1969 và tỷ lệ phụ nữ có vết đốm Papannicolaou. Hai thời kỳ này được chọn
vì khoảng thời gian giữa những năm 1950 phương pháp điều tra sàng tuyển này đã được sử
dụng rộng rãi và là điểm khởi đầu của sự giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung. Có
tương quan nghịch chiều khá mạnh giữa tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung và tỷ lệ phần
trăm các phụ nữ được điều tra sàng lọc. Ở những bang có báo cáo có tỷ lệ phụ nữ được
điều tra sàng tuyển cao có sự giảm mạnh tỷ lệ tử vong ung thư cổ tử cung và ngược lại. Số
liệu này đưa ra nhận định là chương trình điều tra sàng lọc có thể dẫn đến làm giảm tỷ lệ tử
vong do ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên giả thiết này không thể kiểm tra được từ các số liệu
này và không thể xác định rõ trong thực tế liệu những người đã được điều tra sàng lọc có tỷ
lệ tử vong thấp hay không.
- Thiếu khả năng kiểm soát ảnh hưởng của các yếu tố gây nhiễu
Ví dụ: Trong một nghiên cứu tương quan về sự tiêu thụ thịt lợn trung bình hàng ngày của
28 nước trong hai năm 1964 và 1965 cho thấy có sự tương quan thuận chiều rất mạnh giữa
sự tiêu thụ thịt lợn và tử vong do ung thư vú. Tuy nhiên, sự tăng tiêu thụ thịt lợn có thể chỉ
là một chỉ điểm cho một số các yếu tố khác có liên quan đến nguy cơ cao mắc ung thư vú
như ăn nhiều mỡ, ăn ít rau, hay tình trạng kinh tế xã hội cao. Không có khả năng tách rời
các ảnh hưởng của các yếu tố gây nhiễu khi áp dụng các nghiên cứu tương quan. Hạn chế
này được minh họa rõ hơn trong một nghiên cứu tương quan giữa số vô tuyến truyền hình
bán ra và tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành ở một số nước, với sự tương quan thuận
chiều rất mạnh. Tất nhiên là số vô tuyến truyền hình màu bán ra chắc chắn là có liên quan
tới các biến số về lối sống khác được biết là yếu tố nguy cơ cao của bệnh mạch vành như
huyết áp, hàm lượng cholesterol máu, hút thuốc lá, sự ít hoạt động. Do đó sự có mặt của
tương quan không có nghĩa là có sự kết hợp thống kê chặt chẽ và ngược lại, sự thiếu tương
quan không có nghĩa là không có sự kết hợp tương quan chặt chẽ.
- Chỉ mô tả mức phơi nhiễm trung bình của một quần thể, không mô tả được mức phơi
nhiễm của từng cá thể.
Trong khi có sự kết hợp tuyến tính âm tính hay dương tính tuyệt đối, nó có thể che giấu
một quan hệ phức tạp hơn giữa phơi nhiễm và bệnh. Ví dụ bằng nghiên cứu tương quan
cho thấy sự tương quan nghịch chiều mạnh mẽ giữa tiêu thụ rượu và tỷ lệ tử vong do động
mạch vành. Ở những nước có tiêu thụ rượu cao nhất thì tỷ lệ tử vong do động mạch vành
thấp nhất và ngược lại. Thực tế qua nghiên cứu ở từng cá thể cho thấy là mối liên quan
giữa uống rượu và tỷ lệ tử vong do động mạch vành không phải là đường tuyến tính ngược
đơn giản mà là đường cong. Ở những người uống rượu nhiều thì nguy cơ tử vong do bệnh
mạch vành cao hơn, ở những người uống ít và vừa, nguy cơ chết do bệnh mạch vành thậm
chí thấp hơn người uống nhiều và không uống.
Bảng quan hệ đáp ứng -liều lượng giữa uống rượu và tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch
vành tim (A.R.Dyer và cộng sự , 1980)
Tỷ lệ tử vong do bệnh động mạch vành
Số lần uống rượu hàng ngày
(phần 1000)
<1 80
1 77
2-3 73
4-5 55
>6 155

3. Các đặc trưng mô tả


3.1. Con người: Trả lời câu hỏi “Ai bị bệnh?”
• Tuổi: tuổi ảnh hưởng lên sự thay đổi trong phân bố của bệnh trên cộng đồng, là yếu tố
quan trọng trong mô tả đặc trưng về người vì rất nhiều số đo bệnh tật và tình trạng sức
khỏe chịu sự tác động mạnh của tuổi. Tỷ suất mắc bệnh theo tuổi có thể thay đổi tùy theo
bệnh. Ví dụ các bệnh như quai bị, sởi... thường xảy ra ở trẻ nhỏ; các bệnh mạn tính như
tăng huyết áp, đái tháo đường... thường xảy ra ở người lớn tuổi. Mô tả đường biểu diễn tần
suất bệnh theo từng nhóm tuổi có thể giúp giải thích vai trò của tuổi trong sự phân bố bệnh.
Một số yếu tố thay đổi theo tuổi thường tác động lên mối liên quan giữa bệnh và tuổi như:
- Tính nhạy cảm và miễn dịch với bệnh của từng nhóm tuổi khác nhau
- Tăng sự tiếp xúc tích lũy với yếu tố độc hại từ môi trường
- Các thay đổi sinh lý theo tuổi như nội tiết, sức đề kháng, tăng dị dạng nhiễm sắc thể
- Sự khác biệt lối sống và các thói quen theo từng thế hệ...
Mô tả về tuổi còn cho biết vai trò những yếu tố sinh học trong tuổi dậy thì, mãn kinh, tuổi
già, những yếu tố xã hội ở từng nhóm như cách sống, thói quen có hại cho sức khỏe ảnh
hưởng khả năng mắc bệnh như thế nào. Việc so sánh tỷ suất suất mắc bệnh, tử vong theo
từng lứa tuổi trong một hoặc nhiều cộng đồng cho những thông tin có giá trị để xây dựng
giả thuyết nhân quả, hỗ trợ chẩn đoán, điều trị, dự phòng.
• Giới tính:
Nhiều nghiên cứu cho thấy sự khác biệt về giới tính đưa ra những khác biệt trong phân bố
sức khỏe, bệnh tật và tử vong. Sự khác biệt về tỷ lệ tử vong theo giới do:
- Yếu tố sinh học: vai trò hocmon sinh dục và các rối loạn cân bằng nội tiết, sự khác
biệt thể lực ảnh hưởng lên sức đề kháng.
- Yếu tố xã hội như nghề nghiệp, lối sống thường tiếp xúc với nhiều yếu tố có hại.
- Yếu tố tâm lý như khả năng chống lại stress, thói quen chăm sóc sức khỏe...
• Nhóm dân tộc, chủng tộc: mô hình bệnh tật, phân bố tỷ lệ mắc một số bệnh và tử vong
khác nhau rõ giữa các nhóm dân tộc và chủng tộc.
Nguyên nhân của sự khác biệt do: di truyền, môi trường sống, lối sống, mức độ và chất
lượng chăm sóc y tế.
• Tầng lớp xã hội: sự khác nhau về điều kiện kinh tế xã hội góp phần quan trọng làm ảnh
hưởng đến sự phân bố bệnh, mô hình bệnh tật.
• Nghề nghiệp: tiếp xúc nghề nghiệp có ảnh hưởng rất rõ đến sức khoẻ đến sự phân bố
khác nhau về tỷ lệ bệnh tật, tỷ lệ tử vong do các yếu tố:
- Tác động các điều kiện môi trường lao động: điều kiện vật lý (nóng, lạnh, thay đổi áp
suất), hoá chất, tiếng ồn.
- Điều kiện căng thẳng thần kinh tâm lý
• Tình trạng hôn nhân
Tình trạng hôn nhân có liên quan tới mức độ tử vong giữa nam và nữ. Tỷ lệ chết đối với
hầu hết các bệnh và do các nguyên nhân kết hợp thay đổi từ thấp đến cao theo thứ tự: lấy
vợ (chồng), độc thân, goá, ly dị.
Đối với phụ nữ, tình trạng hôn nhân có liên quan đến sức khỏe thông qua tiếp xúc giới tính,
có thai, và cho con bú. Những yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến phát triển các bệnh khác
nhau. Ví dụ ung thư cổ tử cung là một bệnh phổ biến ở phụ nữ có chồng hơn phụ nữ độc
thân. Nguyên nhân của sự khác biệt này có thể do hoạt động tình dục sớm và có nhiều bạn
tình (Martin 1967). Và ngược lại ung thư vú hay gặp ở phụ nữ độc thân hơn phụ nữ có
chồng. Các yếu tố làm giảm ung thư vú là có thai sớm (MacMahon, 1970) và mãn kinh
nhân tạo trước 40 tuổi (Feinleib,1968).
• Các đặc trưng về gia đình
- Số người trong gia đình: nếu số người trong gia đình nhiều và nếu gia đình nghèo sẽ
ảnh hưởng bất lợi cho trẻ em, dẫn đến làm tăng tỷ lệ chết sơ sinh và chết ở trẻ nhỏ, và
làm chậm phát triển trí óc ở trẻ em.
- Thứ tự sinh: có sự kết hợp thứ tự sinh với nhiều bệnh: hen phế quản, tâm thần phân
liệt, loét dạ dày, hẹp môn vị. Những người con cả thường nhận được sự quan tâm và
chăm sóc tốt hơn của gia đình
- Tuổi của mẹ: Tuổi mẹ khi có thai đóng vai trò quan trọng về bệnh căn của nhiều dị
dạng bẩm sinh. Thí dụ điển hình là hội chứng Down. Ở châu Âu, tỷ lệ mắc hội chứng
này ở trẻ sơ sinh là 1/1000 khi mẹ dưới 30 tuổi; tỷ lệ này tăng lên theo tuổi của mẹ: ở
phụ nữ từ 40-44 tuổi tỷ lệ dị dạng là 1/100, trên 45 là 1/50
- Mất bố mẹ: mất bố, mất mẹ do chết, ly hôn sẽ dẫn đến làm tăng rối loạn tâm thần,
thần kinh, lao, ý định tự tử và tai nạn ở trẻ em.
• Các đặc trưng khác:
- Yếu tố môi trường: các yếu tố môi trường xung quanh cũng có thể ảnh hưởng đến sự
phân bố bệnh bao gồm các hoá chất trong tự nhiên, các yếu tố môi trường cá nhân (như
hút thuốc lá), môi trường làm việc (amiăng), ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí.
- Tính miễn dịch đặc hiệu đóng vai trò quyết định giúp cơ thể đề kháng với một bệnh
nhiễm khuẩn. Tính miễn dịch được thông qua sau khi tiêm vắc-xin hay sau khi mắc
bệnh.
- Nhóm máu: nhóm máu ABO có liên quan với nhiều bệnh. Những người có nhóm máu
O có nguy cơ cao bị ung thư dạ dày (aird, 1953), trong khi nhóm máu O có nguy cơ cao
phát triển loét dạ dày tá tràng (Clarke, 1955). Những người có hồng cầu hình liềm ít có
nguy cơ bị sốt rét do P.Falciparum (Allison, 1954).
- Cá tính: cá tính của con người ảnh hưởng đến sự tiến triển của bệnh đặc biệt đối với
bệnh độnh mạch vành. Rosenman và Friedman (1970) nghiên cứu ảnh hưởng về cách
ứng xử đến nguy cơ bệnh động mạch vành cho thấy những người thuộc typ A (xông
xáo, đua tranh, có nhiều tham vọng, luôn có ý thức gấp rút về thời gian…) có tỷ lệ bệnh
động mạch vành cao hơn những người typ B (không có những cá tính trên).
3.2. Không gian: Câu hỏi: “Nơi nào có tỷ lệ mắc bệnh cao hay thấp?”
• Biên giới tự nhiên
Những vùng có điều kiện tự nhiên khác nhau có tỷ lệ mắc bệnh khác nhau do chịu ảnh
hưởng của các điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt như: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa,
thành phần không khí, cung cấp nước. Sự khác nhau về địa dư cũng sẽ dẫn đến sự khác
nhau về di truyền và phong tục tập quán giữa những quần thể dân chúng. Các bệnh nhiễm
khuẩn và ký sinh trùng phổ biến ở các nước có khí hậu nhiệt độ nóng ẩm. Bệnh bướu cổ
gặp nhiều ở vùng thiếu iod trong đất và nước.
• Sự phân vùng hành chính
Sự phân bố vùng hành chính thuận tiện hơn cho việc bệnh tật, về số liệu này thường sẵn
có. Các vùng hành chính này thường cung cấp thông tin về dân số học, về tỷ lệ mắc bệnh,
tỷ lệ tử vong và các tình trạng sức khoẻ khác.
• Bản đồ các yếu tố môi trường và bản đồ điểm
Để nghiên cứu sâu hơn sự phân bố của bệnh người ta đánh dấu tần số mắc bệnh trên bản
đồ. Đồng thời trên bản đồ đó người ta cũng chấm các yếu tố môi trường như cung cấp
nước, hướng gió chủ đạo, mạng giao thông, các nhà máy, xí nghiệp… Việc làm này có thể
cung cấp đầu mối về phương hướng lan truyền bệnh.
Năm 1975 ở Mỹ người ta đã xuất bản một bản đồ tử vong do ung thư theo tỉnh và thấy
rằng tỷ lệ chết cao ở một số vùng địa dư, đặc biệt ở vùng trung tâm. Sự thay đổi về mặt địa
dư này đã dẫn đến một nghiên cứu mô tả tỷ lệ chết do ung thư phổi ở các tỉnh theo đặc
trưng nghề nghiệp, chủng tộc, kinh tế xã hội và nhân khẩu học. Số liệu này cho thấy là tỷ
lệ tử vong do ung thư phổi tăng cao có ý nghĩa ở những tỉnh phát triển công nghiệp, giao
thông, dầu mỏ, hoá học và giấy. Nghiên cứu này đã góp phần hình thành giả thuyết là công
việc trong một số ngành công nghiệp là nguyên nhân dẫn đến làm tăng tỷ lệ ung thư phổi.
• Sự khác nhau giữa thành phố và nông thôn
Vấn đề ảnh hưởng lớn đến sức khỏe ở thành phố là ô nhiễm không khí do các nhà máy
công nghiệp và do các phương tiện giao thông vận tải thải ra. Hơn nữa thành phố phải
đương đầu với sự rối loạn trật tự xã hội, các tệ nạn xã hội như ma tuý và các hành động
bạo lực khác cũng như lối sống làm lan truyền các bệnh lây truyền qua đường tình dục,
HIV/AIDS. Ngược lại nông thôn cũng có những ảnh hưởng bất lợi như thất học, không có
việc làm, suy dinh dưỡng, cung cấp nước kém, tỷ lệ các bệnh tiêu hóa và các bệnh truyền
từ động vật sang người cao; thiếu nhân viên y tế và các dịch vụ y tế.
Hiện nay do phát triển đô thị và giao thông vận tải, sự khác biệt trên có xu hướng giảm đi.
Đặc biệt đối với những người sống ở vùng vành đai xung quanh thành phố lớn.
• So sánh quốc tế
- Các yếu tố sinh thái khí hậu, chỉ số kinh tế xã hội, phong tục tập quán, di truyền.
- Mức độ chất lượng dịch vụ y tế, tính hoàn hảo trong báo cáo bệnh tật. Sự khác nhau về
phân bố bệnh tật giữa các nước cũng có thể do nhiều yếu tố: tính chính xác của chẩn đoán,
tính hoàn hảo của báo cáo, sự phân loại bệnh tật và quá trình xử lý, phân tích số liệu
• Nghiên cứu người di cư: Việc nghiên cứu người di cư cung cấp cho các nhà dịch tễ cơ
hội duy nhất để phân biệt vai trò của yếu tố môi trường và di truyền. Sự so sánh tỷ lệ mắc
bệnh và tử vong giữa những người di cư và họ hàng của họ ở nhà cho phép nghiên cứu
những nhóm người giống nhau về di truyền ở những điều kiện môi trường khác nhau.
Ngược lại so sánh những người di cư với những người dân ở nước họ đến định cư cung cấp
thông tin về nhóm người khác nhau về di truyền nhưng sống trong một môi trường.
3.3. Thời gian: Trả lời câu hỏi: “Khi nào bệnh xảy ra thường xuyên hay ít xảy ra?”
• Sự tăng tần số bệnh trong một khoảng thời gian
Đối với nhiều bệnh có thời kỳ ủ bệnh ngắn, việc mô tả sự tăng tần số mắc bệnh trong một
khoảng thời gian có thể dẫn đến các nghiên cứu phân tích về một nguyên nhân gây bệnh
nào đó. Ví dụ, ở Đức vào cuối năm 1959 người ta thông báo một trường hợp dị dạng bẩm
sinh cực kỳ bất thường ở chân tay và đầu ngón. Đến tháng 9/1961 có sự tăng đáng kể số
bệnh nhân dị tật bẩm sinh này. Số liệu mô tả này đưa đến một giả thuyết là dị tật bẩm sinh
gây ra do việc sử dụng một loại thuốc. Vào giữa tháng 11/1961 một giả thuyết được nêu ra
là thalidomide, một loại thuốc ngủ đầu tiên đưa vào Đức năm 1956 đã chịu trách nhiệm
cho các trường hợp dị dạng này. Giả thuyết này đã được xác định trong các nghiên cứu
phân tích tiếp theo.
• Tính chu kỳ
Sự thay đổi có tính chu kỳ là sự thay đổi lặp lại tần số của bệnh. Tính chu kỳ có thể là hàng
năm (theo mùa) hay theo từng thời kỳ nhiều năm.
• Xu thế của bệnh: là sự thay đổi tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trong khoảng thời gian dài
nhiều năm, nhiều thập kỷ và hàng thế kỷ. Xu hướng có thể do các yếu tố sau:
- Thay đổi kỹ thuật chẩn đoán
- Thay đổi về tính chính xác của thống kê dân số trong quần thể phơi nhiễm
- Thay đổi do chất lượng dịch vụ y tế, khả năng điều trị khỏi nhiều bệnh
- Thay đổi về cấu trúc quần thể dẫn đến thay đổi tỷ lệ thô của bệnh mặc dù tỷ lệ đặc hiệu
cho từng tuổi không thay đổi
- Thay đổi tỷ lệ mới mắc của bệnh do sự thay đổi về môi trường, lối sống
4. Ưu, nhược điểm của nghiên cứu dịch tễ học mô tả
4.1. Ưu điểm:
- Mô tả được mô hình bệnh tật, giúp cho các nhà quản lý y tế hoạch định kế hoạch cho
các hoạt động chăm sóc sức khỏe và sử dụng ngân sách.
- Ít tốn kém về chi phí và thời gian.
- Gợi ý, hình thành giả thuyết nhân quả căn nguyên.
4.2. Nhược điểm:
Không kiểm định được giả thuyết nhân quả vì:
- Dựa trên dữ liệu quần thể (nghiên cứu tương quan).
- Thiếu nhóm so sánh đầy đủ (nghiên cứu trường hợp bệnh đơn lẻ, nghiên cứu chùm
bệnh).
- Không thể xác định trật tự liên quan giữa phơi nhiễm và bệnh (điều tra ngang).

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Dịch tễ học. Phương pháp nghiên cứu dịch tễ học mô tả. Trường Đại Y Hải Phòng. Bộ
Y tế. Nhà xuất bản Y học. 2012. Tr 34-44.
2. Lưu Ngọc Hoạt. Một số thiết kế nghiên cứu định lượng. Phương pháp viết đề cương
nghiên cứu. Nhà xuất bản Y học, 2016. Tr 1-16.
3. Phương pháp nghiên cứu trong y sinh học. Các thiết kế nghiên cứu. Trường Đại học Y
Hà Nội. Nhà xuất bản y học, 2019. Tr 70-97
4. Ruth Bonita. Type of study. Basic epidemiology. 2nd edition. World Health
Organization. 2006. P: 39-62

You might also like