You are on page 1of 6

 33 câu thơ tiếp theo: Định nghĩa về Đất Nước

- Đất nước là gì?


"Một cuộc thám hiểm thật sự không cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới."
(Proust) Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, mỗi người nghệ sĩ phải tìm ra cho
mình một lối đi riêng để ghi dấu trong lòng độc giả và khắc tên mình vào dòng chảy
thời gian. Người thi sĩ không thể bước đi trên lối mòn của người khác mà phải "khơi
những nguồn chưa ai khơi". Chính vì vậy, cùng với chủ đề đất nước, Nguyễn Khoa
Điềm đã có những định nghĩa thật mới lạ. Tách riêng 2 yếu tố Đất - Nước ra khá đặc
biệt, bằng phép chiết tự, nhà thơ trình bày định nghĩa của mình theo một cách mới
mẻ, độc đáo vô cùng. 
Đất Nước được hợp thành bởi 3 yếu tố
+ Chiều rộng không gian địa lý, hình thành nên văn hóa Việt
Trước hết, Đất Nước được đặt trong chiều rộng mênh mông của không gian địa lý.
Với suy luận của tuổi trẻ, nhà thơ đã chia cắt Đất Nước thành 2 thành tố Đất và
Nước để suy ngẫm và chiêm nghiệm cho sâu sắc. Mở đầu đoạn thơ này là định
nghĩa về "Đất" thật khác biệt:
"Đất là nơi anh đến trường"
"Đất" là con đường đưa anh đến trường, mở ra một không gian cụ thể của Đất
Nước. Những ngôi trường học thân quen là nơi gắn bó với mỗi con người, nơi ta
cảm nhận được bao tình thương mến của thầy cô, bạn bè, cung cấp cho ta chân trời
tri thức rộng mở để chắp cánh cho bao ước mơ, khát vọng bay cao, bay xa. 
Khái niệm về "Nước" còn gây nhiều bất ngờ hơn:
"Nước là nơi em tắm"
Hình ảnh "giếng nước gốc đa" đâu đó hiện lên, gợi người đọc liên tưởng đến quê
hương, đến làng xóm, những ngõ quanh co rợp mát bóng tre làng, và cả giếng nước
ở đầu làng. "Nước" là nơi em tắm, hình ảnh bình dị thân thuộc của làng quê gợi lên
những con sông quê hương bên lở bên bồi, mang phù sa bồi đắp cho những cánh
đồng châu thổ làm nên một vùng văn hóa xứ sở. Đó còn là dòng sông đã tắm mát
tuổi thơ, để con người được đẫm mình trong không gian trong trẻo, yên bình của
thiên nhiên. Và kỷ niệm của một thời thơ ấu cứ thế lặng lẽ theo ta cho đến hết cuộc
đời.
Hình ảnh "Đất" và "Nước" song hành với nhau, như anh và em gắn bó, và Đất Nước
không chỉ là không gian sinh hoạt hàng ngày nuôi dưỡng tâm hồn, thể chất mà còn
là nơi in dấu bao kỉ niệm của tình yêu đôi lứa.
"Đất Nước là nơi ta hẹn hò"
Bằng lăng kính của tình yêu đôi lứa nở rộ và rực rỡ nhất, Đất Nước trở thành không
gian riêng tư của anh và em, là nơi ta hẹn hò với bao bồn chồn, bâng khuâng, xao
xuyến. Đó là nơi anh nắm tay em nói những lời yêu thương trong bao vụng về, e
ngại, khởi đầu cho một tình yêu đầu đẹp đẽ. Tác giả đã cho thấy đây chính là biểu
tượng cho sự thống nhất, hòa quyện giữa các yếu tố "Đất" và "Nước", của anh và
em, hợp thành một chỉnh thể, không thể thiếu một trong hai, gợi lên một chiều sâu
suy tưởng: Đất Nước là sự thống nhất giữa cái chung và cái riêng, cộng đồng và cá
nhân, to lớn và nhỏ bé, hiện thực và huyền thoại... gắn bó bền chặt không thể tách
rời.
Với con mắt của tuổi trẻ, Đất Nước là cõi mộng với những kỉ niệm dịu ngọt của tình
yêu,
"Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm"
"Đất Nước là nơi" - cụm từ này được điệp lại như một sự nhắc nhở và khẳng định,
rằng từng chút một trong sự lớn lên của tình yêu đôi lứa đều quyện hòa vào trong
Đất Nước. Là nơi dung chứa tình yêu của anh, của em, của đôi mình, là nơi "em
đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm", nơi để em chia sẻ những nỗi niềm, suy tư,
trăn trở thầm kín của tình yêu. Hình ảnh chiếc khăn đã trở thành một biểu tượng của
tình yêu, chuyên chở tâm trạng của người con gái khi yêu.
"Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt."
Hay hình ảnh chiếc khăn còn đi vào thơ Phan Thị Thanh Nhàn thật tinh tế:
"Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm,
Bên ấy có người ngày mai ra trận."
(Hương thầm)
Ở câu thơ này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm muốn nhắn nhủ về sự đan cài giữa tinh
yêu cá nhân với tình yêu đất nước, tuy hai mà một. Bởi chính những chàng trai, cô
gái trẻ sẽ góp công xây dựng đất nước, cống hiến cho dân tộc, và sự kết hợp của
họ, tình yêu của họ sẽ thổi bùng sức sống của đất nước, tô đẹp non sông gấm vóc
Việt Nam và làm phong phú cuộc sống mỗi người.
Bằng việc sử dụng những chất liệu văn hóa dân gian như ca dao, các hình ảnh đặc
trưng của quê hương, thôn xóm, bản làng nước Việt, nhà thơ của "Đất Nước" đã gợi
ra cho độc giả những cách hiểu mới, cách cảm nhận mới về đất nước mình đang
sống. Các biện pháp nghệ thuật như điệp ngữ, phép chiết tự đã được vận dụng tinh
tế, đem lại sự lý giải vừa như tâm tình, vừa rất hợp lý và thuyết phục.
Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Đất Nước còn là những vẻ đẹp từ thiên nhiên, từ
những hình ảnh đặc trưng trong câu ca dao:
"Đất là nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc
Nước là nơi con cá ngư ông móng nước biển khơi."
Lên núi rồi xuống biển, một lần nữa khái niệm Đất Nước lại được phân tách và lý giải
sống động. Hình ảnh chim phượng hoàng và cá ngư ông là một hình ảnh nổi bật
trong ca dao xưa:
"Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi Bạc
Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi
Gặp nhau đây xin phân tỏ đôi lời
Kẻo mai kia con cá về sông vịnh
Con chim nọ đổi dời về non xanh."
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tiếp tục khơi sâu chất liệu của văn học dân gian, lấy
ý tưởng từ những câu hò Bình - Trị - Thiên vẽ nên một bức tranh Đất Nước giàu đẹp
với núi sông hùng vĩ, bát ngát biển khơi. "Đất lành chim đậu" là những hình ảnh đa
dạng, phong phú của chim, của cá tượng trưng cho sự thịnh vượng và trù phú của
nước Việt. Quan hệ đoàn tụ của chim và cá gắn liền với sự hài hòa giữa Đất và
Nước. Nhà thơ đã kể tên những tài nguyên của Đất Nước trong cảm hứng hào sảng,
tự hào để thức tỉnh mỗi chúng ta ý thức bảo vệ và giữ gìn những vẻ đẹo huy hoàng,
tươi đẹp vốn có của quê hương.
"Dường như không gian Đất Nước còn là không gian tinh thần, là nơi trở về của
những tâm hồn yêu quê hương." Cũng như con chim phượng hoàng bay về núi, con
cá ngư ông về với biển khơi, mỗi con người cũng luôn hướng về cội nguồn Đất
Nước. "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người". Đất Nước trở
thành nơi thiêng liêng gắn bó máu thịt với mỗi chúng ta như "chim có tổ, người có
tông". 
Và trên hết, không gian Đất Nước là "nơi dân mình đoàn tụ", là không gian sinh tồn
của cả cộng đồng:
"Không gian mênh mông
Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ"
"Không gian mênh mông" của Đất Nước rộng lớn với núi sông bờ cõi, với Bắc -
Trung - Nam một dải nối liền, là con đường anh đến trường, là dòng sông em tắm, là
giếng nước, ao làng, là rừng vàng biển bạc bao la. Không gian ấy trở thành ngôi nhà
chung của đại gia đình Việt Nam qua bao thế hệ, là cội nguồn, quê hương tinh thần
của mỗi con người. Trải qua sự dai dẳng của thời gian 'đằng đẵng", qua bao sóng
gió, dân mình được đoàn tụ, quây quần. Đó là sự hội ngộ sau những ngày tháng
gian khổ, hay cũng chính là sự trở về với Tổ tiên, tất cả đều được đoàn tụ trong
chiều rộng không gian và chiều dài thời gian của Đất Nước. 54 dân tộc anh em cùng
sinh sống trên một dải đất hình chữ S, cùng sẻ chia Đất Nước và góp phần gìn giữ,
xây dựng và phát triển Đất Nước không ngừng. Đất Nước không nhỏ bé riêng tư mà
là nơi sinh tồn của cả cộng đồng dân tộc. Từ "dân mình" thật gần gũi, thân thiết, như
thể tất cả chúng ta đều cùng chung một gia đình, đều là ruột thịt. Câu thơ của
Nguyễn Khoa Điềm thật có sức gợi làm nao lòng người. 
+ Đất Nước ở bình diện lịch sử
Không chỉ tự hào về không gian địa lý của Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
còn gợi ra chiều dài miên viễn của thời gian lịch sử. "Thời gian đằng đẵng" là thời
gian vô thủy, vô chung, là quá trình phát triển lâu dài từ trong quá khứ, tới hiện tại và
tương lai. Đó là thời gian từ "ngày xửa ngàu xưa" trong cõi xa xăm, xa mờ, Đất
Nước đã hiện hữu.
"Từ có vũ trụ
Đã có giang san"
Đất Nước có từ thuở hồng hoang gắn với những câu chuyện sử thi "Đẻ đất đẻ
nước", từ "Sự tích trăm trứng" hay truyền thuyết "Sơn Tinh Thủy Tinh". Bờ cõi được
mở mang, Đất Nước có từ ngày đó, rồi Đất Nước bắt đầu, Đất Nước lớn lên... cứ thế
hình thành và phát triển qua lịch sử 4000 năm văn hiến. 
Đất Nước hiện ra với một chiều dài "đằng đẵng" xuyên suốt từ quá khứ, đến hiện tại
và tương lai:
"Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau"
Quá khứ của Đất Nước gắn với "những ai đã khuất", với những con người đã sẵn
sàng hi sinh để bảo vệ sự sống của Đất Nước. Họ có thể là những người anh hùng
kiệt xuất như Lê Lợi, Quang Trung, Nguyễn Trãi,... Nhưng cũng có thể là những con
người bình dị, vô danh, là đại đa số nông dân nghèo khổ "đã đứng lên thành những
anh hùng". Tất cả họ đều đã hiến dâng cuộc đời mình để hóa thân vào hình hài Đất
Nước, viết nên trang sử hào hùng của dân tộc.
Điệp từ "những ai" là tiếng gọi chung cho tất cả con dân nước Việt, dù là ông cha ta
đã nằm xuống, hay những con người của hiện tại, chúng ta yêu nhau, cùng "sinh con
đẻ cái", duy trì nòi giống "con Rồng cháu Tiên". Đó là sứ mệnh, là trách nhiệm "gánh
vác phần người đi trước để lại", tiếp tục sống, giữ gìn dân tộc mình, đất nước mình,
tiếp tục bảo vệ nền độc lập mà ông cha đã dùng máu xương của mình để dựng xây
là gìn giữ. Không chỉ thế, ta còn tiếp tục phát triển non sông bằng sức trẻ và trí tuệ
được trau dồi không ngừng. Rồi thì, khi chúng ta già đi, ta lại tiếp nối vòng tuần hoàn
ấy, "dặn dò con cháu chuyện mai sau", câu chuyện của Tổ quốc mình.
Cứ như vậy, thế hệ này đến thế hệ kia, đời này sang đời khác cùng "dặn dò con
cháu chuyện mai sau", cùng lưu giữ những giá trị tinh thần bền vững như lòng yêu
nước, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường chống giặc ngoại xâm, tình cảm nhân ái,
thủy chung. Có thể nói, lịch sử bốn nghìn năm của Đất Nước được hình thành và
phát triển qua cuộc chạy tiếp sức vĩ đại, lớn lao, vĩnh hằng của các thế hệ con người
Việt Nam. Điều đó đã tạo ra sự gắn kết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai giữa thế
hệ này với thế hệ khác.
+ Đất Nước ở chiều sâu văn hóa
Đất Nước trở nên vẹn toàn, đẹp đẽ, và thiêng liêng hơn trong chiều sâu văn hóa,
thống nhất ở cội nguồn và truyền thống văn hóa của dân tộc:
"Đất là nơi chim về
Nước là nơi rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng"
Nếu như Nguyễn Trãi phát hiện ra Đất Nước qua các triều đại lịch sử "Triệu, Đinh,
Lý, Trần" thì Nguyễn Khoa Điềm lại đưa ta trở về với cái thuở sơ khai gắn với truyền
thuyết về nguồn gốc tổ tiên. Đất Nước bắt đầu từ thuở khai thiên lập địa - nhà thơ
cảm nhận và lý giải Đất và Nước theo chiều dài vô tận của thời gian, chiều sâu của
quá khứ lịch sử và phảng phất chất huyền thoại qua những câu chuyện vọng về.
Hình ảnh "chim về", "Rồng ở" đưa ta về nguồn gốc của người con đất Việt, từ thuở
Lạc Long Quân và Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, năm mươi con xuống biển, năm
mươi con lên non, trở thành 54 dân tộc anh em của chúng ta bây giờ. Dù là miền
ngược, miền xuôi, dù là Bắc, Trung, Nam, tất cả đều có chung tiếng gọi "đồng bào"
thiêng liêng, đều là con Lạc cháu Hồng, anh em một nhà. Chúng ta dù trẻ hay già,
gái hay trai đều chung sức, chung lòng hướng về tổ tiên, nhớ ơn nguồn cội, mang
trong tim niềm tự hào dân tộc sâu sắc.
Không chỉ tự hào về cội nguồn văn hóa của Đất Nước, nhà thơ còn hướng tới những
truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời nay.
"Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ"
Trong dân gian đã từng có câu ca nhắc về mỗi người:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3"
hay 
"Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3"
Tiếp nối mạch nguồn văn học dân gian, Nguyễn Khoa Điềm đã khơi gợi trong mỗi
chúng ta ý thức về nguồn gốc, dòng giống tổ tiên, từ đó biết ơn những thế hệ đi
trước đã làm nên giang sơn đất nước. Hai chữ "cúi đầu" thể hiện niềm thành kính
thiêng liêng, để hướng về lịch sử các vua Hùng đã có công dựng nước. "Cúi đầu" để
tri ân, để tâm nguyện với lòng mình phải giữ lấy đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn
quả nhớ kẻ trồng cây". Người Việt dù đi đâu về đâu trên mọi nẻo đường, ở quê
hương hay nơi xứ người nhưng đều một lòng hướng về quê cha đất tổ như một ngôi
nhà chung để họ cùng trở về trong cái nôi văn hóa đầy yêu thương, gắn bó.
Với lời thơ tự do, đằm thắm ngọt ngào như lời trò chuyện, tâm tình giữa anh và em,
với kiến thức phong phú và khả năng sáng tạo những yếu tố của văn hóa dân gian,
Nguyễn Khoa Điềm đã nêu ra định nghĩa đa dạng về Đất Nước từ chiều rộng không
gian, chiều dài lịch sử cho đến chiều sâu văn hóa với một cái nhìn thật mới mẻ, sâu
sắc.

You might also like