You are on page 1of 14

Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Dưới cái vuốt ve đầy ủy mị, lả lướt của thơ ca, ta run rẩy, trầm
luân mà say mê trong vẻ đẹp mà thứ ả phù dung ấy mang lại. Không.
Ta đòi hỏi, ta thèm khát nhiều hơn thế... Phải chăng nó là chút gì đó
khoái lạc từ tham vọng mong muốn những thứ mới mẻ hơn trên cái
nền tối vốn có phần cũ kỹ của văn chương thời trước? Một con mắt
với một góc nhìn rất khác, một đôi tay khéo léo đào sâu, tìm ra
những chất liệu mới trên cái mảnh đất tưởng chừng đã được khai
hoang rất nhiều lần. “Các cụ ta ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa
những màu xanh nhạt. Các cụ bâng khuâng vì tiếng trùng đêm khuya,
ta nao nao vì tiếng gà lúc đúng ngọ. Nhìn một cô gái xinh xắn, ngây
thơ, các cụ coi như đã làm một điều tội lỗi, ta thì ta cho là mát mẻ
như đứng trước một cánh đồng xanh. Cái ái tình của các cụ thì chỉ là
là sự hôn nhân nhưng đối với ta thì trăm hình muôn trạng: Cái tình
say đắm, cái tình thoảng qua, cái tình gần gũi, cái tình xa xôi, cái tình
trong giây phút, cái tình ngàn thu” (Lưu Trọng Lư). Đấy không phải là
sự sáng tạo thơ ca đang cần hay sao? Thơ phải thế, thơ hay càng phải
phế! Đó là lẽ đương nhiên vì sao “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm
chưa bao giờ chối từ những cuộc gặp mặt giữa những bài thơ ẩn mạn
trong mình vẻ đẹp khuyết mà người đời thường miên man ngóng
chờ. Chỉ trong chín câu thơ đầu của bài thơ với những bình diện về
chiều dài văn hoá, lịch sử, bằng cảm nhận sâu sắc và toàn diện của
mình, Nguyễn Khoa Điềm đã ngầm khẳng định Đất Nước là sự hội tụ,
kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Nhân dân chính là
người đã làm ra Đất Nước!
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Nhà văn Tuocghenhev đã khẳng định: “Cái quan trọng trong tài
năng văn học là tiếng nói của mình, là cái giọng riêng biệt của chính
mình không thể tìm thấy trong cổ họng của bất kì một người nào
khác”. Nhà văn, nhà thơ cũng là con người, những người được ưu ái
ban cho một trái tim nhạy cảm biết khóc cười trước bộn bề cuộc sống
mà đem những rung cảm ấy ký thác vào trong tác phẩm. Song văn
chương không chỉ là một thế giới bộn bề để trút những xúc cảm cá
nhân, nó là kết quả của một quá trình sáng tạo và chắt lọc những tinh
hoa cuộc sống, những xúc cảm thẩm mĩ của người viết văn. Đó chính
là nét riêng trong thế giới của mỗi người cầm bút. Nguyễn Khoa Điềm
thai nghén ra “Đất Nước” trên một cung đường đẹp như thế! Nếu
hình tượng đất nước mang trong mình sắc đỏ rực rỡ của tình yêu,
của chia ly trong thơ Nguyễn Mỹ (Cuộc chia ly màu đỏ), đất nước
trong trẻo, đáng yêu gắn với những điều quen thuộc, bình dị hằng
ngày trong “Lòng yêu nước” của Ylia Erenbua, thì lại có một “Đất
Nước” rất khác trong thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Tựa một mảng
màu làm phong phú thêm hình tượng đất nước trong văn học Việt
Nam, với lối viết tổng- phân- hợp, sự khéo léo tinh tế trong việc vận
dụng những chất liệu văn học dân gian rất đổi quen thuộc, gần gũi,
Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ nên hình tượng của một đất nước vừa bình
dị, mang trong mình âm hưởng những câu chuyện cổ tích mẹ kể hàng
ngày, vừa gợi ra dòng chảy về một quá khứ xa xăm, sự hình thành và
phát triển để tạo ra một tầm vóc vừa to lớn mà vô cùng thiêng liêng
của Đất Nước!
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Nhận thức về sự tồn tại lâu dài của đất nước trong suốt thời gian
dài đằng đẵng bốn nghìn năm văn hiến, Nguyễn Khoa Điềm khẳng
định:
Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước với mọi vẻ đẹp là khí thế hào hùng khi Lí Thường Kiệt
sang sảng đọc “Nam quốc sơn hà”, là Nguyễn Trãi viết “Đại Cáo Bình
Ngô” mà lòng tự hào Đại Việt lan tới từng con chữ, là lúc Nguyễn Du
viết Kiều đất nước hóa thành văn... Đến với hình tượng Đất Nước
trong Nguyễn Khoa Điềm, nó không còn là cái giọng điệu hùng hồn,
hào sảng của những án thơ xưa, Đất Nước bây giờ hiện ra là một dải
lụa với chiều sâu lịch sử văn hóa đầy những giá trị thiêng liêng mà
thân quen vô cùng. Một dải lụa được dệt nên từ bao hình tượng đẹp
đẽ một thời, làm xôn xao tuổi mộng vàng của những nhân vật huyền
thoại... “Ta” - một đại từ phiếm chỉ tuy mơ hồ nhưng ấy là hồi quang
cho tiếng lòng của mỗi người con Việt Nam chưa bao giờ ngừng chắt
chiu những giọt mật được sinh ra từ cái nôi lớn lao, ấm áp mà bồi
dưỡng tâm hồn chân- thiện- mỹ, niềm tự hào về bao trầm tích lịch sử
của cha ông để lại. Qua lăng kính của trái tim nóng bỏng, sục sôi với
tình yêu to lớn dành cho cội nguồn, Nguyễn Khoa Điềm dường như
còn muốn gợi nhắc mỗi một con người có hay không, đã hay chưa
từng truy tìm về hình dáng, hơi thở của Đất Nước có từ ngàn xưa
cũng nên nuôi dưỡng cho bản thân, thôi thúc chính mình trên con
đường truy tìm về những giá trị tốt đẹp từ thuở sơ khai mà Đất Nước
có được cũng như vô thủy vô chung mà cộng tồn với thời gian.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Sự thổn thức của một trái tim chan hòa bóng hình tài hoa của
đất nước, Nguyễn Khoa Điềm đã cho tâm tư mình ngân ra những giai
điệu mang trong mình cả sự chảy trôi của thời gian, của quá trình
hình thành và phát triển đất nước:
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường
hay kể...
“Thời gian cho ta con chữ, nhưng con chữ đâu chịu nép mình. Nó
cứ thênh thang đi tìm cho mình một hình thức, một lớp áo nghệ
thuật rất riêng. Nó luôn thanh lọc chính mình để trở nên tươi. Bởi lẽ,
nghệ thuật là đổi mới. Cuộc làm nghệ sĩ là một cuộc cách tân...”.Thật
vậy, và dường như Nguyễn Khoa Điềm là một trong những người
thành công nhất trong công cuộc đổi mới ấy. Ông không quan sát
dáng hình của xứ sở ở một cự ly gần như bao nhà thơ khác mà Đất
Nước tan trong dòng máu đỏ rực của ông với một tầm vóc rất đỗi gần
gũi mà ta không cần ngưỡng vọng lên cao để ngắm nhìn. Ở nhiều góc
độ khác nhau, từ một bờ “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm đến
một vùng núi rừng “Việt Bắc” của Tố Hữu, một “Đất nước” của
Nguyễn Đình Thi thì nay tiếng vọng của Nguyễn Khoa Điềm đã giao
thoa vào làn sóng của hình tượng đất nước ấy bằng một “Đất Nước”
rất mới mẻ và độc đáo.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Ôi! Một đất nước thật đẹp, thật bình dị, gần gũi... Một đất nước
bắt đầu và lớn lên từ cái “ngày xửa ngày xưa”,... Câu thơ mang trong
mình âm điệu của những lời ru bên nôi thuở bé thơ, lời kể chuyện
tâm tình, thủ thỉ của mẹ về biết bao câu chuyện cổ tích, biết bao giai
thoại anh hùng, thứ đã nuôi dưỡng và vun đắp cho tầm hồn trong
sáng của báo thế hệ:
Mẹ ru cái lẻ ở đời
Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn.
Một lời ru, một bài hát, một câu chuyện cổ tích cũng là một bài
học ngàn đời cho con cháu về cốt cách làm người lương thiện, sống
nghĩa tình, son sắt với quê hương, đất nước, cội nguồn. Đất nước là
hiện thân của những điều nhỏ nhặt như thế!
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Truy tìm về cội nguồn Đất Nước, khó ai có thể xác định minh
bạch cái ngày tháng khởi thuỷ của nó, thế nhưng Nguyễn Khoa Điềm
lại xác định cái buổi ban đầu ấy qua một nét sống giản dị nhưng đậm
đà của những người mẹ, người bà Việt Nam... Một đất nước gắn liền
với những phong tục tập quán tốt đẹp ngàn đời:
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn
Tục ăn trầu là tinh hoa trong những phong tục tốt đẹp của người
Việt. Nó là biểu tượng cho tấm lòng thành, là nhịp cầu giao duyên của
tình nghĩa vợ chồng sắt son, của tình nghĩa anh em keo sơn, gắn bó.
Miếng trầu, quả cau đã thẩm thấu vào ngàn đời của đời sống tinh
thần dân tộc ta, là nhân tố làm giàu thêm mảnh vườn truyền thống
vàng son mà cha ông đã để lại. Một miếng trầu nhỏ thế nhưng nó
chính là thứ đã góp phần “làm nên đất nước muôn đời”... Qua đó có
thể thấy rằng, Đất Nước với mỗi chi tiết nhỏ nhoi, là mảnh vườn
máu, mồ hôi và cả ước mơ của người ươm mầm. Thế hệ cha ông đã
cần mẫn vun xới bằng tình yêu đất Mẹ thì nay đến chúng ta- một
phần của đất Mẹ- cũng phải chung tay xây dựng và bảo vệ điều
thiêng liêng đó!
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Trong chiều dài lịch sử văn hóa của dân tộc ta, mỗi người con
Việt Nam da vàng, máu đỏ chưa bao giờ ngừng tự hào về lịch sử
chống ngoại xâm đầy anh dũng và oai phong với bao chiến công lẫy
lừng, hiển hách của bao thế hệ đi trước, đó là lý do vì sao đất nước
chảy trong dòng máu Lạc Hồng luôn gắn liền với truyền thống yêu
nước chống giặc ngoại xâm:
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc.
Câu thơ gợi nhắc về truyền thuyết Thánh Gióng – với ngựa sắt,
áo giáp sắt, bụi tre bên đường, với tiếng nói đầu đời là khao khát
đánh đuổi giác ngoại xâm đã trở thành một huyền thoại lịch sử. Điều
đó gợi lên vẻ đẹp khỏe khoắn của tuổi trẻ Việt Nam kiên cường, bất
khuất, anh dũng hi sinh chỉ với mong muốn giữ làng, giữ nước, giữ
mái nhà tranh, giữ nên độc lập....
Tre xanh ngàn đời vốn là hiện thân cho những đức tính cao đẹp
của con người Việt Nam: đôn hậu, chất phác, thủy chung mà bất
khuất anh hùng. Lũy tre xanh hiền hậu đã đi vào trong đời sống và
văn học thật đẹp, hình ảnh ấy đã cùng con người Việt Nam xông pha
vào biết bao nhiêu trận mưa bom bão đạn mà anh dũng ngăn bước
kẻ thù!
Rễ siêng không ngại đất nghèo,
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.
Vươn mình trong gió tre đu,
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành.
( Nguyễn Duy)
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Góp phần tạo nên chuỗi hình ảnh về tầm vóc, tinh thần và hơi
thở của Đất Nước còn là những mắt xích của những phong tục tốt
đẹp của con người Việt Nam:
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Người phụ nữ Việt Nam quanh năm “chân lấm tay bùn”, “bán mặt
cho đất, bán lưng cho trời” với công việc đồng án. Tuy nhiên, họ lại
hiện lên trong những trang thơ vô cùng đẹp, vô cùng dịu dàng, với
hình ảnh “bới tóc sau đầu”. Phải biết rằng từ xưa đến nay, người phụ
nữ Việt Nam xuất hiện trong tầm vóc của đất nước, non sông luôn là
vẻ đẹp của tám chữ vàng: Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang:
Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!
(Người con gái Việt Nam)
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

“Muốn hiểu được thơ thì phải bóc lớp vỏ ngôn ngữ ấy ra, hãy tận
hưởng mùi hương vani hay mùi xạ hương trong tầng sâu của
nó.”(A.Puskin). Thật vậy chăng khi cần đào sâu tìm tòi về cội nguồn
của “Đất Nước”, lần mò theo từng vân chữ của Nguyễn Khoa Điềm, ta
lại phát hiện thêm những hình ảnh vốn tưởng nhỏ bé, tầm thường
nhưng chưa bao giờ ngừng gieo mình vào dòng chảy thời gian của
lịch sử dân tộc. Đất nước vốn được gom nhặt từ muôn mặt đời
thường: Đất nước có mặt trong mỗi mái nhà, trong từng tổ ấm, trong
hạnh phúc lứa đôi, là đời sống tình yêu thủy chung của cha mẹ được
ví như “gừng cay muối mặn”. Tình yêu của cha mẹ là bài học về tình
yêu son sắt, thủy chung, mặn nồng mà tha thiết. Tình yêu ấy đã góp
phần tạo nên nét đẹp riêng cao quý trong đời sống tâm hồn con
người Việt Nam. “Thơ nói lên tâm trạng một thời là thơ để đời. Thơ
nói lên mẫu số văn hóa chung của con người mọi thời là thơ muôn
đời”. Những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm có thể chưa là của muôn
đời nhưng chắc chắn sẽ sống ở nhiều thời vì nói lên được cái phẩm
tính văn hóa của con người phải biết gắn bó và chia sẻ, biết hóa thân
vào dáng hình xứ sở. Tình yêu là sự hóa thân, nhập thân. Thời kháng
chiến chống Mỹ, những người yêu nhau nhập thân vào trong nhau rồi
cùng nhập tình yêu vào đất nước:
Càng đi vào mặt trận
Càng sáng bừng thuỷ chung
Càng lao lên lửa bỏng
Càng yêu em tận lòng
Trên ngọn nguồn sông núi
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Biết yêu thành mênh mông...


(Nguyễn Khoa Điềm)
Ngay cả những hình ảnh rất bình dị “cái kèo”, “cái cột” thật gần
gũi đến nỗi ta sẽ chẳng thèm quan tâm hay để ý thế nhưng nó lại
phản ánh quá trình hình thành ngôn ngữ của dân tộc. Ông cha ta đã
lấy tên gọi của những vật bình dị, quen thuộc ấy để đặt tên cho con
cái. Phải nói rằng chúng ta chưa bao giờ tự hào về lòng yêu đất nước
như thế, chúng ta yêu đất nước qua cái cách mà chúng ta yêu lá cờ
Việt Nam tung bay phấp phới trên nền trời lộng gió, chúng ta yêu đất
nước qua cách mà chúng ta giữ gìn và phát triển tiếng Việt ngày càng
giàu đẹp. Có ai sinh ra và lớn lên trên đất nước này lại không mang
trong mình giọng nói của ông cha? Các nhà thơ mới lãng mạn dù
được tiếp cận, chịu ảnh hưởng rất lớn, sâu sắc văn hóa phương Tây
nhưng ở họ tình yêu tiếng Việt vẫn nồng nàn, thiết tha. Hoài Thanh
trong Thi nhân Việt Nam đã ghi nhận tình cảm ấy: “Họ yêu vô cùng
thứ tiếng trong mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ
để tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt”.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Con người Việt Nam với biết bao đức tính tốt đẹp: lam lũ, tảo
tần, chịu thương chịu khó nay lại tỏa sáng càng thêm cao đẹp qua
hình ảnh *hạt gạo” với thành ngữ “một nắng hai sương”. Qua đó còn
là thái độ trân trọng, tự hào và biết ơn mà nhà thơ đã dành cho mỗi
người nông dân Việt Nam. Chính họ đã tạo nên sự sống và góp phần
lưu giữ sự sống đó cho đất nước đến muôn đời. Đất nước được gợi
lại từ lịch sử, được sống dậy qua phong tục tập quán trong đời sống
tinh thần của nhân dân: miếng trầu,trồng tre, bởi tóc sau đầu, cách
đặt tên người, cả tình yêu của con người...Tất cả đều làm nên khuôn
mặt dân tộc – một dân tộc nghĩa tình đằm thắm. Chất dân gian, hồn
dân tộc như thấm vào từng câu từng chữ. Đất nước bắt nguồn từ
những cái hàng ngày gần gũi, cũng lại là những cái bền vững sâu xa
hình thành tồn tại từ ngàn xưa trong đời sống dân tộc, từ những
phong tục tập quán được tiếp nối thiêng liêng, qua nhiều thế hệ.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Đoạn thơ khép lại bằng câu thơ mang lại giá trị gợi tả cao:
Đất Nước có từ ngày đó...
Dấu chấm lửng kết lại trang thơ như một dấu luyến vẫn đang còn
xao xuyến muốn ôm trọn những tinh túy đã góp phần vào hơi thở của
dân tộc. Đất nước có từ ngày đó... Cái ngày ta có văn hóa, có truyền
thống, có lịch sử, có phong tục tập quán... Dường như Nguyễn Khoa
Điềm muốn nhắc nhở rằng muốn yêu nước trước tiên phải yêu văn
hóa, yêu truyền thống, yêu những thứ nhỏ nhặt luôn song hành với
ta mỗi ngày bởi Đất Nước chính là vẻ đẹp của muôn mặt đời thường.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Raxun Gamzatov từng nói:“Một cuộc thám hiểm thực sự không


phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới”. Để “nảy
ra thơ”, người nghệ sĩ phải có một con mắt tinh sắc, một tâm hồn
nhạy cảm và một tài năng đã đến độ chín để gửi vào trong tác phẩm
một giọng nói của riêng mình. Về hình tượng đất nước, tưởng chừng
rằng mảnh đất này đã được cày xới rất nhiều lần, thế nhưng đến
Nguyễn Khoa Điềm, mảnh đất ấy lại nảy mầm ra một nhành hoa đẹp
lạ kỳ, một nhành hoa mà ta chưa bao giờ bắt gặp hương sắc của nó ở
bất cứ một loài hoa nào khác. Phải nói rằng với con mắt tin đời, sự
sáng tạo trong hình tượng Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm mang lại
giá trị thẩm mỹ rất cao. Đất nước của ông không có vua chúa, không
có các triều đại lịch sử, và đây là đất nước của nhân dân, do dân và vì
dân. Bởi nhân dân chính là người đã sáng tạo ra dòng chảy văn hóa
cho cả một dân tộc, nhiều giá trị vật chất và tinh thần đã được nhân
dân lưu giữ và truyền đạt, những truyền thống tốt đẹp của cha ông
xây dựng vào đời sẽ và mãi mãi luôn được bồi đắp qua các thế hệ. Đó
là lẻ đương nhiên khi mỗi người trong chúng ta phải sống cống hiến
và phục vụ hết mình cho đất nước, phải kế thừa, giữ gìn và phát huy
những giá trị vật chất và tinh thần tốt đẹp ngàn đời của dân tộc.
Nguyễn Lê Bảo Đăng – Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm

Đoạn thơ nói riêng và cả bài thơ nói chung là tiếng lòng của một
người con với trái tim nóng bỏng sục sôi luôn dạt vào một niềm tin
yêu to lớn và cội nguồn, non sông, từ đó tạo nên một Đất Nước bình
dị mà thiêng liêng đi vào lòng mỗi người dân Việt Nam. Và ta hiểu
rằng lòng yêu nước không chỉ được thể hiện trong chiến tranh, mà ở
mỗi sát-na bình lặng nhất của con người, ngay trong hòa bình, tình
cảm ấy vẫn thể hiện một cách giản dị và gần gũi nhất.

You might also like