You are on page 1of 4

TÂY TIẾN

Máu. Máu nhỏ giọt. Máu thấm vào lòng đất. Máu bén rễ, đâm chồi thành hoa. Hoa lớn lên, hoa làm nên Đất Nước,
hương sắc ấy trọn đời vẫn vẹn nguyên... Cái đêm tối rợn ngợp của những năm tháng mà mồ hôi, máu và nước mắt luôn là cái
đau đáu, chạnh lòng mà mỗi người con Việt Nam da vàng, máu đỏ phải đối mặt giờ đây đã là cái đêm tối tĩnh mịch mà mỗi khi
tiếng còi tàu vang lên là lúc nó nhắc nhở ta: những bông hoa nở ra từ máu cha ông, từ nước mắt mẹ già, vợ trẻ, con thơ chính
là những bông hoa làm nên dáng hình xứ sở, những bông hoa đã góp phần cho “Tổ quốc rũ bùn đứng lên”, và nó làm nên con
tàu trở về... Con tàu đi khắp mọi miền đất nước, đem sự sống trả về với sự sống, tình yêu về lại với tình yêu. Con tàu ấy còn
mang một vẻ đẹp rất khác, rất lính trong “Tây Tiến” của Quang Dũng – một con tàu được dựng lên từ hàng trăm, hàng nghìn
cuộc đời người lính lại toả sáng một cách cao đẹp giữa chốn non nước Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng, qua đó khẳng định cái cốt
thanh cao của người lính sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc mà không tiếc thân mình. Ẩn mạn trong Tây Tiến còn là thứ nhan sắc
khuất giấu ở buồng trong, nhưng ấy là thứ nhan sắc có thật, không loè bịp, không sáo rỗng cũng chẳng phải hào nhoáng xoàng
xĩnh để hài lòng đám đông... Khổ thơ thứ ba trong tác phẩm chính là nơi lột tả được thứ nhan sắc gây thương nhớ và vương
vấn ấy. Trong nó, ta tìm được vẻ đẹp lãng mạn đậm chất bi tráng của người lính tiêu biểu cho vẻ đẹp của một thế hệ cũng như
những tình cảm trân quý mà Quang Dũng dành cho những chàng trai trẻ mang trong mình sức sống, tầm vóc của cả thời đại:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,


Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Những năm tháng khi mà đất Việt Nam còn tanh mùi máu, người Việt Nam đau đáu, buồn thương, những năm tháng
hoa khô khắp ngõ đường, bươm bướm chết đi giữa ngày hạ, chim chóc chẳng cất nỗi tiếng đau thương... Những năm tháng
khi mà Tố Hữu từng ví mình như một con chim nhỏ ở trong một cái lồng con mà cái lồng con thì ở tiếp trong một cái lồng lớn,
khi mà Nguyễn Xuân Sanh là một con chim én không có nỗi một mùa xuân... Thế nhưng ấy cũng là những năm tháng, thơ ca
Việt Nam phát triển mạnh mẽ và có cho mình những con mắt tinh đời, những cây bút xuất chúng, lỗi lạc, là tiếng trống khai
cuộc cho nền thơ ca Cách mạng hiện đại như Chính Hữu, Tố Hữu, Quang Dũng,... Thơ họ dệt nên là những hình tượng cao đẹp
của người lính, của một thời kỳ Việt Nam anh dũng, oai hùng. Không tạp chất, không cẩu thả mà ấy là những vân thơ tinh khiết
lạ lùng!

Như nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm từng bộc bạch:

Tâm hồn tôi màu mây


Quân phục xanh màu lá
Việt Nam! Tôi thương quả
Tôi thương quá! Việt Nam.
hay Tố Hữu cũng đã chia sẻ:

Các anh đi trước, tôi đi sau


Cũng lá che lưng, lá lợp đầu,
Bỡ ngỡ anh trông người lính lạ
Theo anh không biết để đi đâu...

Đến Quang Dũng, ta được chiêm ngưỡng hình ảnh một đoàn binh Tây Tiến không chỉ hiện ra ở vẻ hào hoa, phong nhã
mà còn được tô đậm bởi vẻ bi tráng, anh hùng, đầy lẫm liệt. Thơ ông cũng như người, bao giờ cũng hào sảng, lãng mạn và cảm
xúc. Đối với người lính nói chung và binh đoàn Tây Tiến nói riêng, đã bước vào chiến tranh là phải chấp nhận đau khổ, hy sinh,
mất mát. Nhưng ngời sáng ở những con người Tây Tiến oai hùng là cách tiếp nhận hiện thực bình thản đến lạ kỳ. Họ biết tự
biến gian khổ, khốc liệt thành niềm kiêu hãnh tự tôn cho chính mình. Đặc biệt qua bốn câu thơ đầu của khổ thơ tác giả đã khắc
họa rõ nét hình ảnh bi thương cũng như tâm hồn và ý chí quyết tâm giành độc lập của người lính.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc


Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Ta đã từng thấy một “Tiểu đội xe không kính” dí dỏm trong thơ Phạm Tiến Duật thì nay lại thấy một “đoàn binh không
mọc tóc” trong thơ Quang Dũng. Người lính Tây Tiên tự gọi tên đoàn binh của mình khá thú vị. Trong câu thơ người ta thấy
chút ngang tàng của người lính trẻ tuổi. Phải chăng tóc không mọc không phải vì bị bệnh mà vì “không thèm mọc”. Cộng
hưởng vào đó là nét kiêu hùng “Quân xanh màu lá dữ oai hùm”. Hoàn cảnh thiếu thốn gian khổ chỉ là điều kiện tôi luyện thêm
khí phách anh hùng cho người lính Tây Tiến. Đọc câu thơ người ta thấy phơi phới một niềm tin tưởng, lạc quan vào cuộc đời và
in đậm một tráng chí hùng dũng.
Hình ảnh những người lính mang vẻ khác thường bởi lối vẽ phiếm chỉ. Không miêu tả gương mặt người lính riêng biệt
với tên tuổi cụ thể nào bởi ông muốn dồn đúc tất cả những phẩm chất tốt đẹp của những tráng sĩ Tây Tiến thành gương mặt
chung của một đoàn quân, dùng lối vẽ phiếm chỉ để khái quát nên chân dung rất oai hùng của những chiến sĩ vô danh. Ông
nhận thấy “ở đây cũng đoàn quân thôi nhưng trông đoàn binh, gợi hình ảnh đoàn chiến binh có vũ khí, có khí thế xung trận, át
đi được vẻ ốm yếu của bệnh tật.”.
Với niềm tự hào và kiểu hãnh, hai câu thơ giàu chất hiện thực đã khắc họa được sự gian khổ của người lính trong
những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp mà trên đường hành quân họ đã phải đối mặt với biết bao khó khăn mưa bom
lửa đạn. Làm sao có thể không ám ảnh khi:

Gương mặt đã lên màu bệnh tật


Đâu còn tươi nữa những ngày hoa.
(Tố Hữu)

Thiếu thốn dường như đủ bé để Quang Dũng không hề né tránh hiện thực đó mà còn tái hiện cụ thể qua từng hình
ảnh tóc rụng, da xanh tựa màu lá: “không mọc tóc” và “ xanh màu lá”. Thủ pháp đảo ngữ gợi ra tư thế chủ động ngang tàn của
người lính. Đặc biệt là hai âm tiết khép lại đi liền nhau “mọc” – “tóc” với hai thanh trắc thuộc âm vực khác nhau tạo ra hơi thở
dứt khoát mạnh mẽ, giọng thơ rắn rỏi, gân guốc, bộc lộ ý chí ngang tàn, kiêu hùng của người lính. Phải biết rằng sốt rét rừng
không làm họ ngã nghiêng, rệu rã mà vẫn “quân lệnh như sơn”, chỉnh tề quân phục. Mọi gian nan, khắc khổ dường như chỉ là
nền phong để làm nổi bật lên sự oai phong, dũng mãnh của người lính Tây Tiến, qua đó bộc lộ lòng xót thương và những tình
cảm trân quý mà Quang Dũng dành cho đoàn binh cũng như khẳng định tài hoa của ngòi bút ông: tả lính ốm nhưng không yếu!
Cái khí thế ấy gợi nhắc ta về một thời huy hoàng mà cả hàng trăm tấn bom trên đường Trường Sơn không thể nào dập tắt
được nụ cười về niềm tin một ngày mai tươi sáng của ông cha ta:
Dậy lên, hỡi đồng bào đau khổ!
Đất nước này phải thơm lúa thơm hoa
Dân tộc này sẽ là một bài ca
Của nhân nghĩa bốn nghìn năm toả rộng.

Tôi hát lớn.


Và trái tim sôi nóng
Đẩy tôi đi cùng sóng người đi
Cờ đỏ bay cao.
Sức mạnh thần kỳ
Qua lửa máu
Không thể gì ngăn nổi.
(Tố Hữu)
Theo dòng chảy của mạch cảm xúc, hai câu thơ tiếp theo hiện lên là vẻ đẹp nội tâm hào hùng với ý chí lập công cũng
như là tâm hồn lãng mạn mộng mơ của những người chiến sĩ:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới


Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Thơ bắt đầu từ nỗi nhớ - là cảm giác bấn loạn, trào dâng, quay cuồng, không thể kìm chế được buộc lòng người phải cất lên
tiếng gọi quê hương, tổ quốc. Tưởng chừng bài thơ chỉ là tấm chân tình mà nhà thơ gửi đến đồng đội cho vơi đi nỗi nhớ đơn vị
cũ. Nhưng chính tính chân thực trong cảm xúc đã cho người đọc một tấm chân dung sống động về người lính Tây Tiến. Họ
không hiện lên với khuôn mẫu của tráng sĩ, anh hùng mà còn là những thanh niên trẻ tuổi cũng rất đỗi lắm mộng, nhiều mơ.
Hình ảnh “mắt trừng” như một cách nói cường điệu của bút pháp lãng mạn. Người đọc có thể hình dung về người lính trong
những đêm nhớ nhà, nhớ quê, họ trằn trọc với tấm chân tình đã phủ khăn từ rất lâu rồi, họ trằn trọc suy tư về con đường
hành quân ngày mai. Chữ “trừng” còn gợi ra một sự dữ dội, một sức mạnh tiềm tàng, một khí phách hiên ngang của một người
dũng tướng đang hướng ánh mắt căm thù về phía giặt với một ý chí sắt đá, một trái tim nóng bỏng khao khát được tự do. Câu
thơ mang vẹn nguyên cả ước vọng và điểm đến cuối cùng của đời lính Tây Tiến. Chữ “trừng” được sử dụng khá độc đáo. Người
đọc có cảm tưởng như mọi ước mơ khao khát tận đáy lòng đã trào dâng và đong đầy trong ánh mắt người lính. “Trừng” là
động từ mạnh lại được đặt cạnh “mơ” – lúc đầu ngỡ như một sự khập khiễng. Nhưng thực ra câu thơ rất giàu giá trị biểu cảm.
Câu thơ như trùng xuống trong xúc cảm bâng khuâng dâng tràn. Đôi mắt đẹp, mơ một đường hoa, là giấc mơ trong một giấc
mơ. Tuy nhiên những mộng ước hướng về tương lai không nhiều lắm trong thơ Quang Dũng; giấc mơ Quang Dũng thường là
hồi quang của quá khứ. Đáng khen cho nét đẹp lãng mạn hiện lên từ ý thơ “gửi mộng quá biên giới”! Dường như chiến tranh
buộc ta phải sống chậm lại thế nhưng nó không thể nào cản ngăn những “mộng” khát khao lập chiến công, khát vọng giành
chiến thắng của những người lính Tây Tiến. Thế nhưng đằng sau vẻ ngoài đầy dữ dội ấy là một tâm hồn đằm thắm trong tình
cảm xót thương với những vẻ đẹp rất đỗi đời thường, bình dị. Điều ấy gợi nhắc đến ta một hình ảnh thời quen thuộc:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Cùng viết về nỗi nhà của người lính nhưng nếu người lính nông dân trong “Đồng chí” của Chính Hữu nhớ về “Quê
hương anh nước mặn đồng chua”, người lính trong “Nhớ” của Hồng Nguyên “Mòn chân bên cối gạo canh khuya” thì người lính
Tây Tiên lại nhớ về “ dáng kiều thơm”. Phải chăng trong những giây phút bình yên giữa cuộc chiến, người lính đã hướng tâm
hồn mình về những gì gần gũi, thân thương nhất. Dường như tâm hồn và trái tim đang rạo rực khao khát được yêu thương, cái
chất ngạo nghễ, kiêu hùng của chí làm trai thời loạn đã lấn át tất thảy, nó như muốn bứt ra mọi giới hạn để phần nào đó thoả
lấp những ngọn lửa khát khao sục sôi trong lòng. Trong bài thơ, chỉ có một cái tên thành thị, hoa lệ: đó là Hà Nội. Nhưng đó
không phải là cái mốc có thật trên đường Tây Tiến, mà là “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Hà Nội ở đây trở thành một cái
mốc của độ cao bởi giấc mơ chính là một đỉnh điểm”..Bao giờ cũng vậy, đích đến cuối cùng của những người lính luôn là hạnh
phúc. Nồi nhớ của họ hướng cả về “dáng kiều thơm” nào đó ngoài cuộc đời. Họ ra đi chiến đấu vì tự do, độc lập, nhưng trước
hết là vì cuộc sống tương lai hạnh phúc mà họ khao khát. Chính vì vậy mà “dáng kiều thơm” trở thành điểm tựa, niềm hy vọng
để tiếp thêm cho họ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. “Mơ” một mái tóc thề, một tà áo trắng, một đôi mắt huyền...Ôi
những mộng mơ thèm rất người!
Đứng lên vì sự nghiệp đất nước khi chỉ mới mười tám, đôi mươi, họ chỉ là những cậu học sinh, sinh viên, những người
thuộc tầng lớp trí thức nên không thể nào tránh khỏi trong lòng bao giờ cũng in bóng một dáng hình xinh đẹp. Họ mang trong
mình nỗi nhớ da diết, thiết tha nhưng nỗi nhớ ấy không làm họ yếu đuối, ủy mị, mộng rớt, buồn rớt như quan niệm một thời
mà ngược lại nó đã tô đậm nét đẹp đời thường của người chiến sĩ khiến cho vẻ đẹp tinh thần nhân bản của họ trở nên trọn
vẹn và hoàn chỉnh hơn. Đọc thư thời chiến, ta cũng hiểu phần nào: Những gì đã nhen nhóm trong tình cảm dù chỉ là bé ti tí vẫn
tồn tại và trở nên sáng long lanh như mặt biển về đêm khuya. Không động đến thì thôi chứ động đến thì có vô vàn là ánh sáng
tung lên, tiềm tàng ngàn kiếp.
Hy sinh mất mát trong chiến tranh là điều hiển nhiên, cũng là một điều cấm kỵ trong giới làm nghệ thuật lúc bấy giờ.
Ấy vậy mà qua “Tây Tiến”, lý tưởng quên mình đó không còn sự bi lụy, thê lương. Sự hi sinh bất tử ấy đã được khắc họa một
cách rõ nét qua bốn câu thơ còn lại:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành
Tây Tiến dù nói về chuyện chết chóc, hy sinh,... nhưng toàn bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng hoàn toàn không hề sử dụng
một từ “chết” hay “hi sinh”, “tử trận” nào cả. Nghĩa đen của cái chết được nhòe đi trong những cụm từ đồng nghĩa và gần
nghĩa với cái chết để thể hiện lý tưởng “xem cái chết nhẹ tựa lông hồng” của một thế hệ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”,
nào là “bỏ quên đời”, “mồ viễn xứ”, “chẳng tiếc đời xanh”, “anh về đất”, “hồn về Sầm Nứa”... Những từ này rất phổ biến trong
ngôn ngữ người Việt khi nói về cái chết đã được Quang Dũng tận dụng một cách hiệu quả nhằm làm “nhẹ” đi cái chết giữa trận
tiền.” Quả thật Tây Tiến là “một “lệch chuẩn” tài hoa và độc đáo”. “Những nấm mồ chiến sĩ rãi rác nơi rừng hoang biên giới
lạnh lẽo, xa xôi, một mặt đã được giảm nhẹ đi nhiều nhờ những từ Hán Việt cổ kính, trang trọng... mặt khác, chính cái bị
thương ấy cũng lại bị mờ đi trước lý tưởng quên mình, xả thân vì Tổ quốc...”. Trong khi vẻ đẹp của người chiến sĩ thì “mang
dáng dấp của những người tráng sĩ thuở xưa, coi cái chết nhẹ như lông hồng”.
Ba lần Quang Dũng nhắc tới sự hy sinh, nhưng lần nào cũng là hình ảnh ẩn dụ để tránh đi từ “chết”. Dường như khi
người lính Tây Tiến ngã xuống chỉ là khi anh tạm nghỉ chân trước cuộc đời. Cái chết không đồng nghĩa với ngừng chiến đấu vì
tâm hồn, vì ước nguyện của anh sè mãi trường tồn với thời gian. Anh ngã xuống nhưng vẫn kịp trao ngọn lửa tuổi trẻ cho
những đồng đội tiếp tục con đường cách mạng vinh quang. Sự hy sinh của các anh làm người đọc không khỏi nghẹn ngào: “Rải
rác biên cương mồ viền xứ”. Chữ “rải rác” được đảo lên đầu câu, nhấn mạnh cho sự quạnh quẽ, lạnh lẽo, hoang vắng. Người
đọc thấy xót xa thay cho những người con chiến đấu vi Tổ quốc mà phải gửi xác nơi xứ người...
Hình ảnh hoán dụ “đời xanh” đã gợi ra sự quên mình vì tổ quốc của người lính ở độ tuổi đẹp nhất họ cống hiến sức
người thanh xuân của mình cho sự nghiệp của Tổ quốc. Qua nó, ta còn có thể liên tưởng về ý thơ Nguyễn Đình Thi: “Người ra
đi đầu không ngoảnh lại”. Câu thơ giống như một cái hất đầu ngạo nghễ, bất chấp khó khăn, bỏ mặc sự chết chóc cận kề,
những người lính Tây Tiến vẫn kiên định trong ý chí, ngạo nghễ trong phí phách. Đó là tư chất người anh hùng không gì thay
thế được!

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình


Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Đoạn thơ khép lại bằng sự hi sinh cao cả:

Áo bào thay chiếu anh về đất


Sông Mã gầm lên khúc độc hành.
Người chiến sĩ ngã xuống nơi xứ lạ heo hút, không một nén nhang, không quan tài và ngay đến cả manh chiếu bó thân cũng
không có. Họ ra đi với những kỉ vật đã gắn bó với mình suốt dọc đường hành quân, với tấm áo bạc màu đã cùng họ dầm sương
dãi nắng. Những con người ấy khi sống đã phải chịu vô vàng gian khổ, lúc mất đi vẫn trong cảnh cực kỳ thiếu thốn. Nhưng
Quang Dũng nói đến sự thiếu thốn mà không để lại cho ta ấn tượng nhiều về sự thiếu thốn khi tác giả nói “ áo bào” rồi “ anh
về đất”. Manh áo của người lính không được diễn tả thuần hiện thực như Chính Hữu, mà với bút pháp lãng mạn Quang Dũng
đã nâng tấm áo mang đầy mưa nắng ấy thầy “ áo bào”. Hình ảnh “ áo bào” gợi cho ta nhớ những câu thơ cổ đến “ bức chiến
bào”. Sự thiến thốn nhòa đi nhường chỗ nhiều hơn cho không khí trang trọng cổ xưa, sự hy sinh của người lính Tây Tiến đã
gặp sự hy sinh của bao tráng sĩ thuở nào. Chính vì vậy, có gì gợi tới “ Cái chết nhẹ tựa long hồng”. Đặc biệt với ba chữ “ anh về
đất”, tác giả đã hình tượng hóa cái chết như sự trở về với đất mẹ như đứa con trở về lòng mẹ sau bao năm xa cách. Nhờ thế,
dù lần thứ hai liên tiếp trong bốn câu thơ, tác giả đã nói đến sự hy sinh mà vẫn không để lại ấn tượng nặng nề về tổn thất,
những ấn tượng có thể bóp chết ý chí chiến đấu.
Mất mát càng tăng lên bao nhiêu thì sự hùng tráng của khổ thơ cũng tăng lên bấy nhiêu. Đến tiếng gầm của dòng
sông Mã thì bản hùng ca bi tráng khép lại trong những âm thanh cao nhất, dữ dội nhất mà cũng âm vang nhất. Thiếu những
nghi thức về vật chất, Quang Dũng đã bù lại bắng những nghi thức về tinh thần. Niềm đau của lòng người đã lan tỏa ra thấm
đẫm vào sông núi, trời đất. Cảm giác mất mát nào phải chỉ có trong lòng những người đồng đội mà còn có trong cả lòng sông
Mã, con sông đã cùng Tây Tiến đi suốt dọc dài đường hành quân, con sông bỗng cảm thấy mình lẻ bạn. Nhưng sông Mã không
than thở không rên xiết mà nó gầm lên với tất cả sức mạnh của núi rừng linh thiêng. Nội lực câu thơ dồn vào chữ “ gầm”. Tiếng
gầm ấy là khúc ai điếu dữ dội của núi rừng, của đất nước tưởng niệm những người lính ngã xuống. Và như thế, Quang Dũng
với tất cả hiệu lực của ngòi bút lãng mạn tô đậm cái phi thường đã nâng sự hy sinh của người lính Tây Tiến lên ngang tầm non
sông như một sự an ủi cho hương hồn những người liệt sĩ. Ta bắt gặp ở đây chút không khí của sử thi, cái thời mà oai linh rừng
núi cũng tấu lên khúc trường ca dữ dội trước cái chết của những người anh hùng:

Người lính hi sinh đất hồi sinh


Mẫu người hóa ngọc lung linh giữa đời

Thơ Quang Dũng nói chung và bài thơ Tây Tiến nói riêng là một thứ ánh sáng biên giới. Biên giới giữa thực và mộng
giữa cái chung và cái riêng, kỷ niệm và ước mơ, giữa cảm hứng và kỹ thuật. Sự giao thoa ấy tạo cho ông một thế giới riêng, vừa
lung linh vừa rắn rỏi, thướt tha mà tha thiết. Với hình ảnh thơ trang trọng, từ Hán Việt xuất hiện dày, lối so sánh gợi cảm, nhịp
điệu chậm rãi, giọng thơ trầm hùng, bi tráng, hơi thơ rắn rỏi, gân guốc để tạo nên một âm điệu thành kính, thiêng liêng thể
hiện được tình cảm tôn vinh, ngưỡng mộ của tác giả dành cho đồng đội của mình. Cả đoạn thơ đã khắc họa thành công hình
tượng người lính Tây Tiến trong sự hòa hợp tự nhiên của vẻ đẹp hào hùng đầy ý chí, nghị lực và quyết tâm bởi mang trong
mình lý tưởng yêu nước cao đẹp và vẻ đẹp rất đỗi hào hoa trong những cảm xúc nhớ thương khát khao hạnh phúc và tình yêu.
Họ là những hình ảnh tiêu biểu cho vẻ đẹp của một thế hệ kết tinh từ vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam
trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp.
Quang Dũng từng đôi lời chia sẻ:” Tôi làm thơ này rất nhanh, làm xong, đọc trước đại hội được mọi người hoan
nghênh nhiệt liệt. Hồi đó, tấm lòng và cảm xúc của mình ra sao thì viết vậy. Tôi chả chút lí luận gì về thơ cả”. Phải chăng một
lần nào đó, bước chân vào tiệm nhảy, người bỏ quên dụng ý làm thơ ngoài cửa, và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay?
Với khách yêu thơ, Quang Dũng đã đến giữa lòng cuộc đời, dịu dàng như một nét hoài nghi, rồi ông lại đi nhẹ nhàng như một
thoáng mơ phai. Trên những âm thanh và cuồng nộ của nhân gian ông đến ông đi gần xa trên gót sen vàng lãng đãng, hiện
thực như khói mây mà lại mờ ảo như một kỷ niệm. Có một Quang Dũng thịt xương vừa rời khỏi tầm mắt chúng ta và một
Quang Dũng khói sương, ghé lại đời ta từ một buổi chiều nào và sẽ còn chờn vờn mãi trong tâm tưởng chúng ta.
Đoạn thơ nói riêng và cả bài thơ nói chung: lời thơ giản dị, ý thơ hào hùng, diễn đạt súc động, đã khắc họa hình ảnh
một thế hệ Việt Nam anh hùng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc! Hào hùng, bi tráng chưa phải là tất cả. Giữa những nét vẽ gồ ghề
của những cuộc chiến không khoan nhượng, ta vẫn thấy được nét dịu dàng lướt qua cả bài thơ, làm người đọc cảm thấy dịu
lòng hơn: đó chính là nét vẽ về vẻ đẹp của tình đồng chí, đồng đội, coi nhau như anh em ruột rà, sống chết không bỏ;hay là
những nỗi nhớ mong thầm kín, là câu chuyện tình yêu dang dở của những người chiến sĩ,...Là một nhà văn thời chiến, là một
“thư kí trung thành của thời đại”, chẳng có gì ngạc nhiên khi những dòng thơ của Quang Dũng lại lấp lánh những dòng ngợi ca
như thế: ngợi ca sức vóc và ý chí của cả một dân tộc quật cường, ngợi ca sự anh dũng của từng con người, từng gương mặt
của đất nước, ngợi ca cả sự hy sinh, mất mát, đau thương mà mỗi người đã phải chấp nhận, phải trả để “tổ quốc rũ bùn đứng
lên”. Giữa những năm tháng khói lửa khi tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau, thì giữa những năm tháng đẹp đẽ này, khi hoa
thơm mọc khắp nẻo đường, muôn chim cất tiếng hót réo vui, chúng ta cũng sẽ biết sống xa nhau, sống vì nhau, sống cho
nhau...

You might also like