You are on page 1of 5

Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên vừa chân thực, vừa hào hùng.

Nếu ở hai đoạn thơ trước, thiên nhiên là nhân vật chính thì ở khổ ba, con
người vượt lên để làm điểm nhấn, chất xúc tác cảm xúc cho bài thơ đến
cao trào.
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá giữ oai hùm"
Hai câu thơ đầu mở ra, giữa cái mỹ lệ nên thơ của núi rừng, vẻ đẹp của
người lính cụ Hồ hiện lên thật bi tráng. Không phải những đoàn quân
với những người lính khỏe mạnh, trên đầu mang một màu tóc xanh của
tuổi trẻ, đoàn quân của Quang Dũng hiện lên thật kì dị lạ thường. Cả
một đoàn quân tuổi đời còn trẻ măng nhưng ai cũng "không mọc tóc". Vì
đâu mà cả một đoàn binh lớn nhường ấy lại có điều dị thường đến vậy?
Phải chăng đây là kết quả của những cơn đói, cơn khát, của những trận
sốt rét khủng khiếp đã biến những người lính trẻ tuổi thành cả một "đoàn
binh không mọc tóc" như vậy? Ngoại hình tiều tụy, ốm yếu, đầu trọc, da
xanh đã gợi lên trong lòng chúng ta biết bao sự bi thương. Hình ảnh ấy
tuy có gân guốc thế nhưng đó lại là cái hiện thực - một hiện thực thật
trần trụi. Các chiến sĩ Tây Tiến ngày đó phải hoạt động trong rừng núi
phía Tây Bắc của Tổ quốc, nơi rừng thiêng nước độc, nơi ấy có những
trận sốt rét đến kinh người, và cả những ngày hành quân đói rét vất vả
nữa. Chúng ta cũng từng bắt gặp hình ảnh người lính với những trận sốt
rét mà vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thơ của Chính
Hữu:
"Tôi với anh biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi"
Người lính Tây Tiến vẫn mang thêm chút đặc biệt hơn ở một phần nào
đó. Phải chăng là những mái tóc còn xanh chẳng còn nữa, những người
lính trở thành cả "đoàn binh không mọc tóc"? Đoàn quân đang trải qua
những gian khổ, khó khăn, cản bước những bước tiến hành quân của họ
Nhưng nếu như ở câu trước hình tượng những người lính hiện lên thật
trần trụi, bi thương thì ngay ở câu thơ sau, người ta lại thấy Quang Dũng
thể hiện hình ảnh những người lĩnh thật oai phong:
"Quân xanh màu lá giữ oai hùm"
"Quân xanh" ở đây phải chăng là những tán lá ngụy trang, là màu áo
xanh người lính hay chính là làn da xanh tái vì bệnh tật và đói rét của
những chiến sĩ giải phóng quân. Một hình ảnh hiện thực trần trụi được
Quang Dũng đưa trực tiếp vào trong thơ. Chẳng hề có một sự phóng đại
hay cách điệu nào hết. Đó là hiện thực, là thực tại của những người lính
đoàn quân Tây Tiến. Hình ảnh “Quân xanh màu lá” với nghệ thuật đối
lập “Không mọc tóc”, “ quân xanh” – dữ oai hùm” gợi lên dáng vẻ xanh
xao tiều tuỵ vì căn bệnh sốt rét . Dù là nơi rừng thiêng nước độc, nhưng
những người anh hùng giải phóng quân vẫn giữ được tư thế hiên ngang,
bất khuất, toát lên vẻ oai hùng như chúa sơn lâm.
Hai câu đầu, hình tượng người lính của đoàn quân Tây Tiến hiện lên thật
sống động biết bao. Đoàn quân ấy đang đi giữa rừng xanh, đi giữa
những núi rừng âm u hiểm trở và gặp biết bao gian lao, vất vả, bệnh tật
đói rét. Thế nhưng, các anh dù có thế nào vẫn giữ được một tư thế hiên
ngang, "oai hùm" giữa chốn rừng thiêng. Có thể nói, Quang Dũng đã
đưa vào đây chất liệu hiện thực - một hiện thực trần trụi và gửi vào đó
một chút lãng mạn của thi ca.
Bước sang những câu thơ tiếp theo, người ta thấy hiện lên là vẻ đẹp tâm
hồn của những chiến sĩ ấy. Một vẻ đẹp tâm hồn mơ mộng, tràn trề sức
xuân:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Tây Tiến là đoàn binh với thành phần chủ yếu là những người con đất
Hà Thành, là những học sinh, sinh viên đang còn tuổi chứa chan xuân
xanh tươi đẹp, thế nên ẩn sau ngoại hình xanh xao ấy là cả một bầu trời
tâm hồn lãng mạn. Những người lính ấy đến với biên cương bằng sức
trẻ, bằng hoài bão, bằng khát vọng hòa bình. Họ nghe theo tiếng gọi của
Tổ quốc mà lên đường tìm lại độc lập cho dân tộc bởi giặc ngoại xâm đã
giày xéo quê hương đến tiêu điều. Vậy nên, "mắt trừng" kia phải chăng
chính là đôi mắt đang mở to, dõi theo kẻ thù, quyết tâm thề sống chết
với kẻ ngoại bang xâm lược? Đôi mắt trừng ấy cũng là sự căm hận quân
thù, sục sôi ý chí chiến đấu. Không chỉ vậy toát lên ý chí chiến đấu, đôi
mắt ấy còn "gửi mộng qua biên giới" đến với những nơi xa xôi, đến với
Hà Nội thân yêu - nơi có người thân, gia đình của những chàng trai Tây
Tiến. "Mộng biên giới" - chính là giấc mộng hòa bình, giấc mộng được
chiến thắng trở về với quê hương, với gia đình, với người thương của
mình. Và đôi mắt ấy cũng không chỉ ánh lên khát vọng mà còn ánh lên
cả cái tình, cái cảm xúc yêu thương trong đó nữa.
"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Đôi mắt ấy thao thức trong canh thâu, nhớ về một Hà Nội cổ kính, với
phố phường, với gia đình với cả "một dáng kiều thơm" trong trí nhớ. Là
những người trí thức buông bỏ bút mực nghiên, vác lên vai cây súng bảo
vệ quê hương, thế nên những người lính Tây Tiến luôn giữ trong mình
cái vẻ hào hoa, lãng mạn của người trí thức ấy. Họ không như những
anh lính mộc mạc trong thơ Chính Hữu:
"Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá"
Chính "dáng kiều thơm" ấy là động lực để thôi thúc các anh hoàn thành
nhiệm vụ cao cả của mình. Đồng thời nó cũng là niềm khao khát của
những người lính biên cương.
Sau mỗi chặng đường hành quân vất vả, phải chăng nỗi nhớ quê, nhớ
người thương lại là động lực mạnh mẽ, tiếp thêm sức lực cho các anh để
các anh bằng tuổi trẻ, bằng khát vọng của mình đem hòa bình lại cho
những "dáng kiều thơm" kia? Quang Dũng cũng thật tinh tế, bởi chỉ
bằng hai câu thơ ngắn mà vẻ đẹp tâm hồn người lính Tây Tiến hiện lên
thật hào hoa, thật lãng mạn biết chừng nào. Và bốn câu thơ đầu của khổ
thơ thứ ba, Quang Dũng đã làm hiện lên trước mắt người đọc thật rõ
ràng hình tượng người lính trong đoàn binh của mình. Những người lính
ấy vừa oai phong, vừa đẹp vẻ đẹp của khát vọng lại vừa tinh tế, lãng
mạn trong vẻ đẹp tâm hồn

Trong chiến tranh, biết bao người lính ra đi khi tuổi đời còn trẻ, với khát
vọng hòa bình, nhưng lại chẳng trở về. Người ta thường nói, chiến tranh
khốc liệt, làm sao tránh được hi sinh, mất mát:
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Hai từ “rải rác” thể hiện sự hi sinh của người lính Tây Tiến, không phải
chỉ một đồng chí hi sinh mà có nhiều, thậm chí là rất nhiều đồng đội đã
ngã xuống. Một dải đất biên cương dài bao nhiêu thì cũng tương đối bấy
nhiêu chiến sĩ Tây Tiến ngã mình xuống để đổi lấy sự bình yên, chủ
quyền cho vùng đất ấy nói riêng và cho tổ quốc nói chung. Họ mất đâu
có được chôn cất cùng nhau nên trên khắp biên cương những nấm mồ
trải dài rải khắp. Người lính Tây Tiến sống ở biên cương và cũng yên
nghỉ tại biên cương. Nhà thơ sử dụng hàng loạt các từ hán Việt như
“biên cương”, “mồ viễn xứ” để thể hiện sự trang trọng cái chết của
người lính Tây Tiến. Hiện thực những đồng đội của nhà thơ đã ngã
xuống, khi họ còn sống họ cũng đã xác định rõ:
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Một vẻ đẹp bi tráng đến thật lãng mạn! "Đời xanh" tức là tuổi thanh
xuân của các anh, là tuổi trẻ với bao khát vọng. Thế nhưng, vâng lời kêu
gọi của Tổ quốc ra chiến trường diệt quân thù, các anh quyết chí, đồng
lòng ra đi, "chẳng tiếc" bất cứ điều gì cả. "Chẳng tiếc" - từ ấy vang lên
như một câu trả lời dứt khoát cho tiếng gọi của Tổ quốc vừa ngạo nghễ
vừa bình thản. Họ đã coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, trong tim họ, chỉ có
khát vọng hòa bình là đang cháy bỏng. Đau thương nhưng lại chẳng hề
bi lụy trước số phận của cuộc đời.
Vẫn trong âm hưởng hào hùng, trầm lắng đó, Quang Dũng lại kể tiếp về
khát vọng được cống hiến của Tổ quốc của những người lính đoàn quân
Tây Tiền:
"Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Những người trí thức Hà thành lên đường hành quân vì tấm lòng yêu
nước, căm thù giặc sâu sắc họ xác định lí tưởng vì nước quên thân.
“Chiến trường” là nơi bom rơi đạn nổ, là nơi biết bao nhiêu người ngã
xuống máu thấm đất, tim hướng về cách mạng, nhân dân. Cũng chính
nơi chiến trường ấy, tất cả những thanh niên lên đường để quyết tâm bảo
vệ cho tổ quốc. Họ không tiếc tuổi trẻ, tình yêu, họ hi sinh hạnh phúc cá
nhân để đổi lấy hạnh phúc của toàn dân tộc. Giống như Nguyễn Đình
Thi đã viết: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”
Đối với người linh tây Tiến nói riêng và người lính cụ Hồ nói chung,
tình yêu tuổi trẻ đều là những thứ tươi đẹp thế nhưng trái tim kia hướng
đến nhân dân, đến đất nước nhiều hơn cũng chỉ để đổi lấy những tình
yêu khác, những tuổi trẻ khác của thế hệ sau này. Đây là một lí tưởng
cao cả Thế nhưng, ở đây, Quang Dũng đã mỹ lệ hóa thành "áo bào".
Tấm áo bào trước đây chỉ dành cho vua chúa quý tộc thì nay được khoác
lên người những người lính chiến Tấm áo ấy như lời vinh danh dành cho
người lính vô danh đã ngã xuống, trở về với đất mẹ thân yêu.Sự hi sinh
được thi vị hóa qua hình ảnh “áo bào”. Những người lính ngã xuống đều
được quấn bởi một tấm chiếu nhưng ở đây tấm chiếu ấy như một chiếc
áo bào để tặng cho những người lính đã xả thân vì đất nước. Chưa bao
giờ một mảnh chiếu lại đóng vai trò lớn đến thế. Nhà thơ không nói
người lính hi sinh hay người lính mất đi mà nói “về đất”. Có thể nói đây
là sự bất tử của những người lính Tây Tiến, họ không chết đi chỉ là họ về
với cát bụi để tô thắm quê hương. Những người lính hy sinh ngã xuống,
trở thành những nấm mồ vô danh viễn xứ, nhưng sự hy sinh ấy không vô
ích bởi nó góp phần tạo nên hòa bình cho đất nước, làm nên vinh quang
cho lịch sử nước nhà. Với những người lính Tây Tiến, con sông Mã là
con sông lịch sử. Bởi nó là chứng nhân của thời gian, là người bạn đồng
hành của những người lính. Và giờ đây, khi họ ngã xuống, nó "gầm" lên
khúc tráng ca tiễn biệt người đồng đội của mình. Tiếng gầm ấy như khúc
nhạc tấu độc hành dành cho người lính để họ đi vào cõi bất tử.
Hai câu cuối, Quang Dũng liên tiếp sử dụng các từ ngữ Hán Việt. Nó
vừa tạo nên không khí trang trọng, hào hùng, tôn nghiêm khi nói về sự
hy sinh của những người lính, vừa tạo nên được vẻ đẹp bi tráng,lãng
mạn, lẫm liệt của những người anh hùng xưa. Có thể nói, hai câu thơ
cuối đã mỹ lệ hóa cái chết của những chàng trai trẻ, thế nhưng sự mỹ lệ
ấy hoàn toàn vừa đủ để tôn lên sự hy sinh cao cả của các chàng trai tuổi
mười tám ấy.

You might also like