You are on page 1of 7

 Mở bài:

Trong trường kì lịch sử, có những năm tháng không thể nào quên. Tuy bụi thời gian sẽ
dần phủ dày lên những bức ảnh các chiến sĩ vô danh, nhưng vẫn có những tác phẩm ghi
lại dấu ấn cả một thời làm người ta rung động, say mê. Như cách nhà nghiên cứu văn học
Nguyễn Bao đã từng suy nghĩ: “Sinh mệnh của thơ văn lớn hơn nhiều lần tên tuổi của
người tạo ra chính nó.” Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng là một trong những tác
phẩm như vậy.
- Khổ 1: Đặc biệt là khổ đầu đã tái hiện xuất sắc cảnh hành quân gian khổ trên nền
thiên nhiên khốc liệt, dữ dội của đoàn binh.
- Khổ 3: Đặc biệt là vẻ đẹp bi tráng của người lính Tây Tiến được tái hiện xuất sắc
trong khổ 3.

 Tổng:
Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc, nhưng người ta
biết đến ông trước hết là một nhà thơ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và
tài hoa. Bài thơ Tây Tiến được khơi nguồn từ một nỗi nhớ. Đó là một kỉ niệm về binh
đoàn Tây Tiến mà ông từng có một khoảng thời gian gắn bó. Tác phẩm được viết năm
1948 khi Quang Dũng đã rời xa đơn vị Tây Tiến chưa lây, chuyển công tác sang một đơn
vị khác. Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập đầu năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp
với bộ đội Lào. Địa bàn đóng quân khá rộng, các chiến sĩ phần đông là thanh niên Hà
Nội. Chỉ với hai từ Tây Tiến cũng đã đủ để gợi dậy nỗi nhớ, cũng chính là cảm hứng chủ
đạo của bài thơ.

 Thân bài:
- Khổ 1:
Mở đầu bài thơ, thi sĩ đã diễn tả một nỗi nhớ “chơi vơi” , nỗi nhớ mênh mông, lan tỏa
khắp không gian và thời gian.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”
Một tiếng gọi “Tây Tiến ơi!” chân thành, tha thiết được cất lên từ sâu thẳm trong trái tim
của nhà thơ. Bằng thủ pháp nhân hóa và câu cảm thán, câu thơ như một bức tranh xinh
đẹp diệu kì. “Sông Mã” là con sông miền Tây của tỉnh Thanh Hóa, nó không chỉ đơn
thuần là một con sông, mà như một chứng nhân lịch sử, là nơi những người lính đã từng
chiến đấu, hành quân thời chiến. Nhắc về “sông Mã”, cũng chính là gợi lại một không
gian miền Tây hoang vu, dữ dội, khốc liệt của bom bay đạn lạc. Tuy là thế, nhưng nó đã
”xa rồi”, giọng điệu thốt lên chứa đựng đầy sự buồn thương, tiếc nuối vô bờ. Với người
khác, Tây Tiến chỉ là tên một đơn vị quân đội, là “vật chứa đựng”. Nhưng với tác giả, đây
là “vật bị chứa”, là kí ức của một thời tuổi trẻ hào hùng, là gương mặt thân quen của
những đồng chí cùng sánh vai hành quân, là một thời chinh chiến cùng họ. Tác giả “nhớ”
đến hai lần, điệp từ này như diễn tả cho nỗi nhớ cồn cào, gay gắt đang dồn dập trong tâm
trí của ông. Mà nỗi nhớ ấy còn “chơi vơi”, tức khó định hình, khó năm bắt, vì nó là nỗi
nhớ mênh mông rộng lớn. Hai thanh bằng từ từ lan tỏa vào không gian mênh mông khiến
nỗi nhớ như ứa tràn. Để diễn tả nỗi nhớ da diết, mênh mông, tác giả dân gian cũng đã rất
thành công khi sử dụng từ “chơi vơi” trong ca dao của mình:
“Ra về nhớ bạn chơi vơi
Nhớ chiếu bạn trải, nhớ nơi bạn nằm.”

Trong bài thơi của mình, Quang Dũng đã sử dụng rất nhiều địa danh gợi lên không gian
hành quân rộng lớn, xa xối của những “tráng sĩ Tây Tiến”.
“Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.”
Người cầm bút tài ba này đã liệt kê hàng loạt các đại danh như Sài Khao, Mường Lát,
Pha Luông, Mường Hịch,..- địa bàn hoạt động của đoàn binh Tây Tiến, đó là những vùng
đất đầy cách trở, hoang vắng, xa xôi, khí hậu khắc nghiệt. “Những nhà thơ tài năng luôn
biết biến những địa danh với nghĩa “chốn ở” thành giá trị cảm xúc và thẩm mỹ.” Tố Hữu
cũng đã từng liệt kê rất nhiều địa danh trong bài thơ “Việt Bắc” để diễn tả niềm hân hoan,
niềm vui chiến thắng của đất nước. Đồng thời, Quang Dũng cũng đã rất tài tình khi đưa
hình ảnh “sương” vào để khắc họa rõ những đêm dài lạnh giá nơi núi rừng Tây Bắc.
Cũng miêu tả về “sương”, Chế Lan Viên đã từng viết trong “Tiếng hát con tàu”
“Nhớ bản sương giăng, nhớ đèo mây phủ
Nơi nao qua lòng lại chẳng yêu thương
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

Tài năng của Quang Dũng không chỉ thể hiện ở việc chọn địa danh mà còn ở việc lựa
chọn những từ ngữ đặc sắc. Trong đoạn thơ này, ông đã sử dùng nhiều từ láy kết hợp với
vần “trắc” để tạo cảm giác về địa hình cheo leo, hiểm trở.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”
Bằng những từ “dốc”, “mỏi”, “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút” đều là vần trắc, nhà
thơ đã gợi lại địa hình hiểm trở, cheo leo, đầy những sự nguy hiểm rình rập xung quanh.
Cùng với cách ngắt nhịp 4/3 càng khắc họa rõ nỗi vất vả khi “ngàn thước lên cao” lại tiếp
“ngàn thước xuống.” Núi rừng Tây Bắc đẹp hùng vĩ mà dữ dội, một vùng đất hiểm trở,
khí hậu vô cùng khắc nghiệt.

Trong hành quân và chiến đấu, người lính thường trực và đối diện với sự hiểm nguy và
cái chết đến từ tự nhiên:
“ Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm Đêm Mường Hịch cọp trêu người.”
Người ta hay nói đến rừng thiêng nước độc, lam sơn chướng khí. Với núi rừng Tây Bắc,
cứ mỗi buổi chiều tà lại nghe tiếng thác gầm thét đổ xuống từ trên cao và cứ mỗi đêm sâu
lại nghe tiếng cọp gầm. Những từ láy “chiều chiều”, “đêm đêm” ý chỉ thời gian kéo dài
khiến sức người cạn kiệt, đầy căng thẳng và mệt mỏi. Phẩm chất anh hùng của người lính
đã được thể hiện: đó là sự dấn thân vào nơi nguy hiểm, dữ dội; núi tiếp núi, đèo nối đèo,
vự sâu thăm thẳm, màn sương giăng dày, núi rừng âm u, hoang vắng,.. Sự hoang vu,
hiểm trở đã trở thành thước đo nghị lực, phẩm chất của người lính Tây Tiến. Bởi, núi
càng cao, vực càng sâu thì hình ảnh của người lính Tây Tiến hiện lên càng đẹp.

Trong khó khăn, gian khổ đó thì sự mất mát, hi sinh là không tránh khỏi
“Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.”
Hai chữ “dãi dầu” đã lột tả được hết sự khốc liệt của cuộc chiến đấu. Đó là những sự vất
vả kéo dài triền miên, vắt kiệt, bào mòn sức lực của người lính. Đói rét, thiếu thốn, bệnh
tật nhưng các anh vẫn không quay đầu, vẫn gan góc, quả quyết, oai hùng. “Bỏ quên đời”
liệu là sự nghỉ ngơi dọc đường của người lính hay phải chăng, lại chính là đang miêu tả
việc các anh không thể bước tiếp được nữa? Cũng như cách mà Quang Dũng đã viết
trong khổ 3 của bài thơ:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.”
Câu thơ này vô cùng phù hợp với khí chất bi tráng của cuộc đời của các tráng sĩ Tây
Tiến: tuy chết rồi nhưng vẫn ngang tàng, khí phách. Các anh xem cái chết như điều hiển
nhiên, họ dấn thân mình vào cuộc chiến với tất cả men say của những người khao khát tự
do, độc lập.
Những nỗi nhớ rất giàu cảm xúc, rất đời của người lính được thể hiện rất rõ:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Chiến binh Tây Tiến hào hùng mà cũng rất đỗi hào hoa, rất nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên
nhiên và sự đằm thắm tình người. Hai câu thơ không có cảnh thiên nhiên miền Tây, chỉ
có cảnh sinh hoạt đời sống thường ngày. Sau những câu thơ rất dữ dội và gân guốc là một
cảm xúc thơ đằm thắm, thiết tha. Câu cảm thán gợi nỗi bâng khuâng khi hồi tưởng lại
những kỉ niệm ấm áp: lúc đoàn binh dừng lại sau một đoạn đường hành quân vất vả, lều
trại được dựng lên ở một bản làng, một bếp lửa ánh đỏ hồng, một nồi xôi hương bay ngào
ngạt, khói bếp khói cơm bay lên hòa quyện vào khói lam chiều. Đồng đội lại quây quần
bên nhau, quên đi bao vất vả, gian khổ. Chiến tranh lùi lại vào một góc khuất nào đó
nhường chỗ cho một cảnh sinh hoạt tươi vui.
- Khổ 3:
Quang Dũng đặc biệt quan tâm đến ý tưởng dựng lên một tượng đài của những người lính
với một đời sống tnfh cảm hết sức phong phú, những tình cảm lớn lao như tình quân dân.
Với hai câu đầu của đoạn thơ, ông đã khắc họa bức chân dung người lính với vẻ ngoài có
phần gân guốc, dữ dội, hình ảnh người lính dù ở trong gian khổ những vẫn luôn ngang
tàn, rắn rỏi.
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.”
Nếu như ở những đoạn thơ trước đó người lính hiện ra trong “Sài Khao sương lấp đoàn
quân mỏi” hay trong khung cảnh hết sức lãng mạn trong đêm liên hoan, đêm lửa trại
thắm tình các nước thì ở đây là hình ảnh đoàn binh không mọc tóc da xanh như lá rừng.
Cảm hứng chân thực của Quang Dũng đã không né tránh việc mô tả cuộc sống gian khổ
mà người lính phải chịu đựng. Những cơn sốt rét rừng làm tóc họ không thể mọc. Cũng
vì sốt rét rừng mà da họ xanh như lá cây (chứ không phải họ xanh màu lá nguỵ trang), vẻ
ngoài dường như rất tiều tuỵ. Nhưng thế giới tinh thần của người lính lại cho thấy họ
chính là những người chiến binh anh hùng, họ còn chứa đựng cả một sức mạnh áp đảo
quân thù. Chính Hữu cũng đã từng viết về những vất vả của người lính khi trải qua bao
bệnh tật trong rừng sâu:
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lanh
Sốt run người, vừng trán ướt mồ hôi.”
Tuy thi sĩ miêu tả những người lính với những nét khắc khổ, tiều tụy, nhưng vẫn gợi ra
âm hưởng rất hào hùng của cuộc sống. Như cái cách người ta gọi, có “bi” mà không lụy,
“bi” mà vẫn hùng tráng. Những người lính ấy chỉ “ốm” chứ không bao giờ “yếu”. Hai
chữ “đoàn binh” với âm Hán Việt đã gợi ra một khí thế hết sức nghiêm trang, hùng dũng.
Cùng với giọng điệu ngang tàn, chủ động “không mọc tóc” khiến ta nghe tựa như họ
chẳng cần mọc thứ đó vậy. Quân dù “xanh màu lá” nhưng vẫn “dữ oai hùm”, thủ pháp
tương phản mà ông sử dụng không chỉ làm nổi bật lên sức mạnh tinh thần của người lính
mà còn thấm sâu màu sắc văn hóa của dân tộc. Phạm Ngũ Lão cũng đã từng ca ngợi
người anh hùng vệ quốc trong câu thơ:
“Tâm quân tì hổ khí thôn ngu
Ba quân mạnh nuốt trôi trâu.”
(Thuật Hoài- Phạm Ngũ Lão)

“Tráng sĩ Tây Tiến” dù mạnh mẽ, rắn rỏi trong chiến đấu, nhưng cũng hết sức lãng mạn,
say mê trong những giây phút thơ mộng. Ở đây có sự kết hợp nhuần nhuyễn giũa tư chất
của một người anh hùng và phong cách của một trí thức lãng mạn:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.”
Bao nhiêu yêu thương, nhớ mong, mộng ước của họ được gửi gắm, dồn tụ ở hình ảnh
“mắt trừng”. Đó là hình ảnh rắn rỏi, mạnh mẽ của người chiến binh đang tập trung khi
canh gác, hay khi đang đối diện với kẻ thù. Tuy là thế, nhưng sau những vất vả, những
người lính vẫn muốn thông qua những mộng đẹp, những khát vọng diệt thù để nhớ mong
một chút đến “dáng kiều thơm”. Liệu “dáng kiều thơm” đó phải chăng là Hà Nội, hay
“dáng kiều thơm” của các anh lính đang ở Hà Nội? Có lẽ, đó không phải là một bóng
hình dáng rõ ràng cụ thể nào, cũng không chỉ bó hẹp trong tình yêu đôi lứa, niềm nhớ
thương dâng trào của người lính, hay nói chính xác hơn đó là một vẻ đẹp của tấm lòng
luôn hướng về Tổ quốc, luôn hướng về Thủ đô. Người lính dẫu cho dù có ở nơi biên
cương hay viễn xứ xa xôi nào đi chăng nữa thì lòng vẫn luôn hướng về Hà Nội, dẫu có
“mắt trừng gửi mộng qua biên giới” nhưng niềm nhớ thương vẫn luôn hướng về “dáng
kiều thơm”. Nhưng cũng có lúc sóng gió đã đến với bài thơ của Quang Dũng. Những câu
thơ này trong kháng chiến một thời từng bị phê phán là mang tư tưởng trí thức tiểu tư sản
“một kiểu”, “buồn rớt”, “mộng rớt” và cần phải loại bỏ trong đời sống văn học kháng
chiến. Người ta sợ những mộng, những mơ kia sẽ làm gục ngã tinh thần người lính. Tuy
nhiên, người ra vẫn thường nói “Thơ hay như cô gái đẹp đi đâu cũng lấy được chồng”.
Bài thơ Tây Tiến có được vị trí xứng đáng trong văn học dân tộc, được mọi người yêu
mến cũng bởi vì vẻ đẹp riêng này. Nguyễn Đình Thi cũng từng nói về nỗi nhớ của người
lính trong bài thơ Đất nước:
“Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”
Vẻ đẹp của người lính còn thể hiện ở lí tưởng, sự dấn thân, chủ động, sẵn sàng hi sinh vì
độc lập dân tộc:
“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.”
Quang Dũng và những người đồng đội của ông, những người trai đất Hà Thành trẻ tuổi,
họ là những người trong lứa tuổi thanh xuân, họ đã dấn thân mình vào cuộc chiến với tất
cả men say của những khát khao tự do, độc lập, với lí tưởng cao đẹp của một thời: sẵn
sàng dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc “Chiến trường đi chẳng
tiếc đời xanh”. Như Nguyễn Đình Thi cũng đã từng viết:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”
(Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Quang Dũng còn dũng cảm hơn khi đã đề cập đến những mất mát, đau thương trong
chiến tranh- điều mà ta không thể phủ nhận, che giấu nổi.
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ.
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Ngay chính trong cái chết, người lính Tây Tiến vẫn thể hiện, khẳng định được khí phách
anh hùng, tư thế ngạo nghễ của mình. Người ta có thể rùng mình ghê sợ trước cái lạnh
lẽo, hoang vu của những “mồ viễn xứ” nhưng không khỏi tự hào, kiêu hãnh trước sự hi
sinh bất khuất anh hùng của đoàn binh. Những từ Hán Việt “biên cương, chiến trường,
viễn xứ, độc hành” được sử dụng trang trọng giống như những nén tâm hương trước họ.
Họ là những người đã góp công cho Tổ quốc có ngày hôm nay, như họ là chết một cách
“rải rác”, “rải rác” là từ số nhiều, không theo hàng lối, từ đó gợi ra một không gian rộng
lớn nhưng thê lương. Hình ảnh đó lại càng khốc liệt hơn khi “Áo bào thay chiếu anh về
đất”. Ngày xưa, nhà vua vẫn thường tặng áo bào cho những chiến sĩ chiến thắng trở về,
nhưng đối với Tây Tiến thì làm gì có cái “áo bào” này. Dù là thế nhưng Quang Dũng vẫn
gọi những chiếc áo họ mang trên người với hai chữ kiêu hãnh là “áo bào”. Và có lẽ,
những chiếc “áo bào” ấy cũng là thứ dùng để thay cho “chiếu”, hình ảnh “chiếc chiếu”
đắp lên lúc khâm liệm và nhìn như chiếc áo bào. Những chiếc “áo bào” ấy cũng có thể là
những chiếc áo che mưa hồi xưa dùng thay cho áo khoác. Đó là một cách nói sang trọng
để an ủi người ra đi và cũng xoa dịu nỗi đau cho những người đưa tiễn. Cụm từ “anh về
đất” nói về cái chết nhưng lại bất tử hoá người lính, nói về cái bi thương nhưng lại bằng
hình ảnh tráng lệ. Xuất hiện hai lần trong bài thơ, sông Mã tựa như một chứng nhân lịch
sử luôn dõi theo bước đường hành quân của đòan binh. Sự ra đi của người lính Tây Tiến
là một hiện thực tất yếu phải diễn ra của chiến tranh và thiên nhiên đứng ở đó, chia sẻ và
hòa mình vào nỗi đau với con người. Sông Mã “gầm lên” thay lời xót xa về cái chết của
những người lính trẻ, những nấm mồ ở biên cương. Một “khúc độc hành” vang vọng theo
tiếng gầm như một khúc tráng ca tiễn đưa những đứa con ưu tú về với thế giới bên kia.
Sự hi sinh ấy diễn ra ngay trong vòng tay của đất mẹ, đó chính là sự hi sinh cao đẹp nhất.

 Kết
Bằng hồn thơ tinh tế, bút pháp tài hoa và lãng mạn, kết hợp với yếu tố nhạc và họa đầy
ấm áp trong tác phẩm, cùng sự kết hợp khéo léo giữa bút pháp tả thực và bút pháp lãng
mạn, Quang Dũng đã dựng lên bức chân dung tượng đài người lính cách mạng vừa chân
thật vừa có sức khái quát tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc ta trong thời kì toàn dân
đứng lên chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đặc biệt là ở khổ ba
(một), chính như một bức tượng đài được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng
chiến ấy. Bài thơ “Tây Tiến” là một bài thơ hay, hoặc nói theo cách của Vũ Quần
Phương: “Bài thơ “Tây Tiến đã không bị chết già trong sự cô đơn”. Bài thơ sẽ luôn sống
mãi với thời gian, mãi là một kí ức đẹp về một thời đã qua.

You might also like