You are on page 1of 6

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dư vang dư hình của nó thì vẫn luôn còn đó,

sống mãi bên đời. Người ta sẽ chẳng thể quên “có cái chết đã hóa thành bất tử” khi
gặp ở trang thơ Tố Hữu, càng không thể quên hình ảnh người chiến sĩ “đứng cạnh
bên nhau chờ giặc tới” đã in sâu trong thơ Chính Hữu. Tự bao giờ, người lính đã
trở thành những tượng đài bất tử như thế trong thơ? Đi qua gian khó, bước tới vinh
quang, những người lính Tây Tiến cũng trở thành những hình tượng “còn mãi”,
“sống mãi”, “đẹp mãi”. Ta gặp lại họ trong những vần thơ thấm đẫm cảm xúc mà
Quang Dũng gửi lại đoàn quân, cùng theo đó là bao nỗi nhớ
Hai câu thơ đầu nói lên nỗi nhớ, nhớ miền Tây, nhớ núi rừng, nhớ dòng sông Mã
thương yêu: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi. Đã “xa
rồi” nên nỗi nhớ không thể nào nguôi được, nhớ da diết đến quặn lòng, đó là nỗi
nhớ “chơi vơi”. Tiếng gọi “Tây Tiến ơi” vang lên tha thiết như tiếng gọi người
thân yêu. Từ “ơi!” bắt vần với từ láy “chơi vơi” tạo nên âm hưởng câu thơ sâu
lắng, bồi hồi, ngân dài, từ lòng người vọng vào thời gian năm tháng, lan rộng lan
xa trong không gian. Hai chữ “xa xôi” như một tiếng thở dài đầy thương nhớ, hô
ứng với điệp từ “nhớ” trong câu thơ thứ hai thể hiện một tâm tình đẹp của người
chiến binh Tây Tiến đối với dòng sông Mã và núi rừng miền Tây. Sau tiếng gọi ấy,
biết bao hoài niệm về một thời gian khổ hiện về trong tâm tưởng. Những câu thơ
tiếp theo nói về chặng đường hành quân đầy thử thách gian nan mà đoàn binh Tây
Tiến từng nếm trải. Các tên bản, tên mường: Sài Khao, Mường Lát, Pha Luông,
Mường Hịch, Mai Châu... được nhắc đến không chỉ gợi lên bao thương nhớ vơi
đầy mà còn để lại nhiều ấn tượng về sự xa xôi, heo hút, hoang dã, thâm sơn cùng
cốc... Nó gợi trí tò mò và háo hức của những chàng trai “Từ thuở mang gươm đi
giữ nước - Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”. Đoàn binh hành quân trong
sương mù giữa núi rừng trùng điệp: Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi, Mường
Lát hoa về trong đêm hơi. Bao núi cao, đèo cao, dốc thẳng dựng thành phía trước
mà các chiến sĩ Tây Tiến phải vượt qua. Dốc lên thì “khúc khuỷu” gập ghềnh , dốc
xuống thì “thăm thẳm” như dẫn đến vực sâu. Các từ “khúc khuỷu”, “thăm thẳm”,
“heo hút” đặc tả gian khổ, gian truân của nẻo đường hành quân chiến đấu: “Dốc
lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm - Heo hút cồn mây súng ngửi trời!”. Đỉnh núi mù
sương cao vút. Mũi súng của người chiến binh được nhân hóa tạo nên một hình
ảnh: “súng ngửi trời” giàu chất thơ, mang vẻ đẹp cảm hứng lãng mạn, cho ta nhiều
thi vị. Nó khẳng định chí khí và quyết tâm của người chiến sĩ chiếm lĩnh mọi tầm
cao mà đi tới "Khó khăn nào cũng vượt qua - Kẻ thù nào cũng đánh thắng!”. Thiên
nhiên núi đèo xuất hiện như để thử thách lòng người: “Ngàn thước lên cao, ngàn
thước xuống”. Hết lên lại xuống, xuống thấp lại lên cao, đèo nối đèo, dốc tiếp dốc,
không dứt. Câu thơ được tạo thành hai vế tiểu đối: “Ngàn thước lên cao // ngàn
thước xuống”, hình tượng thơ cân xứng hài hòa, cảnh tượng núi rừng hùng vĩ được
đặc tả, thể hiện một ngòi bút đầy chất hào khí của nhà thơ — chiến sĩ.
Có cảnh đoàn quân đi trong mưa: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”. Câu thơ được
dệt bằng những thanh bằng liên tiếp, gợi tả sự êm dịu, tươi mát, của tâm hồn những
người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Trong màn mưa rừng, tầm
nhìn của người chiến binh Tây Tiến vẫn hướng về những bản mường, những mái
nhà dân hiền lành và yêu thương, nơi mà các anh sẽ đến, đem xương máu và lòng
dũng cảm để bảo vệ và giữ gìn. Ta trở lại đoạn thơ trên, gian khổ không chỉ là núi
cao dốc thẳm, không chỉ là mưa lũ thác ngàn mà còn có tiếng gầm của cọp beo nơi
rừng thiêng nước độc, nơi đại ngàn hoang vu: Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người. “Chiều chiều...” rồi “đêm đêm” luôn có
những tiếng gầm thét, những âm thanh ấy khẳng định cái bí mật, cái uy lực khủng
khiếp ngàn đời của chốn rừng thiêng. Chất hào sảng trong thơ Quang Dũng là lấy
ngoại cảnh núi rừng miền Tây hiểm nguy để tô đậm và khắc họa chí khí anh hùng
của đoàn quân Tây Tiến. Mỗi vần thơ đã để lại trong tâm trí người đọc một ấn
tượng: gian nan tột bậc mà cũng can trường tột bậc! Đoàn quân vẫn tiến bước,
người nối người, băng lên phía trước. Uy lực thiên nhiên như bị giảm xuống và giá
trị con người như được nâng cao hẳn lên một tầm vóc mới. Quang Dũng cũng nói
đến sự hi sinh của đồng đội trên những chặng đường hành quân vô cùng gian khổ:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục lên súng mũ bỏ quên đời... Hiện thực chiến
tranh xưa nay vốn như thế! Sự hi sinh của người chiến sĩ là tất yếu. Xương máu đổ
xuống để xây đài tự do. Vần thơ nói đến cái mất mát, hy sinh nhưng không chút bi
lụy, thảm thương. Hai câu cuối đoạn thơ, cảm xúc bồi hồi tha thiết, như lời nhắn
gửi của một khúc tâm tình, như tiếng hát của một bài ca hoài niệm, vừa bâng
khuâng, vừa tự hào: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói Mai Châu mùa em thơm nếp
xôi. “Nhớ ôi!” là tình cảm dạt dào, là tiếng lòng của các chiến sĩ Tây Tiến “đoàn
binh không mọc tóc”. Câu thơ đậm đà tình quân dân. Hương vị bản Mường với
“cơm lên khói”, với “mùa em thơm nếp xôi” có bao giờ quên? Hai tiếng “mùa em”
là một sáng tạo độc đáo về ngôn ngữ thi ca, có hàm chứa bao tình thương nỗi nhớ,
điệu thơ trở nên uyển chuyển, mềm mại, tình thơ trở nên ấm áp. Cũng nói về
hương nếp, hương xôi, về “mùa em” và tình quân dân, sau này Chế Lan Viên viết
trong bài Tiếng hát con tàu. Anh nắm tay em cuối mùa chiến dịch Vắt xôi nuôi
quân em giấu giữa rừng ... Đất Tây Bắc tháng ngày không có lịch Bữa xôi đầu còn
tỏa nhớ mùi hương. “Nhớ mùi hương”, nhớ “cơm lên khói”, nhớ “thơm nếp xôi” là
nhớ hương vị núi rừng Tây Bắc, nhớ tình nghĩa, nhớ tấm lòng cao cả của đồng bào
Tây Bắc thân yêu.
Đoạn 3 TT
Có thể nói, nỗi nhớ da diết những người đồng đội Tây Tiến của Quang Dũng được
lắng đọng trong tám câu thơ khắc họa bức chân dung người lính tây tiến
Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Mắt trừng gửi
mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Rải rác biên cương mồ viễn
xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã
gầm lên khúc độc hành! Nếu như ở những đoạn thơ đầu, hình ảnh đoàn quân mới
hiện lên qua nét vẽ gián tiếp - nói đến gian khổ, hy sinh và địa bàn hoạt động - thì
ở đây, đoàn quân ấy đã hiện lên với những nét vẽ cụ thể, gân guốc, rạch ròi. Đã
thành khuôn sáo khi đề cập đến sự can trường của các chiến binh. Ở đây, ta tưởng
như gặp một mô-típ như thế: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá
dữ oai hùng Nhưng trước hết, đây là những câu thơ tả thực - thực một cách trần
trụi: chiến sĩ Tây Tiến hồi ấy hoạt động ở những vùng núi rừng hiểm trở, rừng
thiêng nước độc, chết trận thì ít mà chết vì bệnh tật thì nhiều, có những con suối
rửa chân rụng lông, gội đầu rụng tóc. “Quân xanh” ở đây có thể hiểu là xanh màu
áo, xanh lá ngụy trang và xanh làn da vì thiếu máu. Những hình ảnh rất thực đó,
vào bài thơ, với giọng điệu và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng đã như mang
nghĩa tượng trưng, rất có khí phách. Mười bốn chữ thơ mà chạm khắc vào lịch sử
hình ảnh một đoàn quân phi thường, độc đáo, có một không hai trong cuộc đời
cũng như trong thơ ca. Đoàn quân của một thuở “xếp bút nghiên lên đường chinh
chiến” của các chàng trai Hà Nội kiêu hùng, hào hoa. Vì vậy, khó khăn, gian khổ là
thế, nhưng các chiến binh Tây Tiến vẫn không nguôi đi những tình cảm lãng mạn:
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm. “Mộng” và
“mơ” của người lính được gửi về hai phương trời: biên cương, nơi còn đầy bóng
giặc - mộng giết giặc lập công, và Hà Nội, quê hương yêu dấu - mơ những bóng
dáng thân yêu. “Dáng kiều thơm”, ấy là vầng sáng lung linh trong ký ức, “tố cáo”
nét đa tình của người lính. Nhưng với các chiến sĩ Tây Tiến, nỗi nhớ ấy là sự cân
bằng, thư thái trong tâm hồn sau mỗi chặng hành quân vất vả, chứ không phải để
thất chí nản lòng. Vậy mà một thời, câu thơ “đẹp một cách lãng mạn” này đã khiến
cho tác giả của nó và chính bài thơ phải “trải bao gió dập, sóng dồn”. Cổ lai chinh
chiến kỷ nhân hồi - xưa nay đi chiến trận, mấy ai trở về, các chiến sĩ Tây Tiến cũng
không khỏi tránh phải những mất mát, hy sinh. Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Sau những câu thơ rắn rỏi, đẹp đẽ, đến đây,
âm điệu câu thơ chợt trầm và trùng xuống để độc giả thấy rõ hơn bản chất của sự
việc. Dường như đây là một cảnh phim được cố ý quay chậm. Còn gì thiêng liêng
và cao cả hơn sự hy sinh, chấp nhận gian khổ của người lính. Trên đường hành
quân người chiến sĩ Tây Tiến gặp biết bao ngôi "mồ viễn xứ" của những người con
"chết xa nhà". Nhưng các chiến sĩ ta nhìn thấy với đôi mắt bình thản, bởi họ đã
chấp nhận điều đó. Một trong những động cơ thôi thúc họ lên đường là hình ảnh
người anh hùng da ngựa bọc thây mà họ tiếp nhận được trong văn chương sách vở.
Một niềm đam mê trong sáng pha chút lãng mạn. Hai câu thơ cuối tiếp tục âm
hưởng bi tráng, tô đậm thêm sự mất mát hy sinh nhưng đó lại là một cái chết cao
đẹp - cái chết bất tử của người lính Tây Tiến. Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông
Mã gầm lên khúc độc hành Hai câu mới đọc qua tưởng như chỉ làm nhiệm vụ miêu
tả, thông báo bình thường nhưng sức gợi thật lớn. Đâu đây vẫn như còn thấy những
giọt nước mắt đọng sau hàng chữ. Hai câu thơ rắn rỏi mà cảm khái, thương cảm
thật sâu xa. Làm sao có thể dửng dưng trước cảnh “anh về đất”? “Anh về đất” là
hóa thân cho dáng hình xứ sở, thực hiện xong nghĩa vụ quang vinh của mình.
Tiếng gầm của sông Mã về xuôi như loạt đại bác rền vang, vĩnh biệt những người
con yêu của giống nòi. Trước đây, khi nhắc đến những dòng thơ này, người ta chỉ
thấy những biểu hiện nào là “mộng rớt”, “buồn rơi” ... nhưng thời gian đã khiến
chúng ta nhìn đúng hơn vào bản chất, có thời đại ấy mới có văn chương ấy. Tây
Tiến là bài thơ, là tấm lòng của những người chiến binh Tây Tiến. Bài thơ có nhạc,
họa; bên cạnh cái bi là cái hùng, bên cạnh mất mát, đau thương là niềm kiêu hãnh
anh hùng. Nửa thế kỉ đã qua, bài thơ ngày một thêm sáng giá và đoạn thơ khắc họa
đoàn quân Tây Tiến đã trở thành một hoài niệm khó quên của một thời kỳ lịch sử
hào hùng trong buổi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp.
TNĐL
Tuyên ngôn Độc lập mở đầu là nêu thẳng vấn đề. Người nêu những căn cứ pháp lý,
“những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đó là những câu tuyên bố nổi tiếng được
Bác rút ra từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của Pháp và Mỹ. Bản Tuyên ngôn Độc
lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra… mưu cầu hạnh phúc”.
Để làm nổi bật tính phổ biến của những lẽ phải, Người còn nêu những lời trong
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra… về
quyền lợi”. Cách nêu dẫn chứng như thế vừa khéo léo vừa kiên quyết. Khéo léo vì
tỏ ra tôn trọng chân lý chung dù chân lý ấy của các nước đang là kẻ thù gây ra.
Cách nêu dẫn chứng ấy cũng hàm chứa một sự phê phán. Thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ - những kẻ xâm lược đã chà đạp lên chân lý, chà đạp lên lương tâm và lý
tưởng của cha ông chúng. Đó là cách dùng lí lẽ của kẻ thù để chống lại kẻ thù,
dùng gậy ông đập lưng ông. Hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đều nhấn mạnh
quyền con người, Bác nói thêm về quyền dân tộc. Câu nói của Người mở đầu cho
trào lưu giải phóng dân tộc trên khắp thế giới. Đồng thời, đặt Bản tuyên ngôn của
nước ta ngang hàng với hai bản tuyên ngôn đã nêu. Bác lập luận như vậy là để kết
tội thực dân Pháp. Những lời bất hủ trong hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mỹ đã
trở thành cơ sở pháp lý để Bác kết tội thực dân Pháp. “Thế mà đã hơn 80 năm
nay… nhân đạo và chính nghĩa” Sau khi kết thúc một cách khái quát tội ác của
thực dân Pháp, bản tuyên ngôn nêu lên những dẫn chứng cụ thể để lật mặt nạ “bảo
hộ” của thực dân Pháp trước toàn thể nhân loại: “Về chính trị, chúng tuyệt đối
không cho… dân chủ nào”. Lời kể tội của tác giả hùng hồn và đanh thép. Cách lập
luận trùng điệp như: “Chúng thi hành…”, “Chúng lập ra…”. “Chúng thẳng tay
chém giết…” thể hiện được tội ác chồng chất của thực dân Pháp đối với nhân dân
ta. Cách dùng hình ảnh của tác giả làm nổi bật sự tàn bạo của thực dân Pháp:
“Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước… chúng tắm các cuộc… bể
máu”. Về kinh tế, Bác cũng kết tội thực dân Pháp từ khái quát đến cụ thể “Chúng
bóc lột dân ta đến… tiêu điều”. Bác quan tâm đến những hạng người như: “dân cày
và dân buôn trở nên bần cùng”, “chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”.
Lập luận như vậy là Bác muốn tranh thủ sự ủng hộ của khối đại đoàn kết toàn dân
trong công cuộc bảo vệ nền Độc lập. Cả đoạn văn tác giả chỉ dùng một chủ ngữ
“chúng” để chỉ thực dân Pháp, nhưng vị ngữ thì luôn thay đổi: “thi hành”, “lập ra”,
“thẳng tay chém giết”, “tắm” chỉ một kẻ thù là thực dân Pháp nhưng tội ác của
chúng gây ra trên đất nước ta vô cùng nhiều. Cách lập luận đanh thép cùng với
những dẫn chứng cụ thể khiến kẻ thù hết đường lẩn tránh tội ác. Tội ác lớn nhất
của thực dân Pháp gây ra là nạn đói khủng khiếp năm 1945: “Mùa thu năm 1940,
phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh đồng minh thì
thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó, nhân dân ta
chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó, nhân dân ta càng cực khổ, nghèo
nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kì hơn
hai triệu đồng bào ta chết đói”. Tác giả cũng không bỏ sót những tội ác khác của
bọn thực dân Pháp như “trong năm năm chúng bán… cho Nhật”, tội thẳng tay
khủng bố Việt Minh hơn nữa, tội “giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao
Bằng.” Người kết tội thực dân Pháp một cách hùng hồn và đanh thép như vậy
nhằm phơi bày bản chất tàn bạo, dã man của thực dân Pháp, lột mặt nạ “khai hoá",
“bảo hộ” của chúng trước nhân dân thế giới, khơi lòng căm thù của nhân dân ta với
thực dân Pháp. Tác giả biểu dương sức mạnh dân tộc trong công cuộc chống thực
dân phong kiến và giành lấy nền Độc lập “Pháp chạy, Nhật hàng… chế độ dân chủ
cộng hoà”. Đoạn văn này diễn tả đầy hào khí. Chỉ có chín chữ “Pháp chạy, Nhật
hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Bác dựng lại cả một giai đoạn lịch sử đầy biến động
và cực kì oanh liệt của dân tộc ta. Biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc,
tác giả nhằm kích thích tinh thần tự hào dân tộc, kích thích ý chí chiến đấu để nhân
dân ta quyết tâm chống lại âm mưu của thực dân Pháp. Tiếp theo, Người nêu cơ sở
chính nghĩa của việc thành lập nước Việt Nam mới. Việt Minh là tổ chức cách
mạng của toàn bộ dân tộc Việt Nam. Việt minh đã đứng về phe đồng minh, đã
chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật và đã giành chính quyền từ tay Nhật. Hai
lần Người nhấn mạnh nền Độc lập của đất nước bằng những câu văn điệp ngữ
mạnh mẽ: “Sự thật là…”. Trên cơ sở ấy, Người tuyên bố thành lập nước Việt Nam
dân chủ cộng hoà, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với thực dân Pháp, xoá bỏ trên đất
nước Việt Nam…” Cuối cùng thay mặt cho cả một dân tộc vừa giành được tự do
độc lập. Người nêu lời thề “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và
của cải để giữ vững quyền tự do Độc lập ấy”- Tuyên ngôn Độc lập là kiệt tác của
Hồ Chí Minh. Bằng tâm huyết và tài hoa, Người đã thể hiện được khí phách của
một dân tộc đang vùng dậy chống đế quốc, thực dân phong kiến, giành Độc lập tự
do cho nước nhà. Với Tuyên ngôn Độc lập, lần đầu tiên Việt Nam hiện diện trên
trường quốc tế với tư cách là một nước tự do và Độc lập và nhân dân thế giới cũng
thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền Độc lập của dân tộc Việt Nam. Tuyên
ngôn Độc lập trước hết là một văn kiện lịch sử. Nó là bản văn quan trọng bậc nhất
của nước ta. Để có được Tuyên ngôn Độc lập, biết bao đồng bào, đồng chí đã hy
sinh trong suốt 80 năm chống Pháp. Tuyên ngôn Độc lập là một cột mốc lịch sử,
nó chấm dứt giai đoạn mất nước, giai đoạn nhân dân ta sống kiếp ngựa trâu, nô lệ
của dân tộc, nó mở đầu một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên Độc lập tự do. Với hệ
thống lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, thống thiết, Tuyên ngôn
Độc lập xứng đáng sánh ngang với các bản tuyên ngôn trên thế giới và các thiên cổ
hùng văn của các dân tộc khác như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô
đại cáo của Nguyễn Trãi.

You might also like