You are on page 1of 9

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


--------------

TIỂU LUẬN GIỮA KỲ

ĐỀ TÀI: TÌM HIỂU VỀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ


THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT

Giảng viên: TS. Phạm Cao Quý


Học phần: Di sản văn hóa
Mã học phần: CUL3003
Sinh viên: Đoàn Hồng Nhung
Lớp: QH-2022-X Văn Hóa Học
Mã sinh viên: 22031707

1
MỞ ĐẦU

Trong một xã hội không ngừng phát triển, di sản văn hóa nói chung và di sản
văn hóa phi vật thể nói riêng là nơi lưu giữ những nét đẹp, những giá trị truyền thống
của những thế hệ đi trước, là nền tảng để một dân tộc tiếp cận với những nền văn
hóa khác trên thế giới mà không mất đi bản sắc dân tộc. Việt Nam là một quốc gia
đa tín ngưỡng, đa tôn giáo. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, có rất nhiều những tôn
giáo lớn trên thế giới đã du nhập vào nước trong nhiều giai đoạn khác nhau, tuy
nhiên ở nước ta vẫn có những tín ngưỡng bản địa tiêu biểu như: tín ngương phồn
thực, thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu,.... Bài viết này sẽ đề cập đến tín ngưỡng thờ Mẫu-
một nét sinh hoạt văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với người Việt trong suốt
chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn
hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016, dựa trên cơ sở về chủ thể, thành
tố, giá trị và yếu tố tác động.

PHẦN I: TỔNG QUAN VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng nguyên thủy, mang tính bản địa, có
lịch sử hình thành, phát triển lâu đời, gắn liền với nền nông nghiệp trồng lúa nước
của người dân Việt Nam. Thờ Mẫu Việt Nam lấy việc tôn thờ hình tượng Mẹ làm
trung tâm với quyền năng sinh sôi, phát triển và che chở cho con người. Tín ngưỡng
thờ Mẫu là sự tôn vinh, bày tỏ lòng thành kính đối với người phụ nữ, hướng con
người ta đến những giá trị tốt đẹp. Cho đến nay, người ta chưa thể xác định Thờ Mẫu
có từ khi nào, có thể nó đã xuất hiện vào thời tiền sử, dưới những ảnh hưởng của chế
độ mẫu hệ trong một xã hội cổ đại.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, với sự tiếp nhận có chọn lọc những ảnh
hưởng, yếu tố của những tôn giáo ngoại lai khác, tục thờ Nữ thần, Mẫu thần đã có
sự phát triển cao hơn, hoàn thiện hơn, trở thành tục thờ Mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ với
hệ thống nghi lễ, lễ hội quan trọng trong văn hóa Việt. Theo ThS. Nguyễn Hữu Thọ
“Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là loại hình tín
ngưỡng được tích hợp bởi các lớp tín ngưỡng thờ Nữ thần, thờ Mẫu thần và thờ Tam

2
phủ, Tứ phủ với niềm tin thiêng liêng vào Mẫu- đấng sáng tạo, bảo trợ cho sự tồn
tại và sinh thành của tự nhiên, xã hội và con người.” 1

Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ được hình thành vào khoảng thế kỉ XVI, đánh
dấu bởi sự ra đời của truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Theo như ghi chép,
bà đã ba lần giáng thế, về sau được người dân tôn thờ là một trong bốn vị thánh của
Tứ bất tử. Sau khi ra đời, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trở thành một sinh hoạt văn
hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng, sức sống bền bỉ, được thực hành ở hơn 7000
đền, phủ trải rộng khắp cả nước. Mẫu Thượng Thiên, còn gọi là Mẫu Liễu Hạnh, là
người mẹ cai quản vùng trời. Mẫu Thượng Ngàn là người mẹ cai quản rừng núi.
Mẫu Thủy Cung là người mẹ cai quản sông nước. Đó là Tam Tòa Thánh Mẫu, những
người mẹ đại diện cho sinh sôi, nảy nở và trường tồn, đứng đầu hệ thống thần linh
trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ.

PHẦN II: THÀNH TỐ, CHỦ THỂ, GIÁ TRỊ VÀ NHỮNG YẾU TỐ TÁC
ĐỘNG ĐẾN SỰ TỒN TẠI CỦA THỰC HÀNH TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU
TAM PHỦ CỦA NGƯỜI VIỆT.

Ngày 01 tháng 12 năm 2016, vào hồi 17h15’ theo giờ địa phương (12h15’ giờ
Việt Nam), tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật
thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân
chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người
Việt được UNESCO ghi danh tại Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của
nhân loại, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận ở nước
ta lên con số 11 di sản. (tính đến thời điểm năm 2016)

2.1. Chủ thể của di sản

Ở đây, chủ thể của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là những thanh
đồng, thủ nhang, cung văn, hầu dâng, con nhang đệ tử và cộng đồng cư dân có niềm
tin với sức mạnh và sự bảo trợ của các Mẫu. Họ gắn bó với nhau thành bản hội, cùng
nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng,..n. Tại các đền, phủ, điện,

1
Nguyễn Hữu Thụ, Về cơ sở hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt ở đồng
bằng Bắc Bộ- Xét dưới góc độ triết học, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1-2012

3
con nhang đệ tử sẽ gửi bát nhang bản mệnh của mình để nhận được sự che chở của
thần linh.

2.2.. Không gian văn hóa


Việc thờ cúng và thực hành di sản được diễn ra tại những đền, phủ, điện, miếu
phân bố tại nhiều địa phương trên cả nước như Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc
Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác. Mỗi một vị thần linh
sẽ được thờ ở một đền, phủ chính, nhiều nơi khác vọng. Tỉnh Nam Định được coi là
một trong những địa phương có trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với
những nơi lưu giữ sự tích về sự
giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy,
Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng
thánh Mẫu..

Ảnh: Phủ Vân Cát thuộc khu di tích Phủ Dầy 2

2.3. Những thành tố tạo nên Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ.
Những thành tố cơ bản tạo nên tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ bao gồm hệ
thống nghi lễ và lễ hội với sự kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố văn hóa dân gian
như: trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng,... mang đậm bản sắc văn
hóa dân tộc Việt Nam, được giữ gìn và lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Nghi lễ chính gắn với thờ Mẫu Tam phủ là hầu đồng, có xuất xứ từ vùng đồng
bằng Bắc Bộ, phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Hầu đồng được
hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, là việc các vị thánh có thể nhập vào được
thân xác những ông đồng, bà đồng, để phán truyền, ban phúc lộc, diệt trừ tà ma, chữa
bệnh,... cho những người tham gia vào buổi hầu đồng. Và khi thần linh nhập vào thì
lúc đó những ông đồng, bà đồng được xem là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
Những người thực hành tin rằng thông qua hầu đồng họ có thể giao tiếp với các vị

2
Ảnh: Bảo tàng tỉnh Nam Định, Di tích LSVN Quốc gia Phủ Dầy <https://baotangtinhnamdinh.vn/tin-tuc-
detail.aspx?id=228>

4
thần linh để gửi gắm và biểu đạt những mong muốn, khái vọng của mình thông qua
những thanh đồng.
Hầu đồng được diễn ra ở không gian thờ tự Mẫu, có thể là chính điện hoặc ở
sân chầu và thường được tổ chức vào nhiều dịp trong năm. Trong năm có bốn tiết lễ
chính thường được tổ chức, bao gồm hầu Thượng nguyên mang tính cầu an cho cả
năm, hầu vào hè với mục đích cầu mát, tránh dịch bệnh, ôn dịch, hầu ra hè với mục
đích cầu bình an, hầu tất niên nhằm lễ tạ Phật Thánh đã phù trợ một năm may mắn,
bình an.
Hầu đồng có 36 vở diễn xướng, gọi là 36 giá đồng. Một giá đồng được tính từ
khi nhập đồng, rồi thực hiện nghi lễ, nhảy múa, và cuối cùng là thăng đồng. Trong
một buổi hầu nhiều nhất có thể giáng tới 20 vị, ít thì 10 vị, bình thường sẽ là 15 vị,
và thường khi giáng đồng phải theo thứ tự từ Thánh Mẫu rồi đến Hàng Quan, Hàng
Chầu, Hàng Ông Hoàng, Hàng Cô, Hàng Cậu,...
Trang phục khi hầu đồng có tính đa dạng, phong phú, thể hiện đặc điểm cũng
như xuất thân của từng vị thánh trong mỗi giá đồng. 36 giá sẽ tương ứng với 36 bộ
trang phục được sử dụng trong từng giá khác nhau. Tùy vào văn hóa vùng miền sẽ
có sự thay đổi, tuy nhiên vẫn phải theo quy định chặt chẽ về màu sắc, kiểu cách, và
trang sức đi kèm, đặc biệt là có khăn phủ diện màu đỏ dùng cho tất cả các giá hầu.
Ví dụ như về màu sắc trang phục, những vị thánh Phủ Thiên sẽ là màu đỏ, phủ
Thượng Ngàn là màu xanh, phủ Thoải là màu trắng và phủ Địa là màu vàng. Những
trang phục ấy giúp chúng ta hiểu biết thêm về văn hóa trang phục của dân tộc Việt
Nam cũng những giá trị nghệ thuật ẩn sâu trong đó.

Ảnh: Trang phục hầu đồng do nhà thiết kế Linh Thảo thực hiện.3

3
Ảnh: Danviet.vn, Cô gái trẻ đam mê thiết kế trang phục hầu đồng, <https://danviet.vn/co-gai-tre-dam-
me-thiet-ke-trang-phuc-hau-dong-20221116105344145.htm >

5
Một nghi lễ lên đồng đầy đủ, trọn vẹn không thể không nhắc đến cung văn và
dàn nhạc phục vụ hát chầu văn. Người lên đồng vào vai Thánh nào thì cung văn sẽ
chuyển nội dung sao cho phù hợp với vị Thánh ấy và ăn khớp với các hành động
đang diễn ra trên chiếu hầu. Lời trong hát văn nhằm kể sự tích của các thánh, ca ngợi
công đức cũng như mong muốnn được phù hộ từ các ngài. Kết hợp cùng âm thanh
của nhạc cụ dân tộc, chầu văn đã tạo ra một không khí rộn ràng, tươi vui trong buổi
hầu. Ngoài ra những người khi hầu đồng còn thực hiện những điệu múa, nhằm để
thể hiện sự vui vẻ làm việc Thánh và cũng là để cùng vui với những người dự lễ.
Thường có các điệu như múa kiếm, múa cờ, long đao, múa quạt, múa hoa, múa chèo
đò, múa thêu thùa, múa dệt gấm thuê hoa, múa hèo, múa lân,... tương ứng với cuộc
đời của những vị Thánh đang hầu. Âm nhạc và múa đan cài với nhau, là hai yếu tố
không thể tách rời, góp phần tạo nên thành công của một bức tranh nghệ thuật sống
động với những tinh hoa văn hóa cổ truyền và lâu đời- hầu đồng.
Lễ hội trong Thờ Mẫu về cơ bản có những tính chất chung của lễ hội cổ truyền
Việt Nam, ở đó mọi người sẽ tiến hành thực hiện những nghi lễ và sinh hoạt văn
hóa, vào dịp “Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ”. Tiêu biểu phải kể đến Lễ hội
Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ mồng 3 đến mồng
10 tháng 10 âm lịch. Lễ hội là cách người dân nhớ đến và tỏ lòng thành kính đối với
Thánh Mẫu Liễu Hạnh với những nghi thức đặc sắc như: hầu đồng, rước Mẫu thỉnh
kinh, Hoa trương hội, rước đuốc,... Trải qua nhiều thế hệ, các nghi thức, phong tục
văn hóa dân gian trong lễ hội Phủ Dầy đã được bồi đắp, lưu giữ và lan tỏa ra khắp
các vùng miền trên toàn quốc.
2.4. Những giá trị của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ trong đời
sống.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được công UNESCO công nhận trước hết bởi
sự gắn kết cộng đồng, gần gũi, tự nhiên. Ở đó không có sự phân biệt về tri thức, học
vấn, địa vị, tôn giáo, xu hướng chính trị, tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, tất cả mọi
người điều hướng về một niềm tin chung trong không gian thực hành tín ngưỡng thờ
Mẫu. Điều này tạo nên tính bền vững cho tín ngưỡng Thờ Mẫu, dù trải qua thời gian
lâu dài nhưng không hề mất đi, mà vẫn luôn bền bỉ, trường tồn. Khi tham dự vào
nghi lễ lên đồng, con người mong cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, còn Đạo Mẫu
hướng con người đến với lòng từ bi bác ái, hướng đến những điều tốt đẹp, trong
sáng.

6
Cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là biểu tượng người mẹ quyền năng,
đã góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống xã hội. Trong xã
hội cổ truyền và xã hội hiện đại, vấn đề bất bình đẳng giữa nam và nữ luôn là vấn đề
ảnh hưởng đối với người phụ nữ. Ở xã cổ truyền, quyền lợi của người phụ nữ không
hề được xem trọng, đứng ngoài đời sống tín ngưỡng tâm linh nơi làng xã , không
được tham gia vào những hoạt động nghi lễ, lễ hội ở đình. Vì vậy, Tín ngưỡng thờ
Mẫu là nơi những người phụ nữ Việt Nam gửi gắm khát vọng được giải thoát của
mình khỏi những thành kiến, ràng buộc của xã hội.
Với hệ thống khoảng 70 vị thần trong thần điện Tam phủ, trong đó có những
vị là anh hùng, nhân vật lịch sử có công với đất nước, có tài có đức và được thần
thánh hóa (Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão. Điều này đã cho thấy truyền thống
“uống nước nhớ nguồn” được thể hiện trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; là ý thức
hướng về lịch sử, về cội nguồn dân tộc, giáo dục con người về tinh thần yêu nước
được truyền giữ qua nhiều thế hệ đi trước.
Từ tín ngưỡng Thờ Mẫu đã nảy sinh “Hiện tượng văn học Đạo mẫu” với hệ
thống các truyền thuyết, thần tích, truyện thờ nôm, các bài chầu văn, câu đối, giáng
bút về Mẫu. Hay như nghệ thuật kiến trúc thờ tự mang dấu ấn của những năm cuối
thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, hài hòa giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên; mảng
nghệ thuật tạo hình với hệ thống tượng, tranh vẽ và những hình thức sinh hoạt dân
gian phong phú. Tín ngưỡng Thờ Mẫu tựa như một “bảo tàng sống”, chứa đựng
trong đó những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống, đạo đức, giá trị
nghệ thuật của dân tộc, để từ đó đặt Đạo Mẫu vào vị trí của những tôn giáo bản địa
hàng đầu.
2.5. Những yếu tố tác động đến sự tồn tại của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu
Tam phủ
Ngày nay, tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu đang là vấn đề nhức nhối,
khiến cho tín ngưỡng dần bị bào mòn đi những giá trị tốt đẹp. Nhiều ông đồng, bà
đồng, lợi dụng lòng tin, lợi dụng các nghi lễ truyền thống không phải để truyền bá
những giá trị vốn có của Thờ Mẫu mà để trục lợi, chủ yếu là kiếm tiền, làm giàu trên
sự lợi dụng niềm tin của người khác. Đây là thách thức đặt ra đối với nhà nước, các
ban, ngành quản lý và cộng đồng chủ thể, phải làm sao để bảo vệ được Tín ngưỡng
Thờ Mẫu trước những tiêu cực trong cuộc sống, để giữ được cũng như phát huy
những giá trị nguyên bản, tốt đẹp ban đầu.

7
Xuất hiện những biến tướng, những sai lệch trong thực hành di sản, gây ra
những hệ lụy không đáng có, làm cho những giá trị ban đầu dần bị mai một. Hiện
tượng “đồng đua”, “đồng đú”, là những người không có căn cốt, hầu đồng chỉ để ra
oai hay cho vui. Thậm chí những người này còn không thật sự hiểu hết về Đạo Mẫu,
chỉ chạy theo đó như một thứ “mốt”, một phong trào để thỏa mãn nhu cầu cá nhân.
Hay như trường hợp Tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị thực hành khá tùy tiện ở những
không gian không phù hợp. Nhiều nơi thực hành nghi lễ nhưng lại chuẩn bị trang
phục, đạo cụ, vấn hầu, vũ đạo lệch chuẩn với nguyên tắc, làm mất đi sự linh thiêng
và nghiêm túc của một buổi hầu đồng.
Nhiều người không nhận thức đúng về hầu đồng, từ đó quy chụp Thờ Mẫu là
mê tín, dị đoan và lên án, không có cái nhìn khách quan, toàn diện và rõ ràng về
những giá trị mà Thờ Mẫu đem lại. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập như hiện nay,
một bộ phận giới trẻ không còn thấy hứng thú và dần xa rời với những hình thức
diễn xướng hay lễ hội truyền thống, cũng là nỗi đáng lo ngại nếu như không có người
tiếp nối và gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc.
PHẦN III: TỔNG KẾT
Bảo tồn và phát huy những nét đẹp trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người
Việt trong xã hội hiện nay là việc làm hết sức thiết thực để góp phần giữ gìn bản sắc
văn hóa dân tộc. Tuy nhiên việc này cũng đang đứng trước những thách thức khó
khăn và tiêu cực. Chính vì vậy cần có những hành động thiết thực nhằm bảo tồn và
phát huy những giá trị truyền thống, ngăn chặn những hành động mê tín dị đoan,
biến tướng. Đồng thời cần xử lý những hành vi sai phạm, lợi dụng tín ngưỡng để
trục lợi, làm ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của cộng đồng theo đúng quy định
của pháp luật. Vấn đề quan trọng nhất chính là truyền dạy nhận thức đúng đắn về
giá trị di sản, hướng dẫn thực hành cho những thế hệ sau. Việc UNESCO ghi danh
Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật
thể đại diện của nhân loại đã khẳng định những nỗ lực của các ban ngành, và cộng
đồng chủ thể trong việc bảo vệ những giá trị của Đạo Mẫu nói riêng và những giá trị
của kho tàng di sản văn hóa của dân tộc nói chung.

8
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Đức Thịnh, Đạo Mẫu Việt Nam, NXB Tôn giáo, 2010

2. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng lễ hội cổ truyền Việt Nam, NXB Tri Thức, 2018

3. Nguyễn Hữu Thụ, Về cơ sở hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của
người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ- Xét dưới góc độ triết học, Tạp chí Nghiên cứu Tôn
giáo, số 1-2012

4. TS. Vũ Hồng Vận, Sách chuyên khảo: Tín ngưỡng Thờ Mẫu của người Việt Nam,
NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2020

5. Cục di sản văn hóa, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ công nhận, truy cập
ngày 10/4 <http://dsvh.gov.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-
viet-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cua-nhan-loai-1536 > truy cập
ngày 12/4/2023

6. Dân tộc miền núi, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người việt trở
thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
<https://dantocmiennui.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-
tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cua-nhan-loai/116542.html>truy cập
ngày 12/4/2023

7. VOV2, Văn hóa giải trí: Khăn chầu áo ngũ trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu
<https://vov2.vov.vn/van-hoa-giai-tri/khan-chau-ao-ngu-trong-thuc-hanh-tin-
nguong-tho-mau-39869.vov2 > truy cập ngày 13/4/2023

8. Khám phá Huế, Vẻ đẹp trang phục hầu đồng trong Nghi lễ thờ Mẫu của người
Việt<https://khamphahue.com.vn/Van-hoa/Chi-tiet/tid/Ve-dep-trang-phuc-hau-
dong-trong-Nghi-le-tho-Mau-cua-nguoi-Viet.html/pid/5113/cid/28 >, truy cập ngày
13/04/2023
9. Nguyễn Thị Thọ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tín ngưỡng thờ Mẫu của
người Việt, 2017

You might also like