You are on page 1of 30

Contents

I. NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC..........................................................................................................................................................2


1. Viết cho tuổi 15-20................................................................................................................................................................ 2
2. TÂM SỰ KHI MÙA THI ĐI QUA........................................................................................................................................5
3. GỬI TẶNG CON ĐÃ TRƯỢT NGÔI TRƯỜNG MƠ ƯỚC................................................................................................8
4. DÙ BƯỚC VÀO TRƯỜNG NÀO, CON HÃY NHỚ HAI TỪ CẢM ƠN..........................................................................10
5. VÀO ĐẠI HỌC/ DU HỌC, TỤI CON HÃY NHỚ NHỮNG ĐIỀU TƯỞNG NHỎ MÀ LỚN NÀY NHÉ........................12
6. CÂU CHUYỆN THUYỀN RA KHƠI.................................................................................................................................16
7. 10 BÀI HỌC LỚN MÀ 2020 ĐÃ DẠY MÌNH...................................................................................................................19
II. HỌC TẬP................................................................................................................................................................................ 21
1. HỌC ĐẠI HỌC GÌ? HỌC GÌ Ở ĐẠI HỌC’.......................................................................................................................21
2. ĐẠI HỌC CŨ LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỚI...........................................................................................................................24
3. TƯƠNG LAI CỦA VIỆC LÀM SẼ ĐI ĐÂU VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, ĐẠI HỌC ĐANG THIẾU HỤT GÌ?.........26
3................................................................................................................................................................................................... 28
I. NHÌN VỀ PHÍA TRƯỚC
1. Viết cho tuổi 15-20
Dạo gần đây, thầy được may mắn tiếp xúc với rất nhiều bạn học sinh, sinh viên tuổi 15–20, cái độ tuổi thật nhiều năng
lượng, ước mơ và tươi đẹp. Nhưng tự nhiên trong lòng cũng dấy lên chút miên man khó tả: một chút bồi hồi nhớ về cái tuổi
đó của bản thân; một chút tiếc nuối, ước chi các bạn trẻ được định hướng tốt hơn để sống thật trọn vẹn với thanh xuân, vừa
phát triển bản thân bền vững, sâu sắc mà vừa tận hưởng cuộc sống xanh tươi.

Hôm nay, mạn phép viết cho tụi con vài điều thầy muốn gởi gắm cho cái lứa tuổi thật tươi đẹp này nhé…

1. Đọc thường xuyên hơn

Tụi con hãy chăm đọc sách nhé, dẫu thầy biết rằng cầm quyển sách lên giữa bao cám dỗ và thú vui tiêu khiển “dễ xơi” ngày
nay là rất khó, đừng nói chi là đọc hết cả quyển. Thật ra, lướt facebook hay instagram, đọc mấy cái status nhanh hay post
ngắn ngắn cũng không có gì là sai cả. Thế nhưng, nếu việc đọc của con chỉ dừng lại ở đó, thì nó sẽ làm chúng ta cái gì cũng
vội vàng, dễ quy chụp mà không có những khoảng lặng, lắng đọng và đào sâu những lát cắt, sắc màu của một mẩu kiến
thức.

Mai kia con đi xa và ra đời, người ta không thích những con người cái gì cũng biết một chút mà chẳng có cái gì biết sâu.
Mỗi tuần con dành thời gian đọc được 50 trang sách là quý hóa lắm, và 10 năm sau nhìn lại, con sẽ thấy mình bỏ xa bao
nhiêu bạn bè đồng trang lứa khi đó rồi mà họ vẫn ngồi đâu cũng chỉ biết quẹt điện thoại, lướt Instagram.

2. Viết lâu lâu chút

Đã bao lâu rồi con chưa đặt bút viết một bài gì đó cho ra tấm ra món? Tiếng Việt cũng được, mà Tiếng Anh cũng tốt, nhưng
nó phải là bài văn 2–3 trang không phải vì trả bài trên lớp hay thi cử cơ. Tốc độ bấm phím điện thoại, gõ máy của tụi con
giờ nhanh lắm, vì tụi con sinh ra ở cái thời máy tính, điện thoại đã phổ biến như cơm bữa.

Nhưng những cái gõ nhanh ấy lại gò tụi con theo kiểu suy nghĩ nhanh vội, đôi khi không kiểm soát được cách mình ăn nói
và hành xử. Ngược lại, khi tụi con bình tâm suy nghĩ và viết đủ lâu – dài ngắn thì tùy – tức là tụi con đang học cách suy
nghĩ sâu, điềm tĩnh hơn. Ở thế giới ngoài kia, những người viết tốt thường là những người tư duy tốt, con ạ.

Chỉ với 1–2 trang viết mỗi tuần, con có biết là điều đó sẽ dẫn con đi bao xa trong thế giới ngày mai nhiều đổi thay không?

3. Theo đuổi ít hoạt động thôi

Tụi con đang ở độ tuổi “hăng” hoạt động, và đó là một điều tốt. Thế nhưng, đừng chạy sô chất lên người một đống thứ, mỗi
thứ một kiểu chẳng liên quan, ăn nhập gì nhau. Thay vì đó, hãy theo đuổi 1–2 hoạt động thôi, cái nào mà con thật sự thích í,
chứ không nhất thiết phải phong trào đu trend.

Chạy sô nhiều thì CV con sẽ dài ra thật, nhưng chưa chắc con đã hiểu một cái gì thật sự sâu. Làm 1–2 hoạt động thôi thì mới
nghe qua tưởng là không hoành tráng bằng. Nhưng rồi con sẽ suy nghĩ sâu sắc hơn là xé bản thân ra thành nhiều miếng, làm
như một cái máy mà không có khoảng lặng để thấm hiểu mình mất gì và được gì.

Ngoài kia, họ thích những người đi đến cùng với một thứ hơn là những người xé mình ra nhiều mảnh chỉ để có cái CV dài
vài trang.

4. Kiên trì làm việc

Nếu có cơ hội đi thực tập và làm việc phù hợp, thầy khuyên con nên “chộp” ngay. Nhưng khi vừa vào làm vài ngày hay vài
tháng, đừng vội chê bai công việc là có phù hợp hay không, đừng moi móc lỗi lầm của người khác hay môi trường, và cũng
đừng làm vài tháng rồi vịn vào mọi lý do để thuyết phục mình nên nghỉ. Ở ngoài kia đầy những người trẻ suy nghĩ hời hợt
như vậy rồi đó con.
Trừ khi, nếu công việc quá tổn hại về sức khỏe, phi đạo đức hay phi pháp luật, thì đúng là con nên nghỉ ngay. Còn nếu
không, thầy mong con ráng “ép” bản thân mình cho đủ, thực tập thì ráng làm cho hết 3–6 tháng, công việc thì ráng trọn 1–2
năm. Đừng xồm xồm lên như bao người trẻ, mới làm vài tuần hay 1–2 tháng mà đã hoặc cho mình biết tất, hoặc chê bai đủ
điều và xin nghỉ.

Con sẽ học nhiều điều về bản thân, cuộc đời và con người hơn là chính công việc chuyên môn. Những bài học “bên lề” ấy
có khi còn quan trọng hơn là chuyên môn đó con, vì thế giới này cũng nhiều người giỏi chuyên môn nhưng cực kỳ kém mấy
khoản "bên lề" kia con ạ.

5. Nếm trải thế giới

Tụi con giờ có cơ hội đi đây đi đó nhiều lắm, và đó là một điều rất tốt. Thế nhưng, đi du lịch thì tụi con “kiềm chế”, bớt mua
sắm lại nhé. Vì đó là tiền của bố mẹ, chưa phải là tiền của tụi con. Tiền bạc bố mẹ cho hoặc do tụi con tích lũy được, thì con
nên để dành, mua những thứ sẽ có giá trị lâu dài và bớt chi tiêu cho những cái mà con xài được 1–2 năm rồi bỏ đi.

Con đừng cứ tiện tay mua nhiều tài sản vật chất quá – cái đó mai kia con có thể mua được khi có nhiều tiền rồi. Hãy tập
trung chi tiền cho những tài sản trí tuệ và tâm hồn. Những thứ vật chất kia thường sẽ khấu hao, mài mòn nhanh lắm; còn hai
điều còn lại thường sẽ sản sinh ra nhiều vật chất sau này và cả những điều phi vật chất nhưng lại rất cần trong cuộc đời.

À còn nữa, thay vì selfie và cứ mãi dán mắt vào điện thoại, thầy mong con học cách ngước mắt lên và để ý cuộc sống, văn
hóa xung quanh, người dân địa phương và cả những du khách. Điều đó dạy con nhiều về cuộc đời và chính bản thân của
mình hơn là màn hình điện thoại và những tấm selfie.

Hãy tập cách ngắm nhìn thật lâu những thứ mà con nghĩ là sẽ khó gặp lại một lần trong đời, con nhé.

6. Hoan nghênh thất bại

Nếu con muốn làm một điều gì đó nhưng ngập ngừng vì sợ thất bại và bị chê bai cười khinh, thầy mong con đủ can đảm và
tự tin để làm đúng điều đó. Hãy cho phép mình được thất bại vì đây là giai đoạn đẹp nhất để thất bại, khi con không có
nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ để chăm lo cho những người khác và rất dễ để con làm tất cả lại từ đầu. Nghe có vẻ hơi thừa
và sáo rỗng, nhưng thầy tin là thất bại chắc chắn sẽ đến ít nhất vài lần trong cuộc đời con, nếu không muốn nói là rất nhiều.
Nhưng tất cả đều không quan trọng bằng cách con đi tiếp đâu.

Làm quen thất bại nhiều thì mai kia con sẽ miễn nhiễm với cảm giác hoang mang và lo sợ. Con có biết là rất nhiều người
30–40 tuổi rồi mà vẫn sợ thất bại, nên họ cứ mãi bám víu vùng an toàn, để rồi mai kia thường sẽ lại sống trong nhiều hối
tiếc. Chúng ta phải té mấy trăm lần mới từ việc biết bò thành biết đi, biết chạy mà đúng không?

Quy luật tự nhiên đã thế, lẽ nào lòng người lại không theo được quy luật tự nhiên.

7. Khiêm tốn gấp bội phần

Tụi con bây giờ rất rất rất giỏi, vượt xa thế hệ của thầy ngày xưa nhiều nhiều lắm lắm. Nhưng thầy vẫn hay nói: Giờ tụi con
15 tuổi đã qua mặt thầy năm 15 tuổi, nhưng thầy tin là ở thế giới ngoài kia có vô số bạn bằng tuổi con mà đã hơn thầy năm
thầy 25–30 tuổi rồi.

Thế nên, con đừng chỉ mãi nhìn ngắm cái “vòng tròn chật hẹp” quanh con và cho mình là giỏi nhất. Thậm chí khi con đã
giỏi nhất trường, nhất thành phố, nhất tỉnh hay nhất cả nước, thầy mong con hiểu rằng thế giới ngoài kia to rộng hơn nhiều
lần và tồn tại rất nhiều thước đo khác cho sự xuất sắc, mà ở những thước đo đó, chúng ta đôi khi chỉ đang đứng ở vạch xuất
phát thôi.

Một cái nhìn eo hẹp chỉ như một cái gọng kềm, kìm hãm sự phát triển của chính bản thân con. Thầy chỉ mong là mỗi tuần
con nhìn lại và thấy mình đã tiến bộ hơn bản thân của tuần trước, và con có mục tiêu gì đó cho tuần tiếp theo để phấn đấu
cải thiện, thì đó đã là vừa đủ. Một ngày nào đó nhìn lại, thầy tin là con sẽ nhận ra con đã đi được bao xa.
Và khi đó, người ta sẽ ngước lên nhìn con, không phải vì sự xuất sắc của con mà còn vì đức tính khiêm tốn nữa.

8. Tận hưởng gia đình

À, con có nhận ra tóc bố mẹ con đã bạc hơn nhiều không? Chắc không mấy bạn ngày nay có thói quen nhổ tóc bạc cho bố
mẹ, hoặc có bao nhiêu bạn đã quen kiểu về đến nhà là đắm đuối ôm ấp màn hình nhiều hơn là ngắm nhìn bố mẹ? Thầy chắc
là bố mẹ con cũng đã có thêm vài nếp nhăn trên gương mặt rồi đó, vì con cũng đã 15–20 tuổi rồi mà. Còn nữa, đã bao lâu
rồi con chưa trò chuyện đủ lâu với anh chị em, ông bà nhỉ?

Mai kia, con sẽ bay thật xa và khám phá những vùng trời mới, nhưng điều đó cũng có nghĩa là thời gian của con bên bố mẹ,
gia đình cũng vì thế mà từ từ ngắn lại. Thầy mong sẽ có một ngày, trong những lần con đang ăn bữa tiệc sang trọng hoặc đồ
ăn ngon trong một nhà hàng xịn sò tại New York, London hay Paris, con chợt nhận ra cơm nhà mẹ nấu ngon biết dường nào.

Thế nên, nếu con tin thầy thì giờ đây, còn được ở bên gia đình giờ nào, con hãy để tâm và tận hưởng đi con nhé.

9. Chắt lọc bạn bè

Chắc là tụi con tầm tuổi này cũng sẽ có nhiều bạn bè lắm, và thường cũng sẽ có nhiều hợp tan, chia phe, giận hờn, vui buồn,
… và rất nhiều thứ nữa. Thầy mong trong một rừng bạn bè mà con gặp phải, con sẽ học cách chắt lọc những tình bạn dựa
trên tính cách, giá trị và quan điểm sống, chứ đừng chỉ chạy theo những cái vẻ bề ngoài cool ngầu lộng lẫy.

Mai kia, càng lớn lên, con sẽ thấy ít có tình bạn nào trong trẻo và hồn nhiên như những tình bạn thời chúng ta còn hồn
nhiên. Những người bạn thật sự thân mà con có được trong khoảng thời gian này có lẽ sẽ là những người nhìn con đi qua
nhiều chông chênh, vui buồn, lên xuống của cuộc đời, và họ sẽ dìu con qua những khoảnh khắc mà con tưởng chừng cả thế
giới đều xoay lưng với con.

Thanh xuân của con cần những người bạn “trong trẻo, hồn nhiên, không vụ lợi” như thế.

10. Suy nghĩ sâu hơn chút

Xem một bộ phim, vở kịch, một show truyền hình thì thầy mong con đừng chỉ chăm chăm ngoại hình diễn viên, quần áo
người nổi tiếng, hay những phát ngôn sốc hông… Hãy thử suy nghĩ nếu là chính con trong mỗi tình huống, con sẽ làm gì và
suy nghĩ thế nào. Thói quen tự phản chiếu ấy thường sẽ dạy cho chúng ta nhiều về bản thân hơn là về những người “xa lạ”
mà chúng ta chưa chắc sẽ gặp trong đời.

Thầy ngày xưa ghiền Kim Dung và Naruto, mỗi tối vẫn dành 30–60 phút để cày phim. Thế nhưng, mỗi thước phim lại
thường cho thầy nhiều nước mắt, nụ cười và nghị lực để đi tiếp. Ở mỗi nhân vật, thầy đều muốn lấy một chút của họ và biến
thành của mình. Mưa dầm ắt sẽ thấm lâu, và con người con nên trưởng thành hơn qua việc suy ngẫm về từng bộ phim, vở
kịch, chứ đừng chỉ coi đó là giải trí xem qua loa cho có.

11. Thấu hiểu và tích cực

Mong con hãy bớt suy nghĩ là cả thế giới, cuộc sống và bố mẹ đang chống lại con, rằng con là lỗ rốn của vũ trụ, và cả vũ trụ
này vận hành chỉ để làm hài lòng con. Trước khi con tức giận hay quật lại ai đó, hãy khựng lại vài nốt nhạc.

Hãy thử nhìn ngắm và nghĩ về một điều gì đó làm con cảm thấy mình bé nhỏ. Khi đó, thầy tin là con sẽ thấy bình tĩnh hơn.
Với thầy, thầy thường hay tưởng tượng mình đang ngồi ngắm biển hoặc lên núi nhìn trời mây - và nếu rảnh là thầy tìm đến
biển núi trời mây thật. Mong con cũng tìm được một điều giúp cho tấm lòng con rộng mở hơn.

Con cũng nhớ dành thời gian cho người khác nữa con nhé. Và khi con đã dành thời gian cho họ, hãy lắng nghe họ nhiều
hơn. Thầy mong khi đó, con sẽ hiểu mỗi người đều có một cuộc chiến của riêng mình. Khi đó, con sẽ nhìn mọi thứ tích cực
hơn, thay vì chất đầy cõi lòng với những chỉ trích và giận hờn.

Biết đâu là nhờ vậy mà mai kia, sẽ có người chịu lắng nghe con và thấu hiểu những cuộc chiến của con, để cùng con tích
cực đi qua những cuộc chiến khó đỡ ấy.

12. Thành thật với cảm xúc

Thầy biết là bao nhiêu cảm xúc của tụi con sẽ bùng nổ trong giai đoạn này. Buồn này, hoang mang này, lạc lõng này, giận
hờn này, vui này, hy vọng này… Thầy mong con – cả con gái lẫn con trai – đừng vì những cái nhìn của người đời mà kìm
nén lại hết tất cả những cảm xúc đó và giấu nhẹm hết thảy ở trong lòng.

Nếu muốn khóc thì cứ khóc cho đã, con nhé. Nếu vui thì hãy cười cho thật sảng khoái. Yêu thì đừng tính toán được thua quá
nhiều nhưng cũng không nhất thiết phải mạo hiểm rủi ro. Thương ai thì cứ nói là thương. Và không thích ai thì cũng không
cần phải gồng gánh gượng ép mối quan hệ ấy làm gì. Cảm xúc mà kìm nén lâu ngày quá, thầy sợ con bị trơ.

Con nên nhớ nước mắt tồn tại ở đời là có thiên chức và sứ mệnh của nó. Con được quyền khóc, con nhé, dù là gái hay trai.

13. Cuối mỗi ngày và đầu giờ sáng...

Trước khi đi ngủ, đừng bám lấy cái điện thoại, lướt net, đánh game đến khi sập mắt, mà hãy cho mình khoảng 5–10 phút để
suy nghĩ điều gì quan trọng và thật sự làm con vui trong một ngày vừa qua. Hãy tập trung vào những thứ không dính dáng gì
nhiều đến vật chất. Khi đó, chắc là con sẽ dần hiểu được ngày mai con nên bắt tay và tập trung vào điều gì.

Rồi khi con mở mắt dậy mỗi sáng, cũng đừng chộp ngay cái điện thoại và lướt net. Hãy chọn suy nghĩ về một điều tốt đẹp
mà con có thể làm trong ngày hôm đó và hãy gạt qua những suy nghĩ buồn bực của ngày hôm qua. Ngày hôm qua con
không thể kiểm soát hoặc thay đổi được nữa, nhưng 24 tiếng tiếp theo là do con quyết định.

Và đổi thay cũng thường đến từ cách con bắt đầu mỗi buổi sáng.

-----

Một mớ bòng bong của điện thoại, chơi game, Instagram, quần áo, giày dép, trà sữa HAY LÀ học hành, gia đình, phát triển
bản thân và xây dựng các mối quan hệ bền vững sâu sắc, thầy mong mỗi ngày con nhìn rõ hơn là điều gì mới thật sự xứng
đáng để con dành tặng phần lớn tuổi thanh xuân. Cán cân lệch về bên nào, tất cả là do chính bản thân con lựa chọn. Đừng để
cán cân mãi lệch về một bên mà mai kia, con không đủ sức cân bằng lại được.

Đổi thay giờ đây với tụi con có thể sẽ khó thật, nhưng chắc sẽ được mà. Thầy tin là tụi con làm được, thì lẽ nào chính tụi
con lại không cho mình niềm tin ấy. Hãy sống tích cực và hy vọng con nhé, vì đó mới là thanh xuân. Tuổi 15–20 rồi sẽ đi
qua trong chớp mắt thôi, vì thời gian thường tăng tốc khi con có quá nhiều năng lượng và nhiều thứ để làm.

Hãy học tập, làm việc, sống, cảm nhận và suy nghĩ sao cho mai kia nhìn lại, con sẽ không phải hối tiếc vì những điều bi
quan, tiêu cực, biếng lười mà là trân trọng những tích cực, xanh tươi và trong trẻo do chính con đã gieo mầm cho bản thân.
Để mỗi khi nhìn lại, con càng thấm hiểu giá trị đích thực và sâu sắc của những hạt mầm tích cực mà con có thể tiếp tục gieo
cho bản thân mỗi ngày.

Mong tuổi 15–20 của tụi con thật tròn đầy và ý nghĩa, tích cực và không quá nhiều hối tiếc…

2. TÂM SỰ KHI MÙA THI ĐI QUA


Dẫu chưa bao giờ “dấn chân” vào con đường dạy luyện thi cấp 3, chuyên chọn, đại học, thế nhưng gần chục năm qua, mình
cũng đã ngắm nhìn bao lứa học trò khắp nơi đi qua những mùa thi “nóng nực”.

Ngày xưa, bản thân cũng nếm trải một phần những gì tụi nhỏ đang đi qua hôm nay – tất nhiên là không căng thẳng bằng tụi
nó rồi. Thế nhưng, có lẽ cũng phần nào hiểu được những gì chúng nó trải qua, và cũng vui buồn lây với kết quả đứa này đứa
kia.

Muốn viết rất nhiều cho chúng nó, nhưng đôi khi chỉ là 5–10 phút trò chuyện trên lớp, chẳng nói được là bao, chỉ cười vui
cùng nét mặt tươi tắn nhẹ nhõm của đứa này, hoặc chỉ vội nói vài lời để đứa kia vơi đi nước mắt. Thôi, lại đành gởi gắm vài
lời qua đây, và mong rằng lũ trẻ – biết đâu là cả người lớn – cũng nhìn được dài hơn, rộng hơn và sâu hơn về “thành bại”
của ngày hôm nay…

1. Đừng ngủ vùi trong thành công.

Nếu con đỗ vào được trường mơ ước, thầy chúc mừng con nhiều lắm. Những ngày học mệt, đêm thức khuya, và cả những
cảm xúc lộn tùng phèo – âu lo, hy vọng, hồi hộp, buồn bực – cuối cùng cũng cho con một quả ngọt.

Thế nhưng, thầy mong con hiểu rằng tất cả cũng chỉ là mới bắt đầu. Nếu con cần nghỉ ngơi sau một năm vất vả thì cứ nghỉ
ngơi nhé. Con xứng đáng được điều đó. Nhưng thầy cũng mong là con đừng ngủ quên quá lâu. Bởi vì những năm phía
trước, con còn nhiều việc phải làm và nên làm.

Thế giới và cuộc đời vẫn đang không ngừng trôi chảy và đổi thay. Và thực tế là kỳ thi con vừa đi qua thật ra chỉ là một bài
kiểm tra khá dễ so với những bài kiểm tra thật sự của cuộc đời mai kia. Mà ở những bài kiểm tra kia, con sẽ chẳng có trường
lớp, gia sư, khóa luyện đâu. Tất cả thường chỉ là do bản thân của con tự luyện cho mình.

Những bài thi cử con vừa đi qua chỉ đánh giá, kiểm tra một “tập hợp con” rất nhỏ trong năng lực thực thụ của một con
người. Còn nhiều thứ mà bài thi ấy không thể nào đánh giá được. Thế nên, những bạn điểm thi thua con hôm nay chưa chắc
đã là kém hơn con khi bước ra đời mai kia đâu. Chỉ là con có một khởi đầu thuận lợi hơn… một chút mà thôi.

Vì vậy, thầy mong sau kỳ nghỉ ngơi lấy sức, con thật sự nhìn nhận bản thân còn thiếu gì, thì hãy tiếp tục xây dựng những
thói quen học tập tích cực. Bởi lẽ thế giới sẽ không có nhiệm vụ đánh thức những người ngủ quên trong chiến thắng đâu, vì
có quá nhiều người đã, đang và sẽ như thế – ngủ quên trong chiến thắng và khi thức tỉnh thì đã hơi muộn màng.

2. Thất bại chỉ là dấu phẩy, không phải chấm câu.

Gởi con, nếu hôm nay con thi trượt, những sẻ chia nỗi buồn. Tất nhiên thầy không thể nào hiểu hết cảm giác và nỗi lòng của
con trong thời điểm này, vì thầy không trong tình huống của tụi con. Nhưng có một điều thầy có thể chắc chắn với tụi con: Ít
có nỗi buồn nào mà bác sỹ Thời Gian không thể chữa lành.

Con muốn khóc thì cứ khóc cho thật đã con nhé. Đừng giấu nhẹm trong lòng chi cho mệt. Con xứng đáng và con cần được
khóc. Nếu có ai mà con đủ tin tưởng và cảm thấy thoải mái ở bên, thì cứ mượn bờ vai của họ mà khóc nhé. Nó sẽ làm cho
con dễ chịu và bớt lạnh lẽo hơn nhiều đấy.

Nhưng khi nước mắt đã tạnh, thầy mong con nhìn lại chặng đường vừa qua, con đã nỗ lực như thế nào. Thậm chí thầy tin là
có khi con đã nỗ lực hơn cả những bạn thi đỗ. Và thầy mong con hãy tự hào về bản thân vì những nỗ lực ấy. Nó không vô
giá trị đâu con nhé, bất chấp kết quả thi hôm nay.

Bởi vì những nỗ lực ấy, thầy tin, đã dạy cho con nhiều điều hơn là kết quả. Nó chứng minh cho con thấy là dẫu khó và hôm
nay không được khả quan, nhưng tinh thần “chiến đấu” hết mình vì một mục tiêu không phải là thứ dễ có trong đời. Và nếu
con tin thầy, thầy mong con cũng ghi nhớ điều này: Thường thì thất bại ở đời sẽ dạy cho chúng ta nhiều điều hơn là thành
công.

Ít ra có một điều mà thất bại dạy cho chúng ta mà thành công không tài nào dạy được: cảm giác thất bại và kinh nghiệm đi
qua thất bại – và thầy tin là con chắc chắn sẽ bước qua thất bại. Khi đó, hệ miễn dịch thất bại của con cũng cứng cáp hơn.

Mai kia, khi những thất bại khác kéo đến – và chắc chắn là chúng sẽ đến với con và cả những bạn thi đỗ hôm nay – thì có
thể là con sẽ đương đầu và vượt qua nó tốt hơn một tẹo, nhanh hơn một chút so với các bạn thi đỗ hôm nay.

Thất bại nào cũng có 2 lát cắt: một lát cắt chính là bản thân sự thất bại, và một chính là cách chúng ta ứng phó với nó.
Chúng ta không thể kiểm soát lát cắt đầu, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát lát cắt thứ hai. Vì vậy, thầy mong con hãy dành
thời gian để hiểu rằng con đường phía trước – dù con học ở ngôi trường nào đi nữa – thì những thói quen học tập tích cực
vẫn cần xây dựng.
Và thế giới sẽ không cần đánh thức con, bởi lẽ hôm nay con đã, đang và sẽ… thức tỉnh, để hiểu rõ mình sẽ làm gì khi một số
người khác đang ngủ quên.

3. Khiêm tốn & Tự tin.

Nếu hôm nay con thi đỗ, thậm chí là vào được trường nhất nhì thành phố và thủ khoa hay á khoa, thầy mong con hãy để cho
sự khiêm tốn của mình tỷ lệ thuận với kết quả của con nhé. Đừng để cái tôi của mình làm lu mờ sự khiêm tốn ấy.

Thầy mong con hiểu rằng sẽ có vài học sinh thi đỗ trường xịn sò ngày hôm nay mai kia lên đại học và ra đời chưa chắc đã
tiếp tục thành công. Bởi vì chính họ quên rằng kết quả hôm nay chỉ là một điều tức thời và chưa chắc đồng nghĩa với sự
xuất sắc đích thực. Chỉ khi nào khiêm tốn, chúng ta mới nhìn rõ được con đường phía trước bản thân cần phải làm gì tiếp
tục. Bởi thế giới ngoài kia to rộng lắm.

Nếu hôm nay con thi trượt và chỉ vào một ngôi trường thường thường trong cách nhìn của nhiều người, thầy mong con hãy
tự tin bước tiếp. Đã có nhiều con người “thường thường” đến từ những ngôi trường và vùng đất “thường thường”, sau vài
năm, lại qua mặt những ngôi sao sáng hôm nay. Bởi vì họ hiểu được rằng kết quả hôm nay và tên trường không phải là tấm
giấy thông hành chắc nịch cho con đường tương lai.

Nếu con kết hợp được Khiêm Tốn và Tự Tin, ghim chúng ở trong lòng, thì thầy tin rằng dù hôm nay kết quả thế nào đi nữa,
con đường phía trước vẫn rất to rộng cho con bước đi. Vì chính con đã vượt qua được bản thân mình và những cái nhìn tủn
ngủn, hời hợt của người đời về Đỗ – Trượt.

4. Ở đời còn có nhiều thứ hơn vài môn thi.

Có lẽ gần một năm qua, con tập trung hấu hết vào 3-4 môn thi, và chúng như là tất cả vũ trụ trong đầu óc con. Nhưng giờ
đây, khi kỳ thi đã đi qua, thầy mong con hãy gỡ mắt ra khỏi vài môn thi ấy và nhận ra rằng thế giới, cuộc sống còn có nhiều
thứ để theo đuổi ngoài những môn học ấy. Và có thể ở những thứ khác kia, con chưa biết gì mấy và cũng chưa thật sự giỏi.

Vì lẽ đó, thầy mong con dành thời gian để xây dựng mình ở những phương diện khác, chứ đừng chỉ lại chăm chú vào thành
quả hôm nay và nghĩ rằng đó là tất cả.

Con có biết rằng vài á khoa, thủ khoa thậm chí con không tự chăm sóc nỗi một bữa cơm cho mình khi đi du học?

Con có biết bao nhiêu học sinh chuyên chọn giỏi xử lý đề thi thậm chí còn không quản lý được cảm xúc của bản thân?

Con có biết là bao nhiêu học sinh luyện thi trung tâm, gia sư mấy năm qua nhưng ra đời không thể nào tự luyện được cho
mình một kỹ năng mới?

Con có biết là bao nhiêu điểm 9–10 hôm nay thậm chí còn không biết mấy về thế giới rộng lớn ngoài kia và chiều sâu của
lòng người?

Thế giới to rộng lắm, cũng giống như con bước từ một vũ trụ này sang những vũ trụ khác vậy. Mong là con hãy mở rộng
lăng kính nhìn cuộc sống và thế giới của mình ra, con nhé. Vì khi đó, thầy tin con sẽ còn lớn hơn nhiều nữa.

5. Trân trọng & Biết ơn

Ngày hôm nay, dù kết quả thế nào đi nữa, thầy mong rằng sau khi những cảm xúc mãnh liệt – dù là tích cực hay tiêu cực –
lắng xuống, con có thể bình tâm nhìn lại xung quanh mình và chặng đường dài vừa đi qua. Để nhận ra ai là những người đã
nắm tay con, lẳng lặng đứng sau lưng và ngắm nhìn con, để cùng con đi qua những ngày tháng khó khăn vừa qua nhé.

Ai là người mà khi con chán chường, mệt mỏi lại âm thầm làm chút gì đó cho con thêm vui – một món ăn, buổi đi chơi,
món quà hay đơn giản pha trò cho con cười?

Ai là người mà khi con cáu kỉnh, tức giận thì lại nhún nhường, không tính toán để cho con trút xả cảm xúc bốc đồng, rồi họ
bước ra khỏi phòng để con tĩnh tâm mà thật ra trong lòng họ còn trĩu nặng hơn con?

Ai là người mà khi con thấy mình yếu kém, muốn bỏ cuộc thì lại động viên, trò chuyện để con thêm chút tin tưởng vào bản
thân, dẫu tận sâu trong lòng, họ cũng không nhiều tự tin cho lắm?

Ai là người mà khi con cắm cúi học hành, sách vở thì lại lo cho con miếng ăn, đi lại, ngủ nghỉ dẫu công việc và áp lực mà
họ đang gánh gồng nơi công sở có khi còn nặng đô gấp chục lần so với những gì con đang trải qua?

Ai là người mà khi con dỗi hờn vu vơ thì lại mỉm cười, cho qua và vẫn chăm chút cho con mỗi ngày, không hề vơi đi mối
quan tâm, mà có khi họ còn chưa có thời gian để gỡ rối cho chính cõi lòng và những cảm xúc của riêng họ?

Rất dễ để bản thân chúng ta, trong thời khắc thành công hay thất bại, chỉ nghĩ về chính mình và cho chính mình, mà quên đi
rằng có những người cần được ghi nhận và cảm ơn. Dù là con đỗ hay trượt, thì những người đó cũng cần một lời cảm ơn và
những hành động trân trọng từ con. Vì thời gian qua, họ không sống cho mình nhiều bằng việc họ sống cho con.

Và khi con nhận ra điều đó, thầy mong con đừng để những cảm xúc trân trọng ấy đứng khựng lại ở trong lòng. Mà thay vào
đó, bằng cách này hay cách khác, hãy bày tỏ sự trân trọng và biết ơn ấy ra ngoài một cách thật tâm và chân thành, con nhé.

Đừng nghĩ rằng chúng ta có nhiều thời gian để làm điều đó trong cuộc đời. Thế nên, đừng ngượng miệng nói ra và đừng
ngại hành động thể hiện. Vì có lẽ con không hiểu rằng đôi khi chỉ là một lời nói, hành động từ con – dù là hôm nay con đỗ
hay trượt – cũng làm cho họ được hạnh phúc biết bao, khi họ nhìn thấy con… trưởng thành và biết quan tâm.

-----

Cuộc sống tươi đẹp hay đen tối, tất cả chỉ là một nút công tắc trong cách nghĩ. Điều này cũng giống như chế độ điều chỉnh
photoshop: một cú click nút trắng đen sẽ hóa tất cả màu sắc rực rỡ thành xám trắng đen, một cú click nút phục hồi thì mọi
thứ lại trở về những sắc màu tươi nguyên.

Đơn giản vậy thôi, tốt hay xấu là do chính mình quyết định, từ suy nghĩ đến hành động. Dù tương lai có tốt hơn thực tại và
ký gởi cho chúng ta hy vọng, hay u ám hơn và bỏ bom nhiều bối rối lẫn lo âu, thì cả hai cũng chỉ là phiên bản trong trí
tưởng tượng của chúng ta, không hề có thực.

Điều duy nhất thật sự tồn tại là thời điểm ngay lúc này, và điều chúng ta có thể làm là dốc hết sức mình, để cái thực tại ấy
đáng sống – vì ta cũng chỉ sống mỗi thời khắc của cuộc đời đúng một lần thôi. Và vì vậy, tụi con hãy tiếp tục học, học với
trọn niềm tin và tận cùng của đam mê, để chứng minh với bản thân là con đường mình đi không chỉ do cái tên trường hay
cái mác người khác gắn lên.

Chính mình quyết định con đường mình sẽ đi, dù hôm nay là “thành” hay “bại”, con nhé. Thầy tin con sẽ nhìn được con
đường tươi sáng để đi, dẫu hôm nay con cười hay khóc, vì con đường luôn ở phía trước, đợi chờ bàn chân của những người
bản lĩnh.

Phía trước mắt của mỗi cánh chim, dù nó đang bay cao hay lượn thấp, đều vẫn là biển rộng trời cao. Sải cánh tung bay hay
ngập ngừng bám víu bờ, người quyết định không ai khác ngoại trừ... cánh chim - là chính con đó.

3. GỬI TẶNG CON ĐÃ TRƯỢT NGÔI TRƯỜNG MƠ ƯỚC


Vì đã có quá nhiều lời tung hô những sĩ tử thi đỗ tràn ngập muôn nẻo (thầy vẫn mừng cho các bạn ấy), hôm nay thầy lại
muốn dành thời gian để gởi lời chúc mừng đến những bạn… thi trượt ngôi trường/ lớp học mơ ước.

Bởi vì con cũng đã cố gắng hết sức. Bởi vì con đã gặp gỡ và “làm bạn” với thất bại đầu đời của mình sớm hơn những người
khác. Và bởi vì thi trượt hôm nay sẽ giúp con nhận ra thật nhiều điều mà lâu nay vì bận học quá, con chưa có dịp để… nhìn.

Thầy gởi con vài gợi ý nhé. Tin hay không, thầy mong là thời gian sẽ từ từ trả lời cho con tất cả, miễn là con tiếp tục cố
gắng sải cánh bay. Không rụt rè, ngừng oán trách, và bớt than vãn.
1. Khóc được thì khóc cho đã đi

Con muốn khóc thì cứ khóc cho thật đã con nhé. Khóc cho hết cái đống bùi nhùi lùm xùm trong người. Đừng giấu nhẹm
trong lòng chi cho mệt. Nặng nề lắm. Con xứng đáng và con cần được khóc. Nếu có ai mà con cảm thấy thoải mái ở bên, thì
cứ mượn bờ vai của họ mà khóc nhé. Nó sẽ làm cho con dễ chịu và bớt lạnh lẽo hơn nhiều đấy.

2. Nhìn lại chặng đường đã đi

Nhưng khi nước mắt đã tạnh, thầy mong con nhìn lại chặng đường vừa qua, con đã nỗ lực như thế nào. Thậm chí thầy tin là
có khi con đã nỗ lực hơn cả những bạn thi đỗ. Và thầy mong con hãy tự hào về bản thân vì những nỗ lực ấy. Nó không hề vô
giá trị đâu con nhé.

Những nỗ lực ấy đã dạy cho con nhiều điều hơn là kết quả. Tinh thần “chiến đấu” hết mình vì một mục tiêu không phải là
thứ dễ có trong đời. Vẫn có khối người lớn bỏ cuộc và biếng lười, mới xông trận, chưa làm gì mà đã rút lui rồi đó con. Và ít
ra là con đã không rút lui.

3. Thi trượt làm con “khỏe” hơn rồi đó

Thường thì thất bại ở đời dạy cho chúng ta nhiều điều hơn là thành công. Ít ra nó dạy cho chúng ta một điều mà thành công
không tài nào dạy được: cảm giác “cay đắng” của thất bại và kinh nghiệm đi qua thất bại. Khi đó, hệ miễn dịch tự nhiên của
con với thất bại cũng khỏe hơn rồi đó.

Mai kia, khi những thất bại khác kéo đến – và chắc chắn là chúng sẽ đến với con và cả những bạn thi đỗ hôm nay, càng ngày
càng đông, càng to, càng nặng, càng khó đỡ – thì có thể là con sẽ đương đầu và vượt qua nó tốt hơn một tẹo, nhanh hơn một
chút so với các bạn thi đỗ hôm nay.

4. Đừng để thất bại “thứ hai” ló mặt

Thất bại nào cũng có 2 lát cắt: một lát cắt chính là bản thân sự thất bại, và một chính là cách chúng ta ứng phó với nó.
Chúng ta không thể kiểm soát lát cắt đầu, nó đến thì đã đến rồi, nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát lát cắt thứ hai. Thất bại
thứ hai có đến hay không là do cách nhìn của con.

Mong con hãy dành thời gian để hiểu rằng con đường phía trước – dù ở ngôi trường nào đi nữa – thì những thói quen học
tập và cách nghĩ, cách sống tích cực vẫn cần xây dựng, duy trì. Chỉ cần như vậy, thất bại thứ hai của thi trượt hôm nay đã
không có cơ hội ló mặt rồi.

5. Tự tin bước tiếp bằng bản lĩnh

Nếu hôm nay con thi trượt và chỉ vào một ngôi trường thường thường trong cách nhìn của nhiều người, thầy mong con hãy
tự tin bước tiếp. Cách nhìn của nhiều người ở đời ít khi nào đúng lắm, vì đôi khi chính họ cũng không hiểu sự đời lắm đâu.

Đã có nhiều con người “thường thường” đến từ những ngôi trường và vùng đất “thường thường”, sau vài năm, lại qua mặt
những ngôi sao sáng hôm nay. Bởi vì họ hiểu được rằng kết quả hôm nay và tên trường không phải là tấm giấy thông hành
chắc nịch cho con đường tương lai. Và cũng có không ít người thi đỗ trường xịn mai kia lại buông tay, từ từ tụt dốc đi
xuống, vì có lẽ họ ngủ quên hơi lâu.

Thi trượt, thất bại nó rèn cho mình cái bản lĩnh và dũng khí kinh khủng lắm, đặc biệt trong thời buổi mà người người nhà
nhà thích săm soi, chỉ chăm chú tung hô thành công và "bĩu môi" trước thất bại. Bản lĩnh, dũng khí đạp lên những cái bĩu
môi, đánh giá ấy để mạnh mẽ bước tiếp là thứ mà không phải ai thi đỗ cũng có được.

6. Theo đuổi những thứ ngoài thi cử


Có lẽ gần một năm qua, con tập trung hấu hết vào 3–4 môn thi; chúng hầu như chiếm trọn giờ mở mắt và đôi khi là cả giấc
ngủ của con. Nhưng giờ đây, thầy mong con hãy gỡ mắt ra khỏi vài môn thi ấy và nhận ra rằng thế giới, cuộc sống này còn
có nhiều thứ đáng để theo đuổi ngoài những môn học ấy.

Thể thao, âm nhạc, hoạt động học sinh, đọc sách, viết lách, tranh biện, đi làm từ thiện, hay phụ giúp công việc gia đình,
"thực tập sương sương không lương"…, làm được gì thì con nên làm, và đã làm thì làm hết mình vào con nhé. Những việc
này dạy con nhiều thứ lắm, không có trong mấy môn học và đề thi kia đâu.

Đừng chỉ lại chăm chú vào thành quả hôm nay và nghĩ rằng đó là tất cả. Nó tuyệt đối không phải là tất cả, con nhé. Còn ai
khẳng định kết quả đó là tất cả thì thầy tin qua thời gian, con sẽ chứng minh là họ đã sai.

7. Trân trọng những gì con nhận được

Khi những cảm xúc tiêu cực lắng xuống, con thấy nhẹ lòng hơn, thì mong con có thể bình tâm nhìn lại xung quanh mình và
chặng đường dài vừa đi qua. Để nhận ra ai là những người đã nắm tay con, lẳng lặng đứng sau lưng và ngắm nhìn con, để
cùng con đi qua những ngày tháng khó khăn vừa qua nhé.

Có thể cách bố mẹ nói chuyện, đặt kỳ vọng đã làm con khó chịu và áp lực, nhưng thầy mong con hiểu rằng tất cả cũng chỉ
xuất phát từ tình thương – tuy cách thể hiện nhiều lúc chưa hợp lý lắm. Dù hôm nay con trượt, thì họ cũng cần một lời cảm
ơn và những hành động trân trọng từ con.

Vì thời gian qua, họ không sống cho mình nhiều bằng việc họ sống cho con – và họ sẽ vẫn tiếp tục sống cho con cả đời đó
con.

-----

Cuộc sống tươi đẹp hay đen tối, tất cả chỉ là một nút công tắc trong cách nghĩ. Đơn giản vậy thôi, tốt hay xấu là do chính
mình quyết định, từ suy nghĩ đến hành động. Dù tương lai có tốt hơn thực tại và ký gởi cho chúng ta hy vọng, hay u ám hơn
và bỏ bom nhiều bối rối lẫn lo âu, thì cả hai cũng chỉ là phiên bản trong trí tưởng tượng của chúng ta, không hề có thực.

Điều duy nhất thật sự tồn tại là thời điểm ngay lúc này, và điều chúng ta có thể làm là dốc hết sức mình, để cái thực tại ấy
đáng sống. Và vì vậy, tụi con hãy tiếp tục học, học với trọn niềm tin thuần khiết như những đứa trẻ cứ cầm bút lên là vẽ, vỗ
tay là hát, thấy cái gì lạ lạ là hỏi, cứ té là đứng dậy để đi tiếp.

Chẳng có đứa trẻ nào đang tập đi, té chục lần rồi tự bảo: Thôi té nhiều đau quá, không tập đi nữa cả. 100 trên 100 đứa trẻ
vẫn sẽ chống tay, đứng dậy, tập đi tiếp mà chẳng biết là mình có té nữa không, và cũng chẳng quan tâm có ai cười chê, xét
nét. Và con cũng đã từng là một đứa trẻ như thế, chống tay, đứng dậy và bước tiếp. Hân hoan, rạo rực và bất chấp.

Chính mình quyết định con đường mình sẽ đi, dù hôm nay là “thành” hay “bại”, con nhé. Thầy tin con sẽ nhìn được con
đường tươi sáng để đi, dẫu hôm nay con cười hay khóc, vì con đường luôn ở phía trước, đợi chờ bàn chân của những người
bản lĩnh.

Phía trước mắt của mỗi cánh chim, dù nó đang bay cao hay lượn thấp, đều vẫn là biển rộng trời cao. Sải cánh tung bay
hay ngập ngừng bám víu bờ, quyền quyết định không phải nằm ở sóng gió, mà là ở chính con đó.

Nhân vật Peter Pan có nói: "Thời khắc bạn nghi ngờ liệu mình có thể bay, tức là bạn đã dừng bay mãi mãi".

Vậy nên, đừng quá nghi ngờ, "tra tấn hạ thấp" bản thân con nhé. Con có thể bay, và con sẽ bay. Chỉ cần con không ngừng
tập bay, như con đã từng, vẫn đang và sẽ mãi.

4. DÙ BƯỚC VÀO TRƯỜNG NÀO, CON HÃY NHỚ HAI TỪ CẢM ƠN


Mỗi năm, từ cuối xuân vắt sang cuối hè, là thời điểm mà học sinh cấp 3 có kết quả nộp đơn du học, học sinh cấp 2 thi vào
cấp 3, học sinh cấp 3 chạm cửa đại học hoặc gác lại giấc mơ thêm một năm. Đó cũng là lúc bùng nổ bao câu chuyện buồn
vui, nước mắt, nụ cười, hân hoan và chán nản, thất vọng đan cài trong hoài bão.
Đó cũng là lúc mà cảm xúc của bản thân cứ lên lên xuống xuống theo câu chuyện của từng đứa học trò, dù là trực tiếp dạy
hoặc chỉ tình cờ đọc trên mạng câu chuyện của bạn trẻ nào đó. Đó cũng là lúc muốn nói thật nhiều với lũ trẻ, nhưng thật ra
có cố cách mấy, cũng chẳng nói được hết những điều muốn nói. Câu chữ không bao giờ theo kịp và cân tải được cảm xúc.
Thôi thì cứ mượn tạm vài dòng, chia sẻ được cái gì thì chia sẻ.

Hôm nay muốn chia sẻ với tụi con về hai từ Cảm Ơn, bởi vì trong bộn bề cảm xúc va đập búa lua xua, đôi khi con – và cả
chính nhiều người lớn – cũng thường hay quên hai chữ Cảm Ơn đơn giản nhưng lại rất sâu sắc này.

ĐỪNG QUÊN CẢM ƠN NHỮNG NGƯỜI NÀY

Dù hôm nay kết quả thế nào, dù con “thành công” hay “thất bại” theo cách nghĩ của người đời và của con, dù con buồn hay
vui, hân hoan hay chán chường, dù con bước vào trường top trong mơ hay trường thường thường, dù con đang ăn mừng
cùng gia đình bè bạn hay chui vào một góc nào đó để khóc thầm, dù con tiếp tục bước tiếp hay tạm dừng một năm để viết
tiếp ước mơ, thì thầy cũng mong con:

... hãy cảm ơn ngôi trường đã nhận con - dù đó có thể không phải là lựa chọn số 1-2 trong mơ của con. Nhưng con hãy
nhớ đó vẫn sẽ là nơi để con tiếp tục có cơ hội phấn đấu, nỗ lực hoàn thiện bản thân một ngày. Và thầy tin là ở đó, dù có
nhiều thứ chưa bằng những ngôi trường xịn sò top 1-2, nhưng con vẫn sẽ tạo ra nhiều kỷ niệm và ký ức đẹp của cuộc đời.
Chỉ cần con chịu NHÌN để thật sự... THẤY.

... hãy cảm ơn những cô giáo từ thời con học nhà trẻ mẫu giáo, đã chăm chút cho con miếng ăn, giấc ngủ từ những ngày
đầu con chập chững bước ra khỏi vòng tay của ba má – những người cô mà có thể giờ đây con chẳng còn nhớ tên hay mặt
mũi, dáng vóc.

... hãy cảm ơn những thầy cô dạy con lớp 1, 2, 3,... đã dạy cho con từ cách cầm bút, tập chữ, phát âm, đọc bài cho đến
làm Toán, viết Văn – những người rất âm thầm với đồng lương chưa chắc khá giả, mà có thể giờ đây con đã phần nào quên
đi họ.

... hãy cảm ơn những thầy cô dạy con cấp 2, cấp 3 vì họ đã thay phiên nhau, liên tục và cần mẫn vun xới, bồi đắp bao
nhiêu kiến thức và kỹ năng cho con, để con có đủ vốn liếng học thuật mà ra biển lớn. Đó là những người mà có thể con sẽ
rất ít khi gặp lại, hoặc có thể sẽ không bao giờ gặp lại vì có người đã đi thật xa, xa lắm.

... hãy cảm ơn bạn bè, người quen đã cho con rất nhiều cuộc trò chuyện và hoạt động cùng nhau, để con có một vốn sống
đong đầy, những trải nghiệm sống đáng quý mà chỉ một người đơn lẻ sẽ không bao giờ có thể tạo ra. Họ là những người đã
bước vào và đi ra khỏi cuộc sống của con, dù ngắn hay lâu, dù vui hay buồn, dù vô tình hay hữu ý, đều đã để lại một bài học
cho con.

... hãy cảm ơn hai người đã luôn luôn bên con, lúc con vui, con buồn, con giận, con hờn, con khóc, con cười, con ước mơ
hay chán chường, hy vọng hay tuyệt vọng, con khỏe hay con ốm, con ở gần hay đi xa, lúc con nhỏ cũng như mai này khi
con tóc bạc... để con có được một quá khứ, một hiện tại và một tương lai - hai người mà chỉ có hai tiếng đẹp nhất, yêu nhất
mới xứng đáng dành cho họ: Ba & Má.

... con hãy cảm ơn thêm một người nữa, con nhé. Đó là chính con! Những gì con có được ngày hôm nay đều do chính
con bỏ nhiều thời gian, công sức, trí óc, con tim, tâm tư và tình cảm mới có được. Giờ đây, khi con chuẩn bị bước ra biển
lớn và mọi người không ở cạnh bên con, con sẽ rất cần bản thân mình đấy. Hãy nhớ những gì bản thân con đã làm để giúp
con đến được hôm nay, và cứ thế mà tiếp tục phát huy, con nhé.

GIỮ TÂM THẾ CỦA MỘT CHÀNG DAVID

Thầy cô đồng hành cùng con năm cuối cấp ở chặng đường “về đích” có thể là người giúp con đặt chân lên con thuyền ra
biển lớn, nhưng chính bao nhiêu con người ấy mới là những người nhẫn nại suốt bao nhiêu năm qua dìu con đi từ nhà ra
phố, đi từ đất liền ra bãi biển rộng, rồi mới đến lượt thầy giúp con lên thuyền.
Ra biển lớn, dù con vào trường số 1-2 hay trường xếp hạng 100- 200, con hãy luôn là chàng David thân bé nhỏ nhưng tâm
và trí không nhỏ giữa rừng khổng lồ Goliath, con nhé.

Vì chỉ khi con vẫn nghĩ mình là David, vẫn giữ vững bản thân trước những cái choáng ngợp và đồ sộ, con mới luôn tiến
bộ mỗi ngày, để những gì con đạt được hôm nay sẽ tiếp tục đến với con ngày mai, và có thể còn hơn thế nữa.

Vì vậy, nếu con vẫn nghĩ mình là David chứ không phải Goliath, con hãy cảm ơn... tất cả, con nhé. Những gì thầy cô cuối
cấp, luyện thi cho con đã làm 1-2 năm qua cho con là rất ít, so với những gì bao nhiêu con người ấy đã làm cho con mười
mấy năm qua và cả mấy mươi năm sau.

Hãy cảm ơn họ. Nếu không trực tiếp được, vì bất kỳ lý do gì, thì hãy dành ít phút giây để nghĩ về họ. Họ rất xứng đáng được
vài giây phút ấy của con, so với khoảng thời gian họ đã, đang và sẽ dành cho con, để hôm nay con mới có thành công và có
dịp để... cảm ơn.

“Cảm ơn!”, tức là “Thank you!” đó con. Hai từ ấy tưởng chừng đơn giản lắm nhưng lại rất khó khăn, dễ mà khó, khó mà dễ.
Nhưng hai chữ ấy sẽ làm thế giới tốt đẹp hơn và cuộc sống của con thật sự đáng để sống, dù chúng ta chỉ sống có một lần.

Nhận được gì, con hãy cho đi nhé.

NHỚ RÓT ĐẦY YÊU THƯƠNG VÀO TIM

Trước mỗi chuyến đi xa, con hãy nhớ dành thời gian thật lâu và đủ sâu để thật sự cảm cái nơi mà con gọi là Nhà & Quê.

Ở đó, con sẽ tìm thấy những điều kỳ diệu ở mọi lúc, mọi nơi: đi chợ cùng Má để chọn lựa cá mua rau, được cùng Ba thăm
viếng nơi an nghỉ của tổ tiên ông bà, được ngồi ăn bữa cơm đạm bạc ngon lành bên gia đình, được tán chuyện cùng bạn bè
bên ly cà phê, hoài niệm những ký ức tuổi thơ đánh bài quẹt lọ, trèo cây chọi phượng, trêu đùa ghép đôi, tìm lại một phần
của mình được “hóa thạch” nguyên vẹn bao nhiêu năm ấy...

Thời gian sẽ trôi qua cái vèo, càng ngày rồi càng sẽ càng chỉ nhớ và thèm những cái vụn vặt, đơn giản vậy thôi.

Nhà và Quê đã cho con một nền tảng và khởi đầu tốt – dù hôm nay con “thành” hay “bại”, nhưng con hãy dùng những điều
mà Nhà và Quê đã cho con để tiếp tục bơi ra biển lớn, mạnh mẽ và không nản lòng, và dẫu có gì, con hãy nhớ Nhà luôn chờ
con về.

Mai kia, có thể con sẽ đi thật xa, bay thật cao nhưng mong là lúc nào con cũng biết tìm về nơi bắt đầu, là Nhà và Quê.

Kiến thức, tư duy và kỹ năng sẽ giúp con sải cánh vươn xa, nhưng chỉ có yêu thương mới giúp con nhớ đường quay về.
Yêu thương sẽ giúp một con đại bàng kiêu hãnh cũng dịu dàng với chính những người thân quen.

Và yêu thương sẽ giúp con dẫu có sang giàu vẫn tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời trong những điều giản dị, đời thường nhất,
để thế giới của con bớt vô nghĩa hơn. Để trong trái tim mỗi đứa tụi con đều có bóng dáng của yêu thương, giúp con luôn là
mình, biết nẻo quay về, biết sống với những gì tinh khôi nhất của thuở bé, biết chân thành nói hai từ “Cảm ơn!”.

Những hành trang tinh thần vô giá ấy sẽ giúp mỗi con dám vững vàng chọn lối sống bớt danh vọng và thêm yêu thương.
Cuộc sống đó sẽ rất dễ thương và đáng sống, thầy mong và tin vậy.

[Nghiện giấc mơ | Bơ lối mòn]

5. VÀO ĐẠI HỌC/ DU HỌC, TỤI CON HÃY NHỚ NHỮNG ĐIỀU TƯỞNG NHỎ MÀ LỚN
NÀY NHÉ
Mỗi năm đến đợt này, với kết quả du học của tụi con – cũng như với nhiều bạn chọn con đường ở lại trong nước – thầy
muốn nói rất rất nhiều điều với tụi con lắm.
15 năm qua, đã chứng kiến thật nhiều câu chuyện của bao nhiêu đứa rồi, mỗi đứa một con đường, một cách đi, cách sống và
con đường trưởng thành, vui buồn, thành bại khác nhau. Lần nào cũng muốn nói thật nhiều, nhưng chưa bao giờ cảm thấy là
đủ cả. Chắc là cũng bắt đầu già lẩm cẩm rồi. ^_*

Thế nên, cứ theo lệ, dẫu công việc bộn bề, năm nay cũng dành thời gian viết "một chút" gì đó. Vài điều có thể là mới với
một số bạn, nhưng có lẽ nhiều điều đã là chuyện “nghe hoài – nghe mãi – nghe suốt rồi” với nhiều bạn khác. Nhưng thầy
mong, tụi con hãy đọc, ngẫm và thấm, vì thầy tin rằng những điều này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ là thừa thãi cả.

Chỉ mong con đường phía trước của tụi con sẽ chắc chắn hơn, mạnh mẽ hơn, bản lĩnh hơn và khai thác lẫn thật sự sống
những năm tháng đại học tốt nhất có thể.

1. Khởi đầu không bằng bước tiếp

Nhận kết quả xong, con có thể vui sướng tột cùng, hoặc buồn bã chấp nhận một nơi tàm tạm, hoặc tạm gác thêm một năm
để thử sức lại. Dù là gì, hãy nhớ nhé: Tất cả chỉ là khởi đầu. Khởi đầu này có thể có tí liên quan tới thành bại, vui buồn sau
này, nhưng nó chưa bao giờ là yếu tố chủ đạo và quyết định.

Đi tiếp thế nào mới là quan trọng, và tương lai vẫn đang rục rịch tiến hóa từng giây phút, phụ thuộc vào những gì con
làm tiếp sau đó và cách con bước đi.

2. Quản lý tự do

Bước vào đại học, và đặc biệt đi du học, là một bầu trời tự do: tự do về thời gian, về lối sống, chẳng ai quản lý hay thúc
giục, càm ràm, lải nhải; con muốn làm gì, ăn gì, đi với ai, ngủ nghỉ ra sao thì tùy con.

Sự tự do này sẽ rất mới mẻ và thú vị, đầy cám dỗ lắm đó. Nó có nhiều lợi ích lắm, nhưng nó cũng có cái giá của nó. Và
đôi khi cái giá phải trả là rất đắt và con sẽ không nhận ra nó cho đến khi con “phóng vèo” qua 4 năm, bước vào đời.

Vì thế, có lẽ quan trọng nhất của thời đại học là quản lý sự tự do này. Thời gian và năng lượng của con nên có một danh
sách thứ tự ưu tiên nhé. Ngày xưa, khi đi thầy đi du học năm 17 tuổi – cũng là lần đầu tiên bước ra thế giới, ba má có đưa
cho thầy một bức ảnh gia đình, viết tay vài dòng căn dặn. Ngay dòng đầu tiên, ba má thầy ghi: Giữ gìn sức khỏe và học là
trên hết, Ri nhé.

3. Tự bơi, tự học

Vào đại học, con sẽ chẳng có ai nhắc nhở con như các thầy cô thời cấp 3 đâu. Con phải tự bơi đó. Và khi tự bơi, con đừng
nghĩ rằng sẽ có ai đó đứng trên thuyền, nhìn con bơi rồi tự nhảy xuống cứu con.

Đại học và cuộc sống có rất nhiều nguồn lực. Hãy luôn có ý thức, động lực để đi tìm và khai thác triệt để các nguồn lực đó.
Quan trọng ai là người khôn để đi “cào cấu” các nguồn lực tốt nhất có thể, như con một sư tử đói đi tìm miếng thịt tươi.

Thế giới và cuộc đời ngoài kia không có nhiều chỗ cho những con người thụ động, ngồi chờ sung rụng đâu con nhé. Tự
học, tự học và tự học.

4. Xây dựng người chữ T

Học là ưu tiên trên hết, nhưng cũng đừng chỉ ru rú bên sách vở. Có nhiều thứ để trải nghiệm lắm: hoạt động ngoại khóa, câu
lạc bộ, các thử thách, thực tập, việc làm thêm, network,… Nhưng đừng ôm đồm, nhảy cóc một rừng hoạt động. Hãy chắt
lọc.

Nhìn vào bản thân mình và thấy mình thiếu kỹ năng gì, thì hãy chọn trải nghiệm nào giúp con khắc phục kỹ năng đó nhé. Sẽ
là một điều rất dở nếu con đi qua 4 năm đại học và chỉ có một tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi, nhưng toàn bộ kỹ năng mềm
của con vẫn ngang lè phè như trước khi con bước vào đại học.

Thế giới đang rất cần những người chữ T – thanh dọc là kiến thức và kỹ năng chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó; còn thanh
ngang chính là độ rộng trong kiến thức ở các khía cạnh khác và kỹ năng mềm.

Để ra trường, có thể con không làm đúng chuyên ngành – cũng không sao cả, nhưng con có đủ kiến thức và kỹ năng nền
để nhảy sang một việc khác và vẫn rất thành công.

5. Mỗi ngày nhâm nhi vài trang sách

Con có biết bao nhiêu sinh viên đi qua thời đại học và thậm chí còn không đọc xong được một cuốn sách nào, ngoài những
cuốn giáo trình chuyên ngành không? Ừ thì, những bạn đó cũng sẽ tốt nghiệp, vài bạn tốt nghiệp khá giỏi là đằng khác.
Nhưng công việc và cuộc sống lúc nào cũng đòi hỏi không chỉ kiến thức mà còn là cách nhìn của chúng ta về vô số lĩnh vực
chồng chéo, đan cài vào nhau.

Chưa kể, con sẽ gặp rất nhiều biến cố trong cuộc đời, bản nhạc đó lên xuống thất thường lắm. Đôi khi một quyển sách có
thể sẽ “cứu” con nhẹ nhàng đi qua những thăng trầm đó.

Còn nếu vì may mắn, con đường con đi khá êm ái và nhẹ nhàng, thì hãy tin rằng: Đọc một quyển sách cũng sẽ giúp con có
một sức tập trung kinh khủng, hiệu suất làm việc của con cũng đã hơn khối người suốt ngày làm cái gì cũng chỉ có phe phẩy
vài ba nốt nhạc.

Hãy “ép” mình đọc sách, dù khởi đầu có chán nản và khó nhai đến đâu, cho đến khi nào nó thành hơi thở của con, nhẹ
nhàng, sâu lắng và... nghiện sách.

6. Dành thời gian cho bản thân được... tĩnh

Đời sống sinh viên nhiều rầm rập, xập xình như toa tàu lắm đó. Nhiều khi con sẽ không nhận ra là mình bị cuốn theo dòng
chảy quay cuồng ấy đến đâu đâu. Rồi bỗng dưng, khi con đang “tận hưởng” những guồng quay đó, con chợt nhận ra:

Thôi chết, sao thời gian phọt nhanh vậy. Và nhìn lại quãng đường đã đi, con thấy không có nhiều lắng đọng, sâu sắc mà chỉ
là một rừng trăm nghìn mảnh vỡ, mỗi thứ một chút, mau đến mà cũng chóng quên, vui đấy nhưng không để lại nhiều giá trị.

Thầy sợ và lo tụi con cứ như những con “zombies” bị lập trình bởi nhịp sống mà cứ tưởng mình đang kiểm soát cuộc sống
vậy.

Mỗi ngày, dành chút thời gian lắng cho bản thân, xây dựng thói quen tĩnh tâm, phản tư, xem thử một ngày đi qua mình
đã làm được gì, lớn lên được ở một điều nhỏ nhặt nào chưa, và nếu ngày mai chỉ có thể làm một điều thôi, thì đó sẽ là điều
gì. Và sáng mai thức dậy, hãy dốc sức để hoàn thiện điều đó tốt nhất có thể.

Khi đó, tuy con tĩnh lặng và tưởng chừng như chẳng làm gì, nhưng thật ra con đang giúp cho mình lớn hơn nhiều người cả
một cái đầu và bình an hơn phần lớn xã hội này rồi đó.

7. Mở rộng quan hệ nhưng có chắt lọc

Vào đại học, con gặp một thế giới đủ loại người và các mối quan hệ chằng chịt, chồng chéo, rải rác. Mỗi thứ đều có giá trị
cho con, giúp con mở rộng thế giới quan và nếu được khai thác tốt, sẽ giúp con xây dựng kỹ năng giao tiếp và làm việc với
đa dạng loại người. Điều này quý lắm.

Thế nhưng, đừng đi qua thời đại học mà không xây dựng được cho mình một vài mối quan hệ chắt lọc, sâu sắc và chân
thành.
Tất nhiên không có thì cũng chẳng chết ai. Nhưng thầy thấy như vậy nó hơi buồn. 4 năm đi qua mà không có vài đứa bạn
thấu hiểu, sống vì nhau để mai kia ra đời, những lúc lạc lõng và tụt mood thì có thể alô hoặc nhắn tin: Mày ơi, ra café cho
tao xả chút.

Và con biết khi đó, đầu dây bên kia sẽ không do dự mà gật cái rụp, để con an tâm xổ hết những gì trong cái thúng đầy nước
đục của cõi lòng, không do dự và không sợ bị nó đánh giá như nhiều người khác ở đời.

8. Làm bạn với thất bại

12 năm học phổ thông, có thể vì nhiều lý do, con có lẽ được bảo bọc khá kỹ và được “miễn dịch nhân tạo” trước thất bại.
Thầy mong con hãy dùng thời gian đại học để xây dựng hệ miễn dịch tự nhiên đối với thất bại. Và cách duy nhất để làm
được điều đó là cho phép mình thất bại, hoan nghênh thất bại và đi qua thất bại.

Thất bại đầu sẽ đắng họng, xám xịt lắm. Thất bại thứ hai đắng hơn, xám đen hơn. Thất bại thứ ba có thể tệ hơn nữa, hoặc
cũng có thể “sáng sủa” hơn chút… Nhưng điều quan trọng là thái độ, tinh thần và cảm xúc của con với thất bại sẽ đỡ hơn
lần đầu tiên. Và cái tâm thế của con đi qua mỗi thất bại sẽ vừa quyết liệt, lại vừa bình an hơn. Vì những trưởng thành sâu sắc
nhất thường bắt đầu từ thất bại.

Thế nên, có môn học nào thú vị hấp dẫn nhưng con sợ khó, sợ rớt thì thầy khuyên con: Hãy học môn đó và chiến đấu hết
mình với nó. Con sẽ lớn nhanh và nhiều hơn là con nghĩ đó.

9. Khi quá tải, xem lại cái tủ lạnh

Mỗi ngày học đại học là một ngày con sẽ chất vào trong cuộc sống mình nhiều thứ lắm, lớn có, bé có, nặng có, nhẹ có. Nếu
con không để ý thì cũng không sao cả. Nhưng đến một lúc nào đó, mọi thứ quá tải và con cảm thấy mệt mỏi.

Nếu vậy thì hãy tự nhắc là: Có lẽ cái tủ lạnh đã chất đầy quá nhiều thứ, trong đó lắm thứ cũng thừa thãi và thối rữa rồi. Dành
chút thời gian, xem lại mọi thứ từ A đến Z, bỏ tất cả ra khỏi cái tủ lạnh cuộc sống của con. Sau đó, hãy đặt từng thứ lại vào
trong tủ lạnh, từ cái quan trọng nhất và chỉ nên dừng ở con số 4-5 gì đó thôi nhé.

Hồi xưa, vài lần mệt mỏi, thầy cho phép bản thân biến đi đó vài ngày. Sau này, gặp những biến cố lớn trong đời, hoang
mang, mệt mỏi, lạc lõng, thì có khi thầy dành cả tháng trời.

Và đây là những thứ thầy đặt lại trong tủ lạnh của mình – và đến giờ vẫn thế: chuyện học, vài mối quan hệ sâu sắc, 1-2
hoạt động ngoại khóa, và gia đình.

10. Một cuộc gọi không tốn nhưng rất đáng

Bận gì thì bận, nhưng con nhớ thường xuyên gọi về cho ba má nhé, được nữa thì online cho ba má xem cái mặt con mập ốm
thế nào, tóc con dài ngắn ra sao. Con thì chắc bận lắm, nên có thể không nghĩ về ba má nhiều đâu, nhưng hai “em bé lớn
tuổi” đó chắc lúc nào cũng nghĩ về con đó.

Chỉ là vì thương con, nên ba má ngại, không dám gọi con thôi. Mà ba má có gọi con nhiều quá, con có thể cảm thấy phiền
hà, khó chịu thì những lúc đó, thầy mong con cố tự nhủ bản thân là: Ba má chắc nhớ mình lắm. Số lần gọi thường là tỷ lệ
thuận với tình yêu, nỗi lo và nỗi nhớ đó.

Thế nên, con chăm gọi điện về nhà hơn nhé, đôi khi một tuần 1-2 lần thôi là cũng đủ cho ba má con rồi, không nhiều đâu.
Một tiếng “Ba má dạo này có khỏe không?” của con còn hơn một liều thuốc bổ đắt tiền đó và chắc ông bà sẽ nở nụ cười thật
to trên gương mặt, và cả trong lòng. Thêm chia sẻ vài câu chuyện vu vơ của con nơi trời xa, tưởng là bình thường cơm bữa
"nhạt ơi là nhạt" với con thôi, nhưng là hạnh phúc và niềm vui cả tuần của ba má con đó.

Vài phút trong quỹ thời gian một ngày hay một tuần của con thôi, nhưng có lẽ đó là tất cả những gì ba má con cần những
ngày con xa nhà. Thời gian còn lại của ba má không được nhiều như của con đâu.
-----

Tất nhiên con số 10 điều chắc chắn là không đủ. Nhưng thầy cũng không biết là con có đủ kiên nhẫn đọc hết không, hay chỉ
lướt lướt cho qua rồi lại bấm quẹt cái khác. Nếu con có kiên nhẫn và bình an đọc đến đây rồi, thì thầy tặng con thêm điều
cuối cùng này nhé:

Sống mạnh mẽ.


Sống bản lĩnh.
Sống bình an.

Hãy đi tìm những hạnh phúc đích thực của trưởng thành từ những điều bình dị, chân thành, bền vững con nhé. Vì cuộc
đời này đã quá thừa thãi những thứ mì ăn liền, hào nhoáng và chóng đến, vội đi rồi. Bản thân con và cuộc đời con xứng
đáng được nhiều hơn những thứ ấy.

Yêu thương đong đầy. Bình an lắng đọng. Và bản lĩnh bước tiếp, nhé con nhé.

6. CÂU CHUYỆN THUYỀN RA KHƠI


Sáng nay lại… khóc như mưa (có tí xấu hổ ), khi trò chuyện trao giải cho những học sinh nghèo của miền Nam nhận Học
bổng Kiến tạo của Vinschool. Hôm phỏng vấn học sinh miền Bắc đã khóc rồi, mà hôm nay trực tiếp trò chuyện còn khóc
nhiều hơn.

Chả hiểu sao bình thường họp hành, thảo luận, “chặt chém” với quan to chức lớn, hổ hùm báo gấu sư tử đủ kiểu, thì một
giọt nước mắt cũng không rơi, nhưng cứ với những cô cậu bé cấp 2–3 nghèo khó này thì mình cứ chưa mở miệng được đủ 1
câu là đã khóc ròng, cứ như đập xả lũ.

Có lẽ là bởi vì mỗi lần nhìn thấy chúng, mình lại như nhìn thấy một phần của mình ngày xưa – ngây thơ, có chút tự ti, còn
nhiều yếu kém, nhưng rạo rực ước mơ, tràn đầy trong trẻo. Hôm nay ngồi dự lễ trao giải, mình lại còn được nhìn thấy trong
bố mẹ, ông bà chúng… hình ảnh của bố mẹ mình ngày xưa.

Và đây là câu chuyện mà mãi vài phút trước khi lên cầm mic, sau khi nhìn chúng, nghe chúng, cảm chúng cả buổi sáng mới
có thể nghĩ ra để kể cho chúng nghe. Vì nhìn thấy chúng thì lại thấy chính tuổi thơ của mình ùa về… dữ dội.

1. HÃY YÊU NHỮNG ĐIỀU CÓ THỂ

Ngày trước, cứ mỗi lần nhìn các bạn, các anh chị học sinh ở Hà Nội hay Sài Gòn trên tivi trình bày Tiếng Anh, đi du học,
hoặc đi du lịch nước này nước kia là thầy chỉ có ngây ngô hỏi Má thầy: Sao con không được như thế?

Má thầy hỏi lại: Con thích ngắm biển thì con có biết ở ngoài khơi kia là gì không?

Thầy trả lời: Con không biết.

Rồi Má thầy nói tiếp: Má cũng không biết. Và con phải tự đi tìm. Nhưng để đi tìm được, con phải cho phép bản thân mình
YÊU những điều có thể diễn ra ở khơi xa – và ở tương lai. Phải yêu những điều có thể ấy thì mới bỏ công sức, bỏ thời gian
ra làm. Còn không yêu mà chỉ thích vừa vừa, không đủ thì cũng sẽ như bao người khác: làm cho có, làm vừa đủ, làm qua
loa,… Như thế thì con sẽ khó tìm ra được điều gì nằm ở ngoài khơi xa kia lắm.

Để rồi từ đó về sau, “đứa trẻ ngây ngô” trong thầy luôn “ép” bản thân phải "yêu lấy yêu để” và tin vào những điều có thể
diễn ra ở khơi xa, ở tương lai:

- Một ngày nào đó mình sẽ giỏi Tiếng Anh bằng hoặc hơn các bạn ở thành phố lớn.
- Một ngày nào đó mình sẽ được đi du lịch thế giới.
- Một ngày nào đó mình sẽ có học bổng đi du học.
Rồi khi vào đại học, thầy lại bắt đầu yêu những điều có thể khác:

- Tốt nghiệp đại học, mình sẽ là thủ khoa.


- Sau đại học, mình sẽ học thẳng lên Tiến Sỹ.
- Và vô số những cái SẼ khác, đến tận bây giờ vẫn chưa dứt.

Tất cả những điều có thể ấy chính là “tình yêu đủ lớn” để thầy… ra biển lớn, chẳng biết làm gì khác ngoài việc… làm hết
mình.

2. NHỔ NEO TRONG TÂM TRÍ

“Nhưng trước khi ra biển lớn”, Má thầy dạy tiếp: “con phải nhổ bỏ cái neo thì thuyền mới đi được”.

Và cái neo ở đây chính là sự biếng lười, tự ti, than thân trách phận, đổ thừa người này, đổ thừa chuyện kia, suy nghĩ tiêu
cực, bi quan, cả thèm chóng chán, suy nghĩ tủn mủn, tự cao tự đại,… Tất cả những điều đó là cái neo nặng trịch, giữ chặt
con thuyền mãi chẳng thể thoát khỏi bờ để ra biển lớn.

Chỉ khi nào cởi bỏ những cái neo ấy trong tâm trí, con thuyền của mình mới thật sự có thể ra biển lớn, chứ không phải ra
biển lớn rồi mà vẫn lề mề do neo vẫn chưa được nhổ.

3. MONG ĐỢI NHỮNG CƠN SÓNG NGƯỢC

Đã muốn ra biển thì đừng mong có sóng xuôi, mà hãy sẵn sàng đợi chờ, đương đầu và vượt qua muôn vàn cơn sóng ngược.
Vấn đề sẽ ùn ùn kéo đến, khó khăn sẽ ào ào xô đẩy, thử thách sẽ chẳng bao giờ lơi tay…

Thế nhưng, phải có sóng ngược thì con người chúng ta mới không vì ngủ quên mà lơi tay chèo. Những cơn sóng ngược là
bản chất và có thể là vẻ đẹp của biển, cũng như những vấn đề, khó khăn, thử thách là bản chất và vẻ đẹp của cuộc sống, của
thuyền ra khơi.

Nếu đã nhổ neo rồi thì hãy để cái neo đó lại trên bờ. Tâm thế ra biển lớn là bình tĩnh, mạnh mẽ nhìn những cơn sóng ngược
và… yêu luôn cả chúng. Sóng xuôi làm chúng ta dễ chịu và thoải mái, nhưng nó cũng là sóng ru ngủ. Còn sóng ngược thì
buộc ta phải mệt mỏi chống đỡ, nhưng nó là sóng thức tỉnh và trưởng thành.

4. ĐỪNG QUÊN LUYỆN TAY CHÈO

Má thầy có nói: Những gì Ba Má cho được – thời gian, tiền bạc, công sức, tình thương, kiến thức, kỹ năng – hay những gì
thầy cô cho con, người khác giúp đỡ con thì tất cả cũng chỉ là giúp cho con… một con thuyền. Có thể học bổng này, tài trợ
kia là những cánh buồm, những động cơ máy gắn thêm vào con thuyền ấy.

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là… bản thân con. Tay chèo của con không bao giờ được lơi và phải luôn được tập cho khỏe
cơ, chắc chắn. Tay chèo chính là nghị lực, là tính cách của bản thân.

Tụi con nên nhớ lấy dù con thuyền có tốt, động cơ gắn vào có xịn, cánh buồm có to tướng hoành tráng thì trong giông bão –
và chắc chắn sẽ có giông bão trên đường tụi con đi – cánh buồm và động cơ đôi khi không bằng tay chèo, cầm lái của con.

Vì vậy, hãy xem mỗi ngày đi qua – dù tụi con có được trang bị, thưởng tặng, hỗ trợ gì – thì tay chèo là thứ tụi con phải chú
tâm tập tành, phòng cho những đợt sóng lớn và bão giông mà nhiều thứ “được cho, vay mượn” kia cũng phải bó tay.

5. GIEO TRẮC ẨN ĐƯỢC THÌ CỨ GIEO

Má thầy có lần hỏi thầy: Nếu con ra biển lớn, và thuyền con đang băng băng về phía trước, nhưng con thấy có một người
đang bơi, gần chết đuối, con có giúp không?

Thầy trả lời: Có.


Má thầy hỏi tiếp: Thế đi một lát lại có thêm một người nữa thì sao?

Thầy trả lời: Vẫn cứu.

Má thầy lại hỏi: Thế rồi người thứ 3, thứ 4, thứ 5… thì sao? Và con nên nhớ là thuyền của con không chở được nhiều người
lắm.

Thầy chần chừ, ậm ờ, rồi chẳng hiểu vì lý do gì mà vẫn trả lời là: Vẫn cứu.

Má thầy lại bảo: Ừ, cứu nhiều người lên thuyền thì đôi khi là con thuyền chật và nặng, đi chậm hơn. Nhưng biết đâu, có
thêm người thì thêm sức, thêm ý tưởng, những người ta giúp hôm nay mai kia sẽ lại giúp ta. Mà không được giúp lại thì
cũng không sao, vì ít ra, cảm giác hạnh phúc bình an trong con sẽ dễ chịu hơn nhiều những hối tiếc, áy náy và câu hỏi tự vấn
nặng trịch, nhiều khi đeo theo mình cả đời.

6. MÃI LÀ CHẤM NHỎ TRÊN ĐẠI DƯƠNG

Vẫn là câu chuyện con thuyền ra khơi, Má lại có lần hỏi thầy: Nếu một ngày kia, con đã ra đến khơi xa và có được nhiều thứ
rồi, thì con hãy nhớ là nhìn từ trên cao, con vẫn chỉ là một chấm rất nhỏ trên nền xanh của biển.

Thế nên, hãy giữ cho mình sự khiêm tốn và tâm thế của một chấm nhỏ trên đại dương. Bởi vì còn khiêm tốn là còn phát
triển và hoàn thiện bản thân, còn chịu suy nghĩ và siêng năng tập tay chèo. Còn tự cao là mình đã ra biển lớn, đã “nằm giữa”
đại dương thì cũng chính là lúc sự phát triển… khựng lại.

Trường Giang sóng sau xô sóng trước, đừng vì sự tự cao của bản thân mà quên rằng đại dương rộng lớn lắm, chúng ta
không đi hết được nó đâu. Chúng ta chỉ có thể mỗi ngày khám phá thêm một góc nhỏ của đại dương mà thôi.

Và nếu con nghĩ là mình không tự cao mà chỉ tự tin, thì cũng mong con nhớ là: Đường ranh biên giới giữa tự tin và tự cao
thật ra rất mong manh.

Hãy luôn mường tượng trong đầu mình: Dù mình có là một con thuyền to lớn đến đâu đi nữa, thì mình cũng mãi chỉ là một
chấm nhỏ giữa đại dương.

7. NHỚ VỀ BẾN BỜ

Câu chuyện cuối cùng mà Má thầy kể cho thầy cũng là lý do vì sao ngày hôm nay thầy đứng được ở đây để gặp gỡ tụi con.

Má thầy có lần hỏi thầy: Mai kia con ra biển lớn rồi, bước sang những con thuyền to lớn và sang trọng hơn rồi, lại có nhiều
khả năng và cơ hội để khám phá những hòn đảo xanh tươi hấp dẫn, quyết định lưu chân lại đó thì mong con cũng nhớ lấy
một điều.

Bến bờ vẫn luôn ở đó, dù con đã chèo thuyền đi thật xa trong bao năm qua. Bến bờ có lẽ không nhiều thay đổi và không
xanh tươi như những hòn đảo kia, nhưng có một điều chắc chắn, những con người ở đó cũng ít thay đổi hơn. Và một lúc nào
đó, khi con mệt mỏi, thì bến bờ thường sẽ là nơi bình yên nhất.

Thế nên, dù ở đâu, làm gì cũng được, nhưng hãy nhớ về bến bờ. Nếu không quay về được cũng không sao, nhưng đừng
quên nó và hãy làm gì cho nó từ xa. Còn nếu quay về được và xoắn tay áo làm gì cho bến bờ, thì hãy giúp cho nhiều con
thuyền ra khơi hơn.

Vì nếu không có bến bờ thì đã không có ta và không có con thuyền đầu tiên ta dùng để ra khơi.

-----

Nói đến đây thì cũng gần nửa tiếng. Mình lại ước có thêm tầm 1–2 tiếng để nói chuyện tiếp với lũ trẻ mà mình tin nếu được
định hướng và hỗ trợ đúng, mai kia chúng sẽ làm nên chuyện và lan tỏa nhiều điều tốt đẹp.

Thế nhưng, giọng nói và mũi cũng đã nghèn nghẹt, đục ngầu. Có cái khăn giấy mà cậu học trò bé nhỏ chạy lên đưa mình, thì
nó cũng đã ướt nhẹp, teo tóp lại thành một nhúm bùi nhùi, rách rưới. Nhìn xuống dưới nãy giờ có nhiều cô cậu bé, bố mẹ
chúng, thầy cô cũng khóc.

Thế là chẳng biết kết gì, mình chỉ biết trích dẫn lại câu hỏi mình hay hỏi các bạn miền Bắc trong vòng phỏng vấn:

“Con nghĩ số phận tạo ra con người? Hay con người tạo ra số phận?”

Và câu trả lời mà mình muốn gởi gắm cho các bạn nhỏ nghèo khó nhưng đầy nghị lực đó là:

“Số phận có thể tạo ra tụi con của ngày hôm nay. Nhưng hãy nhớ rằng, từ hôm nay, tụi con là người tạo ra số phận”.

Trong đầu mình khi đó là hình ảnh mà một cô bé đã trả lời khi mình hỏi con ví bản thân như gì. Cô bé đó trả lời: Con thấy
mình như một cây xương rồng trong sa mạc.

Và hôm ấy, mình đã gởi tặng thêm cho cô bé một ý: Và con có biết là xương rồng cũng nở hoa. Mong con sẽ bền bỉ giữa
nắng cát sa mạc để một ngày nào đó sẽ nở hoa thật đẹp.

Nhìn xuống 18 gương mặt và ánh mắt non trẻ, trong trẻo và nghị lực, mình như nhìn thấy bóng dáng của những cây xương
rồng và thấp thoáng những đóa hoa sẽ nở ở một ngày không xa. Hy vọng sẽ gặp lại những "cây xương rồng" này mai kia...
nơi biển lớn.

Nếu ngày đó đến và mình còn hiện diện ở đời, ắt hẳn mình sẽ lại... khóc.

7. 10 BÀI HỌC LỚN MÀ 2020 ĐÃ DẠY MÌNH


1. ƯỚC MƠ

Đầu năm, ngồi trên tuyết lạnh, ngẩn ngơ ngắm Bắc Cực Quang và nghĩ về chặng đường 25 năm hồn nhiên như một
đứa trẻ, theo đuổi cái ước mơ đi ngắm Bắc Cực Quang, mình mới chợt nhận ra: Những ước mơ từ bé đôi khi là
những điều trong trẻo và đáng theo đuổi nhất của cuộc đời này.

Nếu không có cái ước mơ “to lớn” ngày bé đó, thì chắc chẳng có cái động lực để theo đuổi Tiếng Anh, để ra biển
lớn, để rượt đuổi những ước mơ khác nối đuôi nhau, và để hiểu rằng: Ước mơ chẳng có gì là viễn vông, ảo tưởng.
Chỉ có lòng người ít khi được như những đứa trẻ mà thôi.

2. TÌNH NGƯỜI

Vừa đi thực hiện ước mơ về, thì bị Covid đánh ập bất ngờ, gây phong ba bão táp, muôn trùng khó khăn cho một “cái
nhà” mới xây được dăm ba năm – nhà cũng bé bé thôi, chứ chẳng phải to tác gì. Khó khăn muôn bề trên dưới trước
sau trong ngoài. Lòng con người cũng từ đó mà nảy sinh những tư tưởng ích kỷ, được mất, hơn thua.

Nhưng hóa ra đó lại là một điều may, bởi lẽ trong khó khăn mới hiểu được nhân tâm, mới biết được ai là người giả
dối và ai là người thật lòng. Tình người không sinh ra trong lúc đầy đủ, mà chỉ hiện thân ở những khi khó khăn.

3. CHO ĐI

Cũng lại vì Covid, bản thân lại tiếp tục cho đi: làm nhiều hơn, chạy ngược xuôi nhiều hơn, gánh việc của bao người
để lại, mà cũng chẳng nhận đồng lương nào, để có thể lo cho anh chị em không quá chật vật. Nhưng điều này không
có nghĩa ai cũng sẽ hiểu và đáp đền, thậm chí họ có thể “quất ngựa truy phong” hoặc hiểu lầm, dèm pha abc.

Dẫu vậy, cũng không lấy đó làm cục tức hay chán ghét ghim lòng, mà cứ xem những người như vậy cũng không
đáng để ta suy nghĩ thêm. Chỉ đơn giản là tiếp tục con đường lựa chọn và cách sống của bản thân. Thanh giả tự
thanh, tục giả tự tục.

4. KỶ NIỆM

Covid vừa đi qua, thì Tóc Mây – một phần lớn đáng quý của những ngày xưa –đột ngột ra đi sau bao năm chinh
chiến với căn bệnh ung thư, chưa kịp nói lời từ biệt, mang theo một số nuối tiếc và những lời hứa chưa đáp đền.

Thỉnh thoảng vẫn có những nỗi buồn vô định bất chợt kéo đến, làm chùn lòng. Nhưng sau tất cả, những gì nhớ nhất
lại là những hồi ức đẹp nguyên sơ.

Thế là, sự mất mát lại dạy cho bản thân cách sống tiếp ở đời: cứ đi xây những hồi ức đẹp, thay vì ngồi gặm nhắm
những tiếc nuối không thể vãn hồi. Để mỗi ngày đi qua, ta có thêm trong túi những điều tươi xanh, lấy đó làm “của
để dành” cho hạnh phúc và bình yên trong những ngày mưa bão rồi sẽ lại đến trong đời.

5. MẠNH MẼ

Năm nay bung sức, gật đầu nhúng tay vào những dự án lớn và “ra mặt” chống đỡ muôn dạng người làm giáo dục,
với muôn hình vạn trạng địa vị, tuổi tác, kinh nghiệm, cách nghĩ, cách làm, cá tính, cái tôi, mục tiêu, tư tưởng, triết
lý,… Mọi thứ đều gặp bao la những điều cản trở, lớn bé, khó dễ, tốt xấu, đóng mở, sóng gió.

Và cũng chính vì thế, học được cách quyết liệt đeo đuổi đến cùng, thay vì thảo mai và nhún nhường. Để rồi, đâu đó
chợt nhận ra: Lâu nay, mình đã quá hiền, và cái tính mạnh mẽ quyết liệt này cần phải phát huy thêm. Nếu không thì
những ý tưởng tốt đẹp sẽ chẳng đến được với lũ trẻ và bị chặn đứng bởi những cái quá “bé nhỏ” của không ít người
lớn.

6. BÌNH AN

Có lẽ cũng vì mức độ “va chạm” đậm đặc như vậy, mà bao nhiêu lời ra tiếng vào, ném đá sau lưng cũng bung nở
trong năm nay. Hầu như lời nào cũng đến tai. Nhưng lạ thay, chẳng thấy nề hà gì với những kiểu cà chua, trứng thối
ấy.

Đơn giản, chẳng có thời gian để chạy theo những điều nhỏ nhặt như vậy, và cuộc sống có quá nhiều thứ tốt đẹp để bị
bận tâm bởi những lời nói hơn thua.

Muốn làm những việc mà ít người làm, bản thân cần phải chịu được những cảm giác ít người chịu được. Và bình an
là tài sản vô giá, không nên bị bào mòn bởi những miệng đời chua chát chẳng bao giờ ngớt.

7. BUÔNG BỎ

5 năm qua, mỗi cuối năm đều đến với phố biển, đúng cái nơi chất chứa nhiều tổn thương, đau buồn, hoang mang,
mất mác. Dành chút thời gian cho bản thân để suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và tương lai trong công việc lẫn cuộc
sống.

Chợt nhận ra, mỗi năm đi qua, những điều không tốt đẹp của ngày xưa cũng đã dần phai mờ và... tan biến như bọt
biển.

Giờ đây, phố biển không còn buồn nữa, và lòng ta cũng chẳng còn chút gợn sóng nào. Hóa ra thời gian đã tự nhiên
chữa lành tất cả. Lại dặn lòng hai chữ: Buông Bỏ, bởi lẽ rồi tất cả cũng sẽ chào thua trước sức mạnh của bác sỹ Thời
Gian, khi ta mải mê theo đuổi những điều tích cực.

8. HẠNH PHÚC

Nhìn lại 2020 chạy tăng tốc và bung lụa còn gấp mấy lần 2019, cũng có tí “ngán ngẩm” trước mức độ cày cuốc của
bản thân: duy trì quản lý 5 hệ thống giáo dục cũ, lấn sang 5 hệ thống giáo dục mới toàn cỡ bự nhất nước, đưa
chương trình Quốc tế Oxford vào Việt Nam, xuất bản 3 cuốn sách, bung cửa dạy học từ lớp 3 cho đến đại học và cả
giáo viên, giảng viên, người đi làm, quản lý,...

Có người không hiểu, bảo mình tham công tiếc việc. Còn mình lại thấy hạnh phúc, vì mỗi việc làm đều thấy hiển
hiện bằng những thay đổi tích cực trên chính những đứa trẻ, từ mầm non cho đến đại học, và những người lớn có
duyên được chạm.

Vạn sự khởi đầu nan, nhưng hạnh phúc là khi được làm điều mình thích và làm đến cùng với nó.

9. HY VỌNG

Nhìn về 2021, có thứ khá rõ ràng, có thứ còn mịt mờ, có thứ còn chưa biết đến. Thế nhưng, nhìn những điều đang
gieo mầm và lên cây – có cái đẹp xanh, có cái cục mịch, có thứ đã cứng cáp, có thứ còn yếu ớt, có điều được người
khen, có điều bị người chê – nhưng với tất cả, bản thân chẳng thấy gì khác ngoài… hy vọng – một thứ hy vọng bình
dị, chứ chẳng phải ảo tưởng sức mạnh gì.

Vì có hy vọng mới có đủ nghị lực mà đi tiếp giữa đường đi khô hạn nóng rát, như lâu nay vẫn thế.

10. VẪN LÀ CHÍNH MÌNH

Một năm nhiều đổi thay, neo đậu, được mất, lên xuống, chia ly, hội ngộ, khen chê, bay nhảy, tĩnh lặng, thăng hoa,
sụp hố,… nhưng những ngày cuối năm, lang thang những quán café quen thuộc, sống chậm, tĩnh tâm, phản tư và
cảm nhận.

Thấy mình vẫn là mình, sống và làm việc vì những điều mà bản thân đã lựa chọn 5 năm trước từ những tháng ngày
lưu trú ở Oxford thân thương, cũng chẳng mảy may bị tác động bởi những cuộc rượt đuổi, so sánh, cân đo, hơn thua,
có không của đời. Và có lẽ đó vừa là điều may, vừa là neo đậu chắc chắn nhất để vừa bản lĩnh vừa bình an bước vào
2021.

*****

Khép lại một năm 2020 chẳng có gì tiếc nuối, bởi vì lòng người không quen sống trong nuối tiếc. Nhìn về một năm
2021 chẳng thấy gì sợ hãi, cũng bởi vì lòng người không ưng sống trong sợ hãi.

Đi qua cuộc đời này, mỗi người đều có thể lựa chọn cho mình một cách nghĩ với mỗi thứ đến rồi đi - và chuyện gì
đến rồi cũng sẽ "đi" theo cách riêng của nó. Chỉ cần mình biết chọn cách nghĩ rộng mở chút, thì có lẽ cuộc sống
cũng sẽ rộng lớn hơn.

Và cũng vì đó, tâm trí sẽ như bay lên cùng gió trời, thay vì bị bó hẹp trong những khung lồng chật chội chẳng do ai
khác mà là do chính bản thân tự tạo ra.

Như đêm nay, đứng giữa biển cả nổi sóng to gió lớn, nhưng trong lòng vẫn thật bình bình an an.

Chọn khép lại 2020 bằng bức hình Bắc Cực Quang chụp đầu năm, để nhớ rằng dẫu đêm tối có thể trùng trùng vây
quanh, chỉ cần có niềm tin thì vẫn sẽ tìm thấy ánh sáng.

Nếu ánh sáng không đến từ bên ngoài, hãy cứ bình tâm nhìn vào cõi lòng.

Vì ở đó thường có thứ ánh sáng đẹp nhất ở đời...


II. HỌC TẬP
1. HỌC ĐẠI HỌC GÌ? HỌC GÌ Ở ĐẠI HỌC’
Ngày trước - chứ bây giờ thì ít rồi - mình hay đi chia sẻ ở hội thảo hay sự kiện về du học, đặc biệt là du học Mỹ.

Ở đó, mình có tí giật mình "không hề nhẹ" khi nghe "một vài" người lớn/ tổ chức tư vấn khuyên tụi trẻ phải “mông má” và
“phẫu thuật thẩm mỹ” hồ sơ du học thế này thế kia - sửa điểm học bạ, nhờ người làm thay bài để nâng điểm, ghi giả chức vụ
giải thưởng, bỏ tiền làm cái này cái kia cho có thứ ghi vào hồ sơ...

Tất cả, theo lời của các "chuyên gia", là để đảm bảo có được một chỗ trên giảng đường xứ người, và sau đó là cả một tương
lai rộng mở.

“Vẽ đường cho hươu chạy” kiểu đó thật ra chẳng khác nào đánh thức lòng tham trong những đứa trẻ, nếu không muốn nói là
gieo mầm Lừa Lọc vào trong tính cách và sự Nông Cạn, Hời Hợt trong cách nghĩ của lũ trẻ chuẩn bị ra biển lớn, bước vào
đời.

Còn mình lại thích quăng chục sợi dây thừng để kéo bong bóng ước mơ của chúng bớt đụng trần và về với thực tại. Mình
thích cho chúng... một “gáo nước lạnh” để tỉnh giấc vì mình tin chúng đã đủ lớn để hiểu con đường đến với ước mơ du học
ấy không đẹp như nhiều người tô vẽ.

Mình mong chúng hiểu chính những chông gai, ổ gà, gập ghềnh và “lên voi xuống chó” của con đường ấy mới làm nên cái
đẹp thật sự của ước mơ.

Tất cả giống như bông hoa tuyết liên không hồng cũng chẳng thắm như những bông sen thường thấy, nhưng có thể hiên
ngang, kiêu hãnh bung những cánh hoa xanh trắng trong cái lạnh mùa đông cắt da cắt thịt của dãy Himalaya.

Mình chia sẻ kiểu “ném đá thẳng tay” để tụi nhỏ hiểu rằng có thể nhiều thứ chúng đang học trong trường mỗi ngày và ở
những lò luyện thi sẽ không giúp ích mấy cho chúng ngày du học. Chúng sẽ cần nhiều hơn thế để có thể tự bước đi với đầy
bản lĩnh.

Chúng cần biết học cách dùng đôi đũa của tinh thần và lý trí để gắp mình đứng dậy mạnh mẽ hơn sau mỗi lần sụp hố - và
chắc chắn là sẽ có nhiều cái hố để sụp lắm.

Chúng cần biết cách sống và làm việc ra sao để những người xung quanh nhìn vào mà chẳng hoài nghi, chứ không phải
leo lên đầu người khác ngồi chỉ bằng cái tên trường hay tấm bằng.

Chúng cần biết cách đi tìm ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc đời để tránh mai kia mải mê theo đuổi một con đường
rồi có lúc chợt hối tiếc về một con đường khác, cứ loanh quanh như vậy hoài không dứt.

Chúng cần tìm hiểu những điểm mù, hạn chế của chính đại học mình đang học và cách mình học so với guồng chạy của
thế giới và cuộc đời, để ngay từ khi đại học đã nỗ lực để khắc phục những điều này bằng những thói quen mà trường lớp,
giáo sư không cho được.

Chúng cần biết cách đặt cái tôi xuống và chấp nhận mình sai mình kém (nếu đúng thế thật), vì chỉ có thế thì chúng mới
thật sự... lớn. (Nghiệt ngã là khi ngôi trường chúng theo học càng nổi tiếng thì chúng càng khó đặt cái tôi ấy xuống).

Chúng cần hiểu rằng điều quan trọng nhất không phải là tên trường mà chính là bản thân của chúng – là tư duy, thái độ
học tập và cách sống của chúng.

Ngày chúng tốt nghiệp, điều chúng mang theo không phải là một tên trường, tấm bằng hay thứ hạng, mà chính là quá trình
chúng trưởng thành, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá thế giới bao la bên ngoài và cả thế giới sâu thẳm bên trong mỗi đứa.

Chỉ có bản thân mỗi người mới có thể thực hiện được cả hai cuộc viễn chinh nội-ngoại ấy, để tìm kiếm, thấu hiểu và
hoàn thiện bản thân.

Mỗi ngày, rất nhiều người lớn “làm giáo dục” cứ thích nhồi vào đầu tụi nhỏ những điều nghe rất “bay” nhưng lại chẳng giúp
cho chúng luyện đôi cánh thật vững vàng trước những gió mưa khi chúng tách bầy và tự bay giữa trời cao.

Đại học không phải là một bước tiếp theo chúng phải đi, mà chỉ là một sự lựa chọn. Đi như thế nào thì còn tùy mỗi đứa. Với
mỗi lựa chọn, chúng cần tìm hiểu xem bản thân có gì, được gì, mất gì, quên gì, đánh đổi gì, cho đi gì và nhận lại gì, và vì
vậy chúng cần làm gì, làm như thế nào và vì sao.

Tất cả đều phải do chính bước chân và bàn tay, khối óc và con tim của chúng tự tìm câu trả lời.

Có khi đang mải mê sẻ chia với đám đông, mình bất chợt nhận ra, đâu đó trong những gương mặt đang hì hục chạy ngược
xuôi để hỗ trợ cho hội thảo có vài gương mặt thân quen. À, mấy đứa nhỏ hồi xưa đây mà, nay đã lớn hơn nhiều quá!

Nhìn chúng tất tả ngược xuôi phục vụ cho hội thảo, mình mỉm cười, tìm cách trò chuyện cùng chúng khi giải lao hoặc cuối
giờ rảnh rỗi, trong lòng lại thấy bao cảm xúc ùa về nhưng giờ đây thêm chút tự hào, viên mãn. Tụi nhỏ đang làm được điều
mà mình cứ “tụng” suốt như niệm thần chú khi dạy tụi nó: “Pay it forward”.

Ngày xưa, mình giúp tụi nhỏ viết luận, nộp đơn du học mà chẳng nghĩ đến việc mất thời gian, hao tổn sức lực mà không thu
được tiền bạc, để giúp những ước mơ du học được cất cánh bay cao.

Ngày xưa, mình ngồi trò chuyện hàng giờ với tụi nhỏ để gởi gắm, gieo vào bên trong tâm hồn chúng những lẽ sống đẹp.

Để hôm nay, và cả những ngày mai, mình có thể vui vẻ, mãn nguyện nhìn ngắm những người trẻ ấy “trả nợ” cho mình bằng
cách giúp lại người khác, đúng tinh thần Pay it forward.

Trong 11 năm du học bằng học bổng và nguồn tiền của những con người mình chẳng bao giờ biết mặt hoặc chỉ gặp một lần,
chính mình đã tự hứa sẽ tìm cách trả lại cho đời cũng bằng sự tử tế và hai chữ TÌNH NGƯỜI nếu như cuộc đời đưa đẩy cho
mình một chữ DUYÊN. Chứ ở đời mà cái gì cũng đưa lên bàn cân tính toán tiền bạc, được mất thì sống nó mệt mỏi lắm, ít
ra là với mình.

Trong những đứa trẻ mình giúp ngày xưa ấy, giờ đây có đứa mải mê đi gieo chữ cho những đứa trẻ mồ côi đang đói khát
tri thức.

Lại có đứa đem ánh sáng của khoa học để khơi gợi ước mơ trong các nhà khoa học nhí mồ côi.

Có đứa dùng âm nhạc để thắp lên ánh sáng tâm hồn cho những đôi mắt không còn thấy ánh sáng.

Lại có đứa rong ruổi khắp nẻo quê hương theo chân đoàn bác sĩ thiện nguyện phẫu thuật cho trẻ bị bệnh tim bẩm sinh
hoặc đem lại nụ cười cho những đứa bé sinh ra với đôi môi không khép và lòng cũng chưa mở.

Có đứa theo đuổi con đường giáo dục, vì cũng muốn thay đổi cuộc đời những đứa trẻ như chúng đã từng được thay đổi.

Lại có đứa mỗi năm vẫn cứ nhắn tin thủ thỉ mỗi năm: "Anh cho em mỗi năm trích tiền lương ra góp quỹ xây trường cho
lũ trẻ con nhé. Không nhiều, nhưng giúp được chút là vui rồi".

Tất cả những “thiên thần” ấy đang theo đuổi một lẽ sống: Pay it forward. Chúng làm vì trong thật tâm, chúng mong muốn
được trả lại những gì chúng đã nhận - chứ cũng chẳng phải vì cái CV hay thành tích, mình cứ tin và cứ hy vọng vậy.

Chúng đang pay it forward theo cách riêng của mỗi đứa. Để mỗi cuộc sống chúng chạm đến được tốt hơn và đẹp hơn, một
chút thôi cũng được.

Và mình mong trong định nghĩa thành công lẫn hạnh phúc của mỗi đứa đều có một phần chúng dành cho người khác,
như trong định nghĩa thành công và hạnh phúc của mình có một phần "to bự" dành cho chúng. Như đã từng, vẫn đang và sẽ
mãi như thế.

Với mình, cuộc sống như vậy đã là quá đẹp, để pay it forward trở thành một chân giá trị của đam mê.

Vì ta chỉ sống một lần thôi..

2. ĐẠI HỌC CŨ LÀM THẾ NÀO ĐỂ MỚI


Ở Việt Nam gần đây và có lẽ trong nhiều năm tới, “giáo dục khai phóng” sẽ là một cụm từ khá “hot” dù nó không phải là
điều mới lạ ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác. Howard Gardner, giáo sư “cổ thụ” bám trụ Đại học Harvard lâu đời nhất, đã có
lần gởi mình vài dòng tâm sự trong một e-mail:

“Trong nghiên cứu của tôi về giáo dục ở Mỹ, nhiều người làm giáo dục phổ thông và đại học thậm chí còn không hiểu giáo
dục khai phóng là gì. Dường như họ đã lãng quên hoặc còn mù mờ. Ở một số trường như Harvard hay Oxford, có lẽ cụm từ
này còn giữ được ý nghĩa khởi nguyên. Nhưng khi bước ra những nơi khác, có lẽ nó đã trở thành vô nghĩa.”

Ý NGHĨA CỦA KHAI PHÓNG

Ralph Waldo Emerson là một tư tưởng giáo dục lớn trong lịch sử Mỹ và là một trong những người tiên phong đặt nền móng
cho giáo dục khai phóng. Ông đã nói: Một nền giáo dục khai phóng cần đào sâu khả năng của mỗi người để thấu hiểu các
phương diện của thế giới quanh ta – tự nhiên, văn hóa, khoa học, hệ thống xã hội,... Đại học chỉ thực thi được sứ mệnh này
khi nó giúp sinh viên kiến tạo, chứ không phải nhồi nhét và kiểm tra kiến thức.

Đại học cần bắc cầu để sinh viên tiếp cận các vĩ nhân, tư duy lớn của thế giới xưa và nay. Giáo dục cần phát triển năng lực
vượt qua giới hạn và rào cản của sự vô tri, khuôn mẫu và tự phụ. Nó không nên bày ra những kịch bản sắp đặt quá chặt chẽ
với những chuẩn mực cứng nhắc, buộc người học phải khư khư “photocopy” cốt chỉ để qua bài kiểm tra cuối khóa.

James Bryant Conant, cựu hiệu trưởng của Đại học Harvard, đã nói:

“Trong cách nghĩ của tôi, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đại học là giúp cho bạn có một động lực mạnh mẽ
để suy nghĩ độc lập. Cái khao khát được tìm hiểu nhiều mặt khác nhau của một câu hỏi, được biết một khía cạnh ý kiến của
người khác và của những thời đại khác mới chính là dấu hiệu của một con người được giáo dục.

Giáo dục không nên đặt bộ óc vào một cái tủ chứa đầy công thức, mà nên cho bộ óc đầy đủ chất dinh dưỡng để không
ngừng mở rộng và phát triển. Hãy thu thập kiến thức bất cứ ở đâu và khi nào có thể. Hãy lắng nghe ý kiến của những người
nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Và đừng để người khác suy nghĩ thay bạn”.

Chính những người làm giáo dục và các công ty tuyển dụng hàng đầu giờ đây cũng nhận ra: Tất cả tên trường sáng bóng, dù
là Ivy League hay MIT, Stanford, cũng chỉ là câu chào dạm ngỏ. Nhiều sinh viên bước ra từ những trường cây đa cây đề đó
còn thiếu hụt quá nhiều, ngoài một cái tên trường hoành tráng và một bảng học bạ nhìn qua cũng “hoành tráng” lắm.

NĂNG LỰC THẬT SỰ

Các sinh viên thiếu kỹ năng để làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, kỹ năng tự học cả đời. Những kỹ năng tư duy
phản biện, sáng tạo, hợp tác và giao tiếp của họ cũng chưa chắc đã thấm vào đâu. Ivy League hay Stanford, MIT không phải
là tấm vé thông hành vạn năng để bước vào đời và “vênh mặt” với đời, nếu như sinh viên không biết cách để... thực học.

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, những kỹ năng và thói quen tư duy nền tảng mới chính là chìa khóa cho ổ khóa mở ra cánh cửa việc
làm trong thế kỷ 21.

 Giải quyết vấn đề phức tạp


 Tư duy phản biện
 Sáng tạo
 Quản lý con người
 Phối hợp với người khác
 Thông minh cảm xúc
 Phán xét và ra quyết định
 Tư duy dịch vụ/ phụng sự
 Thương lượng
 Linh hoạt trong tư duy

Soi xuống cấp phổ thông, việc nộp đơn vào các trường đại học hàng đầu của Mỹ đã trở thành một cơn sốt hàng lên giá. Các
bố mẹ sẵn sàng chi mạnh tay cho những gói tư vấn dài hơi.

Trong suốt những năm phổ thông, các “phù thủy hồ sơ” sẽ tút tát cho tụi trẻ nhiều công cụ để nộp đơn nhất: những điểm số
chuẩn hóa, các môn học AP các hoạt động ngoại khóa, thành tích huy chương, làm thay bài tập cho học sinh để nâng cao
điểm học bạ, kể cả những sở thích “độc và lạ” theo như lời khuyên của các “chuyên gia giáo dục” và tư vấn du học.

Tất cả đều như đang chơi một ván bài theo một công thức mà ai cũng nghĩ là họ nắm rất rõ và chơi nhiều lần lắm rồi, để đứa
trẻ đó hiên ngang bước vào một cái trường đỉnh. Có thể họ cũng đúng một phần nào.

Thế nhưng, những đứa trẻ ấy vào đại học thì học ra sao, sống thế nào, có đương đầu cuộc đời được không, ra trường có đủ
sức bước tiếp đi đâu? Với những câu hỏi này, rất nhiều chuyên gia tư vấn du học ngoảnh mặt làm ngơ, không đề cập đến,
hoặc chính họ cũng mịt mờ không rõ.

Có một sự thật bất di bất dịch ở đời: Chẳng có gì sâu sắc, có chất và lâu bền lại được xây dựng trong một sớm một chiều cả,
dù bàn tay của các “phù thủy tư vấn” có quyền năng đến đâu.

GIẢNG VIÊN GIÁO SƯ VẪN CẦN HỌC... CÁCH DẠY

Tạp chí Giáo dục Đại học đã có một nghiên cứu chỉ rõ: Một giáo sư đại học dành càng nhiều thời gian để dạy thì thu nhập
càng ít. Mục tiêu ưu tiên của nhiều giáo sư chính là đăng bài nghiên cứu trên các tạp chí uy tín, để giành lấy các quỹ tài trợ
nghiên cứu và nâng cao “chỉ số nghiên cứu”. Thế nên, nhiều giáo sư chưa chắc để tâm đến chuyên môn giảng dạy, năng lực
đứng lớp.

Do đó, trong phần lớn giảng đường, giáo sư cứ thao thao giảng, nhiều sinh viên vẫn bền vững… làm việc riêng. Thậm chí,
sinh viên còn không buồn đến giảng đường vì sợ bị… gây mê, ru ngủ. Không phải bất cứ một sinh viên nào đặt chân đến
Harvard, MIT, Stanford,… đều có thể khai thác được tốt những giờ lên giảng đường. Tất cả còn tùy thuộc vào nội lực và ý
thức của mỗi sinh viên.

Phần lớn sinh viên khi bước ra trường rất xa rời và hụt hơi trước thực tế. Chúng thấy một khoảng trống to đùng từ cánh cửa
tốt nghiệp và cánh cửa vào đời. Điều này cũng khó trách sinh viên hoàn toàn.

Nhiều nỗ lực “đột phá” của các hệ thống trường học và tổ chức giáo dục đang bị lệch cán cân. “Họ quá thiên về xây dựng cơ
sở vật chất, hệ thống vận hành, đầu tư phương tiện và công nghệ”, Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation đã đúc kết.

Đột phá giáo dục cần tập trung và ưu tiên nhiều hơn vào cách người học – và con người nói chung – học, chứ không chỉ là
những vỏ ngoài cơ sở vật chất, giáo trình đẹp mã hay công nghệ hoành tráng. Nếu những vỏ bọc đó chỉ xuất phát vì trào lưu,
vì thị trường, vì áp lực “phải thay đổi” thì có khi chúng ta lại đi ngược với sứ mệnh của giáo dục.

-----

Những định hướng đại học Cũ – Mới trong bức hình bên dưới có thể phù hợp với nơi này, không phù hợp hoặc chưa phù
hợp với nơi khác. Ở đời cũng chẳng có cái gì là "one size fits all" (một chiếc giày vừa vặn cho mọi người).

Thế nhưng, trong guồng thay đổi của đại học trên thế giới, nhiều khi chúng ta cũng cần tự hỏi: Chúng ta sẽ đi đâu về đâu?
Hay chính xác hơn là chúng ta sẽ đưa sinh viên – những người trẻ nắm vận mệnh tương lai – đi đâu về đâu?
Còn với những ai tin tưởng rằng bản thân đã làm tốt rồi, mình chỉ mong gởi gắm một điều nhỏ bé luôn neo đậu tâm trí của
chính mình:

Đã tốt rồi thì vẫn còn có thể tốt hơn và chưa bao giờ là tốt nhất cả.

3. TƯƠNG LAI CỦA VIỆC LÀM SẼ ĐI ĐÂU VÀ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG, ĐẠI HỌC
ĐANG THIẾU HỤT GÌ?
Joe Fuller và Bill Kerr, hai giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard, phối hợp chèo lái dự án nghiên cứu dài hơi Managing
the Future of Work (Quản lý tương lai của việc làm). Họ gặp gỡ và đối thoại với nhóm học giả Eisenhower chúng tôi trong
phòng họp khá cổ kính, như một di sản sót lại từ thập niên 20-30, của Harvard.

Khi thế giới đang “chuyển kênh” như liên tục được lên dây cót, các công ty cũng đang đứng trước nhiều thử thách lần đầu
tiên phải đối mặt: tốc độ phát triển công nghệ, lực lượng lao động bất ổn, khoảng trống kỹ năng của nhân công, mức độ tiếp
cận và sử dụng tài năng toàn cầu, tuổi thọ trung bình kéo dài, mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn.

Những xu hướng này đặt ra một bài toán khó và áp lực chuyển mình lên trên giáo dục đại học và phổ thông. Làm sao để
chuẩn bị cho sinh viên bước vào đời vững vàng, bản lĩnh? Giờ đây mối quan ngại ít khi là kiến thức hoặc kỹ năng chuyên
ngành. Lỗ hổng thường nằm ở những năng lực nền tảng và kỹ năng mềm – những chìa khóa được cho là động cơ thúc đẩy
năng lực học tập trọn đời của người học.

Dự án nghiên cứu của Joe và Bill đã thống kê những kỹ năng được cho là quan trọng nhất, xếp thứ tự từ cao xuống, đang bị
thiếu hụt trầm trọng trong lực lượng sinh viên ra trường, kể cả từ các trường đại học hàng đầu:

- Giao tiếp qua văn viết và văn nói


- Năng lực làm việc tập thể, thương lượng, quản lý khách hàng đối tác
- Tư duy đa chiều: sáng tạo, phản biện, năng lực tự học
- Tác phong chuyên nghiệp: etiquette (nghi thức, nghi lễ, phép xã giao), quản lý hình ảnh và phong cách cá nhân
- Năng lực lãnh đạo: giám sát, cố vấn (mentoring), quản lý dự án
- Tính cách: đạo đức, độc lập, độ tin cậy

Không những vậy, nhận thức của sinh viên ra trường giờ đây vẫn tồn đọng nhiều vấn đề. Một mặt, sinh viên đòi hỏi phải có
mức lương cao và nhiều đặc ân như: thời gian làm việc linh hoạt, làm việc tại nhà, lương thưởng tăng nhanh.

Thế nhưng mặt khác, hiệu suất làm việc của họ chưa tốt, mức độ gắn kết với công việc kém hơn, tỷ lệ nhảy việc cao khó đỡ.
Thậm chí họ không mấy dấn thân vào công việc và không khai thác bản thân để phát triển tốt nhất có thể.

Trong nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu kinh tế NBER, hai học giả Stacy Berg Dale và Alan Krueger đã kết luận: “Những
sinh viên từ các trường đại học hàng đầu không kiếm nhiều tiền hơn những sinh viên bị các trường lớn từ chối và theo học ở
những trường xếp hạng thấp hơn nhiều”.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Gallup cho thấy chỉ có 11% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho rằng đại
học trang bị đủ “súng ống” để sinh viên gia nhập vào thị trường việc làm, 89% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp còn lại lắc
đầu, ngao ngán.

Đáng báo động hơn, khoảng một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ hoặc thất nghiệp, hoặc làm những công việc mà chỉ
cần học sinh tốt nghiệp cấp ba là có thể mần được ngon lành. Ở nhiều phương diện năng lực, thái độ và tính cách, những
sinh viên tốt nghiệp đại học không khá khẩm gì hơn so với những người đi làm chỉ có bằng phổ thông hoặc bằng cao đẳng,
học nghề.

Thế nhưng, 94% người Mỹ trưởng thành vẫn tin tưởng tuyệt đối vào giá trị cao quý của tấm bằng đại học. Họ gần như mù
tịt rằng: Sở hữu một tấm bằng đại học chưa chắc đã nhẹ nhàng mở được cánh cửa nặng trịch dẫn vào đời và cũng chưa chắc
đã trải nhựa mịn màng cho đường đến thành công. Có vẻ như niềm tin của họ vẫn chưa bắt kịp được xu thế vận hành và tốc
độ thay đổi của thế giới.
Cả một bộ máy chính sách và các viện nghiên cứu, những tổ chức và cá nhân đóng vai trò định hướng tương lai cho hệ
thống giáo dục Mỹ đang hì hục chạy đua nghiên cứu để tìm câu trả lời: Giáo dục khai phóng sẽ đi về đâu, khai phóng học
sinh, sinh viên như thế nào để họ đủ sức lực và tâm thế bước vào đời?

Trong những “liều thuốc” mà họ đang tìm kiếm, dù ở nơi nào, họ cũng thảo luận với tôi về ba “gia vị”:
- Năng lực học trọn đời (life-long learning competencies)
- Thói quen tư duy (habits of mind)
- Kỹ năng nền tảng (foundational skills)

Xứ người ta thì đang miệt mài, nghiêm túc nghiên cứu để có khi còn khai phóng cả “giáo dục khai phóng”. Còn ở nhà mình,
không ít người hay chuộng kiểu vay mượn được cụm từ nào hay ho thì dùng như kiểu... thầy bói xem voi.

Mọi thay đổi, nếu không gắn với nền tảng rõ ràng, rất dễ biến thành cách làm “vơ đũa cả nắm” hoặc hớt váng bỏ chất. Làm
giáo dục theo kiểu tiện lợi mì ăn liền, không có nghiên cứu nền tảng sâu, sẽ rất dễ lãng phí thời gian và nguồn lực. Nhưng
phí phạm lớn nhất chính là thời gian, cơ hội và đôi khi là cả cuộc đời của lũ trẻ.

James Bryant Conant, cựu hiệu trưởng của Đại học Harvard, đã nói:

“Trong cách nghĩ của tôi, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đại học là giúp cho bạn có một động lực mạnh mẽ
để suy nghĩ độc lập. Cái khao khát được tìm hiểu nhiều mặt khác nhau của một câu hỏi, được biết một khía cạnh ý kiến của
người khác và của những thời đại khác mới chính là dấu hiệu của một con người được giáo dục.

Giáo dục không nên đặt bộ óc vào một cái tủ chứa đầy công thức, mà nên cho bộ óc đầy đủ chất dinh dưỡng để không
ngừng mở rộng và phát triển. Hãy thu thập kiến thức bất cứ ở đâu và khi nào có thể. Hãy lắng nghe ý kiến của những người
nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Và đừng để người khác suy nghĩ thay bạn”.

Từ thuở ban đầu của giáo dục khai phóng, những người đặt nền tảng cho nó đã tuyên ngôn: Giáo dục khai phóng nên làm
được bốn điều cho học trò: cởi trói, kích hoạt, phối hợp, đột phá.

Cởi trói tức là không phải đào tạo học sinh vào một nghề nhất định trước khi chúng biết mình là ai và muốn đạt được
thành tựu gì.

Kích hoạt có nghĩa là không gò người học vào việc “học gạo”, học rập khuôn, là giúp người học sáng tạo và đột phá để
kích hoạt thế giới của bản thân. Còn “giáo dục gạo”, rập khuôn chỉ như là những xiềng xích, gông cùm của sự bắt chước.
Nếu làm không cẩn thận, nó dễ ám ảnh những người làm giáo dục đến mờ mắt.

Phối hợp tức là giúp người học bắt tay với con người đến từ nhiều hoàn cảnh và có cá tính khác nhau, cùng hành động
tạo ra một điều gì đó tích cực. Giáo dục khai phóng cần tạo cho người học thói quen nhìn vượt ra khỏi bản thân, đặt mình
trong vị trí của người khác để nhìn đời sâu sắc hơn và tỏ tường hơn. Khi ấy, người học sẽ không ngừng mở rộng tri thức và
ít có xu hướng tự phụ hơn.

Đột phá/ Kiến tạo chính là kích hoạt những nghi ngờ, thách thức những cách nghĩ hiện hành, phổ biến, truyền thống, mặc
định. Từ những ngờ vực và thách thức đó mới dẫn đến sự ra đời của những sáng tạo và đột phá trong tư tưởng, hành động và
thành phẩm.

Giáo dục không phải đơn giản là để người học ngay sau khi ra trường sẽ có được công việc để sinh sống, mà còn là dạy cách
tư duy, cách nghĩ và cách học để mỗi người có thêm cơ hội chạm gần đến với đam mê đích thực của bản thân.

Đam mê đích thực có ý nghĩa vượt xa một tấm bằng với tên trường danh giá. Nó chính là thay đổi và đột phá bản thân để đi
con đường dài, trong một thế giới mà có lẽ mai kia, những tên trường không còn là nỗi ám ảnh, tấm bằng không hẳn là giấy
chứng nhận chất lượng về một người.

Giáo dục khai phóng chưa bao giờ và không nên được gói gọn trong những tên trường hoành tráng, mà nó là cách nghĩ và
cách làm giáo dục bền vững, chạm đến chiều sâu.
4. SINH VIÊN RA TRƯỜNG ĐANG ”CHẾT” Ở ĐÂU?
Giáo dục vốn là một trong những mảnh đất mà tốc độ đột phá thuộc hạng CHẬM so với rất nhiều ngành nghề. Vì vậy,
trong một thế giới vừa đi nhanh vừa nhiều biến động, nó đòi hỏi chúng ta – những người làm giáo dục, dù ở bậc phổ
thông hay đại học, cao học – cũng cần tăng tốc, đổi mới và BỨT PHÁ chính BẢN THÂN chúng ta, trước khi nói đến việc
chúng ta có thể làm gì cho sinh viên.

Vậy câu hỏi đặt ra: Trong cách chúng ta đã và đang giáo dục, đào tạo sinh viên, đâu là những chỗ mà sinh viên chúng ta
đang… “chết”. Bởi vì phần lớn sinh viên khi bước ra trường, đối diện với đổi thay chóng mặt của thế giới, rất xa rời và
hụt hơi trước thực tế. Chúng thấy một khoảng trống to đùng từ cánh cửa tốt nghiệp và cánh cửa vào đời.

NHỮNG “ĐIỂM MÙ CHÍ MẠNG”

Joe Fuller và Bill Kerr, hai giáo sư của Trường Kinh doanh Harvard, phối hợp chèo lái dự án nghiên cứu dài hơi Managing
the Future of Work (Quản lý tương lai của việc làm).

Khi thế giới đang “chuyển kênh” liên tục như được lên dây cót, các công ty cũng đang đứng trước nhiều thử thách lần đầu
tiên phải đối mặt: tốc độ phát triển công nghệ, lực lượng lao động bất ổn, khoảng trống kỹ năng của nhân công, mức độ
tiếp cận và sử dụng tài năng toàn cầu, tuổi thọ trung bình kéo dài, mâu thuẫn giữa đô thị và nông thôn.

Những xu hướng này đặt ra một bài toán khó và áp lực chuyển mình lên trên giáo dục đại học và phổ thông. Làm sao để
chuẩn bị cho sinh viên bước vào đời vững vàng, bản lĩnh?

Giờ đây mối quan ngại ít khi là kiến thức hoặc kỹ năng chuyên ngành. Lỗ hổng thường nằm ở những năng lực nền tảng và
kỹ năng mềm – những chìa khóa được cho là động cơ thúc đẩy năng lực học tập trọn đời của người học.

Dự án nghiên cứu của Joe và Bill đã thống kê những kỹ năng được cho là quan trọng nhất, xếp thứ tự từ cao xuống, đang
bị thiếu hụt trầm trọng trong lực lượng sinh viên ra trường, kể cả từ các trường đại học hàng đầu:

Giao tiếp qua văn viết và văn nói


Năng lực làm việc tập thể, thương lượng, quản lý khách hàng đối tác
Tư duy đa chiều: sáng tạo, phản biện, năng lực tự học
Tác phong chuyên nghiệp: etiquette (nghi thức, nghi lễ, phép xã giao), quản lý hình ảnh và phong cách cá nhân
Năng lực lãnh đạo: giám sát, cố vấn (mentoring), quản lý dự án
Tính cách: đạo đức, độc lập, độ tin cậy

Không những vậy, nhận thức của sinh viên ra trường giờ đây vẫn tồn đọng nhiều vấn đề. Một mặt, sinh viên đòi hỏi phải
có mức lương cao và nhiều điều kiện như: thời gian làm việc linh hoạt, làm việc tại nhà, lương thưởng tăng nhanh.

Thế nhưng mặt khác, hiệu suất làm việc của họ chưa tốt, mức độ gắn kết với công việc kém hơn, tỷ lệ nhảy việc cao khó
đỡ. Thậm chí họ không mấy dấn thân vào công việc và không khai thác bản thân để phát triển tốt nhất có thể.

Trong nghiên cứu của Tổ chức nghiên cứu kinh tế NBER, hai học giả Stacy Berg Dale và Alan Krueger đã kết luận:
“Những sinh viên từ các trường đại học hàng đầu không kiếm được nhiều tiền hơn những sinh viên bị các trường lớn từ
chối và theo học ở những trường xếp hạng thấp hơn nhiều”.

Một cuộc khảo sát của Tổ chức Gallup cho thấy chỉ có 11% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới cho rằng đại
học trang bị đủ “súng ống” để sinh viên gia nhập vào thị trường việc làm, 89% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp còn lại lắc
đầu ngao ngán.

Đáng báo động hơn, khoảng một nửa sinh viên tốt nghiệp đại học ở Mỹ thất nghiệp, hoặc làm những công việc mà chỉ cần
học sinh tốt nghiệp cấp ba là có thể “mần” được ngon lành. Ở nhiều phương diện năng lực, thái độ và tính cách, những
sinh viên tốt nghiệp đại học không khá khẩm gì hơn so với những người đi làm chỉ có bằng phổ thông hoặc bằng cao
đẳng, học nghề.

Thế nhưng, 94% người Mỹ trưởng thành vẫn tin tưởng tuyệt đối vào giá trị cao quý của tấm bằng đại học. Họ gần như mù
tịt rằng:

Sở hữu một tấm bằng đại học chưa chắc đã nhẹ nhàng mở được cánh cửa nặng trịch dẫn vào đời và cũng chưa chắc đã
trải nhựa mịn màng cho đường đến thành công. Có vẻ như niềm tin của họ vẫn chưa bắt kịp được xu thế vận hành và tốc
độ thay đổi của thế giới.

-----

GỢI MỞ CHO TƯƠNG LAI

Cả một bộ máy chính sách và các viện nghiên cứu, những tổ chức và cá nhân đóng vai trò định hướng tương lai cho hệ
thống giáo dục Mỹ vẫn đang hì hục chạy đua nghiên cứu để tìm câu trả lời cho những câu hỏi: Giáo dục khai phóng sẽ đi
về đâu? Khai phóng học sinh, sinh viên như thế nào để họ đủ sức lực và tâm thế bước vào đời?

Trong những “liều thuốc” mà họ đang tìm kiếm, dù ở nơi nào, họ cũng đặc biệt thảo luận với tôi về ba “gia vị”:

Năng lực học trọn đời (life-long learning competencies)


Thói quen tư duy (habits of mind)
Kỹ năng nền tảng (foundational skills)

Xứ người ta thì đang miệt mài, nghiêm túc nghiên cứu để có khi còn khai phóng cả “giáo dục khai phóng”. Mọi thay đổi,
nếu không gắn với nền tảng rõ ràng, rất dễ biến thành cách làm “vơ đũa cả nắm” hoặc hớt váng bỏ chất.

Làm giáo dục theo kiểu tiện lợi mì ăn liền, chạy theo xu hướng thị trường hoặc “cứng đầu” bám rễ những điều cũ kỹ, sẽ
rất dễ lãng phí thời gian và nguồn lực. Nhưng phí phạm lớn nhất chính là thời gian, cơ hội và đôi khi là cả cuộc đời của lũ
trẻ.

Từ thuở ban đầu của giáo dục khai phóng, những người đặt nền tảng cho nó đã nêu tuyên ngôn: Giáo dục khai phóng nên
làm được bốn điều cho học trò: cởi trói, kích hoạt, phối hợp, đột phá.

Cởi trói tức là không phải đào tạo học sinh vào một nghề nhất định trước khi chúng biết mình là ai và muốn đạt được
thành tựu gì.

Kích hoạt có nghĩa là không gò người học vào việc “học gạo”, học rập khuôn, là giúp người học sáng tạo và đột phá để
kích hoạt thế giới của bản thân. Còn “giáo dục gạo”, rập khuôn chỉ như là những xiềng xích, gông cùm của sự bắt chước.
Nếu làm không cẩn thận, nó dễ ám ảnh những người làm giáo dục đến mờ mắt.

Phối hợp tức là giúp người học bắt tay với con người đến từ nhiều hoàn cảnh và có cá tính khác nhau, cùng hành động
tạo ra một điều gì đó tích cực. Giáo dục khai phóng cần tạo cho người học thói quen nhìn vượt ra khỏi bản thân, đặt mình
trong vị trí của người khác để nhìn đời sâu sắc hơn và tỏ tường hơn. Khi ấy, người học sẽ không ngừng mở rộng tri thức
và ít có xu hướng tự phụ hơn.

Đột phá/Kiến tạo chính là kích hoạt những nghi ngờ, thách thức những cách nghĩ hiện hành, phổ biến, truyền thống,
mặc định. Từ những ngờ vực và thách thức đó mới dẫn đến sự ra đời của những sáng tạo và đột phá trong tư tưởng, hành
động và thành phẩm.

Giáo dục không phải đơn giản là để người học ngay sau khi ra trường sẽ có được công việc để sinh sống, mà còn là dạy
cách tư duy, cách nghĩ và cách học để mỗi người có thêm cơ hội chạm gần đến với đam mê đích thực của bản thân.

-----

Đam mê đích thực có ý nghĩa vượt xa một tấm bằng với tên trường danh giá. Nó chính là thay đổi và đột phá bản thân
để đi con đường dài, trong một thế giới mà có lẽ mai kia, những tên trường không còn là nỗi ám ảnh, tấm bằng không hẳn
là giấy chứng nhận chất lượng về một con người.

Giáo dục khai phóng chưa bao giờ và không nên được gói gọn trong những tên trường hoành tráng, mà nó là cách nghĩ
và cách làm giáo dục bền vững, chạm đến chiều sâu.

You might also like