You are on page 1of 9

I.

BỘ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO


TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI
VÀ NHÂN VĂN TP.HCM
KHOA NGỮ VĂN ANH
----

TIỂU LUẬN
MÔN HỌC: TRIẾT HỌC MÁC LÊNIN

Đề tài: PHÂN TÍCH QUAN ĐIỂM CỦA TRIẾT HỌC


MÁC – LÊNIN VỀ CON NGƯỜI VÀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI. Ý
NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUAN ĐIỂM TRÊN

Giảng viên hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ


Sinh viên thực hiện: Trần Phúc Lan Khương
Lớp:22CLC05 MSSV: 2257011051

TP.HCM, ngày 27 tháng 12 Năm 2022


MỤC LỤC

LỜI MỞ 1
CHƯƠNG 1: QUAN ĐIỂM MÁC LÊNIN VỀ CON NGƯỜI 2
1.1 Những quan điểm của các nhà triết học trước Mác về con người:
1.1.1 Quan niệm về con người trong triết học phương Đông: 2
1.1.2 Quan niệm về con người trong triết học phương Tây: 2
1.2 Quan điểm của Mác Lênin về con người: 3
1.2.1 Con người là thực thể sinh học – xã hội: 3
1.2.2 Bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội: 4
1.2.3 Con người là chủ thể của lịch sử: 4

CHƯƠNG 2: Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA QUAN ĐIỂM MÁC


LÊNIN VỀ CON NGƯỜI VÀ BẢN CHẤT CON NGƯỜI 5
2.1 Ý nghĩa của lý luận: 5
2.2 Ý nghĩa thực tiễn: 5
LỜI MỞ

Thế giới xung quanh tồn tại song hành nhiều vấn đề cần được nghiên cứu. Các ngành
khoa học như tâm lý học, triết học, sinh học… không ngừng nghiên cứu nhằm làm rõ
các vấn đề về con người và cuộc sống con người, như vai trò, vị trí và giá trị con người
trong thế giới; đặc biệt trong vấn đề phát triển và giải phóng con người. Tuy nhiên, nếu
chỉ tách con người ra làm một bộ phận, yếu tố để nghiên cứu thì sẽ không thể tránh
khỏi sự phiến diện trong kết luận về con người và bản chất con người. Triết học – mang
đặc điểm khái quát và trừu tượng hoá, nghiên cứu con người một cách khái quát, căn
bản nhất; nó đã cung cấp cho các khoa học cụ thể khác một phương pháp luận trong
nghiên cứu con người. Với triết học Mác Lênin, lần đầu tiên, vấn đề về “Bản chất con
người” được giải quyết đúng đắn trên quan điểm biện chứng duy vật cùng với lý luận
chặt chẽ và đầy tính thuyết phục. Cùng với đó, triết học Mác đã được chủ tịch Hồ Chí
Minh vận dụng để vạch ra những chiến lược phát triển con người, phát triển đất nước.

Những nghiên cứu về bản chất con người trong Triết học Mác Lênin sẽ giải mã được
các vấn đề về con người và bản chất của nó, để đưa ra phương hướng chuẩn xác nhất
trong công cuộc “trồng người” của nhân loại.

Vì thế, bài tiểu luận này sẽ nghiên cứu quan điểm Mác Lênin về con người và bản chất
con người cùng lý luận và ý nghĩa thực tiễn của quan điểm trên. Sau đó, Êpiquya đã
bảo vệ và phát triển học thuyết này cũng như khắc phục những hạn chế của nó.
CHƯƠNG 1: QUAN ĐIỂM MÁC LÊNIN VỀ CON NGƯỜI
1.1 Những quan điểm của các nhà triết học trước Mác về con
người:
1.1.1 Quan niệm về con người trong triết học phương Đông:
Từ thời cổ đại, các trường phái triết học phương Đông đều tìm cách lý giải vấn đề bản
chất con người, quan hệ con người với thế giới xung quanh. Do những đặc điểm kinh tế
- xã hội cùng đặc điểm lịch sử của phương Đông, vấn đề về con người đều được lý giải
trên cơ sở thế giới quan duy tâm, tôn giáo thần bí hoặc nhị nguyên luận.

Trong nền triết học Trung Hoa từ cổ đến trung đại, vấn đề về bản chất con người được
quan tâm hàng đầu. Để giải quyết vấn đề này, các nhà tư tưởng của Nho gia và Pháp
gia đã tiếp cận từ giác độ hoạt động thực tiễn chính trị, đạo đức của xã hội và đi đến kết
luận bản tính người là Thiện (Nho gia) và bản tính người là Bất Thiện (Pháp gia). Do bị
chi phối bởi thế giới quan duy tâm hoặc duy vật chất phát mà dẫn đến khác nhau trong
quan điểm giữa các trường phái trong việc giải quyết các vấn đề về quan điểm chính trị,
đạo đức và nhân sinh của họ.

Còn đối với Phật giáo, trường phái triết học tiêu biểu của Ấn Độ, các nhà tư tưởng lại
tiếp cận vấn đề con người và đời người dưới góc độ triết lý siêu hình với những vấn đề
nhân sinh quan. Phật giáo coi con người là sự kết hợp giữa hai phần danh và sắc (vật
chất và tinh thần). Trần thế con người đang sống chỉ là ảo giác, hư vô, cõi vô thường.
Do vậy, cuộc đời con người khi còn sống chỉ là tạm bợ. Con người cần phải hướng về
cõi Niết Bàn – nơi tinh thần con người được giải thoát để trở thành bất diệt.
1.1.2 Quan niệm về con người trong triết học phương Tây:
Không khác triết học phương Đông, từ Cổ đại Hy Lạp trải qua giai đoạn Trung cổ,
Phục hưng và Cận đại đến nay, triết học phương Tây không ngừng tranh luận các vấn
đề triết học về con người.

Thực tế đã cho thấy triết học phương Tây tiếp cận giải quyết vấn đề triết lý về con
người dưới giác độ có nhiều điểm khác với nền triết học phương Đông. Các nhà triết
học mang quan niệm duy vật chất đã lựa chọn góc độ khoa học tự nhiên để lý giải về
bản chất con người cùng những vấn đề liên quan. Ngay từ thời cổ đại, các nhà triết học
đã coi con người cũng như vạn vật trong tự nhiên, đều được cấu tạo từ vật chất. Tiêu
biểu phải nói đến học thuyết của Đêmocrit cho rằng thế giới bắt nguồn tự sự tổng hợp
của nhiểu bản nguyên khác nhau tạo ra trí tuệ thế giới là NUS (Theo Anaxago, khởi
nguyên đầu tiên là linh hồn, trí tuệ của thế giới, là NUS), từ nguyên tử. Sau này, học
thuyết của ông cũng trở thành tiền đề phương pháp luận của quan điểm nhân sinh theo
đường lối Epiquya. Những quan niệm duy vật này đã được tiếp tục phát triển trong nền
triết học thời Phục Hưng và Cận Đại mà tiêu biểu là các nhà duy vật nước Anh và Pháp
thế kỉ XVIII; nó cũng là một trong những tiền đề lý luận cho chủ nghĩa duy vật cơ bản
Phoiơbắc. Và trong một phạm vi nhất định, đó cũng là một trong những tiền đề lý luận
của quan niệm duy vật về con người trong triết học Mác.

Khác với các nhà triết học duy vật, các nhà triết học duy tâm trong lịch sử triết học
phương Tây lại chú trọng giác độ hoạt động lý tính của con người. Tiêu biểu là quan
điểm của Platôn thời Cổ đại Hy Lạp, Đêcáctơ trong nền triết học Pháp thời Cận đại và
Hêghen trong nền triết học Cổ điển Đức. Các nhà triết học này đã lý giải bản
chất lý tính của con người từ giác độ siêu tự nhiên. Với Platôn, đó là bản chất bất tử của
linh hồn thuộc thế giới ý niệm tuyệt đối; với Đêcáctơ, đó là bản tính phi kinh nghiệm
(apriori) của lý tính; còn đối với Hêghen, thì đó chính là bản chất lý tính tuyệt đối...

Nhìn chung, các quan điểm triết học trước Mác và ngoài Mác còn nhiều hạn chế và
thiếu sót: Một mặt, các quan điểm này xem xét con người một cách trừu tượng, do đó
đã đi đến những cách lý giải cực đoan, phiến diện. Các nhà triết học hiện nay thường
trừu tượng hoá tách phần “xác” hay phần “hồn” ra khỏi con người thật và tuyệt đối hoá
chúng thành bản chất con người mà chưa chú ý đầy đủ đến bản chất xã hội con người.
Chủ nghĩa duy tâm thì tuyệt đối hoá phần “hồn” thành con người trừu tượng – tự ý
thức; còn chủ nghĩa duy vật trực quan thì tuyệt đối hoá phần “xác” thành con người
trừu tượng - sinh học. Tuy vậy, một số trường phái triết học vẫn đạt được những thành
tựu trong việc phân tích, quan sát con người, đề cao lý tính, xác lập các giá trị về nhân
bản học để hướng con người đến tự do. Đó là những tiền đề quan trọng cho việc hình
thành tư tưởng về con người của triết học Mác Lênin.
1.2 Quan điểm của Mác Lênin về con người:
1.2.1 Con người là thực thể sinh học – xã hội:
Theo quan điểm Mác Lênin con người là thực thể thống nhất biện chứng giữa cái tự
nhiên và xã hội. Con người sinh ra từ tự nhiên, tuân theo các quy luật tự nhiên, đồng
thời tồn thời tồn tại và phát triển trong tổng hoà những quan hệ xã hội.

Con người là một thực thể sinh học, là một sản phẩm của quá trình tiến hoá tự nhiên.
Xét về phương diện này, theo học thuyết Đacuyn về sự tiến hoá của các loài, con người
là kết quả tiến hoá và phát triển lâu dài của giới tự nhiên. “Con người là một bộ phận
của giới và đồng thời giới tự nhiên cũng là “thân thể vô cơ của con người” ”. Chính vì
thế, sự biến đổi trong giới tự nhiên, tác động của giới tự nhiên lên con người luôn luôn
tại ra tác động ngược lại từ phía con người lên môi trường đó.

Tuy nhiên, để khẳng định sự khác biệt giữa con người với thế giới loài vật chính là yếu
tố xã hội. Trong lịch sử đã có những quan niệm khác nhau phân biệt con người với loài
vật, như con người là động vật sử dụng công cụ lao động, là “một động vật mang tính
xã hội, hoặc con người là động vật có tư duy. Nhưng những quan niệm này đều thiếu
xót do chúng chỉ nhấn mạnh một khía cảnh nào đó trong bản chất xã hội của con người
mà chưa nêu lên được nguồn gốc của bản chất xã hội ấy.
Nhưng bằng vào phương pháp biện chứng duy vật, triết học Mác nhận thức vấn đề con
người một cách toàn diện, cụ thể, trong toàn bộ tính hiện thực xã hội của nó, mà trước
hết là lao động sản xuất ra của cải vật chất. Mác đã khẳng định: "Có thể phân biệt con
người với súc vật, bằng ý thức, bằng tôn giáo, nói chung bằng bất cứ cái gì cũng được.
Bản thân con người bắt đầu bằng sự tự phân biệt với súc vật ngay khi con người bắt đầu
sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình – đó là một bước tiến do tổ chức cơ thể
của con người quy định. Sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt của mình, như thế con
người đã gián tiếp sản xuất ra chính đời sống vật chất của mình".
Việc con người còn là thực thể xã hội thể hiện qua hoạt động sản xuất vật chất; hoạt
động sản xuất vật chất biểu hiện một cách căn bản tính xã hội của con người. Nhờ có
lao động sản xuất mà về mặt sản xuất mà về mặt sinh học của con người, làm cho con
người trở thành con người đúng nghĩa của nó. Lao động là điều kiện tiên quyết, cần
thiết và chủ yếu quyết định sự hình thành và phát triển của con người cả về phương
diện sinh học lẫn phương diện xã hội.

Với phương pháp luận duy vật biện chứng, chúng ta thấy được quan hệ giữa mặt sinh
học và mặt xã hội, cũng như nhu cầu sinh học và nhu cầu xã hội trong mỗi con người là
thống nhất. Mặt sinh học là cơ sở tất yếu tự nhiên của con người, còn mặt xã hội là đặc
trưng bản chất để phân biệt con người với loài vật. Hai mặt trên thống nhất với nhau,
hoà quyện vào nhau để tạo thành con người trong các mặt tự nhiên – xã hội.
1.2.2 Bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội:
Luận điểm về con người của C.Mác viết trong Luận về Phoiơbắc (1845) có nói: “Bản
chất con người không phải là một cái gì trừu tượng, cố hữu của cá nhân riêng biệt.
Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”.
Vậy nên, không có con người trừu tượng, thoát ly mọi điều kiện, hoàn cảnh lịch sử xã
hội. Con người luôn cụ thể, xác định, sống trong một điều kiện lịch sử cụ thể nhất định,
một thời đại nhất định. Ở đó, bằng hoạt động thực tiễn của mình, con người tạo ra
những giá trị vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển cả thể lực và tư duy trí tuệ.
Chỉ trong các mối quan hệ xã hội (như quan hệ giai cấp, dân tộc, thời đại; quan hệ
chính trị, kinh tế; quan hệ cá nhân, gia đình, xã hội…) con người mới bộc lộ toàn bộ
bản chất xã hội của mình.

Tuy nhiên, luận đề trên khẳng định bản chất xã hội, nhưng nó không có nghĩa là phủ
nhận mặt tự nhiên trong đời sống con người. Ở con người, mặt tự nhiên tồn tại trong sự
thống nhất với mặt xã hội và vẫn luôn như vậy. Có quan niệm bản chất con người là
tổng hoà những quan hệ xã hội mới giúp cho chúng ta nhận thức đúng đắn, tránh khỏi
cách hiểu thô thiển về mặt tự nhiên, cái sinh vật ở con người.
1.2.3 Con người là chủ thể của lịch sử:
Con người vừa là sản phẩm của lịch sử vừa là chủ thể của lịch sử, nghe có vẻ mâu
thuẫn nhưng sự thật là thế, bởi do lao động và sáng tạo có thể nói là đặc tính tối cao của
con người. Chắc chắn rằng, con người và con vật đều có tính lịch sử của mình, tuy
nhiên, lịch sử của con người không giống với lịch sử của động vật. Nếu lịch sử của
động vật là nguồn gốc, là sự phát triển của chúng cho đến trạng thái hiện nay, có thể
chúng không ý thức được hoặc đó không phải ý muốn của chúng; thì đối với con người,
lịch sử được chính con người tạo ra một cách có ý thức, chủ động. Còn với động vật,
chúng không tự tạo ra lịch sử cuả chúng mà chỉ tham gia nó một cách bản năng. Con
người là sản phẩm của lịch sử, thậm chí là của thời đại, của một nền văn hoá nhất định.

Con người tách khỏi các loại động vật khác, tách khỏi tự nhiên, từ đó trở thành chủ thể
hoạt động thực tiễn xã hội là nhờ vào chế tạo công cụ lao động và tham gia vào các
hoạt động sản xuất nhờ vào trí óc, tri thức, sự sáng tạo của con người. Đó là thời điểm
mà con người tạo nên lịch sử cho mình – có thể được xem là bản chất con người. Tuy
nhiên, bản chất của con người không phải là một hệ thống đóng kín, mà là hệ thống
mở, tương ứng với điều kiện tồn tại của con người. Con người sáng tạo ra lịch sử nhưng
không theo ý muốn của mình một cách tùy tiện mà phải phụ thuộc vào hệ thống môi
trường tự nhiên mà con người chịu tác động bởi môi trường tự nhiên đó. Con người
sáng tạo ra lịch sử dựa vào các điều kiện của quá khứ, của thế hệ đi trước đã để lại. Từ
đó mà con người phát triển, kế thừa và cải biến các tiền đề mà người đi trước để lại,
thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Con người tiếp nhận, hòa hợp với giới tự nhiên nhưng
cũng bằng cách đó mà con người cải biến giới tự nhiên để thích ứng và biến đổi chính
mình. Thông qua đó, bản chất con người cũng vận động biến đổi cho phù hợp với lịch
sử. Có thể nói rằng, mỗi sự vận động và tiến lên của lịch sử sẽ quy định tương ứng với
sự vận động và biến đổi của bản chất con người (mặc dù không trùng khớp).

CHƯƠNG 2: Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA


QUAN ĐIỂM MÁC LÊNIN VỀ CON NGƯỜI VÀ BẢN CHẤT
CON NGƯỜI
2.1 Ý nghĩa của lý luận:
- Đầu tiên, về nhận thức, khi đánh giá con người, ta phải đánh giá về phương
diện bản tính tự nhiên lẫn về bản tính xã hội, cùng với đó là coi trọng hơn về
việc xem xét con người từ phương diện bản tính xã hội. Đặc biệt, trong việc
xây dựng thái độ sống phải biết đến nhu cầu sinh học; cần coi trọng rèn
luyện phẩm chất xã hội, tránh rơi vào thái độ sống chạy theo nhu cầu bản
năng tầm thường.

- Tiếp đến, trong cuộc sống vừa phải biết phát huy vai trò chủ thể một cách
tích cực,sáng tạo của con gười, vừa phải có ý thức tự giác vượt ra khỏi các
tác động tiêu cực của hoàn cảnh lịch sử.

- Cuối cùng, cần chú trọng việc xây dựng môi trường xã hội tốt đẹp với
những quanhệ xã hội tốt đẹp để có thể xây dựng, cải thiện, phát triển những
con người tốt đẹo và hoàn thiện nhất. Đặc biệt, luôn chú ý, giải quyết đúng
đắn mối quan hệ xã hội – cá nhân, tránh các khuynh hướng đề cao quá mức
bản thân hoặc xã hội.
2.2 Ý nghĩa thực tiễn:
Ngay từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Bây giờ học
thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất,
cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã vận dụng toàn diện tư tưởng của Mác “Giải phóng xã
hội khỏi ách bóc lột, áp bức”. Áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác – Lênin
vào chính hoàn cảnh của nước ta, tạo dựng hướng đi mới cho sự nghiệp giải phóng dân
tộc. Người xây dựng đường lối để giải phóng nhân dân lao động gắn liền với giải phóng
giai cấp, giải phóng dân tộc vì ở Việt Nam quyền lợi của nhân dân lao động thống nhất
với quyền lợi của giai cấp và dân tộc. Người khẳng định: "Muốn cứu nước và giải
phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản,... chỉ có chủ
nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những
người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ". Hồ Chí Minh quan niệm sự nghiệp giải
phóng con người không tách rời mà gắn liền với sự nghiệp cách mạng, trong quá trình
đó, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, đó là sợi chỉ đỏ xuyên
suốt toàn bộ cuộc đời cách mạng của Người.

Đây là biểu hiện của triết lý nhân sinh, là chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh. Thực tế
cho thấy thắng lợi cách mạng giải phòng dân tộc (1945), thống nhất đất nước (1975)
thực hiện ý chí độc lập tự do con người Việt Nam điều mà bao nhiêu học thuyết trước
Mác không thể áp dụng được. Chính sự tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin của Hồ Chí
Minh đã trở thành hệ tư tưởng chính thống của toàn xã hội, thay đổi hiệu quả đời sống
tinh thần đại đa số nhân dân Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Nghiên cứu tôn giáo số 3-2000, trang 8-15, Phan Ngọc
2. Nghiên cứu Con người số 6 (33) 2007
3. Bộ môn Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa của chủ nghĩa Mác Lênin, Tài
liệu hướng dẫn môn học Triết học Mác Lênin, lưu hành nội bộ 2019, trang
203-204
4. C.Mác - Ph. Ăngghen (1995), Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội
5. Trường Chinh: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam (1992),
Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội

You might also like