You are on page 1of 11

PHÂN TÍCH TRUYỆN

1. Dàn ý phân tích chuyện người con gái Nam Xương


1.1 Mở bài
Giới thiệu tác giả và tác phẩm.
1.2 Thân bài
* Phân tích nhân vật Vũ Nương
- Phẩm chất
+ Vũ Nương là người con gái tính tình thuỳ mị nết na, tư dung tốt đẹp
+ Vũ Nương có chồng là Trương Sinh tính tình hay ghen
+ Khi chồng ra trận, nàng ở nhà hết mực thuỷ chung với chồng, phục dưỡng mẹ già
- Nỗi oan của Vũ Nương
+ Chồng nghe lời con ghen và trách mắng Vũ Nương
+ Nàng đau đớn, thất vọng
+ Lựa chọn cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân
+ Sống dưới thuỷ cung nhưng lòng vẫn luôn hướng về trần thế.
- Nguyên nhân cái chết của Vũ Nương
+ Nguyên nhân gián tiếp: lời nói của Đản
+ Nguyên nhân trực tiếp: do thói đa nghi, hay ghen của người chồng
+ Hủ tục của xã hội phong kiến
* Giá trị nội dung và nghệ thuật
+ Phê phán xã hội phong kiến bất công, chà đạp nên thân phận người phụ nữ, đồng thời ngợi ca phẩm
chất tốt đẹp và thương cảm cho số phận người phụ nữ
+ Xây dựng tình huống truyện độc đáo, đặc biệt là chi tiết chiếc bóng, hoàn thiện thêm vẻ đẹp nhân cách
cho nhân vật Vũ Nương, cốt truyện với tình huống éo le.
1.2 Kết bài
Khái quát lại nội dung bài viết.

2. PHÂN TÍCH CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG (MẪU)

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có biết bao tác phẩm đã nói đến số phận bất hạnh, hẩm hiu của những
người phụ nữ sống trong lễ giáo phong kiến hà khắc, không có tiếng nói. Ta bắt gặp nàng Kiều trong
Truyện Kiều của Nguyễn Du với cuộc đời đầy sóng gió thì đối với truyện của Nguyễn Dữ, ta gặp một Vũ
Nương tài sắc vẹn toàn nhưng lại chết oan uổng.
Nguyễn Dữ quê ở Hải Dương, ông là một trong những nhà văn trung đại nổi tiếng sống ở thế kỉ XVI. Ông
sống ở thời đại xã hội lúc này loạn lạc, lợi dụng triều đình nhà Lê bắt đầu rơi vào khủng hoảng, các tập
đoàn phong kiến thi nhau tranh giành sự ảnh hưởng, dẫn tới các cuộc chiến tranh kéo dài. Ông là một
trong những học trò xuất sắc của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sống trong giai đoạn đất nước trải qua nhiều biến
động, chế độ đương triều mục nát, nguyễn Dữ lui về sống ẩn dật chăm sóc mẹ già. Các sáng tác của ông
luôn ẩn chứa những lo nghĩ cho vận mệnh đất nước, trái ngược với hình ảnh lui về ở ẩn của ông.

Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương được trích trong tác phẩm "Truyền kì mạn lục" ra đời
khoảng đầu thế kỉ XVI Truyện được viết bằng chữ Hán có cốt truyện từ "vợ chàng Trương" được Nguyễn
Dữ mô phỏng và sắp xếp xen lẫn những yếu tố kì ảo.

Tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương là thể loại truyện truyền kỳ - một loại truyện có nguồn gốc
từ Trung Quốc. Đặc trưng của thể loại truyện này đó là mô phỏng các tích truyện lấy từ dân gian hay dã
sử, đặc biệt là sự xuất hiện của yếu tố kì ảo.

Tác phẩm xoay quanh cuộc đời của người con gái Vũ Nương. Nàng là một người xinh đẹp "tính đã thuỳ
mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp". Nàng mang vẻ đẹp toàn diện về hình thức và tâm hồn, đó chính là vẻ
đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Nàng được rất nhiều người để ý. chi tiết Trương Sinh đem
trăm lạng vàng xin cưới càng nhấn mạnh thêm nhan sắc và nhân phẩm của nàng.

Vũ Nương có nhiều phẩm chất cao quý, nàng là một người mẹ tốt, là một nàng dâu đảm. Khi chồng lên
đường ra trận, nàng một mình gồng gánh mọi việc trong gia đình. Nàng hết lòng chăm sóc, động viên mẹ
chồng mau chóng khỏi bệnh. Trong xã hội phong kiến xưa, mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu chưa bao giờ
là hoà hợp:
"Thật thà cũng để lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng"
Từ những lời mẹ chồng trăng trối trước lúc ra đi đã thể hiện lòng hiếu thảo, sự quan tâm chăm sóc mẹ
chồng của Vũ Nương, nàng đã xoá tan đi cái định kiến mẹ chồng nàng dâu từ bao đời nay. Những lời cảm
tạ của mẹ chồng cho thấy tấm lòng yêu thương của bà đối với Vũ Nương, coi Vũ Nương như con gái. Khi
mẹ mất, nàng lo toan ma chay cho mẹ chồng chu đáo như với bố mẹ ruột của mình.
Không chỉ là nàng dâu thảo, Vũ Nương còn là một người vợ thuỷ chung. Từ lúc cưới nhau, nàng đã biết
tính chồng mình hay ghen, nên nàng luôn giữ gìn khuôn phép, không để vợ chồng phải to tiếng. Nhờ sự
vụ vén của Vũ Nương mà gia đình nàng luôn được sống trong cảnh đầm ấm, hạnh phúc.

Ngày tiễn chồng ra trận, nàng không mong chồng giàu sang phú quý, nàng chỉ mong chồng lành lặn trở
về "chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên". Quãng thời gian dài xa chồng, nàng chu toàn mọi
việc, chăm sóc con cái, giữ tấm lòng son sắt chờ chồng. Ngay cả khi chồng về và có sự nghi ngờ, nàng
vẫn dành những lời lẽ thiết tha dịu dàng mong chồng hiểu cho tấm lòng của mình.

Khi bị chồng nghi oan, mắng nhiếc, đánh đuổi, không cho cơ hội giải thích, nàng đau khổ, cố gắng thanh
minh không một lời oán trách. Nàng chỉ còn biết tìm tới cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của
mình. Trong quan niệm lễ giáo phong kiến xưa, đàn bà có chồng mà không chung thuỷ, được coi như là
một tội đáng trách. Những cô gái xinh đẹp như Vũ Nương khó thoát khỏi kiếp "hồng nhan bạc mệnh".

Khi được Linh Phi ra tay cứu giúp, được sống một cuộc sống an nhàn, nàng vẫn không nguôi nhớ về
chồng con, về quê nhà. Việc gặp Phan Lang dưới thuỷ cung và gửi vật làm tin về cho thấy nàng đã sẵn
sàng tha thứ cho người chồng của mình.

Hình ảnh Vũ Nương xuất hiện ở bến sông Hoàng Giang, không một lời trách móc mà nhẹ nhàng "đa tạ
tình chàng. Thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa". Ta không chỉ thấy Vũ Nương là một người phụ
nữ đức hạnh mà còn là một con người có tấm lòng vị tha, nhân hậu.

Mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp, nhưng cuộc đời nàng đầy oan nghiệt. Ngay từ lúc bắt đầu
cuộc hôn nhân của nàng đã khôn có sự môn đăng hộ đối giữa hai gia đình, nàng là một người công dung
ngôn hạnh nhưng chồng nàng thì ngược lại, ít học, hay ghen. Lấy chồng chẳng được bao lâu, chồng đi
chinh chiến, một mình vò võ nuôi con. Cứ ngỡ khi chồng trở về sẽ được sống trong hạnh phúc, nhưng bi
kịch lại ập tới số phận nàng. Dù sống trong nhung lụa nhưng nỗi nhớ chồng con khôn nguôi. Vũ Nương là
hình ảnh tiêu biểu cho những người phụ nữ có số phận bất hạnh, sống trong xã hội phong kiến bất công.

Đặc sắc nhất ở tác phẩm chính là tình huống truyện độc đáo, đẩy câu chuyện lên cao trào. Cái bóng chính
là sự hiểu lầm dẫn tới cái chết oan của Vũ Nương, nhưng cũng chính cái bóng đã giải oan cho nàng. Nghệ
thuật xây dựng nhân vật là một điểm nhấn, bút pháp miêu tả nội tâm phong phú, mạch truyện đặc sắc, hợp
lý.
Thông qua tác phẩm, ta cảm nhận được số phận bất hạnh của Vũ Nương đồng thời phản ánh bi kịch của
người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến mục nát.

Dàn ý phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều


1. Mở bài
 Sơ lược về truyện Kiều.
 Giới thiệu đoạn trích Chị em Thúy Kiều.
2. Thân bài
a. Vị trí đoạn trích:
b. Thân phận và vẻ đẹp chung của hai chị em Thúy Kiều: (Bốn câu thơ đầu)
 Con nhà viên ngoại, Kiều là chị, Vân là em.
 “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”: Vẻ đẹp thanh cao, phú quý tựa hoa mai, tinh thần trong
sáng, thanh khiết tựa tuyết.
c. Vẻ đẹp của Thúy Vân “Vân xem...màu da”:
 Khí chất “trang trọng”, phú quý, nhã nhặn.
 Khuôn mặt tròn tựa trăng, nét mày ngài đen, rậm, nở nang.
 Điệu cười tươi như hoa nở, giọng nói trong, thanh, ấm như ngọc quý => Đoan trang, dịu
dàng.
 Tóc mây, thể hiện vẻ đẹp của người con gái hiền dịu, tình nghĩa, thủy chung, nước da
trắng như tuyết, vẻ đẹp sạch sẽ không lấm bụi trần.
=> Nguyễn Du đã dùng bút pháp ước lệ tượng trưng thông qua các hình ảnh rất nhã nhặn, dịu
dàng như trăng, hoa, ngọc, mây, tuyết để gợi ra nét đẹp của một người con gái có vẻ đẹp quý
phái, không quá sắc sảo, nhưng khiến người ta dễ chịu và quý mến, điều này gợi ý cho người
đọc, cũng như dự đoán trước về cuộc đời bình đạm và êm ấm của nàng Vân.

d. Vẻ đẹp của Thúy Kiều: “Làn thu thủy...một chương”: Vẻ đẹp hội tụ tài và sắc.
* Nhan sắc:

 “Làn thu thủy”: Đôi mắt đẹp, trong như nước mùa thu, lãng mạn, nhưng cũng là biểu hiện
của con người đa sầu đa cảm, đào hoa, khổ mệnh.
 “Nét xuân sơn”: Đôi mày liễu tô điểm làm cho khuôn mặt thêm phần sắc sảo tựa
như nét núi mùa xuân, thế nhưng lại ngụ ý về một cuộc đời trắc trở gập ghềnh.
 “Hoa ghen thua thắm”: Chỉ đôi môi đỏ như son, khiến hoa cũng không sánh được,
đôi khi cũng hiểu là nhan sắc quá đỗi rực rỡ của Kiều, khiến hoa cũng tự thấy xấu
hổ, giận dỗi (tham khảo vẻ đẹp “tu hoa” của Dương Qúy phi).
 “Liễu hờn kém xanh”: Dáng người thướt tha, uyển chuyển tuyệt mỹ khiến liễu vốn
nổi danh mềm mại cũng phải hờn.
=> “Một hai nghiêng nước nghiêng thành/Sắc đành đòi một tài đành họa hai”, ý chỉ vẻ
đẹp của Kiều có lẽ cũng chẳng khác gì những Tây Thi, Điêu Thuyền thuở xưa, hồng
nhan thì họa thủy, nghiêng nước nghiêng thành là có thật.

* Vẻ đẹp tài trí:

 Giỏi thi ca, âm luật.


 Thông thạo món đàn tỳ bà.
 Biết sáng tác cầm khúc, thế nhưng khúc nhạc “Bạc mệnh” buồn thương của nàng
lại thể hiện tính đa cảm, đồng thời cũng là dự báo về một cuộc đời hồng nhan vô
phúc của nàng.
e. Bốn câu thơ cuối: Nếp sống của chị em Thúy Kiều
 Cuộc sống sung túc, êm ấm.
 Hai chị em đã đến tuổi cập kê nhưng vẫn thanh thuần, không biết tình ái là gì, giữ gìn nền
nếp gia phong một phép.
3. Kết bài
Nêu cảm nghĩ cá nhân về đoạn trích.

.....

Phân tích Chị em Thúy Kiều ngắn gọn


Nguyễn Du là nhà thơ thiên tài của dân tộc ta. Truyện kiều là kiệt tác của nguyễn Du và của nền thi ca cổ
điển dân tộc, sáng ngời tinh thần nhân đạo. Cả trên phương diện nghệ thuật, áng thơ nảy là mẫu mực
tuyệt vời về ngôn ngữ, về tả cảnh, tả người, tả tình, tự sư,v..v.. .đem lại cho nhân dân ta nhiều thú vị văn
chương. Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn tuyệt bút của thi hào Nguyễn Du. Mượn
vật tả người, lấy ý họa hình quả thực là sức mạnh phi thường trong ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du.

Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong “Truyện
Kiều”. Thúy Kiều là nhân vật trung tâm của truyện thơ, một thiếu nữ tài, sắc vẹn toàn đã được
thi hào khắc họa một cách thần tình, mĩ lệ.

Hai chị em Thúy Kiều mang vẻ đẹp thanh cao, trinh trắng như “mai”, như “tuyết”, mỗi người một
vẻ đẹp riêng nhưng vẻ đẹp nào cũng toàn thiện, toàn bích:

“Mai cốt cách, tuyết tinh thần.


Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười”.
Tiếp sau vẻ đẹp của hai chị em, Nguyễn Du vẽ ra trước mắt người đọc bức chân dung tuyệt mĩ
của Thúy Vân:

Vân xem trang trọng khác vời,


Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười, ngọc thốt, đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Sắc đẹp của Thúy Vân là sắc đẹp của một thiếu nữ “đoan trang”, “trang trọng khác vời”; rất quý
phái. Nàng sở hữu khuôn mặt “đầy đặn”, tươi sáng như vầng trăng, mắt phượng, mày ngài,
miệng cười tươi như hoa, giọng nói trong như tiếng ngọc,… Lại còn thêm mái tóc suôn mượt
hơn mây, làn da trắng sáng hơn tuyết. Quả là mĩ miều xưa nay hiếm có.

Nhà thơ đã sử dụng biện pháp ước, lệ tượng trưng, tạo nên những hình ảnh ẩn dụ đầy gợi
cảm. Bức chân dung của Thúy Vân hiện lên cao khiết, trinh sạch và gần gũi trong ánh nhìn và
tưởng tượng. Vẻ đẹp ấy hòa hợp với trần thế, khiến cho vạn vật tôn vinh, ngưỡng mộ. Với cách
miêu tả ấy, Nguyễn Du ngầm dự báo Thúy vân sẽ có một cuộc đời êm đẹp, hạnh phúc.

Không hề dài dòng, tiếp ngay sau đó, tác giả miêu tả tiếp vẻ đẹp của Thúy Kiều. Ánh sáng
bừng lên, vũ trụ hân hoan khi từng đường nét Thúy Kiều hiện lên trên ngòi bút của bậc thiên tài:

Kiều càng sắc sảo mặn mà,


So bề tài sắc vẫn là phần hơn.
Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Tả Thúy Vân trước, tả Thúy Kiều sau là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Trên cái nền vẻ đẹp
của Thúy Vân, Thúy Kiều tỏa hiện với vẻ đẹp lộng lẫy có thể khiến cho thành nghiêng nước đổ.
Khác với bức chân dung của Thúy Vân, ở bức chân dung của Thúy Kiều, Nguyễn Du chỉ miêu
tả hai đặc điểm. Mắt nàng trong như sắc nước mùa thu, Hàng chân mày thanh tú, diễm lệ như
dáng núi mùa xuân. Chỉ hai thôi mà đã lộ rõ sắc đẹp phi thường của nàng rồi, thực là kì bút.

Đó là một vẻ đẹp vừa đằm thắm vừa sắc sảo, mặn mà, ẩn đầy nội lực tồn sinh. Phía sau vẻ
đẹp hình thức là một nguồn sức mạnh huyền bí, có sức lôi cuốn và quyến rũ đến mê dại. Bởi
thế, vẻ đẹp của Thúy Kiều đã khiến cho đất trời phải “ghen”, phải “hờn”.

Ở đây, ngòi bút tả người của thi hào có sự biến hóa đa dạng. Kết hợp thần tình các biện pháp
nghệ thuật ẩn dụ nhân hóa, vận dụng tinh tế và hiệu quả thi liệu cổ điển tạo nên sức mạnh biểu
đạt kì lạ. Cao hơn thé, thi hào còn mạnh mẽ khẳng định: “Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”.
Nghĩa là, nếu sắc đẹp của Thúy Kiều là hiếm có thì tài năng và tuyệt kĩ của nàng là chưa từng
có, chưa từng xuất hiện trên cõi đời này. Phải chăng, điều đó như dự báo rằng cuộc đời Thúy
Kiều sẽ gặp nhiều trắc trở, tai ương bởi những phẩm chất và năng lực ngoại hạng của mình.

Sau bức chân dung tuyệt sắc của hai đại mĩ nhân, Nguyễn Du dành nhiều hơn để miêu tả tài
năng của Thúy Kiều:
Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm.
Cung, thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.
Trước hết, nàng là người rất thông minh. Vừa sở hữu vẻ đẹp trác việt, vừa thông minh tuyệt
đỉnh, quả thực người như thế xưa nay hiếm lắm. Nguyễn Du có lẽ đã quá ưu ái cho nhân vật
của mình chăng? Mọi thú tiêu dao của người xưa, nàng đều thông thuộc, thậm chí là đạt đến
tuyệt kĩ tài hoa. Cầm, kì, thi, họa, âm luật, thi luật, kể cả tác thuật nàng đều sành sỏi. Người
như thế, ai mà chẳng say mê. Bức chân dung của Thúy Kiều đã đạt đến mức toàn thiện, vượt
qua tất cả ngưỡng hình dung của con người. Nàng chính là thần tiên trên mặt đất. Bởi là thần
tiên nên nàng không thể nào hòa hợp với luật lệ của chốn trần gian vốn khắc nghiệt và giả dối
nên cuộc đời mới trầm luân, dâu bể đến thế chăng?

Tóm lại, Thúy Kiều là một nhân vật tuyệt đẹp trong “Đoạn trường tân thanh”. Thi hào Nguyễn
Du với cảm hứng nhân đao và tài nghệ thơ ca trác việt đã miêu tả Thúy Kiều bằng những vần
thơ lục bát đẹp đến nhuần nhị, thấu cảm lòng người. Ông đã dành cho nhân vật bao tình cảm
yêu mến, trân trọng sâu sắc. Sự kết hợp tài tình bút pháp ước lệ, tượng trưng, sử dụng sáng
tạo các biện pháp tu từ, nhất là phép ẩn dụ, so sánh, lớp ngôn ngữ thơ tinh luyện, hàm súc,
hình tượng gợi cảm, tài năng miêu tả người xuất chúng vẽ nên bức chân dung của bậc tuyệt
thế giai nhân bằng thơ sáng giá nhất trong nền văn học cô nước nhà. Xưa nay, chưa từng có
người đẹp như thế.

Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích mẫu 1


Nguyễn Du là một danh nhân văn hóa, một đại thi hào của dân tộc ta. Ông đã để lại cho kho
tàng văn học Việt Nam một kiệt tác lớn được bạn bè quốc tế yêu thích đó chính là tác phẩm
Truyện Kiều. Bên cạnh giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo truyện Kiều của Nguyễn Du thành
công về mặt nghệ thuật với bút pháp tả cảnh ngụ tình và miêu tả nội tâm nhân vật xuất sắc.
Nguyễn Du đã đạt đến tình cao trong lịch sử với đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích, miêu tả
thành công nỗi cô đơn buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Kiều.

Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích nằm trong phần Gia biến và lưu lạc. Đoạn thơ dài 22 câu
không chỉ biểu lộ tình cảm xót thương của Nguyễn Du đối với số phận người phụ nữ tài hoa
nhưng bạc mệnh mà còn thể hiện bút pháp đặc sắc về tự sự việc tả cảnh ngụ tình với những
ngôn từ độc thoại nội tâm để biểu đạt nỗi lòng và tâm trạng của Thúy Kiều
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng
Với nét bút tả cảnh ngụ tình Nguyễn Du đã miêu tả thành công tâm trạng của Thúy Kiều với
những các từ khóa xuân đã cho thấy tình cảnh của Kiều lâm vào cảnh chim lồng cá chậu bị
giam lỏng và khóa kín tuổi xuân của mình. Từ khóa xuân không phải nói tới những cô gái bị
cấm cung mà chính là sự mỉa mai chua xót cho thân phận nàng Kiều. Kiều trơ trọi giữa thời
gian mênh mông với không gian hoang vắng trong hoàn cảnh tha hương đôi đất khách quê
người, cô đơn bị đày vào chốn lầu xanh.

Lầu Ngưng Bích vốn là một nơi có phong cảnh tuyệt đẹp, khung cảnh hữu tình thơ mộng được
thể hiện qua các từ ngữ non xa, trăng gần, cát vàng, cồn nọ, bụi hồng, dặm kia. Tuy nhiên từ
xưa đến nay Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Trong tình cảnh bị giam cầm và tha hương
cô đơn như thế, Kiều nhìn khung cảnh với con mắt buồn thảm vắng lặng, nhìn trăng nàng chỉ
thấy vầng trăng đơn côi, nhìn đất thì chỉ thấy cồn cát nhấp nhô phía bên là bụi hồng.

Ta có thể thấy lầu Ngưng Bích chỉ là một chấm nhỏ giữa thiên nhiên giữa mênh mang trời
nước. Trong cái không gian quẩn quanh mây sớm Đèn Khuya chính là một vòng tuần hoàn
khép kín của thời gian tất cả như kìm hãm Tuổi Thanh Xuân của Kiều sự sống của Kiều đã bị
những thế lực tàn ác của xã hội phong kiến bóc chết từ đó khắc sâu thêm nỗi buồn nỗi cô đơn
khiến Kiều càng thấy bẽ bàng buồn tủi bởi không ai chia sẻ và nàng chỉ biết làm bạn với mây
với đèn với cảnh vật hoang vu. Trong nỗi cô đơn tuyệt vọng ấy kiều cảm thấy xa cách hoang
vắng, bị giam cầm cách biệt với nơi đất khách quê người.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Khi ở lầu Ngưng Bích Kiều đã nhớ về Kim Trọng. Đây là một nét bút đặc sắc độc đáo và phù
hợp với tâm lý thể hiện lòng chung thủy của Thúy Kiều. Các từ ngữ tưởng, trông chờ trong
ngôn ngữ độc thoại nội tâm của Kiều đã làm nổi bật lên nỗi nhớ Kim Trọng khôn nguôi của
nàng Kiều. Càng nhớ về lời thề đôi lứa lời hẹn ước năm nào lại càng thương cho Kim Trọng.
Chén rượu thề còn ở đây mà nay mỗi người một ngả khiến Thúy Kiều ân hận, xót xa giống như
mình là một kẻ phụ tình chàng.

Nàng tưởng tượng Kim Trọng đang hướng về mình uổng công vô ích khiến nàng càng thêm xót
xa, lo âu cho dù mỗi người một phương nhưng tình cảm của nàng dành cho kim trọng là mãi
mãi và không thể phai mờ. Càng nghĩ kều càng thấy lo lắng phải bật lên câu hỏi tu từ. Phải biết
đến bao giờ nàng mới có thể rửa sạch được những ô uế của tấm lòng son chung thủy để có
thể đáp lại tình yêu của Kim Trọng. Không chỉ nhớ người yêu, ở nơi lầu cao ấy nàng cũng nhớ
về cha mẹ của mình:
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Ngôn ngữ độc thoại kết hợp với lối viết cổ, tâm trạng buồn của Kiều hiện lên thật rõ nét. Các từ
ngữ hôm mai, cách mấy nắng mưa diễn tả nỗi nhớ mong cha mẹ dài theo năm tháng. Kiều
thương cho cha mẹ mình ngày đêm lo lắng, ngày trông ngóng, nàng lo cho cha mẹ già yếu ở
nhà không ai chăm sóc, phụng dưỡng. Thành ngữ quạt nồng ấp lạnh cùng với điển tích Sơn
Lai, gốc tử đã nói lên tâm trạng nhớ thương và thể hiện Kiều là một người con hiếu thảo.

Nàng lo sợ ở nơi quê hương mọi thứ đã đổi thay, cha mẹ nàng lại càng ngày càng già yếu nên
nàng vô cùng day dứt, áy náy vì chưa làm tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ của một người
con. Trong cảnh ngộ bị giam lỏng nơi lầu Ngưng Bích. Phải lưu lạc tới nơi đất khách quê người
chính bản thân Kiều mới là người đáng thương nhất, thế nhưng với tâm hồn và với những nét
tính cách đẹp cao thượng của mình nàng luôn hy sinh bản thân mình, quên đi cảnh ngộ hiện tại
của bản thân để lo lắng nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ, những người thân của Kiều. Nỗi
nhớ đó của Kiều rất chân thực và có chiều sâu để từ đó ta có thể thấy đây là một người con
hiếu thảo, một người tình chung thủy và một con người giàu lòng vị tha.

Tâm trạng buồn tủi của Kiều không chỉ còn ở trong lòng nữa mà đã thể hiện rõ nét qua cảnh vật
bên ngoài. Mỗi cảnh vật là một nét riêng và diễn tả một khía cạnh trong tâm trạng của Kiều
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Khung cảnh mở ra cho chúng ta thấy được đây là một cảnh hoàng hôn cửa bể chiều hôm gợi
cho chúng ta hình ảnh những tia nắng cuối ngày, phản chiếu trên mặt biển xanh khiến mọi thứ
nhuốm màu sẫm. Có cái gì đó tha thiết và nỗi nhớ mong, Kiều dường như tiếc nuối những ngày
tháng trước kia. Các từ ngữ thấp thoáng, xa xa diễn tả sự lẻ loi, đơn độc giống như tình cảnh
của Kiều bây giờ.
Một mình nơi xứ người bơ vơ nơi lầu ngưng Bích, Kiều chỉ biết nhớ về quê hương, nhớ về cha
mẹ, mong chờ một con thuyền để có thể cứu nàng. Nhưng chiếc thuyền ấy chỉ thấp thoáng ở
phía xa xa, lúc mờ lúc hiện Thuyền ai lênh đênh mất hút phía chân trời xa giống như cuộc đời
Kiều lênh đênh chẳng biết chơi về đâu. Chẳng biết bao giờ mới có thể trở về nhà báo hiếu cho
cha mẹ
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Cánh hoa mỏng manh dập dìu trong dòng nước bé nhỏ không chống chọi được với sức của
mọi nước giống như chính thân phận Kiều trong xã hội cũ. Tuy là một người có đức có tài, có
nét đẹp nhưng chính cường quyền áp bức đã vùi dập nàng, vùi dập tài năng của nàng. Thân
phận Kiều giờ đây lạc lõng, lẻ loi trôi theo dòng đời vô định, chẳng biết đi về đâu. Nhìn cánh
hoa vùi dập nàng Kiều lại nhớ tới Kim Trọng, càng buồn tủi và xót xa cho thân phận của mình:
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Trái ngược với cái tên của lầu màu xanh qua con mắt của Kiều trở nên thật sầu thảm với từ láy
rầu rầu gợi lên hình ảnh của một bãi cỏ tàn úa xơ xác. Tuổi thanh xuân tươi đẹp của Kiều với
một tài sắc vẹn toàn đáng lẽ nàng phải có một cuộc sống đầy đủ, phải có một cuộc đời hạnh
phúc thế nhưng Tuổi Thanh Xuân ấy sẽ phai tàn và vô vị như màu xanh héo úa kia. Màu xanh
vốn là màu của hy vọng nhưng nay đã tàn úa giống như niềm tin của Thúy Kiều đang dần cạn
với nỗi xót xa ngày càng dâng cao trong Thúy Kiều.
Buồn trông gió cuốn mặt dềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Âm thanh của tiếng sóng ầm ầm, trong cảnh gió cuốn mặt dềnh giống như bão tố phong ba
đang chờ đợi Kiều ở phía trước. Nàng lo lắng không biết khi nào tai họa sẽ ập đến, giống như
tiếng sóng ở ngoài xa, tiếng sóng ầm ầm chính là báo hiệu một tương lai đầy sóng gió khiến
Kiều sợ hãi.
Với điệp ngữ Buồn trông đặt ở bốn câu đầu trong bài thơ giống như tiếng thở dài cùng với nhịp
thơ trầm trầm và những thanh bằng đã nhấn mạnh một nỗi buồn đang ngày càng dâng lên
trong tâm trạng của Thúy Kiều, cùng với cảnh vật đang càng lúc càng mênh mang những từ láy
xa xa, thấp thoáng, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm như những con sóng đang trào dâng
trong tâm hồn của Kiều.

Đoạn thơ Kiều Ở Lầu Ngưng Bích là đoạn thơ tả cảnh ngụ tình hay nhất trong truyện Kiều cũng
như trong văn học trung đại Việt Nam. Qua đoạn thơ chúng ta có thể hiểu biết thêm về tính
cách của Kiều. Đó là một người chung thủy, một người con hiếu thảo và là một con người của
tấm lòng vị tha. Đồng thời ta cảm nhận được sự khắc nghiệt của xã hội phong kiến, đã đẩy
những con người đáng thương như thế kia và hoàn cảnh éo le.

Kiều ở lầu Ngưng Bích chính là một đoạn thơ miêu tả tinh tế nội tâm nhân vật. Với bút pháp tả
cảnh ngụ tình điêu luyện đã làm nổi bật cảnh ngộ của Thúy Kiều và chứng tỏ được tài năng kiệt
xuất của Nguyễn Du. Chính sự bao dung, đồng cảm sẻ chia của Nguyễn Du đã đi vào tâm
tưởng bằng thế hệ.

You might also like