You are on page 1of 9

ÔN THI HỌC KỲ 2

Câu 1: Trình bày đối tượng mô thể riêng trực tiếp của trí năng con người?
Chúng ta đã được biết, duy mình tinh thần hay trí tuệ mới nắm bắt được hữu thể. Trên
nguyên tắc, trí tuệ con người có thể hiểu biết bất kỳ hữu thể nào. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thực
tế, trí năng con người lại là một tinh thần nhập thể. Thế nên, điều phù hợp trước tiên đối với nó
chính là hữu thể khả giác, tức là hữu thể được hiện thể hóa trong chất thể. Thánh Tôma khẳng
định như sau: Trong đời sống hiện tại của chúng ta, đối tượng đầu tiên của trí năng, đó không
phải là bất kỳ hữu thể nào nhưng là hữu thể của những thực tại hữu chất, và qua đó, trí năng đạt
tới một sự nhận thức về tất cả các thực tại khác (ST I, q. 87, a. 3, ad 1). Theo thánh Tôma, sự lệ
thuộc của trí tuệ chúng ta vào các cơ quan của cơ thể cũng như vào các hình ảnh của giác quan để
hoạt động chính là bằng chứng cho thấy đối tượng riêng trực tiếp của trí tuệ con người là hữu thể
hữu chất. Kinh nghiệm cho thấy, ý niệm về một vật bao giờ cũng được hình thành từ những hình
ảnh khả giác do các giác quan và óc tưởng tượng cung cấp. Bên cạnh đó, khi chúng ta tìm cách
lãnh hội điều gì hoặc muốn trình bày cho người khác hiểu điều gì thì chúng ta thường phải dùng
đến các hình ảnh làm thí dụ. Mặt khác, khi các cơ quan cảm giác bị hỏng hóc dẫn đến sự hạn chế
trong hoạt động của óc tưởng tượng hoặc kí ức thì trí năng cũng không thể hoạt động được.
Chẳng hạn, một người mù bẩm sinh không thể có ý niệm trực tiếp về màu sắc, tuy nhiên, nếu
được hướng dẫn để hiểu thế nào là một chấn động, một tần số và được giải thích cách khoa học về
màu sắc là một chấn động ứng với một tần số nhất định, thì người mù cũng có thể có được một
quan niệm nào đó về ánh sáng và màu sắc. Tuy nhiên, đây không phải là một kiến thức trực tiếp
mà chỉ là một kiến thức loại suy.
 Để dễ nắm bắt vấn đề, ta có thể diễn tả luận đề trên bằng các điểm sau đây:
a. Trí năng con người trực tiếp nhận biết các vật hữu chất (đối tượng chất thể).
b. Nó chỉ trực tiếp nhận biết các vật hữu chất và phải là những vật đã được các giác quan
nhận thức và hiện đang được trí tưởng tượng tái dựng lại trong ảnh tượng.
c. Đối với các vật hữu chất này, trí năng ít nhất cũng biết được yếu tính của chúng cách lờ
mờ.
d. Trí năng khác giác quan ở chỗ: giác quan biết đối tượng dưới hình thức cụ thể, cá biệt còn
trí năng thì biết đối tượng dưới hình thức trừu tượng, phổ quát nghĩa là được gỡ bỏ khỏi mọi đặc
tính cá biệt.
* Lưu ý về danh từ yếu tính:
Khi ta nói trí năng nắm bắt được yếu tính của sự vật thì ở đây không hiểu yếu tính theo nghĩa
chặt chẽ và siêu hình của danh từ này. Cho nên, lập trường Tôma không có ý nói chúng ta trực
tiếp nhận biết yếu tính của các vật thể, vì hiển nhiên chúng ta phải trải qua rất nhiều nỗ lực của
khoa học mới có thể đạt được điều đó. Nhiều khi sau bao công trình nghiên cứu, ta vẫn bất lực
không giải thích nổi yếu tính của một số vật. Danh từ yếu tính ở đây được dùng tương đương với
danh từ quidditas. Hạn từ này có một ý nghĩa khá rộng, nó không nhất thiết phải là một sự xác
định chặt chẽ về sự vật nhưng đó có thể chỉ là một ý niệm mờ nhạt và sơ sài về một vật. Chẳng
hạn, đứng trước một vật nào đó chỉ cần ta xác định được đối tượng là một động vật, một cái cây,
một thứ động cơ hay chí ít cũng nói được đó là một hữu thể thì như thế cũng kể là ta đã biết được
cái quidditas của sự vật.
 Kết luận:
Qua phần trình bày về đối tượng riêng của trí năng, chúng ta càng thấy rõ hơn mối liên hệ
chặt chẽ giữa hai cấp độ nhận thức khác nhau: sự nhận thức của các giác quan và sự nhận thức
của trí tuệ. Có thể nói, trong hoạt động nhận thức của mình, trí năng lệ thuộc các cảm giác, óc
tưởng tượng, các giác quan và cả cơ thể. Đây là sự lệ thuộc khách thể vì nó liên quan đến đối
tượng của trí năng. Trí năng phải nhờ đến sự trợ giúp của sinh hoạt cảm giác mới có được đối
tượng của mình mà tư duy. Aristote đã diễn tả sự lệ thuộc này như sau: Omnis cognitio a sensu –
Mọi sự nhận thức là từ giác quan. Thánh Tôma cũng đồng quan điểm khi cho rằng: Nihil in
intellectu quod non prius fuerit in sensu – Không có gì ở trong trí năng mà trước đó không ở trong
giác quan (ST I, q. 84, a. 3).
Câu 2: Hãy trình bày cách giải thích của Aristote về nguồn gốc của ý niệm nơi con người.
Tại sao cách giải thích của Aristote được coi là thỏa đáng?
 Cách giải thích của Aristote về nguồn gốc của ý niệm nơi con người:
 Mối liên hệ giữa hình ảnh và ý niệm:
Nếu xét trong bản chất và trong cấu trúc riêng của chúng thì giữa ý niệm và hình ảnh không
có sự liên tục. Ý niệm thì cho chúng ta thấy được một cốt tính, một yếu tính bất khả phân, còn
hình ảnh thì chỉ trình bày cho chúng ta những tổng hợp gồm các khía cạnh khả giác, những khía
cạnh này cũng làm nên một sự duy nhất nhưng không có tính thiết yếu.
Tuy nhiên, xét về phương diện chức năng, thì hẳn nhiên là giữa hình ảnh và ý niệm có một sự
liên tục. Sự kiến tạo nên ý niệm luôn khởi sự từ hình ảnh do các giác quan và óc tưởng tượng
cung cấp. Ngoài ra, trong những phán đoán, chẳng hạn như Giáp là người hay cái bàn này hình
vuông, thì trí năng và các giác quan cùng hội ngộ để quy gán những ý niệm trừu tượng, phổ quát
của trí tuệ cho các vật đơn lẻ và cụ thể.
 Mô tả sự hình thành ý niệm:
Theo nguyên lý chung về sự nhận thức, chúng ta đã biết rằng, để một đối tượng được nhận
thức thì nó phải hiện diện trong chủ thể nhận thức theo cách phi chất thể, tức là bằng một yếu tố
tương tự của nó hay còn gọi là cái mô thể ý hướng của vật. Cái mô thể ý hướng này xét như là cái
đến từ ngoại vật thì còn được gọi là ấn ảnh. Chính ấn ảnh này sẽ đóng vai trò kích hoạt quan năng
nhận thức để làm cho chủ thể quy hướng về đối tượng và kết hợp với đối tượng, nhờ vậy mà ta có
sự nhận thức đối tượng.
Vậy đâu là cái ấn ảnh sẽ đóng vai trò kích hoạt trí năng. Chúng ta đã biết, trí năng không biết
được điều gì mà không nhờ các giác quan, thế nên cái ấn ảnh này hẳn phải đến từ ngoại vật thông
qua các giác quan. Có thể nói, trong cấp độ nhận thức cảm giác, sự phản ảnh về ngoại vật đạt đến
mức độ tinh luyện nhất trong các ảnh tượng của óc tưởng tượng. Tuy vậy, các ảnh tượng này, xét
nguyên chúng thì vẫn chưa phải là những ấn ảnh khả niệm có thể kích hoạt trí năng vì ảnh tượng
thì vẫn còn gắn với những điều kiện về chất thể nên chưa xứng tầm với trí năng.
Do vậy, trí năng phải chủ động kiến tạo nên cái ấn ảnh phù hợp cho mình. Việc kiến tạo này
cũng chính là hoạt động trừu xuất của trí năng nhằm vào ảnh tượng do óc tưởng tượng cung cấp.
Công việc trừu xuất này do trí năng chủ động thực hiện. Kết quả của sự cộng tác giữa ảnh tượng
và trí năng chủ động chính là ấn ảnh khả niệm, được tạo ra trong trí năng thụ động và được trí
năng thụ động tiếp nhận. Chính nó sẽ đóng vai trò kích hoạt trí năng thụ động để đưa trí năng từ
tình trạng tiềm thể bước vào hoạt động. Một khi được tài bồi hay phẩm định nhờ ấn ảnh khả niệm,
trí năng thụ động sẽ phản ứng lại bằng cách kết hợp với cái ấn ảnh khả niệm này và tạo ra trong
chính mình một thứ diễn ảnh biểu đạt yếu tính của đối tượng. Và trong cái diễn ảnh này, trí năng
lãnh hội yếu tính của sự vật. Cái diễn ảnh này cũng chính là tâm từ, quan niệm hay ý niệm.
 Một số điểm cần ghi nhận
a. Trí năng chủ động đóng vai trò như nguyên nhân tác thành trong việc tạo ra ấn ảnh khả
niệm từ ảnh tượng. Như vậy, có thể coi nó là cầu nối giữa hai bình diện nhận thức thuộc cảm giác
và trí tuệ. Cần hiểu cho đúng về tác động trừu xuất của trí năng chủ động. Đây không phải là
“việc thiêng liêng hóa” ảnh tượng (từ chỗ khả giác biến thành thiêng liêng), nhưng đúng hơn, trí
năng chủ động chỉ hiện thể hóa, tức là đưa ra ánh sáng, cái ấn ảnh khả niệm còn trong tiềm thể ở
nơi ảnh tượng. Mặt khác, cũng không nên hiểu công việc này chỉ đơn thuần là việc dò tìm ấn ảnh
khả niệm vốn có sẵn đó rồi trong ảnh tượng và chỉ việc rút ra thôi. Đúng hơn, trừu xuất là tác
động trên các dữ kiện cảm giác để tạo ra ấn ảnh khả niệm. Trí năng chủ động có thể được so sánh
như thứ ánh sáng của trí tuệ, nhờ nó mà điều khả niệm trong tiềm thể vốn ở nơi ảnh tượng được
trở thành sáng tỏ, cũng tương tự như ánh sáng làm chuyển đổi các màu sắc từ trong tiềm thể bước
sang hiện thể.
Ánh sáng thì không nhìn xem nhưng nhờ nó mà ta nhìn xem các vật. Cũng vậy, trí năng chủ
động không phải quan năng nhận thức nhưng nó làm cho cái khác nhận thức. Nơi mỗi người phải
có một trí năng chủ động riêng biệt chứ không phải chỉ có một trí năng chủ động chung cho mọi
người như Avicenna (980 – 1037) và Averròes (1126 – 1198) chủ trương.
b. Ảnh tượng không chỉ là chất liệu của sự nhận thức thuộc trí tuệ, đúng hơn, ảnh tượng cũng
đóng vai trò là nguyên nhân trong việc tạo ra ấn ảnh khả niệm, nhưng đây chỉ là nguyên nhân khí
cụ và thứ cấp. Sự tương tự giữa ấn ảnh khả niệm với sự vật là do phần đóng góp của ảnh tượng.
Kinh nghiệm cho thấy tri thức thuộc cảm giác càng đầy đủ bao nhiêu thì tri thức trí tuệ càng sáng
tỏ bấy nhiêu. Như vậy, ấn ảnh khả niệm là kết quả của hoạt động phối hợp giữa trí năng chủ động
và óc tưởng tượng, nên sẽ mang dấu ấn của cả hai. Tuy nhiên, ấn ảnh này không nằm ở nơi trí
năng chủ động cũng không ở nơi óc tưởng tượng nhưng được tạo ra ở nơi trí năng thụ động.
c. Trí năng thụ động mới thực sự là quan năng nhận thức đối tượng. Trí năng này thoạt đầu ở
trong tiềm thể cũng tựa như một tấm bảng trên đó chưa ghi điều gì. Chính nhờ được kích hoạt bởi
ấn ảnh khả niệm mà nó mới bắt đầu bước vào hoạt động. Trí năng thụ động không chỉ tiếp nhận
ấn ảnh khả niệm nhưng còn phản ứng lại bằng cách kết hợp cách mãnh liệt với ấn ảnh ấy để tạo ra
cho mình một diễn ảnh biểu đạt yếu tính của sự vật và trong cái diễn ảnh này, trí năng lãnh hội
yếu tính của sự vật. Có hai cách gọi quan năng này: xét như là quan năng tiếp nhận mô thể khả
niệm của sự vật thì ta gọi nó là trí năng thụ động; còn xét như là quan năng có thể trở thành mô
thể của mọi vật thì ta gọi nó là trí năng khả hữu.
 Cách giải thích của Aristote được coi là thỏa đáng vì:
Học thuyết của Aristote về sự nhận thức trí tuệ và sự trừu xuất có thể giúp làm sáng tỏ được
nhiều vấn đề:
Trước hết, nó giúp hiểu được lý do của sự kết hợp bản thể giữa linh hồn và xác thể. Linh hồn ở
trong xác thể không phải như trong một nhà tù. Các hoạt động thể lý của thân xác tạo điều kiện
cho những hoạt động của các giác quan. Còn hoạt động của các giác quan là để phục vụ cho hoạt
động trí tuệ. Như vậy, thân xác không chỉ là công cụ của linh hồn, cùng với linh hồn nó chung
phần làm nên bản thể duy nhất của con người.
Cách thức giải trình về trí năng chủ động nêu bật được tính chủ động của trí năng con người trong
việc kiến tạo nên chính đối tượng khả niệm cho mình. Qua đó, trí năng thể hiện tính tự phát trong
hoạt động riêng của nó. Trí năng chủ động thực thi vai trò nguyên nhân đích thực trong việc tạo ra
điều khả niệm. Nhưng nói cho đúng thì trí năng con người không tạo ra đối tượng mà chỉ là tìm
gặp đối tượng trong thế giới vốn tự thân khả niệm trước khi con người chú ý tới nó.
Để suy tư, con người cần đến hoạt động của các giác quan, tức là phải có sự lệ thuộc vào ngoại
giới. Đây cũng là điểm chung giữa thuyết của Aristote với thuyết duy nghiệm. Tuy nhiên, hoạt
động của trí tuệ không thể bị giảm thiểu vào cùng một bình diện với sự nhận thức giác quan. Thật
vậy, nếu như trí năng cần đến các giác quan để tiếp nhận đối tượng của mình, nếu như sự trừu
xuất được thao tác trên các dữ kiện cảm giác, thì dầu vậy trí năng qua sự trừu xuất vẫn nắm bắt
được trong các sự vật chính hữu thể của chúng. Điều này vốn vượt quá khả năng của các giác
quan. Qua đó, trí năng thể hiện bản chất thiêng liêng của mình. Nó hình thành nên một địa hạt
khác của sự nhận thức. Linh hồn con người, như Aristote đã nói, có thể nhận biết mọi vật.

Câu 3: Trình bày ba loại hoạt động của trí năng con người? Theo bạn, trong ba hoạt động
này, cái nào có tầm quan trọng đặc biệt hơn cả?
 Ba loại hoạt động của trí năng con người:
 Lãnh hội đơn thuần (simple apprehension):
Sự lãnh hội đơn thuần được định nghĩa là tác động qua đó trí năng nắm bắt yếu tính của các
sự vật nhưng không quyết mà cũng không chối gì cả. Đây là tác động đầu tiên của trí tuệ. Sỡ dĩ
nó được gọi là sự lãnh hội bởi vì trong hoạt động này, trí năng như thể đồng hóa một đối tượng
mà nó nắm bắt được trong các sự vật. Theo một nguyên tắc của tâm lý học, giữa chủ thể và cái
mô thể được tiếp nhận phải có một sự tương ứng. Trí năng vốn có bản chất thiêng liêng nên nó
chỉ có thể lãnh hội các yếu tính trừu tượng là cái có cấp độ vô chất ngang bằng với trí năng. Thế
mà trong thực tế, trí năng con người trước tiên gặp gỡ các hữu thể hữu chất. Do vậy, trí năng
phải chủ động kiến tạo nên cái mô thể khả niệm phù hợp cho mình. Ở đây, ta thấy có sự tương
đương xét về cấp độ vô chất giữa đối tượng (yếu tính trừu tượng), trí năng (quan năng nhận
thức) và linh hồn (chủ quản của trí năng). Như chúng ta sẽ thấy, sự tương đương ấy sẽ được
dùng làm cơ sở để chứng minh tính thiêng liêng và tính bất tử của linh hồn.
 Phán đoán (judgment):
Phán đoán là tác động thứ hai của trí năng con người. Trong hoạt động này, trí năng an nghỉ
và tự hoàn thiện mình. Phán đoán được định nghĩa là tác động qua đó trí năng khẳng định bằng
cách liên kết và phủ định bằng cách phân ly. Trong sự lãnh hội đơn thuần, cái yếu tính khả niệm
xuất hiện trước trí năng như một điều tuyệt đối hiểu theo nghĩa nó là cái đến từ bên ngoài. Nó có
một sự hiện hữu độc lập với chủ thể. Yếu tính này xét trong chính nó thì trí năng con người
không thể tạo ra được mà chỉ có thể tìm gặp được nó trong cái thế giới mà chủ thể đang đối
diện, tức là trong các sự vật. Bởi vậy, một khi nắm bắt được yếu tính của sự vật được biểu đạt
trong một ý niệm, trí năng phải quy hoàn sự nhận thức của mình bằng cách khẳng định rằng, đối
tượng hiện diện trong trí năng thì hiện hữu như một thực tại siêu nghiệm, nghĩa là nó là phản
ảnh của cái thực tại bên ngoài tâm trí. Chính cái thực tại bên ngoài mới là thước đo trí năng chứ
không phải ngược lại. Bởi đó, bằng một phán đoán, trí năng khẳng định sự hiện hữu bên ngoài
tâm trí của các đối tượng được biểu đạt trong các quan niệm. Chính trong phán đoán mà trí năng
đạt đến chân lý. Như vậy, đang khi yếu tính là linh hồn của tác động lãnh hội đơn thuần thì sự
hiện hữu lại là linh hồn của phán đoán.
 Suy luận (reasoning):
Suy luận là hoạt động thứ ba của trí năng và được định nghĩa là tác động qua đó trí tuệ nhờ
vào những gì đã biết mà đạt đến một sự nhận thức mới. Hoạt động suy luận không có mục đích
tự thân. Người ta suy luận nhằm đạt tới một phán đoán chung kết, tức là nhằm tìm kiếm một
chân lý – đối tượng của phán đoán ấy. Như vậy, phán đoán là mục đích của hai hoạt động còn
lại của trí tuệ. Hoạt động suy luận biểu lộ hai khía cạnh riêng biệt của trí năng con người.
Trước hết, có một vận hành tiến về phía trước, một bước tiến từ chân lý này đến chân lý
khác, từ điều đã biết đến điều chưa biết. Bước tiến này là dấu hiệu cho thấy tiềm thể tính của trí
năng. Sinh hoạt tri thức là một cuộc chinh phục dày công, tức là tìm kiếm tri thức mới từ những
điều đã biết, nhờ vậy mà có sự tiến bộ trong tri thức.
Thứ đến, trong hoạt động suy luận, trí năng thực thi vai trò của một nguyên nhân trên chính
mình. Nói cách khác, chính sự am hiểu các tiền đề là nguyên nhân đưa đến sự am hiểu các câu
kết luận. Trí tuệ rút tỉa chân lý từ chính nó và như vậy, nó tự chuyển hóa mình từ tiềm thể sang
hiện thể. Điều này càng cho thấy tính chủ động và tính nội tại của trí tuệ.
 Trong ba hoạt động này, phán đoán có tầm quan trọng đặc biệt hơn cả vì:
Sự nhận thức của trí tuệ con người không thể hoàn thành trong sự lãnh hội đơn thuần nhưng
chỉ xảy đến trong một phán đoán mà thôi. Thế mà trong một phán đoán, một hạn cực luôn là
điều đặc thù. Do vậy, nhất thiết là mọi sự lãnh hội đều hàm súc sự quay trở về với ảnh tượng, để
nhờ đó mà thực hiện một phán đoán. Vậy việc quay trở về với ảnh tượng là một yếu tố nền tảng
của hoạt động thứ hai. Nó có thể được coi như bước đệm để chuyển từ hoạt động thứ nhất sang
hoạt động thứ hai. Thánh Tôma tóm kết như sau: Như vậy, trí năng trực tiếp nhận thức điều phổ
quát nhờ vào ảnh khả niệm và gián tiếp nhận biết điều đặc thù vốn là nguồn cung cấp các ảnh
tượng, và theo cách đó, trí năng kiến tạo nên mệnh đề “Socrates là người” ( ST I, q. 86, a. 1).
Lập trường trên đây cho phép duy trì sự phân biệt loại định giữa sự nhận thức thuộc trí tuệ
và sự nhận thức thuộc cảm giác, cho dù ở mức độ tinh luyện cao nhất. Mặt khác, nó cũng cho
phép duy trì sự tiếp xúc của trí tuệ với các sự vật trong thế giới này, với các thực tại trần thế, với
toàn bộ cái hiện thực sinh động này.
Câu 4: Thị dục cảm giác khác với thị dục tự nhiên ở điểm nào? Thị dục cảm giác được phân
loại thế nào? Trình bày ngắn gọn về 11 thụ cảm (passions) phát xuất từ tham dục và nộ dục.
Quan niệm thụ cảm này có gì khác so với quan niệm “đam mê” (passion) của tâm lý học
hiện đại?
 Thị dục cảm giác khác với thị dục tự nhiên ở điểm:
Thị dục cảm giác phân biệt với thị dục tự nhiên căn cứ vào nguồn gốc của nó. Thị dục tự
nhiên thì theo sau mô thể tự nhiên của sự vật, còn thị dục cảm giác thì theo sau một mô thể ý
hướng được tiếp nhận vào chủ thể qua sự nhận thức của các giác quan. Chính trong tư cách là cái
được nhận thức mà mô thể ấy làm phát sinh trong chủ thể một xu hướng. Chính các nhu cầu của
sự sống nơi con vật và con người đòi buộc chúng phải hướng tới điều mà chúng nhận biết không
chỉ để biết mà thôi, nhưng còn vì những mục đích hữu dụng khác. Đó là lý do tại sao nảy sinh thị
dục mới từ chính sự nhận thức thuộc cảm giác. Do vậy, nó được gọi là thị dục cảm giác.
 Phân loại thị dục cảm giác:
Tâm lý học cổ điển phân chia thị dục cảm giác thành hai loại: tham dục (concupiscible
appetite) và nộ dục (irascible appetite). Cần ghi nhận rằng, sự hướng chiều về điều thiện thì cũng
đồng thời bao hàm một xu hướng theo chiều ngược lại, tức là sự né tránh đối với điều dữ hay điều
xấu. Cách chung, chúng ta có xu hướng tìm kiếm hay khao khát điều thiện (khoái lạc) và tránh né
điều dữ (điều gây đau đớn, khó chịu), xu hướng này gọi là tham dục. Tuy nhiên, điều thiện mà
chúng ta tìm kiếm có thể là điều khó đạt tới. Cũng vậy, điều dữ có thể là điều có tính chất đe dọa.
Trong trường hợp này, chúng ta có xu hướng chiến đấu để thắng vượt các trở ngại, cũng như
kháng cự lại điều dữ có tính chất đe dọa, xu hướng này gọi là nộ dục.
Trong tâm lý học hiện đại, nhất là phân tâm học của Freud, người ta cũng gặp thấy hai khái
niệm tương đương: dục năng (libido) và bản năng gây hấn (instinct of aggressiveness). Xét về
mối liên hệ giữa tham dục và nộ dục, thánh Tôma cho rằng, không thể giảm lược cái nọ vào cái
kia vì cả hai đều cần thiết. Ngoài ra, nộ dục thì quy hướng đến tham dục. Sỡ dĩ nộ dục nảy sinh,
đó là để giúp cho tham dục đạt đến điều nó khao khát. Ngài viết: “Nộ dục chẳng khác nào một lá
chắn của tham dục. Nộ dục nổi dậy chống lại những trở ngại trong việc đạt tới những điều dễ chịu
mà tham dục đang ngưỡng vọng, và chống lại những nguyên nhân gây tổn hại mà tham dục né
tránh. Do đó, tất cả những thụ cảm (passions) thuộc nộ dục thì bắt nguồn từ những thụ cảm thuộc
tham dục và cũng kết thúc nơi một thụ cảm nào đó thuộc tham dục. Cơn giận chẳng hạn, nảy sinh
từ một nỗi buồn đang xâm chiếm chủ thể và khi nó đã giải tỏa nỗi buồn khỏi chủ thể rồi, thì nó lại
nguôi dịu thành một tâm trạng vui tươi.” (ST I, q. 81, a. 2).
 11 thụ cảm (passions) phát xuất từ tham dục và nộ dục:
Các triết gia cổ thời đã phân chia thành 11 thụ cảm khác nhau, tùy theo đối tượng mà thị dục
nhắm đến là điều thiện khả giác hay điều dữ khả giác, cùng với các điều kiện khác nhau của
chúng (chẳng hạn, có mặt hay vắng mặt, thắng được hay bất khả thắng…). Có 6 thụ cảm thuộc về
tham dục, 5 thụ cảm thuộc về nộ dục.
Tương quan với điều thiện Tương quan với điều dữ
6 thụ cảm do tham Yêu thích Chê ghét
dục
Thèm khát (vắng mặt) Tởm gớm (vắng mặt)
Vui sướng (có mặt) Buồn phiền (có mặt, không tránh
được)
5 thụ cảm do nộ dục Hy vọng (vắng, khó đạt) Bạo dạn (vắng, thắng được)
Thất vọng (vắng, bất khả) Lo sợ (vắng, không thắng được)
Giận dữ (có mặt, thắng được)

 Sự khác biệt giữa quan niệm thụ cảm (passion) so với quan niệm “đam mê” (passion)
của tâm lý học hiện đại:
Trước hết cần ghi nhận rằng, hạn từ passio trong tâm lý học cổ điển thì có nghĩa khác với
hạn từ passio trong tâm lý học hiện đại. Trong tâm lý học cổ điển, passio biểu thị một diễn biến
hay một động thái (motus/movement) thuộc địa hạt xúc cảm, chẳng hạn: yêu, ghét, giận dữ, sợ hãi
và luôn đi kèm với một phản ứng của cơ thể. Vì vậy, nó có thể được dịch sang tiếng việt là thụ
cảm hay cảm xúc. Thế còn passio theo tâm lý học hiện đại thì lại biểu thị sự rối loạn về mặt xúc
cảm ở bình diện cảm giác, tức là một cảm xúc nào đó “đè bẹp” các cảm xúc khác để chiếm lĩnh vị
thế độc tôn trong việc chi phối chủ thể. Chẳng hạn, một tình yêu mê cuồng hay các chứng nghiện
ngập chính là biểu hiện của thứ cảm xúc này. Theo nghĩa này, nó được dịch sang tiếng Việt là
đam mê.
Hạn từ thụ cảm có gốc bởi động từ “pati” trong tiếng Latinh, nghĩa là thụ nhận, chịu tác
động của cái khác. Nghĩa tầm nguyên cho thấy rằng, cái thực tại thuộc tâm giới này được coi như
một diễn biến thụ lãnh. Tính chất thụ động thể hiện cách rõ rệt qua những chuyển biến trong cơ
thể vốn đi kèm với các diễn biến thuộc xúc cảm. Những chuyển biến ấy là điều mà chúng ta phải
chấp nhận dù muốn hay không. Chẳng hạn, sự giận dữ làm cho tái mặt, sự xấu hổ khiến mặt đỏ
bừng, sự sợ hãi làm cho tay chân run rẩy, đau buồn khiến nước mắt nước mũi giàn giụa. Như vậy,
trong một thụ cảm, người ta phân biệt hai cấu tố: một cấu tố chất thể, tức là các biến đổi nơi cơ
thể và một cấu tố mô thể, là điều phát xuất từ thị dục. Chẳng hạn, trong một cơn giận, yếu tố chất
thể là sự nóng bừng của máu trong huyết quản, còn yếu tố mô thể hệ tại sự khao khát báo thù. Lối
giải thích này cho phép thiết lập được một tương quan hợp lý giữa điều thuộc tâm giới và điều
thuộc cơ thể trong hiện tượng thụ cảm.
Câu 5: Hãy dựa vào kinh nghiệm để chứng tỏ sự tồn tại của thị dục tinh thần nơi con người.
Bản chất và đối tượng của thị dục này là gì?
 Sự tồn tại của thị dục tinh thần nơi con người:
* Kinh nghiệm thường ngày với những tình huống khác nhau xác nhận về sự tồn tại của một
xu hướng cấp cao nơi con người. Thật vậy, mỗi một hành vi tự chủ đích thực mà chúng ta thể hiện
trong cuộc sống đều là một sự biểu lộ tiềm ẩn của ý chí. Trong các hành động như vậy, chúng ta
đều ý thức được về thực tế này, là có những xu hướng cấp thấp nơi chúng ta bị đặt dưới sự kiểm
soát của một xu hướng cao hơn. Xu hướng cao hơn này chính là ý chí. Thực ra cũng có trường
hợp, sự tự chủ này chỉ có tính chất bề ngoài. Chẳng hạn, khi một kẻ gian chịu thúc thủ trước ví
tiền dày cộm của người khác vì sợ bị bắt và rơi vào cảnh tù tội thì thái độ của hắn không phải sự
tự chủ đúng nghĩa, phần nào cũng giống như động thái của con chó bị đói nhưng không dám tấp
lấy miếng thịt trên bàn của chủ vì sợ ăn đòn. Ngoài trường hợp này ra thì còn có vô số trường hợp
cho thấy người ta tự kiềm chế những xu hướng hạ đẳng chỉ vì những lý do thuần túy tinh thần hay
cao thượng chứ không phải để tránh những đau đớn thể lý hay để chiếm được một sự thỏa mãn
nào đó.
Mặt khác, kinh nghiệm còn cho thấy rằng, đôi khi chúng ta chủ động muốn một đối tượng
gây khó chịu cho cơ thể hoặc đi ngược với những xu hướng của cảm giác. Chẳng hạn, khi chúng
ta uống một liều thuốc đắng, chịu đựng một cuộc phẫu thuật đau đớn hoặc thực hiện một công
việc khó khăn. Trong những trường hợp này, chúng ta không bị lôi cuốn bởi những sự thiện vật
chất và khả giác nhưng bởi sự thiện do trí tuệ giãi bày.
Ngoài ra, còn có thể kể đến hiện tượng về sự chú ý có chủ ý. Sự chú ý có chủ ý thì khác với
sự chú ý tự phát. Sự chú ý tự phát là sự tập trung của các giác quan hay trí tuệ vào một đối tượng
vốn thu hút một trong những thị dục cấp thấp nào đó. Chẳng hạn như khi xem một bộ phim hấp
dẫn. Thế còn trong sự chú ý có chủ ý, chúng ta tập trung các giác quan và trí tuệ vào đối tượng
vốn không lối cuốn những xu hướng thuộc cảm giác của chúng ta. Sở dĩ chúng ta tập trung chú ý
vào đó là vì chúng ta muốn như thế và chúng ta muốn là vì trí năng mách bảo cho chúng ta rằng
tập trung chú ý vào đó là tốt. Chẳng hạn, tập trung trí óc để đọc một cuốn giáo trình khô khan
nhưng hữu ích cho kỳ thi sắp tới.
 Bản chất của thị dục tinh thần:
Về phương diện triết học, xem ra không quá khó để chứng minh sự tồn tại của một thị dục
tinh thần nơi con người. Thật vậy, trên đây chúng ta đã chứng tỏ rằng, thị dục được khơi gợi thì đi
theo sau và tương ứng với bản chất của quan năng nhận thức. Thế mà trong phần nghiên cứu về
lãnh vực nhận thức, chúng ta đã chứng tỏ được rằng, nơi con người có quan năng nhận thức tinh
thần, tức là trí tuệ vốn không lệ thuộc cách nội tại vào chất thể. Điều này đem lại cho con người
một địa hạt nhận thức trổi vượt hơn sự nhận thức của các giác quan. Như vậy, một cách tương
ứng, con người cũng có thứ thị dục thuộc tinh thần mà ta gọi là ý muốn hay ý chí (voluntas/the
will). Vậy tương tự như trí năng, ý chí có bản chất thiêng liêng.
 Đối tượng của thị dục tinh thần:
 Đối tượng của ý chí là điều thiện phổ quát:
Xét cách chung, đối tượng của một thị dục luôn là một điều thiện. Trên đây, ta đã xác định,
đối tượng của thị dục cảm giác là một điều thiện đặc thù, khả giác. Thế còn ý chí, tức thị dục tinh
thần chỉ hướng đến điều thiện của nó, sau khi trí năng đã có thể đưa ra phán đoán về điều thiện ấy.
Thế mà, trí năng lại nhận thức đối tượng bằng các ý niệm. Cho nên, điều thiện được trí năng trình
bày trong một ý niệm thì sẽ mang những đặc tính: phổ quát, tất yếu và trừu tượng. Vậy chính điều
thiện phổ quát là đối tượng mô thể của ý chí. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ý chí
hướng đến ý niệm về điều thiện hoặc ý chí yêu mến ý niệm về điều thiện.
Cần nhớ rằng, thị dục xét cách chung luôn hướng đến các sự vật trong sự hiện hữu cụ thể,
chứ không phải trong cái biểu đạt về chúng (hình ảnh, ý niệm). Bởi đó, khi nói rằng, đối tượng
của ý chí là điều thiện phổ quát thì người ta có ý nói rằng, trong một thực tại cụ thể, đặc thù và
hiện thực, chính khía cạnh của Điều Thiện (Ratio Boni) thể hiện nơi ấy mới là cái lôi kéo ý chí.
Nói cách khác, đứng trước một sự vật cụ thể, trí năng sẽ làm cho ý chí thấy được khía cạnh của
điều thiện mà vật ấy hàm chứa. Và vì ý chí là thị dục của điều thiện nên nó sẽ hướng đến sự vật
ấy. Chẳng hạn, đứng trước một mâm cỗ, thị dục cảm giác hướng đến nó vì những món ăn khoái
khẩu nhưng thị dục tinh thần hướng đến mâm cỗ vì trí năng giãi bày cho nó ý nghĩa của tình bạn
(ratio boni).
* Khi ta nói đối tượng của ý chí là điều thiện thì như vậy cũng có nghĩa là, điều xấu hay điều
dữ, xét nguyên nó, không bao giờ được ý chí muốn hay yêu thích. Nó không thể được yêu thích.
Thật vậy, cả khi ai đó muốn một điều xấu thì đó chính là vì người ấy thực sự nhắm đến một khía
cạnh thiện hảo nào đó: một cảm xúc dễ chịu hoặc để chấm dứt một điều xấu lớn hơn.
Vậy thì phải hiểu thế nào về tội lỗi? Phải chăng không có ai xấu xa một cách cố ý? Hay phải
chăng, tội nhân nào cũng đều do ngu muội mà ra cả? Chúng ta cần nhớ điều này là người ta có thể
muốn một điều thiện vô trật tự, đang khi biết rõ rằng đó là điều vô trật tự (tìm cách mồi chài
người đã có gia đình). Thế mà đang khi muốn điều thiện vô trật tự ấy, người ta đã phạm một lỗi
lầm về luân lý, bởi vì, tội hệ ở chính sự ước muốn điều vô trật tự. Cũng không thể tự biện hộ rằng,
tôi chỉ muốn điều thiện chứ không muốn điều vô trật tự. Ở đây, không thể nào tách điều thiện ra
khỏi điều vô trật tự, cả hai gắn kết với nhau về mặt thực thể luận. Cho nên, đang khi muốn điều
thiện ấy thì người ta cũng đồng thời muốn điều vô trật tự vốn bao hàm trong đó.
 Ý chí muốn hạnh phúc một cách tất yếu:
Trên bình diện tâm lý, điều thiện phổ quát thường được diễn tả bằng một khái niệm tương
đương là hạnh phúc. Hạnh phúc là điều thiện gồm thâu trong nó mọi điều tốt đẹp. Đó là điều thiện
làm no thỏa, đổ tràn trên con người cả một dải những năng lực muôn màu muôn vẻ của nó. Đó là
điều mà mọi con người kiên tâm tìm kiếm suốt cả cuộc đời dù họ đi theo những con đường khác
nhau hoặc dùng đến những phương tiện khác nhau. Hạnh phúc, đó chính là điều tôi muốn. Đây
chính là cái nguyên lý làm nền cho toàn bộ sinh hoạt xúc cảm của con người.
Đứng trước một đối tượng thiện hảo toàn diện là hạnh phúc, ý chí không thể không ước
muốn. Nó không thể muốn điều ngược lại, cũng tương tự như trí năng không thể chối bỏ chân lý
hiển nhiên. Hay nói cách khác, ý chí muốn hạnh phúc cách tất yếu. Duy điều thiện toàn diện và
trọn vẹn như thế mới có thể áp đặt trên ý chí cách tất yếu. Trái lại, đối với các điều thiện đặc thù,
chỉ xét nguyên việc chúng là cái đặc thù thì đã thấy là chúng không biểu hiện điều thiện toàn diện,
và xét dưới góc độ này thì chúng có thể bị xem là các điều xấu (chọn nó thì có thể cướp mất của
tôi một điều thiện khác). Và vì lẽ đó, chúng có thể được muốn hoặc không muốn bởi ý chí vốn có
đặc quyền hướng đến cùng một thực tại hay sự vật theo những khía cạnh khác nhau của sự vật ấy.
Nếu tôi coi đó là điều thiện, tôi sẽ chọn nó; còn nếu tôi coi nó là điều xấu, tôi sẽ không chọn.
Chính ở chỗ này mà ta nói đến sự tự do của ý chí.
Câu 6. Tại sao nói ý chí là quan năng thị dục tinh thần? Hãy lý giải về sự tương tác qua lại
giữa trí năng và ý chí trong một hành động tự quyết của ý chí?
 Ý chí là quan năng thị dục tinh thần vì:
Về phương diện triết học, xem ra không quá khó để chứng minh sự tồn tại của một thị dục
tinh thần nơi con người. Thật vậy, chúng ta đã chứng tỏ rằng, thị dục được khơi gợi thì đi theo sau
và tương ứng với bản chất của quan năng nhận thức. Thế mà trong phần nghiên cứu về lãnh vực
nhận thức, chúng ta đã chứng tỏ được rằng, nơi con người có quan năng nhận thức tinh thần, tức
là trí tuệ vốn không lệ thuộc cách nội tại vào chất thể. Điều này đem lại cho con người một địa hạt
nhận thức trổi vượt hơn sự nhận thức của các giác quan. Như vậy, một cách tương ứng, con người
cũng có thứ thị dục thuộc tinh thần mà ta gọi là ý muốn hay ý chí (voluntas/the will). Vậy tương
tự như trí năng, ý chí có bản chất thiêng liêng.
 Sự tương tác qua lại giữa trí năng và ý chí trong một hành động tự quyết của ý chí:
Cách chung, người ta nói rằng, ý chí thì tự do khi nó tự mình quyết định về một hành động
nào đó. Nói cách khác, một hữu thể tự do thì là nguyên nhân của chính mình – Liberum est, quod
sui causa est. Đối với các hữu thể thụ tạo, câu định nghĩa trên chỉ có ý nói rằng, một hữu thể tự do
thì chính mình là nguyên nhân cho hành động của mình. Vậy phải chăng nhờ vào ý chí tự quyết,
con người tự điều động mình đi tới hành động? Trước hết, sự tự quyết của ý chí không có gì là
mâu thuẫn cả. Xét dưới cùng một góc độ, ý chí không thể vừa ở trong hiện thế lại vừa ở trong
tiềm thể. Ý chí ở trong hiện thể đối với mục đích nhưng ở trong tiềm thể đối với một phương tiện
nào đó để đạt tới mục đích ấy. Ý chí bị lay động bởi mục đích nhưng nó lại tự vận động mình để
chọn lấy một phương tiện. Chúng ta thử tìm cách làm sáng tỏ cơ cấu của một hành động quyết
định. Ý chí luôn được lay động bởi một lý do, bởi cái mô thể ý hướng của một điều thiện cụ thể
vốn có được sức lôi cuốn nhờ vào mối liên hệ của nó với Điều Thiện.
Nhưng vì điều thiện cụ thể này không phải là điều thiện lý tưởng, cho nên, nó không lôi cuốn
ý chí cách tất yếu, tự thân nó không có tính chất thuyết phục. Như vậy, sự quyết định hệ tại việc
đưa ra một lý do thuyết phục để chọn điều thiện ấy. Ý chí luôn thuận theo cái lý do mạnh hơn.
Thế nhưng, chính ý chí đã góp phần làm cho cái lý do ấy trở nên thuyết phục cho mình. Ý chí làm
điều đó bằng cách đình chỉ sự so đo lưỡng lự của trí năng, tức là buộc trí năng phải đưa ra một
phán đoán: “Ừ! Đó là điều tốt nhất, đó là điều phải làm”. Bằng không thì trí năng vẫn cứ tiếp tục
đong đưa, cân nhắc, xem xét không biết cho đến bao giờ mới thôi. Nói cách khác, ý chí thuận
theo cái phán đoán thực hành chung kết. Nhưng chính ý chí đã góp phần làm cho cái phán đoán
ấy trở thành chung kết.
Ở đây, chúng ta đứng trước vấn đề về tính tương tác giữa trí năng và ý chí, mỗi cái lay động
cái kia theo cách của mình. Như đã biết, ý chí theo sau và lệ thuộc trí năng vì ý chí được khơi gợi
từ một quan niệm về điều thiện, nhưng một khi ý chí được khơi động bởi trí năng thì lập tức có sự
tương tác giữa hai quan năng đó. Ý chí có thể hướng trí năng chú trọng tới đối tượng nó yêu thích
để biết rõ hơn, và ngược lại, trí năng khi hiểu rõ đối tượng thì cũng làm cho tình yêu gia tăng.
Như vậy, có sự tác động qua lại của hai quan năng này. Theo Tôma, trí năng lay động ý chí bằng
cách định loại cho hành động của ý chí, còn ý chí thì lay động trí năng bằng cách làm cho trí năng
thực hiện thao tác của nó (thúc đẩy việc suy nghĩ để sớm đưa ra phán đoán chung kết về phương
tiện tốt nhất). Hẳn nhiên là, sự định loại thì lệ thuộc vào sự khởi tác. Tôi chỉ muốn điều nào đó
nếu tôi nghĩ tới nó nhưng tôi chỉ nghĩ tới nó, nếu tôi muốn khởi tác việc suy nghĩ. Do vậy, việc tôi
tự dấn mình vào một phán đoán thực hành chung kết như thế, đó là một hành động do ý chí đóng
vai trò chủ đạo.
Như vậy, sự tự do thể hiện qua sự tự quyết của ý chí là kết quả của sự phối hợp hành động
giữa trí năng và ý chí. Thánh Tôma đã khẳng định điều này khi cho rằng, cội rễ của tự do thì nằm
ở nơi ý chí như chủ thể nhưng nằm ở nơi lý trí như nguyên nhân. Nói thế có nghĩa là, đặc tính tự
do thì gắn với ý chí xét như chủ thể của cái đặc tính ấy, nhưng sỡ dĩ ý chí có được như vậy là nhờ
trí năng. Chính mối tương quan và sự tác động qua lại của ý chí với trí năng đã là nguồn mạch
đem lại sự tự do của ý chí. Như vậy, xét cách chặt chẽ, sự tự do không phải là điều đặc trưng của
một mình ý chí hay trí năng, nhưng là của cả hệ thống, tức là của cả chủ thể là con người.

You might also like