You are on page 1of 413

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ

BỘ MÔN SINH LÝ

GIÁO TRÌNH
SINH LÝ ĐẠI CƯƠNG VÀ
ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ
(Dùng cho sinh viên Y đa khoa)

CẦN THƠ - NĂM 2018


CHỦ BIÊN
PGs. Ts Nguyễn Trung Kiên

BAN BIÊN SOẠN


Ts. Bs Trần Thái Thanh Tâm
Ths. Bs Nguyễn Hồng Hà
Ths. Bs Phạm Hoàng Khánh
Ths. Bs Phạm Kiều Anh Thơ
Ths. Bs Nguyễn Phan Hải Sâm

BAN BIÊN TẬP


Ths. Bs Nguyễn Phan Hải Sâm
LỜI GIỚI THIỆU

Sinh lý học là một chuyên ngành của sinh học nghiên cứu hoạt động chức
năng của cơ thể sống từ những sinh vật đơn giản nhất đến phức tạp nhất như con
người. Đối với các ngành khoa học sức khỏe, sinh lý học là môn học cơ sở quan
trọng, từ kiến thức nền tảng này người học có thể dễ dàng tiếp cận các kiến thức về
bệnh học và điều trị.
Giáo trình Sinh lý học do các giảng viên có nhiều kinh nghiệm và tâm huyết
của Bộ môn Sinh lý, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ biên soạn dựa trên
chương trình đã được phê duyệt. Nội dung Giáo trình vừa có những kiến thức kinh
điển, vừa có những kiến thức hiện đại được trình bày một cách hệ thống, khoa học.
Đặc biệt, Giáo trình có nhiều nội dung tiếp cận theo hướng mới so với các sách Sinh
lý học truyền thống giúp người học có được kiến thức toàn diện, dễ dàng vận dụng
khi học các môn chuyên ngành.
Chúng tôi xin giới thiệu cùng các bạn đồng nghiệp và các em sinh viên
quyển Giáo trình này như là một tài liệu học tập và tham khảo hữu ích và cũng chân
thành cảm ơn các giảng viên đã dành nhiều công sức để hoàn thành quyển Giáo
trình.

GS.TS. Lê Quý Phượng


Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU

Giáo trình Sinh lý học biên soạn dựa trên chương trình chi tiết theo hệ thống
tín chỉ đã được Hội đồng Khoa học-Đào tạo Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
thông qua dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Đây là tài liệu
học tập chủ yếu dành cho sinh viên chính qui ngành Y đa khoa, Răng hàm mặt, Y
học cổ truyền, Y học dự phòng và cả sinh viên liên thông ngành Y đa khoa. Ngoài
ra, đây cũng là tài liệu tham khảo cho sinh viên các chuyên ngành khác, các bạn
đồng nghiệp và bạn đọc có quan tâm.
Nội dung giáo trình là những kiến thức sinh lý học vừa kinh điển, vừa cập
nhật giúp người học có được nền tảng cơ sở để tiếp cận các môn chuyên ngành. Để
học tốt Sinh lý học, các bạn sinh viên cần nắm vững những kiến thức cơ bản của
sinh học, vật lý học, hóa học; đồng thời liên kết được các kiến thức như giải phẫu,
mô học, lý sinh, hóa sinh, huyết học cơ sở. Bên cạnh đó, việc đọc trước giáo trình,
hoàn thành các bài tập tự học, tìm hiểu những ứng dụng của sinh lý học trong bệnh
học, điều trị và dự phòng sẽ giúp nắm vững được nội dung các bài học.
Với tất cả tâm huyết, chúng tôi hy vọng quyển Giáo trình sẽ đáp ứng được
những mong đợi của các bạn. Trong quá trình biên soạn mặc dù đã cố gắng nhưng
chắc chắn không tránh khỏi các thiếu sót, chúng tôi mong nhận được những ý kiến
đóng góp của các bạn đọc và đồng nghiệp.

Bộ môn Sinh lý học


Khoa Y-Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
MỤC LỤC
STT TÊN BÀI GIẢNG Trang

Nhập môn Sinh lý học 01


Chương I. Sinh lý đại cương
1 Đại cương về cơ thể sống 04
2 Sinh lý thân nhiệt 14
3 Sinh lý tế bào 21
4 Vận chuyển vật chất qua màng tế bào 34
5 Điện thế màng tế bào 41
Chương II. Sinh lý điều hòa hoạt động cơ thể bằng cơ chế thể dịch
6 Sinh lý dịch cơ thể 49
7 Đại cương về hoạt chất sinh học 62
8 Sinh lý nội tiết vùng hạ đồi 77
9 Sinh lý tuyến yên 80
10 Sinh lý tuyến giáp 86
11 Sinh lý tuyến cận giáp 90
12 Sinh lý tụy nội tiết 91
13 Sinh lý tuyến thượng thận 94
14 Một số hoạt chất sinh học ngoài tuyến nội tiết 99
Chương III. Sinh lý điều hòa hoạt động cơ thể bằng cơ chế thần
kinh
15 Sinh lý nơron và synap 112
16 Sinh lý hệ thần kinh cảm giác 121
17 Sinh lý hệ thần kinh vận động 142
18 Sinh lý phản xạ 154
19 Sinh lý thần kinh cao cấp 166
Chương IV. Sinh lý cơ và xương
20 Sinh lý hệ cơ 180
21 Sinh lý xương và khớp 193
Đáp án trắc nghiệm 202
Tài liệu tham khảo
NHẬP MÔN SINH LÝ HỌC
Mục tiêu:
1. Trình bày được định nghĩa, đối tượng của sinh lý học.
2. Phân tích được mối liên quan giữa sinh lý học với các ngành khoa học tự nhiên
và các chuyên ngành y học khác.
3. Xác định được phương pháp nghiên cứu và học tập sinh lý học.
1. ĐỊNH NGHĨA VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA SINH LÝ HỌC
Sinh lý học là ngành khoa học nghiên cứu về các hoạt động chức năng của
cơ thể sống, tìm cách giải thích vai trò của các yếu tố vật lý, hóa học, về nguồn gốc,
sự phát triển và sự tiến hóa của sự sống ở sinh vật.
Sinh lý học y học nghiên cứu về các hoạt động chức năng của từng tế bào,
từng cơ quan, hệ thống cơ quan trong mối quan hệ giữa chúng với nhau và giữa cơ
thể với môi trường, nghiên cứu về sự điều hòa chức năng để đảm bảo cho cơ thể tồn
tại, phát triển một cách bình thường và thích ứng được với sự biến đổi của môi
trường sống.
Đặc biệt, sinh lý học y học xác định được các chỉ số biểu hiện các hoạt động
chức năng của các cơ quan, hệ thống cơ quan và có thể đo lường được chúng trong
trạng thái hoạt động bình thường, nhằm giúp các nhà lâm sàng học có tiêu chuẩn so
sánh và đánh giá tình trạng bệnh lý, đồng thời có thể đề xuất những biện pháp nhằm
đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho con người.
Đối tượng của sinh lý học y học là cơ thể người bình thường.
2. VỊ TRÍ CỦA SINH LÝ HỌC
Sinh lý học là một ngành sinh học, nó liên quan đến nhiều ngành khoa học
khác nhau:
- Sinh lý học kế thừa các ngành khoa học cơ bản như toán học, vật lý học,
hóa học và sử dụng những kiến thức này để nghiên cứu những hoạt động chức năng
và điều hòa chức năng trong cơ thể.
- Trong y học, sinh lý học liên quan chặt chẽ với các ngành khoa học hình
thái như giải phẫu học, mô học và các ngành khoa học chức năng như hóa sinh học,
lý sinh học, huyết học.
- Sinh lý học y học là môn học cơ sở rất quan trọng đặc biệt gắn liền với sinh

1
lý bệnh-miễn dịch và dược lý. Sinh lý học góp phần cho dự phòng, chẩn đoán, điều
trị và theo dõi bệnh.
3. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN MÔN SINH LÝ HỌC
Lịch sử phát triển sinh lý học đi song song với lịch sử phát triển của các
ngành khoa học tự nhiên và luôn gắn liền với sự thay đổi về quan niệm triết học. Có
thể chia lịch sử phát triển sinh lý học thành 3 giai đoạn khác nhau.
3.1. Giai đoạn hình thành
Ngay từ thuở khai sinh, nhân loại đã luôn đứng trước câu hỏi lớn về sự tồn
tại của chính bản thân. Những quan niệm triết học ban đầu là những luận thuyết
huyền bí của tôn giáo về linh hồn và thể xác. Cùng với việc ghi nhận các hiện tượng
xảy ra bên trong và bên ngoài bản thân mình, các nhà triết học đã bắt đầu giải thích
một số hiện tượng của cơ thể sống. Trước Công nguyên 5 thế kỷ, một thầy thuốc
người Hy lạp là Hippocrate đã đề xướng “Thuyết hoạt khí”, thuyết này cho rằng
hoạt khí trong phổi, chuyển sang máu rồi lưu thông khắp cơ thể, làm cơ thể hoạt
động, tắt thở là chết. Đến thế kỷ thứ II, Galien đã phát triển thuyết này để giải thích
một số hiện tượng khác. Đó là những nền móng đầu tiên của sự ra đời sinh lý học.
3.2. Giai đoạn hoàn thiện
Vào khoảng thế kỷ XVI đến nửa đầu thế kỷ XX, nền kinh tế các nước châu
Âu phát triển, chế độ tư bản ra đời, khoa học tự nhiên có những tiến bộ quan trọng,
đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ nhất đã tạo điều kiện cho sinh
lý học định hình rõ nét. Các phát minh khoa học hoàn thiện dần những hiểu biết về
cấu tạo, chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Một số nghiên cứu điển hình như
Luigi Galvani phát hiện điện sinh vật, Schwann tìm ra tế bào động vật, Claude
Bernard đưa ra quan niệm hằng tính nội môi, Pavlov với thuyết phản xạ có điều
kiện….
3.3. Giai đoạn phát triển
Từ khoảng giữa thế kỷ XX trở lại đây, những bước nhảy vọt trong nghiên
cứu sinh học phân tử đã đem lại một diện mạo mới cho sinh lý học. Phát minh về
cấu trúc xoắn kép của acid nucleic của Watson và Crick (1953); phát minh về
mRNA (messenger ribonucleic acid) của Jacob và Monod (1965); phát minh về mã
di truyền của Nirenberg, Holdey, Khorana; phát minh về cơ chế tác dụng của
hormon của Sutherland… đã giải thích các hiện tượng sinh lý học dưới góc độ phân
tử. Không dừng lại ở đó, một số nghiên cứu đã bắt đầu đề cập đến vai trò của điện
tử trong các quá trình sinh lý. Thế kỷ XXI, với những kỳ vọng về thế kỷ của công

2
nghệ sinh học sẽ tiếp tục đưa sinh lý học tiến xa hơn nữa.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ HỌC TẬP SINH LÝ HỌC
4.1. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp chủ yếu được sử dụng để nghiên cứu sinh lý học là quan sát và
thực nghiệm ở các mức độ khác nhau:
- Trên cơ thể toàn vẹn (in vivo).
- Trên cơ quan nào đó đã cắt sự chi phối của hệ thần kinh nhưng vẫn giữ
nguyên sự nuôi dưỡng bằng đường mạch máu (in situ).
- Trên một cơ quan hoặc tế bào đã tách rời ra khỏi cơ thể và nuôi dưỡng
trong môi trường thích hợp giống môi trường trong cơ thể (in vitro).
Và gần đây là việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ mô phỏng, thực
hiện việc tách chiết các phân tử sinh học… các nhà sinh lý học có thể ghi nhận được
những hoạt động chức năng, những thay đổi chức năng của tế bào, cơ quan của cơ
thể bằng những phương tiện đo lường chính xác. Từ những quan sát đó, các nhà
khoa học có thể tìm hiểu hoạt động và cơ chế điều hòa hoạt động của cơ thể.
Nghiên cứu, học tập sinh lý học chúng ta phải luôn luôn trả lời 3 câu hỏi:
- Cái gì, hiện tượng gì đã xảy ra?
- Nó đã diễn ra như thế nào?
- Tại sao nó xảy ra và diễn biến như thế?
4.2. Phương pháp học tập
Trước hết phải có kiến thức cơ bản về hình thái học (giải phẫu và mô học) vì
cấu trúc và chức năng có mối liên quan chặt chẽ với nhau, trong đó chức năng quyết
định cấu trúc. Đồng thời phải có kiến thức về sinh học cơ bản, vật lý học, hóa học,
đặc biệt là hóa sinh học và lý sinh học vì nhờ đó ta có thể hiểu biết cặn kẽ và giải
thích được bản chất các hoạt động chức năng và điều hòa chức năng của cơ thể.
Để học tốt môn sinh lý học cũng cần có sự so sánh, liên hệ chức năng của
các cơ quan, hệ thống cơ quan với nhau và đặt chúng trong mối liên hệ giữa cơ thể
với môi trường. Các hiểu biết về sinh lý học sẽ càng sáng tỏ hơn khi áp dụng kiến
thức sinh lý học để giải thích các hiện tượng, các biểu hiện trong trường hợp bệnh
lý, cơ chế tác dụng của thuốc và thực hành thăm dò chức năng.

3
CHƯƠNG I
SINH LÝ ĐẠI CƯƠNG
Con người là một sinh vật đa bào mà mỗi tế bào vừa là đơn vị cấu tạo vừa là
đơn vị chức năng của cơ thể. Một cơ thể sống có những đặc điểm riêng của nó, để
có thể hiểu về hoạt động chức năng của từng cơ quan và hệ thống cơ quan, trước hết
cần nắm những điểm chung nhất của một cơ thể sống.
ĐẠI CƯƠNG VỀ CƠ THỂ SỐNG
Mục tiêu:
1. Trình bày được các đặc điểm chính của sự sống và chuyển hóa chất.
2. Trình bày được các dạng năng lượng, quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ
thể sống.
3. Phân tích được các nguyên tắc chung trong điều hòa hoạt động cơ thể.
1. ĐẶC ĐIỂM CỦA CƠ THỂ SỐNG
Cơ thể sống có 3 đặc điểm chính:
1.1. Khả năng thay cũ đổi mới
Khả năng thay cũ đổi mới là hoạt động chuyển hóa, gồm 2 quá trình:
- Quá trình đồng hóa: thu nhận vật chất biến thành chất dinh dưỡng để cơ thể
xây dựng hình thể, tồn tại và phát triển.
- Quá trình dị hóa: phân giải vật chất, tạo ra năng lượng để cơ thể hoạt động
và đào thải các sản phẩm chuyển hóa ra khỏi cơ thể.
Hai quá trình này là 2 mặt thống nhất của chuyển hóa. Chuyển hóa ngừng là
cơ thể chết. Hoạt động chuyển hóa cần những hợp chất giàu năng lượng như ATP
và các men sinh học (enzym).
1.2. Khả năng chịu kích thích
Khả năng chịu kích thích là khả năng của cơ thể đáp ứng với những kích
thích của môi trường sống. Biểu hiện đáp ứng có thể là hưng phấn hoặc ức chế.
- Hưng phấn là biểu hiện của tế bào, cơ quan khi chuyển từ trạng thái nghỉ
sang trạng thái hoạt động.
- Ức chế là biểu hiện kìm hãm hoặc làm ngưng trệ hoàn toàn trạng thái hoạt
động của tế bào, cơ quan trong cơ thể.

4
Khả năng chịu kích thích vừa là biểu hiện của sự sống vừa là điều kiện tồn
tại của sự sống.
1.3. Khả năng sinh tồn nòi giống
Khả năng sinh tồn nòi giống là khả năng sinh sản giống mình, do mã di
truyền quyết định. Đặc điểm sinh sản có thể biểu hiện ở 2 mức độ:
- Mức tế bào: tạo ra các tế bào mới thay thế các tế bào già hoặc chết.
- Mức cơ thể: đảm bảo duy trì nòi giống từ thế này sang thế hệ khác.
2. CHUYỂN HÓA CHẤT TRONG CƠ THỂ SỐNG
2.1. Các nguyên tắc chung trong chuyển hóa chất
Chuyển hóa là toàn bộ những phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể sống
bao gồm hai quá trình là chuyển hóa chất và chuyển hóa năng lượng có liên quan
chặt chẽ với nhau. Chuyển hóa chất là những quá trình hóa học nhằm duy trì sự
sống bao gồm chuyển hóa glucid, lipid, protid, nước, các chất khoáng và vitamin.
Trong đó chuyển hóa các chất sinh năng: glucid, lipid, protid được thực hiện theo
các nguyên tắc chung:
- Hấp thu, vận chuyển và dự trữ theo nhu cầu của cơ thể:
+ Từ các đại phân tử lớn ăn vào sẽ phân cắt thành các phân tử nhỏ thuận lợi
cho sự hấp thu. Với glucid là từ các loại polysaccharid thành các loại
monosaccharid mà chủ yếu là glucose; với lipid là triglycerid, cholesterol este,
phospholipid thành các loại acid béo; với protid là protein thành các loại acid amin.
Ngoài nguồn gốc ngoại sinh, các chất còn được tổng hợp từ các nguồn nội sinh.
+ Sau đó các chất được tái tạo lại và vận chuyển đến mô cơ quan để chuyển
hóa theo yêu cầu. Glucid được vận chuyển trong máu là các monosaccharid mà chủ
yếu là glucose (90-95%), glucose có thể tồn tại dưới dạng tự do hoặc gắn với
protein trong máu dưới dạng glycosyl hóa. Lipid được vận chuyển trong máu chủ
yếu là các acid béo trong thành phần phospholipid, triglycerid, cholesterol este; tuy
nhiên, do các lipid không tan trong nước nên các phân tử này được vận chuyển dưới
dạng các lipoprotein là chylomicron, lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL: very low
density lipoprotein), lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL: low density lipoprotein) và
lipoprotein tỷ trọng cao (HDL: high density lipoprotein). Protid được vận chuyển
trong máu là các acid amin, albumin, globulin và fibrinogen.
+ Trường hợp chưa sử dụng ngay, các chất có thể được tích lũy dưới dạng dự
trữ ở mô cơ quan nào đó. Glucid được dự trữ dưới dạng glycogen chủ yếu ở gan,

5
lipid được dự trữ dưới dạng triglycerid chủ yếu ở lớp mỡ dưới da, protid không có
dạng dự trữ riêng mà chúng tồn tại trong thành phần cấu trúc của tất cả các tế bào
qua quá trình sinh tổng hợp protein.
- Chuyển hóa chất đáp ứng yêu cầu cơ thể: glucid, lipid, protid có 3 vai trò
chính trong cơ thể là tạo năng, tạo hình và tham gia các hoạt động chức năng. Có
hai loại phản ứng chuyển hóa là đồng hóa và dị hóa. Đồng hóa là phản ứng tổng hợp
từ các phân tử nhỏ thành phân tử lớn hơn để thực hiện vai trò tạo hình, dị hóa là
phản ứng phân chia hay thoái hóa các chất thành những phân tử nhỏ và cung cấp
năng lượng cho cơ thể (tạo năng). Vai trò tham gia các hoạt động chức năng của
glucid, lipid, protid được thực hiện bằng cả phản ứng đồng hóa và dị hóa. Mỗi chất
sinh năng khi thoái hóa sẽ đi theo những con đường chuyển hóa riêng nhưng đều
tạo ra sản phẩm là acetyl-coenzym A, chất này đi vào chu trình Krebs, sau đó qua
chuỗi hô hấp tế bào và hình thành ATP. Cơ thể tạo năng lượng theo thứ tự ưu tiên
từ sự thoái hóa: glucid, lipid, protid. Như vậy, mỗi chất sẽ có mức độ ưu tiên khác
nhau trong thực hiện vai trò, vai trò chính của glucid là tạo năng, trong khi vai trò
chính của protid là tạo hình, còn lipid thực hiện cả 3 vai trò như nhau.
- Đào thải các sản phẩm thừa sau chuyển hóa: quá trình thoái hóa các chất
sinh năng sẽ cho ra CO2, H2O, nhiệt, những chất này được đào thải qua phổi, thận
và da. Riêng sự thoái hóa lipid từ acid béo sẽ sinh ra các thể ceton, sự thoái hóa
protid từ các acid amin sẽ sinh ra ure cần tiếp tục được chuyển hóa. Ngoài ra, sự
thoái hóa từng chất cụ thể sẽ sinh ra những sản phẩm đào thải riêng, những sản
phẩm này sẽ được đưa ra ngoài cơ thể bằng nước tiểu thông qua hoạt động lọc, tái
hấp thu và bài tiết của thận, hoặc bằng phân qua chu trình gan-ruột.
2.2. Điều hòa chuyển hóa chất
- Cơ chế thần kinh: vùng hạ đồi là trung tâm điều hòa chuyển hóa chất dưới
vỏ, tại đây có các trung tâm no, trung tâm đói; các tác động của stress, nhiệt, xúc
cảm cũng thông qua vùng hạ đồi làm thay đổi chuyển hóa các chất. Ngoài ra, điều
hòa chuyển hóa chất còn có sự tham gia của vỏ não với các phản xạ có điều kiện,
của hệ thần kinh tự chủ với các phản xạ giao cảm và phó giao cảm.
- Cơ chế thể dịch:
+ Chuyển hóa glucid và lipid: các hormon làm tăng đường huyết và thoái hóa
lipid bao gồm somatomedin của gan, T3-T4 của tuyến giáp, glucagon của tuyến tụy
nội tiết, cortisol của vỏ thượng thận, catecholamin của tủy thượng thận. Hormon
làm giảm đường huyết và tăng tổng hợp lipid là insulin của tuyến tụy nội tiết.

6
+ Chuyển hóa protid: các hormon làm tăng tổng hợp protein bao gồm
somatomedin của gan, T3-T4 của tuyến giáp trong thời kỳ đang phát triển, insulin
của tuyến tụy nội tiết, các hormon sinh dục. Hormon làm tăng thoái protein bao
gồm T3-T4 của tuyến giáp trong thời kỳ trưởng thành, cortisol của vỏ thượng thận,
glucagon của tuyến tụy nội tiết.
3. NĂNG LƯỢNG CHO SỰ SỐNG
3.1. Các dạng năng lượng của cơ thể
Trong cơ thể có 5 dạng năng lượng, 4 dạng năng lượng sinh công là hóa
năng, cơ năng, thẩm thấu năng, điện năng và 1 dạng năng lượng không sinh công là
nhiệt năng.
- Hóa năng:
+ Nguồn gốc: tồn tại trong liên kết của các phân tử hóa học cấu tạo nên cơ
thể đặc biệt là dạng hợp chất giàu năng lượng ATP.
+ Ý nghĩa: giữ các phân tử có hình dạng cố định trong không gian. Năng
lượng sẽ được giải phóng khi phân tử bị phá vỡ để sinh công hóa học, số năng
lượng giải phóng khác nhau tuỳ loại liên kết.
- Động năng hay cơ năng:
+ Nguồn gốc: sinh ra do sự trượt lên nhau của các sợi actin và myosin trong
tế bào cơ.
+ Ý nghĩa: năng lượng được dùng để sinh công cơ học tạo ra sự co cơ dẫn
đến một hình thái chuyển động như: vận chuyển máu trong bộ máy tuần hoàn, vận
chuyển khí trong bộ máy hô hấp, vận chuyển thức ăn trong bộ máy tiêu hóa…
- Thẩm thấu năng:
+ Nguồn gốc: sinh ra từ sự chênh lệch nồng độ chất ở hai bên màng tế bào.
+ Ý nghĩa: năng lượng được dùng để sinh công thẩm thấu tạo ra hiện tượng
thẩm thấu.
- Điện năng:
+ Nguồn gốc: sinh ra do sự chênh lệch nồng độ ion ở hai bên màng tế bào.
+ Ý nghĩa: năng lượng được dùng để sinh công điện tạo ra dòng điện sinh
học.
- Nhiệt năng:

7
+ Nguồn gốc: sinh ra từ các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể. Trung bình
khoảng 80% năng lượng sinh ra từ các phản ứng chuyển hóa này trở thành nhiệt
năng.
+ Ý nghĩa: để đảm bảo duy trì thân nhiệt ổn định. Ngoài ra, tế bào sống
không có bộ máy sử dụng nhiệt để sinh công nên đây còn là dạng năng lượng thoái
hóa cần thường xuyên thải ra ngoài cơ thể.
3.2. Chuyển hóa năng lượng
Chuyển hóa năng lượng là sự biến đổi các dạng năng lượng trong cơ thể từ
dạng này sang dạng kia theo định luật bảo toàn năng lượng.
3.2.1. Tổng hợp năng lượng
Cơ thể không tự sinh ra năng lượng mà phải lấy cơ sở từ hóa năng thức ăn
chuyển thành các dạng năng lượng cần cho sự sống. Như vậy, thức ăn là nguồn
cung cấp năng lượng chủ yếu cho cơ thể. Ba chất sinh năng chính trong thức ăn là:
protid, glucid, lipid.
Quá trình tổng hợp năng lượng diễn ra qua 2 giai đoạn:
- Quá trình phosphoryl-oxy hóa khử: là quá trình chuyển từ hóa năng thức ăn
thành dạng năng lượng dự trữ trong ATP. Quá trình này gồm hai giai đoạn:
+ Oxy hóa khử: xảy ra ở bào tương và ty thể của tế bào. Đây là giai đoạn đốt
cháy hay thoái hóa các chất sinh năng tạo ra năng lượng tự do, CO 2 và H2O. CO2 và
H2O sau đó sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể.
+ Phosphoryl hóa: năng lượng tự do từ giai đoạn oxy hóa khử được sử dụng
để phosphoryl hóa ADP tạo ra hợp chất giàu năng lượng ATP.
- Quá trình hình thành các dạng năng lượng cơ thể: ATP là cấu trúc chứa
năng lượng trung gian được tế bào tích trữ và sử dụng để tạo thành các dạng năng
lượng của cơ thể:
+ Hóa năng: ở mạng lưới nội bào tương của tế bào, ATP cung cấp năng
lượng cho các phản ứng tổng hợp các chất tạo hình, dự trữ, thực hiện chức năng và
bài tiết. Như vậy, hóa năng của ATP đã chuyển thành hóa năng của các chất đó.
+ Động năng hay cơ năng: ở màng tế bào, ATP cung cấp năng lượng cho sự
vận chuyển vật chất qua màng; ở các sợi co rút của tế bào cơ, ATP cung cấp năng
lượng cho sự co cơ tạo nên sự chuyển động trong hệ tuần hoàn, hô hấp, tiêu hóa, tiết
niệu, vận động… Như vậy, hóa năng của ATP đã chuyển thành động năng của sự

8
vận động trong cơ thể.
+ Thẩm thấu năng: ở màng tế bào, ATP cung cấp năng lượng cho sự vận
chuyển vật chất qua màng tế bào và duy trì sự chênh lệch nồng độ chất hai bên
màng tạo nên hiện tượng thẩm thấu. Như vậy, hóa năng của ATP đã chuyển thành
thẩm thấu năng của sự thẩm thấu.
+ Điện năng: ở màng tế bào, ATP cung cấp năng lượng cho sự vận chuyển
ion qua màng tế bào góp phần tạo nên điện thế nghỉ, điện thế hoạt động của màng.
Như vậy, hóa năng của ATP đã chuyển thành điện năng của các dòng điện sinh học.
+ Nhiệt năng: trong tất cả các phản ứng chuyển hóa trên bao giờ cũng có
trung bình khoảng 80% năng lượng của các chất tham gia phản ứng biến đổi thành
nhiệt năng, hiệu suất sử dụng còn lại khoảng 20% để tạo ra các công hóa học, cơ
học, thẩm thấu hay điện.
3.2.2. Tiêu hao năng lượng trong cơ thể
Năng lượng dù tiêu hao ở bất cứ dạng nào cuối cùng đều thải ra ngoài dưới
dạng nhiệt. Các dạng năng lượng tiêu hao bao gồm:
- Năng lượng tiêu hao cho duy trì cơ thể: đây là năng lượng cần cho sự tồn
tại bình thường của cơ thể, không thay đổi thể trọng, không sinh sản. Năng lượng
tiêu hao cho duy trì cơ thể bao gồm các dạng:
+ Năng lượng tiêu hao cho chuyển hóa cơ sở: chuyển hóa cơ sở là các hoạt
động cần thiết cho cơ thể tồn tại trong điều kiện cơ sở: không vận cơ, không tiêu
hóa, không điều nhiệt. Như vậy, đây là sự tiêu hao năng lượng cho các hoạt động
như thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu… khi cơ thể ở trạng thái hoàn toàn bình
thường. Đơn vị đo chuyển hóa cơ sở: Kcal/m2 da/giờ hoặc KJ/m2 da/giờ. Các yếu tố
ảnh hưởng đến chuyển hóa cơ sở:
. Tuổi: tuổi càng cao thì chuyển hóa cơ sở càng giảm. Riêng ở tuổi dậy thì và
trước dậy thì chuyển hóa cơ sở giảm ít hơn.
. Giới: chuyển hóa cơ sở ở nam cao hơn nữ cùng độ tuổi.
. Nhịp ngày đêm: chuyển hóa cơ sở cao nhất vào lúc 13-16 giờ chiều và thấp
nhất vào lúc 1-4 giờ sáng.
. Chu kỳ kinh nguyệt và thai nghén: nửa sau chu kỳ kinh nguyệt và khi có
thai chuyển hóa cơ sở cao hơn bình thường.
. Trạng thái tình cảm: lo lắng và căng thẳng làm tăng chuyển hóa cơ sở;

9
ngược lại khi ngủ, bệnh nhân trầm cảm chuyển hóa cơ sở lại giảm.
. Các yếu tố bệnh lý: ưu năng tuyến giáp làm tăng chuyển hóa cơ sở và
ngược lại; sốt làm chuyển hóa cơ sở tăng, suy dinh dưỡng làm chuyển hóa cơ sở
giảm.
+ Năng lượng tiêu hao cho vận cơ: trong vận cơ, hóa năng tích luỹ trong cơ
bị tiêu hao: 25% chuyển thành công cơ học, 75% tỏa ra dưới dạng nhiệt. Mức tiêu
hao năng lượng trong vận cơ được dùng làm cơ sở để xác định khẩu phần ăn theo
nghề nghiệp. Đơn vị đo năng lượng tiêu hao trong vận cơ: Kcal/Kg thể trọng/phút.
Các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu hao năng lượng trong vận cơ:
. Cường độ vận cơ: cường độ vận cơ càng lớn thì tiêu hao năng lượng càng
cao. Đây là cơ sở để phân loại lao động thể lực thành loại nhẹ, trung bình, nặng, cực
nặng.
. Tư thế vận cơ: năng lượng tiêu hao không chỉ do tạo ra công mà còn do các
cơ phải co để giữ cho cơ thể ở những tư thế nhất định trong lúc vận cơ. Số cơ co
càng nhiều thì tiêu hao năng lượng càng lớn. Tư thế càng dễ chịu thoải mái số cơ co
càng ít, năng lượng tiêu hao càng ít. Đây là cơ sở cho việc chế tạo công cụ, phương
tiện lao động phù hợp với người lao động và công việc.
. Mức độ thông thạo: càng thông thạo công việc thì mức độ tiêu hao năng
lượng cho vận cơ càng ít do giảm bớt số cơ co không cần thiết.
+ Năng lượng tiêu hao cho điều nhiệt: để giữ cho thân nhiệt được hằng định
đảm bảo tốc độ các phản ứng hóa học diễn ra bình thường, cơ thể phải tiêu hao năng
lượng cho điều hòa thân nhiệt gồm sinh nhiệt và thải nhiệt.
+ Năng lượng tiêu hao cho tiêu hóa: tiêu hóa có vai trò cung cấp năng lượng
cho cơ thể nhưng bản thân tiêu hóa cũng làm tiêu hao năng lượng của cơ thể cho
các hoạt động: cơ học, bài tiết, hóa học, hấp thu. Tác dụng động lực đặc hiệu của
thức ăn (SDA: specific dynamic action) là phần trăm của mức tiêu hao năng lượng
do tiêu hóa tăng lên so với mức tiêu hao trước khi ăn:
. SDA của glucid là 6.
. SDA của lipid là 14.
. SDA của protid là 30.
. SDA của chế độ ăn hỗn hợp là 10.
- Năng lượng tiêu hao cho sự phát triển cơ thể: năng lượng tiêu hao cho sự

10
phát triển cơ thể là năng lượng dùng cho việc tổng hợp các thành phần tạo hình, dự
trữ của cơ thể để:
+ Tăng chiều cao, tăng trọng lượng cơ thể đặc biệt ở tuổi đang trưởng thành.
+ Rèn luyện cơ thể, thể dục thể thao.
+ Thay thế các mô già, chết.
+ Hồi phục cơ thể sau khi bị bệnh.
Năng lượng tiêu hao để tăng thêm 1g thể trọng là 5Kcal.
- Năng lượng tiêu hao cho sinh sản: năng lượng tiêu hao cho các hoạt động
sinh sản như:
+ Trong thời kỳ mang thai: năng lượng tiêu hao khoảng 60.000-80.000Kcal
cho việc tạo thai, nuôi và phát triển thai, dự trữ cho việc nuôi con sau khi sanh.
+ Trong thời kỳ nuôi con: năng lượng tiêu hao khoảng 500Kcal cho việc
tổng hợp và bài tiết sữa.
3.3. Điều hòa chuyển hóa năng lượng
3.3.1. Điều hòa chuyển hóa năng lượng ở mức tế bào
Điều hòa theo cơ chế feedback âm tính:
phản ứng sinh năng → ATP → ADP + P
- Khi tế bào không hoạt động: hàm lượng ADP trong tế bào thấp, tất cả các
phản ứng sinh năng lượng trong tế bào giảm đi.
- Khi tế bào hoạt động: hàm lượng ADP trong tế bào tăng, các phản ứng sinh
năng lượng sẽ tăng lên.
Như vậy hàm lượng ATP trong tế bào luôn được duy trì ổn định.
3.3.2. Điều hòa chuyển hóa năng lượng ở mức cơ thể
3.3.2.1. Điều hòa chuyển hóa năng lượng bằng cơ chế thần kinh
- Kích thích thần kinh giao cảm làm tăng chuyển hóa năng lượng.
- Vùng hạ đồi có các trung tâm điều nhiệt nên cũng ảnh hưởng đến chuyển
hóa năng lượng.
Ngoài ra các phần khác của hệ thần kinh cũng đều ảnh hưởng đến chuyển
hóa năng lượng.

11
3.3.2.2. Điều hòa chuyển hóa năng lượng bằng cơ chế thể dịch
Các hormon sau làm tăng chuyển hóa năng lượng:
- Hormon T3, T4 của tuyến giáp: làm tăng chuyển hóa năng lượng của hầu
hết các mô trong cơ thể.
- Hormon catecholamin của tủy thượng thận; cortisol của vỏ thượng thận;
insulin, glucagon của tuyến tụy: làm tăng huy động năng lượng từ glucid.
- Hormon GH của tuyến yên: làm tăng huy động năng lượng từ lipid.
- Hormon sinh dục: làm tăng đồng hoá protid tích lũy năng lượng. Hormon
sinh dục nam làm tăng mạnh hơn hormon sinh dục nữ.
4. CÁC NGUYÊN TẮC CHUNG ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ
Con người luôn chịu sự tác động của môi trường sống, cả môi trường tự
nhiên và môi trường xã hội trong điều kiện các môi trường này biến động không
ngừng. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển, con người cần luôn thích ứng với
những biến động của môi trường. Nhờ các hệ thống điều hòa chức năng nhanh
nhạy, cơ thể sống đã duy trì hằng tính nội môi, tạo những điều kiện cần thiết cho
các tế bào trong cơ thể hoạt động, giữ vững sự thống nhất hoạt động giữa các tế bào,
giữa các cơ quan, hệ thống cơ quan trong cơ thể và giữa cơ thể với môi trường.
Quá trình điều hòa hoạt động cơ thể được thực hiện theo một số nguyên tắc
chung như sau:
4.1. Điều hòa theo ba cấp
Điều hòa chức năng được tiến hành theo ba cấp là:
- Điều hòa chức năng ở cấp tế bào: điều hòa hoạt động của gen, điều hòa quá
trình tổng hợp năng lượng…
- Điều hòa chức năng ở cấp cơ quan và hệ thống cơ quan: điều hòa hoạt động
của tim, gan, thận….
- Điều hòa chức năng ở cấp cơ thể: phối hợp hoạt động của các cơ quan tạo
sự thích nghi của cơ thể với môi trường sống.
4.2. Điều hòa theo hai cơ chế
Điều hòa chức năng được thực hiện nhờ hai cơ chế là cơ chế thần kinh thông
qua hệ thần kinh và cơ chế thể dịch thông qua các dịch cơ thể.
- Điều hòa bằng cơ chế thần kinh: thực hiện thông qua các phản xạ. Có hai

12
loại phản xạ là phản xạ có điều khiện và phản xạ không điều kiện.
- Điều hòa bằng cơ chế thể dịch: thực hiện thông qua các tính chất của các
dịch cơ thể. Có hai loại dịch cơ thể là dịch nội bào và dịch ngoại bào.
4.3. Điều hòa theo phương thức ngược với hai cách thức
Hầu hết các cơ chế điều hòa chức năng trong cơ thể được diễn ra theo
phương thức điều hòa ngược (feedback). Điều hòa ngược là kiểu điều hòa mà mỗi
khi có một sự thay đổi hoạt động chức năng nào đó, chính sự thay đổi đó sẽ có tác
dụng ngược trở lại để tạo ra một loạt các phản ứng liên hoàn nhằm điều chỉnh hoạt
động chức năng đó. Có 2 kiểu điều hòa ngược:
- Điều hòa ngược âm tính: có tác dụng làm tăng nồng độ của một chất hoặc
hoạt động của một cơ quan khi nồng độ chất đó hoặc hoạt động của cơ quan đó
đang giảm và ngược lại. Như vậy, về bản chất, điều hòa ngược âm tính tạo sự ổn
định nên là kiểu điều hòa chính thường xảy ra ở tất cả các tế bào cũng như cơ quan.
Nhờ phương thức điều hòa này, hằng tính nội môi luôn được duy trì. Ví dụ: khi
huyết áp tăng sẽ có một loạt các phản ứng làm giảm nhịp tim và sức co bóp của cơ
tim để điều chỉnh huyết áp trở lại bình thường và ngược lại.
- Điều hòa ngược dương tính: có tác dụng làm tăng hơn nữa nồng độ của một
chất hoặc hoạt động của một cơ quan khi nồng độ chất đó hoặc hoạt động của cơ
quan đó đang tăng và ngược lại. Như vậy, về bản chất, điều hòa ngược dương tính
làm mất sự ổn định nhưng cần thiết cho cơ thể. Đây là kiểu điều hòa ít gặp, chỉ xảy
ra ở một thời điểm nhất định sau đó sẽ quay về kiểu điều hòa ngược âm tính. Ví dụ:
khi một sản phụ chuyển dạ sinh, cơn co tử cung sẽ bắt đầu từ đáy lan xuống cổ tử
cung. Từ đây có một tín hiệu quay ngược trở lại đáy tử cung làm cơn co càng mạnh
thêm và cứ như thế cho đến khi sổ thai ra bên ngoài.
4.4. Điều hòa theo hai tiến trình
Thông thường quá trình điều hòa sẽ tiến hành theo hai tiến trình:
- Điều hòa cấp thời: xảy ra nhanh nhưng thường chưa triệt để.
- Điều hòa lâu dài: xảy ra chậm sau đó nhưng thường triệt để.

13
SINH LÝ THÂN NHIỆT
Mục tiêu:
1. Định nghĩa được các loại thân nhiệt và nêu các yếu tố ảnh hưởng đến thân nhiệt.
2. Trình bày được quá trình sinh nhiệt.
3. Phân tích được các hình thức thải nhiệt của cơ thể.
4. Phân tích được cung phản xạ điều nhiệt và các cơ chế điều hòa thân nhiệt.
1. THÂN NHIỆT
- Định nghĩa: thân nhiệt là nhiệt độ của cơ thể. 2 loại thân nhiệt:
+ Thân nhiệt trung tâm: là nhiệt độ các phần sâu trong cơ thể như gan, não,
các tạng…Thân nhiệt trung tâm thường được giữ ổn định quanh trị số 370C. Đây là
nhiệt độ có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ các phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể,
là mục đích của hoạt động điều nhiệt. Thân nhiệt trung tâm thường được đo ở 3 nơi:
ở trực tràng là hằng định nhất, ở miệng thấp hơn ở trực tràng 0,2-0,50C và dao động
nhiều hơn, ở nách thấp hơn ở trực tràng 0,5-10C và dao động nhiều hơn nữa.
+ Thân nhiệt ngoại vi: là nhiệt độ da, chịu ảnh hưởng của nhiệt độ môi
trường và thường thấp hơn thân nhiệt trung tâm. Thân nhiệt ngoại vi có thể dùng để
đánh giá hiệu quả hoạt động điều nhiệt. Thân nhiệt ngoại vi thay đổi tuỳ theo vị trí
đo trên da.
- Các yếu tố ảnh hưởng đến thân nhiệt:
+ Tuổi: tuổi càng cao thân nhiệt càng giảm, tuy nhiên càng về sau mức giảm
càng ít hơn.
+ Nhịp ngày đêm: thân nhiệt thấp nhất vào lúc 1-4 giờ sáng và cao nhất vào
lúc 14-17 giờ chiều.
+ Chu kỳ kinh nguyệt và thai nghén: nửa sau chu kỳ kinh nguyệt thân nhiệt
tăng 0,3-0,50C, trong tháng cuối thai kỳ thân nhiệt có thể tăng thêm 0,5-0,80C.
+ Vận cơ: cường độ vận cơ càng lớn thân nhiệt càng cao.
+ Nhiệt độ môi trường: trong môi trường quá nóng hoặc quá lạnh thân nhiệt
ngoại vi cũng tăng lên hoặc giảm đi tuy không nhiều.
+ Tình trạng bệnh: nhìn chung các bệnh nhiễm khuẩn làm tăng thân nhiệt
riêng bệnh tả làm giảm thân nhiệt. Thân nhiệt cũng thay đổi theo hoạt động của
tuyến giáp.

14
2. QUÁ TRÌNH SINH NHIỆT
2 nguồn gốc sinh nhiệt của cơ thể:
- Phản ứng chuyển hóa: sự sinh nhiệt này diễn ra thường xuyên, cung cấp
một lượng nhiệt lớn đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Các hoạt động chuyển hóa
sinh nhiệt gồm:
+ Chuyển hoá cơ sở: các yếu tố làm tăng chuyển hoá cơ sở đều làm tăng sinh
nhiệt, mức tăng này có lên đến 150%.
+ Vận cơ: trong co cơ 75% năng lượng tiêu hao dưới dạng nhiệt. Đặc biệt
cóng và run là những nguyên nhân sinh nhiệt quan trọng bởi vì trong hình thức co
cơ này có đến 80% năng lượng mất đi dưới dạng nhiệt.
+ Tiêu hóa: sinh nhiệt do tác dụng động lực đặc hiệu của thức ăn (SDA).
Trong các hoạt động sinh nhiệt trên thì chuyển hóa cơ sở, cóng và run là
những hình thức sinh nhiệt tự nhiên, còn lại là sinh nhiệt bằng hành vi.
- Môi trường: nhiệt năng truyền từ những vật có nhiệt độ cao hơn thân nhiệt
vào cơ thể như không khí nóng, vật nóng, mặt trời... Tuy nhiên sự sinh nhiệt này
không thường xuyên và lượng nhiệt do nó cung cấp không lớn. Nguồn nhiệt năng
này ảnh hưởng chủ yếu đến thân nhiệt ngoại vi.
3. QUÁ TRÌNH THẢI NHIỆT
Nhiệt sinh ra trong cơ thể đến đâu sẽ được truyền ra bề mặt ngoài da hoặc
niêm mạc đường hô hấp để thải ra ngoài đến đấy nhờ hệ thống mạch máu. 2 cơ chế
thải nhiệt là truyền nhiệt và bốc hơi nước.
3.1. Thải nhiệt bằng cách truyền nhiệt
Truyền nhiệt là phương thức trong đó nhiệt năng được truyền từ vật nóng
sang vật lạnh. Như vậy, muốn thải nhiệt ra bên ngoài bằng cách truyền nhiệt thì cơ
thể phải có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường xung quanh.
Có 3 hình thức truyền nhiệt: bức xạ, trực tiếp và đối lưu.
3.1.1. Truyền nhiệt bức xạ
- Định nghĩa: truyền nhiệt bức xạ là sự truyền nhiệt giữa các vật không tiếp
xúc với nhau. Nhiệt được truyền dưới dạng tia bức xạ điện từ (tia hồng ngoại).
- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với chênh lệch nhiệt độ giữa hai vật,
không chịu ảnh hưởng của nhiệt độ khoảng không ở giữa. Nhưng khối lượng nhiệt

15
mà vật lạnh nhận được lại phụ thuộc vào màu sắc của nó: màu đen hấp thu toàn bộ,
màu trắng phản chiếu toàn bộ.
3.1.2. Truyền nhiệt trực tiếp
- Định nghĩa: truyền nhiệt trực tiếp là sự truyền nhiệt giữa các vật tiếp xúc
với nhau.
- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với diện tích tiếp xúc, mức chênh lệch
nhiệt độ và thời gian tiếp xúc giữa hai vật.
3.1.3. Truyền nhiệt đối lưu
- Định nghĩa: truyền nhiệt đối lưu là sự truyền nhiệt giữa các vật tiếp xúc với
nhau, nhưng trong đó vật lạnh luôn luôn chuyển động, khiến cho ở điểm tiếp xúc
chênh lệch nhiệt độ được duy trì.
- Khối lượng nhiệt truyền tỷ lệ thuận với căn bậc hai tốc độ chuyển động của
vật lạnh.
3.2. Thải nhiệt bằng cách bốc hơi nước
Thải nhiệt bằng cách bốc hơi nước dựa trên cơ sở là nước trong lúc chuyển
từ thể lỏng sang thể khí sẽ thu nhiệt vào. Một lít nước bốc hơi sẽ lấy đi một nhiệt
lượng bằng 580Kcal. Nhiệt độ môi trường càng cao thì sự thải nhiệt bằng bốc hơi
nước càng tăng với điều kiện nước thoát ra được bề mặt và bề mặt thoáng gió.
Có 2 hình thức bốc hơi nước: qua da và qua đường hô hấp.
3.2.1. Bốc hơi nước qua đường hô hấp
- Nước bay hơi ở đường hô hấp là nước do các tuyến ở niêm mạc đường hô
hấp bài tiết ra để làm ẩm không khí vào phổi.
- Lượng nhiệt toả ra bằng phương thức bốc hơi nước qua đường hô hấp phụ
thuộc vào thể tích thông khí phổi. Trong môi trường nóng thông khí phổi có tăng
lên nhưng bốc hơi nước qua đường hô hấp không có ý nghĩa quan trọng trong phản
ứng chống nóng của loài người.
3.2.2. Bốc hơi nước qua da
Bốc hơi nước qua da dưới hai hình thức:
- Thấm nước qua da: lượng nước thấm qua da trung bình một ngày đêm là
0,5 lít. Lượng nước này cùng với lượng nước bốc hơi qua đường hô hấp tổng cộng
khoảng 0,6 lít/ngày giúp thải một nhiệt lượng khoảng 12-16Kcal/giờ. Đây là lượng

16
nước mất thường xuyên, không cảm thấy và không thay đổi theo nhiệt độ của cơ thể
và không khí.
- Bài tiết mồ hôi: lượng mồ hôi bài tiết trong một giờ thay đổi từ 0 lít trong
môi trường lạnh lên đến tối đa 1,5-2 lít trong môi trường nóng. Mồ hôi chỉ giúp thải
nhiệt khi bốc hơi được trên da nên bề mặt da cần thoáng. Lượng mồ hôi bốc hơi trên
da cũng thay đổi tùy thuộc vào độ ẩm của không khí và tốc độ gió.
4. ĐIỀU HÒA THÂN NHIỆT
Điều hòa thân nhiệt gọi tắt là điều nhiệt. Đây là một hoạt động chức năng
nhằm giữ cho thân nhiệt hằng định trong khi nhiệt độ của môi trường sống luôn
thay đổi. Nhờ đó sẽ giữ tốc độ các phản ứng hóa học diễn ra trong cơ thể tương đối
hằng định. Như vậy, có thể coi điều nhiệt như là một mặt của sự đảm bảo hằng tính
nội môi.
4.1. Cung phản xạ điều nhiệt
Điều hòa thân nhiệt diễn ra trong 2 bối cảnh: sự biến động của nhiệt độ môi
trường xung quanh cơ thể tác động lên thân nhiệt ngoại vi và sự biến động của nhiệt
độ môi trường bên trong cơ thể tác động lên thân nhiệt trung tâm. Trong đó thân
nhiệt trung tâm được điều hòa trên nguyên tắc: lượng nhiệt sinh ra trong cơ thể bằng
lượng nhiệt toả ra khỏi cơ thể cùng trong một khoảng thời gian. Hoạt động điều
nhiệt được thực hiện thông qua một cung phản xạ phức tạp gồm 5 thành phần:
- Bộ phận nhận cảm (Thụ thể) :
+ Nhận cảm nhiệt độ bên ngoài cơ thể (thân nhiệt ngoại vi): bộ phận nhận
cảm cảm giác nhiệt gồm 2 loại là thụ thể nóng và thụ thể lạnh phân bố không đồng
đều trên da và có đặc tính thích nghi. Phải có một diện tích đủ rộng bị kích thích thì
mới gây ra được cảm giác về nhiệt. Thụ thể lạnh nhiều hơn thụ thể nóng nên việc
nhận biết nhiệt độ môi trường bên ngoài chủ yếu là nhận biết lạnh.
+ Nhận cảm nhiệt độ bên trong cơ thể (thân nhiệt trung tâm): thụ thể cảm
giác nhiệt nằm ngay tại vùng phía trước của phức hợp bụng-nền ở đồi thị, chủ yếu
nhận cảm nóng. Dòng máu lưu chuyển khắp cơ thể sẽ mang thông tin về nhiệt đến
kích thích lên các thụ thể này. Khi có sự thay đổi dòng máu tiếp lưu cho đồi thị sẽ
dẫn đến rối loạn thân nhiệt.
- Đường dẫn truyền hướng tâm:
+ Dẫn truyền thông tin về nhiệt độ bên ngoài cơ thể: xung động theo dây
thần kinh tủy về đến tận cùng ở sừng sau tủy sống. Nơron thứ hai bắt chéo sang bên

17
đối diện và đi lên vùng phía sau của phức hợp bụng-nền ở đồi thị đối bên.
+ Dẫn truyền thông tin về nhiệt độ bên trong cơ thể: xung động từ vùng phía
trước sẽ đi ra vùng phía sau của phức hợp bụng-nền ở đồi thị cùng bên.
Phần phía sau của phức hợp bụng-nền ở đồi thị chính là trung tâm dưới vỏ
của cảm giác nhiệt. Từ đây xung động còn được dẫn truyền lên trung tâm cảm giác
nhiệt ở vỏ não thùy đỉnh.
- Trung tâm phản xạ:
+ Trung tâm điều nhiệt dưới vỏ: nằm ở phần sau và phần rìa của phức hợp
bụng-nền của đồi thị hay còn gọi là vùng hạ đồi. Trung tâm này điều nhiệt không có
ý thức với nhiệm vụ tiếp nhận thông tin từ ngoại biên và phần phía trước đưa về, xử
lý thông tin và phát động các đáp ứng thích hợp. Việc xử lý thông tin được thực
hiện theo nguyên tắc sau: tại trung tâm điều nhiệt bình thường luôn giữ một mức
“điểm chuẩn” (set point) hay “nhiệt độ chuẩn” là 370C, các thông tin về nhiệt đưa
đến sẽ được đối chiếu với nhiệt độ chuẩn để ra quyết định thích hợp. Các chất gây
sốt nội sinh và ngoại sinh (như trong trường hợp nhiễm khuẩn) sẽ tác động lên đồi
thị làm thay đổi “nhiệt độ chuẩn” theo chiều hướng tăng lên, lúc này nhiệt độ dòng
máu trở nên thấp hơn “nhiệt độ chuẩn” và từ đó trung tâm điều nhiệt phát động một
cơ chế điều hòa do “hiểu nhầm” dẫn đến tình trạng sốt.
+ Trung tâm điều nhiệt ở vỏ não: nằm ở thùy đỉnh của vỏ não, trung tâm này
hoạt động có ý thức cho ta biết cảm giác về nhiệt (bình thường, nóng hay lạnh) và
khởi phát các đáp ứng điều nhiệt bằng hành vi.
- Đường dẫn truyền ly tâm: đường truyền ra của cung phản xạ điều nhiệt vừa
là đường thần kinh vừa là đường thể dịch.
+ Đường thần kinh: từ hạ đồi, tín hiệu thần kinh đi đến các trung tâm giao
cảm ở sừng bên tủy sống gây co hay giãn mạch, thay đổi chuyển hóa tế bào; đi đến
các nơron vận động ở sừng trước tủy sống làm thay đổi trương lực cơ, thông khí
phổi và gây run.
+ Đường thể dịch: từ hạ đồi, tín hiệu nội tiết (hormon TRH, CRH) đi đến
thùy trước tuyến yên làm thay đổi mức bài tiết TSH, ACTH, các hormon này lại
tiếp tục làm thay đổi hoạt động của tuyến giáp và vỏ thượng thận dẫn đến thay đổi
mức độ chuyển hóa của các mô.
- Cơ quan đáp ứng: tất cả các tế bào trong cơ thể mà đặc biệt là tế bào cơ,
mạch máu, tuyến mồ hôi.

18
4.2. Các cơ chế điều nhiệt
4.2.1. Cơ chế chống nóng của cơ thể
Những kích thích của môi trường nóng, thông qua phản xạ điều nhiệt, gây
giảm quá trình sinh nhiệt và tăng quá trình thải nhiệt.
- Giảm quá trình sinh nhiệt: giảm các phản ứng chuyển hoá trong cơ thể. Đây
là nguyên nhân gây cảm giác mệt mỏi trong môi trường nóng. Nhưng chuyển hoá
cũng là cơ sở của các hoạt động sống nên không thể giảm nhiều được. Do đó, giảm
sinh nhiệt không quan trọng bằng tăng thải nhiệt trong cơ chế chóng nóng.
- Tăng quá trình thải nhiệt: là cơ chế chống nóng chủ yếu nên chống nóng
còn gọi là điều nhiệt vật lý. Cơ chế như sau: giãn mạch máu dưới da, tăng lượng
máu đến da khiến da đỏ lên trong môi trường nóng. Máu đến da tăng sẽ dẫn đến:
+ Tăng truyền nhiệt: do máu làm tăng nhiệt độ da.
+ Tăng bài tiết mồ hôi: có thể dẫn đến mất nước và muối.
4.2.2. Cơ chế chống lạnh của cơ thể
Những kích thích của môi trường lạnh, thông qua phản xạ điều nhiệt, gây
giảm quá trình thải nhiệt và tăng quá trình sinh nhiệt.
- Giảm quá trình thải nhiệt: co mạch máu dưới da, giảm lượng máu đến da
khiến da tái đi trong môi trường lạnh. Máu đến da giảm sẽ dẫn đến giảm truyền
nhiệt và bài tiết mồ hôi. Nhưng máu đến da ít cũng ảnh hưởng xấu tới việc nuôi da
làm cho da bị dầy lên, nổi mẩn ngứa, nốt phỏng và hoạt tử nếu môi trường quá lạnh.
Do đó giảm quá trình thải nhiệt không quan trọng bằng tăng sinh nhiệt trong cơ chế
chống lạnh. Đồng thời với phản xạ co mạch da còn có phản xạ dựng lông do co cơ
chân lông gây hiện tượng sởn da gà. Phản xạ này là di tích của phản xạ chống lạnh
ở động vật, ở loài người nó không có giá trị chống lạnh.
- Tăng sinh nhiệt: là cơ chế chống lạnh chủ yếu nên chống lạnh còn gọi là
điều nhiệt hoá học. Cơ chế như sau:
+ Tăng chuyển hoá tế bào do:
. Thần kinh giao cảm và catecholamin của tủy thượng thận: có tác dụng làm
tăng tốc độ chuyển hoá năng lượng của tế bào để sinh ra nhiệt mà không dự trữ dưới
dạng ATP gọi là nhiệt hoá học. Lượng nhiệt hoá học sinh ra tỷ lệ thuận với lượng
mỡ nâu. Ở người, mỡ nâu có nhiều ở trẻ em tập trung chủ yếu xung quanh xương bả
vai, ngấn cổ và dọc theo các mạch máu lớn ở ngực và bụng. Đây là nguồn sinh nhiệt

19
quan trọng của trẻ.
. T3-T4 của tuyến giáp: có tác dụng làm tăng tốc độ chuyển hoá năng lượng
trong tất cả các tế bào sinh ra nhiệt. Tác dụng của T3-T4 chậm nhưng kéo dài hơn
catecholamin.
+ Tăng trương lực cơ: xảy ra sau tăng chuyển hoá tế bào. Tăng trương lực cơ
gây ra hiện tượng “cóng”.
+ Run cơ: xảy ra sau cùng. Đây là một phản xạ có trung tâm nằm ở vùng hạ
đồi. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, các tín hiệu lạnh từ da sẽ được truyền về kích thích
trung tâm gây phản xạ run cơ. Khi run cơ tối đa có thể giúp cơ thể sinh nhiệt cao
hơn bình thường 4-5 lần.
4.2.3. Điều hòa thân nhiệt bởi hành vi
Loài người ngoài các cơ chế điều nhiệt sinh học của cơ thể còn có các cơ chế
điều nhiệt do hành vi tích luỹ từ cuộc sống:
- Cải tạo vi khí hậu: mùa hè mở cửa đón gió, dùng quạt, ngăn các nguồn bức
xạ, đội mũ, trồng cây lấy bóng mát, dùng máy điều hòa… Mùa đông: đóng cửa,
dùng lò sưởi…
- Chọn quần áo thích hợp: mùa hè mặc quần áo màu sáng để phản chiếu tia
bức xạ, quần áo mỏng, rộng và chất liệu vải dễ thấm mồ hôi (cotton) để dễ thải
nhiệt. Mùa đông mặc quần áo màu thẫm, vải dầy, xốp tạo một lớp không khí dầy
không di động bao quanh để chống thải nhiệt, hoặc quần áo bằng len, bằng lông.
- Chọn chế độ ăn thích hợp: mùa hè nên ăn ít thức ăn giàu năng lượng như
lipid hoặc thức ăn có SDA cao như protid để giảm sinh năng, uống nhiều nước. Chế
độ ăn mùa đông thì ngược lại. Ngoài ra còn có một số loại thức ăn có thể giúp giải
nhiệt hoặc gây nóng.
- Rèn luyện: rèn luyện để quen chịu nóng hay chịu lạnh là một biện pháp chủ
động mang lại hiệu quả lớn.

20
SINH LÝ TẾ BÀO
Mục tiêu:
1. Xác định được các thành phần chính của một tế bào và cấu trúc màng tế bào.
2. Mô tả được hệ thống chức năng của màng tế bào và các bào quan trong tế bào.
3. Trình bày được khái niệm về sự biệt hóa tế bào và biểu hiện gen.
4. Phân tích được các cơ chế kiểm soát đời sống tế bào.
1. ĐẠI CƯƠNG
Con người là một sinh vật đa bào mà trong đó tế bào vừa là đơn vị cấu tạo
vừa là đơn vị chức năng của cơ thể. Muốn hiểu chức năng sinh lý của các cơ quan
trong cơ thể, trước hết cần tìm hiểu cấu trúc và chức năng của tế bào. Mọi hoạt động
chức năng của cơ thể đều có cơ sở tại tế bào và các rối loạn chức năng cũng có cơ
sở ở tế bào.
Các tế bào được biệt hóa thành từng hệ: hệ tuần hoàn, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa,
hệ thần kinh... nhưng hoạt động của chúng vẫn mang những nét chung. Cơ thể
người có khoảng 100.000 tỉ tế bào
- Thành phần tế bào: tế bào được cấu tạo bởi những chất khác nhau gọi là
nguyên sinh chất (protoplasm) gồm 5 thành phần cơ bản:
+ Nước: chiếm 70-85% khối lượng tế bào (trừ tế bào mỡ) và là môi trường
dịch chính trong tế bào gọi là dịch nội bào.
+ Các chất điện giải: K+, Mg2+, P, SO42-, HCO3-, Ca2+, Cl-, Na+... Các chất
này cung cấp chất vô cơ cho các phản ứng nội bào và vận hành một số cơ chế của tế
bào, ví dụ: co cơ cần Ca2+.
+ Protein: chiếm 10-20% khối lượng tế bào. Protein tham gia vào nhiều
thành phần cấu trúc và chức năng của tế bào.
+ Lipid: chiếm khoảng 2% khối lượng tế bào, riêng tế bào mỡ chứa đến 95%
triglycerid và là kho dự trữ năng lượng của cơ thể. Lipid không hòa tan trong nước,
vì vậy được sử dụng để tạo màng bào tương tế bào và các bào quan.
+ Carbohydrat: ít, chiếm khoảng 1% khối lượng tế bào nói chung, 3% ở tế
bào cơ, 6% ở tế bào gan. Carbohydrat đóng nhiều vai trò quan trọng.
- Cấu trúc tế bào: tế bào được cấu trúc thành 2 phần chính:

21
+ Màng tế bào: màng bào tương bao quanh tế bào và màng các bào quan.
+ Các bào quan: các thể nằm trong tế bào như nhân, ty thể, tiêu thể...

Hình 1.1. Cấu trúc tế bào


2. SINH LÝ MÀNG TẾ BÀO
2.1. Cấu trúc chức năng của màng tế bào
Trong tế bào, màng đóng vai trò chủ yếu vì nó chiếm khoảng 80% khối
lượng tế bào. Màng tế bào dày khoảng 7,5-10nm và gồm các loại: màng bào tương
(màng bề mặt tế bào) và màng các bào quan (màng lưới nội nguyên sinh, màng ty
thể, màng Golgi, màng nhân...).
2.1.1. Thành phần lipid của màng tế bào
Lipid chiếm khoảng 42% thành phần màng tế bào, trong đó: 25% là
phospholipid, 13% là cholesterol và 4% là các lipid khác. Lớp lipid giúp màng tế
bào mềm mại, có thể uốn khúc và trượt qua lại dễ dàng, đồng thời tạo khả năng hòa
màng. Thành phần lipid chủ yếu là:
- Phospholipid:
+ Cấu hình: các phân tử phospholipid tạo thành lớp lipid kép mỏng.
Phospholipid là một chất phân cực chúng có một đầu kỵ nước là gốc acid béo và

22
một đầu ưa nước là gốc phosphat. Nền móng tạo nên màng sinh học là tính chất kỵ
nước của gốc acid béo khiến chúng bị dịch ngoại bào và dịch nội bào đẩy quay vào
trong, gặp nhau, hấp dẫn nhau và nằm ở trung tâm của màng. Đầu ưa nước nằm ở
hai phía của màng, tiếp xúc với dịch nội bào và dịch ngoại bào. Mỗi nửa của lớp
phospholipid kép tạo nên một tấm lá (leaflet).
+ Chức năng: lớp phospholipid kép là đơn vị cấu trúc cơ bản của màng sinh
học, các thành phần khác sẽ khảm vào trong đó. Bên cạnh đó lớp phospholipid cũng
tham gia vận chuyển các chất qua màng bằng khoảng kẽ giữa các phân tử
phospholipid hoặc bằng cơ chế hòa màng.
- Cholesterol:
+ Cấu hình: cholesterol phần nhiều ở dạng este hóa, liên kết lỏng lẻo với
màng. Nó cũng có hai đầu, một đầu ưa nước là gốc hydroxyl hướng ra ngoài và một
đầu là kỵ nước là nhân steroid vùi vào trong lớp phospholipid kép.
+ Chức năng: quyết định tính lỏng của màng.

Hình 1.2. Cấu trúc màng bào tương tế bào


2.1.2. Thành phần protein của màng tế bào
Protein chiếm khoảng 55% thành phần màng tế bào. Các phân tử protein
được khảm vào trong lớp phospholipid kép thành những khối cầu. Dựa vào liên kết
trong cấu trúc màng, protein được chia làm hai loại:
- Protein xuyên màng:
+ Cấu hình: protein này nằm xuyên qua màng.
+ Chức năng: protein xuyên màng chủ yếu là các protein vận chuyển (gồm 3

23
loại là protein kênh, protein mang có tính chất enzym và protein mang không có
tính chất enzym), protein kháng nguyên và các protein nhận diện.
- Protein ngoại vi:
+ Cấu hình: protein này bám vào một bên màng, thường là mặt trong.
+ Chức năng: protein ngoại vi là các protein enzym, ngoài ra cũng có thể là
các cấu trúc sợi và ống siêu vi nằm dưới màng tạo bộ khung cho màng và thực hiện
chức năng co rút.
2.1.3. Thành phần glucid của màng tế bào
Glucid chiếm khoảng 3% thành phần của màng tế bào và bao phủ bề mặt
ngoài của tế bào thành một lớp áo lỏng lẻo, được gọi là glycocalyx.
- Cấu hình: các glucid màng được chia thành hai loại:
+ Các glycoprotein và glycolipid: là những phân tử oligosaccharid gắn thành
nhánh với bề mặt ngoài của 100% protein xuyên màng tạo thành glycoprotein hoặc
với 1/10 lipid màng tạo thành glycolipid.
+ Proteoglycan: là những đại phân tử tạo bởi các carbohydrat bao quanh lõi
protein nhỏ gắn lỏng lẻo bên ngoài tế bào.
- Chức năng: lớp áo glycocalyx có 4 chức năng chính là đẩy các phân tử tích
điện âm do tính tích điện âm của nó, kết dính, cùng với các protein xuyên màng
hoạt động như những thụ thể của hoạt chất sinh học và tham gia vào các phản ứng
miễn dịch.
2.2. Chức năng của màng tế bào
Màng tế bào thực hiện một số chức năng chính như phân cách với môi
trường xung quanh, vận chuyển chọn lọc các chất qua màng tế bào, tác nhân tạo ra
điện thế màng, kết dính tế bào, tương tác tế bào, trao đổi thông tin giữa các tế bào.
2.2.1. Phân cách với môi trường xung quanh
Màng tế bào phân cách các thành phần bên trong tế bào, trong các bào quan
với môi trường xung quanh do đó tạo cho tế bào thành một tổ chức sống độc lập
tương đối với môi trường xung quanh.
2.2.2. Vận chuyển chọn lọc các chất qua màng tế bào
Tuy tế bào là một tổ chức sống độc lập nhưng nó vẫn có mối liên hệ với môi
trường xung quanh thông qua hoạt động vận chuyển các chất qua màng tế bào. Đây

24
là sự vận chuyển có chọn lọc qua lại màng tùy theo nhu cầu của tế bào. Có hai cách
thức vận chuyển: vận chuyển qua các phân tử cấu tạo lên màng tế bào và vận
chuyển bằng một đoạn màng tế bào. Sự vận chuyển cũng có thể đơn giản xảy ra
theo hai chiều ở bất kỳ màng tế bào nào hoặc cũng có thể phức tạp hơn xảy ra qua
một lớp tế bào tại biểu mô ruột, biểu mô ống thận, biểu mô các tuyến ngoại tiết,
đám rối mạch mạc ở não.
2.2.3. Tác nhân tạo ra điện thế màng
Giữa mặt trong và mặt ngoài màng tế bào luôn tồn tại một hiệu điện thế do
sự khác biệt về nồng độ các ion tạo ra mà chủ yếu là ion Na+ và K+. Đồng thời sự
vận chuyển các ion qua lại màng góp phần tạo ra sự biến đổi về điện thế màng theo
3 trạng thái: trạng thái nghỉ (quá trình phân cực), trạng thái kích thích (quá trình khử
cực) và trạng thái hồi cực (quá trình tái cực).
2.2.4. Kết dính tế bào
Màng bào tương tế bào với hệ thống các phân tử kết dính trong lớp áo
glycocalyx cho phép kết dính tế bào theo 3 kiểu: kết dính tế bào-tế bào, tế bào-bề
mặt và tế bào với các chất. Trong đó kết dính tế bào-tế bào và tế bào bề mặt có
nhiều điểm tương đồng nhau.
- Kết dính tế bào-tế bào và tế bào bề mặt: màng bào tương tế bào phía cực
đáy và cực bên có hệ thống các phân tử kết dính trong lớp áo glycocalyx cho phép
kết dính tế bào với tế bào hoặc tế bào với một bề mặt là các đại phân tử collagen,
fibrinogen, heparin... như màng đáy. Với sự kết dính này các tế bào được cố định,
đây là cơ sở để xây dựng nên các mô, các cơ quan và cơ thể toàn vẹn. Không chỉ có
ý nghĩa hình thái, sự kết dính này còn giúp các tế bào trao đổi với nhau về vật chất
cũng như các tín hiệu trong quá trình sống và hơn thế nữa nó còn có thể đóng vai trò
quan trọng trong quá trình biệt hóa và phát triển tế bào. Sự kết dính được thực hiện
theo các cơ chế: tác dụng tương hỗ giữa các nhóm chức hóa học, cầu nối trung gian
của các ion hóa trị 2+, lực tĩnh điện giữa hai tế bào.
- Kết dính tế bào với các chất: lớp áo glycocalyx phủ bên ngoài tế bào ở cực
ngọn tạo thành một lớp đệm rất dày, lỏng lẻo nên có khả năng hấp thụ các chất của
môi trường dịch ngoại bào xung quanh. Ví dụ: lớp khí quyển bao xung quanh tiểu
cầu chứa rất nhiều yếu tố đông máu. Sự tích tụ này sẽ tạo điều kiện cho tế bào thực
hiện chức năng của chúng.
2.2.5. Tương tác tế bào
Tương tác tế bào là sự phản ứng giữa các thành phần của màng tế bào mà

25
chủ yếu là các protein với các phân tử chất bên ngoài một cách đặc hiệu. Với tương
tác này tế bào sẽ thực hiện các hoạt động chức năng của nó. Các mô hình tương tác
chủ yếu là:
- Tương tác kiểu kháng nguyên-kháng thể: tương tác kiểu kháng nguyên-
kháng thể là cơ sở để tế bào thực hiện các chức năng miễn dịch. Màng bào tương tế
bào vừa có các nhóm kháng nguyên như kháng nguyên màng hồng cầu tạo thành
nhóm máu, vừa có thể có kháng thể bám dính như IgE, IgG, IgM.
- Tương tác kiểu enzym-cơ chất: hiện nay người ta đã biết trên 30 loại enzym
liên kết màng như các cyclase, ATPase (Mg2+-ATPase, Na+-K+-ATPase…), hoặc
các enzym khác (phosphatase kiềm, nucleotidase và phosphodiesterase...). Phần lớn
các enzym này có bản chất hóa học là glycoprotein, vị trí để liên kết với cơ chất là
phần carbohydrat được hướng trực tiếp ra phía bên ngoài màng.
- Tương tác kiểu tín hiệu hóa học-thụ thể: thực hiện chức năng trao đổi thông
tin giữa các tế bào ở xa nhau.
2.2.6. Tham gia trao đổi thông tin giữa các tế bào
Trong cơ thể động vật đa bào, sự phối hợp giữa các tế bào trong cùng một
mô để hoàn thành một chức năng hoặc giữa các tế bào trong các loại mô khác nhau
để hoàn thành nhiều chức năng khác nhau được thực hiện thông qua các hệ thống
thông tin giữa các tế bào. Sự thông tin có thể được thực hiện thông qua các mối liên
kết hở (gap junction) giữa các tế bào nằm sát nhau hoặc qua các tín hiệu hóa học
(chemical signal) giữa các tế bào xa nhau.
- Trao đổi thông tin giữa các tế bào sát nhau: giữa các tế bào kế nhau như các
tế bào biểu mô, thần kinh, cơ trơn, cơ tim thường có các cấu trúc được gọi là các
liên kết hở giúp các tế bào trao đổi nhanh thông tin với nhau.
+ Cấu trúc: liên kết hở được cấu tạo gồm 6 phân tử protein gọi là connexin ở
mỗi bên màng bào tương tạo thành 1 kênh ở giữa hình lục giác gọi là connexon.
Kênh có đường kính khoảng 1,5nm nối thông giữa hai tế bào.
+ Hoạt động: kênh cho phép các phân tử nhỏ hòa tan trong nước có trọng
lượng phân tử nhỏ hơn 1.000 đi trực tiếp từ bào tương tế bào này tới tế bào khác sát
cạnh nó.

26
Hình 1.3. Liên kết hở giữa hai tế bào sát nhau
+ Ý nghĩa: kiểu tác động này cho phép các tế bào cạnh nhau có thể nhanh
chóng chia sẻ các sản phẩm chuyển hóa. Điều này đặc biệt có vai trò quan trọng ở
các tế bào thần kinh cho phép xung động đi nhanh hơn nhiều so với sự dẫn truyền
qua synap; ở các tế bào cơ tim giúp chúng co lại hầu như cùng một lúc, đảm bảo
cho việc bơm máu diễn ra một cách hiệu quả.
- Trao đổi thông tin giữa các tế bào xa nhau: cách thức truyền tin được thực
hiện theo phương thức các tín hiệu hóa học dưới dạng các phân tử đặc hiệu giải
phóng ra từ một tế bào sẽ tác động lên một tế bào khác ở xa gọi là tế bào đích. Các
tín hiệu hóa học được gọi là các hoạt chất sinh học.
3. SINH LÝ CÁC BÀO QUAN
3.1. Ty thể (mitochondria)
- Cấu tạo chức năng: ty thể có ở tất cả các tế bào, hình cầu hoặc sợi dài có
hai màng. Màng trong tạo thành các vách ngăn, trên có có các enzym của chuỗi hô
hấp tế bào. Trong lòng ty thể chứa chất gel với nhiều enzym hòa tan là những
enzym của chu trình Krebs. Ty thể có khả năng tự phân chia vì trong ty thể cũng có
DNA (deoxyribonucleic acid) giống trong nhân. Một ty thể có thể tạo ra 2, 3 ty thể
hoặc nhiều hơn khi tế bào cần ATP.
- Chức năng của ty thể: sản sinh và tích trữ năng lượng cho tế bào dưới dạng
ATP qua chu trình Krebs và chuỗi hô hấp tế bào. ATP được tạo thành 5% trong bào
tương tế bào và 95% trong ty thể, do vậy ty thể được mệnh danh là trạm năng lượng
tế bào.

27
3.2. Nhân (Nucleus)
- Cấu tạo chức năng: nhân có cấu trúc màng đôi, bên trong chứa nhiễm sắc
thể và hạch nhân. Mỗi nhiễm sắc thể gồm protein nâng đỡ và DNA, trên nhiễm sắc
thể có các gen mang mã di truyền. Hạch nhân là một mảng hạt giàu chất mRNA.
Khi tế bào phân chia có thể thấy rõ những đôi nhiễm sắc thể, giữa thời kỳ tế bào
phân chia chỉ thấy những đốm sẫm màu gọi là nhiễm sắc chất (chromatin).
- Chức năng:
+ Phân bào nguyên nhiễm: nhiễm sắc thể tự nhân đôi, phân chia cho mỗi tế
bào con một bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội 2n.
+ Phân bào giảm nhiễm: tế bào mầm phân chia cho mỗi tế bào con một bộ
nhiễm sắc thể đơn bội n. Khi tinh trùng và trứng kết hợp nhau tạo hợp tử có đủ 2n
nhiễm sắc thể.
+ Sao mã tạo mRNA để sinh tổng hợp protein cho tế bào.
3.3. Trung thể (Centrosome)
- Cấu tạo chức năng: trung thể là một trung tâm tổ chức các ống vi thể gồm
hai trung tử nằm vuông góc với nhau. Mỗi trung tử có 9 mặt, mỗi mặt có 3 ống vi
thể.
- Chức năng: là bào quan điều hòa tiến trình phân bào. Khi thực hiện nhiệm
vụ, hai trung tử tách ra thành hai cực của thoi gián phân.
3.4. Mạng lưới nội bào tương (endoplasmic reticulum) và ribosom
- Cấu tạo chức năng: mạng lưới nội bào tương có cấu trúc như là một hệ
thống ống dẫn chằng chịt và phát triển rộng khắp tế bào chất. Các ống dẫn nối kết
trực tiếp với lớp màng ngoài của nhân tế bào. Trên bề mặt và bên trong mạng lưới
nội bào tương có nhiều enzym. Mạng lưới nội bào tương được chia thành 2 loại:
lưới nội bào tương có hạt có các hạt ribosom đính trên bề mặt và lưới nội bào tương
trơn không có ribosom trên bề mặt. Ribosom cấu tạo gồm hai đơn vị lớn và nhỏ
bám dính lên bề mặt mạng lưới nội bào tương hạt hoặc nằm tự do trong bào tương.
- Chức năng:
+ Sinh tổng hợp protein và lipid: mạng lưới nội bào tương hạt là nơi tổng
hợp protein theo qui trình ribosom tổng hợp tiền chất của protein, sau đó đưa vào
mạng lưới nội bào tương hạt, tại đây phân tử tiền chất trải qua một số phản ứng hóa
sinh hình thành protein rồi được đóng gói lại. Riêng ribosom tự do trong bào tương

28
sẽ sinh tổng hợp protein cho bào tương. Mạng lưới nội bào tương trơn là nơi sinh
tổng hợp các lipid như steroid.
+ Dự trữ ion Ca2+: mạng lưới nội bào tương là nơi dự trữ các ion Ca2+ dùng
cho nhiều phản ứng quan trọng của tế bào.
3.5. Bộ Golgi
- Cấu tạo chức năng: bộ Golgi được tạo thành bởi các túi màng dẹt xếp
chồng lên nhau, sinh ra từ đoạn chuyển tiếp không hạt của mạng lưới nội bào tương
có hạt. Mỗi bộ Golgi có khoảng từ 5 đến 8 túi.
- Chức năng:
+ Là nơi tiếp nhận các sản phẩm từ mạng lưới nội bào tương, tích trữ tạm
thời và cô đặc thành các chất tiết, chuẩn bị bài xuất ra ngoài.
+ Sinh tổng hợp carbohydrat và kết hợp protein tạo glycoprotein.
+ Tạo tiêu thể.
+ Bổ sung lại màng tế bào và màng các bào quan khác như ty thể.
3.6. Tiêu thể (lysosome)
- Cấu tạo chức năng: tiêu thể có cấu tạo màng đơn, bên trong chứa nhiều
enzym thủy phân. Tiêu thể được hình thành từ bộ Golgi.
- Chức năng: tiêu thể tham gia quá trình tiêu hóa của tế bào. Quá trình tiêu
hóa gồm các bước:
+ Hiện tượng nhập bào (thực bào, ẩm bào) tạo không bào.
+ Không bào hoặc các bào quan bị hư hỏng trong tế bào sẽ hòa màng với tiêu
thể tạo thành túi tiêu hóa (degestive vesicle).
+ Các enzym của tiêu thể sẽ thủy phân các chất trong túi tiêu hóa. Sản phẩm
thu được là những phân tử nhỏ (acid amin, glucose, phosphat...) sẽ được hấp thu
vào bào tương tế bào.
+ Những phần không bị tiêu hủy còn lại gọi là thể cặn (residual body) được
bài tiết ra ngoài tế bào bằng hiện tượng xuất bào.
3.7. Peroxisom
- Cấu tạo chức năng: peroxisom là những túi màng đơn có nguồn gốc từ
mạng lưới nội nội bào tương. Peroxisom chứa nhiều enzym có khả năng tạo ra và
phân hủy H2O2.

29
- Chức năng: giải độc cho tế bào.
3.8. Bộ xương của tế bào (cytoskeleton)
- Cấu tạo chức năng: bộ xương tế bào gồm các sợi siêu vi (microfilament) và
các ống siêu vi (microtubule) nằm dưới màng tế bào.
- Chức năng:
+ Tạo và duy trì hình dạng tế bào và vị trí của các bào quan bên trong.
+ Tạo các cử động của tế bào và các chuyển động trong tế bào.
3.9. Lông tế bào (microvilli)
- Cấu tạo chức năng: có ở các tế bào biểu mô thành ống, thực chất là những
nhánh bào tương chứa một cấu trúc giống cấu trúc của tiểu thể trung tâm điển hình
với 9 nhóm ống, mỗi nhóm có 3 ống.
- Chức năng: tạo các chuyển động nhanh, bất ngờ 10-20 lần/giây, làm đẩy
các chất dịch trong lòng ống theo một hướng nhất định, ví dụ:
+ Ở đường hô hấp: từ hốc mũi và đường hô hấp dưới về họng, cuốn theo các
chất lạ.
+ Ở vòi trứng: từ buồng trứng về tử cung, cuốn theo trứng.
4. ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG TẾ BÀO
4.1. Điều hòa sự biệt hóa tế bào
4.1.1. Khái niệm về sự biệt hóa tế bào
Sự biệt hóa tế bào (cellular differentiation) là các quá trình mà một tế bào ít
biệt hóa trở thành một loại tế bào biệt hóa nhiều hơn. Nói cách khác, là một quá
trình biến đổi theo hướng từ một tế bào gốc không có chức năng riêng biệt thành
một tế bào chuyên hóa (một tế bào có chức năng cụ thể nào đó). Sự biệt hóa tế bào
làm thay đổi rất nhiều về kích thước, hình dạng, đặc tính màng, hoạt động trao đổi
chất và khả năng đáp ứng tín hiệu của tế bào.
Sự biệt hóa tế bào diễn ra nhiều lần trong suốt quá trình sinh trưởng của cơ
thể. Trong thời kỳ phôi thai, quá trình biệt hóa bắt đầu ngay sau khi thụ tinh, từ một
hợp tử đơn giản ban đầu phát triển thành một hệ thống phức tạp với nhiều loại mô
và tế bào khác nhau. Sau khi đã hình thành cơ thể hoàn chỉnh, sự biệt hóa tế bào vẫn
tiếp tục diễn ra để bổ sung và thay thế tế bào qua sự phân chia và tạo ra các tế bào
con, qua quá trình sửa chữa mô tổn thương.

30
Tế bào gốc là những tế bào sinh học có thể phân chia thông qua quá trình
giảm phân và biệt hóa thành các loại tế bào chuyên hóa, chúng cũng có thể tự đổi
mới để sinh thêm các tế bào gốc khác. Có hai nhóm tế bào gốc chính là: tế bào gốc
phôi (embryonic stem cells) và tế bào gốc trưởng thành (adult stem cells). Các tế
bào gốc cũng được phân loại dựa vào khả năng biệt hóa: tế bào gốc toàn năng
(totipotent) có thể biệt hóa thành các loại tế bào phôi và ngoài phôi, chúng chính là
hợp tử hình thành sau quá trình thụ tinh giữa trứng và tinh trùng và các tế bào được
tạo ra trong lần phân chia đầu tiên của hợp tử; tế bào gốc vạn năng (pluripotent) là
thế hệ tế bào con của tế bào gốc toàn năng và có thể biệt hóa thành hầu hết các loại
tế bào trong cơ thể; tế bào gốc đa năng (multipotent) có thể biệt hóa thành nhiều tế
bào, nhưng chỉ là những tế bào có quan hệ họ hàng với nó, ví dụ tế bào máu gốc đa
năng trong tủy xương; tế bào gốc vài tiềm năng (oligopotent) có thể biệt hóa thành
một vài dòng tế bào trong một tập thể họ hàng, ví dụ tế bào gốc dòng lympho hoặc
tế bào gốc dòng tủy trong tủy xương; tế bào đơn năng (unipotent) chỉ tạo ra được
một loại tế bào như bản thân chúng, chúng có thể tự đổi mới được.
4.1.2. Kiểm soát sự biệt hóa tế bào
Hệ gen người ước tính chứa khoảng 30.000-40.000 gen nhưng không phải tất
cả các gen đều được biểu hiện đồng thời, mỗi tế bào chỉ biểu hiện khoảng 15% số
gen của nó. Ở những tế bào khác nhau sẽ có những sẽ có những gen khác nhau được
hoạt hóa mặc dù chúng có hệ gen giống nhau. Sự biểu hiện khác nhau của các gen
trong hệ gen qui định loại protein được tổng hợp trong các tế bào khác nhau, và qua
đó xác định đặc điểm chức năng đặc thù của từng tế bào trong cơ thể. Vì vậy, các tế
bào khác nhau có thể có những đặc điểm lý, hóa học rất khác nhau cho dù có
genome giống nhau hay nói cách khác chúng có sự biệt hóa khác nhau. Ví dụ: ở tế
bào lympho B, các gen mã hóa việc tổng hợp kháng thể được biểu hiện ở mức độ
cao. Sự biểu hiện gen không chỉ khác nhau giữa các loại tế bào mà còn khác nhau
tùy theo giai đoạn biệt hóa của từng loại tế bào và những giai đoạn khác nhau của
vòng đời tế bào.
Cơ chế biểu hiện gen là do ở các gen có mức độ biểu hiện cao có cấu trúc
khởi động thích hợp cho sự tháo xoắn mở đầu quá trình sao mã mà những gen có
mức độ biểu hiện thấp không có. Quá trình sao mã còn chịu kiểm soát chặt chẽ của
những protein điều hòa nội bào hoặc các hoạt chất sinh học ngoại bào làm đóng
hoặc mở gen dẫn đến ngăn cản hoặc tăng cường sự tháo xoắn ảnh hưởng lên sự biểu
hiện gen.

31
Như vậy, sự biệt hóa tế bào gốc phụ thuộc vào 2 yếu tố: tiềm năng biệt hóa
của tế bào gốc và các tác nhân ảnh hưởng lên sự biệt hóa.
4.2. Điều hòa đời sống tế bào
4.1.1. Kiểm soát chu trình tế bào
Trong thời gian sống, mỗi tế bào được kiểm soát bởi một hệ thống di truyền
thông qua các gen DNA-PK, p53 và INK4:
- Gen DNA-PK mã hóa cho protein có vai trò sửa chữa những gen bị tổn
thương.
- Gen p53 mã hóa cho protein p53 có vai trò không cho các gen bị tổn
thương tự nhân lên. Khi có một biến cố lớn trong tế bào, protein p53 còn gọi là “vệ
sĩ của bộ gen” sẽ phát đi một hiệu lệnh để tế bào này tự hủy.
- Gen INK4 mã hóa protein p16INK4a, còn được gọi là protein ức chế ung
thư. Protein này có vai trò trong sự điều hòa chu trình tế bào thông qua việc làm
giảm tốc độ gián phân và làm bất hoạt các dạng CDK vòng (cyclin dependent
kinases) khác nhau sinh ra từ quá trình gián phân. Sự biểu hiện p16INK4a sẽ gia
tăng theo tuổi tác và quá trình biểu hiện này liên quan đến tiến trình già hoá của tế
bào.
4.1.2. Kiểm soát thời gian sống của tế bào
Đời sống của mỗi tế bào đã được mã hóa về mặt di truyền, do vậy các tế bào
sẽ “chết theo chương trình” (apoptosis) được lập trình từ trước nếu như không có
bất kỳ một tác động bệnh lý nào từ bên ngoài. Cơ thể có hai loại tế bào:
- Tế bào không đổi mới được (còn gọi là tế bào hậu gián phân), ví dụ như tế
bào thần kinh và cơ tim. Các tế bào này không có khả năng sinh sản và mất dần
trong quá trình tích tuổi, không có gì thay thế được.
- Tế bào đổi mới được (còn gọi là tế bào liên gián phân), ví dụ như các tế bào
biểu mô, tế bào soma. Thông thường các tế bào này chết đi sau 40-60 chu kì sao
chép. Thời gian sống của mỗi tế bào được quyết định về di truyền học bởi hệ thống
kiểm soát đời sống tế bào nhờ quá trình làm hao mòn các telomere ở các đầu tận
cùng nhiễm sắc thể. Telomere là các chuỗi TTAGGG lặp lại kế tiếp nhau. Telomere
có nhiệm vụ bảo đảm sự bền vững của nhiễm sắc thể, chống lại các tác nhân có hại
và sự tái tổ hợp sai lạc, đồng thời telomere còn có vai trò điều hòa gen. Mỗi lần
phân chia, các nhiễm sắc thể đều mất một số lượng nhỏ DNA của telomere. Khi các
telomere trở nên quá ngắn thì các nhiễm sắc thể sẽ kém bền vững, chúng không thể

32
bám vào được màng nhân tế bào, bị dính vào nhau và có hình dạng kì dị. Hậu quả là
các tế bào không thể phân chia được nữa.

33
VẬN CHUYỂN VẬT CHẤT QUA MÀNG TẾ BÀO
Mục tiêu
1. Phân biệt được các hình thức vận chuyển thụ động và chủ động.
2. Phân tích được đặc điểm của từng loại vận chuyển vật chất qua màng tế bào.
1. ĐẠI CƯƠNG
Màng tế bào là một loại màng bán thấm sinh học. Không chỉ phân cách tế
bào thành một tổ chức sống độc lập, màng tế bào còn giúp tế bào trao đổi vật chất
với môi trường xung quanh. Đây là một quá trình vận chuyển có chọn lọc theo nhu
cầu của tế bào đồng thời cũng để điều hòa hằng tính nội môi. Thành phần cơ bản
của màng tế bào là lớp phospholipid kép được khảm bởi các phân tử protein và bao
bọc bên ngoài là lớp áo glycocalyx. Có hai dạng vận chuyển vật chất qua màng:
- Vận chuyển qua các phân tử cấu tạo lên màng:
+ Vận chuyển thụ động: qua lớp phospholipid kép, qua các kênh protein
xuyên màng (khuếch tán đơn giản) hoặc qua các protein mang xuyên màng không
có tính enzym (khuếch tán được gia tốc).
+ Vận chuyển chủ động: qua các protein mang xuyên màng có tính chất
enzym (chủ động sơ cấp), hoặc kết hợp protein mang xuyên màng không có tính
enzym và protein mang xuyên màng có tính enzym (chủ động thứ cấp).
- Vận chuyển qua một đoạn màng: đây là hình thức vận chuyển bằng cơ chế
hòa màng theo kiểu nhập và xuất bào.
2. VẬN CHUYỂN VẬT CHẤT QUA CÁC PHÂN TỬ CẤU TẠO MÀNG TẾ
BÀO
Đây là quá trình vận chuyển có chọn lọc các chất và phụ thuộc vào đặc tính
của các phân tử cấu tạo lên màng tế bào.
2.1. Vận chuyển thụ động (Passive transport)
2.1.1. Khái niệm
Vận chuyển thụ động còn gọi là khuếch tán có đặc điểm:
- Không cần tiêu thụ năng lượng ATP mà thực hiện nhờ năng lượng chuyển
động nhiệt.
- Hầu hết không cần chất chuyên chở (chất mang).

34
- Diễn ra theo hướng gradient từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp
tiến tới làm thăng bằng bậc thang nồng độ.
2.1.2. Các dạng khuếch tán
Có hai dạng là khuếch tán đơn giản và khuếch tán được gia tốc.
2.1.2.1. Khuếch tán đơn giản (simple diffusion)
Khuếch tán đơn giản là hiện tượng khuếch tán không cần chất mang.
* Hai hình thức khuếch tán đơn giản:
- Khuếch tán qua lớp lipid kép: là khuếch tán qua khoảng kẽ giữa các phân tử
của lớp lipid kép. Chất được vận chuyển là các chất hòa tan trong dầu như O2, CO2,
nitơ, acid béo, vitamin tan trong dầu A, D, E, K, rượu ... Mặc dù nước không hòa
tan trong dầu nhưng một phần nước vẫn có thể khuếch tán qua lớp lipid kép vì kích
thước của chúng nhỏ nhưng động năng của chúng lại rất lớn nên chúng có thể xuyên
qua lớp lipid kép như những “viên đạn” (bullets). Các ion không thể thấm qua lớp
lipid kép.
- Khuếch tán qua các kênh protein: là khuếch tán qua phân tử protein xuyên
màng dạng kênh. Chất được vận chuyển là nước và các chất hòa tan trong nước như
các ion. Các kênh protein này chọn lọc chất khuếch tán do đặc điểm về đường kính,
hình dạng, điện tích. Các kênh còn được đóng mở bằng cổng theo điện thế hoặc hóa
học. Các kênh quan trọng như kênh Na+ cho Na+ đi từ ngoài vào trong tế bào; kênh
K+ cho K+ đi từ trong ra ngoài tế bào; kênh Cl- cho Cl- đi từ ngoài vào trong tế bào;
kênh Ca2+ cho Ca2+ và cả Na+ đi từ ngoài vào trong tế bào.
* Các yếu tố ảnh hưởng lên sự khuếch tán đơn giản:
- Ảnh hưởng của tính thấm màng: tốc độ khuếch tán qua màng phụ thuộc
vào:
+ Bản chất của chất khuếch tán: tỉ lệ thuận với độ hòa tan trong dầu, tỉ lệ
nghịch với trọng lượng phân tử.
+ Nhiệt độ: tỉ lệ thuận với nhiệt độ.
+ Trạng thái của màng: tỉ lệ nghịch với độ dày của màng và tỉ lệ thuận với số
kênh trên một đơn vị diện tích màng.
+ Sự khuếch tán của 1 chất khác xảy ra đồng thời.
- Ảnh hưởng của sự chênh lệch nồng độ các chất ở hai bên màng: chênh lệch
nồng độ càng lớn tốc độ khuếch tán càng tăng tuyến tính.

35
- Ảnh hưởng của sự chênh lệch điện thế tạo nên hiện tượng điện thẩm: khi có
sự chênh lệch về điện thế giữa hai bên màng thì sẽ có sự chuyển động của các ion:
ion (+) di chuyển về phía bên màng tích điện (-), ion (-) di chuyển về phía bên màng
tích điện (+).
- Ảnh hưởng của chênh lệch các áp suất dung dịch tạo nên hiện tượng siêu
lọc: một dung dịch gồm hai thành phần là dung môi (dung môi của dịch cơ thể là
nước) và các chất hòa tan, mỗi thành phần sẽ tạo ra một loại áp suất có tác dụng
khác nhau.
+ Ảnh hưởng của chênh lệch của áp suất thủy tĩnh: áp suất thủy tĩnh là áp
suất của dung môi (nước). Áp suất thủy tĩnh có tác dụng đẩy nước và các chất hòa
tan trong nước đi từ nơi có áp suất thủy tĩnh cao sang nơi có áp suất thủy tĩnh thấp.
Ví dụ ở màng mao mạch phía tiểu động mạch, áp suất thủy tĩnh trong mao mạch lớn
hơn áp suất thủy tĩnh ngoài mao mạch nên nước và các chất hòa tan trong nước sẽ
khuếch tán ra ngoài mao mạch.
+ Ảnh hưởng của chênh lệch áp suất thẩm thấu: áp suất thẩm thấu là áp suất
của các chất hòa tan như muối NaCl và protein (áp suất keo). Áp suất thẩm thấu có
tác dụng giữ nước ở lại (ngăn cản không cho nước di chuyển sang phía bên đối
diện), đồng thời lại có tác dụng hấp dẫn (kéo) nước từ nơi có áp suất thẩm thấu thấp
đến nơi có áp suất thẩm thấu cao gọi là hiện tượng thẩm thấu. Như vậy, sự thẩm
thấu thực chất là một quá trình khuếch tán của các phân tử dung môi (nước).
Công thức tính áp suất thẩm thấu của một dung dịch theo luật Van’t Hoff:
P = RTC
Trong đó: R là hằng số khí lý tưởng
T là nhiệt độ tuyệt đối
C là nồng độ thẩm thấu.
Nồng độ thẩm thấu: là nồng độ mol của của chất hòa tan và phụ thuộc vào số
hạt chất tan trong 1 đơn vị thể tích do cứ mỗi hạt không thấm qua màng sẽ choán
chỗ của 1 phân tử nước trên đường di chuyển qua màng. Mỗi hạt thẩm thấu là 1
phân tử của chất không phân ly hoặc 1 ion của phân tử phân ly thành ion. Đơn vị
nồng độ thẩm thấu là osmol (1osmol=1000mosmol), có hai loại: osmolality
(osm/Kg dung dịch) và osmolarity (osm/lít dung dịch). Trong thực hành y khoa,
thường dùng osmolarity. Như vậy, 1osmol là số phân tử có trong một phân tử gram
chất không phân ly hoặc là số ion có trong một phân tử gram chất phân ly thành ion

36
hoàn toàn.
2.1.2.2. Khuếch tán được gia tốc (facilitated diffusion)
Khuếch tán được gia tốc (khuếch tán được tăng cường, khuếch tán được
thuận hóa, khuếch tán được hỗ trợ hay khuếch tán qua chất mang) là hiện tượng
khuếch tán cần chất mang. Chất mang này chính là protein xuyên màng loại mang
không có tính chất enzym.
- Chất được vận chuyển: chất hữu cơ có kích thước lớn như các
monosaccharid và acid amin. Ví dụ điển hình là sự hấp thu glucose vào tế bào,
insulin làm tăng tốc độ khuếch tán lên 10-20 lần do làm tăng số lượng các protein
mang glucose.
- Cơ chế khuếch tán: chất được vận chuyển gắn vào protein mang làm cho
protein mang thay đổi cấu hình và mở ra ở phía bên kia của màng. Do lực liên kết
giữa chất được vận chuyển và protein mang yếu nên chuyển động nhiệt của chất
được vận chuyển sẽ tách nó ra khỏi protein mang và giải phóng vào phía đối diện.

Khếch tán
được gia tốc

Hình 1.4. Cơ chế khuếch tán được gia tốc


- Tốc độ khuếch tán: tốc độ khuếch tán phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó
có số lượng protein mang trên một đơn vị diện tích màng. Do đó, tốc độ khuếch tán
có giá trị tối đa (Vmax) chứ không phải tuyến tính như khuếch tán đơn giản.
2.2. Vận chuyển chủ động
2.2.1. Khái niệm
Vận chuyển chủ động có đặc điểm:
- Cần tiêu thụ năng lượng ATP.
- Cần chất chuyên chở (chất mang có tính enzym hay còn gọi là bơm).
- Diễn ra theo hướng ngược gradient từ nơi có nồng độ thấp đến nơi có nồng
độ cao tiến tới làm bậc thang nồng độ ngày càng rộng hơn.

37
2.2.2. Các dạng vận chuyển chủ động
Tùy theo nguồn gốc năng lượng sử dụng mà chia hai loại vận chuyển chủ
động: vận chuyển chủ động sơ cấp và vận chuyển chủ động thứ cấp.
2.2.2.1. Vận chuyển chủ động sơ cấp (primary active transport)
- Năng lượng cung cấp cho vận chuyển trực tiếp từ sự thủy phân ATP.
- Chất được vận chuyển: các ion như Na+, K+, Ca2+, H+, Cl-.
- Tính chất của protein mang (bơm): protein mang vừa đóng vai trò là chất
chuyên chở để chất được vận chuyển gắn vào vừa đóng vai trò là một enzym thủy
phân ATP để lấy năng lượng. Năng lượng đó sẽ làm thay đổi cấu hình của protein
mang giúp chúng bơm các chất được vận chuyển qua màng. Một số bơm quan trọng
như bơm Na+-K+-ATPase, bơm Ca2+, bơm proton.
+ Bơm Na+-K+-ATPase: bơm hiện diện ở tất cả tế bào trong cơ thể. Khi hoạt
động sẽ bơm 2 K+ từ ngoài vào trong tế bào và 3 Na+ từ trong ra ngoài. Chức năng:
bơm có vai trò duy trì nồng độ Na+ và K+ khác nhau hai bên màng: nồng độ Na+
ngoài tế bào lớn hơn nồng độ Na+ trong tế bào, ngược lại nồng độ K+ trong tế bào
lớn hơn nồng độ K+ ngoài tế bào. Do đó, giúp điều hòa thể tích tế bào và góp phần
tạo ra điện thế màng nên còn gọi là bơm điện thế.
- Bơm Ca2+: hiện diện ở hầu hết tế bào trong cơ thể, khi bơm hoạt động sẽ
bơm Ca2+ từ trong bào tương ra ngoài tế bào hoặc vào các bào quan trong tế bào
duy trì nồng độ Ca2+ thấp trong bào tương tế bào.
- Bơm proton: vận chuyển chủ động sơ cấp ion H+ ở một số nơi trong cơ thể
như:
+ Tế bào thành của dạ dày: bài tiết H+ để tạo HCl trong dịch vị.
+ Ống thận (đoạn cuối ống lượn xa, ống góp): bài tiết H+ để điều hòa nồng
độ H+ trong máu.
2.2.2.2. Vận chuyển chủ động thứ cấp (secondary active transport)
- Năng lượng cung cấp cho vận chuyển gián tiếp từ sự thủy phân ATP.
- Chất được vận chuyển: chất hữu cơ như glucose, acid amin, các ion.
- Tính chất của sự phối hợp các protein mang: protein mang thứ nhất có tính
chất enzym (bơm) hoạt động theo cơ chế vận chuyển chủ động sơ cấp tạo ra một
bậc thang nồng độ của ion. Năng lượng được giải phóng từ bậc thang nồng độ ion
cho phép protein mang thứ hai không có tính chất enzym vận chuyển ion theo bậc

38
thang nồng độ và chất cùng vận chuyển khác ngược bậc thang nồng độ. Hai loại vận
chuyển chủ động thứ cấp:
+ Đồng vận chuyển thuận: các chất được vận chuyển đi cùng một hướng. Ví
dụ: đồng vận chuyển thuận Na+ và glucose/acid amin ở tế bào biểu mô ống tiêu hóa
và ống thận để hấp thu các chất này vào máu.
+ Đồng vận chuyển nghịch: các chất được vận chuyển đi ngược hướng nhau.
Ví dụ: đồng vận chuyển nghịch của K+ hoặc H+ với Na+ ở tế bào biểu mô ống lượn
xa và ống góp để bài tiết K+ hoặc H+ và tái hấp thu Na+ trao đổi.
3. VẬN CHUYỂN VẬT CHẤT BẰNG MỘT ĐOẠN MÀNG TẾ BÀO
Vận chuyển vật chất bằng một đoạn màng được thực hiện thông qua cơ chế
hòa màng. Hòa màng là khả năng màng tế bào có thể cắt một đoạn màng tạo thành
túi hoặc ngược lại bổ sung màng túi vào màng tế bào.
3.1. Hiện tượng nhập bào (endocytosis)
- Nhập bào là hiện tượng tế bào nuốt các chất bên ngoài tế bào. Có hai hình
thức:
+ Thực bào (phagocytosis): là hiện tượng tế bào nuốt vi khuẩn, mô chết,
bụi... Chỉ một số tế bào có khả năng này đó là các đại thực bào ở mô hình thành từ
các bạch cầu mono trong máu, bạch cầu hạt trung tính (tiểu thực bào) và và bạch
cầu ưa acid.
+ Ẩm bào (pinocytosis): là hiện tượng tế bào nuốt các dịch lỏng và các hòa
chất tan có kích thước nhỏ... Ẩm bào xảy ra liên tục ở hầu hết các tế bào.
- Cơ chế nhập bào: màng bào tương tế bào kết dính với chất được nhập bào.
Phía trong màng bào tương tế bào sát với những chỗ kết dính này là một mạng lưới
các sợi protein có cấu tạo bởi các sợi actin và myosin. Các sợi này sẽ co rút với
năng lượng từ ATP làm cho màng bào tương lõm vào trong và dần dần hình thành
túi nhập bào tách khỏi màng bào tương đi vào bên trong tế bào. Phần màng bào
tương còn lại sẽ hợp nhất với nhau bằng cơ chế hòa màng.
- Chức năng: hiện tượng nhập bào tạo hai chức năng:
+ Khởi đầu quá trình tiêu hóa của tế bào: khi nuốt các chất, màng tế bào
đóng gói lại thành túi không bào đưa vào bào tương tế bào. Tại đây, túi này sẽ hòa
màng với lysosom (tiêu thể) thành túi tiêu hóa, các enzym thủy phân trong lysosom
sẽ phân cắt các chất được hấp thu thành nhiều thành phần. Các thành phần dinh
dưỡng sẽ được đưa vào bào tương tế bào, các cấu trúc kháng nguyên sẽ được ra

39
ngoài trình diện, các thành phần cặn bã sẽ được đào thải bằng cơ chế xuất bào.

Hình 1.5. Quá trình tiêu hóa của tế bào


+ Tạo cử động dạng amib.
3.2. Hiện tượng xuất bào (exocytosis)
- Xuất bào là hiện tượng tế bào bài tiết các chất được tổng hợp trong tế bào
như hormon, chất truyền đạt thần kinh hoặc các chất cặn bã (residual body) sau quá
trình tiêu hóa tế bào.
- Cơ chế xuất bào: các chất bài tiết được đóng gói trong các túi và được vận
chuyển đến màng bào tương tế bào nhờ năng lượng ATP. Tại đây, bằng cơ chế hòa
màng các túi này mở thông ra bên ngoài giải phóng các chất bài tiết và trở thành
một phần của màng bào tương tế bào.

40
ĐIỆN THẾ MÀNG TẾ BÀO
Mục tiêu:
1. Trình bày được khái niệm và các cơ sở vật lý của điện thế màng tế bào.
2. Xác định được các trạng thái điện học của tế bào.
3. Thiết lập được các giai đoạn của điện thế màng và ứng dụng.
1. ĐẠI CƯƠNG VỀ ĐIỆN THẾ MÀNG
1.1. Khái niệm về điện thế màng
Điện thế màng là điện thế tồn tại trên màng của hầu như mọi tế bào trong cơ
thể đặc biệt trên tế bào thần kinh và tế bào cơ kể cả cơ vân, cơ trơn và cơ tim.
Theo qui ước, trị số điện thế màng được xác định là điện thế bên trong so với
bên ngoài màng tế bào.
1.2. Cơ sở vật lý của điện thế màng
Cơ sở vật lý của điện thế màng chính là điện thế khuếch tán.
Điện thế khuếch tán là điện thế được tạo ra do sự khuếch tán ion qua màng.
Điện thế khuếch tán được xác định bằng các phương trình Nernst và phương trình
Goldman-Hodgkin-Katz tùy thuộc vào số lượng ion khuếch tán tại cùng một thời
điểm.
1.2.1. Phương trình Nernst
Giữa mặt trong và mặt ngoài màng tế bào luôn tồn tại một hiệu điện thế do
sự khác biệt về nồng độ các ion tạo ra. Khi đó, sự khuếch tán của các ion qua màng
sẽ chịu ảnh hưởng của hai lực đối lập nhau:
- Xu thế khuếch tán do chênh lệch về nồng độ: các ion sẽ khuếch tán từ nơi
có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp. Sự chuyển động này tạo nên 1 chênh lệch
về điện tích tăng dần.
- Xu thế khuếch tán do chênh lệch về điện thế: các ion (+) di chuyển về phía
bên màng tích điện (-), ion (-) di chuyển về phía bên màng tích điện (+). Sự chuyển
động này tạo nên 1 chênh lệch về nồng độ tăng dần.
Trong một hệ nhiệt động học, ở một thời điểm nhất định, 2 lực trên sẽ cân
bằng nhau. Lúc này hệ thống ở vào trạng thái thăng bằng động (cân bằng Donnan).
Ở nhiệt độ 370C, khi chênh lệch điện thế cân bằng với chênh lệch nồng độ của một
ion hóa trị 1 thì ta có thể xác định điện thế khuếch tán đó theo phương trình Nernst

41
như sau:
C1
EMF(mV) = ±61log
C2

Trong đó: EMF là điện thế (lực điện động 2 bên màng)
C1 là nồng độ ion bên 1 của màng
C2 là nồng độ ion bên 2 của màng
Ví dụ: xét sự phân bố của 3 ion chính ở hai bên màng tế bào thần kinh:
- Ion K+: nồng độ ion phân bố như sau: C Ko+ là 4mEq/L, C Ki+ là
140mEq/L, tỉ số C Ki+/C Ko+ = 35. Điện thế khuếch tán của ion K+ khi màng tế bào
không thấm với các ion khác tính được là khoảng 94mV, âm ở bên trong màng.
- Ion Na+: nồng độ ion phân bố như sau: C Nao+ là 142mEq/L, C Nai+
là 14mEq/L, tỉ số C Nao+/C Nai+ = 10. Điện thế khuếch tán của ion Na+ khi màng tế
bào không thấm với các ion khác tính được là khoảng 61mV, dương ở bên trong
màng.
- Ion Cl-: nồng độ ion phân bố như sau: C Clo- là 103mEq/L, C Cli- là
4mEq/L, tỉ số C Clo-/C Cli- = 26. Điện thế khuếch tán của ion Cl- khi màng tế bào
không thấm với các ion khác tính được là khoảng 90mV, âm ở bên trong màng.
1.2.2. Phương trình Goldman-Hodgkin-Katz
Khi màng tế bào thấm với nhiều ion khác nhau tại cùng một thời điểm thì
điện thế khuếch tán phụ thuộc vào 3 yếu tố:
- Dấu điện tích của ion.
- Tính thấm P của màng tế bào đối với mỗi ion.
- Chênh lệch nồng độ ion giữa hai bên màng.
Khi đó điện thế màng được tính theo phương trình Goldman-Hodgkin-Katz
gọi tắt là phương trình Goldman. Phương trình này xác định điện thế bên trong
màng so với bên ngoài với sự thấm của ion Na+, K+ và Cl-:
C Na + .PNa + + C K + .PK + + C Cl − .PCl −
i i o
EMF(mV)= -61log
C Na + .PNa + + C K + .PK + + C Cl − .PCl −
o o i

Phương trình Goldman có 4 điểm đáng lưu ý:


- Các ion Na+, K+ và Cl- là những ion rất quan trọng trong việc tạo ra điện thế

42
màng ở tế bào thần kinh và cơ.
- Mức độ quan trọng của mỗi ion trong việc tạo điện thế tỷ lệ thuận với tính
thấm của màng đối với ion đó.
- Nếu nồng độ ion dương bên trong màng cao hơn bên ngoài màng, thì bậc
thang đó tạo điện thế âm trong màng vì ion dương khuếch tán ra ngoài để lại các
anion không lọt qua màng.
- Tính thấm của kênh Na+ và kênh K+ biến đổi cực nhanh khi có xung động
thần kinh, trong khi tính thấm của kênh Cl- biến đổi chậm hơn. Hơn thế điện thế
khuếch tán của Cl- theo phương trình Nernst khoảng -90mV đúng bằng điện màng
lúc nghỉ. Do vậy, tính thấm của Na+ và K+ có ý nghĩa chủ yếu đối với sự tạo ra điện
thế màng. Trong khi tính thấm của Cl- ít ảnh hưởng hơn.
2. CÁC TRẠNG THÁI ĐIỆN HỌC CỦA MÀNG TẾ BÀO
Xét về mặt điện học, một tế bào luôn có 3 trạng thái diễn ra theo trình tự:
trạng thái nghỉ, trạng thái kích thích và trạng thái hồi cực.
2.2.1. Trạng thái nghỉ
Trạng thái nghỉ là khi tế bào không hoạt động. Ở trạng thái này, màng tế bào
có tính phân cực (polarization), bên ngoài tế bào tích điện dương hơn so với bên
trong tế bào. Quá trình phân cực này làm xuất hiện điện thế nghỉ.
Điện thế nghỉ được tạo ra do sự phân bố của các ion ở 2 bên màng mà chủ
yếu là ion Na+, K+ và Cl-, ngoài ra còn có các ion khác như Ca2+. Thông thường ở
trạng thái nghỉ các cổng kênh đều đóng nhưng không đóng chặt hoàn toàn, do đó
các ion có thể rò rỉ qua kênh.
- Điện thế khuếch tán của K+: ion K+ phân bố ở bên trong nhiều hơn bên
ngoài tế bào sẽ khuếch tán từ trong ra ngoài theo bậc thang nồng độ qua kênh K +.
Theo phương trình Nernst tính được điện thế khuếch tán của ion K+ là -94mV. Bên
cạnh đó tính thấm của màng tế bào ở trạng thái nghỉ đối với K+ rất cao, gấp 100 lần
Na+ (nói cách khác, ở trạng thái nghỉ kênh K+ đóng không chặt bằng kênh Na+ nên
K+ rò rỉ nhiều hơn Na+). Do vậy, điện thế khuếch tán của K+ đóng vai trò chính tạo
ra điện thế nghỉ.
- Điện thế khuếch tán của Na+: ion Na+ phân bố ở bên ngoài nhiều hơn bên
trong tế bào sẽ khuếch tán từ ngoài vào trong theo bậc thang nồng độ qua kênh Na +.
Theo phương trình Nernst tính được điện thế khuếch tán của ion Na+ là +61mV.
Tuy nhiên do tính thấm của màng tế bào ở trạng thái nghỉ đối với Na+ kém hơn K+,

43
nên theo phương trình Goldman điện thế màng của 2 ion này là -86mV.
- Điện thế khuếch tán của Cl-: ion Cl- phân bố ở bên ngoài nhiều hơn bên
trong tế bào sẽ khuếch tán từ ngoài vào trong theo bậc thang nồng độ qua kênh Cl-.
Theo phương trình Nernst tính được điện thế khuếch tán của ion Cl- là -90mV. Tuy
nhiên do tính thấm của kênh Cl- biến đổi chậm nên tính thấm của Cl- ít ảnh hưởng
đến điện thế màng.
Tóm lại, cuối cùng điện thế nghỉ được tạo ra có trị số khoảng gần -
90mV ở các tế bào thần kinh và cơ có kích thước lớn. Tuy nhiên, điện thế nghỉ cũng
có thể dao động từ -90mV đến -40mV tùy theo loại mô.
2.2.2. Trạng thái kích thích
Trạng thái kích thích là khi tế bào bị kích thích và chuyển sang tình trạng
hoạt động. Ở trạng thái này, tế bào sẽ khử cực (depolarization), điện thế mặt trong
tế bào tăng lên có thể vượt mức 0mV (overshoot) và trở lên dương hơn so với mặt
ngoài làm phát sinh điện thế hoạt động, điện thế này lan ra thành xung động.
Điện thế hoạt động phát sinh khi có các điều kiện sau:
- Tác nhân kích thích: tế bào đang ở trạng thái nghỉ, nếu có một tác nhân kích
thích nào đó thích hợp, tế bào sẽ chuyển sang trạng thái khử cực. Tác nhân kích
thích thường đến từ bên ngoài thông qua sự trao đổi thông tin giữa các tế bào. Cơ
tim là một trường hợp đặc biệt, các tế bào cơ tim loại đáp ứng chậm có khả năng tự
khởi phát điện thế hoạt động (tự phát xung) không thông qua tác nhân kích thích từ
bên ngoài.
- Ngưỡng tạo điện thế hoạt động: sự tăng điện thế màng phải đạt đến một
mức nào đó mới làm phát sinh điện thế hoạt động. Thường sự tăng đột ngột này
khoảng 15-30mV, tức là từ trị số -90mV tăng lên -75mV đến -60mV mới bùng nổ
điện thế hoạt động. Người ta thường lấy mức -65mV gọi là ngưỡng kích thích.
- Feedback dương mở kênh Na+: kênh Na+ là kênh đóng mở cổng theo điện
thế. Kênh có hai cổng, cổng phía đầu ngoài tế bào gọi là cổng hoạt hóa và cổng phía
đầu trong tế bào gọi là cổng khử hoạt. Ở trạng thái nghỉ, cổng hoạt hóa đóng, cổng
khử hoạt mở. Khi điện thế màng tăng lên đột ngột trong vài phần vạn giây đến
ngưỡng thì điện thế đó làm mở tất cả cổng hoạt hóa, tính thấm màng đối với Na +
tăng lên gấp 500-5000 lần làm Na+ “ồ ạt” vào trong tế bào, khởi phát điện thế hoạt
động. Đáng chú ý là cổng khử hoạt sẽ bắt đầu đóng ngay sau khi mở cổng hoạt hóa,
tuy nhiên cổng khử hoạt đóng từ từ, trong khi cổng hoạt hóa lại mở rất nhanh nên
phải đến một lúc nào đó mới đủ để ngăn dòng Na+ vào trong tế bào. Như vậy, nếu vì

44
lý do nào đó, điện thế màng lúc nghỉ tăng lên rất từ từ trong vòng nhiều miligiây, đủ
thời gian để cổng khử hoạt đóng lại thì dù điện thế có đạt ngưỡng cũng không tạo
được điện thế hoạt động. Hiện tượng này gọi là sự thích nghi của màng đối với kích
thích.
2.2.3. Trạng thái hồi cực
Trạng thái hồi cực là khi tế bào chuyển tiếp từ tình trạng hoạt động sang tình
trạng không hoạt động. Ở trạng thái này, màng tế bào có hai nhiệm vụ chính là tái
lập điện thế như trạng thái nghỉ và tái lập sự phân bố ion như ban đầu. Có hai
trường hợp xảy ra, điểm hồi cực đầu tiên có thể là điểm khử cực đầu tiên nhưng
cũng có thể là điểm khử cực cuối cùng như đối với cơ tim. Giống như quá trình khử
cực, quá trình hồi cực cũng sẽ lan truyền từ điểm đầu tiên ra toàn bộ màng.
Hai nhiệm vụ của quá trình hồi cực:
- Tái lập điện thế nghỉ - vai trò của kênh K+: kênh K+ cũng là loại kênh đóng
mở cổng theo điện thế nhưng khác với kênh Na+ là nó chỉ có một cổng hoạt hóa
đóng mở ở bên trong màng. Ở trạng thái nghỉ, cổng hoạt hóa đóng. Khi điện thế
màng từ -90mV tăng lên phía 0mV sẽ làm cổng này từ từ mở ra và sau đó cũng từ
từ đóng lại chậm hơn kênh Na+. Ion K+ khuếch tán ra ngoài làm điện thế nghỉ được
phục hồi nhưng sự phân bố ion thì chưa giống như trạng thái nghỉ.
- Tái lập sự phân bố ion – vai trò của bơm Na+-K+-ATPase: mọi tế bào trong
cơ thể đều có bơm Na+-K+-ATPase. Cứ mỗi vòng, bơm này sẽ bơm 3 Na+ ra và 2
K+ vào trong tế bào. Sự chênh lệch này sẽ liên tục làm mất điện tích dương ở bên
trong tế bào, đóng góp thêm một điện thế khoảng -4mV vào điện thế nghỉ. Ngoài ra,
bơm này cũng tạo ra sự chênh lệch nồng độ ion Na+ và K+ ở 2 bên màng, sự phân
cực này sẽ làm tiền đề cho sự xuất hiện điện thế hoạt động sau này.
3. CÁC GIAI ĐOẠN CỦA ĐIỆN THẾ MÀNG
Các giai đoạn của điện thế màng tế bào thần kinh diễn ra điển hình theo đúng
trình tự của các trạng thái điện học màng tế bào với sự tham gia của kênh Na +, kênh
K+ và bơm K+-Na+-ATPase. Riêng ở cúc tận cùng của nơron, khi xung động điện
lan đến, sẽ có sự mở kênh Ca2+ đóng mở do điện thế để làm giải phóng chất truyền
đạt thần kinh.
Các giai đoạn của điện thế màng tế bào cơ, ngoài sự tham gia của các kênh
và bơm như trên, trong quá trình khử cực còn có sự tham gia của kênh Ca2+ và
chính Ca2+ đóng vai trò quan trọng trong sự khởi phát co cơ. Sau đó bơm Ca2+ sẽ
hoạt động để tái lập lại sự phân bố ion. Hoạt động điện của tế bào cơ tim là những

45
ví dụ điển hình.
4. DÒNG ĐIỆN SINH HỌC
Ở tế bào thần kinh và tế bào cơ, sự hình thành điện thế hoạt động và điện thế
hồi cực sẽ làm phát sinh những xung động điện hóa lan dọc theo màng.
- Cơ chế lan truyền: điện thế hoạt động và hồi cực tạo nên một “mạch điện”
giữa vùng đang khử cực và vùng tiếp giáp: điện tích dương của ion Na + sẽ đi dọc
theo màng xa tới 1-3milimét và làm phát sinh điện thế hoạt động ở vùng tiếp giáp.
Cứ như thế điện thế hoạt động lan đi khắp màng tạo thành xung động.
- Hướng lan truyền: về nguyên tắc từ chỗ kích thích ban đầu điện thế hoạt
động và hồi cực sẽ lan ra khắp mọi hướng. Trong thực tế sinh học, kích thích
thường đến từ một cực tế bào và lan về phía đối diện nên tạo thành một hướng lan
nhất định. Trong thực nghiệm và thăm dò chức năng, có thể kích thích vào giữa tế
bào, khi đó lan truyền sẽ diễn ra theo cả hai hướng về hai cực tế bào.
- Đáp ứng lan truyền: điện thế hoạt động lan truyền trên tế bào thần kinh đến
chi phối cho cơ hoặc lan truyền trên tế bào cơ sẽ gây đáp ứng co cơ. Đáp ứng này
tuân theo qui luật “tất hoặc không”, có nghĩa là kích thích dưới ngưỡng không có
đáp ứng, kích thích bằng hoặc trên ngưỡng đều gây đáp ứng tối đa.
Ứng dụng: cơ thể sinh học là một môi trường dẫn điện. Do vậy, dòng điện
sinh ra từ mô cơ quan sẽ được lan truyền ra đến ngoài da, sử dụng các điện cực mắc
ngoài da có thể ghi lại được dòng điện sinh học dưới dạng đồ thị gọi là thăm dò điện
sinh lý. Nguyên lý chung là khi dòng điện tiến về điện cực dương sẽ tạo thành một
sóng dương trên đồ thị. Trong thực hành lâm sàng có thể ghi được các dòng điện
sinh học như điện tâm đồ, điện não đồ, điện cơ...
Câu hỏi lượng giá:
Câu hỏi ngắn
1. Trình bày các hình thức vận chuyển trên màng tế bào của các phân tử sau: nước,
glucose, acid amin, K+, Na+
2. So sánh hình thức vận chuyển thụ động và hình thức vận chuyển chủ động?
3. Giải thích tại sao Bơm Na+-K+ có vai trò quan trọng trong điều hòa thể tích tế
bào?
4. Trình bày cơ sở sinh lý quan trọng để ứng dụng ghi điện tâm đồ?
5. Tính chất sau không phải là đặc điểm của cơ thể sống:

46
a. Khả năng thay cũ đổi mới. 9. Hoạt động sau không phải là
b. Khả năng chịu kích thích. chuyển hóa cơ sở:

c. Khả năng tăng trưởng. a. Thần kinh.

d. Khả năng sinh tồn nòi giống. b. Hô hấp.

6. Dạng năng lượng sau đây không c. Tim mạch.


sinh công trong cơ thể: d. Tiêu hóa.
a. Cơ năng. 10. Chọn câu sai. Điều hòa ngược
b. Thẩm thấu năng. dương tính có đặc điểm:

c. Điện năng. a. Làm mất sự ổn định.

d. Nhiệt năng. b. Ít xảy ra.

7. Oxy hóa khử là quá trình: c. Không có ích cho cơ thể.

a. Thoái hóa các chất sinh năng tạo ra d. Được tiếp nối bằng điều hòa ngược
năng lượng tự do, CO2, H2O. âm tính.

b. Đào thải CO2 và nước ra khỏi cơ 11. Trong điều kiện bình thường,
thể. lượng nước mất hàng ngày không
nhìn thấy và không ý thức được là:
c. Tổng hợp ATP để dự trữ năng
lượng cho cơ thể. a. 0,1 lít/ngày.

d. Chuyển hóa ATP thành các dạng b. 0,5 lít/ngày.


năng lượng của cơ thể. c. 0,6 lít/ngày.
8. Tiêu hao năng lượng cho duy trì cơ d. 0-2 lít/ngày.
thể là tiêu hao năng lượng trong điều 12. Cơ chế chống nóng của cơ thể:
kiện:
a. Giảm sinh nhiệt, giảm thải nhiệt.
a. Không vận cơ, không tiêu hóa,
không điều nhiệt. b. Giảm sinh nhiệt, tăng thải nhiệt.

b. Không sinh sản, không phát triển cơ c. Tăng sinh nhiệt, giảm thải nhiệt.
thể. d. Tăng sinh nhiệt, tăng thải nhiệt.
c. Không vận cơ, không sinh sản, 13. Đơn vị cấu trúc cơ bản của màng
không điều nhiệt. tế bào là:
d. Không vận cơ, không phát triển cơ a. Phospholipid.
thể. b. Cholesterol.

47
c. Protein xuyên màng. a. Tuyến tính.
d. Glycoprotein. b. Sigma.
14. Cơ tim có thể co cùng lúc là nhờ c. Sin.
việc trao đổi thông tin qua: d. Đường cong tiệm cận ngang.
a. Các tín hiệu hormon. 18. Chất nào sau đây vận chuyển qua
b. Các kênh connexon. màng tế bào bằng hình thức khuếch
c. Các chất truyền đạt thần kinh. tán được gia tốc:

d. Tương tác kiểu enzym-cơ chất. a. CO2.

15. CHỌN CÂU SAI về chức năng b. Nước.


sinh tổng hợp của các bào quan: c. NH3.
a. Mạng lưới nội bào tương hạt tổng d. Acid amin.
hợp protein. 19. Vận chuyển chủ động qua màng tế
b. Mạng lưới nội bào tương trơn tổng bào:
hợp lipid. a. Đi từ nơi có nồng độ cao đến nơi có
c. Bộ Golgi tổng hợp carbohydrat. nồng độ thấp.
d. Tiêu thể tổng hợp các enzym. b. Không cần năng lượng dạng ATP.
16. Bào quan thực hiện chức năng khử c. Làm thăng bằng bậc thang nồng độ.
độc cho tế bào: d. Luôn cần chất chuyên chở.
a. Ty thể. 20. Nhờ cơ chế “hòa màng”, tế bào có
b. Tiêu thể. thể thực hiện được các hoạt động sau.
c. Peroxisom. NGOẠI TRỪ:

d. Lông tế bào. a. Tiêu hóa.

17. Trong khuếch tán đơn giản, tương b. Bài tiết.


quan giữa tốc độ khuếch tán và chênh c. Tạo chuyển động dạng amib.
lệch nồng độ chất khuếch tán có dạng: d. Khuếch tán các chất

48
CHƯƠNG II
SINH LÝ ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ
BẰNG CƠ CHẾ THỂ DỊCH
Con người luôn chịu sự tác động của môi trường sống. Do đó, để có thể
tồn tại và phát triển, con người cần luôn thích ứng với những biến động của môi
trường. Có hai cơ chế chính điều hòa các chức năng cơ thể là cơ chế thần kinh và cơ
chế thể dịch. Điều hòa bằng cơ chế thể dịch là điều hòa bằng tính chất của các dịch
trong cơ thể. Đối với cơ thể người, dịch chiếm một lượng lớn và tất cả các tế bào
đều sống trong môi trường dịch. Do vậy, mọi sự biến động về dịch đều có những tác
động vô cùng quan trọng lên sự sống.
SINH LÝ DỊCH CƠ THỂ
Mục tiêu:
1. Phân biệt được các ngăn dịch của cơ thể.
2. Trình bày được các khái niệm về nội môi và hằng tính nội môi.
3. Xác định được tính chất và chức năng của các loại dịch cơ thể.
4. Phân tích được các cơ chế điều hòa thể tích dịch và thăng bằng kiềm toan.
1. ĐẠI CƯƠNG VỀ DỊCH CƠ THỂ
Ở người trưởng thành 50-60% trọng lượng cơ thể là dịch.
1.1. Phân bố dịch cơ thể
Người trưởng thành (50Kg)

Dịch cơ thể (30 lít)
20 lít ICF 10 lít ECF
(40% tổng lượng cơ thể)
Huyết tương 2,5lít Dịch kẽ 7,5 lít
(5% tổng lượng cơ thể) (15% tổng lượng cơ thể)
Sơ đồ 2.1. Tóm tắt sự phân bố dịch trong cơ thể

49
Dịch của cơ thể được phân bố trong hai ngăn chính:
+ Dịch nội bào (ICF: Intracellular fluid): là lượng dịch nằm trong các tế bào
chiếm 2/3 tổng lượng dịch cơ thể.
+ Dịch ngoại bào (ECF: Extracellular fluid): là tất cả các dịch nằm ngoài tế
bào chiếm 1/3 tổng lượng dịch cơ thể.
1.2. Thành phần dịch cơ thể
Dịch trong cơ thể gồm dung môi là nước và các chất hòa tan được phân
thành hai nhóm chính là chất điện giải và chất không điện giải. Về mặt khối lượng,
chất không điện giải chiếm tỷ lệ lớn hơn chất điện giải nhưng tính chất thẩm thấu
của dịch cơ thể lại được quyết định bởi thành phần điện giải. Sự khác biệt giữa ICF
và ECF là ECF chứa chủ yếu các chất dinh dưỡng như oxygen, glucose, acid béo,
acid amin, một lượng lớn Na+, Cl- và HCO3-, ngoài ra ECF cũng chứa một lượng
lớn CO2 và các sản phẩm chuyển hóa của tế bào, sẽ được chuyển đến phổi hoặc thận
để được bài xuất ra ngoài; còn ICF chứa chủ yếu là K+, Mg2+, phosphat.
Bảng 2.1. Thành phần dịch ngoại bào và nội bào

Thành phần Dịch ngoại bào Dịch nội bào


Na+ (mEq/L) 142 14
K+ (mEq/L) 4,2 140
Ca2+ (mEq/L) 1,3 0
Mg2+ (mEq/L) 1,2 58
Cl- (mEq/L) 103 4
HCO3- (mEq/L) 28 10
Phosphat (mEq/L) 4 75
SO42- (mEq/L) 1 2
Glucose (mg/dL) 90 0-20
Acid amin (mg/dL) 30 200
Cholesterol
Phospholipid (g/dL) 0,5 2-95
Triglycerid

2. NỘI MÔI
2.1. Khái niệm nội môi
Tất cả các tế bào đều tiến hành các hoạt động của mình trong một môi trường

50
thống nhất là dịch ngoại bào nên dịch ngoại bào còn được gọi là môi trường bên
trong cơ thể hay nội môi.
2.2. Hằng tính nội môi (Homeostasis)
Hằng tính nội môi là duy trì các trạng thái hoặc điều kiện hằng định trong nội
môi. Việc duy trì hằng tính nội môi đóng một vai trò vô cùng quan trọng bởi nó là
tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của các tế bào. Tuy nhiên, nội môi cũng cần được
liên tục đổi mới và tuần hoàn. Do vậy, hằng tính nội môi được quyết định bởi hoạt
động của 3 hệ thống: hệ thống tiếp nhận, hệ thống vận chuyển và hệ thống bài tiết.
2.2.1. Hệ thống tiếp nhận
Hệ thống này đảm bảo sự ổn định đầu vào cho các thành phần dịch ngoại
bào, bao gồm:
- Hệ hô hấp: đảm bảo cung cấp đủ lượng O2 cho tế bào.
- Hệ tiêu hóa: cung cấp các chất dinh dưỡng cho cơ thể bao gồm glucose,
acid béo, acid amin, các ion, vitamin...
- Gan: không phải tất cả các chất hấp thu ở đường tiêu hóa đều được tế bào
sử dụng. Gan sẽ làm thay đổi thành phần hóa học của chất này thành những dạng
thích hợp cho tế bào hoặc dự trữ một số chất khi thừa.
- Các mô khác như mô mỡ, niêm mạc đường tiêu hóa, thận và tuyến nội tiết:
giúp thay đổi các chất được hấp thu, dự trữ nó theo nhu cầu cơ thể.
2.2.2. Hệ thống vận chuyển
Hệ thống này đảm bảo cho dịch ngoại bào được tuần hoàn khắp cơ thể, bao
gồm: tim và mạch. Sự lưu chuyển được thực hiện liên tục theo 2 chiều:
- Từ nơi tiếp nhận các chất dinh dưỡng đến các mô.
- Từ các mô đến nơi đào thải các sản phẩm chuyển hóa.
2.2.3. Hệ thống bài tiết
Hệ thống này đảm bảo sự ổn định đầu ra cho các thành phần dịch ngoại bào,
bao gồm:
- Hệ hô hấp: qua hoạt động thông khí, phổi đào thải CO2 ra ngoài.
- Hệ tiết niệu: qua hoạt động bài tiết nước tiểu, thận đào thải hầu hết các sản
phẩm chuyển hóa không cần thiết hoặc các chất có nồng độ vượt quá yêu cầu của cơ
thể.

51
- Hệ tiêu hóa: qua hoạt động tiêu hóa, ruột đào thải một số sản phẩm chuyển
hóa ra ngoài dưới dạng phân.
- Da: da vừa làm nhiệm vụ bảo vệ cơ thể vừa là cơ quan bài tiết. Da cũng
tham gia vào quá trình thải nhiệt góp phần điều hòa thân nhiệt.
2.3. Các khoang dịch ngoại bào
2.3.1. Huyết tương
- Khái niệm: huyết tương là thành phần lỏng của máu, chiếm 5% trọng lượng
cơ thể. Như vậy, huyết tương là thành phần của ECF nằm trong lòng mạch.
- Chức năng của huyết tương:
+ Protein của huyết tương cao gấp ba lần của dịch kẽ, 7,3g/dL, gồm:
albumin, globulin (1,, 2, 1, 2, ), fibrinogen. Do có kích thước phân tử lớn, các
protein không thấm qua các lỗ nhỏ của thành mao mạch, tạo ra một lực thẩm thấu
vào khoảng 28mmHg, gọi là áp suất keo, áp suất này có khuynh hướng kéo nước
vào mao mạch, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất qua thành mao
mạch.
+ Ngoài ra, huyết tương còn có chức năng điều hòa thăng bằng kiềm toan,
đông máu, bảo vệ cơ thể, vận chuyển các chất…
2.3.2. Dịch kẽ
- Khái niệm: dịch kẽ là dịch nằm trong khoảng kẽ giữa các tế bào, là thành
phần ECF ở bên ngoài hệ thống mạch, chiếm khoảng 15% tổng trọng lượng cơ thể.
- Chức năng của dịch kẽ: cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho tế bào
đồng thời nhận của các tế bào CO2 và các sản phẩm chuyển hóa để chuyển thải ra
ngoài.
2.3.3. Dịch bạch huyết
- Khái niệm: dịch bạch huyết là dịch kẽ chảy vào hệ thống bạch mạch, đổ
vào tĩnh mạch qua ống ngực và ống bạch huyết phổi.
- Chức năng của dịch bạch huyết:
+ Khoảng 2/3 bạch huyết của cơ thể xuất phát từ gan và ruột nên đây là một
trong những con đường chủ yếu để hấp thu các chất dinh dưỡng từ ống tiêu hóa, đặc
biệt hấp thu mỡ.
+ Dịch bạch huyết cũng sẽ đưa trở lại hệ thống tuần hoàn một lượng protein

52
và dịch từ dịch kẽ. Vì vậy hệ bạch huyết đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm
soát nồng độ protein trong dịch kẽ, thể tích và áp suất dịch kẽ. Thành phần protein
của dịch bạch huyết tương tự như dịch kẽ, nồng độ protein khoảng 2g/dL thay đổi
tuỳ cơ quan như: của gan khoảng 6g/dL, của ruột khoảng 3-4g/dL; của ống ngực là
3-5g/dL.
+ Bạch cầu lympho đi vào hệ thống tuần hoàn chủ yếu qua đường bạch huyết
vì vậy có một số bạch cầu lympho trong bạch huyết của ống ngực.
2.3.4. Dịch não tủy
- Khái niệm:
+ Dịch não tủy là dịch trong các não thất, bể chứa quanh não, các khoang
dưới màng nhện và tủy sống. Các khoang này lưu thông với nhau và áp suất dịch
não tủy được điều hòa ở mức hằng định. Mỗi ngày có khoảng 500mL dịch não tủy
được bài tiết từ các đám rối màng mạch của các não thất, chủ yếu là hai não thất bên
và màng ống nội tủy, màng nhện, ngoài ra một phần do não bài tiết qua các khoang
quanh mạch đi vào trong não.
+ Hàng rào máu-não và hàng rào máu-dịch não tủy: màng các mao mạch
trong não tạo thành 2 hàng rào:
. Hàng rào máu-não: là màng ngăn giữa máu và dịch kẽ của mô não trừ một
số vùng như hạ đồi, tuyến yên và postrema. Đây là nơi trực tiếp thực hiện chức
năng dinh dưỡng của các mạch não.
. Hàng rào máu-dịch não tủy: là màng ngăn giữa máu và dịch não tủy hay
chính là màng của các đám rối màng mạch trong các não thất. Đây là nơi bài tiết ra
dịch não tủy.
- Tính chất của hàng rào máu-não và hàng rào máu-dịch não tủy: khác với
thành các mao mạch ở những nơi khác trong cơ thể là tế bào nội mô mao mạch não
được kết nối với nhau chứ không đứng cách nhau tạo thành các lỗ lọc. Do vậy tính
thấm của các hàng rào cũng khác tính thấm của màng mao mạch ở những nơi khác
và thành phần dịch não tủy, dịch kẽ của nhu mô não khác với dịch ngoại bào ở
những nơi khác. Cụ thể tính thấm của các hàng rào như sau: tính thấm cao với nước,
CO2, O2 và các chất hòa tan trong dầu như rượu, các chất gây mê; ít thấm với các
ion như Na+, Cl-, H+ và hầu như không thấm với protein và các phân tử hữu cơ có
kích thước lớn. Như vậy, các kháng thể và các thuốc không hòa tan trong dầu không
vào được dịch não tủy và nhu mô não. Do tính chất như vậy nên dịch não tủy là
dịch không màu, tỉ trọng khoảng 1.005, thành phần: hầu như không có protein (20-

53
30mg/dL), không có tế bào (5BC lympho/mm3), nồng độ ion Na+ tương đương với
huyết tương, nồng độ Cl- cao hơn 15%, nồng độ K+ thấp hơn 40% và nồng độ
glucose thấp huyết tương hơn 30%.
- Chức năng của dịch não tủy:
+ Chức năng chính của dịch não tủy là đệm cho não trong hộp sọ cứng (não
nổi trong dịch).
+ Dịch não tủy cũng đóng vai trò của một bình chứa để thích nghi với những
thay đổi thể tích của hộp sọ: nếu thể tích não hoặc thể tích máu tăng lên, lượng dịch
não tủy được hấp thu vào máu tĩnh mạch sẽ tăng lên và ngược lại.
2.3.5. Các khoang dịch khác
- Dịch nhãn cầu: là dịch nằm trong ổ mắt và giữ cho ổ mắt luôn căng ra.
Trong ổ mắt, thủy dịch liên tục được tạo ra và được tái hấp thu. Sự cân bằng giữa
bài tiết và tái hấp thu của thủy dịch có tác dụng điều hòa thể tích và áp suất của
nhãn cầu (15mmHg).
- Dịch trong các khoang tiềm ẩn như khoang phúc mạc, khoang màng phổi,
khoang màng tim, bao hoạt dịch: có vai trò giúp các màng bao trượt lên nhau dễ
dàng tạo điều kiện thuận lợi cho sự cử động của các tạng.
3. ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ BẰNG CƠ CHẾ THỂ DỊCH
Điều hòa hoạt động cơ thể bằng cơ chế thể dịch là điều hòa thông qua các
tính chất của dịch với hai thành phần là nước và các chất hòa tan. Như vậy, điều hòa
bằng cơ chế thể dịch có thể là điều hòa bằng:
- Các tính chất chất chung của dịch: thể tích dịch, pH của dịch, các áp suất
của dịch.
- Thành phần và nồng độ các chất có trong dịch: các chất khí, ion, chất dinh
dưỡng, các sản phẩm của quá trình chuyển hóa và đặc biệt là các hoạt chất sinh học
như các hormon.
Giữa các tính chất của dịch và hoạt động của các cơ quan trong cơ thể có mối
quan hệ qua lại rất chặt chẽ, mọi sự thay đổi ở một trong hai bên đều dẫn đến sự
thay đổi ở phía bên kia và từ đó điều hòa ngược trở lại tạo ra sự ổn định. Nói cách
khác, điều hòa hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bằng cơ chế thể dịch cũng
chính là để điều hòa các tính chất của dịch.

54
3.1. Điều hòa thể tích dịch
Thể tích dịch trong từng ngăn và trong toàn cơ thể luôn được giữ ổn định
thông qua quá trình xuất nhập nước và tái phân bố nước giữa các ngăn, các vùng.
3.1.1. Quá trình xuất nhập nước
Quá trình xuất nhập nước được kiểm soát thông qua hoạt động của hệ nội tiết
với vai trò của hormon chống bài niệu ADH - antidiuretic hormon, hệ thống RAA
(renin-angiotensin-aldosteron), các peptid lợi niệu NP- natriuretic peptid… và hệ
thần kinh với vai trò của cảm giác khát. Thông qua các cơ chế này, hệ tiêu hóa và
tiết niệu sẽ hoạt động làm cho lượng nước cơ thể liên tục dao động trong một giới
hạn rất nhỏ (khoảng 1%) giữa trạng thái hơi thừa nước và trạng thái hơi thiếu nước.
- Vai trò của ADH:
Thiếu nước
Tăng nồng độ thẩm thấu Tăng nước tiểu Ngưng uống
Khát Tăng ADH Giảm ADH Hết khát

uống tái hấp thu nước ở ống thận Giảm nồng độ thẩm thấu

Thừa nước
Sơ đồ 2.2. Vai trò của ADH
- Vai trò của các NP:
Tăng VECF

NP

Giãn Ức chế Tăng GFR


Ống thận
mạch Aldosteron

ADH Tăng bài tiết Na+ và nước

Giảm Na+ECF Giảm VECF


Sơ đồ 2.3. Vai trò của các natriuretic peptid (NP)

55
- Vai trò của hệ thống RAA:

Giảm thể tích dịch ngoại bào (+) Tổ chức cận cầu thận do giảm NaCl
đến thể đặc (Maculadensa)

Tăng áp suất thẩm thấu


trong huyết tương Angiotensinogen

Renin

Angiotensin I
Kích thích vào những Men chuyển
thụ thể đáp ứng với (Converting enzym)
áp suất thẩm thấu
Angiotensin II

Vùng hạ đồi Vỏ thượng thận Vỏ não Tiểu động mạch

ADH Aldosteron Cảm giác khát Co tiểu ĐM

Điều chỉnh lượng Giữ Na+, H2O Hoạt động uống Tại thận:
nước xuất ở thận điều chỉnh lượng + sức kháng ĐM ra
nước nhập + sức kháng ĐM vào

Giữ nước

Điều chỉnh GFR


Tăng VECF

Sơ đồ 2.4. Vai trò của hệ thống renin-angiotensin-aldosteron


3.1.2. Tái phân bố nước giữa các ngăn dịch và các vùng
- Tái phân bố nước giữa các ngăn dịch: nước có thể khuếch tán qua lại giữa
các ngăn dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng do đó mọi sự thay đổi về thể tích ở
một ngăn sẽ dẫn đến sự chia đều cho các ngăn còn lại. Các áp suất chủ yếu ảnh
hưởng lên sự di chuyển của nước là áp suất thủy tĩnh và áp suất thẩm thấu. Áp suất

56
thủy tĩnh có tác dụng đẩy nước đi; trong khi áp suất thẩm thấu có tác dụng kéo nước
lại, áp suất keo là một dạng áp suất thẩm thấu đặc biệt do protein tạo ra. Ví dụ: cân
bằng Starling là lực quyết định sự trao đổi qua màng mao mạch. Theo Starling, bình
thường có một trạng thái cân bằng: lượng dịch tiết ra khỏi tuần hoàn hệ thống (qua
mao mạch) = lượng dịch hấp thu vào tuần hoàn (mao mạch và hệ bạch mạch).

mao mạch đầu TM mao mạch đầu ĐM


9/10
khoang kẻ
1/10
Hệ bạch mạch
Sơ đồ 2.5. Cân bằng Starling
Bảng 2.2. Các áp suất ở hai đầu mao mạch

Các áp suất Tác dụng với Mao mạch đầu Mao mạch đầu
lòng mạch động mạch tĩnh mạch
P thủy tĩnh mao mạch Đẩy dịch ra 30mmHg 10mmHg
P keo dịch kẽ Kéo dịch ra 8mmHg 8mmHg
P âm dịch kẽ Kéo dịch ra -3mmHg -3mmHg
P keo huyết tương Hút dịch vào 28mmHg 28mmHg
Chênh lệch Lực đẩy và lực Lực hút và lực
hút: 13mmHg đẩy: 7mmHg
Như vậy, ở mao động mạch, dịch bị đẩy ra khỏi mao mạch với áp suất lọc là
13mmHg; ở mao tĩnh mạch, dịch được hút từ khoảng kẽ vào mao mạch với áp suất
tái hấp thu là 7mmHg. Lượng dịch được tái hấp thu trở lại mao mạch chỉ bằng 9/10
lượng dịch lọc, 1/10 còn lại sẽ được hệ bạch mạch thu nhận.
Khi xảy ra trường hợp bất thường:
+ Cản trở tuần hoàn bạch mạch.
+ Thay đổi các áp suất: tăng áp suất thủy tĩnh mao mạch, giảm áp suất keo
huyết tương.
Những bất thường có thể riêng lẻ hoặc phối hợp nhiều cơ chế dẫn đến một
lượng dịch thặng dư không hấp thu hết vào hệ thống tuần hoàn mà ứ đọng trong
khoang kẽ, gây ra hiện tượng phù.

57
- Tái phân bố nước giữa các vùng: nước còn có thể di chuyển từ vùng này
đến vùng khác để đảm bảo hoạt động của các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Ví
dụ: khi thể tích tuần hoàn giảm, một lượng máu dự trữ trong gan sẽ được bổ sung
vào vòng đại tuần hoàn để duy trì huyết áp, hoặc khi thể tích máu tăng sẽ tác động
lên các áp cảm thụ quan ở xoang động mạch cảnh làm giảm lượng máu lên não.
3.2. Điều hòa thăng bằng kiềm toan
Hầu hết các phản ứng chuyển hóa trong cơ thể muốn xảy ra luôn đòi hỏi một
pH thích hợp, trong khi đó phần lớn các sản phẩm chuyển hóa lại có tính acid làm
cho pH có khuynh hướng giảm xuống. Ví dụ, sự oxy hóa hoàn toàn carbohydrat và
lipid sẽ sinh ra khoảng 22.000mEq CO2 mỗi ngày. CO2 hóa hợp với nước hình
thành acid carbonic (H2CO3). Mặt khác, có khoảng 70mEq chất acid cố định (acid
không bay hơi) hình thành từ các nguồn chuyển hóa khác: các acid hữu cơ (acid
lactic, acid pyruvic, các thể ceton) sinh ra từ sự oxy hóa không hoàn toàn chất
carbohydrat và lipid; các acid cố định dưới dạng sulfat (từ oxy hóa các acid amin có
chứa sulfua), nitrat và photphat (từ oxy hóa các phosphoprotein).
Tuy các chất chuyển hóa acid được hình thành một cách liên tục như vậy
nhưng pH của các dịch cơ thể vẫn ít thay đổi là nhờ cơ thể tự duy trì pH bằng các hệ
đệm trong và ngoài tế bào, sự đào thải CO2 của phổi và acid của thận.

3.2.1. Khái niệm về pH và ion H+


Theo khái niệm của Bronstedt, acid được định nghĩa như là một chất có thể
giải phóng ion H+, còn base là chất có thể tiếp nhận ion H+. Độ acid của một dung
dịch được biểu thị bằng giá trị pH với:
pH = - logH+
Duy trì cân bằng acid-base trong giới hạn bình thường cũng chính là duy trì
nồng độ ion H+ trong giới hạn bình thường. Dung dịch acid chứa một lượng ion H +
cao hơn so với lượng ion OH-, dung dịch base thì ngược lại, còn dung dịch trung
tính lượng ion H+ và OH- tương đương nhau và bằng 10-7. Chỉ số nồng độ ion H+ và
OH- trong dung dịch là một hằng số:
[H+].[OH-]=10-14

Do nồng độ ion H+(aH+) trong huyết tương khoảng 0,0004mEq/L = 4.10-


5mEq/L = 4.10-8Eq/L. Suy ra: pH máu = - log [H+]= -(log 4.10-8) = 7,398

Hay theo phương trình Henderson-Haselbach:

58
pH = pK + log [HCO3-/H2CO3] = 6,1 + log 20/1 ≈ 7,4
Trong cơ thể ion H+ tuần hoàn dưới hai hình thức:
- Các ion H+ liên kết với các anion bay hơi (HCO3-) liên quan đến những rối
loạn cân bằng acid-base kiểu hô hấp.
- Các ion H+ liên kết với các anion cố định, không bay hơi (SO42-, PO43-,
lactat...) liên quan đến những rối loạn cân bằng acid-base kiểu chuyển hóa.
3.2.2. Các hệ thống điều hòa pH
Cơ thể điều hòa thăng bằng kiềm toan theo 3 bước sau:
- Bước 1: hoạt động của các hệ thống đệm trong cơ thể.
- Bước 2: cơ chế bù trừ của hô hấp qua việc đào thải CO2.
- Bước 3: cơ chế bù trừ của thận để khôi phục lại "kho dự trữ" kiềm và bài
tiết các H+ còn thừa trong cơ thể.
3.2.2.1. Điều hòa do hệ thống đệm
* Nguyên tắc hoạt động:
Một hệ thống đệm gồm hai thành phần: một acid yếu và một muối của base
mạnh hoặc một base yếu với muối của nó với một acid mạnh. Ví dụ hệ đệm
bicarbonat gồm H2CO3/NaHCO3 (acid yếu: H2CO3/muối của base mạnh: NaOH), hệ
đệm NH4OH/NH4Cl (base yếu: NH4OH/muối của acid mạnh: HCl).
Trong một hệ thống đệm nhất định khi lượng ion H+ phân ly và lượng ion H+
kết hợp bằng nhau và bằng 50% thì người ta nhận thấy pH của hệ đệm không thay
đổi nên gọi là pK của hệ thống ấy (tức pH = pK).
Theo phương trình Henderson-Hassenbach:
pH = pK + log [A-/A--H+]
A- là hình thái kết hợp, A--H+ là hình thái phân ly của hệ đệm.
Các hệ thống đệm trong các dịch cơ thể sẽ là những hệ thống hoạt động đầu
tiên và ngay lập tức khi có rối loạn thăng bằng kiềm toan xảy ra.
* Các hệ thống đệm chính:
- Hệ đệm bicarbonat: NaHCO3/H2CO3 = HCO3-/HCO3--H+
Đây là một hệ đệm rất quan trọng và rất linh hoạt, là hệ đệm chính của ngoại

59
bào vì:
+ Nồng độ ion bicarbonat dưới hình thái kết hợp NaHCO3 trong huyết tương
cao. Bình thường nó được thận đào thải và tái hấp thu thường xuyên để có nồng độ
ổn định trong huyết tương là 27mEq/L (còn gọi là dự trữ kiềm).
+ Acid carbonic là một acid bay hơi có thể tăng giảm nồng độ một cách
nhanh chóng nhờ hoạt động của phổi (tăng hoặc giảm thông khí) để có nồng độ ổn
định trong huyết tương là 1,35mEq/L.
- Hệ đệm photphat: Na2HPO4/NaH2PO4 = NaHPO4-/NaHPO4--H+
Đây là một hệ đệm của nội bào (PO43- nội bào = 140mEq/L) và của nước
tiểu, có hiệu suất lớn vì pK bằng 6,8 gần với pH sinh lý.
- Hệ đệm proteinat/protein: đây cũng là một hệ thống đệm của huyết tương.
Thành phần của hệ đệm proteinat chính là gốc amin và gốc carboxyl của nó (NH3+ -
R-COO-).
- Hệ đệm hemoglobinat/ hemoglobin: đây là hệ đệm của hồng cầu, có hàm
lượng rất lớn nên chúng có vai trò quan trọng trong điều hòa pH máu qua sự bắt giữ
và đào thải CO2 ở phổi.
3.2.2.2 Điều hòa do hô hấp
Khi cơ thể ứ đọng nhiều CO2 sẽ làm pH giảm, pH giảm tới 7,33 sẽ làm trung
tâm hô hấp bị kích thích mạnh dẫn đến tăng thông khí, nhờ vậy CO2 được đào thải
ra ngoài. Ngược lại, khi H2CO3 giảm hoặc NaHCO3 tăng, pH có xu hướng tăng thì
trung tâm hô hấp sẽ bị ức chế dẫn đến thở chậm, CO2 tích tụ lại. Điều hòa do hô hấp
là một cơ chế điều hòa thăng bằng kiềm toan xảy ra rất nhanh và sớm nhưng thường
không triệt để, cơ chế này phải được tiếp tục bởi sự điều hòa thăng bằng kiềm toan
của thận diễn ra chậm nhưng hiệu quả hơn.
3.2.2.3. Điều hòa do thận
Thận điều hòa thăng bằng kiềm toan thông qua 2 cơ chế:
- Bài tiết H+ thừa trong cơ thể.
- Duy trì kho dự trữ kiềm của cơ thể: thận vừa có khả năng tái hấp thu HCO 3-
được lọc vừa có khả năng bổ sung HCO 3− mới.

Tùy theo tình trạng nhiễm toan hay nhiễm kiềm mà thận sẽ thay đổi hoạt
động cho phù hợp. Quá trình bù trừ của thận đòi hỏi thời gian lâu hơn các cơ chế

60
trên (vài giờ đến vài ngày) nhưng cho kết quả hoàn hảo hơn (cả pH và tổng lượng
HCO3- của dịch thể cơ thể đều được khôi phục).
2.3. Điều hòa nồng độ các chất có trong dịch
Duy trì nồng độ các chất có trong dịch cơ thể ở giới hạn bình thường là một
trong những điều kiện quan trọng để đảm bảo hằng tính nội môi.
- Các chất khí: sự thay đổi nồng độ O2 và CO2 trong dịch cơ thể sẽ tạo ra
những phản xạ điều chỉnh nhanh nhạy làm thay đổi hoạt động thông khí ở phổi. Kết
quả cuối cùng là đưa O2 và CO2 trở lại mức bình thường.
- Các ion, các chất dinh dưỡng và các sản phẩm của quá trình chuyển hóa: sự
thay đổi thành phần cũng như nồng độ các chất này trong dịch cơ thể sẽ kích thích
các cơ quan bài tiết ra các hoạt chất sinh học mà đặc biệt là các hormon. Hormon
đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thể dịch để điều hòa hoạt động các cơ quan
trong cơ thể nhằm giữ hằng tính nội môi.

61
ĐẠI CƯƠNG VỀ HOẠT CHẤT SINH HỌC
Mục tiêu:
1. Trình bày được các khái niệm chung có liên quan đến hoạt chất sinh học.
2. Phân loại được các hoạt chất sinh học và đặc điểm của chúng trong quá trình sinh
tổng hợp, bài tiết, vận chuyển và tác dụng.
3. Phân tích được hai cơ chế tác dụng của hoạt chất sinh học.
4. Trình bày được các cơ chế điều hòa bài tiết hoạt chất sinh học.
Trong cơ thể động vật đa bào, sự phối hợp giữa các tế bào trong cùng một
mô để hoàn thành một chức năng hoặc giữa các tế bào trong các loại mô khác nhau
để hoàn thành nhiều chức năng khác nhau được thực hiện thông qua các hệ thống
thông tin giữa các tế bào. Sự thông tin có thể được thực hiện thông qua các mối liên
kết hở (gap junction) giữa các tế bào nằm sát nhau hoặc qua các tín hiệu hóa học
(chemical signal) giữa các tế bào xa nhau. Các tín hiệu hóa học chính là các hoạt
chất sinh học nội sinh tự nhiên trong cơ thể như các hormon hoặc cũng có thể là các
hoạt chất sinh học ngoại sinh như thuốc đến tác động lên tế bào đích.
1. CÁC KHÁI NIỆM CHUNG
1.1. Khái niệm về hệ thống nội tiết và hoạt chất sinh học
* Khái niệm về hệ thống nội tiết
Hệ thống nội tiết là những tế bào có nhiệm vụ tổng hợp và bài tiết các hoạt
chất sinh học vào bên trong cơ thể để điều hòa hoạt động cơ thể thông qua cơ chế
thể dịch.
Hệ nội tiết là một phần của hệ thống nội tiết bao gồm các tuyến nội tiết nhỏ,
nằm rải rác, không liên quan về mặt giải phẫu nhưng lại liên quan rất chặt chẽ về
mặt chức năng. Về mặt mô học, tuyến nội tiết là những tuyến không có ống dẫn, sản
phẩm bài tiết (hormon) được đổ thẳng vào máu. Cấu tạo của tuyến nội tiết gồm hai
phần: phần chế tiết tạo thành từng đám tế bào có nhiệm vụ tổng hợp và phóng thích
hormon, lưới mao mạch phong phú bao bọc xung quanh các tế bào chế tiết có
nhiệm vụ tiếp nhận hormon đưa vào hệ thống tuần hoàn. Bên cạnh đó, có thể nói tất
cả các cơ quan và tế bào trong cơ thể đều làm nhiệm vụ nội tiết dù chúng không
thuộc hệ nội tiết. Như vậy, hệ thống nội tiết là toàn bộ các tế bào trong cơ thể.
* Khái niệm về hoạt chất sinh học
- Quan niệm trước đây: hormon là một chất trung gian hóa học, được bài tiết

62
bởi các tế bào chuyên biệt nằm trong các tuyến nội tiết và được chuyên chở trong
máu đến các tế bào đáp ứng với nó (tế bào đích) nhằm điều hòa quá trình chuyển
hóa của các tế bào này.
- Quan niệm hiện nay: hoạt chất sinh học là các tín hiệu hóa học trung gian
dưới dạng các phân tử đặc hiệu được giải phóng vào dịch cơ thể từ một tế bào sẽ tác
động lên một tế bào khác gọi là tế bào đích.
1.2. Khái niệm về mô đích và thụ thể
* Khái niệm về mô đích (target tissues)
Mô đích là mô chịu sự tác động của hoạt chất sinh học một cách đặc hiệu.
Những trường hợp đặc biệt:
- Có những hoạt chất sinh học mà mô đích của nó là tất cả hoặc hầu như tất
cả các tế bào của cơ thể, ví dụ: somatomedin (gan), T3, T4 (tuyến giáp).
- Có thể tuyến nội tiết này lại là mô đích cho hormon của tuyến nội tiết khác,
ví dụ: tuyến giáp là mô đích của hormon TSH do tuyến yên tiết ra.
* Khái niệm về thụ thể ( thụ thể)
Thụ thể là những phân tử protein có mặt ở tế bào đích, đóng vai trò tiếp nhận
các tín hiệu hóa học ngoại bào với tính đặc hiệu và ái lực cao, qua đó sẽ khởi phát
các hoạt động chức năng nhất định của tế bào.
- Về cấu trúc: mỗi thụ thể có ít nhất hai nhóm là nhóm điều hòa và nhóm
hiệu ứng. Nhóm điều hòa làm nhiệm vụ nhận biết và liên kết với hoạt chất sinh học,
nhóm hiệu ứng có tác dụng gây ra hiệu quả đầu tiên trên tế bào đích.
- Về vị trí: thụ thể có thể nằm ở một trong ba vị trí là trên màng bào tương tế
bào, trong bào tương tế bào hoặc trong nhân tế bào.
+ Thụ thể nằm trên màng bào tương tế bào đích: tiếp nhận hoạt chất sinh học
tan trong nước như các hormon peptid và catecholamin.
+ Thụ thể nằm trong bào tương tế bào đích: tiếp nhận hoạt chất sinh học tan
trong dầu như hormon steroid.
+ Thụ thể nằm trong nhân tế bào đích: tiếp nhận hoạt chất sinh học tan trong
dầu như hormon T3, T4.

63
1.3. Khái niệm về ligand, ái lực và hiệu lực
* Khái niệm về ligand
Bất cứ một phân tử tín hiệu nào có khả năng gắn vào thụ thể với độ đặc hiệu
cao do sự tương đồng về cấu trúc đều được gọi là ligand.
- Nếu phân tử sau khi gắn với thụ thể dẫn đến một đáp ứng sinh lý của tế bào
thì được gọi là agonist (chất chủ vận hay đồng vận).
- Nếu phân tử sau khi gắn với thụ thể mà không gây ra một đáp ứng nào cả sẽ
được gọi là antagonist (chất đối kháng), chúng làm cản trở tác động của chất đối
kháng (agonist) bằng cách chiếm lấy thụ thể của nó.
* Khái niệm về ái lực và hiệu lực
Khả năng gắn của hoạt chất sinh học vào thụ thể phụ thuộc vào ái lực
(affinity) của nó với thụ thể. Hai chất có cùng thụ thể, chất nào có ái lực cao hơn sẽ
đẩy được chất kia ra. Còn tác dụng của hoạt chất sinh học là do hiệu lực (efficacy)
của nó trên thụ thể đó quyết định. Ái lực và hiệu lực không phải lúc nào cũng đi đôi
nhau: acetylcholin là chất truyền đạt thần kinh của hệ phó giao cảm, khi gắn vào thụ
thể muscarinic, gây hiệu lực làm tăng tiết nước bọt, co đồng tử, chậm nhịp tim...;
atropin có ái lực trên thụ thể muscarinic mạnh hơn acetylcholin nên đẩy được
acetylcholin ra khỏi thụ thể muscarinic, nhưng bản thân nó lại không có hiệu lực gì.
2. PHÂN LOẠI VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA HOẠT CHẤT SINH HỌC
2.1. Phân loại hoạt chất sinh học
Có nhiều cách phân loại hoạt chất sinh học:
- Phân loại theo nguồn gốc: hoạt chất sinh học nội sinh và ngoại sinh
+ Hoạt chất sinh học nội sinh: do chính cơ thể tổng hợp và bài tiết. Có hai
loại là hoạt chất sinh học của các tuyến nội tiết còn được gọi là các hormon chung
(general hormone) theo quan niệm cổ điển và hoạt chất sinh học không phải của
tuyến nội tiết là những hormon không do tuyến nội tiết chế tiết.
+ Hoạt chất sinh học ngoại sinh: được đưa từ bên ngoài cơ thể vào. Thuốc là
một loại hoạt chất sinh học ngoại sinh.
- Phân loại theo bản chất hóa học:
+ Hoạt chất sinh học peptid: là các hoạt chất sinh học có bản chất là peptid
hoặc protein. Các hoạt chất sinh học này có thể chỉ là một chuỗi peptid hoặc nhiều
chuỗi peptid được liên kết nhau bằng cầu nối disulfur (-S-S-). Một số hoạt chất sinh

64
học có thêm gốc carbohydrat tạo thành glycoprotein (như: FSH, TSH, LH, HCG…).
+ Hoạt chất sinh học acid amin: là các dẫn xuất của acid amin như: dẫn xuất
của acid amin tyrosin: hormon tuyến giáp (T3, T4), hormon tủy thượng thận
(catecholamin); dẫn xuất của acid amin tryptophan như melatonin, serotonin; dẫn
xuất của acid amin histidin như histamin; dẫn xuất của acid amin glutamic như
GABA.
+ Hoạt chất sinh học lipid: là các dẫn xuất của lipid như: dẫn xuất của acid
béo, thường là các hormon địa phương; dẫn xuất của steroid như: hormon vỏ
thượng thận (mineralocorticoid, glucocorticoid, hormon sinh dục), hormon sinh dục
(buồng trứng, nhau thai: estrogen, progesteron, tinh hoàn: testosteron), hormon của
da - gan - thận (vitamin D3).
- Phân loại theo tính tan:
+ Các tín hiệu hóa học tan trong nước: như các hormon peptid, catecholamin,
các chất truyền đạt thần kinh. Đặc điểm của loại tín hiệu này là được vận chuyển
dưới dạng tự do và nhanh chóng bị phân hủy sau khi được giải phóng, đôi khi chúng
chỉ tồn tại vài giây hoặc vài mili giây như đối với các chất truyền đạt thần kinh.
Loại tín hiệu này rất hiệu quả trong việc tạo ra các đáp ứng nhanh nhưng chỉ cần
thiết trong một thời gian ngắn.
+ Các tín hiệu hóa học tan trong dầu: như các hormon steroid, hormon T3-T4.
Đặc điểm của loại tín hiệu này là chúng được vận chuyển dưới dạng kết hợp và có
khả năng tồn tại lâu hơn trong máu, từ vài giờ đến vài ngày như đối với các hormon
T3-T4 của tuyến giáp. Loại tín hiệu này phục vụ cho việc tạo ra các đáp ứng chậm
hơn nhưng kéo dài hơn.
- Phân loại theo nơi tác động:
+ Tác động tại chỗ: hầu hết tế bào trong cơ thể đều có khả năng tiết ra loại
tín hiệu gọi là các chất trung gian hóa học tại chỗ (local chemical mediator). Chúng
là các hormon địa phương (như histamin, prostaglandin) hoặc chất truyền đạt thần
kinh. Chúng thường được tiết vào dịch kẽ và chỉ tác động trên các tế bào lân cận
theo phương thức cận tiết hoặc lên chính tế bào đã tiết ra chúng theo phương thức tự
tiết.
+ Tác động ở xa: các tuyến nội tiết hoặc các cơ quan không phải là tuyến nội
tiết có thể tiết ra các chất đặc hiệu là các hormon chung (general hormon) hoặc các
hoạt chất sinh học khác. Chúng được tiết vào máu và theo dòng máu đến tác động
lên các tế bào đích ở xa nơi tiết ra. Do phải di chuyển xa như vậy nên tín hiệu thuộc

65
loại này được truyền đi chậm hơn nhiều so với các chất tác động tại chỗ.
2.2. Sinh tổng hợp, bài tiết và vận chuyển hoạt chất sinh học trong máu
2.2.1. Sinh tổng hợp và bài tiết hoạt chất sinh học
* Hoạt chất sinh học peptid:
Hoạt chất sinh học peptid được tổng hợp thông qua quá trình sinh tổng hợp
protein với nguyên liệu là các acid amin. Quá trình này diễn ra trong nhân (sao mã),
ribosom (dịch mã), sản phẩm tạo thành là preprohormon sẽ được đưa vào mạng lưới
nội bào tương có hạt. Tại đây, preprohormon được chuyển thành prohormon và đưa
đến bộ golgi. Tại bộ golgi, dạng hoạt động của hormon được hình thành và dự trữ
sẵn đủ để đáp ứng nhanh chóng cho các kích thích gây bài tiết. Các kích thích này
cũng đồng thời xúc tiến việc tạo hoạt chất mới.
* Hoạt chất sinh học acid amin:
Được tổng hợp trong bào tương các tế bào chế tiết dưới tác động của các
enzym.
- Hormon tủy thượng thận (catecholamin) và melatonin: là những amin được
tạo thành trong tế bào chế tiết từ sự chuyển hóa acid amin. Sau khi tổng hợp sẽ
được hấp thu vào các túi có sẵn trong bào tương dự trữ đến khi bài tiết. Kích thích
gây bài tiết hormon cũng đồng thời kích hoạt các enzym trong chuỗi phản ứng tạo
các hormon mới.
- Hormon giáp trạng (T3, T4): đầu tiên được tạo thành trong tế bào nang giáp.
Sau đó đưa vào trong lòng nang đến gắn lên một phân tử protein lớn gọi là
thyroglobulin và được dự trữ ở đó. Khi bài tiết, những hệ thống enzym chuyên biệt
trong tế bào chế tiết sẽ phân cắt thyroglobulin tạo ra hormon và bài tiết vào máu.
* Hoạt chất sinh học steroid:
Nguyên liệu để tổng hợp là cholesterol được cung cấp chủ yếu từ LDL (low
density lipoprotein) trong máu và một lượng nhỏ từ acetyl coenzym A trong tế bào.
Quá trình tổng hợp diễn ra tại mạng lưới nội bào tương trơn. Dạng hoạt động được
tạo thành và dự trữ với số lượng rất ít mà chủ yếu là các phân tử tiền chất hiện diện
trong tế bào chế tiết. Khi có một kích thích thích hợp, các enzym trong vòng vài
phút sẽ tạo các phản ứng hóa học cần thiết biến dạng tiền chất thành dạng hoạt động
và sau đó bài tiết ra ngoài.
2.2.2. Vận chuyển hoạt chất sinh học trong máu

66
- 2 dạng vận chuyển: dạng kết hợp chất vận chuyển và dạng tự do.
+ Hormon peptid: dạng tự do.
+ Hormon acid amin: catecholamin: 1/2 dạng kết hợp, 1/2 dạng tự do. T 3, T4:
phần lớn ở dạng kết hợp.
+ Hormon steroid: phần lớn ở dạng kết hợp.
- Dạng kết hợp là một phức chất dễ phân ly. Đây là dạng dự trữ hormon. Khi
cần phức chất sẽ giải phóng hormon tự do (dạng tác dụng).
3. CƠ CHẾ TÁC DỤNG CỦA HOẠT CHẤT SINH HỌC
3.1. Cơ chế tác dụng thông qua chất truyền tin thứ hai
3.1.1. Đặc điểm
- Các hoạt chất sinh học tác dụng theo cơ chế này là những tín hiệu hóa học
tan được trong nước như các hormon peptid và catecholamin. Các chất này không
tan trong dầu nên không qua được lớp lipid kép của màng bào tương tế bào, do vậy
cần có chất truyền tin thứ hai trong tế bào (tín hiệu nội bào). Thụ thể đặc hiệu nằm ở
màng bào tương tế bào đích. Protaglandin là một trường hợp ngoại lệ bởi nó là hoạt
chất sinh học tan trong dầu với bản chất là acid béo không no nhưng lại có thụ thể
nằm ở màng bào tương tế bào đích.
- Khi hoạt chất sinh học (chất truyền tin thứ I) gắn với thụ thể đặc hiệu tạo
thành phức hợp tín hiệu ngoại bào-thụ thể sẽ dẫn đến sự xuất hiện chất truyền tin
thứ II. Chất truyền tin thứ II có nhiệm vụ hoạt hóa các enzym nội bào tạo ra một
dòng thác phản ứng (cascade of reactions) mà mỗi phản ứng sau ảnh hưởng tác
động lại được khuếch đại lớn hơn phản ứng trước. Kết quả là từ một lượng rất ít
hoạt chất sinh học ban đầu đã tạo được đáp ứng sinh lý to lớn cuối cùng.
- Các hoạt chất sinh học khác nhau cùng tác động thông qua trung gian một
loại chất truyền tin thứ II nhưng lại gây được đáp ứng chuyên biệt vì bản chất và số
lượng khác nhau của hệ thống enzym trong tế bào. Các đáp ứng sinh lý (hưng phấn
hoặc ức chế) có thể là thay đổi tính thấm của màng tế bào, co hoặc giãn cơ, tổng
hợp protein, kích thích tế bào bài tiết chất…
- Đáp ứng sinh lý thường xảy ra nhanh nhưng ngắn.
3.1.2. Các tín hiệu nội bào
Có các loại tín hiệu nội bào phổ biến: cAMP, cGMP, Ca2+-protein, inositol
triphosphat và diacylglycerol.

67
* cAMP (cyclic 3',5'-adenosine monophosphate):

-Thu thể

Sơ đồ 2.6. Cơ chế hình thành và tác dụng của cAMP


Ví dụ: ACTH tác dụng lên tế bào tuyến giáp gây tổng hợp và bài tiết T 3, T4;
histamin tác dụng lên tế bào viền ở dạ dày gây bài tiết HCl; ADH tác dụng lên tế
bào ống thận gây tăng tái hấp thu nước. Tất cả các tác dụng này đều thông qua trung
gian cAMP.
Cơ chế kiểm soát nồng độ cAMP trong bào tương được thực hiện thông qua
tương quan hoạt động giữa enzym adenyl cyclase và enzym phosphodiesterase.
Ngoài ra, sự hoạt hóa adenyl cyclase còn phụ thuộc vào hoạt động của một họ
protein G (guanine nucleotide binding protein), đây là những protein gắn kết vào
đầu trong của thụ thể. Khi tín hiệu ngoại bào gắn kết vào đầu ngoài của thụ thể có
thể làm hoạt hóa protein Gs (protein G kích thích, s: stimulator) dẫn đến hoạt hóa
adenyl cyclase hoặc protein Gi (protein G ức chế, i: inhibitor) dẫn đến ức chế
adenyl cyclase. Như vây, sẽ có những hoạt chất sinh học kích thích và có loại ức
chế sự hình thành chất truyền tin thứ hai cAMP.

68
* Ca2+-protein:
Tín hiệu ngoại bào-Thụ thể → Mở cổng kênh Ca2+
-Thuthể


Ca2+ vào tế bào protein có ái lực với Ca2+

Ca2+- protein


Hoạt hóa enzym

Đáp ứng sinh lý
Sơ đồ 2.7. Cơ chế hình thành và tác dụng của Ca2+-protein
- Các protein có ái lực với ion Ca2+: có hai loại
+ Loại thứ nhất là các protein không có hoạt tính enzym: sau khi gắn với ion
Ca2+ chúng thay đổi cấu hình và phức hợp Ca2+-protein trở thành chất truyền tin thứ
hai. Ví dụ điển hình cho loại protein này là troponin C, thấy ở trong tế bào cơ vân
và cơ tim và calmodulin thấy ở hầu hết các loại tế bào. Troponin C khi gắn với Ca2+
sẽ khiến cho phân tử tropomyosin dịch khỏi điểm hoạt động của sợi actin, khi đó
đầu myosin có cơ hội kết hợp với actin gây nên sự co cơ. Calmodulin có 4 vị trí gắn
Ca2+, khi có từ 3 vị trí trở lên được gắn với Ca2+ thì phức hợp này sẽ có hoạt tính,
chúng hoạt hóa enzym kinase phụ thuộc calmodulin (calmodulin-dependent kinase)
và enzym này sẽ phosphoryl hóa các protein đặc hiệu để qua đó làm thay đổi hoạt
động sinh lý của tế bào. Phức hợp Ca2+-calmodulin linh hoạt hơn so với cAMP vì
ngoài khả năng làm thay đổi hoạt động sinh lý của tế bào phức hợp này còn có thể
tác động trực tiếp trên các enzym như adenyl cyclase và phosphodiestase là những
enzym tạo ra và phá vỡ cAMP, tạo nên mối tương quan giữa cAMP và ion Ca2+ nội
bào.
+ Loại thứ hai là các protein enzym gắn ion Ca2+ một cách trực tiếp: một ví
dụ điển hình cho loại này là enzym C-kinase. Enzym C-kinase của bào tương không
chịu ảnh hưởng của ion Ca2+, tuy nhiên khi có mặt diacylglycerol, nó sẽ gắn với
màng bào tương tại đây nó được hoạt hóa bởi các phospholipid và trở nên dễ bị kích
thích bởi ion Ca2+. Khi nồng độ ion Ca2+ của bào tương gia tăng, enzym C-kinase sẽ
phosphoryl hóa các protein đặc hiệu dẫn đến các đáp ứng sinh lý của tế bào.

69
- Cơ chế kiểm soát nồng độ ion Ca2+ trong bào tương được thực hiện thông
qua tương quan hoạt động giữa kênh Ca2+ và bơm Ca2+. Kênh Ca2+ cho phép Ca2+ từ
nơi có nồng độ cao là bên ngoài tế bào và các bào quan (ty thể, mạng nội bào
tương) đi vào bào tương tế bào. Sau khi tác dụng, ion này nhanh chóng được
chuyển ra khỏi bào tương tế bào nhờ hoạt động của bơm Ca2+-ATPase.
* Inositol triphosphat (IP3) và diacylglycerol:

-Thu thể

Sơ đồ 2.8. Cơ chế hình thành và tác dụng của IP3 và diacylglycerol


Các đáp ứng có thể là co cơ trơn, hoạt động bài tiết của tế bào, hoạt động của
lông tế bào và đặc biệt là hoạt động phân chia và sinh sản của tế bào. Lưu ý:
- PIP2 (Phosphatidyl inositol 4,5-Diphosphate) là một phần phospholipid của
màng bào tương tế bào bị tách ra thành IP3 (inositol triphosphat) và DAG
(diacylglycerol) dưới tác động của phospholipase C. Nói chung tác dụng của DAG
và IP3 có tính chất hợp lực.
- Phần lipid của diacylglycerol là acid arachidonic - một tiền chất của
prostaglandin và các hormon địa phương khác gây ra những tác động tại chỗ.
- Hoạt chất sinh học tác động theo cơ chế này thường là những hormon địa
phương nhất là những yếu tố được phóng thích từ các phản ứng miễn dịch và dị ứng
của mô như các eicosanoid, cytokin, histamin-H1... Một số hormon khác cũng tác

70
dụng qua tín hiệu nội bào DAG và IP3 như TRH, GnRH, TSH, agiotensin II.
- Giống như cơ chế hình thành cAMP, sự hình thành IP3 và diacylglycerol
cũng thông qua họ gia đình protein G, nhưng ở đây là loại protein Gq. Sự gắn kết
tín hiệu ngoại bào vào thụ thể sẽ làm hoạt hóa protein Gq dẫn đến sự hoạt hóa
phospholipase C.
* GMPc (cyclic 3',5'-guanosine monophosphate):
cGMP là một chất truyền tin thứ hai có cơ chế hình thành, tác dụng và thoái
hóa tương tự như cAMP tuy nhiên cũng có những điểm khác:
- Sự hình thành cGMP không thông qua họ gia đình protein G.
- Hệ thống enzym trong tế bào là protein kinase G.
- Có hai loại guanyl cyclase để hoạt hóa cGMP, một loại là guanyl cyclase
màng gắn vào đầu trong của thụ thể màng và một loại guanyl cyclase hòa tan tồn tại
trong dịch nội bào. Tế bào cơ trơn của thành mạch có cả hai loại guanyl cyclase.
+ Guanyl cyclase màng được hoạt hóa bởi các natriuretic peptid có tác dụng
làm giãn mạch.
+ Guanyl cyclase hòa tan được hoạt hóa bởi nitric oxid cũng có tác dụng giãn
mạch.
* Thụ thể màng tyrosinkinase
Thụ thể màng tyrosinkinase là thụ thể của insulin và các yếu tố tăng trưởng.
Thụ thể này là một trường hợp đặc biệt bởi khi các hoạt chất sinh học đến gắn kết ở
đầu ngoài thì đầu trong của thụ thể tự hoạt hóa thành tyrosin kinase. Thụ thể tyrosin
kinase này hoạt động tương tự một tín hiệu nội bào làm hoạt hóa một chuỗi các
enzym dẫn đến sự phosphoryl hóa, đồng thời nó cũng làm thay đổi biểu hiện gen
cảm ứng tổng hợp ra các enzym khác.
3.2. Cơ chế tác dụng thông qua hoạt hóa gen tế bào
3.2.1. Đặc điểm
- Các hoạt chất sinh học tác dụng theo cơ chế này là những tín hiệu hóa học
tan trong dầu như các hormon steroid và hormon T3, T4. Các chất này có tính chất
hòa tan trong dầu, không tan trong nước nên đi qua được lớp lipid kép của màng tế
bào, do vậy không cần chất truyền tin thứ hai. Thụ thể đặc hiệu có thể nằm trong
bào tương như đối với hormon steroid hoặc nằm trong nhân như đối với hormon T3,
T4 của tế bào đích.

71
- Hoạt chất sinh học vào trong tế bào gắn với thụ thể đặc hiệu tạo thành phức
hợp tín hiệu ngoại bào-thụ thể. Phức hợp này có nhiệm vụ hoạt hóa các gen chuyên
biệt nằm trên DNA trong nhân, xúc tiến quá trình sao mã tạo mRNA. mRNA
khuếch tán ra bào tương đến ribosom để dịch mã tạo các protein gây đáp ứng sinh
lý.
+ Các tín hiệu ngoại bào là steroid thường tạo ra các protein là những enzym,
protein vận chuyển, protein cấu trúc. Ví dụ: ở vỏ thượng thận, aldosteron vào trong tế
bào ống thận, sau 45 phút tổng hợp được protein gây tái hấp thu Na+ và bài tiết K+
vào trong ống thận.
+ Các tín hiệu ngoại bào là T3-T4 thường tạo ra nhiều loại protein nội bào
(khoảng 100 loại hoặc hơn). Đa số protein này là các enzym làm tăng hoạt động
chuyển hóa nội bào trong hầu như tất cả tế bào cơ thể.
- Các đáp ứng sinh lý thường chậm (ít nhất phải sau 45 phút đến vài giờ,
thậm chí nhiều ngày). Tuy nhiên, sau khi hình thành tác dụng thì tác dụng có thể
kéo dài trong nhiều tháng thậm chí trong nhiều năm.
3.2.2. Operon và cơ chế hoạt động của operon
3.2.2.1. Giả thuyết về operon
Monod và Jacob đã đưa ra giả thuyết về operon của DNA. Một operon là
một đoạn DNA bắt đầu bằng gen khởi động P, tiếp theo là gen tác động O và cuối
cùng là các gen cấu trúc S. Gen khởi động là nơi tiếp nhận RNA-polymerase dẫn
đến sự tháo chuỗi xoắn kép của DNA mở đầu cho hoạt động sao mã, gen tác động
có nhiệm vụ đóng mở gen cấu trúc, trong khi đó gen cấu trúc mã hóa các protein
(enzym) có liên quan với nhau về chức năng.

Sơ đồ 2.9. Giả thiết về operon của DNA

72
(Gen mở: gen chuyển mã được, gen đóng: gen không chuyển mã được)
Những nghiên cứu về di truyền cũng đã phát hiện gen điều hòa, chỉ huy việc
tổng hợp protein điều hòa ảnh hưởng đến hoạt động của gen tác động. Protein điều
hòa này có thể hoạt động như những thụ thể tiếp nhận các ligand (tín hiệu ngoại
bào) như hormon steroid hoặc T3-T4.
3.2.2.2. Cơ chế hoạt động của operon
Gen điều hòa (thường ở nơi khác trên DNA, không nằm gần operon tương
ứng) chỉ huy sự tổng hợp protein điều hòa Re (có thể là chất kìm hãm R’ hoặc chất
hoạt hóa A’).
- Protein kìm hãm R’ hoạt động có tác dụng đóng gen do nó gắn vào gen tác
động O, ngăn cản sự bám vào P của RNA polymerase.
- Protein hoạt hóa A’ hoạt động có tác dụng mở gen do nó gắn vào gen tác
động O, giúp cho RNA polymerase bám vào P.
Khi ligand gắn vào protein điều hòa Re sẽ ảnh hưởng đến sự đóng mở gen
theo một trong hai cơ chế: điều hòa âm và điều hòa dương.
Bảng 2.3. Cơ chế điều hòa operon

Loại Điều hòa âm Điều hòa dương


( R’ – đóng gen ) ( A’ – mở gen)
I - R’ bám vào O: gen đóng. - A’ bám vào O: gen mở.
- Ligand gắn vào R’ thành phức hợp - Ligand gắn vào A’ thành phức hợp
không bám vào O: gen mở. không bám vào O: gen đóng.
II - R’ không bám vào O: gen mở. - A’ không bám vào O: gen đóng.
- Ligand gắn vào R’ thành phức hợp - Ligand gắn vào A’ thành phức hợp
bám vào O: gen đóng. bám vào O: gen mở.
4. ĐIỀU HÒA BÀI TIẾT HOẠT CHẤT SINH HỌC
Nồng độ hormon trong máu bình thường rất thấp chỉ khoảng vài
picogram/mL (1 picogram = 1/1.000 tỉ gram) đến vài microgam/mL và chịu ảnh
hưởng của một số yếu tố.
4.1. Điều hòa bài tiết theo trục vùng hạ đồi – tuyến yên – tuyến nội tiết
Đây là cơ chế điều hòa bài tiết căn bản mà trong trong đó vùng hạ đồi giữ vai
trò trung tâm, chỉ huy sự bài tiết hormon của tuyến yên. Tuyến yên, đến lượt mình
lại chỉ huy sự bài tiết hormon của một cơ quan nội tiết khác.

73
- Trục vùng hạ đồi – tuyến yên – gan: GHRH-GH-somatomedin.
- Trục vùng hạ đồi – tuyến yên – tuyến giáp: TRH-TSH-T3 và T4.
- Trục vùng hạ đồi – tuyến yên – vỏ thượng thận: CRH-ACTH-cortisol.
- Trục vùng hạ đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục: GnRH-LH-hormon sinh
dục.
Ngoài ra còn có trục thận – gan – vỏ thượng thận: renin-angiotensin-
aldosteron.
4.2. Điều hòa bài tiết theo nhịp sinh học
Hormon không phải được bài tiết liên tục với một nồng độ nhất định vào
trong máu mà có khi nhiều khi ít, có hormon được bài tiết gián đoạn từng lúc theo
nhịp sinh học.
Ví dụ: tuyến yên bài tiết ACTH, ACTH kích thích vỏ thượng thận bài tiết
glucocorticoid. ACTH được bài tiết theo chu kỳ, cao nhất vào buổi sáng và giảm
dần vào buổi chiều. Do vậy, glucocorticoid bài tiết cao nhất vào khoảng 9 giờ sáng
và thấp nhất vào 24 giờ đêm. GH của tuyến yên không những được bài tiết theo
nhịp ngày và đêm mà còn được bài tiết theo nhịp giờ. Hormon sinh dục nữ được bài
tiết thay đổi theo các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt.
4.3. Điều hòa bài tiết do tác nhân kích thích
Tác nhân kích thích gây bài tiết hormon có thể là các tín hiệu thần kinh, tín
hiệu của các hormon khác hoặc các tác nhân vật lý, hóa học.
Ví dụ: nồng độ glucose trong máu tăng kích thích bài tiết insulin từ tuyến
tụy; kích thích thần kinh giao cảm gây bài tiết PTH từ tuyến cận giáp.
4.4. Điều hòa bài tiết theo cơ chế feedback
Hormon sau khi được bài tiết ra sẽ gây đáp ứng sinh học trên cơ quan đích,
độ lớn của các đáp ứng sẽ được theo dõi kiểm tra bởi tế bào nội tiết. Nói cách khác
chính hiệu quả đáp ứng sinh học sẽ điều hòa sự bài tiết hormon và được gọi là cơ
chế feedback. Có 2 kiểu feedback là feedback dương và feedback âm.
* Cơ chế feedback âm:
Điều hòa bài tiết hormon theo hướng ngược lại với đáp ứng sinh học. Nếu
đáp ứng quá nhỏ, tế bào nội tiết sẽ gia tăng sản xuất và bài tiết hormon; nếu đáp ứng
quá lớn, tế bào nội tiết sẽ giảm bài tiết hormon để đưa đáp ứng trở về giới hạn bình
thường. Đây là cơ chế điều hòa chủ yếu, nhanh nhậy nhằm duy trì hằng định nồng

74
độ hormon. Các ví dụ:

Sơ đồ 2.10. Cơ chế feedback âm trong điều hòa bài tiết insulin

vòng cực ngắn vòng dài


Vùng
Vùng hạ
hạ đồi
đồi TRH
TRH
(+) vòng ngắn
(+)
Tuyến
Tuyến yên
yên TSH
TSH
vòng
ngắn (+)
(+)
Tuyến
Tuyến giáp
giáp T
T33,, T
T44

Sơ đồ 2.11. Cơ chế feedback âm nhiều cấp trong điều hòa bài tiết của
trục vùng hạ đồi-tuyến yên-tuyến giáp
* Cơ chế feedback dương:
Tăng bài tiết hormon theo hướng làm gia tăng đáp ứng sinh học. Kiểu điều
hòa này về bản chất làm mất đi sự ổn định, ít gặp nhưng cần thiết, chỉ xảy ra trong
một thời gian ngắn sau đó trở lại kiểu feedback (-) thông thường. Hai ví dụ điển
hình:
- Bài tiết estrogen xảy ra ở thời điểm trước khi phóng noãn, kết quả gây
phóng noãn.

Feedback (+)
Vùng
Vùng hạ
hạ đồi
đồi GnRH
GnRH
(+) Feedback (+)
(+)
Tuyến
Tuyến yên
yên LH
LH
(+)
(+)
Buồng
Buồng trứng
trứng Estrogen
Estrogen

Sơ đồ 2.12. Cơ chế feedback dương trong điều hòa


bài tiết estrogen ngay trước phóng noãn

75
- Bài tiết cortisol xảy ra khi cơ thể bị stress, giúp cơ thể chống lại stress

Feedback (+)
Vùng
Vùng hạ
hạ đồi
đồi CRH
CRH
Feedback (+)
(+)
(+)
Tuyến
Tuyến yên
yên ACTH
ACTH
(+)
(+)
Vỏ
Vỏ thượng
thượng thận
thận Cortisol
Cortisol

Sơ đồ 2.13. Cơ chế feedback dương trong điều hòa


bài tiết cortisol khi stress

76
SINH LÝ NỘI TIẾT VÙNG HẠ ĐỒI
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của các hormon vùng hạ đồi.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết các hormon vùng hạ đồi.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
Vùng hạ đồi (hypothalamus) thuộc não trung gian, có nhiều nơron tập trung
thành các nhóm nhân, ví dụ: nhân trên thị, nhân cạnh não thất.... Các nơron vùng hạ
đồi có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh đồng thời lại có khả năng tổng
hợp và bài tiết hormon.

Vùng hạ đồi

Thùy trước tuyến yên Thùy sau tuyến yên

Hình 2.14. Liên quan giữa vùng hạ đồi và tuyến yên


2. CÁC HORMON GIẢI PHÓNG VÀ ỨC CHẾ CỦA VÙNG HẠ ĐỒI
Các hormon này được tổng hợp từ thân các nơron vùng hạ đồi, bài tiết vào
máu và theo hệ thống cửa hạ đồi - yên đến thùy trước tuyến yên kích thích hoặc ức
chế hoạt động thùy trước tuyến yên.
2.1. Hormon giải phóng GH: GHRH (Growth hormone releasing hormone)
- Bản chất: polypeptid có 44 acid amin.
- Nguồn gốc: nhân bụng giữa.
- Tác dụng: kích thích thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết GH.
- Điều hòa bài tiết: IGF (gan) feedback âm vòng dài, GH (tuyến yên)

77
feedback âm vòng ngắn.
2.2. Hormon ức chế GH: GHIH (Growth hormone inhibitory hormone),
Somatostatin
- Bản chất: peptid có 14 acid amin.
- Nguồn gốc: vùng hạ đồi.
- Tác dụng: ức chế thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết GH.
- Điều hòa bài tiết: IGF (gan) feedback âm vòng dài, GH (tuyến yên)
feedback âm vòng ngắn.
2.3. Hormon giải phóng TSH: TRH (Thyrotropin releasing hormone)
- Bản chất: peptid có 3 acid amin.
- Nguồn gốc: chưa rõ.
- Tác dụng: kích thích thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết TSH.
- Điều hòa bài tiết: T3-T4 (tuyến giáp) feedback âm vòng dài, TSH (tuyến
yên) feedback âm vòng ngắn và chính TRH (vùng hạ đồi) feedback âm vòng cực
ngắn.
2.4. Hormon giải phóng ACTH: CRH (Corticotropin releasing hormone)
- Bản chất: polypeptid có 41 acid amin.
- Nguồn gốc: nhân cạnh não thất.
- Tác dụng: kích thích thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết ACTH.
- Điều hòa bài tiết: cortisol (tuyến thượng thận) feedback âm vòng dài,
ACTH (tuyến yên) feedback âm vòng ngắn. Ngoài ra còn có cơ chế feedback dương
từ cortisol khi cơ thể bị stress.
2.5. Hormon giải phóng FSH và LH: GnRH (Gonadotropin releasing hormone)
- Bản chất: peptid có 10 acid amin.
- Nguồn gốc: nhân cung.
- Tác dụng: kích thích thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết FSH và LH
mà chủ yếu là LH.
- Điều hòa bài tiết: hormon sinh dục (tuyến sinh dục) feedback âm vòng dài,
LH và FSH (tuyến yên) feedback âm vòng ngắn, GnRH (vùng hạ đồi) feedback âm
vòng cực ngắn. Ngoài ra còn có cơ chế feedback dương từ estrogen ở nữ vào thời

78
điểm trước khi phóng noãn.
2.6. Hormon ức chế prolactin: PIH (prolactin inhibitory hormone)
- Bản chất: chưa rõ.
- Nguồn gốc: chưa rõ.
- Tác dụng: ức chế thùy trước tuyến yên tổng hợp và bài tiết prolactin.
- Điều hòa bài tiết: prolactin (tuyến yên) feedback âm.
3. CÁC HORMON KHÁC
Gồm ADH (vasopressin) và oxytocin được tổng hợp từ nhân trên thị và nhân
cạnh não thất vùng hạ đồi, sau đó theo bó sợi thần kinh hạ đồi-yên xuống dự trữ ở
thùy sau tuyến yên (xem bài sinh lý tuyến yên).

79
SINH LÝ TUYẾN YÊN
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của các hormon tuyến yên.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết các hormon tuyến yên.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
- Tuyến yên là một tuyến nhỏ (1cm, 0,5-1g), nằm trong hố yên của xương
bướm thuộc nền sọ.
- Các thùy của tuyến yên:
+ Thùy trước có các tế bào chế tiết còn được gọi là thùy tuyến.
+ Thùy giữa ở người rất kém phát triển, thường được gộp chung vào thùy
trước.
+ Thùy sau có các tế bào giống tế bào thần kinh đệm còn được gọi là thùy
thần kinh.
- Tuyến yên liên hệ mật thiết với vùng hạ đồi qua 2 đường:
+ Đường mạch máu: hệ thống cửa hạ đồi-yên (hệ cửa Popa-Fielding) nối
vùng hạ đồi với thùy trước tuyến yên. Các hormon giải phóng và ức chế của vùng
hạ đồi sẽ theo đường này xuống tuyến yên kích thích hoặc ức chế bài tiết hormon
thùy trước tuyến yên.
+ Đường thần kinh: bó sợi thần kinh hạ đồi-yên là bó thần kinh đi từ nhân
trên thị và nhân cạnh não thất vùng hạ đồi đến thùy sau tuyến yên. Các hormon
ADH và oxytocin của vùng hạ đồi sẽ được vận chuyển theo đường này xuống dự
trữ ở thùy sau tuyến yên.
2. CÁC HORMON TIỀN YÊN
2.1. Hormon tăng trưởng (GH: growth hormone)
- Bản chất: protein 191 acid amin, 1 chuỗi đơn, trọng lượng phân tử 22.005.
- Nguồn gốc: tế bào ưa acid thùy trước tuyến yên.
- Tác dụng: GH có mô đích là gan, nó sẽ kích thích gan bài tiết somatomedin
(IGF: insulin-like growth factor). Somatomedin tác dụng lên hầu hết tế bào trong cơ
thể, làm phát triển kích thước và số lượng tế bào dẫn đến tăng kích thước và trọng
lượng cơ thể.

80
+ Trên xương: phát triển khung xương
cả chiều dài và chiều dày do làm tăng tạo
khung protein ở xương, tăng tốc độ sinh sản
các tế bào sụn và tế bào tạo xương, tăng cốt
hóa sụn liên hợp.
+ Trên chuyển hóa protein: tăng tổng
hợp protein, đây là tác dụng quan trọng nhất
của somatomedin. Tác dụng này được thực
hiện do tăng vận chuyển acid amin vào trong tế
bào, tăng quá trình sao mã DNA thành mRNA,
tăng quá trình dịch mã mRNA ở ribosom, đồng
thời giảm thoái hóa protein và acid amin.
+ Trên chuyển hóa glucid: tăng đường
huyết do giảm sử dụng glucose để tạo năng
lượng, giảm vận chuyển glucose vào trong tế
Hình 2.15. Trục vùng hạ đồi- bào (kháng insulin). Tuy nhiên đường huyết
tuyến yên-gan
thường không tăng quá cao do nó cũng làm
tăng dự trữ glycogen trong tế bào.
+ Trên chuyển hóa lipid: tăng thoái hóa triglycerid dự trữ làm tăng acid béo
trong máu. Các acid béo sẽ được oxy hóa ở mô để tạo năng lượng.
+ Tác dụng khác: kích thích tăng bài tiết insulin.
- Điều hòa bài tiết:
+ GHRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết GH. Trong khi GHIH
của vùng hạ đồi ức chế tuyến yên bài tiết GH.
+ Somatomedin của gan gây feedback âm.
+ Dưới ảnh hưởng của GH, acid béo được sử dụng tạo năng lượng nhiều hơn
glucid và protid do vậy đáp ứng tăng bài tiết GH thường xảy ra trong những trường
hợp khẩn cấp (đói, hạ đường huyết, stress).
+ GH cũng được điều hòa bài tiết theo nhịp giờ và nhịp ngày đêm.

81
2.2. Hormon kích thích tuyến giáp (TSH: thyroid stimulating hormone)
- Bản chất: glycoprotein, 2 chuỗi  và
, trọng lượng phân tử 28.000.
- Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy trước
tuyến yên.
- Tác dụng: mô đích là nang tuyến giáp.
+ Trên cấu trúc tuyến giáp: dinh dưỡng
và phát triển nang tuyến giáp do làm tăng số
lượng và kích thước tế bào nang giáp, tăng
biến đổi tế bào nang giáp sang dạng bài tiết
(dạng trụ) và tăng hệ thống mao mạch của
tuyến.
+ Trên chức năng tuyến giáp: tăng T3,
T4 trong máu do làm tăng hoạt động bơm iod,
tăng bắt iod vào trong nang giáp, tăng gắn iod
vào tyrosin và tăng phân giải thyroglobulin
Hình 2.16. Trục vùng hạ đồi-
giải phóng T3, T4 vào máu.
tuyến yên-tuyến giáp
- Điều hòa bài tiết:
+ TRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết TSH.
+ T3, T4 của tuyến giáp gây feedback âm.
2.3. Hormon kích thích tuyến vỏ thượng thận (ACTH: adreno corticotropin
hormone)
- Bản chất: polypeptid 39 acid amin, trọng lượng phân tử 5.000.
- Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy trước tuyến yên.
- Tác dụng:
+ Trên lớp bó và lớp lưới của vỏ thượng thận: làm tăng sinh các tế bào đồng
thời kích thích các tế bào tổng hợp và bài tiết cortisol.
+ Trên tế bào hắc tố: 13 acid amin đầu tiên của ACTH giống hormon MSH
(melanocyte stimulating hormone). Ở động vật bậc thấp (ếch, cóc...) thùy giữa phát
triển bài tiết nhiều MSH tác dụng lên tế bào hắc tố, ở người do thùy giữa kém phát
triển tác dụng này chủ yếu do ACTH đảm nhận. Tác dụng của MSH và ACTH trên
tế bào hắc tố là làm phân tán các hạt sắc tố ra bào tương tế bào gây sẫm màu da,

82
không có mặt MSH và ACTH các hạt
sắc tố sẽ tập trung quanh nhân tế bào
làm da sáng màu hơn.
+ Trên não: ACTH có vai trò
trong học tập, trí nhớ và hành vi.
- Điều hòa bài tiết:
+ CRH của vùng hạ đồi kích thích
tuyến yên bài tiết ACTH.
+ Cortisiol của vỏ thượng thận
gây feedback âm.
+ Stress làm tăng bài tiết ACTH
theo cơ chế feedback dương.

Hình 2.17. Trục vùng hạ đồi-tuyến + ACTH cũng được điều hòa bài
yên-vỏ thượng thận tiết theo nhịp ngày đêm.
2.4. Kích dục tố: gonadotropin gồm:
FSH (Follicle stimulating
hormone, hormon kích thích nang
trứng)
LH (Luteinizing hormone,
hormon kích thích hoàng thể)
- Bản chất: glycoprotein. FSH có
236 acid amin, trọng lượng phân tử
32.000; LH có 215 acid amin, trọng lượng
phân tử 30.000.
- Nguồn gốc: tế bào ưa base thùy
trước tuyến yên.
- Tác dụng: mô đích là tinh hoàn và
buồng trứng.
+ Ở nam: FSH kích thích sự phát
triển ống sinh tinh làm tăng sản sinh tinh
trùng; LH kích thích phát triển tế bào
Hình 2.18. Trục vùng hạ đồi-tuyến
yên-tuyến sinh dục

83
Leydig (tế bào kẽ) gây bài tiết testosteron.
+ Ở nữ: FSH kích thích nang trứng phát triển; LH phối hợp với FSH làm
phát triển nang trứng đến chín và gây phóng noãn, kích thích tạo hoàng thể, kích
thích tế bào hạt của nang trứng và hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron.
- Điều hòa bài tiết:
+ GnRH của vùng hạ đồi kích thích tuyến yên bài tiết FSH và LH.
+ Testosteron, estrogen và progesteron gây feedback âm. Riêng vào thời
điểm trước khi phóng noãn estrogen có tác dụng feedback dương.
+ Inhibin của nang trứng ức chế bài tiết FSH.
+ Ở nữ, FSH và LH được bài tiết thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt.
2.5. Prolactin
- Bản chất: protein 198 acid amin, trọng lượng phân tử 22.500.
- Nguồn gốc: tế bào ưa acid thùy trước tuyến yên.
- Tác dụng: mô đích là tuyến vú đã chịu tác dụng của estrogen và
progesteron. Prolactin làm bài tiết sữa vào nang sữa nhưng không gây bài xuất ra
ngoài.
- Điều hòa bài tiết:
+ PIH của vùng hạ đồi ức chế tuyến yên bài tiết prolactin.
+ Động tác mút vú của trẻ và sự gần gũi, tình cảm mẹ con sẽ kích thích bài
tiết prolactin.
+ Dopamin bình thường ức chế, nhưng khi cho con bú lại kích thích bài tiết
prolactin. TRH kích thích bài tiết prolactin.
+ Prolactin cũng được tiết theo chu kỳ trong 24 giờ với nồng độ cao nhất vào
ban đêm rồi trở lại nhịp tiết ban ngày vào khoảng 6-8 giờ
3. CÁC HORMON HẬU YÊN
3.1. Hormon chống bài niệu (ADH: antidiuretic hormone, vasopressine)
- Bản chất: peptid 9 acid amin.
- Nguồn gốc: nhân trên thị vùng hạ đồi.
- Tác dụng:

84
+ Nồng độ sinh lý (thấp): chống bài niệu do tăng tái hấp thu nước ở ống lượn
xa và ống góp.
+ Nồng độ cao: co mạch gây tăng huyết áp. Tác dụng tăng huyết áp mạnh
hơn cả angiotensin II.
- Điều hòa bài tiết:
+ Áp suất thẩm thấu tăng gây tăng bài tiết ADH và ngược lại.
+ Thể tích máu giảm gây tăng bài tiết ADH và ngược lại.
3.2. Oxytocin
- Bản chất: peptid 9 acid amin.
- Nguồn gốc: nhân cạnh não thất vùng hạ đồi.
- Tác dụng:
+ Trên tử cung: gây co tử cung mang thai đặc biệt lúc chuyển dạ.
+ Trên tuyến vú: bài xuất sữa ra ngoài do co các tế bào biểu mô cơ quanh
nang tuyến sữa.
- Điều hòa bài tiết:
+ Kích thích cơ học núm vú (động tác mút, se đầu núm vú) gây tăng bài tiết
oxytocin.
+ Căng thẳng tâm lý, rượu, thuốc lá giảm bài tiết oxytocin.

85
SINH LÝ TUYẾN GIÁP
Mục tiêu
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của các hormon tuyến giáp.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết các hormon tuyến giáp.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết lớn nhất nằm trước sụn giáp, có
hai thùy, eo ở giữa, trọng lượng tuyến thay đổi theo hoạt động chức năng. Có hai
loại tế bào nội tiết trong tuyến giáp:
- Tế bào nang giáp: cấu tạo thành những nang giáp, xung quanh là mạch
máu, trong lòng nang có chất keo chứa thyroglobulin. Các tế bào nang giáp đỉnh
quay vào lòng nang, đáy tiếp xúc mao mạch, bài tiết 2 hormon chính là T3, T4. Hình
thái tế bào nang giáp thay đổi theo hoạt động, khi không hoạt động tế bào dẹt, nang
nhiều chất keo; khi hoạt động tế bào hình trụ, nang ít chất keo.
- Tế bào cạnh nang (tế bào C): nằm giữa các nang giáp, bài tiết calcitonin.
2. THYROID HORMON
T4: Tetraiodothyronin, thyroxin
T3: Triiodothyronin
2.1. Bản chất
T3, T4 là những hormon iod hóa acid amin tyrosin.
2.2. Nguồn gốc:
Nguyên liệu để tổng hợp T3 và T4 là acid amin tyrosin có sẵn trong cơ thể và
iod. Iod được cung cấp từ thức ăn, đặc biệt là các thức ăn có nguồn gốc từ biển với
nhu cầu khoảng 0,2mg/ngày, nhu cầu tăng khi tuổi đang lớn, thai nghén, lạnh. Iod
được hấp thu dưới dạng I - giống Cl - và bài xuất qua nước tiểu. Trong tuyến giáp:
95% iod ở trong lòng nang (2/3 ở dạng MIT và DIT không hoạt động, 1/3 ở dạng T 3
và T4, tỷ số T3/T4=1/9-1/10), 5% ở trong tế bào.
T3-T4 được tổng hợp trong tế bào nang giáp qua 4 giai đoạn:
* Giai đoạn bắt iod: bắt I -
Iod trong máu dưới dạng iodur (I-) sẽ được vận chuyển chủ động vào trong tế
bào nang giáp qua màng đáy của tế bào. Nồng độ iod trong tế bào nang giáp cao

86
hơn trong máu (có thể chênh lệch 250 lần). Một số ion hóa trị 1 như perclorat,
thiocyanat ức chế cạnh tranh với iod.
* Giai đoạn oxy hóa iod: I - → I2
Xảy ra ở đỉnh tế bào nang giáp, men peroxidase sẽ xúc tác phản ứng chuyển
-
I thành I2.
* Giai đoạn iod hóa tyrosin:
Thyroglobulin là một glycoprotein được tổng hợp trong tế bào nang giáp
theo cơ chế tổng hợp protein thông thường. Trong phân tử thyroglobulin có các acid
amin tyrosin.
I2 + tyrosin → MIT (Monoiodotyrosin)
MIT + I2 → DIT (Diiodotyrosin)
MIT + DIT → T3 (Triiodotyrosin)
DIT + DIT → T4 (Tetraiodotyrosin)
MIT, DIT, T3, T4 gắn với thyroglobulin được vận chuyển qua màng đỉnh tế
bào nang giáp vào trong lòng nang và dự trữ ở đó. Lượng hormon dự trữ đủ dùng
trong 2-3 tháng.
* Giải phóng T3, T4:
Màng đỉnh tế bào nang giáp bắt lấy chất keo trong lòng nang bằng cơ chế ẩm
bào. Sau đó men tiêu protein của lysosom là catheptase sẽ cắt T3, T4, MIT, DIT ra
khỏi thyroglobulin. T3, T4 khuếch tán vào máu. Trong khi đó men deiodase sẽ phân
cắt MIT và DIT thành I2 và tyrosin, chúng sẽ được tái sử dụng cho những lần tổng
hợp tiếp theo.
2.3. Tác dụng
Trong máu, tỷ số T3/T4=1/10, nhưng T3 mới là dạng tác dụng chính. T3-T4
được vận chuyển trong máu phần lớn ở dạng kết hợp mà chủ yếu là kết hợp với
globulin (TBG), một lượng nhỏ gắn với albumin. Lượng rất nhỏ ở dạng tự do:
0,05% T4; 0,5% T3.
2.3.1. Các tác dụng chính
T3-T4 có mô đích là hầu hết các tế bào trong cơ thể với 2 tác dụng chính:
* Tăng trưởng: tăng trưởng cấu trúc và chức năng tế bào

87
- Làm tăng tốc độ phát triển cơ thể phối hợp với somatomedin.
- Kích thích sự biệt hóa tế bào đặc biệt là tế bào não trong vài năm đầu sau
sinh. Thiếu thyroid hormon trẻ sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần.
* Trên chuyển hóa năng lượng ở tế bào: tăng hoạt động chuyển hóa của hầu hết
các mô trong cơ thể
T3-T4 kích thích sự tổng hợp năng lượng cung cấp cho các hoạt động chức
năng của cơ thể. Nếu thyroid hormon được bài tiết nhiều có thể làm chuyển hóa cơ
sở tăng 60-100%. Tăng tổng hợp năng lượng là do:
- Tăng tốc độ các phản ứng hóa học.
- Tăng tiêu thụ và thoái hóa thức ăn tạo năng lượng.
- Tăng số lượng và kích thước ty thể làm tăng tổng hợp ATP. Khi thyroid
hormon bài tiết quá nhiều, ty thể phồng to mất cân xứng giữa hai quá trình oxy hóa
và phosphoryl hóa, một lượng lớn năng lượng thải ra dưới dạng nhiệt chứ không
tổng hợp thành ATP được.
2.3.2. Các tác dụng cụ thể
- Trên chuyển hóa glucid: tăng đường huyết do tăng phân giải glycogen, tăng
tân tạo đường và tăng hấp thu glucose ở ruột. Đồng thời T3-T4 cũng làm tăng thoái
hóa glucose tạo năng lượng.
- Trên chuyển hóa lipid: tăng thoái hóa triglycerid dự trữ làm tăng acid béo
trong máu. Các acid béo sẽ được oxy hóa ở mô để tạo năng lượng. Ngoài ra còn làm
giảm cholesterol, phospholipid, triglycerid trong huyết tương.
- Trên chuyển hóa protein: tăng tổng hợp protein làm tăng trưởng cơ thể ở
thời kỳ đang phát triển. Tuy nhiên khi bài tiết quá nhiều sẽ tăng thoái hóa protein
làm tăng acid amin trong máu để tạo năng lượng, cơ thể gầy sút.
- Trên chuyển hóa vitamin: tăng nhu cầu tiêu thụ vitamin như tăng hấp thu
vitamin B12 ở ruột, chuyển caroten thành vitamin A.
- Điều hòa sự phân bố dịch trong cơ thể. Thiếu T3-T4 sẽ gây phù trước xương
chày và 2 mi dưới.
- Trên tim mạch: tăng nhịp tim, tăng lực co cơ tim dẫn đến tăng lưu lượng
tim và tăng huyết áp.
- Trên thần kinh: thúc đẩy sự phát triển kích thước và chức năng hệ thần kinh
trung ương (trẻ em) đồng thời cung cấp năng lượng duy trì hoạt động của chúng.

88
Nhược năng làm chậm chạp, đần độn. Ưu năng làm căng thẳng, dễ bị kích thích.
- Cơ: hoạt hóa các synap thần kinh cơ điều hòa trương lực cơ. Nhược năng
làm chậm chạp, yếu cơ. Ưu năng làm run cơ.
- Cơ quan sinh dục: cần cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ
quan sinh dục. Nam: nhược năng làm mất dục tính, ưu năng làm bất lực; Nữ: nhược
năng làm băng kinh, đa kinh, ưu năng làm ít hoặc vô kinh, giảm dục tính.
- Tác dụng khác: làm tăng bài tiết hầu hết các hormon khác, tăng nhu cầu sử
dụng hormon.
2.4. Điều hòa bài tiết
- TRH (vùng hạ đồi) kích thích tuyến yên bài tiết TSH. TSH kích thích tuyến
giáp bài tiết T3, T4.
- Lạnh, stress kích thích bài tiết T3, T4.
- Iod vô cơ cao trong tuyến giáp ức chế bài tiết T3, T4. Iod hữu cơ cao làm
giảm hấp thu iod vào tuyến giáp, giảm tổng hợp T3, T4.
3. CALCITONIN
3.1. Bản chất hóa học: polypeptid, 32 acid amin.
3.2. Nguồn gốc: tế bào C của tuyến giáp (tế bào cạnh nang).
3.3. Tác dụng: giảm Ca2+ và phosphat máu
- Trên xương: giảm hoạt động tiêu xương và sự tạo thành các tế bào hủy
xương mới, tăng lắng đọng Ca2+ ở xương. Tác dụng này có ý nghĩa quan trọng ở trẻ
đang lớn nhưng rất yếu ở người trưởng thành.
- Trên thận: tăng đào thải Ca2+ và phosphat qua nước tiểu, giảm tái hấp thu
Na+ và Cl- ở ống lượn gần, có vai trò điều hòa thể tích dịch ngoại bào.
3.4. Điều hòa bài tiết
Ca2+ máu tăng kích thích bài tiết calcitonin và ngược lại.

89
SINH LÝ TUYẾN CẬN GIÁP
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của hormon PTH.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết hormon PTH.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
Có 4 tuyến cận giáp nằm ngay sau tuyến giáp, hai tuyến ở cực trên, hai tuyến
ở cực dưới tuyến giáp. Tuy kích thước mỗi tuyến nhỏ 6x3x2mm nhưng chúng có
tính sinh mạng. Tuyến cận giáp có hai loại tế bào: tế bào chính tiết hormon, tế bào
ưa acid chức năng chưa rõ.
2. HORMON CẬN GIÁP: PTH (parathyroid hormon, parathormon)
- Bản chất: polypeptid, 84 acid amin.
- Nguồn gốc: tế bào chính tuyến cận giáp.
- Tác dụng: tăng Ca2+ và giảm phosphat máu
+ Trên xương: tăng hoạt động tiêu xương và sự tạo thành các tế bào hủy
xương mới, tăng giải phóng Ca2+ từ xương vào máu.
+ Trên thận: tăng tái hấp thu Ca2+ ở ống lượn xa và ống góp, giảm tái hấp thu
phosphat ở ống lượn gần.
+ Trên ruột: tăng tạo thành 1,25 dihydroxycholecalciferol làm tăng hấp thu
Ca ở ruột.
2+

- Điều hòa bài tiết:


+ Ca2+ máu tăng sẽ ức chế bài tiết hormon cận giáp và ngược lại.
+ Kích thích thần kinh giao cảm làm tăng bài tiết PTH.

90
SINH LÝ TỤY NỘI TIẾT
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của các hormon tuyến tụy.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết hormon tuyến tụy.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
Tụy là một tuyến pha: phần ngoại tiết là mô acini bài tiết dịch tiêu hóa đổ
vào tá tràng; phần nội tiết là đảo Langerhans bài tiết hormon đổ vào máu. Đảo
Langerhans có số lượng 1-2 triệu, kích thước 0,3mm, chứa các loại tế bào chính:
- Tế bào : 25%, bài tiết glucagon.
- Tế bào : 60%, bài tiết insulin, nằm giữa đảo tụy.
- Tế bào : 10%, bài tiết somatostatin.
- Tế bào PP: rất ít, bài tiết một loại polypeptid, chức năng chưa rõ.
Các tế bào đảo tụy có liên hệ mật thiết với nhau, điều hòa trực tiếp sự bài tiết
hormon của nhau. Ví dụ: insulin ức chế bài tiết glucagon, somatostatin ức chế bài
tiết insulin và glucagon.
2. INSULIN
2.1. Bản chất
Insulin là một polypeptid, 51 acid amin, gồm 2 chuỗi nối nhau bằng cầu nối
disulfur (1 chuỗi 21 acid amin và 1 chuỗi 30 acid amin).
2.2. Nguồn gốc
Tế bào  đảo Langerhans.
2.3. Tác dụng
Nhìn chung có vai trò quan trọng trong dự trữ các chất sinh năng lượng.
- Chuyển hóa glucid: giảm đường huyết
+ Tăng vận chuyển glucose vào trong tế bào trừ tế bào não, hồng cầu, tế bào
gan, biểu mô tiêu hóa, biểu mô ống thận và tế bào cơ khi nó đang hoạt động, ở
những tế bào này glucose có thể vào tế bào không cần insulin.
+ Tăng sử dụng glucose tạo năng lượng.
+ Tăng tổng hợp glucogen ở gan và cơ do tăng hoạt tính của các enzym tham

91
gia vào quá trình này đặc biệt là glycogen synthetase.
+ Giảm phân giải glycogen do bất hoạt enzym phosphorylase.
+ Tăng chuyển glucose thừa thành acid béo ở gan.
+ Giảm tân tạo đường do giảm hoạt tính các enzym tham gia vào quá trình
này và giảm nguyên liệu acid amin từ các mô ngoài gan.
- Chuyển hóa protid: tăng tổng hợp và dự trữ protein làm phát triển cơ thể.
+ Tăng vận chuyển tích cực acid amin vào trong tế bào đặc biệt valin, leucin,
tyrosin, isoleucin và phenylalanin.
+ Tăng sao mã DNA thành mRNA, tăng dịch mã mRNA tại ribosom.
+ Giảm thoái hóa protein trong tế bào đặc biệt là tế bào cơ.
+ Giảm tân tạo đường ở gan tiết kiệm acid amin.
- Chuyển hóa lipid: tăng dự trữ lipid
+ Tăng vận chuyển acid béo từ các mô đến mô mỡ do sử dụng glucose tạo
năng lượng nên tiết kiệm acid béo, chuyển glucose thừa thành acid béo ở gan, thoái
hóa glucose sinh năng lượng sẽ tạo ra các ion citrat và isocitrat làm hoạt hóa enzym
acetyl-CoA-carboxylase tham gia tổng hợp acid béo.
+ Tăng tổng hợp và dự trữ triglycerid tại mô mỡ do ức chế enzym thủy phân
triglycerid, tăng vận chuyển acid béo vào mô mỡ, tăng vận chuyển glucose vào mô
mỡ để cung cấp phần glycerol cho triglycerid.
2.4. Điều hoà bài tiết
- Cơ chế thể dịch:
+ Trong máu nồng độ glucose, acid amin, acid béo, thể ceton theo thứ tự sẽ
kích thích bài tiết insulin.
+ Gastrin, secretin, cholecystokinin, glucagon kích thích bài tiết insulin.
+ Somatostatin, catecholamin ức chế bài tiết insulin.
- Cơ chế thần kinh (bình thường có vai trò rất ít):
+ Phó giao cảm kích thích bài tiết insulin.
+ Giao cảm ức chế bài tiết insulin.
3. GLUCAGON

92
3.1. Bản chất
Glucagon là một polypeptid, 29 acid amin, trọng lượng phân tử 3.485.
3.2. Nguồn gốc
Tế bào  đảo Langerhans.
3.3. Tác dụng
- Chuyển hóa glucid: tăng đường huyết do tăng phân giải glycogen ở gan,
tăng tân tạo đường ở gan do tăng hoạt tính các enzym tham gia vào quá trình này và
tăng nguyên liệu acid amin từ các mô ngoài gan. Glucagon là hormon chính làm
tăng đường huyết đối trọng với insulin.
- Chuyển hóa protid: tăng phân giải protein.
- Chuyển hóa lipid: tăng thoái hóa lipid ở mô mỡ dự trữ làm tăng acid béo
trong máu, ức chế vận chuyển acid béo vào gan.
3.4. Điều hòa bài tiết
- Nồng độ glucose trong máu giảm kích thích bài tiết.
- Acid amin (đặc biệt alanin, arginin) tăng kích thích bài tiết.
- Luyện tập, lao động kích thích bài tiết.
4. SOMATOSTATIN
4.1. Bản chất
Somatostatin là một peptid, 14 acid amin.
4.2. Nguồn gốc
Tế bào  đảo Langerhans.
4.3. Tác dụng
- Ức chế bài tiết insulin, glucagon, gastrin, secretin, cholecystokinin.
- Giảm các hoạt động tiêu hóa: cơ học, bài tiết, hấp thu.
4.4. Điều hòa bài tiết
- Nồng độ glucose, acid amin, acid béo trong máu tăng kích thích bài tiết.
- Gastrin, secretin, cholecystokinin tăng kích thích bài tiết.

93
SINH LÝ TUYẾN THƯỢNG THẬN
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của các hormon tuyến thượng
thận.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết các hormon tuyến thượng thận.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
Tuyến thượng thận gồm hai phần riêng biệt khác nhau về giải phẫu, mô học,
phát triển và chức năng.
- Vỏ thượng thận: 3 lớp, sản xuất các hormon steroid gồm khoảng hơn 30
loại và được chia thành 3 nhóm:
+ Ngoài cùng là lớp cầu hay lớp cung (zona glomerulosa), bài tiết hormon
mineralocorticoid.
+ Ở giữa là lớp bó (zona fasciculata) và trong cùng là lớp lưới (zona
reticularis), bài tiết hormon glucocorticoid và hormon sinh dục.
- Tủy thượng thận: bài tiết hormon catecholamin gồm epinephrin (adrenalin)
và norepinephrin (noradrenalin).
2. HORMON VỎ THƯỢNG THẬN
2.1. Mineralocorticoid
Chủ yếu là aldosteron chiếm 90% hoạt tính mineralocorticoid của các
hormon vỏ thượng thận. Ngoài ra còn các hormon khác như DOC
(deoxycorticosteron) hoạt tính = 1/50 aldosteron.
- Bản chất: steroid.
- Nguồn gốc: lớp cầu vỏ thượng thận.
- Tác dụng:
+ Tác dụng trên thận và tuần hoàn: là chức năng quan trọng nhất. Aldosteron
gây tái hấp thu chủ động Na+ kéo theo Cl- và bài tiết K+ hoặc H+ để trao đổi ở ống
thận (đặc biệt là ống góp và một phần ống lượn xa). Hiện tượng này dẫn đến tăng
tổng lượng Na+ và giảm K + trong dịch ngoại bào. Một lượng nhỏ Na+ tái hấp thu sẽ
được trao đổi với việc bài tiết H+ dẫn đến giảm nhẹ nồng độ H+ trong dịch ngoại
bào (nhiễm kiềm nhẹ). Việc tái hấp thu Na+ sẽ kéo theo nước do tăng áp suất thẩm
thấu từ đó làm tăng thể tích dịch ngoại bào, tăng huyết áp và làm nồng độ Na + trong

94
dịch ngoại bào tăng ít. Tăng huyết áp sẽ dẫn đến thận tăng bài tiết nước và muối gọi
là hiện tượng thoát aldosteron (aldosterone escape).
+ Tác dụng trên tuyến mồ hôi, tuyến nước bọt và ruột: ảnh hưởng trên tuyến
mồ hôi, tuyến nước bọt tương tự như trên ống thận. Ở ruột, aldosteron gây tăng tái
hấp thu Na+ nhất là ở đại tràng kéo theo nước, Cl- và các anion khác.
- Điều hòa bài tiết: các yếu tố đóng vai trò đặc biệt trong điều hòa bài tiết
aldosteron được sắp xếp theo thứ tự mức độ quan trọng như sau:
+ Tăng nồng độ K+ trong dịch ngoại bào gây tăng bài tiết aldosteron. Nồng
độ K+ chỉ tăng nhẹ cũng dẫn đến tăng bài tiết aldosteron lên vài lần.
+ Tăng hoạt tính của hệ thống renin-angiotensin dẫn đến tăng bài tiết
aldosteron.
+ Tăng nồng độ Na+ trong dịch ngoại bào làm giảm nhẹ bài tiết aldosteron.
Nồng độ Na+ giảm 10-20% làm tăng bài tiết aldosteron lên gấp đôi.
Ngoài ra, aldosteron cũng được bài tiết theo nhịp sinh học tăng cao vào buổi
sáng và giảm vào buổi chiều.
2.2 Glucocorticoid
Chủ yếu là cortisol (hydrocortison) chiếm 95% hoạt tính glucocorticoid của
các hormon vỏ thượng thận. Ngoài ra còn các hormon khác như corticosteron chiếm
4% hoạt tính glucocorticoid.
- Bản chất: steroid.
- Nguồn gốc: lớp bó và lớp lưới vỏ thượng thận.
- Tác dụng:
+ Trên chuyển hóa glucid: tăng đường huyết do kích thích tân tạo đường và
giảm sử dụng glucose ở tế bào. Đường huyết tăng sẽ dẫn đến tăng tổng hợp
glycogen ở gan.
+ Trên chuyển hóa protid: ngoại trừ tế bào gan, cortisol làm giảm protein
trong tất cả các tế bào (đặc biệt ở mô cơ và lympho) do giảm tổng hợp protein, tăng
dị hóa protein. Tăng acid amin trong máu, giảm vận chuyển acid amin vào các mô
ngoài gan (nhất là mô cơ) và tăng vận chuyển acid amin vào các tế bào gan gây:
tăng tốc độ khử amin của các acid amin ở gan tạo urê, tăng tổng hợp protein ở gan,
tăng tạo các protein huyết tương bởi gan, tăng tân tạo đường.
+ Trên chuyển hóa lipid: tăng thoái hóa lipid ở mô mỡ dự trữ làm tăng acid

95
béo trong máu, tăng oxy hóa acid béo ở mô tạo năng lượng.
+ Tác dụng chống stress: hầu như tất cả các loại stress đều kích thích tiền yên
bài tiết ACTH (feedback dương). ACTH sẽ tác dụng lên vỏ thượng thận làm phóng
thích nhiều cortisol trong vòng vài phút sau đó. Cortisol có tác dụng làm giảm các
bất lợi do stress gây ra.
+ Tác dụng kháng viêm: ngăn cản sự hình thành và phát triển của phản ứng
viêm do làm ổn định màng tiêu thể giảm phóng thích các enzym thủy phân protein;
ngăn giãn mạch, giảm tính thấm mao mạch giảm thoát huyết tương ra mô kẽ, giảm
di chuyển bạch cầu đến mô viêm và giảm hiện tượng thực bào do ngăn cản tổng hợp
prostagandin và leukotrien từ acid arachidonic ở màng tế bào tổn thương, giảm tái
sản xuất tế bào lympho đặc biệt là lympho T, giảm tạo kháng thể ở mô viêm (ngăn
cản hoạt động miễn dịch), giảm sốt do giảm phóng thích interleukin -1 từ bạch cầu,
ngăn giãn mạch. Làm phản ứng viêm mau kết thúc nếu phản ứng viêm đã xảy ra.
+ Chống dị ứng.
+ Trên tế bào máu: giảm số lượng eosinophil và tế bào lympho, giảm tạo
kháng thể, tăng hồng cầu.
+ Một số glucocorticoid cũng có hoạt tính mineralocorticoid như cortisol,
corticosteron nhưng hoạt tính thấp = 1/400 aldosteron.
+ Trên dạ dày: tăng bài tiết HCl, giảm chất nhầy.
+ Trên tâm thần: khó ngủ, hưng phấn, thèm ăn, tăng các triệu chứng tâm thần
có sẵn.
+ Đối kháng với vitamin D, hiệp đồng với adrenalin và thyroxin làm tăng
đường huyết.
- Điều hòa bài tiết: khác mineralocorticoid, việc điều hòa bài tiết
glucocorticoid hầu như hoàn toàn do ACTH của tiền yên quyết định.
+ Bài tiết theo nhịp sinh học: ở điều kiện căn bản ACTH được bài tiết theo
chu kỳ cao nhất vào buổi sáng và giảm dần vào buổi chiều (cortisol được bài tiết
nhiều nhất vào khoảng 9 giờ sáng, giảm dần và thấp nhất lúc nửa đêm).
+ Stress làm tăng bài tiết cortisol theo cơ chế feedback dương.
2.3. Hormon sinh dục
Chủ yếu là các androgen (hormon sinh dục nam) trong đó quan trọng nhất là
dehydroepiandrosteron. Ngoài ra cũng bài tiết một lượng rất nhỏ hormon sinh dục

96
nữ progesteron và estrogen. Tham gia vào việc phát triển các đặc tính sinh dục.
3. HORMON TỦY THƯỢNG THẬN
Chủ yếu là hormon catecholamin gồm adrenalin và noradrenalin.
- Bản chất: iod hóa acid amin tyrosin.
- Nguồn gốc: tủy thượng thận.
- Tác dụng: gây tác dụng giống như kích thích trực tiếp thần kinh giao cảm
nhưng ảnh hưởng kéo dài gấp 5-10 lần, do vậy được gọi là tác dụng giao cảm gián
tiếp. Catecholamin có hai loại thụ thể tiếp nhận  (1, 2) và  (1, 2). Adrenalin
tác dụng trên cả thụ thể  và  trong khi noradrenalin tác dụng chủ yếu trên thụ thể
, ít tác dụng trên thụ thể . Hiệu quả tác dụng của adrenalin và noradrenalin phụ
thuộc nhiều vào loại thụ thể
+ Trên tim: tác dụng của adrenalin mạnh hơn noradrenalin làm tăng tần số
tim, tăng trương lực, tăng co bóp, tăng dẫn truyền.
+ Trên mạch máu: adrenalin gây giãn các mạch máu ở cơ vân cùng lúc co
mạch ở da và các cơ quan nội tạng; noradrenalin gây co mạch toàn thân làm tăng
sức cản ngoại biên.
+ Trên huyết áp: tác dụng của noradrenalin mạnh hơn adrenalin. Adrenalin
làm tăng huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương không tăng. Trong khi đó
noradrenalin làm cả tăng huyết áp tâm thu và tâm trương.
+ Gây trạng thái hưng phấn tinh thần.
+ Trên mắt: giãn đồng tử do co cơ tia mống mắt.
+ Trên cơ trơn: tác dụng của adrenalin mạnh hơn noradrenalin làm giãn cơ
trơn đường tiêu hóa, phế quản, bàng quang.
+ Trên chuyển hóa: tác dụng của adrenalin mạnh gấp 5-10 lần noradrenalin
làm: thoái hóa glycogen trong gan, cơ, tăng tân tạo đường làm tăng đường huyết;
thoái hóa lipid dự trữ làm tăng acid béo trong huyết tương và kích thích sinh ceton;
giảm phóng thích acid amin từ cơ.
+ Trên hệ nội tiết: ức chế bài tiết insulin, renin, PTH. Tăng bài tiết glucagon,
hormon tuyến giáp.
Lưu ý: tủy thượng thận và hệ thần kinh giao cảm (sợi hậu hạch tiết
noradrenalin) hoạt động liên hệ mật thiết với nhau: hỗ trợ hoặc thay thế cho nhau.

97
Hầu như tất cả các cơ quan khi bị kích thích bởi hoạt tính giao cảm chịu cùng lúc
tác động của thần kinh giao cảm và hormon tủy thượng thận. Ngoài ra có những cấu
trúc của cơ thể không có sự phân bố của thần kinh giao cảm mà chỉ nhận được sự
chi phối của hormon tủy thượng thận.
- Điều hòa bài tiết: đường huyết giảm, huyết áp giảm, lạnh, stress... gây kích
thích bài tiết hormon tủy thượng thận.

98
MỘT SỐ HOẠT CHẤT SINH HỌC
NGOÀI TUYẾN NỘI TIẾT
Mục tiêu:
1. Trình bày được tên, bản chất hóa học, nguồn gốc của một số hoạt chất sinh học
ngoài hệ nội tiết.
2. Phân tích được tác dụng và điều hòa bài tiết một số hoạt chất sinh học ngoài hệ
nội tiết.
1. MỘT SỐ HOẠT CHẤT SINH HỌC ẢNH HƯỞNG LÊN CÁC TẾ BÀO
MÁU
1.1. Hoạt chất sinh học ảnh hưởng lên hồng cầu: Erythropoietin
- Bản chất: glycoprotein.
- Nguồn gốc: erythropoietin có nguồn gốc chủ yếu từ tế bào biểu mô ống
thận, phần nhỏ còn lại là từ gan.
- Tác dụng: kích thích sinh tổng hợp hồng cầu.
+ Kích thích tạo tế bào tiền nguyên hồng cầu từ tế bào gốc.
+ Kích thích tổng hợp hemoglobin.
+ Kích thích vận chuyển hồng cầu lưới từ tủy xương ra máu ngoại vi.
1.2. Một số hoạt chất sinh học ảnh hưởng lên bạch cầu và quá trình viêm
1.2.1. Các cytokin
- Bản chất: polypeptid, protein.
- Nguồn gốc: do các tế bào miễn dịch như đại thực bào, các bạch cầu bài tiết
trong các đáp ứng miễn dịch và tình trạng viêm. Có nhiều loại cytokin như các
interleukin (khoảng 35 loại), các yếu tố kích thích tạo cụm (CSF: colony stimulating
factors như M-CSF, G-CSF, E-CSF), các interferon, các yếu tố hoại tử u (TNF:
tumor necrosis factor), các chemokin và một số chất khác.
- Tác dụng: các cytokin có rất nhiều tác dụng khác nhau trong đáp ứng miễn
dịch như kích thích tăng sinh, phát triển, biệt hóa, hóa ứng động, hoạt hóa, chết theo
chương trình của các tế bào miễn dịch (bạch cầu, đại thực bào...).
1.2.2. Histamin
- Bản chất: sản phẩm khử carboxyl của histidin.

99
- Nguồn gốc: dưỡng bào (mastocyte), bạch cầu ưa base, tế bào ưa chrom của
niêm mạc dạ dày, ruột, nơron trong não v.v... Dưỡng bào tập trung nhiều ở các vị trí
dễ bị tổn thương như da, niêm mạc mũi, miệng, khí phế quản; bề mặt nội mô cơ thể
và thành mạch máu.
- Tác dụng: histamin có các thụ thể H1, H2, H3 và H4. Trong đáp ứng viêm,
histamin tác dụng chủ yếu qua thụ thể H1 và gần đây phát hiện thêm vai trò của H4.
+ Thông qua thụ thể H1, histamin làm giãn các mạch máu nhỏ (tiểu động
mạch, mao mạch và tiểu tĩnh mạch) làm giảm sức cản ngoại vi, giảm huyết áp và
tăng cường dòng máu đến mô. Đồng thời, histamin làm co tế bào nội mô mao mạch,
tách sự kết gắn các tế bào nội mô làm bộc lộ màng cơ bản tạo thuận lợi cho sự thoát
dịch và protein ra ngoại bào gây phù nề, nóng, đỏ, đau. Histamin còn gây co cơ trơn
phế quản, xuất tiết niêm mạc mũi, khí phế quản, gây viêm phù nề niêm mạc và tăng
tính thấm mao mạch phổi. Trên thần kinh ngoại biên, histamin kích thích đầu mút
sợi thần kinh ngoại vi gây ngứa, đau.
+ Thông qua thụ thể H4: histamin làm thay đổi hoá hướng động một số tế bào
và sự sản xuất cytokin. Các chất đối kháng trên thụ thể H4 đang nghiên cứu có tác
dụng chống viêm invivo và có tác dụng chống hen và viêm đại tràng trên mô hình
động vật thực nghiệm.
+ Ngoài ra, histamin có tác dụng trực tiếp trên cơ tim và hệ thống tạo nhịp-
dẫn truyền làm tăng co bóp cả tâm nhĩ, tâm thất, chậm khử cực nút xoang và chậm
dẫn truyền nhĩ thất. Trên hệ tiêu hóa, histamin làm tăng tiết HCl thông qua thụ thể
H2 ở dạ dày, làm tăng bài tiết nước bọt, dịch tụy, dịch ruột và tăng nhu động ruột
thông qua thụ thể H1. Trên thần kinh trung ương, histamin gây giảm thân nhiệt, gây
mất ngủ, có thể chán ăn, tăng tiết ADH. Tác dụng này thông qua cả 2 loại thụ thể H1
và H2. Trên đáp ứng tình dục, histamin làm tăng khoái cảm tình dục ở người.
1.2.3. Eicosanoid
- Bản chất: là những acid béo không no có một vòng 5 cạnh và 2 mạch nhánh
dẫn chất từ acid prostanoic (acid arachidonic).
- Nguồn gốc: các eicosanoid có nguồn gốc từ sự chuyển hóa phospholipid
màng của hầu hết các tế bào trong cơ thể theo một trong 3 con đường:
+ Con đường cyclooxygenase (COX): con đường này sẽ dẫn đến sự hình
thành một nhóm eicosanoid là các prostaglandin (PG). Prostaglandin có hơn 20 loại,
về cơ bản được phân thành: các prostaglandin cổ điển (PGA, B, C, D, E, F, G, H),
các prostacyclin (PGI, còn gọi là PGX) và các thromboxan (TXA, TXB). Mỗi loại

100
lại gồm nhiều phân nhóm.
+ Con đường lipoxygenase: con đường này sẽ dẫn đến sự hình thành một
nhóm eicosanoid là các leucotrien (LT) và lipoxin (LX). Leukotrien có nhiều dạng
như LTB4, C4, D4, E4; lipoxin cũng có nhiều loại như LXA4, B4.
+ Con đường cytochrome P450 epoxygenase: con đường này sẽ dẫn đến sự
hình thành một nhóm eicosanoid là các epoxyeicosatrienoic (EET). EET cũng có
nhiều loại.

Phospholipid
(màng tế bào)

Phospholipase

Acid arachidonic

Lipoxygenase Cytochrome P450


(5, 8, 12, 15 LOX) epoxygenase

Cyclo oxygenase
(COX 1, 2)

Hydroperoxyeicosatetraenoic Prostaglandin Epoxyeicosatrienoic


acid (5, 8, 12, 15 HETE) endoperoxid (PGG2→PGH2) acid (EET)

PGI2 TXA2
Isomerase synthase synthase

Leucotrien Lipoxin Prostaglandin cổ điển Prostacyclin Thromboxan


(LTB,C,D,E) (LXA,B) (PGE2, F2, D2) (PGI2) (TXA, B)
)

Sơ đồ 2.19. Sơ đồ sinh tổng hợp các prostaglandin và leucotrien


- Tác dụng: các eicosanoid là những hormon địa phương có cấu trúc tương tự
nhau nhưng có hoạt tính sinh học rất khác nhau trong đáp ứng viêm, sốt, điều hòa

101
huyết áp, cầm máu, sự tăng trưởng của mô, điều hòa chu kỳ thức ngủ... Trong đáp
ứng viêm:
+ Một số prostaglandin cổ điển như prostaglandin E2 gây giãn mạch, tăng
tính thấm thành mạch; gây sốt, giảm ngưỡng cảm giác đau. Các prostaglandin còn
làm tăng ái lực của thụ thể với các chất gây đau như bradykinin.
+ Thromboxan B là chất gây hóa ứng động (chemiotaxic). Thomboxan được
giải phóng nhiều trong choáng phản vệ.
+ Leucotrien: làm tăng tính thấm thành mạch (gấp hơn nghìn lần histamin)
đồng thời gây hóa ứng động rõ rệt và kích thích các bạch cầu chế tiết nhiều enzym
thủy phân của tiêu thể gây hiện tượng viêm.
+ Lipoxin: có tác dụng kháng viêm chống lại các tác dụng của leucotrien như
ức chế hóa ứng động và làm bền màng tiêu thể.
1.2.4. Các kinin
- Bản chất: peptid.
- Nguồn gốc: kininogen là một protein tiền chất của các kinin do gan và
nhiều mô sản xuất và được hoạt hóa bởi kallikrein thành các kinin là bradykinin và
kallidin.
- Tác dụng: thụ thể của kinin là các thụ thể B1 và B2 gắn với protein G.
+ Thụ thể B1 chỉ biểu hiện khi mô bị tổn thương và được cho là có vai trò
trong đau và viêm do làm tăng nồng độ canxi nội bào. Gần đây, người ta đã chứng
minh vai trò thụ thể kinin B1 gây hóa ứng động neurophil. Ligand của thụ thể B1 là
bradykinin.
+ Thụ thể B2: gắn với Gq và Gi. Gq kích thích phospholipase C làm tăng
canxi nội bào và Gi ức chế adenylcyclase chủ yếu hoạt động và tham gia vào vai trò
giãn mạch của bradykinin. Ngoài bradykinin, ligand của thụ thể B2 còn là kallidin.
Đặc biệt, ACE (angiotensin converting enzyme) vừa là men chuyển
angiotensin I thành angiotensin II vừa là một loại kininase quan trọng làm thoái
giáng bradykinin. Do đó, ACE đóng vai trò gắn kết hệ thống RAS (renin-
angiotensin system) và hệ thống KKS (kinin-kalikrein system).

102
Hình 2.20. Liên quan giữa hệ RAS và KKS
1.2.5. Protein phản ứng C (CRP: C reactive protein)
- Bản chất: protein.
- Nguồn gốc: chủ yếu ở gan, ngoài ra còn một số mô khác như tế bào cơ trơn,
mô mỡ. CRP hình thành từ tác dụng kích thích của các cytokin trong đáp ứng viêm.
- Tác dụng: hiện nay CRP được xem là một chỉ điểm sinh học quan trọng để
đánh giá tình trạng viêm không đặc hiệu. Nghiên cứu trên thực nghiệm cho thấy
CRP có tác dụng làm tăng khả năng gắn kết kháng nguyên với kháng thể tạo điều
kiện thuận lợi cho quá trình thực bào.
1.2.6. Procalcitonin
- Bản chất: protein.
- Nguồn gốc: procalcitonin là tiền chất của hormon calcitonin ở tuyến giáp.
Tuy nhiên, trong đáp ứng viêm do vi khuẩn, procalcitonin lại được sản xuất ra từ
nhiều loại tế bào và cơ quan khác nhau như phổi, ruột, gan. Chúng được giải phóng
vào máu và có tác dụng sinh học mà không chuyển hóa thành calcitonin.
- Tác dụng: hiện nay procalcitonin được xem là một chỉ điểm sinh học đặc
hiệu để đánh giá tình trạng nhiễm khuẩn hệ thống, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm
khuẩn. Vai trò sinh lý của procalcitonin chưa được biết đầy đủ, tuy nhiên các nghiên
cứu thực nghiệm gần đây cho thấy procalcitonin có đặc tính của chất gây hóa ứng
động bạch cầu và điều hòa sự tổng hợp NO của tế bào nội mô mạch máu.
1.3. Một số hoạt chất sinh học ảnh hưởng lên tiểu cầu và cầm máu
1.3.1. Thrombopoietin
- Bản chất: glycoprotein.
- Nguồn gốc: tế bào biểu mô quanh ống thận, tế bào gan.

103
- Tác dụng:
+ Kích thích tăng sinh số lượng các mẫu tiểu cầu.
+ Kích thích tăng tốc độ trưởng thành bào tương của mẫu tiểu cầu và tốc độ
giải phóng tiểu cầu.
1.3.2. Prostacyclin (prostaglandin I2)
- Bản chất: là một loại eicosanoid thuộc gia đình prostaglandin.
- Nguồn gốc: phospholipid màng chuyển hóa theo con đường cyclo
oxygenase.
- Tác dụng: chống ngưng tập tiểu cầu.
1.3.3. Thromboxan A2
- Bản chất: là một loại eicosanoid thuộc gia đình prostaglandin.
- Nguồn gốc: phospholipid màng chuyển hóa theo con đường cyclo
oxygenase.
- Tác dụng: gây ngưng tập tiểu cầu.
2. MỘT SỐ HOẠT CHẤT SINH HỌC ẢNH HƯỞNG LÊN HỆ TIM MẠCH
2.1. Hệ thống renin - angiotensin
- Bản chất: renin là một enzym thủy phân protein. Angiotensinogen là một
protein. Angiotensin I (10 acid amin) và II (8 acid amin) là những peptid.
- Nguồn gốc: renin do tế bào của phức hợp cận cầu thận bài tiết khi dòng
máu đến thận giảm. Trong khi đó angiotensinogen là một protein lưu hành trong
máu do gan tổng hợp và bài tiết.
Renin Men chuyển
Angiotensinogen Angiotensin I Angiotensin II
(Men chuyển: coverting enzym có ở mao mạch phổi)
- Tác dụng: angiotensin II có tác dụng làm tăng huyết áp
+ Trên mạch máu: angiotensin II kích thích thần kinh giao cảm gây co tiểu
động mạch làm tăng sức cản ngoại biên. Tác dụng này xảy ra nhanh.
+ Trên thận: tác dụng xảy ra chậm hơn làm tăng tái hấp thu Na + và nước do
angiotensin II trực tiếp tác dụng lên ống thận. Ngoài ra angiotensin II còn gián tiếp
tác dụng thông qua việc kích thích vỏ thượng thận tổng hợp và bài tiết aldosteron.

104
+ Các tác dụng khác: kích thích trung tâm khát ở vùng hạ đồi gây cảm giác
khát, kích thích thùy sau tuyến yên bài tiết ADH, kích thích vùng postrema ở nền
não thất IV làm tăng trương lực mạch.
2.2. Các natriuretic peptid
Các peptid thải muối bao gồm ANP (atrial natriuretic peptide), BNP (brain
natriuretic peptide) và CNP (C-type natriuretic peptide).
- Bản chất: polypeptid (ANP: 28 acid amin, BNP: 32 acid amin và CNP: 22
acid amin)
- Nguồn gốc: ANP được tiết ra từ tâm nhĩ khi bị căng, BNP được tiết ra từ
tâm thất khi bị căng, CNP được tiết ra từ tế bào nội mô mạch máu. Ngoài ra, BNP
và CNP còn có nguồn gốc ở não.
- Tác dụng:
+ Trên thận: tăng độ lọc cầu thận, tăng đào thải natri, nước và các ion khác
như phospho, magne, canxi, kali.
+ Trên mạch máu: giãn mạch, giảm đáp ứng với các tác nhân gây co mạch.
+ Trên hệ nội tiết: ức chế tiết aldosteron, renin và ADH.
+ Trên não: giảm cảm giác khát và thèm ăn muối.
2.3. Endothelin
- Bản chất: polypeptid có 21 aicd amin.
- Nguồn gốc: tế bào nội mô mạch máu.
- Tác dụng: co mạch mạnh hơn cả angiotensin và vasopressin.
2.4. Nitric oxid (NO)
- Bản chất: NO được tạo thành từ acid amin L-arginine bởi sự xúc tác của
enzym nitric oxide synthetase (NOS).
- Nguồn gốc: tế bào nội mô mạch máu.
- Tác dụng: giãn mạch.
3. MỘT SỐ HOẠT CHẤT SINH HỌC ẢNH HƯỞNG LÊN HỆ TIÊU HÓA
3.1. Gastrin
- Bản chất: polypeptid.

105
- Nguồn gốc: niêm mạc hang vị.
- Tác dụng:
+ Bài tiết dịch tiêu hóa: dịch vị, dịch tụy (cả phần dịch và phần enzym).
+ Co cơ trơn ống tiêu hóa.
3.2. Secretin (hepatocrinin)
- Bản chất: polypeptid.
- Nguồn gốc: niêm mạc tá tràng.
- Tác dụng:
+ Bài tiết dịch tiêu hóa: dịch mật, dịch tụy (phần dịch).
+ Giãn cơ trơn ống tiêu hóa.
3.3. Cholecystokinin (pancreozymin)
- Bản chất: polypeptid.
- Nguồn gốc: niêm mạc tá tràng.
- Tác dụng:
+ Bài tiết dịch tiêu hóa: dịch tụy (phần enzym).
+ Co túi mật.
3.4. Bombesin
- Bản chất: polypeptid.
- Nguồn gốc: niêm mạc dạ dày, tá tràng. Ngoài ra: da, não, phổi.
- Tác dụng:
+ Bài tiết dịch tiêu hóa: dịch vị (HCl).
+ Co cơ trơn ruột non, túi mật.
+ Bài tiết gastrin.
3.5. Vasoactive intestinal peptid (VIP)
- Bản chất: polypeptid.
- Nguồn gốc: niêm mạc ruột. Ngoài ra: vỏ não, vùng hạ đồi.
- Tác dụng:

106
+ Ức chế bài tiết dịch tiêu hóa: dịch vị (HCl).
+ Giãn cơ trơn dạ dày, phế quản, động mạch vành, động mạch phổi.
3.6. Serotonin
- Bản chất: sản phẩm chuyển hóa của tryptophan.
- Nguồn gốc: niêm mạc ruột, dạ dày. Ngoài ra: tiểu cầu, vùng hạ đồi, tiểu
não, tủy sống, hệ viền.
- Tác dụng: co cơ trơn gây co mạch tham gia vào cơ chế cầm máu, co phế
quản, tăng nhu động ruột.
4. CÁC HOẠT CHẤT SINH HỌC ẢNH HƯỞNG LÊN XƯƠNG
4.1. Vitamin D3
Vitamin D3 là một cholecalciferol.
- Bản chất: steroid.
- Nguồn gốc: cholecalciferol được tạo ra ở da dưới tác dụng của tia cực tím.
Ở gan, cholecalciferol được chuyển thành 25-hydroxy-cholecalciferol. Ở thận, 25-
hydroxy-cholecalciferol được chuyển thành 1,25-dihydroxy-cholecalciferol.
- Tác dụng: 1,25-dihydroxy-cholecalciferol có hoạt tính sinh học mạnh nhất
làm tăng Ca2+ và phosphat máu.
+ Trên ruột: tăng hấp thu Ca2+ và phosphat do tăng tạo protein vận chuyển
Ca2+, tăng tạo men Ca2+ - ATPase, tăng tạo men phosphatase kiềm.
+ Trên xương: tăng tác dụng của PTH trên xương hơn là khi PTH tác dụng
một mình dẫn đến tiêu xương.
+ Trên thận: tăng tái hấp thu Ca2+ và phosphat.
4.2. Các protein non-collagen trong xương
- Bản chất: protein.
- Nguồn gốc: tạo cốt bào, nguyên bào sợi.
- Tác dụng: có 4 nhóm protein non-collagen trong mô xương
+ Nhóm protein gắn với tế bào: có bốn loại là fibronectin, thrombospontin,
osteopontin và bone sialoprotein. Vai trò của nhóm này là giúp các tế bào gắn vào
mô xương và thực hiện chức năng.

107
+ Nhóm proteoglycan: có hai loại là heparan sulfat và chondroitin sulfat
proteoglycan. Heparan sulfat proteoglycan bám trên màng tạo cốt bào giúp nó kết
nối với các protein gắn tế bào hoặc tương tác với những yếu tố tăng trưởng.
Chondroitin sulfat proteoglycan bám vào sợi collagen có vai trò điều hòa tổng hợp
collagen và tạo hàng rào ngăn sự xâm nhập của tác nhân lạ.
+ Nhóm gama-carboxylated (gla) protein: có hai loại là osteocalcin (bone gla
protein) và matrix gla protein. Matrix gla protein có chức năng chưa rõ trong khi
osteocalcin được cho rằng có vai trò ngăn cản không cho sự khoáng hóa mô dạng
xương xảy ra quá sớm.
+ Nhóm các yếu tố tăng trưởng: có nhiều loại như TGF, IGF-1 tác động đến
chu kỳ sống và chức năng của tạo cốt bào.
5. MỘT SỐ HOẠT CHẤT SINH HỌC KHÁC
5.1. Leptin và adiponectin
- Bản chất: polypeptid.
- Nguồn gốc: các tế bào mỡ trong mô mỡ.
- Tác dụng:
+ Leptin điều hòa đường huyết thông qua hai con đường là kiểm soát sự
ngon miệng và tích trữ năng lượng.
+ Adiponectin: làm tăng độ nhạy cảm của insulin và kháng viêm. Ngoài ra,
adiponectin còn có tác dụng chống xơ vữa động mạch do ức chế sự xuyên mạch của
bạch cầu mono, ức chế sự chuyển đại thực bào thành tế bào bọt và giảm tăng sinh tế
bào cơ trơn do đáp ứng với yếu tố tăng trưởng.
5.2. Một số hoạt chất sinh học liên quan đến hiện tượng chết theo chương trình
của các tế bào
- Các hoạt chất sinh học ức chế hiện tượng chế theo chương trình của các tế
bào: testosterone, estrogen, progesterone, growth factors (EGF, IGF-I, NGF,
PDGF), interleukins, growth hormon, prolactin, gonadotrophin.
- Các hoạt chất sinh học kích thích hiện tượng chế theo chương trình của tế
bào: glucocorticoids, transforming growth factor-b, tumour necrosis factor, fas
ligand.
Câu hỏi lượng giá:
1. Lập bảng so sánh đặc điểm của các hoạt chất sinh học tan trong nước và dầu

108
2. Lập sơ đồ tám tắt hệ thống tác dụng của các trục nội tiết.
3. Trên cơ sở tác dụng của T3-T4, suy luận những ảnh hưởng có thể xảy ra khi tăng
tiết hoặc giảm tiết T3-T4.
4. Lạm dụng thuốc Corticoid có thể gây những hậu quả gì ?
5. Hệ thống hóa bằng sơ đồ hiện tượng viêm và những hoạt chất sinh học tham gia
vào quá trình này.
6. Dịch và thành phần trong ngăn tương.
dịch của cơ thể: c. Tăng áp suất thủy tĩnh trong mao
a. Về mặt khối lượng, chất điện giải mạch.
chiếm ưu thế trong huyết tương. d. Kết hợp ba yếu tố trên .
b. Dịch nội bào chiếm 1/3 tổng lượng 9. Đáp ứng nào sau đây của cơ thể khi
dịch của cơ thể. giảm thể tích dịch ngoại bào?
c. Dịch nội bào chứa nhiều oxy, a. Ức chế trung khu khát.
glucose, các amino acid.
b. Hậu yên giảm tiết ADH.
d. Ion Na+ chiếm ưu thế ở ngăn ngoại
bào. c. Thận giảm lượng nước tiểu bài
xuất.
7. CHỌN CÂU SAI. Chức năng của
hệ thống bạch huyết: d. Vỏ thượng thận giảm bài tiết
Aldosteron.
a. Vận chuyển mỡ được hấp thu vào
tuần hoàn máu. 10. Cân bằng thể tích dịch ngoại bào
trong cơ thể:
b. Là con đường bạch cầu lymphocyte
tái tuần hoàn máu. a. Do vai trò của Renin.

c. Vận chuyển một lượng protein và b. Qua cơ chế khát.


dịch từ dịch kẽ trở lại hệ thống tuần c. ADH tham gia điều hòa.
hoàn. d. Kiểm soát cân bằng Na+ là cơ chế
d. Tham gia điều hoà thể tích và áp chính đề cân bằng thể tích dịch ngoại
suất máu. bào.
8. Phù trong bệnh suy tim có thể do 11. Angiotensin II có tác dụng sau,
yếu tố nào sau đây: NGOẠI TRỪ:
a. Giảm áp suất thủy tĩnh trong mô kẽ. a. Gây co tiểu động mạch mạnh.
b. Giảm áp suất keo trong huyết b. Kích thích lớp cầu vỏ thượng thận

109
bài tiết aldosteron. b. Hormon tan được trong dầu và có
c. Kích thích bài tiết acetylcholin. thụ thể nằm trong tế bào.

d. Kích thích bài tiết ADH. c. Hormon tan được trong nước và có
thụ thể nằm trên màng tế bào.
12. ANP (Atrial Natriuretic Peptid)
trong điều hòa thể tích dịch ngọai d. Hormon tan được trong dầu và có
bào: thụ thể nằm trên màng tế bào.

a. Được tăng tiết khi tăng thể tích dịch 16. Chất nào sau đây không phải là
ngoại bào. chất truyền tin thứ hai:

b. Kích thích vỏ thượng thận tiết a. cAMP và cGMP.


Aldosteron. b. Ca2+-calmodulin.
c. Làm giảm lọc ở cầu thận. c. PIP2 (phosphatidyl inositol 4,5-
d. Làm thận giảm bài tiết Na+, nước. diphosphate).

13. Các hệ thống đệm chính trong d. Inositol triphosphat và


hoạt động điều hòa thăng bằng toa diacylglycerol.
kiềm: 17. Tuyến nội tiết sau không được
a. Hệ đệm bicarbonat. điều hòa bài tiết theo trục vùng hạ
b. Hệ đệm photphat. đồi-tuyến yên:
c. Hệ đệm Hemoglobinat/ a. Tuyến giáp.
Hemoglobin. b. Tuyến cận giáp và tuyến tụy.
d. Tất cả đều đúng.
c. Vỏ thượng thận.
14. Điểm khác biệt giữa hormon địa
phương và hormon chung là: d. Tuyến sinh dục nam và nữ.

a. Bản chất hóa học lipid và protein. 18. Hormon kích thích tổng hợp và
bài tiết TSH:
b. Vị trí thụ thể trên màng bào. tương
và trong tế bào. a. GHRH.

c. Nguồn gốc và dịch phân phối. b. TRH.

d. Cơ chế tác dụng. c. CRH.

15. Đặc điểm của hormon tác dụng d. GnRH.


theo cơ chế chất truyền tin thứ II: 19. Các hormon sau là hormon ức chế
a. Hormon tan được trong nước và có của vùng hạ đồi:
thụ thể nằm trong tế bào. a. GHRH, GnRH.

110
b. TRH, CRH. 23. Hormon có vai trò gây co tử cung
c. GHIH, PIH. kích thích chuyển dạ:

d. ADH và oxytocin. a. FSH.

20. Dưới tác dụng của GH, cơ thể tạo b. LH.


năng lượng chủ yếu từ: c. Prolactin.
a. Glucid. d.Oxytocin.
b. Protid. 24. Kết quả xét nghiệm trong ưu năng
c. Lipid. tuyến giáp nguyên phát:

d. Tất cả đều sai. a. Tăng T3-T4, tăng TSH.

21. Các mô đích của ACTH, ngoại b. Tăng T3-T4, giảm TSH.
trừ: c. Giảm T3-T4, tăng TSH.
a. Lớp bó, lớp lưới của tuyến thượng d. Giảm T3-T4, giảm TSH.
thận. 25. Triệu chứng sau của một người
b. Tế bào hắc tố. cường giáp không phải do T3-T4 trực
c. Não. tiếp gây ra:

d. Tuyến sinh dục. a. Nóng, sợ nóng.

22. Tuyến sữa chịu tác dụng trực tiếp b. Nhịp tim nhanh.
của những hormon sau, ngoại trừ: c. Run tay.
a. Estrogen và progesteron. d. Mắt lồi.
b. Prolactin và oxytocin.
c. GH và HCS.
d. ADH và ACTH.

111
CHƯƠNG III
SINH LÝ ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ THỂ
BẰNG CƠ CHẾ THẦN KINH
Hệ thần kinh thực hiện chức năng điều hòa hoạt động cơ thể thông qua việc
chi phối các cơ. Có hai cách phân chia hệ thần kinh, về mặt giải phẫu có thể chia
thành thần kinh trung ương (não và tủy sống) và thần kinh ngoại biên (các dây thần
kinh sọ não và dây thần kinh tủy sống); và về mặt chức năng có thể chia thành thần
kinh động vật (chi phối cơ vân) và thần kinh thực vật hay thần kinh tự chủ (chi phối
cơ trơn và cơ tim). Trong quá trình hoạt động, hệ thần kinh đón nhận thông tin từ
bên ngoài đưa vào (hệ cảm giác), xử lý thông tin và ra quyết định (trung tâm thần
kinh), truyền dẫn tín hiệu đến chi phối các cơ (hệ vận động). Các trung tâm thần
kinh có màu xám định vị ở thần kinh trung ương sẽ hoạt động phân tích, tổng hợp
một cách có ý thức (tùy ý) nếu nằm ở vỏ não và không ý thức (không tùy ý) nếu
nằm dưới vỏ não. Như vậy các trung tâm thần kinh hoạt động theo nhiều cấp độ
khác nhau, cấp thấp nhất là ở tủy sống và cao nhất là ở vỏ não.

SINH LÝ NƠRON VÀ SYNAP


Mục tiêu
1. Xác định được đặc điểm cấu tạo chức năng và các yếu tố ảnh hưởng lên sự hưng
phấn của nơron.
2. Trình bày được đặc điểm của sự dẫn truyền xung động trên sợi trục nơron.
3. Phân tích được cơ chế và đặc điểm dẫn truyền xung động qua synap.
4. Phân biệt được chất truyền đạt thần kinh phân tử nhỏ và lớn
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG
1.1. Nơron
Nơron vừa là đơn vị cấu trúc vừa là đơn vị chức năng của hệ thần kinh.
Nơron có nhiều hình dạng và kích thước khác nhau nhưng đều gồm 3 phần chính:
- Đuôi gai: là những tua bào tương ngắn, phân nhánh. Mỗi nơron có nhiều
đuôi gai trừ nơron hạch gai chỉ có 1 đuôi gai và đuôi gai này rất dài. Đuôi gai đóng
vai trò tiếp nhận thông tin nên có nhiều thụ thể trên màng.

112
Hình 3.1. Nơron và synap
- Thân nơron: có chứa nhân, nhiều tơ thần kinh và ty thể. Đặc biệt thân nơron
cũng chứa nhiều thể Nissl (mRNA) làm cho nó có màu xám. Thân là nơi xử lý
thông tin của nơron. Tập hợp các thân nơron ở hệ thần kinh trung ương tạo thành
các nhân xám (trong những trường hợp đặc biệt có thể dùng các thuật ngữ khác như
vỏ, thể gối, củ não, cấu tạo lưới, sừng của tủy sống), đây chính là các trung tâm
phản xạ. Tập hợp các thân nơron ở hệ thần kinh ngoại biên gọi là các hạch thần kinh
tham gia vào dẫn truyền xung động.
- Sợi trục: là tua bào tương dài, vị trí chuyển tiếp từ thân tế bào thần kinh
thành sợi trục gọi là ‘gò sợi trục’, đây là nơi điện thế hoạt động được tạo thành để
bắt đầu dẫn truyền tín hiệu trên suốt chiều dài sợi trục.Đầu tận cùng của sợi trục
phân nhánh gọi là nhánh tận cùng kết thúc bằng các cúc tận cùng;. Trong cúc tận
cùng có nhiều túi nhỏ chứa chất truyền đạt thần kinh. Trong sợi trục cũng có nhiều
tơ thần kinh và ty thể. Bao quanh sợi trục là tế bào Schwann cuộn thành nhiều lớp,
khoảng cách giữa các tế bào Schwann là eo Ranvier. Sợi trục đóng vai trò dẫn
truyền xung động thần kinh. Tập hợp các sợi trục ở hệ thần kinh trung ương trong
một đường dẫn truyền gọi là bó, tập hợp các sợi trục và đuôi gai của nơron hạch gai
ở hệ thần kinh ngoại biên tạo thành các dây thần kinh. Có hai loại sợi trục về mặt
cấu trúc:
+ Sợi có myelin (sợi trắng): giữa các lớp cuộn tế bào Schwann có chất

113
myelin cách điện.
+ Sợi không có myelin (sợi xám): không có myelin giữa các lớp cuộn của tế
bào Schwann.
1.2. Các tế bào thần kinh đệm (Glial Cells)
Chiếm thể tích lớn trong não bộ, có chức năng hỗ trợ hoạt động cho các tế bào
thần kinh. Một số loại tế bào thần kinh đệm ở cấu trúc não người trưởng thành có
các đặc tính của tế bào gốc dòng thần kinh, do đó chúng có khả năng biệt hóa ra các
tế bào thần kinh đệm mới hoặc biệt hóa thành các tế bào thần kinh.
Một số loại tế bào thần kinh đệm như
- Astrocytes: tham gia vào quá trình trao đổi chất, cung cấp một số chất
dinh dưỡng, tổng hợp các chất dẫn truyền của tế bào thần kinh; giúp điều chỉnh
lượng máu lưu thông trong não, duy trì nồng độ Kali ngoại bào.
- Oligodendrocytes: Tổng hợp mylein trong hệ thần kinh trung ương
- Schwann cells: Tổng hợp myelin trong hệ thần kinh ngoại biên
- Microglial cells: Xuất hiện nhiều sau chấn thương thần kinh, có chức năng
tìm kiếm để loại bỏ các mảnh vỡ của tế bào thần kinh.
1.3. Synap
Synap là "khớp" giữa nơron này với một nơron khác hoặc với tế bào đáp
ứng (tế bào cơ). Một số rất ít là synap điện còn lại đa phần là synap hóa học với 3
phần:
- Màng trước synap: màng các cúc tận cùng. Trong màng trước synap có chất
truyền đạt thần kinh.
- Khe synap: khoảng giữa 2 màng.
- Màng sau synap: màng của đuôi gai hoặc thân nơron tiếp theo hay màng
của tế bào đáp ứng. Trên màng sau synap có các thụ thể.
2. HOẠT ĐỘNG CỦA NƠRON
2.1. Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin của nơron
Trên màng đuôi gai, thân và thậm chí có khi màng sợi trục của nơron có các
thụ thể tiếp nhận các kích thích khác nhau. Sau khi tiếp nhận thông tin, thân nơron
có nhiệm vụ xử lý và mã hóa các tín hiệu thành các xung động thần kinh.
- Khả năng hưng phấn của nơron rất cao với 3 đặc điểm:

114
+ Ngưỡng kích thích rất thấp: chỉ cần kích thích với cường độ rất thấp.
+ Hoạt tính chức năng cao (thời gian trơ rất ngắn): có khả năng đáp ứng với
các kích thích nhịp nhàng tần số cao.
+ Khi nơron hưng phấn chuyển hóa của nơron tăng: nhu cầu O2 tăng, sản
xuất NH2, acetylcholin, glutamat, nhiệt… tăng.
- Các yếu tố ảnh hưởng lên tính hưng phấn của nơron:
+ Ảnh hưởng của pH: nhiễm kiềm làm tăng tính hưng phấn của nơron có thể
gây co giật, động kinh; nhiễm toan làm giảm tính hưng phấn của nơron có thể gây
hôn mê.
+ Ảnh hưởng của oxy: thiếu oxy, nơron sẽ ngừng hưng phấn và gây mất tri
giác sau 3-5 giây.
+ Ảnh hưởng của thuốc: thuốc làm tăng tính hưng phấn do làm giảm ngưỡng
kích thích như cafein, theophillin, theobromin; thuốc làm tăng tính hưng phấn do ức
chế các chất truyền đạt ức chế như strychnine; thuốc làm giảm tính hưng phấn do
làm tăng ngưỡng kích thích như thuốc tê, thuốc mê.
2.2. Hoạt động dẫn truyền xung động trên sợi trục của nơron
2.2.1. Hoạt động dẫn truyền xung động trên một sợi trục
* Đặc điểm dẫn truyền xung động trên sợi trục:
- Xung động thần kinh chỉ được dẫn truyền trên nơron còn nguyên vẹn dưới
dạng điện thế hoạt động theo cả hai chiều. Do vậy, khi điện thế hoạt động xuất hiện
tại một điểm bất kỳ nào đó trên màng nơron thì quá trình khử cực sẽ lan ra toàn bộ
màng. 2 kiểu dẫn truyền:
+ Dẫn truyền trên sợi không có myelin: điện thế hoạt động lan dần sang các
điểm lân cận.
+ Dẫn truyền trên sợi có myelin: điện thế hoạt động lan truyền theo kiểu
“nhảy cách” qua các eo Ranvier. Do đó kiểu dẫn truyền này có tốc độ nhanh hơn
dẫn truyền trên sợi không có myelin và tiết kiệm năng lượng cho nơron.
- Tuân theo quy luật “tất cả hoặc không”: kích thích dưới ngưỡng thì không
đáp ứng; kích thích bằng hoặc trên ngưỡng thì đáp ứng tối đa về mặt biên độ. Tuy
nhiên kích thích càng mạnh thì tần số xung động sẽ càng cao.
- Tốc độ dẫn truyền tỷ lệ thuận với đường kính sợi trục.

115
* Phân loại sợi trục về mặt chức năng:
Bảng 3.1. Phân loại sợi trục

Loại sợi Chức năng Đường kính (m) Tốc độ dẫn


truyền (m/s)
Sợi cảm giác suốt cơ, thị giác, sợi
A 15 70-120
vận động cơ vân
A Sợi truyền xúc giác (da) 8 30-70
A Sợi vận động ở suốt cơ 5 15-30
Sợi truyền cảm giác nhiệt và đau
A 3 12-30
“nhanh” (da)
B Sợi tiền hạch giao cảm 3 3-15
Sợi truyền cảm giác đau “chậm”, sợi 1
C hậu hạch giao cảm 0,5-2
(không myelin)

2.2.2. Hoạt động dẫn truyền xung động trong một bó sợi trục
Dây thần kinh ở ngoại biên cũng như các đường dẫn truyền trong hệ thần
kinh trung ương không phải là một sợi trục mà là một bó gồm nhiều sợi trục có và
không có myelin. Sự dẫn truyền xung động xảy ra trên từng sợi không lan tỏa sang
các sợi khác do đó thông tin được đảm bảo dẫn truyền chính xác đến đích.
3. HOẠT ĐỘNG DẪN TRUYỀN XUNG ĐỘNG QUA SYNAP
3.1. Cơ chế dẫn truyền xung động qua synap
Xung động chỉ được dẫn truyền theo một chiều từ màng trước synap đến
màng sau synap theo cơ chế:
- Cơ chế trước synap: khi điện thế hoạt động lan đến cúc tận cùng sẽ làm mở
cổng kênh Ca2+. Ca2+ đi vào trong cúc đến gắn lên các túi nhỏ chứa chất truyền đạt
thần kinh gọi là túi synap, làm các túi này di chuyển đến hoà màng vào màng cúc
tận cùng và giải phóng chất truyền đạt thần kinh vào khe synap. Các túi synap có
thể được tái sử dụng cho lần giải phóng tiếp theo.
- Cơ chế sau synap: chất truyền đạt thần kinh đến gắn vào thụ thể đặc hiệu ở
màng sau synap. Tùy theo tính chất có thể gây hưng phấn hoặc ức chế ở màng sau
synap. Có hai loại thụ thể:
+ Thụ thể kênh có 3 loại: kênh Na+ gây hưng phấn, kênh K+ và kênh Cl- gây
ức chế.
+ Thụ thể enzym gây 3 hiệu ứng: chuyển hóa tạo ra cAMP dẫn đến kích

116
thích nhiều hoạt động tế bào, hoạt hóa hệ thống gen làm tăng tổng hợp thụ thể, hoạt
hóa proteinkinase làm giảm số lượng thụ thể màng.

Hình 3.2. Cơ chế dẫn truyền xung động qua synap


- Cơ chế chấm dứt dẫn truyền: xung động dẫn truyền qua synap sẽ dừng lại
khi xảy ra một trong 3 hiện tượng sau:
+ Chất truyền đạt thần kinh khuếch tán ra mô xung quanh.
+ Chất truyền đạt thần kinh bị enzym phân hủy.
+ Chất truyền đạt thần kinh được tái sử dụng.
3.2. Các chất truyền đạt thần kinh
Có khoảng trên 40 loại chất truyền đạt thần kinh, chia 2 nhóm:
3.2.1. Nhóm có phân tử nhỏ
- Mỗi nơron chỉ tổng hợp và giải phóng một chất.
- Túi synap chứa chất truyền đạt thần kinh được tái sử dụng.
- Tác dụng nhanh và ngắn.
- Chuyển hóa theo 3 cách
+ Khuếch tán ra khỏi khe synap vào các dịch xung quanh.
+ Phân hủy tại khe synap dưới tác dụng của enzym.
+ Vận chuyển tích cực trở lại cúc tận cùng và được tái sử dụng.
- Một số chất điển hình:

117
+ Acetylcholin: bài tiết bởi nhiều vùng của não như tế bào tháp lớn, các nhân
nền não, nơron chi phối cơ vân, sợi tiền hạch giao cảm và phó giao cảm, sợi hậu
hạch phó giao cảm… Tác dụng kích thích trừ ở tận cùng phó giao cảm lại thường có
tác dụng ức chế.
+ Noradrenalin: bài tiết bởi các nơron nằm trong não, vùng hạ đồi và sợi hậu
hạch giao cảm. Tác dụng kích thích hoặc ức chế.
+ Dopamin: bài tiết bởi các nơron vùng chất đen và các nhân nền não. Tác
dụng ức chế.
+ Acid gamma amino butyric (GABA): bài tiết ở tủy sống, tiểu não, nhân
nền và nhiều vùng của vỏ não. Tác dụng ức chế.
+ Serotonin: bài tiết ở các nhân của não giữa, sừng sau tủy sống và vùng hạ
đồi. Tác dụng ức chế đường dẫn truyền đau ở tủy sống, có vai trò trong hoạt động
xúc cảm và gây ngủ.
3.2.2. Nhóm có phân tử lớn
- Bản chất là peptid nên được gọi là pepetid thần kinh. Mỗi nơron có thể tổng
hợp và bài tiết một hay nhiều peptid não.
- Túi synap chứa chất truyền đạt thần kinh không được tái sử dụng.
- Tác dụng chậm, kéo dài.
- Chuyển hóa: khuếch tán ra các mô xung quanh rồi bị phá hủy bởi enzym.
- Một số chất điển hình: encephalin, endorphin (chất giảm đau nội sinh), chất
P (dẫn truyền cảm giác đau), vasopressin, neurotensin, gastrin, ACTH…
3.3. Một số đặc điểm của dẫn truyền xung động qua synap
3.3.1. Hiện tượng cộng kích thích sau synap
- Cộng kích thích trong không gian: nhiều cúc tận cùng cùng giải phóng chất
truyền đạt thần kinh thì điện thế sau synap sẽ là tổng đại số của các điện thế tác
động lên nó cùng lúc.
+ Cộng đồng thời các điện thế kích thích: nếu một cúc tận cùng giải phóng
chất truyền đạt thần kinh thì chỉ đủ tạo ra điện thế kích thích sau synap là 0,5-1mV,
trong khi cần 10-20mV mới đạt tới ngưỡng kích thích. Do vậy thường cần nhiều
cúc tận cùng giải phóng chất truyền đạt cùng lúc và tác dụng của chúng là tác dụng
cộng gộp.
+ Cộng đồng thời điện thế kích thích và điện thế ức chế: tác dụng của chúng

118
sẽ triệt tiêu nhau một phần hay hoàn toàn tùy theo cường độ.
- Cộng kích thích theo thời gian: cúc tận cùng giải phóng chất truyền đạt thần
kinh liên tiếp nhau và đủ nhanh thì điện thế sau synap sẽ là tổng đại số của các điện
thế tác động lên nó theo thời gian.
3.3.2. Hiện tượng mỏi synap
Khả năng dẫn truyền xung động qua synap sẽ giảm dần khi nơron trước
synap bị kích thích liên tục với tần số cao. Cơ chế:
- Cạn chất truyền đạt thần kinh dự trữ ở cúc tận cùng.
- Bất hoạt dần các thụ thể ở màng sau synap.
- Chậm tái hấp thu Ca2+ vào màng sau synap làm mở kênh K+ gây hiệu ứng
ức chế.
3.3.3. Hiện tượng chậm synap
Thời gian để xung động được dẫn truyền qua synap là thời gian chậm synap,
tối thiểu khoảng 0,5 giây. Thời gian này bao gồm:
- Thời gian giải phóng chất truyền đạt thần kinh ở màng trước synap.
- Thời gian khuếch tán chất truyền đạt thần kinh qua khe synap.
- Thời gian chất truyền đạt thần kinh gây tác động lên màng sau synap.
3.3.4. Hiện tượng phân kỳ và hội tụ
Mạng lưới synap rất phức tạp chứ không phải là nơi tiếp hợp của một cúc tận
cùng với một nơron. Xung động đi qua mạng lưới synap sẽ theo một trong hai lối:
- Dẫn truyền theo lối phân kỳ: khi tín hiệu thần kinh vào một tập hợp nơron
gây hưng phấn một lượng lớn hơn rất nhiều các sợi ra khỏi tập hợp.
+ Phân kỳ khuếch đại: trên đường dẫn truyền, cứ qua mỗi chặng thì số nơron
bị kích kích lại nhiều lên. Ví dụ: một tế bào tháp trên vỏ não có thể kích thích
10.000 sợi cơ vân.
+ Phân kỳ thành nhiều đường hơn: từ một tập hợp nơron xung động được
dẫn truyền ra theo nhiều hướng khác nhau. Ví dụ: đường dẫn truyền cảm giác đi lên
nhiều vùng của não như đồi thị, cấu tạo lưới, tiểu não...
- Dẫn truyền theo lối hội tụ: khi tín hiệu thần kinh từ nhiều nhánh tận cùng
tới chỉ kích thích một nơron. Đây là cơ sở của hiện tượng cộng kích thích.
+ Hội tụ nhiều nhánh tận cùng của một nơron: nhiều cúc tận cùng của một

119
nơron cùng tạo synap với một nơron khác.
+ Hội tụ nhiều nhánh tận cùng của nhiều nơron: nhiều cúc tận cùng của
nhiều nơron khác nhau cùng tạo synap với một nơron. Ví dụ: nơron trung gian nhận
tín hiệu từ các sợi ngoại vi, sợi liên đốt tủy, sợi từ não; sau đó nhiều nơron trung
gian lại hội tụ trên nơron vận động của sừng trước tủy sống.

120
SINH LÝ HỆ THẦN KINH CẢM GIÁC
Mục tiêu:
1. Trình bày được các thành phần của hệ thần kinh cảm giác
2. Phân tích được các thành phần của 3 loại cảm giác nông và 2 loại cảm giác
sâu.
3. Phân tích được các thành phần của các cảm giác giác quan: thị giác, thính
giác, khứu giác, vị giác.
4. Giải thích được vai trò của hệ lưới hoạt hóa truyền lên trong cảm giác.

Các thành phần của hệ thần kinh cảm giác bao gồm:
- Bộ phận nhận cảm (thụ thể).
- Đường dẫn truyền hướng tâm (dẫn truyền xung động cảm giác).
- Trung tâm xử lý thông tin (chất xám ở thần kinh trung ương).
Phân loại cảm giác: cảm giác nông, cảm giác sâu và cảm giác giác quan.
1. CẢM GIÁC NÔNG
Cảm giác nông là các cảm giác có thụ thể nằm ở da, bao gồm: cảm giác xúc
giác, cảm giác nhiệt và cảm giác đau.
1.1. Cảm giác xúc giác
1.1.1. Thụ thể xúc giác
Kích thích gây cảm giác xúc giác là những kích thích cơ học trên da như va
chạm, áp suất, rung động (tín hiệu kích thích lặp đi lặp lại nhanh).
- Các loại thụ thể xúc giác:
+ Đầu dây thần kinh tự do.
+ Tiểu thể Meissner ở đỉnh các gai da.
+ Đĩa Merkel nhóm lại thành thể Iggo ở dưới lớp biểu bì da.
+ Tận cùng có myelin và không myelin ở chân lông.
+ Tiểu thể Pacini.
- Phân bố thụ thể xúc giác: nhiều ở đầu ngón tay, đầu lưỡi, môi, đầu mũi, mặt
dưới ngón chân cái. Có ít ở phần trên đùi, mặt trước cẳng tay, mặt trong cẳng chân,

121
cổ và phần da che xương.
- Độ nhậy cảm của thụ thể xúc giác thay đổi theo cá thể, tập luyện. Ví dụ:
người mù xúc giác phát triển, khi mệt xúc giác giảm.
1.1.2. Dẫn truyền cảm giác xúc giác
* Chặng thứ nhất: dẫn truyền từ thụ thể vào tủy sống
- Nơron thứ nhất (noron của hạch gai): có thân nằm ở hạch gai cạnh tủy
sống. Sợi trục theo rễ sau dây thần kinh tủy vào sừng sau tủy sống.
- Loại sợi dẫn truyền:
+ Loại sợi A có myelin: dẫn truyền nhanh cảm giác xúc giác tinh tế giúp
xác định chính xác vị trí, cường độ và sự thay đổi của kích thích.
+ Loại sợi C không có myelin: dẫn truyền chậm cảm giác xúc giác thô sơ
như áp suất lên toàn thân, ngứa…
* Chặng thứ hai: dẫn truyền từ tủy sống lên đồi thị
Dẫn truyền theo hai bó: gai thị sau và gai thị trước
- Bó gai thị sau: sợi to, có myelin, dẫn truyền nhanh cảm giác xúc giác tinh
tế. Đường dẫn truyền:
+ Nơron thứ nhất: sợi trục từ ngoại biên vào đến sừng sau tủy sống sẽ đi
thẳng lên theo cột trắng sau và tận cùng ở nhân thon và nhân chêm hành não.
+ Nơron thứ hai: thân nằm ở nhân thon và nhân chêm hành não, sợi trục bắt
chéo sang bên kia và tận cùng ở nhân bụng sau của đồi thị đối bên. Chỗ bắt chéo tạo
thành dải Reil.
Trên đường đi bó này nhận thêm các sợi cảm giác xúc giác vùng đầu mặt của
dây V.
- Bó gai thị trước: sợi nhỏ, không có myelin, dẫn truyền chậm cảm giác xúc
giác thô sơ. Đường dẫn truyền:
+ Nơron thứ nhất: sợi trục từ ngoại biên vào tận cùng ở sừng sau tủy sống.
+ Nơron thứ hai: thân nằm ở sừng sau tủy sống, sợi trục bắt chéo sang bên
kia và đi thẳng lên theo cột trắng trước bên tận cùng ở đồi thị đối bên.

122
Hình 3.3. Dẫn truyền cảm giác xúc giác
* Chặng thứ ba: dẫn truyền từ đồi thị lên vỏ não
Nơron thứ ba: thân nằm ở đồi thị, sợi trục tận cùng ở thùy đỉnh của vỏ não.
1.1.3. Trung tâm xúc giác ở vỏ não
Vỏ não cảm giác xúc giác nằm ở thùy đỉnh, gồm hai vùng:
- Vùng cảm giác thân thể I: nhận các thông tin về cảm giác từng phần cơ thể
theo các hình chiếu tương ứng, đặc điểm:
+ Diện tích hình chiếu của một phần tỷ lệ thuận với số lượng thụ thể có trên
phần đó.
+ Hình chiếu của các phần cơ thể lộn ngược: hình chiếu của đầu nằm thấp,
phía ngoài; còn phần chi dưới lại nằm cao, phía trong.
Tổn thương vùng này: bệnh nhân không cảm nhận được sự thay đổi áp suất
lên cơ thể, không đánh giá đúng trọng lượng của vật, không nhận biết được hình
dạng của vật và tính chất bề mặt của vật. Bệnh nhân vẫn nhận cảm được nhiệt và
đau nhưng không nhận cảm được chính xác tính chất, cường độ và nhất là vị trí của
2 cảm giác đó.
- Vùng cảm giác thân thể II: nhận các thông tin đến từ vùng I, vai trò chưa
rõ.

123
1.2. Cảm giác nhiệt
1.2.1. Thụ thể nhiệt
Kích thích gây cảm giác nhiệt là những kích thích lạnh hay nóng tùy mức độ.
- Các loại thụ thể nhiệt:
+ Thụ thể nhận cảm nóng (tiểu thể Ruffini): là các tiểu thể có vỏ bọc, bên
trong có các sợi có myelin. Ngừng hoạt động khi nhiệt độ thấp hơn 20-250C, hoạt
động mạnh ở 38-430C và giới hạn cao nhất là 45-470C.
+ Thụ thể nhận cảm lạnh (tiểu thể Knauss): bắt đầu được kích thích ở 10-
15 C, khoảng 240C bắt đầu giảm kích thích và mất hẳn ở nhiệt độ trên 400C.
0

- Phân bố thụ thể nhiệt: nằm ở lớp nông của da, tách xa nhau, mỗi thụ thể chi
phối 1 vùng khoảng 1mm. Gây cảm giác nhiệt nhờ hiện tượng cộng kích thích. Thụ
thể lạnh nhiều gấp 3-10 lần thụ thể nóng và nằm ở nông hơn. Thụ thể nhiệt có nhiều
ở môi kế tiếp là ngón tay và ít trên thân mình.
- Thụ thể nhiệt nhất là thụ thể lạnh có tính thích nghi rất nhanh nhưng không
hoàn toàn.
1.2.2. Dẫn truyền cảm giác nhiệt
* Chặng thứ nhất: dẫn truyền từ thụ thể vào tủy sống
- Nơron thứ nhất (noron của hạch gai): có thân nằm ở hạch gai cạnh tủy
sống. Sợi trục theo rễ sau dây thần kinh tủy đến tận cùng ở sừng sau tủy sống.
- Loại sợi dẫn truyền:
+ Loại sợi A có myelin: dẫn truyền nhanh cảm giác lạnh.
+ Loại sợi C không có myelin: dẫn truyền chậm cảm giác nóng.
* Chặng thứ hai: dẫn truyền từ tủy sống lên thân não và đồi thị
Nơron thứ hai: thân nằm ở sừng sau tủy sống, sợi trục bắt chéo sang bên kia
và đi thẳng lên theo bó gai-thị trước đến tận cùng ở chất lưới thân não và phức hợp
bụng-nền của đồi thị.
* Chặng thứ ba: dẫn truyền từ đồi thị lên vỏ não
Nơron thứ ba: thân nằm ở đồi thị, sợi trục tận cùng ở thùy đỉnh của vỏ não.
1.2.3. Trung tâm cảm giác nhiệt ở vỏ não
Vỏ não cảm giác nhiệt nằm ở thùy đỉnh, tại đây có những nơron nhận cảm
đặc hiệu với nóng, lạnh cho từng vùng riêng của cơ thể.

124
Tổn thương vùng này: bệnh nhân không cảm nhận được nhiệt độ.
1.3. Cảm giác đau
1.3.1. Thụ thể đau
Kích thích gây cảm giác đau là những kích thích cơ học mạnh, kích thích
nhiệt quá nóng hoặc quá lạnh, kích thích hóa học như bradykinin, serotonin,
histamin, acetylcholin, acid, ion K+…
- Thụ thể đau: đầu tự do của dây thần kinh.
- Phân bố thụ thể đau:
+ Lớp nông của da.
+ Mô bên trong: màng xương, thành động mạch, mặt khớp, màng não, thành
các tạng có ít thụ thể đau nhưng gây được cảm giác đau nhờ hiện tượng cộng kích
thích. Những thụ thể đau này thường không có đường dẫn truyền riêng mà phải
mượn đường của thụ thể đau vùng da tương ứng.
- Thụ thể đau không có tính thích nghi.
1.3.2. Dẫn truyền cảm giác đau
* Chặng thứ nhất: dẫn truyền từ thụ
thể vào tủy sống
- Nơron thứ nhất (noron của hạch
gai): có thân nằm ở hạch gai cạnh tủy
sống. Sợi trục theo rễ sau dây thần kinh
tủy đến tận cùng ở sừng sau tủy sống.
- Loại sợi dẫn truyền:
+ Loại sợi A có myelin: dẫn
truyền nhanh cảm giác đau cấp.
+ Loại sợi C không có myelin:
dẫn truyền chậm cảm giác đau mạn.
* Chặng thứ hai: dẫn truyền từ tủy
sống lên đồi thị
Nơron thứ hai: thân nằm ở sừng
sau tủy sống, sợi trục bắt chéo sang bên
kia và đi thẳng lên theo bó gai-thị trước
bên đến tận cùng ở phức hợp bụng nền
Hình 3.4. Dẫn truyền cảm giác đau

125
của đồi thị.
Ngoài ra: xung động còn được dẫn truyền theo bó gai lưới tận cùng ở cấu tạo
lưới thuộc hành não, cầu não, não giữa cả hai bên; các bó gai-cổ-đồi thị từ tủy cùng
bên đi lên.
* Chặng thứ ba: dẫn truyền từ đồi thị lên vỏ não
Nơron thứ ba: thân nằm ở đồi thị, sợi trục tận cùng ở nền não và vùng cảm
giác đau của vỏ não (không có trung tâm chuyên biệt).
1.3.3. Trung tâm cảm giác đau
Vùng cảm giác đau của vỏ não không phải là một trung tâm chuyên biệt rõ
ràng. Vỏ não có vai trò trong việc đánh giá đau nhất là về chất. Vị trí của cảm giác
đau cấp được xác định chính xác hơn cảm giác đau mạn.
Tổn thương mất vỏ vẫn còn cảm giác đau.
2. CẢM GIÁC SÂU
Cảm giác sâu là những cảm giác có thụ thể bản thể nằm ở gân, cơ, xương,
khớp, bao gồm: cảm giác sâu có ý thức và cảm giác sâu không ý thức.
2.1. Cảm giác sâu có ý thức
2.1.1. Thụ thể cảm giác sâu có ý thức
Các thụ thể bản thể nằm ở gân, cơ, xương, khớp.
2.1.2. Dẫn truyền cảm giác sâu có ý thức
* Chặng thứ nhất: dẫn truyền từ thụ thể vào tủy sống và lên hành não
Nơron thứ nhất (noron của hạch gai): có thân nằm ở hạch gai cạnh tủy sống.
Sợi trục theo rễ sau dây thần kinh tủy vào sừng sau tủy sống sau đó theo bó thon và
chêm (bó Goll và Burdach) đi thẳng lên tận cùng ở nhân thon, nhân chêm hành não.
* Chặng thứ hai: dẫn truyền từ hành não lên đồi thị
Nơron thứ hai: thân nằm ở nhân thon và nhân chêm hành não, sợi trục:
- Đa số bắt chéo sang bên kia và đi lên tận cùng ở nhân bụng sau của đồi thị
đối bên.
- Một số theo bó hành-tiểu não đi vào tiểu não cùng bên qua cuống dưới và
tận cùng ở vỏ tiểu não cũ (thùy nhộng).

126
* Chặng thứ ba: dẫn truyền từ đồi thị lên
vỏ não
Nơron thứ ba: thân nằm ở đồi thị,
sợi trục tận cùng ở thùy đỉnh của vỏ não.
2.1.3. Trung tâm cảm giác sâu có ý thức
ở vỏ não
Vỏ não nhận cảm giác sâu có ý thức
nằm ở thùy đỉnh có vai trò tạo các cảm giác
bản thể như: cho ta biết tư thế, vị trí của
từng phần cơ thể và của cả cơ thể trong
không gian; có khái niệm về trọng lượng;
có cảm giác áp lực; giúp nhận biết đồ vật
bằng xúc giác trong khi không nhìn thấy
vật.
2.2. Cảm giác sâu không có ý thức
2.2.1. Thụ thể cảm giác sâu không có ý
thức
Các thụ thể bản thể nằm ở gân, cơ,
xương, khớp.
Hình 3.5. Dẫn truyền cảm giác sâu
không ý thức 2.2.2. Dẫn truyền cảm giác sâu không có
ý thức
* Chặng thứ nhất: dẫn truyền từ thụ thể vào tủy sống
Nơron thứ nhất (noron của hạch gai): có thân nằm ở hạch gai cạnh tủy sống.
Sợi trục theo rễ sau dây thần kinh tủy vào tận cùng ở sừng sau tủy sống.
* Chặng thứ hai: dẫn truyền từ tủy sống lên đồi thị
- Nơron thứ hai: thân nằm ở sừng sau tủy sống, sợi trục đi lên tận cùng vỏ
tiểu não cũ (thùy nhộng) theo 2 bó:
+ Bó tủy-tiểu não chéo (bó Gowers): sợi trục bắt chéo sang bên kia và đi
thẳng lên đến cầu não, bắt chéo lại một lần nữa rồi qua cuống trên vào tận cùng ở vỏ
tiểu não cũ cùng bên.
+ Bó tủy-tiểu não thẳng (bó Flechsig): sợi trục đi thẳng lên đến hành não rồi
qua cuống dưới vào tận cùng ở vỏ tiểu não cũ cùng bên.

127
- Ngoài ra một số xung động chỉ vào đến tủy sống và tủy sống đóng vai trò là
trung tâm xử lý mà không đi lên các trung tâm ở trên.
2.2.3. Trung tâm cảm giác sâu không ý thức ở tiểu não và tủy sống
Trung tâm xử lý các cảm giác sâu không ý thức nằm ở vỏ tiểu não cũ (thùy
nhộng) hoặc tủy sống và chịu sự chi phối của các trung khu cao hơn qua hệ ngoại
tháp. Vai trò chủ yếu là tạo cảm giác trương lực cơ giúp cơ thể giữ thăng bằng và
phối hợp các động tác có tính chất tự động.
3. CẢM GIÁC GIÁC QUAN
Cảm giác giác quan bao gồm: thị giác, thính giác, khứu giác và vị giác.
3.1. Thị giác
3.1.1. Bộ phận nhận cảm thị giác (thụ thể): Mắt

Hình 3.6. Cấu tạo của mắt


Về mặt sinh lý, hoạt động của mắt có thể chia thành 2 hệ thống:
- Hệ thống thấu kính hội tụ ánh sáng trên võng mạc: giác mạc, thủy dịch,
thủy tinh thể, dịch kính.
- Hệ thống nhận cảm ánh sáng: võng mạc có các tế bào que (tế bào gậy) và tế
bào nón.
3.1.1.1. Cơ chế thành lập hình ảnh trên võng mạc

128
Cơ chế thành lập hình ảnh trên võng mạc là một hiện tượng quang học
* Nhắc lại các nguyên lý quang học:
- Tia sáng bị lệch khi đi qua mặt phẳng phân cách giữa các môi trường có tỷ
trọng khác nhau trừ khi chúng đến thẳng góc với bề mặt tiếp giáp.
- Tia sáng cách xa thấu kính 6m được xem là các tia song song.
- Tiêu điểm: là điểm hội tụ ánh sáng khi đi qua một thấu kính hội tụ. Tiêu
điểm nằm trên đường ngang đi qua tâm thấu kính hội tụ.
- Tiêu cự: là khoảng cách giữa thấu kính và tiêu điểm. Thấu kính càng cong
tiêu cự càng ngắn.
- Thấu kính càng cong độ khúc xạ càng lớn. Độ khúc xạ được đo bằng đơn vị
Điôp. Độ khúc xạ bằng nghịch đảo tiêu cự tính bằng m.
Ví dụ: Thấu kính có tiêu cự 0,25m
Độ khúc xạ =1/0,25= 4 Điôp
* Cơ chế hội tụ của mắt:
- Ánh sáng bị khúc xạ khi đi qua tất cả các thấu kính hội tụ của mắt. Điểm
nút là trung tâm quang học của mắt, nơi mà các tia sáng đi qua không bị khúc xạ.
Điểm này là giao điểm của 1/3 giữa và 1/3 sau của thủy tinh thể trên trục quang học
của mắt.
- Hình ảnh trên võng mạc bị đảo ngược so với sự vật nhưng vỏ não đã
“quen” nhìn hình ảnh theo kiểu đảo ngược.
- Khả năng điều tiết: là khả năng thay đổi độ cong của thủy tinh thể để ảnh
của vật có thể nằm trên võng mạc.
+ Khi nhìn vật ở xa: cơ thể mi giãn (tác dụng giao cảm)  thủy tinh thể
giảm độ cong  độ khúc xạ giảm.
+ Khi nhìn vật ở gần: cơ thể mi co (tác dụng phó giao cảm)  thủy tinh thể
tăng độ cong  độ khúc xạ tăng.
Mắt người lúc nghỉ có độ khúc xạ = 66,7 Điôp. Khả năng làm tăng tối đa độ
khúc xạ của thủy tinh thể bằng cách điều tiết là 12 Điôp. Vì khả năng thay đổi độ
khúc xạ này có giới hạn nên tia sáng từ một vật rất gần hoặc rất xa không thể hội tụ
trên võng mạc. Điểm gần nhất có thể nhìn rõ bằng điều tiết gọi là điểm gần, điểm xa
nhất có thể nhìn rõ bằng điều tiết gọi là điểm xa.

129
- Phản xạ đồng tử:
+ Đồng tử thu nhỏ: do co cơ vòng mống mắt (tác dụng phó giao cảm) xảy ra
khi nhìn gần hay khi chiếu ánh sáng vào mắt.
+ Đồng tử giãn to: do co cơ tia (tác dụng giao cảm) khi lượng ánh sáng kém.
Đây là chức năng chính của mống mắt nhằm đảm bảo tăng lượng ánh sáng đi
vào mắt trong tối và giảm lượng ánh sáng vào mắt khi quá sáng. Khi đồng tử co lại
hệ thống thấu kính của mắt sẽ có “chiều sâu hội tụ” lớn hơn. Chiều sâu hội tụ càng
lớn thì khả năng hội tụ càng đúng, hình ảnh càng rõ.
* Các tật quang học và chiết quang của mắt:
- Cận thị: ảnh của vật rơi trước võng mạc, nhìn rõ vật ở gần.
- Viễn thị: ảnh của vật rơi sau võng mạc, nhìn rõ vật ở xa.
- Lão thị: do thủy tinh thể giảm khả năng điều tiết. Gặp ở người già, nhìn gần
và xa đều kém.
- Loạn thị: giác mạc cong không đều nên ảnh của vật bị méo mó.
- Lác mắt: hai mắt có hai thị lực khác nhau.
3.1.1.2. Cơ chế cảm thụ ánh sáng
* Nhắc lại các đặc tính vật lý cơ bản của ánh sáng và sắc tố:
- Hạt ánh sáng gọi là hạt photon. Hạt photon di động theo hình sóng và cho
ra những màu sắc khác nhau do sự khác biệt về bước sóng.
- Sắc tố: khi photon gặp một phân tử vật chất thì ba tình huống có thể xảy ra:
+ Hạt photon bị phản hồi (phản chiếu).
+ Hạt photon bị dẫn truyền đi hay xuyên qua phân tử vật chất (không thay
đổi phân tử vật chất).
+ Hạt photon bị hấp thu: hạt photon bị biến đi nhưng năng lượng của nó sẽ
được chuyển vào phân tử vật chất làm phân tử vật chất được hoạt hóa.
Không phải tất cả phân tử vật chất đều có thể hấp thu các bức xạ ánh sáng,
những chất thực hiện được việc này gọi là các sắc tố. Các sắc tố có khả năng hấp
thu ánh sáng ở các bước sóng khác nhau.
* Cơ chế cảm thụ ánh sáng:
Cơ chế cảm thụ ánh sáng là một hiện tượng quang hóa học. Tế bào nhận cảm
ánh sáng (photothụ thể): tế bào que, tế bào nón

130
Bảng 3.2. Tế bào que và tế bào nón

Tế bào Tế bào que Tế bào nón


Hình dáng Nhỏ, dài Nón
Quang sắc tố: 2 phần Rhodopsin 3 loại sắc tố màu nhạy cảm với
màu đỏ, màu xanh lá cây và
màu xanh dương
- Protein (Opsin) Scotopsin Photopsin
- Sắc tố caroten Retinal là một aldehyd của vitamin A. Retinal có hai dạng
đồng phân: 11-cis-retinal (cong) và all-trans-retinal (thẳng).
Dạng cis là dạng kết hợp với opsin, dạng trans không kết hợp
với opsin
Chức năng Rất nhạy cảm với ánh sáng, Không nhạy cảm với ánh sáng
là tế bào đảm nhận nhìn bằng tế bào gậy. Là hệ thống
trong bóng tối. Không giúp nhìn ban ngày và nhìn màu sắc,
phân biệt được chi tiết, màu giúp phân biệt được chi tiết,
sắc, giới hạn của sự vật giới hạn sự vật.

- Cơ chế nhận cảm ánh sáng của tế bào que: vai trò của rhodopsin

Rhodopsin
Rhodopsin Bathorhodopsin
Bathorhodopsin

Lumirhodopsin
Lumirhodopsin

Metarhodopsin
Metarhodopsin II

Metarhodopsin
Metarhodopsin II
II
Scotopsin
Scotopsin
Isomerase
Isomerase
II-cis-retinal
II-cis-retinal All-trans-retinal
All-trans-retinal

II-cis-retinol
II-cis-retinol All-trans-retinol
All-trans-retinol
(vitamin
(vitamin A)
A)
Sơ đồ 3.1. Cơ chế nhận cảm ánh sáng của rhodopsin
Khi ánh sáng đến tế bào que, rhodopsin hấp thu năng lượng ánh sáng. Năng
lượng này đồng phần hóa 11-cis retinal thành all-trans retinal. Do vậy chuyển
rhodopsin thành bathorhodopsin không bền vững sẽ tiếp tục tự phân hủy thành
metarhodopsin II. Metarhodopsin II còn được gọi là rhodopsin hoạt hóa (activated
rhodopsin) sẽ gây ra biến đổi về điện ở tế bào que tạo luồng xung động thần kinh về

131
não.
Thời gian kích thích tối thiểu của ánh sáng để gây hưng phấn ở võng mạc là
2/1.000 giây. Sau khi kích thích đã tắt ảnh của vật vẫn còn lưu lại trên võng mạc
khoảng 35/100 giây. Thời gian xuất hiện đáp ứng là 20/100 giây sau khi kích thích.
Thiếu viatmin A gây biểu hiện đầu tiên tại mắt là quáng gà.
- Cơ chế nhận cảm màu sắc của tế bào nón: vai trò của sắc tố màu
Có 3 loại tế bào nón. Mỗi loại chứa quang sắc tắc màu khác nhau
Bảng 3.3. Các loại quang sắc tố của tế bào nón

Bước sóng được hấp thu


Tế bào nón Quang sắc tố
tối đa
Đỏ Sắc tố nhạy cảm màu đỏ 570nm
Xanh lá cây Sắc tố nhạy cảm màu xanh lá cây 535nm
Xanh dương Sắc tố nhạy cảm màu xanh dương 445nm

+ Sự hấp thu các ánh sáng đơn sắc và đa sắc:


Hấp thu ánh sáng đơn sắc:
Màu cam (=580nm)
Tế bào nón đỏ hấp thu 99%
Tế bào nón xanh lá cây hấp thu: 42%
Tế bào nón xanh dương hấp thu: 0%
 Tỷ lệ hấp thu: 99:42:00
Màu xanh dương (=450nm): tỷ lệ hấp thu 00:00:97
Màu vàng: tỷ lệ hấp thu 83:83:00
Màu xanh lá cây: tỷ lệ hấp thu 31:67:36
Hấp thu ánh sáng đa sắc: là tổ hợp sự nhạy cảm của các tế bào nón.
+ Mắt người có thể thấy được và phân biệt màu sắc các làn sóng điện từ có
bước sóng trong khoảng 400-700nm (vùng ánh sáng hay vùng quang phổ) với bảy
màu cơ bản: đỏ (=660nm), cam, vàng, lục, lam, chàm, tím (=400nm). Nếu các
vùng có bước sóng này tác động cùng một lúc sẽ tạo nên màu trắng. Vùng cực tím
(Ultra violet) =100-400nm và vùng tia tử ngoại (Infra red) >700nm là những
vùng mắt không nhìn thấy được.
+ Cơ chế nhận cảm màu sắc của các quang sắc tố chưa được biết đầy đủ

132
nhưng có lẽ giống rhodopsin do có cấu trúc gần giống nhau.
+ Bệnh lý liên quan: mù màu do thiếu các loại sắc tố.
3.1.2. Dẫn truyền xung động
thị giác
Sự biến đổi trong tế bào
nón và tế bào que sẽ dẫn đến
việc tạo điện thế động trong tế
bào lưỡng cực, tế bào đa cực.
Xung động từ đây sẽ được
truyền về não theo 3 chặng.
- Chặng 1- Dây thị
(Optic nerve): từ võng mạc đến
chéo thị giác (optic chiasm).
Dây thị là tập hợp sợi trục của
các tế bào hạch.
- Chặng 2- Dải thị (Optic
tract): từ chéo thị đến thể gối
ngoài (lateral geniculate body).
Tại chéo thị sợi thần kinh đi từ
phần thái dương võng mạc
(phần mũi thị trường) đi thẳng
Hình 3.7. cùng bên, còn sợi thần kinh đi
Dẫn truyền xung động thị giác từ phần mũi võng mạc (phần
thái dương thị trường) đi chéo
sang bên kia tạo thành dải thị. Chặng này có cho nhánh bên vào củ não sinh tư
trước.
- Chặng 3- Bó gối cựa (Geniculocalcarine): từ thể gối ngoài đến vỏ não thị
giác sơ cấp ở thùy chẩm.
3.1.3. Trung tâm thị giác ở vỏ não
Trung tâm thị giác của vỏ não nằm ở thùy chẩm, gồm: vùng thị giác sơ cấp
(primary visual cortex) và vùng thị giác thứ cấp (secondary visual areas).
- Vùng thị giác sơ cấp: trực tiếp nhận các xung động đến từ mắt. Chức năng
là cho ta cảm giác ánh sáng, bóng tối, màu sắc, cho ta nhìn thấy vật. Nếu tổn thương
sẽ không nhìn thấy gì.

133
- Vùng thị giác thứ cấp: nhận các xung động đến từ vùng thị giác sơ cấp.
Chức năng là vùng thị giác nhận thức có vai trò phân tích các ý nghĩa của hình ảnh.
Vùng này bị tổn thương nhìn thấy vật nhưng không biết vật gì.
3.2. Thính giác
3.2.1. Bộ phận nhận cảm thính giác: tai
Cơ quan nhận cảm là tai gồm: tai ngoài, tai giữa, tai trong. Âm thanh di
chuyển trong không khí dưới dạng sóng âm. Nhắc lại các tính chất vật lý của sóng
âm:
- Vận tốc dẫn truyền sóng âm qua không khí là 344m/s ở 200C ngang mực
nước biển. Vận tốc tăng lên với nhiệt độ và độ cao.
- Cường độ âm thanh tỷ lệ thuận với năng lượng âm tức bình phương của
biên độ rung, bình phương của tần số rung và tỷ trọng môi trường truyền âm. Đơn
vị đo cường độ âm là decibel.
Cường độ âm thanh
bel = log
Cường độ âm thanh chuẩn
Sự gia tăng năng lượng âm thanh gấp 10 lần được gọi là 1bel.
0,1bel=1decibel
- Độ cao: độ trầm bổng của âm liên quan đến tần số. Âm càng cao càng có
tần số lớn.
- Âm sắc: mỗi âm phát ra gồm một âm chính và nhiều âm phụ là hòa âm của
âm chính. Vì vậy các âm có cùng một độ cao nhưng do các nguồn khác nhau phát ra
lại khác nhau và có thể phân biệt được với nhau.
- Hòa âm, phản âm: nếu các âm phát ra đồng thời có tỷ lệ tần số là 1/2, 5/4,
3/4, 5/3 thì cho ta hòa âm, nghe thấy dễ chịu. Nếu tỷ lệ tần số giữa chúng là 10/9,
9/8, 8/5… thì chúng tạo ra phản âm, nghe khó chịu.
- Những sóng âm có chu kỳ với một tần số chính và những hòa âm khác nhau
sẽ cho ra âm nhạc. Những âm thanh không nhạc điệu chỉ gây ra tiếng động.
3.2.1.1. Tai ngoài
- Cấu tạo: loa tai, ống tai ngoài, màng nhĩ.
- Chức năng:

134
+ Loa tai: thu nhận và định hướng nguồn âm thanh.
+ Ống tai ngoài: dẫn truyền sóng âm thanh đến màng nhĩ.
+ Màng nhĩ: chuyển âm thanh từ dạng sóng âm sang sóng cơ học (rung
động) do đó được xem như một máy cộng hưởng. Màng nhĩ hình phễu làm biên độ
rung nhỏ nhưng lực rung lớn.
3.2.1.2. Tai giữa: hòm nhĩ
- Cấu tạo:
+ Liên hệ với tai ngoài qua màng nhĩ, với tai trong qua cửa sổ bầu dục (cửa
sổ tiền đình) và cửa sổ tròn (cửa sổ ốc tai), với họng qua vòi Eustache.
+ Hệ thống xương con: xương búa, xương đe, xương bàn đạp.
+ Cơ: cơ căng màng nhĩ, cơ bàn đạp.
- Chức năng: chuyển các rung động từ màng nhĩ đến tai trong.
+ Vòi Eustache: có nhiệm vụ làm giảm chênh lệch áp lực giữa tai ngoài (môi
trường) và tai trong. Do đó làm màng nhĩ dễ rung hơn.
+ Chuỗi xương con: hoạt động như một hệ thống đòn bẩy làm tăng thanh áp
(áp lực âm thanh) lên 1,3 lần.
+ Diện tích màng nhĩ lớn hơn nhiều so với nền xương bàn đạp
(55mm2/3,2mm2). Do vậy thanh áp tác dụng lên cửa sổ bầu dục gấp 22 lần thanh áp
tác động lên màng nhĩ  khuếch đại rung động.
Ngoài ra sóng âm còn có thể đến trực tiếp tai trong do lan truyền qua vòi
Eustache, hoặc làm rung động toàn bộ khối xương sọ trong đó có phần đá xương
thái dương.
3.2.1.3. Tai trong
Tai trong nằm trong phần đá xương thái dương, gồm: mê đạo xương, mê đạo
màng.
* Cơ chế nhận cảm âm thanh:
- Chuyển động của chuỗi xương con trong tai giữa tạo thành sóng cơ học tác
động lên cửa sổ bầu dục (oval window) làm phát sinh các sóng trong ngoại dịch
(perilymph) tầng tiền đình (scala vestibuli).
- Màng Reissner ngăn giữa thang tiền đình và thang giữa (scala media) là
một màng mỏng và dễ dàng rung động theo các sóng trong thang tiền đình.

135
- Thang giữa có chứa nội dịch (endolymph) tiết ra từ Stria vascularis. Nội
dịch rung động theo màng Reissner.
- Màng nền (basilar membrance) là một màng sợi ngăn giữa thang giữa và
thang ốc tai (scala tympani). Màng này cũng rung động theo nội dịch.
- Cơ quan Corti: nằm trên màng nền, rung động theo màng nền. Cơ quan
Corti cấu tạo bởi các tế bào lông (hair cell) là tế bào nhận cảm âm thanh. Từ đây sẽ
xuất hiện điện thế hoạt động dẫn truyền cảm giác âm thanh.

Hình 3.8. Cấu tạo tai trong và cơ quan corti


* Tần số âm thanh:
- Tần số sóng âm tạo ra tần số rung của màng nền. Tai người có thể nghe
được các âm thanh trong giới hạn 20-20.000Hz, nghe rõ nhất: 1.000-4.000Hz.
Giọng nam có tần số trung bình 120Hz, giọng nữ 250Hz.
- Sóng di chuyển trong ốc tai sẽ đạt chiều cao tối đa khi gặp màng nền có tần
số cộng hưởng tự nhiên với tần số sóng, sau đó sóng dừng lại rất nhanh. Nơi sóng

136
đạt chiều cao tối đa như vậy tùy thuộc tần số sóng.
- Sợi nền trong màng nền:
+ Chiều dài: tăng dần từ đáy (0,04mm) đến đỉnh ốc tai (0,5mm).
+ Đường kính: giảm dần từ đáy đến đỉnh ốc tai. Do đó độ cứng giảm 100 lần.
Vậy, sợi ngắn, cứng nằm gần đáy (gần cửa sổ bầu dục) có khuynh hướng
rung với tần số thấp. Sợi dài, mềm hơn nằm gần đỉnh có khuynh hướng rung với tần
số cao.
3.2.2. Dẫn truyền xung động thính giác
- Nơron thứ nhất: là các tế bào giác quan trên đường ống Corti tạo thành
phần ốc tai của dây VIII về đến nhân lưng và nhân bụng.
- Nơron thứ hai: xuất phát từ nhân lưng và nhân bụng của dây VIII và dừng
lại ở nhân trám, thể hình thang của cầu não đối bên.
- Nơron thứ ba: theo thể Reil bên lên thể gối trong.
- Nơron thứ tư: từ thể gối trong lên thùy thái dương của vỏ não.
Ngoài ra có một số nơron thứ hai không bắt chéo mà tận cùng ở thể gối trong
và củ não sinh tư sau cùng bên.

137
Hình 3.9. Dẫn truyền xung động thính giác
3.2.3. Trung tâm thính giác ở vỏ não
Vùng thính giác của vỏ não nằm ở thùy thái dương, gồm:
- Vùng thính giác sơ cấp: trực tiếp nhận các xung động đến từ tai. Chức năng
là cho ta cảm giác âm thanh. Nếu tổn thương sẽ không nghe thấy gì.
- Vùng thính giác thứ cấp: nhận các xung động đến từ vùng thính giác sơ
cấp. Chức năng là vùng thính giác nhận thức có vai trò phân tích các ý nghĩa của âm
thanh nghe được. Vùng này bị tổn thương nghe thấy tiếng nhưng không biết đó là
âm gì.
Ở người thính giác có sự liên quan chặt chẽ với lời nói.
3.3. Vị giác
3.3.1. Bộ phận nhận cảm vị giác: lưỡi
- Thụ thể là các chồi vị giác trên gai lưỡi hoạt động như những hóa cảm thụ
quan. Ngoài ra, còn có ở vòm miệng, sụn nắp thanh quản, phần trên thực quản.

138
- Các loại vị giác: 4 vị cơ bản
+ Vị chua: tác nhân là phần cation của các acid được nhận cảm chủ yếu ở hai
bên phần lưng lưỡi.
+ Vị mặn: tác nhân là phần cation của muối được nhận cảm chủ yếu ở hai
bên phần đầu lưỡi.
+ Vị ngọt: tác nhân là các loại đường, glycol, alcohol, aldehyd, ceton, amid,
ester, aminoacid, muối vô cơ của chì, beryllium được nhận cảm chủ yếu ở đầu lưỡi.
+ Vị đắng: tác nhân là các chất hữu cơ mạch dài có chứa nitrogen, các
alkaloid được nhận cảm chủ yếu ở phía sau lưỡi.
- Ngưỡng kích thích: tùy thuộc vào độ hòa tan của chất kích thích và loại
chất kích thích. Nồng độ các chất phải thay đổi 30% thì sự khác biệt về cường độ
mới được phát hiện. Mỗi chồi vị giác thường chỉ đáp ứng với 1 trong 4 vị cơ bản
khi nồng độ chất kích thích gần ngưỡng kích thích. Ở nồng độ cao, các chồi vị giác
có thể bị kích thích bởi 2, 3 hoặc 4 vị. Nhiệt độ cũng có ảnh hưởng đến vị giác,
nhiệt độ tối thuận là 30-400C.
- Cơ chế kích thích vị giác: chất kích thích hòa tan trong dung dịch miệng tác
động lên chồi vị giác làm phát sinh điện thế hoạt động trong sợi thần kinh. Cơ chế:
+ Vị ngọt: hoạt hóa cAMP dẫn đến giảm dẫn truyền K+ qua màng tế bào.
+ Vị đắng: hoạt hóa IP3 làm tăng Ca2+ nội bào.
+ Vị mặn: kích thích Na+ khuếch tán vào trong tế bào.
+ Vị chua: H+ gây đóng các kênh K+.
3.3.2. Dẫn truyền xung động vị giác
Đường dẫn truyền có 3 chặng:
- Tế bào thứ nhất: tua gai phân nhánh trong các chồi vị giác, trực tiếp nhận
các xung động từ các tế bào vị giác, tập trung lại thành các nhánh dây thần kinh.
+ 2/3 trước lưỡi: dây V3 → thừng nhĩ (dây VII) → hạch gối (thân nơron), sợi
trục tận hết tại 1/3 trên nhân bó đơn độc ở hành não.
+ 1/3 sau lưỡi: dây thiệt hầu (IX) → hạch Andersch (thân nơron), sợi trục tận
hết tại 1/3 giữa nhân bó đơn độc ở hành não.
- Tế bào thứ hai: thân nơron nằm trong nhân bó đơn độc, sợi trục tận cùng tại
nhân bụng giữa trước của đồi thị.

139
- Tế bào thứ ba: từ đồi thị đến hồi sau trung tâm thuộc thùy đỉnh vỏ não.
3.3.3. Trung tâm vị giác ở vỏ não
Trung tâm vị giác nằm ở thùy đỉnh vỏ não.
3.4. Khứu giác
Cảm giác khứu giác là một cảm giác được biết đến ít nhất trong các giác
quan. Cùng với vị giác, đây là một loại cảm giác được khởi động bằng cơ chế hóa
học.
3.4.1. Bộ phận nhận cảm khứu giác
- Thụ thể là các tế bào nhận cảm mùi hay tế bào khứu giác (Olfactory cell)
nằm ở niêm mạc mũi giữa vách ngăn và xương cuốn mũi trên. Các tế bào này chiếm
một vùng có đường kính khoảng 2,4cm2 mỗi bên, màu vàng nhạt.
- Các loại mùi: gần đây, dựa trên các nghiên cứu về gen mã hóa các thụ thể
nhận cảm mùi, người ta nhận thấy có ít nhất là 100 mùi cơ bản. Từ các mùi cơ bản
này, người ta có thể phân biệt 2000-4000 mùi khác nhau.
- Ngưỡng kích thích khứu giác: ngưỡng kích thích khứu giác rất thấp; ví dụ
methyl mercaptan có thể gây ra cảm giác mùi ở nồng độ 1/25 tỉ miligam/mL không
khí. Nồng độ các chất chỉ cần tăng lên 10-50 lần là có thể đạt đến cường độ kích
thích tối đa. Khả năng phân biệt các thay đổi nhỏ về cường độ của các mùi kém. Do
vậy trong thực tế thường người ta nhận biết sự hiện diện của mùi hơn là cường độ
mùi.
- Cơ chế kích thích khứu giác: các phân tử mùi khuếch tán qua lớp dịch nhầy
đến gắn lên thụ thể nằm trên màng của lông khứu giác. Đầu trong của các thụ thể
gắn với protein G, protein này có 3 tiểu đơn vị. Khi bị kích thích, tiểu đơn vị α sẽ
tách ra khỏi protein G và ngay lập tức hoạt hóa theo kiểu dòng thác Adenyl cyclase.
Adenyl cyclase tiếp tục hoạt hóa ATP thành cAMP. cAMP làm mở các cổng kênh
Na+. Một lượng lớn ion Na+ sẽ đi vào trong tế bào gây khử cực tế bào tạo thành
xung động thần kinh.
3.4.2. Dẫn truyền xung động khứu giác
- Sợi trục của các tế bào khứu giác xuyên qua lá sàng xương bướm lên hành
khứu (olfactory bulb) tiếp xúc với các nơron mũ (mitral cell) tạo thành các búi (cầu)
khứu giác.
- Sợi trục của các tế bào mũ đi đến hệ limbic và đến thùy trán vỏ não qua
vùng đồi thị.

140
3.4.3. Trung tâm khứu giác ở vỏ não
Trung tâm khứu giác nằm ở thùy trán vỏ não. Tổn thương trung tâm khứu
giác dẫn đến “điếc mùi”.
4. CẢM GIÁC VÀ HỆ LƯỚI HOẠT HÓA TRUYỀN LÊN

Hình 3.10. Hệ lưới


Hệ lưới gồm các nhân lưới nằm ở vùng hành cầu não.
- Các đường dẫn truyền cảm giác khi đi lên các trung khu đặc hiệu đều cho
nhánh bên đến cấu tạo lưới, đặc biệt là đường dẫn truyền cảm giác đau. Cấu tạo lưới
bị kích thích sẽ phát xung động theo các sợi đến đồi thị rồi lên vỏ não gây hoạt hóa
vỏ não. Vỏ não hoạt hóa lại càng kích thích hệ lưới hoạt hóa truyền lên hơn
(feedback dương).
- Ý nghĩa: tạo trạng thái tỉnh táo, thức tỉnh; trạng thái cảnh giác giúp nhận
cảm giác tốt hơn.

141
SINH LÝ HỆ THẦN KINH VẬN ĐỘNG
Mục tiêu:
1. Trình bày được các thành phần của hệ thần kinh vận động.
2. Phân tích được hệ thần kinh vận động chi phối cho cơ vân.
3. So sánh được hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm, hệ cholinergic
và adrenergic.
4. Trình bày được các tác dụng của hệ thần kinh tự chủ.

Hệ thần kinh vận động bao gồm:


- Trung tâm vận động (chất xám thần kinh trung ương).
- Đường dẫn truyền ly tâm (dẫn truyền xung động vận động).
- Bộ phận đáp ứng (cơ, gân).
Thần kinh vận động bao gồm vận động chi phối cho cơ vân (thần kinh động
vật) và vận động chi phối cho cơ trơn và cơ tim (thần kinh thực vật hay thần kinh tự
chủ).
1. VẬN ĐỘNG CHI PHỐI CHO CƠ VÂN
Thần kinh vận động chi phối cho cơ vân bao gồm vận động có ý thức gây co
cơ thật sự (vỏ não và hệ tháp) và vận động không ý thức tạo trương lực cơ (các nhân
xám dưới vỏ và hệ ngoại tháp).
1.1. Vận động có ý thức (vận động tháp)
1.1.1. Trung tâm vận động tháp
* Vỏ não vận động:
Trung tâm vận động tháp nằm ở vỏ não thùy trán trước rãnh trung tâm gồm 3
vùng nhỏ: vùng vận động sơ cấp, vùng tiền vận động và vùng vận động bổ sung. Vỏ
não vận động sẽ chi phối các cử động "tùy ý" của cơ vân.
- Vùng vận động sơ cấp: chi phối đối bên, bản đồ chi phối các cơ của vùng
vận động sơ cấp có đặc điểm:
+ Bản đồ hình cơ thể lộn ngược: đầu ở thấp, mình ở trên và ở cao nhất là chi
dưới.
+ Phần nào của cơ thể càng có nhiều cử động phức tạp, tinh tế thì vùng đại

142
diện của nó trên vỏ não càng lớn (có tới hơn một nửa diện tích của vùng này là dành
cho cử động của bàn tay và các cơ liên quan đến nói).
- Vùng tiền vận động:
+ Nằm trước vùng vận động sơ cấp. Bản đồ chi phối các cơ của vùng này
cũng giống như trên vùng vận động sơ cấp.
+ Hoạt động phối hợp với vùng vận động sơ cấp, nhân nền và đồi thị tạo nên
một phức hợp chi phối phần lớn các cử động phức tạp của cơ thể đòi hỏi sự phối
hợp của nhiều cơ.
- Vùng vận động bổ sung:
+ Nằm trước và trên vùng tiền vận động. Phải kích thích mạnh mới gây được
co cơ và thường gây co cơ cả hai bên.
+ Hoạt động phối hợp với vùng tiền vận động để tạo ra tư thế của các phần
khác nhau cơ thể làm nền cho sự kiểm soát các cử động tinh tế của bàn tay, bàn
chân.
* Các nhân nền não:
- Vị trí: các nhân nền nằm chủ yếu bên cạnh đồi thị, sâu trong não với hai
nhân chính là nhân bèo và nhân đuôi. Nhân bèo và nhân đuôi có các đường liên hệ
với các cấu trúc khác của não rất phức tạp gọi là vòng của nhân bèo và vòng của
nhân đuôi. Giữa hai nhân này là bao trong nơi tập hợp hầu hết các sợi cảm giác và
vận động liên hệ giữa vỏ não và tủy sống.
- Chức năng:
+ Vòng của nhân bèo: giúp vỏ não trong việc thực hiện các kiểu vận động
phức tạp đã được học tập và trở thành vô thức. Ví dụ như điều hòa các cử động
phức tạp: viết, dùng kéo cắt giấy, ném bóng vào rổ, phủi vết bẩn, nói… . Tổn
thương một bộ phận của vòng này dẫn đến các rối loạn về vận động như tổn thương
nhân cầu nhạt gây chứng athetose (múa vờn), tổn thương nhân bèo sẫm gây chứng
chorea (múa giật), tổn thương chất đen gây chứng liệt run (bệnh Parkinson).
+ Vòng của nhân đuôi: lập kế hoạch về trình tự thời gian cho nhiều hình thức
vận động đồng thời và kế tiếp nhau để vỏ não có thể lựa chọn và sắp xếp lại nhằm
thực hiện một mục đích nhất định. Đồng thời nó cũng đảm nhiệm việc tính toán thời
gian thực hiện cử động (nhanh hay chậm), ước tính quy mô cường độ cử động (lớn
hay nhỏ). Tổn thương vòng này sẽ mất những tri thức bản năng.

143
1.1.2. Đường dẫn truyền vận động tháp
Đường dẫn truyền vận động tháp có hai chặng:
- Chặng thứ nhất: từ vỏ
não xuống sừng trước tủy sống.
Chặng thứ nhất cũng là nơron
thứ nhất:
- Thân nơron: 1/3 ở vùng
vận động sơ cấp, 1/3 ở vùng
tiền vận động và vùng vận động
bổ sung, phần còn lại từ các
vùng cảm giác thân thể.
- Sợi trục: là những sợi
có myelin được gọi là bó tháp
(bó vỏ tủy) đi thẳng cùng bên từ
vỏ não xuống đến hành não, tại
hành não chia 2 bó:
+ Bó tháp chéo: 9/10 bắt
chéo sang bên đối diện và đi
xuống tận cùng ở sừng trước
tủy sống đối bên.
+ Bó tháp thẳng: 1/10
Hình 3.11. Hệ tháp tiếp tục đi thẳng xuống tủy sống
rồi mới bắt chéo tại tủy sang tận
cùng ở sừng trước tủy sống đối bên.
- Chặng thứ hai: từ tủy sống đến cơ vân. Tại tủy sống bó tháp tạo synap với
nơron trung gian, nơron trung gian sẽ tiếp tục tạo synap với nơron vận động alpha
(loại IAα) ở sừng trước. Riêng ở đoạn tủy cổ (chi phối bàn, ngón tay) thì bó tháp tạo
synap trực tiếp với nơron vận động alpha ở sừng trước. Nơron vận động alpha ở
sừng trước sẽ chuyển xung động thần kinh đến chi phối các cơ vân qua rễ trước thần
kinh tủy.
1.1.3. Bộ phận đáp ứng
Tại cơ vân, nơron vận động alpha sẽ giải phóng chất truyền đạt thần kinh là
acetylcholin đến gắn lên thụ thể nicotinic 2 (N2) trên tấm vận thần kinh-cơ và gây
co cơ có ý thức.

144
1.2. Vận động không ý thức (vận động ngoại tháp)
Một số vùng khác của não như trung não, cầu não, hành não có các nhân
xám tham gia kiểm soát vận động không tùy ý của cơ vân (trương lực cơ). Các bó
thần kinh chi phối vận động xuất phát từ đây được gọi là hệ ngoại tháp.
1.2.1. Nhân đỏ và bó nhân đỏ-tủy
- Nhân đỏ nằm ở trung não.
- Bó nhân đỏ-tủy: xuất phát từ
nhân đỏ bắt chéo sang bên đối diện,
rồi đi thẳng xuống tận cùng ở sừng
trước tủy sống đối bên.
- Chức năng: ức chế nơron vận
động alpha của tủy làm giảm trương
lực cơ.
- Tổn thương nhân đỏ hoặc bó
nhân đỏ-tủy: trương lực toàn bộ các
cơ tăng rất mạnh, đặc biệt là trương
lực các cơ kháng trọng trường (cơ
duỗi).
1.2.2. Củ não sinh tư và bó mái-tủy
- Hai củ não sinh tư trước và
hai củ não sinh tư sau nằm ở cuống
não.
- Bó mái-tủy: xuất phát từ củ
não sinh tư bắt chéo sang bên đối
diện, rồi đi thẳng xuống tận cùng ở
Hình 3.12. Các đường ngoại tháp sừng trước tủy sống đối bên đoạn tủy
cổ trên.
- Chức năng:
+ Củ não sinh tư trước: thực hiện các phản xạ định hướng với ánh sáng như
máy mắt, lay tròng mắt, quay đầu, đưa mắt về nguồn sáng.
+ Củ não sinh tư sau: thực hiện các phản xạ định hướng với âm thanh như
vểnh tai, quay đầu, tai về phía nguồn âm.

145
1.2.3. Cấu tạo lưới và bó lưới-tủy
- Nhân lưới ở cầu não và nhân lưới ở hành não
- Bó lưới-tủy: xuất phát từ cấu tạo lưới đi thẳng xuống tận cùng ở sừng trước
tủy sống cùng bên.
- Chức năng:
+ Nhân lưới ở cầu não: kích thích các cơ kháng trọng trường (các cơ ở cột
sống và các cơ duỗi của các chi) qua bó lưới tủy giữa tạo nên hệ thống cấu tạo lưới
kích thích truyền xuống làm tăng trương lực cơ.
+ Nhân lưới ở hành não: ức chế các cơ kháng trọng trường (các cơ ở cột sống
và các cơ duỗi của các chi) qua bó lưới tủy bên tạo nên hệ thống cấu tạo lưới ức chế
truyền xuống làm giảm trương lực cơ.
1.2.4. Nhân tiền đình và bó tiền đình-tủy
- Nhân tiền đình nằm ở hành não.
- Bó tiền đình-tủy: xuất phát từ nhân tiền đình đi thẳng xuống tận cùng ở
sừng trước tủy sống cùng bên.
- Chức năng: kích thích nơron vận động alpha của tủy làm tăng trương lực
cơ.
- Tổn thương nhân tiền đình hoặc bó tiền đình-tủy: trương lực toàn bộ các cơ
giảm, đặc biệt là trương lực các cơ kháng trọng trường (cơ duỗi).
1.2.5. Nhân trám và bó trám-tủy
- Nhân trám nằm ở hành não.
- Bó trám-tủy: xuất phát từ nhân trám bắt chéo sang bên đối diện rồi đi thẳng
xuống tận cùng ở sừng trước tủy sống đối bên.
- Chức năng: chưa rõ.
2. VẬN ĐỘNG CHI PHỐI CHO CƠ TRƠN VÀ CƠ TIM - HỆ THẦN KINH
TỰ CHỦ
Hệ thần kinh tự chủ (tự động, thực vật) chi phối các hoạt động ngoài ý muốn
của cơ trơn và cơ tim (co thật sự và trương lực cơ). Do đó tham gia điều hoà chức
năng của nhiều cơ quan, hệ thống để cơ thể luôn giữ thăng bằng đối với sự thay đổi
của môi trường sống.
2.1. Tổ chức của hệ thần kinh tự chủ

146
Có hai cách phân chia hệ thần kinh tự chủ: về mặt giải phẫu có thể chia thành
giao cảm () và phó giao cảm (p=’), về mặt chức năng có thể chia thành hệ
cholinergic và hệ adrenergic.

Phó giao cảm Giao cảm


Tuyến lệ Đồng tử Động mạch cảnh
Đồng Tuyến lệ
Tuyến dưới hàm Hạch mi
tử
Tuyến dưới lưỡi Hạch bướm Các tuyến nước bọt
khẩu cái
Tuyến mang tai Hạch dưới hàm Tim
Hạch cổ
Hạch tai
Tim Phổi

Dạ dày
Hạch
Phổi tạng Tụy
Ruột non
Dạ dày
Gan
Ruột non Tụy Hạch
mạc treo Tuyến thượng thận

Gan Hạch
Góc hạ vị Đại tràng
đại
Đại tràng tràng
Chuỗi hạch Bàng quang
Bàng quang giao cảm
Thần cạnh sống
kinh Tuyến sinh dục
Tuyến sinh dục tạng

Hình 3.13. Sơ đồ hệ thần kinh thực vật


2.1.1. Hệ giao cảm và phó giao cảm
2.1.1.1. Hệ giao cảm
- Trung tâm: sừng bên chất xám tuỷ sống đoạn D1-L2.
- Đường dẫn truyền: đường dẫn truyền từ trung tâm đến mô có hai nơron:
nơron tiền hạch và nơron hậu hạch.
+ Nơron tiền hạch: thân nằm ở sừng bên chất xám tuỷ sống D1-L2. Sợi trục
(sợi tiền hạch) theo rễ trước thần kinh tuỷ ra khỏi tuỷ sống sau đó theo nhánh thông
trắng đến tận cùng ở hạch giao cảm cạnh sống hoặc hạch giao cảm trước cột sống.

147
+ Nơron hậu hạch: thân nằm ở chuỗi hạch giao cảm cạnh sống hoặc hạch
giao cảm trước cột sống. Sợi trục (sợi hậu hạch) đi đến các cơ quan ở đầu, cổ, ngực,
bụng. Một số sợi theo nhánh thông xám trở về thần kinh tủy rồi theo thần kinh tủy
đến chi phối cho mạch máu, tuyến mồ hôi, cơ dựng lông, cơ vân.
- Hạch giao cảm: là vùng synap giữa nơron tiền hạch và hậu hạch, nơi tập
trung thân nơron hậu hạch. Hạch giao cảm nằm gần trung tâm, xa tạng mà nó chi
phối.
+ Chuỗi hạch giao cảm cạnh sống: gồm các hạch giao cảm nằm dọc hai bên
cạnh cột sống.
+ Nhóm hạch trước cột sống: hạch tạng (từ dây các sợi hậu hạch đi ra tạo
thành đám rối dương vùng thượng vị), hạch mạc treo, hạch hạ vị nằm trong ổ bụng.
- Chi phối:
Bảng 3.4. Phân bố sự chi phối của thần kinh giao cảm

Xuất phát Nơi chi phối


D1 Vùng đầu
D2 Vùng cổ
D3-D6 Vùng ngực
D7-D11 Vùng bụng
D12-L2 Chi dưới

Đặc biệt: sợi giao cảm đến chi phối tuỷ thượng thận chỉ có một sợi và tạo
synap với tế bào tuỷ thượng thận (do tế bào thần kinh biệt hoá tạo thành) gây bài
tiết hormon catecholamin có tác dụng giống hiệu ứng giao cảm (tác dụng giao cảm
gián tiếp).
2.1.1.2. Hệ phó giao cảm
- Trung tâm:
+ Trung não, hành não.
+ Chất xám tuỷ sống S2-S4.
- Đường dẫn truyền: đường dẫn truyền từ trung tâm đến mô có hai nơron:
nơron tiền hạch và nơron hậu hạch. Đặc biệt các sợi phó giao cảm xuất phát từ
cuống não, hành não sẽ đi theo dây thần kinh III, VII, IX, X. 75% các sợi phó giao
cảm nằm trong dây thần kinh X.
+ Nơron tiền hạch: thân nằm ở trung não, hành não, sừng bên chất xám tuỷ

148
sống S2-S4. Sợi trục (sợi tiền hạch) đi đến hạch phó giao cảm.
+ Nơron hậu hạch: thân nằm ở hạch phó giao cảm. Sợi trục (sợi hậu hạch) đi
đến các cơ quan chi phối ở đầu, cổ, ngực, bụng.
- Hạch phó giao cảm: là vùng synap giữa nơron tiền hạch và hậu hạch, nơi
tập trung thân nơron hậu hạch. Hạch phó giao cảm nằm gần tạng mà nó chi phối, xa
trung tâm.
+ Hạch mi: thuộc dây thần kinh III.
+ Hạch tai: thuộc dây thần kinh IX.
+ Hạch dưới hàm, dưới lưỡi: thuộc dây thần kinh VII’.
+ Hạch bướm khẩu cái: thuộc dây thần kinh VII.
+ Các hạch nằm ngay trong thành các tạng ở cổ, ngực, bụng: thuộc dây thần
kinh X và phần xuất phát từ S2-S4.
- Chi phối:
Bảng 3.5. Phân bố sự chi phối của thần kinh phó giao cảm

Xuất phát Nơi chi phối


Trung não: dây III Co cơ đồng tử, cơ thể mi
Hành não: dây VII Tuyến lệ, tuyến mũi, tuyến dưới hàm
Hành não: dây IX Tuyến mang tai
Hành não: dây X - Các tạng trong ngực: tim, phổi, thực quản…
- Các tạng trong bụng: dạ dày, ruột non, nửa
đầu ruột già, gan, túi mật, tụy
S2-S4 Nửa sau ruột già, cơ quan niệu-sinh dục

2.1.1.3. So sánh giữa hệ giao cảm và phó giao cảm


Bảng 3.6. So sánh hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm

Hệ giao cảm Hệ phó giao cảm


Trung tâm nằm liên tục trong tuỷ sống Trung tâm nằm không liên tục nhau trên
não và trong tuỷ sống
Hạch giao cảm nằm gần trung tâm, xa tạng Hạch phó giao cảm nằm gần tạng, xa
trung tâm
Sợi tiền hạch ngắn, sợi hậu hạch dài Sợi tiền hạch dài, sợi hậu hạch ngắn
Một sợi tiền hạch thường tạo synap với Một sợi tiền hạch thường tạo synap với
khoảng 20 sợi hậu hạch nên khi kích thích một sợi hậu hạch nên khi kích thích ảnh

149
ảnh hưởng giao cảm thường lan rộng hưởng phó giao cảm thường khu trú

2.1.2. Hệ cholinergic và hệ adrenergic


Các sợi thần kinh giao cảm và phó giao cảm bài tiết một trong hai chất
truyền đạt thần kinh là noradrenalin và acetylcholin.
2.1.2.1. Hệ cholinergic
- Sợi bài tiết acetylcholin được gọi là sợi cholinergic, gồm:
+ Sợi tiền hạch giao cảm và phó giao cảm.
+ Sợi hậu hạch phó giao cảm.
+ Sợi hậu hạch giao cảm đến chi phối cho tuyến mồ hôi, cơ dựng lông, một
số mạch máu.
- Acetylcholin:
+ Tổng hợp: được tổng hợp ở tận cùng sợi cholinergic
Acetylcholin tranferase
Acetyl-CoA + Cholin Acetylcholin
+ Thời gian tác dụng vài giây.
+ Acetylcholin được phân hủy theo phản ứng:
Cholinesterase
Acetylcholin Acetat + cholin
- Thụ thể của hệ cholinergic: 2 loại
+ Thụ thể muscarinic (M): nằm trên tế bào đáp ứng trong synap với sợi hậu
hạch phó giao cảm. Có các loại M1, M2, M3…
+ Thụ thể nicotinic (N): N1 nằm trên tế bào hậu hạch trong synap với sợi tiền
hạch giao cảm và phó giao cảm.
2.1.2.2. Hệ adrenergic
- Sợi bài tiết noradrenalin được gọi là sợi adrenergic, gồm:
+ Sợi hậu hạch giao cảm.
+ Tủy thượng thận cũng có thể xem thuộc hệ này.
- Noradrenalin:

150
+ Tổng hợp: được tổng hợp ở tận cùng sợi adrenergic theo các bước:
Tyrosin → DOPA → Dopamin → Noradrenalin
Ở tủy thượng thận 80% noradrenalin được chuyển thành adrenalin.
+ Thời gian tác dụng vài giây, riêng adrenalin và noradrenalin do tủy thượng
thận bài tiết vào máu còn kéo dài tác dụng 10-30 giây sau đó tác dụng giảm dần.
+ Noradrenalin và adrenalin bị bất hoạt theo 3 đường: tái nhập trở lại cúc tận
cùng của sợi hậu hạch giao cảm, khuếch tán vào dịch kẽ bao quanh và bị các enzym
phân giải như enzym Catechol-O-methyltranferase.
- Thụ thể của hệ adrenergic: nằm trên tế bào đáp ứng trong synap với sợi hậu
hạch giao cảm. Gồm 2 loại: thụ thể  (1, 2) và thụ thể  (1, 2).
2.2. Tác dụng của hệ thần kinh tự chủ
Hệ thần kinh tự chủ tác dụng thông qua các phản xạ thực vật để điều hòa
hoạt động các cơ quan. Ví dụ:
- Phản xạ thực vật của hệ tim mạch: điều hòa hoạt động tim và huyết áp.
Nhìn chung kích thích giao cảm gây tăng hoạt động, phó giao cảm làm giảm hoạt
động.
- Phản xạ thực vật của hệ tiêu hóa: điều hòa các hoạt động cơ học và bài tiết
của hệ tiêu hóa. Nhìn chung kích thích phó giao cảm gây tăng hoạt động, giao cảm
làm giảm hoạt động.
- Các phản xạ thực vật của hệ niệu-sinh dục như phản xạ co cơ bàng quang
gây bài xuất nước tiểu, phản xạ cương, phóng tinh…
Bảng 3.7. Tóm tắt tác dụng của hệ thần kinh thực vật lên các cơ quan

Cơ quan đáp ứng Xung động adrenergic Xung động cholinergic


Thụ thể Đáp ứng Đáp ứng
Mắt:
- Cơ giãn đồng tử  - Co (++)
- Cơ co đồng tử - Co (+++)
- Cơ thể mi  - Giãn - Co
Tim:
- Nút xoang 1 - Tăng tần số tim - Giảm nhịp tim (+++)
- Tâm nhĩ 1 - Tăng co thắt và dẫn - Giảm co thắt và dẫn
truyền (++) truyền (++)
- Nút nhĩ thất 1 - Tăng tính hưng phấn - Giảm dẫn truyền, block

151
(++) nhĩ thất (+++)
- Hệ thống dẫn truyền 1 - Tăng tính hưng phấn - Ít ảnh hưởng
và vận tốc dẫn truyền
(+++)
- Tâm thất
- Tăng co thắt, vận tốc
1 - Hơi tăng tính co thắt
dẫn truyền, tính hưng
phấn (+++)
Tiểu động mạch:
- Vành , 2 - Co (+), giãn (++) - Giãn (+/-)
- Da và niêm  - Co (+++) - Giãn
- Cơ xương , 2 - Co (++), giãn (++) - Giãn (+)
- Não  - Co ít - Giãn
- Phổi , 2 - Co (+), giãn - Giãn
- Tạng ở bụng , 2 - Co (+++), giãn (+)
- Tuyến nước bọt - Co (+++) - Giãn (++)

Tĩnh mạch , 2 Co (++), giãn (++)


Phổi:
- Cơ phế quản 2 - Giãn (+) - Co (++)
- Tuyến phế quản - Ức chế - Kích thích (+++)
Tuyến mũi hầu Bài tiết (++)
Dạ dày:
- Cử động, trương lực 2, 2 - Giảm (+) - Tăng (+++)
- Cơ vòng - Co (+) - Giãn (+)
- Bài tiết  - Ức chế (?) - Kích thích (+++)
Ruột:
- Cử động, trương lực 2, 2 - Giảm (+) - Tăng (+++)
- Cơ vòng - Co (+) - Giãn (+)
- Bài tiết  - Ức chế (?) - Kích thích
Ống dẫn mật, túi mật Giãn (+) Co (+)
Gan , 2 - Thủy phân glucogen, - Tổng hợp glycogen (+)
tân tạo đường (+++)
Tụy:
- Nang  - Giảm bài tiết (+) - Bài tiết (++)
- Tế bào  , 2 - Giảm bài tiết (+++),
tăng bài tiết (+)
Vỏ lách , 2 - Co (+++), giãn (+)
Thận 2 Bài tiết renin

152
Tủy thượng thận Tăng bài tiết
catecholamin
Bàng quang:
- Cơ bàng quang  - Giãn (+) - Co (+++)
- Cơ vòng  - Co (++) - Giãn (++)
Niệu quản:
Cử động, trương lực , 2 - Tăng - Tăng (?)
Dương vật  Phóng tinh (+++) Cương (+++)
Da:
- Cơ dựng lông  - Co (++)
- Tuyến mồ hôi  - Bài tiết tại chỗ (+) - Bài tiết chung (+++)
Tuyến nước bọt  - Bài tiết nước và K+ (+) - Bài tiết nước và K+
(+++)
Tế bào mỡ , 1 Thủy phân mỡ (+++)
Cơ vân Tăng phân giải glycogen
Chuyển hóa cơ sở Tăng 100%
Hoạt động tâm thần Tăng

2.3. Điều hòa hoạt động hệ thần kinh tự chủ


- Cấu trúc lưới ở hành não, cầu não và một số nhân có tác dụng điều hòa
những chức năng của hệ thần kinh tự chủ như: điều hòa tim mạch, hô hấp, tiêu hóa,
tiết niệu sinh dục...
- Vùng hạ đồi là trung tâm cao cấp của hệ thần kinh tự chủ. Kích thích phần
trước có tác dụng như kích thích hệ phó giao cảm, kích thích phần sau có tác dụng
như kích thích hệ giao cảm.
- Vỏ não cũng có ảnh hưởng lên hầu hết các trung tâm điều hòa thần kinh tự
chủ: hoạt động cảm xúc của vỏ não làm thay đổi các hoạt động thần kinh tự chủ như
tim mạch, hô hấp…
- Thyroxin của tuyến giáp có tác dụng tăng hoạt động hệ giao cảm.

153
SINH LÝ PHẢN XẠ
Mục tiêu:
1. Trình bày được các thành phần của cung phản xạ.
2. Phân tích được các thành phần của cung phản xạ tủy sống và nêu các quy luật của
phản xạ tủy.
3. Trình bày được các phản xạ của thân não.
4. Trình bày được các phản xạ của tiểu não.
Phản xạ là phản ứng của cơ thể đối với những kích thích của môi trường bên
ngoài cũng như bên trong cơ thể. Phản xạ được thực hiện thông qua cung phản xạ
với sự kết hợp của hệ thần kinh cảm giác và hệ thần kinh vận động gồm 5 thành
phần:
- Bộ phận nhận cảm (thụ thể).
- Đường dẫn truyền hướng tâm (đường dẫn truyền cảm giác).
- Trung tâm phản xạ (chất xám thần kinh trung ương).
- Đường dẫn truyền ly tâm (đường dẫn truyền vận động).
- Bộ phận đáp ứng (cơ).
Các phản xạ được thực hiện dưới sự chỉ huy của các trung tâm ở nhiều cấp
độ khác nhau: phản xạ của tủy sống, phản xạ của thân não, phản xạ của gian não và
đoan não, phản xạ của tiểu não. Tuy nhiên hoạt động của chúng rất phức tạp, có sự
liên quan mật thiết với các vùng khác của hệ thần kinh.
1. PHẢN XẠ CỦA TỦY SỐNG
Phản xạ của tủy sống là những phản xạ có trung tâm nằm ở chất xám tuỷ
sống. Các phản xạ của tủy sống là những phản xạ không có ý thức ở mức thấp chịu
sự chi phối của các trung tâm thần kinh ở mức cao hơn trong não.
- Cung phản xạ của tủy sống có thể có 2 hoặc 3 nơron:
+ Cung phản xạ 2 nơron: thời gian tiềm tàng ngắn
Nơron I: Thân ở hạch gai
Sợi trục theo rễ sau thần kinh tuỷ vào tận cùng ở sừng trước
chất xám tuỷ sống.
Nơron II: Thân ở sừng trước chất xám tuỷ sống.

154
Sợi trục theo rễ trước thần kinh tuỷ đến cơ quan đáp ứng.
+ Cung phản xạ 3 nơron: thời gian tiềm tàng tương đối dài

Hình 3.14. Cung phản xạ 3 nơron của tủy sống


Nơron I: Thân ở hạch gai
Sợi trục theo rễ sau thần kinh tuỷ vào tận cùng ở sừng sau chất
xám tuỷ sống.
Nơron II: Thân ở sừng sau chất xám tuỷ sống.
Sợi trục tận cùng ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Nơron III: Thân ở sừng trước chất xám tuỷ sống.
Sợi trục theo rễ trước thần kinh tuỷ đến cơ quan đáp ứng.
- Các loại phản xạ của tủy sống: tủy sống là trung tâm của nhiều phản xạ như
các phản xạ cơ bản (phản xạ của tế bào Renshaw, phản xạ căng cơ, phản xạ gân,
phản xạ da), các phản xạ thực hiện động tác (phản xạ tư thế, phản xạ rút lui, phản xạ
duỗi chéo), các phản xạ điều hòa (phản xạ của hệ thần kinh tự chủ ở tủy sống).
1.1. Các phản xạ cơ bản của tủy sống
Các phản xạ cơ bản là những phản xạ nền tảng để thực hiện các phản xạ
khác.

155
1.1.1. Phản xạ của tế bào Rhenshaw
Tế bào Renshaw là tế bào nằm cạnh bên nơron vận động alpha trong tủy
sống, hoạt động của tế bào này tạo thành một phản xạ tại chỗ điều hòa hoạt động
của nơron alpha. Khi nơron alpha phát xung động gây co cơ vân sẽ đồng thời truyền
tín hiệu đến tế bào Renshaw làm tế bào này hưng phấn phát xung động quay lại ức
chế nơron alpha. Nơron alpha càng hưng phấn mạnh thì sự ức chế của tế bào
Renshaw lên nó càng mạnh. Và như vậy, sau khi cơ co, cơ sẽ giãn ra tránh hiện
tượng co cứng.
1.1.2. Phản xạ căng cơ
Phản xạ căng cơ là phản xạ có cung 2 nơron (1 synap), thời gian tiềm tàng
ngắn, chi phối cho cơ vân. Đây là phản xạ cơ sở để tạo ra trương lực cơ hình thành
tư thế, đồng thời phản xạ này cũng tránh cho cơ giãn ra quá mức giúp động tác được
mềm mại, liên tục không bị run rẩy, giật cục.
- Cơ chế của phản xạ căng cơ: giữa mỗi cơ vân có một cấu trúc đặc biệt gọi
là suốt cơ (thoi cơ), trung tâm suốt cơ là bộ phận nhận cảm cảm giác căng, trong khi
hai đầu suốt lại có có khả năng co giãn như các tế bào cơ bình thường. Khi trung
tâm của suốt cơ bị kéo căng, xung động theo sợi cảm giác (loại sợi A) truyền về tủy
sống, kích thích nơron vận động alpha gây co cơ. Có hai trường hợp dẫn đến trung
tâm suốt cơ bị kéo căng làm xuất hiện phản xạ căng cơ:
+ Sau khi cơ vân co có ý thức dưới sự chi phối của vỏ não để thực hiện một
động tác nào đó, tế bào Renshaw sẽ phát xung động ức chế nơron alpha làm cơ vân
sẽ giãn ra. Sự thư giãn này làm kéo căng toàn bộ suốt cơ có ở trung tâm khối cơ dẫn
đến phản xạ căng cơ gây co cơ trở lại không ý thức, nhưng ngay lập tức phản xạ này
lại kích thích tế bào Renshaw. Cứ như vậy, sự giằng co giữa phản xạ căng cơ và tế
bào Renshaw làm cơ vân không bao giờ giãn ra tuyệt đối mà hơi co nhẹ gọi là
trương lực cơ sẵn sàng cho động tác co cơ tiếp theo được liên tục, mềm mại.
+ Khi cần duy trì tư thế nào đó trong một thời gian dài, thì nơron vận động
gama (loại sợi A) ở sừng trước tủy sống (có số lượng bằng 1/3 nơron vận động
alpha) sẽ phát xung động đến chi phối làm co hai đầu suốt cơ, kéo căng trung tâm
suốt khởi phát phản xạ căng cơ. Phản xạ này cũng phối hợp với tế bào Renshaw tạo
ra trương lực cơ để duy trì tư thế đứng, ngồi trong một thời gian nhất định. Ngược
lại, khi nơron vận động gama giảm kích thích, phản xạ căng cơ giảm, trương lực cơ
toàn thân giảm sẽ tạo ra tư thế nằm nghỉ ngơi.
- Ứng dụng: trong thực hành lâm sàng khám thần kinh, người ta thường tạo
phản xạ căng cơ bằng cách dùng búa gõ phản xạ gõ vào gân của các cơ, dẫn đến kéo

156
căng toàn bộ khối cơ trong đó có suốt cơ, do vậy những phản xạ này còn được gọi
là phản xạ gân-cơ. Phản xạ căng cơ của mỗi cơ có trung tâm nằm ở một đoạn tủy
nhất định, nên khảo sát các phản xạ gân-cơ sẽ giúp định vị được tổn thương ở hệ
thần kinh.
Bảng 3.8. Các phản xạ gân-cơ của tủy sống

Phản xạ Nơi kích thích Đáp ứng Trung tâm


Gân cơ nhị đầu Gân cơ nhị đầu Gấp cẳng tay C5-C6
Gân cơ tam đầu Gân cơ tam đầu Duỗi cẳng tay C6-C8
Trâm quay Dưới mấu trâm xương Gấp và xoay ngửa cẳng tay
C5-C7
quay
Trâm trụ Dưới mấu trâm xương trụ Úp sấp cẳng tay C8
Gân gối Gân cơ tứ đầu đùi Duỗi gối L3-L5
Gân gót Gân gót Gập bàn chân S1-S2

1.1.3. Phản xạ gân


Cần lưu ý phản xạ gân không phải là phản xạ gân-cơ trong thực hành lâm
sàng. Phản xạ này bắt đầu từ bộ phận nhận cảm là thụ thể Golgi nằm trong gân của
cơ vân, khi cơ co sẽ kéo căng hai đầu gân, thụ thể Golgi bị kích thích phát xung
động theo sợi Aα về tủy sống gây ức chế gián tiếp nơron vận động alpha qua nơron
trung gian làm cơ giãn ra. Như vậy, phản xạ này ngược lại với phản xạ căng cơ làm
cho cơ không co quá mức. Phản xạ này còn có tác dụng giúp phân bố đồng đều lực
co giữa các sợi cơ: sợi nào đã có mạnh thì bị ức chế, sợi nào co yếu thì bị kích thích
do đó sức tải được phân bố đồng đều giữa các sợi cơ, tránh được một số sợi phải
chịu tải quá mức dẫn đến tổn thương. Phản xạ gân cũng mang tính chất tiết đoạn
như phản xạ căng cơ.
Ứng dụng: trong thực hành lâm sàng khám thần kinh, để làm phản xạ này dễ
bộ lộ hơn ở chi dưới, người ta làm nghiệm pháp Jendrassik: yêu cầu bệnh nhân tập
trung tư tưởng kéo mạnh hai tay đang nắm chặt nhau, khi đó ở chi dưới sẽ có phản
xạ gân rõ, các cơ giãn ra, thả lỏng; lúc này khám phản xạ gân-cơ tứ đầu đùi (dùng
búa gõ vào gân gối) rất dễ.
1.1.4. Phản xạ da
Phản xạ da xuất hiện khi gãi trên da ở một số nơi gây co cơ vùng đó. Cung
phản xạ 3 nơron, điểm đặc biệt là một kích thích mạnh có thể không gây được phản
xạ trong khi kích thích yếu nhưng lập đi lập lại lại gây được phản xạ. Đây là cơ sở
tạo nên hiện tượng “nhột” và mở đầu cho phản xạ rút lui.

157
Ứng dụng: trong thực hành lâm sàng khám thần kinh, người ta thường tạo
phản xạ da bằng cách dùng kim gút đầu tù vạch trên da gây co cơ vùng đó. Do tính
chất tiết đoạn, nên phản xạ này cũng dùng để để định vị tổn thương. Riêng phản xạ
da lòng bàn chân (phản xạ Babinski) rất thường được sử dụng để đánh giá tổn
thương bó tháp, tuy nhiên phản xạ này chỉ có giá trị ở trẻ trên 3 tuổi, ở trẻ dưới 3
tuổi do sự myelin hóa chưa đầy đủ trong hệ thần kinh nên phản xạ sẽ dương tính.
Bảng 3.9. Các phản xạ da của tủy sống

Phản xạ Nơi kích thích Đáp ứng Trung tâm


Da bụng Da bụng trên Co giật cơ bụng D6-D8
Da bụng giữa D8-D10
Da bụng dưới D10-D12
Da bìu Da mặt trong và trên Co bìu cùng bên
L4-S3
đùi
Da quanh hậu môn Da quanh hậu môn Co cơ vòng hậu môn S3
Da lòng bàn chân Da lòng bàn chân Gập 5 ngón chân S1-S2

1.2. Các phản xạ thực hiện động tác


1.2.1. Phản xạ tư thế
Khi nghỉ các cơ vẫn ở trạng thái co trương lực với sự tham gia của nơron vận
động gamma ở tủy sống. Riêng phản xạ trương lực của các cơ vùng cổ còn có sự
tham gia của bộ máy tiền đình. Các phản xạ trương lực cơ của tủy sống này tạo cho
cơ thể một tư thế nhất định trong không gian:
- Phản xạ duỗi: do trọng lượng cơ thể và lực hút của trái đất nên cơ thể luôn
có khuynh hướng bị kéo xuống, các cơ duỗi ở cổ, thân mình, chi dưới phải co
trương lực để duy trì tư thế vì vậy các cơ này được gọi là cơ kháng trọng lực.
- Phản xạ ngồi: tăng trương lực đồng thời các cơ gấp ở hai chi dưới và duy trì
trong một thời gian dài để đảm bảo một tư thế ngồi nhất định. Trung tâm phản xạ
nằm ở vùng thắt lưng.
- Phản xạ đứng: tăng trương lực đồng thời các cơ duỗi ở hai chi dưới và duy
trì trong một thời gian dài để đảm bảo một tư thế đứng nhất định. Trung tâm phản
xạ nằm ở vùng thắt lưng.
- Phản xạ khi nằm nghỉ ngơi: giảm trương lực các cơ vân toàn cơ thể.
1.2.2. Phản xạ rút lui
Khi một vùng da của chi bị kích thích, đặc biệt là kích thích đau sẽ gây phản

158
xạ gấp từng đoạn chi vào nhau (vì vậy phản xạ này còn được gọi là phản xạ gấp hay
phản xạ da). Động tác gấp sẽ giúp cơ thể hoặc một phần cơ thể tránh xa tác nhân
kích thích có hại (hiện tượng “rút lui”) để bảo vệ cơ thể. Phản xạ rút lui có một số
đặc điểm sau:
- Đường dẫn truyền trong tủy sống của phản xạ theo lối phân kỳ qua các
nơron trung gian nên có thể lan ra nhiều phần cơ thể theo các quy luật:
+ Quy luật một bên: một kích thích yếu chỉ tạo ra phản xạ tại chỗ bị kích
thích.
+ Quy luật đối xứng: nếu tăng cường độ kích thích sẽ gây thêm phản xạ bên
đối diện bị kích thích.
+ Quy luật khuếch tán: nếu tiếp tục tăng cường độ kích thích lên nữa thì phản
ứng lan sang các phần cơ thể khác cùng bên bị kích thích.
+ Quy luật toàn thể: nếu kích thích với cường độ quá mạnh phản ứng sẽ lan
truyền khắp cơ thể, tất cả các cơ đều co.
- Đây là những phản xạ có sự tham gia của nhiều nơron (tối thiểu là 3 nơron)
nên thời gian tiềm tàng dài.
- Đáp ứng của phản xạ vẫn được giữ thêm một thời gian sau khi cơ thể đã rời
xa tác nhân kích thích. Hiện tượng trì hoãn này nhằm giúp não có thời gian đưa ra
quyết định xử lý thích hợp.
1.2.3. Phản xạ duỗi chéo
Phản xạ duỗi chéo là phản xạ xuất hiện khi một cơ co lại thì cơ đối lập của
nó sẽ giãn ra nhờ hoạt động của các nơron trung gian trong tủy sống như các trường
hợp sau:
- Trong một cơ, khi cơ gấp co lại thì cơ duỗi sẽ giãn ra và ngược lại. Như
vậy, các cơ đối lập không chống lại nhau khi thực hiện động tác.
- Khi đi, một tay đánh trước thì một tay đánh sau phối hợp rất nhịp nhàng.
- Phản xạ duỗi chéo cũng xuất hiện ở 4 chi để hoàn thành động tác đi hoặc
chạy do hiện tượng co/duỗi các cơ đối lập nhau ở các chi đối nhau. Ví dụ: kích thích
đau vào chân trái sẽ gây co chân trái và tay phải, duỗi chân phải và tay trái (chạy/đi)
để kéo cơ thể ra khỏi tác nhân kích thích. Như vậy, phản xạ rút lui và duỗi chéo đã
phối hợp nhau để bảo vệ cơ thể.

159
1.3. Các phản xạ điều hòa
Các phản xạ điều hòa của tủy sống là những phản xạ thần kinh tự chủ với
trung tâm phản xạ nằm ở sừng bên chất xám tủy:
- Trung tâm không định khu rõ: phản xạ bài tiết mồ hôi, phản xạ co cơ dựng
lông, phản xạ vận mạch.
- Trung tâm định khu rõ: một số phản xạ vùng đầu mặt cổ, phản xạ tim, phản
xạ hô hấp, phản xạ tiêu hóa, phản xạ tiết niệu-sinh dục.
2. PHẢN XẠ CỦA THÂN NÃO
Thân não bao gồm: hành não, cầu não và trung não.
2.1. Các phản xạ của hành-cầu não
2.1.1. Các phản xạ có tính sinh mạng và phản xạ của mắt
- Phản xạ hô hấp: điều hòa hô hấp, bảo vệ hô hấp (ho, hắt hơi).
- Phản xạ tim mạch: điều hòa hoạt động tim, huyết áp.
- Phản xạ tiêu hoá: phản xạ cơ học (nhai, nuốt, nôn, cử động dạ dày, túi mật),
phản xạ tiết dịch tiêu hoá (nước bọt, dịch vị, dịch tụy, dịch mật). Khám phản xạ cơ
nhai: gõ vào hàm dưới cằm gây co cơ nhai làm miệng khép lại.
- Phản xạ của mắt: phản xạ chảy nước mắt, phản xạ giác mạc (dùng bông
sạch chạm nhẹ vào giác mạc gây chớp mắt).
2.1.2. Phản xạ tư thế-chỉnh thế
Hành não và cầu não chi phối trương lực cơ vân thông qua hoạt động của
nhân tiền đình và cấu tạo lưới.
- Chi phối các phản xạ tư thế của tủy sống: nhân tiền đình và cấu tạo lưới
đóng vai trò là các trung tâm cấp trên điều chỉnh các phản xạ tư thế của tủy sống
theo hướng làm tăng trương lực cơ kháng trọng lực. Trong đó, nhân tiền đình tác
động lên nơ ron vận động alpha, còn cấu tạo lưới tác động lên cả nơron vận động
alpha và gama.
- Phản xạ chỉnh thế: nhân tiền đình là trung tâm của phản xạ chỉnh thế giúp
cơ thể giữ thăng bằng. Bộ phận nhận cảm là cơ quan tiền đình ở tai trong gồm các
ống bán khuyên, soan nang và cầu nang, bên trong có chứa nội dịch và các tế bào có
lông. Khi đầu quay, sự chuyển động của nội dịch và lông làm xuất hiện các tín hiệu
thần kinh truyền theo dây thần kinh số VIII (phần tiền đình) về đến nhân tiền đình ở
hành não cùng bên. Từ đây, sau khi xử lý thông tin, xung động động được truyền ra

160
theo các sợi thần kinh đến mắt, xuống tủy sống qua bó tiền đình-tủy và đến các
nhân thực vật, gây các đáp ứng:
+ Giúp cho mắt nhìn cố định vào vật trong khi đầu xoay, ví dụ: nếu đầu xoay
sang trái, đồng tử sẽ chuyển động sang phải để giữ cho ảnh của vật nằm trên trung
tâm của võng mạc. Khi đồng tử đã di chuyển đến chỗ xa nhất (khóe mắt) sẽ nhanh
chóng trở về điểm giữa mắt. Và nếu đầu vẫn tiếp tục quay, đồng tử lại chuyển động
theo hướng ngược lại, đây là hiện tượng rung giật nhãn cầu.
+ Điều chỉnh trương lực cơ thân mình và tứ chi giúp cơ thể lấy lại tư thế ban
đầu đã bị mất.
+ Các phản xạ thực vật về tim mạch, tiêu hóa liên quan đến dây X.
+ Ngoài ra, khi cơ thể rơi từ trên cao xuống, cơ quan tiền đình bị kích thích
bởi gia tốc rơi của đầu sẽ gây co các cơ chi dưới trước khi bàn chân chạm đất vừa
giúp giữ thăng bằng vừa tránh cho cho chân khỏi bị tổn thương.
2.2. Các phản xạ của trung não
- Phản xạ định hướng với ánh sáng: máy mắt, lay tròng mắt, quay đầu về
phía nguồn sáng… với trung tâm là củ não sinh tư trước.
- Phản xạ định hướng với âm thanh: vểnh tai, quay đầu, tai về phía nguồn
âm… với trung tâm là củ não sinh tư sau.
- Phản xạ tư thế-chỉnh thế: thông qua phản xạ điều hòa trương lực cơ của
nhân đỏ.
3. PHẢN XẠ CỦA GIAN NÃO VÀ ĐOAN NÃO
- Gian não gồm có đồi não và vùng hạ đồi quây quanh não thất ba.
+ Đồi não gồm đồi thị, vùng trên đồi, vùng sau đồi và vùng dưới đồi tham
gia các hoạt động hình thành tư duy, hành vi-động cơ, xúc cảm, trung tâm nhìn và
nghe dưới vỏ (thể gối ngoài và trong).
+ Vùng hạ đồi: trung tâm điều hòa thần kinh tự chủ, điều hòa thân nhiệt, điều
hòa nội tiết, trung tâm no, đói và trung tâm khát.
- Đoan não gồm 2 bán cầu đại não với các trung tâm thần kinh là chất xám:
+ Các nhân nền não: trung tâm của các phản xạ vận động vô thức, lập kế
hoạch cho vận động.
+ Vỏ não: trung tâm các phản xạ có điều kiện. Vỏ não chi phối vận động có ý
thức đồng thời cũng phát xung động đến kiểm soát các trung tâm thần kinh dưới vỏ.

161
4. PHẢN XẠ CỦA TIỂU NÃO

Hình 3.15. Cấu tạo của tiểu não


Về mặt tiến hóa, tiểu não bao gồm tiểu não cổ, tiểu não cũ và tiểu não mới.
Tiểu não tham gia vào các phản xạ điều hòa vận động cùng bên (cả thần kinh động
vật và tự chủ).
4.1. Các phản xạ kiểm soát và điều chỉnh vận động không tùy ý (phản xạ tư
thế)
Hai cung phản phản xạ chính: cung phản xạ có bộ phận nhận cảm ở gân, cơ,
xương, khớp và cung phản xạ có bộ phận nhận cảm ở cơ quan tiền đình.
4.1.1. Cung phản xạ có bộ phận nhận cảm ở gân, cơ, xương, khớp
- Bộ phận nhận cảm: các thụ thể bản thể ở gân, cơ, xương, khớp.
- Đường hướng tâm: các đường dẫn truyền cảm giác sâu về tiểu não:
+ Bó tủy tiểu não chéo (Gowers), bó tủy-tiểu não thẳng (Flechsig).
+ Bó Goll-Burdach đến nhân thon, nhân chêm ở hành não rồi cho nhánh bên
theo bó hành-tiểu não vào tiểu não.
Các bó này tận cùng ở vỏ tiểu não cũ (thùy nhộng).
- Trung tâm phản xạ: vỏ tiểu não thùy nhộng cho các sợi đến nhân mái của
tiểu não.
- Đường ly tâm: từ nhân mái có các bó đi ra:
+ Bó tiểu não-tiền đình đi đến nhân tiền đình ở hành não.
+ Bó tiểu não-hành não đi đến cấu trúc lưới ở hành não.

162
Từ đó xung động được tiếp tục dẫn truyền theo các đường ngoại tháp đến các
nơron vận động ở sừng trước tủy sống cùng bên.
- Bộ phận đáp ứng: kiểm soát và điều chỉnh việc làm tăng trương lực cơ của
các chi và thân mình từ đó dẫn đến kiểm soát phối hợp động tác và duy trì tư thế
trong không gian (phản xạ tư thế).
4.1.2. Cung phản xạ có bộ phận nhận cảm ở cơ quan tiền đình
- Bộ phận nhận cảm: các thụ thể ở cơ quan tiền đình của tai trong.
- Đường hướng tâm: dẫn truyền theo dây thần kinh số VIII (phần tiền đình)
về nhân tiền đình ở hành não cùng bên. Từ đây xung động theo bó tiền đình-tiểu
não qua cuống dưới vào tiểu não cùng bên và tận cùng ở vỏ tiểu não cổ (thùy
nhung).
- Trung tâm phản xạ: vỏ tiểu não thùy nhung cho các sợi đến nhân mái của
tiểu não.
- Đường ly tâm: Từ nhân mái có các bó đi ra giống nhưng cung phản xạ trên
(bó tiểu não-tiền đình, bó tiểu não-hành não). Từ đó xung động được tiếp tục dẫn
truyền đến:
+ Cấu trúc lưới ở thân não.
+ Các nhân vận động nhãn cầu ở não giữa.
+ Các nhân vận động ngoại tháp.
+ Các nhân tự chủ chủ yếu là nhân X.
+ Nơron vận động ở sừng trước tủy sống cùng bên.
- Bộ phận đáp ứng:
+ Kiểm soát và điều chỉnh việc làm tăng trương lực cơ vùng cổ từ đó kiểm
soát và điều chỉnh thăng bằng cơ thể (phản xạ chỉnh thế).
+ Phản xạ rung giật nhãn cầu: xuất hiện khi thân bị xoay vòng. Hiện tượng
này có hai chiều: chiều vận nhãn chậm ngược với chiều xoay của thân, chiều vận
nhãn nhanh ngược với chiều vận nhãn chậm.
+ Các phản xạ tự chủ: khi tiền đình bị kích thích sẽ gây ra những phản ứng
thực vật về hô hấp, tim mạch, tiêu hóa… Trong đó phản ứng tim mạch (thay đổi
nhịp tim, huyết áp, trương lực mạch máu não…), phản ứng tiêu hóa (buồn nôn,
nôn…) có vai trò thực tiễn quan trọng.

163
4.2. Các phản xạ kiểm soát và điều chỉnh vận động tùy ý

Hình 3.16. Cung phản xạ kiểm soát và điều chỉnh vận động tùy ý
- Bộ phận nhận cảm: vỏ não vận động và các nhân nền não.
- Đường hướng tâm:
+ Khi vỏ não vận động bị kích thích ngoài việc phát xung động theo bó tháp
nó còn phát xung động theo bó vỏ-cầu-tiểu não đến tiểu não: chặng thứ nhất từ vỏ
não xuống nhân của cầu não cùng bên, chặng thứ hai sợi trục của nơron cầu não bắt
chéo đường giữa theo cuống giữa vào tận cùng ở vỏ tiểu não mới.
+ Khi các vùng vận động của các nhân nền não, của cấu tạo lưới và tủy sống
bị kích thích sẽ phát xung động đến nhân trám ở hành não. Từ đây có bó trám-tiểu
não bắt chéo đường giữa theo cuống dưới vào tiểu não đối bên.
- Trung tâm phản xạ: vỏ tiểu não mới cho các sợi đến nhân răng của tiểu não.
- Đường ly tâm: từ nhân răng có các đường dẫn truyền đi ra theo cuống tiểu
não trên:
+ Bó tiểu não-nhân đỏ: đi đến tận cùng ở nhân đỏ đối bên.
+ Bó tiểu não-đồi thị-vỏ não: sợi trục đi đến đồi thị đối bên, sợi trục của đồi

164
thị sẽ tiếp tục đi đến tận cùng ở vỏ não vận động.
- Đáp ứng:
+ Kiểm soát và điều chỉnh vận động tùy ý đảm bảo cho các hoạt động được
chính xác (đúng hướng, đúng tầm, nhịp nhàng) đặc biệt là các động tác nhanh
(chạy, đánh máy chữ, chơi đàn piano…).
+ Hoạt động khởi đầu-kết thúc động tác: làm cơ chuyển sang hoạt động rất
nhanh và mạnh lúc khởi đầu động tác và kết thúc động tác đúng lúc bằng cách ức
chế các cơ không đối kháng và kích thích cơ đối kháng.
+ Lập chương trình vận động: đặt chương trình trước cho sự vận động giúp
các động tác được mềm mại, liên tục khi chuyển từ hướng này sang hướng khác.
4.3. Các phản xạ điều hòa thần kinh tự chủ
Tiểu não có mối liên hệ về mặt giải phẫu và chức năng với vùng hạ đồi và
cấu trúc lưới, nơi có những vai trò quan trọng trong điều hòa các chức năng thực vật
do vậy tiểu não cũng có ảnh hưởng đến các chức năng thực vật.

165
SINH LÝ THẦN KINH CAO CẤP
Mục tiêu:
1. Phân biệt được phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.
2. Phân tích được cơ chế của phản xạ có điều kiện.
3. Trình bày được các loại phản xạ có điều kiện, các quá trình ức chế và qui luật
hoạt động thần kinh cao cấp.
4. Trình bày được một số hoạt động thần kinh cao cấp: tư duy, ngôn ngữ, học tập,
trí nhớ, hành vi và động cơ, xúc cảm.
1. PHẢN XẠ CÓ ĐIỀU KIỆN
1.1. Khái niệm phản xạ có điều kiện
Phản xạ là phản ứng của cơ thể đối với những kích thích của môi trường bên
ngoài cũng như bên trong cơ thể. Pavlov phân biệt 2 loại phản xạ: phản xạ không
điều kiện (PXKĐK) và phản xạ có điều kiện (PXCĐK).
PXKĐK có một cung phản xạ vĩnh viễn và không cần điều kiện nào cả. Nó
là mối liên hệ nhất định giữa cơ thể và môi trường.
Trong cơ thể chúng ta có rất nhiều loại PXKĐK, nhưng chưa đủ để đáp ứng
với các thay đổi đa dạng phức tạp khác nhau của môi trường sống. Do đó quá trình
sống đã tạo ra vô số các PXCĐK để giúp cơ thể thích nghi và tồn tại một cách linh
hoạt.
* Thí nghiệm của Pavlov:
Cho chó ăn (A) chó có phản xạ chảy nước bọt (B). Đó là PXKĐK bẩm sinh
đã có.
Nếu trước khi cho chó ăn ta lắc chuông và làm nhiều lần như thế thì về sau
chỉ cần tiếng chuông (C) cũng làm con chó có phản ứng chảy nước bọt (D). Đó là
PXCĐK.
(A): kích thích không điều kiện .
(B): phản xạ không điều kiện.
(C): kích thích có điều kiện.
(D): phản xạ có điều kiện.

166
* Phân biệt phản xạ có điều kiện và phản xạ không có điều kiện:
Bảng 3.10. Phân biệt PXCĐK và PXKĐK

Phản xạ không điều kiện Phản xạ có điều kiện


Có tính chất bẩm sinh. Ví dụ: gà mới nở có Có tính chất tập luyện, được xây dựng trong
phản xạ mổ thức ăn quá trình sống.
Có tính chất chủng loài. Ví dụ: nhím gặp Có tính chất cá thể. Ví dụ: xiếc, đặt tên cho
nguy hiểm dựng lông, cuộn tròn chó.
Phụ thuộc vào tính chất của kích thích và bộ Không phụ thuộc vào tính chất kích thích và
phận nhận cảm. Ví dụ: ánh sáng chiếu vào bộ phận nhận cảm mà phụ thuộc vào sự
mắt gây co đồng tử, nhưng tiếng động củng cố.
không gây co đồng tử.
Trung tâm phản xạ ở vùng dưới vỏ. Ví dụ Trung tâm phản xạ ở vỏ não (nơi hình thành
trung tâm phản xạ gót chân, phản xạ da bìu đường liên lạc tạm thời).
ở tủy sống.
Có tính chất vĩnh viễn, suốt đời Có tính chất tạm thời, mất đi khi không
được củng cố.
Có tính chất di truyền Không di truyền.

Sự phân chia và so sánh 2 loại phản xạ trên đây chỉ có giá trị tương đối.
1.2. Cơ chế thành lập phản xạ có điều kiện
- Mỗi bộ phận cảm thụ đều có điểm đại diện trên vỏ não.
- Các quá trình hưng phấn tại mỗi điểm trên vỏ não đều lan tỏa ra. Khi hai
điểm đại diện cùng hưng phấn, sự lan tỏa sẽ giao thoa và tạo thành đường liên lạc
tạm thời. Điểm hưng phấn mạnh sẽ thu hút điểm hưng phấn yếu về phía mình. Lập
lại nhiều lần, đường liên lạc sẽ được củng cố. Cuối cùng hưng phấn ở điểm này có
thể dẫn đến hưng phấn ở điểm kia.
Như vậy, phản xạ có điều kiện được xây dựng trên cơ sở một đường liên lạc
tạm thời giữa hai điểm hưng phấn trên vỏ não do một kích thích có điều kiện và một
kích thích không điều kiện gây ra. Các tính chất của đường liên lạc tạm thời: là một
đường chức năng, tồn tại tạm thời trên vỏ não và chuyển động hưng phấn theo hai
chiều.
1.3. Các loại phản xạ có điều kiện
1.3.1. Phản xạ có điều kiện tự nhiên và nhân tạo
* PXCĐK tự nhiên:
Dễ thành lập, hình thành trong môi trường tự nhiên; bền vững, thường tồn tại

167
suốt đời và có tính chất loài. Ví dụ: phản xạ chuột sợ mèo.
* PXCĐK nhân tạo:
Hình thành do chủ đích xây dựng của con người; không bền vững, là sự thích
ứng của cá thể trong một giai đoạn đặc biệt. Ví dụ: phản xạ vịt nghe tiếng kẻng về
chuồng.
1.3.2. Phản xạ có điều kiện cảm thụ ngoài và trong
* PXCĐK cảm thụ ngoài
Kích thích có điều kiện tác động lên bộ phận cảm thụ ngoài hay nói chung do
ngũ quan cảm nhận được (nghe, ngửi, nếm, nhìn, sờ, đau, nóng lạnh). Ví dụ: nhìn
thấy trái me người ta tiết nước bọt.
* PXCĐK cảm thụ trong
Kích thích có điều kiện tác động lên bộ phận cảm thụ trong như các bộ phận
cảm thụ cơ, gan, dạ dày, bàng quang.... Ví dụ: bơm nước ấm vào dạ dày chó rồi
chích vào chân chó, chó sẽ giật chân lại. Làm nhiều lần chó sẽ có phản xạ có điều
kiện giật chân mỗi khi có nước ấm vào dạ dày.
1.3.3. Phản xạ có điều kiện do tác nhân thời gian
Tác nhân thời gian đóng vai trò là kích thích có điều kiện gây PXCĐK. Ví
dụ: cứ 15 phút cho chó ăn một lần. Làm nhiều lần. Về sau cứ 15 phút chó chảy nước
bọt một lần.
1.3.4. Phản xạ có điều kiện do tác nhân dược lý
Dùng tác dụng của thuốc làm kích thích không điều kiện để xây dựng
PXCĐK. Ví dụ: tiêm apomorphin có thể gây nôn. Nếu ta cho chuông reo trước khi
tiêm apomorphin cho chó thì sau nhiều lần chỉ nghe tiếng chuông là chó nôn.
1.3.5. Phản xạ có điều kiện cấp cao
PXCĐK được xây dựng trên cơ sở một PXKĐK là PXCĐK cấp I. Dùng
PXCĐK cấp I để xây dựng PXCĐK cấp II, cấp III... Đó là những PXCĐK cấp cao.
Ví dụ: thí nghiệm của Fusicov:
- Dí điện vào chân chó, chó giật chân: PXKĐK.
- Chạm nhẹ vào chân chó rồi dí điện vào chân nó. Làm nhiều lần. Sau đó chỉ
cần chạm nhẹ vào chân chó là chó giật chân: PXCĐK cấp I.
- Cho chó nghe tiếng nước chảy rồi chạm vào chân chó. Lâu dần, chỉ cần
nghe tiếng nước chảy chó cũng giật chân: PXCĐK cấp II.

168
2. CÁC QUÁ TRÌNH ỨC CHẾ Ở VỎ NÃO
Các quá trình ức chế làm giảm cường độ hoặc xoá bỏ những PXCĐK. Quá
trình ức chế giúp cơ thể phân biệt các kích thích, chọn lọc các kích thích, loại bỏ các
kích thích không cần thiết hoặc có hại cho đời sống.
2.1. Phân loại các quá trình ức chế
2.1.1. Ức chế không điều kiện hay ức chế bên ngoài
Ức chế không điều kiện là những ức chế có tính chất bẩm sinh, bao gồm:
- Ức chế ngoài (phản xạ “cái gì thế?”): khi có một kích thích mới và lạ, tác
động cùng một lúc với kích thích gây PXCĐK thì PXCĐK đó không diễn ra được.
Phản xạ “cái gì thế?” là cơ sở của các phát minh khoa học.
- Ức chế trên giới hạn: kích thích có điều kiện mà vượt quá một cường độ
nhất định thì PXCĐK không xuất hiện.
2.1.2. Ức chế có điều kiện hay ức chế bên trong
Ức chế có điều kiện là những ức chế được hình thành trong đời sống, bao
gồm:
- Ức chế dập tắt: kích thích có điều kiện mà không được củng cố bằng kích
thích không điều kiện sẽ mất dần tác dụng và không gây được PXCĐK nữa.
- Ức chế phân biệt: khi hai kích thích có điều kiện gần giống nhau nhưng chỉ
một kích thích được củng cố thì lâu dần chỉ kích thích nào được củng cố mới gây
được phản xạ.
- Ức chế làm chậm phản xạ: kích thích có điều kiện và kích thích không điều
kiện cách xa nhau một thời gian nhất định thì PXCĐK cũng chậm lại đúng thời gian
ấy.
- Ức chế có điều kiện: nếu cho kèm theo kích thích có điều kiện một kích
thích thứ hai và mỗi lần như thế đều không củng cố bằng kích thích không điều kiện
thì lâu dần kích thích thứ hai sẽ trở thành tác nhân gây ức chế có điều kiện.
2.2. Ý nghĩa của quá trình ức chế
Quá trình ức chế là một quá trình tích cực giúp cơ thể phân biệt các kích
thích, chọn lọc các kích thích, loại bỏ các kích thích không cần thiết hoặc có hại cho
đời sống do đó giảm những hoạt động không cần thiết của vỏ não. Như vậy, quá
trình ức chế góp phần làm thay đổi phản ứng của cơ thể cho phù hợp với điều kiện
luôn biến đổi của môi trường sống.

169
3. CÁC QUY LUẬT HOẠT ĐỘNG THẦN KINH CAO CẤP
Trong hoạt động thần kinh cao cấp có hai quá trình cơ bản là hưng phấn và
ức chế. Sự vận chuyển của các quá trình hưng phấn và ức chế diễn ra theo một số
quy luật.
3.1. Qui luật tương quan giữa cường độ kích thích và cường độ đáp ứng
- Cường độ kích thích càng mạnh thì cường độ đáp ứng càng mạnh.
- Lưu ý: nếu cường độ kích thích dưới ngưỡng sẽ không có đáp ứng, nếu
cường độ kích thích quá cao sẽ gây ức chế trên giới hạn.
3.2. Qui luật khuếch tán và tập trung
- Khuếch tán: các kích thích gây hưng phấn và ức chế đều có điểm đại diện
trên vỏ não. Từ điểm này các quá trình hưng phấn và ức chế có xu hướng lan tỏa ra
xung quanh và càng xa càng càng yếu dần.
- Tập trung: sau khi khuếch tán, các quá trình hưng phấn và ức chế sẽ tập
trung trở lại điểm xuất phát và cuối cùng biến mất.
3.3. Qui luật cảm ứng
- Cảm ứng trong không gian: khi hưng phấn xuất hiện tại một điểm trên vỏ
não thì các điểm quanh đó liền xuất hiện quá trình ức chế và ngược lại.
- Cảm ứng trong thời gian: khi hưng phấn xuất hiện tại một điểm trên vỏ não
thì ngay sau khi nó kết thúc ức chế sẽ xuất hiện tại điểm đó và ngược lại.
3.4. Qui luật phân tích và tổng hợp
- Phân tích: vỏ não có khả năng phân chia một kích thích phức tạp thành
những yếu tố đơn giản hơn để giúp ta nhận định được các khía cạnh khác nhau của
kích thích.
- Tổng hợp: sau khi phân tích, vỏ não có khả năng tổng hợp các kết luận, tìm
ra ý nghĩa sinh học của kích thích để điều khiển cơ thể đáp ứng.
3.5. Qui luật động hình
- Các quá trình hưng phấn và ức chế xuất hiện trên vỏ não sau khi kết thúc
đều để lại “dấu vết” ở vỏ não. Các phản xạ cũng để lại “dấu vết”. Nhiều phản xạ
liên tiếp diễn ra cũng để lại dấu vết của trình tự diễn biến các phản xạ. Tuy nhiên
“khuôn trình tự” đó không cố định mà có tính chất động, có thể thay đổi được.
Pavlov gọi đó là định hình động học, viết tắt là động hình.
- Động hình chính là các thói quen trong đời sống. Nó góp phần quyết định

170
tạo ra nếp suy nghĩ, tác phong và phản ứng của con người.
4. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THẦN KINH CAO CẤP Ở LOÀI NGƯỜI
4.1. Tư duy
4.1.1. Nhận thức ở vỏ não
4.1.1.1. Tiếp nhận thông tin từ ngoại biên
- Các vùng cảm giác ở vỏ não: vùng cảm giác thân nằm ở thùy đỉnh, vùng
cảm giác nhìn nằm ở thùy chẩm, vùng cảm giác nghe nằm ở thùy thái dương. Mỗi
vùng gồm 2 vùng nhỏ: vùng cấp I (vùng sơ cấp) và vùng cấp II (vùng thứ cấp).
- Hoạt động:
+ Vùng cấp I: nhận thông tin từ ngoại biên đưa về. Vùng này có chức năng
cho biết các đặc điểm của tín hiệu cảm giác.
+ Vùng cấp II: nằm cạnh vùng cấp I và nhận thông tin từ vùng cấp I. Vùng
này có chức năng rút ra nghĩa của tín hiệu cảm giác (nâng cấp nhận thức).
4.1.1.2. Tiếp tục nâng cấp nhận thức toàn diện hơn
Các vùng liên hợp ở vỏ não có vai trò tập hợp và phân tích tín hiệu từ nhiều
vùng của vỏ não và dưới vỏ.
* Một số vùng liên hợp của vỏ não:
- Vùng tọa độ thân thể: nhận thông tin thị giác và cảm giác thân, xử lý thông
tin để tính toán tọa độ các chi, tọa độ thân mình đang ở phương vị, cự ly nào.
- Vùng xử lý chữ viết: xử lý hình ảnh nhìn do thuỳ chẩm thu được từ trang
sách đọc, rút ra ý nghĩa của chữ, rồi đưa sang vùng Wernicke. Tổn thương vùng này
thì vẫn hiểu tiếng nói nhưng đọc thì không hiểu, trở lại thành mù chữ.
- Vùng tên gọi các vật: lưu giữ tên gọi các vật.
- Vùng liên hợp trước trán: có vai trò đặt kế hoạch cho hành động và hình
thành tư duy. Vùng này có khả năng gọi các thông tin (ký ức) từ các kho “nhớ”.
- Vùng lời nói Broca: có chức năng tạo lời nói.
- Vùng liên hợp viền (vỏ não viền): có chức năng hành vi, động cơ và xúc
cảm.
- Vùng nhận mặt: nhận diện những người quen biết.
- Vùng nhận thức tổng hợp Wernicke: là vùng nhận cảm giác cuối cùng sau
nhiều lần nâng cấp cho biết những nhận thức tổng hợp, toàn diện về vật. Ở người sự

171
nhận thức này còn được hỗ trợ bởi các kiến thức thu được từ học tập cho biết thêm
các thuộc tính, bản chất của vật. Tổn thương vùng nay có một đời sống như mất trí.
Kích thích điện vùng này có thể tạo một tư duy phức tạp như ảo thanh, ảo thị.
* Đặc điểm hoạt động của các vùng liên hợp:
- Bán cầu ưu thế:
+ Bán cầu ưu thế (bán cầu minh bạch): vùng Wernicke, vùng Broca, vùng
nhận thức chữ viết có đặc điểm phát triển mạnh ở một bên bán cầu hơn bên kia gọi
là bán cầu ưu thế. 95% bán cầu ưu thế ở người là bán cầu trái (người thuận tay
phải). Bán cầu ưu thế có chức năng chủ yếu là chức năng ngôn ngữ (lời nói, chữ
viết).
+ Bán cầu không ưu thế (bán cầu biểu tượng): có chức năng chủ yếu là phân
tích ý nghĩa truyền cảm (tượng thanh, tượng hình) của tín hiệu. Nói cách khác bán
cầu này chuyên xử lý những tín hiệu thuộc phạm trù nghệ thuật giúp ta hiểu được
cái hay, cái ý truyền cảm qua tiếng động, hình ảnh (nghe nhạc, xem tranh, xem
tượng hay ý của giọng nói sẵng “tôi không bằng lòng việc ấy”…).
- Trao đổi thông tin giữa hai bán cầu: thông qua hồi thể trai.
4.1.2. Ý thức
- Ý thức gắn liền với tư duy. Ý thức là dòng chảy liên tục của độ thức tỉnh
biết được là “ta” đang tồn tại và đang tư duy trong môi trường bao quanh.
- Các cử động tuỳ ý thường là có ý thức. Các phản xạ điều hoà tạng như tuần
hoàn, hô hấp, tiêu hoá thường là vô ý thức. Các quá trình trí tuệ (học, nhớ…) có khi
là vô ý thức hoặc là dưới ý thức (tiềm thức). Ngủ là trạng thái sinh lý vô ý thức.
- Rối loạn ý thức:
+ Hôn mê: mất ý thức kéo dài không thể dùng kích thích thông thường làm
tỉnh lại như đối với giấc ngủ.
+ Ngất xỉu: mất ý thức tạm thời và chốc lát.
+ Chết não: trạng thái não không còn khả năng có ý thức trở lại được nữa.
4.2. Ngôn ngữ
4.2.1. Quan niệm về hệ thống tín hiệu thứ nhất và hệ thống tín hiệu thứ hai
Những yếu tố tác động lên cơ thể là những kích thích. Mỗi kích thích là một
tín hiệu.

172
Bảng 3.11. So sánh hệ thống tín hiệu thứ nhất và hệ thống tín hiệu thứ hai

Hệ thống tín hiệu thứ nhất Hệ thống tín hiệu thứ hai
Là những tín hiệu có đặc tính cụ thể: sờ, Là những tín hiệu có đặc tính trừu tượng.
nghe, nếm, nhìn thấy được… Hệ thống tín hiệu này thuộc về ngôn ngữ:
lời nói, chữ viết…
Gồm các kích thích không điều kiện và có Là những kích thích có điều kiện. Hiểu
điều kiện. nghĩa của một chữ, một lời tức là đã có
PXCĐK. Do vậy người ta gọi hệ thống tín
hiệu thứ hai là tín hiệu của tín hiệu.
Hệ thống tín hiệu này chung cho cả loài Hệ thống tín hiệu thứ hai là đặc trưng riêng
người và động vật. của loài người.

4.2.2. Nguồn gốc ngôn ngữ


- Nguồn gốc sinh học: khi vượn tiến hoá thành người thì:
+ Bộ máy phát âm phát triển tốt.
+ Não phát triển các trung khu ngôn ngữ như trung khu Wernicke có chức
năng cảm giác của giao tiếp, trung khu Broca có chức năng vận động của giao tiếp.
- Nguồn gốc xã hội: nhu cầu về trao đổi sản phẩm lao động và hàng loạt các
nhu cầu khác phát sinh trong đời sống xã hội như tình cảm, học tập…
4.2.3. Một số rối loạn ngôn ngữ
- Mất ngôn ngữ nhận cảm nghe (điếc lời), mất ngôn ngữ nhận cảm nhìn (mù
chữ) do tổn thương các vùng liên hợp nghe hoặc nhìn ở vỏ não.
- Mất ngôn ngữ cảm giác (Wernicke) do tổn thương vùng Wernicke: vẫn
nghe và nhắc lại được lời nói hoặc đọc và viết lại được chữ viết nhưng không hiểu
được lời hoặc chữ đó hàm ý gì.
- Mất ngôn ngữ vận động (Broca) do tổn thương vùng Broca: người nói biết
mình định nói gì nhưng không điều khiển được hệ phát âm (dây thanh âm, môi,
lưỡi…) để phát ra lời nói mà chỉ phát ra được tiếng ú ớ.
- Mất ngôn ngữ toàn bộ thường do tổn thương vùng Wernicke lan rộng ra
xung quanh: thường sa sút trí tuệ toàn bộ.
4.3. Học tập
Thuật ngữ PXCĐK đang được thay dần bằng thuật ngữ “điều kiện hoá” và
đây là cơ sở sinh lý của quá trình “học tập”.

173
4.3.1. Điều kiện hoá đáp ứng (điều kiện hoá kiểu Pavlov, điều kiện hoá type I)
- Thí nghiệm của Pavlov: phản xạ tiết nước bọt do ánh đèn ở chó, khi phản
xạ hoàn thành có nghĩa là con chó đã “học” được việc tiết nước bọt mỗi khi chiếu
đèn.
- Đặc điểm: đáp ứng thụ động theo hoàn cảnh chứ không do ý đồ của đối
tượng.
4.3.2. Điều kiện hoá hành động (điều kiện hoá kiểu Skinner, điều kiện hoá type
II)
- Thí nghiệm của Skinner: chuột đói nhốt trong hộp “Skinner” có ánh sáng
mờ. Chuột bò khắp nơi, tình cờ dẫm chân lên một cái cần và thức ăn rơi xuống. Lâu
dần chuột “học” được cách tạo ra thức ăn bằng việc chủ động dẫm lên cần.
- Đặc điểm: đáp ứng chủ động theo động cơ và hoàn cảnh riêng của đối
tượng.
4.4. Trí nhớ
Sau khi “học” (điều kiện hoá hoàn thành) sẽ hình thành mạch đường mòn
dấu vết (đường liên lạc tạm thời theo Pavlov).
Não luôn tràn ngập thông tin, cần phải sàng lọc: cái nhớ, cái không cần nhớ.
Hệ viền (hệ limbic) quyết định thông tin nào quan trọng thì thuận hoá (facilitate)
đường mòn dấu vết (lưu nhớ lại), thông tin nào không quan trọng thì xoá đi (quên
đi).
4.4.1. Các học thuyết về trí nhớ
* Thuyết biến đổi cấu trúc tế bào não:
Quan sát dưới kính hiển vi điện tử thấy trí nhớ có liên quan đến việc:
- Hoạt hoá các synap trước đây không hoạt động.
- Tạo thêm synap mới.
* Thuyết phân tử:
Thí nghiệm của Connel: con giun dẹp (Planarium) trong bể nước, khi cho
dòng điện đi qua sẽ cuộn mình lại. Chiếu sáng rồi mới cho dòng điện đi qua, lâu dần
tạo được PXCĐK chiếu sáng thì giun cuộn mình lại. Cắt đôi giun tạo thành 2 con
giun mới vẫn có phản xạ này. Nghiền nát giun rồi cho con giun khác ăn, con giun
này cũng có phản xạ tương tự. Connel cho rằng đường mòn dấu vết có liên quan
mRNA.

174
4.4.2. Phân loại trí nhớ
- Nhớ tức thì: nhớ xong quên ngay.
- Nhớ ngắn hạn: vài phút đến vài tuần.
- Nhớ dài hạn: vài tháng đến suốt đời.
4.5. Hành vi và động cơ
- Hành vi là một cách hành động - thường là vận cơ - ứng xử với điều kiện
luôn biến động của môi trường sống. Hành vi diễn biến dưới tác dụng của động cơ.
- Động cơ là động lực thúc đẩy cơ thể chọn hành vi này mà không chọn hành
vi khác.
Kiểm soát hành vi là chức năng của toàn bộ hệ thần kinh trong đó hiện tượng
“động cơ thúc đẩy hành vi” được kiểm soát bởi hệ viền (hệ Limbic).
4.5.1. Cấu trúc hệ viền (hệ limbic)
Hệ limbic đúng nghĩa gồm: bộ phận khứu giác, tổ chức cá ngựa
(hippocampus), hạnh nhân (amygdale), vùng vách (septum). Ngoài ra còn các vùng
liên quan: vùng limbic của vỏ não, vùng hạ đồi, hạch trước cuống tuyến tùng, vùng
limbic của não giữa, những nhân limbic của đồi thị.
4.5.2. Chức năng hành vi của hệ viền
* Hành vi ăn uống:
- Vai trò của hạnh nhân: kích thích gây cử động cắn, nhai, liếm, chảy nước
bọt, bài tiết của dạ dày, ruột… Tổn thương hai bên hạnh nhân làm mất bản năng ăn
uống bình thường, con vật ăn mọi thứ mà trước đó nó không ăn.
- Vai trò của vùng hạ đồi:
+ Kích thích phần bên gây khát và đói có thể dẫn đến cuồng dại, cắn xé.
+ Kích thích nhân bụng giữa và vùng bao quanh gây cảm giác no nê, không
muốn ăn, nằm yên.
Tổn thương vùng hạ đồi gây tác dụng ngược lại.
* Hành vi sinh dục
- Vai trò của hạnh nhân: kích thích gây tăng tiết GnRH và CRH; gây cương
cứng, giao cấu, xuất tinh, phóng noãn, co tử cung, sổ thai. Tổn thương hai bên hạnh
nhân làm mất bản năng sinh dục bình thường, con vật tăng hoạt động sinh dục bất
thường, có hành vi giao cấu cùng giới, khác loài, thậm chí với những vật vô tri.

175
- Vai trò của vùng vách và hồi thể trai: kích thích gây cường sinh dục.
- Vai trò của tổ chức cá ngựa: điều hoà tiết kích dục tố, gây cường dương.
- Vai trò của vùng hạ đồi: vùng trước điều hoà sinh dục có chu kỳ (hoạt động
ở vật cái), phần sau điều hoà sinh dục không theo chu kỳ (hoạt động ở vật đực).
* Hành vi xúc cảm
* Các chức năng khác của hệ viền
- Chức năng khứu giác.
- Điều hoà nhịp sinh học: nội tiết, thân nhiệt, thải Na+, K+, lượng nước tiểu.
- Học tập và trí nhớ (tổn thương gây mất trí nhớ gần).
- Thúc đẩy động cơ (gây thích thú hoặc khó chịu).
Những chức năng trên đều có ảnh hưởng đến hành vi.
4.5.3. Chức năng thúc đẩy động cơ của hệ viền
- Hệ viền có vai trò thúc đẩy động cơ thông qua việc tạo cảm giác dễ chịu
thích thú (thưởng) hay khó chịu muốn lảng tránh (phạt).
- Thí nghiệm tìm vùng “thưởng” và vùng “phạt” ở não: đặt điện cực trong
não con vật nối với một cái cần trong chuồng, khi đạp cần sẽ đóng mạch điện.
+ Các trung tâm thưởng: nếu điện cực đặt vào vùng mà khi kích thích con vật
cảm thấy thích thú thoả mãn nó sẽ bỏ ăn, ấn cần suốt ngày. Đó là vùng thưởng gồm
phần nằm dọc theo bó giữa của não trước, nhân bên và nhân bụng giữa vùng hạ đồi,
vùng vách, một số vùng ở hạnh nhân, đồi thị, hạch nền, não giữa.
+ Các trung tâm phạt: nếu điện cực đặt vào vùng mà khi kích thích con vật
cảm thấy khó chịu, lo sợ nó sẽ tránh ấn cần hoặc chạy trốn. Đó là vùng phạt nằm
quanh rãnh Sylvius, quanh não thất, một số vùng ở hạnh nhân và hải mã.
- Những kích thích có tác dụng thưởng hay phạt sẽ được nhớ sâu sắc. Những
kích thích “vô thưởng vô phạt” sẽ mau quên. Như vậy, các trung tâm thưởng-phạt
của hệ viền có vai trò chọn lọc thông tin để học và nhớ.
- Các thuốc an thần ức chế cả trung tâm thưởng và phạt do đó làm giảm hoạt
tính tình cảm loại bỏ nhiều hành vi của đối tượng.
4.6. Xúc cảm
- Xúc cảm là hành vi tình cảm thể hiện bằng sự đáp ứng thân thể (cười, khóc,
thở dài…), đáp ứng thực vật (đỏ mặt, tái mét, toát mồ hôi, tăng huyết áp…) và đáp

176
ứng có ý thức chủ quan (vui, buồn, phấn khởi, thờ ơ…).
- Hoạt động xúc cảm được điều hoà bởi nhiều cấu trúc thần kinh trong đó
quan trọng nhất là hệ viền (nên còn gọi “não xúc cảm”), các chất truyền đạt thần
kinh và một số hormon. Ở loài người xúc cảm còn được điều tiết cao cấp và phức
tạp bởi các yếu tố xã hội như các ước lệ, giáo dục, học vấn…
- Các loại xúc cảm: có một dải tần phổ các thể loại xúc cảm từ buồn nản, suy
sụp đến cuồng nộ, điên rồ. Người ta chia thành 2 nhóm:
+ Xúc cảm hưng cảm là trạng thái khí sắc nâng cao, vui vẻ cùng với sự ham
muốn, tư duy nhanh, hoạt động tăng.
+ Xúc cảm trầm cảm là trạng thái khí sắc suy giảm, buồn rầu chán nản, giảm
ham muốn, nặng nề về thể xác, giảm hoạt động cơ thể.
Câu hỏi lượng giá:
1. Trình bày sự khác biệt giữa dạng tổn thương hủy myelin và dạng thoái hóa sợi
trục trên tế bào thần kinh
2. Tại sao trong trạng thái mất ý thức bệnh nhân còn cảm giác đau
3. Phân tích cơ sở sinh lý của quá trình hình thành trí nhớ
4. Khi tiêm adrenalin vào cơ thể, tim và dạ dày thay đổi hoạt động như thế nào
5. Khi acetylcholine bị cạnh tranh vị trí gắn kết trên thụ thể N2 ở màng sau synap
bởi kháng thể, biểu hiện của bệnh nhân như thế nào
6. Đặc điểm về khả năng hưng phấn b. Sợi có myelin chậm hơn sợi không
của nơron: có myelin.
a. Ngưỡng kích thích và hoạt tính c. Tuân theo qui luật “tất cả hoặc
chức năng thấp. không”.
b. Ngưỡng kích thích thấp và hoạt tính d. Đường kính càng to dẫn truyền
chức năng cao. càng nhanh.
c. Ngưỡng kích thích cao và hoạt tính 8. Sợi trục sau đây có tốc độ dẫn
chức năng thấp. truyền nhanh nhất:
d. Ngưỡng kích thích và hoạt tính a. Sợi A b. Sợi A
chức năng cao.
c. Sợi A d. Sợi A
7. Chọn phát biểu sai về đặc điểm dẫn
9. Cơ chế giải phóng chất truyền đạt
truyền trên một sợi trục:
thần kinh ở màng trước synap có liên
a. Dẫn truyền theo hai chiều. quan đến ion:

177
a. Na+ b. K+ nhiệt:
c. Cl- d. Ca2+ a. Thụ thể nhiệt có khả năng thích
10. Chất truyền đạt thần kinh phân tử nghi
nhỏ: b. Cảm giác lạnh dẫn truyền chậm hơn
a. Mỗi chất đặc hiệu cho 1 nơron cảm giác nóng

b.Túi synap chứa nó được tái sử dụng c. Đường dẫn truyền có 3 chặng, bắt
chéo ở chặng thứ 2
c. Tác dụng chậm và kéo dài
d. Trung tâm cảm giác nhiệt nằm ở
d. Được phân hủy theo 3 cách thùy đỉnh
11. Khi làm việc hoặc học tập liên tục 15. Cảm giác đau:
kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, giảm khả
năng tập trung do: a. Là cảm giác nông, các thụ thể chỉ
phân bố ngoài da.
a. Hiện tượng cộng synap.
b. Có ý nghĩa bảo vệ cơ thể nên không
b. Hiện tượng mỏi synap. thích nghi và liên quan với hệ lưới.
c. Hiện tượng chậm synap. c. Các xung động về đau được dẫn
d. Hiện tượng phân kỳ dẫn truyền. truyền với một tốc độ duy nhất về đồi
thị.
12. Cảm giác nông sau đây có thụ thể
ở các tạng: d. Trung tâm cảm giác hoàn toàn khu
trú trong thùy đỉnh vỏ não.
a. Cảm giác xúc giác.
16. So với cảm giác sâu không ý thức,
b. Cảm giác nhiệt.
cảm giác sâu có ý thức:
c. Cảm giác đau.
a. Không có thụ thể bản thể.
d. Tất cả đều đúng.
b. Bắt chéo ở tủy sống.
13. Tổn thương vùng cầu não bên
c. Cũng dẫn truyền vào tiểu não.
phải gây:
d. Giúp phối hợp động tác tự động.
a. Mất cảm giác xúc giác bên phải.
17. Điều tiết là khả năng:
b. Mất cảm giác xúc giác bên trái.
a. Thể thủy tinh thay đổi độ khúc xạ.
c. Mất một phần cảm giác xúc giác 2
bên. b. Đồng tử thay đổi kích thước.
d. Mất toàn bộ cảm giác xúc giác 2 c. Thủy dịch thay đổi thể tích.
bên. d. Giác mạc thay đổi độ cong.
14. Chọn phát biểu sai về cảm giác 18. Tai người có thể nghe được âm

178
thanh trong giới hạn tần số: cùng bên và kích thích nơron vận
a. 0-20Hz. động alpha.

b. 20-20.000Hz. b. Đi thẳng xuống sừng trước tủy sống


cùng bên và ức chế nơron vận động
c. 20.000-40.000Hz. alpha.
d. >40.000Hz. c. Bắt chéo rồi đi xuống sừng trước
19. Vị chua được nhận cảm chủ yếu ở: tủy sống đối diện và kích thích nơron
vận động alpha.
a. Đầu lưỡi.
d. Bắt chéo rồi đi xuống sừng trước
b. Hai bên phần đầu lưỡi.
tủy sống đối diện và ức chế nơron vận
c. Hai bên phần lưng lưỡi. động alpha.
d. Đáy lưỡi. 23. Nơron thứ nhất của cung phản xạ
20. Cơ quan vận động bao gồm: 2 nơron tủy sống tận cùng ở:
a. Bộ phận nhận cảm-đường ly tâm- a. Hạch gai.
bộ phận đáp ứng. b. Sừng sau chất xám tủy sống.
b. Trung tâm-đường ly tâm- bộ phận c. Sừng bên chất xám tủy sống.
đáp ứng.
d. Sừng trước chất xám tủy sống.
c. Bộ phận nhận cảm-đường hướng
24. Phản xạ gân cơ nhị đầu có trung
tâm-trung tâm.
tâm nằm ở tủy sống đoạn:
d. Trung tâm-đường hướng tâm-
a. C1-C2 b. C3-C4
đường ly tâm.
c. C5-C6 d. C6-C8
21. Đường dẫn truyền vận động tháp:
25. Chọn câu sai về hệ thần kinh giao
a. Bắt chéo từ nhân thon, nhân chêm
cảm:
hành não lên đồi thị.
a. Trung tâm nằm liên tục ở sừng bên
b. 100% bắt chéo tại tủy sống.
chất xam tủy sống.
c. 100% bắt chéo tại hành não.
b. Hạch giao cảm gần trung tâm xa
d. 9/10 bắt chéo tại hành não, 1/10 tại tạng.
tủy sống.
c. Sợi tiền hạch ngắn, sợi hậu hạch
22. Bó tiền đình tủy xuất phát từ nhân dài.
tiền đình ở hành não:
d. Ảnh hưởng giao cảm thường khu
a. Đi thẳng xuống sừng trước tủy sống trú.

179
CHƯƠNG IV
SINH LÝ CƠ VÀ XƯƠNG
Vận động là một đặc trưng quan trọng của động vật và người. Ở người, hệ vận
động bao gồm cơ, xương và khớp; với vai trò nâng đỡ, che chở, tạo hình, giúp di
chuyển và cử động. Nhờ hệ vận động mà cơ thể có hình dạng nhất định, thực hiện
được những động tác lao động, duy trì giống nòi. Đồng thời, cơ trên thành các tạng
cũng giúp các tạng thực hiện hoạt động chức năng của mình thông qua hoạt động co
thắt và trương lực.

SINH LÝ HỆ CƠ
Mục tiêu:
1. Trình bày được đặc điểm cấu tạo chức năng của hệ cơ.
2. Phân tích được sự co cơ và trương lực cơ.
3. Trình bày được cơ chế điều hòa co cơ vân và cơ trơn.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA CƠ
Cơ chiếm 50% trọng lượng, đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau trong cơ
thể. Cơ được xem như cơ quan đáp ứng của hệ thần kinh và hệ nội tiết giúp cơ thể
thực hiện được các hoạt động, di chuyển, bảo vệ, duy trì giống nòi. Mặt khác cơ còn
là bộ máy sinh học, bộ máy điều hòa giúp cơ thể sử dụng năng lượng tạo ra công
hữu ích, góp phần điều hòa thân nhiệt, tham gia điều hòa các hoạt động của các cơ
quan như mạch máu, tim, ống tiêu hóa. Cơ được chia làm ba loại chính: cơ vân, cơ
trơn và cơ tim.
1.1. Đặc điểm cấu tạo chức năng của cơ vân
Cơ vân chiếm 40% trọng lượng cơ thể, có chức năng vận động và giữ tư thế
cho cơ thể. Mỗi cơ vân được cấu tạo bởi nhiều bó sợi cơ xếp song song giữa hai đầu
gân cơ, tạo nên một lực co lớn nhưng không rút ngắn nhanh. Mỗi sợi cơ là một tế
bào và cũng là đơn vị cấu tạo của hệ thống cơ. Tế bào cơ vân có hình trụ dài, đường
kính khoảng 10-100mm và có thể dài đến vài cm. Tế bào cơ vân, giống như các tế bào
khác cũng gồm màng tế bào và bào tương.
- Màng tế bào hay còn gọi là màng bao cơ (sarcolemma): là một màng sinh chất
như các tế bào khác nhưng bên ngoài có thêm một lớp vỏ mỏng với nhiều sợi
collagen. Không có cầu nối giữa màng các tế bào. Nhiều tế bào sợi cơ hợp thành bó
sợi cơ, mỗi bó sợi lại có một màng bao quanh gọi là màng chu cơ; nhiều bó sợi cơ

180
hợp lại thành một bắp cơ và cũng được bao bên ngoài bởi màng ngoài cơ hay còn
gọi là mạc. Ở hai đầu cơ vân, các màng hòa lẫn nhau và chuyển tiếp thành mô liên
kết với những sợi keo dầy đặc tạo thành gân bám vào xương. Chính vì vậy cơ vân
còn được gọi là cơ xương.
- Bào tương hay còn gọi là cơ tương (sarcoplasma): gồm những thành phần nội
bào thông thường. Điểm đáng lưu ý là trong tế bào cơ có nhiều nhân và ty thể, mạng lưới
nội cơ tương cũng rất phát triển chứng tỏ hoạt động chuyển hóa chất và năng lượng diễn
ra rất mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, tế bào cơ còn có những điểm đặc biệt khác với các tế bào khác là hệ
thống siêu sợi và hệ thống ống.
1.1.1. Hệ thống siêu sợi
Tế bào cơ (sợi cơ) được tạo nên bởi nhiều tiểu sợi cơ còn gọi là tơ cơ. Mỗi tơ
cơ lại gồm nhiều siêu sợi là các phân tử protein gây co cơ. Các protein này chia
thành 2 loại: sợi dày (siêu sợi myosin) và sợi mỏng (siêu sợi actin, tropomyosin và
troponin). Các sợi dày và mỏng cài vào nhau một phần làm cho tơ cơ có những dải
tối, sáng xen kẽ nhau thành vân cơ khi quan sát dưới kính hiển vi. Các phần trên
vân cơ được xác định bằng các chữ cái như sau:
- Băng sáng I (Isotropic) được chia đôi bằng đường Z (Zwischenscheibe)
đậm. Vùng giữa hai đường Z lân cận nhau gọi là một đơn vị cơ hay nhục tiết
(sarcomere). Băng sáng I chỉ gồm các sợi mỏng.
- Băng tối A (Anisotropic) có băng sáng H (Heller) ở giữa. Giữa băng H có
đường M (Mittelscheibe), đường này phối hợp cùng đoạn sáng hẹp mỗi bên gọi là
vùng giả H. Băng tối A gồm các sợi dày với phần sẫm màu 2 bên do đầu tận cùng
của sợi mỏng cài xen vào, phần sáng H ở giữa chỉ có sợi dày.
* Sợi dày:
Sợi dày có đường kính gấp đôi sợi mỏng được cấu tạo bởi nhiều phân tử
myosin typ II xếp thành băng A. Các phân tử myosin được xếp đối xứng ở 2 bên
trung tâm nhục tiết. Mỗi phân tử có phần đuôi là hai chuỗi nặng và phần đầu gồm
hai chuỗi nặng và bốn chuỗi nhẹ.
- Phần đầu: 2 chuỗi nặng tạo hai cấu trúc hình cầu chứa vị trí gắn vào actin
và vị trí xúc tác thuỷ phân ATP, 4 chuỗi nhẹ có chức năng giúp điều khiển phần đầu
của phân tử myosin trong quá trình co cơ. Phần đầu của các phân tử myosin hướng
về 2 bên nhục tiết xen kẽ với phần đầu của các sợi mỏng nên sẫm màu hơn. Khi cắt

181
qua vùng này và quan sát dưới kính hiển vi điện tử, mỗi sợi dày được bao quanh bởi
6 sợi mỏng như một lục giác.
- Phần đuôi: là 2 chuỗi nặng kéo dài vào trung tâm nhục tiết, tận cùng của
chúng căng phồng lên và nối mỏng manh với các sợi dày khác tạo thành đường M ở
giữa nhục tiết và vùng giả H hai bên. Băng H là vùng sáng nhất giữa băng A khi cơ
giãn ra, nơi đây sợi mỏng không chồng lên sợi dày.
* Sợi mỏng:
Các sợi mỏng được cấu tạo bởi phân tử actin, tropomyosin, troponin sắp xếp
tạo thành băng I sáng hơn băng A. Các sợi mỏng cũng có hai đầu, một đầu luồn sâu
vào vạch Z, đầu kia cài vào khoảng giữa các sợi myosin trong nhục tiết.
- Phân tử actin: tạo thành bộ khung của sợi mỏng gồm hai chuỗi actin xoắn
với nhau gọi là actin F. Mỗi chuỗi actin lại gồm nhiều phân tử actin G xếp gối đầu
lên nhau. Trên mỗi phân tử actin G có một vị trí hoạt động, đây là nơi đầu phân tử
myosin sẽ tương tác để gây co cơ.
- Phân tử tropomyosin: gồm hai sợi protein mỏng xoắn vào nhau ở rãnh giữa
F actin. Mỗi phân tử tropomyosin sẽ phủ lên 7 vị trí hoạt động của 7 phân tử actin
và như vậy sẽ ngăn sự tác động qua lại của actin và myosin, nói cách khác sẽ ngăn
sự co cơ.
- Phân tử troponin: gồm 3 tiểu đơn vị nhỏ hình cầu là troponin T, troponin I,
troponin C. Troponin T là vị trí gắn với tropomyosin, troponin I gắn vào actin và ức
chế phản ứng giữa actin và myosin, trong khi troponin C chứa những vị trí gắn Ca2+
để khởi phát sự co cơ.

182
Hình 10.1. Cấu trúc cơ vân
(Nguồn: Ganong W.F (2010), Review of Medical Physiology)
1.1.2. Hệ thống ống
Các tơ cơ được bao quanh bởi các màng, dưới kính hiển vi điện tử các màng
này là một hệ thống nang và ống gọi chung là hệ thống ống. Hệ thống ống này là nơi
nhận tín hiệu thần kinh và điều khiển sự di chuyển của Ca2+ trong quá trình co cơ.
Hệ thống ống rất phát triển ở các cơ vận động nhanh và gồm 3 phần:
- Các ống ngang (ống T): do màng tế bào cơ phát triển lõm sâu vào trong bào
tương tạo thành những chắn song ngang qua các tơ cơ chỗ băng A và băng I tiếp
xúc nhau. Các ống ngang mở thông ra bên ngoài nên trong lòng ống cũng chứa dịch
ngoại bào. Nhờ vậy, điện thế hoạt động trên màng tế bào cơ được truyền qua các
ống ngang, vào sâu bên trong sợi cơ.
- Các ống dọc: là mạng nội cơ tương nằm song song với các tơ cơ và vuông
góc với ống ngang. Các ống dọc cũng phân ra nhiều nhánh nối thông với nhau. Tận
cùng nơi tiếp giáp giữa ống ngang và ống dọc, mạng nội cơ tương phình rộng ra gọi
là bể chứa tận cùng. Dịch trong mạng nội cơ tương có nồng độ Ca2+ rất cao.

183
- Bể chứa tận cùng: là nơi tiếp giáp giữa các ống ngang và ống dọc, trên đó
có rất nhiều kênh Ca2+ nhạy cảm với sự thay đổi điện thế.
1.2. Đặc điểm cấu tạo chức năng của cơ trơn
Tế bào cơ trơn là tế bào cơ ở thành các tạng trong cơ thể. Đây là những tế
bào khá nhỏ, đường kính 5-10µm, dài khoảng 10-500µm và cũng được tạo nên từ
các phân tử actin và myosin. Tuy nhiên chúng không có nhục tiết và cũng không
được sắp xếp để tạo thành những vân sáng, vân tối như tế bào cơ vân. Trong tế bào
cơ trơn, các sợi actin gắn vào giữa hai thể đặc đóng vai trò như vạch Z ở cơ vân.
Các thể đặc được tạo bởi alpha actinin, bám vào màng tế bào hoặc lơ lửng trong bào
tương. Trên sợi actin, có tropomyosin nhưng không có troponin.
Cơ trơn được chia ra làm hai loại chính:
- Cơ trơn một đơn vị: thường được tìm thấy trong thành các cơ quan nội tạng
như ruột, bàng quang, tử cung… Các tế bào cơ này thường tập trung lại thành từng
lớp và hoạt động như một đơn vị duy nhất, do màng của chúng dính nhiều nơi và có
các vị trí thông nối giữa các tế bào cơ với nhau. Loại cơ này ít được điều hoà bởi hệ
thần kinh, chỉ một vài tế bào nhận tín hiệu kích thích từ hệ thần kinh tự chủ, nhưng
acetylcholin được phóng thích ra sẽ được khuếch tán sang các tế bào cơ trơn bên
cạnh tạo một hoạt động đồng bộ.
- Cơ trơn đa đơn vị: được tạo thành bởi nhiều sợi cơ hoạt động như những
đơn vị riêng rẽ, do màng của chúng không kết dính nhau và rất ít hoặc không có khe
nối thông nhau giữa các tế bào. Loại cơ này được tìm thấy ở mắt và ở một số vị trí
khác. Mỗi tế bào cơ trơn đa đơn vị đều tiếp xúc với đầu mút tận cùng của hệ thần
kinh. Nó được điều hòa bởi hệ thần kinh.
1.3. Đặc điểm cấu tạo chức năng của cơ tim
Tế bào cơ tim có kích thước khoảng 15-20µm, dài khoảng 100µm và dày
khoảng 5µm. Cơ tim có những vân giống cơ vân, nhưng số lượng ty lạp thể nhiều
hơn và đứng gần hơn trong sợi cơ. Các tế bào có thể xếp gối đầu hoặc cạnh nhau,
đồng thời chúng có thể phân nhánh và tiếp xúc với các tế bào khác và có những chỗ
hòa màng tạo điều kiện cho xung động lan truyền dễ dàng từ sợi này sang sợi khác.
Do đó cơ tim hoạt động như một hợp bào.
Tế bào cơ tim có ống T lớn hơn của cơ vân và nằm ở vạch Z chứ không nằm ở
chỗ tiếp xúc giữa băng A và I. Trong khi đó, mạng nội cơ tương ít phát triển nên
không tạo thành bộ ba như ở cơ vân.

184
2. HOẠT ĐỘNG ĐIỆN CỦA CƠ
Giống như tế bào thần kinh, các tế bào cơ cũng có hoạt động điện diễn ra
trên màng tế bào, bao gồm điện thế nghỉ tạo ra trương lực cơ và điện thế hoạt động
tạo ra sự co cơ.
2.1. Hoạt động điện của cơ vân
Những biến đổi điện học, sự trao đổi ion trong tế bào cơ vân cũng giống như
ở tế bào thần kinh, chỉ khác nhau về thời gian và độ lớn. Ở cơ vân khi nghỉ ngơi,
điện thế màng vào khoảng -90mV. Thời trị của cơ vân dài hơn của thần kinh. Các
sợi cơ có ngưỡng kích thích khác nhau. Điện thế động xuất hiện khi có khử cực
màng tế bào do dòng Na+ vào tế bào và tái cực màng tế bào do dòng K+ ra tế bào.
Điện thế động kéo dài 2-4ms, với vận tốc lan dọc theo sợi cơ là 5m/s. Độ lớn điện
thế động tỉ lệ với cường độ kích thích nằm giữa ngưỡng và cường độ cực đại.
2.2. Hoạt động điện của cơ trơn
Hoạt động điện của các tế bào cơ trơn tạo thành 2 loại sóng điện cơ bản:
- Sóng chậm là sóng điện thế màng tế bào cơ trơn lúc nghỉ (resting
membrane potential), không chịu ảnh hưởng từ các tác nhân kích thích bên ngoài.
Cơ chế của sóng chậm chưa rõ có lẽ do bơm Na+ hoạt động từng chập, bơm Na+ ra
ngoài tế bào. Các sóng chậm không trực tiếp gây co cơ nhưng nó điều khiển thời
điểm điện thế động có thể xuất hiện.
- Sóng nhọn là sóng điện thế hoạt động của màng tế bào cơ trơn khi tế bào bị
kích thích. Khi điện thế màng của tế bào cơ trơn tăng lên đến ngưỡng khoảng -
35mV sẽ tạo nên sự khử cực của màng và làm xuất hiện các điện thế hoạt động dưới
dạng sóng nhọn. Cơ chế: mở cổng kênh Ca2+ cho phép một lượng lớn Ca2+ và 1
lượng nhỏ Na+ đi vào trong tế bào cơ trơn. Như vậy, canxi vừa làm xuất hiện điện
thế hoạt động vừa làm sợi actin và myosin trượt lên nhau gây co cơ. Tuy nhiên, các
kênh Ca2+ mở chậm hơn kênh Na+ rất nhiều nên ở cơ trơn điện thế hoạt động
thường xuất hiện muộn hơn cơ vân. Sóng nhọn tạo ra sự co thắt cơ trơn.
2.3. Hoạt động điện của cơ tim
Về mặt điện học, tế bào cơ tim được chia thành hai loại: loại đáp ứng nhanh
(cơ nhĩ, cơ thất, mô dẫn truyền) và loại đáp ứng chậm (nút xoang, nút nhĩ thất).
Hoạt động điện học của màng tế bào cơ tim gồm có các pha: pha khử cực nhanh,
pha tái cực sớm, pha bình nguyên, pha tái cực nhanh, pha nghỉ (phân cực),

185
3. SINH LÝ CO CƠ
3.1. Cơ chế co cơ
3.1.1. Cơ chế co cơ vân
Cơ vân co có ý thức, sự co của cơ cơ vân đóng vai trò chủ động trong việc
tạo ra các hình thái chuyển động hoặc tư thế khác nhau của cơ thể.
Khi bị kích thích, sự khử cực màng tế bào cơ vân bắt đầu ở tấm động rồi lan
truyền khắp sợi cơ. Co cơ xảy ra khoảng 2ms sau khi bắt đầu khử cực màng. Thời
gian co cơ thay đổi tùy theo loại cơ. Những sợi cơ nhanh liên quan tới các cử động
tinh vi, nhanh, chính xác, thời gian co cơ ngắn 7,5ms. Những sợi cơ chậm liên quan
đến cử động lớn, mạnh, chống đỡ, thời gian co cơ lớn hơn khoảng 100ms. Cơ chế
co cơ diễn ra theo các bước:
- Giải phóng Ca2+: khi cơ bị kích thích bởi xung động thần kinh, điện thế
hoạt động truyền đến màng sợi cơ rồi theo các ống ngang vào sâu bên trong các sợi
cơ, đến các bể chứa tận cùng và các ống dọc làm mở một số lượng lớn kênh Ca2+.
Ca2+ được giải phóng vào cơ tương sẽ đến gắn với troponin C.
- Hoạt hóa sợi actin: một phân tử troponin C có thể gắn kết với 4 ion Ca2+ và
sự kết hợp này làm ái lực giữa troponin I và actin yếu đi, phức hợp troponin thay
đổi hình dạng và kéo tropomyosin di chuyển sang một bên làm bộc lộ vị trí hoạt
động của actin.
- Hoạt hóa myosin: các đầu của phân tử myosin sẽ gắn vào các vị trí hoạt
động của actin ở một góc gắn 900. Hoạt tính ATPase của đầu myosin sẽ thủy phân
ATP thành ADP và phosphat, năng lượng giải phóng được sử dụng để đẩy đầu
myosin gập về phía đuôi đồng thời kéo sợi actin đi theo nó, lúc ấy góc gắn chỉ còn
450. Như vậy, các sợi mỏng trượt lên các sợi dày, các đường Z tiến lại gần nhau,
băng H thu nhỏ, trong khi chiều dài băng A không thay đổi. Sau đó đầu myosin tách
khỏi vị trí hoạt động của actin, phục hồi lại góc gắn ban đầu và tiếp tục một chu kỳ
gắn-xoay mới. Sau mỗi chu kỳ như thế, cơ sẽ rút ngắn lại khoảng 1%.
- Kết thúc co cơ: một thời gian ngắn sau khi phóng thích Ca2+, bơm Ca2+ trên
mạng nội cơ tương bắt đầu hoạt động vận chuyển chủ động Ca2+ trở vào các ống
dọc và dự trữ lại trong đó. Khi nồng độ Ca2+ trong cơ tương giảm đến một mức nào
đó, các vị trí hoạt động của actin lại bị ức chế bởi phức hợp troponin-tropomyosin,
phản ứng hóa học giữa myosin và actin ngưng, cơ giãn ra. Sau co thắt, cơ vân có
một thời gian trơ không đáp ứng với kích thích, thời gian trơ tuyệt đối kéo dài 1-
3ms.

186
3.1.2. Cơ chế co cơ trơn
Cơ trơn co không có ý thức với tốc độ chậm hơn cơ vân tới 100 lần. Sự co cơ
trơn tạo nên tính co thắt trên thành các tạng như tiêu hóa, tiết niệu, mạch máu…
Giống như cơ vân, Ca2+ rất cần cho sự co của cơ trơn. Tuy nhiên, sự gia tăng
nồng độ Ca2+ trong tế bào cơ trơn có thể do nhiều nguyên nhân thần kinh và thể
dịch khác nhau làm hoạt hóa men phospholipase C. Men này kích thích sự tạo thành
IP3 (inositol triphosphat) từ PIP2 (phosphatidylinositol diphosphat). IP3 vào bào
tương làm mở kênh Ca2+ gây giải phóng Ca2+ từ mạng lưới nội bào.
Trong cơ trơn không có troponin, thay vào đó Ca2+ gắn kết lên calmodulin,
kết quả tạo nên một phức hợp hoạt động của calmodulin, phức hợp này sẽ hoạt hóa
men myosin ligh chain kinase (MLCK). Men MLCK sẽ phosphoryl hóa chuỗi nhẹ
của myosin ở vị trí số 19. Myosin bị kích hoạt, phản ứng với actin và thành lập cầu
nối như ở cơ vân. Quá trình này diễn ra liên tục khi có sự cung cấp đầy đủ ATP. Sự
gắn, xoay, tháo gắn có chu kỳ tạo ra lực và làm di chuyển actin.
Cơ giãn ra khi phức hợp Ca2+-calmodulin phân ly, men MLCK bị bất hoạt,
không xúc tác được hiện tượng phosphoryl hóa.
3.1.2. Cơ chế co cơ tim
Cơ tim co không có ý thức thực hiện chức năng bơm máu trong hệ thống
tuần hoàn.
Giống như cơ trơn, các tác nhân thần kinh và thể dịch làm mở kênh Ca2+
nhưng thông qua chất truyền tin thứ hai là cAMP. Cơ chế phân tử của co cơ tim
tương tự cơ vân.
3.2. Các loại co cơ
3.2.1. Cơ vân
* Co cơ duy nhất:
Một điện thế động duy nhất sẽ gây một co cơ ngắn theo sau là giãn cơ. Có 2
loại:
- Co cơ đẳng trường: co cơ mà không giảm chiều dài cơ. Trong trường hợp
này cơ không tạo ra công bên ngoài, chủ yếu dùng cố định một vật, hay xách một
vật. Trong co cơ đẳng trường thực tế chiều dài sợi cơ vẫn rút ngắn một ít.
- Co cơ đẳng lực: co cơ mà các sợi cơ rút ngắn lại. Trong trường hợp này cơ
tạo ra công bên ngoài, chủ yếu dùng để nâng tự do một vật.

187
Trong hầu hết các trường hợp ta có co cơ hỗn hợp, đẳng trường trước đẳng
lực sau. Khi kích thích cơ, giai đoạn đầu là co cơ đẳng trường, lực càng tăng đến lúc
đủ mạnh cơ rút ngắn để kéo tải trọng lên, lúc này lực không đổi.
* Nhiều cơ co liên tiếp:
Khi kích thích liên tục cơ sẽ đáp ứng bằng nhiều co cơ liên tiếp. Sợi cơ chỉ
trơ trong giai đoạn lên và một phần giai đoạn xuống của gai điện thế. Khi kích thích
lập đi lập lại trước khi cơ giãn làm kích hoạt thêm các yếu tố co thắt và đáp ứng
càng tăng, gây ra sự tổng kế các co cơ, sức căng phát sinh trong thời gian tổng kế
lớn hơn trong một co cơ duy nhất. Tùy theo tần số kích thích nhiều hay ít có các
loại tổng kế khác nhau:
- Co cứng hoàn toàn: khi không có giãn cơ giữa các kích thích (sức căng lớn
hơn 4 lần so trong co cứng riêng lẻ)
- Co cứng không hoàn toàn: khi có những giai đoạn giãn không hoàn toàn
giữa các kích thích liên tiếp.
Tần số kích thích để có tổng kế các co thắt được xác định bởi thời gian của
co cơ. Nếu thời gian co cơ là 10ms, những tần số dưới 1/10ms (100lần/s) sẽ gây đáp
ứng rõ ràng xen kẽ với giãn cơ hoàn toàn. Ở tần số kích thích trên 100 lần/giây sẽ
có hiện tượng tổng kế.
- Hiện tượng Treppe: kích thích cơ với cường độ bằng ngưỡng gây co cơ,
tăng cường độ kích thích, đáp ứng co cơ càng mạnh và đến một lúc có đáp ứng cực
đại. Nếu kích thích cơ với tần số ngang mức gây co cứng và với cường độ cực đại,
sức căng mỗi sợi cơ sẽ tăng. Sau nhiều co cơ, sẽ đạt đến một sức căng cơ đồng dạng
đó là hiện tượng bậc thang hay treppe.
3.2.2. Cơ trơn
- Cơ trơn một đơn vị: giữa các tế bào cơ trơn kế nhau có các liên kết hở gọi
là connexin giúp các tế bào trao đổi nhanh thông tin với nhau. Do đó, về mặt chức
năng, khối cơ trơn hoạt động như một hợp bào, nghĩa là khi điện thế hoạt động xuất
hiện ở một nơi nào đó thì nó sẽ nhanh chóng lan truyền ra toàn bộ khối cơ.
- Cơ trơn đa đơn vị: hoạt động riêng lẻ, và quá trình co không lan rộng giữa
các tế bào.
3.2.3. Cơ tim
Các tế bào cơ tim hoạt động như một hợp bào co lại cùng một lúc, đảm bảo
cho việc bơm máu diễn ra một cách hiệu quả. Đồng thời không có hiện tượng cơ

188
cứng nên thích hợp cho việc hút máu về tim. Sự co thắt của cơ tim diễn ra theo một
trình tự là tâm nhĩ thu, tâm thất thu sau đó là tâm trương toàn bộ và lập đi lập lại tạo
thành chu kỳ hoạt động tim.
2.3. Nguồn năng lượng cho co cơ
Hiện tượng co cơ rất cần năng lượng ATP và cơ được xem là nhà máy biến
đổi năng lượng hóa học thành cơ học. Nguồn năng lượng này cần cho sự trượt của
sợi myosin và actin. Một lượng nhỏ cần cho hoạt động của bơm Ca2+ để đưa Ca2+ từ
cơ tương vào hệ võng nội cơ và bơm Na+-K+ để duy trì điện thế màng tế bào cơ.
Nồng độ ATP trong mỗi sợi cơ vân khoảng 4 triệu phân tử, đủ để duy trì sự co cơ
trong thời gian 1-2 giây. Nguồn cung cấp ATP cho cơ bao gồm:
- Phosphorylcreatin: sau khi ATP biến đổi thành ADP, ADP sẽ được gắn kết
với phospho để tạo ATP mới trong vài % giây. Nguồn cung cấp phospho là từ
phosphocreatin, chất này cũng có những cầu nối cao năng lượng giống ATP.
Phosphocreatin bị thủy giải cho ra creatin và phosphat, men xúc tác là
creatinphosphokinase. Số lượng phosphocreatin lớn hơn 5 lần số lượng ATP. Năng
lượng cung cấp từ ATP và phosphocreatin đủ để co cơ kéo dài 5-8 giây.
- Glycogen – glucose: cơ có dự trữ glycogen cho nhu cầu của chính nó, ngoài
ra cơ còn nhận glucose tự do từ máu. Đây là nguồn cung cấp năng lượng khi cơ thể
làm việc theo hai con đường:
+ Chuyển hóa theo đường hiếu khí: glycogen và glucose bị phân giải để cho
acid pyruvic khi có đủ oxy, acid pyruvic vào chu trình acid citric và cho ra một
lượng lớn ATP.
+ Chuyển hóa theo đường yếm khí: khi thiếu oxy như trong trường hợp gắng
sức, acid pyruvic được thành lập không vào chu trình acid citric mà thoái hóa thành
acid lactic. Con đường này cung cấp ít năng lượng hơn. Việc sử dụng glucose qua
đường yếm khí có giới hạn vì acid lactic được thành lập một phần khuếch tán vào
máu một phần tích tụ trong cơ vượt quá khả năng đệm của mô và làm pH ở mô
giảm gây ra sự ức chế men. Sau gắng sức, cơ sẽ tiêu dùng nhiều oxy để loại acid
lactic tái lập lại ATP và phosphocreatin, đó là hiện tượng nợ oxy.
- Acid béo tự do: một nguồn cung cấp năng lượng nữa là từ các chuyển hóa
ái khí đối với acid béo tự do cũng như đạm để tạo ra ATP. Hơn 95% năng lượng
cho sự co cơ kéo dài được cung cấp từ nguồn chuyển hóa này. Đây cũng là nguồn
cung cấp năng lượng chính cho cơ khi nghỉ ngơi và trong giai đoạn phục hồi sau khi
co.

189
4. TRƯƠNG LỰC CƠ
Trương lực cơ là trạng thái co cơ cơ sở khi cơ đang nghỉ ngơi. Các cơ không
bao giờ giãn ra hoàn toàn mà luôn giữ một mức độ co rất nhẹ tạo điều kiện thuận lợi
cho sự co cơ thật sự diễn ra được nhanh chóng.
4.1. Trương lực cơ của cơ vân
Bản chất của trương lực cơ là một phản xạ tủy không có ý thức và được điều
hòa bởi nhiều trung tâm dưới vỏ như nhân đỏ, nhân tiền đình, cấu tạo lưới và tiểu
não. Trương lực cơ vân có vai trò tạo ra tư thế.
Cơ vân có hai loại sợi cơ:
- Sợi cơ ngoại suốt được chi phối bởi nơron vận động alpha ở sừng trước tủy
sống và đóng vai trò chính trong cơ chế co cơ.
- Sợi cơ nội suốt: trong khối cơ vân có nhiều suốt cơ, mỗi suốt có từ 3-12 sợi
cơ nội suốt chụm lại ở 2 đầu và gắn vào sợi cơ ngoại suốt. Sợi cơ nội suốt là những
sợi cơ vân rất mảnh, có đặc điểm:
+ Phần giữa hay trung tâm có rất ít hay không có siêu sợi actin và myosin
nên không có khả năng co rút. Phần này đóng vai trò là bộ phận nhận cảm với tín
hiệu căng, từ đây có dây thần kinh cảm giác truyền về tủy sống.
+ Hai đầu có các cấu trúc actin và myosin nên có khả năng co rút. Phần 2 đầu
này được chi phối bởi nơron vận động gamma xuất phát từ sừng trước tủy sống.
Nơron gama thường xuyên phát xung động gây co hai đầu suốt cơ do đó kéo
căng phần trung tâm, ngoài ra khi cơ vân giãn, các sợi ngoại suốt dài ra cũng kéo
căng suốt cơ. Xung động căng từ phần trung tâm suốt sẽ truyền về tủy sống kích
thích nơron vận động alpha gây co cơ ngoại suốt tạo thành trương lực cơ.
4.2. Trương lực cơ trơn
Giống như cơ vân, cơ trơn cũng có trương lực. Tuy nhiên cơ chế tạo ra
trương lực cơ trơn chưa rõ, giả thuyết là do sự kết nối kiểu “cài chốt” (latch bridge)
giữa đầu myosin và actin sau khi co.
Khi phức hợp Ca2+-Calmodulin phân ly, men MLCK bị bất hoạt, không xúc
tác được hiện tượng phosphoryl hóa thì đầu myosin vẫn gắn một phần vào actin
theo kiểu “cài chốt” chứ không tách rời hoàn toàn. Hiện tượng này tiêu thụ rất ít
năng lượng ATP và tạo ra trương lực cơ trên thành các tạng.
4.3. Trương lực cơ tim

190
Ở thì tâm thu, siêu sợi myosin kéo actin trượt vào trong nhục tiết. Đến thì
tâm trương, đầu myosin tách khỏi actin, siêu sợi actin được kéo ngược trở ra. Tuy
nhiên, do cơ tim hoạt động có tính chu kỳ, tự động phát nhịp nên siêu sợi actin chưa
trượt ra hoàn toàn đã xuất hiện điện thế hoạt động mới gây co cơ trở lại. Như vậy,
cơ tim không bao giờ giãn ra hoàn toàn trong thì tâm trương mà luôn giữ một mức
co trương lực.
5. ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG CƠ
5.1. Điều hòa hoạt động cơ vân
Cơ vân co có ý thức và được điều hòa bởi hệ thần kinh trung ương thông qua
hoạt động của hệ tháp và nơron vận động alpha. Trung tâm vận động tháp nằm ở vỏ
não thùy trán, bó tháp bắt chéo đường giữa đến tận cùng ở sừng trước tủy sống.
Nơron alpha từ sừng trước tủy đến chi phối cơ vân thông qua synap thần kinh-cơ
với chất truyền đạt thần kinh là acetylcholin.
Một sợi trục của dây thần kinh vận động chi phối cho khoảng 100 bó cơ
được gọi là đơn vị vận động.
5.2. Điều hòa hoạt động cơ trơn
Cơ trơn co không có ý thức và được điều hòa bởi cơ chế thần kinh và thể
dịch.
5.2.1. Điều hòa bằng cơ chế thần kinh
- Thần kinh tự chủ phân bố tràn lan trên sợi cơ trơn và nối với cơ ở chỗ nối
tiếp xúc, hóa chất trung gian chứa trong túi tận cùng gồm acetylcholin ở thần kinh
phó giao cảm và noradrenalin ở thần kinh giao cảm sẽ gắn với thụ thể ở màng sau
synap gây ra việc đóng mở các kênh ion, điều hòa sự co giãn cơ. Ở cơ trơn, các
kênh Ca2+ nhạy cảm điện thế giữ vai trò chính làm phát sinh điện thế hoạt động chứ
không phải kênh Na+ (số lượng rất ít).
- Một số cơ trơn có khả năng tự kích thích nhờ nhịp sóng chậm của điện thế
màng. Khi điện thế của sóng chậm tăng trên ngưỡng sẽ làm xuất hiện điện thế hoạt
động. Vì vậy sóng chậm thường được gọi là sóng tạo nhịp.
- Khi cơ trơn nội tạng bị căng ra, các điện thế hoạt động tự phát xuất hiện do
sự kết hợp của điện thế sóng chậm bình thường và giảm điện tích âm của điện thế
màng do căng cơ. Điều này cho phép các tạng rỗng khi bị căng quá mức sẽ tự động
co lại để chống lại sự căng.

191
5.2.2. Điều hòa bằng cơ chế thể dịch
Các hormon có tác dụng kích thích co cơ khi gắn vào thụ thể sẽ làm mở các
kênh Na+ và kênh Ca2+ gây khử cực màng tế bào. Các hormon có tác dụng gây ức
chế co cơ sẽ làm đóng kênh Na+ và kênh Ca2+.
Các hormon trong máu có ảnh hưởng nhiều trên cơ trơn như vasopressin,
serotonin, angiotensin II, adrenalin…
5.2.3. Điều hòa bằng cơ chế tại chỗ
Các yếu tố như thiếu O2, thừa CO2, tăng nồng độ H+, tăng nồng độ K+, tăng
acid lactic, các chất được sản xuất tại mô viêm như bradykinin, histamin…gây giãn
cơ trơn thành mạch máu.
5.3. Điều hòa hoạt động cơ tim
Xem bài sinh lý tim.

192
SINH LÝ XƯƠNG VÀ KHỚP
Mục tiêu:
1. Trình bày được cấu trúc và chức năng của xương và khớp.
2. Phân tích được quá trình tạo xương và tiêu xương.
3. Trình bày được các cơ chế điều hòa chuyển hóa xương.
1. SINH LÝ HỆ XƯƠNG
1.1. Đặc điểm cấu trúc chức năng của hệ xương
Về cấu trúc vi thể, mô xương thuộc loại mô liên kết gồm 3 thành phần:
- Chất căn bản:
+ Khuôn hữu cơ chiếm 30% trọng lượng xương khô do tạo cốt bào tổng hợp
bao gồm 90% collagen typ I và 10% các protein non-collagen.
+ Muối vô cơ: chiếm khoảng 70% trọng lượng xương khô, trong đó chủ yếu
là muối canxi.
- Các sợi: vùi trong chất căn bản có tác dụng làm giảm các lực cơ học tác
động vào xương.
- Các tế bào: có 4 loại tế bào
+ Tiền tạo cốt bào (preosteoblast): là những tế bào lót trên bề mặt xương và
sẽ biệt hóa thành những tạo cốt bào.
+ Tạo cốt bào (osteoblast): là những tế bào nhỏ, đơn nhân xếp thành một
hàng trên bề mặt các bè xương đang hình thành. Tạo cốt bào tạo ra khuôn hữu cơ và
gián tiếp làm lắng đọng muối khoáng lên đó. Trong quá trình tạo xương mới,
khoảng 15% tạo cốt bào tự vùi mình trong chất căn bản do chúng tạo ra và trở thành
tế bào xương.
+ Tế bào xương (osteocyte): là những tế bào nằm trong các ổ xương, nhánh
của chúng đi trong các tiểu quản xương đến tiếp xúc với tế bào xương bên cạnh. Tế
bào xương không có khả năng sinh sản. Chúng sẽ bị thực bào và bị tiêu hóa cùng
các thành phần khác của xương trong quá trình tiêu xương.
+ Hủy cốt bào (osteoclast): là những tế bào lớn, nhiều nhân, phía tiếp xúc với
chất căn bản xương có một diềm bàn chải. Hủy cốt bào thường xuất hiện ở những
vùng sụn, xương đang bị phá hủy, ở trên mặt xương của các khoảng trống Howship.
Chúng khử muối khoáng và làm tiêu hủy khuôn hữu cơ của chất căn bản. Sau khi

193
hoàn thành nhiệm vụ, hủy cốt bào sẽ chết theo chương trình (apoptotic
degeneration).
1.2. Chức năng của hệ xương
- Nâng đỡ: hệ xương phải đủ vững để nâng đỡ toàn cơ thể đặc biệt là ở tư thế
đứng đồng thời tạo cho con người có hình dáng nhất định trong không gian.
- Bảo vệ: hộp sọ và cột sống bao bọc hệ thần kinh; lồng ngực che chở tim,
phổi và các mạch máu lớn; khung chậu che chở một số tạng thuộc hệ niệu dục.
- Vận động: trong vận động của cơ thể, cơ đóng vai trò chủ động phát sinh
lực. Xương là nơi cơ bám do vậy đóng vai trò thụ động như một hệ đòn bẩy mà
điểm tựa là các khớp trong bộ máy vận động.
- Tạo máu và trao đổi chất: xương là nơi tạo ra các tế bào máu, đồng thời dự
trữ mỡ, các muối khoáng mà đặc biệt là canxi và phospho.
1.3. Quá trình tạo xương và tiêu xương
Tái tạo xương gồm 2 quá trình hoạt động theo kiểu chu kỳ lập đi lập lại liên
tiếp nhau trong suốt cuộc đời người.
1.3.1. Quá trình tiêu xương
Các mạch máu từ buồng tủy mang theo hủy cốt bào tiến vào thành xương
đặc. Hủy cốt bào sẽ những đào đường hầm gọi là khoảng trống Howship hình ống
dọc, ngang hay xiên nối thông với nhau bằng cách bài tiết ra hai loại chất qua bờ
bàn chải để gây tiêu xương:
- Các enzym của lysosom làm tiêu hủy khuôn hữu cơ của xương.
- Các acid như acid citric và acid lactic tạo ra môi trường toan chuyên biệt
trong các ổ tiêu xương gây hòa tan các muối khoáng của xương.
Ngay khi ổ tiêu xương đạt đến độ sâu 50m, hủy cốt bào rời khỏi bề mặt
xương và kết thúc hoạt động tiêu xương.
1.3.2. Quá trình tạo xương
Trong khi hủy cốt bào tiến hành công việc của nó thì tạo cốt bào đi kèm theo
sau sẽ đắp vào thành khoảng trống Howship những lá xương đồng tâm. Một số tạo
cốt bào tự vùi mình vào giữa những lá xương trở thành tế bào xương. Khoảng trống
Howship ngày càng nhỏ lại thành một cái ống hẹp, đó là ống Havers. Ống Havers
cùng các lá xương đồng tâm tạo thành hệ thống Havers. Trong ống Havers có mạch
máu và các sợi thần kinh. Các tạo cốt bào thực hiện quá trình tạo xương theo hai

194
giai đoạn chính:
- Giai đoạn hình thành mô dạng xương (osteoid tissue): là giai đoạn tạo cốt
bào tổng hợp và bài tiết collagen typI, gồm hai bước:
+ Bước nội bào: tiền collagen được tổng hợp trong tạo cốt bào giống như các
protein khác. Sau đó tiền collagen được bài tiết ra ngoài.
+ Bước ngoại bào: tiền collagen chuyển thành collagen phối hợp cùng với
các protein không phải collagen khác hình thành mô dạng xương.
- Giai đoạn khoáng hóa: các tinh thể muối canxi đến lắng đọng trên sợi
collagen.
Hủy cốt bào tiêu xương nhanh hơn tạo cốt bào tạo xương gấp năm lần, do đó
nếu tốc độ tái tạo xương tăng nhanh, tạo cốt bào sẽ không bù đắp kịp chỗ tiêu
xương do hủy cốt bào tạo ra và như vậy sẽ có hiện tượng mất xương.

Bề mặt Tế bào xương


xương Hệ thống
Havers
Lá xương
Lá xương
Mạch
máu Ống
Havers
Tạo Buồng
cốt bào tủy
Tái tạo Hủy
xương cốt Màng
bào xương
Ống Harvers
Mạch máu

Hình 10.2. Khoảng trống Howship và hệ thống Havers


1.4. Điều hòa chuyển hóa xương
1.4.1. Các yếu tố điều hòa tại chỗ
Xương là một trong những mô có nhiều yếu tố tăng trưởng nhất, chúng đóng
vai trò điều hòa chuyển hóa của xương, liên kết tạo xương và hủy xương. Một số
yếu tố tăng trưởng đã được biết như insulin like growth factor (IGF), 2
microglobulin, transforming growth factors (TGF), fibroblast growth factors

195
(FGF), platelet-derived growth factor (PDGF), interleukin 1 và TNF, -Interferon.
1.4.2. Điều hòa bằng hormon
- Parathormon (PTH): hormon tuyến cận giáp
+ Pha nhanh: trực tiếp làm tăng hoạt tính tế bào xương dẫn đến tăng vận
chuyển Ca2+ từ bào tương ra dịch ngoại bào.
+ Pha chậm: hủy cốt bào không có thụ thể với PTH, thay vào đó, tạo cốt bào
và tế bào xương được hoạt hóa bởi PTH sẽ phát tín hiệu tới hủy cốt bào gây hoạt
hóa trực tiếp hủy cốt bào có sẵn và tạo thành những hủy cốt bào mới. Tác dụng này
thường chậm và kéo dài. Ưu năng tuyến cận giáp có thể gây mất xương nặng.
- Calcitonin: hormon tuyến giáp
+ Pha nhanh: trực tiếp làm giảm hoạt tính tế bào xương dẫn đến giảm huy
động Ca2+ từ xương ra dịch ngoại bào. Tác dụng này đặc biệt quan trọng ở trẻ em vì
nó làm tăng lắng đọng Ca2+ ở xương.
+ Pha chậm: làm giảm hoạt tính và làm giảm sự tạo thành hủy cốt bào mới
do ức chế sự phân bào và biệt hóa của các tế bào tiền thân. Vì sự sinh hủy cốt bào
thường dẫn đến tác dụng thứ phát là kích thích sinh tạo cốt bào, do đó số lượng hủy
cốt bào giảm cũng sẽ dẫn đến số lượng tạo cốt bào giảm.
- Growth hormon (GH): hormon thùy trước tuyến yên. GH có tác dụng thông
qua somatomedin làm tăng tổng hợp khuôn hữu cơ của xương, làm phát triển sụn
liên hợp, làm tăng chiều dài của xương. Ở thời kỳ niên thiếu, GH làm phát triển
khung xương bằng cách tác dụng trực tiếp lên tế bào sụn trưởng thành ở đầu xương
làm các tế bào này biệt hóa thành xương.
- Insulin: hormon tuyến tụy nội tiết. Insulin cần cho sự tổng hợp khuôn hữu
cơ của xương, tổng hợp sụn và sự khoáng hóa bình thường của xương cũng như
điều hòa quá trình tiêu xương. Insulin có thể tác động trực tiếp lên mô xương hoặc
gián tiếp thông qua việc kích thích gan sản xuất somatomedin, tuy nhiên khác với
IGFI, insulin không làm tăng số lượng tạo cốt bào.
- Vitamin D: tác dụng trên hủy cốt bào giống như PTH đồng thời còn có
những ảnh hưởng khác gián tiếp lên sự tiêu xương. Người ta cũng nhận thấy vai trò
của nó trong sự khoáng hóa và phát triển bình thường của xương. Do vậy, thật ra
ảnh hưởng của vitamin D trên xương là một ảnh hưởng tổ hợp phức tạp.
- Estrogen: hormon sinh dục nữ. Estrogen không liên quan với việc điều hòa
nhanh chuyển hóa Ca2+ mà thay vào đó chúng duy trì sự tồn tại của khối xương ở

196
một mức nhất định. Tác dụng của estrogen trên xương bao gồm:
+ Làm tăng hoạt tính các tạo cốt bào giúp xương phát triển cả về chiều dài và
độ dày. Đồng thời kích thích sự phát triển sụn liên hợp và sự cốt hóa sụn liên hợp.
+ Ức chế hủy cốt bào làm giảm sự tiêu xương do ngăn cản sự phát triển của
các tế bào tiền thân thành hủy cốt bào trưởng thành và kích thích sự thoái hóa của
các hủy cốt bào.
- Testosteron: hormon sinh dục nam. Cũng như estrogen, testosteron làm
phát triển xương về cả chiều dài và độ dày qua việc hoạt hóa tạo cốt bào.
Testosteron làm phát triển xương chậu theo chiều dài. Tác dụng cốt hóa sụn liên
hợp ở các đầu xương của testosteron yếu hơn nhiều so với tác dụng của estrogen do
vậy nam giới thường ngừng cao muộn hơn nữ giới. Androgen ức chế sự tiêu xương
bằng cách ngăn cản sự bài tiết các cytokin gây tiêu xương như IL-1, IL-6.
- Cortisol: hormon vỏ thượng thận. Ở nồng độ sinh lý, cortisol có lẽ làm tăng
tác dụng của IGF đồng thời ức chế sự biệt hóa dòng tạo cốt bào. Nếu nồng độ
cortisol tăng cao và kéo dài sẽ dẫn đến thoái hóa khuôn hữu cơ của xương và ảnh
hưởng đến quá trình khoáng hóa gây loãng xương.
- Hormon T3-T4: hormon tuyến giáp. T3 và T4 có tác dụng làm tăng biệt hóa
tế bào, tăng chuyển mô sụn thành mô xương. Ở nồng độ sinh lý, T3-T4 kích thích sự
tái tạo xương. Cơ chế là do hormon này có thụ thể trên tạo cốt bào sẽ kích thích các
tạo cốt bào tăng hoạt tính. Tiếp theo, tạo cốt bào phát tín hiệu gây biệt hóa dòng hủy
cốt bào làm tăng tiêu xương. Trường hợp tăng T3-T4 kéo dài sẽ ức chế tăng sinh tạo
cốt bào, hoạt tính của hủy cốt bào trở nên mạnh hơn và sự mất xương có thể xảy ra.
2. SINH LÝ KHỚP
2.1. Đặc điểm cấu tạo chức năng
Khớp là chỗ các xương tiếp xúc và liên kết với nhau. Dựa vào hình dạng,
thành phần giữa khớp nối, hình thức vận động mà người ta phân chia khớp thành
hai loại cơ bản: khớp bất động (khớp không có hoạt dịch) và khớp động (khớp hoạt
dịch).
2.1.1. Khớp bất động - Khớp không hoạt dịch (synarthrosis)
Trong khớp bất động, các xương được liên kết trực tiếp với nhau bởi mô liên
kết. Dựa vào đặc tính của mô liên kết, khớp bất động được chia làm hai loại:
- Khớp bất động sợi: các xương được liên kết với nhau bằng các mô sợi. Có
ba loại khớp bất động sợi:
+ Khớp nối (suture): các xương cài vào nhau và được kết nối với nhau bởi

197
màng hoặc sợi collagen rất ngắn. Loại khớp này được tìm thấy ở hộp sọ.
+ Khớp dây chằng (syndesmosis): các xương được kết nối trực tiếp với nhau
bởi các dây chằng, sợi hoặc màng. Những khớp này cho phép các cử động nhỏ. Loại
khớp này được tìm thấy giữa xương quay và xương trụ, giữa xương chày và xương
mác….
+ Khớp đóng (gomphosis): các xương được kết nối với nhau như dạng “chốt
trong ổ cắm”. Ở cơ thể người, khớp này được tìm thấy giữa răng và xương hàm
trên, xương hàm dưới.
- Khớp bất động sụn: các xương được liên kết với nhau bằng mô sụn. Có hai
loại khớp bất động sụn:
+ Khớp bất động sụn sơ cấp (synchondroses): các xương được kết nối với
nhau bởi sụn hyalin. Sụn này được hình thành giữa hai trung tâm tạo xương của hai
xương. Chức năng của loại khớp này cho phép xương phát triển và thực hiện những
cử động nhỏ. Nó được tìm thấy ở xương sọ, và những xương đang trong giai đoạn
phát triển. Khi xương không phát triển thêm nữa, ở một số khớp sẽ bị xương hóa và
hai xương dính liền vào nhau.
+ Khớp bất động sụn thứ cấp (symphyses): mặt khớp của hai xương được
bao phủ bởi một màng mỏng sụn hyalin và kết nối trực tiếp với nhau nhờ sụn xơ
dưới dạng đĩa hoặc tấm lót. Dạng khớp này có thể được tìm thấy ở giữa các đốt
sống, khớp mu giữa hai xương chậu…
2.1.2. Khớp động - Khớp hoạt dịch (diarthroses)
Trong khớp động, các xương được kết nối gián tiếp với nhau thông qua một
ổ khớp nên nó có khả năng di chuyển. Các cấu trúc của khớp giúp giữ cố định khớp,
hạn chế cho khớp bị nén chặt quá mức và bôi trơn bề mặt khớp khi cử động. Cấu
trúc của tất cả các khớp động tương đối giống nhau, ngoài dây chằng, gân cơ, chúng
còn bao gồm các thành phần: diện khớp, bao khớp và ổ khớp.
2.1.2.1. Diện khớp
Diện khớp là nơi các xương tiếp xúc với nhau. Hình dáng các đầu xương tạo
thành diện khớp bao giờ cũng đối chiếu nhau: nếu một đầu xương lồi lên tạo thành
chỏm thì đầu của xương kia sẽ lõm tạo thành hõm. Khi vận động các mặt khớp của
các đầu xương sẽ cọ sát vào nhau, cho nên trên mặt của các diện khớp đều có một
lớp sụn mỏng để làm giảm bớt ma sát khi vận động. Gồm có các loại sụn:
- Sụn bọc: là một lớp sụn mỏng chủ yếu là sụn hyalin phủ bề mặt các diện
khớp, có tác dụng chịu lực và đàn hồi tốt.
- Sụn viền: là loại sụn xơ vây quanh các hõm khớp có tác dụng làm tăng bề

198
mặt tiếp xúc với các diện khớp, làm cho áp lực các xương được dàn đều. Ví dụ: sụn
viền quanh ổ chảo khớp vai, ổ cối ở khớp hông.
- Sụn chêm: là những tấm sụn xơ đệm vào giữa hai diện khớp để làm tăng độ
thích hợp giữa các diện khớp. Ví dụ: sụn chêm ở khớp gối.
2.1.2.2. Bao khớp
Màng bao khớp bao xung quanh hai đầu xương tạo thành một khoang kín.
Độ dày bao khớp thay đổi tùy theo vị trí của khớp. Khớp vai có bao khớp tương đối
mỏng, lỏng lẻo, dài, giúp cho khớp vai có biên độ hoạt động lớn; ngược lại khớp
hông lại có bao khớp dày, chắc nên biên độ hoạt động của khớp hông hạn chế hơn.
Bao khớp gồm hai lớp:
- Bao sợi: bao phía ngoài được tạo thành bởi lớp mô sợi dày đặc, được cấu
tạo chủ yếu bởi sợi collagen và elastin xếp thành từng bó song song. Bao sợi nối
liền hai đầu xương vào nhau và liên tục với màng xương.
- Bao hoạt dịch: bao bên trong gồm hai lớp, lớp nội mạc lợp mặt trong của
khớp và mô hoạt dịch nằm bên ngoài lớp nội mạc. Mô hoạt dịch bao gồm một mạng
lưới liên kết lỏng lẻo giữa mạch máu và mô sợi. Mô hoạt dịch nâng đỡ cho lớp nội
mạc và gắn liền với lớp bao sợi ở mặt ngoài. Trong lớp nội mạc có rất nhiều mao
mạch, mạch bạch huyết và thần kinh, riêng mạch máu ở mô hoạt dịch cung cấp oxy,
chất dinh dưỡng và những tế bào miễn dịch cho khớp.
2.1.2.3. Ổ khớp
Ổ khớp nằm giữa các đầu xương, trong bao hoạt dịch và có áp suất âm.
Trong ổ khớp có dịch khớp (chất hoạt dịch) bao phủ sụn khớp giúp cho bề mặt khớp
được bôi trơn và làm giảm lực ma sát giữa hai đầu xương. Ngoài ra chất hoạt dịch
còn là chất dinh dưỡng cho sụn hyalin và bề mặt khớp. Thành phần của dịch khớp
về cơ bản giống như huyết tương có chứa thêm acid hyaluronic - là một
glycoprotein có tên gọi là lubricin. Acid hyaluronic trong dịch khớp quyết định độ
nhớt của dịch khớp. Sự thay đổi nồng độ acid hyaluronic sẽ tác động lên sự bôi trơn
và lực ma sát của khớp. Bình thường dịch khớp trong, có màu vàng nhạt.
2.2. Chức năng của khớp
2.2.1. Khớp bất động
Chức năng chủ yếu của những khớp này là ổn định khớp, ổn định vị trí cơ
thể và hỗ trợ cho những cử động nhỏ.
2.2.2. Khớp động

199
Khớp động có các chức năng quan trọng là hỗ trợ cho sự ổn định vị trí cơ thể
và tham gia vào chuyển động của cơ thể.
- Tầm vận động khớp: là giới hạn chuyển động bình thường của một khớp
được xác định bởi một số yếu tố:
+ Hình dạng của bề mặt khớp: cung chuyển động khớp là thuật ngữ để chỉ sự
chuyển động của các xương trên bề mặt khớp. Giữa hai bề mặt khớp có một mặt ổn
định thường là hõm khớp hình cung, mặt còn lại dựa trên sự ổn định này để chuyển
động thường là lồi cầu. Ví dụ: nếu hõm khớp là một cung 1400 còn lồi cầu là 2100
thì cung chuyển động khớp sẽ là hiệu số của hai số đó tức là 700. Hiệu số càng lớn
thì cung chuyển động khớp càng lớn và ngược lại.
+ Các cấu trúc khác như bao khớp, dây chằng, gân cơ, khối cơ và mỏm
xương bao quanh tạo thành các cấu trúc “hãm” hạn chế cung chuyển động khớp. Do
đó tầm vận động thật sự của khớp thường nhỏ hơn cung chuyển động khớp.
- Hình thức chuyển động khớp: các đầu xương cử động theo kiểu trượt, quay
và lăn tạo nên các hình thức chuyển động khớp theo 3 trục quay cơ bản vuông góc
với nhau:
+ Trục phải-trái: thực hiện động tác gấp và duỗi.
+ Trục trước-sau: thực hiện động tác dạng và khép.
+ Trục trên-dưới: thực hiện động tác sấp và ngửa.
Câu hỏi lượng giá:
1. Giải thích cơ chế “chuột rút” trong chơi thể thao
2. Tại sao tuổi mãn kinh phụ nữ lại có nguy cơ loãng xương cao
3. Vân sáng trên nhục tiết của tế bào b. Lan ra tất cả các phần của cơ và hệ
cơ xương được tạo thành bởi: thống ống T.
a. Myosin. c. Là nguyên nhân gây tăng nồng độ
b. Actin. ion Ca2+ trong bể chứa tận cùng của
mạng lưới nội bào.
c. Tropomyosin.
d. Kéo dài hơn so với điện thế động
d. Myelin. của tế bào cơ tim.
4. Điện thế động của tế bào cơ vân: 5. Vị trí gắn kết của Ca2+ trên tế bào
a. Có pha bình nguyên kéo dài. cơ vân gây co cơ:

200
a. Tropomyosin. trương lực cơ của cơ vân là:
b. Actin. a. Sợi cơ ngoại suốt.
c. Troponin C. b. Phần đầu sợi cơ nội suốt.
d. Troponin I. c. Phần trung tâm sợi cơ nội suốt.
6. Năng lượng chủ yếu cần cho sự co d. Khớp nối kiểu cài chốt.
cơ: 8. Hoạt động của cơ trơn được điều
a. ATP. hòa bởi:
b. Phosphocreatin. a. Nơron vận động alpha.
c. Glycogen. b. Nơron vận động gamma.
d. Acid béo tự do. c. Đơn vị vận động.
7. Bộ phận nhận cảm trong phản xạ d. Thần kinh tự chủ

201
ĐÁP ÁN TRẮC NGHIỆM
Chương I : Sinh lý đại cương

Câu Đáp án Câu Đáp án Câu Đáp án


5 C 10 C 15 D
6 D 11 C 16 C
7 A 12 B 17 A
8 B 13 A 18 D
9 D 14 B 19 D
20 D
Chương II : Sinh lý điều hòa hoạt động cơ thể bằng cơ chế thể dịch

Câu Đáp án Câu Đáp án Câu Đáp án


6 D 13 D 20 C
7 D 14 C 21 D
8 C 15 C 22 D
9 C 16 C 23 D
10 D 17 B 24 B
11 C 18 B 25 D
12 A 19 C
Chương III : Sinh lý điều hòa hoạt động cơ thể bằng cơ chế thần kinh

Câu Đáp án Câu Đáp án Câu Đáp án


6 B 13 C 20 B
7 B 14 B 21 D
8 A 15 B 22 A
9 D 16 C 23 D
10 C 17 A 24 C
11 B 18 B 25 D
12 C 19 C
Chương IV : Sinh lý cơ và xương

Câu Đáp án Câu Đáp án Câu Đáp án


3 B 5 C 7 C
4 C 6 D 8 D

202
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh (2015),
Sinh lý học Y khoa, Nhà xuất bản Y học.
2. Bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Hà Nội (2015), Sinh lý học, Nhà xuất
bản Y học.
3. Guyton and Hall (2013), Textbook of Medical Physiology, Elsevier Saunders.
4. Linda S. Costanzo (2006), Physiology Cases and Problems-Board Review
Series, Lippincott Williams & Wilkins, The Science of Review'M.
5. William F. Ganong (2014), Review of Medical Physiology, McGraw Hill.

203
TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ
BỘ MÔN SINH LÝ

GIÁO TRÌNH SINH LÝ 2


Sinh lý máu và hệ thống cơ quan

Năm 2016
PGS. TS NGUYỄN TRUNG KIÊN

GIÁO TRÌNH SINH LÝ 2


Sinh lý máu và hệ thống cơ quan

Năm 2016
Chủ biên : PGS. TS Nguyễn Trung Kiên

Ban biên soạn :


1. Ths. Bs Trần Thái Thanh Tâm
2. Ths. Bs Nguyễn Hồng Hà
3. Ths. Bs Phạm Hoàng Khánh
4. Ths. Bs Phạm Kiều Anh Thơ

Ban Thư ký :
Bs Nguyễn Phan Hải Sâm
LỜI GIỚI THIỆU

Sinh lý học là một chuyên ngành của sinh học nghiên cứu hoạt động
chức năng của cơ thể sống từ những sinh vật đơn giản nhất đến phức tạp nhất
như con người. Đối với các ngành khoa học sức khỏe, sinh lý học là môn học
cơ sở quan trọng, từ kiến thức nền tảng này người học có thể dễ dàng tiếp cận
các kiến thức về bệnh học và điều trị.
Giáo trình Sinh lý học do các giảng viên có nhiều kinh nghiệm và tâm
huyết của Bộ môn Sinh lý, Khoa Y, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ biên
soạn dựa trên chương trình đã được phê duyệt. Nội dung Giáo trình vừa có
những kiến thức kinh điển, vừa có những kiến thức hiện đại được trình bày
một cách hệ thống, khoa học. Đặc biệt, Giáo trình có nhiều nội dung tiếp cận
theo hướng mới so với các sách Sinh lý học truyền thống giúp người học có
được kiến thức toàn diện, dễ dàng vận dụng khi học các môn chuyên ngành.
Chúng tôi xin giới thiệu cùng các bạn đồng nghiệp và các em sinh viên
quyển Giáo trình này như là một tài liệu học tập và tham khảo hữu ích và
cũng chân thành cảm ơn các giảng viên đã dành nhiều công sức để hoàn thành
quyển Giáo trình.

GS.TS. Lê Quý Phượng


Chủ tịch Hội Sinh lý học Việt Nam
LỜI NÓI ĐẦU

Giáo trình Sinh lý học biên soạn dựa trên chương trình chi tiết theo hệ
thống tín chỉ đã được Hội đồng Khoa học-Đào tạo Trường Đại học Y Dược
Cần Thơ thông qua dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Đây là tài liệu học tập chủ yếu dành cho sinh viên chính qui ngành Y đa khoa,
Răng hàm mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng và cả sinh viên liên thông
ngành Y đa khoa. Ngoài ra, đây cũng là tài liệu tham khảo cho sinh viên các
chuyên ngành khác, các bạn đồng nghiệp và bạn đọc có quan tâm.
Nội dung giáo trình là những kiến thức sinh lý học vừa kinh điển, vừa
cập nhật giúp người học có được nền tảng cơ sở để tiếp cận các môn chuyên
ngành. Để học tốt Sinh lý học, các bạn sinh viên cần nắm vững những kiến
thức cơ bản của sinh học, vật lý học, hóa học; đồng thời liên kết được các
kiến thức như giải phẫu, mô học, lý sinh, hóa sinh, huyết học cơ sở. Bên cạnh
đó, việc đọc trước giáo trình, hoàn thành các bài tập tự học, tìm hiểu những
ứng dụng của sinh lý học trong bệnh học, điều trị và dự phòng sẽ giúp nắm
vững được nội dung các bài học.
Với tất cả tâm huyết, chúng tôi hy vọng quyển Giáo trình sẽ đáp ứng
được những mong đợi của các bạn. Trong quá trình biên soạn mặc dù đã cố
gắng nhưng chắc chắn không tránh khỏi các thiếu sót, chúng tôi mong nhận
được những ý kiến đóng góp của các bạn đọc và đồng nghiệp.

Bộ môn Sinh lý học


Khoa Y-Trường Đại học Y Dược Cần Thơ
MỤC LỤC

STT TÊN BÀI GIẢNG Trang

Chương 5. Sinh lý máu


1 Sinh lý hồng cầu và nhóm máu 01
2 Sinh lý bạch cầu và hệ thống miễn dịch 17
3 Sinh lý tiểu cầu và cầm máu 30
Chương 6. Sinh lý hệ tuần hoàn
4 Sinh lý tim 40
5 Sinh lý mạch máu 59
Chương 7. Sinh lý hệ hô hấp
6 Thông khí phổi 75
7 Trao đổi khí tại phổi 93
8 Chuyên chở khí trong máu 98
Chương 8. Sinh lý hệ tiêu hóa
9 Đại cương về sinh lý hệ tiêu hóa 103
10 Tiêu hóa ở miệng và thực quản 113
11 Tiêu hóa ở dạ dày 117
12 Tiêu hóa ở ruột non 126
13 Tiêu hóa ở ruột già 137
Chương 9. Sinh lý hệ tiết niệu
14 Sinh lý thận 142
15 Sinh lý đường tiết niệu 164
Chương 10. Sinh lý hệ sinh dục – sinh sản
16 Sinh lý sinh dục nam 177
17 Sinh lý sinh dục nữ 183
18 Sinh lý sinh sản 191
Đáp án câu hỏi lượng giá 198
Tài liệu tham khảo
Chương 5
SINH LÝ MÁU

Máu là một loại mô liên kết đặc biệt gồm hai thành phần là huyết tương
và huyết cầu. Huyết tương là thành phần của dịch ngoại bào nằm trong lòng
mạch (xem chương 2). Huyết cầu là các tế bào máu được sản sinh từ tế bào
“mẹ” trong tủy xương. Quá trình này bắt đầu từ tế bào gốc đa năng, biệt hóa
thành các các dòng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Máu có các chức năng
chính là hô hấp, dinh dưỡng, đào thải, bảo vệ và điều hòa hoạt động cơ thể.

SINH LÝ HỒNG CẦU VÀ NHÓM MÁU

Mục tiêu:
1. Phân tích được quá trình sản sinh hồng cầu.
2. Trình bày được các đặc điểm chung và chức năng của hồng cầu.
3. Phân loại được nhóm máu hệ ABO và hệ Rh.
4. Trình bày được các ứng dụng xác định nhóm máu hệ ABO và truyền máu.

1. QUÁ TRÌNH SẢN SINH HỒNG CẦU


1.1. Nguồn gốc
Trong những tuần đầu của thời kỳ bào thai, hồng cầu được sinh ra từ lá
thai giữa. Từ tháng thứ ba, quá trình sản sinh hồng cầu được thực hiện ở gan
và lách. Từ tháng thứ năm cho đến lúc sinh ra, tủy xương là nơi duy nhất tạo
hồng cầu. Có hai loại tủy xương, tủy đỏ và tủy vàng, chỉ có tủy đỏ mới có
chức năng tạo máu. Ở trẻ sơ sinh, toàn bộ các xương đều chứa tủy đỏ. Sau đó,
ở các xương dài, tủy dần dần bị nhiễm mỡ trở thành tủy vàng. Sau 20 tuổi, tủy
đỏ chỉ khu trú ở các xương dẹt như xương sống, xương ức, xương sườn,
xương sọ, xương chậu và một phần nhỏ xương dài (đầu trên xương đùi và
xương cánh tay).
Quá trình sản sinh hồng cầu bắt đầu từ tế bào máu gốc đa năng biệt hóa
thành tế bào dòng tủy → tế bào định hướng dòng hồng cầu. Từ đây sẽ hình

1
thành tiền nguyên hồng cầu → nguyên hồng cầu ưa base → nguyên hồng cầu
đa sắc → nguyên hồng cầu ưa acid → hồng cầu lưới → hồng cầu. Trong quá
trình sản sinh, kích thước hồng cầu giảm dần, nhân đông đặc và bị đẩy ra
ngoài, hình thành hemoglobin.
1.2. Các chất cần thiết cho sản sinh hồng cầu
1.2.1. Vitamin B12
- Vai trò: vitamin B12 cần thiết để biến đổi ribonucleotid thành
deoxyribonucleotid, một trong những giai đoạn quan trọng trong sự tạo thành
DNA duy trì sự trưởng thành bình thường của hồng cầu.
- Chuyển hóa: vitamin B12 là một vitamin tan trong nước có nhiều trong
thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, trứng, sữa, không có trong thức có
nguồn gốc thực vật. Lượng B12 cần thiết mỗi ngày là <1g, trong khi đó gan
có khả năng dự trữ một lượng B12 khoảng 1000 lần nhiều hơn. Sau khi ăn vào,
B12 sẽ kết hợp với yếu tố nội tại của dạ dày để tạo thành hợp chất thích ứng
cho sự hấp thu. Vitamin B12 được hấp thu ở ruột mà chủ yếu là hồi tràng.
- Bệnh lý liên quan: thiếu B12 sẽ ngăn chặn sự phân chia tế bào và sự
trưởng thành của nhân dẫn đến ngưng biệt hóa dòng hồng cầu, kích thước
hồng cầu to nhưng giảm số lượng. Các tế bào nguyên hồng cầu của tủy xương
lớn hơn bình thường được gọi là đại hồng cầu sẽ vào máu tuần hoàn. Chúng
vẫn có khả năng chuyên chở O2, nhưng dễ bị vỡ gây thiếu máu ác tính,
thường gặp trong trường hợp bệnh nhân bị teo niêm mạc dạ dày hoặc cắt bỏ
dạ dày toàn bộ mà không tiêm B12 thường xuyên.
1.2.2. Acid folic
- Vai trò: acid folic cần thiết cho sự trưởng thành các hồng cầu do tăng
sự methyl hóa trong quá trình thành lập DNA.
- Chuyển hóa: acid folic là một vitamin tan trong nước có nhiều trong
rau cải xanh và mô động vật như não, gan, thịt. Nhu cầu hàng ngày cần 50-
100g. Acid folic được hấp thu ở ruột mà chủ yếu là hỗng tràng dưới thể
monoglutamat.
- Bệnh lý liên quan: thiếu acid folic sẽ gây ra thiếu máu với các nguyên
hồng cầu khổng lồ giống như thiếu máu do thiếu vitamin B 12, chủ yếu do chế
độ ăn không đủ, kém hấp thu, tiêu chảy kéo dài.
1.2.3. Chất sắt

2
- Vai trò: sắt là một chất quan trọng trong sự thành lập hemoglobin do
sắt tham gia vào thành phần hem.
- Chuyển hóa: sắt có nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc động vật như
thịt đỏ, phủ tạng và các loại thực vật có màu xanh đậm. Nhu cầu sắt mỗi ngày
khoảng 0,6mg. Ở phụ nữ do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt nên nhu cầu
chất sắt cao hơn (khoảng 1,3mg/ngày). Sắt được hấp thu dưới dạng Fe2+
(ferrous) hơn là dạng Fe3+ (ferric) chủ yếu ở tá tràng bằng cơ chế chủ động.
HCl của dạ dày và vitamin C có vai trò chuyển Fe3+ thành Fe2+ tạo điều kiện
thuận lợi cho sự hấp thu. Sau khi hấp thu từ ruột, sắt nhanh chóng kết hợp với
-globulin để tạo thành transferrin. Dưới dạng này, sắt kết hợp một cách lỏng
lẻo với phân tử globulin, và kết quả là nó dễ dàng phóng thích khi các mô cần.
Chất sắt thừa trong máu sẽ được dự trữ ở hầu hết các tế bào của cơ thể, đặc
biệt trong tế bào gan (60%). Tại gan, sắt kết hợp với apoferritin để tạo thành
ferritin. Khi lượng sắt trong huyết tương giảm thấp, sắt sẽ được giải phóng
khỏi ferritin.
- Bệnh lý liên quan: thiếu sắt sẽ gây thiếu máu nhược sắc, hồng cầu
nhỏ. Nguyên nhân thường do thiếu cung cấp, kém hấp thu, tăng nhu cầu (ví
dụ phụ nữ có thai) và chảy máu rỉ rả kéo dài.
1.2.4. Các chất khác
Ngoài các chất trên, quá trình sản sinh hồng cầu còn có sự tham gia của
các amino acid, các vitamin nhóm B khác và các yếu tố vi lượng như mangan,
cobalt…
1.3. Điều hòa sản sinh hồng cầu
Điều hòa sản sinh hồng cầu chủ yếu bằng cơ chế thể dịch:
- Erythropoietin:
+ Nguồn gốc: erythropoietin có nguồn gốc chủ yếu từ tế bào biểu mô
ống thận, phần nhỏ còn lại là từ gan.
+ Bản chất: glycoprotein.
+ Tác dụng: kích thích sự biệt hóa của các tế bào tiền thân dòng hồng
cầu và làm tăng quá trình tổng hợp hemoglobin trong các tế bào đã biệt hóa.
+ Điều hòa bài tiết: khi nồng độ oxy ở mô giảm như trong trường hợp
thiếu máu, lưu lượng máu thấp hoặc một bệnh lý hô hấp, sẽ kích thích thận
sản sinh erythropoietin do đó tăng tạo hồng cầu; và ngược lại khi oxy mô
tăng, ức chế tạo erythropoietin, do đó giảm tạo hồng cầu.

3
Hình 4.1. Điều hòa bài tiết erythropoietin
- Một số hormon khác cũng tham gia vào quá trình tạo hồng cầu:
+ Testosteron của tinh hoàn: có thể làm tăng tạo erythropoietin hoặc
kích thích trực tiếp tế bào gốc biệt hóa thành tế bào dòng hồng cầu.
+ GH của tuyến yên: gián tiếp làm tăng tạo erythropoietin qua
somatomedin của gan.
+ LH của tuyến yên: làm tăng tạo hồng cầu vì tăng tiết testosteron và
tăng tạo erythropoietin.
+ Thyroxin của tuyến giáp: cũng làm tăng tạo erythropoietin.
2. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA HỒNG CẦU
2.1. Hình dạng hồng cầu
Hồng cầu là những tế bào hình đĩa, lõm hai mặt. Đường kính của hồng
cầu khoảng 7-8m, chiều dày ở trung tâm là 1m và ở ngoại vi là 2-3m. Đặc
điểm hình đĩa lõm hai mặt thích hợp với khả năng vận chuyển khí của hồng
cầu vì:
- Làm tăng diện tích tiếp xúc của hồng cầu.
- Làm tăng tốc độ khuếch tán khí.
- Làm cho hồng cầu có thể biến dạng dễ dàng khi xuyên qua các mao
mạch có đường kính rất nhỏ.
2.2. Thành phần cấu tạo
Hồng cầu là một tế bào nên về mặt cấu tạo cũng gồm hai thành phần:
màng hồng cầu và bào tương. Tuy nhiên, hồng cầu không có nhân, rất ít bào
quan nên bào tương chủ yếu chỉ chứa hemoglobin.
2.2.1. Màng hồng cầu

4
Màng hồng cầu có một số tính chất quan trọng sau:
- Màng hồng cầu là một màng bán thấm có nhiều lỗ nhỏ đường kính
khoảng 3-4A0: màng không cho các chất keo thấm qua (protein, lipid). Trong
khi tính thấm với các ion, muối khoáng cũng không đồng đều: các ion H +,
OH-, HCO3- và một số ion hữu cơ thấm qua dễ dàng; các ion K +, Na+, Ca2+
thấm qua rất ít và chậm, hoặc không qua được (Ca2+, Mg2+).
+ Do tính thấm này, hồng cầu không thay đổi hình dạng khi đặt trong
dung dịch đẳng trương. Trong dung dịch ưu trương, nước trong hồng cầu
thấm ra ngoài, làm hồng cầu teo lại. Trong dung dịch nhược trương, nước từ
ngoài thấm vào hồng cầu làm hồng cầu trương to lên và cuối cùng vỡ ra gây
tan máu.
Hồng cầu bắt đầu vỡ Hồng cầu vỡ hoàn toàn
(sức bền tối thiểu) (sức bền tối đa)
Máu toàn phần NaCl 4,6o/oo NaCl 3,4o/oo
Hồng cầu rửa NaCl 4,8o/oo NaCl 3,6o/oo
Hồng cầu trong máu động mạch có độ bền cao hơn trong máu tĩnh
mạch.
+ Trong trường hợp số lỗ trên màng tăng (hồng cầu hình liềm), quá
trình trao đổi chất sẽ tăng, làm hồng cầu mất nhiều năng lượng nên dễ bị vỡ.
- Lớp áo glycocalyx của hồng cầu được bao bởi nhiều acid sialic: các
phân tử acid sialic tạo một lớp điện tích âm bên ngoài hồng cầu, đẩy các hồng
cầu làm chúng không dính vào nhau. Trong xét nghiệm đo tốc độ lắng máu,
hiện tượng này làm các hồng cầu lắng chậm. Tốc độ máu lắng bình thường ở
người trưởng thành sau 1 giờ: nam là <15mm, nữ là <20mm. Trong một số
trường hợp bệnh lý về cấu tạo màng, hoặc do dùng một số thuốc có khả năng
kết hợp với acid sialic, làm mất điện tích âm của một số hồng cầu nên các
hồng cầu dễ dính vào nhau; hoặc trong các trường hợp viêm, hàm lượng
protein thay đổi làm cho cân bằng điện tích protein thay đổi, nên điện tích
màng hồng cầu biến đổi theo, hồng cầu dễ bị kết dính lại với nhau hơn nên tốc
độ lắng máu sẽ tăng.
- Màng hồng cầu có rất nhiều kháng nguyên: kháng nguyên màng hồng
cầu chính là những phân tử protein xuyên màng, thường ở dưới dạng
glycoprotein. Người ta đã tìm thấy khoảng 30 loại kháng nguyên thường gặp
và hàng trăm kháng nguyên hiếm gặp khác. Các kháng nguyên màng hồng

5
cầu tạo thành nhóm máu thực hiện chức năng tương tác miễn dịch với các
kháng thể. Khi các kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau sẽ gây ra
hiện tượng ngưng kết hồng cầu. Tuy nhiên, phần lớn kháng nguyên có tính
miễn dịch yếu nên không gây tai biến khi truyền máu, chúng thường được
dùng để nghiên cứu di truyền gen nhằm xác định huyết thống. Hai nhóm
kháng nguyên quan trọng có thể gây các phản ứng trong truyền máu là hệ
thống ABO và hệ thống Rh.
- Lớp trong cùng màng hồng cầu có nhiều protein ngoại vi bám dính:
đó là những sợi vi thể, những ống vi thể và những phân tử calmodulin, protein
gắn hemoglobin, các enzym. Các phân tử calmodulin điều hòa hoạt động các
enzym ở màng. Hệ thống enzym màng hồng cầu vô cùng phong phú và thực
hiện nhiều chức năng quan trọng khác nhau.
+ Các enzym tham gia chuyển hóa glucose tạo năng lượng cho hồng
cầu hoạt động như G6PD (glucose 6 phosphat dehydrogenase) và nhiều
enzym khác: hồng cầu là một tế bào chứa oxy nên các cấu trúc của nó thường
xuyên có nguy cơ bị oxy hóa, năng lượng sinh ra sẽ giúp bảo vệ hồng cầu. Do
vậy, giảm hoạt tính các enzym này sẽ dẫn đến giảm khả năng chống oxy hóa
và dập gốc tự do của hồng cầu.
+ Các enzym tham gia chuyển hóa 2,3-DPG (2,3 diphospho glycerat)
như pyruvate kinase, diphosphoglycerat mutase…: 2,3-DPG có ảnh hưởng
quan trọng đến ái lực của hemoglobin với oxy, do vậy giảm hoạt tính của các
enzym này sẽ dẫn đến thay đổi ái lực của hemoglobin với oxy.
+ Enzym tham gia vào quá trình vận chuyển CO2 là CA (carbonic
anhydrase): CA trong hồng cầu làm tăng hàng nghìn lần vận tốc của phản ứng
giữa CO2 và H2O tạo ra H2CO3. Nhờ đó, CO2 được vận chuyển dưới dạng ion
bicarbonat (HCO3-) từ các mô về phổi.
2.2.2. Hemoglobin
Hemoglobin (Hb) là một protein màu nên còn gọi là huyết sắc tố, trọng
lượng phân tử 68.000, có khả năng chuyên chở chất khí. Hemoglobin chiếm
khoảng 32-34% trọng lượng tươi và trên 90% trọng lượng khô của hồng cầu.
Nồng độ hemoglobin bình thường trung bình từ 14-16g/100mL máu. Mỗi
hồng cầu có chứa khoảng 34-36g hemoglobin.
* Cấu tạo và phân loại hemoglobin:
Hemoglobin được cấu tạo gồm hai thành phần là 1 phân tử globin và 4

6
nhân hem.
- Hem: là một sắc tố đỏ giống nhau ở tất cả các loài.
- Phân tử globin: là một protein không màu khác nhau tùy theo loài.
Mỗi phân tử globin gồm 4 chuỗi polypeptid giống nhau thành từng cặp. Ở
người có 4 loại chuỗi polypeptid được ký hiệu là α, β, γ, δ; sự tổ hợp của các
chuỗi polypeptid này tạo ra các loại hemoglobin khác nhau. Bình thường,
hemoglobin chủ yếu ở người trưởng thành là HbA và hemoglobin ở bào thai
là HbF. Khi đứa trẻ ra đời HbF được thay thế dần thành HbA, tỷ lệ các loại
hemoglobin ở người trưởng thành bình thường: 95% HbA1 (2 chuỗi α, 2 chuỗi
β), 2% HbA2 (2 chuỗi α, 2 chuỗi δ), 2% HbF (2 chuỗi α, 2 chuỗi γ). Thứ tự
các acid amin trong chuỗi polypeptid của phân tử hemoglobin đã được xác
định trong mã gen di truyền.
Khi đột biến xảy ra trên các gen qui định trình tự các acid amin trong
chuỗi polypeptid của phân tử hemoglobin sẽ xảy ra sự sản xuất các
hemoglobin không bình thường, ví dụ HbS, HbC, HbE, HbJ… Có những loại
phân tử Hb bất thường nhưng không gây nguy hiểm, tuy nhiên có một số loại
gây ra các trường hợp bệnh lý, ví dụ: bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm do
trong máu có HbS, bệnh thalassemia do đột biến làm giảm tổng hợp chuỗi α
hoặc β.
* Sự tổng hợp hemoglobin:
Tổng hợp hemoglobin bắt đầu từ giai đoạn tiền nguyên hồng cầu đến
giai đoạn hồng cầu lưới. Quá trình tổng hợp diễn ra theo những bước sau:
- Acid acetic được biến đổi trong chu trình Krebs thành succinyl CoA.
- 2 succinyl CoA kết hợp với 2 phân tử glycin để thành lập hợp chất
pyrrol.
- 4 phân tử pyrrol sẽ kết hợp lại thành protoporphyrin IX.
- 1 phân tử protoporphyrin IX kết hợp với sắt để tạo thành phân tử
hem.
- 1 heme kết hợp với một chuỗi polypeptid của globin để tạo chuỗi
hemoglobin.
- 4 chuỗi hemoglobin kết hợp với nhau tạo thành hemoglobin.
* Sự thoái biến hemoglobin:
Đời sống trung bình của hồng cầu trong máu ngoại vi khoảng 120 ngày.
Các hồng cầu già sẽ bị phá vỡ trong hệ thống võng nội mô như gan, lách. Khi

7
đó hemoglobin được tách ra thành globin và hem.
- Globin được chuyển hóa như các protein khác trong cơ thể.
- Hem được phân hủy như sau: đầu tiên, sắt được tách ra và giải phóng
vào huyết tương, transferrin sẽ vận chuyển sắt đến tủy xương để tạo hồng cầu
mới, hoặc đến gan và các tổ chức khác để dự trữ dưới dạng ferritin. Phần còn
lại của heme biến thành bilirubin có màu vàng. Bilirubin vào máu và được
đưa đến gan. Tại gan, bilirubin kết hợp với acid glucuronic rồi bài tiết qua
mật ra ngoài.
2.3. Số lượng hồng cầu và các chỉ số hồng cầu
- Số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi ở người Việt Nam trưởng
thành bình thường:
Nam : 5,11 M  0,3/mm3 máu
Nữ : 4,6 M  0,25/mm3 máu
Số lượng hồng cầu phụ thuộc vào lượng oxy đến mô, mức độ hoạt
động, lứa tuổi… Bình thường tủy xương sản xuất mỗi ngày từ 0,5-1% hồng
cầu, để thay thế 1% hồng cầu chết mỗi ngày. Khi có nhu cầu, tủy xương có
thể tăng sản xuất gấp 7-8 lần so với bình thường. Tình trạng tăng sinh đáp
ứng này được biểu hiện bằng số lượng tế bào dòng hồng cầu trong tủy tăng,
thời gian trưởng thành rút ngắn, đưa ra máu ngoại vi sớm những hồng cầu có
kích thước lớn, đôi khi còn đa sắc, kiềm (hồng cầu còn nhân). Số lượng hồng
cầu thay đổi trong các trường hợp bệnh lý:
+ Tăng trong bệnh đa hồng cầu, ngạt, mất nước nhiều. Ngoài ra, trong
nhiều bệnh lý của hệ tuần hoàn gây thiếu oxy ở mô, sẽ dẫn đến tăng sản xuất
hồng cầu để đảm bảo chức năng hô hấp.
+ Giảm trong thiếu máu do tán huyết, xuất huyết; suy thận; suy tủy…
- Tỷ lệ hồng cầu lưới: tỷ lệ này thường tăng trong thiếu máu tán huyết.
- Các chỉ số hồng cầu:
+ MCV (thể tích trung bình hồng cầu): là chỉ số đánh giá thể tích hồng
cầu, MCV thấp là hồng cầu nhỏ, MCV cao là hồng cầu to.
MCV(femtolit)=(hematocrit x 1000)/số lượng hồng cầu (triệu/mm3).
+ MCH (lượng Hb trung bình hồng cầu): là chỉ số đánh giá lượng Hb
bên trong hồng cầu. MCH thấp là nhược sắc, MCH cao có thể là ưu sắc.
MCH(pg)=[Hb (g/100mL) x 10]/số lượng hồng cầu (triệu/mm3)
+ MCHC (nồng độ Hb trung bình hồng cầu): là tỷ lệ giữa Hb và Hct.

8
MCHC thấp là nhược sắc, MCHC cao có thể là hồng cầu nhỏ.
MCHC(g/100mL)=Hb (g/100mL)/Hct
3. CHỨC NĂNG CỦA HỒNG CẦU
3.1. Chức năng hô hấp
Chức năng hô hấp là chức năng chính của hồng cầu, được thực hiện
nhờ hemoglobin.
3.1.1. Hemoglobin vận chuyển oxy từ phổi đến các mô
- Sự tạo thành oxyhemoglobin ở phổi: sau khi hít vào, oxy được gắn
với Fe2+ trong thành phần hem, khi đó hemoglobin trở thành oxyhemoglobin
(HbO2). Phản ứng tạo thành oxyhemoglobin xảy ra rất nhanh trong hồng cầu
và tùy thuộc vào phân áp oxy.
Một phân tử Hb có thể gắn với 4 phân tử O2, sự gắn với một phân tử O2
đầu tiên vào Hb làm tăng ái lực của Hb với phân tử O2 tiếp theo. Lưu ý: đây là
phản ứng kết hợp O2 vào nguyên tử Fe, không phải là phản ứng oxy hóa, nên
Fe vẫn có hóa trị 2 (Fe2+).
Vì một phân tử Hb gắn tối đa 4 phân tử O 2 nên 1 gam Hb gắn được
1,34mL O2. Như vậy, trung bình 100mL máu, có 14-16g Hb, gắn được tối đa
khoảng 20mL O2.
- Sự phân ly oxyhemoglobin ở mô: khi đến mô, hemoglobin sẽ nhả oxy
cho mô. Phản ứng phân ly oxyhemoglobin xảy ra phụ thuộc ái lực của Hb với
O2. Các yếu tố làm giảm ái lực, tăng phân ly oxyhemoglobin để cung cấp O 2
cho mô:
+ Phân áp O2 giảm.
+ CO2 tăng, pH giảm.
+ Nhiệt độ tăng.
+ Chất 2,3-DPG (2,3-diphosphoglycerate) tăng trong hồng cầu (2,3-
DPG tăng khi lên vùng cao, khi hoạt động).
+ Hợp chất phosphat thải ra lúc hoạt động.
- Liên hệ bệnh lý:
+ Trong trường hợp máu tiếp xúc với nhiều loại thuốc khác nhau, và
nhiều tác nhân oxy hoá khác nhau, ion Fe2+ trở thành Fe3+, khi đó Hb sẽ
chuyển thành metHb không có khả năng vận chuyển O2 nữa. MetHb có màu
sậm và nếu chất này có nhiều trong tuần hoàn sẽ gây ra triệu chứng xanh tím
(cyanosis).

9
+ Khí CO (oxide carbon), một sản phẩm của sự cháy không hoàn toàn
carbon, có trong khói của những vụ cháy nổ, các động cơ nổ, than đốt... có ái
lực rất mạnh với hemoglobin (gấp 250-350 lần so với oxy), rất dễ kết hợp với
hemoglobin trong máu để thành HbCO (carboxyhemoglobin) gây nên hội
chứng thiếu oxy ở máu, máu có màu đỏ anh đào. Tùy theo nồng độ khí CO
trong không khí mà nồng độ HbCO được hình thành trong máu sẽ tăng cao và
các triệu chứng nhiễm độc sẽ nặng dần lên.
3.1.2. Hemoglobin vận chuyển CO2 từ mô về phổi
Một phần nhỏ, khoảng 20% CO2 trong máu được kết hợp Hb để tạo
carbaminhemoglobin. CO2 kết hợp vào Hb qua các nhóm amin (NH2) của
globin. Đây là phản ứng thuận nghịch còn gọi là phản ứng carbamin.
Hb + CO2  HbCO2
(R – NH2 + CO2  R – NH – COOH)
Phản ứng thuận nghịch này xảy ra theo chiều nào tùy thuộc vào phân áp
CO2. Ở các mô, phân áp CO2 cao, phản ứng xảy ra theo chiều thuận. Ngược
lại, ở phổi phân áp CO2 thấp, HbCO2 sẽ phân ly và CO2 được thải ra khỏi cơ
thể qua các động tác hô hấp.
3.2. Chức năng miễn dịch
Hồng cầu có vai trò miễn dịch do:
- Giữ lấy các phức hợp kháng nguyên - kháng thể - bổ thể tạo thuận lợi
cho quá trình thực bào.
- Các kháng nguyên màng hồng cầu là đặc trưng của các nhóm máu.
3.3. Chức năng điều hòa thăng bằng kiềm toan
Hb trong hồng cầu là một hệ thống đệm quan trọng. Ngoài ra, hồng cầu
còn tạo ra HCO3- trong quá trình vận chuyển CO2, do vậy đã góp phần tạo ra
hệ đệm bicarbonat.
3.4. Chức năng tạo áp suất keo
Những thành phần cấu tạo của hồng cầu chủ yếu là protein nên góp
phần tạo áp suất keo của máu.
4. NHÓM MÁU
4.1. Định nghĩa
Năm 1900, Landsteiner nhận thấy có sự ngưng kết hồng cầu khi trộn
máu của các cá thể trong cùng một loài với nhau. Từ đó ông đã phát hiện ra
có kháng nguyên trên màng hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh và ông

10
đã phân loại nhóm hồng cầu trên người. Trong y học, người thường gọi nhóm
hồng cầu là nhóm máu.
Như vậy, nhóm máu là kháng nguyên nằm trên màng hồng cầu. Các
loại máu được phân nhóm dựa theo sự hiện diện của các kháng nguyên đó.
Các kháng nguyên thường có bản chất là glycoprotein.
Các kháng thể nhóm máu có thể là kháng thể tự nhiên (IgM) nhưng
cũng có thể là kháng thể miễn dịch (IgG). Các kháng thể miễn dịch khác với
kháng thể tự nhiên ở chỗ chỉ hình thành khi có tiếp xúc với kháng nguyên; có
khả năng khuếch tán mạnh, qua được màng nhau thai nên có thể từ mẹ sang
thai nhi; có hoạt tính mạnh ở 37oC với cường độ, hiệu giá và độ nhạy cao hơn
kháng thể tự nhiên, nếu bị kích thích lập lại (tiếp xúc kháng nguyên) thì hoạt
tính sẽ càng cao, nhưng nếu không lặp lại thì sẽ giảm dần đến mất hẳn.
4.2. Phân loại nhóm máu
Sau này, ngoài những kháng nguyên mà Landsteiner đã tìm ra, người ta
còn tìm thấy nhiều kháng nguyên khác có trên màng hồng cầu và từ đó phân
ra nhiều hệ thống nhóm máu: ABO, Rh, MN, Kell, Kidd, Duffy, Lewis…
Trong đó, hai hệ thống nhóm máu có nhiều ứng dụng trên lâm sàng là ABO
và Rh.
4.2.1. Các nhóm máu hệ ABO
* Các kháng nguyên của nhóm máu hệ ABO:
Các kháng nguyên nhóm hồng cầu hệ ABO là các chất
mucopolysaccharid gồm kháng nguyên A và B. Các kháng nguyên này là sự
thể hiện của các gen A và B trên bề mặt hồng cầu. Kháng nguyên A và B có
thể phát hiện được từ lúc bào thai 5-6 tuần. Trong suốt thời kỳ bào thai lượng
kháng nguyên tăng không đáng kể. Sau khi sinh, lượng kháng nguyên tăng
dần và đạt đến mức ổn định sau 2-4 năm và tồn tại hằng định suốt đời.
Dựa vào sự có mặt hay không có mặt của các kháng nguyên A và B
trên màng hồng cầu, Landsteiner phân loại thành 4 nhóm máu: A, B, AB và O
(bảng 4.1). Ở người Việt Nam, khoảng 48% là nhóm máu O, 28% nhóm máu
B, 20% nhóm máu A và 4% nhóm máu AB.
Các nhóm phụ của hệ ABO: nhóm máu A có thể chia làm 2 nhóm phụ
là A1 và A2. Hồng cầu A1 phản ứng mạnh với anti-A, còn hồng cầu A2 phản
ứng yếu hơn. 80% nhóm máu A hay AB là thuộc loại A1 và 20% là A2. Tương
tự, nhóm máu B cũng có các dưới nhóm. Tuy nhiên, việc xác định các các

11
nhóm phụ cũng ít có giá trị trong thực hành lâm sàng.
Bảng 4.1. Thành phần và genotype của nhóm máu hệ ABO
Nhóm Kháng nguyên trên Kháng thể trong
Genotype
máu màng hồng cầu huyết thanh
A A Anti-B () OA, AA
B B Anti-A () OB, BB
AB A, B Không có anti-A và AB
anti-B
O Không có A và B Anti-A và anti-B OO
* Các kháng thể của nhóm máu hệ ABO:
Ở trẻ sơ sinh hầu như không tìm thấy sự có mặt các kháng thể nhóm
máu. 2-8 tháng sau, cơ thể trẻ bắt đầu sản xuất các kháng thể trong huyết
thanh với nồng độ tăng dần và đạt tối đa vào khoảng 8-10 tuổi. Sau đó, giảm
dần theo tuổi.

Hình 4.2. Nồng độ anti-A và anti-B trong huyết thanh người


(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology).
Các kháng thể anti-A, anti-B thường là kháng thể tự nhiên (IgM) nhưng
cũng có thể là kháng thể miễn dịch (IgG). Các kháng thể miễn dịch anti-A,
anti-B, mà đặc biệt là anti-A, có thể gặp ở một số người nhóm máu O, vì vậy
những người này được gọi là người có nhóm máu O nguy hiểm, không dùng
để truyền phổ thông như các nhóm máu O thông thường. Các kháng thể miễn
dịch cũng có thể gặp ở những người nhóm máu A hoặc B nhưng hiếm hơn.

12
* Phương pháp định nhóm máu hệ ABO:
- Nghiệm pháp hồng cầu (định nhóm xuôi): đây là nghiệm pháp trực
tiếp nhằm xác định kháng nguyên hệ ABO trên hồng cầu (Nghiệm pháp Beth-
Vincent). Nguyên tắc phương pháp này là sử dụng những kháng huyết thanh
đã chuẩn hóa, chứa kháng thể anti-A, anti-B và anti-A, B trộn với máu cần
thử, dựa trên phản ứng ngưng kết với hồng cầu để định nhóm máu người thử.
- Nghiệm pháp huyết thanh (định nhóm ngược): nguyên tắc là sử dụng
những hồng cầu chứa kháng nguyên đã biết, đem làm phản ứng ngưng kết với
huyết thanh của người cần định nhóm máu, nhằm xác định sự có mặt hay
không có mặt của kháng thể anti-A, anti-B trong huyết thanh. Từ đó suy ra
được nhóm máu người thử.
Để đảm bảo chính xác khi định nhóm máu ABO nên:
- Tiến hành đồng thời cả 2 nghiệm pháp nói trên và kết quả phải khớp
nhau, nếu không phải dùng thêm kỹ thuật cao hơn để xác định.
- Huyết thanh mẫu phải đủ anti-A, anti-B, anti-A, B. Hồng cầu mẫu
phải đủ hồng cầu A, B, O.
- Huyết thanh mẫu phải đạt đủ độ nhạy, độ mạnh và hiệu giá. Hồng cầu
mẫu phải là hồng cầu mới, đã rửa sạch 3 lần bằng nước muối sinh lý (NaCl
9‰) rồi pha thành huyền dịch 5-10‰.
Bảng 4.2. Bảng kết quả định nhóm máu hệ ABO
Nghiệm pháp hồng cầu Nghiệm pháp huyết thanh Nhóm
(dùng huyết thanh mẫu) (dùng hồng cầu mẫu) máu
Anti-A Anti-B Anti-A,B HC A HC B HC O ABO
+ - + - + - A
- + + + - - B
+ + + - - - AB
- - - + + - O
4.2.2. Hệ Rhesus
Năm 1904, Landstainer tìm thấy một loại kháng nguyên ở hồng cầu khỉ
Maccacus Rhesus, ông đặt tên cho kháng nguyên này là yếu tố Rh. Sau đó,
người ta nhận thấy ở một số người hồng cầu chứa đựng yếu tố Rh, và ở một
số người khác thì không. Người ta qui ước, máu người nào hồng cầu có chứa
yếu tố Rh gọi là Rh+, còn không thì gọi là Rh-. Yếu tố Rh là một hệ thống
gồm 13 kháng nguyên trong đó yếu tố D là mạnh nhất, có ý nghĩa quan trọng

13
trong truyền máu. Người Việt Nam hầu hết là Rh+ (99,96%).
Các kháng thể hệ Rh không có sẵn trong máu, chỉ xuất hiện khi có sự
tiếp xúc với kháng nguyên. Vì vậy, người ta gọi kháng thể hệ Rh là kháng thể
miễn dịch. Trong các kháng thể của hệ Rh, anti-D là kháng thể quan trọng
nhất còn các kháng thể khác yếu hơn nhiều và mức độ gây phản ứng cũng rất
thấp. Anti-D là một loại IgG.
Những phản ứng ngưng kết do Rh thường xảy ra trong hai trường hợp:
- Người có máu Rh- nhận nhiều lần liên tục máu Rh+.
- Mẹ có nhóm máu Rh- nhiều lần mang thai có máu Rh+.
4.2.3. Các hệ thống nhóm máu khác
Nhiều loại protein khác trên màng hồng cầu tạo các kháng nguyên
ngoài A, B, O, Rh dẫn đến hình thành các nhóm máu như: MN, Kell, Lewis,
Duffy, Kidd, Doego, Lutheran… Những yếu tố kháng nguyên này không có
tính nguyên cao, tức là gây ra phản ứng truyền máu rất yếu, chậm hoặc thậm
chí không có phản ứng.
4.3. Ứng dụng nhóm máu trong truyền máu
4.3.1. Chỉ định
Chỉ định truyền máu trong những trường hợp: giảm thể tích máu, điều
trị thiếu máu, cung cấp các thành phần của máu…
4.3.2. Nguyên tắc truyền máu
Từ những hiểu biết về nhóm máu trong hệ thống nhóm máu, người ta
đã đề ra những nguyên tắc để tránh xảy ra những tai biến trong truyền máu:
- Phải truyền máu cùng nhóm tức là không để cho kháng nguyên và
kháng thể tương ứng gặp nhau trong máu người nhận. Ví dụ, A truyền cho
A, B truyền cho B…
- Nhưng nhiều khi không có máu cùng nhóm để truyền, nên người ta có
thể cho truyền khác nhóm theo nguyên tắc: kháng nguyên trên màng hồng
cầu người cho không bị ngưng kết bởi kháng thể tương ứng trong huyết
tương người nhận. Như vậy, có 2 trường hợp đáng lưu ý:
+ Nhóm O không có kháng nguyên trên màng hồng cầu, nên không bị
kháng thể trong huyết tương người nhận làm ngưng kết. Do đó nhóm O có thể
truyền cho cả 3 nhóm và cho chính nó.
+ Nhóm AB không có kháng thể trong huyết tương, nên không thể
ngưng kết bất kỳ hồng cầu người cho nào. Do đó nhóm AB có thể nhận máu

14
của cả 3 nhóm và của chính nó.

A

O ABo

B

Hình 4.3. Sơ đồ truyền máu


Khi truyền máu khác nhóm, nguyên tắc không đề cặp đến vấn đề kháng
thể trong huyết tương người cho gây ngưng kết hồng cầu người nhận. Lý do
là vì kháng thể được truyền vào với lượng rất nhỏ, nên bị pha loãng ngay
trong máu người nhận, không đủ ngưng kết hồng cầu người nhận. Ngoài ra,
kháng thể còn có thể bị trung hòa bởi những kháng nguyên có trong các tế
bào và các dịch của cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý khi truyền máu khác nhóm,
mỗi lần truyền không được vượt quá 250mL và phải truyền thật chậm.
4.3.3. Phản ứng chéo
Phản ứng chéo là một kỹ thuật rất cần thiết áp dụng trước khi truyền
máu dù đã thử nhóm máu hệ ABO và Rh. Kỹ thuật như sau:
- Lấy một giọt hồng cầu hoặc máu người cho và một ít huyết thanh của
máu người nhận trộn đều với nhau, quan sát kỹ xem hiện tượng ngưng kết xảy
ra không.
- Rồi trộn lẫn dịch hồng cầu của người nhận với huyết thanh người cho,
quan sát xem có hiện tượng ngưng kết không.
Nếu không có hiện tượng ngưng kết xảy ra, có thể xem như hai máu
không tương kỵ và truyền được. Nếu thấy ngưng kết là hai loại máu tương kỵ
nhau không truyền được. Phương pháp này tránh nhầm lẫn khi truyền máu và
phát hiện những kháng thể bất thường.
4.3.4. Phản ứng trong truyền máu
- Những phản ứng không gây tán huyết: sốt, rét run, dị ứng, lây truyền
các mầm bệnh qua máu truyền vào.
- Những phản ứng gây tán huyết: phản ứng gây tán huyết trong truyền
máu có thể do 2 nguyên nhân:
+ Nguyên nhân miễn dịch: không hòa hợp kháng nguyên và kháng thể

15
thuộc hệ nhóm máu hồng cầu; sẽ gây ra phản ứng kết hợp giữa kháng nguyên
và kháng thể tương ứng trong máu tuần hoàn người nhận, dẫn tới tiêu hủy
hồng cầu (tán huyết).
+ Nguyên nhân ngoài miễn dịch: có thể do điều kiện bảo quản máu
không tốt (nhiệt độ), dung dịch giữ máu không đủ nồng độ đường dextrose,
dung dịch chống đông pha chế không đúng nồng độ và pH quy định. Ngoài
ra, hồng cầu cũng có thể bị vỡ khi truyền với áp lực quá cao. Ví dụ: khi truyền
máu qua một kim quá nhỏ với tốc độ nhanh, hồng cầu có thể bị phá hủy nếu
mắc bệnh thiếu men hoặc những trạng thái có myoglobin máu, myoglobin
niệu từ trước.

16
SINH LÝ BẠCH CẦU VÀ HỆ THỐNG MIỄN DỊCH

Mục tiêu:
1. Trình bày được quá trình sản sinh bạch cầu.
2. Xác định được số lượng và công thức bạch cầu.
3. Phân biệt được các loại bạch cầu.
4. Phân tích được các đặc tính và chức năng của từng loại bạch cầu.
5. Nắm được khái niệm về miễn dịch và hệ thống miễn dịch.

1. QUÁ TRÌNH SẢN SINH BẠCH CẦU


1.1. Nguồn gốc
Bạch cầu có nguồn gốc từ các tế bào máu gốc đa năng trong tủy xương,
các tế bào này sẽ biệt hóa thành 2 dòng:
- Dòng tủy: các tế bào tiền thân dòng tủy phát triển thành dòng hồng
cầu, dòng tiểu cầu và ba dòng bạch cầu là dòng hạt-mono để tạo thành bạch
cầu hạt trung tính và bạch cầu mono (sẽ phát triển thành đại thực bào), dòng
ái toan để tạo thành bạch cầu hạt ưa acid, dòng ái kiềm để tạo thành bạch cầu
hạt ưa base.
- Dòng lympho: các tế bào tiền thân dòng lympho phát triển thành hai
dòng là bạch cầu lympho T và bạch cầu lympho B. Hầu hết bạch cầu lympho
rời khỏi tủy xương trước khi chín. Bạch cầu lympho T trưởng thành trong
tuyến ức, trong khi bạch cầu lympho B phát triển và trưởng thành trong các
mô bạch huyết ở ruột, lách và tủy xương.

17
Hình 4.4. Quá trình sản sinh các dòng tế bào máu
1.2. Điều hòa sản sinh bạch cầu
Điều hòa sản sinh bạch cầu được thực hiện bằng cơ chế thể dịch với các
cytokin do chính bạch cầu lympho, mono và đại thực bào chế tạo ra trong quá
trình tham gia các phản ứng miễn dịch. Các cytokin này sẽ kiểm soát quá
trình tăng sinh, biệt hóa của các dòng bạch cầu:
+ Các yếu tố phát triển đa dòng như interleukin-3 (IL-3) kích thích sự
phát triển của dòng tủy.
+ Các yếu tố phát triển đơn dòng: G-CSF kích thích sự phát triển của
dòng bạch cầu hạt, M-CSF kích thích sự phát triển của dòng mono, E-CSF
kích thích sự phát triển của dòng bạch cầu hạt ưa acid. Nhiều loại lymphokin
(interleukin) và monokin khác nhau cũng kích thích sự phát triển của các
dòng bạch cầu hạt, mono, lympho.
2. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BẠCH CẦU
2.1. Hình dạng bạch cầu
Căn cứ vào hình dáng, kích thước trung bình, sự bắt màu khác nhau của
nhân và các loại hạt trong bào tương khi nhuộm giemsa để nhận dạng các loại
bạch cầu.
- Ba loại bạch cầu có hạt khi nhuộm: kích thước khoảng 10-15µm
+ Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil): nhân chưa chia múi hoặc chia
nhiều múi màu tím đen. Bạch cầu càng già, nhân càng nhiều múi. Bào tương
có nhiều hạt rất nhỏ, mịn đều nhau, bắt màu hồng tím. Hầu hết các hạt này là
các tiêu thể chứa enzym thuỷ phân. Ngoài ra còn các hạt chứa các chất oxy
hoá mạnh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
+ Bạch cầu hạt ưa acid (Eosinophil): nhân thường chia hai múi như
hình mắt kính màu tím. Bào tương có những hạt to, tròn đều nhau bắt màu đỏ
cam. Các hạt này có chứa nhiều enzym peroxidase và phosphatase acid.
+ Bạch cầu hạt ưa kiềm (Basophil): nhân thường có giới hạn không rõ,
đôi khi cho ta hình ảnh như tế bào bị vỡ nát hay hình hoa thị màu tím đen.
Bào tương có những hạt to nhỏ không đều nhau nằm đè cả lên nhân, bắt màu
xanh đen. Các hạt này có chứa nhiều heparin, histamin và một lượng nhỏ
bradykinin, serotonin.
- Hai loại bạch cầu không có hạt khi nhuộm:
+ Bạch cầu mono (Monocyte): là bạch cầu lớn khoảng 20-25m, nhân

18
hình hạt đậu nằm lệch về một phía, bào tương bắt màu xám tro, không hạt
hoặc có ít hạt azur.
+ Bạch cầu lympho (Lymphocyte): loại nhỏ (9-12m) và loại to (12-18
m). Nhân to tròn, màu tím sẫm chiếm gần hết tế bào. Bào tương có màu
xanh lơ bao quanh nhân, không có hạt hoặc có ít hạt azur.
2.2. Số lượng và đời sống bạch cầu
Số lượng bạch cầu ở người trưởng thành bình thường khoảng 4.000-
10.000/mm3 máu (4-10 x 109/L).
Ở trẻ em và phụ nữ có thai số lượng bạch cầu cao hơn. Số lượng bạch
cầu tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và đặc biệt tăng cao trong bệnh
bạch cầu cấp hoặc mạn tính. Số lượng bạch cầu giảm trong nhiễm độc, nhiễm
xạ, trong bệnh suy tủy.
Đời sống bạch cầu thay đổi theo từng loại. Đối với bạch cầu hạt, sau
khi được phóng thích từ tủy xương sẽ lưu hành trong máu trong 4-8 giờ, sau
đó di chuyển vào trong mô và tồn tại thêm khoảng 4-5 ngày. Nếu mô bị
nhiễm khuẩn, bạch cầu hạt sẽ được huy động đến thực hiện chức năng và tự
tiêu hủy sau đó thì đời sống có thể ngắn hơn, thậm chí chỉ còn vài giờ. Bạch
cầu mono cũng có thời gian lưu hành trong máu ngoại vi ngắn khoảng 10-20
giờ, trước khi đi xuyên mao mạch vào mô. Sau khi vào mô, bạch cầu mono
phát triển thành đại thực bào trong mô, có thể sống nhiều tháng, nhiều năm
cho đến khi tự tiêu hủy trong quá trình thực bào. Tế bào lympho từ các hạch
bạch huyết và các mô lymphoid xâm nhập vào hệ tuần hoàn, sau vài giờ
chúng vào mô, tái xâm nhập bạch huyết rồi trở vào máu, và cứ như thế tế bào
lympho liên tục tuần hoàn đi khắp cơ thể. Đời sống của bạch cầu lympho thay
đổi từ nhiều tuần đến nhiều tháng tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể đối với tế
bào này.
2.3. Công thức bạch cầu
Có nhiều loại công thức bạch cầu khác nhau, tùy theo mục đích thăm
dò nghiên cứu, người ta có thể dùng những tiêu chuẩn khác nhau để phân loại
công thức bạch cầu. Có hai loại công thức bạch cầu thường được sử dụng:
2.3.1. Công thức bạch cầu phổ thông
Công thức bạch cầu phổ thông là tỉ lệ phần trăm các loại bạch cầu trong
máu. Tuy nhiên, công thức này chưa nói lên giá trị tuyệt đối do đó cần được
so sánh với tổng số bạch cầu để suy ra số lượng của từng loại bạch cầu. Ở

19
người Việt Nam trưởng thành bình thường, công thức bạch cầu phổ thông và
trị số tuyệt đối của từng loại như sau:
Bảng 4.2. Công thức bạch cầu phổ thông và trị số tuyệt đối ở người trưởng
thành bình thường
Loại bạch cầu Công thức Số lượng/mm3
Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil) 60-66% 1700-7000
Bạch cầu hạt ưa acid (Eosinophil) 9-11% 50-500
Bạch cầu hạt ưa base (Basophil) 0,5-1% 10-50
Bạch cầu mono (Monocyte) 2-2,5% 1000-4000
Bạch cầu lympho (Lymphocyte) 20-25% 100-1000
Công thức bạch cầu phổ thông giúp định hướng nguyên nhân gây bệnh.
Ví dụ:
- Bạch cầu hạt trung tính: tăng trong nhiễm trùng cấp như viêm ruột
thừa, viêm phổi; giảm trong nhiễm độc kim loại nặng như Pb, As, suy tủy,
nhiễm siêu vi (quai bị, cúm, sởi…).
- Bạch cầu hạt ưa acid: tăng trong dị ứng, bệnh ký sinh trùng, các bệnh
ngoài da…; giảm trong kích động, chấn thương tâm lý, dùng thuốc ACTH,
cortisol…
- Bạch cầu hạt ưa base: tăng trong bệnh bạch cầu dòng tủy; giảm trong
dị ứng cấp, dùng thuốc ACTH.
- Bạch cầu mono: tăng trong bễnh nhiễm khuẩn mạn tính như lao.
- Bạch cầu lympho: tăng trong ung thư máu, nhiễm khuẩn máu, ho gà,
sởi, lao…; giảm trong thương hàn nặng, sốt phát ban…
2.3.2. Công thức Arneth
Arneth nghiên cứu bạch cầu hạt trung tính nhận thấy bạch cầu càng già
nhân càng chia nhiều múi. Vì vậy công thức này giúp thăm dò tốc độ sinh sản
và phá hủy của bạch cầu.
Công thức Arneth của người Việt Nam trưởng thành bình thường là:
Nhân có 1 múi: 2 – 4,5%
Nhân có 2 múi: 21 – 29%
Nhân có 3 múi: 36 – 42%
Nhân có 4 múi: 21 – 26%
Nhân có 5 múi: 3 – 10%
Giá trị lâm sàng:

20
Nếu có ít bạch cầu chia múi: bệnh bạch cầu cấp.
Nếu bạch cầu 2 múi tăng nhiều: nhiễm trùng.
Nếu bạch cầu 3 múi nhiều: bình thường.
Nếu bạch cầu 5 múi tăng: thiếu máu ác tính.
2.4. Các đặc tính của bạch cầu
2.4.1. Tính xuyên mạch
Bạch cầu có thể chui qua khe hở giữa các tế bào nội mô của mao mạch
để vào các tổ chức quanh mao mạch, mặc dù những lỗ đó có kích thước nhỏ
hơn bạch cầu nhiều lần. Riêng các bạch cầu mono sau khi xuyên mạch sẽ hợp
bào lại thành đại thực bào.
2.4.2. Tính chuyển động bằng chân giả
Mỗi khi có kích thích tại một nơi nào đó trong cơ thể, bạch cầu chuyển
động bằng cách thò tua bào tương, gọi là chân giả, di chuyển đến tập trung tại
địa điểm bị kích thích. Bạch cầu có thể chuyển động với vận tốc trên
40m/phút.
2.4.3. Tính hóa ứng động
Một số chất khác nhau do mô tiết ra, có khả năng hấp dẫn bạch cầu di
chuyển gọi là tính hóa ứng động (chemotaxis). Hóa ứng động có thể dương
tính khi hấp dẫn bạch cầu di chuyển tới gần, hay âm tính khi điều khiển bạch
cầu tránh xa. Những sản phẩm huỷ hoại trong mô viêm hoặc độc tố của vi
khuẩn thường là những chất gây hóa ứng động dương.

21
Hình 4.5. Sự xuyên mạch và hóa ứng động dương của bạch cầu
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology, 11th ed.,
W.B.Saunders Co, Philadelphia).
2.3.4. Tính nhận biết và loại bỏ vật lạ
Các bạch cầu có nhiệm vụ quan trọng là tham gia đáp ứng miễn dịch
bảo vệ cơ thể, do đó chúng có đặc tính nhận biết vào loại bỏ các vật lạ bằng
nhiều cách khác nhau.
* Thực bào:
Không phải bạch cầu nào cũng có khả năng thực bào. Khả năng thực
bào lớn nhất thuộc về đại thực bào, tiếp theo là bạch cầu hạt trung tính (tiểu
thực bào), bạch cầu hạt ưa acid cũng có khả năng thực bào nhưng yếu hơn.
Quá trình thực bào gồm các giai đoạn:
- Bắt giữ vật lạ: những nơi viêm là nơi tập trung nhiều bạch cầu, tại nơi
đó bạch cầu thò chân giả bắt giữ các vi khuẩn, mảnh tế bào chết và cả các hạt
bụi bằng cơ chế nhập bào. Khả năng bắt giữ vật lạ của bạch cầu sẽ tăng lên
khi vật lạ có bề mặt thô nhám, gồ ghề, tích điện trái dấu hoặc bị opsonin hóa.
Opsonin hóa là hiện tượng vật lạ được bao bằng bổ thể và kháng thể, khi đó
khả năng thực bào có thể tăng lên gấp hàng trăm lần.

22
- Tiêu diệt vi khuẩn: bạch cầu bắt giữ vật lạ trong các túi thực bào.
Trước khi tiêu hóa vật lạ, các tác nhân oxy hóa mạnh như hydrogen peroxid
(H2O2), superoxid (O2-), hydroxyl có trong bạch cầu sẽ thấm vào túi thực bào
và giết chết vi khuẩn bằng cách oxy hóa những chất hữu cơ của vi khuẩn.
- Tiêu hóa vật lạ: túi thực bào sẽ hòa màng với lysosom thành túi tiêu
hóa, các enzym thủy phân trong lysosom sẽ phân cắt vật lạ thành những chất
nhỏ. Các chất dinh dưỡng được đưa vào bào tương tế bào, các chất cặn bã
được đào thải bằng cơ chế xuất bào. Tuy nhiên, khả năng tiêu hóa còn phụ
thuộc vào việc vật lạ có cấu trúc phù hợp với hệ enzym của bạch cầu hay
không, nói cách khác không phải tất cả các vật lạ được bắt giữ đều bị tiêu hóa.
* Phản ứng kháng nguyên-kháng thể:
Hoạt động của bạch cầu lympho, bạch cầu hạt ưa kiềm là những ví dụ
điển hình của đặc tính tham gia phản ứng kháng nguyên-kháng thể. Phản ứng
này nhằm chống lại các vật lạ với nhiều hình thức khác nhau thông qua các
sản phẩm của bạch cầu.
3. CHỨC NĂNG CỦA BẠCH CẦU
3.1. Chức năng của bạch cầu hạt trung tính
Chức năng chính của bạch cầu hạt trung tính là tham gia đáp ứng miễn
dịch tự nhiên (miễn dịch không đặc hiệu) bằng hoạt động thực bào góp phần
tạo phản ứng viêm cấp.
Từ những giờ đầu của phản ứng viêm, khi các tác nhân như vi khuẩn
gây tổn thương và hủy hoại tổ chức mô sẽ dẫn đến tình trạng ứ trệ tuần tuần
hoàn tại chỗ, tạo điều kiện cho các bạch cầu hạt trung tính xuyên mạch và tập
trung đến vùng bị tổn thương bằng cử động amip. Trong 6-12 giờ đầu, bạch
cầu hạt trung tính giữ vai trò chính để chống đỡ với tác nhân gây bệnh bằng
cách thực bào chúng.
Bạch cầu hạt trung tính vận động và thực bào rất tích cực nhưng không
chọn lọc (không đặc hiệu). Chúng có thể tiêu hóa nhiều loại vi khuẩn, mô tổn
thương và các sản phẩm của mô tổn thương, các sợi fibrin của cục máu đông.
Sau khi thực bào chúng sẽ bị nhiễm độc và chết dần. Mỗi bạch cầu hạt trung
tính có thể thực bào tối đa khoảng 5-20 vi khuẩn.
3.2. Chức năng của bạch cầu hạt ưa acid
- Thực bào: bạch cầu hạt ưa acid thực bào yếu hơn so với bạch cầu hạt
trung tính. Chúng thường được hấp dẫn theo hóa ứng động dương đến những

23
nơi đã xảy ra phản ứng kháng nguyên - kháng thể để thực bào và tiêu hóa các
phức hợp kháng nguyên – kháng thể sau khi quá trình miễn dịch đã hoàn
thành.
- Khử độc các protein lạ trước khi chúng có thể gây hại cho cơ thể:
bạch cầu ưa acid thường tập trung ở niêm mạc đường tiêu hóa và hô hấp nơi
mà các protein lạ thường xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, bạch cầu hạt ưa acid
cũng tăng trong phản ứng dị ứng vì phản ứng dị ứng có các protein lạ.
- Chống ký sinh trùng: bạch cầu hạt ưa acid gắn vào ký sinh trùng, giải
phóng ra những chất diệt ký sinh trùng như men thủy phân, polypeptid để giết
ấu trùng của ký sinh trùng.
- Làm tan cục máu đông: bạch cầu hạt ưa acid di chuyển đến cục máu
đông, tại đó chúng giải phóng ra chất plasminogen, chất này được hoạt hóa
thành plasmin, làm tiêu các sợi fibrin dẫn đến tan cục máu đông.
3.3. Chức năng của bạch cầu hạt ưa base
Bạch cầu hạt ưa base hiếm gặp trong máu và có cấu trúc rất giống các
dưỡng bào cư trú trong các mô liên kết ngoài mạch máu. Bạch cầu hạt ưa base
và dưỡng bào không có khả năng vận động và thực bào, nhưng chúng có
những chức năng sau:
- Giải phóng heparin vào máu để ngăn ngừa quá trình đông máu trong
lòng mạch.
- Giải phóng histamin và một lượng nhỏ bradykinin, serotonin tham gia
vào các phản ứng dị ứng: globulin miễn dịch gây ra phản ứng dị ứng là IgE có
khuynh hướng gắn trên màng của bạch cầu hạt ưa base và dưỡng bào. Khi có
một kháng nguyên đặc hiệu phản ứng với kháng thể IgE sẽ làm bạch cầu hạt
ưa base và dưỡng bào vỡ ra và giải phóng histamin, bradykinin gây giãn
mạch, tăng tính thấm thành mạch.
3.4. Chức năng của bạch cầu mono-đại thực bào
Sau khi được sinh ra ở tủy xương, bạch cầu mono đi vào máu bằng
hình thức xuyên mạch. Trong máu, bạch cầu mono là những tế bào có kích
thước lớn nhất và chưa trưởng thành nên chúng không có khả năng tấn công
và phá hủy các tác nhân gây bệnh. Bạch cầu mono chỉ tồn tại trong máu
khoảng vài giờ rồi đi vào các mô. Ở mô, nhiều bạch cầu mono nhanh chóng
hợp bào lại thành đại thực bào: tế bào phồng to lên, kích thước có thể tăng
gấp 5 lần, đa nhân, trong bào tương chứa một lượng lớn lysosom, ty lạp thể

24
làm cho bào tương trông giống một cái túi chứa đầy hạt, tế bào thời kỳ này
được gọi là đại thực bào (macrophage) là dạng trưởng thành của mono bào.
Các đại thực bào này sẽ gắn với mô gọi là đại thực bào cố định với những tên
gọi khác nhau như tế bào Kupffer (đại thực bào ở gan), tế bào bụi (đại thực
bào phế nang), hủy cốt bào (đại thực bào ở xương)… Chúng ở lại mô hàng
tháng hoặc hàng năm, cho đến khi có các kích thích thích hợp chúng sẽ tách
khỏi mô để trở thành đại thực bào lưu động, đi đến vùng viêm nhiễm theo cơ
chế hóa ứng động. Chức năng của đại thực bào là tham gia đáp ứng miễn dịch
không đặc hiệu:
- Thực bào: cũng giống như bạch cầu hạt trung tính, đại thực bào có
khả năng thực bào không chọn lọc các tác nhân gây bệnh, hạt bụi, mô tổn
thương và các sản phẩm của mô tổn thương trong phản ứng viêm không đặc
hiệu… Tuy nhiên khả năng thực bào của đại thực bào có những điểm khác
bạch cầu hạt trung tính:
+ Khả năng thực bào lớn hơn rất nhiều so với bạch cầu hạt trung tính.
Đại thực bào có khả năng thực bào khoảng 100 vi khuẩn và kích thước của
những vật bị thực bào cũng lớn hơn rất nhiều như hồng cầu già, bạch cầu hạt
trung tính bị chết, ký sinh trùng sốt rét, các mô hoại tử…
+ Trong vài phút đầu của phản ứng viêm, đại thực bào ở mô đã tấn
công vi khuẩn nhưng số lượng đại thực bào lúc này còn ít. Cùng lúc đó, một
lượng lớn mono bào từ máu vào mô và biến đổi nhanh chóng thành đại thực
bào xâm nhập vào vùng tổn thương. Như vậy, giai đoạn sau của hiện tượng
viêm, từ giờ thứ 10-12, các bạch cầu hạt trung tính không còn hiệu quả thực
bào như các đại thực bào nữa. Đại thực bào cũng đóng vai trò quan trọng
trong những bệnh nhiễm khuẩn mạn tính.
- Khuếch đại phản ứng viêm không đặc hiệu: dưới sự kích thích của các
yếu tố gây viêm, đại thực bào sẽ phóng thích một loạt các cytokin như
interleukin-1 (IL-1), yếu tố hoại tử khối u α (Tumor Necrosis Factor α: TNF
α), IL-6, IL-8, IL-12. Các yếu tố này có tác dụng khuếch đại phản ứng viêm
tại chỗ và toàn thân.
- Trình diện kháng nguyên: thực bào là một phần của đáp ứng miễn
dịch không đặc hiệu nhưng đồng thời nó cũng là bước khởi đầu cho đáp ứng
miễn dịch đặc hiệu mà trong đó đại thực bào đóng vai trò quan trọng. Sau khi
bắt giữ và tiêu hóa tác nhân xâm nhập, đại thực bào sẽ xử lý và trình diện

25
kháng nguyên của tác nhân đó, nói cách khác là nhận diện và truyền các thông
tin về kháng nguyên cho các bạch cầu lympho B và T cư trú tại các hạch bạch
huyết gần khu vực kháng nguyên xâm nhập. Quá trình trình diện kháng
nguyên rất phức tạp, được thực hiện nhờ phức hợp hòa hợp mô lớp II (major
histocompatibility complex class II: MHC II). MCH II của đại thực bào sẽ
gắn với kháng nguyên lạ và đưa nó ra bề mặt đại thực bào để giới thiệu với
các bạch cầu lympho.
3.5. Chức năng của bạch cầu lympho
Bạch cầu lympho là những tế bào tham gia đáp ứng miễn dịch đặc hiệu
với hai loại: lympho B - đáp ứng miễn dịch dịch thể và lympho T - đáp ứng
miễn dịch qua trung gian tế bào.
3.5.1. Chức năng của bạch cầu lympho B
- Quá trình biệt hóa: khi đại thực bào giới thiệu các sản phẩm kháng
nguyên cho các lympho B ở gần, những lympho B mẫn cảm đặc hiệu với các
kháng nguyên này sẽ tăng sinh và chuyển dạng thành nguyên bào lympho.
+ Một số nguyên bào lympho biệt hóa thành nguyên tương bào
(plasmoblast). Nguyên tương bào phân chia rất nhanh và biệt hóa thành tương
bào là những tế bào sản xuất ra kháng thể globulin với tốc độ rất nhanh (2000
phân tử/giây). Kháng thể được bài tiết vào bạch huyết rồi vào máu.
+ Một số nguyên bào lympho phân chia và biệt hóa thành các lympho
mới, đó là các tế bào nhớ, các tế bào này khu trú trong tổ chức bạch huyết ở
dạng không hoạt động cho đến khi chúng bị kích thích bởi lần xâm nhập thứ
hai cùng một kháng nguyên. Khi đó, kháng thể được sản xuất ra nhanh hơn và
mạnh hơn rất nhiều so với lần đầu.
- Đáp ứng miễn dịch dịch thể: các kháng thể được sản xuất ra, vào máu
đến nơi có các kháng nguyên, nó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công các
tác nhân lạ:
+ Tác dụng trực tiếp: kháng thể có thể làm bất hoạt tác nhân xâm nhập
bằng các hình thức: ngưng kết, kết tủa, trung hòa, làm tan kháng nguyên. Tuy
nhiên, tác dụng trực tiếp này không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể.
+ Tác dụng gián tiếp: tác dụng này đóng vai trò chủ yếu trong bảo vệ
cơ thể và được thực hiện thông qua việc hoạt hóa bổ thể. Khi kháng thể gắn
với kháng nguyên đặc hiệu, vị trí hoạt động trên phân tử kháng thể được hoạt
hóa. Phần hoạt hoá này sẽ gắn với phân tử C1 của hệ thống bổ thể gây ra một

26
chuỗi phản ứng bổ thể theo kiểu dây chuyền. Các sản phẩm hoạt hoá của hệ
thống bổ thể có nhiều tác dụng quan trọng để tiêu diệt tác nhân xâm nhập
như: hoạt hoá khả năng thực bào của bạch cầu hạt trung tính và đại thực bào,
làm vỡ màng của vi khuẩn hoặc tác nhân lạ, làm ngưng kết, trung hòa virus,
hoạt hoá dưỡng bào và bạch cầu hạt ưa kiềm gây phản ứng viêm.
3.5.2. Chức năng của bạch cầu lympho T
- Quá trình biệt hóa: khi đại thực bào giới thiệu các sản phẩm kháng
nguyên cho các lympho T ở gần, những lympho T mẫn cảm đặc hiệu với các
kháng nguyên này sẽ tăng sinh và chuyển dạng thành lympho cảm ứng.
+ Một số lympho T cảm ứng được hoạt hóa tạo ra 3 loại lympho T
chính là: T giúp đỡ (Th: helper) kích thích sự phát triển và sinh sản của các
lympho T độc, T ức chế, lympho B, kích thích hoạt động của bạch cầu hạt
trung tính và đại thực bào; T độc (Tc: cytotoxic) trực tiếp tiêu diệt các tế bào
bị nhiễm bệnh và khuếch đại khả năng thực bào của đại thực bào; T ức chế
(Ts: suppressor) có tác dụng ức chế lympho Tc và Th làm cho đáp ứng miễn
dịch không phát triển quá mức.
+ Một số tế bào lympho T cảm ứng phân chia và biệt hóa thành các tế
bào nhớ. Khi kháng nguyên này xâm nhập lần hai, nhờ các tế bào nhớ này mà
sự giải phóng các lympho cảm ứng nhanh hơn và nhiều hơn.
- Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào: tại tổ chức, lympho T cảm
ứng sẽ tiêu diệt kháng nguyên trực tiếp hoặc gián tiếp như sau:
+ Tác dụng trực tiếp: khi lympho cảm ứng loại Tc kết hợp với kháng
nguyên nằm trên màng tế bào nhiễm bệnh, nó sẽ phồng to lên và giải phóng ra
những men thủy phân của lysosom để tiêu diệt tế bào bệnh.
+ Tác dụng gián tiếp: khi lympho cảm ứng loại Th và Tc kết hợp với
các kháng nguyên đặc hiệu trên màng tế bào trình diện kháng nguyên, nó sẽ
giải phóng một số lymphokin vào các mô xung quanh. Các lymphokin này sẽ
khuếch đại tác dụng phá hủy kháng nguyên của lympho T lên nhiều lần (yếu
tố chuyển dạng lympho bào: TF), hấp dẫn đại thực bào đến gần (yếu tố hấp
dẫn đại thực bào) và ngăn cản sự di tản của các đại thực bào đang ở gần tế
bào lympho cảm ứng (yếu tố ức chế di tản bạch cầu: M.I.F). Các lympho T
cảm ứng còn khuếch đại tác dụng thực bào của bạch cầu hạt trung tính và đại
thực bào, hỗ trợ lympho B trong quá trình sản xuất ra kháng thể.

27
Hình 4.6. Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology, 11th ed.,
W.B.Saunders Co, Philadelphia).
4. HỆ THỐNG MIỄN DỊCH
Miễn dịch là khả năng nhận diện và loại bỏ các vật lạ. Hệ thống miễn
dịch được chia thành hai loại: miễn dịch không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên)
và miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu được).
4.1. Hệ thống miễn dịch không đặc hiệu
Miễn dịch tự nhiên là khả năng tự bảo vệ sẵn có, xuất hiện ngay từ lúc
mới sinh ra và không đòi hỏi phải có sự tiếp xúc trước với các kháng nguyên
của vật lạ. Hệ thống miễn dịch tự nhiên bao gồm:
- Hàng rào vật lý: da, niêm mạc ngăn cách nội môi và ngoại môi.
- Hàng rào hóa học:
+ Trên da và niêm mạc: acid lactic, acid béo của da; lysozym của dịch
tiết niêm mạc ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn.
+ Trong cơ thể là huyết thanh có chứa: lysozym, protein phản ứng C (C
reactive protein), bổ thể, interferon… Bổ thể với bản chất là protein, là một hệ
thống gồm nhiều thành phần, được hoạt hóa theo một trình tự nhất định. Khi
được hoạt hóa, bổ thể sẽ được cắt thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần sẽ
có vai trò riêng, ví dụ C3a, C5a có tác dụng hóa ứng động bạch cầu, gây giãn
mạch, giải phóng các hóa chất trung gian từ bạch cầu hạt ưa base. Interferon

28
cũng có bản chất là protein được sản xuất bởi nhiều loại tế bào, có vai trò
chống sự lây lan của virus ở các tế bào cùng loại một cách không đặc hiệu.
Khi virus xâm nhập vào tế bào, tế bào bị nhiễm virus sẽ sản sinh ra interferon
thấm vào các tế bào xung quanh, giúp chúng không bị virus xâm nhập tiếp.
- Hàng rào tế bào: các tế bào có khả năng thực bào mà quan trọng nhất
là bạch cầu hạt trung tính và mono - đại thực bào được di chuyển từ máu ra
mô, đây là hàng rào quan trọng và phức tạp nhất. Hoạt động của hàng rào này
sẽ tạo ra phản ứng viêm không đặc hiệu. Ngoài ra, hàng rào tế bào còn có sự
tham gia của tế bào diệt tự nhiên (NK: natural killer), một biến thể của bạch
cầu lympho hiện diện ở lách, hạch, tuỷ đỏ và máu, chúng thường tấn công và
tiêu diệt không đặc hiệu các tế bào khối u tiên phát và tế bào chứa virus bằng
chất tiết perforin của chúng.
- Hàng rào thể chất: đặc điểm về hình thái và chức năng sẽ quyết định
tính phản ứng của từng cơ thể đối với các yếu tố xâm nhập khác nhau.
4.2. Hệ thống miễn dịch đặc hiệu
Miễn dịch đặc hiệu là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã được
tiếp xúc với kháng nguyên, bao gồm: miễn dịch dịch thể với vai trò của
lympho B và miễn dịch qua trung gian tế bào với vai trò của lympho T. Trong
đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, cơ thể có nhiều cách tương tác với kháng nguyên
khác nhau thông qua phản ứng viêm đặc hiệu để đạt mục đích cuối cùng là vô
hiệu hóa kháng nguyên và loại kháng nguyên ra khỏi cơ thể.

29
SINH LÝ TIỂU CẦU VÀ CẦM MÁU

Mục tiêu:
1. Mô tả được quá trình sản sinh, phân bố, hình dạng và cấu trúc của tiểu cầu.
2. Xác định được số lượng tiều cầu ở người Việt Nam bình thường.
3. Trình bày được các đặc tính và chức năng của tiểu cầu.
4. Phân tích được cơ chế cầm máu.

1. QUÁ TRÌNH SẢN SINH TIỂU CẦU


Tiểu cầu được được hình thành từ sự vỡ ra của bào tương các mẫu tiểu
cầu theo cơ chế nội phân bào. Một mẫu tiểu cầu có thể sinh ra khoảng 6000
tiểu cầu. Mẫu tiểu cầu có nguồn gốc từ tế bào dòng tủy hình thành từ tế bào
máu gốc đa năng trong tủy xương.
Sự sinh trưởng của tiểu cầu được kiểm soát chủ yếu bởi một yếu tố thể
dịch là thrombopoietin. Thrombopoietin có nguồn gốc từ gan và thận, bản
chất là glycoprotein. Thrombopoietin có hai tác dụng quan trọng:
+ Kích thích tăng sinh số lượng các mẫu tiểu cầu.
+ Kích thích tăng tốc độ trưởng thành bào tương của mẫu tiểu cầu và tốc
độ giải phóng tiểu cầu.
2. ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA TIỂU CẦU
2.1. Hình dạng và cấu trúc tiểu cầu
Tiểu cầu là các mảnh tế bào nhỏ do đó hình dáng không nhất định
(tròn, sao, que, bầu dục…), không nhân, đường kính từ 2-4m và thể tích
khoảng 5,8fL.
Dưới kính hiển vi điện tử, tiểu cầu có một siêu cấu trúc phức tạp gồm 4
vùng:
- Vùng ngoại vi: chính là màng tế bào có nhiều tính chất quan trọng:
+ Lớp áo glycocalyx của màng tiểu cầu hấp thu nhiều ion hóa trị 2 và
một số yếu tố đông máu nên được gọi là lớp khí quyển bao quanh tiểu cầu.
Lớp khí quyển này đóng vai trò quan trọng trong cầm máu.
+ Các glycoprotein (GP) trên màng tiểu cầu cũng thực hiện nhiều chức
năng quan trọng mà đặc biệt là GPIb/IX và GPIIb/IIIa.
- Vùng sol-gel dưới màng: nằm ngay bên dưới màng tiểu cầu gồm hệ
thống các vi sợi, vi ống. Vùng này tạo nên bộ khung nâng đỡ duy trì hình

30
dạng của tiểu cầu, đồng thời tham gia vào hiện tượng co thắt tạo chân giả khi
tiểu cầu bị kích thích.
- Vùng tiểu thể (vùng bào quan): gồm các hạt có đường kính từ 0,2-
0,3m.
+ Các hạt đậm: chứa các chất hoạt hóa tiểu cầu Ca2+, ADP, ATP và
serotonin.
+ Các hạt alpha type I (20–200/tiểu cầu): chứa các protein đặc biệt của
tiểu cầu như yếu tố IV tiểu cầu, các glycoprotein kết dính, các chất ức chế sự
phân hủy fibrin …
+ Các hạt alpha type II (2-10/tiểu cầu): chứa các enzym lysosom như
N-acetylglucominidase, N-glucuronidase và N-galactosidase.
- Hệ thống liên kết màng:
+ Hệ thống ống dẫn đậm đặc: là lưới nội bào tương đóng vai trò dự trữ
Ca2+, đồng thời là nơi tổng hợp cyclo-oxygenase và prostaglandin của tiểu
cầu.
+ Hệ thống ống dẫn bề mặt: là những chỗ lõm vào trong của màng bào
tương tế bào làm tăng diện tích tiếp xúc của tiểu cầu và làm cho tiểu cầu có
tính chất xốp. Hệ thống này có vai trò trong việc thu nhận các chất trong
huyết tương và giải phóng các chất chứa trong các hạt.
2.2. Số lượng và đời sống tiểu cầu
Sau khi rời khỏi tủy xương, khoảng 1/3 số lượng tiểu cầu được lưu giữ
ở lách và 2/3 còn lại lưu hành trong máu ngoại vi.
Số lượng tiểu cầu bình thường trong máu ngoại vi là khoảng 150.000-
400.000/mm3 máu. Đời sống tiểu cầu trong tuần hoàn kéo dài từ 8-12 ngày.
Bình thường mỗi ngày có khoảng 75.000 tiểu cầu mới được tạo ra, như vậy
các tiểu cầu trong máu sẽ được đổi mới hoàn toàn trong vòng 4 ngày. Tiểu
cầu già bị phá hủy trong các tổ chức liên võng, chủ yếu trong lách, ít hơn
trong gan và tủy xương.
2.3. Các đặc tính của tiểu cầu
- Khả năng hấp phụ và vận chuyển các chất: là khả năng tiểu cầu hấp
phụ các chất trong huyết tương để tạo ra một lớp khí quyển bao xung quanh.
Nhờ khả năng này các chất thiết yếu cho quá trình cầm máu nói chung và
đông máu nói riêng được vận chuyển đến những nơi cần thiết.
- Khả năng kết dính: là khả năng tiểu cầu kết dính vào lớp dưới nội mạc

31
mạch máu đặc biệt là các sợi collagen. Bình thường sự kết dính không xảy ra
do lớp nội mạc mạch máu che phủ lớp dưới nội mạc.
- Khả năng ngưng tập: là khả năng các tiểu cầu gắn kết lẫn nhau tạo nên
nút chặn tiểu cầu. Bình thường các tiểu cầu được giữ để không ngưng tập
trong máu nhờ năng lượng từ ATP. Hiện tượng ngưng tập có thể xảy ra khi
xuất hiện nhiều ADP ngoại lai hoặc thromboxan A2.
- Khả năng thay đổi hình dạng và phóng thích các chất: là khả năng tiểu
cầu thay đổi hình dạng và bài xuất ra các chất sau khi được hoạt hóa.
3. CHỨC NĂNG CỦA TIỂU CẦU
- Tham gia vào quá trình cầm máu: tiểu cầu không chỉ trực tiếp tham
gia vào quá trình cầm máu ban đầu mà còn tham gia vào quá trình đông máu.
- Bảo vệ nội mô: tiểu cầu có khả năng làm non hoá các tế bào nội mạc
và củng cố màng tế bào nội mạc qua vai trò của yếu tố tăng trưởng tế bào nội
mạc có nguồn gốc từ tiểu cầu.
- Ngoài ra, tiểu cầu còn trung hòa hoạt động chống đông của heparin,
tổng hợp một số loại protein và lipid, tham gia đáp ứng viêm...
4. CẦM MÁU
Cầm máu là một quá trình gồm nhiều phản ứng sinh học có ý nghĩa tự
vệ nhằm hạn chế hoặc ngăn cản máu chảy ra ngoài khi thành mạch bị tổn
thương.
4.1. Các giai đoạn cầm máu
Có 4 cơ chế tham gia vào quá trình cầm máu hay còn gọi là 4 giai đoạn:
co mạch, tạo nút chặn tiểu cầu, đông máu huyết tương và tiêu sợi huyết.
Trong đó, co mạch và hình thành nút tiểu cầu được gọi là cầm máu ban đầu.
4.1.1. Co thành mạch
Ngay sau khi mạch máu bị tổn thương, thành mạch sẽ co thắt lại làm
giảm lượng máu bị mất qua chỗ tổn thương. Cơ chế của sự co thắt này là do
co cơ trơn lớp áo giữa mạch máu. Sự co thắt sẽ kéo dài và mạnh ở các động
mạch, tĩnh mạch lớn. Điều kiện để co mạch tốt là thành mạch phải vững chắc
và có khả năng đàn hồi tốt, khi thiếu một trong hai điều kiện này sẽ gây chảy
máu bất thường trên lâm sàng. Nguyên nhân của co thành mạch là do phản xạ
thần kinh đau tại chỗ tổn thương, ngoài ra còn do tiểu cầu bài tiết ra serotonin,
adrenalin và thromboxan A2.
4.1.2. Nút chặn tiểu cầu

32
Nút chặn tiểu cầu được thành lập để bịt kín chỗ tổn thương trên thành
mạch. Quá trình này diễn ra qua 4 hiện tượng:
- Hiện tượng kết dính tiểu cầu: khi mạch máu bị tổn thương bộc lộ lớp
dưới nội mạc, tiểu cầu kết dính vào các cấu trúc dưới nội mạc qua protein kết
dính Von-Willebrand đã được hấp thụ trên các sợi collagen và GPIb/IX trên
màng tiểu cầu.
- Hiện tượng hoạt hóa tiểu cầu: hiện tượng kết dính làm cho tiểu cầu
được hoạt hóa và phóng xuất các chất trong tiểu cầu như ADP, thromboxan
A2 và serotonin. Các phân tử này sẽ khuếch đại sự hoạt hóa.
- Hiện tượng ngưng tập tiểu cầu: khi được hoạt hóa tiểu cầu sẽ bộc lộ
phức hệ GPIIb/IIIa, phức hệ này sẽ gắn kết với fibrinogen. Nhờ có cấu trúc
như một phân tử kép nên fibrinogen trở thành cầu nối giữa hai tiểu cầu.
- Hiện tượng co cục máu: cục tiểu cầu lúc đầu mong manh, dễ bị dòng
máu chảy cuốn trôi, sau đó sẽ trở nên chắc chắn nhờ hiện tượng co cục máu
thông qua hoạt động của hệ thống vi ống vùng sol-gel của tiểu cầu.

Hình 4.7. Hiện tượng kết dính và ngưng tập tiểu cầu
Trong một số trường hợp bệnh lý, nút chặn tiểu cầu sẽ tạo thành huyết
khối tiểu cầu hay cục máu trắng làm nghẽn tắc mạch máu.
4.1.3. Đông máu huyết tương
Nút chặn tiểu cầu chỉ đảm bảo cầm máu tạm thời ở những mạch máu
nhỏ. Để cầm máu ở những mạch máu lớn bị tổn thương cần phải có sự hình

33
thành cục máu đông (huyết khối hồng cầu hay cục máu đỏ). Trên cơ sở nút
chặn tiểu cầu, quá trình đông máu sẽ được khởi phát nhờ các yếu tố đông máu
của huyết tương và một số yếu tố của tiểu cầu, của mô giải phóng ra.
4.1.3.1. Các yếu tố đông máu và chống đông
- Các yếu tố đông máu:
Yếu tố I: fibrinogen
Yếu tố II: prothrombin
Yếu tố III: thromboplastin hay yếu tố tổ chức (TF)
Yếu tố IV: Ca2+
Yếu tố V: proaccelerin
Yếu tố VII: proconvertin
Yếu tố VIII: yếu tố chống hemophilia A
Yếu tố IX: yếu tố chống hemophilia B
Yếu tố X: yếu tố Stuart
Yếu tố XI: yếu tố Rosenthal
Yếu tố XII: yếu tố Hageman
Yếu tố XIII: yếu tố ổn định fibrin
Yếu tố Fletcher: prekallikrein
Yếu tố Fitzgerald: kininogen trọng lượng phân tử cao (HMWK)
Các yếu tố đông máu có thể được chia thành các nhóm sau:
+ Nhóm các yếu tố tiếp xúc hay đụng chạm: gồm các yếu tố XI, XII,
prekallikrein, kininogen tham gia vào giai đoạn đầu đông máu nội sinh (giai
đoạn tiếp xúc). Chúng có đặc tính không phụ thuộc vào vitamin K khi tổng
hợp, không phụ thuộc vào Ca2+ trong quá trình hoạt hóa, ổn định tốt trong
huyết tương lưu trữ và là những yếu tố bền vững.
+ Nhóm prothrombin: gồm các yếu tố II, VII, IX, X. Chúng có đặc tính
phụ thuộc vào vitamin K khi tổng hợp, cần có Ca2+ trong quá trình hoạt hóa,
ổn định trong huyết tương lưu trữ và không bị tiêu thụ trong quá trình đông
máu trừ yếu tố II (có mặt trong huyết thanh).
+ Nhóm fibrinogen: gồm các yếu tố I, V, VIII, XIII. Chúng có đặc tính
tác dụng qua lại với thrombin, bị tiêu thụ trong quá trình đông máu (không có
mặt trong huyết thanh), yếu tố V và VIII mất hoạt tính trong huyết tương lưu
trữ.
+ Yếu tố tổ chức (III): đây là yếu tố duy nhất không phải của huyết

34
tương mà nằm trong mô (lớp dưới niêm mạc mạch máu) và cũng không có
hoạt tính men mà tác động như một đồng yếu tố trong hoạt hóa yếu tố VII, X.
+ Ca2+ (IV): đây là yếu tố ion, tạo thuận lợi cho các protein phụ thuộc
vitamin K kết hợp với phospholipid màng đồng thời cũng can thiệp vào các
phản ứng không liên quan đến các protein phụ thuộc vitamin K. Ca2+ cũng
cần thiết cho sự thể hiện hoạt tính men của yếu tố XIIIa, cho sự ổn định yếu tố
V và phức hệ yếu tố Von-Willebrand-yếu tố VIII.
- Các yếu tố chống đông máu: các yếu tố chống đông có vai trò chủ
yếu trong việc ngăn cản sự khởi phát đông máu không thích hợp cũng như
điều hòa giảm sinh thrombin ở vị trí tổn thương. Các yếu tố này bao gồm:
TFPI, antithrombin, heparin, protein C và protein S.
4.1.3.2. Các giai đoạn đông máu
Đông máu xảy ra qua 3 giai đoạn liên tiếp nhau.
* Giai đoạn 1: thành lập phức hợp men prothrombinase
Đây là giai đoạn phức tạp và kéo dài nhất trong dây chuyền phản ứng
gây đông máu. Prothrombinase được thành lập theo hai đường: nội sinh và
ngoại sinh.
- Đường ngoại sinh: khi mạch máu bị tổn thương, máu sẽ tiếp xúc với
nơi bị tổn thương. Mô tổn thương bộc lộ ra yếu tố III, là một yếu tố được tổng
hợp từ phospholipid của màng tế bào kết hợp với phức hợp lipoprotein có
chức năng như một enzym phân giải protein. Yếu tố III sẽ hoạt hóa yếu tố
VII. Yếu tố III cùng với yếu tố VII hoạt hóa, với sự có mặt của ion Ca2+ làm
hoạt hoá yếu tố X. Yếu tố X hoạt hoá cùng với phospholipid, ion Ca2+ và yếu
tố V hoạt hoá (được hoạt hóa bởi thrombin và hình thành từ rất sớm) tạo ra
phức hợp prothrombinase ngoại sinh.
- Đường nội sinh: được kích hoạt bằng nhóm các yếu tố đông máu tiếp
xúc (yếu tố XII, kininogen cao phân tử và prekallicrein), yếu tố XI. Yếu tố
Fitzerald tiếp xúc trực tiếp vào thành mạch, tiếp nhận thông tin về “tình trạng
bề mặt thành mạch”, nếu có sự “khác bình thường” thì kích hoạt yếu tố XII
tạo yếu tố XII hoạt hóa (XIIa). Yếu tố XIIa kích hoạt prekallicrein thành
kallicrein và chất này có khả năng kích hoạt ngược lại yếu tố XII (hiện tượng
tự khuếch đại). Yếu tố XIIa sẽ hoạt hóa yếu tố XI. Yếu tố XI hoạt hoá cùng
với Ca2+ hoạt hóa yếu tố IX. Yếu tố IX hoạt hóa cùng với yếu tố VIII hoạt hóa
(do thrombin hoạt hóa) và phospholipid của tiểu cầu, Ca2+ hoạt hoá yếu tố X.

35
Yếu tố X hoạt hóa cùng với yếu tố V hoạt hóa (bởi thrombin), Ca2+ và
phospholipid tiểu cầu tạo ra phức hợp men prothrombinase nội sinh.
* Giai đoạn 2: thành lập thrombin
Phức hợp men prothrombinase tạo thành sẽ xúc tác cho phản ứng
chuyển prothrombin thành thrombin. Phản ứng này xảy ra trong vài giây.
Thrombin đóng vai trò quan trọng trong các phản ứng của quá trình đông
máu:
- Thành lập fibrin: thrombin co vai trò chuyển fibrinogen thành fibrin,
đồng thời hoạt hóa yếu tố XIII để ổn định sợi huyết.
- Làm tăng tốc độ hình thành của bản thân (tự khuếch đại): thrombin
gây hoạt hóa yếu tố VIII dẫn đến gia tăng sự hình thành yếu tố Xa bằng cả hai
con đường nội sinh và ngoại sinh. Nó cũng hoạt hóa yếu tố V.
* Giai đoạn 3: thành lập fibrin
Thrombin thủy phân phân tử fibrinogen để tạo thành các monomer của
fibrin và các fibrinopeptid (A và B). Các monomer của fibrin tự trùng hợp tạo
thành phân tử fibrin S (fibrin hòa tan). Cuối cùng, yếu tố XIII hoạt hoá sẽ
polymer hóa các fibrin S thành fibrin I ổn định (fibrin không hòa tan) hay còn
gọi là sợi huyết. Các sợi huyết giam giữ hồng cầu bên trong tạo thành cục
máu đông.

36
Hình 4.8. Quá trình đông máu
Trong một số trường hợp bệnh lý, cục máu đông sẽ tạo thành huyết
khối hồng cầu hay cục máu đỏ làm nghẽn tắc mạch máu.
* Tiêu sợi huyết
Fibrin tạo ra có vai trò hạn chế máu chảy qua chỗ tổn thương, tuy nhiên
mạng fibrin cần được tháo dỡ “đúng lúc” để tái lập lưu thông trong lòng
mạch. Do đó cần có sự hiện diện của hệ tiêu sợi huyết, có tác dụng dọn sạch
các cục máu đông nhỏ ly ti trong lòng mạch máu, ngăn ngừa sự hình thành
huyết khối hồng cầu gây tắc mạch.
Hiện tượng tiêu sợi huyết làm cục máu đông tan dần do các sợi fibrin bị
phân ly dưới tác dụng của plasmin – một enzym tiêu protein rất mạnh, mà tiền
chất của nó là plasminogen. Plasminogen một protein lưu hành trong máu
gồm 810 acid amin chủ yếu do gan tổng hợp. Plasminogen được hoạt hóa
thành plasmin bởi các chất sau:
- Thrombin.
- Yếu tố XII hoạt hoá.
- Các enzym của lysosom từ các mô tổn thương.
- Những yếu tố hoạt hóa do tế bào nội mô thành mạch bài tiết.

37
- Men urokinase của tổ chức thận.
- Độc tố của vi khuẩn: streptokinase của liên cầu khuẩn.
4.2. Các xét nghiệm đánh giá cầm máu
- Các xét nghiệm đánh giá cầm máu ban đầu:
+ Thời gian máu chảy (TS).
+ Nghiệm pháp dây thắt (Lacet): đánh giá sức bền mao mạch.
+ Các xét nghiệm đánh giá số lượng và chất lượng tiểu cầu: đếm số
lượng tiểu cầu, phết máu ngoại vi, co cục máu, đo độ kết dính tiểu cầu, đo độ
ngưng tập tiểu cầu, các yếu tố tiểu cầu.
- Các xét nghiệm đánh giá đông máu:
+ Đông máu ngoại sinh: tỷ lệ phức hệ prothrombin, định lượng yếu tố
II, V, VII, X.
+ Đông máu nội sinh: thời gian phục hồi calci của huyết tương
(Howell), APTT (thời gian sinh thromboplastin hoạt hóa từng phần), định
lượng yếu tố VIII, IX, XI và các yếu tố tiếp xúc.
+ Giai đoạn hình thành fibrin: định lượng fibrinogen, yếu tố XIII, thời
gian thrombin.
- Các xét nghiệm đánh giá tiêu sợi huyết, đông máu nội mạch rải rác,
tăng đông.

Câu hỏi lượng giá:


1. Trình bày sơ đồ tạo máu.
2. Trình bày cơ sở sinh lý học của việc chủng ngừa.
3. Tìm hiểu cơ chế của một số xét nghiệm cầm và đông máu.
4. Số lượng hồng cầu tăng trong a. HbA.
các trường hợp bệnh lý sau đây, b. HbF.
NGOẠI TRỪ: c. HbS.
a. Đa hồng cầu. d. HbE.
b. Xuất huyết. 6. Khi hồng cầu già, thành phần
c. Mất nước nhiều do tiêu chảy, sau đây sẽ thoái biến:
nôn ói. a. Globin.
d. Suy tim lâu dài. b. Heme.
5. Hemoglobin chủ yếu ở người c. Ion Fe2+
trưởng thành bình thường là loại: d. Acid amin.

38
7. Sản phẩm thoái biến của c. Huyết thanh mẫu.
hemoglobin là: d. Máu toàn phần.
a. Bilirubin. 11. Kháng thể hệ ABO là:
b. Acid glucuronic. a. Kháng thể IgG.
c. Transferrin. b. Kháng thể tự nhiên.
d. Glucuronyltransferase. c. Kháng thể miễn dịch.
8. Vitamin B12 được dự trữ trong: d. Kháng thể tự miễn.
a. Tủy xương. 12. Tiểu cầu trong cơ thể được
b. Tụy. phân bố:
c. Lách. a. 1/3 lưu hành ở máu ngoại vi và
d. Gan. 2/3 bị lưu giữ ở lách.
9. Nhóm máu được xác định dựa b. 2/3 lưu hành ở máu ngoại vi và
trên: 1/3 bị lưu giữ ở lách.
a. Sự hiện diện của kháng nguyên c. 2/3 lưu hành ở máu ngoại vi và
trong huyết tương. 1/3 bị lưu giữ ở gan.
b. Sự hiện diện của các kháng thể d. Toàn bộ lưu hành ở máu ngoại
trong huyết thanh. vi.
c. Thành phần protein trên màng 13. Các yếu tố đông máu tham gia
hồng cầu. vào con đường đông máu nội sinh:
d. Sự hiện diện hay vắng mặt của a. II, VII, IX, X.
các kháng thể trên màng hồng cầu. b. II, V, IX, X.
10. Để xác định nhóm máu bằng c. XII, XI, IX, VIII.
phương pháp định nhóm xuôi, d. II, III, IV, V.
người ta sử dụng:
a. Hồng cầu mẫu.
b. Huyết tương mẫu.

39
Chương 6
SINH LÝ HỆ TUẦN HOÀN

Hệ tuần hoàn bao gồm tim và các mạch máu có nhiệm vụ vận chuyển
và phân phối máu đến tất cả các phần của cơ thể. Hệ tuần hoàn gồm hai vòng
đại tuần hoàn và tiểu tuần hoàn. Vòng đại tuần hoàn mang máu giàu oxy và
các chất dinh dưỡng từ tim trái theo động mạch chủ đến các động mạch nhỏ
vào mao mạch để cung cấp cho các mô. Máu từ các mao mạch ở mô nhận khí
carbonic và các chất chuyển hóa tập trung về các tĩnh mạch lớn rồi đổ về tim
phải. Vòng tiểu tuần hoàn mang máu tĩnh mạch từ tim phải theo động mạch
phổi đến phổi nhận oxy và thải khí carbonic, chuyển thành máu động mạch,
rồi theo 4 tĩnh mạch phổi đổ về tim trái.

SINH LÝ TIM

Mục tiêu:
1. Phân tích được hoạt động điện của cơ tim.
2. Trình bày được các giai đoạn của chu chuyển tim.
3. Phân tích được các biểu hiện của chu chuyển tim.
4. Trình bày được các yếu tố điều hòa hoạt động tim.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA TIM


Tim có chức năng như một cái bơm, vừa đẩy vừa hút máu, trong 24 giờ
tim bóp khoảng 10.000 lần đẩy 7.000 lít máu. Tim là động lực chính của hệ
tuần hoàn với hai phần chuyên biệt nhưng lại làm việc cùng một lúc:
- Tim phải gồm nhĩ phải và thất phải: hút máu từ tĩnh mạch chủ trên và
chủ dưới về, đồng thời bơm máu vào động mạch phổi tạo ra vòng tiểu tuần
hoàn.
- Tim trái gồm nhĩ trái và thất trái: hút máu từ 4 tĩnh mạch phổi về,
đồng thời bơm máu vào động mạch chủ tạo ra vòng đại tuần hoàn.
1.1. Cơ tim
Tim là khối cơ rỗng, nặng khoảng 300g, được bao bọc bên ngoài bằng

40
bao sợi, gọi là bao tim. Toàn bộ tim được cấu tạo bằng cơ tim, bên trong là
nội tâm mạc, bên ngoài là ngoại tâm mạc. Nội tâm mạc có vách ngăn ở giữa,
chia thành tim phải và tim trái. Mỗi nửa tim chia thành 2 buồng tâm nhĩ và
tâm thất. Tâm nhĩ có thành cơ mỏng, áp suất trong nhĩ thấp, tâm nhĩ có chức
năng như là một bình chứa hơn là một bơm đẩy máu. Tâm thất có thành cơ
dày hơn tâm nhĩ, tâm thất phải có áp suất trung bình bằng 1/7 của tâm thất trái
nên thành mỏng hơn tâm thất trái. Cơ tim vừa có tính chất của một cơ vân,
vừa có tính chất của một cơ trơn nên co bóp rất khỏe.
1.2. Hệ thống van tim
Giữa tâm nhĩ và tâm thất có van 2 lá ở tim trái và van 3 lá ở tim phải
(van nhĩ thất). Giữa tâm thất và động mạch chủ và phổi có van tổ chim (van
động mạch). Do vậy, bảo đảm máu di chuyển một chiều từ nhĩ đến thất ra
động mạch.
1.3. Hệ thống tạo nhịp và dẫn truyền của tim
Tim có khả năng tự phát ra xung động và dẫn truyền xung động ra khắp
tim đảm bảo cho tim co bóp nhịp nhàng. Một số sợi cơ tim được biệt hóa cao
để thực hiện nhiệm vụ này gọi là hệ thống tạo nhịp và dẫn truyền của tim.
* Hệ thống tạo nhịp của tim: là các mô nút, tim người có hai mô nút.

Hình 5.1. Hệ thống dẫn truyền trong tim


- Nút xoang: còn gọi là nút Keith – Flack hay S-A (sinus-atrium), dài

41
khoảng 8mm, dày 2mm, nằm trong rãnh nơi tĩnh mạch chủ đổ vào nhĩ phải,
gồm 2 loại tế bào chính:
+ Tế bào tròn nhỏ, có ít bào quan bên trong tế bào và một ít sợi tơ cơ.
Chúng có thể là tế bào tạo nhịp.
+ Tế bào dài, có hình dạng trung gian giữa tế bào tròn nhỏ và tế bào cơ
nhĩ bình thường. Các tế bào này có thể có chức năng dẫn truyền xung động
trong mô nút và ra các vùng lân cận.
- Nút nhĩ thất: còn gọi là nút Aschoff – Tawara hay A-V (atrium-
ventricle), dài khoảng 22mm, rộng 10 mm, dày 3 mm, nằm ở phần sau, bên
phải của vách liên nhĩ, cạnh lỗ xoang tĩnh mạch vành. Nút nhĩ thất có chứa 2
loại tế bào tương tự nút xoang.
* Hệ dẫn truyền:
- Hệ thống dẫn truyền chính thức: xung động từ nút xoang sẽ truyền
qua cơ nhĩ đến nút nhĩ thất và tỏa ra cả hai tâm thất, bao gồm:
+ Nút xoang: phát và dẫn truyền xung động ra mô lân cận.
+ Các bó liên nút trước (Bachman), giữa (Wenckeback), sau (Thorel):
dẫn truyền xung động từ nút xoang ra toàn bộ cơ tâm nhĩ và tập trung lại tại
nút nhĩ thất.
+ Nút nhĩ thất: xung động ngừng lại khoảng 0,07 giây trước khi đi tiếp
xuống bó His.
+ Bó His: xung động theo bó His chạy dưới nội tâm mạc xuống phía
bên phải của vách liên thất khoảng 1cm, rồi chia thành hai nhánh phải và trái.
+ Nhánh phải và trái: nhánh phải tiếp tục đi xuống phía phải vách liên
thất rồi chia thành mạng Purkinje để đến nội tâm mạc thất phải. Còn nhánh
trái xuyên qua vách liên thất, chia ra một nhánh phía trước mỏng, nhỏ (phân
nhánh trái trước) và nhánh phía sau dày (phân nhánh trái sau), rồi cùng chia
thành mạng Purkinje để đến nội tâm mạc thất trái.
+ Mạng Purkinje: dẫn truyền xung động trong cơ thất từ nội tâm mạc ra
ngoại tâm mạc.
- Các đường dẫn truyền phụ bình thường không hoạt động:
+ Cầu Kent: bắc cầu trực tiếp từ phần dưới cơ tâm nhĩ xuống phần trên
cơ tâm thất như vậy có thể dẫn truyền tắt xung động không qua nút nhĩ thất.
+ Bó James: là đoạn cuối của bó Thorel đi vòng qua nút nhĩ thất rồi nối
vào phần cuối của nút này.

42
+ Bó Mahaim: nối tắt từ cơ tâm nhĩ, nút nhĩ thất hoặc bó His đến các
phần xa của mạng Purkinje hoặc cơ tâm thất.
Khi các đường dẫn truyền phụ này hoạt động sẽ làm xung động đi từ
nhĩ xuống thất nhanh hơn gây hội chứng kích thích sớm.
2. HOẠT ĐỘNG ĐIỆN CỦA CƠ TIM
Các hoạt động điện trong tim khơi mào co bóp tim. Rối loạn hoạt động
điện của tim sẽ dẫn đến rối loạn nhịp và có thể nặng đến mức gây tử vong.
Điện thế màng được qui ước là trị số điện thế mặt trong so với mặt ngoài
màng tế bào, bình thường bên trong âm hơn so với bên ngoài.
2.1. Cơ chế ion của điện thế màng cơ tim
- Hoạt động điện học của màng tế bào cơ tim gồm có 4 pha:
+ Pha 0: Pha khử cực nhanh.
+ Pha 1: Pha tái cực sớm.
+ Pha 2: Pha bình nguyên.
+ Pha 3: Pha tái cực nhanh.
+ Pha 4: Pha nghỉ (phân cực)
Cơ thất Nút xoang Cơ nhĩ

Hình 5.2. Hoạt động điện học của màng tế bào cơ tim
- Về mặt điện học, tế bào cơ tim được chia thành hai loại:
+ Loại đáp ứng nhanh: cơ nhĩ, cơ thất, mô dẫn truyền.
+ Loại đáp ứng chậm: nút xoang, nút nhĩ thất.
2.1.1. Cơ chế ion của điện thế màng cơ tim loại đáp ứng nhanh
- Pha 0: pha khử cực nhanh
+ Hiện tượng: khi các tế bào tạo nhịp phát ra xung động, điện thế hoạt
động sẽ được lan ra các tế bào cơ tim loại đáp ứng nhanh kế cận và cứ như thế

43
từ tế bào này lan sang tế bào khác làm điện thế màng từ -90mV tăng lên đến
mức ngưỡng khoảng -70mV. Tế bào chuyển sang trạng thái khử cực. Khi đó,
các kênh K+ đóng lại làm cho khả năng thấm của K+ bị giảm nhanh chóng,
cùng lúc đó các kênh nhanh mở ra đột ngột, đây là các kênh Na+ nhạy cảm
điện thế. Na+ di chuyển ồ ạt từ ngoài vào trong tế bào theo chiều gradient
nồng độ và điện thế.
+ Kết quả: bên trong tế bào tích điện (+) hơn bên ngoài màng tế bào.
Điện thế màng bằng khoảng +30mV (hiện tượng “quá đà” hay đảo ngược
điện thế (overshoot).
- Pha 1: pha tái cực sớm
+ Hiện tượng: có sự kích thích thoáng qua kênh K + làm kênh này mở
ra, K+ từ trong đi ra ngoài tế bào. Kênh Na+ lúc này vẫn còn mở nhưng do gần
đạt nồng độ bão hòa nên dòng Na+ sẽ thấm chậm. Cuối pha 1, phần lớn kênh
Na+ sẽ đóng lại.
+ Kết quả: điện thế màng hơi giảm còn khoảng 0mV.
- Pha 2: pha bình nguyên
+ Hiện tượng: mở các kênh chậm là những kênh Ca2+ làm cho Ca2+ di
chuyển từ ngoài và trong các bào quan vào trong bào tương tế bào, một ít Na +
cũng thấm vào tế bào qua các kênh Na+ còn mở. Trong khi đó kênh K+ vẫn
đang mở, K+ đi ra ngoài tế bào theo bậc thang nồng độ.
+ Kết quả: điện thế màng hầu như không đổi. Trong pha này khi Ca2+
đi vào trong tế bào sẽ gây ra co cơ tim.
- Pha 3: pha tái cực nhanh
+ Hiện tượng: kênh Ca2+ và Na+ đóng lại, trong khi K+ vẫn tiếp tục đi ra
ngoài nhờ vào kênh K+. Đồng thời lúc này bơm Ca2+ hoạt động bơm Ca2+ ra
ngoại bào và vào trong các bào quan, chấm dứt co cơ. Vào cuối pha 3, bơm
Na+-K+-ATPase bắt đầu hoạt động bơm Na+ ra ngoài và K+ vào trong tế bào
theo tỷ số 3:2.
+ Kết quả: điện thế màng giảm nhanh đến khoảng -65mV.
- Pha 4: pha nghỉ (phân cực)
+ Hiện tượng: cơ tim có tính thấm tương đối với K + nhờ kênh K+ vẫn
mở, K+ có khuynh hướng khuếch tán từ trong ra ngoài tế bào theo bậc thang
nồng độ. Trong khi đó nhiều ion (-) (như protein) không khuếch tán ra theo.
Như vậy, ion K+ ở trạng thái cân bằng động theo phương trình Nernst với

44
gradient nồng độ thuận lợi cho dòng xuất bào, trong khi gradient điện thế
thuận lợi cho dòng nhập bào của K+.
+ Kết quả: bên trong tế bào âm hơn so với bên ngoài màng tế bào. Điện
thế màng khoảng - 90mV và ổn định.
2.1.2. Cơ chế ion của điện thế màng cơ tim loại đáp ứng chậm
Tế bào cơ tim loại đáp ứng chậm có 3 đặc điểm hoạt động điện khác
loại đáp ứng nhanh:
- Pha 0: không dốc nhiều, khử cực chậm hơn và không có đảo ngược
điện thế, không có overshoot. Nguyên nhân là do trong các tế bào đáp ứng
chậm, kênh Na+ không góp phần quan trọng gây nên điện thế động. Thay vào
đó, sự khử cực của tế bào là do dòng Ca2+ đi vào qua kênh Ca2+. Mà sự mở
cổng của kênh Ca2+ bao giờ cũng chậm hơn kênh Na+, nên vận tốc khử cực
chậm, trên sơ đồ là một đường lài kéo dài chứ không phải là dốc khử cực
thẳng đứng như trong trường hợp tế bào loại đáp ứng nhanh. Sự khử cực
chậm tạo ra tính dẫn truyền kém trong các tế bào nút xoang và nút nhĩ thất.
Điều này cho phép nút nút nhĩ thất đóng vai trò là một điểm block sinh lý, tạo
nên sự chênh lệch về thời gian trong hoạt động co của tâm nhĩ và tâm thất,
đảm bảo lượng máu đầy đủ từ buồng nhĩ xuống buồng thất trước khi tâm thất
tống máu ra động mạch. Mặt khác, chính nhờ block sinh lý tại nút nhĩ thất đã
bảo vệ tâm thất khỏi các rối loạn nhịp nhanh từ tâm nhĩ hay còn gọi là rối loạn
nhịp trên thất.
- Pha 3: ngay sau khi khử cực sẽ là giai đoạn tái cực và như vậy không
có pha bình nguyên. Pha 3 được bắt đầu bằng việc kênh K+ mở ra, kênh Ca2+
đóng lại, bơm Ca2+ và bơm Na+-K+-ATPase bắt đầu hoạt động như ở tế bào
cơ tim loại đáp ứng nhanh.
- Pha 4: sau khi tái cực, điện thế nghỉ đạt tối đa khoảng -65mV. Đây là
mức phân cực yếu và thấp hơn so với loại đáp ứng nhanh. Điểm quan trọng là
gần như không tồn tại điện thế nghỉ thật sự nói cách khác pha 4 không ổn định
mà sẽ từ từ khử cực một cách tự phát. Cơ chế là do các tế bào giảm tính thấm
từ từ đối với K+ (đóng kênh K+), đồng thời lại cho một lượng nhỏ Ca2+ và Na+
đi vào (mở 2 kênh này). Do đó, điện thế màng tăng dần đến lúc đạt điện thế
ngưỡng khoảng -40mV và phát sinh điện thế động mới. Chu kỳ như trên cứ
lặp đi lặp lại tạo ra hoạt động co bóp tự động, nhịp nhàng của tim.
2.2. Các tính chất sinh lý của cơ tim trong hoạt động điện

45
2.2.1. Tính hưng phấn
Tính hưng phấn của tế bào cơ tim là khả năng đáp ứng bằng điện thế
hoạt động của tế bào cơ tim với một kích thích. Kích thích dưới ngưỡng thì cơ
tim không đáp ứng, kích thích bằng ngưỡng hoặc trên ngưỡng thì cơ tim đáp
ứng tối đa (qui luật “tất cả hoặc không”).
- Tính hưng phấn của loại đáp ứng nhanh: ngưỡng kích thích vào
khoảng -70mV, tác nhân kích thích là do điện thế hoạt động từ loại đáp ứng
chậm lan truyền đến.
- Tính hưng phấn của loại đáp ứng chậm: ngưỡng kích thích vào
khoảng -40mV, loại tế bào này có khả năng tự kích thích (tại chỗ).
2.2.2. Tính trơ có chu kỳ
Tính trơ của tế bào cơ tim là khả năng không đáp ứng bằng điện thế
hoạt động của tế bào cơ tim với một kích thích. Khi cơ tim đang bị khử cực
nó sẽ không đáp ứng với một kích thích khác (thời kỳ trơ), khi cơ tim đang
nghỉ nó có thể đáp ứng với kích thích (thời kỳ hưng phấn). Do vậy, khả năng
trơ của tế bào cơ tim sẽ lập đi lập lại nên được gọi là tính trơ có chu kỳ. Thời
gian trơ chịu ảnh hưởng của chiều dài chu kỳ tim, khi chiều dài chu kỳ tim
giảm, thời gian trơ cũng giảm; chiều dài chu kỳ tăng, thời gian trơ tăng.
- Tính trơ của loại đáp ứng nhanh:
+ Thời kỳ trơ tuyệt đối: khi tế bào bắt đầu bị khử cực (pha 0) nó không
thể bị kích thích nữa cho đến khi đạt đến ngưỡng giữa pha tái cực nhanh tức
là lúc mà điểm tái cực đạt khoảng -50mV.
+ Thời kỳ trơ tương đối: giai đoạn còn lại của pha 3 gọi là kỳ trơ tương
đối. Thời kỳ này có thể gây ra được điện thế hoạt động, nhưng kích thích phải
mạnh hơn ngưỡng, trên lâm sàng sẽ tạo thành ngoại tâm thu với tính chất nhịp
tim đến sớm và có khoảng nghỉ bù.
+ Tính hưng phấn sẽ trở lại hoàn toàn khi sợi cơ tim đã tái cực xong
(pha nghỉ).
- Tính trơ của loại đáp ứng chậm: giai đoạn trơ tương đối của loại đáp
ứng chậm khá dài, ngay cả sau khi tế bào đã hoàn toàn tái cực, đôi khi khó
gây ra một đáp ứng lan truyền kế tiếp. Điện thế hoạt động tạo ra sớm trong kỳ
trơ tương đối thường nhỏ và có đỉnh thấp. Giai đoạn hồi phục tính hưng phấn
hoàn toàn chậm hơn loại đáp ứng nhanh.
2.2.3. Tính nhịp điệu

46
Tính nhịp điệu hay còn gọi là tính hưng phấn tự nhiên của tế bào cơ
tim, là khả năng tự hình thành điện thế hoạt động (phát xung động) nhịp
nhàng của cơ tim. Hệ thần kinh có vai trò điều hòa nhịp và lực co cơ tim. Tuy
nhiên khi bị tách rời ra khỏi cơ thể, được nuôi bằng dung dịch dinh dưỡng
thích hợp và cung cấp đủ oxy, tim có thể đập liên tục trong một thời gian dài.
Ở bệnh nhân mà tim không nhận được xung động thần kinh (ghép tim) tim
vẫn có thể hoạt động tốt và có thể thích ứng với các tình huống stress.
- Tính nhịp điệu của loại đáp ứng nhanh: cần lưu ý rằng không phải chỉ
có mô nút (loại đáp ứng chậm) mới có khả năng tự phát xung động. Trong
một số trường hợp bệnh lý, mô dẫn truyền, cơ nhĩ và thất cũng có thể tạo nhịp
và gọi là ổ lạc (chủ nhịp ngoại lai). Tần số phát xung động của bó His là 30-
40 xung/phút, mạng Purkinje là 15-40 xung/phút.
- Tính nhịp điệu của loại đáp ứng chậm: đây là đặc tính sinh lý bình
thường của mô nút. Ở loài có vú, vùng phát xung động có tần số cao nhất là
nút xoang làm ức chế khả năng phát xung của các mô khác khác. Như vậy,
nút xoang trở thành nút tạo nhịp tự nhiên của tim. Khả năng phát xung động
tối đa của nút xoang là 120-150 xung/phút, bình thường là 70-80 xung/phút.
Khi nút xoang bị suy, nút nhĩ thất sẽ trở thành nút tạo nhịp cho toàn tim với
tần số khoảng 40-60 xung/phút.
2.2.4. Tính dẫn truyền
Tính dẫn truyền của tế bào cơ tim là khả năng làm lan truyền điện thế
hoạt động dọc theo sợi cơ tim giống như ở các tế bào cơ khác và thần kinh.
Vận tốc dẫn truyền thay đổi tùy vùng.
Bảng 5.1. Vận tốc dẫn truyền của các mô tim
Mô Vận tốc dẫn truyền
Nút xoang, nút nhĩ thất 0,05m/giây
Cơ nhĩ 1m/giây
Bó His 0,05m/giây
Mạng Purkinje 1m/giây
Cơ thất 4m/giây
- Tính dẫn truyền của loại đáp ứng nhanh: khi đạt đến điện thế ngưỡng,
Na từ ngoài ồ ạt vào trong tế bào làm khử cực tế bào rất nhanh ở vị trí đó. Sự
+

khử cực sau đó lại xảy ra ở vùng kế tiếp. Sự kiện này được lập đi lập lại và
điện thế hoạt động lan truyền dọc sợi cơ như làn sóng khử cực. Vận tốc dẫn

47
truyền loại đáp ứng nhanh là 0,3-1m/giây cho tế bào cơ tim và 1-4m/giây cho
các sợi dẫn truyền đặc biệt khác trong nhĩ và thất.
- Tính dẫn truyền của loại đáp ứng chậm: một dòng điện tại chỗ làm lan
truyền điện thế hoạt động với tốc độ chậm hơn loại đáp ứng nhanh. Vận tốc
dẫn truyền loại đáp ứng chậm vào khoảng 0,02-0,1m/giây. Loại đáp ứng chậm
dễ bị nghẽn tắc hơn loại nhanh và không dẫn truyền khi kích thích lặp đi lặp
lại với tần số cao.
3. CHU KỲ HOẠT ĐỘNG CỦA TIM
Hoạt động của tim gồm nhiều giai đoạn lập đi lập lại một cách đều đặn
nhịp nhàng, theo một trình tự nhất định, tạo nên chu kỳ hoạt động của tim,
hay còn gọi là chu chuyển tim. Mỗi chu kỳ tim dài khoảng 0,8 giây gồm 3
giai đoạn chính tâm nhĩ thu, tâm thất thu và tâm trương toàn bộ.
3.1. Giai đoạn tâm nhĩ thu
Nhĩ thu là giai đoạn tâm nhĩ co lại kéo dài khoảng 0,1s.
Cơ tâm nhĩ co lại, áp suất trong tâm nhĩ tăng lên cao hơn áp suất trong
tâm thất. Lúc này van nhĩ thất đang mở, máu được đẩy nốt từ tâm nhĩ xuống
tâm thất. Lượng máu này chiếm khoảng 30% tổng lượng máu từ tâm nhĩ
xuống tâm thất trong mỗi chu kỳ tim. Sau giai đoạn tâm nhĩ thu, tâm nhĩ giãn
ra trong suốt thời gian còn lại của chu kỳ tim (0,7 giây).
3.2. Giai đoạn tâm thất thu
Thất thu là giai đoạn tâm thất co lại kéo dài khoảng 0,3 giây, gồm 2
thời kỳ:
* Thời kỳ tăng áp (thời kỳ căng tâm thất): kéo dài khoảng 0,05 giây
Cơ tâm thất co lại, áp suất trong tâm thất tăng lên cao hơn áp suất trong
tâm nhĩ làm đóng van nhĩ thất. Lúc này áp suất trong tâm thất vẫn thấp hơn áp
suất trong động mạch nên van tổ chim chưa mở. Do vậy, máu trong tâm thất
không thoát đi đâu được làm cho thể tích máu trong tâm thất không thay đổi
nên còn gọi là giai đoạn co cơ đẳng tích.
* Thời kỳ tống máu: kéo dài khoảng 0,25 giây
Cơ tâm thất tiếp tục co, áp suất trong tâm thất trở nên cao hơn áp suất
trong động mạch chủ (80mmHg) và động mạch phổi (10mmHg) làm mở van
tổ chim. Máu được tống vào động mạch theo 2 thì:
- Thì tống máu nhanh: áp suất trong tâm thất tăng đến mức cực đại sau
khi tâm thất bắt đầu thu khoảng 0,18 giây, lúc này áp suất ở thất trái là

48
110mmHg và ở thất phải là 25mmHg. Trong thì này thể tích tâm thất giảm rõ
rệt, 4/5 lượng máu của tâm thất được tống ra.
- Thì tống máu chậm: áp suất tâm thất giảm từ từ trước khi tâm thất thu
chấm dứt, máu chảy từ từ ra ngoại biên. Gần cuối thì này, áp suất động mạch
chủ hơi cao hơn thất trái và áp suất động mạch phổi hơi cao hơn thất phải, làm
van tổ chim đóng lại.

Điện tâm đồ

Tiếng tim
Áp suất (mmHg)

Áp suất
động mạch chủ

Áp suất nhĩ trái


Áp suất thất trái
Thể tích cuối
tâm trương Thể tích thất trái
Thể tich thất trái (ml)

Thể tích
cuối tâm
thu

Van nhĩ thất


Van động mạch
Các pha của tim
1- Giai đoạn đổ đầy thất 3- Giai đoạn thất tống máu
2- Giai đoạn thất co đồng thể tích 4- Giai đoạn thất giãn đồng thể tích

Hình 5.4. Áp suất thất trái, áp suất động mạch chủ, áp suất nhĩ trái liên
quan đến lưu lượng động mạch chủ, tiếng tim, điện tâm đồ

Thể tích máu được tống ra từ mỗi tâm thất vào các động mạch trong kỳ
tâm thu gọi là thể tích tâm thu. Mỗi lần tâm thu, tim bơm ra ngoài một lượng

49
máu từ 70-90mL, còn lại trong tâm thất khoảng 50mL. Lượng máu còn lại
này thường cố định trong mỗi nhịp bình thường nhưng có thể giảm khi tăng
sức co thắt của tim hay khi sức cản bên ngoài giảm và ngược lại. Trong
trường hợp tim bị suy, thể tích máu bị ứ đọng trong tim có thể lớn hơn thể
tích máu bơm ra ngoài.
3.3. Giai đoạn tâm trương toàn bộ
Tâm trương toàn bộ là giai đoạn cả tâm thất và tâm nhĩ đều giãn ra kéo
dài khoảng 0,4 giây, gồm 2 thời kỳ:
* Thời kỳ giãn đồng thể tích: sau khi tâm thất co, tâm thất bắt đầu giãn ra,
trong lúc đó tâm nhĩ vẫn đang giãn. Áp suất trong tâm thất giảm nhanh, tâm
thất trong giai đoạn này là buồng kín do van nhĩ thất chưa mở và van tổ chim
đã đóng, thể tích tâm thất không thay đổi.
* Thời kỳ đổ đầy thất: áp suất trong tâm thất tiếp tục giảm xuống thấp hơn áp
suất trong tâm nhĩ làm van nhĩ thất mở. Máu được hút từ tâm nhĩ xuống tâm
thất chiếm khoảng 70% lượng máu về thất trong mỗi chu kỳ tim. Thời kỳ này
được chia thành 2 thì, lúc đầu tâm thất hút máu về nhanh đó là thì đổ đầy thất
nhanh, sau đó máu xuống thất chậm dần đó là thì đổ đầy thất chậm. Máu về
thất làm áp suất trong tâm thất tăng dần cho đến khi bằng áp suất trong tâm
nhĩ thì kết thúc giai đoạn tâm trương toàn bộ và lại bắt đầu giai đoạn tâm nhĩ
thu.
Trong thực hành lâm sàng, tâm nhĩ thu không được coi là một giai
đoạn, mà chỉ là một phần nhỏ ở cuối giai đoạn tâm trương để “đẩy nốt” 30%
lượng máu còn lại từ nhĩ xuống thất. Vì vậy, về khía cạnh lâm sàng, chu kỳ
tim chỉ gồm hai giai đoạn:
- Giai đoạn tâm trương (diastole): tâm thất giãn, tim lấy máu vào thất,
thể tích máu trong tâm thất cuối tâm trương gọi là thể tích cuối tâm trương.
- Giai đoạn tâm thu (systole): tâm thất co, tim bơm máu vào động
mạch, thể tích máu được bơm ra gọi là thể tích nhát bóp.
4. MỘT SỐ BIỂU HIỆN CỦA CHU KỲ TIM
4.1. Cung lượng tim (cardiac output)
Cung lượng tim (lưu lượng tim) là thể tích máu do tim bơm ra trong 1
phút.
Cung lượng tim = thể tích nhát bóp x tần số tim trong 1 phút
(cardiac output) (stroke volume) (frequency)

50
CO = SV x f = 80mL x 70lần = 5600mL/phút
Cung lượng tim không thay đổi khi ngủ và chịu ảnh hưởng của các yếu
tố sau:
- Tăng khi: lo lắng, bị kích thích (50-100%), ăn (30%), vận động
(70%), nhiệt độ môi trường cao, có thai.
- Giảm khi: tư thế nằm chuyển sang ngồi hay đứng đột ngột, tần số tim
quá nhanh trên 140 lần/phút, bệnh tim như suy tim, hẹp hoặc hở van tim.
4.2. Chỉ số tim
Để so sánh cung lượng tim của những người có kích thước cơ thể khác
nhau, người ta dùng chỉ số tim:
Cung lượng tim
Chỉ số tim =
S (diện tích da cơ thể)
Chỉ số tim bình thường bằng 3,2 Lít/m2/phút.
4.3. Công của tim
Công của tim là tổng năng lượng tim sử dụng trong một phút. Tim sử
dụng năng lượng dưới hai dạng:
- Công ngoài (công thể tích-áp suất): là công dùng để chuyển máu từ
tĩnh mạch có áp suất thấp đến động mạch có áp suất cao. Đây là dạng chiếm
phần lớn công của tim và chính là công được hình thành do tiêu hao năng
lượng cho hoạt động co bóp của cơ tim.
+ Công ngoài của một lần tâm thu là: W = P x SV
+ Công ngoài trong một phút: W = P x CO
W : công
P: hiệu của áp suất tâm thu trung bình trừ đi áp suất tâm trương trung
bình.
SV: thể tích nhát bóp
CO: cung lượng tim
- Công động học của dòng máu: là công thực hiện động năng của dòng
máu. Trong điều kiện bình thường, dạng này chỉ chiếm khoảng 1% tổng số
công do thất thực hiện, nên có thể không cần tính đến công này. Trong một số
trường hợp bệnh lý như hẹp van động mạch, công này có thể chiếm đến 50%
tổng số công của tim. Công thức tính:

51
22
Động mv
mv
Động năng
năng == 2
2
m: khối lượng máu (gam), v: vận tốc của dòng máu (cm/giây)
4.4. Tiếng tim
Dùng ống nghe, máy nghe hoặc áp tai vào tim, bình thường có thể nghe
những tiếng tim sau đây:
- Tiếng tim thứ nhất (T1): nghe trầm và dài rõ ở mỏm tim do:
+ Đóng van nhĩ thất.
+ Mở van tổ chim.
+ Co cơ tâm thất.
+ Máu phun vào động mạch.
- Tiếng tim thứ hai (T2): nghe thanh và ngắn rõ ở đáy tim do đóng van
tổ chim và mở van nhĩ thất.
- Tiếng tim thứ ba (T3): rất khó nghe do máu ùa về va vào thành tâm
thất trong thời kỳ đầu tâm trương.
- Tiếng tim thứ tư (T4): do tâm nhĩ co tống máu từ nhĩ xuống thất làm
rung thành tâm thất trong thời kỳ cuối tâm trương.
4.5. Tiền tải, hậu tải, phân suất phụt
- Tiền tải và hậu tải:
+ Tiền tải: liên quan đến độ giãn của thất trái ngay trước khi co thắt
(còn gọi là thể tích cuối tâm trương). Tiền tải tăng nếu lượng máu về thất
nhiều trong suốt tâm trương
+ Hậu tải: là áp suất động mạch chủ trong giai đoạn van động mạch chủ
mở.
Tiền tải và hậu tải tùy thuộc vào đặc tính của hệ mạch và hoạt động
tim. Về phía mạch, trương lực các tĩnh mạch và sức cản ngoại biên ảnh hưởng
nhiều đến tiền tải và hậu tải. Về phía tim, sự thay đổi tần số tim hay lượng
máu bơm trong một nhịp cũng làm rối loạn tiền tải và hậu tải.
- Phân suất phụt (ejection fraction): là tỷ lệ giữa thể tích máu bơm từ
thất trái trong mỗi nhịp với thể tích máu trong thất trái cuối kỳ tâm trương.
Phân suất này được sử dụng rộng rãi trên lâm sàng để đánh giá tính co bóp
của tim.
4.6. Điện tâm đồ
Là đồ thị ghi lại sự biến đổi hoạt động điện của tim. Mỗi tế bào đều có

52
hiện tượng điện sinh vật, tập hợp tất cả các dòng điện tế bào cơ tim tạo thành
dòng điện tim. Dòng điện này lan khắp cơ thể, ta có thể ghi được bằng cách
nối hai điện cực của máy ghi điện tim với hai điểm khác nhau trên cơ thể.
- Điện tâm đồ là một thăm dò chức năng tim cơ bản giúp cung cấp các
thông tin về:
+ Tần số tim, chủ nhịp của tim.
+ Trục điện tim, hướng cơ thể học của tim.
+ Kích thước tương đối của buồng tim.
+ Vị trí, mức độ, sự tiến triển của tổn thương do thiếu máu cơ tim.
+ Rối loạn về nhịp và dẫn truyền.
+ Ảnh hưởng của các rối loạn về nồng độ ion.
+ Tác dụng của một số thuốc trên tim.
- Điện tâm đồ bình thường:

Hình 5.5. Các sóng, khoảng, đoạn của điện tâm đồ


+ Sóng P: là sóng khử cực hai tâm nhĩ. Hình dạng tròn, đôi khi có móc,
hai pha; thời gian từ 0,08-0,11 giây; biên độ 2mm.
+ Khoảng PR (hay PQ): là thời gian dẫn truyền xung động từ nhĩ đến
thất, bình thường 0,18 giây (thay đổi từ 0,12 đến 0,2 giây).
+ Phức bộ QRS: là phức hợp khử cực hai tâm thất. Hình dạng sóng

53
nhọn hẹp, thời gian từ 0,06-0,1 giây, biên độ thay đổi tùy chuyển đạo.
+ Điểm J: là điểm cuối của phức bộ QRS. Bình thường điểm này nằm
trên đường đẳng điện hoặc hơi chênh về cùng phía với sóng T, nhưng không
được quá 1mm so với đoạn PR trước đó.
+ Đoạn ST: là đoạn từ điểm J đến bắt đầu sóng T, gần bằng 120 mili
giây. Bình thường đoạn ST nằm trên đường đẳng điện, mềm mại, tiếp xúc
sóng T không tạo góc.
+ Sóng T: là sóng tái cực hai tâm thất. Hình dạng sóng tù đầu, rộng,
không cân xứng, chiều lên thoai thoải, chiều xuống dốc; thời gian khoảng
0,20 giây; biên độ tỷ lệ với QRS
+ Khoảng QT: là thời gian tâm thu điện học của tim. Được tính từ đầu
phức bộ QRS đến cuối sóng T. Thời gian từ 0,35-0,40 giây, tùy tần số tim.
+ Sóng U: chưa rõ cơ chế. Hình dạng dẹt, cùng chiều với sóng T.
5. ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG TIM
5.1. Cơ chế tự điều hòa của tim
* Điều hòa bằng cơ chế Frank – Starling:
Luật Frank – Starling được phát biểu như sau: lực co của cơ tim tỉ lệ
thuận với chiều dài của sợi cơ tim trước khi co. Điều này có nghĩa là trước khi
co (thì tâm trương), máu về tim càng nhiều, sợi cơ tim càng giãn, tức là tiền
tải tăng, thì sức co của cơ tim ở thì tâm thu càng mạnh, nhằm đẩy hết máu ra
động mạch.
Tuy nhiên, khi sợi cơ tim giãn ra quá mức sẽ làm giảm hoặc mất trương
lực cơ tim và khi đó lực tâm thu sẽ giảm (suy tim).
* Điều hòa bởi tần số tim
Thay đổi tần số tim sẽ làm thay đổi lực phát sinh co cơ. Tần số tim
giảm đột ngột sẽ làm tăng từ từ lực co, có hai cơ chế tham gia:
- Kéo dài thời gian khử cực trong một phút.
- Tăng dòng Ca2+ đi vào trong giai đoạn bình nguyên. Khi khoảng cách
giữa các lần co bóp giảm, thời gian bình nguyên của mỗi chu kỳ trong một
phút tăng, làm tăng nồng độ Ca2+ trong tế bào.
5.2. Cơ chế điều hòa từ bên ngoài tim
5.2.1. Cơ chế thần kinh
5.2.1.1. Hệ thần kinh tự chủ
* Hệ giao cảm:

54
Hệ giao cảm chi phối cho tim có trung tâm nằm ở sừng bên chất xám
tủy sống đoạn cổ cuối đến đoạn ngực trên. Nơron tiền hạch và hậu hạch tiếp
hợp nhau tại hạch sao và hạch cổ dưới. Giao cảm phải phân phối chủ yếu vào
nút xoang, cơ nhĩ và giao cảm trái phân phối chủ yếu vào nút nhĩ thất, bó his
và cơ thất. Nơron hậu hạch tiết ra hóa chất trung gian là noradrenalin đến tác
dụng yếu lên receptor 1. Phản ứng này kích hoạt adenylcyclase làm tăng
cAMP dẫn đến kích hoạt các kênh Ca2+ trong màng tế bào cơ tim. Như vậy,
kích thích thần kinh giao cảm trực tiếp chi phối tim sẽ làm:
- Tăng nhẹ tần số tim (chủ yếu là giao cảm phải)
- Tăng nhẹ tốc độ dẫn truyền xung động (chủ yếu là giao cảm trái).
- Tăng nhẹ trương lực cơ tim.
- Tăng nhẹ lực co bóp cơ tim (giao cảm trái có tác dụng trên co bóp tâm
thất mạnh hơn giao cảm bên phải).
* Hệ phó giao cảm:
Hệ phó giao cảm chi phối cho tim có trung tâm tại nhân lưng phần vận
động của dây X ở hành não. Các dây ly tâm của nơron tiền hạch đi xuống qua
cổ sát động mạch cảnh chung, qua trung thất tiếp hợp nơron hậu hạch tạo
thành hạch phó giao cảm nằm trên ngoại tâm mạc hay trong thành cơ tim.
Dây X phải phân phối chủ yếu vào nút xoang và cơ nhĩ, dây X trái phân phối
chủ yếu vào nút nhĩ thất, các dây phó giao cảm không phân phối cho bó His
và cơ thất. Nơron hậu hạch tiết ra hóa chất trung gian là acetylcholin đến tác
dụng lên receptor muscarinic (Rc M2). Phản ứng này ứng chế men
adenylcyclase làm giảm cAMP dẫn đến ức chế các kênh Ca2+. Acetylcholin từ
đầu tận cùng của dây phó giao cảm cũng ức chế sự phóng thích noradrenalin
từ đầu tận cùng giao cảm lân cận. Như vậy, kích thích phó giao cảm sẽ làm:
- Giảm tần số tim (chủ yếu là X phải).
- Giảm tốc độ dẫn truyền từ nhĩ xuống thất (chủ yếu là X trái).
- Giảm trương lực cơ tim.
- Giảm lực co cơ tim.
5.2.1.2. Các phản xạ
* Các phản xạ thường xuyên điều hòa tần số tim:
- Phản xạ áp cảm thụ quan: khi áp suất máu tăng sẽ kích thích vào các
thụ thể áp suất (baroreceptor) ở quai động mạch chủ, xung động theo dây thần
kinh Cyon (nhánh cảm giác của dây X) và ở xoang động mạch cảnh, xung

55
động theo dây Hering (nhánh cảm giác của dây IX) về đến nhân bó đơn độc ở
hành não. Từ đây xung động sẽ kích thích nhân lưng phần vận động của dây
X làm tim đập chậm lại, giảm sức co bóp của cơ tim và giảm huyết áp.
ĐM cảnh trong

Về não Về não
ĐM cảnh chung Thể cảnh

Thể động mạch chủ


về não

Hình 5.6. Sơ đồ phản xạ áp cảm thụ quan


Ngoài ra còn có các áp cảm thụ quan nằm gần nội tâm mạc của thất trái
cũng hoạt động gây giảm tần số tim và huyết áp tương tự các áp cảm thụ quan
ở động mạch khi thành tâm thất trái bị căng.
- Phản xạ hóa cảm thụ quan: khi nồng độ O2 trong máu giảm, CO2
trong máu tăng sẽ kích thích vào các thụ thể hóa học (chemoreceptor) ở quai
động mạch chủ và xoang động mạch cảnh làm xuất hiện xung động theo dây
Cyon và Hering về hành não, ức chế nhân lưng phần vận động của dây X, làm
cho tim đập nhanh lên.
- Phản xạ tim – tim (Bainbridge): khi máu về tâm nhĩ phải nhiều làm
căng vùng Bainbridge là vùng quanh hai tĩnh mạch chủ đổ vào tâm nhĩ phải,
từ vùng này sẽ phát sinh xung động đi theo các sợi cảm giác của dây X về
hành não, ức chế nhân lưng phần vận động của dây X, làm cho tim đập nhanh
lên và tăng huyết áp.
* Các phản xạ bất thường điều hòa tần số tim:

56
- Phản xạ mắt – tim: ép mạnh vào hai nhãn cầu sẽ kích thích thần kinh
V tạo xung động truyền vào hành não, từ đó kích thích nhân lưng phần vận
động của thần kinh X làm tim đập chậm.
- Phản xạ Goltz: đánh mạnh vào vùng thượng vị hoặc co kéo các tạng ở
trong bụng khi phẫu thuật có thể gây ngưng tim vì kích thích vào đám rối
dương ở thượng vị. Kích thích này sẽ tạo xung động theo dây tạng đi lên hành
não kích thích nhân lưng phần vận động của thần kinh X làm tim đập chậm
hoặc ngừng đập.
5.2.1.3 Ảnh hưởng của vỏ não và một số trung tâm thần kinh khác
- Hoạt động của vỏ não: các xúc cảm mạnh như hồi hộp, sợ hãi đều làm
biến đổi tần số tim, có thể tăng, có thể giảm thậm chí ngưng đập.
- Hoạt động của trung tâm hô hấp: khi hít vào, trung tâm hít vào ở hành
não ức chế trung tâm dây X làm tim đập nhanh hơn một chút. Khi thở ra,
trung tâm dây X thoát ức chế, làm tim đập chậm lại một chút.
- Hoạt động của trung tâm nuốt: trung tâm nuốt nằm ở hành não khi
gây phản xạ nuốt sẽ ức chế trung tâm dây X, làm tim đập nhanh hơn một chút.
5.2.2. Cơ chế thể dịch
- Ảnh hưởng của các hormon:
+ Hormon tủy thượng thận là adrenalin và noradrenalin: làm tăng tần số
tim, tăng lực co bóp của cơ tim, tăng trương lực và tăng dẫn truyền. Adrenalin
tác dụng mạnh hơn noradrenalin do ở tim có chủ yếu receptor 1 mà
noradrenalin tác dụng rất yếu trên receptor . Tác dụng của hormon tủy
thượng thận lên tim còn được gọi là tác dụng giao cảm gián tiếp có hiệu quả
mạnh hơn tác dụng giao cảm trực tiếp do các sợi giao cảm phân phối đến tim.
Hormon vỏ thượng thận hydrocortison làm tăng tác dụng trợ tim của
catecholamin.
+ Hormon tuyến giáp là T3, T4: làm tăng tần số tim và lực co bóp của
cơ tim, tăng mật độ các thụ thể 1 trong mô cơ tim.
+ Hormon tuyến tụy là glucagon ở nồng độ cao cũng có thể làm tăng
tần số tim, tăng lực co bóp cơ tim.
- Ảnh hưởng của O2 và CO2 trong máu: giảm O2, tăng CO2, giảm pH
máu làm tăng tần số tim, lực co bóp cơ tim. Tuy nhiên, giảm O 2, tăng CO2,
quá cao sẽ có tác dụng ngược lại và có thể gây ngừng tim.
- Ảnh hưởng của các ion:

57
+ K+ tăng làm giảm trương lực cơ tim, có thể gây rối loạn nhịp, liệt cơ
nhĩ.
+ Ca2+ tăng làm tăng trương lực cơ tim, tăng lực co bóp cơ tim, tăng
quá cao có thể làm tim ngưng đập ở kỳ tâm thu.
+ Na+ tăng làm tăng trương lực, giảm lực co cơ tim.
- Ảnh hưởng của nhiệt độ: thân nhiệt tăng làm tim đập nhanh nhưng
trương lực và lực co giảm. Ngược lại, tim đập chậm, trương lực và lực co tăng
khi hạ thân nhiệt.

58
SINH LÝ MẠCH MÁU

* Mục tiêu:
1. Phân tích được các đặc trưng của huyết động học.
2. Trình bày được sinh lý tuần hoàn động mạch, tĩnh mạch, mao mạch và
bạch mạch.
3. Trình bày được các yếu tố ảnh hưởng và điều hòa hoạt động hệ mạch.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA HỆ MẠCH


Các mạch máu là hệ thống ống dẫn kín mang máu từ tim đến mô và
quay trở về tim. Hệ mạch bao gồm: động mạch, mao mạch, tĩnh mạch và
mạch bạch huyết.
* Đặc điểm cấu trúc của động mạch: thành động mạch có 3 lớp áo.
- Áo trong: gồm có lớp nội mô ở trong cùng, lớp dưới nội mô và màng
chun trong. Giữa lớp nội mô và dưới nội mô có màng đáy.
- Áo giữa: là một lớp dày gồm nhiều sợi cơ trơn, một số tế bào liên kết,
nhiều sợi tạo keo và đặc biệt là có nhiều lá chun. Áo giữa phân cách với áo
ngoài qua màng chun ngoài.
- Áo ngoài: là lớp mô liên kết khá dày, gồm nhiều sợi keo, sợi chun, tế
bào sợi. Phía ngoài chứa nhiều mạch của mạch và một ít mạch bạch huyết.
* Đặc điểm cấu trúc của tĩnh mạch:
Thành của tĩnh mạch cũng có 3 lớp tương tự động mạch. Tuy nhiên
thành của tĩnh mạch mỏng hơn, nhiều mô liên kết, ít cơ trơn và lá chun. Lòng
của tĩnh mạch rộng hơn so với động mạch cùng cỡ và ở nhiều tĩnh mạch có
van. Van tĩnh mạch là một cấu tạo đặc biệt do lớp dưới nội mô đội lên có tác
dụng ngăn không cho máu chảy ngược lại.

59
Động mạch Tĩnh mạch
Áo
trong Van

Áo
giữa
Áo
ngoài

Hình 5.7. So sánh cấu trúc giữa động mạch và tĩnh mạch
* Đặc điểm cấu trúc của mao mạch:
Thành của mao mạch chỉ gồm một lớp tế bào nội mô đứng tựa trên
màng đáy. Mao mạch nối giữa động mạch và tĩnh mạch.
* Đặc điểm cấu trúc của mạch bạch huyết:
Tuần hoàn bạch huyết gồm có:
- Mao mạch bạch huyết: cấu tạo gần giống các mao mạch thông thường.
- Tĩnh mạch bạch huyết: thành tĩnh mạch bạch huyết nhỏ cấu tạo giống
mao mạch bạch huyết nhưng lớp mô liên kết quanh mạch nhiều hơn. Thành các
tĩnh mạch bạch huyết lớn cũng có cấu tạo 3 lớp áo. Van trong các tĩnh mạch bạch
huyết có dạng hình phễu và phân bố khá đều đặn. Rải rác dọc theo mạch bạch
huyết là các hạch bạch huyết.
2. HUYẾT ĐỘNG HỌC
Máu lưu thông trong hệ mạch tuân theo các qui luật vật lý với các đặc
trưng cơ bản của huyết động học bao gồm: lưu lượng máu, áp suất máu và sức
cản hệ mạch.
Công thức Poiseuille áp dụng trong trường hợp một chất lỏng chảy qua
một đoạn ống đã xác lập mối tương quan giữa lưu lượng với áp suất và sức
cản:
 .r 4
Q = P.
8.l

60
Trong đó:
- Q: lưu lượng chất lỏng.
- P: là hiệu số của áp suất đầu vào và đầu ra.
- r: bán kính ống.
- : độ nhớt của chất lỏng.
- l: chiều dài ống
Áp dụng công thức này cho cơ thể có thể xem chất lỏng là máu và ống
là mạch máu.
2.1. Lưu lượng máu
Lưu lượng (Q) là thể tích máu di chuyển trong một đơn vị thời gian
thường được tính bằng mL/giây.
- Lưu lượng máu trong động mạch phụ thuộc cung lượng tim (CO=SV
x f) do đó cũng phụ thuộc vào thể tích nhát bóp và tần số tim.
- Lưu lượng máu có liên quan với vận tốc máu: vận tốc là khoảng cách
mà máu di chuyển được trong một đơn vị thời gian thường được tính bằng
mm/giây. Liên quan giữa lưu lượng và vận tốc được thể hiện qua công thức:
Q V: vận tốc
V =
A Q: lưu lượng
A: thiết diện
Khi lưu lượng không đổi thì vận tốc tỉ lệ nghịch với thiết diện. Trong
hệ mạch tổng thiết diện cao nhất là ở mao mạch nên vận tốc máu ở đây thấp
nhất, ở động mạch chủ vận tốc máu cao nhất.
2.2. Áp suất máu
Áp suất máu (P) là áp lực mà máu tác dụng lên thành mạch tạo ra huyết
áp. Áp suất máu được tạo ra từ sự tương quan giữa áp lực đẩy máu tới và sức
cản máu của thành mạch.
- Để máu có thể chảy được trong lòng mạch thì áp lực đẩy máu tới phải
thắng được sức cản máu của hệ mạch.
- Để máu chảy theo một chiều thì áp suất máu đầu vào phải luôn luôn
lớn hơn áp suất máu đầu ra (áp suất truyền có hiệu quả: effective perfusion
pressure). Đối với vòng đại tuần hoàn, áp suất máu đầu vào ở quai động mạch
chủ thì tâm thu bằng 22mmHg và đầu ra ở chỗ tĩnh mạch đổ vào tâm nhĩ phải
bằng 0mmHg, do đó P chính bằng áp suất máu ở quai động mạch chủ. Đối
với vòng tiểu tuần hoàn, áp suất máu đầu vào thì tâm thu ở gốc động mạch

61
phổi bằng 22mmHg và đầu ra ở chỗ tĩnh mạch phổi đổ vào tâm nhĩ trái bằng
2mmHg. Nếu tăng áp suất đầu ra, giảm áp suất đầu vào sẽ làm giảm tốc độ
tuần hoàn, gây phù do thoát dịch ở mao mạch và ứ máu ngược dòng.
- Áp suất đóng mạch (critical closing pressure): áp suất trong mạch
giảm chưa tới không, thì máu không còn chảy trong mạch máu nữa. Trị số áp
suất tương ứng với lúc mạch xẹp gọi là áp suất đóng mạch.
2.3. Sức cản của hệ mạch
Sức cản của hệ mạch (R) là khả năng ngăn cản sự lưu thông của máu
trong hệ mạch. Theo định luật Poiseuille, thì:
8 .l 8 .l
P = Q. 4 như vậy
R=
 .r  .r 4
- Trong trường hợp hệ mạch ghép nối tiếp thì sức cản toàn phần bằng
tổng sức cản từng phần. Còn hệ mạch ghép song song thì sức cản toàn phần
nhỏ hơn sức cản từng phần.
- Các yếu tố ảnh hưởng lên sức cản của hệ mạch:
+ Trong hệ mạch, bình thường độ nhớt của máu và chiều dài mạch
không thay đổi nên không làm thay đổi sức cản. Một số trường hợp bệnh lý
làm độ nhớt máu tăng như tăng số lượng tế bào máu, bệnh hồng cầu hình cầu
(spherocytose), tăng protein huyết tương sẽ làm tăng sức cản hệ mạch.
+ Yếu tố chủ yếu làm thay đổi sức cản hệ mạch là bán kính của mạch.
Khi mạch co thì sức cản tăng và ngược lại, khi mạch giãn thì sức cản giảm.
- Lưu lượng máu bất cứ phần nào của hệ mạch thì bằng áp suất truyền
có hiệu quả (effective perfusion pressure) ở phần mạch đó chia cho sức cản
mạch (Q=P/R).
3. TUẦN HOÀN ĐỘNG MẠCH
Động mạch là các mạch máu dẫn máu từ tim đến các mô.
3.1. Tính chất sinh lý của động mạch
Động mạch có hai đặc tính sinh lý:
- Tính đàn hồi: là khả năng động mạch giãn ra trong thì tâm thu khi tim
bơm máu vào động mạch và trở lại trạng thái ban đầu trong thì tâm trương khi
không có máu chảy vào động mạch. Tính đàn hồi được thực hiện bởi các sợi
chun có trong thành động mạch. Nhờ có tính đàn hồi mà máu chảy liên tục
trong động mạch trong khi tim bơm máu vào động mạch ngắt quãng thành
từng đợt. Tính đàn hồi còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng cho tim do làm

62
giảm sức cản và tăng lưu lượng máu đối với mỗi co bóp của tim.
- Tính co thắt: là khả năng co nhỏ lại của thành động mạch làm hẹp
lòng mạch gây giảm lượng máu chảy qua. Tính co thắt được thực hiện bởi các
sợi cơ trơn có trong thành động mạch. Nhờ có tính co thắt mà động mạch có
thể thay đổi thiết diện để điều hòa lượng máu đến các cơ quan theo nhu cầu.
Tỷ số giữa số sợi cơ trơn và sợi chun khác nhau tùy từng loại động
mạch: động mạch lớn có nhiều sợi chun nên có tính đàn hồi tốt, động mạch
nhỏ có nhiều sợi cơ trơn nên tính co thắt là chủ yếu.
3.2. Huyết áp động mạch
3.2.1. Các loại huyết áp động mạch
Máu di chuyển trong động mạch với một áp suất nhất định gọi là huyết
áp động mạch. Các loại huyết áp:
- Huyết áp tâm thu hay huyết áp tối đa: là trị số huyết áp cao nhất trong
chu kỳ tim, đo được ở thời kỳ tâm thu, phụ thuộc vào sức co bóp của tim và
thể tích tâm thu, dao động từ 90-140mmHg.
- Huyết áp tâm trương hay huyết áp tối thiểu: là trị số huyết áp thấp nhất
trong chu kỳ tim, đo được ở thời kỳ tâm trương, phụ thuộc vào trương lực của
mạch máu (sức cản thành mạch), dao động từ 50-90mmHg.
- Huyết áp hiệu số: là mức chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết
áp tâm trương, bình thường khoảng 40-50mmHg. Đây là điều kiện cho máu
lưu thông trong động mạch. Khi hiệu áp giảm còn gọi là huyết áp kẹp là dấu
hiệu cho thấy tim còn ít hiệu lực bơm máu (giảm huyết áp tâm thu) hoặc tăng
trương lực thành mạch (tăng huyết áp tâm trương) làm cho tuần hoàn máu bị
ứ trệ.
- Huyết áp trung bình: là trị số áp suất máu trung bình trong một chu kỳ
tim của đoạn mạch. Huyết áp trung bình = huyết áp tâm trương + 1/3 hiệu áp.
Huyết áp trung bình thể hiện hiệu lực làm việc thật sự của tim và đây chính là
lực đẩy máu qua hệ thống tuần hoàn.
3.2.2. Các phương pháp đo huyết áp
* Đo trực tiếp:
Đo huyết áp trực tiếp là phương pháp xâm nhập bằng cách cho ống
thông vào động mạch, trị số huyết áp được xác định bằng máy dao động hoặc
huyết áp kế Ludwig. Đồ thị huyết áp ghi được gồm 3 sóng:
- Sóng cấp I (sóng ): là những sóng nhỏ, thể hiện sự biến đổi huyết áp

63
theo hoạt động của tim. Huyết áp tăng ở thì tâm thu và giảm ở thì tâm trương.
- Sóng cấp II (sóng ): nối các đỉnh sóng cấp I tạo thành sóng cấp II,
thể hiện sự biến đổi huyết áp theo hoạt động của hô hấp. Huyết áp tăng khi hít
vào và giảm khi thở ra.
- Sóng cấp III (sóng ): nối các đỉnh sóng cấp II tạo thành sóng cấp III,
thể hiện sự biến đổi huyết áp theo hoạt động của trung tâm vận mạch. Huyết
áp tăng khi co mạch và giảm khi giãn mạch.
Sóng β Sóng 

Sóng 
Hình 5.8. Các sóng của đồ thị đo huyết áp trực tiếp
* Đo gián tiếp: dùng máy đo huyết áp ngoài da không xâm nhập

Hình 5.9. Cơ chế xuất hiện tiếng động Korotkov


- Phương pháp nghe của Korotkov: dùng huyết áp kế đồng hồ hay thủy
ngân, quấn bao cao su quanh cánh tay, trên nếp khuỷu tay 2cm. Đặt ống nghe
để nghe mạch đập ở động mạch cánh tay (1/3 trong của nếp khuỷu). Bơm khí
vào bao cao su, đến lúc động mạch cánh tay bị ép, làm máu không chảy qua,
lúc này không nghe được tiếng đập mạch. Bơm tiếp 20-30mmHg sau đó giảm
áp suất trong bao cao su xuống dần, đến khi áp suất trong bao cao su bằng với
áp suất tâm thu. Mỗi lần tim bóp làm cho máu vượt qua chỗ bị hẹp va đập vào
thành mạch phía dưới chỗ hẹp gây ra tiếng động, chúng ta nghe được, ứng với

64
trị số trên đồng hồ hoặc mức thủy ngân đó chính là huyết áp tâm thu. Tiếp tục
giảm áp suất trong bao cao su, đến khi không nghe tiếng đập, ứng với huyết
áp tâm trương.
- Phương pháp bắt mạch của Ravi Roci: cũng như trên thay vì dùng ống
nghe, nghe mạch đập, ta bắt mạch ở động mạch quay. Bơm khí vào bao cao
su đến lúc mạch không đập, sau đó giảm áp suất xuống, mạch sẽ đập trở lại,
ứng với huyết áp tâm thu. Tiếp tục giảm áp suất đến khi mạch đập từ mạnh sang
đập nhẹ, ứng với huyết áp tâm trương.
3.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến huyết áp
Dựa vào định luật Poiseuille cho thấy các yếu tố ảnh hưởng lên huyết
áp gồm:
- Ảnh hưởng của cung lượng tim: cung lượng tim tăng làm cho huyết
áp tăng và ngược lại. Cung lượng tim lại phụ thuộc vào thể tích nhát bóp và
tần số tim (Q=VS x f), do vậy:
+ Thể tích nhát bóp: khi tim co bóp mạnh (như trong vận cơ), thể tích
nhát bóp tăng làm cung lượng tim tăng, nên huyết áp tăng. Suy tim sẽ làm
giảm lực co cơ tim nên huyết áp giảm.
+ Tần số tim: tần số tim tăng làm cung lượng tim tăng, dẫn đến huyết
áp tăng. Tuy nhiên, nếu tần số trên 140 lần/phút, thời gian tâm trương giảm,
máu về tâm thất ít, cung lượng giảm làm cho huyết áp giảm.
- Ảnh hưởng của máu: độ nhớt tăng, làm cho huyết áp tăng và ngược
lại. Thể tích máu tăng, làm cho huyết áp tăng và ngược lại.
- Ảnh hưởng của mạch máu: co mạch làm cho huyết áp tăng và ngược
lại. Mạch máu kém đàn hồi (xơ cứng mạch) làm tăng sức cản dẫn đến huyết áp
tăng.
- Các yếu tố khác: tuổi càng lớn huyết áp càng tăng do tình trạng xơ
vữa động mạch; Trọng lực thay đổi khoảng 1cm chiều cao, làm huyết áp thay
đổi khoảng 0,77mmHg; Chế độ ăn mặn, nhiều protein làm tăng độ nhớt dẫn
đến tăng huyết áp; Khi vận động, lúc đầu huyết áp tăng, do phản xạ của cảm
xúc trước vận động, sau đó huyết áp giảm dần nhưng vẫn cao hơn bình
thường; Lao động nặng huyết áp giảm.
3.3. Điều hòa tuần hoàn động mạch
Điều hòa tuần hoàn động mạch chính là điều hòa huyết áp động mạch.
3.3.1. Điều hòa nhanh

65
3.3.1.1. Cơ chế tại chỗ
- Di chuyển dịch tại mao mạch: khi huyết áp thay đổi, áp suất của mao
mạch cũng thay đổi cùng chiều, gây thay đổi trao đổi dịch ở mao mạch, giúp
đưa huyết áp trở về bình thường.
- Cơ chế thích ứng của mạch: sự thay đổi thể tích của mạch máu thích
ứng với độ tăng thể tích máu, có hiệu quả trong giới hạn lượng máu tăng hay
giảm cấp tính (tăng dưới 30% và giảm dưới 14%).
3.3.1.2. Cơ chế thần kinh
* Hệ thần kinh tự chủ:
- Thần kinh giao cảm: bình thường liên tục phát xung với một cường độ
nhất định đến cơ trơn thành mạch tạo trương lực mạch máu. Khi bị kích thích,
hóa chất trung gian tận cùng của thần kinh giao cảm là noradrenalin sẽ tác
dụng lên:
+ Tim: receptor 1 làm tăng hoạt động của tim dẫn đến tăng huyết áp.
+ Động mạch: đa số là receptor α1 trên màng tế bào cơ trơn của các
động mạch ngoại biên và động mạch các cơ quan nội tạng làm co mạch, tăng
huyết áp. Một số là receptor 2 trên màng tế bào cơ trơn thuộc các nhánh nhỏ
đi sâu vào khối cơ của động mạch vành và động mạch cơ vân làm giãn mạch,
giảm huyết áp.
+ Tĩnh mạch: co các tĩnh mạch, do đó dồn máu về tim góp phần điều
hòa lưu lượng máu.
- Thần kinh phó giao cảm: hầu như không có tác dụng trực tiếp trên
mạch mà tác dụng gián tiếp thông qua việc điều hòa hoạt động tim. Kích thích
thần kinh X làm giảm tần số tim, giảm lực co cơ tim nên làm giảm huyết áp.
* Các phản xạ:
Trung tâm vận mạch nằm ở hành não gồm hai vùng: vùng co mạch phát
xung động xuống kích thích trung tâm giao cảm ở sừng bên chất xám tủy
sống làm tăng huyết áp; vùng ức chế phát xung động xuống ức chế trung tâm
giao cảm ở sừng bên chất xám tủy sống đồng thời ức chế vùng co mạch làm
giảm huyết áp. Các phản xạ phần lớn thông qua trung tâm vận mạch để điều
hòa huyết áp.
- Phản xạ áp cảm thụ quan: cung phản xạ tương tự điều hòa hoạt động
tim. Khi huyết áp tăng, xung động từ áp cảm thụ quan về hành não, kích thích
vùng ức chế của trung tâm vận mạch làm giảm huyết áp. Khi huyết áp giảm,

66
các xung động này không truyền, vùng co mạch được giải phóng phát xung
động làm tăng huyết áp. Phản xạ này có vai trò đệm làm cho huyết áp ít thay
đổi theo hoạt động hàng ngày.
- Phản xạ hóa cảm thụ quan: cung phản xạ tương tự điều hòa hoạt động
tim. Khi PO2 giảm, PCO2 tăng, pH giảm, xung động từ hóa cảm thụ quan,
truyền về hành não, kích thích vùng co mạch của trung tâm vận mạch làm
tăng huyết áp.
- Phản xạ hệ thần kinh trung ương: khi lượng máu đến não giảm, nồng
độ CO2, acid lactic và các acid khác tăng sẽ kích thích vùng co mạch của
trung tâm vận mạch làm tăng huyết áp. Đây là cơ chế điều hòa khẩn cấp,
nhanh và mạnh, huyết áp có thể tăng đến 270mmHg.
- Phản xạ do thụ thể ở phổi và nhĩ: thành động mạch phổi và tâm nhĩ có
những receptor nhận cảm sự căng khi lượng máu về nhĩ nhiều, từ đây hình
thành phản xạ làm tăng bài tiết các natriuretic peptid dẫn đến giảm huyết áp.
- Phản xạ Bainbridge (còn gọi là phản xạ tim – tim): tăng áp suất trong
nhĩ làm tăng tần số tim có thể lên đến 75% gián tiếp ảnh hưởng lên huyết áp.
- Phản xạ co tĩnh mạch: khi huyết áp giảm, phản xạ giao cảm gây co
tĩnh mạch, máu dồn qua hệ thống động mạch làm cung lượng tim tăng và tăng
huyết áp.
- Phản xạ co cơ vân: co cơ khi vận động sẽ làm tăng cung lượng tim và
tăng huyết áp.
3.3.1.3. Cơ chế thể dịch
* Các hormon làm co mạch, tăng huyết áp:
- Tủy thượng thận tiết catecholamin gồm:
+ Noradrenalin tác dụng chủ yếu lên receptor , ít tác dụng lên  do
vậy làm co mạch hầu hết các cơ quan, tăng sức cản ngoại biên dẫn đến tăng
huyết áp tâm thu và tâm trương.
+ Adrenalin tác dụng lên cả receptor  và  do đó làm tăng mạnh hoạt
động của tim, co các mạch máu có thụ thể  dẫn đến tăng huyết áp tâm thu
nhưng không tăng huyết áp tâm trương. Adrenalin cũng làm giãn các mạch
máu có thụ thể  như mạch vành, mạch cơ vân.
- Hệ thống renin – angiotensin: khi thể tích dịch ngoại bào giảm, huyết
áp giảm, tăng hoạt động của hệ giao cảm sẽ kích thích tế bào cận tiểu cầu tiết

67
ra renin. Renin biến đổi angiotensinogen trong máu thành angiotensin I và
được men chuyển biến đổi thành angiotensin II. Chất này gây co tiểu động
mạch làm tăng huyết áp, đồng thời tác động trực tiếp lên vỏ thượng thận làm
tăng tổng hợp và bài tiết aldosteron, tác dụng trên não làm tăng trương lực
thành mạch, tăng lượng nước uống vào, tăng bài tiết vasopressin và ACTH.
- Vasopressin: do vùng hạ đồi tiết ra và dự trữ ở hậu yên, có tác dụng
làm tăng tái hấp thu nước ở thận. Ở liều sinh lý, không ảnh hưởng đến huyết
áp, nhưng ở liều cao sẽ làm tăng huyết áp do gây co mạch.
- Endothelin: do tế bào nội mô mạch máu tiết ra có tác dụng co mạch
mạnh hơn cả angiotensin và vasopressin làm tăng huyết áp.
- Serotonin cũng có tác dụng co mạch.
* Các hormon làm giãn mạch, giảm huyết áp:
- Các natriuretic peptid gồm ANP (atrial natriuretic peptide), BNP
(brain natriuretic peptide) và CNP (C-type natriuretic peptide): được tiết ra
khi thành tim bị căng có tác dụng giãn mạch, tăng độ lọc cầu thận, giảm tái
hấp thu muối, nước, ức chế bài tiết aldosteron, ADH và giảm cảm giác khát.
- Nitric oxid (NO): do tế bào nội mô mạch máu tiết ra có tác dụng làm
giãn mạch.
- Bradykinin, histamin, prostaglandin, adenosin, acid lactic: có tác dụng
làm giãn mạch, giảm huyết áp.
3.3.2. Điều hòa chậm
- Thận: khi huyết áp tăng làm tăng thải nước và Na+ ở thận dẫn đến
huyết áp giảm. Cơ chế này được thực hiện thông qua vai trò của renin –
angiotensin, ADH, aldosteron và hệ giao cảm
- Cung lượng tim: tăng cung lượng tim làm co mạch vài ngày đến vài
tuần. Lúc đầu huyết áp tăng do tăng cung lượng tim, sau vài tuần 80-90% sự
tăng áp suất là do tăng tổng sức cản ngoại biên, 10-20% là do tác dụng trực
tiếp của tăng cung lượng tim.
- Chế độ ăn uống: chế độ ăn uống ảnh hưởng đến chuyển hóa muối và
nước của cơ thể từ đó cũng tác động đến huyết áp.
4. TUẦN HOÀN TĨNH MẠCH
Tĩnh mạch là các mạch máu dẫn máu từ mô về tim.
4.1. Tính chất sinh lý của tĩnh mạch
Hệ tĩnh mạch có khả năng chứa máu lớn vì số lượng tĩnh mạch nhiều

68
hơn động mạch, thiết diện của tĩnh mạch lớn, khả năng giãn nở lớn và có
nhiều xoang tĩnh mạch. Khi thể tích tuần hoàn tăng đột ngột, tĩnh mạch sẽ
giãn ra để chứa máu, tránh được gánh nặng cho tim.
Cũng chính vì thành tĩnh mạch ít cơ trơn nên máu chảy trong tĩnh mạch
là thụ động, nhờ có van mà máu chỉ chảy theo một chiều về tim. Các nguyên
nhân tuần hoàn tĩnh mạch:
- Sức bơm của tim: tim bơm máu vào trong động mạch, tạo ra một áp
suất đến mao mạch, áp suất này giảm dần. Đến cuối mao mạch, áp suất này
còn 15mmHg vẫn cao hơn áp suất trong tâm nhĩ phải nên đẩy máu về tim.
- Sức hút của tim:
+ Thì tâm thu: khi tâm thất thu sẽ kéo sàn nhĩ thất xuống do đó tâm nhĩ
giãn rộng làm áp suất trong tâm nhĩ giảm, tác dụng hút máu về tim.
+ Thì tâm trương: tâm thất giãn ra làm áp suất trong tâm thất giảm, tạo
sức hút máu từ nhĩ xuống thất và từ tĩnh mạch về nhĩ.
- Sức hút của lồng ngực:
+ Khi hít vào lồng ngực giãn rộng, áp suất trong lồng ngực càng âm,
tâm nhĩ và các tĩnh mạch lớn trong lồng ngực giãn hút máu về. Đồng thời lúc
này cơ hoành hạ xuống làm áp suất trong bụng tăng đẩy máu về tim.
+ Khi tâm thất thu: tim nhỏ lại làm áp suất trong lồng ngực càng âm,
tĩnh mạch và tâm nhĩ giãn ra hút máu về tim.
- Sức ép của cơ: khi cơ co, sẽ ép lên tĩnh mạch đẩy máu chảy và nhờ có
van nên máu chỉ chảy về tim.
- Ảnh hưởng của động mạch: một động mạch lớn thường kèm theo hai
tĩnh mạch, trong cùng một bao xơ. Khi động mạch đập, ép máu di chuyển
trong tĩnh mạch về tim.
- Ảnh hưởng của trọng lực: do trọng lực, ở tư thế đứng máu di chuyển
trong các tĩnh mạch phía trên tim về tim thuận lợi nhưng sẽ khó khăn cho tĩnh
mạch phía dưới tim đưa máu về tim.
4.2. Huyết áp tĩnh mạch
4.2.1. Trị số huyết áp tĩnh mạch
Tĩnh mạch nhỏ có áp suất khoảng 12-18mmHg, áp suất giảm dần ở các
tĩnh mạch lớn, nơi tĩnh mạch chủ đổ vào tâm nhĩ phải bằng khoảng 2-6mmHg
gọi là áp lực tĩnh mạch trung tâm (CVP: Central Venous Pressure). CVP rất
quan trọng trên lâm sàng, trị số này phản ánh lượng máu trở về tim. CVP tăng

69
lên có thể đến 20-40cm nước trong suy tim và giảm trong shock.
Áp suất tĩnh mạch ngoại biên chịu ảnh hưởng của trọng lực, khi thay
đổi 1cm chiều cao, làm thay đổi 0,77mmHg huyết áp. Áp suất tĩnh mạch cổ
khi đứng bằng không, nên tĩnh mạch xẹp. Áp suất trong xoang tĩnh mạch ở
đầu âm so với khí trời.
4.2.2. Cách đo CVP
Đo trực tiếp bằng cách đâm kim vào tĩnh mạch lớn ở gần ngực như tĩnh
mạch cánh tay, tĩnh mạch dưới đòn hoặc tĩnh mạch cảnh, sau đó luồn ống
thông vào đến tĩnh mạch chủ hoặc nhĩ phải, rồi nối thông với áp kế nước.
4.3. Điều hòa tuần hoàn tĩnh mạch
Tĩnh mạch có khả năng co giãn, nhưng giãn nhiều hơn co. Các yếu tố
ảnh hưởng đến tĩnh mạch là: nhiệt độ tăng gây giãn tĩnh mạch; nồng độ O 2
giảm làm co tĩnh mạch nội tạng và giãn tĩnh mạch ngoại vi, nồng độ CO 2 tăng
làm giãn tĩnh mạch ngoại vi; adrenalin và histamin làm co tĩnh mạch.
5. TUẦN HOÀN MAO MẠCH
Mao mạch là một hệ thống gồm những mạch máu nhỏ, nối giữa tiểu
động mạch và tiểu tĩnh mạch. Ở một thời điểm nhất định chỉ có 5% máu trong
mao mạch, nhưng rất quan trọng vì ở đây xảy ra quá trình trao đổi chất.
5.1. Tính chất sinh lý của mao mạch
Có hai loại mao mạch:
- Mao mạch thật sự: là những mao mạch có cơ thắt tiền mao mạch, khi
co thắt sẽ điều hoà lượng máu vào mao mạch. Thành mao mạch mỏng có vai
trò siêu lọc gồm một lớp tế bào nội mô có những lỗ đường kính 30Å. Bào
tương tế bào nội mô kéo dài thành những lá mỏng chồm lên tế bào khác
nhưng không dính, tạo ra những khe hở 1m. Đường kính mao mạch nhỏ đủ
cho một hồng cầu ép mình đi qua.
- Kênh ưu tiên: là những mao mạch luôn mở, không có cơ thắt tiền mao
mạch đảm bảo sự thông suốt giữa động mạch và tĩnh mạch. Thành của các
mao mạch này cấu tạo bởi những tế bào nội mô và màng đáy liên tục, kín.
5.2. Chức năng mao mạch
- Chức năng trao đổi chất giữa máu và dịch kẽ: xảy ra ở mao mạch thật
sự bằng nhiều cơ chế:
+ Khuếch tán: cơ chế này quan trọng trong sự trao đổi các chất dinh
dưỡng và những chất chuyển hoá giữa máu và mô như O2, CO2, glucose...

70
+ Siêu lọc: cơ chế này áp dụng cho sự trao đổi dịch
Tốc độ lọc = K [(Pc + πi) – (Pi + πc)]
K: hệ số lọc
Các áp suất đẩy dịch ra khoảng kẽ:
Pc: áp suất thủy tĩnh mao mạch ở đầu động mạch (mao động
mạch) là 30mmHg, ở đầu tĩnh mạch (mao tĩnh mạch) là
10mmHg.
πi: áp suất keo dịch kẽ =8mmHg.
Các áp suất hút dịch vào trong lòng mạch:
Pi: áp suất thủy tĩnh dịch kẽ =-3mmHg.
πc: áp suất keo huyết tương =28mmHg.
Kết quả: dịch và vật chất di chuyển từ mao mạch vào mô ở đầu động
mạch của mao mạch và di chuyển từ mô vào mao mạch ở đầu tĩnh mạch của
mao mạch.

Hình 5.10. Hiện tượng lọc tại mao mạch


+ Ẩm bào: cơ chế này thường xảy ra trong sự trao đổi các chất có trọng
lượng phân tử lớn như lipoprotein, polysaccharid…
- Chức năng thực bào: tế bào nội mô của các mao mạch kiểu xoang
được xem là những đại thực bào cố định có khả năng thực bào. Ở mao mạch
cũng là nơi bạch cầu xuyên mạch, đến mô để bảo vệ cơ thể.
- Chức năng tạo mạch.
5.3. Điều hòa tuần hoàn mao mạch

71
- Nồng độ O2 trong dịch kẽ: là yếu tố quan trọng nhất điều hòa hoạt
động của cơ thắt tiền mao mạch. Khi O2 giảm cơ thắt tiền mao mạch mở và
ngược lại.
- Nồng độ CO2 tăng, pH giảm và tăng các chất chuyển hóa trung gian ở
dịch kẽ làm giãn cơ thắt tiền mao mạch.
- Catecholamin làm co cơ thắt tiền mao mạch qua -receptor.
- Acetylcholin, histamin và các kinin (bradykinin) có tác dụng làm giãn
kênh ưu tiên.
- Nhiệt độ tại mô tăng làm giãn cơ thắt tiền mao mạch và ngược lại.
6. TUẦN HOÀN BẠCH MẠCH
6.1. Tính chất sinh lý của bạch mạch
- Mao mạch bạch huyết gần giống các mao mạch thông thường nhưng
đường kính lớn hơn, các tế bào nội mô thiếu sự liên kết chặt chẽ với nhau hơn.
Đồng thời có nhiều sợi cố định mao mạch bạch huyết với các mô liên kết xung
quanh khiến cho khoảng hở giữa các tế bào nội mô lớn. Do hệ bạch mạch bắt đầu
từ mao mạch (không có động mạch), nên các lỗ giữa các tế bào nội mô không có
chức năng lọc mà chỉ có chức năng hấp thu.
- Dọc theo mạch bạch huyết là các hạch bạch huyết, nơi trú ngụ và trưởng
thành của các lympho bào.
6.2. Chức năng bạch mạch
- Tuần hoàn: khoảng 1/10 lượng dịch ở mô kẽ sẽ chảy vào mao mạch
bạch huyết và trở về máu tĩnh mạch qua ống ngực và ống bạch huyết phải. Do
vậy, nếu tắc mạch bạch huyết có thể gây phù như trong trường hợp nhiễm
giun chỉ.
- Dinh dưỡng: các protein không thể tái hấp thu vào mao tĩnh mạch
nhưng lại dễ dàng đi vào mao mạch bạch huyết do các lỗ giữa các tế bào nội
mô lớn. Khoảng 2/3 bạch huyết của cơ thể xuất phát từ gan và ruột nên đây
cũng là một trong những con đường chủ yếu để hấp thu các chất dinh dưỡng
từ ống tiêu hóa, đặc biệt hấp thu mỡ.
- Tham gia vào hoạt động miễn dịch: hệ bạch huyết giúp các tế bào
lympho liên tục tuần hoàn đi khắp cơ thể. Các phân tử lạ như vi khuẩn khi
xâm nhập vào mô kẽ sẽ bị đại thực bào bắt giữ và trình diện kháng nguyên
cho các lympho cư trú tại các hạch bạch huyết gần đó xử lý.

72
Câu hỏi lượng giá:
1. Trình bày hoạt động của phản xạ giảm áp trên hoạt động của tim và mạch
máu sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nhịp tim và huyết áp?
2. Trình bày hoạt động khuếch tán trong quá trình trao đổi chất diễn ra tại
mao mạch?
3. Giải thích cơ chế phù trong bệnh lý sốt xuất huyết dựa trên cơ sở lý thuyết
sinh lý đã học?
4. Nút xoang bình thường là nút tạo d. Áp suất thất trái cuối tâm trương.
nhịp cho toàn tim vì lý do: 8.Yếu tố sau đây là chỉ số chính
a. Tạo các xung thần kinh. của hậu tải:
b. Nhịp xung cao hơn các nơi khác. a. Áp suất thất trái cuối tâm trương.
c. Chịu sự kiểm soát của hệ thần b.Áp suất động mạch chủ trong lúc
kinh tự chủ. van động mạch chủ mở.
d. Gần nút nhĩ – thất. c. Áp suất nền động mạch phổi.
5. Đóng van nhĩ thất được khởi đầu d. Áp suất máu động mạch trung
bởi quá trình nào sau: bình.
a. Co nhĩ 9.Trong giai đoạn bơm máu, độ sai
b. Co cơ cột biệt áp suất là nhỏ nhất giữa:
c. Giãn thất a. Thất phải và nhĩ phải.
d. Áp suất máu trong tâm thất cao b. Thất trái và nhĩ trái.
hơn trong tâm nhĩ c. Thất trái và động mạch chủ
6.Trong giai đoạn bình nguyên của d. Động mạch chủ và mao mạch.
điện thế động tâm thất, độ dẫn của 10.Yếu tố làm tăng huyết áp động
kênh sau đây là lớn nhất: mạch:
a. Na+. a. Kháng lực ngoại biên tăng
b. K+. b. Cung lượng tim tăng
++
c. Ca . c. Độ nhớt máu tăng
-
d. Cl . d. Tất cả đều đúng
7.Yếu tố sau đây là chỉ số chính 11.Phản xạ áp cảm thụ quan có tác
của tiền tải: dụng làm:
a. Thể tích máu. a. Tần số tim chậm, gây giãn mạch
b. Áp suất tĩnh mạch trung tâm. b. Tần số tim nhanh, gây giãn mạch
c. Thể tích thất trái cuối tâm c. Tần số tim nhanh, gây co mạch
trương. d. Tần số tim không thay đổi, huyết

73
áp giảm a. Giảm áp suất thủy tĩnh và áp suất
12.Phản xạ hóa cảm thụ quan có keo huyết tương
tác dụng: b. Tăng áp suất thủy tĩnh và giảm
a. Co mạch áp suất keo
b. Giãn mạch c. Giảm áp suất thủy tĩnh và tăng
c. Không có tác dụng trên hệ mạch áp suất keo
d. Ức chế trung tâm vận mạch d. Tăng áp suất thủy tĩnh và áp suất
13.Phù sẽ xảy ra khi có sự thay đổi keo
về áp suất thủy tĩnh mao tĩnh mạch
hoặc áp suất keo huyết tương như
sau:

74
Chương 7
SINH LÝ HỆ HÔ HẤP

Cơ thể sử dụng O2 cho các hoạt động sống đồng thời sinh ra CO2. Cung
cấp O2 và thải CO2 là chức năng chính của bộ máy hô hấp. Quá trình hô hấp
gồm 4 giai đoạn:
- Thông khí phổi (hô hấp ngoại, trao đổi khí ngoài phổi): trao đổi khí
giữa khí quyển và phế nang.
- Trao đổi khí tại phổi: trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch phổi.
- Chuyên chở khí trong máu: vận chuyển khí giữa phổi và các mô, các
cơ quan.
- Hô hấp nội: hô hấp tế bào (xem hóa sinh).

THÔNG KHÍ PHỔI

Mục tiêu:
1. Phân tích được vai trò của lồng ngực, màng phổi, phổi và đường dẫn khí
trong hoạt động thông khí phổi.
2. Xác định được các thể tích, dung tích và lưu lượng khí trong hô hấp.
3. Trình bày được khái niệm về khoảng chết và thông khí phế nang.
3. Trình bày được điều hòa hoạt động thông khí phổi

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA BỘ MÁY HÔ HẤP


- Lồng ngực được xem là một khoang kín có khả năng thay đổi thể tích.
Gồm:
+ Phần cố định: cột sống.
+ Phần di động: xương sườn, xương ức.
+ Phần cử động co giãn: các cơ hô hấp như cơ hoành, cơ liên sườn
ngoài, cơ liên sườn trong, cơ thành bụng trước.
- Màng phổi: gồm lá thành và lá tạng. Lá tạng dính sát vào phổi, lá
thành dính sát vào lồng ngực. Ở giữa 2 lá là một khoang ảo có vài mililít dịch
nhầy giúp 2 lá trượt lên nhau dễ dàng.

75
- Đường dẫn khí: được chia thành 2 phần
+ Đường hô hấp trên: mũi, miệng, hầu, thanh quản.
+ Đường hô hấp dưới: khí quản, phế quản, tiểu phế quản. Được chia
thành nhiều thế hệ. Từ thế hệ 0 (khí quản)-16 (tiểu phế quản tận cùng) chỉ làm
nhiệm vụ dẫn khí. Từ thế hệ 17-19 (tiểu phế quản hô hấp), thế hệ 20-22 (ống
phế nang) và thế hệ 23 (phế nang), trên đường dẫn khí đã có phế nang nên
làm thêm nhiệm vụ trao đổi khí.
- Phổi: đơn vị cấu tạo và chức năng của phổi là các phế nang (túi phổi).
Phế nang được các mao mạch phổi bao bọc như một mạng lưới. Biểu mô phế
nang có hai loại tế bào chính, tế bào biểu mô typ 1 là tế bào lót nguyên thủy
nhạy cảm với mọi đột nhập có hại vào phế nang và tế bào biểu mô typ 2 bài
tiết chất hoạt diện. Ngoài ra còn có các tế bào khác như đại thực bào phế nang
(tế bào bụi), lympho, tương bào, dưỡng bào.
2. HOẠT ĐỘNG THÔNG KHÍ PHỔI
Thông khí phổi là quá trình trao đổi khí giữa phế nang và khí quyển.
Khí di chuyển từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp, do vậy:
- Muốn đem khí từ khí quyển vào phế nang (hít vào) thì PKQ>PPN.
- Muốn đưa khí từ phế nang ra ngoài khí quyển (thở ra) thì PPN>PKQ.
2.1. Vai trò của lồng ngực
2.1.1. Động tác hít vào
2.1.1.1. Hít vào bình thường
Là một động tác chủ động (cần năng lượng co cơ). Được thực hiện chủ
yếu nhờ sự co của 2 cơ: cơ hoành và cơ liên sườn ngoài làm tăng kích thước
lồng ngực lên theo 3 chiều:
- Chiều trên dưới: vai trò của cơ hoành là cơ hô hấp chính
+ Khi nghỉ: nằm ở đáy lồng ngực, lồi lên thành 2 vòm.
+ Khi co: phẳng ra, hạ thấp xuống làm tăng đường kính trên dưới của
lồng ngực. Cứ hạ thấp xuống 1cm có thể làm tăng thể tích lồng ngực lên
250cm3. Trong hít vào bình thường có thể hạ thấp khoảng 1,5cm, khi hít vào
gắng sức có thể hạ thấp đến 7-8cm.
- Chiều trước sau và chiều ngang: vai trò của cơ liên sườn ngoài
+ Khi nghỉ: xương sườn chếch ra trước và xuống dưới, cơ liên sườn
ngoài chạy chéo ra trước và xuống dưới từ xương sườn này đến xương sườn
kia.

76
+ Khi co: nâng xương sườn lên, đưa xương ức ra phía trước làm tăng
đường kính trước sau và đường kính ngang. Cơ này còn làm cho khoảng liên
sườn không bị lõm khi hít vào do áp suất lồng ngực giảm.

Hình 6.1. Sự di chuyển của cơ hoành, xương sườn


và cơ liêm sườn khi hít vào
2.1.1.2. Hít vào gắng sức
Là một động tác chủ động (cần năng lượng co cơ). Được thực hiện nhờ
sự co của cơ hoành, cơ liên sườn ngoài đồng thời huy động thêm các cơ hô
hấp phụ:
- Cơ ức đòn chủm, cơ răng cưa lớn…
+ Khi bình thường: các cơ này tì vào bộ phận tương đối bất động là
lồng ngực để làm cử động đầu và chi trên.
+ Khi hít vào gắng sức: đầu và tay trở thành bất động tương đối, cơ hô
hấp phụ tỳ vào đó mà nâng xương sườn lên thêm nữa. Do vậy người lúc này
sẽ có một tư thế đặc biệt là hơi ngửa cổ, hai tay dang ra không cử động.
- Cơ cánh mũi, cơ má, cơ lưỡi…: làm giảm kháng lực luồng khí.
2.1.2. Động tác thở ra
2.1.2.1. Thở ra bình thường
Là một động tác thụ động (không cần năng lượng co cơ). Các cơ hít
vào thôi không co nữa, lồng ngực trở về vị trí cũ dưới tác dụng đàn hồi của
phổi, lồng ngực và sức chống đối của các tạng trong lồng ngực.
2.1.2.2. Thở ra gắng sức
Là một động tác chủ động (cần năng lượng co cơ). Được thực hiện nhờ
sự co của 2 cơ: thành bụng trước và cơ liên sườn trong.
- Cơ thành bụng trước: khi co kéo lồng ngực xuống dưới và vào trong,
đồng thời tăng áp suất trong ổ bụng đẩy cơ hoành lên trên. Đây là cơ chủ yếu

77
gây thở ra gắng sức.
- Cơ liên sườn trong: chạy chéo xuống dưới và ra sau nên khi co kéo
lồng ngực xuống và vào trong.
2.2. Vai trò của màng phổi
2.2.1. Áp suất âm trong khoang màng phổi
Áp suất trong khoang màng phổi thấp hơn áp suất khí quyển nên được
gọi là áp suất âm.
- Cơ chế tạo áp suất âm trong khoang màng phổi:
+ Các mạch bạch huyết luôn duy trì một sức hút nhẹ các dịch thừa
trong khoang màng phổi và tạo ra một áp suất âm nhẹ trong khoang màng
phổi.
+ Phổi có tính đàn hồi luôn có xu hướng co nhỏ về phía rốn phổi. Mặt
khác, lồng ngực là một cấu trúc kín, cứng không co giãn theo nên làm khoang
ảo của màng phổi giãn rộng ra. Khi hít vào thể tích khoang màng phổi càng
tăng, trong điều kiện khoang màng phổi là một khoang kín, nhiệt độ không
đổi nên áp suất sẽ càng âm.
- Áp suất trong khoang màng phổi trong các thì hô hấp:
+ Thở ra bình thường: -5cmH2O (-2,5mmHg).
+ Thở ra gắng sức: -3 → 0cmH2O (-0,5 → 0mmHg).
+ Hít vào bình thường: -10cmH2O (-6mmHg).
+ Hít vào gắng sức: -20cmH2O có thể đến –40cmH2O (-30mmHg).
2.2.2. Ý nghĩa của áp suất âm trong khoang màng phổi
2.2.2.1. Đối với hô hấp
- Làm cho phổi di chuyển theo sự cử động của lồng ngực trong các thì hô
hấp.
- Làm cho hiệu suất trao đổi khí đạt được tối đa nhờ máu lên phổi nhiều
nhất cùng lúc với khí vào phổi nhiều nhất ở thì hít vào.
2.2.2.2. Đối với tuần hoàn
- Làm cho áp suất trong lồng ngực thấp hơn so với các vùng khác nên
máu về tim phải dễ dàng.
- Làm cho máu từ tim phải lên phổi dễ dàng.
2.3. Vai trò của phổi
2.3.1. Áp suất phế nang
Áp suất phế nang so với khí quyển trong các thì hô hấp:

78
- Hít vào:
+ Hít vào bình thường: -1 → -3mmHg (-1cmH2O).
+ Hít vào gắng sức: -60 → -100mmHg.
 PKQ > PPN  Không khí sẽ ùa vào phổi.
- Thở ra:
+ Thở ra bình thường: 1 → 5mmHg (1cmH2O).
+ Thở ra gắng sức: 150 → 200mmHg.
 PPN > PKQ  Không khí sẽ đi ra ngoài khí quyển.
2.3.2. Tính đàn hồi của phổi
Tính đàn hồi của phổi là khả năng nở ra và co xẹp lại của phổi.
2.3.2.1. Khả năng nở phổi
* Áp suất xuyên phổi (áp suất đàn hồi của phổi)
Pt = Pa - Pp
Áp suất xuyên phổi là sự chênh lệch áp suất giữa áp suất phế nang (P a)
và áp suất trong khoang màng phổi (Pp). Khi Pa > Pp sẽ làm phổi nở ra.
* Suất đàn (hệ số nở phổi)
Suất đàn (hệ số nở phổi) là độ tăng thể tích phổi khi tăng một đơn vị áp
suất.
Công thức tính suất đàn: C=dV/dP,
Trong đó: C là hệ số nở phổi, dV là biến đổi thể tích và dP là chênh
lệch áp suất giữa trong và ngoài phế nang.
- Suất đàn phổi tĩnh: là độ tăng thể tích phổi khi tăng một đơn vị áp suất
xuyên phổi (dP chính là áp suất xuyên phổi). Suất đàn phổi tĩnh tỷ lệ với
trọng lượng không mỡ của cơ thể. Bình thường ở người còn trẻ, suất đàn phổi
tĩnh của cả hai phổi là 200mL/cmH2O. Suất đàn phổi tĩnh phản ánh tính chất
nội tại của nhu mô phổi, trong bệnh lý xơ phổi, mô phổi mất tính mềm dẻo,
giảm suất đàn phổi tĩnh.
- Suất đàn lồng ngực: ít được sử dụng hơn, là độ tăng thể tích phổi khi
tăng một đơn vị áp suất chênh lệch giữa phế nang và lồng ngực. Suất đàn
lồng ngực có ý nghĩa xác định nguyên nhân bệnh lý do lồng ngực trong hội
chứng rối loạn thông khí hạn chế khi nhu mô phổi bình thường.
- Suất đàn tĩnh của toàn hệ thống hô hấp gồm suất đàn phổi tĩnh và suất
đàn lồng ngực. Bình thường bằng khoảng ½ suất đàn phổi tĩnh (khoảng

79
110mL/cmH2O).
2.3.2.2. Khả năng co xẹp phổi
Vị trí ban đầu của phổi khi không chịu tác dụng của một ngoại lực nào
là co xẹp. Khả năng co xẹp tạo ra sức cản của phổi chống lại sự nở phổi.
Khuynh hướng co xẹp này hình thành do 2 yếu tố:
- Các sợi đàn hồi của nhu mô phổi tạo nên 1/3 sức cản của phổi.
- Sức căng bề mặt của lớp dịch lót phế nang tạo nên 2/3 sức cản của
phổi. Lực này bị chất surfactant chi phối.
2.3.3. Chất surfactant (chất hoạt diện)
2.3.3.1. Nguồn gốc, thành phần của chất surfactant
- Nguồn gốc: do tế bào biểu mô phế nang type 2 bài tiết. Tế bào này
chiếm khoảng 10% diện tích bề mặt phế nang.
- Thời gian: bắt đầu bài tiết vào khoảng tháng thứ 6-7 bào thai.
- Đặc tính: không hoà tan trong nước mà trải trên bề mặt lớp dịch lót
phế nang.
- Thành phần: hợp chất phospholipid, protein và ion canxi mà quan
trọng nhất là:
+ Dipalmitol phosphatidyl cholin: làm giảm sức căng bề mặt.
+ Surfactant apoprotein và ion canxi: giúp phospholipid trải rộng trên
bề mặt lớp dịch lót phế nang.
2.3.3.2. Vai trò của chất surfactant
* Ảnh hưởng lên tính đàn hồi của phổi:
Chất surfactant có khả năng làm giảm sức căng bề mặt của lớp dịch lót
phế nang 2-14 lần bằng cơ chế sau:
- Lớp dịch lót phế nang tạo nên một mặt thoáng với khí phế nang. Bình
thường, các phân tử nước nằm trên mặt thoáng chịu sức hút của các phân tử
nước phía dưới lớn hơn so với sức hút của các phân tử khí trên mặt thoáng
nên chúng có khuynh hướng bị kéo xuống.
- Chất surfactant khi trải trên mặt thoáng của lớp dịch lót phế nang sẽ
làm giảm sức căng bề mặt vì không chịu lực hút của các phân tử nước trong
dịch lót phế nang.
* Ảnh hưởng lên sự ổn định của phế nang:
- Trong cấu trúc hình cầu (phế nang), theo định luật Laplace:

80
2T (dynes / cm)
P=
R(cm)
P: Áp suất khí trong phế nang.
T: Lực căng thành, chủ yếu do lớp dịch lót phế nang tạo ra.
R: bán kính phế nang.

Hình 6.2. Sức căng trong một khối cầu


- Các phế nang trong cơ thể có R khác nhau nên P trong các phế nang
nhỏ sẽ lớn hơn trong các phế nang lớn. Do đó khí sẽ dồn vào các phế nang
lớn. Kết quả sẽ là hàng loạt phế nang bị xẹp và hàng loạt phế nang bị phồng
lớn.
- Nhờ chất surfactant sẽ giúp điều chỉnh T theo R. Do vậy P không đổi
dù R thay đổi, điều này giúp sự tồn tại của các phế nang.
* Ảnh hưởng lên việc ngăn sự tích tụ dịch phù trong phế nang:
Sức căng bề mặt của lớp dịch lót phế nang không những làm co xẹp
phổi mà còn có khuynh hướng kéo dịch từ mao mạch vào phế nang. Chất
surfactant làm giảm áp lực này, góp phần tránh hiện tượng phù phổi và suy hô
hấp trên lâm sàng.
* Ảnh hưởng lên sự trao đổi khí:
Giúp các khí hoà tan dễ dàng tạo điều kiện tốt cho sự trao đổi khí.
2.4. Vai trò của đường dẫn khí
2.4.1. Làm đường dẫn và điều hoà lưu lượng khí ra vào phổi
- Làm đường dẫn khí: để đảm bảo là đường dẫn cho khí ra vào phổi
trong các thì hô hấp đường dẫn khí phải luôn mở rộng không bị xẹp. Chức
năng này được thực hiện nhờ đặc điểm cấu tạo của đường dẫn khí là các vòng
sụn ở khí quản, phế quản. Các tiểu phế quản không có vòng sụn nhưng vẫn nở
rộng là nhờ áp suất xuyên phổi.

81
- Điều hoà lưu lượng khí ra vào phổi là nhờ các tiểu phế quản có sợi cơ
trơn (cơ Reissessen). Khi cơ co, giãn có thể làm thay đổi thiết diện các tiểu
phế quản dẫn đến thay đổi lưu lượng khí lưu thông.
+ Thần kinh giao cảm và hormon tuỷ thượng thận tác động lên receptor
2 làm giãn cơ trơn phế quản. Ứng dụng trong điều trị các bệnh lý co thắt phế
quản như hen phế quản,...
+ Thần kinh phó giao cảm (thần kinh X) tiết ra acetylcholin tác động
lên thụ thể Muscarinic gây co cơ trơn phế quản mức độ nhẹ đến trung bình.
Ngoài ra khí độc, bụi, khói thuốc, các chất gây dị ứng… cũng có thể gây co
thắt tiểu phế quản.
2.4.2. Làm ẩm khí vào phổi
Nhờ các tế bào tiết dịch nhầy nằm trong lớp niêm mạc và các tuyến
nằm ở lớp dưới niêm mạc đảm bảo cho khí vào phổi được bảo hòa hơi nước.
2.4.3. Làm ấm khí vào phổi
Nhờ hệ thống mao mạch dưới niêm mạc sưởi ấm không khí, đảm bảo
cho khí vào đến phế nang có nhiệt độ gần bằng nhiệt độ cơ thể.
2.4.4. Thanh lọc khí bảo vệ cơ thể
- Phổi là cơ quan nội tạng mở thông với bên ngoài. Hàng ngày, có rất
nhiều chất lạ (vi sinh vật, bụi…) được xem là các hạt xâm nhập đường dẫn
khí:
+ Các hạt có kích thước >10m vào đến mũi-hầu.
+ Các hạt có kích thước 2-10m vào đến khí phế quản.
+ Các hạt có kích thước <2m vào đến tận phế nang.
- Cơ chế thanh lọc khí giúp bảo vệ cơ thể:
+ Cơ chế cơ học: chủ yếu bảo vệ vùng ngoài của hô hấp bằng cách
ngăn cản, bắt giữ và đào thải các hạt có kích thước lớn và vừa ra khỏi hệ hô
hấp. Cơ chế này được thực hiện nhờ: hệ thống lông mũi, cơ chế xoáy lắng của
mũi, hệ thống nhầy lông đường hô hấp, phản xạ hắt hơi, phản xạ ho.
+ Cơ chế miễn dịch: chủ yếu bảo vệ các vùng sâu của phổi bằng cách
tiêu hủy các hạt có kích thước nhỏ. Cơ chế này được thực hiện bởi: đại thực
bào phế nang (tế bào bụi), kháng thể bề mặt IgA.
2.4.5. Các chức năng đặc biệt khác
- Ngửi.

82
- Phát âm.
- Tình cảm.
3. ĐÁNH GIÁ HOẠT ĐỘNG THÔNG KHÍ PHỔI
3.1. Công hô hấp
Công hô hấp được tính cho thì hít vào (còn thì thở ra nếu không gắng
sức là thụ động). Gồm:
- Công thắng đàn hồi: kháng lại lực đàn hồi của phổi và lồng ngực.
- Công thắng lực kháng của mô: kháng lại lực dính và quán tính của
phổi và lồng ngực.
- Công thắng lực ma sát: kháng lại lực ma sát của không khí khi đi qua
đường dẫn khí. Bình thường lực này không đáng kể.
3.2. Phế động ký
Ghi cử động của lồng ngực. Trên giản đồ ta thấy: đoạn hít vào ngắn và
dốc hơn đoạn thở ra, sau thở ra có giai đoạn nghỉ.
3.3. Các thông số hô hấp
Các thông số hô hấp bao gồm thể tích, dung tích và lưu lượng hô hấp
được đo bằng máy đo thông khí (còn gọi là máy hô hấp ký, phế dung ký hay
chức năng hô hấp). Các thông số hô hấp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như
tuổi, giới, chiều cao, cân nặng, chủng tộc...
3.3.1. Các thông số đánh giá khả năng chứa đựng của phổi

Hình 6.3. Các thể tích, dung tích trên hô hấp ký đo bằng phép đo thể tích
Các thông số đánh giá khả năng chứa đựng của phổi là những thông số
về thể tích và dung tích. Nhóm thông số này có đơn vị là lít hoặc mililit.
* Nhóm thông số thể tích (V: volume):
- Thể tích khí lưu thông (TV hay VT: Tidal volume): là thể tích khí của

83
một lần hít vào hoặc thở ra bình thường. Ở người trưởng thành bình thường
khoảng 400-500mL, gia tăng ở bệnh nhân có hội chứng rối loạn thông khí tắc
nghẽn và giảm ở bệnh nhân có hội chứng rối loạn thông khí hạn chế.
- Thể tích dự trữ hít vào (IRV: Inspirarory reserved volume): là thể tích
hít hết sức sau khi hít vào bình thường. Khoảng 1.500-2.000mL.
- Thể tích dự trữ thở ra (ERV: Expiratory reserved volume): là thể tích
khí thở ra hết sức sau khi thở ra bình thường. Thể tích này giảm ở người béo
phì do đường dẫn khí dễ bị hẹp lại. Khoảng 1.100-1.500mL.
- Thể tích khí cặn (RV: Residual volume): thể tích khí còn lại trong
phổi sau khi thở ra hết sức. Khoảng 1.000-1.200mL. Thể tích cặn lớn trong
giãn phế nang, chứng tỏ tỷ lệ cho hô hấp của thể tích phổi thấp. Ngược lại,
trong trường hợp thể tích không khí cặn quá nhỏ, nếu người bệnh phổi phải
gây mê để phẫu thuật, do thiếu không khí đệm trong phổi nên dễ bị ngộ độc
thuốc mê hơn người bình thường.
* Nhóm thông số dung tích (C: capacity):
- Dung tích hít vào (IC: Inspiratory capacity): thể tích khí hít vào hết
sức. Như vậy, IC= TV + IRV. Khoảng 2.000-2.500mL.
- Dung tích cặn chức năng (FRC: Functional residual capacity): thể tích
khí còn lại trong phổi sau khi thở ra bình thường. FRC = ERV + RV. Khoảng
2.300mL.
- Dung tích sống (VC: Vital capacity): lượng khí tối đa có thể huy động
được trong một lần thở. Dung tích sống ở người Việt Nam bình thường
khoảng 3,5 lít. Dung tích sống phụ thuộc vào: tuổi , giới, chiều cao và chủng
tộc. VC ở người già lớn hơn VC ở người trẻ, VC ở nam lớn hơn nữ. VC tăng
nhờ luyện tập, giảm nhiều ở một số bệnh phổi hoặc bệnh của lồng ngực như:
tràn dịch màng phổi, u phổi, gù vẹo cột sống... VC được xem là giảm khi
<80% so với trị số đối chiếu. Có 4 dạng đo VC:
+ Dung tích sống thở chậm (SVC: Slow vital capacity): trên lâm sàng
thường gọi là VC, người đo hít vào hoàn toàn hết sức, sau đó thở ra đảm bảo
tiêu chuẩn hoàn toàn hết sức, không cần nhanh.
+ Dung tích sống thở mạnh (FVC: Forced vital capacity): là VC đo
bằng động tác thở ra mạnh đảm bảo đủ 3 tiêu chuẩn: mạnh hết sức, nhanh hết
sức và hoàn toàn hết sức.
+ Dung tích sống hít vào (IVC: Inspiratory vital capacity): là đo VC

84
bằng động tác thở ra hết sức trước rồi mới hít vào hết sức.
+ Dung tích sống thở hai thì (VC2): là cách đo áp dụng cho bệnh nhân
quá yếu mệt, bệnh nhân hít vào tối đa rồi thở bình thường trong vài nhịp cho
đỡ mệt sau đó mới thở ra tối đa.
- Dung tích toàn phổi (TLC: total lung capacity): là khả năng chứa
đựng tối đa của phổi hay còn gọi là tổng dung lượng phổi được tính như sau:
TLC = VC + RV. Giá trị bình thường của TLC khoảng 5lít.
3.3.2. Các thông số đánh giá sự thông thoáng của đường dẫn khí
Các thông số đánh giá sự thông thoáng của đường dẫn khí là những
thông số về lưu lượng (F: flow) với đơn vị là lít/s hoặc mL/s và một số thông
số khác. Các thông số này có tính đến kháng lực của đường dẫn khí.

Hình 6.4. Các thông số lưu lượng đo bằng phép đo phế lưu-tích phân
- Thể tích khí thở ra tối đa trong 1 giây đầu tiên (FEV 1: Forced
expiratory volume in the first second = VEMS: Volume expiratoire maximum
par second): là thể tích khí có thể thở ra tối đa trong một giây đầu tiên của
FVC. Trị số này có tính đến kháng lực của đường hô hấp. FEV1 đánh giá mức
độ thông thoáng của đường dẫn khí và khả năng giãn nở của phổi, có vai trò
quan trọng trong đánh giá mức độ nghẽn tắc đường dẫn khí. FEV 1 giảm khi
<80% trị số dự đoán gặp trong một số bệnh gây co thắt hẹp đường dẫn khí đặc
biệt trong bệnh hen phế quản.
- Chỉ số Tiffeneau (FEV1%T hay FEV1/VC x 100): là tỷ lệ phần trăm
của FEV1 so với VC. Chỉ số Tiffeneau đánh giá mức độ chun giãn của phổi,
lồng ngực, cơ hoành, mức độ thông thoáng của đường hô hấp. Trị số
Tiffeneau của người Việt Nam cao hơn người châu Âu và giới hạn dưới giảm

85
theo tuổi, do vậy nên chọn mức giảm là <75% ở người trẻ và <70% ở người
>60 tuổi.
- Chỉ số Gaensler: là tỷ lệ phần trăm của FEV1 so với FVC (FEV1/FVC
x 100), được dùng đánh giá như chỉ số Tiffeneau.
- Lưu lượng đỉnh (PEFR: Peak expiratory flow rate = PEF) là lưu lượng
ở điểm có trị số cao nhất đạt được trong toàn bộ quá trình thở ra mạnh của
FVC. Chỉ số PEF có ưu điểm lớn là rất dễ đo một mình với một máy đo đơn
giản một thông số, rất gọn và rẻ tiền. Máy chỉ đo PEF gọi là lưu lượng đỉnh
kế. Hiện nay người ta đã thống nhất sử dụng PEF để chẩn đoán, theo dõi và
điều trị hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. PEF ở mỗi người khác
nhau rất lớn nên không dùng để so sánh lẫn nhau. Giá trị của PEF là được
dùng để đánh giá, theo dõi các xu hướng thay đổi chức năng phổi trên cùng
một bệnh nhân, nếu giá trị PEF thay đổi 20% trong cùng ngày (sáng, tối) thì
có giá trị chẩn đoán hen phế quản.
- Lưu lượng ở nửa giữa của FVC (MMEF: Maximum mid-expiratory
flow =FEF25-75): là lưu lượng tối đa trung bình trong một động tác thở ra
mạnh của FVC, lưu lượng tính từ điểm 25% đến điểm 75% của FVC đã thở
ra. Thông số này ngày càng được quan tâm vì là một thông số nhạy và sớm
giúp phát hiện rối loạn thông khí tắc nghẽn ở giai đoạn đầu nhất là ở các
đường dẫn khí nhỏ. Ở giai đoạn này các phế quản lớn chưa co hẹp, mới co các
ống thở nhỏ ở ngoại vi đường kính dưới 2mm, các thông số FEV 1 và
Tiffeneau vẫn bình thường. FEF25-75 dưới 80% so với trị số dự đoán được xem
là giảm.
3.3.3. Các thông số khác
- Tần số hô hấp (f): là số nhịp thở trong một phút bao gồm một lần hít
vào và một lần thở ra. Bình thường ở người lớn khoảng 16-20 lần/phút. Giá trị
này thường tăng ở bệnh nhân bị hội chứng rối loạn thông khí hạn chế và giảm
ở bệnh nhân có hội chứng rối loạn thông khí nghẽn tắc.

- V (Thông khí phút): là lưu lượng khí thở trong một phút lúc nghỉ

ngơi. V =Vt x f.
- Thông khí tự ý tối đa (MVV: Maximal voluntary ventilation): là
thông khí do thở vừa sâu, vừa nhanh hết sức trong 12 giây, MVV có thể tăng

86
20-25 lần so với thể tích thông khí phút cho thấy khả năng dự trữ lớn của
phổi.
3.4. Khoảng chết và thông khí phế .
nang
3.4.1. Khoảng chết (VD: Volume of dead space gas)
- Khoảng chết giải phẫu và khoảng chết sinh lý:
+ .Khoảng chết giải phẫu (anatomic dead volume): sự trao đổi khí chỉ
xảy ra tại phế nang nên thể tích khí lấp đầy khoảng còn lại của đường dẫn khí
không dùng để trao đổi khí với máu. Đó là khoảng chết giải phẫu.
+ Khoảng chết sinh lý (physiologic dead volume): là khoảng chết giải
phẫu cộng thêm khí trong các phế nang không dùng để trao đổi với máu được
vì những điều kiện nào đó.
Ở người bình thường, khoảng chết giải phẫu và khoảng chết sinh lý gần
bằng nhau.
- Trị số khoảng chết bình thường: VD = 150mL
hoặc phỏng tính VD (mL) = 2,2(mL)/Kg.

- Thông khí khoảng chết (V D ): là lượng khí khoảng chết tính trong một

phút V D
= VD x f

3.4.2. Thông khí phế nang (V A : alveolar ventilation)

V A
là lưu lượng khí thở vào đến phế nang trong một phút lúc nghỉ ngơi.

V A
= f.(Vt –VD)
• •
=V -VD
4. ĐIỀU HOÀ THÔNG KHÍ PHỔI
Bình thường nhịp thở cơ bản được duy trì một cách tự động, nhịp
nhàng là nhờ hoạt động của trung tâm hô hấp. Quá trình điều chỉnh hô hấp
theo nhu cầu và hoạt động cơ thể được thực hiện bởi 2 cơ chế thần kinh và thể
dịch. Cả hai cơ chế này đều thông qua các trung tâm hô hấp để điều hoà hô
hấp
4.1. Trung tâm hô hấp
Là những nhóm tế bào thần kinh nằm ở hai bên trong vùng chất lưới
của cầu não và hành não. Gồm 4 trung tâm:

87
4.1.1. Trung tâm hít vào
- Vị trí: phần lưng hành não.
- Vai trò: tạo và duy trì nhịp thở cơ bản.
- Hoạt động: thường xuyên phát xung động đều đặn một cách nhịp
nhàng.
+ Hưng phấn trong 2 giây: tạo một luồng xung động tăng dần về cường
độ đi đến trung tâm vận động của cơ hô hấp ở sừng trước tủy sống gây co cơ
hô hấp tạo động tác hít vào.
+ Hết hưng phấn trong 3 giây: ngưng phát xung động đột ngột, cơ hô
hấp giãn ra gây động tác thở ra.
4.1.2. Trung tâm thở ra
- Vị trí: phần bụng bên của hành não.
- Vai trò: không tham gia duy trì nhịp thở cơ bản, chỉ hoạt động khi thở
ra gắng sức.
- Hoạt động: khi hưng phấn phát xung động đến trung tâm vận động
của cơ thành bụng trước và cơ liên sườn trong ở sừng trước tuỷ sống gây co
các cơ này tạo động tác thở ra gắng sức.
4.1.3. Trung tâm điều chỉnh thở
- Vị trí: ở phần lưng phía trên của cầu não.
- Vai trò: tham gia duy trì nhịp thở cơ bản.
- Hoạt động: phát xung động gây ức chế có chu kỳ trung tâm hít vào do
vậy có tác dụng làm giới hạn thì hít vào và thay đổi tần số thở:
+ Hoạt động mạnh: thì hít vào 0,5 giây, nhịp thở 30-40lần/phút.
+ Hoạt động yếu: thì hít vào dài ra, nhịp thở giảm xuống.
4.1.4. Trung tâm nhận cảm hoá học
- Vị trí: ở gần trung tâm hít vào cách khoảng 1mm về phía bụng hành
não.
- Vai trò: duy trì nhịp thở cơ bản và gây tăng hô hấp khi cần.
- Hoạt động: nhạy cảm với sự thay đổi nồng độ CO2 và H+:
+ Nồng độ CO2 và H+ bình thường trong máu: kích thích trung tâm
nhận cảm hoá học tạo xung động kích thích trung tâm hít vào có tác dụng duy
trì nhịp thở cơ bản.
+ Nồng độ CO2 và H+ tăng trong máu: kích thích trung tâm nhận cảm
hoá học mạnh làm tăng kích thích trung tâm hít vào gây tăng hô hấp.

88
4.2. Cơ chế thể dịch điều hoà hô hấp
Các yếu tố hoá học điều hoà hô hấp quan trọng nhất là CO 2>H+>O2.
Các yếu tố này tham gia điều hòa hô hấp thông qua các vùng cảm ứng.
4.2.1. Các vùng cảm ứng
*Vùng cảm ứng hoá học trung ương
- Vị trí: mặt bụng hành não. Vùng này chính là trung tâm nhận cảm hóa
học của hô hấp.
- Cảm ứng: vùng này nhạy cảm với nồng độ H+ trong dịch não tuỷ và
trong dịch kẽ não. Do trong dịch não tuỷ có ít protein đệm hơn trong dịch kẽ
não nên H+ tăng trong dịch não tuỷ sẽ kích thích vùng cảm ứng hoá học nhanh
hơn nhiều so với H+ trong dịch kẽ não.
CO2 xuyên qua hàng rào máu-não, hàng rào máu-dịch não tuỷ rất dễ
dàng, trong khi H+ và HCO3- vào chậm hơn. Sau đó CO2 được thuỷ hoá và
phân ly tạo H+. Do vậy, sự thay đổi CO2 trong máu kích thích vùng cảm ứng
hoá học trung ương nhiều hơn sự thay đổi H+ trong máu.
*Vùng cảm ứng hoá học ngoại biên
- Vị trí: xoang động mạch cảnh và quai động mạch chủ. Vùng này
chính là các hoá cảm thụ quan hình thành từ đầu tận cùng của dây thần kinh
IX và X phần cảm giác.
- Cảm ứng: vùng này nhạy cảm với CO2, H+ và O2. Tuy nhiên CO2 và
H+ tác dụng lên vùng nhận cảm hoá học ngoại biên này rất yếu so với vùng
cảm ứng hoá học trung ương.
4.2.2. Ảnh hưởng của các yếu tố hoá học
4.2.2.1. Vai trò của CO2
- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học trung ương và ngoại biên.
- Ảnh hưởng theo nồng độ:
+ Ở nồng độ thấp gây ngưng thở.
+ Nồng độ bình thường: kích thích và duy trì hô hấp.
+ Khi CO2 tăng: gây tăng thông khí phế nang để làm tăng đào thải CO 2
ra ngoài. Ở trẻ sơ sinh khi mới ra đời không được hô hấp nhờ máu mẹ qua
nhau thai, nồng độ CO2 tăng lên trong máu gây kích thích trung tâm hô hấp
tạo nhịp thở đầu tiên.
+ Khi nồng độ CO2 trong khí hít vào tăng cao sẽ xuất hiện ngộ độc CO2
dẫn đến ngưng thở.

89
- Hiệu lực tác dụng của CO2:
+ PCO2 tăng cao làm tăng nồng độ H+ ở mọi nơi nên hiệu quả của CO2
là do cả CO2 tăng lẫn H+ tăng.
+ Hiệu lực tác dụng theo thời gian: thay đổi CO2 gây phản ứng cấp thời
và mạnh nhưng nếu kéo dài kinh niên phản ứng sẽ yếu. Nguyên nhân một
phần là do CO2 gây tăng nồng độ H+ trong não. Khi đó thận sẽ tham gia điều
chỉnh kiềm toan bằng cách tăng HCO3-, chất này kết hợp với H+ khiến nồng
độ H+ tác động lên trung tâm nhận cảm hoá học giảm dần.
4.2.2.2. Vai trò của H+
- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học trung ương và ngoại biên.
- Ảnh hưởng của H+:
+ pH giảm gây tăng thông khí phế nang (pH=7,1, thông khí phế nang
tăng 4 lần).
+ pH tăng gây giảm thông khí phế nang (pH=7,6, thông khí phế nang
giảm còn 80%).
- Hiệu lực tác dụng:
+ Nếu H+ tăng, PO2 và PCO2 bình thường, thông khí phế nang sẽ tăng
nhiều nhưng sau đó thì CO2 giảm và O2 tăng nên bớt kích thích trung tâm hô hấp
hơn.
+ Tuy nhiên nhìn chung ảnh hưởng của nồng độ H+ máu đối với hô hấp
ngày càng mạnh nếu không được điều chỉnh.
4.2.2.3. Vai trò của O2
- Tác dụng lên vùng cảm ứng hoá học ngoại biên.
- Ảnh hưởng của O2: nồng độ O2 giảm gây kích thích hô hấp. Tuy
nhiên ảnh hưởng này chỉ rõ rệt khi PO2 trong máu động mạch giảm dưới
60mmHg.
- Hiệu lực tác dụng:
+ Khả năng làm tăng thông khí phế nang tối đa của O2 là 166% so với
H+ 400% và CO2 1.000%.
+ Trong trường hợp vùng cảm ứng hoá học trung ương bị ức chế (suy
hô hấp, ngộ độc Barbituric), vai trò O2 trở thành chủ yếu trong việc duy trì hô
hấp vì lúc này tác dụng của CO2 và H+ đã giảm.
4.3. Cơ chế thần kinh điều hoà hô hấp
4.3.1. Vai trò của vỏ não

90
- Vỏ não có thể điều chỉnh cử động hô hấp theo ý muốn.
- Khi một vùng vỏ não đang hoạt động mạnh, vùng này sẽ phát xung
động ức chế các vùng xung quanh trong đó có cả trung khu hô hấp.
- Đau, cảm xúc, sợ hãi làm thay đổi hô hấp.
- Vỏ não cũng gây tăng hô hấp trước và trong vận động.
4.3.2. Vai trò của dây thần kinh cảm giác
- Các cảm thụ quan bản thể ở khớp, gân cơ, cơ cùng với vỏ não gây
tăng hô hấp khi vận động.
- Kích thích các dây thần kinh cảm giác nông nhất là dây V gây thay
đổi hô hấp, kích thích nhẹ gây thở sâu, kích thích mạnh gây ngưng thở.
- Khi trung khu hô hấp bị ức chế gây ngưng thở, kích thích ngoài da
như ngâm nước lạnh, gây đau có thể làm hô hấp trở lại.
4.3.3. Vai trò của dây thần kinh X (phản xạ Hering-Breuer)
- Phản xạ căng và xẹp Hering-Breuer:
+ Phản xạ căng Hering-Breuer: các cảm thụ quan căng ở cơ trơn đường
hô hấp, phế nang, lá tạng màng phổi bị kích thích khi phổi căng do hít vào sẽ
truyền xung động theo dây X về trung tâm hô hấp gây ức chế vùng hít vào
làm thở ra.
+ Phản xạ xẹp Hering-Breuer: khi thở ra, các cảm thụ quan xẹp sẽ kích
thích trung tâm hít vào gây hít vào.
- Ý nghĩa của phản xạ:
+ Điều hoà hô hấp tự động duy trì sự kế tục giữa hai thì hô hấp hít vào
và thở ra.
+ Giúp hô hấp tối ưu: thông khí phế nang tốt nhất với một công suất
thấp nhất tức có sự xứng hợp giữa biên độ và tần số hô hấp.
+ Trong hô hấp bình thường phản xạ này không hoạt động. Phản xạ này
chỉ hoạt động khi hít vào gắng sức làm phổi bị căng giãn nhiều.
4.3.4. Vai trò của các trung khu thần kinh và các phản xạ
- Trung tâm nuốt, nôn: khi đang nuốt, nôn ta nín thở. Khi hôn mê sẽ
mất phản xạ này.
- Trung khu vận mạch: hai trung khu này xen lẫn nhau trong chất lưới ở
cuống não nên hoạt động có liên quan với nhau.
- Vùng hạ đồi: nhiệt độ môi trường thay đổi sẽ thông qua vùng hạ đồi
gây những biến đổi hô hấp nhằm góp phần điều hòa thân nhiệt.

91
- Khi rặn: đóng khí quản, ức chế hô hấp.
- Hắt hơi, ho: có tác dụng bảo vệ hô hấp.

92
TRAO ĐỔI KHÍ TẠI PHỔI

Mục tiêu:
1. Trình được cơ chế và các yếu tố ảnh hưởng lên sự trao đổi khí tại phổi.
2. Trình bày phương pháp thăm dò chức năng trao đổi khí tại phổi.
2. Phân tích được sự xứng hợp giữa hô hấp và tuần hoàn.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA MÀNG HÔ HẤP


Màng hô hấp còn được gọi là màng phế nang-mao mạch

Hình 6.5. Siêu cấu trúc của màng phế nang mao mạch

- Cấu trúc màng từ phía phế nang đến mao mạch gồm các lớp:
+ Dịch lót phế nang có chất hoạt diện.
+ Biểu mô phế nang.
+ Màng đáy phế nang.
+ Gian bào (khoảng kẽ).
+ Màng đáy mao mạch.
+ Nội mạc mao mạch.
+ Huyết tương.

93
+ Màng tế bào hồng cầu.
- Một số đặc điểm của màng phế nang-mao mạch:
+ Hệ thống mao mạch và bạch huyết của phổi gây một áp suất âm trong
khoảng kẽ nên lớp gian bào xem như không đáng kể.
+ Đường kính của mao mạch phế nang nhỏ chỉ bằng 5m nên hồng cầu
phải bị ép lại khi băng qua do vậy lớp huyết tương xem như không đáng kể.
+ Chiều dày trung bình của màng phế nang-mao mạch là 0,6m, nơi
mỏng nhất là 0,2m. Tổng diện tích trao đổi là 70m2 ở người trưởng thành,
tổng lượng máu mao mạch phổi chỉ khoảng 60-140mL. Do vậy, bình thường
các khí khuếch tán và cân bằng rất nhanh.
2. HOẠT ĐỘNG TRAO ĐỔI KHÍ TẠI PHỔI
Sự trao đổi khí tại phổi là quá trình khuếch tán O2 từ phế nang vào mao
mạch phổi và CO2 theo chiều ngược lại qua màng phế nang-mao mạch.
2.1. Cơ chế trao đổi khí tại phổi
Cơ chế trao đổi là sự khuếch tán khí hoàn toàn thụ động từ nơi có áp
suất cao đến nơi có áp suất thấp theo khuynh áp. Năng lượng cho sự khuếch
tán là năng lượng chuyển động nhiệt của các phân tử khí.
Thành phần và phân áp khí hai bên màng phế nang-mao mạch được xác
định theo định luật Dalton: phân áp mỗi loại khí của hỗn hợp sẽ bằng tổng áp
suất nhân với phần trăm thể tích chiếm bởi khí đó.
* Khí quyển
3 loại khí chính O2, CO2, N2. Áp suất khí quyển: 760mmHg.
Thành phần khí Phân áp khí
O2 = 20,04% Po2 = 159mmHg
CO2 = 0,04% Pco2 = 0,3mmHg
N2 = 78,62% PN2 = 597mmHg
H2O = 0,5% PH2O = 3,7mmHg
* Khí mới vào đến khí quản
Khí đã được làm ẩm ở vùng mũi hầu. Áp suất hơi nước ở nhiệt độ 37 0C
là 47mmHg. Áp suất của hỗn hợp khí: 760mmHg.
Thành phần khí Phân áp khí
O2 = 19,67% Po2 = 149,3mmHg
CO2 = 0,04% Pco2 = 0,3mmHg
N2 = 74,09% PN2 = 563,4mmHg

94
H2O = 6,2% PH2O = 47mmHg
* Khí mới vào đến phế nang
Thành phần khí Phân áp khí
O2 = 13,6% Po2 = 100mmHg
CO2 = 5,3% Pco2 = 40mmHg
N2 = 74,9% PN2 = 573mmHg
H2O = 6,2% PH2O = 47mmHg
Có sự thay đổi thành phần và phân áp khí tại phế nang là do:
- Dung tích cặn chức năng khoảng 2,3L. Mỗi lần hít vào, sau khi lấp
đầy khoảng chết, lượng khí trao đổi mới chỉ khoảng 350mL. Do vậy, khí mới
vào phải hòa lẫn khí còn lại trong phế nang. Sau 17 giây chỉ có ½ khí trong
phế nang được đổi mới.
- Khí phế nang trao đổi liên tục qua màng phế nang-mao mạch.
* Máu tĩnh mạch ở phần đầu mao mạch phổi:
Phân áp khí
Po2 = 40mmHg
Pco2 = 46mmHg
PN2 = 573mmHg
Tóm lại: có sự chênh lệch về phân áp các loại khí ở hai bên màng phế
nang-mao mạch gây khuếch tán các khí qua lại để đạt sự cân bằng.
2.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến vận tốc khuếch tán
P.S . A
V KT =
d .MW
P : chênh lệch khuynh áp khí 2 bên màng
A : diện tích tiếp xúc trao đổi
S : độ hòa tan của khí trong nước
d : chiều dày màng trao đổi
MW : trọng lượng phân tử khí
- Với khuynh áp bằng 1mmHg, thì tốc độ khuếch tán của một loại khí
qua phổi sẽ tỷ lệ với hệ số khuếch tán S/MW.
- Vận tốc khuếch tán tỷ lệ thuận với khuynh áp khí hai bên màng, diện
tích màng trao đổi, độ hoà tan của khí trong nước và tỷ lệ nghịch với chiều
dày màng trao đổi và trọng lượng phân tử khí.

95
- Khả năng khuếch tán của CO2 > O2 gấp 20 lần. Do vậy, vấn đề
khuếch tán thường chỉ đặt ra với O2.
- Sự trao đổi xảy ra rất nhanh và gần 100%. Bình thường thời gian máu
chảy trong mao mạch là 0,8 giây nhưng chỉ cần 0,25 giây là sự trao đổi xảy ra
gần hoàn toàn.
3. ĐÁNH GIÁ CHỨC NĂNG TRAO ĐỔI KHÍ TẠI PHỔI
3.1. Đánh giá khả năng khuếch tán của khí O2 (DLO2)
- Dùng phương pháp đánh giá gián tiếp thông qua khí CO vì khí CO kết
hợp với Hb rất mạnh nên có thể coi như PCO trong mao mạch = 0.
Lượng
Lượng COCO từ
từ phế
phế nang
nang vào
vào máu
máu (mL/phút)
(mL/phút)
D
DLLCO
CO == == 17mL/phút/mmHg
17mL/phút/mmHg
PPCO
CO phế
phế nang
nang –
– P
PCO
CO mao
mao mạch
mạch
- O2 có hệ số khuếch tán cao hơn CO 1,23 lần. Do vậy:
+ Bình thường: DLO2 = 21mL/phút/mmHg.
Khuynh áp O2 là tích phân từ đầu nọ đến đầu kia của mao mạch phổi,
bình thường = 11mmHg. Do vậy, có khoảng 11 x 21= 230mLO 2 khuếch tán
vào máu trong một phút, bằng với tốc độ sử dụng O2 của cơ thể.
+ Khi vận động: DLO2 = 65mL/phút/mmHg.
3.2. Đánh giá khả năng khuếch tán của khí CO2 (DLCO2)
- Quan trọng là đánh giá khả năng khuếch tán của khí O2, khí CO2
không quan trọng bằng vì CO2 khuếch tán dễ dàng hơn O2.
- CO2 có hệ số khuếch tán cao hơn O2 20 lần, khuynh áp của CO2 là
1mmHg. Do vậy:
+ Bình thường: DLCO2 = 400mL/phút/mmHg.
Vượt xa nhu cầu thải CO2 của cơ thể (200mL/phút).
+ Khi vận động: DLCO2 = 1.200-1.300mL/phút/mmHg.
4. SỰ XỨNG HỢP GIỮA HÔ HẤP VÀ TUẦN HOÀN
Để đảm bảo sự trao đổi khí tốt nhất phải có sự kết hợp của hô hấp và
tuần hoàn. Đó là sự xứng hợp giữa thông khí và tưới máu.
4.1. Tỷ lệ xứng hợp
- Tỷ lệ xứng hợp tốt nhất là:

V A
Thông
Thông khí
khí phế
phế nang
nang (4.000mL/phút)
(4.000mL/phút)

== == 0,8
0,8
Q Lưu
Lưu lượng
lượng máu
máu (5.000
(5.000 mL/phút)
mL/phút)

96
Trong vận động tỷ lệ xứng hợp đạt mức tối hảo.
- Có hai phản xạ để bảo vệ sự xứng hợp này:
+ Nơi nào nồng độ CO2 trong phế nang cao, mao mạch phế nang sẽ co
lại: máu không đến những nơi thông khí kém.
+ Nơi nào nồng độ O2 mao mạch cao, các tiểu phế quản sẽ co lại: khí
không đến những nơi máu ít chảy đi.
4.2. Shunt sinh lý và khoảng chết sinh lý
- Khi tỷ lệ xứng hợp nhỏ hơn bình thường: có một lượng máu chảy qua
mao mạch phổi không được oxy hóa gọi là shunt máu (shunt blood). Tổng
lượng shunt máu trong 1 phút gọi là shunt sinh lý (physiologic shunt).
- Khi tỷ lệ xứng hợp lớn hơn bình thường: có một lượng khí trong phế
nang không dùng để trao đổi với máu. Lượng khí này cùng với khoảng chết
giải phẫu được gọi là khoảng chết sinh lý (physiologic dead).
4.3. Bất xứng hợp trong tình trạng bình thường
- Ở tư thế đứng:
+ Đỉnh phổi: tưới máu ít hơn so với thông khí, do đó ở vùng này có
khoảng chết sinh lý (tỷ lệ xứng hợp = 2,4).
+ Đáy phổi: thông khí ít hơn so với tưới máu, do đó ở vùng này có
shunt sinh lý (tỷ lệ xứng hợp = 0,5).
- 2% cung lượng tim đi vào động mạch phế quản mà không qua mao
mạch phế nang cũng là một shunt sinh lý.

97
CHUYÊN CHỞ KHÍ TRONG MÁU

Mục tiêu:
1. Trình bày được quá trình chuyên chở khí O2 từ phổi đến mô.
2. Trình bày được quá trình chuyên chở khí CO2 từ mô đến phổi.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA HEMOGLOBIN


Tham gia quá trình chuyên chở khí trong máu có huyết tương và hồng
cầu với vai trò của hemoglobin. Hemoglobin là một loại protein có 4 đơn vị
nhỏ, mỗi đơn vị gồm hai thành phần globin và heme. Nhóm heme là một phức
hợp gồm một nhân porphyrin có nguyên tử Fe2+. Hai vòng tiểu tuần hoàn và
đại tuần hoàn sẽ đảm bảo cho máu thực hiện chức năng chuyên chở khí.
2. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN CHỞ KHÍ TRONG MÁU
Quá trình chuyên chở khí trong máu là quá trình đem O2 từ phổi đến
mô và ngược lại mang CO2 từ mô về phổi.
2.1. Chuyên chở khí O2 trong máu và giao O2 cho mô
2.1.1. Chuyên chở khí O2 trong máu
* Các dạng chuyên chở:
Có 2 dạng: dạng hoà tan và dạng kết hợp Hb
Bảng 6.1. Các dạng chuyển chở oxy trong máu
Dạng hoà tan (3%) Dạng kết hợp Hb (HbO2) (97%)
Số lượng ít: 0,3mL/dL máu Số lượng nhiều: 20,8mL/dL
Là dạng sử dụng Là dạng dự trữ, khi dùng phải chuyển
sang dạng hoà tan
lượng O2 hoà tan không giới hạn Lượng O2 kết hợp bị giới hạn bởi
lượng Hb có thể gắn O2
Tỷ lệ thuận với PO2, tương quan Tỷ lệ với PO2 nhưng không tương
tuyến tính quan tuyến tính mà có dạng xích ma
* Đồ thị phân ly Oxy-Hemoglobin (đường cong Barcroft):
Giữa áp suất O2 trong máu và độ bảo hoà của Hb với O2 có mối tương
quan được biểu diễn bằng đường cong Barcroft có dạng xích ma
- Ở phân đoạn PO2 thấp (ở mô-nơi Hb nhả O2): đường cong dốc chứng
tỏ một thay đổi dù rất nhỏ của phân áp O 2 trong mô cũng sẽ làm thay đổi sự

98
giao O2 cho mô từ Hb một cách đáng kể, giúp cho sự hằng định PO2 của mô.
- Ở phân đoạn PO2 cao (ở phổi-nơi Hb lấy O2): đường cong rất tà
chứng tỏ PO2 của phế nang có thể dao động nhiều nhưng độ bảo hòa Hb đối
với O2 cũng không dao động lắm.
Tóm lại: Hb có tính đệm đối với O2 trong cơ thể giúp PO2 trong mô
luôn được duy trì ở mức ổn định dù nguồn cung cấp O2 hay nhu cầu O2 của
mô dao động.
* Các yếu tố ảnh hưởng
lên ái lực của Hb đối với
O2:
- Hiệu ứng Bohr:
nồng độ CO2 tăng, pH giảm
làm đường cong Barcroft
chuyển phải và ngược lại
làm đường cong chuyển
trái.
+ Ở mô: CO2 cao gây
nhường thêm O2 cho mô.
+ Ở phổi: CO2 thấp
lại gây lấy thêm O2 cho
máu.
- Các yếu tố khác:
+ Giảm ái lực, đường cong Barcroft lệch phải khi: nhiệt độ tăng, chất
2,3-DPG (diphosphoglycerat) trong hồng cầu tăng, hợp chất phosphat thải ra
trong lúc vận động tăng.
+ Tăng ái lực, đường cong Barcroft lệch trái: nhiệt độ giảm, chất 2,3-
DPG (diphosphoglycerat) trong hồng cầu giảm, hợp chất phosphat giảm, các
trường hợp HbF, COHb, MetHb.
2.1.2. Giao O2 cho mô
Mô Po2 = 23mmHg
Dịch kẽ Po2 = 40mmHg
Máu động mạch Po2 = 95mmHg
- Do sự chênh lệch về phân áp O2 mà máu từ động mạch đi qua mao
mạch sẽ nhả O2 cho mô.

99
- HbO2 chỉ giao cho mô 1/4 lượng O2 mà nó chở. Hb giao O2 cho mô
trở thành RHb.
- Khi vận động, HbO2 giao cho mô 1/4-3/4 lượng O2 mà nó chở. Cung
lượng tim tăng gấp 5 lần, do đó lượng O 2 giao cho mô tăng lên 15 lần:
3.750mL/phút.
2.2. Lấy CO2 từ mô và chuyên chở CO2 trong máu
2.2.1. Lấy CO2 từ mô
Mô Pco2 = 46mmHg
Dịch kẽ Po2 = 45mmHg
Máu động mạch Po2 = 40mmHg
- Do sự chênh lệch về phân áp CO2 mà máu từ động mạch đi qua mao
mạch sẽ lấy CO2 từ mô, máu tĩnh mạch có Pco2 = 45mmHg.
3.2.2. Chuyên chở CO2 trong máu
* Các dạng chuyên chở:
Có 3 dạng: dạng hoà tan, dạng carbamin (kết hợp với protein) và dạng
HCO3 (CO2 thuỷ hoá thành H2CO3 nhờ men CA (carbonic anhydrase), sau đó
-

phân ly thành H+ và HCO3-)


Bảng 6.2. Các dạng chuyển chở CO2 trong máu
Dạng chuyên chở Trong huyết tương Trong hồng cầu
Dạng hoà tan (7%) Hoà tan trong huyết tương Hoà tan trong hồng cầu
Dạng carbamin Kết hợp với protein huyết Kết hợp với Hb (HbCO2)
(23%) tương (PrCO2)
Dạng HCO3- (70%): - Không đáng kể do men - Nhiều do có nhiều men
CA ít CA
- H được đệm bởi các hệ - H+ được đệm bởi Hb
+

thống đệm trong huyết - Hiện tượng Hamburger:


tương HCO3- khuếch tán ra huyết
- HCO3- ở lại trong huyết tương trao đổi với Cl- đi
tương vào hồng cầu
* Đồ thị phân ly carbon dioxid

100
Hình 6.7. Đồ thị phân ly carbon dioxid
Tất cả các dạng vận chuyển CO2 đều có thăng bằng động với nhau, và
tổng lượng CO2 trong máu tỉ lệ theo phân áp PCO2. Đồ thị biểu diễn mối
tương quan đó gọi là đồ thị phân ly carbon dioxid. Lưu ý là PCO2 dao động
trong phạm vi hẹp, từ 40mmHg ở máu động mạch đến 45mmHg ở máu tĩnh
mạch. Ở mô, máu giữ 52 thể tích phần trăm CO2, đến phổi xuống còn 48 phần
trăm CO2. Như vậy, cứ 100mL máu thì vận chuyển 4mL CO2 từ mô ra phổi.
* Yếu tố ảnh hưởng lên sự vận chuyển CO2:
Hiệu ứng Haldane:
- Ở phổi: sự gắn oxy vào hemoglobin đã đẩy CO2 khỏi máu.
- Ở mô: sự nhường oxy cho mô làm máu lấy thêm CO2.
Cơ chế của hiệu ứng: oxyhemoglobin mang tính acid mạnh hơn
hemoglobin, acid mạnh đó đẩy CO2 khỏi các hợp chất acid yếu.

Câu hỏi lượng giá:


1. Trình bày tóm tắt về các giai đoạn của quá trình hô hấp?
2. Giải thích tại sao khi thực hiện cử động thở ra bình thường lại thay đổi kích
thước lồng ngực theo chiều trên dưới và trước sau?
3. Giải thích tại sao áp suất âm màng phổi âm nhất khi thực hiện cử động hít
vào gắng sức?
4. Quá trình thông khí tại phổi: b. Khí di chuyển từ nơi có áp suất
a. Là quá trình trao đổi khí giữa phế thấp đến nơi có áp suất cao.
nang và khí trong mao mạch. c. Muốn đem khí từ khí quyển

101
(KQ) vào phế nang (PN) (hít vào) d. Tất cả đều đúng.
thì PKQ>PPN. 9. Đường dẫn khí chỉ có nhiệm vụ
d. Chỉ có b và c đúng. dẫn khí chấm dứt ở cuối cấu trúc:
5. Cơ liên sườn ngoài là: a. Ống phế nang.
a. Cơ thở ra bình thường. b. Tiểu phế quản hô hấp.
b. Cơ hít vào bình thường. c. Tiểu phế quản.
c. Cơ thở ra gắng sức. d. Tiểu phế quản tận cùng.
d. Cơ hít vào gắng sức. 7. Chọn câu đúng về các thể tích và
6. Áp suất trong màng phổi: dung tích hô hấp:
a. Là áp suất âm nhưng cao hơn áp a. Vt + ERV = IC
suất khí quyển. b. VC + RV = TLC
b. Giúp phổi di chuyển theo sự cử c. IRV + RV = FRC
động của lồng. d. ERV + IRV = VC
c. Giúp hiệu suất trao đổi khí đạt 11. Hoạt động của cơ quan cảm
được tối đa. ứng hóa học trung ương tăng khi:
d. Chỉ có b và c đúng. a. PCO2 máu não tăng
7. Chất surfactant (chất hoạt diện): b. PCO2 máu não giảm
a. Thành phần quan trọng là c. HCO3- máu não tăng
dipalmitol phosphatidyl cholin. d. Lượng oxy máu não giảm
b. Làm giảm sức căng bề mặt của 12. Thiếu oxy máu kích thích hô
lớp dịch lót phế nang. hấp chủ yếu qua trung gian:
c. Bài tiết vào khoảng tháng thứ 6-7 a. Cảm thụ hóa học trung ương
bào thai. b. Thể cảnh và thể đại động mạch
d. Tất cả đều đúng. c. Trung tâm kích thích hô hấp
8. Vai trò của chất surfactant: d. Trung tâm hít vào.
a. Ảnh hưởng lên tính đàn hồi của 13. Tốc độ khuếch tán khí qua
phổi. màng hô hấp tỷ lệ nghịch với:
b. Ảnh hưởng lên sự ổn định của a. Khuynh áp hai bên màng
phế nang. b. Diện tích màng trao đổi
c. Ảnh hưởng lên việc ngăn ngừa c. Chiều dày màng trao đổi
sự tích tụ dịch phù trong phế nang. d. Độ hoà tan của khí trong nước

102
Chương 8
SINH LÝ HỆ TIÊU HÓA

Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và các tuyến phụ thuộc ống tiêu hóa.
Ống tiêu hóa bắt đầu từ khoang miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già,
trực tràng và tận cùng là hậu môn. Ngoài các tuyến tiêu hóa nằm trên thành
ống tiêu hóa còn có các tuyến phụ thuộc ống tiêu hóa là tuyến nước bọt, gan
và tụy. Chức năng chính của hệ tiêu hóa là cung cấp cho cơ thể liên tục, đầy
đủ các chất dinh dưỡng, nước và điện giải. Ngoài ra, lớp trong cùng của ống
tiêu hóa cũng là một hàng rào bảo vệ, ngăn cách giữa các thành phần chứa
trong lòng ruột với môi trường bên trong của cơ thể.

ĐẠI CƯƠNG VỀ SINH LÝ HỆ TIÊU HÓA

Mục tiêu:
1. Trình bày được các đặc điểm cấu tạo chức năng của hệ tiêu hóa.
2. Phân tích được 4 hoạt động chức năng chính của hệ tiêu hóa.
3. Trình bày được hai cơ chế điều hòa hoạt động tiêu hóa.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA HỆ TIÊU HÓA


Hệ tiêu hóa bao gồm ống tiêu hóa và các tuyến tiêu hóa.
1.1. Ống tiêu hóa
Thành ống tiêu hóa được cấu tạo từ trong ra ngoài gồm các lớp:
- Lớp niêm mạc được phủ bởi một lớp tế bào biểu mô, lớp đệm và cơ
niêm.
- Lớp dưới niêm mạc là mô liên kết đặc, có nhiều mạch máu, mạch
bạch huyết, tuyến dưới niêm mạc và đám rối thần kinh tự động (đám rối
Meissner).
- Lớp cơ là một lớp dày cấu tạo gồm 2 loại cơ là cơ vòng ở phía trong
và cơ dọc ở phía ngoài. Trong mô liên kết xen giữa 2 lớp cơ có mạch máu,
mạch bạch huyết và đám rối thần kinh tự động (đám rối Auerbach).
Đám rối Auerbach và Meissner hình thành hệ thần kinh ruột tại chỗ của

103
ống tiêu hóa.
- Lớp thanh mạc là phần vỏ ngoài đối với phần ống tiêu hóa nằm ngoài
ổ bụng và phúc mạc đối với phần ống tiêu hóa nằm trong ổ bụng.

Hình 7.1. Cấu trúc thành ống tiêu hóa


1.2. Các tuyến phụ thuộc ống tiêu hóa
1.2.1. Các tuyến nước bọt
Các tuyến nước bọt bao gồm ba cặp tuyến chính là tuyến mang tai,
tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Ngoài ra còn có các tuyến nhỏ ở miệng và
lưỡi. Tuyến nước bọt mang tai có kích thước lớn nhất nhưng tuyến nước bọt
dưới hàm mới quan trọng vì chúng bài tiết khoảng 70% lưu lượng nước bọt
trong ngày.

104
Đơn vị bài tiết cơ bản của tuyến nước bọt được gọi là salivon. Mỗi
salivon gồm nang bài tiết và ống bài xuất. Các nang bài tiết được cấu tạo từ
hai loại tế bào là tế bào thanh dịch và tế bào nhầy. Tế bào thanh dịch bài tiết
dịch chứa các chất điện giải và enzym, tế bào nhầy bài tiết chất nhầy.
1.2.2. Tuyến tụy ngoại tiết
Mô tụy ngoại tiết chiếm 99% khối lượng của cả tuyến tụy bao gồm các
nang acini và ống bài xuất.
- Nang acini: các nang có cấu trúc dạng chùm nho giống tuyến nước
bọt và các tế bào nang chịu trách nhiệm bài tiết các enzym tiêu hóa.
- Ống bài xuất: các tế bào thành ống bài tiết một lượng lớn dung dịch
bicarbonat kiềm. Các enzym tiêu hóa và dịch bicarbonat từ các ống bài xuất
nhỏ đổ vào ống tụy chính (ống Wirsung) và ống tụy phụ (ống Santorini). Ống
Wirsung hợp với ống mật chủ ở bóng Valter rồi đổ vào tá tràng qua cơ thắt
Oddi.
1.2.3. Gan
Đơn vị chức năng của gan là tiểu thùy gan (hepatic lobule). Tổng cộng
có từ 50.000 đến 100.000 tiểu thùy. Mỗi tiểu thùy có hình trụ với cấu tạo khá
phức tạp.
- Ở giữa là tĩnh mạch trung tâm (central vein). Tĩnh mạch này sẽ đổ vào
tĩnh mạch gan, rồi về tĩnh mạch chủ dưới.
- Xung quanh tĩnh mạch trung tâm là các bè tế bào gan, xếp theo hình
nan hoa. Mỗi bè thường gồm hai lớp tế bào gan.
- Giữa hai lớp tế bào của một bè là các tiểu quản mật (bile canaliculi),
các tiểu quản này đổ ra ống mật tận cùng nằm giữa các tiểu thùy gan.
- Giữa các tiểu thùy gan lại có các tiểu tĩnh mạch cửa (portal vein), từ
đó máu đổ vào các mao mạch kiểu xoang (sinusoid) nằm giữa các bè tế bào
gan, và cuối cùng chảy vào tĩnh mạch trung tâm. Các mao mạch kiểu xoang
được lót bởi các tế bào nội mô và tế bào Kupffer.
- Lớp nội mô của mao mạch kiểu xoang có những cửa sổ lớn, nên các
chất từ huyết tương dễ dàng khuếch tán vào khoảng Disse nằm giữa tế bào nội
mô và tế bào gan. Khoảng Disse cũng là nơi bắt đầu của các mao mạch bạch
huyết, từ đây bạch huyết sẽ được dẫn lưu ra mạch bạch huyết gian tiểu thùy.
Như vậy các tế bào gan một mặt tiếp xúc với các tiểu quản mật, một
mặt tiếp xúc với các mao mạch kiểu xoang. Máu và dịch mật chảy theo hai

105
chiều ngược nhau, máu chảy từ ngoài vào trung tâm tiểu thùy, trong khi mật
chảy từ trong ra ngoài tiểu thùy. Tĩnh mạch cửa nhận máu từ ruột đổ về rồi
đưa vào tiểu thùy gan xử lý, sau đó sẽ theo tĩnh mạch trung tâm và mạch bạch
huyết đổ vào vòng đại tuần hoàn. Mật hình thành trong tiểu thùy gan sẽ chảy
ra các ống dẫn mật và tập trung về túi mật.

Hình 7.2. Tiểu thùy gan


2. CÁC HOẠT ĐỘNG CHỨC NĂNG CHÍNH CỦA HỆ TIÊU HÓA
Hệ tiêu hóa có 4 hoạt động chức năng chính là hoạt động cơ học, hoạt
động bài tiết, hoạt động hóa học (tiêu hóa) và hoạt động hấp thu. Các chức
năng trên được kiểm soát bởi hệ thần kinh và các hormon.
2.1. Hoạt động cơ học
Hoạt động cơ học là sự co giãn của các cơ trơn ở thành ống tiêu hóa
giúp nghiền nát, nhào trộn và di chuyển thức ăn dọc theo ống tiêu hóa. Thức
ăn từ miệng sẽ được đưa xuống thực quản dưới dạng các viên thức ăn; vào
đến dạ dày gọi là vị trấp; vị trấp xuống đến ruột non hình thành nhũ trấp; sau
khi rời khỏi ruột non, nhũ trấp xuống ruột già gọi là chất bã và hình thành
phân để tống xuất ra ngoài.
2.1.1. Cơ chế điện học của tế bào cơ trơn tiêu hóa
Giữa các tế bào cơ trơn kế nhau có các liên kết hở gọi là connexin giúp
các tế bào trao đổi nhanh thông tin với nhau. Do đó, về mặt chức năng, khối
cơ trơn hoạt động như một hợp bào, nghĩa là khi điện thế hoạt động xuất hiện
ở một nơi nào đó thì nó sẽ nhanh chóng lan truyền ra toàn bộ khối cơ. Có 2
loại sóng điện cơ bản của cơ trơn ống tiêu hóa.
2.1.1.1. Sóng chậm

106
- Sóng chậm là sóng điện thế màng tế bào cơ trơn lúc nghỉ (resting
membrane potential), không chịu ảnh hưởng từ các tác nhân kích thích bên
ngoài.
- Đặc điểm: bình thường dao động trong khoảng từ -50 đến -60mV, tần
số 3-12 nhịp/phút, biên độ luôn luôn thay đổi từ 5-15mV tạo ra sóng điện cơ
bản (còn gọi là nhịp điện căn bản = Basic electrical rhythm = BER)
- Cơ chế BER: có lẽ do bơm Na+-K+-ATPase hoạt động từng chập.
- Tác dụng: các sóng chậm không trực tiếp gây co cơ trong những phần
của ống tiêu hóa (ngoại trừ dạ dày), nhưng nó điều khiển thời điểm điện thế
động có thể xuất hiện.
2.1.1.2. Sóng nhọn
Sóng nhọn
Khử cực
Điện thế màng (millimolts)

Sóng
chậm
Kích thích bởi:

Nghỉ: Kích thích bởi:


Quá phân cực

Giây
Hình 7.3. Sóng điện cơ bản của ống tiêu hóa

- Sóng nhọn là sóng điện thế hoạt động của màng tế bào cơ trơn khi tế
bào bị kích thích bởi các tác nhân:
+ Sức căng cơ học của thành ống tiêu hóa.
+ Acetylcholin.
+ Thần kinh phó giao cảm.
+ Một số hormon tiêu hóa.
Ngược lại, khi tế bào cơ trơn tiếp xúc với noradrenalin hoặc chịu ảnh
hưởng của thần kinh giao cảm, điện thế màng tế bào bị giảm mạnh gây ra hiện
tượng ưu phân cực. Khi đó tế bào cơ trơn khó bị kích thích để tạo điện thế
hoạt động.
- Đặc điểm: khi điện thế màng của tế bào cơ trơn ống tiêu hóa tăng lên

107
đến ngưỡng khoảng -40mV sẽ tạo nên sự khử cực của màng và làm xuất hiện
các điện thế hoạt động dưới dạng sóng nhọn. Các sóng nhọn xảy ra tại đỉnh
các sóng chậm với tần số 1 đến 10 lần trong giây.
- Cơ chế: mở cổng kênh Ca2+ cho phép một lượng lớn Ca2+ và 1 lượng
nhỏ Na+ đi vào trong tế bào cơ trơn, làm nồng độ Ca2+ trong tế bào tăng lên,
sợi actin và myosin trượt lên nhau gây co cơ.
- Tác dụng: tạo ra sự co thắt cơ trơn ở ruột.
2.1.2. Các hình thức co cơ của ống tiêu hóa
2.1.2.1. Co liên tục (tonic contraction), cử động đẩy
- Co liên tục do lớp cơ dọc và cơ vòng tạo ra, thường kéo dài trong
nhiều phút, có thể nhiều giờ, giúp điều hòa sự di chuyển của thức ăn dọc theo
ống tiêu hóa với vận tốc thích hợp cho sự tiêu hóa và sự hấp thu thức ăn.
- Hai kiểu co liên tục:
+ Nhu động: xuất hiện tại bất cứ nơi nào khi ống tiêu hóa bị kích thích
bởi: sự căng thành (phổ biến), sự đụng chạm, hệ phó giao cảm và khi có cảm
xúc mạnh. Nhu động diễn ra liên tục do các tác nhân kích thích làm khử cực
liên tục màng tế bào cơ trơn của ruột. Tính lập lại của các sóng nhọn với tần
số và biên độ cao hơn tạo ra cử động đẩy căn bản.
+ Phản nhu động ruột: đẩy ngược lại sóng nhu động, tác dụng nhào trộn
và làm tăng thời gian cho quá trình tiêu hóa và hấp thu ở ruột.

Hình 7.4. Cử động nhu động ở thực quản


2.1.2.2. Co ngắt quãng (rhythmic contraction), cử động nhào trộn

108
- Co ngắt quãng hay phân đoạn do lớp cơ vòng tạo ra theo kiểu luân
phiên ở các vị trí khác nhau, giúp nhào trộn thức ăn với dịch tiêu hóa.
- Cử động nhào trộn rất khác nhau tùy theo từng đoạn của ống tiêu hóa.
Ở một số nơi, chính cử động đẩy cũng giữ vai trò nhào trộn, nhất là khi gặp
các cơ vòng co thắt, nhu động không đẩy thức ăn tới được nên phải đẩy lui
bằng phản nhu động. Và như vậy, thức ăn bị đẩy tới đẩy lui nhiều lần sẽ nhào
trộn với dịch tiêu hóa.
2.2. Hoạt động bài tiết
Hoạt động bài tiết là sự tiết dịch từ ống tiêu hóa và các tuyến phụ thuộc
vào trong lòng ống tiêu hóa vừa để cung cấp dịch cho sự tiêu hóa vừa để bảo
vệ thành ống và bôi trơn thức ăn.
- Nguồn gốc bài tiết:
+ Các tế bào biểu mô niêm mạc ống tiêu hóa.
+ Các tuyến tiêu hóa: gồm các tuyến dưới niêm mạc của ống tiêu hóa
và các tuyến phụ thuộc ống tiêu hóa là tuyến nước bọt, tuyến tụy ngoại tiết và
hệ thống gan mật.
- Thành phần dịch bài tiết: thành phần dịch bài tiết rất khác nhau tùy
theo đoạn ống tiêu hóa nhưng nhìn chung gồm nước, ion, các enzym tiêu hóa,
chất nhầy và một số chất khác như yếu tố nội tại của dạ dày.
- Cơ chế bài tiết: việc bài tiết được thực hiện theo nhiều giai đoạn khác
nhau thông qua sự chi phối của các phản xạ thần kinh (gồm cả phản xạ có
điều kiện và phản xạ không điều kiện) hoặc thông qua tác dụng của các
hormon (gồm cả hormon chung và hormon địa phương).
2.3. Hoạt động hóa học
Hoạt động hóa học (còn gọi là tiêu hóa) là sự phân giải thức ăn của dịch
tiêu hóa thành các chất đơn giản về cấu trúc hóa học để có thể hấp thu được.
- Điều kiện thực hiện: điều kiện để hoạt động hóa học diễn ra là phải có
sự kết hợp của hoạt động cơ học và hoạt động bài tiết.
+ Hoạt động cơ học: nghiền nát, nhào trộn làm tăng sự tiếp xúc của
thức ăn với dịch tiêu hóa. Lưu trữ, vận chuyển thức ăn đảm bảo số lượng, thời
gian phù hợp với sự tiêu hóa ở từng đoạn của ống tiêu hóa.
+ Hoạt động bài tiết: cung cấp dịch tiêu hóa với các enzym cần thiết
cho sự tiêu hóa, đồng thời tạo các môi trường pH thuận lợi cho hoạt động của
các enzym tiêu hóa.

109
- Cơ chế hóa học: phản ứng căn bản của sự tiêu hóa thức ăn là phản
ứng thủy phân.
+ Glucid: carbohydrat được thủy phân thành các đường đơn như
glucose, fructose và galactose.
+ Protid: protein được thủy phân thành các tripeptid, dipeptid và một ít
acid amin.
+ Lipid: triglycerid phải được nhũ tương hóa bởi muối mật trước khi bị
thủy phân thành acid béo và monoglycerid. Do đặc tính không hòa tan trong
nước nên các sản phẩm này phải được vận chuyển trong các hạt mixen đến
màng tế bào biểu mô để hấp thu.
2.4. Hoạt động hấp thu
Hoạt động hấp thu là sự vận chuyển các sản phẩm tiêu hóa, nước và
chất điện giải qua các tế bào biểu mô vào máu theo nhu cầu cơ thể để tạo
năng, tạo hình và thực hiện các chức năng khác.
- Màng hấp thu: màng hấp thu chính là lớp niêm mạc với các tế bào
biểu mô của ống tiêu hóa mà chủ yếu là ở ruột. Niêm mạc ruột tạo thành
nhiều nếp gấp làm tăng diện tích hấp thu lên 3 lần. Trên mỗi nếp gấp lại có
nhiều nhung mao làm diện tích hấp thu tăng thêm 10 lần nữa. Trên mỗi nhung
mao lại có nhiều vi nhung mao tạo thành bờ bàn chải, và như thế diện tích hấp
thu lại tăng thêm 20 lần. Tổng diện tích hấp thu của ruột khoảng 250m2.
- Cơ chế hấp thu: có hai cơ chế hấp thu là vận chuyển thụ động (khuếch
tán đơn giản và được gia tốc) và vận chuyển chủ động (sơ cấp và thứ cấp).
- Quá trình hấp thu: gồm nhiều bước
+ Các sản phẩm tiêu hóa được hấp thu từ lòng ống tiêu hóa vào tế bào
biểu mô niêm mạc qua bờ bàn chải.
+ Trong tế bào biểu mô các sản phẩm tiêu hóa có thể được phân cắt tiếp
như tripeptid và dipeptid thành các acid amin; hoặc được tái tổng hợp như
acid béo kết hợp lại với monoglycerid thành triglycerid; hoặc cũng có thể giữ
nguyên dạng hấp thu như glucose trước khi được bài tiết vào khoảng gian bào
qua bờ bên tế bào biểu mô niêm mạc.
+ Trong khoảng gian bào, phần lớn các chất được đưa vào mao mạch
rồi theo hệ thống tuần hoàn về gan qua tĩnh mạch cửa. Một số lipid như
triglycerid, cholesterol và phospholipid lại được đưa vào hệ bạch mạch trước
khi đổ vào máu qua ống ngực. Tế bào Kupffer của gan và tế bào lympho của

110
hạch bạch huyết đóng vai trò như một hàng rào miễn dịch ngăn cản các tác
nhân lạ đã được hấp thu như vi khuẩn phát tán khắp cơ thể. Ngoài ra, gan còn
có thể biến đổi các chất hóa học ngoại sinh và cả nội sinh thành những chất ít
độc hơn hay làm giảm hoạt tính sinh học của chúng. Quá trình biến đổi này
được gọi là tác dụng khử độc, làm cho các chất có khả năng gây độc dễ bị thải
ra ngoài hơn, trong dịch mật hay là trong nước tiểu.
+ Trong gan, biểu mô của mao mạch kiểu xoang có tính thấm rất cao,
nên phần lớn các chất dinh dưỡng đến từ hệ tiêu hóa trong tĩnh mạch cửa đều
được hấp thu nhanh chóng vào khoảng Disse. Sự hấp thu các chất này ra khỏi
máu tĩnh mạch cửa giúp cho nồng độ các chất không tăng quá cao trong máu
tuần hoàn ngay sau bữa ăn. Sau đó tế bào gan sẽ biến đổi chúng thành những
chất mới thích hợp hơn cho cơ thể và phóng thích vào máu với nồng độ đã
được điều chỉnh. Như vậy, gan có chức năng chuyển hóa và dự trữ các chất
dinh dưỡng ngoại sinh và cả nội sinh, vitamin, muối khoáng cho nhu cầu của
cả cơ thể.
3. ĐIỀU HÒA HOẠT ĐỘNG HỆ TIÊU HÓA
3.1. Cơ chế thần kinh
Hệ tiêu hóa có một hệ thống thần kinh riêng gọi là hệ thần kinh ruột
nhưng nó cũng được chi phối từ bên ngoài bởi hệ thần kinh trung ương và hệ
thần kinh tự chủ.
3.1.1. Hệ thần kinh ruột
Hệ thần kinh ruột gồm các đám rối Meissner và đám rối Auerbach. Các
đám rối này vừa nhận sự chi phối của hệ thần kinh tự chủ vừa có thể hoạt
động một cách độc lập như một hệ thần kinh hoàn chỉnh thu nhỏ với cung
phản xạ tự động gồm các nơron hướng tâm, trung gian và ly tâm (cung phản
xạ vòng ngắn). Trong đó, các nơron hướng tâm tiếp nhận thông tin từ nhiều
receptor khác nhau nằm trong thành ống tiêu hóa như receptor căng, receptor
hóa học, receptor cơ học, receptor thẩm thấu…; các nơron ly tâm lại có nhiệm
vụ truyền xung động đến các tổ chức cơ trong thành ống tiêu hóa để điều hòa
hoạt động tiêu hóa. Đám rối Meissner chủ yếu điều hòa lưu lượng máu, hoạt
động bài tiết và hấp thu. Đám rối Auerbach chủ yếu điều hòa hoạt động cơ
học.
3.1.2. Hệ thần kinh tự chủ
- Thần kinh giao cảm: trung tâm nằm ở sừng bên chất xám tủy sống từ

111
T5-L2. Sợi tiền hạch đi đến đám rối dương, đám rối mạc treo tràng trên và mạc
treo tràng dưới. Sợi hậu hạch tận cùng tại các đám rối của hệ thần kinh ruột
hoặc trực tiếp đến các mạch máu, cơ thắt và các hang Lieberkühn. Kích thích
giao cảm thường làm giảm lưu lượng máu, giảm hoạt động cơ học và bài tiết
của ống tiêu hóa.
- Thần kinh phó giao cảm: trung tâm là nhân vận động của dây thần kinh
X ở hành não và sừng bên chất xám tủy sống đoạn tủy cùng C2-C4. Từ đây xung
động theo dây thần kinh X và thần kinh chậu đến phân nhánh và tận cùng trong
các đám rối của hệ thần kinh ruột. Đồng thời cũng có những sợi cảm giác từ
niêm mạc ruột theo dây thần kinh X và dây thần kinh tạng về lại trung tâm. Như
vậy, thần kinh phó giao cảm tạo thành những cung phản xạ vòng dài điều hòa
hoạt động tiêu hóa. Kích thích phó giao cảm thường làm giãn mạch tăng lưu
lượng máu, tăng hoạt động cơ học và bài tiết của ống tiêu hóa.
3.1.3. Các trung tâm tiêu hóa ở thần kinh trung ương
Ngoài các trung tâm thần kinh tự chủ, hệ thần kinh trung ương còn có
một số trung tâm tiêu hóa khác như:
- Thân não: trung tâm nhai nằm ở cầu não, trung tâm nuốt và vị giác ở
hành não.
- Vùng hạ đồi: hoạt động ăn uống được điều hòa bởi trung tâm đói gồm
các nhân bên vùng hạ đồi và trung tâm no gồm các nhân trước trong vùng hạ
đồi. Nồng độ các chất dinh dưỡng trong máu mà đặc biệt là glucose sẽ kích
thích các trung tâm này.
- Vỏ não: cũng chi phối các hoạt động tiêu hóa thông qua các phản xạ
có điều kiện.
3.2. Cơ chế thể dịch
Cơ chế thể dịch điều hòa hoạt động tiêu hóa được thực hiện thông qua
các hormon chung và hormon địa phương, mà chủ yếu là hormon địa phương.
- Các hormon địa phương: ống tiêu hóa có các tế bào nội tiết nằm rải
rác trong niêm mạc. Chúng bị kích thích bởi thức ăn và các xung động thần
kinh để bài tiết hormon tham gia điều hòa hoạt động cơ học, bài tiết. Một số
hormon quan trọng như: gastrin, histamin, somatostatin, cholecystokinin,
secretin, motilin.
- Các hormon chung: adrenalin, insulin, glucagon… cũng có ảnh hưởng
lên tiêu hóa.

112
TIÊU HÓA Ở MIỆNG VÀ THỰC QUẢN

Mục tiêu:
1. Trình bày được hai hoạt động cơ học là nhai và nuốt.
2. Trình bày được hoạt động bài tiết nước bọt.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA MIỆNG, THỰC QUẢN
Miệng và thực quản có các hoạt động tiêu hóa là hoạt động cơ học
(nhai và nuốt) và hoạt động bài tiết, hóa học của nước bọt. Các hoạt động này
được thực hiện do các thành phần:
- Khoang miệng: tạo thành từ các cơ và xương vùng mặt bao phủ bởi
biểu mô lát tầng. Bên trong có lưỡi với các gai vị giác, 2 cung răng hàm trên
và hàm dưới. Phía sau khoang miệng là hầu, lớp dưới niêm của khoang miệng
và hầu có nhiều tuyến nước bọt.
- Thực quản: là một ống cơ có chức năng đưa thức ăn từ miệng xuống
dạ dày. Tuyến dưới niêm mạc bài tiết chất nhầy giúp thức ăn đi xuống dễ
dàng và bảo vệ niêm mạc thực quản.
2. HOẠT ĐỘNG CƠ HỌC CỦA MIỆNG VÀ THỰC QUẢN
2.1. Nhai
Nhai là một động tác có ý thức với sự tham gia của các cơ nhai, cơ hàm
và hai hàm răng, trong đó hàm dưới cử động ép lên hàm trên. Khi nhai, răng
hàm có chức năng nghiền, răng nanh dùng để xé và răng cửa cắn thức ăn.
Lưỡi cũng góp phần hỗ trợ cho động tác nhai khi lừa thức ăn vào giữa hai
hàm. Sau khi nhai, thức ăn được nghiền thành các phần tử nhỏ và trộn lẫn với
nước bọt thành viên thức ăn.
- Ý nghĩa của động tác nhai:
+ Làm tăng diện tích tiếp xúc của thức ăn với các enzym tiêu hóa, đồng
thời giúp thức ăn dễ nuốt hơn và tránh tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa.
+ Phá vỡ lớp vỏ cellulose bao quanh rau và trái cây và chỉ khi đó các
chất dinh dưỡng bên trong mới có thể được tiêu hóa và hấp thu.
- Điều hòa hoạt động nhai: điều hòa bằng cơ chế thần kinh với trung
tâm nhai ở hành não. Thần kinh chi phối là nhánh vận động của thần kinh V.
Ngoài ra, hoạt động nhai cũng chịu ảnh hưởng của hệ lưới, hạ đồi và vỏ não.
2.2. Nuốt

113
Nuốt là một hoạt động phức tạp, nửa có ý thức, nửa không ý thức. Hoạt
động nuốt được chia thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn miệng: là giai đoạn nuốt có ý thức, lưỡi cử động cong lên
trên và ra sau để đẩy viên thức ăn vào hầu.
- Giai đoạn hầu: là giai đoạn nuốt không có ý thức trong khoảng 1-2
giây. Lưỡi gà bị kéo lên trên làm đóng lỗ mũi sau. Các nếp khẩu hầu ở hai bên
được kéo vào trong tạo thành một khe nhỏ cho thức ăn đi qua. Hai dây thanh
âm khép lại, nắp thanh quản che kín thanh môn. Thực quản giãn ra, toàn bộ
cơ hầu co lại, xuất hiện sóng nhu động đẩy viên thức ăn xuống thực quản.
Giai đoạn này được điều hòa thông qua thông qua cung phản xạ gồm:
+ Bộ phận nhận cảm: các thụ thể nuốt ở niêm mạc vùng hầu.
+ Sợi hướng tâm: nhánh cảm giác của dây V và dây thiệt hầu.
+ Trung tâm: hành não và cầu não.
+ Sợi ly tâm: sợi vận động dây V, IX, X, XII.
+ Bộ phận đáp ứng: cơ lưỡi, vùng hầu và thực quản.
- Giai đoạn thực quản: là giai đoạn nuốt không có ý thức trong khoảng
8-10 giây và có thể nhanh hơn dưới tác dụng của trọng lực. Lúc này các sóng
nhu động nguyên phát lan từ hầu xuống sẽ đẩy thức ăn trôi vào dạ dày. Nếu
nhu động nguyên phát chưa đẩy hết thức ăn xuống được thì thức ăn còn sót lại
làm căng thành thực quản và nhu động thứ phát sẽ xuất hiện hoàn tất việc đưa
thức ăn xuống dạ dày. Cơ thắt dạ dày-thực quản bình thường ở trạng thái co
trương lực để ngăn sự trào ngược dạ dày-thực quản, khi có kích thích của
sóng nhu động và viên thức ăn sẽ giãn ra để đưa thức ăn vào dạ dày. Các sóng
nhu động của thực quản được kiểm soát bởi dây IX, X và đám rối Auerbach ở
thực quản.
3. HOẠT ĐỘNG BÀI TIẾT VÀ HÓA HỌC CỦA MIỆNG VÀ THỰC
QUẢN
3.1. Bài tiết và hóa học của nước bọt
3.1.1. Nguồn gốc
Các tuyến nước bọt bài tiết khoảng 800-1500mL/ngày, gồm:
- Các tuyến mang tai chỉ tiết thanh dịch: chứa ptyalin (amylase) và các
chất điện giải.
- Các tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi: tiết cả thanh dịch và chất
nhầy, chất nhầy chứa mucin làm trơn thức ăn.

114
- Các tuyến nhỏ ở miệng và lưỡi chỉ tiết chất nhầy.
3.1.2. Thành phần và tác dụng
- Nước bọt là một dịch trong suốt không màu, pH từ 6,0-7,4. Thành
phần gồm:
+ Ptyalin (- amylase) và chất nhầy mucin.
+ Nhiều K+ (gấp 7 lần) và HCO3- (gấp 3 lần) so với huyết tương.
+ Rất ít Na+, Cl-.
+ Yếu tố diệt khuẩn: ion thiocyanat, lysozym.
+ Ca2+, phosphat, nước.
+ Còn là nơi đào thải của Pb, Hg, virus dại.
- Tác dụng:
+ Nước bọt nhào trộn với thức ăn thành viên thức ăn. Trong các thành
phần của nước bọt chỉ có ptyalin là có tác dụng tiêu hóa tinh bột chín:
Maltose
Maltose
Ptyalin
Ptyalin
Tinh
Tinh bột
bột chín
chín Các
Các Oligosaccharid
Oligosaccharid Maltotriose
Maltotriose
(<5%)
(<5%) α-limit
α-limit dextrin
dextrin (2-9
(2-9 glucose)
glucose)
+ Làm ẩm ướt, bôi trơn miệng và thức ăn tạo điều kiện cho việc nuốt,
nếm và cả nói được thực hiện dễ dàng.
+ Vệ sinh răng miệng do nước bọt rửa trôi các vi khuẩn gây bệnh và
các mảnh thức ăn bám vào kẽ răng. Ngoài ra, nước bọt còn chứa một số chất
diệt khuẩn như kháng thể, lysozym, thiocyanat. pH kiềm của nước bọt trung
hòa các acid do vi khuẩn lên men thức ăn tạo ra và cả dịch vị bị trào ngược.
3.1.3. Điều hòa bài tiết
Tuyến nước bọt là tuyến tiêu hóa duy nhất không chịu ảnh hưởng của
các hormon tiêu hóa. Điều hòa bài tiết nước bọt được thực hiện chủ yếu thông
qua cung phản xạ thần kinh tự chủ (phó giao cảm) gồm:
- Bộ phận nhận cảm: nhận các tín hiệu từ miệng, hầu, lưỡi do thức ăn
kích thích; hoặc phản xạ dạ dày - ruột như khi ăn phải thức ăn khó chịu hay
lúc muốn nôn; các kích thích đói và cả tác động của vỏ não khi nghĩ đến một
món ăn nào đó.
- Sợi hướng tâm: theo 2 dây thần kinh cảm giác là nhánh dây thần kinh
thiệt hầu và thần kinh thừng nhĩ.
- Trung tâm: trung tâm điều hòa bài tiết nước bọt ở giữa hành não và

115
cầu não. Trung tâm này có thể bị kích thích bởi các trung tâm cao hơn, đặc
biệt là trung tâm thèm ăn ở vùng hạ đồi.

Hình 7.5. Cung phản xạ bài tiết nước bọt


- Sợi ly tâm: theo 2 dây thần kinh vận động là nhánh dây thần kinh mặt
và thần kinh thiệt hầu.
- Bộ phận đáp ứng: các tuyến nước bọt bài tiết nước bọt. Kích thích phó
giao cảm gây bài tiết nhiều nước bọt giàu chất điện giải nhưng ít men.
3.2. Sự bài tiết của thực quản
Thực quản chỉ bài tiết chất nhầy. Ở đoạn trên thực quản, chất nhầy có
nhiệm vụ bôi trơn, hạn chế thức ăn làm tổn thương niêm mạc thực quản. Ở
đoạn dưới nó còn có thêm tác dụng bảo vệ thực quản khỏi sự tấn công của
dịch vị với độ acid cao trào ngược.
4. HOẠT ĐỘNG HẤP THU
Miệng không hấp thu thức ăn nhưng có thể hấp thu một số thuốc rất
nhanh khi đặt dưới lưỡi như risordan, nifedipine… Do đó, có thể ứng dụng
làm đường hấp thu thuốc dùng trong cấp cứu hoặc trong trường hợp thuốc qua
dạ dày có thể bị phá hủy.

116
TIÊU HÓA Ở DẠ DÀY

Mục tiêu:
1. Trình bày được hoạt động cơ học của dạ dày.
2. Trình bày được hoạt động bài tiết dịch vị.
3. Phân tích được các tác dụng của dịch vị.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA DẠ DÀY


Từ trên xuống dưới, dạ dày gồm có: tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và
môn vị. Về mặt mô học, ngoài tế bào tiết nhầy nằm khắp bề mặt của dạ dày,
dạ dày còn có 2 loại tuyến quan trọng là tuyến môn vị và tuyến đáy vị.

Hình 7.6. Tuyến đáy vị


* Tuyến đáy vị:
- Phân bố: khắp thân và đáy dạ dày trừ bờ cong nhỏ.
- Có các loại tế bào:
+ Tế bào cổ tuyến: bài tiết chất nhầy.
+ Tế bào thành: giàu ty lạp thể, bài tiết HCl và yếu tố nội tại (intrinsic
factor) vào kênh nội bào, dẫn đến lòng ống tuyến, rồi đổ vào dạ dày.
+ Tế bào chính: bài tiết pepsinogen.
+ Tế bào ưa bạc ECL (enterochromaffine - like), là tế bào nội tiết, phân

117
bố giữa các tế bào chính có nhiệm vụ bài tiết histamin.
* Tuyến môn vị:
- Phân bố: ở vùng môn vị.
- Các loại tế bào: tế bào trụ đơn, tế bào G và tế bào D.
- Bài tiết:
+ Chất nhầy là chủ yếu, HCO3-.
+ Hormon: gastrin, somatostatin, ít pepsinogen.
2. HOẠT ĐỘNG CƠ HỌC CỦA DẠ DÀY
Dạ dày có nhiệm vụ cơ học là tích trữ thức ăn, trộn thức ăn với dịch vị,
đưa thức ăn xuống tá tràng với tốc độ thích hợp cho sự hấp thu và tiêu hóa ở
ruột.
2.1. Chức năng chứa thức ăn
Ở người khi đói, dạ dày chứa khoảng 50mL dịch. Khi thức ăn, nước
uống vào dạ dày, thể tích dạ dày tăng, các thụ thể căng bị kích thích, gây phản
xạ dây thần kinh X, làm giảm trương lực cơ đáy và thân dạ dày. Do đó dạ dày
có thể giãn ra để chứa một thể tích thức ăn lên đến 1,5 lít nhưng áp suất ở dạ
dày vẫn không tăng nhiều.
2.2. Chức năng nhào trộn thức ăn
Khi đói, dạ dày chỉ có các sóng co thắt rất yếu xuất hiện ở thân dạ dày,
cứ mỗi 60-90 phút 1 lần, gọi là các phức hợp cơ động vì nó còn lan truyền
khắp ống tiêu hóa. Các sóng này có thể trở thành sóng co thắt rất mạnh, có thể
gây cảm giác đau ở thượng vị và cảm giác đói, gọi là sóng co thắt do đói, xuất
hiện khi nồng độ glucose trong máu giảm thấp. Chúng còn được điều hòa bởi
gastrin, motilin (là một hormon do niêm mạc tá tràng bài tiết trong thời gian
giữa hai bữa ăn). Thần kinh X khi bị kích thích làm tăng co thắt dạ dày.
Khi dạ dày chứa đầy thức ăn, cơ trơn của dạ dày bị kéo giãn ra và bị
kích thích tạo ra điện thế động chồng lên nhịp điện căn bản. Lúc đầu ở dạ dày
xuất hiện các sóng co thắt, là sóng nhu động di chuyển từ thân dạ dày đi về
phía môn vị với tần số 3-4 lần/phút. Càng đến gần môn vị các sóng càng
mạnh để đẩy thức ăn qua cơ thắt môn vị. Tuy nhiên môn vị chỉ cho đi qua mỗi
lần vài mL, nên phần lớn thức ăn phải dội ngược trở lên vùng thân dạ dày.
Các sóng di chuyển như thế làm nhào trộn thức ăn với dịch vị và nghiền thức
ăn, tạo nên vị trấp có thể đi qua được môn vị.
2.3. Chức năng tống thức ăn ra khỏi dạ dày

118
2.3.1. Cơ chế hiện tượng đưa thức ăn khỏi dạ dày
Sự tống thức ăn ra khỏi dạ dày bị ngăn cản ít nhiều bởi trương lực cơ
thắt môn vị, nhưng được hỗ trợ bởi các sóng nhu động vùng hang vị.
- Vai trò của cơ thắt môn vị: nhờ có trương lực co thắt thường xuyên
của cơ nên môn vị luôn đóng. Sức đóng không tuyệt đối nên nước và các chất
điện giải có thể đi khỏi dạ dày dễ dàng. Tuy nhiên các chết sệt chỉ vào tá tràng
khi có sóng nhu động mạnh ở hang vị. Vì lỗ mở của môn vị nhỏ nên mỗi đợt
sóng như thế chỉ đẩy vào tá tràng khoảng 2-7mL vị trấp.
- Vai trò của nhu động hang vị: 80% thời gian thức ăn ở dạ dày, sóng
nhu động dạ dày yếu, chỉ đủ để nhào trộn thức ăn với dịch bài tiết. 20% thời
gian còn lại, sóng nhu động xuất hiện rất mạnh ở hang vị, có tác dụng đẩy
thức ăn xuống tá tràng. Khi thức ăn được tống dần xuống tá tràng, số lượng
còn lại ở dạ dày ít dần thì các sóng nhu động càng lúc càng xuất hiện cao hơn
về phía thân dạ dày, nhờ vậy đẩy hết các thức ăn còn lại khỏi dạ dày.
2.3.2. Điều hòa hiện tượng đưa thức ăn khỏi dạ dày
Dạ dày có khả năng đưa thức ăn từ từ xuống ruột non với tốc độ phù
hợp với khả năng tiêu hóa của ruột non. Có những cơ chế điều hòa hoạt động
này:
* Yếu tố điều hòa ở dạ dày: các yếu tố dạ dày hỗ trợ sự thoát thức ăn.
- Độ căng của dạ dày: là yếu tố chủ yếu tống thức ăn ra khỏi dạ dày, dạ
dày càng chứa nhiều thức ăn thì tốc độ tống thức ăn khỏi dạ dày càng gia
tăng. Cơ chế là do khi dạ dày chứa nhiều thức ăn sẽ gây căng cơ dạ dày, làm
kích thích thần kinh X và thần kinh nội tại gây phản xạ làm tăng nhu động của
hang vị và giảm trương lực cơ thắt môn vị.
- Vai trò của gastrin: gastrin do tế bào G niêm mạc hang vị tiết ra cũng
có tác dụng làm tăng nhu động vùng hang vị và giảm trương lực cơ thắt môn
vị. Ngoài ra, gastrin còn gây co cơ vòng dạ dày-thực quản, ngăn chặn nhũ trấp
trào ngược lên thực quản.
- Vai trò của motilin: phối hợp với các tác nhân khác làm giãn cơ thắt
môn vị để đưa thức ăn từng đợt xuống tá tràng.
* Yếu tố điều hòa ở tá tràng: các yếu tố tá tràng ức chế sự thoát thức ăn.
- Phản xạ ruột-dạ dày: là phản xạ thần kinh giao cảm xuất hiện do sự
căng thành tá tràng khi vị trấp từ dạ dày xuống. Phản xạ này cũng xuất hiện
khi vị trấp có tính ưu trương và acid hoặc do các sản phẩm tiêu hóa protein

119
sau giai đoạn dạ dày kích thích vào niêm mạc tá tràng. Phản xạ ruột-dạ dày có
tác dụng ức chế mạnh nhu động hang vị và làm tăng trương lực cơ thắt môn
vị. Do đó làm giảm hoặc làm chậm sự đưa thức ăn xuống tá tràng.
- Hormon: cholecystokinin, GIP (gastric inhibitory peptid),
somatostatin, secretin có tác dụng ức chế nhu động của hang vị và tăng trương
lực cơ thắt môn vị. Các hormon trên được tiết từ tá tràng và hỗng tràng khi
thức ăn từ dạ dày xuống tá tràng có pH thấp, nhiều chất béo và carbohydrat,
áp suất thẩm thấu của vị trấp quá nhược trương hay ưu trương, mà đặc biệt là
ưu trương.
3. HOẠT ĐỘNG BÀI TIẾT VÀ HÓA HỌC CỦA DẠ DÀY
3.1. Nguồn gốc dịch vị
Ở niêm mạc dạ dày ngoài tế bào tiết nhầy nằm khắp bề mặt của dạ dày,
còn có hai loại tuyến quan trọng là tuyến đáy vị và tuyến môn vị tham gia bài
tiết dịch. Hỗn hợp dịch bài tiết ra được gọi là dịch vị.
3.2. Tính chất và thành phần của dịch vị
- Tính chất: dịch vị tinh khiết là chất lỏng không màu, trong suốt,
quánh, pH=2-3.
- Thành phần:
+ Nhóm men: pepsin, lipase, gelatinase.
+ Chất nhầy, yếu tố nội tại.
+ Nhóm chất vô cơ: HCl và các ion mà đặc biệt là HCO3-.
- Hormon: gastrin, somatostatin, histamin.
3.3. Cơ chế bài tiết và tác dụng của một số thành phần chính trong dịch
vị
3.3.1. Bài tiết HCl
Khi có kích thích, tế bào thành bài tiết một dung dịch điện giải chứa
160mmol acid HCl/1lít, pH khoảng 0,8. Để cô đặc được nồng độ hydrogen
trong 1 lít dung dịch như thế cần phải dùng 1500 calo. HCl có vai trò tạo môi
trường acid cho hoạt động của pepsin và diệt các vi khuẩn ăn vào.
* Các giai đoạn bài tiết HCl:
Trong tế bào thành có các kênh nội bào (intracellular canaliculi) khi tế
bào bài tiết, các kênh này mở rộng ra và dịch sẽ bài tiết thẳng vào lòng của
tuyến đáy vị qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: ion chlorid được chuyên chở chủ động từ bào tương vào

120
lòng của các kênh nội bào, tạo ra điện thế âm ở đây khoảng -70mV. Điều này
sẽ gây sự khuếch tán thụ động của K+ vào trong kênh. Kết quả hình thành
potassium chlorid trong lòng kênh.
- Giai đoạn 2: trong bào tương của tế bào thành H2O phân ly thành H+
và OH-. H+ được bài tiết chủ động vào lòng kênh, nhờ hoạt động của bơm H +-
K+-ATPase còn gọi là bơm proton. Bơm này đồng thời làm cho K+ được hấp
thu trở lại. Kết quả H+ thay chỗ cho K+ tạo nên một dung dịch hydrochloric
acid mạnh trong kênh nội bào và được bài tiết vào trong lòng tuyến.
Dịch ngoại bào Tế bào thành Lòng kênh dạ dày

Thẩm thấu

Hình 7.7. Cơ chế bài tiết HCl


- Giai đoạn 3: nước di chuyển vào lòng kênh nhờ hiện tượng thẩm thấu.
- Giai đoạn 4: cuối cùng, CO2 (carbon dioxid) được thành lập từ quá
trình chuyển hóa của tế bào hoặc từ máu đến sẽ thủy hóa với H2O:
Carbonic
Carbonic anhydrase
anhydrase + -
CO
CO22 ++ H
H22O
O H
H22CO
CO33 H+ ++ HCO
H HCO33-
Ion HCO 3− này sẽ khuếch tán ra khỏi tế bào thành vào dịch ngoại bào
(trao đổi với Cl- vào tế bào). Do đó, khi sự bài tiết acid của dạ dày tăng sau
bữa ăn, pH máu sẽ tăng và nước tiểu bị kiềm hóa.
Trong việc thành lập HCl, CO2 và men carbonic anhydrase đóng vai trò
quan trọng.
* Điều hòa bài tiết HCl:

121
- Các yếu tố kích thích tế bào thành bài tiết HCl:
+ Histamin: do tế bào ECL trong tuyến đáy vị bài tiết. Histamin đến
gắn lên receptor H2 trên tế bào thành làm tăng cAMP dẫn đến tăng bài tiết
HCl.
+ Acetylcholin: là chất truyền đạt thần kinh của các dây thần kinh phó
giao cảm và hệ thần kinh ruột. Acetylcholin đến gắn lên receptor muscarinic
(M3) làm tăng Ca2+ trong tế bào thành dẫn đến tăng bài tiết HCl. Ngoài ra,
acetylcholin còn có tác dụng kích thích tế bào ECL và ức chế tế bào D.
+ Gastrin: do tế bào G của tuyến môn vị bài tiết. Gastrin đến gắn lên
receptor gastrin làm tăng Ca2+ trong tế bào thành dẫn đến tăng bài tiết HCl.
Ngoài ra, gastrin còn có tác dụng kích thích tế bào ECL.
+ Các chất khác: môi trường, cơ địa, cafein, alcool....
- Các yếu tố ức chế tế bào thành bài tiết HCl:
+ Prostaglandin E2 (PGE2): là một hormon địa phương có tác dụng ức
chế adenylcyclase làm giảm cAMP ở tế bào thành. PGE2 cũng ức chế tế bào
G làm giảm tiết gastrin.
+ Somatostatin: do tế bào D ở tuyến môn vị và ruột bài tiết cũng có tác
dụng ức chế men adenylcyclase, làm giảm cAMP ở tế bào thành. Ngoài ra,
còn ức chế tế bào ECL làm giảm tiết histamin, ức chế tế bào G làm giảm tiết
gastrin.
+ pH dịch vị ≤2: sẽ ức chế tiết gastrin từ tế bào G vùng hang vị.
3.3.2. Bài tiết các men tiêu hóa
* Bài tiết pepsinogen:
- Bài tiết: pepsinogen được bài tiết nhiều nhất ở giai đoạn tâm linh
(trước khi thức ăn vào dạ dày).
- Điều kiện hoạt động: pepsinogen chưa có hoạt tính sinh học và sẽ
được hoạt hóa bởi HCl để thành pepsin và pepsin lại có khả năng hoạt hóa
pepsinogen khác. Sau khi hình thành, pepsin là men thủy phân protein hoạt
động trong môi trường acid (pH tối thuận khoảng 1,8-3,5), khi pH  5 thì mất
hoạt tính.
- Tác dụng: pepsin sẽ thủy phân một phần protein ở dạ dày thành các
chuỗi peptid ngắn như proteose, pepton, polypeptid. Các peptid này đóng vai
trò quan trọng trong cơ chế bài tiết của tế bào thành.

122
Protein
Protein
HCl
HCl
Pepsinogen
Pepsinogen Pepsin
Pepsin
Proteose
Proteose
Pepton
Pepton
Polypeptid
Polypeptid
+ Đặc biệt, pepsin có khả năng thủy phân collagen, là một protein ít bị
ảnh hưởng bởi các enzym khác, giúp cho các enzym tiêu hóa xâm nhập vào
thịt dễ dàng.
+ Khi pepsin được tạo ra quá nhiều có thể làm tổn thương niêm mạc dạ
dày.
- Điều hòa: acetylcholin, acid dạ dày và secretin đều làm tăng bài tiết
pepsinogen.
* Bài tiết các enzym khác:
Các enzym khác của dạ dày ít quan trọng trong tiêu hóa thức ăn:
- Lipase: lipase dịch vị là một enzym yếu chỉ tác dụng lên những lipid
đã nhũ tương hóa có trong sữa, trứng, bơ.
- Gelatinase: giúp hóa lỏng một vài proteoglycan trong thịt.
Đồng thời ptyalin của nước bọt vẫn tiếp tục tiêu hóa tinh bột chín ở dạ
dày thành maltose và oligosaccharid (3-9 glucose polymere) khoảng 1 giờ
trước khi bị bất hoạt bởi pH <4.
3.3.3. Bài tiết chất nhầy và HCO3-
Việc bài tiết chất nhầy và HCO3- nhằm tạo một lớp gel kiềm phủ bề
mặt, có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Bình thường ở dạ dày có sự cân
bằng giữa yếu tố phá hủy (HCl, pepsin) và yếu tố bảo vệ (chất nhầy và
HCO3). Khi mất sự cân bằng này có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày, tá
tràng.
* Bài tiết chất nhầy:
- Nguồn gốc: tế bào tiết nhầy nằm ở khắp niêm mạc dạ dày, trong tuyến
môn vị và tế bào cổ tuyến hang vị.
- Tác dụng: phủ lên niêm mạc dạ dày vừa giúp bảo vệ niêm mạc vừa
giúp thức ăn di chuyển dễ dàng.
* Bài tiết HCO3-:
Tế bào tuyến môn vị bài tiết HCO 3- góp phần cùng chất nhầy bảo vệ
niêm mạc dạ dày. Sự bài tiết HCO3- chịu ảnh hưởng của một số yếu tố:

123
- Các yếu tố kích thích bài tiết:
+ Prostaglandin I2.
+ Chất có tác dụng cholinergic.
+ Xung động phó giao cảm.
+ Tính acid của dịch vị (pH dịch vị ≤2).
- Các yếu tố ức chế:
+ Chất kích thích - adrenergic.
+ Aspirin, chất non-steroid.
3.3.4. Bài tiết yếu tố nội tại
Tế bào thành bài tiết yếu tố nội tại cùng với HCl. Yếu tố này rất cần
cho sự hấp thu vitamin B12 ở hồi tràng. Do vậy, viêm teo niêm mạc dạ dày có
thể dẫn đến bệnh lý thiếu máu ác tính do thiếu yếu tố nội tại.
3.4. Điều hòa bài tiết dịch vị
Điều hòa bài tiết dịch vị bằng cơ chế thần kinh và thể dịch qua 3 giai
đoạn: giai đoạn tâm linh, giai đoạn dạ dày, giai đoạn ruột.

Hình 7.8. Điều hòa bài tiết ở giai đoạn tâm linh và giai đoạn dạ dày
3.4.1. Giai đoạn tâm linh
Giai đoạn tâm linh là hiện tượng bài tiết dịch vị trước khi có thức ăn
vào dạ dày. Đây là phản xạ có điều kiện được thành lập từ trước:

124
- Tác nhân kích thích: ở người, khi có những hình ảnh, mùi vị, những ý
nghĩ thèm muốn về thức ăn sẽ gây bài tiết dịch vị. Ngoài ra, khi giận dữ dạ
dày cũng tăng tiết. Ngược lại lo sợ làm dạ dày giảm tiết.
- Cung phản xạ: xung động thần kinh bắt nguồn từ vỏ não và trung tâm
ăn ngon miệng, truyền đến nhân lưng vận động của thần kinh X, sau đó theo
thần kinh nội tại ở dạ dày đến kích thích các tuyến bài tiết HCl, nhiều
pepsinogen và chất nhầy.
- Lượng dịch bài tiết khoảng 10% (40mL) tổng lượng dịch tiết trong
bữa ăn.
3.4.2. Giai đoạn dạ dày
Giai đoạn dạ dày là hiện tượng bài tiết dịch vị khi thức ăn đã vào dạ
dày. Các tác nhân kích kích thích:
- Tác nhân cơ học: khi dạ dày bị căng sẽ làm tăng tiết dịch vị.
- Tác nhân hóa học: khi dạ dày tiếp xúc với acetylcholin hay những sản
phẩm tiêu hóa protein trong giai đoạn đầu, chủ yếu là các peptid, sẽ kích thích
tế bào G vùng hang bài tiết gastrin, làm tăng tiết HCl.
Tuy nhiên khi nồng độ HCl tăng cao (pH ≤2) sẽ ức chế tiết gastrin, làm
giảm tiết HCl. Cơ chế này bị kìm hãm bởi vi khuẩn Helicobacter Pylori.
3.4.3. Giai đoạn ruột
Giai đoạn ruột là hiện tượng xảy ra khi thức ăn đã rời dạ dày. Khi vị
trấp từ dạ dày có chứa các thành phần dinh dưỡng, acid xuống tá tràng sẽ kích
thích niêm mạc tá tràng bài tiết:
- Secretin.
- GIP (Gastrin inhibitory peptid).
- Vasoactive intestinal peptid (VIP).
- Somatostatin (ức chế bài tiết histamin và gastrin).
Các hormon này ức chế hoạt động bài tiết của dạ dày.
Như vậy, giai đoạn tâm linh và giai đoạn dạ dày là kích thích bài tiết,
giai đoạn ruột là ức chế bài tiết dịch vị.
4. HOẠT ĐỘNG HẤP THU CỦA DẠ DÀY
Khả năng hấp thu của dạ dày rất thấp, chỉ những chất có độ hòa tan
trong dầu cao như rượu hoặc một số thuốc như aspirin mới được hấp thu.

125
TIÊU HÓA Ở RUỘT NON

Mục tiêu:
1. Trình bày được đặc điểm cấu tạo chức năng và hoạt động cơ học của ruột
non.
2. Trình bày được thành phần, tác dụng và điều hòa bài tiết dịch tụy, dịch mật
và dịch ruột.
3. Phân tích được hoạt động hấp thu của ruột non.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC


NĂNG
Ruột non là nơi hoàn tất quá
trình tiêu hóa thức ăn và là nơi quan
trọng có nhiệm vụ hấp thu chọn lọc
các sản phẩm tiêu hóa vào máu và
bạch huyết. Ruột non gồm 3 đoạn tá
tràng, hỗng tràng và hồi tràng.
- Ở ruột non có 3 loại dịch tham
gia tiêu hóa thức ăn:
+ Dịch tụy: được hình thành và
bài tiết từ mô tụy ngoại tiết (mô acini)
chảy qua ống Wirsung, ống này nối
với ống mật chủ và đổ vào tá tràng qua
cơ vòng Oddi.
+ Mật: được hình thành ở gan và
dự trữ trong túi mật, khi bài xuất sẽ
theo ống mật chủ đổ vào tá tràng qua
cơ vòng Oddi.
+ Dịch ruột: được hình thành và
bài tiết từ các tế bào nhầy, tuyến
Brüner và hang Lieberkühn của ruột.
Hình 7.9. Cấu tạo niêm mạc Bị ức chế bởi thần kinh giao cảm.
ruột non và bờ bàn chải - Niêm mạc ruột non tham gia

126
vào hoạt động hấp thu: biểu mô phủ của ruột non có những nếp gấp gọi là
nhung mao. Các tế bào bào biểu mô hình trụ có bờ bàn chải là những vi
nhung mao hướng vào lòng ruột và bờ đáy tiếp xúc với mạch máu.
2. HOẠT ĐỘNG CƠ HỌC CỦA RUỘT NON
- Các hoạt động cơ học của ruột non:
+ Giữa các bữa ăn: cứ cách khoảng 90 phút lại có sóng nhu động mạnh
đi từ dạ dày dọc theo ruột đến van hồi manh tràng. Sóng nhu động này “quét”
sạch những mẩu thức ăn, chất nhầy, dịch tiêu hóa dư thừa và tế bào ruột non
bị bong.
+ Trong các bữa ăn: có cử động nhào trộn và cử động đẩy. Tốc độ di
chuyển của nhũ trấp là 0,5-2cm/giây và phải mất 3-5 giờ nhũ trấp mới đến
được van hồi manh tràng.
+ Van hồi manh tràng: kiểm soát sự thoát của nhũ trấp xuống manh
tràng và ngăn cản sự trào ngược. Bình thường, cơ thắt hồi manh tràng co nhẹ,
các kích thích từ hồi tràng làm giãn cơ thắt, ngược lại các kích thích từ manh
tràng làm cơ co thắt mạnh hơn.
- Điều hòa hoạt động cơ học:
+ Cơ chế thần kinh: kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng vận
động, kích thích giao cảm có tác dụng ngược lại.
+ Cơ chế thể dịch: vai trò của gastrin và cholecystokinin còn đang bàn
cãi.

Hình 7.10. Cử động phân đoạn của ruột non giúp nhào trộn nhũ trấp
3. HOẠT ĐỘNG BÀI TIẾT VÀ TIÊU HÓA Ở RUỘT NON
3.1. Bài tiết và tác dụng của dịch tụy
3.1.1. Nguồn gốc, thành phần và tác dụng của dịch tụy
- Dịch tụy được bài tiết khi có vị trấp vào phần trên của ruột non. Đặc
điểm của dịch tụy được quyết định bởi thành phần các chất có trong vị trấp.

127
+ Các nang tuyến của tụy bài tiết men tiêu hóa.
+ Các ống tuyến dẫn ra từ các nang bài tiết rất nhiều sodium carbonat.
Các chất bài tiết này hợp với nhau lại thành dịch tụy đổ vào ống tụy

Hình 7.11. Mô ngoại tiết của tuyến tụy


- Dịch tụy có chứa:
+ Cả ba loại men tiêu hóa protein, glucid và lipid.
+ Rất nhiều ion bicarbonat (HCO 3− ): rất quan trọng để trung hòa nhũ
trấp acid từ dạ dày xuống tá tràng.
3.1.1.1. Các men tiêu hóa protein
Men tiêu hóa protein được bài tiết ở dạng tiền men gồm trypsinogen,
chymotrypsinogen, procarboxypeptidase, ribonuclease, deoxyribonuclease,
proelastase. Khi đổ vào tá tràng dưới tác dụng của enterokinase, trypsinogen
sẽ chuyển thành trypsin. Trypsin vừa đóng vai trò là men tiêu hóa, vừa là chất
xúc tác các men còn lại tạo một loạt các men hoạt động chymotrypsin,
carboxypeptidase, ribonuclease, deoxyribonuclease, elastase (thủy phân
elastin giữa các tế bào của thịt), các men này có tác dụng thủy phân các
protein thành các chuỗi peptid ngắn hơn: dipeptid, tripeptid.
Riêng carboxypeptidase có thể cắt liên kết peptid có gốc –COOH tận
cùng để tạo các amino acid riêng lẻ cho ruột hấp thu.
3.1.1.2. Các men tiêu hóa carbohydrat
Men amylase, maltase thủy phân các polysaccharid (trừ cellulose),
oligosaccharid, trisaccharid (maltotriose), disaccharid (maltose) để cuối cùng
tạo các glucose.

128
3.1.1.3. Men tiêu hóa lipid
- Lipase: thủy phân các hạt mỡ nhũ tương thành triglycerid, acid béo và
monoglycerid.
- Cholesterol ester hydrolase: thủy phân cholesterol ester tạo
cholesterol và acid béo.
- Phospholipase A2: tác dụng lên lecithin tạo thành lysolecithin
3.1.2. Điều hòa bài tiết dịch tụy
Điều hòa bài tiết theo cơ chế thần kinh và thể dịch, trong đó cơ chế thể
dịch quan trọng hơn.
* Cơ chế thần kinh:
Trong giai đoạn tâm linh acetylcholin từ dây X làm bài tiết enzym vào
nang tụy. Vì có ít nước và điện giải cùng được bài tiết nên lượng enzym được
bài tiết ra ruột non rất ít, lúc này các enzym được dự trữ tạm thời ở nang
tuyến.
* Cơ chế thể dịch:

Hình 7.12. Điều hòa bài tiết dịch tụy


Secretin và cholecystokinin (pancreozymin) kích thích bài tiết dịch tụy:

129
- Secretin: khi tiếp xúc vị trấp từ dạ dày xuống có tính acid cao, tế bào
S ở tá tràng và phần đầu của hỗng tràng bài tiết secretin. Chất này kích thích
ống tuyến tụy bài tiết HCO 3− . Secretin cũng kích thích sự bài tiết bicarbonat ở
gan.
- Cholecystokinin: khi tiếp xúc với sản phẩm tiêu hóa protein, mỡ… tế
bào niêm mạc ruột non bài tiết cholecystokinin. Chất này kích thích nang tụy
bài tiết men tiêu hóa, đồng thời kích thích túi mật co thắt gây bài xuất mật vào
tá tràng.
3.2. Bài tiết và tác dụng của dịch mật
3.2.1. Nguồn gốc, thành phần và tác dụng của dịch mật
Mật được tế bào gan bài tiết liên tục, bình thường được tích trữ ở túi
mật và được cô đặc. Sau mỗi bữa ăn, nhất là bữa ăn có nhiều chất béo, túi mật
sẽ bài xuất mật đổ vào tá tràng.
Trong các thành phần của mật, muối mật chiếm nhiều nhất, khoảng
phân nửa số chất hòa tan của mật. Tác dụng chính của muối mật là nhũ tương
hóa lipid.
Muối mật có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của các hạt mỡ trong
thức ăn. Dưới ảnh hưởng cơ học của ruột non các hạt mỡ bị vở ra thành
những hạt rất nhỏ. Đây là tác dụng nhũ tương hóa của muối mật.
Muối mật có cấu tạo phân tử gồm một đầu ưa nước và một đầu kỵ nước
(tan trong mỡ) nên có thể kết hợp với các hạt lipid tạo ra những phức hợp gọi
là micelles, với nhóm có cực hướng ra ngoài bao phủ bề mặt của micelles nên
hòa tan trong nước dịch tiêu hóa. Nhờ đó micelles có vai trò chuyên chở lipid
đến niêm mạc ruột non để lipid được hấp thu. Nếu không có muối mật 40%
lipid trong thức ăn sẽ bị mất theo phân.
Mặt khác, khi chất béo không được hấp thu đủ thì các vitamin tan trong
chất béo cũng không được hấp thu đủ nhu cầu. Các vitamin A, D, E được cơ
thể dự trữ, còn vitamin K thì không. Do đó, chỉ vài ngày sau khi mật không
được tiết thì bệnh nhân sẽ có biểu hiện thiếu vitamin K, gây rối loạn đông
máu.
3.2.2. Điều hòa bài tiết dịch mật
- Ở giai đoạn tâm linh: dây thần kinh X bị kích thích làm túi mật co thắt.
- Cholecystokinin do niêm mạc ruột non bài tiết khi tiếp xúc với chất

130
béo và protein, chất này vào máu đến túi mật làm túi mật co thắt tạo áp suất
đẩy mật vào tá tràng và làm giãn cơ vòng Oddi.
3.3. Bài tiết và tác dụng của dịch ruột
3.3.1. Nguồn gốc, thành phần và tác dụng của dịch ruột
* Chất nhầy:
Chất nhầy có chức năng bảo vệ niêm mạc tá tràng khỏi bị dịch vị phá
hủy và có thể được bài tiết từ:
- Các tuyến Brünner nằm ở vài cm đầu tiên của tá tràng, giữa môn vị và
bóng Vater nơi dịch tụy và mật đổ vào tá tràng. Bài tiết khi:
+ Có kích thích đụng chạm hay kích thích khó chịu ở phía trên.
+ Có kích thích thần kinh X.
+ Có hormon secretin.
Tuyến Brüner bị ức chế bởi thần kinh giao cảm.
- Các tế bào nhầy (tế bào đài) nằm khắp niêm mạc ruột non, bài tiết khi
có kích thích đụng chạm của nhũ trấp lên niêm mạc ruột.
- Các tế bào nhầy nằm ở các hang Lieberkühn.
* Thanh dịch:
Thanh dịch (nước và các chất điện giải) do các tế bào trong các hang
Lieberkühn bài tiết với lượng 1800mL dịch mỗi ngày. Dịch ngoại bào có pH
hơi kiềm (7,5-8). Các dịch này sẽ được tái hấp thu rất nhanh bởi nhung mao
ruột. Vòng tuần hoàn của dịch từ hang Lieberkühn đến các nhung mao cung
cấp phương tiện lưu thông để hấp thu các chất từ nhũ trấp khi nhũ trấp chạm
vào nhung mao.
* Các men tiêu hóa của ruột non:
Các men tiêu hóa của ruột non không được bài tiết mà nằm trên diềm
bàn chải của tế bào biểu mô niêm mạc ruột, nhiều nhất là ở biểu mô bao phủ
các nhung mao. Các enzym này sẽ xúc tác các phản ứng thủy phân ở mặt
ngoài của vi nhung mao trước khi tế bào hấp thu các sản phẩm cuối cùng của
sự tiêu hóa.
- Các enzym tiêu hóa protein: là các peptidase gồm dipeptidase thủy
phân các peptid chuỗi ngắn thành dipeptid, rồi dưới tác dụng của
aminopeptidase thủy phân tiếp thành 2 amino acid.
- Các enzym tiêu hóa carbohydrat: là sucrase, maltase, lactase tác dụng
lên các loại đường trong thức ăn, tạo ra các đường đơn (monosaccharid) để

131
ruột có thể hấp thu được là galactose, fructose, glucose.
- Men tiêu hóa lipid: là lipase cắt triglycerid thành acid béo và
monoglycerid.
3.3.2. Điều hòa bài tiết ở dịch ruột
- Do kích thích tại chỗ: do thức ăn đụng chạm vào niêm mạc ruột gây
phản xạ thần kinh tại chỗ. Vì vậy khi có thức ăn là có bài tiết và thức ăn càng
nhiều thì bài tiết càng nhiều.
- Do hormon: các hormon gây kích thích đường tiêu hóa đều kích thích
bài tiết dịch ruột. Nhưng tác dụng này yếu hơn tác dụng tại chỗ.
4. HOẠT ĐỘNG HẤP THU Ở RUỘT NON
Bình thường ruột non mỗi ngày hấp thu vài trăm gram carbohydrat,
100g chất béo, 50-100g acid amin, 50-100g ion và 7-8L nước. Tuy nhiên khả
năng hấp thu của ruột non rất lớn, có thể hấp thu mỗi ngày vài Kg
carbohydrat, 500-1000g chất béo, 500-700g acid amin và trên 20L nước.
4.1. Hấp thu nước
Hấp thu nước từ ruột phụ thuộc nhiều vào sự chênh lệch áp suất thẩm
thấu, tạo nên do các chất điện giải (đặc biệt là natri) được hấp thu một cách
chủ động từ lòng ruột qua các tế bào biểu mô nhung mao ruột.
Nước được chuyên chở qua màng ruột non hoàn toàn bằng cơ chế
khuếch tán. Khi nhũ trấp nhược trương, nước được hấp thu xuyên qua niêm
mạc ruột vào máu. Tuy nhiên, nước cũng có thể di chuyển theo chiều ngược
lại từ huyết tương vào nhũ trấp. Hiện tượng này xảy ra khi dung dịch ưu
trương được đưa từ dạ dày xuống tá tràng. Thường chỉ trong vài phút là đủ để
nước khuếch tán làm nhũ trấp đẳng trương với huyết tương. Do đó, nhũ trấp
hầu như luôn luôn đẳng trương khắp ống tiêu hóa từ ruột non đến ruột già.
Chất hòa tan được hấp thu từ lòng ruột vào máu có khuynh hướng làm
giảm áp suất thẩm thấu của nhũ trấp, nước khuếch tán rất nhanh theo các chất
được hấp thu.
4.2. Hấp thu các ion
4.2.1. Hấp thu Na+
- Nguồn gốc Na+:
+ Từ thức ăn hay nước uống, khoảng 8g, muối NaCl cũng hiện diện
trong các loại thực phẩm không mặn như: cà rốt, bắp cải, trứng, sữa…
+ Do ống tiêu hóa bài tiết, lượng Na+ bài tiết hàng ngày khoảng 20-30g.

132
- Lượng hấp thu: mỗi ngày có khoảng 25-35g Na+ được hấp thu ở ruột
non. Tức là khoảng 1/7 tổng lượng Na+ của cơ thể. Khi dịch bài tiết ở ruột bị
mất ra ngoài như khi bị tiêu chảy thì lượng Na + dự trữ của cơ thể bị suy giảm,
có thể tử vong trong vài giờ.
- Cơ chế hấp thu của Na+:
+ Cơ chế chính của sự hấp thu Na+ là chuyên chở chủ động và cần năng
lượng. Sự chuyên chở chủ động Na+ như thế làm cho nồng độ Na+ trong tế
bào giảm còn khoảng 50mEq/L.
Vì nồng độ Na+ trong nhũ trấp bình thường khoảng 142 mEq/L nên Na+
sẽ di chuyển thụ động từ nhũ trấp xuyên qua bờ bàn chải để vào bào tương
của tế bào biểu mô.
Cùng với sự di chuyển của Na+ có sự thẩm thấu của nước xuyên qua
chỗ nối, một phần xuyên qua chính tế bào.
+ Sự hấp thu Na+ đóng vai trò quan trọng đối với sự hấp thu glucose,
các acid amin và một vài chất khác. Ngược lại sự hấp thu glucose cũng tăng
cường khả năng hấp thu Na+. Do sự vận chuyển Na+, glucose cặp đôi tạo
thành một hệ thống đồng vận chuyển thuận tại vi nhung mao ruột.
+ Na+ còn được hấp thu qua sự hoán đổi với H+ do hoạt động của bơm
H+/Na+ (bơm này bị kích thích khi nồng độ Na+ của nhũ trấp trong lòng ruột
cao hoặc nồng độ H+ trong bào tương của tế bào biểu mô cao.
+ Ngoài ra, Na+ còn hấp thu cặp đôi với Cl-.
4.2.2. Hấp thu Cl -
- Ở phần trên của ruột non (tá tràng và hỗng tràng) Cl- được hấp thu chủ
yếu bằng cơ chế khuếch tán thụ động theo sự hấp thu Na + qua chỗ nối giữa
các tế bào biểu mô ruột.
- Ở hồi tràng và ruột già có sự hấp thu chủ động của Cl - bằng cách trao
đổi với HCO 3− (Do hoạt động của bơm HCO 3− /Cl-) sẽ cung cấp các ion HCO 3−
để trung hòa các sản phẩm acid do vi khuẩn tạo ra.
4.2.3. Hấp thu HCO 3−
HCO 3− được tụy và đường mật bài tiết rất nhiều. Các ion này được hấp
thu rất nhiều ở phần trên của ruột non là tá tràng và hỗng tràng.
Hoạt động bài tiết H+vào trong lòng ruột là cơ chế chủ yếu của sự hấp
thu HCO 3− và cần sự hiện diện của carbonic anhydrase.

133
4.2.4. Hấp thu Ca2+
Calcium ăn vào được hấp thu 30-80%. Ca2+ được hấp thu chủ động ở tá
tràng nhờ chất mang BBCaBP (Brush border Ca binding protein) và CCaBP
(Cytoplasmic Ca binding protein)
- Sự hấp thu Ca2+ được kích thích bởi:
+ 1,25 – dihydroxycholecalciferol: đây là một chất chuyển hóa của
vitamin D được tạo ra ở thận. Chất chuyển hóa này làm sinh ra protein gắn
với Ca2+ ở tế bào niêm mạc ruột. Tốc độ sản xuất 1,25 -
dihydroxycholecalciferol gia tăng khi nồng độ Ca2+ trong huyết tương giảm
và ngược lại. Nhờ thế sự hấp thu Ca2+ được điều chỉnh cho phù hợp với nhu
cầu của cơ thể.
+ Parahormon (hormon tuyến cận giáp), GH (hormon tuyến yên).
+ Citric acid: sẽ kết hợp với Ca2+ để tạo citrateCa hòa tan dễ hấp thu…
- Sự hấp thu Ca2+ bị ức chế bởi: phosphat (PO43-) và oxalat vì các ion
này tạo thành muối với Ca2+ [Ca3(PO4)2] không tan ở ruột non.
4.2.5. Hấp thu sắt
Lượng sắt trong cơ thể được điều hòa bằng cơ chế điều hòa hấp thu ở ruột.
Sắt rất dễ hấp thu khi ở dưới dạng Ferrous (Fe2+) nhưng hầu hết sắt ăn
vào ở dạng ferric (Fe3+). Dạ dày hấp thu sắt không đáng kể, nhưng nhờ dịch vị
có tác dụng hòa tan sắt giúp sắt tạo được phức hợp hòa tan với acid ascobic
(vitamin C) và khử sắt thành dạng Fe2+.
Sự hấp thu sắt bị ức chế bởi phosphat, oxalat, acid phytic trong ngũ cốc
tương tác với sắt tạo thành phức hợp không tan trong ruột.
Hấp thu sắt gia tăng khi trữ lượng sắt trong cơ thể giảm hay khi sự sinh
hồng cầu gia tăng.
Ở người bình thường cơ thể sẽ duy trì mức hấp thu sắt bình thường dù
có ăn vào gấp 10 lần nhu cầu.
Phần lớn sắt được hấp thu ở phần trên của ruột non. Do tất cả biểu mô
của ruột non đều có chứa các chất chuyên chở sắt nội tế bào (apoferritin). Khi
vào máu nhờ transferrin, sắt sẽ chuyển đến: tủy xương, mô (myoglobin), dự
trữ, thải trừ qua mồ hôi, nước tiểu …
Sắt gắn với ferritin ở tế bào ruột sẽ mất khi tế bào bị tróc ra theo chu kỳ
đời sống của nó và đi ra phân.
4.3. Hấp thu các dưỡng chất

134
4.3.1. Hâp thu carbohydrat
Các men thủy phân những sản phẩm trung gian của carbohydrat trên
màng vi nhung mao của niêm mạc ruột non, tạo các monosaccharid và được
hấp thu chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng. Chỉ có một phần rất nhỏ được hấp
thu dưới dạng disaccharid.
Các monosaccharid hầu hết được hấp thu bằng cơ chế chuyển chở chủ
động. Có sự cạnh tranh giữa glucose và galactose với nhau.
Sự hấp thu glucose và galactose sẽ bị ngừng trệ hoặc bị giảm đáng kể
dưới sự vận chuyển Na+ chủ động. Do đó, người ta cho rằng năng lượng cần
để vận chuyển hai loại monosaccharid này là do hệ thống vận chuyển Na +
cung cấp. Hệ thống đồng vận chuyển thuận Na+ - glucose/galactose phải được
gắn cả glucose và Na+ thì mới hoạt động.
Riêng fructose: khuếch tán có gia tốc, cần chất chuyên chở riêng. Ngay
khi vào trong tế bào niêm mạc ruột đa số fructose chuyển thành glucose rồi
vào máu.
3.3.2 Hấp thu protein
Chủ yếu ở tá tràng và hỗng tràng, một ít ở hồi tràng. Hầu hết protein
được hấp thu dưới dạng acid amin. Tuy nhiên cũng có một ít dipeptid,
tripeptid và rất ít protein cũng được hấp thu (protein được hấp thu theo cơ chế
ẩm bào).
Sự hấp thu các acid amin cũng tương tự sự hấp thu glucose theo cơ chế
đồng vận chuyển thuận Na+ - acid amin.
4.3.3. Hấp thu lipid
- Monoglycerid và acid béo là dạng hấp thu chủ yếu:
+ Các monoglycerid và acid béo cùng với acid mật tạo những micelles
đến bờ bàn chải của niêm mạc ruột. Acid béo và monoglycerid sẽ được hấp
thu vào tế bào sau khi đi qua các khe của các vi nhung mao.
+ Sau khi vào tế bào các monoglycerid và acid béo đi vào mạng lưới
nội bào tương trơn và được tái tạo lại thành triglycerid. Một số monoglycerid
được thủy phân bởi lipase thành glycerol và acid béo.
+ Triglycerid cùng với một ít cholesterol hấp thu sẽ được ester hóa sau
đó được bao bọc bên ngoài bởi phospholipid, apoprotein tạo thành một loại
lipoprotein có tên là chylomicron. Chylomicron xuất bào vào mạch bạch
huyết của nhung mao ruột, rồi đổ về hệ thống tuần hoàn.

135
Một lượng nhỏ các acid béo chuỗi ngắn (<10 C) như acid béo trong bơ
sữa được hấp thu thẳng vào máu.
- Glycerol: hấp thu bằng cơ chế khuếch tán.
- Diglycerid và triglycerid: rất ít hấp thu vì không tan vào micelles.
4.3.4. Hấp thu vitamin
- Vitamin tan trong nước: đặc biệt vitamin B12 nhờ yếu tố nội tại của dạ
dày và được hấp thu ở hồi tràng.
- Vitamin tan trong dầu: nhờ hỗ trợ của muối mật và được hấp thu cùng với
lipid ở ruột.
* Tóm lại:
Sự hấp thu, bài tiết nước- điện giải xảy ra chủ yếu ở hệ tiêu hóa mà ruột
đóng vai trò chính. Bình thưòng một người lớn khoẻ mạnh ăn uống khoảng
2L nước/ngày. Nước bọt, các dịch tiết của dạ dày, tụy, gan khoảng 7L và dịch
ruột được tiết ra. Như vậy một lượng dịch rất lớn khoảng 10L/ngày mà ruột
non phải hấp thu lại khoảng 90% chỉ còn khoảng 10% (100-200 mL) được
thải ra ngoài theo phân.
Vì quá trình hấp thu nhiều hơn quá trình bài tiết, nên bất kỳ sự thay đổi
nào xảy ra trong quá trình hấp thu hay bài tiết dịch (tăng tiết dịch, giảm hấp
thu) đều gây tăng lượng dịch xuống ruột già, quá sức hấp thu của ruột già sẽ
làm tăng khối lượng dịch trong lòng ruột già dẫn đến tiêu chảy.

136
TIÊU HÓA Ở RUỘT GIÀ

Mục tiêu:
1. Trình bày được hoạt động cơ học của ruột già.
2. Trình bày được hoạt động bài tiết và hấp thu của ruột già.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC CHỨC NĂNG CỦA RUỘT GIÀ


1.1. Đặc điểm cấu tạo của ruột già
Ruột già bao gồm manh tràng, đại tràng (đại tràng lên, đại tràng ngang,
đại tràng xuống, đại tràng sigma) và trực tràng. Manh tràng có dạng hình túi
nằm ngay phía dưới nối liền giữa ruột non và ruột già tại vị trí van hồi manh
tràng, phần ruột hình như ngón trỏ nhô ra phía dưới manh tràng gọi là ruột
thừa. Ngoài các đặc điểm chung của ruột, ruột già còn có những đặc điểm
riêng:
- Bên ngoài có 3 dải cơ dọc. Các dải cơ này ngắn hơn lớp cơ vòng và
lớp niêm mạc phía dưới nên chúng trở nên căng dẹt và làm cho các lớp phía
dưới bị dồn vào trong thành các túi phình (haustra).
- Niêm mạc không có nhung mao được lợp bởi các tế bào hình đài, tế
bào hấp thu và có nhiều hang Lieberkühn.
1.2. Đặc điểm về hệ vi sinh vật ở ruột già
Tại ruột già, có rất nhiều vi khuẩn thường trú không gây bệnh. Do nhu
động trong ruột già rất chậm làm cho vi khuẩn có thời gian sinh trưởng và gia
tăng số lượng tại đây. Hầu hết vi khuẩn khi ăn vào sẽ bị tiêu diệt bởi các men
tiêu hóa và HCl, những vi khuẩn tồn tại được sẽ tiếp tục phát triển nhanh
chóng ở trong ruột già. Số lượng vi khuẩn trong ruột già lớn gấp 10 lần trong
cơ thể, với từ 500-1000 loại vi khuẩn hiện diện trong ruột già đặc biệt là colon
bacilli có mặt ở phần đầu của ruột già.
Vai trò của vi khuẩn thường trú tại ruột già:
- Tăng cường miễn dịch ở ruột bằng cách chống lại những vi khuẩn gây
bệnh xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn.
- Tăng cường hoạt động cơ học của ruột già.
- Giúp bảo vệ toàn bộ niêm mạc ruột già.
- Góp phần nuôi dưỡng cho ruột già: một số vi khuẩn có khả năng sản
sinh ra glucose từ quá trình tiêu hóa chất xơ tại đây, những glucose này sẽ

137
được hấp thu tại ruột già.
- Cung cấp một số vitamin cho cơ thể. Dưới tác dụng của vi khuẩn, một
số chất được tạo thành như vitamin K, vitamin B12, thiamin, riboflavin. Đặc
biệt là vitamin K vì lượng vitamin K ăn vào không đủ để duy trì một quá trình
đông máu thích hợp cho cơ thể.
2. HOẠT ĐỘNG CƠ HỌC CỦA RUỘT GIÀ
2.1. Các cử động của ruột già
- Cử động nhào trộn: tương tự co bóp phân đoạn ở ruột non với sự co
đồng thời của các cơ vòng và 3 dải cơ dọc từng đoạn ruột. Nhờ đó thức ăn
tiếp tục nhào trộn và tăng khả năng tiếp cận với niêm mạc.
- Cử động đẩy: các sóng nhu động rất hiếm khi xảy ra ở ruột già so với
ruột non (ở ruột già là 1-2 lần/30 phút, trong khi ruột non là 9-12 lần/phút). Ở
manh tràng và đại tràng lên các sóng nhu động giống như ruột non đẩy nhũ
trấp đến đại tràng ngang mất 8-15 giờ. Ở đại tràng ngang nhu động xuất hiện
dưới một dạng đặc biệt gọi là co bóp khối, một khối ruột dài khoảng 20cm
bóp lại sẽ ép chất phân bên trong thành khuôn và đẩy nó dọc theo ruột già. Co
bóp khối chỉ kéo dài trong 10 phút đến nửa giờ, nửa ngày đến một ngày mới
xuất hiện 1 lần. Các sóng nhu động của đại tràng sẽ gia tăng ngay khi thức ăn
vào đến dạ dày và tá tràng thông qua hệ thần kinh tự chủ gọi là phản xạ dạ
dày – ruột già hoặc tá tràng – ruột già.
2.2. Động tác đại tiện
Thông thường ở trực tràng không có phân vì giữa đại tràng xích ma và
trực tràng có một cơ thắt. Khi các co bóp khối đẩy phân vào trực tràng sẽ gây
phản xạ đại tiện gồm tăng nhu động chủ yếu ở đại tràng sigma – trực tràng và
giãn cơ thắt hậu môn. Có hai cơ thắt hậu môn: cơ thắt trong là cơ trơn (không
ý thức) và cơ thắt ngoài là cơ vân (có ý thức). Cơ chế của phản xạ:
- Phản xạ nội sinh: khi phân vào, thành trực tràng bị căng sẽ kích thích
các thụ thể căng truyền xung động vào đám rối Auerbach, các sóng nhu động
đi đến gần hậu môn ức chế cơ thắt trong làm cơ này giãn ra. Tuy nhiên, những
phản xạ nội sinh thường yếu chưa đủ để tống phân ra ngoài. Chúng phải được
tăng cường thêm bằng phản xạ ngoại sinh.
- Phản xạ ngoại sinh: khi trực tràng bị kích thích, các xung động được
truyền về tủy sống rồi theo các sợi phó giao cảm trong dây thần kinh chậu đến
đại tràng xuống, đại tràng sigma, trực tràng và hậu môn. Những tín hiệu phó

138
giao cảm làm tăng nhu động và giãn cơ thắt trong mạnh hơn nữa, nếu lúc đó
cơ thắt ngoài cũng giãn thì động tác đại tiện sẽ xảy ra. Ngoài ra, cùng lúc đó
xuất hiện hoạt động co cơ thành bụng và hít vào sâu đóng nắp thanh môn. Hai
hoạt động này làm tăng áp lực trong ổ bụng đẩy phân xuống và kéo cơ thắt
hậu môn ra ngoài giúp cho việc tống thoát phân ra ngoài hiệu quả hơn (động
tác rặn).
Nếu trong tình huống không thuận lợi cho việc đại tiện thì cơ thắt ngoài
co lại có ý thức làm ngăn chặn động tác đại tiện xảy ra. Nếu phản xạ này bị
chậm lại, thành trực tràng bớt căng phồng, sự thôi thúc đại tiện giảm bớt cho
đến khi có nhu động khác từ trên xuống đẩy phân vào trực tràng gây xuất hiện
lại phản xạ đại tiện.
3. HOẠT ĐỘNG BÀI TIẾT VÀ HÓA HỌC Ở RUỘT GIÀ
- Bài tiết:
+ Ruột già chủ yếu bài tiết chất nhầy từ các tế bào hình đài. Chất nhầy
bảo vệ thành ruột già không bị trầy xước khi phân di chuyển qua đồng thời
tránh tác hại của vi khuẩn và làm cho phân dính lại với nhau.
+ Ngoài ra dịch ruột già còn chứa một lượng lớn bicarbonat. Bicarbonat
tạo tính kiềm trung hòa các acid được hình thành trong phân.
- Hóa học: ở ruột già chỉ có quá trình tiêu hóa cellulose của các vi
khuẩn thường trú. Các chất indol, skatol, hydrogen sulfur, N2 … do vi khuẩn tạo
ra sẽ sinh mùi cho phân. Màu vàng của phân là do stercobilin và urobilin - những
chất chuyển hóa của bilirubin tạo thành. Ngoài ra, trong ruột già còn có hơi do
hít vào, hoặc do khuếch tán từ máu ra như CO2, CH4, H2, nhưng chủ yếu hơi
là do vi khuẩn lên men các thức ăn chưa tiêu hóa. Số lượng hơi tùy thuộc vào
loại thức ăn đưa vào (thường thức ăn có nguồn gốc từ carbohydrat đặc biệt là
ngũ cốc dễ sinh hơi) và mức độ hoạt động của vi khuẩn ở ruột già, trung bình
khoảng 7-10L/ngày.
Sự di chuyển của hơi trong lòng ruột già tạo ra những tiếng sôi ruột.
Hiện tượng phóng thích hơi trong đại tràng là hoạt động có ý thức bởi sự điều
khiển các cơ thành bụng và cơ thắt ngoài hậu môn. Khi cơ thành bụng co làm
cho áp lực trong bụng tăng lên chống lại sự co thắt của cơ thắt ngoài hậu môn.
Cuối cùng áp lực trong bụng thắng lực co thắt của cơ thắt ngoài hậu môn làm
cho hơi vượt qua chỗ hẹp với tốc độ rất cao và thoát ra ngoài hậu môn, đồng
thời lúc đó những vùng xung quanh hậu môn bị rung động tạo thành âm trầm

139
dài gọi là tiếng trung tiện. Bình thường lượng hơi thoát ra ngoài trung bình
khoảng 600mL/ngày.
4. HOẠT ĐỘNG HẤP THU CỦA RUỘT GIÀ
Hấp thu xảy ra ở nửa đầu của ruột già và khả năng hấp thu là rất lớn.
Tuy nhiên, sự hấp thu trong lòng ruột già ít hơn nhiều so với ruột non vì bề
mặt niêm mạc ruột già trơn láng ít nếp gấp làm cho diện tích tiếp xúc với chất
bã kém hơn. Ruột già chủ yếu là hấp thu nước và các chất điện giải như Ca2+,
Mg2+, kẽm. Đặc biệt, Na+ được hấp thu bằng cơ chế tích cực kéo theo Cl-.
Dung dịch NaCl tạo ra áp suất thẩm thấu kéo theo nước.
Việc hấp thu nước làm cho tính chất phân trở nên rắn chắc. Trong
khoảng 500mL chất bã từ ruột non xuống ruột già thì có khoảng 350ml được
tái hấp thu, còn khoảng 150g phân được đào thải ra ngoài mỗi ngày. Trong đó
gồm 100g H2O và 50g chất rắn (gồm những chất không thể tiêu hóa được
như: cellulose, bilirubin, vi khuẩn và một ít muối).

Câu hỏi lượng giá:


1. Trình bày cơ chế (ngắn gọn) một số loại thuốc điều trị viêm dạ dày dựa trên
cơ sở sinh lý bài tiết HCl ở dạ dày đã học?
2. Khi một một người ăn nhiều lipid thì quá trình bài tiết dịch tiêu hóa sẽ diễn
ra như thế nào?
3. Trình bày nguyên nhân và cơ chế của hiện tượng táo bón dựa trên cơ sở
sinh lý học của ruột già?

4. Tần số của sóng chậm của ống d. 95 mV.


tiêu hóa: 6. Sóng co thắt dạ dày do đói xảy
a. 3 lần/phút ra khi:
b. 12 lần/phút a. Dạ dày trống.
c. 3 - 12 lần/phút b. Có tín hiệu liên quan đến ăn
d. 10 lần/giây uống.
5. Điện thế màng tế bào cơ trơn lúc c. Đường huyết giảm
nghỉ: d. Kích thích dây thần kinh X
a. 40 đến -50 mV. 7. Phản xạ ruột- dạ dày:
b. -50 đến - 60 mV. a. Xuất phát từ tá tràng.
c. 90 mV. b. Tác dụng thông qua dây thần

140
kinh giao cảm. ứng:
c. Làm giảm lượng thức ăn xuống a. Enteropeptidase
tá tràng. b. Trypsin
d. Tất cả đúng. c. Chymotrypsin
8. Trương lực cơ môn vị giảm (giãn d. Carboxypeptidase
môn vị) do: 13. Nhóm yếu tố sau đây có liên
a. Gastrin quan trong điều hòa bài tiết
b. Acid amin tự do trong dạ dày bicarbonat của tụy:
c. CCK, GIP, Secretin a. Tính acid cao, cholecystokinin,
d. Motilin nang tuyến.
9. Các yếu tố sau gây ức chế bài b. Tính acid cao, secretin, tế bào
tiết HCO3- ở dạ dày, ngoại trừ: ống tuyến.
a. Chất - adrenergic. c. Mỡ- sản phẩm tiêu hóa protein-
b. Non – steroid. cholecystokinin, nang tuyến.
c. Aspirin. d. Mỡ- sản phẩm tiêu hóa protein-
d. PG I2. secretin, nang tuyến.
10. Pepsinogen được bài tiết nhiều 14. Chất nhầy của dịch ruột được
nhất ở giai đọan sau: bài tiết từ:
a. Tâm linh. a. Các tuyến Brünner
b. Dạ dày. b. Các tế bào nhầy
c. Tâm linh và dạ dày. c. Các hang Lieberkühn
d. Ruột. d. Tất cả đều đúng
11. Enzym sau đây có khả năng 15. Chọn câu sai về sự hỗ trợ trong
thủy phân collagen: hấp thu các chất ở ruột non:
a. Tributyrase. a. Hấp thu Ca++ cần vitamin D
b. Pepsin. b. Hấp thu sắt cần vitamin C
c. Ptyalin. c. Hấp thu B12 cần yếu tố nội
d. Trypsin. d. Hấp thu tất cả các dưỡng chất
12. Chất sau đây vừa là men tiêu cần Na+
hóa vừa là tác nhân xúc tác phản

141
Chương 9
SINH LÝ HỆ TIẾT NIỆU

Hệ tiết niệu bao gồm thận và đường tiết niệu. Thận có nhiệm vụ tạo
nước tiểu từ các nephron đổ vào các đài thận, để thực hiện hai chức năng
chính là bài xuất phần lớn những sản phẩm cuối cùng của chuyển hóa trong
cơ thể và điều hòa nồng độ các thành phần của dịch cơ thể, giữ hằng định nội
môi. Trong khi đó, đường tiết niệu có vai trò dẫn lưu nước tiểu từ đài thận qua
bể thận, niệu quản đến bàng quang, niệu đạo và bài xuất nước tiểu ra ngoài.

SINH LÝ THẬN

Mục tiêu
1. Xác định được các đặc điểm cấu tạo chức năng của nephron.
2. Phân tích được hoạt động lọc cầu thận.
3. Phân tích được hoạt động tái hấp thu và bài tiết các chất ở ống thận.
4. Trình bày được các chức năng của thận.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA THẬN


Thận gồm phần vỏ và tủy với đơn vị cấu tạo và chức năng là nephron.
Hai thận chứa khoảng trên 2 triệu nephron có khả năng tạo nước tiểu độc lập
với nhau. Mỗi nephron gồm một tiểu cầu thận và hệ thống ống thận.

Hình 8.1. Cấu tạo đơn vị thận


(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology)

142
1.1. Tiểu cầu thận
Tiểu cầu thận (glomerulus) đường kính khoảng 200microns nằm ở
vùng vỏ thận, có hai cực: cực mạch và cực niệu, được cấu tạo gồm hai phần:
- Chùm mao mạch tiểu cầu thận: mỗi tiểu cầu có một chùm khoảng 50
quai mao mạch. Các mao mạch được cấu tạo bởi các tế bào nội mô đứng tựa
trên màng đáy giống các mao mạch khác. Ngoài ra, các mao mạch tiểu cầu
thận còn có các tế bào gian mao mạch (mesangial cell) bám vào vách, được
bao bọc bởi chất nền trung mô. Các tế bào gian mao mạch có tính co thắt
giống như tế bào cơ trơn và có receptor chuyên biệt với angiotensin II. Khi
các receptor này được kích hoạt, lưu lượng máu qua tiểu cầu thận giảm. Các
tế bào gian mao mạch cũng có các receptor chuyên biệt với natriuretic peptid,
làm các tế bào này giãn ra, tăng lưu lượng máu đến thận và làm tăng diện tích
lọc. Tế bào gian mao mạch còn có chức năng nâng đỡ cấu trúc của tiểu cầu
thận, tổng hợp chất nền, thực bào vùi, tích tụ các phân tử bình thường và bệnh
lý (phức hợp miễn dịch) bởi màng đáy cầu thận, có thể sản xuất các hóa chất
trung gian như cytokin và prostaglandin. Mao mạch tiểu cầu thận là mạng
lưới đặc biệt duy nhất trong cơ thể nằm giữa 2 tiểu động mạch:
+ Tiểu động mạch đến: là tiểu động mạch xuất phát từ động mạch thận
phân nhánh vào tiểu cầu thận. Chúng thường chia thành 2-5 nhánh trước khi
tạo thành chùm mao mạch tiểu cầu thận. Tiểu động mạch đến dẫn máu vào
trong mao mạch tiểu cầu thận.
+ Tiểu động mạch đi: là tiểu động mạch do các mao mạch tiểu cầu thận
hợp lại thành và rời khỏi tiểu cầu thận đi đến mạng lưới mao mạch quanh ống
thận. Tiểu động mạch đi có đường kính nhỏ hơn tiểu động mạch đến và dẫn
máu vào trong mạng lưới mao mạch quanh ống thận.
- Bao Bowman: bao bọc quanh chùm quai mao mạch tiểu cầu thận. Bao
Bowman cấu tạo từ 2 lớp là lá tạng tiếp xúc trực tiếp với chùm mao mạch tiểu
cầu thận và lá thành là giới hạn ngoài của tiểu cầu thận. Giữa 2 lớp của bao
Bowman là khoang Bowman hay còn gọi là khoang niệu, đây chính là nơi tiếp
nhận dịch được lọc qua màng lọc cầu thận.
1.2. Các ống thận
Phía cực niệu của tiểu cầu thận, khoang Bowman được tiếp nối với hệ
thống ống thận, gồm ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp. Một
số đặc điểm chức năng của hệ thống ống thận:

143
- Tiểu cầu thận cùng với ống lượn gần, ống lượn xa và một phần ống
góp nằm ở vùng vỏ thận. Trong khi đó quai Henle và phần còn lại của ống
góp chạy song song nhau vào vùng tủy, một số quai Henle cắm rất sâu vào
trong tháp thận, còn các ống góp mở vào đài bể thận. Dịch đi vào nang
Bowman và hệ thống ống thận được gọi là dịch lọc, khi dịch rời khỏi hệ thống
ống thận vào bể thận được gọi là nước tiểu.
- Các tế bào biểu mô ống thận có bờ bàn chải hướng vào lòng ống thận,
bờ đáy tựa lên màng đáy hướng ra ngoài mô kẽ và lưới mao mạch, bờ bên kết
nối nhau ở phía lòng ống và mở về phía đáy. Các tế bào này có hoạt động
chức năng gần giống các tế bào biểu mô niêm mạc đường tiêu hóa vừa thực
hiện hoạt động hấp thu vừa thực hiện hoạt động bài tiết, tạo thành một hàng
rào phân cách giữa dịch lọc và máu.
- Phức hợp cận tiểu cầu: phía cực mạch của tiểu cầu thận, các tế bào
gian mao mạch sẽ biệt hóa thành tế bào cận tiểu cầu. Cùng với đó, phần đầu
của ống lượn xa khi đi ngang qua tiểu cầu thận của cùng một nephron, các tế
bào biểu mô ống lượn xa tiếp xúc với tiểu động mạch đến trở nên dày đặc hơn
so với các tế bào biểu mô chỗ khác được gọi là vết đặc (macula densa). Như
vậy, phức hợp cận tiểu cầu bao gồm vết đặc và các tế bào cận tiểu cầu, đóng
vai trò quan trọng trong sự tạo thành hệ thống renin – angiotensin điều hòa
dòng máu qua thận và erythropoietin điều hòa sự sinh hồng cầu ở tủy xương.
- Tiểu động mạch đi sau khi rời khỏi tiểu cầu thận sẽ đến phân nhánh
và tạo thành lưới mao mạch bao quanh các ống thận. Hầu hết mạng lưới mao
mạch nằm trong vùng vỏ thận bao quanh ống lượn gần, ống lượn xa và ống
góp vùng vỏ. Một phần nhỏ tạo thành các nhánh dài gọi là quai mạch thẳng
(vasa recta) đi sâu vào vùng tủy nằm cạnh quai Henle. Như vậy, lưu lượng
máu vùng vỏ lớn hơn vùng tủy. Một đặc điểm nữa là dòng chảy của quai
mạch thẳng ngược chiều quai Henle: nhánh xuống của mạch thẳng đi cùng
nhánh lên của quai Henle và nhánh lên mạch thẳng đi cùng nhánh xuống quai
Henle. Như vậy, các mạch thẳng hoạt động như hệ thống trao đổi ngược dòng
với quai Henle. Về cấu tạo, quai Henle cũng có đặc điểm thích hợp với sự
trao đổi ngược dòng đó là thành nhánh xuống, đỉnh và phần đầu nhánh lên rất
mỏng có tính thấm cao (vận chuyển thụ động) nhưng phần cuối nhánh lên
dày, tính thấm giảm, chỉ có thể vận chuyển chủ động các chất qua lại.
2. QUÁ TRÌNH LỌC Ở CẦU THẬN

144
2.1. Màng lọc cầu thận
Màng lọc cầu thận chính là hàng rào ngăn cách máu trong mao mạch
tiểu cầu thận với dịch lọc trong bao Bowman.
* Cấu tạo:
Màng lọc cầu thận được cấu tạo gồm 3 lớp:
- Tế bào nội mô mao mạch cầu thận: giống như các mao mạch khác
trong cơ thể, mao mạch tiểu cầu thận được lót bởi các tế bào nội mô. Các tế
bào này không xếp sát nhau mà tạo những khe hở (các lỗ lọc) đường kính
khoảng 160Å. Điểm khác biệt với các mao mạch khác là màng bào tương của
các tế bào nội mô mao mạch tiểu cầu thận không phủ lên nhau thành những
màng bịt khe hở do vậy tính thấm của màng lọc sẽ lớn hơn.
- Màng đáy: xen giữa tế bào nội mô có lỗ thủng của mao mạch tiểu cầu
thận và tế bào có chân là một màng đáy đôi dày khoảng 0,1μm (300nm).
Màng đáy đôi được xem là nằm giữa khoang niệu và máu mao mạch, được
cấu tạo từ fibronectin, collagen type IV (chứa α-3, α-4, α-5 của chuỗi
collagen) và laminin nằm trong chất nền có proteoglycan heparin sulfat mang
điện tích âm, đóng vai trò hạn chế sự đi qua của các phân tử mang điện tích
âm. Mạng lưới các sợi collagen và proteoglycan đan chéo nhau tạo các khe hở
đường kính 110Å. Như vậy, màng đáy tiểu cầu thận là một màng lọc đại phân
tử giúp giữ lại các phân tử có đường kính lớn hơn 10nm và các protein tích
điện âm có khối lượng phân tử lớn như albumin. Với cấu trúc lưới chéo của
các chuỗi collagen đã tạo nên sức bền cho màng đáy cầu thận.
- Tế bào biểu mô nang Bowman: là các tế bào có chân bám vào màng
đáy tạo các khe hở đường kính khoảng 70Å giữa các chân. Từ lúc bào thai,
các tế bào biểu mô lá tạng nang Bowman đã có sự biệt hóa thành tế bào có
chân bao gồm thân và một số nhánh bào tương cấp một. Mỗi nhánh bào tương
cấp một lại cho ra các nhánh bào tương cấp hai hay chân bao quanh mao
mạch tiểu cầu thận. Bào tương các tế bào có chân có các bó siêu sợi actin cho
phép chúng có tính năng co thắt. Ngoài ra, tế bào có chân còn có các protein
nephrin, podocin và α-actinin 4 giúp tạo nên tính toàn vẹn cho mao mạch tiểu
cầu thận. Sự khiếm khuyết của các gen mã hóa cho các protein này có thể dẫn
đến thoát huyết tương vào nước tiểu và cuối cùng dẫn đến suy thận.

145
Hình 8.2. Cấu tạo màng lọc cầu thận
(Nguồn: Mescher A.L(2006), “Junqueira’s Basic Histology”, Text and Atlas)
* Tính chất:
Do đặc điểm về cấu trúc, màng lọc cầu thận có các tính chất:
- Kích thước các lỗ của màng lọc: chỉ cho qua các chất có đường kính
nhỏ hơn 70Å, không cho các tế bào máu cũng như protein vào dịch lọc.
- Lực tĩnh điện của thành lỗ lọc: tích điện âm mạnh nên:
+ Những phân tử tích điện âm được lọc kém hơn những phân tử tích điện
dương có cùng kích thước. Albumin trong huyết tương có trọng lượng phân tử
69.000, đường kính khoảng 60Å, nhưng chỉ có 0,5% được lọc qua màng lọc
vì chúng tích điện âm. Trong viêm cầu thận, tính tích điện (-) của màng lọc
cầu thận bị giảm, do đó albumin có thể xuất hiện trong nước tiểu.
+ Các chất tích điện dương được lọc nhiều hơn các chất không mang
điện có cùng kích thước.
2.2. Hoạt động lọc của cầu thận
2.2.1. Cơ chế lọc ở cầu thận

Hình 8.3. Cơ chế lọc ở cầu thận


(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology)

146
Cơ chế lọc là cơ chế thụ động phụ thuộc sự chênh lệch áp suất giữa hai
bên màng lọc cầu thận. Áp suất (P) lọc là hiệu của áp suất thủy tĩnh mao mạch
cầu thận với tổng các áp suất keo của máu mao mạch và áp suất thủy tĩnh của
nang Bowman. Quá trình lọc chỉ xảy ra khi áp suất lọc > 0.
P lọc = P máu - (P keo + P Bowman)
= 60 - ( 32 + 18 ) = 10 mmHg
- Áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận (60mmHg): đẩy nước và các
chất hòa tan từ trong lòng mạch vào nang Bowman.
- Áp suất keo mao mạch cầu thận (32mmHg): giữ nước và các chất hòa
tan ở lại lòng mạch.
- Áp suất thủy tĩnh nang Bowman (18mmHg): ngăn cản sự lọc.
2.2.2. Thành phần dịch lọc cầu thận
Dịch lọc có thành phần giống thành phần của huyết tương nhưng:
- Không có tế bào máu.
- Lượng protein rất thấp (khoảng 0,03% của protein huyết tương).
- Một vài chất có trọng lượng phân tử thấp như Ca2+, acid béo không
được lọc tự do ở cầu thận, vì chúng kết hợp với protein trong huyết tương.
- Cl- và HCO 3− cao hơn trong huyết tương khoảng 5%.
- Na+ và K+ thấp hơn huyết tương khoảng 5%.
2.2.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến áp suất lọc tại cầu thận
Sự thay đổi các áp suất ở màng lọc cầu thận sẽ ảnh hưởng đến áp suất
lọc:
- Áp suất thủy tĩnh nang Bowman: bình thường áp suất nang Bowman
có trị số thấp và dịch lọc vào nang Bowman sẽ di chuyển ngay xuống ống
thận nên ít ảnh hưởng đến áp suất lọc. Khi áp suất nang Bowman tăng (sỏi
niệu quản, phì đại tiền liệt tuyến, nghẽn niệu đạo) sẽ làm giảm áp suất lọc.
- Áp suất keo mao mạch cầu thận: bình thường cũng ít thay đổi nên ít
ảnh hưởng đến áp suất lọc. Khi áp suất keo giảm thì áp suất lọc tăng và ngược
lại. Áp suất keo chỉ giảm 2-3mmHg cũng làm lưu lượng lọc tăng lên 15-20%.
- Áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận: lưu lượng máu qua thận phụ
thuộc vào huyết áp và trạng thái của tiểu động mạch cầu thận.
+ Huyết áp tâm thu: khi huyết áp tâm thu thay đổi trong khoảng 75-
160mmHg, thận sẽ tự điều chỉnh lưu lượng máu nên áp suất lọc ít thay đổi.

147
Tính chất này rất quan trọng vì nó ngăn ngừa sự thay đổi của áp suất máu đột
ngột ảnh hưởng đến tốc độ lọc của cầu thận. Cơ chế là do khi huyết áp tâm
thu tăng dần đến 160mmHg thì tiểu động mạch đến sẽ co lại dần và khi huyết
áp tâm thu giảm dần đến 75mmHg thì tiểu động mạch đến sẽ giãn ra dần làm
áp suất trong mao mạch cầu thận không thay đổi. Tuy nhiên, khả năng co giãn
của tiểu động mạch đến có giới hạn nên khi huyết áp tâm thu >160mmHg sẽ
có hiện tượng “lợi niệu do huyết áp” làm tăng lượng nước tiểu do áp suất thủy
tĩnh trong mao mạch cầu thận tăng gây tăng áp suất lọc. Ngược lại, khi huyết
áp tâm thu <75mmHg sẽ gây thiểu niệu, huyết áp tâm thu <40-50mmHg sẽ
gây vô niệu do áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận giảm gây giảm áp suất
lọc.
+ Trạng thái của tiểu động mạch cầu thận: co tiểu động mạch đến làm
giảm lượng máu đến cầu thận gây giảm áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận
dẫn đến giảm áp suất lọc. Trong khi đó, co tiểu động mạch đi gây cản trở máu
ra khỏi cầu thận làm tăng áp suất thủy tĩnh mao mạch cầu thận gây tăng áp
suất lọc.
2.3. Độ lọc cầu thận
2.3.1. Khái niệm
Độ lọc cầu thận (GFR: Glomerular Filtration Rate) là tổng thể tích dịch
được lọc qua cầu thận của 2 thận trong 1 phút.
Độ lọc cầu thận là chỉ số chức năng thận, bình thường = 125mL/1phút,
tức khoảng 180 lít/24 giờ. Một số yếu tố liên quan đến độ lọc cầu thận:
- Tuổi: sau một năm tuổi thì trẻ em có độ lọc cầu thận bằng độ lọc của
một người trưởng thành, nhưng sau 40 tuổi thì độ lọc cầu thận sẽ giảm với tốc
độ trung bình 10mL/phút/10 năm. Sự suy giảm độ lọc cầu thận theo tuổi liên
quan đến sự thay đổi giải phẫu của thận theo tuổi với số lượng nephron hoạt
động giảm dần do quá trình lão hoá tự nhiên của toàn cơ thể.
- Diện tích da: độ lọc cầu thận liên quan đến kích thước của thận, mà
kích thước này lại liên quan đến diện tích da và hoạt động chuyển hoá toàn cơ
thể. Diện tích da 1,73m2 thường được dùng để hiệu chỉnh khi tính độ lọc cầu
thận ở một đối tượng cụ thể, đây là diện tích da trung bình của nam và nữ
trong lứa tuổi 25.
2.3.2. Cách đo độ lọc cầu thận
Chưa có phương pháp trực tiếp đo độ lọc cầu thận. Người ta thường

148
dùng phương pháp gián tiếp là phương pháp đo độ thanh thải (C: Clearance)
của một chất để đánh giá độ lọc cầu thận (phương pháp gián tiếp của Van
Slyke).
- Định nghĩa: độ thanh thải (C) của một chất là thể tích huyết tương
được thận thải sạch chất đó trong 1 phút.
- Công thức tính C:
P: nồng độ chất đó trong huyết tương (mg/mL)
U .V
C= mL / ph U: nồng độ chất đó trong nước tiểu (mg/mL)
P V: thể tích nước tiểu được bài xuất trong 1 phút
(mL/phút)
- Tiêu chuẩn của chất dùng đo lọc cầu thận:
+ Được lọc tự do qua cầu thận.
+ Không được tái hấp thu ở ống thận.
+ Không được bài tiết ở ống thận.
+ Không được chuyển hóa và dự trữ trong cơ thể.
+ Không gắn với protein trong huyết tương.
+ Không làm tăng, giảm chức năng của thận.
+ Không độc với cơ thể.
+ Định lượng một cách chính xác và dễ dàng.
Khi thỏa mãn nhưng tiêu chuẩn trên thì: lượng thải ra trong nước tiểu
= lượng lọc qua cầu thận.
- Những chất được dùng để đo độ lọc cầu thận:
+ Inulin: inulin là một chất thích hợp với các tiêu chuẩn trên nên được
xem là tiêu chuẩn vàng để xác định mức lọc cầu thận. Đây là polymer của
đường fructose, với trọng lượng phân tử khoảng 5.200 dalton. Độ thanh thải
inulin được tính toán như sau:
Uin = 30mg/mL, V = 1mL/phút, Pin = 0,24mg/mL
Cin = Uin x V / Pin = 30 x 1/0,24 = 125 mL/phút
Như vậy, độ thanh thải của inulin chính là độ lọc cầu thận.
+ Creatinin: creatinin nội sinh là chất có sẵn trong cơ thể, không phải
đưa từ ngoài vào, thường được dùng để đo độ lọc cầu thận. Tuy nhiên,
creatinin có nhược điểm là được bài tiết một ít bởi ống thận, nên lượng bài
xuất qua nước tiểu sẽ tăng lên.
+ Các chất khác cũng dùng để đánh giá độ lọc cầu thận: cystatin C,

149
NGAL, beta 2-microglobulin …
2.4. Điều hòa hoạt động lọc ở cầu thận
Bình thường độ lọc cầu thận luôn giữ tương đối hằng định nhờ một số
cơ chế điều hòa.
2.4.1. Cơ chế tự điều hòa (điều hòa ngược ống thận – cầu thận)
Khi lưu lượng lọc cầu thận giảm thấp, nồng độ ion Na +, Cl- đến vết đặc
giảm, sẽ dẫn đến hai cơ chế điều hòa kết hợp nhau để đưa độ lọc cầu thận trở
lại bình thường:
- Điều hòa ngược giãn tiểu động mạch đến: các tế bào cận tiểu cầu phát
tín hiệu gây giãn tiểu động mạch đến, làm tăng lượng máu vào cầu thận, tăng
độ lọc cầu thận.
- Điều hòa ngược co tiểu động mạch đi: các tế bào cận tiểu cầu tiết ra
renin, dẫn đến việc tạo thành angiotensin II làm co tiểu động mạch ra, làm
tăng áp suất máu ở cầu thận và tăng độ lọc cầu thận.
2.4.2. Cơ chế thần kinh
Hệ thần kinh giao cảm có các tận cùng chi phối lớp cơ của mạch máu
thận nên tham gia điều hoà lưu lượng tuần hoàn thận. Ở thận không có sợi
phó giao cảm.
Kích thích thần kinh giao cảm vừa hay nhẹ ít ảnh hưởng đến lưu lượng
máu thận và áp suất lọc cầu thận; nhưng kích thích với cường độ mạnh, có thể
dẫn đến ngừng lọc tạm thời, vô niệu do làm co tiểu động mạch đến mạnh hơn
co tiểu động mạch đi.
2.4.3. Cơ chế thể dịch
- Vai trò của các natriuretic peptid: các peptid thải muối bao gồm ANP
(atrial natriuretic peptide), BNP (brain natriuretic peptide) và CNP (C-type
natriuretic peptide).
+ Bản chất: polypeptid.
+ Nguồn gốc: các peptid thải muối được tiết ra từ thành tim và mạch
máu khi bị căng cơ học.
+ Tác dụng trên độ lọc cầu thận: các peptid thải muối làm giảm độ nhạy
cảm của cơ trơn tiểu động mạch đến với các chất co mạch, do đó gây giãn tiểu
động mạch đến làm tăng độ lọc của cầu thận.
- Vai trò của hệ thống Renin-Angiotensin (RAS):
+ Bản chất: renin là một enzym thủy phân protein. Angiotensinogen là

150
một protein. Angiotensin I (10 acid amin) và II (8 acid amin) là những peptid.
+ Nguồn gốc: renin do tế bào cạnh cầu thận bài tiết khi dòng máu đến
thận giảm. Trong khi đó angiotensinogen là một protein lưu hành trong máu
do gan tổng hợp và bài tiết.
Renin Men chuyển
Angiotensinogen Angiotensin I Angiotensin II
(Men chuyển: coverting enzym có ở mao mạch phổi)
+ Tác dụng trên độ lọc cầu thận: angiotensin II có tác dụng làm co tiểu
động mạch đi gây tăng độ lọc cầu thận.
- Một số chất gây co mạch và giãn mạch nói chung cũng ảnh hưởng lên
độ lọc cầu thận do làm co hoặc giãn tiểu động mạch đến và đi như adrenalin,
noradrenalin, thromboxan, endothelin, vasopressin làm co mạch gây giảm lưu
lượng lọc; một số loại prostaglandin như prostaglandin E2, NO làm giãn
mạch gây tăng lưu lượng lọc.
3. QUÁ TRÌNH TÁI HẤP THU VÀ BÀI TIẾT CÁC CHẤT Ở ỐNG
THẬN
3.1. Tái hấp thu Na+
- Vị trí: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa, ống góp.
- Lượng tái hấp thu:
+ Ống lượn gần: 65%.
+ Ngành lên quai Henle: 25%.
+ Ống lượn xa và ống góp: lượng tái hấp thu thay đổi tùy theo nồng độ
Na+ trong cơ thể và được kiểm soát bởi hormon aldosteron. Bình thường tái
hấp thu hết số còn lại (10%).
- Cơ chế tái hấp thu:
+ Ống lượn gần: tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực. Bơm Na+-
K+-ATPase ở bờ bên và bờ đáy bơm Na+ từ tế bào biểu mô ống thận ra dịch
kẽ, duy trì nồng độ Na+ trong tế bào thấp (50mEq/L). Do đó Na+ sẽ khuếch
tán thụ động từ dịch lọc vào tế bào biểu mô. Sự khuếch tán này sẽ tiến hành
cặp đôi với 1 chất khác nhờ cùng một chất mang tạo nên cơ chế vận chuyển
tích cực thứ cấp: đồng vận chuyển thuận với glucose, acid amin, phosphat;
đồng vận chuyển nghịch với H+.
+ Nhánh lên quai Henle:
. Phần đầu nhánh lên quai Henle (đỉnh quai Henle): khuếch tán thụ

151
động.
. Phần cuối nhánh lên quai Henle (phần dày quai Henle): vận chuyển
tích cực thứ cấp theo cơ chế giống ở ống lượn gần nhưng đồng vận chuyển
thuận với K+ và Cl- (cặp 3: 1Na+/1K+/2Cl-).
Tế bào
Lòng ống Khoảng quanh ống

Hình 8.4. Tái hấp thu Na+ ở phần dày nhánh lên quai Henle
+ Ống lượn xa và ống góp: một số là vận chuyển tích cực sơ cấp, một
số là vận chuyển tích cực thứ cấp theo cơ chế đồng vận chuyển nghịch giống
ở ống lượn gần có trao đổi với K+ hoặc H+.
- Đặc điểm:
+ Khi Na+ được tái hấp thu, Cl- sẽ tái hấp thu thụ động theo làm tăng áp
suất thẩm thấu kéo theo nước. Cơ chế tái hấp thu Na+ còn là tiền đề quan
trọng để tái hấp thu glucose, acid amin và bài tiết K+, H+.
+ Ngành lên quai Henle chỉ tái hấp thu Na+ không tái hấp thu nước nên
dịch ra khỏi quai Henle sẽ nhược trương dần tạo điều kiện cho việc thực hiện
cơ chế cô đặc nước tiểu của thận.
+ Sự tái hấp thu Na+ ở ống lượn xa và ống góp được kiểm soát bởi
aldosteron. Như vậy, aldosteron điều hòa nồng độ Na + trong cơ thể.
Aldosteron gây kích thích tổng hợp protein mang để vận chuyển Na+.
+ Các natriuretic peptid gây ức chế tái hấp thu muối và nước ở ống
lượn xa và ống góp khi thể tích dịch ngoại bào tăng.
3.2. Tái hấp thu nước
- Vị trí: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa, ống góp.
- Lượng tái hấp thu:
+ Ống lượn gần: 65%.

152
+ Nhánh xuống quai Henle: 15%.
+ Ống lượn xa và ống góp: lượng tái hấp thu thay đổi tùy theo lượng
nước trong cơ thể và được kiểm soát bởi hormon ADH. Bình thường tái hấp
thu 10% ở ống lượn xa và 9,3% ở ống góp. Như vậy lượng nước còn lại trở
thành nước tiểu bài xuất ra ngoài là 0,7%.
- Cơ chế tái hấp thu: khuếch tán thụ động nhờ áp suất thẩm thấu cao
trong dịch kẽ.
- Đặc điểm:
+ Nhánh xuống quai Henle chỉ tái hấp thu nước không tái hấp thu muối
nên dịch càng đi đến đỉnh quai Henle sẽ càng ưu trương dần tạo điều kiện cho
việc thực hiện cơ chế cô đặc nước tiểu của thận.
+ Sự tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp được kiểm soát bởi
ADH. Như vậy, ADH điều hòa lượng nước trong cơ thể. ADH làm mở rộng
các lỗ trên tế bào biểu mô gây tăng tính thấm đối với nước.
+ Ngoài ra: aldosteron gây tái hấp thu muối ở ống lượn xa và ống góp
kéo theo nước, các natriuretic peptid ức chế tái hấp thu muối ở ống lượn xa và
ống góp làm giảm tái hấp thu nước.
3.3. Tái hấp thu và bài tiết ure
- Vị trí: ống lượn gần, đỉnh quai Henle, ống góp phần tủy.
- Lượng tái hấp thu và bài tiết:
+ Ống lượn gần: tái hấp thu 50%.
+ Đỉnh quai Henle: bài tiết 50%.
+ Ống góp phần tủy: tái hấp thu 60%.
- Cơ chế tái hấp thu và bài tiết: vận chuyển thụ động
+ Ống lượn gần: khi nước được tái hấp thu ở đây làm cho lượng ure
trong lòng dịch trở nên cô đặc hơn và vì tế bào biểu mô ống lượn gần có khả
năng thấm ure, ure sẽ khuếch tán vào máu xung quang ống thận.
+ Ống góp phần tủy: vì phần dày của nhánh lên quai Henle, ống lượn
xa và ống góp phần vỏ không có tính thấm đối với ure, nhưng lại tái hấp thu
nước ở ống lượn xa và ống góp, nên độ tập trung của ure trong dịch lọc tăng
lên. Đến phần còn lại của ống góp nằm trong vùng tủy, ure được tái hấp thu
60% vào dịch kẽ tủy thận, trong đó 10% vào mạch thẳng, 50% được bài tiết
trở lại trong dịch lọc nơi đỉnh quai Henle. Với cách này ure có thể tái tuần
hoàn vào ống thận nhiều lần trước khi nó được bài tiết. Ure đóng vai trò quan

153
trọng trong việc hình thành tính ưu trương trong tủy thận. Cuối cùng 40% ure
được bài xuất theo nước tiểu.
- Đặc điểm: sự tái hấp thu ure chịu ảnh hưởng của một số yếu tố:
+ Sự tái hấp thu nước: nếu sự tái hấp thu nước bị giảm sẽ dẫn đến giảm
tái hấp thu ure.
+ Tốc độ dòng chảy của ure trong dịch lọc: tốc độ nhanh làm cho sự tái
hấp thu ure bị giảm. Do đó, lượng ure bài tiết sẽ tăng.
+ Lượng protein ăn vào: ure là sản phẩm cuối cùng của sự chuyển hóa
các chất chứa nitrogen, mức độ sản xuất của nó trong cơ thể tùy thuộc vào
mức độ phân giải protein. Ure còn được tạo ra do chấn thương mô, xuất huyết
nội, nhiễm trùng, sốt. Lượng ure trong nước tiểu thay đổi tùy theo lượng ure
lọc vào cầu thận, mà lượng này tùy thuộc vào chế độ ăn chứa nhiều hay ít
protein. Nếu bữa ăn có nhiều protein sẽ tăng khả năng làm cô đặc nước tiểu.
3.4. Tái hấp thu glucose
- Vị trí: ống lượn gần.
- Lượng tái hấp thu: ngưỡng đường của thận là 180mg/dL.
+ Khi nồng độ glucose trong máu bình thường (75-110mg/dL) hoặc
giảm thấp hoặc tăng lên nhưng dưới ngưỡng đường của thận sẽ được lọc vào
nang Bowman với lượng tương đương và được tái hấp thu 100%. Do vậy
không có glucose trong nước tiểu.
+ Khi nồng độ glucose trong máu lớn hơn ngưỡng đường của thận thì
ống lượn gần vẫn có khả năng tái hấp thu thêm 1 lượng glucose nữa (không
đạt 100%) và khả năng này cũng chỉ giới hạn đến một mức nào đó. Lượng
glucose được tái hấp thu thêm gọi là mức vận chuyển glucose tối đa (TmG =
Tubular transport maximum for glucose). TmG ở nam là 375mg/phút và ở nữ
là 300mg/phút.

Hình 8.5. Cơ chế đồng vận chuyển thuận Na+/Glucose

154
- Cơ chế tái hấp thu: vận chuyển tích cực thứ cấp
+ Đồng vận chuyển thuận với Na+ ở bờ bàn chải vào tế bào biểu mô.
+ Khuếch tán có gia tốc qua bờ đáy và bờ bên vào dịch kẽ.
- Đặc điểm: do khả năng hấp thu có giới hạn nên có sự cạnh tranh nếu
xuất hiện một loại đường khác trong ống thận như fructose, galactose,
xyclose.
3.5. Tái hấp thu và bài tiết K+
- Vị trí: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa, ống góp.
- Lượng tái hấp thu và bài tiết:
+ Ống lượn gần: tái hấp thu gần 100%.
+ Nhánh lên quai Henle: tái hấp thu một lượng nhỏ.
+ Ống lượn xa và ống góp: lượng bài tiết thay đổi tùy theo tổng lượng
K+ trong cơ thể và được kiểm soát bởi hormon aldosteron.
- Cơ chế tái hấp thu và bài tiết:
+ Ống lượn gần: tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực
. Bơm K+ ở bờ bàn chải bơm K+ từ dịch ống thận vào tế bào biểu mô.
. Nồng độ K+ trong tế bào biểu mô cao nên K+ sẽ khuếch tán từ tế bào
biểu mô ra dịch kẽ qua bờ bên và bờ đáy.
+ Nhánh lên quai Henle: tái hấp thu theo cơ chế vận chuyển tích cực
đồng vận chuyển thuận cặp 3: 1Na+/1K+/2Cl-.
+ Ống lượn xa và ống góp: bài tiết theo cơ chế:
. Bơm Na+-K+-ATPase ở bờ bên và bờ đáy bơm K+ từ dịch kẽ vào tế
bào biểu mô ống thận.
. Nồng độ K+ trong tế bào biểu mô cao nên K+ sẽ khuếch tán từ tế bào
biểu mô ra dịch ống thận. Sự bài tiết này có cạnh tranh với H+.
- Đặc điểm: thận là nơi chủ yếu điều hòa nồng độ K + của cơ thể. K+
được tái hấp thu chủ động gần như hoàn toàn ở ống lượn gần; trường hợp
thiếu K+ thì K+ sẽ được tiếp tục tái hấp thu dọc theo ống góp; trường hợp thừa
K+ thì K+ sẽ được bài tiết chủ động ở ống lượn xa và ống góp mà đặc biệt là
phần đầu của ống góp vùng vỏ thận với sự kiểm soát của aldosteron. Như vậy,
aldosteron điều hòa nồng độ K+ trong cơ thể. Tóm lại, sự bài tiết K+ ảnh
hưởng bởi 4 yếu tố chính:
+ Aldosteron.
+ Trạng thái kiềm toan.

155
+ Hoạt động của bơm Na+ K+- ATPase.
+ Tốc độ chảy của dịch lọc trong ống lượn xa (bình thường tốc độ chảy
là 1mL/1 phút, tức là 1,5 lít/ngày).
3.6. Tái hấp thu HCO3- và bài tiết H+
- Vị trí: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
- Lượng tái hấp thu và bài tiết: thay đổi tùy theo tình trạng kiềm toan
của cơ thể để thực hiện chức năng điều hòa thăng bằng kiềm toan.
+ Khi pH dịch ngoại bào bình thường (pH = 7,4): cứ 1 H + được bài tiết
thì có 1 HCO3- được tái hấp thu. Bình thường lượng HCO3- tái hấp thu theo
phương thức này chiếm 90% ở ống lượn gần, 5% ở quai Henle, 3% ở ống
lượn xa và 1-2% ở ống góp. Như vậy, ống thận có khả năng tái hấp thu trên
99,9% HCO 3− và chỉ còn khoảng 2mEq/lít HCO3- trong nước tiểu.
+ Khi cơ thể bị nhiễm toan: lượng HCO3- được lọc ít hơn lượng H+ bài
tiết bằng một cơ chế đặc biệt ở ống lượn xa và ống góp dưới sự kiểm soát của
hormon aldosteron. H+ thừa trong lòng ống sẽ kết hợp với các chất đệm của
hệ đệm phosphat hoặc hệ đệm amoniac ở ống thận để đào thải ra ngoài theo
nước tiểu.
+ Khi cơ thể bị nhiễm kiềm: lượng HCO3- được lọc nhiều hơn lượng H+
bài tiết do đó HCO3- không được tái hấp thu hết. HCO3- thừa sẽ kết hợp với
Na+ và các ion dương khác ở ống thận để đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
- Cơ chế tái hấp thu và bài tiết:
Dịch kẽ Tế bào biểu mô Lòng ống thận
Na+ Na+ Na+ HCO3-
ATPase
+
K K+ H+ H+

H2O H2CO3

HCO3- HCO3- H2CO3 CO2 CO2 CA


CA
H2O
Hình 8.6. Cơ chế tái hấp thu HCO3- và bài tiết H+ ở ống thận
+ Tái hấp thu HCO3- và bài tiết H+ ở ống lượn gần, quai Henle, ống

156
lượn xa và ống góp: đây là cơ chế chủ yếu diễn ra với sự bài tiết H+ để hoán
đổi lấy 1 Na+ (vận chuyển tích cực thứ cấp dạng đồng vận chuyển nghịch)
thông qua sự tạo thành CO2 trong dịch lọc, HCO 3− xem như được tái hấp thu
một cách gián tiếp và nhờ hoạt động của men carbonic anhydrase (C.A).
+ Bài tiết H+ nguyên phát ở ống lượn xa và ống góp: vận chuyển tích
cực sơ cấp nhờ bơm H+-ATPase ở bờ bàn chải bơm H+ từ tế bào biểu mô ống
thận ra dịch lòng ống.

Khoảng kẽ Tế bào ống thận Lòng ống

 H+ được bài tiết thông qua sự hoán đổi với Na+.

Hình 8.7. Cơ chế bài tiết H+ nguyên phát ở thận


- Đặc điểm: các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình tái hấp thu HCO 3- và
bài tiết H+:
+ PaCO2 trong máu tỷ lệ thuận với sự tái hấp thu và bài tiết.
+ Tổng lượng K+ trong cơ thể tỷ lệ nghịch với tái sự hấp thu và bài tiết.
+ Nồng độ Cl- trong máu tỷ lệ nghịch với sự tái hấp thu và bài tiết. Hiện
tượng này giúp đảm bảo cho tổng nồng độ anion trong huyết tương không đổi.
+ Aldosteron làm tăng sự bài tiết H + do tác dụng trên bơm H+-ATPase
ở ống lượn xa và ống góp.
3.7. Bài tiết NH3
- Vị trí: ống lượn gần, quai Henle, ống lượn xa và ống góp.
- Lượng bài tiết: thay đổi.
- Cơ chế bài tiết: vận chuyển thụ động do NH 3 không mang điện, tan
trong dầu.
- Đặc điểm: tế bào biểu mô của ống thận liên tục sản xuất ra NH3 từ
glutamin. NH3 sẽ được khuếch tán vào ống thận hoặc vào máu phụ thuộc vào:

157
Khoảng kẽ Tế bào ống thận Lòng ống

Hình 8.8. Cơ chế bài tiết NH3


+ pH của nước tiểu: càng acid thì NH3 bài tiết vào ống thận càng nhiều
và ngược lại. Trong dịch lọc NH3 sẽ kết hợp với H+ tồn tại dưới dạng các
muối trung tính như NH4Cl, (NH4)2SO4 và theo nước tiểu ra ngoài.
+ Tốc độ tương đối giữa dòng chảy của máu và của dịch lọc trong lòng
ống thận.
+ Trữ lượng K+ trong cơ thể: thiếu hụt K+ sẽ kích thích sinh NH3 và
ngược lại, cơ chế chưa rõ.
3.8. Tái hấp thu Ca2+, phosphat
- Vị trí: ống lượn gần, phần dày nhánh lên Henle, ống lượn xa.
- Lượng tái hấp thu: 60% lượng Ca2+ không gắn với protein được lọc tự
do qua cầu thận và sẽ được tái hấp thu ở:
+ Ống lượn gần: tái hấp thu 50-60% Ca2+, tái hấp thu phosphat theo yêu
cầu dưới sự kiểm soát của hormon PTH.
+ Đoạn cuối phần dày nhánh lên quai Henle: tái hấp thu một lượng nhỏ
2+
Ca .
+ Ống lượn xa: tái hấp thu Ca2+ theo yêu cầu dưới sự kiểm soát của
PTH.
- Cơ chế tái hấp thu: vận chuyển chủ động.
- Đặc điểm: PTH của tuyến cận giáp kiểm soát sự tái hấp thu.
3.9. Tái hấp thu và bài tiết các chất khác
- Vitamin: được tái hấp thu theo nhu cầu của của cơ thể ở ống lượn gần

158
bằng phương thức vận chuyển tích cực.
- Uric acid: uric acid là sản phẩm cuối cùng của chuyển hoá purin, được
sản xuất một cách liên tục trong cơ thể và được bài tiết bởi thận. Số lượng bài
tiết khoảng 10% số lượng được lọc. Tế bào ống lượn gần tái hấp uric acid và
cũng bài tiết acid uric nhưng thường tái hấp thu trội hơn.
- Magnesium: 70% Mg2+ không kết hợp với protein trong huyết tương
được lọc ở cầu thận đến ống lượn gần sẽ tái hấp thu khoảng 20-30%. Khi đến
đỉnh ống góp tiếp tục tái hấp thu 50-60% và chỉ còn khoảng 5% Mg2+ được
bài xuất ra nước tiểu trong điều kiện bình thường.
- Amino acid: amino acid của huyết tương được lọc bởi cầu thận và
được tái hấp thu hoàn toàn ở ống lượn gần. Cơ chế tái hấp thu giống glucose.
Sự chuyên chở này cũng có mức vận chuyển tối đa (Tm) và không có nhóm
cạnh tranh.
- Protein: một lượng rất ít protein có trọng lượng phân tử thấp <80.000
chủ yếu albumin trong huyết tương được lọc ở tiểu cầu thận (1,8g/ngày) và
sau đó được tái hấp thu phần lớn ở ống lượn gần bằng phương thức ẩm bào.
Do đó chỉ còn 0,03g protein trong nước tiểu/ngày. Khi có bệnh cầu thận sẽ
xuất hiện protein trong nước tiểu.
4. CÁC CHỨC NĂNG CỦA THẬN
Thận giữ vai trò quan trọng trong điều hòa hằng tính nội môi của cơ
thể.
4.1. Chức năng tạo nước tiểu

Hình 8.9. Quy trình tạo thành nước tiểu của nephron
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology)
Ở người bình thường, lượng dịch được lọc qua tiểu cầu thận của hai

159
thận khoảng 180 lít trong 24 giờ, nhưng hơn 90% dịch lọc được tái hấp thu ở
các ống thận và thận cũng bài tiết một số chất vào dịch lọc để tạo thành 1,2 lít
đến 1,5 lít nước tiểu trong 24 giờ. Như vậy, nước tiểu bài xuất là kết quả của
3 quá trình căn bản: lọc cầu thận, tái hấp thu và bài tiết của ống thận.
Lượng nước tiểu bài xuất = Lượng lọc –(lượng tái hấp thu + lượng bài tiết)
Trong 3 quá trình trên, hoạt động lọc ở cầu thận diễn ra thụ động theo
sự chênh lệch về áp suất và như vậy sự điều hòa lượng nước tiểu phụ thuộc
vào khả năng pha loãng và cô đặc nước tiểu của ống thận với sự kiểm soát của
ADH.
* Cơ chế pha loãng nước tiểu:
Xảy ra khi nồng độ thẩm thấu dịch ngoại bào giảm. Cơ chế pha loãng là
giảm bài tiết ADH làm giảm tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp.
* Cơ chế cô đặc nước tiểu:
Xảy ra khi nồng độ thẩm thấu dịch ngoại bào tăng. Cơ chế cô đặc là
một cơ chế rất đặc biệt và phức tạp dựa trên sự sắp xếp giải phẫu của quai
Henle và quai mạch thẳng ở vùng tủy thận và sự tăng bài tiết ADH làm tăng
tái hấp thu nước ở ống lượn xa và ống góp.
Bậc thang thẩm thấu: từ vùng vỏ vào vùng tủy thận nồng độ thẩm thấu
tăng dần. Bậc thang này được duy trì nhờ hoạt động của quai Henle như một
hệ thống nhân ngược dòng và hoạt động của mạch thẳng như một hệ thống
trao đổi ngược dòng.
- Quai Henle: nhánh xuống không thấm các chất hòa tan nhưng thấm
nước, đỉnh quai Henle có hiện tượng bài tiết ure vào dịch lọc, nhánh lên hấp
thu chất hòa tan nhưng không thấm nước. Như vậy ở đỉnh quai Henle, nồng
độ thẩm thấu của dịch lọc cao nhất đạt đến 1200mOsmol/L. Khi dịch đến ống
lượn xa và ống góp, nước được tái hấp thu dưới ảnh hưởng của ADH, ống
góp vùng tủy cũng tái hấp thu ure để duy trì nồng độ thẩm thấu cao ở tháp
tủy. Kết quả là nước tiểu được cô đặc.
- Quai mạch thẳng: bậc thang thẩm thấu trong tháp tủy sẽ không tồn tại
lâu nếu Na+, ure và các ion khác bị dòng máu cuốn đi, bình thường các chất
này được giữa lại là nhờ:
+ Lưu lượng máu vùng tủy thận rất thấp chỉ bằng 1-2% lưu lượng máu
thận.
+ Các mạch thẳng hoạt động như hệ thống trao đổi ngược dòng: nhánh

160
xuống hấp thu Na+, ure và bài tiết nước do vậy nồng độ thẩm thấu ở chóp
mạch thẳng tăng lên đến mức tối đa 1200mOsmol/L. Nhánh lên hấp thu nước
và bài tiết Na+, ure do vậy máu chảy qua mạch thẳng chỉ mang một lượng rất
nhỏ các chất hòa tan ra khỏi vùng tủy.

Hình 8.10. Hoạt động của quai Henle và quai mạch thẳng
4.2. Chức năng điều hòa nồng độ các chất trong cơ thể
Không chỉ điều chỉnh thể tích dịch, thận còn có vai trò quan trọng trong
việc kiểm soát nồng độ các chất trong cơ thể như K +, Na+ thông qua vai trò
aldosteron; Ca2+, phosphat thông qua vai trò PTH, điều hòa đường huyết…
Hoạt động này cũng đồng thời giúp điều hòa nồng độ thẩm thấu của dịch
ngoại bào và huyết áp.
4.3. Chức năng đào thải các sản phẩm chuyển hóa và các chất ngoại sinh
Thận đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải các sản phẩm chuyển
hóa như: ammoniac và ure từ sự khử acid amin của protein, creatinin từ sự
chuyển hóa creatin phosphat trong các sợi cơ, uric acid từ sự dị hoá nucleic
acid, urobilirubin từ sự dị hoá hemoglobin và một số sản phẩm chuyển hóa
của hormon… Ngoài ra, thận còn đào thải các chất thải có nguồn gốc ngoại
sinh từ thức ăn hàng ngày, thuốc và các chất độc từ môi trường sống.
4.4. Chức năng điều hòa cân bằng kiềm toan
Điều hòa cân bằng kiềm toan có vai trò của các hệ thống đệm, phổi và

161
thận, trong đó hoạt động của thận diễn ra chậm trong vài giờ đến vài ngày
nhưng hoàn hảo hơn vai trò hệ thống đệm và phổi. Thận điều hòa cân bằng
kiềm toan thông qua 2 cơ chế:
- Bài tiết H+ còn thừa trong cơ thể: khi H+ tăng thặng dư trong cơ thể,
đầu tiên nó sẽ được đệm bởi hệ thống đệm của cơ thể; tiếp theo đó phổi sẽ bù
trừ bằng cách thải CO2 ra ngoài và cuối cùng thận sẽ bài tiết các H+ còn sót
lại. Sự bài tiết H+ này diễn ra với sự cạnh tranh của K+.
- Duy trì kho dự trữ kiềm của cơ thể: thận vừa có khả năng tái hấp thu
HCO 3− được lọc vừa có khả năng bổ sung HCO 3− mới.
* Vai trò của thận khi cơ thể bị nhiễm toan:
Khi cơ thể bị nhiễm toan (pH giảm) thì nồng độ HCO 3- giảm và nồng
độ CO2 tăng trong dịch ngoại bào. Kết quả là ở thận lượng HCO 3- được lọc
giảm đi và lượng ion H+ được bài tiết tăng lên rất nhiều. Lượng ion H + thừa ra
sẽ kết hợp với các chất đệm của hệ đệm phosphat hoặc hệ đệm amoniac ở ống
thận.
- Hệ thống đệm phosphat (HPO42-/H2PO4-): lượng ion H+ thừa ra sẽ kết
hợp với HPO42- để tạo ra H2PO4- rồi bài xuất theo nước tiểu, ion Na+ được tái
hấp thu vào tế bào rồi vào dịch kẽ thay thế cho ion H + vừa được tiêu thụ trong
phản ứng. Đồng thời từ trong tế bào một ion bicarbonat được tạo ra trong quá
trình bài tiết ion H+ sẽ khuếch tán vào dịch kẽ tế bào làm tăng lượng ion
HCO3- trong dịch kẽ và làm cho pH tăng lên.
- Hệ thống đệm amoniac (NH3/NH4+): tế bào biểu mô của ống thận liên
tục sản xuất ra NH3 từ glutamin. NH3 được khuếch tán vào ống thận. Ion H+
thừa ra sẽ kết hợp với NH3 để tạo ra NH4+. NH4+ sẽ kết hợp với Cl- hoặc các
ion (-) khác và bài xuất ra nước tiểu. Đồng thời một ion Na + được tái hấp thu
vào tế bào rồi vào dịch kẽ cùng với ion HCO 3-. Kết quả là lượng HCO3- của
dịch kẽ tăng lên và pH tăng lên. Hệ thống đệm ammoniac có ưu điểm ở chỗ:
trong số các ion (-), ion Cl- chiếm tỷ lệ lớn nhất. Khi lượng H+ được bài tiết
quá nhiều vào dịch ống, nếu ion H+ kết hợp với ion Cl- sẽ tạo ra HCl là một
acid mạnh và làm cho pH của dịch ống trở thành rất acid làm ngăn cản quá
trình bài tiết H+ của tế bào ống thận. Nếu có mặt NH3 thì H+ sẽ kết hợp với
NH3 thành NH4+ rồi NH4+ mới kết hợp với Cl- tạo ra NH4Cl bài xuất theo
nước tiểu. NH4Cl không làm thay đổi pH của dịch ống vì nó là acid yếu. Nếu

162
tình trạng nhiễm toan kéo dài, sự tổng hợp ammoniac có thể tăng lên 10 lần
trong 2 đến 3 ngày để thực hiện vai trò đệm của mình.
* Vai trò của thận khi cơ thể nhiễm kiềm:
Khi cơ thể nhiễm kiềm (pH tăng) nồng độ HCO3- trong dịch kẽ tăng lên
và nồng độ CO2 giảm đi. Kết quả là ở thận lượng HCO3- được lọc nhiều hơn
lượng ion H+ được bài tiết. Các ion HCO3- không được “trung hòa” sẽ kết hợp
với ion Na+ và các ion (+) khác ở ống thận và đào thải theo nước tiểu. Ion
HCO3- không được tái hấp thu có nghĩa là thận đã làm giảm lượng HCO 3-
trong dịch ngoại bào và do đó là giảm pH.
4.5. Chức năng nội tiết
Thận cũng sản xuất các hormon như 1,25 dihydroxy-cholecalciferol
điều hòa canxi và phosphat, renin tham gia hệ thống renin-angiotensinogen
điều hòa huyết áp, erythropoietin kích thích sản sinh hồng cầu,
thrombopoitein kích thích sản sinh tiểu cầu.

163
SINH LÝ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Mục tiêu:
1. Trình bày được đặc điểm cấu tạo chức năng của đường tiết niệu.
2. Phân tích được hoạt động của đường tiết niệu trên.
3. Phân tích được hoạt động của đường tiết niệu dưới.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG CỦA ĐƯỜNG TIẾT NIỆU
Đường tiết niệu được phân thành 2 phần: đường tiết niệu trên và đường
tiết niệu dưới.
1.1. Đường tiết niệu trên
Đường tiết niệu trên bao gồm đài thận, bể thận và niệu quản.
- Đài thận: các đài thận nhỏ gom nước tiểu từ các ống góp để đổ vào 2
hay 3 đài thận lớn trước khi nhập vào bể thận.
- Bể thận được cấu tạo bởi các thớ cơ đan chéo nhau theo mọi hướng
tạo thành một mạng lưới để khi co bóp có tác động dồn ép bể thận. Sức co
bóp của bể thận tương đối yếu nên không đủ lực để tống thoát hết nước tiểu
vào niệu quản. Chính sự ứ đọng nước tiểu trong bể thận sau mỗi lần bể thận
co bóp có tác dụng duy trì nhịp độ nhu động của niệu quản.
- Niệu quản: là hai ống nhỏ nối liền thận với bàng quang, được chia
thành ba đoạn: đoạn niệu quản trên, đoạn niệu quản giữa và đoạn niệu quản
dưới.
1.2. Đường tiết niệu dưới
Đường tiết niệu dưới bao gồm bàng quang và niệu đạo.
- Bàng quang được cấu tạo bởi cơ trơn còn gọi là cơ detrusor gồm hai
phần: thân và cổ bàng quang.
+ Thân bàng quang: là phần chính của bàng quang có nhiệm vụ thu
gom nước tiểu. Các tế bào cơ detrusor của thân bàng quang tỏa đi mọi hướng
và liên kết với nhau chặt chẽ qua các kênh connexon. Vì vậy, điện thế động
được lan truyền từ tế bào này sang tế bào khác rất nhanh, gây ra sự co toàn bộ
bàng quang cùng lúc làm áp lực trong bàng quang tăng lên 40-60mmHg. Sự
co thắt của cơ detrusor là một bước quan trọng để làm trống bàng quang.
Thành sau của bàng quang ngay sát trên cổ bàng quang gọi là tam giác
bàng quang (trigone). Hai niệu quản đổ vào bàng quang tại hai đỉnh cao nhất

164
của tam giác bàng quang; trong khi cổ bàng quang được mở vào niệu đạo tại
đỉnh thấp nhất của tam giác bàng quang. Vùng tam giác bàng quang được lót
bởi lớp niêm mạc trơn láng, phân biệt với lớp niêm mạc được gấp nếp ở phần
còn lại của bàng quang.
+ Cổ bàng quang: có dạng hình phễu. Phần thấp của cổ bàng quang gọi
là niệu đạo sau vì nó liên quan đến niệu đạo. Niệu đạo sau dài khoảng 2-3cm
được cấu tạo bởi cơ detrusor đan xen với một số lượng lớn các mô đàn hồi.
Cơ ở vùng này còn gọi là cơ thắt trong, hay cơ thắt trơn vì là cơ trơn, với
trương lực tự nhiên thông thường có tác dụng giúp giữ nước tiểu trong bàng
quang cho đến khi áp lực trong bàng quang vượt ngưỡng. Bên dưới niệu đạo
sau, xuyên qua hoành niệu dục là cơ thắt ngoài bàng quang, được cấu tạo bởi
cơ vân, giúp kiểm soát một cách tự ý việc tiểu tiện ngay cả khi cơ thắt trong
đã mở.
- Niệu đạo: khác nhau giữa nam và nữ.
+ Niệu đạo nam: vừa là đường tiết niệu, vừa là đường sinh dục. Về
phương diện sinh lý, niệu đạo nam được chia làm hai đoạn: niệu đạo sau gồm
niệu đạo đoạn tiền liệt và niệu đạo đoạn màng; và niệu đạo trước là niệu đạo
đoạn xốp chạy trong thể xốp của dương vật đến lỗ sáo ở qui đầu.
+ Niệu đạo nữ: dài khoảng 3-4cm, tương ứng niệu đạo sau ở nam, đi từ
lỗ niệu đạo trong ở cổ bàng quang đến lỗ niệu đạo ngoài ở tiền đình âm hộ.
2. SINH LÝ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRÊN
2.1. Các tính chất sinh lý của đường tiết niệu trên
- Tính động lực: được thể hiện qua quá trình đưa nước tiểu từ thận
xuống niệu quản đến bàng quang bằng các sóng nhu động. Bản chất của các
sóng này là sự co cơ trên thành bể thận đến niệu quản.
- Tính trương lực: hệ thống cơ thành ống tiết niệu trên có trương lực
yếu nên dễ dàng giãn ra chứa đựng nước tiểu mà không làm thay đổi áp lực
trong đường tiểu nhiều. Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, trương lực cơ
thành ống giảm, khẩu kính ống dẫn lớn hơn, nước tiểu ứ đọng lại nhiều hơn.
Khi có bế tắc đường ra của dòng nước tiểu, áp lực cần thiết để đẩy nước tiểu
xuống dưới quá cao, nước tiểu phía trên bị ứ đọng, trương lực cơ sẽ giảm.
Hiện tượng này có thể được hồi phục nếu nguyên nhân bế tắc sớm được giải
quyết. Tính trương lực còn được thể hiện ở hoạt động của các cơ thắt giữa các
phần của đường tiết niệu trên. Các cơ thắt này sẽ tăng hoặc giảm trương lực

165
để điều tiết sự di chuyển của nước tiểu đảm bảo theo một chiều từ trên xuống
dưới, không có hiện tượng trào ngược trở lại.
- Tính hấp thu: thay đổi tùy theo từng đoạn ống. Thành phần nước bài
tiết và các chất ở từng đoạn của đường tiết niệu trên có sự khác biệt chứng tỏ
có sự tái hấp thu một số chất trong nước bài tiết trước khi thành nước tiểu
thực sự bài xuất ra môi trường bên ngoài. Ngoài ra, tính hấp thu còn được
chứng minh khi gây áp lực cao ở bể thận trong thăm dò bể thận xạ ký ngược
dòng, chất cản quang có thể ngấm vào tiểu quản, chủ mô và mạch bạch huyết.
2.2. Hoạt động của đường tiết niệu trên
Đường tiết niệu trên có vai trò dẫn lưu nước tiểu từ đài thận qua bể
thận, niệu quản đến bàng quang. Có hai loại áp lực tác động ở đường tiết niệu
trên:
- Áp lực cơ bản: khoảng 5cm nước. Đây là trương lực cơ thành ống lúc
bình thường và hầu như không thay đổi suốt dọc ống tiết niệu, giúp chứa
đựng nước tiểu.
- Áp lực co cơ: tạo ra do sự co cơ thành ống hình thành sóng nhu động,
áp lực này thay đổi tùy theo từng đoạn (tại bể thận là 15cm nước, tăng lên đến
40cm nước ở đoạn nối niệu quản-bàng quang). Áp lực này thể hiện tính động
lực của đường tiết niệu trên, giúp di chuyển nước tiểu từ thận xuống bàng
quang theo các giai đoạn:
+ Giai đoạn thu gom nước tiểu ở đài thận: nước tiểu từ các ống góp đổ
vào đài thận làm căng đài thận, khởi đầu cho sóng nhu động đẩy nước tiểu
vào bể thận và từ đây sẽ chảy dọc theo niệu quản, đổ vào bàng quang. Khi
gom nước tiểu tại đài thận, cơ thắt phía ống góp mở trong khi cơ thắt ở cổ đài
vào bể thận đóng lại.
+ Giai đoạn thu gom nước tiểu ở bể thận: khi nước tiểu trong đài thận
đã đầy, cơ thắt phía ống góp đóng lại không cho nước tiểu trào ngược, cơ thắt
ở cổ đài thận mở ra và nước tiểu được chuyển động vào trong bể thận. Lúc
này, các cơ ở bể thận giãn tạo ra áp lực âm kéo nước tiểu từ đài thận vào bể
thận. Đồng thời, cơ đoạn tiếp nối bể thận với niệu quản (còn gọi là khúc nối
bể thận-niệu quản) đóng lại, giúp ngăn nước tiểu trào ngược từ niệu quản vào
bể thận.
+ Giai đoạn niệu quản: khi nước tiểu trong bể thận đủ đầy sẽ tạo các co
thắt nhịp nhàng đẩy nước tiểu xuống niệu quản, đồng thời cơ thắt đài bể thận

166
đóng lại, khúc nối bể thận-niệu quản mở ra. Khi nước tiểu xuống niệu quản,
các co thắt nhu động sẽ tiếp tục đẩy nước tiểu xuống bàng quang, trong khi
khúc nối bể thận-niệu quản đóng lại.
Sóng nhu động vừa giúp đẩy giọt nước tiểu di chuyển trong niệu quản
xuống dưới với tốc độ 3cm/giây vừa làm lòng đoạn niệu quản phía trên khép
lại để ngăn nước tiểu trào ngược. Và cứ thế, một sóng nhu động khác xuất
hiện sau vài giây đến vài phút đưa giọt nước tiểu tiếp theo xuống dưới.
Một đoạn dài dưới cùng của niệu quản đi xuyên vào thành bàng quang
hướng về tam giác bàng quang ngay dưới lớp tế bào biểu mô trước khi đổ vào
bàng quang được gọi là đoạn niệu quản nội thành. Do đặc điểm cấu trúc này,
trương lực cơ detrusor trong thành bàng quang khi bình thường và áp lực
trong bàng quang khi tiểu tiện hoặc khi bàng quang co thắt có xu hướng ép
vào niệu quản nội thành, ngăn không cho nước tiểu trào ngược từ bàng quang
lên niệu quản. Ngược lại, các sóng nhu động lan dọc theo niệu quản làm tăng
áp lực trong niệu quản, xuyên qua đoạn niệu quản nội thành có thể làm cho
nước tiểu đổ vào được trong bàng quang. Ở một số người, đoạn niệu quản nội
thành ngắn, không đủ ngăn cản dòng nước tiểu trào ngược từ bàng quang lên
niệu quản, gọi là hiện tượng trào ngược bàng quang niệu quản (vesicoureteral
reflux). Hiện tượng trào ngược này có thể gây giãn niệu quản, nếu nặng, có
thể làm tăng áp lực trong đài thận và các cấu trúc trong tủy thận và có thể làm
tổn thương các cấu trúc này.
2.3. Điều hòa hoạt động đường tiết niệu trên
Giống như đường ống tiêu hóa, cơ trơn đường tiết niệu trên vừa chịu sự
chi phối của hệ thần kinh tự chủ vừa chịu tác động của hệ thần kinh tự động
tại chỗ.
2.2.1. Hệ thần kinh tự chủ
Thần kinh đến bể thận – niệu quản xuất phát từ đám rối thận và hạ vị
theo các nhánh thần kinh thận, tinh hoàn hoặc buồng trứng và chậu hạ vị.
- Các sợi vận động đến chi phối cho cơn trơn bể thận – niệu quản. Kích
thích phó giao cảm qua receptor muscarinic làm tăng nhu động nhưng tác
dụng này không rõ. Trong khi thần kinh giao cảm đến chi phối qua receptor α
và β, kích thích làm α-adrenergic làm tăng nhu động về cả tần số và cường độ,
kích thích β-adrenergic làm giảm nhu động. Bình thường, các xung giao cảm
làm hoạt hóa α-adrenergic và ức chế β-adrenergic.

167
- Các sợi cảm giác phân bố trên niêm mạc niệu quản để nhận cảm đau.
Khi niệu quản bị tắc sẽ làm xuất hiện phản xạ co thắt rất mạnh và gây ra hiện
tượng đau. Ngoài ra, xung động đau còn làm khởi phát phản xạ giao cảm
ngược về thận gây co thắt các tiểu động mạch thận, do đó làm giảm lượng
nước tiểu từ thận, gọi là phản xạ niệu quản-thận (ureterorenal reflex). Phản xạ
này có vai trò quan trọng nhằm hạn chế lượng dịch quá mức vào bể thận khi
niệu quản bị tắc.
2.2.2. Hệ thần kinh tự động tại chỗ
Cơ trơn thành niệu quản cũng chịu sự chi phối của hệ thần kinh tự động
tại chỗ là các neuron chạy dọc suốt chiều dài niệu quản. Hoạt động của hệ
thần kinh này như một bộ máy vừa tạo nhịp vừa điều nhịp nhu động niệu
quản độc lập với hệ thần kinh trung ương. Điều này đã được chứng minh như
sau:
- Niệu quản của thận ghép tách rời khỏi hệ thần kinh trung ương vẫn
hoạt động bình thường để di chuyển nước tiểu.
- Chấn thương cột sống không ảnh hưởng đến hoạt động của niệu quản.
- Một đoạn niệu quản được nối ngược chiều vẫn có nhu động nhịp
nhàng từ trên xuống.
3. SINH LÝ ĐƯỜNG TIẾT NIỆU DƯỚI
Đường tiết niệu dưới có nhiệm vụ dự trữ nước tiểu trong bàng quang và
tống thoát nước tiểu ra ngoài qua niệu đạo.
3.1. Sinh lý bàng quang
3.1.1. Các tính chất sinh lý của bàng quang
- Tính cảm giác: bàng quang có cảm giác căng nhờ vào các thụ thể
căng trên thành bàng quang gây ra phản xạ tiểu tiện. Ngoài ra, cảm giác lạnh
buốt cũng làm khởi phát phản xạ tiểu tiện. Bàng quang còn có cảm giác đau
và buốt khi niêm mạc bị viêm, cảm giác này tăng sau khi tiểu xong do mặt
trước và mặt sau của bàng quang cọ sát vào nhau.
- Tính đàn hồi: mặc dù bàng quang bị căng phồng khi quá đầy nước
tiểu nhưng vẫn phục hồi được hình dáng bình thường khi tống thoát hết nước
tiểu.
- Tính trương lực: là sự co trương lực của cơ detrusor tạo áp lực cơ bản,
chịu sự kiểm soát của thần kinh tự chủ.
- Tính co thắt: cơ detrusor có sức co thắt mạnh tạo nên áp lực co cơ, khi

168
tiểu tiện áp lực này trong bàng quang có thể lên đến trên 100cm H2O.
3.1.2. Hoạt động của bàng quang
Động tác tiểu tiện là một quá trình làm trống bàng quang sau khi đã
được đổ đầy, gồm hai giai đoạn: đầu tiên bàng quang được đổ đầy cho đến khi
sức căng thành vượt quá ngưỡng dẫn đến phản xạ tiểu tiện để làm trống bàng
quang.
* Giai đoạn đổ đầy bàng quang – áp lực cơ bản:
Áp lực cơ bản của bàng quang là áp lực hình thành do co trương lực cơ
detrusor trên thành bàng quang tạo nên. Khi không có nước tiểu, áp lực cơ
bản của bàng quang bằng 0cm H2O; nhưng khi nước tiểu từ 30-50mL, áp lực
cơ bản tăng lên từ 5-10cm H2O. Từ đây đến khi thể tích nước tiểu đạt khoảng
200-300mL, áp lực cơ bản không gia tăng đáng kể, nguyên nhân của sự hằng
định này là do trương lực cơ detrusor thay đổi cho phù hợp với thể tích bàng
quang. Khi thể tích nước tiểu đạt trên 300-400mL, chỉ cần một sự gia tăng
nhỏ thể tích nước tiểu sẽ dẫn đến áp lực cơ bản của bàng quang tăng lên
nhanh chóng. Lúc này bàng quang xem như đã được đổ đầy.
* Giai đoạn phản xạ tiểu tiện – áp lực co cơ:
Khi bàng quang đã được đổ đầy nước tiểu, trên nền áp lực cơ bản xuất
hiện các sóng tiểu tiện. Các sóng tiểu tiện này là các áp lực co cơ hình thành
cấp tính do cơ detrusor trên thành bàng quang co lại tạo nên.
- Cơ chế của sóng tiểu tiện: sóng tiểu tiện là kết quả của phản xạ tiểu
tiện. Phản xạ này khởi phát từ các thụ thể nhận cảm về cảm giác căng trên
thành bàng quang, đặc biệt là các thụ thể ở niệu đạo sau khi vùng này được đổ
đầy nước tiểu với áp lực cao hơn ở thân bàng quang. Tín hiệu căng từ bàng
quang sẽ được truyền về tủy sống đoạn cùng qua thần kinh chậu rồi quay
ngược lại bàng quang qua các sợi phó giao cảm trong cùng dây thần kinh gây
co cơ detrusor làm xuất hiện sóng tiểu tiện.

169
Hình 8.11. Áp lực đồ bàng quang
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology).
- Các tính chất của sóng tiểu tiện:
+ Tính chu kỳ: các sóng tiểu tiện xuất hiện theo một trình tự lặp đi lặp
lại là (1) tăng nhanh áp lực trong bàng quang, (2) duy trì áp lực này (áp lực co
cơ), (3) đưa áp lực trở về trương lực cơ bản của bàng quang (áp lực cơ bản).
+ Tính tự điều chỉnh theo kiểu feedback dương: khi bàng quang mới
được đổ đầy một phần, các sóng tiểu tiện thường có áp lực đỉnh chỉ tăng vài
cm H2O trên nền áp lực cơ bản và kéo dài trong một khoảng thời gian rất ngắn
(<1 giây). Nếu bàng quang tiếp tục được đổ đầy thêm, các sóng tiểu tiện sẽ trở
nên mạnh hơn và lâu hơn hơn do các co bóp ban đầu kích hoạt các thụ thể
căng làm co bóp sau mạnh hơn nữa. Cứ như thế, sóng tiểu tiện ngày càng tăng
về cả thời gian và cường độ, có thể kéo dài từ một vài giây đến hơn một phút
và đạt đến trên 100cm H2O.
- Kết quả của sóng tiểu tiện: khi bàng quang càng được đổ đầy thì phản
xạ tiểu tiện xuất hiện càng nhiều và càng mạnh. Lúc này các sóng tiểu tiện sẽ
gây cảm giác mắc đi tiểu và từ đây dẫn đến hiện tượng tống thoát nước tiểu ra
khỏi bàng quang theo các cơ chế:
+ Ức chế thần kinh giao cảm làm giãn cơ thắt trong.
+ Ức chế dây thần kinh thẹn làm giãn cơ thắt ngoài. Tuy nhiên, sự ức
chế này phải đủ mạnh để thắng được tín hiệu co thắt tự ý từ cầu não truyền
xuống cơ thắt ngoài, và khi đó sự tống thoát nước tiểu mới xảy ra. Thông
thường, tất cả nước tiểu đều được tống thoát, ít khi còn lại trên 5-10mL trong
bàng quang. Sau khi tiểu tiện xong, cơ thắt ngoài và trong lại tăng trương lực

170
đóng lại, trong khi thành bàng quang giãn ra để chứa nước tiểu mới. Nếu sự
ức chế chưa đủ mạnh để thắng tín hiệu từ cầu não truyền xuống, cơ thắt ngoài
vẫn co, hiện tượng tống thoát nước tiểu chưa thể xảy ra được. Khi đó, phản xạ
tiểu tiện tạm thời bị ức chế trong vòng vài phút đến một giờ hoặc lâu hơn nữa
trước khi xuất hiện các phản xạ tiểu tiện mới mạnh hơn do bàng quang tiếp
tục được đổ đầy hơn.
3.1.3. Điều hòa hoạt động của bàng quang
Mặc dù phản xạ tiểu tiện là một phản xạ tủy tự động hoàn toàn nhưng
nó vẫn chịu sự chi phối bởi các trung tâm ở trên não. Như vậy, có hai hệ
thống điều hòa hoạt động bàng quang là hệ thần kinh tự chủ chi phối cơ trơn
thành bàng quang (cơ detrusor) và hệ thần kinh chi phối cho cơ vân là cơ thắt
ngoài. Hai hệ thần kinh này đều chịu sự kiểm soát của vỏ não.

Hình 8.12. Sự phân bố thần kinh ở bàng quang


(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook of Medical Physiology)
* Thần kinh tự chủ:
Thần kinh chi phối bàng quang là thần kinh chậu xuất phát từ đám rối
cùng. Cung phản xạ bao gồm:
- Receptor: là các receptor áp suất nhận cảm sự căng nằm trên thành
của bàng quang.
- Đường hướng tâm: là các sợi cảm giác truyền tín hiệu về mức độ căng
của thành bàng quang, đặc biệt là tín hiệu căng từ niệu đạo sau rất mạnh giúp
khởi phát phản xạ tiểu tiện.
- Trung tâm: tủy sống đoạn S2-S3.
- Đường ly tâm: là các sợi vận động trong thần kinh chậu gồm:

171
+ Các sợi phó giao cảm đến chi phối cơ detrusor qua receptor
muscarinic: M2 chiếm 80% bình thường gây co trương lực (áp lực cơ sở) và
M3 chiếm 20% làm co thật sự tạo sóng tiểu tiện (áp lực co cơ).
+ Các sợi giao cảm đến chi phối cơ detrusor qua receptor α và : bình
thường, thân bàng quang có -adrenergic làm giảm trương lực cơ giúp bàng
quang thích ứng với sự thay đổi thể tích trong giai đoạn đổ đầy bàng quang.
Trong lúc đó α-adrenergic có ở cổ bàng quang và niệu đạo sau (co thắt trong)
làm tăng trương lực cơ ngăn thoát nước tiểu ra niệu đạo. Trong phản xạ tiểu
tiện, có một luồng xung động làm ức chế thần kinh giao cảm dẫn đến giãn cơ
thắt trong mở đường cho nước tiểu tống thoát ra ngoài.
Ngoài ra, niêm mạc bàng quang còn có một số sợi thần kinh cảm giác
là dây giao cảm có thể có vai trò quan trọng trong nhận biết cảm giác đầy và
đau ở bàng quang. Mạch máu bàng quang cũng nhận các sợi giao cảm đến chi
phối từ đoạn tủy L2 qua thần kinh hạ vị.
* Hệ thần kinh chi phối cơ thắt ngoài:
Cơ thắt ngoài là cơ vân chịu sự chi phối của các sợi vận động xuất phát
từ sừng trước đoạn tủy S2-S4 truyền ra trong thần kinh thẹn:
- Bình thường, trong giai đoạn đổ đầy bàng quang, các trung tâm ức
chế tiểu tiện nằm ở cầu não thường xuyên phát xung động đến thần kinh thẹn
gây co trương lực cơ thắt ngoài bàng quang.
- Khi bắt đầu xuất hiện phản xạ tiểu tiện, các tín hiệu của phản xạ này
còn yếu chưa đủ để ức chế thần kinh thẹn (thắng các trung tâm ức chế tiểu
tiện ở cầu não) thì hiện tượng tống thoát nước tiểu vẫn chưa xảy ra do trương
lực cơ thắt ngoài vẫn rất mạnh. Đến lúc nào phản xạ tiểu tiện đủ mạnh để ức
chế các xung động co thắt tự ý từ cầu não truyền xuống cơ thắt ngoài, thì khi
đó sự tống thoát nước tiểu mới xảy ra.
* Vai trò của vỏ não:
Vỏ não có vai trò làm cho động tác tiểu tiện trở thành một động tác có
ý thức chỉ xảy ra vào thời điểm thích hợp. Như vậy, phản xạ tiểu tiện (tủy
sống) là nguyên nhân cơ bản gây ra hiện tượng tiểu tiện, tuy nhiên các trung
tâm cao hơn lại đóng vai trò quyết định là cầu não (kiểm soát không ý thức)
và vỏ não (kiểm soát có ý thức). Bên cạnh đó, tiểu não với vai trò điều hòa
toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh cũng có ảnh hưởng lên động tác tiểu tiện.
Vỏ não vừa có thể ức chế vừa có thể kích thích tiểu tiện:

172
- Khi muốn tiểu tiện, dù phản xạ tiểu tiện chưa xuất hiện, vỏ não vẫn có
thể khởi động phản xạ tiểu tiện bằng cách chủ động làm co cơ thành bụng gây
tăng áp lực bàng quang đẩy nước tiểu vào cổ bàng quang và niệu đạo sau, tạo
sức căng thành, kích thích các thụ thể căng truyền về trung tâm tiểu tiện ở
đoạn tủy cùng. Đồng thời, vỏ não phát xung động ức chế cơ thắt ngoài bàng
quang giúp tống thoát nước tiểu.
- Khi chưa muốn tiểu tiện, dù phản xạ tiểu tiện đã xuất hiện rất mạnh,
vỏ não vẫn có thể ức chế tạm thời phản xạ tiểu tiện, đồng thời làm co cơ thắt
ngoài bàng quang ngăn tống thoát nước tiểu ra ngoài. Ở trẻ em, hoạt động của
vỏ não chưa hoàn chỉnh có thể dẫn đến đi tiểu tự động không theo ý muốn
(tiểu dầm).
3.2. Sinh lý niệu đạo
3.2.1. Các tính chất sinh lý của niệu đạo
- Tính cảm ứng: cảm ứng và cảm giác của niêm mạc niệu đạo mạnh
hơn niêm mạc bàng quang. Do đó, khi đặt thông niệu đạo hay soi bàng quang,
giai đoạn đau nhất là đưa dụng cụ vào niệu đạo. Viêm niệu đạo cấp tính gây
tiểu buốt dữ dội hơn viêm bàng quang cấp.
- Tính trương lực: niệu đạo không phải là ống trơ, ngoài giai đoạn tiểu
tiện, áp lực niệu đạo luôn cao hơn áp lực bàng quang để giữ nước tiểu trong
bàng quang. Đối với phụ nữ lớn tuổi hoặc sinh con nhiều lần, các cơ hồi phục
kém gây giảm trương lực cơ niệu đạo, có thể làm niệu đạo bị giãn.
- Tính co thắt: sức co thắt của niệu đạo không mạnh bằng cơ detrusor,
trong lúc tiểu tiện niệu đạo giãn nở và sự co bóp chỉ trợ giúp phần nào cho sự
tống thoát nước tiểu ra ngoài. Kết thúc tiểu tiện, sự co thắt mạnh của niệu đạo
cuối dòng sẽ đẩy nốt những giọt nước tiểu còn đọng lại trong niệu đạo trước
ra ngoài.
- Tính đàn hồi: nhờ tính chất này, niệu đạo giữ được hình thái bình
thường cũng như giãn nở khi dòng nước tiểu đi qua, đồng thời gia tăng tính
trương lực cũng như co thắt. Ở phụ nữ trẻ, niệu đạo mềm mại, đàn hồi tốt,
giúp cho việc tống thoát nước tiểu dễ dàng. Tuy nhiên, do niệu đạo và âm đạo
có cùng nguyên ủy bào thai nên khi phụ nữ mãn kinh, có hiện tượng giảm
estrogen sẽ gây khô âm đạo và có thể làm mất tính mềm mại của niệu đạo gây
hẹp tương đối nên cản trở việc tống thoát nước tiểu.
3.2.2. Hoạt động của niệu đạo

173
Niệu đạo phối hợp với bàng quang để thực hiện động tác tiểu tiện. Bình
thường, trình tự hoạt động tiểu tiện như sau:

Hình 8.13. Trình tự hoạt động tiểu tiện


(Nguồn: Atlas of Urodynamics (2007), 2nd edition)
- Giảm trương lực cơ niệu đạo làm giãn niệu đạo, giảm áp lực niệu đạo.
- Tăng áp lực cơ detrusor bàng quang, mở cơ thắt trong và cơ thắt ngoài
ngoài bàng quang.
- Tống thoát nước tiểu ra khỏi bàng quang. Làn sóng co thắt của bàng
quang sẽ được tiếp nối bởi các sóng nhu động do co thắt cơ của niệu đạo để
đưa nước tiểu ra ngoài. Các yếu tố thúc đẩy nhu động của niệu đạo:
+ Giống nhu động ở niệu quản, chính dòng nước tiểu bên trong sẽ thúc
đẩy nhu động.
+ Những giọt nước tiểu cuối cùng đọng lại trong niệu đạo có thể làm
nhu động mạnh lên.
+ Ống thông trong niệu đạo.
+ Sự kích thích của vi khuẩn vào niêm mạc niệu đạo trong trường hợp
bị nhiễm trùng đặc biệt là ở đoạn giữa của niệu đạo, đây là hình thức tự bảo
vệ của cơ thể chống nhiễm khuẩn ngược dòng.
- Kết thúc tống xuất nước tiểu: áp lực cơ detrusor giảm, bàng quang thu
nhỏ về thể tích ban đầu, cơ thắt trong và ngoài bàng quang co thắt trở lại; tăng
trương lực cơ niệu đạo làm đóng niệu đạo, áp lực niệu đạo tăng.
- Áp lực ổ bụng không thay đổi trong suốt quá trình tiểu tiện bình
thường.
3.2.3. Điều hòa hoạt động của niệu đạo

174
- Niệu đạo được chi phối bởi thần kinh giao cảm gồm cả sợi vận động
và cảm giác trong dây thần kinh chậu hạ vị. Sợi cảm giác dẫn truyền xung
động về đoạn tủy T9-L2, trong khi sợi vận động xuất phát từ trung tâm là đoạn
tủy sống đoạn T11-L2.
- Cơ vòng ngoài niệu đạo còn bị chi phối bởi hệ thần kinh trung ương
và một số dây thần kinh phó giao cảm thuộc đoạn tủy S2-S4.

Câu hỏi lượng giá:


1. Tìm hiểu các nguyên nhân gây tiểu máu, tiểu đạm.
2. Phân tích cơ chế của các thuốc lợi tiểu quai, lợi tiểu ức chế men carbonic
anhydrase, lợi tiểu tiết kiệm kali.
3. Phân tích sự khác nhau trong cơ chế gây tiểu nhiều ở bệnh nhân đái tháo
đường và đái tháo nhạt.
4. CHỌN CÂU SAI. Thành phần d. Kích thích giao cảm mạnh có thể
dịch lọc cầu thận: gây tăng lọc lâu dài.
a. Giống thành phần của huyết 6. Hormon làm tăng lọc cầu thận:
tương. a. ANP.
b. Không có tế bào máu và lượng b. ADH.
protein cho phép nhỏ hơn 0,5g/24 c. Aldosteron.
giờ. d. Adrenalin.
c. Cl và HCO3 cao hơn trong
- -
4. Ngưỡng đường của thận là:
huyết tương khoảng 5%. a. 165mg/dL.
d. Na+ và K+ thấp hơn trong huyết b. 170mg/dL.
tương khoảng 5%. c. 175mg/dL.
5. Chọn phát biểu đúng về mức lọc d. 180mg/dL.
cầu thận (GFR): 7. Tại ống lượn xa và ống góp:
a. Là thể tích dịch lọc được lọc qua a. Phần lớn Na+ được hấp thu kèm
tiểu cầu thận của từng thận trong theo với Cl-.
một phút. b. Một số Na+ có thể tái hấp thu
b. Chỉ số GFR bình thường là bằng cách trao đổi với K+ hoặc H+.
125ml/phút. c. Dưới ảnh hưởng của ADH, tế
c. GFR không phụ thuộc vào áp bào ống thận sẽ tăng khả năng thấm
suất máu, áp suất keo mà chỉ phụ đối với nước.
thuộc vào áp suất bao Bowman. d. Tất cả đều đúng.

175
8. CHỌN CÂU SAI. Sự bài tiết K+: b. Thay đổi theo từng đoạn ống.
a. Khi tăng K+, K+ sẽ được bài tiết c. Có tác dụng đẩy nước tiểu.
chủ động ở quai henle và ống lượn d. Giúp chứa đựng nước tiểu.
xa. 12. Phản xạ tiểu tiện tự ý được thực
b. Tốc độ bài tiết K+ phụ thuộc vào hiện khi:
tốc độ hấp thu Na+ ở ống lượn xa a. Kích thích phó giao cảm.
và ống góp. b. Ức chế giao cảm.
c. Khi nồng độ K+ tăng ở ngoại bào c. Ức chế thần kinh thẹn đủ mạnh.
thì aldosteron sẽ kích thích bài tiết d. Tất cả đều đúng.
K+ nhiều hơn. 13. CHỌN CÂU SAI về các tính
d. Sự bài tiết K+ ảnh hưởng bởi chất sinh lý của niệu đạo:
trạng thái kiềm toan. a. Tính cảm ứng.
9. Các yếu tố ảnh hưởng đến hấp b. Tính co thắt.
thu HCO 3− : c. Tính trương lực.
a. PaCO2 trong máu. d. Tính hấp thu.
b. Tổng lượng K+ trong cơ thể. 14.Để tránh tình trạng toan nước
c. Nồng độ Cl- trong huyết tương. tiểu nghịch lý do thận điều chỉnh
d. Tất cả đều đúng. trạng thái kiềm chuyển hóa, ion có
10. CHỌN CÂU SAI. Các yếu tố vai trò quan trọng là:
ảnh hưởng đến sự sản xuất và bài a. K+, Cl -

tiết NH3 ở thận: b. HCO 3
a. pH của nước tiểu càng acid thì c. Cl-
NH3 bài tiết càng giảm và ngược d. Na+
lại. 15. Các thuốc sau đây đều làm mất
b. Tốc độ tương đối giữa dòng chảy K+ máu, NGỌAI TRỪ:
của máu và của dịch lọc trong lòng a. Ức chế men CA (carbonic
ống thận. anhydrase).
c. Sự thiếu hụt K+ sẽ kích thích sinh b. Ức chế tái hấp thu Na+ nhánh
NH3. lên quay Henle.
d. Nồng độ H+ trong lòng ống điều c. Ức chế Aldosteron.
động sự bài tiết NH3. d. Ức chế tái hấp thu Na+ ở ống
11. Áp lực cơ bản của niệu quản: lượn gần.
a. Có trị số cao do co cơ tạo ra.

176
Chương 10
SINH LÝ HỆ SINH DỤC-SINH SẢN

Với vai trò duy trì nòi giống, hệ sinh dục ở nam và nữ thực hiện hai
chức năng chính là chức năng ngoại tiết tạo ra giao tử và chức năng nội tiết
tạo ra hormon sinh dục. Hoạt động của hệ sinh dục gắn liền với hoạt động của
trục vùng hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (GnRH-FSH, LH-hormon sinh
dục). Đời sống sinh sản được đánh dấu bằng các hiện tượng dậy thì và mãn
dục. Quá trình mang thai và nuôi con cũng có nhiều thay đổi trong cơ thể để
giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức làm vợ và làm mẹ.

SINH LÝ SINH DỤC NAM

Mục tiêu:
1. Trình bày được chức năng ngoại tiết và nội tiết của tinh hoàn.
2. Phân tích được các hiện tượng trong hoạt động sinh dục nam.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG


Bộ máy sinh dục nam gồm 3 phần chính:
- Dương vật: niệu đạo nằm trong thể xốp, mô cương gồm hai thể hang,
thần kinh và mạch máu.
- Bìu: nằm ngoài khoang cơ thể. Trong bìu có tinh hoàn và mào tinh.
+ Tinh hoàn: có nhiều thùy, mỗi thùy nhiều ống sinh tinh, giữa các ống
sinh tinh có tế bào kẽ (tế bào Leydig). Mỗi tinh hoàn có khoảng 900 ống sinh
tinh, mỗi ống dài khoảng 5m, bên trong có tế bào sertoli và các tế bào dòng
tinh ở những giai đoạn biệt hóa khác nhau.
+ Mào tinh: dài 6m, tiếp nối các ống sinh tinh.
- Ống dẫn tinh và các tuyến phụ thuộc: ống dẫn tinh tiếp nối mào tinh,
đổ vào niệu đạo ở gần cổ bàng quang. Các tuyến ngoại tiết đổ dịch vào đường
sinh dục nam là túi tinh, tiền liệt tuyến, tuyến hành-niệu đạo.
2. CHỨC NĂNG CỦA TINH HOÀN
2.1. Chức năng tạo tinh trùng

177
2.1.1. Quá trình hình thành và dự trữ tinh trùng
- Sản sinh tinh trùng: xảy ra ở ống sinh tinh, tạo 120 triệu tinh
trùng/ngày. Tiến trình này mất 74 ngày từ các tế bào mầm nguyên thủy là tinh
nguyên bào (2n nhiễm sắc thể) → tinh bào bậc I (2n) → tinh bào bậc II (n) →
tiền tinh trùng (n) → tinh trùng (n). Quá trình này diễn ra dưới sự bảo vệ và
nuôi dưỡng của tế bào sertoli.
- Sự thành thục (trưởng thành) tinh trùng: xảy ra ở mào tinh làm tinh
trùng bắt đầu có khả năng di động theo đường thẳng với vận tốc 4mm/phút.
Tuy nhiên, mào tinh cũng sản xuất một số protein ức chế sự di động này cho
đến khi tinh trùng được phóng vào trong đường sinh dục nữ.
- Dự trữ tinh trùng: xảy ra ở ống dẫn tinh. Tinh trùng được dự trữ dưới
dạng không hoạt động nhưng có thể duy trì khả năng thụ tinh trong 1 tháng,
nếu không phóng tinh tinh trùng sẽ tự tiêu hủy.
2.1.2. Các yếu tố ảnh hưởng đến tinh trùng
* Các hormon:
- GnRH (vùng hạ đồi) kích thích tuyến yên bài tiết FSH và LH.
- FSH (tuyến yên) kích thích sản sinh tinh trùng do làm phát triển ống
sinh tinh và tế bào sertoli.
- LH (tuyến yên) kích thích tế bào Leydig bài tiết testosteron.
- Testosteron (tinh hoàn) kích thích sản sinh tinh trùng.
- Inhibin (tinh hoàn) ức chế bài tiết FSH dẫn đến làm giảm sản sinh tinh
trùng.
- Somatomedin (gan) kích thích sản sinh tinh trùng.
* Các yếu tố khác:
- Nhiệt độ:
+ Nhiệt độ thích hợp cho sản sinh tinh trùng là nhiệt độ thấp hơn thân
nhiệt từ 1-20C. Để đảm bảo nhiệt độ này, tinh hoàn phải được đưa từ ổ bụng
xuống bìu trong thời kỳ bào thai. Bên cạnh đó khả năng thải nhiệt ở bìu rất tốt
bằng cơ chế đối lưu và cơ Dartos của bìu còn có thể co giãn theo nhiệt độ môi
trường.
+ Nhiệt độ thích hợp cho hoạt động tinh trùng là 37 0C và đây cũng
chính là nhiệt độ của đường sinh dục nữ. Khi nhiệt độ giảm, hoạt động của
tinh trùng sẽ giảm. Người ta thường bảo quản tinh trùng ở -1750C.
- Độ pH: pH trung tính hoặc hơi kiềm, tinh trùng sẽ hoạt động mạnh.

178
Khi pH acid, tinh trùng sẽ giảm hoạt động và có thể bị giết chết. pH âm đạo
của phụ nữ tuổi sinh sản là pH acid, do vậy để bảo vệ tinh trùng thì tinh dịch
phóng ra phải có pH kiềm.
- Kháng thể: tinh trùng bị tiêu diệt bởi kháng thể có trong máu và dịch
thể. Ngoài ra, một số ít phụ nữ có kháng thể kháng tinh trùng ở đường sinh
dục, những phụ nữ này sẽ bị vô sinh khi lập gia đình.
- Rượu, thuốc lá, ma túy, tia X, tia phóng xạ, virus quai bị, căng thẳng
kéo dài có thể làm giảm sản sinh và ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng.
2.2. Chức năng nội tiết
2.2.1. Androgen
Hormon sinh dục nam androgen gồm testosteron, dihydrotestosteron và
androstenedion trong đó chủ yếu là testosteron.
- Nguồn gốc: tế bào Leydig của tinh hoàn trước khi sinh và từ tuổi dậy
thì, ngoài ra còn được bài tiết từ lớp bó và lớp lưới của vỏ thượng thận.
- Bản chất: steroid có 19C.
- Tác dụng:
+ Thời kỳ bào thai: từ tuần thứ bảy, tinh hoàn bào thai tiết testosteron
làm biệt hóa đường sinh dục nam, ngăn cản sự hình thành đường sinh dục nữ.
Trong 2-3 tháng cuối thai kỳ, testosteron còn có tác dụng đưa tinh hoàn từ ổ
bụng xuống bìu.
+ Làm xuất hiện và bảo tồn các đặc tính sinh dục nam thứ phát từ tuổi
dậy thì như tóc cứng và thô, mọc nhiều lông, râu; giọng nói trầm do dây thanh
âm phì đại; da dày, thô, mụn trứng cá; phát triển cơ xương, phát triển cơ quan
sinh dục; tâm lý mạnh mẽ, hướng ngoại, thích người khác giới và ham muốn
tình dục.
+ Kích thích sản sinh tinh trùng: kích thích sự hình thành tinh nguyên
bào, sự phân chia giảm nhiễm lần thứ hai từ tinh bào bậc II thành tiền tinh
trùng. Testosteron cũng kích thích tế bào sertoli tổng hợp và bài tiết protein
nuôi dưỡng tinh trùng.
+ Đồng hóa prorein, phát triển hệ thống cơ xương: hệ thống cơ bắp
phát triển mạnh, lắng đọng protein ở da làm da dày, ở thanh quản làm phì đại
niêm mạc thanh quản, tăng tổng hợp protein của khung xương. Gây cốt hóa
sụn liên hợp đầu xương, tăng hoạt động tạo xương, làm khung chậu phát triển
theo hình ống.

179
+ Tăng chuyển hóa cơ sở.
+ Tăng số lượng hồng cầu.
+ Tăng nhẹ tái hấp thu Na+ và nước ở ống lượn xa.
- Điều hòa bài tiết:
+ Bào thai: HCG kích thích bài tiết testosteron.
+ Trưởng thành: LH kích thích bài tiết testosteron.
2.2.2. Inhibin
- Nguồn gốc: tế bào Sertoli.
- Bản chất: glycoprotein, trọng lượng phân tử 10.000-30.000 dalton.
- Tác dụng: ức chế bài tiết FSH dẫn đến giảm sản sinh tinh trùng.
- Điều hòa: khi sản sinh tinh trùng quá nhiều sẽ kích thích bài tiết
inhibin.
3. HOẠT ĐỘNG SINH DỤC NAM
3.1. Hiện tượng cương
- Cương là một phản xạ tủy. Cung phản xạ:
+ Bộ phận nhận cảm: receptor xúc giác ở dương vật nhận các kích thích
cơ học và ở vỏ não nhận các kích thích tâm lý.
+ Sợi hướng tâm: dây thần kinh thẹn trong.
+ Trung tâm: đoạn thắt lưng của tủy sống.
+ Sợi ly tâm: sợi phó giao cảm trong dây thần kinh tạng.
+ Đáp ứng: giãn các tiểu động mạch ở dương vật, tổ chức cương của
dương vật chứa đầy máu, tĩnh mạch bị ép lại làm nghẽn dòng máu ra. Dương
vật to, dài ra và rất cứng.
- Các xung động giao cảm làm co các tiểu động mạch gây chấm dứt
hiện tượng cương, dương vật nhỏ và mềm lại.
3.2. Hiện tượng phóng tinh
Phóng tinh là một phản xạ tủy gồm 2 giai đoạn:
3.2.1. Tinh dịch di chuyển vào niệu đạo
- Bộ phận nhận cảm: receptor xúc giác ở dương vật, da quanh bộ phận
sinh dục, bụng, mặt trước đùi.
- Sợi hướng tâm: dây thần kinh thẹn trong.
- Trung tâm: đoạn thắt lưng trên của tủy sống.
- Sợi ly tâm: sợi giao cảm trong dây thần kinh hạ vị.
- Đáp ứng: co cơ trơn ống dẫn tinh, túi tinh, tiền liệt tuyến đẩy tinh

180
trùng và dịch các tuyến vào niệu đạo.
3.2.2. Xuất tinh
- Trung tâm: đoạn thắt lưng dưới và cùng trên của tủy sống.
- Sợi ly tâm: dây thần kinh cùng 1-3 và dây thần kinh thẹn trong.
- Đáp ứng: co các cơ hành hang đẩy tinh dịch ra khỏi niệu đạo vào lúc
cực khoái (orgasm).
3.3. Vai trò của các tuyến phụ thuộc
3.3.1. Dịch túi tinh
- Chiếm 60% thể tích tinh dịch.
- Thành phần: dịch có tính kiềm.
- Thành phần: fructose, fibrinogen, prostaglandin...
- Chức năng:
+ Đẩy tinh trùng ra khỏi niệu đạo.
+ Bảo vệ tinh trùng trong đường sinh dục nữ.
+ Dinh dưỡng cho tinh trùng.
+ Tăng tiếp nhận tinh trùng.
+ Giúp tinh trùng di chuyển về phía loa vòi trứng.
3.3.2. Dịch tiền liệt tuyến
- Chiếm 30% thể tích tinh dịch.
- Tính chất: dịch trắng, đục, pH = 6,5.
- Thành phần: acid citric, Ca2+, enzym đông đặc, tiền fibrinolysin,
prostaglandin.
- Chức năng:
+ Đông nhẹ tinh dịch ngay sau phóng tinh làm tăng tiếp nhận tinh
trùng.
+ Loãng tinh dịch trở lại sau 15-60 phút giúp tinh trùng hoạt động.
+ Giúp tinh trùng di chuyển về phía loa vòi trứng.
3.4. Tinh dịch
- Tinh dịch là dịch được phóng ra vào lúc cực khoái. Đây là một hỗn
dịch: 10% dịch ống dẫn tinh (có tinh trùng), 60% dịch túi tinh, 30% dịch tiền
liệt tuyến, một lượng nhỏ từ các tuyến khác.
- Tiêu chuẩn tinh dịch bình thường theo WHO, 2010:
+ Tính chất:
Màu: trắng đục.

181
Mùi: tanh nồng.
Trọng lượng riêng: 1.028.
pH7,2.
Thể tích1,5mL/lần phóng tinh.
Thời gian ly giải: 15-60 phút.
+ Tinh trùng:
Tổng số tinh trùng 39 triệu.
Mật độ tinh trùng 15triệu/mL.
Di động tiến tới (PR) ≥32% hoặc di động tiến tới + di động
không tiến tới (NP) ≥40%.
Hình dạng bình thường ≥4%.
Tỉ lệ tinh trùng sống ≥58%.
+ Khác:
Tế bào lạ ≤ 1 triệu/mL.
Thành phần khác: fructose, prostaglandin...

182
SINH LÝ SINH DỤC NỮ

Mục tiêu:
1. Trình bày được chức năng nội tiết và ngoại tiết của buồng trứng.
2. Phân tích được các thay đổi sinh học trong chu kỳ kinh nguyệt.

1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TẠO CHỨC NĂNG


Bộ máy sinh dục nữ bao gồm 2 phần chính:
- Cơ quan sinh dục ngoài: âm hộ, âm đạo và tầng sinh môn.
- Cơ quan sinh dục trong:
+ Tử cung: cổ tử cung, thân tử cung và đáy tử cung.
+ Vòi trứng: tiếp nối từ đáy tử cung ra ngoài và tạo thành loa vòi bao
phủ buồng trứng.
+ Buồng trứng: ở phụ nữ trưởng thành, buồng trứng có hình trứng, chắc
và đặc, màu hơi hồng, kích thước nhỏ và thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Trong buồng trứng có nhiều nang trứng nguyên thủy, trong quá trình phát
triển cơ thể phần lớn nang trứng sẽ tự thoái hóa: ở thời kỳ bào thai có khoảng
6 triệu nang, sau khi sinh còn khoảng 2 triệu nang, đến tuổi dậy thì chỉ còn
khoảng 300.000–400.000 nang và đến tuổi mãn kinh tất cả các nang trứng đều
thoái hóa.
Đời sống sinh sản của người phụ nữ bắt đầu từ tuổi dậy thì đến mãn
kinh, có hai hiện tượng quan trọng nhất diễn tiến theo chu kỳ là chu kỳ buồng
trứng và chu kỳ nội mạc tử cung.
2. CHỨC NĂNG CỦA BUỒNG TRỨNG
2.1. Chức năng tạo trứng và hoàng thể
Quá trình tạo trứng và hoàng thể lập đi lập lại trong đời sống sinh sản
tạo thành chu kỳ buồng trứng. Một chu kỳ gồm các giai đoạn:
* Giai đoạn nang trứng (N1-N14):
Lúc người phụ nữ đang hành kinh, ở buồng trứng chỉ có các nang trứng
nguyên thủy, trong mỗi nang có một noãn. Noãn là giao tử cái mang bộ nhiễm
sắc thể đơn bội.
Từ sau khi hành kinh đến trước khi phóng noãn, 6-12 nang trứng
nguyên thủy phát triển to lên thành nang trứng sơ cấp, nang trứng thứ cấp và
nang trứng có hốc. Trong quá trình này một số nang trứng tiếp tục bị thoái

183
hóa để đến khi phóng noãn thường chỉ còn lại một nang. Đi cùng sự phát triển
của nang trứng là sự hình thành ngày càng rõ của hai lớp áo, lớp áo ngoài là
vỏ xơ bao xung quanh nang trứng và lớp áo trong với các tế bào có hạt bao
quanh noãn. Lớp áo trong này chính là bộ phận nội tiết của nang trứng, chúng
bài tiết estrogen và progesteron mà chủ yếu là estrogen. Hốc chứa dịch bên
trong nang trứng cũng lớn dần lên và đẩy noãn về một cực của nang.
* Giai đoạn phóng noãn (N14):
Thời điểm phóng noãn là khoảng giữa chu kỳ kinh nguyệt (trước ngày
hành kinh của chu kỳ sau 12-16 ngày, trung bình 14 ngày). Thông thường mỗi
chu kỳ chỉ phóng một noãn duy nhất và trong toàn bộ đời sống sinh sản có
khoảng 400-500 nang trứng phát triển đến phóng noãn.
Cơ chế phóng noãn: vào khoảng gần giữa chu kỳ kinh nguyệt, nồng độ
estrogen trong máu tăng cao có tác dụng feedback (+) làm tuyến yên tăng bài
tiết FSH và LH. Khi đạt đến đỉnh FSH/LH=1/3 thì nang trứng chín, đồng thời
dưới tác dụng của LH nang trứng bắt đầu tăng bài tiết progesteron,
progesteron sẽ gây ra một số biến đổi tại nang trứng dẫn đến phóng noãn.
Trứng rụng nằm trên bề mặt buồng trứng được loa vòi đón lấy và đưa
vào 1/3 ngoài loa vòi. Nếu không thụ tinh, trứng sẽ tự thoái hoá.
Tuyến yên FSH/LH=1/3
(+)
Nang trứng chín
Estrogen Nang trứng có hốc
Progesteron

Nang trứng xung huyết và


Men phân giải protein
bài tiết prostaglandin

Thành nang yếu Thấm huyết tương vào nang

Thoái hóa thành nang


tại gò trứng Nang căng phồng

Vỡ nang

Phóng noãn Hoàng thể

Sơ đồ 9.1. Cơ chế phóng noãn

184
* Giai đoạn hoàng thể (N14-N28):
Hoàng thể được hình thành từ phần còn lại của nang trứng sau khi
phóng noãn, ngấm mỡ và có màu vàng. Hoàng thể bài tiết hormon
progesteron và estrogen mà chủ yếu là progesteron. Sự phát triển và thoái hóa
của hoàng thể:
- Khi không có thai: hoàng thể phát triển to nhất 7-8 ngày sau phóng
noãn rồi thoái hóa và giảm dần bài tiết hormon. Đời sống hoàng thể khoảng
12-16 ngày.
- Khi có thai: hoàng thể tiếp tục duy trì đời sống sau 14 ngày và phát
triển tối đa vào tháng thứ 3. Sau tháng thứ 4 hoàng thể ngừng hoạt động, thoái
hóa và nhau thai sẽ thay thế hoàng thể bài tiết progesteron và estrogen.
2.2. Chức năng nội tiết
Buồng trứng bài tiết 2 hormon sinh dục chính: estrogen và progesteron.
2.2.1. Estrogen
* Nguồn gốc
Estrogen được tiết ra từ lớp áo trong nang trứng, hoàng thể, vỏ thượng
thận, nhau thai và hình thành từ quá trình thơm hoá ở ngoại vi.
* Bản chất
Estrogen là hợp chất steroid, được tổng hợp ở buồng trứng từ
cholesterol và có thể từ acetylcoenzym A.
Dạng lưu hành: 17-estradiol (E2), estron (E1) và estriol (E3), trong đó
chủ yếu là 17-estradiol. Tác dụng của 17-estradiol mạnh gấp 12 lần estron
và gấp 80 lần estriol.
* Tác dụng
- Làm xuất hiện và bảo tồn các đặc tính sinh dục nữ thứ phát từ tuổi dậy
thì đến lúc mãn kinh như tóc dài, mượt, mọc lông mu; giọng nói trong do dây
thanh âm mỏng; lắng đọng mỡ dưới da làm dáng vẻ mềm mại; tâm lý mềm
mỏng, hướng nội, thích người khác phái và ham muốn tình dục.
- Trên tử cung:
+ Cơ tử cung: tăng khối lượng và kích thước tử cung do phát triển cơ tử
cung. Tăng tính nhạy cảm của cơ tử cung với oxytocin, tăng co bóp tử cung.
+ Nội mạc tử cung: tái tạo lớp chức năng từ lớp nền sau khi hành kinh
và làm tăng trưởng nội mạc tử cung, làm các động mạch dài ra và thẳng, các
tuyến dài ra, thẳng, tích trữ nhiều glycogen nhưng không bài tiết.

185
+ Cổ tử cung: làm các tế bào tuyến cổ tử cung tiết nhiều chất nhầy
trong, dai và loãng.
- Trên vòi trứng: tăng sinh mô tuyến niêm mạc, tăng số lượng và hoạt
động của các tế bào biểu mô lông rung.
- Trên âm đạo: phát triển biểu mô âm đạo thành dạng tầng với 4 lớp và
làm cho bào tương các tế bào biểu mô tích trữ nhiều glycogen. Trực khuẩn
thường trú ở âm đạo là Doderlein sẽ sử dụng glycogen tạo ra acid lactic làm
cho pH âm đạo có tính acid (3,8-4,2).
- Tên tuyến vú: phát triển hệ thống ống tuyến, mô đệm; tăng lắng đọng
mỡ ở vú.
- Trên chuyển hoá: tăng tổng hợp protein ở tử cung, tuyến vú và xương;
tăng lắng đọng mỡ dưới da đặc biệt ở ngực, mông, đùi để tạo dáng nữ; giảm
nồng độ cholesterol toàn phần và tăng nhẹ giữ muối và nước.
- Trên xương: tăng hoạt động của các tạo cốt bào, phát triển khung chậu
theo chiều ngang, kích thích cốt hoá sụn xương.
2.2.2. Progesteron
* Nguồn gốc:
Progesteron được tiết ra từ hoàng thể, lớp áo trong nang trứng, tuyến vỏ
thượng thận và nhau thai.
* Bản chất
Progesteron là hợp chất steroid được tổng hợp từ cholesterol hoặc từ
acetylcoenzym A.
* Tác dụng
- Trên tử cung:
+ Cơ tử cung: giảm co bóp cơ tử cung.
+ Nội mạc tử cung: tiếp tục làm tăng trưởng nội mạc tử cung lớp chức
năng, làm các động mạch dài ra, xoắn lại, các tuyến dài ra ngoằn ngoèo và bài
tiết dịch có chứa nhiều glycogen vào trong lòng tử cung gọi là “sữa tử cung”.
+ Cổ tử cung: làm các tế bào biểu mô của niêm mạc cổ tử cung bài tiết
một lớp dịch đục, bở và đặc.
- Trên vòi trứng: giảm hoạt động của các tế bào có lông niêm mạc vòi
trứng, kích thích niêm mạc vòi trứng tiết dịch chứa chất dinh dưỡng.
- Trên âm đạo: bong các lớp trên của biểu mô âm đạo làm niêm mạc âm
đạo mỏng đi.

186
- Trên tuyến vú: phát triển thuỳ và nang tuyến, làm các tế bào tăng sinh,
to lên và trở nên có khả năng bài tiết.
- Trên chuyển hóa: tăng tái hấp thu muối và nước ở ống lượn xa.
- Tăng nhiệt độ cơ thể lên 0,3-0,5oC.
2.3. Điều hoà chức năng buồng trứng
- Vùng hạ đồi bài tiết GnRH kích thích thuỳ trước tuyến yên bài tiết
FSH và LH:
+ FSH kích thích nang trứng phát triển đặc biệt là kích thích sự tăng
sinh lớp tế bào hạt để tạo thành lớp áo trong của nang trứng.
+ LH phối hợp với FSH làm nang trứng chín và phóng noãn; kích thích
các tế bào hạt và lớp vỏ còn lại phát triển thành hoàng thể; kích thích tế bào
hạt của nang trứng và hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron.
- Nang trứng phát triển và hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron có
tác dụng feedback âm lên sự bài tiết GnRH và FSH, LH (đặc biệt là khi có
mặt cả estrogen và progesteron). Chỉ riêng thời điểm 24-48 giờ trước khi
phóng noãn, nồng độ estrogen trong máu rất cao đã kích thích tuyến yên bài
tiết FSH và LH (feedback dương) dẫn đến nồng độ hai hormon này tăng cao,
nhất là LH (gấp 3 lần FSH).
- Hoàng thể bài tiết inhibin có tác dụng ức chế tuyến yên bài tiết FSH,
tác dụng này xảy ra vào cuối chu kỳ kinh nguyệt làm giảm FSH và LH ở thời
điểm này.
- Võ não: các cảm xúc tâm lý cũng có ảnh hưởng lên trục vùng hạ đồi -
tuyến yên - buồng trứng.
3. CHU KỲ KINH NGUYỆT
Chu kỳ kinh nguyệt (chu kỳ nội mạc tử cung) là sự biến đổi ở niêm
mạc tử cung và gây chảy máu một cách có chu kỳ. Chu kỳ kinh nguyệt có độ
dài khoảng 25-32 ngày, trung bình 28 ngày gồm 3 giai đoạn.
3.1 Giai đoạn tăng sinh (giai đoạn estrogen, giai đoạn nang tố) (N5-N14)
- Tuyến yên: bài tiết FSH và LH tăng dần mà chủ yếu là FSH.
- Buồng trứng: dưới tác dụng của FSH và LH, 6-12 nang trứng nguyên
thủy phát triển và bắt đầu bài tiết estrogen, progesteron mà chủ yếu là
estrogen. Nồng độ estrogen tăng dần trong máu.
- Tử cung: dưới tác dụng của estrogen, lớp chức năng nội mạc tử cung
phát triển làm niêm mạc tử cung dày 3-4mm. Các tuyến dài dần, thẳng, không

187
tiết dịch và xuất hiện các động mạch thẳng.
- Cuối giai đoạn này: 24-48 giờ trước phóng noãn, estrogen tăng cao
gây feedback (+) làm tăng bài tiết FSH và LH lên rất cao, đặc biệt là LH.
Nồng độ FSH và LH cao nhất là khoảng 16 giờ trước phóng noãn với tỷ số
FSH/LH=1/3 rồi giảm xuống. Dưới tác dụng của FSH và LH, ở buồng trứng:
+ Nang trứng tăng cường bài tiết estrogen đạt đến đỉnh rồi bắt đầu giảm
xuống ngay trước khi phóng noãn.
+ Chỉ còn 1 nang trứng phát triển đến chín, các nang khác thoái hoá.
+ Dưới tác dụng của LH, nang trứng bắt đầu tăng bài tiết progesteron.
Chính progesteron sẽ gây phóng noãn kết thúc giai đoạn tăng sinh.
3.2. Giai đoạn phân tiết (giai đoạn progesteron, giai đoạn hoàng thể tố)
(N14-N28)
- Tuyến yên: bài tiết FSH và LH mà chủ yếu là LH.
- Buồng trứng: dưới tác dụng của LH, hoàng thể được thành lập, phát
triển to nhất 7-8 ngày sau khi phóng noãn và bài tiết tăng dần chủ yếu là
progesteron và một phần estrogen.
- Tử cung: dưới tác dụng của progesteron và estrogen lớp chức năng
nội mạc tử cung phát triển rất mạnh làm niêm mạc tử cung dày 5-6mm. Các
tuyến dài ra, ngoằn ngoèo và bắt đầu bài tiết dịch trong gọi là “sữa tử cung”.
Các động mạch xoắn lại tăng cung cấp máu cho nội mạc tử cung.
- Cuối giai đoạn này: estrogen và progesteron tăng cao phối hợp nhau
gây feedback âm làm ức chế tuyến yên bài tiết LH. Ở buồng trứng, mất tác
dụng của LH, hoàng thể thoái hoá teo lại, không bài tiết estrogen và
progesteron, nồng độ hai hormon này mà đặc biệt là progesteron giảm đột
ngột. Kết quả là niêm mạc tử cung bắt đầu bị thoái hoá giữa lớp nền và lớp
chức năng (khoảng 2 ngày trước khi hành kinh).

188
Hình 9.1. Chu kỳ kinh nguyệt
3.3. Giai đoạn hành kinh (N1-N5)
- Tuyến yên: bài tiết FSH và LH rất ít.
- Buồng trứng: hoàng thể đã thoái hoá hoàn toàn, chỉ tồn tại các nang
trứng nguyên thủy nên hầu như không bài tiết progesteron và estrogen.
- Tử cung: mất tác dụng của progesteron và estrogen làm nội mạc tử
cung lớp chức năng bị thoái hóa thật sự, các động mạch xoắn co thắt, niêm
mạc tử cung không được nuôi dưỡng, bị hoại tử giải phóng chất co mạch
thuộc nhóm prostaglandin tiếp tục gây co thắt động mạch xoắn. Khi động
mạch chức năng vỡ, máu chảy ra dưới lớp niêm mạc chức năng. Máu đông lại
sau đó tan ra làm tróc lớp niêm mạc chức năng đã hoại tử.
- Kết quả của giai đoạn này là niêm mạc tử cung chỉ còn lại lớp nền và
phần bong chảy ra gây hiện tượng hành kinh. Ngày chảy máu đầu tiên là ngày
thứ nhất của chu kỳ kinh nguyệt, thời gian hành kinh trung bình 3-5 ngày.
Tính chất của máu kinh nguyệt:
+ Trung bình 30-80mL/lần hành kinh.
+ Chủ yếu là máu động mạch, 25% là máu tĩnh mạch.
+ Máu màu đỏ sẫm, không đông.

189
+ Thành phần: các thành phần của máu, mảnh vụn của niêm mạc tử
cung thoái hóa, chất nhầy cổ tử cung, tế bào niêm mạc âm đạo bong ra và
nhiều vi trùng trường trú trong âm đạo.

190
SINH LÝ SINH SẢN

Mục tiêu:
1. Trình bày được giai đoạn dậy thì và mãn dục.
2. Trình bày được quá trình mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ.
3. Xác định được cơ sở sinh lý của các biện pháp tránh thai.

1. DẬY THÌ VÀ MÃN DỤC


1.1. Dậy thì
Sau khi sinh, tuyến sinh dục “im lặng” cho đến tuổi dậy thì mới bắt đầu
hoạt động. Dậy thì là hiện tượng mở đầu của đời sống sinh sản, hormon sinh
dục bắt đầu được bài tiết dẫn đến những thay đổi về thể chất, tâm lý, sự
trưởng thành và hoàn thiện chức năng sinh dục. Các biến đổi cơ thể trong thời
kỳ dậy thì bao gồm:
- Phát triển nhanh cơ thể về chiều cao và trọng lượng.
- Phát triển cơ quan sinh dục và bắt đầu hoạt động, có khả năng mang
thai.
- Xuất hiện các đặc tính sinh dục thứ phát về cách mọc tóc, mọc lông,
giọng nói, hình thể, tâm lý tạo sự khác biệt lớn giữa nam và nữ.
Tuổi dậy thì ở nữ khoảng 13-14 tuổi, ở nam khoảng 15-16 tuổi. Tuổi
dậy thì đang có khuynh hướng ngày càng sớm đặc biệt là ở các xã hội phát
triển. Thời điểm bắt đầu dậy thì ở nữ là khi tuyến vú bắt đầu phát triển, ở nam
là khi thể tích tinh hoàn >4mL. Thời điểm dậy thì hoàn toàn được đánh dấu
bằng lần có kinh đầu tiên ở nữ và lần xuất tinh đầu tiên ở nam.
Cho đến thời điểm này vẫn chưa rõ cơ chế dậy thì. Giả thuyết về cơ chế
dậy thì là do sự “chín” (trưởng thành) của hệ viền (hệ Limbic) dẫn đến vùng
hạ đồi bắt đầu bài tiết GnRH theo dạng xung động. GnRH kích thích tuyến
yên bài tiết FSH và LH, và từ đây tuyến sinh dục bắt đầu hoạt động sản xuất
các hormon sinh dục.
1.2. Mãn dục
Mãn dục là một trong những hiện tượng mở đầu của sự lão hóa do giảm
nồng độ hormon sinh dục và sự ngừng hoạt động của các cơ quan sinh dục.
- Ở nam, hiện tượng mãn dục xảy ra sau tuổi 40-50 với biểu hiện giảm
dần khả năng hoạt động tình dục nhưng không chấm dứt hoàn toàn mà vẫn có

191
thể kéo dài đến cuối đời. Ngoài ra, còn có biểu hiện béo phì đặc biệt là béo
bụng, giảm khối lượng cơ và sức cơ, giảm mật độ xương, rối loạn về tim
mạch (xơ vữa động mạch), hô hấp (ngủ ngáy), giảm khả năng làm việc và tập
trung, thiếu máu, thay đổi ở da, tóc.
- Ở nữ, hoạt động sinh sản sẽ chấm dứt vào thời kỳ mãn kinh. Đây là
thời kỳ buồng trứng ngừng hoạt động, không rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt
thưa dần rồi hết hẳn, nồng độ các hormon sinh dục nữ giảm xuống rất thấp.
+ Tuổi mãn kinh khoảng 45-55 tuổi. Trước 40 tuổi là mãn kinh sớm,
sau 55 tuổi là mãn kinh muộn. Tuổi mãn kinh đang có khuynh hướng ngày
càng muộn đi đặc biệt là ở các xã hội phát triển.
+ Cơ chế của mãn kinh: số lượng noãn bào giảm đáng kể, buồng trứng
trở nên kém nhạy cảm đối với những kích thích từ trục vùng hạ đồi - tuyến
yên - buồng trứng.
+ Biểu hiện: ở giai đoạn tiền mãn kinh khoảng 2-5 năm trước khi mãn
kinh thật sự có rối loạn về kinh nguyệt, tăng cân, trằn vùng bụng dưới, đau vú,
cơn bốc hỏa, tiết mồ hôi đêm, lo âu, căng thẳng, cáu gắt. Mãn kinh thật sự
được chẩn đoán sau 12 tháng liên tiếp vô kinh: buồng trứng teo nhỏ, các nang
trứng thoái hóa, không có kinh nguyệt, bộ phận sinh dục ngoài teo nhỏ, âm
đạo khô, hết ham muốn tình dục, giao hợp đau rát, thay đổi về hình thể, xuất
hiện các nguy cơ bệnh lý xơ vữa động mạch, loãng xương, nhiễm trùng sinh
dục và tiết niệu, đái tháo đường typ 2.
2. MANG THAI VÀ NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ
2.1. Mang thai
2.1.1. Sự thụ thai
Thụ thai là kết quả của 3 quá trình:
- Thụ tinh: là sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng để tạo thành hợp tử
lưỡng bội. Vị trí thụ tinh thường ở 1/3 ngoài vòi trứng. Khả năng thụ tinh của
tinh trùng cao nhất vào khoảng 12-24 giờ, nhưng có thể kéo dài đến 72 giờ
sau xuất tinh. Khả năng thụ tinh của trứng không quá 24 giờ sau phóng noãn.
Cơ chế xâm nhập vào noãn của tinh trùng là do sự giải phóng các enzym thủy
phân protein ở đầu tinh trùng mà đặc biệt là hyaluronidase. Nhờ các enzym
này mà tinh trùng có thể chọc thủng màng trong suốt của noãn.
- Trứng đã thụ tinh phân chia và di chuyển vào buồng tử cung: sau khi
thụ tinh, trứng mất khoảng 3-4 ngày để di chuyển vào buồng tử cung làm tổ.

192
Trong quá trình di chuyển, trứng thụ tinh được nuôi dưỡng bằng dịch vòi
trứng và thực hiện nhiều giai đoạn của quá trình phân chia.
- Phôi làm tổ trong buồng tử cung: khi vào đến buồng tử cung, trứng
thụ tinh đã trở thành phôi với khoảng 100 tế bào. Phôi ở lại trong buồng tử
cung khoảng 1-3 ngày rồi mới đậu vào niêm mạc tử cung để phát triển thành
thai. Hiện tượng làm tổ bắt đầu bằng sự phát triển các tế bào lá nuôi trên bề
mặt túi phôi, các tế bào này ăn sâu vào nội mạc tử cung và cùng với các tế
bào nội mạc tử cung tăng sinh nhanh để tạo thành nhau thai và các màng thai.
Trong 2 tuần đầu, phôi phát triển nhờ chất dinh dưỡng lấy từ dịch của nội mạc
tử cung, sau đó hệ thống mạch máu bào thai phát triển sẽ cung cấp chất dinh
dưỡng cho thai.
2.1.2. Đáp ứng của cơ thể người mẹ khi mang thai
- Tăng bài tiết hầu hết các hormon, ngoại trừ FSH và LH.
- Phát triển cơ quan sinh dục.
- Tăng lưu lượng tim.
- Tăng thể tích máu.
- Tăng thông khí hô hấp.
- Tăng trọng lượng cơ thể.
- Tăng nhu cầu tiêu thụ các chất dinh dưỡng.
2.1.3. Chức năng của nhau thai
* Trao đổi chất giữa mẹ và thai: cung cấp chất dinh dưỡng cho thai và đào
thải các sản phẩm chuyển hóa của thai.
* Chức năng miễn dịch: Các nguyên bào lá nuôi có tác dụng tạo một hàng
rào miễn dịch giữa mẹ và thai.
* Chức năng nội tiết: bài tiết hormon.
- hCG (human chorionic gonadotropin):
+ Bản chất: glycoprotein, cấy trúc hóa học giống LH.
+ Nguồn gốc: tế bào lá nuôi. hCG xuất hiện trong máu từ ngày thứ 8-9
thai kỳ, nồng độ tăng nhanh và đạt mức tối đa sau 10-12 tuần rồi giảm xuống
ở tuần 16-20 và duy trì đến lúc sinh. hCG xuất hiện trong nước tiểu từ ngày
thứ 14 của thai kỳ.
+ Tác dụng: có tác dụng giống LH, ngăn cản sự thoái hóa của hoàng
thể. Kích thích hoàng thể bài tiết estrogen và progesteron. Đối với bào thai
nam, HCG còn có tác dụng kích thích tế bào Leydig của tinh hoàn bài tiết

193
testosteron.
+ Ứng dụng: chẩn đoán thai sớm, theo dõi điều trị thai trứng và bệnh tế
bào nuôi.
- Estrogen:
+ Bản chất: steroid.
+ Nguồn gốc: hoàng thể, nhau thai. Từ tháng thứ 4 chỉ có nhau thai.
Nồng độ estrogen tăng dần trong thời kỳ mang thai, vào cuối thai kỳ có thể
gấp 30 lần so với bình thường.
+ Tác dụng: phát triển tử cung, phát triển ống tuyến vú và mô đệm,
giãn và mềm thành âm đạo, giãn khớp mu. Estrogen cũng làm tăng sinh các tế
bào mô của thai. Vào cuối thai kỳ, estrogen có tác dụng làm tăng tính nhạy
cảm của cơ tử cung với oxytocin.
- Progesteron:
+ Bản chất: steroid.
+ Nguồn gốc: hoàng thể, nhau thai. Từ tháng thứ 4 chỉ có nhau thai.
Nồng độ progesteron tăng cao trong thời kỳ mang thai.
+ Tác dụng: kích thích các tuyến ở niêm mạc vòi trứng và nội mạc tử
cung bài tiết nhiều niêm dịch và glycogen trong giai đoạn đầu mang thai, ức
chế co bóp tử cung, phát triển thùy và nang tuyến vú. Do vậy, progesteron
được gọi là hormon trợ thai.
- Relaxin:
+ Bản chất: polypeptid.
+ Nguồn gốc: hoàng thể và nhau thai.
+ Tác dụng: làm giãn dây chằng khớp mu và khớp cùng chậu, mềm và
giãn cổ tử cung tạo thuận lợi cho chuyển dạ.
- hCS (human chorionic somatomamotropin):
+ Bản chất: protein.
+ Nguồn gốc: nhau thai bài tiết tăng dần từ tuần thứ 5 của thai kỳ.
+ Tác dụng: có tác dụng tăng trưởng giống GH cho cả mẹ và thai.
2.1.4. Chuyển dạ
Chuyển dạ là quá trình diễn biến của nhiều hiện tượng, quan trọng nhất
là những cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xoá mở dần, kết quả là thai và
nhau được sổ ra ngoài. Nguyên nhân gây cơn cơ tử cung:
- Vai trò của hormon:

194
+ Tương quan giữa estrogen và progesteron: progesteron ức chế co bóp
tử cung trong khi estrogen làm tăng co bóp tử cung. Cả hai hormon đều được
bài tiết nhiều trong thai kỳ, nhưng từ tháng thứ 7, lượng estrogen tiếp tục
được bài tiết tăng trong khi lượng progesteron lại giữ nguyên thậm chí có thể
giảm.
+ Tác dụng của oxytocin: làm co bóp tử cung, hơn nữa estrogen tăng
cao càng làm tăng tính nhậy cảm của cơ tử cung với oxytocin.
- Vai trò của các yếu tố cơ học:
+ Căng cơ tử cung: vào cuối thai kỳ, thai đã rất lớn đồng thời tăng cử
động làm cơ tử cung bị căng đến mức tối đa kích thích làm cơ co tử cung xuất
hiện.
+ Căng cổ tử cung: khi màng ối rách, đầu em bé thúc xuống cổ tử cung
với lực đủ mạnh sẽ kích thích cổ tử cung làm khởi phát một tín hiệu feedback
dương ngược về đáy tử cung làm cơn co ở tử cung ngày càng mạnh.
2.1.5. Hậu sản
Hậu sản là khoảng thời gian 6 tuần sau sinh. Đây là thời gian cơ thể
người mẹ, nhất là cơ quan sinh dục sẽ dần dần trở về trạng thái bình thường
như trước khi có thai, trừ tuyến vú vẫn tiếp tục phát triển để bài tiết sữa.
2.2. Nuôi con bằng sữa mẹ
* Sự phát triển của tuyến vú và bài tiết sữa:
- Sự phát triển của tuyến vú khi có thai:
+ Estrogen làm phát triển hệ thống ống dẫn sữa.
+ Progesteron làm phát triển thùy và nang tuyến sữa.
+ hCS cũng làm phát triển tuyến vú.
- Bài tiết sữa:
+ Prolactin do thùy trước tuyến yên tiết ra có tác dụng tiết sữa vào
trong lòng nang sữa.
+ Oxytocin do thùy sau tuyến yên tiết ra có tác dụng đẩy sữa vào ống
tuyến sữa và bài xuất ra ngoài.
* Các yếu tố ảnh hưởng đến bài tiết sữa:
+ Động tác mút núm vú của trẻ.
+ Các yếu tố tâm lý, cảm xúc, vuốt ve, âu yếm, tiếng khóc của trẻ kích
thích tạo sữa. Căng thẳng kéo dài sẽ ức chế bài xuất sữa.
+ Một số thuốc cũng ảnh hưởng đến sự tạo sữa.

195
+ Rượu, thuốc lá cũng làm giảm bài xuất sữa.
3. CƠ SỞ SINH LÝ CỦA CÁC BIỆN PHÁP TRÁNH THAI
Mang thai là kết quả của 3 quá trình: thụ tinh, trứng thụ tinh phân chia
và di chuyển vào buồng tử cung, trứng làm tổ và phát triển trong buồng tử
cung. Muốn tránh thai phải can thiệp vào một trong ba quá trình trên. Hiện
nay có rất nhiều biện pháp tránh thai, chủ yếu là can thiệp vào sự thụ tinh và
làm tổ.
3.1. Các biện pháp tránh thai tạm thời
- Thuốc tránh thai: có rất nhiều loại
+ Viên thuốc kết hợp gồm estrogen và progesteron: ức chế tuyến yên
bài tiết FSH và LH, do đó ngăn cản phóng noãn.
+ Viên progesteron liều thấp: làm giảm tiết dịch cổ tử cung, ngăn cản
tinh trùng di chuyển vào tử cung. Đồng thời nó cũng làm teo nội mạc tử cung
cản trở quá trình làm tổ.
+ Viên thuốc ngày hôm sau với thành phần chủ yếu là estrogen: gây
phù nề mô đệm, ức chế các tuyến tử cung bài tiết dịch do đó ngăn cản quá
trình làm tổ.
- Dụng cụ tử cung (vòng tránh thai): tạo phản ứng viêm đối với vật lạ
như hấp dẫn bạch cầu đến thực bào và sinh kháng thể, làm tăng có bóp tử
cung do đó ngăn cản trứng đã thụ tinh làm tổ.
- Tránh giao hợp vào ngày có khả năng thụ thai nhiều nhất (phương
pháp Kyusaku Ogino và Hermann Knaus): dựa trên cơ sở hiện tượng phóng
noãn bao giờ cũng xảy ra 12-16 ngày trước kỳ kinh tiếp theo và khả năng thụ
tinh tối đa của noãn là 24 giờ, tinh trùng là 72 giờ. Do đó cần tránh giao hợp
từ ngày thứ 9-17 của chu kỳ kinh nguyệt đối với người có chu kỳ đều 28
ngày.
- Màng ngăn âm đạo, mũ tử cung, thuốc diệt tinh trùng: ngăn tinh trùng
di chuyển qua cổ tử cung.
- Xuất tinh ngoài âm đạo, bao cao su: ngăn tinh trùng vào đường sinh
dục nữ.
3.2. Các biện pháp tránh thai vĩnh viễn (triệt sản)
- Nữ: thắt vòi trừng ngăn cản sự thụ tinh.
- Nam: thắt ống dẫn tinh ngăn cản phóng xuất tinh trùng mặc dù vẫn có
thể phóng tinh được.

196
Câu hỏi lượng giá:
1.Để có một đời sống sinh sản khỏe mạnh, nam giới cần chú ý những vấn đề
gì về lối sống, sinh hoạt hằng ngày.
2. Phân tích tác dụng của estrogen và progesteron để thấy được ý nghĩa của
từng hormon. Hormon nào giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức “làm vợ”,
hormon nào giúp người phụ nữ thực hiện thiên chức “làm mẹ”.
3. Sự thành thục (trưởng thành) c. 21-22.
tinh trùng xảy ra ở: d. 14-28.
a. Ống sinh tinh. 7. Estrogen có các tác dụng sau,
b. Mào tinh. ngoại trừ:
c. Túi tinh. a. Làm phát triển cơ tử cung.
d. Ống dẫn tinh. b. Tăng hoạt động của các tế bào
4. Fibrinogen trong dịch túi tinh có biểu mô lông rung vòi trứng.
vai trò: c. Tăng lắng đọng mỡ dưới da,
a. Dinh dưỡng tinh trùng. giảm cholesterol máu.
b. Đẩy tinh trùng ra khỏi niệu đạo. d. Làm xương chậu phát triển thành
c. Tăng tiếp nhận tinh trùng. hình ống.
d. Giúp tinh trùng di chuyển về 8. Cơ chế sinh lý của thuốc tránh
phía loa vòi trứng. thai dạng vỉ 28 viên là:
5. Cơ chế phóng noãn có liên quan a. Tạo feedback âm lên trục vùng
trực tiếp đến hormon: hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục.
a. FSH. b. Tạo phản ứng miễn dịch ở tử
b. LH. cung ngăn hiện tượng làm tổ.
c. Estrogen. c. Làm giảm khả năng di chuyển
d. Progesteron. của tinh trùng.
6. Tính theo chu kỳ kinh nguyệt, d. Giảm khả năng thụ thai của
hoàng thể phát triển to nhất vào trứng và tinh trùng.
ngày thứ:
a. 7-8.
b. 12-16.

197
ĐÁP ÁN CÂU HỎI LƯỢNG GIÁ

Chương 5 :
4. b 7. a 10.c 13. c
5. a 8. d 11.b
6. b 9. c 12.c
Chương 6 :
4. b 7. c 10. d 13. b
5. d 8. b 11. a
6. c 9. c 12. a
Chương 7 :
4. c 7. d 10.b 13.a
5. b 8. d 11. c
6. d 9. d 12.d
Chương 8 :
4.c 7.d 10.c 13.a
5.b 8.a 11.b 14.d
6.c 9.d 12.b 15.d
Chương 9 :
4.b 7.d 10.d 13.d
5.b 8.d 11.a 14.a
6.a 9.a 12.d 15.c
Chương 10 :
3.b 5.d 7.d
4.c 6.c 8.a

198
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh
(2015), Sinh lý học Y khoa, Nhà xuất bản Y học.
2. Bộ môn Sinh lý học, Trường Đại học Y Hà Nội (2015), Sinh lý học,
Nhà xuất bản Y học.
3. Guyton and Hall (2013), Textbook of Medical Physiology, Elsevier
Saunders.
4. Linda S. Costanzo (2006), Physiology Cases and Problems-Board
Review Series, Lippincott Williams & Wilkins, The Science of
Review'M.
5. William F. Ganong (2014), Review of Medical Physiology, McGraw
Hill.

199

You might also like