You are on page 1of 13

 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 

____________________________________________________________________________________________

Cô Trần Thùy Dương – Cầm bút hướng về phía mặt trời!

Khóa học 2K5 – LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (mục tiêu 9+)


Livestream lúc 21:30 giờ, thứ 3 và 6, hằng tuần

ĐỀ THI THỬ SỐ 14.


I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu sau:
Háo danh là từ có ý nghĩa tiêu cực. Đầu tiên là anh coi trọng danh tiếng trên mức cần
thiết. Thứ hai là anh coi trọng danh tiếng trên mức mà anh có. Có lẽ, háo danh phản ánh cả hai
khía cạnh đó", TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Xét trên nghĩa tích cực, ai cũng có nhu cầu trở thành một người có giá trị, có đóng góp
cho cộng đồng, xã hội. Lập danh là một khát vọng chính đáng nếu khẳng định bằng chính năng
lực của mình và được xã hội công nhận. Ngược lại, cái danh trở thành phương tiện thay vì mục
tiêu, nó trở thành một thứ hàng hóa, từ đó lệch lạc giá trị đích thực.
"Công danh không phải cho cá nhân mà là hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng
mới có giá trị. Giá trị của một doanh nghiệp, một con người, cộng đồng được xác định một cách
chính xác, nhân văn, chứ không phải là đi quảng bá, tuyên truyền rầm rộ. Điều đó không được",
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật trung ương
cho biết.
Hội nghị văn hóa toàn quốc đã xác định giá trị của con người Việt Nam thời kỳ đổi mới,
cần có giá trị cốt lõi là yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ
cương và sáng tạo. Trung thực là một phẩm chất quan trọng. Muốn xây dựng nó phải nhận diện
và thay đổi thói háo danh. Háo danh không kéo theo thói hư tật xấu mà còn khiến cho những
người có năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất y chí phấn đấu. Chúng ta cần
phải xứng đáng với nhưng danh hiệu chúng ta có.
(Trích Háo danh nằm sâu trong nguồn gốc của văn hóa người Việt,
Báo điện tử vtv.vn ngày 06/4/2023).
Ngữ liệu Đọc hiểu trong Đề thi Sở Hải Phòng.
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 1 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Câu 2. Theo đoạn trích, giá trị cốt lõi của con người Việt Nam thời kì đổi mới là gì?
Câu 3. Theo anh/chị, tại sao tác giả cho rằng: thói háo danh trong xã hội khiến cho người có
năng lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu?
Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm: "Công danh không phải cho cá nhân mà là cống
hiến cho tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị"? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viêt một đoạn văn (khoảng 200
chữ) để trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ cần làm gì để lập danh một cách chính đáng?
Câu 2. (5.0 điểm)
Trong Tùy bút “Người lái đò Sông Đà”, nhà văn Nguyễn Tuân đã miêu tả:
Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ. Dòng thác hùm beo đang hồng
hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương
lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo
về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền
lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên,
đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền.
Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc
dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái
thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên
phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ
của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh
mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre
xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được. Thế là hết thác.
(Trích tùy bút Người lái đò sông Đà”, tập Sông Đà, Nguyễn Tuân)
Phân tích vẻ đẹp người lái đò sông Đà trong đoạn trich trên. Từ đó, nhận xét cho ý văn “cuộc
sống của họ là giành sự sống từ tay con thác về tay mình” để làm rõ về quan niệm con người
của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng.

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 2 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM


Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 3.0
1 - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận 0.5
2 - Giá trị cốt lõi của người Việt Nam thời kì đổi mới: yêu nước, đoàn kết, 0.75
tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo.
3 Tác giả cho rằng: “Thói háo danh trong xã hội khiến cho người có năng 1.00
lực thực sự sẽ cảm thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu”, vì:
năng lực thật sự không được tôn trọng, bị lấn át bởi những hành động
của người “háo danh”.
4 Quan điểm: “Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho 0.75
tổ quốc, cho cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị” là bài học nhận
thức sâu sắc về giá trị trong mỗi người. Nếu công danh cho chúng ta
tiếng thơm, nhưng lại không đóng góp được cho cộng đồng, không giúp
đất nước phát triển cũng là danh vị kỉ.
II LÀM VĂN 7.0
1 Đoạn văn về việc tuổi trẻ cần làm để lập danh một cách chính đáng. 2.0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: 0.25
Thí sinh có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân -
hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận 0.25
Việc tuổi trẻ cần làm để lập danh một cách chính đáng
c. Triển khai vấn đề nghị luận: 1.0
Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn
đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ được việc giới trẻ cần
làm để lập danh một cách chính đáng. Có thể theo hướng:
Việc trẻ cần làm để lập danh một cách chính đáng xác định đúng
năng lực và đam mê, hoài bão của bản thân; quyết tâm theo đuổi đến
cùng mục tiêu; luôn nỗ lực, cố gắng kiên trì và bền bỉ; luôn sẵn sàng
giúp đỡ người khác cùng tiến lên; phát huy và tỏa sáng giá trị.
d. Chính tả, ngữ pháp 0.25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo 0.25
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 3 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

2 Phân tích vẻ đẹp người lái đò trong đoạn trích, từ đó làm rõ ý văn 5.0
“cuộc sống của họ là giành sự sống từ tay con thác về tay mình” để
bàn rõ về quan niệm con người của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách
mạng.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0.25
Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái
quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận 0.5
Vẻ đẹp người lái đò sông Đà trong đoạn trích và ý văn “cuộc sống của
họ là giành sự sống từ tay con thác về tay mình”.
c. Triển khai vấn đề thành các luận điểm rõ ràng.
Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các
thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, đảm bảo các
yêu cầu sau:
* Giới thiệu khái quát về nhà văn Nguyễn Tuân và tùy bút “Người lái đò 0.5
sông Đà” và đoạn trích.
Phân tích đoạn trích
- Nội dung: Vẻ đẹp của người lái đò được hiện lên trong lao động hàng 2.0
ngày với công việc vượt thác dữ.
+ Vẻ đẹp cúa ý chí kiên cường, dũng cảm: khi quyết chinh phục con
thác dữ đến cùng “cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như là cưỡi
hổ”.
+ Vẻ đẹp của trí tuệ vượt thác: nhớ từng bờm sóng “nắm chặt lấy được
cái bờm sóng đúng luồng”, khắc sâu từng cửa ải, từng hòn đá, từng món
đòn “ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì sông tránh mà rảo bơi chèo
lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường”…
+ Vẻ đẹp của sự khiêm tốn: hạ gục tướng đá vẫn bình tĩnh vững tay
chèo.
+ Vẻ đẹp của người nghệ sĩ vượt thác dữ, một tay lái ra hoa: thuyền cứ
phóng thẳng, lao như mũi tên tre qua hơi nước; tự động vừa lượn được
vừa lái được.
- Nghệ thuật: Xây dựng nhân vật thành công với hệ thống ngôn từ
phong phú; vận dụng kiến thức liên ngành tô điểm cuộc vượt thác dữ;
am hiểu về địa hình cũng như con người,…
* Đánh giá ý văn “Cuộc sống của họ là giành sự sống từ tay con thác về 0.5
tay mình” để làm rõ quan niệm về con người.
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 4 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

- Ý văn đã khái quát cuộc sống lao động của người lái đò trên vùng
sông nước dữ dội của núi rừng Tây Bắc: vượt lên hoàn cảnh, thắp sáng
tình yêu, xây dựng và kiến thiết Tây Bắc thêm giàu đẹp hơn.
- Quan niệm về con người của Nguyễn Tuân: khám phá vẻ đẹp phi
thường, dữ dội, tạo cảm giác mạnh; tô điểm con người lao động bình
thường nhưng lại phi thường.
d. Chính tả, ngữ pháp 0.25
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.
e. Sáng tạo 0.5
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới
mẻ.
TỔNG ĐIỂM 10.0

BÀI VIẾT THAM KHẢO


I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích là nghị luận

Câu 2. Theo đoạn trích, giá trị cốt lõi của con người Việt Nam trong thời kì đổi mới là: yêu
nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo

Câu 3. Theo tác giả, thói háo danh trong xã hội khiến cho người có năng lực thực sự sẽ cảm
thấy tiêu cực, chán nản và mất ý chí phấn đấu vì năng lực thật sự không được tôn trọng, và
nó bị lấn át bởi những hành động của người “háo danh”.

Câu 4. Quan điểm “Công danh không phải cho cá nhân mà là cống hiến cho tổ quốc, cho
cộng đồng thì danh tiếng mới có giá trị” thực sự là một quan điểm đầy ý nghĩa. Đây bài học
nhận thức sâu sắc về giá trị trong mỗi người. Nếu công danh cho chúng ta tiếng thơm, nhưng
lại không đóng góp được cho cộng đồng, không giúp đất nước phát triển cũng là danh vị kỉ.
Công danh, sự thành công của mỗi người không chỉ là của riêng họ, mà còn là của gia đình,
của quê hương, của Tổ quốc. Bởi để để có được sự thành công đó, ông cha ta đã phải hi sinh
cả máu xương của mình để đổi lấy một cuộc sống bình yên; Tổ quốc ta đã làm mọi thứ để tạo
điều kiện cho mỗi công dân được sinh sống, học tập và làm việc trong môi trường lành mạnh.
Vì vậy, hãy đem công danh ấy, góp vào cho Tổ quốc ta, để bày tỏ sự biết ơn, quý trọng Tổ
quốc thân thương của mình.

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 5 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm). Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viêt một đoạn văn
(khoảng 200 chữ) để trả lời câu hỏi: Tuổi trẻ cần làm gì để lập danh một cách chính đáng?

Frank Tyger từng nói: “Nấc thang thành công không quan tâm ai đang trèo nó”. Đúng
vậy, con người ai cũng có thể đạt sự thành công, một công danh nào đó dù họ là ai, nhưng
đối với tuổi trẻ, ta phải làm gì để lập danh được một cách chính đáng? Trước hết, ta cần hiểu
khái niệm “danh” ở đây được hiểu là công danh, tức ám chỉ tới địa vị xã hội, sự nổi tiếng hay
thành công của một con người. Người có công danh là người đã được được mục tiêu của họ,
giúp họ có tiếng nói, thành công trong cuộc sống. Việc một người lập danh trong sự nghiệp
không còn quá xa lạ, nhưng để có thể trở thành một cách chính đáng, nhất là với người trẻ
thì họ cần làm gì? Trước hết, họ cần xác định đúng năng lực và đam mê, hoài bão của bản
thân của bản thân; biết rõ mình muốn gì và mình cần làm gì để thực hiện hoài bão đó. Đồng
thời, ta cũng cần quyết tâm theo đuổi đến cùng mục tiêu, luôn nỗ lực, cố gắng kiên trì và bền
bỉ trước những công việc mình đặt ra và không bao cho giờ cho phép mình bỏ cuộc. Bên cạnh
đó, hãy luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác cùng tiến lên, cùng phát huy và cùng tỏa sáng giá
trị. Nói đến đây, ta nhớ đến VĐV Phạm Thị Hồng Lệ - người đã giành được tấm huy chương
bạc cho đội tuyển Việt Nam tại môn marathon ở Đại hội SeaGames 32 vừa qua. Trong đường
chạy 42km, chị đã phải thở oxy và chườm đá sau khi kiệt sức trên đường chạy, nhưng rồi 2
ngày sau, người con gái ấy đã giành được huy chương bạc trên đường chạy 10km. Chị đã thực
sự đã “lập danh” một cách chính đáng cho những nỗ lực và cố gắng của mình, “lập danh” khi
mang về sự tự hào, thành công cho Tổ quốc, gia đình. Bên cạnh những tấm gương sáng như
Hồng Lê, trong xã hội vẫn có một số bạn trẻ chưa thực sự có ý thức lập danh bằng chính sức
lực của mình, mà sẵn sằng “lập danh” bằng mọi giá kể cả những việc làm không chính đáng,
ngay thẳng. Điều đó thực sự là một suy nghĩ không thể mang lại sự bền vững hay giá trị lớn,
không duy trì mãi mãi. Là một mầm xanh đang vươn lên để đón những ánh năng mai rực rỡ
và lung linh, tôi đã hiểu và hoạch định cho mình một đường thẳng, đường thẳng của sự tự lực
để chạm đến thành công. Có thể con đường “lập dnah” của mình chưa mang lại những chiếc
lá xanh, nhưng là những lá mầm dày dặn và căng tràn.

(Bài này cô viết tham cấu trúc cơ bản mọi người thường hay viết, không thiên quá về bàn
luận sâu, mà chỉ nằm ở mức đầy đủ các ý).
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 6 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Câu 2. (5.0 điểm). Phân tích vẻ đẹp người lái đò sông Đà trong đoạn trich trên. Từ đó, nhận
xét cho ý văn “cuộc sống của họ là giành sự sống từ tay con thác về tay mình” để làm rõ về
quan niệm con người của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng.

BÀI VIẾT THAM KHẢO

“Tây Bắc ư? Có riêng gì Tây Bắc

Khi lòng ta đã hóa những con tàu

Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát

Tâm hồn ta là Tây Bắc chứ còn đâu?”

(Trích “Tiếng hát con tàu” – Chế Lan Viên)

Mở bài: Hòa chung với không khí sôi nổi của cả nước khi miền Bắc tiến lên xây dựng
Chủ nghĩa xã hội với xu hướng đi đến những vùng cao để khám phá, trải nghiệm và phát triển
kinh tế, nhà văn Nguyễn Tuân đã chọn Tây Bắc làm điểm dừng chân của trái tim và tâm hồn
mình, làm miền đất hứa để viết nên những tuyệt tác đáng ngợi ca, trân trọng cho đến ngày
hôm nay. Và một trong số đó chính là tùy bút “Người lái đò sông Đà”. Với “Người lái đò sông
Đà”, Nguyễn Tuân không chỉ khai thác vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ của một vùng
cực Tây bao la của Tổ quốc mà hơn thế là hướng đến vẻ đẹp sâu kín của tâm hồn người, của
tinh thần lao động toát lên từ trong vất vả, nhọc nhằn. Vẻ đẹp ấy đã được thể hiện sâu sắc
qua hình tượng kì vĩ của ông lái đò trong cảnh vượt thác trên sông, từ đó ta thấy được quan
niệm mới mẻ, sâu sắc về con người của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng.

Đoạn văn giới thiệu tác giả, tác phẩm: Nguyễn Tuân là một trong năm tác gia lớn của
nền văn học Việt Nam hiện đại, tài hoa, uyên bác và có kiến thức sâu rộng trên nhiều lĩnh
vực. Cùng giống như Tô Hoài, Nguyễn Tuân luôn khao khát tìm tòi, trải nghiệm ở những vùng
đất mới để thay đổi thực đơn cho các giác quan mình. Là một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp,
Nguyễn Tuân luôn khám phá thế giới ở phương diện văn hóa, thẩm mĩ và khám phá con người
ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Và nếu như Xuân Diệu xem tình yêu là tôn giáo thì Nguyễn
Tuân xem cái đẹp như tôn giáo của mình. Phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Tuân
được giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh gói gọn trong một chữ “ngông” khác người và hơn người.
Đến với “Người lái đò sông Đà” in trong tập “Sông Đà” được chấp bút năm 1960, Nguyễn Tuân
được ví như “người thợ kim hoàn” đang chạm khắc trên bề mặt ngôn ngữ. Tùy bút “Người lái

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 7 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

đò sông Đà” được trích từ tập “Sông Đà” – là kết quả của chuyến đi gian khổ, hào hứng tới
miền Tây Bắc xa xôi, rộng lớn, không chỉ để thỏa mãn niềm khát khao “xê dịch” mà chủ yếu
để tìm kiếm chất vàng mười của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của con
người lao động bình dị nơi đây.

Phần thân.

Đoạn dẫn dắt vào để phân tích đối tượng cụ thể của đoạn trích: Nói “Người lái đò sông
Đà” mang đến một diện mạo mới mẻ của Nguyễn Tuân sau cách mạng là bởi, trước cách mạng
nhà văn chỉ tìm kiếm vẻ đẹp trong quá khứ nay còn vang bóng một thời ở những người trí
thức Nho học cuối mùa. Sau cách mạng, vẻ đẹp ấy được nhà văn nhìn nhận ở hiện tại, ngay
trong chính cuộc sống lao động và sản xuất của những người lao động bình dị, đời thường.
Đối tượng phản ánh của nhà văn Nguyễn Tuân sau cách mạng còn là vẻ đẹp tuyệt mĩ của
thiên nhiên, của quê hương, đất nước. Và dù trước hay sau cách mạng thì quan niệm của
Nguyễn Tuân về cái đẹp vẫn là sự tuyệt đối, tuyệt mĩ, hoàn hảo, là cái đẹp tác động mạnh mẽ
đến giác quan và sự ham muốn được thưởng thức của con người. Tùy bút “Người lái đò sông
Đà” như là một sự phác họa tuyệt mĩ của hai đường cọ về thiên nhiên và con người chảy song
song trên trang viết, và có thể nói thiên nhiên chính là phông nền làm nổi bật con người, vẻ
đẹp vừa hung bạo vừa trữ tình của sông Đà chính là phông nền tô đậm lên hình tượng ông lái
đò trí dũng, tài hoa nhưng lại vô cùng khiêm tốn, bình dị.

Luận điểm 1. Vẻ đẹp của sự quyết tâm chinh phục con thác đến cùng.

Nhà văn Thạch Lam đã từng nói: “Công việc của nhà văn là phải phát hiện ra cái đẹp ở
chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học
trông nhìn và thưởng thức”, và Nguyễn Tuân đã hoàn thành xuất sắc công việc ấy khi nhìn ra
trong vẻ đẹp hung bạo của sông Đà là sự tài hoa, trí dũng và bản lĩnh của những người lái đò,
nhìn ra trong vẻ đẹp trữ tình là đức tính khiêm tốn, giản dị trong con người họ. Nhà văn đã
tô đậm hình ảnh người lái đò với tinh thần của ý chí kiên cường, quyết chinh phục con thác
đến cùng: “Cưỡi lên thác Sông Đà, phải cưỡi đến cùng như là cưỡi hổ”. Rồi cách vượt “Dòng
thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng
luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh,
mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy”, cũng là cách miêu tả đầy độc đáo qua hành
động để tô đậm đây là một cuộc hành trình gian nan, vất vả chứ không đơn thuần chỉ là việc
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 8 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

chèo thuyền qua sông. Phải là một người có bản lĩnh phi thường, có sự gan dạ, dũng cảm và
mưu trí mới có thể dám đương đầu với “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông
đá”. Phải là một con người yêu nghề, yêu công việc lao động sông nước mới dám mạo hiểm
cả tính mạng để cưỡi thác vượt sông, để chiến đấu với thiên nhiên quanh năm làm mình làm
mẩy trên núi rừng Tây Bắc. Ông lái đò là một người như thế, ông đã thổi hồn vào thác đá và
dường như đã làm chủ mọi cuộc chiến nảy lửa trên sông.

Luận điểm 2. Vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm vượt thác.

Dù cho tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch, không cân xứng giữa thiên nhiên
hung bạo, dữ dội, đầy cạm bẫy với con người nhỏ bé, đơn độc, ông lái đò vẫn không hề sợ hãi,
nao núng mà dùng vẻ đẹp của trí tuệ, tài năng và kinh nghiệm của mình để chinh phục bọn
thủy quái: “Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc
lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa
đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập
đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông
đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Như một vị tướng lĩnh đã trải qua nhiều năm
chinh chiến trên chiến trường, ông lái đò xuất hiện với sự điêu luyện trên mái chèo, ông ghì
cương lái vào đúng luồng sóng và dứt khoát phóng nhanh vào cửa sinh, không một động tác
thừa và không một sự cập rập, lúng túng. Ông hiểu từng thằng thủy quái trên sông, thuộc
dòng sông như thuộc một bản trường ca đến từng dấu chấm, dấu phẩy, bởi vậy mà ông biết
cách đánh vào điểm yếu của chúng, biết cách lèo lái con thuyền ra khỏi các trùng vi thạch
trận một cách nhanh chóng và điêu luyện nhất. Kết quả là “những luồng tử đã bỏ hết lại sau
thuyền, chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng nước luồng sinh”, đó là sự khẳng định bản lĩnh
phi thường và tài năng kiệt xuất của người lái đò trên mặt trận sóng nước. Người lái đò can
trường, dũng cảm, đầy mưu trí nhưng sông Đà cũng không phải là dạng dễ chinh phục, và có
lẽ nếu như sông Đà dễ chinh phục thì nó đã chẳng thể đi được vào trang viết của nhà văn
Nguyễn Tuân. Sự hung bạo, dữ dội của sông Đà là sự hung bạo, dữ dội đến khủng khiếp, nó
không bao giờ chịu khuất phục trước những sự công kích tầm thường. Dù ông lái đò đã phá
tan được trùng vi thạch trận thứ hai nhưng bọn thủy quái trên sông vẫn “không ngớt khiêu
khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất
vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy”.
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 9 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

Luận điểm 3: Vẻ đẹp của một nghệ sĩ vượt thác.

Lại sang trùng vi thạch trận thứ ba, đó là sự thăng hoa của một tay lái ra hoa, một vẻ
đẹp của người nghệ sĩ vượt thác với trùng vây “ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết
cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác”, dường như
người lái đò càng kiên quyết chống trả bao nhiêu thì sông Đà lại càng hung bạo, dữ tợn bấy
nhiêu. Thế nhưng, dù thiên nhiên có lấn át con người bằng lực lượng lớn đến đâu, có chèn ép
con người bằng thứ vũ khí sắc bén, hung hãn như thế nào thì nó vẫn không bao giờ có được
sức mạnh tinh thần của con người, một loại sức mạnh mà ông lái đò luôn biết cách sử dụng
linh hoạt trên mọi mặt trận chiến trường để có thể chinh phục được thác đá. Không hề sợ
hãi, ông lái đò “cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh
mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre
xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được”. Hệ thống động từ
mạnh được đan cài linh hoạt trong từng cử chỉ của ông lái đò đã khiến câu văn như một dòng
ngôn ngữ cuồn cuộn chảy trên trang viết. Các động từ mạnh như “phóng thẳng”, “chọc
thủng”, “vút qua” đến “xuyên nhanh”, tất cả đã làm nên một hình tượng ông lái đò dũng cảm,
dứt khoát, không màng đến hiểm nguy để lao vào thạch trận, để phá tung thach trận và mang
về chiến thắng huy hoàng.

“Thế là hết thác”, kết quả cuối cùng của trận chiến nảy lửa là con người đã chiến thắng
và chinh phục được thiên nhiên, con người đã khẳng định được tinh thần lao động mạnh mẽ,
sẵn sàng vượt lên mọi rào cản, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh của mình. Nguyên
nhân của chiến thắng ngoài sự ngoan cường, lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm vượt qua mọi
thử thách còn có cả sự tài trí, hiểu biết và giàu kinh nghiệm, nắm chắc quy luật thác đá của
ông lái đò. Đọc đoạn văn viết về cảnh vượt thác, bạn đọc chúng ta như đang được xem một
thước phim sinh động, dữ dội, mang không khí trận mạc mà Nguyễn Tuân là người quay phim
lão luyện, tài hoa. Đó vừa là một thước phim hội tụ tài năng của người nghệ sĩ vừa là bài ca
tôn vinh sức mạnh con người trong cuộc chiến đấu chinh phục thiên nhiên.

Chẳng phải tự nhiên mà ông lái đò được nhà văn Nguyễn Tuân nhìn nhận “không chỉ
là người lao động trí dũng tuyệt vời mà còn là một nghệ sĩ thực thụ trong công việc lao động
sông nước của mình, trong nghệ thuật vượt thác leo ghềnh”. Quả thực, bên cạnh bản lĩnh và
trí dũng trên chiến trường, ông lái đò còn mang vẻ đẹp tài hoa trong nghệ thuật chèo đò. Và
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 10 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

có thể nói, phải mang vẻ đẹp tài hoa ấy thì ông lái đò mới có thể bước vào trang văn của
Nguyễn Tuân, bởi văn chương Nguyễn Tuân luôn hướng đến đối tượng là những con người
tài hoa, không chỉ gói gọn thuần túy trong lĩnh vực nghệ thuật mà còn cả những người lao
động bình thường, giản dị những rất đỗi phi phàm. Dù đoạn trích không có nhiều câu văn
miêu tả vẻ đẹp tài hoa này nhưng người đọc vẫn có thể cảm nhận được tư cách nghệ sĩ và sự
lão luyện, tinh tế trong nghệ thuật chèo đò của ông lái. Nhờ sự am hiểu đến tường tận con
sông Đà mà ông lái đò mới có thể có được những động tác thuần thục, uyển chuyển đến như
thế, mới có thể đạt đến trình độ “nghệ nhân” cùng tay lái ra hoa đã biến việc vượt thác trở
thành một màn biểu diễn nghệ thuật hoàn hảo. Con thuyền của ông lái đò như một đường co
tuyệt mĩ trên bức tranh sông nước bao la, hùng vĩ, và ngòi bút của Nguyễn Tuân cũng như
một đường cọ tuyệt mĩ trên nền văn học hiện đại Việt Nam khi đưa vào hình tượng thiên
nhiên và con người Tây Bắc hùng vĩ, luôn mang tinh thần nhiệt huyết, hang say lao động trong
thời kì đổi mới, đồng thời là tinh thần nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện trong nghệ thuật chèo đò.

Xử lý yêu cầu phụ: Nhận xét cho ý văn “cuộc sống của họ là giành sự sống từ tay con thác về
tay mình” để làm rõ về quan niệm con người của nhà văn Nguyễn Tuân sau Cách mạng.

Vẻ đẹp của người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác vừa có sự mưu trí, bản lĩnh, vừa
mang màu sắc tài hoa, điêu luyện và không thể thiếu cả sự khiêm tốn, giản dị, đời thường. Đó
là vẻ đẹp của người anh hùng trong thời bình mà nhà văn Nguyễn Tuân muốn khắc họa, vẻ
đẹp của “chất vàng mười đã qua thử lửa” của những trái tim Tây Bắc, của những tinh thần Tây
Bắc miệt mài và nhiệt huyết trong lao động, trong cuộc sống. Đây cũng chính là một quan
điểm mới mẻ của nhà văn Nguyên Tuân về hình tượng người anh hùng mà ta đã biết đến bấy
lâu. Anh hùng không chỉ có trong thời chiến, không chỉ là những người cầm thương múa kiếm
trên chiến trường mà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, anh hùng còn là những người
lao động bình thường, giản dị đang ngày đêm góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Và vẻ đẹp của những người anh hùng ấy đã được cả thời kì ca ngợi chứ không
phải chỉ riêng mình nhà văn Nguyễn Tuân. Đó là vẻ đẹp đến từ tinh thần “giành sự sống từ
tay con thác về tay mình”. Họ sống, gắn bó với sông Đà dữ dội với khao khát lên hoàn cảnh,
thắp sáng tình yêu, xây dựng và kiến thiết Tây Bắc thêm giàu đẹp hơn.

Chính vì thế, qua hình tượng người lái đò trong cảnh vượt thác, quan niệm mới mẻ về
con người ta thấy được ở nhà văn Nguyễn Tuân còn là sự đổi thay so với chính mình trước
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 11 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

cách mạng. Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân bao giờ cũng là sự khám phá thế giới ở
phương diện văn hóa, thẩm mĩ và khám phá con người ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ, bởi vậy
mà nhân vật trong văn Nguyễn Tuân lúc nào cũng phải mang vẻ đẹp tài hoa, nghệ sĩ, như
Huấn Cao với tài viết chữ đẹp, ông lái đò với tài chèo đò vượt thác. Nhưng nếu như Huấn Cao
trước cách mạng là nhân vật đại diện cho những nhà Nho cuối mùa bất bình với thời cuộc,
mang vẻ đẹp của một thời vang bóng thì sau cách mạng, ông lái đò lại xuất hiện với vẻ đẹp
của thực tại, ngay trong cuộc sống bình dị, đời thường, đồng thời là vẻ đẹp của tương lai,
hướng tới sự phát triển phồn thịnh của đất nước sau chiến tranh. Từ đó, tác giả muốn lên án,
tố cáo chế độ cũ, đồng thời khẳng định được chất nhân văn của chế độ mới ngày nay. Là một
nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, đặc biệt với con người là cái đẹp toát ra từ tài năng, nhân
cách, ngoài sự tài hoa, trí dũng, Nguyễn Tuân còn muốn ngợi ca ở người lái đò là sự khiêm
tốn, giản dị, là tinh thần lạc quan, yêu đời và hang say lao động ngấm sâu vào mồ hôi, nước
mắt. Con người trong văn Nguyễn Tuân luôn mang một hơi thở khác biệt, một hơi thở rất đỗi
độc đáo, mới mẻ và mang đậm phong cách “ngông” của một nhà luyện đan ngôn ngữ.

Đoạn đánh giá nghệ thuật: Và để có thể khắc họa được vẻ đẹp kì vĩ, phi thường của
người lái đò cũng như quan điểm mới mẻ về con người trong tác phẩm, nhà văn Nguyễn Tuân
đã khéo léo tạo ra tình huống thử thách trong ba trùng vi thạch trận để buộc nhân vật phải
tự bộc lộ bản chất, tự bộc lộ sự mưu trí, dũng cảm, can trường trước bao nhiêu hiểm trở, bất
trắc. Cách xây dựng nhân vật điển hình khi không cho ông lái đò một danh tính cụ thể đã
giúp nhà văn thể hiện được trọn vẹn nhất tư tưởng muốn gửi gắm. Có rất nhiều những người
lái đò đang ngày đêm hết mình chiến đấu như thế, có rất nhiều ông lái đò đang ngày đêm
hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thầm lặng, giản dị như thế chứ không riêng gì một con
người nào cụ thể. Nhà văn trân trọng và ngợi ca tất cả, song cũng muốn bạn đọc phải cảm
phục trước một thế hệ đã hăng say lao động hết mình trong thời kì đổi mới ở vùng núi cao
Tây Bắc. Thêm vào đó, ngôn ngữ đa dạng, giàu tính biểu tượng với sự kết hợp của tất cả các
giác quan đi cùng nhịp điệu nhanh, mạnh, gấp gáp đã đem đến cho bạn đọc một thước phim
chân thực về cuộc chiến dù không cân sức những cái điều đáng ca ngợi nhất chính là khí thế,
là tinh thần không khuất phục của cả con người và thiên nhiên.

Kết bài: Nếu như cuộc chiến đấu nảy lửa với sông Đà làm nổi bật lên vẻ đẹp kì vĩ của
người lái đò thì chính vẻ đẹp kì vĩ ấy lại làm nổi bật lên quan điểm về con người mới mẻ của
____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 12 | Lưu hành nội bộ 
 Tài liệu khóa học 2K5 – KHÓA LUYỆN ĐỀ CHUYÊN SÂU (Cô Trần Thùy Dương) 
____________________________________________________________________________________________

ngòi bút Nguyễn Tuân. Vẻ đẹp của người lái đò là đại diện cho hàng nghìn tinh thần lao động
ở miền núi cao Tây Bắc, sự dũng cảm, tài hoa, phi thường của người lái đò là đại diện cho một
thế hệ anh hùng giữa thời bình dù vất vả, hiểm nguy vẫn sẵn sàng chiến đấu hết mình cho
công cuộc xây dựng đất nước. Chính sự sáng tạo độc đáo, mới mẻ cùng quan điểm về con
người tiến bộ ấy đã giúp cho ngòi bút Nguyễn Tuân nói riêng và cả tác phẩm “Người lái đò
sông Đà” nói chung sống mãi trước sự sàng lọc khắt nghiệt của thời gian, trước sự kén chọn
của bạn đọc bao đời.

____________________________________________________________________________________________

 Chinh phục mục tiêu 9+ cùng Cô Trần Thùy Dương | Trang 13 | Lưu hành nội bộ 

You might also like