You are on page 1of 2

Về kinh tế

Nông nghiệp: Công cụ bằng sắt ngày càng phổ biến thay thế công cụ sản xuất bằng
đồng. Kỹ thuật cày bừa bằng trâu bò, kết hợp với việc sử dụng những công cụ lao
động bằng sắt đã khiến công tác nông nghiệp ở Giao Châu năng suất và có hiệu quả
hơn nhiều, nhờ thế mà diện tích đất trồng trọt được mở rộng dần, các công trình thuỷ
lợi có điều kiện phát triển.
Trong thời kỳ Bắc thuộc, mặc dù chính quyền đô hộ nắm độc quyền về sắt, kiểm soát
chặt chẽ việc khai thác, chế tạo và mua bán đồ sắt, nhưng nhân dân ta vẫn rèn đúc, chế
tạo được nhiều công cụ bằng sắt phục vụ cho nhu cầu sản xuất và cuộc sống. Đồ sắt
được sử dụng ngày càng nhiều vào sản xuất, lấn dần các nông cụ bằng đồng, mặc dù
công nghệ đúc đồng vẫn tiếp tục tồn tại và giữ một vị trí nhất định trong việc chế tạo
đồ dùng trong sinh hoạt. Việc nhà Hán đặt chức Thiết quan (trông coi việc về kim khí
như khai thác hoặc chế tạo các công cụ đồng, sắt) đã chứng tỏ từ đầu Công nguyên trở
về sau, cư dân Việt cổ đã bước vào thời đại đồ sắt phát triển.
Dọc những con sông lớn như sông Hồng, sông Mã đã có đê phòng lụt. Nhiều kênh,
ngòi, mương, máng được đào thêm hay nạo vét hàng năm. Biện pháp dùng các loại
phân để bón ruộng được thực hiện trong nông nghiệp.
Tất cả những biện pháp kỹ thuật nói trên được đưa vào sản xuất nông nghiệp đã góp
phần rất quan trọng vào việc tăng năng suất lúa. Ngoài trồng lúa, bấy giờ người dân
Giao Châu còn biết trồng các loại cây có bột như khoai, củ từ, sắn, củ mài... để bổ
sung nguồn lương thực. Các loại rau được trồng ở thời kỳ này là rau muống, hành,
gừng. Các loại quả như chuối, vải, nhãn, cam, quýt, lựu, dừa, thanh yên... đều đã từng
được đưa vào danh sách đồ tiến cống cho triều đình phương Bắc.

Trong thời kỳ này người ta đã biết chăn nuôi trâu bò để giải quyết vấn đề sức kéo, các
gia súc nhỏ như chó lợn, gà vịt đã được nuôi phổ biến.
Mặc dù nền kinh tế nông nghiệp có bước chuyển biến rõ rệt, nhưng do chính sách bóc
lột nặng nề, vơ vét triệt để của chính quyền đô hộ và bộ máy quan lại ngoại tộc đông
đảo đã làm cho đời sống nhân dân dưới thời Bắc thuộc hết sức khốn đốn.

Thủ công nghiệp: giai đoạn này là giai đoạn những ngành nghề thủ công đã có những
bước tiến dài. Nhà Hán đặt ra Công quan (trông coi các công việc về thủ công
nghiệp).Thời kỳ này nghề đúc đồng vẫn tiếp tục phát triển tuy nhiên những sản phẩm
thời kỳ này không còn được tinh xảo như trước. Chủ yếu chế tạo ra các đồ dùng trong
gia đình như chậu, ấm, chén, đồ trang sức... Kỹ thuật rèn sắt phát triển hơn trước công
nguyên. Công cụ bằng sắt có nhiều loại đa dạng như rìu, mai, cuốc, dao, vũ khí, đèn,
đinh và một số đồ dùng trong sinh hoạt gia đình. Nghề làm đồ gốm phát triển mạnh,
kỹ thuật làm đồ gốm được nâng lên nhờ những kinh nghiệm cổ truyền cùng sự tiếp thu
kinh nghiệm của người Trung Quốc. Trên các đồ gốm có hoa văn, đã xuất hiện một số
dụng cụ là đồ sành tráng men, hoặc nửa sành, nửa sứ.. Nghề dệt vải, lụa, là những
nghề thủ công gia đình phổ biến ở nhiều địa phương; các nghề mộc, đan lát, xây dựng
nhà cửa cũng có bước phát triển đáng kể.Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong
nhân dân cũng được đẩy mạnh, nhiều kiểu, loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc
được gia công tinh tế (vòng tay, nhẫn, trâm, lược, hoa tai v.v...) chủ yếu nhằm phục vụ
cho nhu cầu của tầng lớp thống trị và quý tộc.
- Về thương nghiệp: Sự chuyển biến trong nền kinh tế (nông nghiệp và thủ công
nghiệp) là nền tảng quan trọng thúc đẩy thương nghiệp phát triển hơn trước. Điều cần
thiết để phát triển thương nghiệp đó là phát triển hệ thống giao thông, cùng với đó là
nhu cầu của việc vận chuyển vật cống, thuế khoá thu được ở nước ta về Trung Quốc
cũng đã thúc đẩy chính quyền đô hộ chăm lo đến việc sửa chữa, xây đắp đường sá,
dẫn đến sự thông thương giữa các quận trong nước và giữa nước ta với Trung Quốc.
việc giao thông và buôn bán giữa Giao Chỉ và các miền nội địa của Trung Quốc được
thực hiện chủ yếu bằng đường biển và đường bộ ven biển, ven sông ở vùng Đông Bắc.
Các lái buôn Trung Quốc mang đến Giao Châu các loại hàng hóa như vũ khí, gương
đồng, bình đồng, đồ gốm sứ, đồ trang sức.. họ mua về các loại lâm thổ sản, các loại
hương liệu, các loại ngọc, châu, sừng tê, ngà voi. Thư tịch Trung Quốc còn ghi nhận
rằng các nước phương Nam và phương Tây (Trung Quốc) muốn giao thiệp với Trung
Quốc “đều phải đi theo con đường Giao Chỉ”. Tức là từ các sứ giả làm nhiệm vụ ngoại
giao hay các thương nhân ở Diệp Điều (Giava), Thiện (Miến Điện), Thiên Trúc (Ấn
Độ)... đều phải dừng chân tại Giao Châu trước khi đến Trung Quốc vì Giao Châu có
các cảng biển sâu kín gió, thuận lợi cho việc tiếp tế nước ngọt và neo đậu thuyền bè.
Giao Châu lại là nơi có nhiều đặc sản phương Nam quý hiếm như ngọc trai, sừng tê,
ngà voi, trầm hương... là những mặt hàng hấp dẫn các thương nhân ngoại quốc. Tuy
các nguồn buôn bán chính trong và ngoài nước ở thời kỳ này đều bị lũng đoạn bởi các
lái buôn Trung Quốc, nhưng sự phát triển của thương nghiệp trong thời kỳ này đã có
tác dụng kích thích sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp ở Giao Châu.

You might also like