You are on page 1of 16

MỤC TIÊU MÔN HỌC

Sau khi hoàn thành môn học, sinh viên có thể:


1. Trình bày được tầm quan trọng và mối liên quan mật thiết giữa khoa học hành vi
và sức khỏe
2. Có khả năng phân tích các yếu tố tác động đến hành vi sức khỏe
3. Liệt kê được các nguyên tắc Y đức và quy tắc ứng xử trong ngành Y.

1
ĐẠI CƯƠNG VỀ KHOA HỌC HÀNH VI &
HÀNH VI SỨC KHỎE
BS, ThS Trương Trọng Hoàng
MỤC TIÊU
Sau khi học, sinh viên có thể:
1. Trình bày được tầm quan trọng của khoa học hành vi đối với chăm sóc sức khỏe
2. Trình bày được các khái niệm hành vi, nhân cách, tiến trình xã hội hóa, hành vi sức
khỏe
3. Phân tích được sự cần thiết của cái nhìn toàn diện về các yếu tố ảnh hưởng đến
hành vi sức khỏe.
1. SỨC KHỎE VÀ KHOA HỌC HÀNH VI
Để người dân có được sức khỏe rất cần có hoạt động giáo dục sức khỏe (GDSK) là
một hoạt động hết sức quan trọng nhằm không chỉ cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng
mà còn giúp khơi dậy ý thức tự lực, tự quyết của cộng đồng. Có thể nói GDSK là một hoạt
động cốt lõi trong một chương trình Chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), là đầu tàu
cho các hoạt động chăm sóc khác đi tiếp sau. Khoa học hành vi (KHHV), với tư cách là hệ
thống các môn khoa học nghiên cứu để hiểu, dự đoán và kiểm soát hành vi người, đóng
một vai trò nền tảng cho GDSK bên cạnh các khoa học sinh học, y học, truyền thông, giáo
dục.
Mặc dù công tác GDSK đã được thực hiện từ rất lâu nhằm giúp cho người dân có
được những hành vi, thói quen tốt có lợi cho sức khỏe cũng như dự phòng dịch bệnh, việc
nghiên cứu một cách khoa học về hành vi và các phương pháp GDSK hiệu quả chỉ mới
được thực hiện từ hơn 40 năm trở lại đây. Tuy thời gian chưa dài nhưng những đóng góp từ
nghiên cứu của các nhà khoa học thế giới trong lãnh vực này đã góp phần hình thành một
ngành khoa học mới, một chuyên khoa mới, đó là Khoa học Hành vi và Giáo dục Sức
khỏe. Hành vi của con người trong đó có hành vi sức khỏe là một hoạt động hết sức phức
tạp chịu ảnh hưởng không chỉ bởi yếu tố sinh học mà còn bởi các yếu tố tâm lý, kinh tế,
văn hóa, xã hội. GDSK, là một hoạt động nhằm thay đổi hành vi, cũng hết sức đa dạng và
tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, từng nhóm đối tượng riêng biệt.
Nói một cách vắn tắt Khoa học hành vi là hệ thống các lý thuyết thuộc các môn
khoa học xã hội Tâm lý học, Xã hội học, Nhân chủng học nhằm cố gắng giải thích,
kiểm soát và dự đoán hành vi người trong đó Khoa học Xã hội là những môn khoa học
nghiên cứu về những hiện tượng trong đời sống xã hội của con người. Khác với khoa học
tự nhiên nghiên cứu về các hiện tượng tự nhiên tương đối hằng định, con người trong xã
hội rất đa dạng với nhiều yếu tố chi phối rất phức tạp. Ví dụ nước dù ở đâu vẫn là H2O,
nhưng con người thì người thích màu xanh, người thích màu đỏ v.v... Cho nên trong khoa
học xã học không có những định luật phổ quát (universal laws) đúng trong mọi trường hợp
như trong khoa học tự nhiên.
2. XÃ HỘI HÓA
2.1. Hành vi
Con người không phải là những cá nhân sống hoàn toàn tách biệt, trái lại sống thành
tập thể, thành xã hội. Do đó con người trong xã hội có những mối liên hệ và những hành vi
ứng xử với những người xung quanh. Hành vi (behavior) là cách ứng xử của mỗi người
trước một lời nói, một cử chỉ, một hành động hoặc một sự kiện nào đó. Hành vi bao
gồm nhiều dạng:

2
- Có thể biểu hiện ra bên ngoài (overt behavior) hoặc ẩn ở bên trong (covert
behavior)
- Có thể tự ý (voluntary) hoặc vô ý (involuntary).
2.2. Nhân cách
- Theo tự điển Merriam-Webster’s nhân cách là tổng hợp những đặc trưng về mặt
hành vi và cảm xúc của một người cụ thể. (The totality of an individual's
behavioral and emotional characteristics.)
- Có một định nghĩa khác nói đến 4 yếu tố ABCD được đề cập trong bài viết của 2
tác giả William Revelle & Klaus R. Scherer theo đó nhân cách là khuôn mẫu nhất
quán qua thời gian và không gian về cảm xúc, hành vi, nhận thức và ham muốn
(mục đích). (Personality is the coherent patterning of Affect, Behavior, Cognition,
and Desires (goals) over time and space.)
2.3. Xã hội hóa
Nhân cách không phải tự nhiên mà có trái lại là kết quả của một quá trình tương tác
giữa cá nhân với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội diễn ra từ lúc mới sinh. Quá
trình này còn được gọi là quá trình xã hội hóa. Một số định nghĩa của các tác giả trình
bày sau đây giúp ta hiểu rõ hơn về nó:
- Xã hội hóa là một quá trình diễn ra suốt đời người, qua đó cá nhân phát triển
những tiềm năng về nhân tính của mình và học tập các khuôn mẫu văn hóa (Macionis).
- Xã hội hóa là một quá trình qua đó người ta tiếp thu những tín ngưỡng, thái độ,
giá trị, phong tục của nền văn hóa của họ. Đồng thời qua quá trình này mỗi cá nhân phát
triển một nhân cách đặc biệt vì mỗi người tiếp thu theo đặc tính riêng của mình (Glynn).
(Cần phân biệt khái niệm xã hội hóa ở đây với từ “xã hội hóa” mà ta thường thấy
trong đời sống có nghĩa là lôi cuốn mọi người trong xã hội tham gia hay vận động xã hội
(social mobilization). Xã hội hóa ở đây liên quan đến nhân cách, đến hành vi.)
Nói một cách đơn giản có 2 yếu tố khiến cho một người này có nhân cách khác với
người khác đó là yếu tố bên trong và yếu tố bên ngoài.
- Yếu tố bên trong bao gồm tình trạng thể chất, loại hình thần kinh, cơ địa v.v…
- Yếu tố bên ngoài bao gồm giáo dục, tác động của môi trường, thông tin v.v…
trong đó người ta học lấy các chuẩn mực ứng xử thông qua bắt chước, được giáo
dục hoặc khơi gợi…
Quá trình xã hội hóa chịu ảnh hưởng nhiều bởi môi trường văn hóa. Nhiều
chuẩn mực, giá trị văn hóa theo thời gian được nhập tâm/nội tâm hóa (internalization)
thành những chuẩn mực, giá trị riêng của bản thân. Tuy nhiên ngoài những điểm chung với
môi trường văn hóa, do những kinh nghiệm cũng như do những suy nghĩ, tư duy riêng mà
những chuẩn mực, giá trị này cũng mang những sắc thái riêng.
Một đặc điểm đó là quá trình xã hội hóa không diễn ra đồng đều ở các lứa tuổi
mà đặc biệt diễn ra mạnh mẻ ở tuổi trẻ. Càng lớn tuổi, thần kinh kém linh hoạt, con
người càng khó tiếp thu những chuẩn mực, giá trị mới.
Khi có sự thay đổi môi trường sống đột ngột (di dân) hoặc sự tiếp xúc đột ngột với
một nhóm có những chuẩn mực văn hóa khác xa có thể xảy ra hiện tượng “sốc văn hóa”
(cultural shock) tức là hiện tượng cá nhân không dung nạp được những chuẩn mực, giá trị
văn hóa quá khác biệt.
Ngoài quá trình xã hội hóa chung, người ta còn đề cập đến quá trình xã hội hóa nghề

3
nghiệp trong đó cá nhân học tập các cách nghĩ cũng như cách làm (khuôn mẫu suy nghĩ và
ứng xử) đặc thù riêng của ngành nghề. Tập hợp tất cả những khuôn mẫu này trong nhóm
nghề nghiệp nào đó tạo thành một tiểu văn hóa nghề nghiệp đặc thù.
2.4. Những đặc điểm nhân cách một thầy thuốc cần có
- Có ước muốn phục vụ bệnh nhân
- Có động lực tự thân
- Có thể sống sót với áp lực và những giờ học tập và làm việc kéo dài
- Thái độ lâm sàng tốt
- Ổn định về cảm xúc
- Khả năng quyết định trong trường hợp cấp cứu
- Mong muốn học tập lâu dài suốt cả cuộc đời y nghiệp của mình.
3. SỨC KHỎE VÀ HÀNH VI
Trong thực tế, có thể nhận thấy nhiều vấn đề sức khỏe có nguồn gốc từ hành vi và
ngược lại sức khỏe tốt phát xuất từ các hành vi tốt. Nói một cách khác giữa hành vi và sức
khỏe có mối liên hệ rất mật thiết.
Có nhiều cách phân loại hành vi liên quan đến sức khỏe. Tương ứng với các giai
đoạn trong tiến trình bệnh, có thể phân loại các hành vi của con người như sau (Kasl &
Cobb):
3.1. Phân loại dựa trên mốc là bệnh
● Hành vi sức khỏe (Health behavior) đề cập đến các hành vi được thực hiện nhằm nâng
cao sức khỏe hoặc phòng ngừa bệnh nói chung. Ví dụ: tập thể dục, giữ gìn vệ sinh cá
nhân, ăn uống điều độ đủ chất, chủng ngừa...
● Hành vi khi lâm bệnh (Illness behavior) đề cập đến các hành vi mà người bệnh thực
hiện để xác định bệnh khi cảm thấy mình lâm bệnh. Ví dụ: hỏi thăm người thân, đi
khám bệnh...
● Hành vi vai trò bệnh nhân (Sick-role behavior) đề cập đến các hành vi thực hiện
nhằm để khỏi bệnh. Ví dụ: nghỉ ngơi, uống thuốc theo yêu cầu của người điều trị...
2 và 3 còn được gọi chung là Hành vi tìm kiếm sức khỏe (Health seeking behavior).
Dựa trên mô hình giải thích khác nhau và cảm nhận về bệnh của riêng mình, mỗi cá nhân
sẽ quyết định cách chăm sóc nào và hệ thống chăm sóc sức khỏe nào thích hợp để tiếp cận.
Thông thường bước đầu có thể là tự chăm sóc hoặc nhờ sự giúp đỡ của người thân. Sau đó
có thể là đến hệ thống y tế công hoặc tư, đông y hoặc các thầy lang vườn v.v... Việc tìm
đến ai và lúc nào để nhận được sự chăm sóc sức khỏe trong từng trường hợp bệnh khác
nhau chịu ảnh hưởng lớn bởi văn hóa. Ví dụ: người bị bệnh lây qua quan hệ tính dục, hoặc
nạo phá thai có thể vì sợ sự bêu xấu của những người xung quanh mà tìm đến những nơi
không chính thống có thể dẫn đến tai biến mà họ không ngờ tới.
3.2. Phân loại dựa trên kết quả của hành vi về mặt sức khỏe
● Hành vi có lợi cho sức khỏe: tập thể dục, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn uống điều độ đủ
chất, chủng ngừa, đi khám bệnh ở cơ sở y tế điều trị đúng cách, uống thuốc đủ, đều...
● Hành vi có hại cho sức khỏe: hút thuốc lá, bỏ trị giữa chừng...
● Hành vi không lợi không hại: quăng răng sữa lên mái nhà...
● Đối với Hành vi không lợi không hại thì không nhất thiết phải thay đổi bằng mọi giá vì
theo thời gian các hành vi này cũng dần dần mất đi.

4
3.3. Phân loại dựa vào tiềm năng gây ra hậu quả
- Hành vi an toàn: hành vi không gây hại cho bản thân và/hoặc người khác. Ví dụ:
Dừng lại đúng vạch sơn quy định khi đèn đỏ và khi có đèn xanh báo hiệu mới đi.
- Hành vi nguy cơ: hành vi có tiềm năng gây hại cho bản thân và/hoặc người khác.
Ví dụ: Khi đèn vàng vẫn còn cố chạy qua.
- Hành vi nguy cơ cao: hành vi có tiềm năng gây hại cho bản thân và/hoặc người
khác rất lớn. Ví dụ: Thấy đèn báo hiệu màu đỏ vẫn cứ phóng qua.
4. CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI
Hành vi của con người chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố và được nghiên cứu bởi
các ngành khoa học xã hội khác nhau bằng những cách tiếp cận đặc thù của từng khoa học
dưới nhiều nhãn quan (perspectives) khác nhau.
Một ví dụ cụ thể minh họa đó là Hành vi theo đuổi điều trị. WHO đã đúc kết 5 nhóm
yếu tố ảnh hưởng:
- Yếu tố kinh tế-xã hội
- Yếu tố hệ thống chăm sóc sức khỏe
- Yếu tố liên quan đến tình trạng bệnh
- Yếu tố liên quan đến điều trị
- Yếu tố liên quan đến bệnh nhân.
Việc xem xét, lý giải các vấn đề sức khỏe từ nhiều góc độ (tâm lý học, xã hội học,
nhân chủng học văn hóa, kinh tế học) giúp người thầy thuốc nhận thức được rõ hơn các
yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe từ đó có những biện pháp can thiệp hữu hiệu hơn
để thay đổi hành vi giúp cải thiện những vấn đề sức khỏe liên quan đến hành vi con người.
Cái nhìn toàn diện (holistic view) hay cái nhìn mắt chim (bird-eye view) là điều quan
trọng mà các chương trình sức khỏe hiện nay trên thế giới cố gắng đạt tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Đại học Fordham Hoa Kỳ. Hành vi con người và môi trường xã hội. Tài liệu
khóa tập huấn 07-18/07/1997.
- Joe Ragusa. What personality are required for a medical doctor? Tải về ngày
29/9/2017 từ
http://www.answers.com/Q/What_personality_are_required_for_a_medical_doctor
- Trương Quang Tiến. Hành vi sức khỏe và các yếu tố ảnh hưởng. Bài giảng.
- William Revelle & Klaus R. Scherer. Personality and Emotion. Oxford
Companion to Emotion and the Affective Sciences, David Sander & Klaus R.
Scherer (eds.). Oxford University Press, pp. 304—306, 2009.

5
HÀNH VI SỨC KHỎE DƯỚI GÓC ĐỘ VĂN HÓA
BS, ThS Trương Trọng Hoàng
MỤC TIÊU HỌC TẬP
Sau khi hoàn thành bài học, sinh viên có thể:
1. Trình bày được các khái niệm và quan điểm cơ bản về văn hóa
2. Trình bày được những cách thức ảnh hưởng của văn hóa lên hành vi sức khỏe
3. Ứng dụng vào việc phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi sức khỏe.

1. VĂN HÓA
Cho đến nay đã có hàng trăm định nghĩa về văn hóa. Định nghĩa sớm nhất về văn
hóa được ghi nhận của E.B.Tylor (1871): “Phức hợp tổng thể bao gồm kiến thức, niềm
tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán và tất cả những khả năng, thói quen
khác mà con người thu nhận được với vị trí là thành viên của xã hội”.
Ngoài ra theo nghĩa rộng, Văn hóa là “Phần môi trường do con người tạo ra”
(Herskovits, 1955) bao gồm những cái nhìn thấy được (materials) như tư liệu sản xuất, vật
dụng, kiến trúc, y phục, tác phẩm nghệ thuật... và những cái không nhìn thấy được
(non-materials) như phong tục tập quán, ý thức hệ, tín ngưỡng... Theo nghĩa hẹp, Văn hóa
là “hệ thống những ý tưởng, quan niệm, quy tắc và ý nghĩa thể hiện qua cách con
người sống (hành vi)” (Keesing, 1981).
Văn hóa được coi như là sản phẩm của quá trình thích nghi của con người với
môi trường sống bao gồm cả môi trường tự nhiên và xã hội. Ví dụ nhà sàn để thích nghi
với vùng nhiều muỗi, thứ dữ. Sữa bột, fast food để thích nghi với cuộc sống bận rộn của
thành thị. Cũng từ đó mà văn hóa không phải là bất biến, trái lại có thể thay đổi theo thời
gian. Động lực của sự thay đổi có thể là do những sự đổi mới (innovations) hoặc phát
minh (inventions) hoặc là kết quả của sự khuếch tán (diffusion) của các nền văn hóa khác.
Hai quan điểm về văn hóa:
- Chủng tộc trung tâm (Ethnocentrism): quan niệm xem nền văn hóa của mình là
trung tâm, cao hơn, văn minh hơn những nền văn hóa khác
- Tương đối Văn hóa (Cultural Relativism): quan niệm tất cả các nền văn hóa đều
có giá trị tương đối, thích hợp với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội này nhưng không chắc thích
hợp với hoàn cảnh tự nhiên, xã hội khác. Không có nền văn hóa nào là cao hơn nền văn
hóa nào.
2. NHỮNG YẾU TỐ VĂN HÓA ẢNH HƯỞNG ĐẾN HÀNH VI SỨC
KHỎE
2.1. Nhận thức văn hóa về cơ thể và sức khỏe-bệnh tật (ill-health)
Liên quan đến cơ thể người và sức khỏe, có thể tạm phân chia những nhận thức và
niềm tin thành các nhóm:

2.1.1. Nhận thức và niềm tin về hình dáng bên ngoài


Con người trong các nhóm người khác nhau (dân tộc, phái tính, tuổi tác, tầng lớp xã
hội...) có những nhận thức, niềm tin từ đó dẫn tới cách đánh giá và hành vi ứng xử khác
nhau. Ví dụ có những nhóm người vào một thời kỳ nào đó cho rằng phụ nữ ốm là đẹp từ đó
dẫn đến ăn kiêng và thậm chí bệnh chán ăn tâm thần. Một cái sẹo ở mặt ỡ phụ nữ quan
6
trọng hơn nhiều so với nam giới do đó có thể dẫn đến nhiều bất ổn về tâm lý và hành vi
hơn ở nữ hơn ở nam.

2.1.2. Nhận thức và niềm tin về cấu trúc bên trong của cơ thể
Đối với bí mật về cấu trúc bên trong của cơ thể, con nguời trong các nhóm người
khác nhau thậm chí mỗi cá nhân có thể có những nhận thức và niềm tin khác nhau. Có
quan niệm của y sinh học phương tây, có quan niệm của y học phương đông, cũng có
những lý giải đơn giản hơn như quan niệm các cơ quan trong cơ thể là những phần tử nối
với nhau bằng những ống dẫn. Những quan niệm này có thể dẫn đến những hành vi như
người bị tràn nước (dịch) màng phổi không dám uống nước vì sợ nước sẽ chảy qua làm
tràn dịch nhiều hơn, thực tế không phải vậy.

2.1.3. Nhận thức và niềm tin về chức năng của các cơ quan bên trong cơ thể
Giống như trên con nguời trong các nhóm người khác nhau thậm chí mỗi cá nhân có
thể có những nhận thức và niềm tin khác nhau về chức năng của các cơ quan bên trong cơ
thể. Tim có thể là nơi tạo ra tình cảm, còn óc để dành cho sự suy nghĩ.

2.1.4. Nhận thức và niềm tin về nguyên nhân, cơ chế bệnh, cách phòng ngừa, chữa trị
và phục hồi.
Những nhận thức và niềm tin này hết sức đa dạng và thay đổi theo không gian cũng
như thời gian. Ví dụ: Sốt rét do uống nước độc.

2.1.5. Mô hình giải thích


Như trên đã đề cập, mỗi một người sống trong một nền văn hóa nào đó đều có cách
lý giải riêng về cơ thể, hoạt động của cơ thể, nguyên nhân và cơ chế của các bệnh,
cách chăm sóc sức khỏe và chăm sóc bệnh bao gồm dự phòng, điều trị, phục hồi. Tất
cả những quan niệm đó được Kleimann gọi là mô hình giải thích (Explanatory model) của
một cá nhân. Những người cùng sống trong một môi trường văn hóa có thể có những mô
hình giải thích tương tự nhau nhưng không hoàn toàn giống nhau. Mô hình giải thích của
một cá nhân cũng có thể thay đổi theo thời gian do sự ảnh hưởng của người xung quanh,
nhân viên y tế, phương tiện truyền thông.
2.2. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với một số tình trạng sức khỏe
Tùy theo văn hóa mỗi nơi, một số tình trạng sức khỏe có thể bị xã hội kỳ thị
(stigmatisation) và phân biệt đối xử (discrimination) chẳng hạn như bệnh tâm thần,
bệnh lao, bệnh phong, bệnh hoa liễu, các thương tật, dị dạng và hiện nay đặc biệt là bệnh
AIDS. Một số bệnh mạn tính khác như tiểu đường, động kinh, béo phì v.v... tuy mức độ kỳ
thị có ít hơn nhưng cũng để lại nhiều ảnh hưởng tâm lý trên người bệnh. Cũng có thể sự
kỳ thị đến từ cộng đồng hoặc chỉ đơn thuần là mặc cảm từ chính cá nhân. Hiểu biết về
những điều này giúp các dịch vụ sức khỏe hoặc công tác giáo dục sức khỏe phục vụ người
dân tốt hơn.
2.3. Quan niệm văn hóa về giới
Một yếu tố của văn hóa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và hành vi sức khỏe
đó là các quan niệm về giới. Ở đa số nơi trên thế giới, giới nữ vẫn bị xem thường và
được coi là những người yếu đuối, phụ thuộc vào nam giới nhưng lại phải chu toàn công
việc gia đình và nuôi con. Những quan niệm này dẫn đến các hành vi như phá thai trẻ nữ
thậm chí giết trẻ sơ sinh nữ, ít quan tâm chăm sóc sức khỏe cho giới nữ từ vấn đề dinh
dưỡng cho đến khám chữa bệnh, từ tuổi nhỏ cho đến tuổi già. Những hành vi thiên lệch

7
dẫn đến rất nhiều hậu quả về mặt sức khỏe cho người nữ. Ngược lại những quan niệm về
nam giới là giới mạnh cũng dẫn đến một số hành vi như quan hệ tình dục bừa bãi và không
an toàn và những cuộc chơi khác có hại cho sức khỏe như ma túy, rượu chè, hút thuốc, đua
xe... Do đó nhân viên y tế và đặc biệt là cán bộ truyền thông cần đặc biệt qyan tâm đến các
quan niệm về giới trong cộng đồng mình đang sống để có những ứng xử hoặc truyền thông
phù hợp.
2.4. Bệnh dưới những góc nhìn khác nhau
Một hiện tượng bệnh lý ở một cá nhân có thể được nhìn nhận và đánh giá không
giống nhau bởi nhiều người.
- Bệnh dưới góc nhìn của thầy thuốc (disease): là bệnh được chẩn đoán dựa trên
một hệ thống phân loại nào đó trong y học (phương tây, phương đông...) có thể trùng với
các góc nhìn khác, cũng có thể không.
- Bệnh dưới góc nhìn của bệnh nhân (illness): là ý nghĩa mà bệnh nhân gán cho
những biểu hiện chủ quan và khách quan trong cơ thể mình, có thể trùng với các góc nhìn
khác, cũng có thể không.
- Bệnh dưới góc nhìn của những người xung quanh (sickness): là bệnh được gán
bởi những người xung quanh, có thể trùng với các góc nhìn khác, cũng có thể không.
Ví dụ: Rối loạn thần kinh thực vật gây hồi hộp, khó tiêu được bệnh nhân coi là bệnh
nhưng thầy thuốc coi là không. Bệnh tâm thần được thầy thuốc coi là bệnh nhưng bệnh
nhân có thể không tự nhận mình là bệnh trong khi những người xung quanh thì có khi xem
đó là ma nhập hoặc cho đó là hậu quả của việc cha mẹ ăn ở thất đức. Thầy thuốc cần có
hiểu biết toàn diện và sự quan tâm về các góc nhìn này để có những ứng xử phù hợp giúp
cho việc chăm sóc sức khỏe cho cá nhân hoặc can thiệp sức khỏe cho cộng đồng được hiệu
quả hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Many authors. Applied Health Research Manual: Anthropology of Health and
Health Care. 1995.
- Helman, Cecil G. Culture, Health and Illness: An Introduction for Health
Professionals. Butterworth-Heinemann, 1990.

8
HÀNH VI SỨC KHỎE
DƯỚI GÓC ĐỘ XÃ HỘI HỌC
ThS, BS Trương Trọng Hoàng
MỤC TIÊU HỌC TẬP
Sau khi hoàn thành bài học, sinh viên có thể:
1. Trình bày được các khái niệm cơ bản về xã hội học
2. Phân tích được ảnh hưởng của các yếu tố xã hội lên hành vi sức khỏe.

1. MỘT SỐ KHÁI NIỆM


Thuật ngữ Sociology (Xã hội học) được sử dụng lần đầu tiên năm 1780 bởi học giả
người Pháp Emmanuel Joseph Sieyès bắt nguồn từ: Societas=Xã hội, Socius=người đồng
hành, Logos=Môn học trong tiếng Hy Lạp. August Comte dùng lại từ này vào năm 1838.
Về định nghĩa, theo Emile Durkheim thì Xã hội học là khoa học nghiên cứu các sự kiện xã
hội (social facts).
Một số khái niệm cơ bản của xã hội học:
- Cấu trúc xã hội (social structure): hệ thống bao gồm nhiều hệ thống nhỏ và nhỏ
dần đến đơn vị cơ bản là con người. Ví dụ: trường học, gia đình.
- Quan hệ xã hội (social relation): quan hệ được xác lập giữa các cộng đồng xã hội
và các cá nhân với tư cách là chủ thể của hoạt động xã hội khác nhau. Ví dụ: quan
hệ giữa sinh viên-sinh viên, giảng viên-sinh viên, sinh viên-trường.
- Thiết chế xã hội (social institution): các ràng buộc được xã hội chấp nhận và mọi
cá nhân, nhóm cộng đồng và toàn thể xã hội chấp nhận và tuân thủ. Ví dụ: thiết
chế giáo dục, y tế, giao thông…
- Phân tầng xã hội (social stratification): Vị trí của những con người trong một
nhóm xã hội, một phạm trù, một vùng địa lý hoặc một đơn vị xã hội nào đó. Ví
dụ: giai cấp, chủng tộc, dân tộc.
2. XÃ HỘI HỌC SỨC KHỎE
Xã hội học Sức khỏe là ngành nghiên cứu ứng dụng của Xã hội học sử dụng cách
tiếp cận của xã hội học (nhãn quan, lý thuyết, phương pháp luận) để nghiên cứu các vấn đề
liên quan đến y tế, sức khỏe và bệnh tật của con người.
Các lĩnh vực nghiên cứu của XHHSK:
- Nghiên cứu các nguyên nhân xã hội của tình trạng sức khỏe như cấu trúc xã hội,
thiết chế xã hội, biến chuyển xã hội v.v… đến hoạt động của hệ thống y tế, đến sức
khỏe và các bất bình đẳng trong chăm sóc sức khỏe.
- Nghiên cứu hệ quả xã hội của tình trạng sức khỏe.
Năm 1950, Xã hội học Sức khỏe trở thành một ngành chính thức của xã hội học. Tuy
nhiên trước những năm 1970, vị trí của Xã hội học Sức khỏe còn mờ nhạt, được ít người
chú ý và cũng chưa có nhiều nhà xã hội học hoạt động trong lĩnh vực Xã hội học Sức khỏe.
Trong những năm 1970, hầu hết các nước trên thế giới đều trải qua giai đoạn cải cách hệ
thống chăm sóc sức khỏe. Hội nghị Alma Ata 1978 đưa ra cách tiếp cận Chăm sóc sức
khỏe ban đầu và kể từ đó ngành Y tế bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố như chính
sách y tế, khả năng tiếp cận, chất lượng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe… Xã hội học sức

9
khỏe trở thành ngành xã hội học chuyên biệt lớn nhất ở Anh, Bắc Mỹ, Úc… và đã có một
vị trí vững vàng trong hệ thống các ngành khoa học xã hội.
3. CÁC YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỨC KHỎE
3.1. Định nghĩa
“Các yếu tố tác động dẫn đến sự thay đổi về sức khỏe theo chiều hướng tốt lên hoặc
xấu đi” (Daniel Reidpath, 2002, dẫn trong 1).
3.2. Tại sao cần phân tích các yếu tố quyết định sức khỏe?
- Để biết các yếu tố tác động làm thay đổi sức khỏe như thế nào.
- Phục vụ cho việc thiết kế nghiên cứu: Xác định các biến số nghiên cứu; Xây dựng
khung lý thuyết, Cây vấn đề….
- Có cơ sở xây dựng, thực hiện các chương trình can thiệp dựa trên việc xác định
các cấp độ can thiệp.
3.3. Các cấp độ phân tích các yếu tố quyết định sức khỏe
Có 2 cách phân chia cấp độ:
Phân chia 3 cấp độ (Theo Turrell và cộng sự, dẫn trong 1):
- Cấp độ vi mô (Downstream): các yếu tố sinh học, vật lý, hóa học… (tác động trực
tiếp làm thay đổi sức khỏe)
- Cấp độ trung mô (Midstream): lối sống, hành vi…
- Cấp độ vĩ mô (Upstream): chính sách, cơ cấu kinh tế, xã hội. Còn được gọi là Yếu
tố xã hội quyết định sức khỏe – Social health determinants.
Phân chia 2 cấp độ:
- Cấp độ gần (Proximal determinants): tương đương cấp độ vi mô
- Cấp độ xa (Distal determinants): tương đương cấp độ trung và vĩ mô.
3.4. Các mô hình yếu tố quyết định sức khỏe

3.4.1. Mô hình y học


Sức khỏe tốt lên hay xấu đi là do kết quả của sự tương tác 2 chiều giữa:
- sự phát triển của bệnh (các mầm bệnh, các rối loạn sinh học…)
- hoạt động chữa bệnh của cá nhân và xã hội.

Nhận xét về mô hình Y học :


- Đơn giản
- Tuy nhiên chỉ tập trung vào yếu tố dịch vụ y tế. dẫn đến tác động kém hiệu quả đối
với tình hình bệnh và làm gia tăng chi phí y tế và quá tải bệnh viện.

10
3.4.2. Mô hình của Marc Lalonde (1981)
Năm 1974, Marc Lalonde đã biên soạn tài liệu “Một nhãn quan mới về sức khỏe của người
Canada” (A new perspective on the health of Canadians) trong đó đề cập đến 4 nhóm yếu
tố quyết định sức khỏe theo mô hình sau :

Nhận xét về mô hình Lalonde :


- Đề cập vai trò của yếu tố sinh học, lối sống, môi trường ngang hàng với dịch vụ y
tế
- Dễ hình dung
- Chưa cho thấy được mối liên hệ giữa các yếu tố đặc biệt là chưa cho thấy được
nguồn gốc xã hội của hành vi, lối sống.

3.4.3. Mô hình Dahlgren và Whitehead


Năm 1991, 2 tác giả Goran Dahlgren và Margaret Whitehead đã đề xuất mô hình các
yếu tố quyết định sức khỏe trong đó các yếu tố tạo thành nhiều lớp yếu tố ảnh hưởng đến
sức khỏe.

11
- Hành vi, lối sống: Đây là các yếu tố mang tính cá nhân. Tuy nhiên hành vi, lối
sống không thể tự nhiên mà có, trái lại chúng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu
tố xã hội.
- Mạng lưới cộng đồng và xã hội: Đây là các yếu tố xã hội gần nhất đối với mỗi cá
nhân, bao gồm:
+ Gia đình, người thân
+ Bạn bè
+ Láng giềng
+ Đồng nghiệp, tổ chức nơi làm việc
+ Các tổ chức tôn giáo, thiện nguyện
+ Các đoàn thể địa phương…
- Điều kiện sống và làm việc: Có phần trách nhiệm rất lớn của nhà nước:
+ Lương thực, thực phẩm
+ Nước và vệ sinh môi trường
+ Nhà ở
+ Điều kiện làm việc
+ Giáo dục
+ Giải trí, thể dục thể thao
+ Dịch vụ y tế (Phòng ngừa, Chữa trị, Phục hồi)
+ Các điều kiện an sinh khác (hỗ trợ người tàn tật…)…
- Điều kiện kinh tế-xã hội, văn hóa, môi trường: Đây là những yếu tố liên quan đến
thể chế, văn hóa không chỉ trong một nước mà cả khu vực và toàn thế giới.
Nhận xét về mô hình Dahlgren và Whitehead:
+ Tương đối đơn giản
+ Chỉ ra được các cấp độ của các nhóm yếu tố quyết định sức khỏe trong đó
đặc biệt là các yếu tố xã hội

12
+ Chỉ ra các yếu tố cụ thể trong nhóm các yếu tố
+ Chỉ ra mối liên hệ và hướng tác động.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe. Bài giảng lớp Cao học Y tế công cộng,
Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, 23/01/2008.
- Các yếu tố quyết định sức khỏe. Bài powerpoint lớp Cao học Y tế công cộng,
Trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, 18/02/2008.
- Dương Thu Hương. Các bài giảng về Xã hội học sức khỏe (ppt).
- Giáo trình Xã hội học. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẳng.
- Nguyễn Thị Ngọc Bích. Các bài giảng về Xã hội học sức khỏe (ppt).

13
ĐẠI CƯƠNG VỀ ÐẠO ÐỨC Y HỌC
BS, ThS Trương Trọng Hoàng

MỤC TIÊU HỌC TẬP


Sau khi hoàn thành bài học, sinh viên có thể:
1. Phân biệt được một số khái niệm về đạo đức
2. Trình bày được các chuẩn mực đạo đức cơ bản của người nhân viên y tế;
3. Ứng xử phù hợp với y đức trong quan hệ với đồng nghiệp và bệnh nhân tại bệnh
viện cũng như với người dân ở cộng đồng.
1. ÐẠI CƯƠNG
Trước hết ta phân biệt một số khái niệm:
- Ðạo đức (Morality): là hệ thống những chuẩn mực quy định hành vi nào là tốt hay
xấu, đúng hay sai. Có nhiều hệ thống chuẩn mực đạo đức khác nhau trên thế giới
hoặc cả trong một nước, một khu vực.
- Có đạo đức (Moral): phù hợp với một hệ thống chuẩn mực đạo đức nào đó.
- Vô đạo đức (Immoral): không phù hợp với một hệ thống chuẩn mực đạo đức nào
đó.
- Nghĩa vụ luật (Deontology=Moral obligation): những nguyên tắc đạo đức mà
người trong một ngành nghề nào đó phải tuân thủ.
- Ðạo đức học (Ethics): là một ngành của triết học nghiên cứu về những hệ thống
chuẩn mực đạo đức quy định hành vi nào là tốt hay xấu, đúng hay sai.
- Thuộc về đạo đức (Ethical): liên quan đến tính tốt, xấu, đúng, sai.
Ðạo đức có điểm tương đồng với Luật pháp khi nó cũng là những quy tắc, chuẩn mực để
điều chỉnh hành vi của con người. Tuy nhiên Ðạo đức khác Luật pháp ở chổ nó là những
chuẩn mực được nội tâm hóa trong mỗi cá nhân và không có những biện pháp chế tài có
tính áp chế từ bên ngoài như luật pháp. Một điểm khác biệt nữa đó là Luật pháp mang tính
cấu trúc và sự thi hành luật có tính hệ thống trong khi các chuẩn mực đạo đức của mỗi
người có thể có sự mâu thuẩn, khả năng điều chỉnh hành vi cũng không nhất quán và thay
đổi theo suy nghĩ và hoàn cảnh bên ngoài. Vì thế mà ta rất thường gặp những vấn nạn đạo
đức (Moral Dilemma) là những tình huống khó phân định tốt, xấu, đúng sai.

2. NHỮNG CHUẨN MỰC Y ĐỨC CƠ BẢN


Vì hoạt động Chăm sóc Sức khỏe (CSSK) có liên quan đến con người (nhân phẩm, tính
mạng v.v...) nên cần thiết có sự phân định hành vi nào là tốt, xấu, đúng, sai. Mặc dù chuẩn
mực đạo đức ở mỗi nơi, mỗi người là khác nhau tuy nhiên cũng có một số nguyên tắc
chung được đề cập sau đây:
2.1. Không làm điều hại (Non-Maleficence)
Người CSSK phải cố gắng tối đa để những việc làm của mình không gây hại cho đối tượng
(ĐT). Nguyên tắc này cũng có khi được gọi là Bảo đảm sự an toàn cho đối tượng (ĐT).

14
2.2. Làm điều có lợi (Beneficence)
Người CSSK thực hiện những biện pháp có lợi cho ĐT.
2.3. Tôn trọng tính tự chủ (Autonomy)
Người CSSK phải tôn trọng sự tự chủ (autonomy) của ĐT. Sự tự chủ là khả năng quyết
định dựa trên sự thông hiểu và sự tự do không bị áp chế. Người CSSK cần cung cấp đủ
thông tin để ĐT chọn lựa. Ðồng ý dựa trên sự thông hiểu (Informed consent) là một khái
niệm rất quan trọng lĩnh vực CSSK.
Tuy nhiên trong CSSK, quan hệ giữa người CSSK và ĐT có một tính chất đặc biệt khác
với các mối quan hệ người-người khác đó là Mối quan hệ bảo hộ (Fiduciary Relationship)
trong đó người CSSK được đặc cách trong một số trường hợp bỏ qua tính tự chủ của ĐT
để bảo đảm không làm điều hại và thực hiện những biện pháp mang lợi ích cho người
bệnh. Một số ví dụ rất kinh điển trong CSSK đó là Giả dược (Placebo) và Nói dối với Ý
muốn tốt (Benevolent Deception). Quan hệ bảo hộ thể hiện tính Gia trưởng (Paternalism)
rất đặc trưng trong mối quan hệ người CSSK-ĐT hiện nay. Tuy nhiên như đã nói đây là
nguyên tắc thường được đề cập trong Ðạo đức CSSK nhưng không chắc được luật pháp tất
cả các nước hoặc tất cả chuẩn mực đạo đức ủng hộ.
2.4. Công minh (Justice)
Hành động của người CSSK phải bảo đảm sự công minh tức là không thiên vị.
2.5. Không kỳ thị và phân biệt đối xử (Non-discrimination)
Người CSSK không được kỳ thị và phân biệt đối xử cho dù người bệnh có những đặc điểm
cá nhân như thế nào.
2.6. Nói sự thật (Veracity)
Người CSSK và ĐT cùng bị ràng buộc bởi nguyên tắc phải nói sự thật trong mối quan hệ
CSSK.
2.7. Bảo mật (Confidentiality)
Người CSSK phải giữ kín tất cả những thông tin có tính chất cá nhân (privacy) của ĐT.
2.8. Trung thành trong vai trò của mình (Role fidelity)
Người CSSK hiện nay làm việc trong một hệ thống có nhiều người và mỗi cá nhân phải
trung thành với nhiệm vụ mình được giao phó có tính liên đới với những người khác trong
hệ thống. Ngoài ra theo truyền thống Tây Y, người CSSK cần hết lòng giúp đỡ đồng
nghiệp của mình nhất là những người đi sau.

3. MỘT SỐ LỜI DẠY CỦA NGƯỜI XƯA VỀ ĐẠO ĐỨC CHĂM SÓC
SỨC KHỎE
3.1. Lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông
Hải Thượng Lãn Ông tên thật là Lê Hữu Trác, sinh năm 1720 và mất năm 1791 là một
danh y để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về thực hành nghề Y đặc biệt là để lại nhiều lời
dạy về đạo đức của người thầy thuốc. Trong số đó có đoạn viết sau nói lên đầy đủ những
phẩm chất cần có của một người thầy thuốc: “Suy nghĩ thật sâu xa tôi hiểu rằng thầy thuốc
là bảo vệ sinh mạng cho con người, sống chết một tay mình nắm, hoạ phúc một tay mình
giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không
rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”
15
3.2. Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 3/1948, trong thư gửi Hội nghị Quân y, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Người thầy
thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những
người ốm yếu”. Còn trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế diễn ra vào ngày 27/2/1955, Bác lại
nhắc nhở: “…người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó
thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nghiệm
vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em ruột của
mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất
đúng.”
4. MỘT SỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ ĐẠO ĐỨC Y
HỌC
- QĐ 2088/BYT-QÐ ngày 06/11/1996 của Bộ Y tế v/v ban hành Quy định về Y đức.
- Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên (Ban hành theo Quyết định số
20/QĐ-HĐD, ngày 10/9/2012 của Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam) trong đó từ
điều 3 đến điều 10 là những chuẩn đạo đức nền tảng không phải chỉ đúng đối với
người điều dưỡng mà tất cả những người chăm sóc sức khỏe nói chung. Cụ thể là:
+ Điều 3. Bảo đảm an toàn cho người bệnh
+ Điều 4. Tôn trọng người bệnh và người nhà người bệnh
+ Điều 5. Thân thiện với người bệnh và người nhà người bệnh
+ Điều 6. Trung thực trong khi hành nghề
+ Điều 7. Duy trì và nâng cao năng lực hành nghề
+ Điều 8. Tự tôn nghề nghiệp
+ Điều 9. Thật thà đoàn kết với đồng nghiệp
+ Điều 10. Cam kết với cộng đồng và xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


1. Hội Điều dưỡng Việt Nam. Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên
(Ban hành theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD ngày 10/9/2012).
2. Introduction to Medical Ethics
(http://www.actx.edu/respiratory/files/filecabinet/folder10/1191_02_ethics.pdf)
3. Jim Summers. Chapter 2: Principles of Healthcare Ethics (Health Care Ethics:
Critical Issues for the 21st Century, Edited by Eileen E. Morrison & Beth Furlong.
Jones & Bartlett Learning, 2013.
4. Tom L. Beauchamp, James F. Childress. Principles of Biomedical Ethics. Oxford
University Press, 5th Edition, 2001.
5. Trần Xuân Mai. Y đức trong thực hành nghề nghiệp. Bài giảng cho Khoa Y, Đại
Học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh.
6. Wikipedia. Hippocrates. http://vi.wikipedia.org/wiki/Hippocrates.
7. Wikipedia. History of Medicine.
http://en.wikipedia.org/wiki/History_of_medicine

16

You might also like