You are on page 1of 88

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO


LÊ HUY HOÀNG − PHÙNG QUỐC LẬP (đồng Tổng Chủ biên)
NGUYỄN THỊ CÔI − NGUYỄN ĐÌNH GIANG − NGUYỄN THỊ NGÂN HOA − TRẦN THÀNH NAM
NGUYỄN ÍCH TÂN − NGUYỄN HỒNG THUẬN (đồng Chủ biên)
PHẠM PHƯƠNG ANH − LÝ THỊ THU HÀ − NGUYỄN VĂN HẢO − BÙI NGHĨA HOÀNG − LÊ BÁ VIỆT HÙNG
PHẠM THỊ THANH HUYỀN − HÀ THỊ LỊCH − TRẦN THỊ MAI PHƯỢNG − PHẠM TẤT THÀNH − LÊ THỊ XUÂN THU
NGUYỄN THỊ THU − PHẠM THÁI THUỶ − ĐẶNG THỊ HUYỀN TRANG − NGÔ THỊ THU TRANG

NHÀ XUẤT BẢN GIÁO DỤC VIỆT NAM


1
Mỗi hoạt động trong cuốn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ lớp 8 đều được
chỉ dẫn bằng một kí hiệu. Thầy cô giáo sẽ hướng dẫn học sinh theo những chỉ dẫn này.
Học sinh cũng có thể theo các chỉ dẫn này để tự học.

Gợi mở những vấn đề liên quan đến nội dung chủ đề,
tạo hứng thú cho học sinh tìm hiểu bài mới

KHÁM PHÁ / HÌNH THÀNH KIẾN THỨC MỚI


Phát hiện, hình thành các kiến thức, kĩ năng mới

Củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ năng theo nội dung,


yêu cầu cần đạt của chủ đề

Vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học


để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống

Hãy bảo quản, giữ gìn tài liệu này


để dành tặng các em học sinh lớp sau.

2
Trang
LĨNH VỰC: VĂN HOÁ, LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG ........................................................................ 5
Chủ đề 1. Phú Thọ từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX ................................................................. 5
Chủ đề 2. Nhân vật lịch sử tiêu biểu của Phú Thọ (từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XX) ................ 14
Chủ đề 3. Di tích lịch sử − văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ .......... 21
Chủ đề 4. Truyện cười Văn Lang ........................................................................................................... 33
Chủ đề 5. Thơ hiện đại Phú Thọ............................................................................................................ 38
Chủ đề 6. Từ địa phương ở Phú Thọ ................................................................................................... 43

LĨNH VỰC: ĐỊA LÍ, KINH TẾ, HƯỚNG NGHIỆP ..................................................................... 52


Chủ đề 7. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Phú Thọ ................................. 52
Chủ đề 8. Thực hành truyền thông quảng bá du lịch ở tỉnh Phú Thọ ................................... 65

LĨNH VỰC: CHÍNH TRỊ − XÃ HỘI, MÔI TRƯỜNG ........................................................................ 71


Chủ đề 9. Biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai ở Phú Thọ ........................................... 71
Chủ đề 10. Bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Thọ ................................................................................ 78

3
Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương cấp
Trung học cơ sở là nội dung giáo dục bắt buộc, có vị trí tương đương các môn học khác.
Tài liệu giáo dục địa phương cấp Trung học cơ sở tỉnh Phú Thọ được xây dựng nhằm
trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về quá trình hình thành, truyền thống lịch
sử, văn hoá, đặc điểm địa lí, kinh tế − xã hội, môi trường, hướng nghiệp trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ, góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất được quy định trong Chương
trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó, học sinh được bồi dưỡng ý thức tự tìm hiểu và
vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã được học để góp phần bảo tồn, phát huy những
giá trị văn hoá, truyền thống lịch sử của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh, góp phần xây
dựng quê hương Phú Thọ ngày càng phát triển.
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ lớp 8 được thiết kế theo lĩnh vực và chủ đề,
phục vụ cho việc dạy và học, tổ chức các hoạt động giáo dục trong các trường trung
học cơ sở của tỉnh Phú Thọ với tổng thời lượng là 35 tiết (trong đó 31 tiết dành cho
giảng dạy các chủ đề và 4 tiết dành cho kiểm tra đánh giá). Việc biên soạn tài liệu được
thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan; nội dung, thông tin
bảo đảm tính xác thực, khoa học, thể hiện tính sư phạm; bám sát mục tiêu đổi mới giáo dục,
đào tạo và yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh tương ứng với lớp,
cấp học.
Nhóm biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ lớp 8 gồm các chuyên gia,
các nhà khoa học; các thầy cô giáo là cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán cấp Trung học cơ
sở, Trung học phổ thông của tỉnh Phú Thọ. Trước khi ban hành, tài liệu đã được sự đóng
góp ý kiến của các cơ quan, các nhà khoa học, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên cấp
Trung học cơ sở trong tỉnh thông qua các hội nghị, hội thảo; đồng thời đã được tổ chức
dạy thực nghiệm tại một số trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh, được các thầy cô
giáo, các em học sinh đánh giá là có tính khả thi và thực tiễn cao.
Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ lớp 8 đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ
thẩm định và Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Đây là tài liệu chính thức được sử dụng
trong các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ năm học 2023 – 2024.

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO PHÚ THỌ

4
VĂN HOÁ, LỊCH SỬ
TRUYỀN THỐNG

PHÚ THỌ TỪ ĐẦU THẾ KỈ XVI


1 ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX

Yêu cầu cần đạt


● Giới thiệu được nét nổi bật về tình hình Phú Thọ từ đầu thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XX.
● Nêu được một số cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong cuộc đấu tranh chống thực dân
Pháp của nhân dân Phú Thọ cuối thế kỉ XIX.
● Bồi dưỡng lòng tự hào về truyền thống quê hương.

Hình ảnh bên là chân dung Nguyễn Quang Bích,


một nhân vật lịch sử đã để lại dấu ấn sâu sắc trong
cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược ở
vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng
cuối thế kỉ XIX. Hãy chia sẻ hiểu biết của em về sự
kiện gắn liền với nhân vật lịch sử này, cũng như một
số sự kiện lịch sử khác mà em biết về các cuộc khởi Hình 1. Nguyễn Quang Bích
(1832 – 1890)
nghĩa chống Pháp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cuối
(Ảnh chụp tại Khu di tích lịch sử quốc gia
thế kỉ XIX. Căn cứ Tiên Động, xã Tiên Lương,
huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)

I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH PHÚ THỌ TỪ ĐẦU THẾ KỈ XVI


ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX
Tình hình Phú Thọ từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX
Trong giai đoạn khủng hoảng cuối triều Lê sơ (từ đầu thế kỉ XVI) và cuộc khủng
hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam (từ khoảng nửa cuối thế kỉ XVII đến nửa đầu thế
kỉ XIX), địa bàn tỉnh Phú Thọ là nơi diễn ra nhiều cuộc khởi nghĩa nhằm chống ách áp bức
bóc lột, chống triều đình phong kiến.

5
Bảng một số cuộc khởi nghĩa nông dân tiêu biểu chống chế độ phong kiến
trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX
Tên cuộc
Thời khởi nghĩa –
STT Địa bàn và hoạt động chính Kết quả
gian người
lãnh đạo

Vùng Hưng Hoá và Sơn Tây (bao gồm Sau một thời
một số huyện của Phú Thọ ngày nay). gian, quân triều
Khởi nghĩa
Năm 1511, từ vùng sông Đà, Thanh đình mới dẹp
do Trần
1 1511 Thuỷ, nghĩa quân tiến xuống Từ Liêm yên được cuộc
Tuân lãnh
(ngoại thành Hà Nội), uy hiếp kinh đô khởi nghĩa.
đạo
Thăng Long. Vua Tương Dực phải rút
chạy vào Thanh Hoá.

Khởi nghĩa Nghĩa quân hoạt động mạnh ở một Tháng 2 – 1751,
1740 – của Nguyễn số vùng của Phú Thọ như: Việt Trì, triều đình đem
2
1751 Danh Lâm Thao, Phù Ninh, Sơn Vi, Thanh quân đánh dẹp.
Phương Ba, Hạ Hoà, Tam Nông,...

Xuất thân trong một gia đình nông Đến năm 1843,
dân nghèo thuộc xã Dẫn Tự, huyện Ba Nhàn bị bắt,
Bạch Hạc (Phú Thọ), Ba Nhàn đã tập Tiền Bột ra đầu
hợp nghĩa quân, lấy của nhà giàu hàng, nghĩa quân
chia cho dân nghèo. Ông liên kết với tan rã.
Lê Văn Bột (Tiền Bột) hoạt động trên
Khởi nghĩa
1833 – vùng trung du tỉnh Sơn Tây (bao
3 Ba Nhàn,
1843 gồm nhiều vùng của Phú Thọ ngày
Tiền Bột
nay), sau này chuyển về xây dựng
căn cứ mới ở Vụ Quang (Đoan Hùng,
Phú Thọ). Nghĩa quân nhiều lần đánh
sang huyện Phù Ninh. Quân triều
đình phải rất vất vả đối phó trong
nhiều năm.

Hãy kể tên một số cuộc khởi nghĩa nông dân tiêu biểu chống ách áp bức bóc lột thời
phong kiến trên địa bàn Phú Thọ từ thế kỉ XVI đến giữa thế kỉ XIX và cho biết điểm
chung của các cuộc khởi nghĩa đó.

6
Phú Thọ trong thời kì thực dân Pháp mở rộng xâm lược

Huyện Sơn Vi đổi tên thành Lâm Thao, hai huyện Hùng Quan,
1910
Ngọc Quan hợp nhất thành phủ Đoan Hùng.

1907 Thành lập thị xã Phú Thọ và thị xã Việt Trì.

Tỉnh lị Hưng Hoá chuyển lên làng Phú Thọ, huyện Sơn Vi. Tỉnh Phú Thọ
chính thức được thành lập với 10 huyện: Tam Nông, Thanh Thuỷ,
1903
Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hoà, Hạc Trì, Hùng Quan,
Ngọc Quan; 2 châu: Thanh Sơn và Yên Lập.

Chính quyền đô hộ Pháp thành lập tỉnh Hưng Hoá với 5 huyện:
1891
Tam Nông, Thanh Thuỷ, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh.

4 − 1884 Quân Pháp tấn công đánh chiếm thành Hưng Hoá.

Hình 2. Sơ đồ quá trình thực dân Pháp đánh chiếm vùng đất Phú Thọ (cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX)

Về chính trị, ngay sau khi chiếm được Hưng Hoá, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy
thống trị như ở các tỉnh khác thuộc Bắc Kì.
Về kinh tế, Pháp tăng cường khai thác với quy mô lớn mọi nguồn tài nguyên trong
tỉnh, đồng thời tăng cường bóc lột bằng các loại thuế khoá rất nặng nề.

Nêu tình hình nổi bật ở Phú Thọ trong thời kì thực dân Pháp mở rộng xâm lược.

II. NHÂN DÂN PHÚ THỌ TRONG CUỘC ĐẤU TRANH


CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CUỐI THẾ KỈ XIX
Dưới ngọn cờ Cần vương chống Pháp cuối thế
kỉ XIX, nhiều cuộc khởi nghĩa do các sĩ phu yêu
nước, thủ lĩnh người địa phương lãnh đạo đã nổ
ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày nay.

Hình 3. Cột cờ thành Hưng Hoá – công trình được phục dựng
trên vị trí cột cờ thành Hưng Hoá cuối thế kỉ XIX
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tam Nông)

7
Hình 4. Lược đồ một số cuộc khởi nghĩa chống Pháp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cuối thế kỉ XIX

8
Căn cứ Thanh Mai của Nguyễn Văn Giáp
Năm 1883, sau khi thành Sơn Tây bị thất thủ, Bố chính(1) Nguyễn Văn Giáp rút về lập
căn cứ chống Pháp ở Thanh Mai (nay là xã Thanh Đình, thành phố Việt Trì).

Em có biết?

Nguyễn Văn Giáp quê gốc tại làng Tả Thanh Oai,


huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện
Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Từ đời ông của
Nguyễn Văn Giáp đã lập nghiệp và sinh sống tại
làng Xuân Húc, phủ Vĩnh Tường (nay thuộc xã
Vân Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ông
thi đỗ Cử nhân (1864) và ra làm quan đến chức
Bố chính tỉnh Sơn Tây. Đến cuối năm 1883, khi quân
Pháp chiếm thành Sơn Tây, ông kháng lệnh triều
đình, quyết cùng nhân dân đánh giặc và trở thành
một trong những vị thủ lĩnh hàng đầu của phong
trào chống Pháp ở miền Tây Bắc, hạ lưu sông Đà nói
chung và Phú Thọ nói riêng.

Hình 5. Nguyễn Văn Giáp (1837 − 1887)


(Ảnh chụp tại Khu di tích lịch sử quốc gia
Căn cứ Tiên Động, xã Tiên Lương,
huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ)

Phối hợp hoạt động có nghĩa quân của Tán Dật ở căn cứ Thạch Sơn (Lâm Thao).
Cuộc chiến đấu chống Pháp do hai ông chỉ huy đã diễn ra liên tiếp dọc sông Thao. Tiêu
biểu nhất là trận chống lại cuộc tấn công của hơn 6 000 quân Pháp, có đại bác hỗ trợ,
vào căn cứ Thanh Mai từ ngày 23 đến ngày 27 – 10 – 1885. Mặc dù lực lượng nghĩa quân
chỉ có khoảng 200 người nhưng đã chiến đấu rất quyết liệt, tiêu diệt nhiều tên địch,
trong đó có viên quan ba của Pháp. Sau 4 ngày, quân Pháp mới vào được làng Thanh Mai,
khi đó, nghĩa quân đã rút lui an toàn khỏi căn cứ này để lên căn cứ Tiên Động (Cẩm Khê),
phối hợp với nghĩa quân Nguyễn Quang Bích tiếp tục chiến đấu.
Tuy chiếm được căn cứ của nghĩa quân nhưng quân Pháp đã phải thừa nhận: "Chúng ta [quân
Pháp] đã phải giao chiến nhiều lần với chúng [nghĩa quân] và trong các trận đánh, có trận
Thanh Mai ở vùng hạ lưu sông Lô là quan trọng nhất".

Hãy giới thiệu vắn tắt về cuộc chiến đấu của nhân dân Phú Thọ chống Pháp dưới sự
lãnh đạo của Nguyễn Văn Giáp trên lược đồ (hình 4).

(1)
Bố chính: một trong bốn chức quan cấp tỉnh, hợp thành bộ tham mưu của quan Tổng đốc thời Nguyễn.

9
Hoạt động của nghĩa quân Nguyễn Quang Bích
Năm 1884, quân Pháp tấn công thành Hưng Hoá. Tuần phủ(1) kiêm Trấn thủ Hưng Hoá
là Nguyễn Quang Bích đã tập hợp lực lượng chiến đấu chống Pháp xâm lược. Do
thế giặc quá mạnh, ông rút quân về Tứ Mỹ (Tam Nông), sau đó về các làng Sơn Tình,
Áo Lộc (Cẩm Khê) và cuối cùng xây dựng căn cứ chống Pháp lâu dài ở Tiên Động
(Cẩm Khê). Từ đây, Tiên Động trở thành trung tâm chống Pháp ở miền thượng du Bắc Kì
dưới ngọn cờ Cần vương.
Một số thủ lĩnh khác ở địa phương như: Đề Kiều, Đốc Xù, Tán Áo, Lãnh Tanh,
Lãnh Tùng, Đốc Khoát,... cũng tập hợp đồng bào các dân tộc hưởng ứng cuộc khởi
nghĩa của Nguyễn Quang Bích, tổ chức đánh Pháp ở khắp nơi, tiêu diệt nhiều quân giặc,
ngăn bước tiến công của chúng vào căn cứ Tiên Động.
Quân Pháp đã nhiều lần tổ chức tấn công vào Tiên Động, đáng chú ý nhất là hai trận
càn lớn vào giữa và cuối năm 1886, nhưng đều bị thất bại.
Do căn cứ Tiên Động ngày càng bị cô lập, khó liên kết với phong trào của các tỉnh
khác, Nguyễn Quang Bích đã đưa quân lên xây dựng căn cứ ở Nghĩa Lộ (Yên Bái). Năm
1888, Nguyễn Quang Bích lại đưa quân về vùng rừng núi Yên Lập xây dựng căn cứ, tiếp
tục chiến đấu.
Ngày 24 – 1 – 1890, Nguyễn Quang Bích lâm bệnh nặng và qua đời. Tuy vậy, các phong
trào chống Pháp vẫn tiếp diễn trên nhiều địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Hình 6. Đền thờ Nguyễn Quang Bích và các nghĩa binh


ở xã Tiên Lương, huyện Cẩm Khê
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cẩm Khê)

Hãy thuật lại những hoạt động chính của cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Phú Thọ
dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Quang Bích trên lược đồ (hình 4).

Tuần phủ: chức quan đứng đầu tỉnh nhỏ thời Nguyễn (khác với Tổng đốc − chức quan đứng đầu tỉnh
(1)

lớn hoặc vài tỉnh).

10
Khởi nghĩa của nghĩa quân Đốc Ngữ
Đốc Ngữ (tên thật là Nguyễn Đình Ngữ) là một tướng giỏi của Nguyễn Quang Bích. Sau khi
Nguyễn Văn Giáp và Nguyễn Quang Bích mất, ông tách ra thành lập một đạo quân riêng.

Nghĩa quân của Đốc Ngữ hoạt động mạnh ở vùng núi Thanh Sơn, đã đánh thắng
quân Pháp nhiều trận. Tiêu biểu là trận phục kích địch ở Quảng Nạp (5 – 1890), Thạch
Khoán (7 – 1890), tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Sau chiến thắng này, ông cho xây dựng
căn cứ chống Pháp lâu dài ở vùng rừng núi Sơn Hùng – Thục Luyện (Thanh Sơn).
Thực dân Pháp một mặt cho quân tấn công liên tục, mặt khác dùng chính sách mua
chuộc và chia rẽ nội bộ nghĩa quân. Cuối năm 1893, Đốc Ngữ bị ám sát tại căn cứ
Khả Cửu (Thanh Sơn), cuộc khởi nghĩa chấm dứt.

Hãy tóm tắt cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược của nghĩa quân ở Phú Thọ
dưới sự lãnh đạo của Đốc Ngữ trên lược đồ (hình 4).

Hoạt động của nghĩa quân Đề Kiều


Phối hợp với nghĩa quân của Đốc Ngữ, có tiếng vang hơn cả là hoạt động của nghĩa
quân Đề Kiều tại vùng rừng già Cát Trù (Cẩm Khê).
Trung tâm chỉ huy của căn cứ Cát Trù là Hố Tròn, nằm ở dưới chân núi Đọi Đèn. Từ
đây, Đề Kiều đã xuất kích đánh đồn Phong Vực của Pháp (1890), tiêu diệt tên đồn
trưởng và giải thoát nhiều tù nhân. Các trận đánh của nghĩa quân Đốc Ngữ vào các đồn
giặc ở huyện lị Cẩm Khê hay đồn Ngọc Lập đều có sự phối hợp của nghĩa quân
Đề Kiều.
Năm 1892, quân Pháp tổ chức nhiều trận càn vào căn cứ Cát Trù, Đề Kiều đã cho
quân làm bẫy đá và tổ chức phục kích ở núi Đọi Đèn, lừa giặc vào trận địa, diệt được
hàng trăm tên,...
Biết rất khó tiêu diệt được nghĩa quân Đề Kiều bằng quân sự, thực dân Pháp đã dùng thủ đoạn
bắt mẹ của ông và doạ sẽ nã pháo triệt hạ cả làng Cát Trù,... Năm 1893, phong trào của nghĩa
quân Đốc Ngữ bị dập tắt, lực lượng kháng chiến ở một số nơi cũng suy giảm dần. Trước tình
hình đó, Đề Kiều buộc phải hạ vũ khí.

Tư liệu 1
Tướng Pháp là Đuy-pre đã viết trong cuốn Lịch sử chiến tranh Đông Dương 1884 –1922
như sau: “Tất cả vùng Chợ Bờ, Sơn Tây, Hưng Hoá đến Yên Bái ngày càng rối loạn. Đề Kiều
và Đốc Ngữ làm chủ tuyệt đối vùng này…”.

1. Thông qua tư liệu 1, em biết thông tin gì về phong trào chống Pháp dưới sự
chỉ huy của Đốc Ngữ, Đề Kiều?
2. Hãy tóm tắt hoạt động chống Pháp của nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của Đề Kiều.

11
Hoạt động của nghĩa quân Hà Công Cấn
Khi quân Pháp tổ chức các cuộc tấn công vào căn cứ Tiên Động với lực lượng lớn,
Hà Công Cấn (Tán Áo) đã cùng với nghĩa binh và dân binh chiến đấu quyết liệt tại các
địa điểm như: cầu Lưu Phương, bờ đê Tăng Xá (Cẩm Khê) và các vị trí cố thủ trong làng
Áo Lộc,... Hoạt động của nghĩa quân Hà Công Cấn đã chặn đứng các đợt tấn công của
quân Pháp tại làng Áo Lộc, khiến chúng không thể tiến vào căn cứ Tiên Động.
Năm 1886, khi Nguyễn Quang Bích rút quân khỏi Tiên Động lên Nghĩa Lộ (Yên Bái),
Hà Công Cấn được giao nhiệm vụ ở lại giữ đầu mối giao thông, cung cấp lương thực,
chuyên chở vũ khí cho nghĩa quân,...
Khi quân Pháp chiếm được Tiên Động, Hà Công Cấn tiếp tục chia quân ra nhiều địa điểm, dò la
tin tức, vận tải lương thực, đưa đường cho nhiều tướng sĩ và nghĩa quân từ Áo Lộc lên
Nghĩa Lộ,...
Khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích thất bại, quân Pháp đã mua chuộc, dụ dỗ, hứa
giao chức Tri huyện Tam Nông cho Hà Công Cấn, nhưng ông đã kiên quyết khước từ và lui về ở
ẩn. Ông mất năm 1917.

Hình 7. Lăng mộ Hà Công Cấn ở xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê


(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)

Tư liệu 2
Về cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp ở Phú Thọ cuối thế kỉ XIX, chính thực
dân Pháp đã phải thừa nhận: "Họ đã chống cự dai dẳng trong nhiều năm với chúng ta
[thực dân Pháp]. Bằng lối đánh phục kích, họ làm cho quân đội chúng ta phải luôn cảnh
giác và gây cho chúng ta thiệt hại nặng nề”.
(Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000)

12
1. Trình bày những hoạt động chính của đội nghĩa binh chống Pháp dưới sự lãnh
đạo của Hà Công Cấn.
2. Khai thác tư liệu 2 giúp em biết thông tin gì về phong trào kháng Pháp của nhân dân
Phú Thọ cuối thế kỉ XIX?

1. Lập bảng thống kê (hoặc sơ đồ tư duy) về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp tiêu
biểu ở Phú Thọ cuối thế kỉ XIX theo gợi ý dưới đây:

Tên người Thời gian Địa bàn Các trận đánh


Kết quả
lãnh đạo diễn ra hoạt động tiêu biểu

? ? ? ? ?

? ? ? ? ?

? ? ? ? ?

2. Theo em, người lãnh đạo tiêu biểu nhất trong phong trào Cần vương chống Pháp
ở vùng Tây Bắc nói chung, Phú Thọ nói riêng là ai? Vì sao?

1. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 15 câu) chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của em về
truyền thống đấu tranh bất khuất của nhân dân vùng đất Tổ sau khi học xong chủ đề này.
2. Tìm hiểu và cho biết, hiện nay ở Phú Thọ có những di tích lịch sử, địa danh nào
liên quan đến các cuộc khởi nghĩa được đề cập trong chủ đề.

13
NHÂN VẬT LỊCH SỬ TIÊU BIỂU CỦA PHÚ THỌ
2 (TỪ THẾ KỈ X ĐẾN ĐẦU THẾ KỈ XX)

Yêu cầu cần đạt


• Kể tên và nêu được đóng góp của một số nhân vật lịch sử tiêu biểu của Phú Thọ
(từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XX).
• Sưu tầm tư liệu và giới thiệu được về một nhân vật lịch sử tiêu biểu.
• Liên hệ được các nhân vật lịch sử tiêu biểu gắn với tên đường phố, trường học,
công trình nghệ thuật,... tại địa phương.

Hình dưới đây là bức bình phong ghi thân thế, sự nghiệp, công trạng của danh nhân
lịch sử Nguyễn Mẫn Đốc. Hãy nêu những điều em biết về danh nhân lịch sử này hoặc về
một nhân vật lịch sử tiêu biểu ở Phú Thọ từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ XX. Nhân vật lịch sử
đó đã có đóng góp gì cho đất nước nói chung và quê hương Phú Thọ nói riêng?

Hình 1. Bình phong bằng đá ghi tiểu sử của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc
tại đền thờ ở xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao
(Nguồn: Báo Phú Thọ)

14
Hai anh em dũng tướng Hà Đặc và Hà Chương (thế kỉ XIII)
Hà Đặc sinh ra và lớn lên ở động(1) Cự Đà, huyện Em có biết?
Phù Ninh (nay thuộc phần đất tỉnh Phú Thọ). Ông
được vua Trần giao giữ chức Phụ đạo, cai quản một Hà Đặc cho dân đốn tre, nứa, rồi
đan thành hình người khổng lồ,
vùng khá rộng lớn.
cho mặc áo mưa, có dây kéo
Khi giặc Nguyên xâm lược nước ta lần hai (1285), dẫn ra dẫn vào lúc tranh tối
Hà Đặc cùng em là Hà Chương đã đưa người dân trong tranh sáng. Có lần, ông đã dựng
xác giặc vào cây to, lấy mũi tên
động vào rừng sâu, quyết không hợp tác với giặc.
cắm vào. Quân giặc trông thấy
Ngày ngày, ông cho quân đi dò la tình hình của giặc tưởng ông có thần linh giúp sức
nên biết được rõ động Cự Đà là nơi chúng đóng đồn, nên rất hoảng sợ.
có tới vài trăm quân.

Hình 2. “Người khổng lồ” – một mưu kế đánh giặc của Hà Đặc (tranh minh hoạ)

Hà Đặc chọn những trai tráng khoẻ mạnh, ban ngày luyện tập võ nghệ, ban đêm kéo
ra đánh phá quân giặc, khiến chúng phải bỏ các đồn nhỏ kéo về tụ lại ở đồn lớn và
không dám đi xa cướp bóc.

(1)
Động: đơn vị hành chính ở các vùng miền núi, có thể tương đương xã ở vùng đồng bằng.

15
Đầu tháng 5 – 1285, được tin giặc đang trên đường rút chạy về Vân Nam, Hà Đặc
và Hà Chương cho dân đinh phục kích tại bến sông. Bị đánh bất ngờ, quân giặc
hoảng sợ giẫm đạp lên nhau rút chạy, kẻ thì chết vì tên bắn, kẻ thì rơi xuống sông,...
Tuy nhiên, khi có được viện binh từ đồn Cự Đà tiếp ứng, chúng đã phản công quyết liệt.
Hà Đặc tử trận, còn Hà Chương bị giặc bắt.
Một đêm, lợi dụng giặc sơ hở, Hà Chương dùng mưu đoạt lấy quần áo, phù hiệu của
chúng và trốn thoát. Khi gặp được cánh quân do Trần Nhật Duật chỉ huy, Hà Chương xin
được cấp quân để đánh giặc báo thù. Thấy Hà Chương trình bày mưu kế đánh đồn rất
hợp lí, Trần Nhật Duật giao cho ông chỉ huy một toán quân đi trước. Số quân này mặc
quần áo, mang phù hiệu, giả làm lính tuần tiễu của giặc. Trần Nhật Duật chỉ huy quân
tiếp ứng phía sau.
Nhờ nắm rõ tình hình đóng quân của địch nên khi lọt được vào đồn giặc, Hà Chương
cho đốt ngay kho lương thực, rồi đánh thẳng vào nơi ở của những tên chủ tướng. Đúng
lúc đó, đại quân của Trần Nhật Duật cũng đánh ập vào, khiến quân giặc phải bỏ đồn
tháo chạy.
Quân ta đã tiêu diệt được đồn Cự Đà, góp phần vào chiến thắng quân Nguyên xâm lược
lần thứ hai của nhân dân ta. Sau thắng lợi này, Hà Chương được vua Trần khen thưởng và
cho thay vị trí của Hà Đặc, là Phụ đạo động Cự Đà.

Em hãy giới thiệu những nét chính về hai nhân vật lịch sử Hà Đặc, Hà Chương và
nêu công lao của hai ông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược
thế kỉ XIII.

Trạng nguyên Vũ Duệ (cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI)


Vũ Duệ (1468 – 1522) sinh ra tại làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, trấn Sơn Tây (nay thuộc
làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao). Khoa thi năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức
thứ 21 (1490), ông thi đỗ Trạng nguyên lúc 23 tuổi. Đời vua Lê Hiến Tông, ông giữ chức
Tản trị thừa tuyên sứ ty, Tham chính sứ Hải Dương. Năm 1520, đời vua Lê Chiêu Tông,
ông giữ chức Thượng thư Bộ Lại. Tháng 4 – 1521, ông được giao nhiệm vụ soạn văn bia
ghi danh các Tiến sĩ khoa thi năm Giáp Tuất, tức năm Hồng Thuận thứ 6 (1514).
Khi Mạc Đăng Dung có ý đồ giành ngôi vua đã ngầm vận động Vũ Duệ ủng hộ việc làm của
mình. Vũ Duệ đã nói: “Ta chịu ơn dưỡng dục của họ Lê, không biết cách báo đền thì chớ, lẽ nào
thay mặt đổi lòng như kẻ khác hay sao!”. Sau này, ông đã tự sát để tỏ lòng tận trung với vua Lê.

16
Về sau, nhà Lê khôi phục lại được cơ nghiệp, vua Lê Huyền Tông cho lập đền thờ
Vũ Duệ, xếp ông đứng đầu trong số 13 công thần tử tiết (chọn cái chết để giữ gìn
khí tiết), phong Thượng Đẳng Phúc Thần. Các triều đại Lê, Nguyễn sau này đều xét công
trạng và ban sắc phong biểu dương uy linh tử tiết của Trạng nguyên Vũ Duệ. Tên ông
được tạc bia đá đặt tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ được xây dựng giữa làng Trình Xá, cổng đền có ghi 3
chữ Hán "Tiết Nghĩa Từ", trong đền có tấm biển khắc 4 chữ "Vương Thất Huân Lao" đều
do vua ban. Hằng năm, vào ngày 16 − 8 (âm lịch), Ban quản lí đền cùng con cháu dòng
họ Vũ và dân làng Trình Xá, nhân dân các xã Vĩnh Lại, Cao Xá đều tổ chức tế lễ để tưởng
nhớ công đức của ông.

Hình 3. Đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ ở làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Thao)

Dựa vào nội dung trong mục, em hãy giới thiệu những nét chính về thân thế,
đóng góp của Trạng nguyên Vũ Duệ.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc (cuối thế kỉ XV – đầu thế kỉ XVI)
Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc sinh ra và lớn lên Em có biết?
trong một gia đình có truyền thống học hành đỗ đạt
và lễ nghĩa thuộc họ Nguyễn Tam Sơn ở xã Xuân Lũng, Nguyễn Doãn Cung là một trong
những quan đầu triều nhà Lê,
huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao). Phụ thân của
giữ chức Tả thị lang Bộ Lại, có tài
ông là Nguyễn Doãn Cung, đỗ Tiến sĩ năm Kỷ Sửu trong lĩnh vực đối ngoại nên
(1469), đời vua Lê Thánh Tông. được triều đình cử đi sứ nhà
Minh vào năm 1489, cùng các ông
Bùi Xương Trạch, Nguyễn Hán Đình.

17
Nguyễn Mẫn Đốc sớm có tư chất thông minh hơn người, lại có chí theo nghiệp học
nên trong khoa thi năm Mậu Dần, đời vua Lê Chiêu Tông (1518), ông đã đậu Bảng nhãn
(tức là đứng thứ hai trong ba vị trí cao nhất tại kì thi do triều đình phong kiến tổ chức,
bao gồm: Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa). Năm đó, ông 21 tuổi.
Sự thông minh khác thường của Nguyễn Mẫn Đốc còn được người đời sau truyền tụng qua một
giai thoại. Giai thoại kể rằng: Một lần, Nguyễn Mẫn Đốc mượn của thầy dạy học (Vũ Duệ) bộ
Bắc sử để luyện thi, trên đường về nhà, ông đã nhập tâm hết toàn bộ cuốn sách, bèn vội quay
lại trả thầy và được thầy hết lời khen là sáng dạ.
Trong thời loạn lạc, Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc vẫn một lòng nêu cao tư tưởng
“phù Lê, diệt Mạc”. Trong đoàn hộ giá vua Lê trước sự truy đuổi của quan quân nhà Mạc,
do lực lượng mỏng, binh sĩ tử trận quá nhiều, cùng đường, Nguyễn Mẫn Đốc bèn hướng
về lăng vua Lê Thái Tổ ở Lam Kinh (Thanh Hoá) mà bái lạy rồi tự vẫn.
Hành động tuẫn tiết của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc đã thể hiện rõ lòng “trung
quân ái quốc” của một vị đại khoa, đại thần triều Lê. Ông được triều đình nhà Lê,
Nguyễn nhiều lần ban sắc phong và truy phong Tiết Nghĩa Đại Vương, được đặc cách
phong là Thành hoàng làng Xuân Lũng. Năm 1667 (Đinh Mùi), vua Lê cho phép lập
"Tiết Nghĩa Từ" ở quê hương để tưởng nhớ công lao to lớn của ông. Trong 82 văn bia tại
Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), tại bia số 13 có khắc tên Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc.

Hình 4. Tiết Nghĩa Từ (đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc) ở xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao
(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)

Hằng năm, cứ vào ngày 22 − 2 âm lịch (ngày mất của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc),
con cháu dòng họ Nguyễn cùng nhân dân xã Xuân Lũng lại long trọng tổ chức tế lễ để
tưởng nhớ, tri ân công lao, đóng góp to lớn của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc – danh
nhân lịch sử tiêu biểu, một trung thần tiết nghĩa của Đại Việt thế kỉ XVI.

Hãy giới thiệu nét chính về thân thế và đóng góp của Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc.

18
Nguyễn Quang Bích (1832 − 1890)
Nguyễn Quang Bích quê ở làng Trình Phố, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương, tỉnh
Nam Định (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình).
Ông vốn họ Ngô, dòng dõi vua Ngô Quyền và khai quốc công thần nhà Hậu Lê – Ngô Từ – ông
ngoại vua Lê Thánh Tông, nhưng do ông nội của ông đổi sang họ ngoại là họ Nguyễn nên sử
sách thường gọi ông là Nguyễn Quang Bích.
Năm 1869, thời Tự Đức, ông đỗ Hoàng giáp. Sau đó ông được cử làm Tri phủ Lâm Thao
(tỉnh Phú Thọ ngày nay), rồi Tri phủ Diên Khánh (tỉnh Khánh Hoà ngày nay),...
Năm 1877, Nguyễn Quang Bích được cử làm Chánh sơn phòng sứ tỉnh Hưng Hoá
(bao gồm tỉnh Phú Thọ ngày nay), sau kiêm thêm chức Tuần phủ tỉnh Hưng Hoá.
Khi thành Hưng Hoá thất thủ, ông đưa quân về lập căn cứ Tiên Động (Cẩm Khê) để
dựng cờ khởi nghĩa hưởng ứng phong trào Cần vương. Với tài năng và uy tín của ông,
Tiên Động trở thành trung tâm chỉ đạo toàn Bắc Kì kháng chiến, ông được vua Hàm Nghi
phong chức Hiệp thống Bắc Kì quân vụ đại thần. Suốt 7 năm lãnh đạo, với cương vị lãnh
tụ phong trào Cần vương Bắc Kì, ông đã tập hợp được lực lượng ở khắp các vùng hai
bên sông Hồng, sông Đà thành một đội quân hùng hậu và lớn mạnh; lại được nhiều
tướng tài mưu lược phò tá, dựa vào núi rừng, dùng lối đánh “du kích” kết hợp với chiến
tranh “du binh” làm cho quân giặc nhiều lần khiếp sợ.
Cuối năm 1886, để chuẩn bị chống Pháp lâu dài, từ căn cứ Tiên Động, Nguyễn
Quang Bích đưa quân lên Nghĩa Lộ (Yên Bái) xây dựng căn cứ mới. Sau khi phó tướng
Nguyễn Văn Giáp hi sinh, cầm cự ở Nghĩa Lộ thêm một thời gian nữa thì ông cho nghĩa
quân rời Nghĩa Lộ rút về châu Yên Lập (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) để củng cố lực lượng
chiến đấu lâu dài.
Thực dân Pháp đã đưa thư dụ ông đầu hàng, hứa sẽ chu cấp nhiều bổng lộc. Ông đã
trả lời đanh thép rằng: "Thắng mà sống thì là nghĩa sĩ triều đình. Chẳng may thua mà chết
thì cũng làm quỷ thiêng giết giặc”.
Từ căn cứ Mộ Xuân (Yên Lập), Nguyễn Quang Bích đã tổ chức các đạo quân đi đánh
giặc ở nhiều nơi. Công cuộc đang thu được một số kết quả thì bất ngờ ông lâm bệnh
nặng rồi mất tại núi Tôn Sơn (thuộc xã Xuân An, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ ngày nay)
đúng ngày rằm tháng 12 năm Kỷ Sửu (tức ngày 24 – 1 – 1890).
Ba năm sau, nghĩa quân đã bí mật đưa hài cốt ông về táng tại Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) –
quê hương của viên tướng thân tín của ông là Đề Kiều; sau đó mới chuyển về an táng tại quê
nhà Thái Bình. Tương truyền, trên đường đưa thi hài ông về quê, mỗi khi qua địa hạt nào, nhân
dân biết tin đều ra đón lạy, chứng tỏ lúc sinh thời, uy tín, ân đức ông ảnh hưởng rộng khắp.
Nguyễn Quang Bích còn rất am hiểu binh thư, yêu thích văn chương. Khi còn làm
Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, ông được vua giao duyệt bộ Việt sử thông giám
cương mục. Ông còn để lại cho hậu thế những áng thơ văn bất hủ và được tập hợp
trong Ngư Phong thi văn tập.

19
Ông còn chỉ đạo đào sông, xây cầu, cống nhằm cứu úng lụt cho dân; mở trường
dạy học,... Với công đức lớn lao như vậy nên ngay từ lúc sinh thời, Nguyễn Quang Bích
đã được nhân dân tôn xưng là Hoạt Phật, khi ông mất được nhân dân thờ phụng ở
nhiều nơi.

Hãy giới thiệu nét chính về thân thế và cho biết những đóng góp chính của nhân vật
lịch sử Nguyễn Quang Bích.

1. Sưu tầm tư liệu và giới thiệu về một nhân vật lịch sử tiêu biểu ở tỉnh Phú Thọ mà
em đã được học hoặc nhân vật lịch sử tiêu biểu ở địa phương em theo gợi ý sau:
– Tên nhân vật lịch sử.
– Quê quán.
– Khái quát về thân thế – sự nghiệp.
– Đóng góp/công trạng của nhân vật lịch sử đối với quê hương, đất nước.
2. Trong bản dịch văn bia văn chỉ xã Xuân Lũng (huyện Lâm Thao) của Viện Nghiên cứu
Hán Nôm có đoạn:
“Nay thấy Sơn Vi là nơi thắng địa, Xuân Lũng là chốn danh hương, xưa kia các vị tiên
hiền phù trì đại đạo, gây nền dựng móng khôi khoa (...) Bèn dựng bia cao, trong bia viết kí,
ghi lại họ tên, chức tước của các vị đỗ đạt, lưu truyền cho muôn đời sau thấy rõ.”
(Theo Nguyễn Hữu Mùi, Văn bia văn chỉ xã Xuân Lũng – một nguồn tư liệu quý,
Website Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ngày 7 – 4 – 2007)

Đoạn tư liệu giúp em biết thông tin gì về truyền thống của vùng đất Sơn Vi nói
chung và xã Xuân Lũng nói riêng? Dựa vào kiến thức đã học, em hãy làm sáng tỏ nhận
định đó.

1. Hãy chia sẻ mục tiêu và xây dựng kế hoạch hành động của em để tiếp nối và phát
huy truyền thống hiếu học của quê hương.
2. Liên hệ thực tế, hãy cho biết hiện nay có các di tích lịch sử hay địa danh nào trên
địa bàn tỉnh Phú Thọ (hoặc địa phương khác trong cả nước) gắn liền với tên tuổi các
nhân vật lịch sử được giới thiệu trong chủ đề.

20
DI TÍCH LỊCH SỬ – VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG
3 CẢNH TIÊU BIỂU CỦA TỈNH PHÚ THỌ

Yêu cầu cần đạt

• Kể được tên một số di tích lịch sử, di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc – nghệ thuật,
danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ.
• Nêu được những giá trị và vai trò của các di tích lịch sử – văn hoá của tỉnh Phú Thọ.
• Biết sưu tầm tư liệu và viết bài giới thiệu về một di tích, danh lam thắng cảnh
tiêu biểu của tỉnh hoặc địa phương em.
• Nêu được trách nhiệm của học sinh trong việc gìn giữ, phát huy giá trị các di tích,
danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Có những hành động cụ thể
trong việc chung tay góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị của các di tích,
danh lam thắng cảnh tỉnh Phú Thọ.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có hàng trăm di tích lịch sử – văn hoá và danh
lam thắng cảnh độc đáo đang được bảo tồn và phát huy giá trị. Hãy kể tên một số di tích
lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh của tỉnh Phú Thọ mà em biết. Theo em, các di tích
lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh có vai trò như thế nào trong sự phát triển kinh tế,
xã hội của tỉnh?

Một số di tích lịch sử tiêu biểu


a) Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng nằm trong vùng đồi núi thấp, thuộc xã
Hy Cương và xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo Ngọc phả Hùng Vương: Đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại
đỉnh Nghĩa Lĩnh. Khi An Dương Vương nối ngôi (khoảng năm 208 TCN) đã xây dựng đền thờ các
Vua Hùng. Theo các tài liệu khoa học đã công bố, nền móng kiến trúc Đền Hùng được xây dựng
vào triều vua Đinh Tiên Hoàng (thế kỉ X); đến thời Hậu Lê (thế kỉ XV) được hoàn chỉnh với quy mô
như hiện nay.

21
Hình 1. Đỉnh núi Nghĩa Lĩnh − khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng (nhìn từ trên cao)
(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)

Hình 2. Sơ đồ các di tích chính của khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng

22
Hiện nay, quần thể khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng bao gồm các công trình
chính sau:
− Khu vực núi Nghĩa Lĩnh (thuộc xã Hy Cương) gồm có Đền Hạ, chùa Thiên Quang,
Đền Trung, Đền Thượng, Cột đá thề, Lăng Hùng Vương và Đền Giếng, là nơi thờ tự các
Vua Hùng đã có công dựng nước; ngoài ra, còn có Bảo tàng Hùng Vương – nơi trưng
bày các hiện vật tiêu biểu của thời kì dựng nước đầu tiên.
− Khu vực núi Vặn (tên chữ là Ốc Sơn) (thuộc xã Hy Cương) có Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ.
− Khu vực đồi Sim (thuộc xã Chu Hoá) có Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Đền Hùng thực sự trở thành
chốn hội tụ truyền thống lịch sử, văn hoá tâm linh của cả dân tộc; đã được công nhận
là Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009.

1. Quan sát sơ đồ (hình 2) và khai thác thông tin trong mục, em hãy giới thiệu khái
quát về khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền Hùng.
2. Hãy chia sẻ cảm xúc của em khi được đến thăm khu Di tích quốc gia đặc biệt Đền
Hùng hoặc lập kế hoạch đến thăm khu di tích này cùng bạn bè, người thân.

b) Đền Mẫu Âu Cơ
Kết nối với văn học
Truyền thuyết kể lại rằng, sau khi Lạc Long Quân và Âu Cơ từ biệt nhau, Mẹ Âu Cơ dẫn theo 50
người con lên vùng non cao.
Một ngày kia, Mẹ Âu Cơ đến trang Hiền Lương, quận Hạ Hoa, trấn Sơn Tây. Thấy phong cảnh thiên nhiên
tươi đẹp, có núi cao, đồng rộng, sông dài, có hồ nước trong xanh bát ngát, cỏ cây hoa lá tốt tươi, cá chim
muông thú dồi dào, Người cho khai hoang lập ấp, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải.
Khi trang ấp đã ổn định, Mẹ Âu Cơ lại cùng các con lên đường đến các vùng đất mới, đi đến đâu
cũng thu phục nhân tâm, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Đến khi giang sơn đã thu về
một mối, bờ cõi biên cương được mở rộng, Người lại trở về Hiền Lương và gắn bó với nơi này.
Tương truyền, ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, Mẹ Âu Cơ cùng bầy tiên nữ bay về trời, để lại
dưới gốc đa một dải yếm lụa. Ở đó, nhân dân đã dựng lên một ngôi miếu thờ phụng, đời đời hương
khói, đó chính là Đền Mẫu Âu Cơ ngày nay.

Hình 3. Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử
huyện Thanh Thuỷ)

23
Vào thế kỉ XV, vua Lê Thánh Tông đã phong thần và cho xây dựng Đền Mẫu Âu Cơ
tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà. Đền Mẫu Âu Cơ đã được công nhận là Di tích lịch sử
quốc gia năm 1991.
Ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm, lễ hội chính tại Đền Mẫu Âu Cơ được tổ chức
long trọng để tri ân công đức Tổ Mẫu Âu Cơ và giáo dục truyền thống dân tộc.
Đền Mẫu Âu Cơ là một công trình lịch sử – văn hoá đặc biệt, là biểu tượng của tinh
thần yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.

1. Hãy giới thiệu khái quát về Đền Mẫu Âu Cơ ở huyện Hạ Hoà.


2. Em hãy cho biết giá trị và ý nghĩa của Di tích Đền Mẫu Âu Cơ trong đời sống của
nhân dân.

c) Một số di tích lịch sử tiêu biểu khác


• Đền Lăng Sương
Đền Lăng Sương thuộc khu 6, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ. Đây là ngôi đền
duy nhất ở Việt Nam thờ cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh. Đức Thánh được nhân dân
phong là vị thánh đứng đầu Tứ bất tử (bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian
của người Việt), đã có công giúp dân trị thuỷ, khai hoá đất hoang, dạy dân trồng lúa
nước, đuổi thú dữ, dẹp giặc ngoại xâm,... Di tích lịch sử Đền Lăng Sương đã được xếp
hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 2005.

Hình 4. Đền Lăng Sương, xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

24
• Cụm Di tích Đền Tam Giang – Chùa Đại Bi

Khu Di tích lịch sử − văn hoá cấp quốc gia Đền Tam Giang − Chùa Đại Bi thuộc
phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, bên tả ngạn nơi hợp lưu của sông Hồng, sông Lô.
Khu Di tích gồm có: Đền Tam Giang, Đền Mẫu, Chùa Đại Bi, Vết chân Thổ lệnh Cao
quan Bạch Hạc Đại Vương, Bến bơi chải, Tượng đài Chiêu Văn Vương Tả thánh Thái sư
Trần Nhật Duật và Bức phù điêu 18 ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Chùa
Đại Bi là ngôi chùa cổ (có niên đại gần 700 năm) do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật và
cháu gái là Công chúa Thiên Thuỵ xây dựng từ thời Trần (năm 1328).

• Một số Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

– Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Vạn Xuân (Tam Nông): Năm 1947, Bác
cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ đi từ Trung Hà (Sơn Tây) lên đồn điền Ba Triệu
thuộc xóm Ghềnh (thôn Ba Triệu, xã Cổ Tiết). Sau khi ở một đêm tại xóm Ghềnh, Bác
cùng các đồng chí phục vụ chuyển lên xóm Đồi, ở nhà ông Hoàng Văn Nguyện. Ngôi
nhà lợp lá cọ, 5 gian rộng rãi, nền cao, vườn rộng, nhiều cây cổ thụ và lối vào kín đáo.
Trong thời gian ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử,
truyền thống đánh giặc của dân tộc,... Với bí danh “Xuân”, Bác Hồ đã soạn thảo, công bố nhiều
tài liệu, văn kiện quan trọng. Bác Hồ đã đặt tên cho các đồng chí trong đội cận vệ của Bác là
Trường – Kỳ – Kháng – Chiến – Nhất – Định – Thắng – Lợi chính trong thời gian này.

Trải qua thời gian, nay xóm Đồi là khu 2, xã Vạn Xuân. Ngôi nhà 5 gian khi xưa đã
thay bằng khu Nhà lưu niệm được xây dựng từ năm 1994.

– Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Chu Hoá (thành phố Việt Trì): Khu Di
tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia
năm 1999. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về ở và làm việc tại Chu Hoá trong thời gian 11 ngày
(từ ngày 19 – 3 đến ngày 29 – 3 – 1947), khi Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ
trở lại chiến khu Việt Bắc.

Nơi đây còn lưu giữ được những dấu tích vật chất, những hiện vật, tài liệu ghi dấu
hoạt động chỉ đạo cách mạng của vị lãnh tụ tối cao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà.

25
• Một số di tích lịch sử cách mạng

Hình 5. Tượng đài Chiến thắng Sông Lô (1947)


tại núi Đồn, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng
(Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
tỉnh Phú Thọ)

Hình 6. Đài chiến thắng Chân Mộng – Hình 7. Xe tăng Chaffee 24 nằm trước nghĩa trang
Trạm Thản, xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng Trạm Thản, huyện Phù Ninh, được Mỹ sản xuất năm
(Nguồn: Uỷ ban nhân dân huyện Đoan Hùng) 1943 và sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai
(Nguồn: Báo điện tử Quân khu 2)

26
1. Hãy kể tên một số di tích lịch sử tiêu biểu ở Phú Thọ.
2. Thảo luận và cho biết, ngoài những di tích kể trên, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và
địa phương em còn có di tích lịch sử tiêu biểu nào khác.
3. Thảo luận và cho biết giá trị, vai trò của các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Một số di tích kiến trúc – nghệ thuật


– Đình Hùng Lô (còn gọi là đình Xốm) thuộc xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì. Đình
được xây dựng vào thế kỉ XVII, thờ Hùng Vương thứ mười tám. Kiến trúc ngôi đình thể
hiện được những nét đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc thời hậu Lê với kĩ thuật chạm
khắc tỉ mỉ, khéo léo,... thể hiện tài năng điêu luyện của người nghệ sĩ dân gian, tạo nên
những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

Hình 8. Đình Hùng Lô (đình Xốm)


(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ)

– Đình Hữu Bổ Thượng (còn gọi là đình Thượng) ở thôn Hữu Bổ Thượng, xã Phùng
Nguyên, huyện Lâm Thao. Đình thờ Đinh Công Tuấn – nhân vật lịch sử thời kì Thục Phán
An Dương Vương (thế kỉ III TCN), người đã có công giúp vua dẹp giặc Triệu. Đình cũng
phối thờ công chúa Xuân Dung (mẹ nuôi Đinh Công Tuấn), ngoài ra còn thờ 4 vị tướng
của ông là Đinh Công Dụng, Đinh Công Phương, Đinh Công Tuế, Đinh Công Thạch. Đây
là một trong những công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian có giá trị của tỉnh Phú Thọ.

27
– Đình Đào Xá là một ngôi đình cổ, thuộc xã Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ. Ngôi đình
được xây dựng cách đây trên 300 năm nhưng đến nay vẫn còn giữ được gần nguyên
vẹn dáng vẻ về kiến trúc và điêu khắc ban đầu. Đình Đào Xá thờ Hùng Hải Công (tương
truyền là con thứ 19 của Lạc Long Quân).

Hình 9. Đình Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ


(Nguồn: Trường Trung học cơ sở Đào Xá, huyện Thanh Thuỷ)

1. Hãy kể tên một số di tích kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu ở Phú Thọ.
2. Thảo luận và cho biết, ngoài những di tích kể trên, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và
địa phương em còn có di tích kiến trúc – nghệ thuật tiêu biểu nào khác.
3. Thảo luận và cho biết giá trị, vai trò của các di tích kiến trúc – nghệ thuật trên địa bàn
tỉnh Phú Thọ.

Một số di tích khảo cổ tiêu biểu


– Di tích khảo cổ Sơn Vi: Văn hoá Sơn Vi mang tên xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh
Phú Thọ, được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật vào năm 1968;
có niên đại cách ngày nay khoảng từ 23 000 đến 11 000 năm.
Di tích khảo cổ Sơn Vi đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá quốc gia năm 2008.
– Di tích khảo cổ Phùng Nguyên: được phát hiện và khai quật bắt đầu từ năm 1959,
nay thuộc xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao. Tên di tích này được chọn để đặt tên cho
nền văn hoá Phùng Nguyên – nền văn hoá mở đầu thời đại kim khí ở vùng miền núi và
đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, có niên đại cách ngày nay khoảng 4 000 – 3 500 năm. Đây là
nền văn hoá quan trọng tương ứng thời đại tiền Hùng Vương ở Việt Nam.

28
– Di tích khảo cổ Gò Mun: Di chỉ khảo cổ nổi tiếng thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, được
phát hiện năm 1961. Văn hoá Gò Mun được xếp vào giai đoạn hậu kì thời đồng thau,
cách ngày nay 3 000 đến 2 500 năm. Những hiện vật khai quật được ở đây đã góp phần
làm sáng tỏ cuộc sống của cư dân văn hoá Gò Mun, giúp chúng ta thấy được sự phát
triển kinh tế – xã hội, văn hoá, thẩm mĩ của người Việt thời kì Văn Lang – Âu Lạc. Văn
hoá Gò Mun tương ứng với thời kì Hùng Vương dựng nước.
– Di tích khảo cổ Làng Cả: Di tích này nằm trên một quả đồi thấp (Đồi Nhãn), xưa
thuộc kẻ Gát – Thọ Xuân, sau là xã Chính Nghĩa, nay là phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì.
Di tích Làng Cả được giới khảo cổ học biết tới từ năm 1959, khi bắt đầu xây dựng khu
công nghiệp Việt Trì. Từ đó đến nay, trải qua ba lần khai quật (1976, 1977, 2005) đã cho
thấy: Làng Cả là khu di tích lớn nhất thuộc giai đoạn văn hoá Ðông Sơn được biết đến, có
giá trị khoa học đặc biệt trong nghiên cứu về thời đại Hùng Vương và Nhà nước Văn Lang.
Di tích khảo cổ Làng Cả đã được xếp hạng Di tích quốc gia năm 2006.

1. Hãy kể tên một số di tích khảo cổ tiêu biểu ở Phú Thọ.

2. Hãy cho biết giá trị, vai trò của các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

3. Tìm hiểu, thảo luận và cho biết, ngoài những di tích kể trên, trên địa bàn tỉnh
Phú Thọ và địa phương em còn có di tích khảo cổ tiêu biểu nào khác.

Một số danh lam thắng cảnh tiêu biểu

Hình 10. Danh thắng hồ Thượng Long (hồ Ly), xã Thượng Long, huyện Yên Lập
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lập)

29
Hình 11. Đầm Ao Châu thuộc thị trấn Hạ Hoà và các xã Y Sơn, Ấm Hạ, Phụ Khánh, huyện Hạ Hoà
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Hạ Hoà)

Hình 12. Đầm Vân Hội, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hoà giống như một Hạ Long thu nhỏ,
với non nước hữu tình và vẻ đẹp hoang sơ
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Hạ Hoà)

30
Hình 13. Đồi chè Long Cốc, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn
(Ảnh: Út Mười)

Hiện nay, cùng với sự đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, du lịch, các danh lam thắng
cảnh trên địa bàn tỉnh ngày càng trở thành những điểm đến hấp dẫn, thu hút đối với du
khách trong và ngoài nước; góp phần đáng kể trong sự phát triển kinh tế − xã hội của tỉnh.

1. Hãy kể tên một số danh lam thắng cảnh tiêu biểu ở Phú Thọ.
2. Em ấn tượng nhất với danh lam thắng cảnh nào? Hãy giới thiệu ngắn gọn về
danh lam thắng cảnh đó.
3. Theo em, danh lam thắng cảnh ở tỉnh Phú Thọ có giá trị, vai trò như thế nào
trong đời sống kinh tế – văn hoá của địa phương?

1. Lập bảng thống kê các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu
của tỉnh Phú Thọ theo từng loại hình và theo gợi ý dưới đây:

Di tích,
Nhân vật lịch sử gắn với
danh lam thắng cảnh Địa phương
di tích (nếu có)
tiêu biểu

? ? ?

? ? ?

31
2. Tổ chức trò chơi “Hành trình về miền di sản”/”Ai nhanh – ai đúng” để gắn biển tên
các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ trên bản
đồ treo tường.
3. Hãy lựa chọn một di tích lịch sử – văn hoá hoặc danh lam thắng cảnh tiêu biểu của
tỉnh Phú Thọ mà em thích nhất và chia sẻ những thông tin cơ bản về di tích lịch sử − văn
hoá hoặc danh lam thắng cảnh đó.

1. Sưu tầm tư liệu và viết bài giới thiệu (dưới hình thức đồ hoạ thông tin − infographic)
về một di tích lịch sử − văn hoá hoặc danh lam thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ
hoặc địa phương em.
2. Đề xuất một số việc làm/chương trình hành động cụ thể của lớp/trường em
để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử − văn hoá, danh lam
thắng cảnh ở tỉnh Phú Thọ.

32
TRUYỆN CƯỜI VĂN LANG
4

Yêu cầu cần đạt

• Nhận biết được nét đặc sắc của truyện cười Văn Lang qua một số truyện cụ thể.
• Viết được đoạn văn thuyết minh về truyện cười Văn Lang và bài nghị luận ngắn
về một hoặc một số truyện cười Văn Lang.
• Biết thuyết trình, tranh luận về ý nghĩa một truyện cười Văn Lang. Kể được một
số truyện cười Văn Lang. Có thể sáng tạo tiếp một truyện cười Văn Lang đã có
hoặc sáng tạo mới một truyện cười Văn Lang.
• Tự hào về một làng quê giàu truyền thống khôi hài.

1. Em đã từng nghe câu tục ngữ “Văn Lang cả làng nói khoác” chưa? Em có thể kể
một truyện cười Văn Lang không?
2. Ngoài làng cười Văn Lang, em có biết hoặc nghe nói về những làng cười khác
không?

Tri thức đọc hiểu: Truyện cười dân gian và các làng cười
Truyện cười dân gian Việt Nam là loại truyện dùng tiếng cười để phê phán, châm
biếm thói hư tật xấu hoặc để giải trí, giúp cho cuộc sống đỡ căng thẳng, mệt nhọc. Mỗi
truyện thường rất ngắn gọn và thường kết thúc một cách bất ngờ.
Truyện cười dân gian Việt Nam chia làm hai loại: truyện cười kết chuỗi và truyện cười
không kết chuỗi. Truyện cười kết chuỗi là những câu chuyện xoay quanh một nhân vật
(có thực hoặc được coi là có thực), như truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, truyện Ông Ó,
truyện Bác Ba Phi,... Truyện cười không kết chuỗi là những câu chuyện mà các nhân vật
có tính chất chung (anh nông dân, chú đầy tớ, ông xã trưởng,...), cũng không cụ thể về
thời gian, địa điểm xảy ra câu chuyện. Truyện cười không kết chuỗi thường được gọi
bằng các tên như truyện cười, truyện khôi hài, truyện trào phúng, truyện tiếu lâm,...

33
Truyện cười dân gian Việt Nam rất phong phú. Ngoài những truyện phổ biến trên cả
nước, còn có nhiều truyện cười chủ yếu được lưu truyền ở phạm vi làng xã. Một số làng
xã có truyền thống sáng tác truyện cười và các làng xã này được gọi là các làng cười.
Các nhà nghiên cứu xếp truyện cười của các làng cười vào loại truyện cười không kết
chuỗi. Tuy nhiên, một số truyện cười này cũng ít nhiều có tính kết chuỗi. Ví dụ, một số
truyện lặp lại những địa điểm với tên thôn làng, tên núi sông cụ thể và đôi khi có cả
những nhân vật cụ thể, có thật hoặc được coi là có thật.

Văn bản

BÁC MUA ĐI, NỎ LẮM


Một chị bán củi mời một ông khách đang tìm mua củi:
− Bác mua gánh củi này cho cháu đi.
Ông khách xem củi, bảo:
– Tôi cần đun ngay. Mà củi của cô còn tươi nguyên thế này.
– Vâng, củi còn tươi, nhưng bác nên mua củi tươi, chứ củi khô bác làm sao đem về được.
Ông khách ngạc nhiên:
– Sao? Tôi lai xe đạp mà.
– Không được đâu bác ơi. Củi làng cháu cháy nỏ lắm. Hễ củi khô là đặt đâu cháy đấy,
không cần châm lửa. Nếu bác đặt củi khô lên xe đạp là cháy luôn cả xe đạp.
(Theo Dương Huy Thiện, Phú Thọ, miền đất cội nguồn, NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2010)

ỚT CAY
Một chị bán ớt thấy ông
khách đi qua thì đon đả mời:
– Bác mua đi, ớt Văn Lang
chúng em cay đến là cay đấy.
Ông khách cầm quả ớt lên
xem, chị bán hàng ngăn lại:
– Ấy, bác chớ có ngửi, nó sẽ
cay xộc lên tận óc. Mà nếu cắn
một tí là cay rụt đầu lưỡi, có khi
đến cấm khẩu nữa.
Ông khách vội buông quả ớt:
– Gớm, cay đến thế thì đố ai dám mua!
(Theo Dương Huy Thiện, Phú Thọ, miền đất cội nguồn, Sđd)

34
NHỐT GÀ MUA TỦ
Một ông trọc phú(1) mua được một cái tủ rất đẹp và sang trọng. Nhưng tủ quá nặng,
các gia nhân(2) của ông khiêng tủ rất chật vật, chốc chốc lại nghỉ, người nào cũng nhễ
nhại mồ hôi.
Về gần đến cổng, đám gia nhân mệt nhoài, còn vài chục bước mà vẫn phải dừng lại
nghỉ. Ông chủ liền đến cổng gọi to vào nhà:
– Này, nhốt chó, nhốt gà vào nhé!
Vợ ông trọc phú vội nhốt gà, nhốt chó.
Các gia nhân nghĩ thầm: chắc ông chủ bắt gà làm cơm thết đãi người khiêng tủ. Thế
là chưa lại sức, họ vẫn cố khiêng cho mau vào nhà.
Tủ được khiêng vào và kê vừa xong thì bà vợ từ nhà dưới chạy ra. Ông trọc phú hể hả
bảo vợ:
– Cái tủ đẹp quá! Nước sơn bóng như gương, chạm trổ thanh thoát...
Bà vợ ngạc nhiên:
– Sao ông bảo nhốt gà?
Ông trọc phú cau mày:
– Nhốt gà lại kẻo nó đâm đầu vào gương mà chọi nhau!
(Theo Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 8, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005)

Em có biết?
Làng cười Văn Lang thuộc xã Văn Lương(3), huyện Tam Nông, Phú Thọ. Ngoài một số truyện mang tính
chất châm biếm thói hư tật xấu, truyện cười Văn Lang chủ yếu đi theo chủ đề “nói khoác”. Do truyền
thống “nói khoác” mà gần đây ở Văn Lang có các hội thi “nói khoác”, những người xuất sắc được coi là
“nghệ nhân nói khoác”.
Nước ta còn có nhiều làng cười nổi tiếng như làng cười Dương Sơn tỉnh Bắc Giang, làng cười Đông An
tỉnh Bắc Ninh, làng cười Vĩnh Hoàng tỉnh Quảng Trị,... Sách Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 8,
NXB Khoa học xã hội, 2005 tuyển truyện cười của 15 làng cười. Thực tế số làng cười có thể còn
nhiều hơn thế.
Ngày nay do điều kiện thuận lợi về in ấn và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ thông tin, một
số truyện cười của các làng cười đã vượt khỏi luỹ tre làng, đến với bạn đọc ở các tỉnh thành
xa xôi khác.

(1)
Trọc phú: người giàu có mà dốt nát hoặc có tính xấu.
(2)
Gia nhân: người ở giúp việc trong những gia đình giàu có thời xưa.
(3)
Mới đây, theo Nghị quyết 828/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 17–12–2019,
xã Văn Lương cùng với xã Tam Cường và xã Cổ Tiết của huyện Tam Nông đã sáp nhập thành xã Vạn Xuân.

35
1. Truyện cười thường gây cười bằng cách dùng các nghệ thuật phóng đại (nói
quá, ngoa dụ), tạo sự phi lí (mâu thuẫn, trái tự nhiên), chơi chữ, tạo sự lập lờ,
nước đôi trong nghĩa từ ngữ,... Hãy chỉ ra cách gây cười ở mỗi truyện trên.
2. Nhận xét nghệ thuật gây cười ở truyện Bác mua đi, nỏ lắm và truyện Ớt cay.
So sánh sự giống nhau và khác nhau trong nghệ thuật gây cười ở hai truyện.
3. Nghệ thuật gây cười ở truyện Nhốt gà mua tủ có gì đặc sắc?
Gợi ý: Nhân vật ông trọc phú trong nhiều truyện cười là những kẻ dốt nát, kém
hiểu biết, nhưng trong truyện này có phải như vậy không? Ông đã dùng cách
nào để đám gia nhân tin?
4. Cho biết ý nghĩa của mỗi truyện cười trên.

Truyện cười Văn Lang, ngoài những đặc điểm chung của truyện cười dân gian
Việt Nam, có một số nét riêng. Đa số các truyện cười Văn Lang dùng nghệ thuật
phóng đại để tạo tiếng cười vui vẻ, đồng thời qua đó cũng bày tỏ niềm tự hào trước
sự phong phú, độc đáo về tài nguyên, sản vật của quê hương (truyện Bác mua đi,
nỏ lắm và truyện Ớt cay).
Một số truyện cười khác của truyện cười Văn Lang phê phán thói hư tật xấu một
cách nhẹ nhàng. Ví dụ, truyện Nhốt gà mua tủ, truyện kết hợp tình huống và từ ngữ
có tính lập lờ, hai nghĩa để phê phán tính keo kiệt của ông trọc phú, đồng thời cũng
cho thấy sự khôn ngoan của ông ta và sự khờ khạo, cả tin của đám gia nhân.

1. Kể lại ba truyện cười nói trên. Theo lô-gíc của truyện Ớt cay, em có thể thêm chi
tiết nào vào truyện Bác mua đi, nỏ lắm?
2. Một số truyện cười Văn Lang tuy thể hiện tài nói khoác nhưng cũng bóc mẽ thói
nói khoác hoặc cho thấy cái tai hại của nói khoác nếu lạm dụng. Theo em, đó là những
truyện nào trong ba truyện trên?
3. Viết 1 – 2 đoạn văn thuyết minh về truyện cười Văn Lang.
4. Viết bài nghị luận ngắn (không quá một trang) về một hoặc một số truyện cười
Văn Lang.
Gợi ý: Nêu được những nét đặc sắc và cũng có thể nêu cả một số hạn chế.

36
1. Kể thêm một số truyện cười Văn Lang khác mà em biết. Trao đổi, tranh luận về ý
nghĩa của các truyện cười này.
2. Các truyện cười về đề tài “nói khoác” thường được kết thúc theo cách: sự phóng
đại bị đẩy lên đến mức phi lí và chính khi đó sự phóng đại này bị bóc trần, và cũng là lúc
tiếng cười bật ra.
a) Hãy điền vào bảng dưới đây để thể hiện nội dung nói trên ở hai truyện cười đã học.

Tên Sự vật, hiện tượng Sự phóng đại Điều nói khoác


truyện cười được phóng đại bị đẩy đến mức phi lí bị bóc trần
Bác mua đi,
nỏ lắm
Ớt cay

b) Hãy kể một truyện khác ngoài các truyện đã học (không nhất thiết là truyện cười
Văn Lang) có kết thúc như thế và chỉ ra chỗ phi lí, gây cười đó.
3. Truyện cười thường có nhiều dị bản (văn bản khác tương tự văn bản được phổ
biến rộng nhưng có một số đặc điểm khác). Thử tạo ra một dị bản khác bằng cách thay
đổi, thêm bớt chi tiết cho truyện Thuyền đu đủ dưới đây:

THUYỀN ĐU ĐỦ
Bà nọ vừa chèo thuyền vừa kể với ông khách:
Ông bủ(1) nhà em có tính hay nhặt nhạnh. Quả đu đủ chín ăn xong, bủ em cũng đem
cái vỏ cất vào sau nhà. Nhân một hôm nhà có khách, thuyền nhà đi đồng vắng, bủ em
bảo em đưa khách về, em loay hoay mãi chẳng mượn được thuyền, thì bủ em bảo ra sau
nhà lấy nửa vỏ quả đu đủ khô hạ xuống làm thuyền. Con thuyền nhẹ lướt như bay trên
mặt hồ. Em chẳng nói ngoa, kể ra thêm một, hai người nữa ngồi vẫn cứ đi ngon.
(Theo Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 8, Sđd)

Gợi ý: Có thể dựa vào truyện Ớt cay; Bác mua đi, nỏ lắm để đặt ông khách vào tình
huống khiến ông hoảng sợ.

(1)
Bủ: cụ, lão (ông bủ, bà bủ).

37
THƠ HIỆN ĐẠI PHÚ THỌ
5
Yêu cầu cần đạt
• Đọc hiểu được những đặc điểm hình thức (thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, bố cục,...),
nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng, xúc cảm,...) của thơ hiện đại Phú Thọ.
• Viết được bài văn nghị luận về một bài thơ hiện đại Phú Thọ.
• Nói, nghe, phát biểu, tranh luận về một vấn đề trong một bài thơ hiện đại Phú Thọ.
• Tự
Logo hào về
- KHỞI những thành tựu thơ ca hiện đại Phú Thọ, qua đó trân quý những vẻ
ĐỘNG
đẹp của văn hoá vùng đất Tổ.

1. Chia sẻ ấn tượng về vẻ đẹp


thiên nhiên, con người, văn
hoá Phú Thọ từ trải nghiệm
cá nhân.
2. Chia sẻ hiểu biết về những
bài thơ, dòng thơ thể hiện vẻ
đẹp thiên nhiên, con người,
văn hoá Phú Thọ.
Hình 1. Đồi chè Phú Thọ
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

Tri thức đọc hiểu


Thơ là một thể loại văn học xuất hiện từ rất sớm và trải qua quá trình phát triển dài
lâu. Thông qua việc phản ánh hiện thực cuộc sống, thơ bộc lộ những tâm trạng, cảm
xúc mạnh mẽ bằng ngôn từ hàm súc, giàu hình ảnh, nhạc điệu.

Văn bản
GA TRUNG DU
Nguyễn Đình Ảnh
Khi con tàu đi xa, vọng lại những hồi còi
khói quấn quýt trong thung đồi ẩm ướt
khu rừng cọ xạc xào như tỉnh giấc
những tàu xanh xoè trên sân ga...
Ơi những đồi cọ non mang sắc biếc quê nhà
sao ta nhớ những đêm rừng buổi trước

38
bao gạo khoác sau lưng và súng đeo trước ngực
cha ta vào chiến dịch giữa mùa mưa
cơn lũ lớn xô về, nước ngập bến phù sa...
Đâu những con đường xưa từng in dấu chân cha
hồng sỏi đỏ và trắng phau hoa sở
có phải sau mỗi tàn cổ thụ
dáng người đi còn ủ dưới thung sâu?
Ga trung du còn vọng tiếng còi tàu
hơi bếp ấm thơm hăng mùi khói lá
nương ai đốt còn bập bùng lửa đỏ
nhớ đêm nào cha vượt bến sông Thao
níu áo mẹ, con chờ cha trước ngõ...
Ơi những con đường xưa hồng hào sỏi đỏ
giữa ga rừng đêm nay, nghe lá vỗ lao xao
nghe súng nổ − bỗng sáng bừng thung cọ
lửa hắt lên từ những chiến trường nào?
Ga trung du còn vọng tiếng còi tàu
khung cửa sổ trong toa vẫn sáng từng gương mặt
có phải bước người đi từ buổi trước
hơn mười năm còn ấm ở ga này?
Những chuyến tàu đi rộn rã giữa thung cây...
Ga Phú Thọ, một đêm chiến tranh
(In trong Nguyễn Đình Ảnh − tác phẩm thơ chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017, tr. 32 – 33)

• Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh sinh năm 1942 tại xã Sơn Dương,
huyện Lâm Thao, mất năm 2006 tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Ông làm thơ khá sớm, có tác phẩm đăng báo từ thời học sinh và
trở thành nhà thơ nổi tiếng khi đang mặc áo lính. Các tác phẩm
chính đã xuất bản: Chào đất nước (thơ, 1970), Trăng rừng (thơ,
1977), Hoa cỏ miền đồi (thơ, 1982), Trước cổng trời (thơ, 1989),
Giã biệt một ánh sao chiều (thơ, 1992), Sắc cầu vồng (thơ, 1996),
Vầng sáng và những kì tích (thơ, trường ca, 2000), Thăm thẳm
cõi người (thơ, 2004), Tuyển tập thơ Nguyễn Đình Ảnh (2007),
Nguyễn Đình Ảnh − tác phẩm thơ chọn lọc (2017). Dù ở chặng nào
trên hành trình sáng tạo, thơ Nguyễn Đình Ảnh cũng điềm đạm,
trong trẻo, nghiêng về cổ điển. Thuộc thế hệ những cây bút
trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Đình Ảnh gửi
vào thơ lí tưởng lớn, tình yêu lớn với quê hương đất nước. Bên
cạnh đó, thơ ông thể hiện những chiêm nghiệm sâu xa về tình
người, tình đời.
• Bài thơ Ga trung du ra đời trong một đêm chiến tranh chống Mỹ, in lần đầu tiên trong tập Hoa cỏ
miền đồi (1982), sau đó được đưa vào tuyển tập Nguyễn Đình Ảnh – tác phẩm thơ chọn lọc, NXB
Hội Nhà văn, năm 2017.

39
1. Em hãy trình bày ý nghĩa nhan đề Ga trung du. Em cảm nhận, đánh giá như thế
nào về những từ ngữ, hình ảnh đó?
2. Bài thơ có thể được chia thành mấy phần? Nội dung nổi bật ở mỗi phần là gì?
3. Em hãy chỉ ra sự vận động mạch cảm xúc của bài thơ.
4. Bài thơ kết thúc với dòng thơ “Những chuyến tàu đi rộn rã giữa thung cây...” đứng
riêng một khổ. Theo em, cách kết thúc này có ý nghĩa như thế nào trong tổ chức
mạch thơ?
5. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh tái hiện hình tượng cha – con, trung du và Tổ quốc.

Bài thơ Ga trung du của Nguyễn Đình Ảnh được viết bằng thể thơ tự do với từ
ngữ dung dị, hình ảnh thơ tái hiện đặc trưng không gian trung du và bối cảnh đất
nước trong cơn binh lửa, qua đó thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ
tình: hồi ức về cha hoà trong tình yêu sâu nặng với quê hương, đất nước. Tất cả tạo
nên- LUYỆN
Logo hơi ấmTẬP
và sức mạnh của sự nối tiếp thế hệ, giống như những toa tàu mãi nối
nhau trong không gian và thời gian.

1. Thuyết trình về nghệ thuật xây dựng hình ảnh trong bài thơ Ga trung du của
Nguyễn Đình Ảnh. Hình ảnh thơ nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?
2. Viết bài văn phân tích vẻ đẹp bài thơ Ga trung du của Nguyễn Đình Ảnh.

1. Báo Nhân dân Chủ nhật, số 20 năm 1991 đã giới thiệu: “Thơ Nguyễn Đình Ảnh trầm
tĩnh, nhân hậu, bám sát vùng đồi núi trung du của đất Tổ Hùng Vương và biểu lộ
tình cảm thắm thiết với con người, cảnh vật trên vùng đất Phong Châu của mình”.
Bằng những hiểu biết về thơ Nguyễn Đình Ảnh, em hãy bàn luận về ý kiến trên.
2. Tìm đọc thêm những tác phẩm thơ hiện đại Phú Thọ và lập bảng thu hoạch theo
mẫu sau:
Nhan đề bài thơ Đề tài/ Các thủ pháp Dòng thơ Ấn tượng, cảm xúc
STT
và tác giả Chủ đề nghệ thuật yêu thích của em sau khi đọc
... ... ... ... ... ...

40
ĐỌC THÊM

ĐỀN HÙNG
Bút Tre
Vùng đồi bát ngát Lâm Thao
Non chi biêng biếc in vào trời xanh
Tường vôi trắng, nắng vàng hanh
Phải chăng thuỷ mặc treo tranh giữa đồi
Đền Hùng công dựng tuyệt vời
Ba tầng núi nối đất – trời – người – cây
Ngàn năm cổ tích là đây
Nhấp nhô gò phục, đồi quây núi Hùng
Lên cao bao khắp sông Hồng
Sông Lô – Tầm mắt vọng trông sông Đà
Đêm nhìn bốn phía trời xa
Sao rơi trời thẳm, sao sa khắp đồi
Việt Trì thành phố tinh khôi
Lâm Thao nhà máy xếp ngồi đồi hoang
Đỉnh quê hương, núi non Hùng
Miếu, lăng, đền tạ trập trùng bên trên
Đền Hùng chung bóng tổ tiên
Dài lâu đất nước, vững bền niềm tin
Cha ông gót đỏ còn in
Mà nay con cháu đã nên con người
Đứng lên cười với mặt trời
Bốn phương bè bạn yêu người, yêu ta
Qua Đền Hùng nói chuyện xưa
Hỏi thăm Bác đến chuyện đà như sao?
Bấm tay nhớ lại năm nào
Bác về Phú Thọ lên cao thăm đền
Gập ghềnh dạo bước bước lên
Thông reo, trúc múa bốn bên vẫy vùng
Bác rằng: Nhớ Vua Hùng dựng nước
Bác cháu ta giữ nước dài lâu.
Dân ta ghi nhớ từng câu
Nghìn xưa nối lại, nghìn sau một lời
Tháng ngày cách trở khơi vơi
Mảng tin Bác lại thăm nơi Đền Hùng

41
Lòng cha rộng lớn vô cùng
Bác lên tình nghĩa thuỷ chung đặm đà
Bác vui con lớn thêm ra
Vui lan đất Tổ, vui hoà trời thu
Thông reo đầu núi vi vu
Tiếng reo đất nước nghìn xưa vẫn còn
Đường son nhẹ bước chân son
Nhớ ngày giỗ Tổ như con nhớ nhà
Dòng người xe cộ vào ra
Người thăm thân thích hay là tham quan
Quê tôi công việc vô vàn
Tổ tiên ghi nhớ, con đàn lên thăm.
(Theo Vũ Kim Biên, Bút Tre, NXB Văn học, Hà Nội, 2009, tr. 65 – 67)

• Nhà thơ Bút Tre (1911 – 1987) tên thật là Đặng Văn Đăng, quê ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê,
tỉnh Phú Thọ. Trong cuộc đời cầm bút của mình, Bút Tre đã cho in hai trường ca: Hợp tác xã Đồng Tâm,
Một ngày ở Phú Thọ và ba tập thơ: Rừng cọ đồi chè, Quê hương Phú Thọ, Phú Thọ lớn lên, ngoài ra ông viết
chỉ để trao tặng chứ không in ấn. Với chủ trương sáng tác thơ ca để phục vụ nhiệm vụ chính trị của
dân tộc, để ca ngợi quê hương và những người con ưu tú vì nước vì dân, Bút Tre đã lựa chọn lối thơ
dân gian hiện đại, vừa giản dị, dễ nhớ lại vừa có sự cách tân câu chữ độc đáo, tạo nên sự hấp dẫn, tính
hài hước riêng. Những sáng tác của Bút Tre vì thế đã mở đường, khơi nguồn cho một dòng thơ mang
tên Bút Tre.
• Bài thơ Đền Hùng được viết cuối năm 1962, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Đền Hùng lần
thứ hai, ngày 19 – 8 – 1962. Sử dụng thể thơ lục bát trong tinh thần tự do phóng khoáng, tác giả đã
kết hợp khéo léo giữa miêu tả, kể chuyện và bộc lộ cảm xúc. Qua đó, Đền Hùng hiện lên như một
điểm tựa tinh thần lớn lao của dân tộc Việt Nam.

Hướng dẫn đọc thêm


1. Từ các thông tin cơ bản liên quan đến tác giả, em đánh giá như thế nào về những
đóng góp văn học của nhà thơ Bút Tre?
2. Bài thơ Đền Hùng có thể được chia thành mấy phần? Nội dung chính của mỗi
phần là gì?
3. Liệt kê những hình ảnh thơ tái hiện không gian Đền Hùng. Qua đó, em đánh giá
như thế nào về đặc điểm địa thế của khu vực này?
4. Liệt kê những từ ngữ, hình ảnh thơ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn
của dân tộc Việt Nam. Từ ngữ, hình ảnh nào để lại cho em nhiều cảm xúc nhất?
5. Em có nhận xét gì về đặc điểm thể loại của bài thơ Đền Hùng? Đặc điểm đó góp
phần thể hiện nội dung bài thơ như thế nào?

42
TỪ ĐỊA PHƯƠNG Ở PHÚ THỌ
6
Yêu cầu cần đạt
● Thấy được sự phong phú của từ địa phương ở Phú Thọ.
● Nắm được nghĩa một số từ ngữ địa phương ở Phú Thọ, trong đó có những từ
ngữ có giá trị biểu đạt riêng, góp phần làm phong phú kho từ vựng tiếng Việt.
● Sưu tầm được một số từ ngữ địa phương ở Phú Thọ nói chung và tại nơi mình
cư trú nói riêng.
● Biết yêu quý, gìn giữ và sử dụng từ ngữ địa phương trong ngữ cảnh phù hợp.

1. Đọc bốn câu thơ:


Một vùng năn lác thụt lầy
Bắc đà cấy lúa bùn dây đỉnh đầu
Bờ ngòi trắng xoá hoa lau
Mẹ vơ chập tối mớ rau tập tàng.
(Hà Phạm Phú(1))

Em hiểu “đà” là gì và “bắc đà cấy lúa” nghĩa là thế nào?


2. Kể một số từ ngữ chỉ có ở Phú Thọ hoặc một vài địa phương xung quanh Phú Thọ
(Vĩnh Phúc, Tuyên Quang,...) mà không có hoặc ít dùng ở nơi khác.

Đọc câu chuyện sau rồi thảo luận theo các gợi ý ghi bên dưới.

TIẾNG QUÊ HƯƠNG


Bá Ninh là chị gái của mẹ Hoa và Sơn, lấy bác Vinh, người Hà Nội.
Hôm nay hai chị em Hoa từ Phú Thọ về chơi nhà bá Ninh.
Thấy bá Ninh chạy ra đón, Sơn hớn hở reo:

(1)
Bài Đan Hà, trong tập Nghe mưa, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.

43
– Bá Ninh! Bá Ninh!
Hoa nhắc em:
– Về đây phải gọi là “bác”, không được gọi “bá” nữa nhé.
– Cha bố chị. – Bá Ninh mắng yêu. − Em nó gọi thế thì sai à?
– Không sai nhưng gọi thế “quê” lắm!
– Không. Bá muốn các cháu vẫn gọi bá là bá. Xa quê, được nghe tiếng quê hương, bá
sung sướng lắm đấy.
Sáng hôm sau, ngủ dậy, Sơn kể với bác Vinh:
– Ôi, đêm qua chó cắn nhiều quá. Hà Nội mà có nhiều chó dữ thế bác?
– Ấy chết, chó nào cắn, có cắn cháu không?
Bá Ninh vội chạy ra:
– Không phải chó cắn đâu. Cháu nó nói đêm qua nghe thấy chó sủa nhiều ấy mà.
(Nhóm biên soạn)

Câu chuyện trên có những từ địa phương nào? Trong những tình huống đó, từ nào
nên dùng, từ nào không nên dùng?

Xem các bảng từ (1) rồi thảo luận theo các gợi ý ghi bên dưới.
Lưu ý:
– Không giải nghĩa những từ có từ toàn dân tương đương hoàn toàn, trừ trường hợp
cần thiết.
– Cột "Từ toàn dân tương đương" chỉ kê những từ tương đương hoàn toàn mà không
kê những từ tương đương không hoàn toàn.
Bảng 1: Một số từ ngữ thuộc nhóm “sự vật, hiện tượng thông thường”
Từ địa phương Từ toàn dân
Nghĩa Ghi chú
Phú Thọ tương đương
Tre nứa sau khi trồng vài năm đến
ấm bới, ấm búi
độ nảy nở sinh sôi mạnh. Tre ấm bới.
bánh nẳng bánh gio
Đọt cọ non, phần nằm sâu trong
bình cọ, nõn cọ
ngọn cây cọ, ăn được.
bò be con bê

(1)
Các từ ngữ này do người biên soạn thu thập từ những cuộc đi điền dã của mình, có sự góp ý, bổ sung
của một số nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu người Phú Thọ: Tạ Đình Hạp, Hà Phạm Phú, Trần Trọng Tân,
Nguyễn Thị Ngọc Hân,...

44
Cá chuối (cá quả) nhỏ, cỡ chuôi liềm,
cá chòi
có khả năng nhảy cao để thoát hiểm.
Chó sủa. Con chó con cắn ong óc chó sủa
chó cắn
suốt đêm.
chim khách,
choè choẹt
chim chèo bẻo
chóng, đu Nôi.
chụp đèn Bóng đèn
cối máy/ cối giã gạo
cối giậm
củ muống củ khoai lang
Củi tạp vớt được ở sông do trôi từ
củi rều thượng nguồn về như cây cối nhỏ,
lau sậy,...
diếc de, diếc ve Cá diếc còn nhỏ, cỡ ngón tay cái.
Trâu tắm bằng cách dầm mình dưới
(trâu) đằm nước sâu hoặc nằm vào vũng nước,
vũng bùn nhão để hạ nhiệt.
Một khúc ngắn (dùng cho cây có
đẫn
gióng). Đẫn mía.
Ghế nhỏ, thấp, dùng để ngồi ăn
đòn cơm, đan lát, làm bằng gỗ hoặc một
gióng mai, gióng tre to.
đỗ giải áo đỗ đũa
đừng Cái thang tre. Nay ít dùng
gà đồng con ếch
gà cưỡng gà trống
gà lặt, gà nặt gà trống thiến
Giàn treo cao bên trên bếp lửa,
dùng để các loại đồ cần sấy khô
gác dựa, gác bếp
hoặc phải luôn khô ráo (đồ đan còn
mới, thịt sấy, hạt giống, lạt tre,...).
Cây tre dài, thẳng, để mấu khoảng
nửa gang tay, dùng để làm thang
ken
trèo các cây cao và thẳng như cọ,
dừa, có nơi gọi là đà.

45
Ong mật. Nhưng cũng có nơi chỉ ong mật Nay ít dùng
khoái dùng cho loài ong mật hoang dã,
làm tổ trên cây cao trong rừng.
mấm, mấn Khuyên đeo tai.

mâu (Quần áo) cũ nát, dễ rách. bở

mầu, mo, đài,


Gầu.
mầu đài
Đồ đựng bằng lá cọ non túm lại,
móm cọ
dùng để đựng các loại quả, hạt,
(mỏm cọ)
rau,...
Con sâu non trong thân một số cây
nhậy
như cọ, dâu, ăn béo.
ốc loa ốc nhồi

rô don Cá rô còn nhỏ, lớn hơn rô hạt bưởi.

sủi (nước) sôi Nay ít dùng

(con) tằn tặt thạch sùng

thợ ngoã thợ xây


Con nghé. Trẻ mùa hè trâu be tháng con nghé
trâu be
Chạp (tục ngữ).
trê hoẻn Cá trê còn nhỏ, cỡ ngón tay.
Cái ách, cái vai cày, dùng để móc
vạy
vào vai trâu bò cày, kéo.
Gióng gỗ ở cửa chuồng trâu bò.
văng
Đóng văng (tra văng và cài then).

Bảng 2: Một số từ ngữ thuộc nhóm “con người và mối quan hệ xã hội”

Từ địa phương Từ toàn dân


Nghĩa Ghi chú
Phú Thọ tương đương
ăn thuốc hút thuốc
Chị của bố mẹ (chị gái, chị dâu, chị
bá họ) và những người phụ nữ được coi
như ngang hàng với bố mẹ trở lên.

46
bầm mẹ
bủ Cụ, lão (ông bủ, bà bủ).
buồn Nhột.
Dùng răng bóc lớp vỏ trấu để ăn
cắn chắt
hạt lúa nếp non đã rang chín.
chăng Ném mạnh cục đá, cục đất ra xa.
Từ để trỏ, đi kèm các từ kia, đây. Kia
chốc
chốc. Đây chốc.
củ khoai chân mắt cá chân

cúp đầu, cúp tóc cắt tóc, hớt tóc Nay ít dùng
đánh chắt (Trò chơi) đánh chuyền.
Quay trở lại trong chốc lát nhà mình
đáo hoặc chỗ mình vừa đi qua. Đáo qua
nhà một lúc.
hái củi đốn củi
Dở người, người bị dở hơi, dễ tin
hấy
những lời lừa phỉnh, bông đùa.
hối Xua đuổi (gà, vịt). Dặn con hối gà.
hốt Sợ, sợ hãi. Hốt ma. sợ
hửng mũi, Lộ rõ vẻ thích thú quá mức khi được
hểnh mũi khen (hàm ý chê).
lội bơi
ỏm (cọ, trám Dùng nước nóng già để làm chín
đen) quả cọ hoặc quả trám đen. Ỏm cọ.
Dùng trâu kéo con lăn đá để thóc kéo lúa
quần lúa
rụng ra.
Sáng dạ, thông minh, tiếp thu
(học) sáng nhanh (nói về trẻ em trong học tập).
Thằng bé học sáng lắm.
Thiên vị, cảm tình (nói về thầy cô
thiên tư đối với học sinh). Nó lúc nào cũng
được thầy thiên tư.
Tối dạ, chậm hiểu, trì độn (nói về
(học) tối trẻ em trong học tập). Thằng bé học
tối lắm.

47
Bảng 3: Những từ ngữ thuộc nhóm “nghề nghiệp”
Ghi chú: Nhóm này nhìn chung không có từ toàn dân tương đương hoàn toàn.

Từ địa phương
Nghĩa Ghi chú
Phú Thọ

Bờ phụ bằng bùn non đắp áp vào chân bờ chính Xem thêm vạ bờ.
bờ vạ
để chống mất nước ở chân ruộng cao.

Lấy dao cắt ngang phần vỏ của cây sơn rồi kẹp
cắt sơn
vào đó một mảnh vỏ trai để hứng lấy nhựa.

cất (chũm, vó) Động tác kéo vó (cá, tôm).

chạc Dây thừng (dây chão) để dắt trâu bò.

Dãy ruộng bậc thang trên một cánh đồng.


dộc, rộc
Dộc ruộng.

Cây tre dài dùng để đứng lên khi cấy, làm cỏ cho
đà
loại ruộng bềnh (ruộng lầy thụt). Đi cấy đà.

Đánh lưới tập thể bằng cách quây hình vòng


đánh bầm bập cung, một thuyền ở giữa để xua cá. Phường bầm
bập.

Ruộng lầy nhưng trên mặt có lớp đất bùn khô


mỏng, có nhiều cỏ mọc, bên dưới là nước và bùn
ruộng bềnh
nhão dày, người đi vào sẽ bị lút xuống, rất
nguy hiểm.

thả trâu, Chăn trâu bằng cách thả cho ăn tự do trên đồi
buông trâu hay cánh đồng rộng.

Dây thừng to, chắc, nối cày, bừa với cái ách (vai cày)
thiếu
khi cho trâu bò cày, bừa.

Úp nơm tập thể bằng cách quây hình vòng tròn


úp nơm vòng
và khép dần vòng vây.

vạ bờ Đắp bờ vạ. Xem thêm bờ vạ.

Ngày được đánh cá tự do ở những đồng sâu, đầm,


vỡ đồng
hồ do làng xã quản lí.

48
1. Tìm trong các bảng trên:
a) Những từ ngữ có tính cụ thể, biểu cảm hơn từ toàn dân. Ví dụ, tằn tặt (con
thạch sùng) – tên gọi mô phỏng tiếng kêu của con vật.
b) Những từ ngữ có giá trị phân loại sự vật, hiện tượng ở những cấp độ nhỏ hơn.
Ví dụ, rô don (cá rô còn nhỏ).
c) Những từ ngữ hiện ít dùng trong từ toàn dân. Ví dụ, thợ ngoã (thợ xây).
Tục ngữ: “Ngoã trông xa, ma trông gần” (muốn biết bức tường thợ xây có xây
khéo hay không phải đứng xa mà ngắm; muốn biết đám tang giàu nghèo thế
nào phải đến gần mới rõ).
2. Thử tìm hiểu từ ruộng bềnh để từ đó giải thích hiện tượng một số từ ngữ chỉ có
ở Phú Thọ mà không thấy có từ toàn dân tương đương hoàn toàn.
Gợi ý: Xem phần giải nghĩa và hỏi thêm để thấy ruộng bềnh không hoàn toàn
giống ruộng lầy ở các nơi khác.

Từ địa phương là những từ ngữ chỉ dùng trong phạm vi một (hay một số) địa
phương nhất định (khác với từ toàn dân, là những từ ngữ được dùng trong phạm
vi quốc gia hay được thừa nhận như phạm vi quốc gia). Từ địa phương là vốn
quý không chỉ đối với người địa phương mà nó còn đóng góp vào kho từ vựng
toàn dân, tạo ra sự đa dạng, phong phú cho tiếng nói và văn hoá dân tộc.
Từ địa phương Phú Thọ là những từ ngữ được dùng trong phạm vi tỉnh Phú Thọ
(và có thể một vài tỉnh lân cận) hoặc cộng đồng người quê Phú Thọ sinh sống ở
địa phương khác.
Từ địa phương Phú Thọ khá phong phú, nó phản ánh sự đa dạng về tự nhiên,
ngành nghề, văn hoá và đời sống của người Phú Thọ. Từ địa phương Phú Thọ
gắn liền với những gì thân thuộc nhất của quê hương Phú Thọ, phải biết trân
trọng, gìn giữ; tuy nhiên, khi sử dụng cần phù hợp với tình huống giao tiếp để
tránh gây khó khăn cho người nghe.

1. Tìm hiểu nghĩa của các từ địa phương Phú Thọ dưới đây: ăn vầu, bánh dùng, đanh,
búa đanh, củ muống, bánh dợm, (cỏ) trầm may.
2. Kể một số từ địa phương khác ở Phú Thọ mà em biết và nêu nghĩa của chúng.

49
1. Tìm trong tác phẩm của các nhà văn Phú Thọ một số từ địa phương và nêu
nhận xét.
2. Dựa vào câu chuyện sau, hãy kể một câu chuyện tương tự (em được nghe, đọc hay
chứng kiến) nói về những người đồng hương nhận ra nhau, yêu quý nhau qua giọng nói
của quê hương mình.

TÌNH QUÊ HƯƠNG


Thuyên, Đồng là hai người bạn thân cùng ở một làng: làng Mỹ Lý. Sau ba tháng vào
tìm việc ở Nam Kì(1), hai người mới tìm được hai việc làm tạm ở ga Gò Đen. Lúc còn là hai
tên thất nghiệp lang thang đi tìm việc khắp Sài Gòn(2) thì hai người ít khi nhớ đến quê
hương. Nhưng lúc tìm ra việc thì tình quê hương dạt dào luôn trong tâm trí.
Những buổi nghỉ việc, hai người lại lững thững nắm tay nhau, đi trên con đường về
làng Vân Thọ. Vì con đường này giống với con đường chính của làng Mỹ Lý quá. Cũng
hai hàng cây sầu đông(3) chạy thẳng giữa quãng đồng lúa chín, cũng cái miễu(4) thánh xa
xa và mấy đống rơm cao chót vót sau bụi tre già cuối xóm.
Đi trên quãng đường này, Thuyên, Đồng có cái cảm giác là sắp về nhà mình. Nhưng
mỗi lúc qua khỏi cái cầu dài, hai người lại đứng nhìn nhau ngơ ngẩn. Vì trước mặt hai
người, quang cảnh chung quanh đã đổi hẳn. Những cây dừa vươn mình trên dòng nước
đục hay vài cô gái miền Nam chèo thuyền giữa đám lau già, không cho hai người tưởng
tượng đến làng Mỹ Lý nữa.
Thuyên vòng tay nhìn ra xa rồi lẩm bẩm:
– Uổng thật, giá đến đây không gặp con sông này thì chúng mình đã tưởng về xóm
Thạch Luỹ rồi.
Đồng đưa tay chỉ một nếp nhà ngói bên vệ đường rồi nói tiếp:
– Còn cái nhà xinh xắn kia là biệt thự của cô Ái Thu làng mình.
Thuyên nhìn Đồng mỉm cười:
– Nhớ rõ ràng nhỉ, nhưng đất Nam Kì bốn mùa nắng gắt, có mùa thu đâu mà bảo có
cô Ái Thu.
Trên phiến đá trắng bên vệ đường, hai người lại lẳng lặng quàng vai nhau ngồi
xuống. Trời càng về chiều, gió càng lạnh. Hai người dần dần ngồi khít gần lại để
truyền hơi ấm cho nhau.

(1)
Nam Kì: tên gọi của Nam Bộ thời xưa.
(2)
Sài Gòn: nay là Thành phố Hồ Chí Minh.
(3)
Sầu đông: cây xoan.
(4)
Miễu: miếu nhỏ.

50
Một hôm Thuyên, Đồng rủ nhau đi chơi thật xa, nhưng đến giữa trưa thì lạc mất
đường về. Hai người phải ghé vào cái quán gần đấy để hỏi đường, luôn tiện để ăn cho
đỡ đói. Cùng ăn trong quán ấy có ba người nhà quê trẻ tuổi đùa bỡn với nhau luôn
miệng. Nụ cười từ môi này lan qua môi khác, bầu không khí trong quán không bao lâu
trở nên vui vẻ lạ thường. Lúc sắp trả tiền, Thuyên mới nhớ mình quên để ví ở nhà,
Thuyên bấm nhẹ Đồng hỏi sẽ:
– Đồng có đem tiền theo đấy không?
– Không. Thế Thuyên cũng không có à?
Thuyên lắc đầu ra vẻ lo ngại:
– Thuyên bỏ nhầm quyển sổ con vào túi, còn ví thì để quên ở trong ngăn bàn.
Hai người đang nhìn xuống mặt bàn để tìm kế “tháo thân” thì bên kia bàn, người nhà
quê trẻ tuổi nhất đứng dậy nói với chủ quán:
– Hai thầy(1) ngồi bên kia bàn là hai bạn thân của chúng tôi, vậy ông cứ tính chung để
tôi trả tiền luôn thể.
Thuyên nghe nói cảm động quá, đứng dậy nhìn người trẻ tuổi một lát rồi ấp úng nói:
– Thật chúng tôi không biết nói gì đây để cám ơn mấy ngài...
Không để cho Thuyên nói dứt lời, người trẻ tuổi nói tiếp:
– Đáng lẽ tôi phải cám ơn hai thầy trước mới phải. Vì hai thầy đã cho tôi nghe giọng
nói của mẹ tôi xưa...
Rồi hạ giọng, người ấy thì thầm như hơi thở:
– ... Vì mẹ tôi là người Trung Kì(2), và đã qua đời hơn tám năm rồi.
Nói đến đây, người trẻ tuổi lẳng lặng nhìn xuống bàn, hai môi mím chặt, vẻ đau
thương lắm. Còn Thuyên, Đồng thì bùi ngùi nhớ đến quê hương, yên lặng nhìn nhau với
hai cặp mắt rớm lệ.
(Theo Thanh Tịnh, Quê mẹ, 1941, in lại trong Tổng tập văn học Việt Nam,
tập 30B, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1981)

(1)
Thầy: cách gọi chung những viên chức trong bộ máy hành chính thời xưa.
(2)
Trung Kì: tên gọi của Trung Bộ thời xưa.

51
ĐỊA LÍ, KINH TẾ,
HƯỚNG NGHIỆP

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN


7 VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN TỈNH PHÚ THỌ

Yêu cầu cần đạt

• Trình bày được đặc điểm địa hình tỉnh Phú Thọ; nêu được ảnh hưởng của địa hình
đến sản xuất và đời sống của con người.
• Trình bày được đặc điểm khí hậu tỉnh Phú Thọ; nêu được ảnh hưởng của khí hậu
đến sản xuất và đời sống của con người.
• Nêu được đặc điểm của sông, hồ tỉnh Phú Thọ, vai trò của sông, hồ đối với
sản xuất và đời sống của con người.
• Nêu được đặc điểm và vai trò của tài nguyên đất, tài nguyên sinh vật và tài nguyên
khoáng sản tỉnh Phú Thọ.
• Yêu thiên nhiên, quê hương, có ý thức và hành động đúng đắn trong việc
bảo vệ tự nhiên ở địa phương.

Phú Thọ là tỉnh có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú,
tạo nhiều tiềm năng, lợi thế cho tỉnh trong sự phát triển kinh tế − xã hội. Em đã biết gì
về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Phú Thọ? Điều kiện tự nhiên và tài
nguyên thiên nhiên có ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất và đời sống của người dân
trong tỉnh? Vấn đề gì đang đặt ra trong việc khai thác, sử dụng chúng?

52
Địa hình
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, nơi chuyển tiếp giữa miền núi xuống đồng bằng,
cao ở phía tây, tây bắc và thấp dần về phía đông nam. Địa hình chia thành ba dạng
chính: núi, đồi và đồng bằng.
− Vùng núi ở tỉnh Phú Thọ là bộ phận cuối của dãy Hoàng Liên Sơn, phân bố ở hữu
ngạn sông Hồng, trên địa bàn các huyện Yên Lập, Tân Sơn, Thanh Sơn và phía tây huyện
Hạ Hoà, Cẩm Khê. Địa hình núi dốc theo hướng tây bắc – đông nam, không liên tục mà
bị chia cắt thành những đỉnh núi, những quả đồi riêng lẻ cách nhau bởi những thung
lũng rộng hẹp khác nhau.
Vùng núi là nơi có tài nguyên rừng tự nhiên
khá phong phú, nơi cung cấp nguyên liệu gỗ, Em có biết?
lâm sản quý cho tỉnh. Đặc biệt, nơi đây có Vườn Núi Voi cao 1 384 m ở xã Xuân Sơn,
quốc gia Xuân Sơn với nhiều hang động kì thú huyện Tân Sơn là đỉnh núi cao nhất
trong tỉnh.
và sự đa dạng sinh học, trở thành điểm du lịch
sinh thái hấp dẫn của tỉnh.

Hình 1. Địa hình núi ở Vườn quốc gia Xuân Sơn


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

53
Hình 2. Lược đồ tự nhiên tỉnh Phú Thọ

54
− Đồi là dạng địa hình phổ biến, chiếm diện tích lớn trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở
các huyện Hạ Hoà, Thanh Ba, Đoan Hùng, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thuỷ, Cẩm Khê.
Địa hình đồi phổ biến là những nấm đồi với đỉnh bằng, sườn lồi, dốc thoải xen kẽ
thung lũng, độ cao phổ biến dưới 200 m. Các đỉnh đồi ngày càng có xu hướng bị san
bằng với sườn thoải hơn và các thung lũng mở rộng hơn. Tại vùng này, thảm thực vật
tự nhiên được thay bằng các cây công nghiệp như sơn, trẩu, sở và chè.
Đồi là khu vực có khả năng phát triển cây công nghiệp lâu năm, trồng hoa màu,
cây ăn quả và rừng. Dưới chân các vùng đồi có nhiều thung lũng rộng, thuận lợi cho
sản xuất lương thực, thực phẩm.

Hình 3. Đồi chè ở huyện Thanh Ba


(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Ba)

− Đồng bằng chủ yếu do phù sa của các dòng sông bồi đắp, có diện tích nhỏ, phân
bố thành dải thấp dọc ven sông Đà, sông Lô, sông Hồng thuộc các huyện Lâm Thao,
Phù Ninh, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thuỷ và thành phố Việt Trì. Địa hình khá bằng
phẳng, độ cao trung bình dưới 30 m, thấp dần về phía đông nam. Trên đồng bằng
thường xuất hiện các gò, đồi, núi sót làm cho tính chất của đồng bằng không điển
hình. Hệ thống đê dọc sông Hồng, sông Đà, sông Lô đã làm gián đoạn quá trình bồi
lấp phù sa, hình thành hồ, đầm, ô trũng.
Đồng bằng là vùng đất tốt, màu mỡ nhất của tỉnh, thích hợp với trồng lúa, rau màu
và cây công nghiệp hàng năm.

55
Hình 4. Địa hình bãi bồi ven sông Hồng
(Nguồn: Trường Trung học cơ sở Cao Xá, huyện Lâm Thao)
Nhìn chung, địa hình Phú Thọ thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, nhất là nông,
lâm nghiệp. Tuy nhiên, địa hình bị chia cắt khá mạnh làm cho việc tổ chức sản xuất
nông nghiệp manh mún, đồng thời gây cản trở không nhỏ cho giao thông, giao lưu và
phát triển kinh tế – xã hội.

1. Khai thác thông tin mục 1 và hình 2, hãy trình bày đặc điểm địa hình tỉnh Phú Thọ.
2. Cho biết ảnh hưởng của địa hình đến sản xuất và đời sống của con người trong tỉnh.

Khí hậu
Phú Thọ có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với một mùa đông lạnh và có sự phân hoá
theo không gian.
− Nhiệt độ không khí trung bình năm từ 22oC đến 24oC. Nhiệt độ có sự phân hoá
theo độ cao địa hình và theo thời gian.

a) Trạm Việt Trì b) Trạm Minh Đài (huyện Tân Sơn)


Hình 5. Nhiệt độ và lượng mưa trung bình tại trạm Việt Trì và trạm Minh Đài

56
− Phú Thọ có tổng lượng mưa tương
Em có biết?
đối cao, trung bình năm trên 1 500 mm
Lượng mưa trung bình thấp nhất tỉnh Phú Thọ
nhưng có sự biến đổi theo thời gian và là ở khu vực đông bắc (Đoan Hùng), tuy nhiên
phân hoá theo không gian với xu hướng tổng lượng mưa năm ở đây cũng đạt 1 545 mm.
tăng dần từ đông sang tây, từ thấp lên cao. Lượng mưa lớn nhất là ở khu vực phía tây bắc
(Ấm Thượng), tổng lượng mưa năm lên đến
Chế độ mưa của Phú Thọ chia làm hai mùa 1 997 mm.
là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu
vào tháng 5 và kết thúc vào tháng 10, lượng mưa chiếm 80 – 85% tổng lượng mưa cả
năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chiếm 15 – 20% tổng lượng
mưa cả năm.
− Độ ẩm không khí trung bình năm đạt 85,3%. Độ ẩm theo tháng biến đổi từ cao
nhất 89,2% (tháng 3) đến thấp nhất 82,4% (tháng 7). Khu vực có độ ẩm trung bình năm
cao nhất là trạm Minh Đài (86,3%), thấp nhất là trạm Việt Trì (84,8%).
− Phú Thọ chịu ảnh hưởng sâu sắc của chế độ gió mùa. Gió mùa mùa hạ hoạt động
từ tháng 5 đến tháng 10, hướng gió đông nam mang nhiều hơi nước, gây mưa cho hầu
hết các khu vực của tỉnh. Gió mùa mùa đông hoạt động từ tháng 11 đến tháng 4 năm
sau, hướng gió chủ yếu là đông bắc, thời tiết lạnh, khô (đầu mùa) và lạnh, ẩm (cuối mùa).
− Căn cứ vào chế độ nhiệt, mưa, gió mùa, khí hậu Phú Thọ có hai mùa rõ rệt: mùa hạ
chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam nên nóng, mưa nhiều; mùa đông lạnh, ít mưa
do chịu tác động của gió mùa Đông Bắc. Giữa hai mùa có một thời kì chuyển tiếp.
Nhìn chung, khí hậu Phú Thọ phù hợp
Em có biết?
cho sự sinh trưởng và phát triển của các
Ở Phú Thọ, mùa đông có thể gặp các hiện
loại cây trồng và vật nuôi, tạo điều kiện để
tượng thời tiết đặc biệt như sương mù, sương
đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp. Tuy muối, mưa phùn,...; mùa hạ có thể có dông,
nhiên, do thời tiết và khí hậu diễn biến mưa bão, mưa đá, gió khô nóng,...
phức tạp cùng với ảnh hưởng của biến đổi
khí hậu nên ở Phú Thọ xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan và thiên tai, gây ảnh
hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong tỉnh.

1. Khai thác thông tin mục 2 và hình 2, hãy nêu đặc điểm khí hậu tỉnh Phú Thọ.
2. Khí hậu có ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của
người dân trong tỉnh?

57
Sông, hồ
a) Sông
Mạng lưới sông ngòi Phú Thọ khá dày đặc, mật độ dòng chảy trung bình là 1,6 km/km2
và có nhiều sông lớn chảy qua.
Chế độ nước sông chia làm hai mùa chính: mùa lũ từ khoảng tháng 6 đến tháng 10,
chiếm 70 – 80% lượng dòng chảy năm; mùa cạn từ khoảng tháng 11 đến tháng 5 năm
sau, chiếm 20 – 30% lượng dòng chảy năm.
Các sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh là sông Hồng, sông Lô, sông Đà.
– Sông Hồng chảy trong địa phận tỉnh
Em có biết?
Phú Thọ từ xã Hậu Bổng (huyện Hạ Hoà)
Sông Hồng đoạn từ Yên Bái đến Hưng Hoá đến phường Bạch Hạc (thành phố Việt Trì)
(huyện Tam Nông) mang tên là sông Thao.
Đoạn tiếp theo đến phường Bạch Hạc, trước dài 106 km. Tương ứng với mùa mưa, mùa
đây mang tên là sông Bạch Hạc. lũ trên lưu vực sông Hồng kéo dài khoảng
5 tháng (tháng 6 – 10), lượng dòng chảy
mùa lũ chiếm khoảng 71% dòng chảy cả năm. Hàm lượng phù sa của sông Hồng rất lớn
và thay đổi theo mùa, bồi đắp nên các vùng đất màu mỡ cho tỉnh. Phụ lưu của sông
Hồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là ngòi Lao, ngòi Giành, ngòi Me, ngòi Cái, sông Bứa,
sông Mùa,...
– Sông Lô chảy trong tỉnh Phú Thọ từ xã Chí Đám (huyện Đoan Hùng) đến phường
Bến Gót (thành phố Việt Trì) dài 73,5 km. Sông Lô chảy gần như song song với sông
Hồng. Sông Lô có độ dốc lòng sông và lượng phù sa nhỏ nhưng có nhiều cát sỏi, với trữ
lượng lớn, chất lượng tốt. Các phụ lưu của sông Lô gồm sông Chảy, ngòi Rượm, ngòi Dầu,
ngòi Tiên Du, ngòi Tranh,...

Hình 6. Ngã ba Bạch Hạc (thành phố Việt Trì), nơi sông Lô hợp lưu với sông Hồng
(Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ)

58
– Sông Đà là ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội. Sông Đà chảy
trong tỉnh Phú Thọ từ xã Tinh Nhuệ (huyện Thanh Sơn) đến xã Hồng Đà (huyện Tam Nông)
dài 41,5 km. Sông đổ vào sông Hồng ở ngã ba giữa xã Hồng Đà (huyện Tam Nông), xã
Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) và xã Phong Vân (huyện Ba Vì – Hà Nội). Sông Đà chiếm tới
49% tổng lượng lũ của sông Hồng do chảy qua các trung tâm mưa lớn. Trên sông Đà đã có
các nhà máy thuỷ điện nên dòng chảy được điều tiết tốt hơn, tuy nhiên hàm lượng phù
sa giảm rõ rệt. Các suối, ngòi chảy vào sông Đà gồm ngòi Lạt, ngòi Cái, suối Rồng,...

b) Hồ
Tỉnh Phú Thọ có nhiều hồ, đầm phân bố
dọc hai bên bờ các sông lớn. Các hồ, đầm
tự nhiên có diện tích khá lớn là đầm Ao Châu,
đầm Chính Công, hồ Thanh Ba, hồ Đồng Kè,
hồ Đồng Mông, hồ Láng Thượng,... Nhiều
hồ nhân tạo đã được xây dựng góp phần
điều tiết nước sông, cung cấp nước tưới
cho sản xuất và sinh hoạt, như hồ Phai Đin,
Hưng Long, Thượng Nông, Ngả Hai,
Hình 7. Một góc hồ Đá Mài, huyện Thanh Sơn
Lạc Long, Hóc Trai, Đá Mài,... (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn)

Sông, hồ có vai trò quan trọng đối với sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Nhiều sông lớn là các tuyến vận tải đường thuỷ, thúc đẩy vận tải và giao thương; giúp
hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung, vùng nuôi cá lồng ven sông mang
lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hồ có cảnh quan đẹp, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên,
sông ngòi trong tỉnh cũng thường gây lũ lụt, sạt lở, ảnh hưởng không nhỏ đến sản
xuất và đời sống. Vì vậy cần khai thác và sử dụng sông, hồ hợp lí, hiệu quả và bảo vệ
được nguồn tài nguyên quý giá này.

1. Dựa vào thông tin mục 3 và hình 2, hãy nêu đặc điểm sông, hồ ở tỉnh Phú Thọ.
2. Sông, hồ có vai trò như thế nào đối với tỉnh Phú Thọ?

Tài nguyên đất


Phú Thọ có tổng diện tích đất tự nhiên là 353 455,6 ha, trong đó diện tích đất nông
nghiệp chiếm 84,0%, đất phi nông nghiệp chiếm 15,3% còn đất chưa sử dụng là 0,7%.
Tài nguyên đất của tỉnh khá đa dạng, được chia thành một số nhóm:

59
Bảng 1. Một số nhóm đất chính ở tỉnh Phú Thọ
Tỉ lệ % so
với diện
Nhóm đất Phân bố Đặc điểm, ý nghĩa
tích tự
nhiên
Đất tốt, độ phì cao, rất thích hợp
Thanh Sơn, Tam Nông,
Đất phù sa với cây rau, màu và cây công
Thanh Thuỷ, Tân Sơn,
được bồi 8,14 nghiệp ngắn ngày, tuy nhiên cần
Lâm Thao, Yên Lập, Phù
hằng năm bố trí thời vụ và loại cây trồng hợp
Ninh, Việt Trì
lí, tránh được thời gian ngập lụt.
Hầu hết đã và đang được sử dụng
Đất phù Thanh Ba, Hạ Hoà,
trồng cây lương thực, cây công
sa không Thanh Sơn, Tân Sơn,
8,8 nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả;
được bồi Lâm Thao, Thanh Thuỷ,
đây cũng là nơi tập trung dân cư
hằng năm Việt Trì
sinh sống lâu đời.
Những nơi còn rừng, đất có độ
phì khá cao; những nơi đất trống
và cây bụi, đất bị rửa trôi nên có
Đất đỏ
Thanh Sơn, Tân Sơn, độ phì kém. Đất thích hợp trồng
vàng trên
Yên Lập, Phù Ninh, các loại cây công nghiệp dài ngày
đá biến 61,47
Hạ Hoà, Thanh Ba và như chè, sở, sơn, trẩu,... và cây
chất và đá
Lâm Thao ngắn ngày như dứa, ngô, mía,...
sét
Những nơi địa hình cao, dốc
thuận lợi cho khoanh nuôi tái
sinh rừng.
Đất vàng Đất dễ xói mòn, thoái hoá nên ít
đỏ trên đá Hạ Hoà, Thanh Sơn, có ý nghĩa cho phát triển nông
1,71
macma Yên Lập nghiệp.
axit
Đất nâu Đất khá thuận lợi cho trồng cây
Tam Nông, Thanh Thuỷ,
vàng trên 6,93 ăn quả, cây công nghiệp dài ngày
Yên Lập, Lâm Thao
phù sa cổ (chè, quế,...) và hoa màu.
Đất dốc tụ Trồng cây lương thực và cây công
Thanh Sơn, Tân Sơn,
thung 4,27 nghiệp ở những nơi có địa hình
Yên Lập, Hạ Hoà,...
lũng thuận lợi.
Các nhóm Rải rác ở một số nơi Các nhóm đất này có đặc điểm và
8,68
đất khác trong tỉnh giá trị nhất định cho sản xuất.
(Nguồn: Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, 2010)

Tài nguyên đất cùng với đặc điểm khí hậu tạo điều kiện cho tỉnh có thể phát triển
một nền nông nghiệp đa dạng. Tuy nhiên, do địa hình dốc, chia cắt ở nhiều nơi; lượng
mưa lớn, tập trung theo mùa; tập quán canh tác và trình độ thâm canh còn hạn chế nên

60
chất đất bị ảnh hưởng, đất dễ bị xói mòn, rửa trôi,... Vì vậy cần áp dụng các biện pháp
canh tác hợp lí để hạn chế quá trình rửa trôi, xói mòn, thoái hoá đất.

1. Khai thác thông tin mục 4, hãy trình bày đặc điểm tài nguyên đất ở tỉnh Phú Thọ.
2. Tài nguyên đất tỉnh Phú Thọ có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế −
xã hội của tỉnh? Để sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên này, chúng ta cần thực hiện
các giải pháp nào?

Tài nguyên sinh vật


a) Thực vật
Hệ thực vật ở Phú Thọ rất đa dạng về thành phần loài. Theo điều tra, tỉnh Phú Thọ có
726 loài thực vật bậc cao thuộc 134 họ, chiếm 2,5% số loài và 12,6% số họ thực vật của
cả nước.
Trong rừng tỉnh Phú Thọ có đủ các thành phần thực vật có liên quan đến khu hệ
thực vật Việt Nam, chiếm ưu thế là cây trong các họ dẻ, de, óc chó, xoan, đậu, vang,
trôm, ngọc lan. Ngoài ra, còn xuất hiện một số loài cây thuộc dòng đặc hữu Ma-lai-xi-a,
In-đô-nê-xi-a di cư đến như: chò chỉ, chò nâu, táu,... Các kiểu rừng phổ biến ở tỉnh:
– Rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới phân bố ở độ cao dưới 700 – 800 m. Cấu
trúc rừng nhiều tầng tán (trung bình từ 4 – 5 tầng), thực vật tạo rừng khá phong phú, phổ
biến là các loài trong các họ dầu, bồ hòn, trinh nữ, vang, thầu dầu, dâu tằm, trâm, thị và
nhiều họ khác.
– Rừng kín thường xanh mưa ẩm cận nhiệt đới phân bố ở độ cao 700 – 800 m trở lên.
Rừng thường có cấu trúc đơn giản (khoảng 2 – 3 tầng), chủ yếu là loài cây lá rộng thuộc
các họ dẻ, de, na, ngọc lan, thích, sến, nhân sâm,...

Hình 8. Rừng nhiệt đới ở Phú Thọ


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

61
Hiện nay, do bị khai thác quá mức nên các khu rừng tốt, cấu trúc nhiều tầng chỉ còn
phân bố rải rác ở một số nơi thuộc phía tây nam tỉnh Phú Thọ, tiếp giáp với Sơn La.

b) Động vật
Động vật trong tỉnh khá phong phú và đa dạng. Theo điều tra, tỉnh có khoảng
180 loài động vật, trong đó có 40 loài thú, 100 loài chim, 40 loài bò sát và lưỡng cư.
Một số loài thú lớn là gấu, hươu, lợn rừng,...; những loài leo trèo như khỉ, sóc, chồn,...;
thú nhỏ có cầy, cáo,...; bò sát có tê tê, kì đà, tắc kè,... Đặc biệt là loài voọc quần đùi
trắng, loài động vật quý hiếm thường xuyên xuất hiện ở Vườn quốc gia Xuân Sơn.
Hiện nay, động vật tự nhiên trong tỉnh đã bị săn bắt nhiều, các loài thú lớn còn lại
rất ít.
Tài nguyên sinh vật tỉnh Phú Thọ có ý nghĩa lớn về mặt sinh thái, môi trường, phát
triển kinh tế (lâm nghiệp, du lịch,...). Tuy nhiên, tài nguyên sinh vật trong tỉnh đang bị
khai thác quá mức, diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động, thực vật có nguy
cơ tuyệt chủng. Vì vậy, tỉnh cần có nhiều biện pháp để vừa khai thác vừa bảo vệ được
nguồn tài nguyên quan trọng này.

1. Khai thác thông tin mục 5 và hình 2, hãy nêu đặc điểm nổi bật về tài nguyên sinh
vật của tỉnh Phú Thọ.
2. Cho biết vai trò của tài nguyên sinh vật đối với tỉnh Phú Thọ. Nêu một số biện
pháp để khai thác hiệu quả và bảo vệ được nguồn tài nguyên sinh vật trong tỉnh.

Tài nguyên khoáng sản


Phú Thọ có nguồn tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng. Hiện nay, tỉnh Phú Thọ
đã ghi nhận 241 mỏ và điểm quặng khoáng sản, bao gồm các loại sau:
− Khoáng sản nhiên liệu:
+ Than đá có 5 điểm quặng, đa số các vỉa than có chiều dày không lớn, quy mô chưa
được đánh giá cụ thể.
+ Than bùn có 10 mỏ và điểm, tập trung ở thành phố Việt Trì và huyện Thanh Thuỷ.
Trữ lượng không lớn, khoảng 1,6 triệu tấn.
− Khoáng sản kim loại:
+ Quặng sắt có 39 mỏ và điểm quặng, phân bố chủ yếu ở huyện Thanh Sơn, Tân Sơn,
Yên Lập,... Tổng trữ lượng khoảng 44,22 triệu tấn.
+ Vàng đã phát hiện được 8 điểm quặng, phân bố tại huyện Thanh Sơn, Thanh Thuỷ,
Đoan Hùng. Tổng trữ lượng dự báo khoảng 23,4 tấn vàng.

62
+ Chì – kẽm đã phát hiện được 2 điểm quặng là Suối Cẩn và Làng Thượng (huyện
Yên Lập).
+ Kim loại phóng xạ có 2 điểm quặng uran − thori ở Thượng Cửu và Đông Cửu
(huyện Thanh Sơn), quy mô không lớn.
− Khoáng sản phi kim:
+ Cao lanh là khoáng sản có quy mô lớn và mang lại ý nghĩa kinh tế lớn cho tỉnh.
Toàn tỉnh có 35 mỏ và điểm quặng, tổng trữ lượng trên 8,51 triệu tấn. Cao lanh có chất
lượng tốt, được sử dụng trong sản xuất gốm sứ, hoá chất, vật liệu xây dựng,...
+ Felspat có 10 mỏ và điểm quặng, tổng trữ lượng khá lớn, khoảng 18,1 triệu tấn.
Đây là nguyên liệu quan trọng cho sản xuất thuỷ tinh, gốm, sứ.
+ Đôlômit có 4 mỏ và điểm quặng tại các huyện Hạ Hoà và Yên Lập. Tổng trữ lượng
khoảng 44,4 triệu tấn.
+ Pirit: Mỏ Giáp Lai (huyện Thanh Sơn) đã khai thác cạn kiệt. Các điểm mỏ khác có
quy mô không đáng kể, chất lượng thấp và ít triển vọng.
− Đá quý và bán quý (berin) phân bố ở La Phù (huyện Thanh Thuỷ). Berin có dạng
tinh thể nhỏ, kích thước dưới 10 cm, phổ biến là 1 – 2 mm, màu xanh da trời, xanh nhạt
rất đẹp, có thể khai thác làm đồ trang sức.
− Nước khoáng, nước nóng: Tỉnh Phú Thọ có điểm nước khoáng nóng La Phù (huyện
Thanh Thuỷ), nhiệt độ trung bình của nước từ 37ºC đến 40ºC, chất lượng nước tốt với
nhiều nguyên tố vi lượng có lợi cho sức khoẻ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ
dưỡng, du lịch kết hợp chữa bệnh gắn với tham quan,...
Tài nguyên khoáng sản có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều ngành kinh tế trong
tỉnh. Vì vậy, việc khai thác nguồn tài nguyên này cần tiết kiệm, hợp lí và hiệu quả.

1. Khai thác thông tin mục 6 và hình 2, hãy nêu đặc điểm tài nguyên khoáng sản
tỉnh Phú Thọ.
2. Sự phong phú về tài nguyên khoáng sản tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Phú Thọ
phát triển ngành kinh tế nào?

Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, nguồn nước dồi
dào, tài nguyên đất, sinh vật, khoáng sản đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển
nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, quy mô các tài nguyên
không lớn, nhiều loại tài nguyên đang bị suy thoái và cạn kiệt. Vì vậy, tỉnh cần phải có
biện pháp sử dụng hợp lí, cải tạo, bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi
trường, đảm bảo phát triển bền vững.

63
1. Hoàn thành bảng theo mẫu sau vào vở(*):
Bảng 2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên tỉnh Phú Thọ

Ý nghĩa với việc phát triển


Thành phần Đặc điểm
kinh tế − xã hội

Địa hình ? ?

Khí hậu ? ?

Sông, hồ ? ?

Tài nguyên đất ? ?

Tài nguyên sinh vật ? ?

Tài nguyên khoáng sản ? ?


(*)
Có thể tiến hành sau từng tiết học hoặc sau khi kết thúc chủ đề.

2. Phân tích tác động của địa hình đến khí hậu và sông ngòi tỉnh Phú Thọ.

Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:


1. Hãy viết đoạn văn (khoảng 10 câu) giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự
nhiên và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Phú Thọ.
2. Sưu tầm thông tin, tìm hiểu về một loại tài nguyên thiên nhiên tiêu biểu của tỉnh
hoặc ở địa phương nơi em sống và chia sẻ với bạn.

64
THỰC HÀNH TRUYỀN THÔNG
8 QUẢNG BÁ DU LỊCH Ở TỈNH PHÚ THỌ

Yêu cầu cần đạt

• Viết được bài giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá của
tỉnh Phú Thọ.
• Xây dựng được một số sản phẩm truyền thông quảng bá du lịch tỉnh Phú Thọ.
• Thực hiện được một số việc làm phù hợp trong việc truyền thông quảng bá
du lịch tỉnh Phú Thọ.
• Nhận thức được trách nhiệm của bản thân trong việc truyền thông quảng bá
du lịch tỉnh Phú Thọ.

Viết bài giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá của tỉnh
Phú Thọ
a) Đọc thông tin, quan sát các hình ảnh dưới đây để lựa chọn một danh lam thắng
cảnh, di tích lịch sử − văn hoá của Phú Thọ mà em sẽ viết bài giới thiệu
Tỉnh Phú Thọ có vị trí trung tâm ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, là cầu nối
nhiều tỉnh thành với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Phú Thọ có 2 di
sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát
Xoan Phú Thọ), 697 di tích lịch sử − văn hoá (số liệu năm 2019), hơn 13 000 hiện vật
qua các thời kì xây dựng và phát triển đất nước. Đây là kho tàng di sản văn hoá vô giá,
là niềm tự hào của Phú Thọ trong dòng chảy lịch sử của dân tộc. Nhiều di tích, danh
thắng nổi tiếng của Phú Thọ được du khách trong và ngoài nước biết đến như: Di tích
quốc gia đặc biệt Đền Hùng; khu du lịch Bạch Hạc – Bến Gót; Thiên Cổ Miếu; đền
Tam Giang – chùa Đại Bi; làng cổ Hùng Lô; đình Hùng Lô; chùa Cát Tường; đầm Ao Châu;
Đền Quốc Mẫu Âu Cơ; Ao Giời – Suối Tiên; đầm Vân Hội; Vườn quốc gia Xuân Sơn;
bản Cỏi; đồi chè Long Cốc; đèo Khế; thác Mây; thác Mơ; suối khoáng nóng Thanh Thuỷ;
hồ Ly (hồ Thượng Long);... Đặc biệt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Di sản văn hoá
phi vật thể đại diện của nhân loại) là di sản văn hoá tiêu biểu của dân tộc và nhân loại,
góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Với thế mạnh đó, du lịch
Phú Thọ đang ngày càng phát triển và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách
của tỉnh.

65
Hình 1. Đền Hùng, thành phố Việt Trì Hình 2. Đền Quốc Mẫu Âu Cơ, huyện Hạ Hoà
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Hoà)

Hình 3. Đầm Ao Châu, huyện Hạ Hoà Hình 4. Ao Giời – Suối Tiên, huyện Hạ Hoà
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Hạ Hoà) (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hạ Hoà)

Hình 5. Bản Cỏi, huyện Tân Sơn Hình 6. Đồi chè Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng
(Nguồn: Báo điện tử Quân khu 2) (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đoan Hùng)

Hình 7. Chùa Đại Bi, thành phố Việt Trì Hình 8. Chùa Bối Linh, thành phố Việt Trì
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)

66
Hình 9. Hồ Đá Mài – Cự Đồng, huyện Thanh Sơn Hình 10. Hang Thổ Thần, huyện Tân Sơn
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn) (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn)

b) Viết bài giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá đã lựa chọn
Yêu cầu của bài viết:
− Giới thiệu được những nét nổi bật, đặc trưng của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử −
văn hoá đã chọn.
− Ngôn ngữ trình bày trong bài viết dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn.
− Bài viết ngắn gọn, thể hiện được lòng yêu quý, tự hào đối với di tích lịch sử − văn
hoá, danh lam thắng cảnh của Phú Thọ.
Ví dụ: Đầm Ao Châu được coi như vịnh Hạ Long ở Phú Thọ, có một khung cảnh tuyệt
đẹp làm lay động lòng người. Đầm Ao Châu là khu hồ sâu gồm khoảng 100 đảo nhỏ,
thuộc địa phận xã Y Sơn và xã Ấm Hạ của huyện Hạ Hoà; có tổng diện tích mặt nước
hơn 300 ha, quanh năm nước trong xanh mát rượi. Nơi đây còn có sự đan xen của các
ngách nước nằm sâu bên trong các khe núi tạo nên một vẻ đẹp vừa kì vĩ lại vừa nguyên
sơ. Mực nước trong đầm khá sâu, độ sâu trung bình khoảng 3,5 – 5 m, có nơi lên đến 15 m,
cùng với những con suối nhỏ không ngừng đổ về giúp cho nước trong đầm quanh năm
không bao giờ cạn.
Truyền thuyết kể lại rằng: Vào thời các Vua Hùng dựng nước, trong khi đi chọn đất
để lập kinh đô, Vua Hùng Vương thứ sáu và quần thần nhà nước Văn Lang đã đi đến
vùng đất có 99 ngọn đồi và 99 ngách nước. Vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình này đã khiến cho
nhà vua và quần thần rất ấn tượng. Trong khi ngắm cảnh, họ đã bắt gặp hai con trâu
vàng đang giao đấu rất quyết liệt, sau đó cả hai cùng lặn xuống nước. Có lẽ vì thế mà
đầm này còn được gọi là hồ Kim Ngưu (hồ Trâu Vàng).
Đến với đầm Ao Châu, du khách sẽ cảm nhận được một sự hài hoà giữa núi đồi,
nước, cỏ cây, hoa lá và những sinh vật sống ở nơi đây. Khí hậu ở nơi đây vô cùng dễ
chịu, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông lại ấm áp, nhiệt độ không xuống quá thấp, là địa
điểm lí tưởng cho nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Với lợi thế là một điểm du lịch khá gần Hà Nội,

67
nơi đây thu hút không ít khách du lịch tới tham quan, nghỉ mát. Hơn nữa, ẩm thực ở
đây cũng làm hài lòng du khách bởi những món ăn mang hương vị đậm đà như: cá
nướng, ốc nhồi hấp sả, gà tía,...

Hình 11. Đầm Ao Châu, huyện Hạ Hoà


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử huyện Hạ Hoà)
Đầm Ao Châu là khu du lịch sinh thái nổi tiếng ở Phú Thọ đang ngày càng phát triển
và thu hút được đông đảo khách du lịch.

Thiết kế sản phẩm truyền thông quảng bá du lịch tỉnh Phú Thọ
Em hãy cùng các bạn trong nhóm thảo luận để thiết kế một sản phẩm truyền thông
quảng bá cho du lịch Phú Thọ:
− Nội dung quảng bá là danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá mà nhóm đã
lựa chọn để viết bài giới thiệu.
− Hình thức quảng bá có thể là video clip, tờ rơi, infographic,...
− Yêu cầu của sản phẩm truyền thông:
+ Thể hiện được đặc điểm nổi bật của danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá
đã chọn.
+ Hình thức đẹp, hấp dẫn.
Gợi ý thiết kế một số sản phẩm truyền thông:
* Làm video clip giới thiệu, quảng bá du lịch ở Phú Thọ:
− Xây dựng kịch bản video clip: Để làm được một video clip quảng bá du lịch ấn
tượng thì khâu lên kịch bản là không thể thiếu. Nên làm kịch bản theo 4 phần để đảm
bảo sự chi tiết và dễ hiểu nhất:
+ Cảnh: phân cảnh của video clip, mỗi cảnh là một khung hình;
+ Lời thuyết minh: là phần lời được người đọc thu âm và thể hiện trong video clip;

68
+ Phụ đề: là phần chữ xuất hiện trong video clip;
+ Mô tả: mô tả yêu cầu, bố cục, diễn xuất, hoạt cảnh cho phân cảnh đó.
− Thực hiện các cảnh quay: Đến địa điểm đã chọn để quay video clip, chọn góc quay
sao cho thể hiện được những nét đặc sắc, độc đáo của điểm du lịch.
− Hậu kì và hoàn thiện video clip quảng bá du lịch: Sau khi đã hoàn thành xong
những bước xây dựng kịch bản, quay video clip, công việc tiếp theo cần làm là dựng
video, cắt bỏ những phần thừa khi quay, tạo hiệu ứng cho từng hình ảnh, từng câu chữ
sao cho bắt mắt và truyền tải được thông điệp mong muốn.
* Làm tờ gấp giới thiệu các địa điểm du lịch ở Phú Thọ:
− Chọn kích thước tờ gấp, hình dạng và màu sắc.
− Lựa chọn hình ảnh, nội dung truyền tải trên tờ gấp (mỗi mặt của tờ gấp ghi rõ tên
địa điểm du lịch, lời giới thiệu ngắn gọn những nét nổi bật của địa điểm đó kèm theo
1 − 2 hình ảnh đẹp, đặc trưng).
Ví dụ: Tờ gấp giới thiệu địa điểm du lịch Ao Giời – Suối Tiên.
Nội dung tờ gấp: Là một trong số những địa điểm du lịch sinh thái lí tưởng của Phú Thọ,
Ao Giời – Suối Tiên mang một vẻ đẹp vừa nguyên sơ, hùng vĩ lại vừa thơ mộng, say đắm
lòng người. Đến khu du lịch này, ta có thể ngắm nhìn vẻ đẹp của suối Tiên, con suối
chảy quanh co, uốn lượn, khi thì bất ngờ đổ xuống tạo nên những thác nước thẳng
đứng, chảy ào ào quanh năm. Suối Tiên chảy đã tạo nên hệ thống nhiều thác nước hùng
vĩ, có thác cao đến 20 m, mỗi thác nước mang một vẻ đẹp rất riêng tạo nên cảnh quan
thiên nhiên vô cùng kì thú. Bên cạnh đó, không khí ở đây trong lành, phảng phất trong
gió là hương thơm của hoa lá, cây cỏ, tiếng hót líu lo của những đàn chim, tiếng rì rào
của nước chảy, làm nên một bản giao hưởng độc đáo mê đắm lòng người. Những điều
này đã làm nên sức hấp dẫn của Ao Giời – Suối Tiên, một vùng đất mà ai đến một lần
cũng không thể nào quên.
Hình ảnh kèm theo là cảnh Ao Giời – Suối Tiên.

Tổ chức thực hiện truyền thông quảng bá du lịch ở Phú Thọ


Mục đích:
− Giới thiệu bài viết và sản phẩm truyền thông đã thiết kế được với các bạn trong lớp.
− Bước đầu biết cách quảng bá du lịch ở Phú Thọ trong vai trò một hướng dẫn viên
du lịch và người làm truyền thông về du lịch.
Cách tiến hành:
− Đại diện nhóm đóng vai người làm truyền thông hoặc hướng dẫn viên du lịch để
giới thiệu bài viết và sản phẩm quảng bá du lịch của nhóm, các thành viên khác hỗ trợ.

69
− Các thành viên trong nhóm thu thập thông tin phản hồi của các bạn trong lớp về
phần giới thiệu của nhóm mình: sự hài lòng; nhận xét về nội dung, hình thức tuyên
truyền.
− Rút kinh nghiệm và viết báo cáo kết quả thực hiện hoạt động truyền thông quảng
bá du lịch.

Đánh giá kết quả thực hành


Tự đánh giá, đánh giá trong nhóm, trong lớp kết quả thực hành truyền thông quảng
bá du lịch ở Phú Thọ theo các yêu cầu:
− Giới thiệu được danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử − văn hoá một cách sinh động,
hấp dẫn, ngắn gọn.
− Thiết kế được sản phẩm truyền thông phù hợp, hấp dẫn.
− Truyền đạt được những thông tin, hình ảnh đã thiết kế trong sản phẩm truyền thông.
− Thuyết trình rõ ràng, truyền được cảm hứng cho người nghe.
Đạt: Đạt được từ 3 yêu cầu trở lên.
Chưa đạt: Chỉ đạt từ 2 yêu cầu trở xuống.

70
CHÍNH TRỊ − XÃ HỘI,
MÔI TRƯỜNG

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU


9 VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI Ở PHÚ THỌ

Yêu cầu cần đạt

• Trình bày được biểu hiện của biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ.
• Nêu được nguyên nhân, tác động và giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở
tỉnh Phú Thọ.
• Trình bày được một số thiên tai thường xảy ra ở tỉnh Phú Thọ: tên, nguyên nhân,
hậu quả, biện pháp phòng, chống cơ bản.
• Có ý thức và hành động đúng đắn trong ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng,
chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Biến đổi khí hậu đang trở thành một vấn đề chung của toàn cầu, từng quốc gia cũng
như mỗi địa phương. Biến đổi khí hậu làm cho các thiên tai có xu hướng xảy ra ngày
càng nhiều, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mọi gia đình và bản thân mỗi
người. Biến đổi khí hậu và thiên tai ở tỉnh Phú Thọ diễn ra như thế nào? Chúng ta cần
làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai trong tỉnh?

Biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ


a) Biểu hiện
Biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ biểu hiện qua:
− Thay đổi nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm trên toàn tỉnh có xu hướng tăng.

71
o
C

26

25

24

23

22

21
Năm
20
1981 1985 1989 1993 1997 2001 2005 2009 2013 2018

Nhiệt độ trung bình năm Xu hướng biến đổi nhiệt độ trung bình năm

Hình 1. Biến đổi nhiệt độ trung bình năm tại trạm Việt Trì thời kì 1981 − 2018

− Biến đổi lượng mưa: Lượng mưa trung bình năm có xu hướng tăng lên hoặc giảm
đi theo từng khu vực, đồng thời những đợt mưa lớn ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
mm mm
2 500 2 500

2 000 2 000

1 500 1 500

1 000 1 000

Năm Năm
500 500
1981 1986 1991 1996 2001 2006 2011 2016 1981 1986 1991 1996 2001 2006 2011 2016

Lượng mưa trung bình năm Xu hướng biến đổi lượng mưa trung bình năm

a) Trạm Minh Đài b) Trạm Phú Hộ


Hình 2. Biến đổi lượng mưa trung bình năm tại trạm Minh Đài (huyện Tân Sơn)
và trạm Phú Hộ (thị xã Phú Thọ) thời kì 1981 − 2018

− Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như: nắng nóng, hạn hán, rét đậm,
rét hại, dông, lốc, mưa đá,… có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều và cường độ lớn.

1. Khai thác thông tin mục a, hãy trình bày các biểu hiện của biến đổi khí hậu ở tỉnh
Phú Thọ.
2. Nơi em sống có biểu hiện nào của biến đổi khí hậu?

72
b) Nguyên nhân
Biến đổi khí hậu xảy ra do nhiều nguyên nhân. Ngày nay, trên phạm vi toàn thế giới
nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng, các hoạt động của con người là nguyên nhân chính.
− Trong quá trình sinh hoạt và sản xuất, người dân trong tỉnh đã phát thải vào bầu
khí quyển các chất khí nhà kính (CO2, CH4, N2O,…), các chất này làm cho không khí gần
bề mặt đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

a) Hoạt động sản xuất công nghiệp b) Hoạt động sản xuất nông nghiệp
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Báo Phú Thọ)

c) Hoạt động giao thông d) Đốt rác


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ)
Hình 3. Một số nguồn phát thải khí nhà kính ở tỉnh Phú Thọ

− Khai thác khoáng sản, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khai thác rừng
bừa bãi đã làm mất đi bề mặt hấp thụ khí nhà kính trong tỉnh.

Khai thác thông tin mục b, hãy nêu nguyên nhân gây biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ.

c) Tác động
Biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến nhiều lĩnh vực ở tỉnh Phú Thọ:
− Đối với sản xuất: Biến đổi khí hậu tác động đến hầu hết các ngành kinh tế, trong
đó nông, lâm nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất do sự thay đổi của các yếu tố nhiệt độ,
lượng mưa cũng như tần suất xuất hiện và cường độ của thiên tai, hiện tượng thời tiết
cực đoan ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi trong tỉnh.

73
− Đối với đời sống con người: Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sức khoẻ, sinh hoạt
của con người do sự thay đổi nhiệt độ, do các hiện tượng thời tiết cực đoan, các thiên
tai, dịch bệnh,...
− Đối với tài nguyên, môi trường: Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ cháy rừng, thiếu
nước; gây suy giảm đa dạng sinh học; làm thay đổi các quá trình tự nhiên theo chiều
hướng tiêu cực, ảnh hưởng lớn đến cân bằng sinh thái.

1. Dựa vào thông tin mục c, hãy nêu tác động của biến đổi khí hậu đối với tỉnh
Phú Thọ.
2. Cho biết một số tác động của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của em và gia đình.

d) Ứng phó
Để ứng phó với biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ, chúng ta cần thực hiện nhiều giải
pháp giảm nhẹ và thích ứng.
− Để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, cần:
+ Giảm phát thải khí nhà kính bằng cách: sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả;
tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; có kế hoạch giảm
phát thải khí nhà kính phù hợp với từng ngành, lĩnh vực trong tỉnh;…
+ Tăng cường bề mặt hấp thụ khí nhà kính bằng cách: bảo vệ, phát triển bền vững
rừng; trồng rừng; nâng cao tỉ lệ che phủ rừng,…
− Để thích ứng với biến đổi khí hậu, cần:
+ Có kế hoạch và biện pháp cụ thể, phù hợp cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực chịu tác
động. Ví dụ: trong nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học − công nghệ, chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng công trình thuỷ lợi,…
+ Xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức
và áp dụng các kĩ thuật giảm nhẹ, thích ứng biến đổi khí hậu cho cộng đồng.

a) Sử dụng năng lượng tái tạo b) Trồng cây, bảo vệ rừng


(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn)

74
c) Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp d) Tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu
(Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)
Hình 4. Một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ

1. Khai thác thông tin mục d, hãy nêu giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu ở
tỉnh Phú Thọ.
2. Em và gia đình đã có những hành động nào để góp phần giảm nhẹ và thích ứng
với biến đổi khí hậu ở địa phương?

Một số thiên tai thường xảy ra ở tỉnh Phú Thọ


a) Mưa lớn
Mưa lớn ở tỉnh Phú Thọ xảy ra do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do ảnh hưởng
hoàn lưu của các cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Mưa lớn thường diễn ra trong khoảng
thời gian từ tháng 5 đến tháng 10.
Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, khiến lũ trên các sông lên nhanh, ở khu vực
miền núi có thể xảy ra lũ quét, lũ ống, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Để hạn chế tác động của mưa lớn, cần thực hiện tốt việc dự báo khí tượng, thuỷ văn;
chủ động phòng, chống mưa lớn;...
b) Lũ quét
Lũ quét thường xảy ra ở lưu vực sông suối các huyện miền núi như Tân Sơn, Thanh
Sơn, Yên Lập, Hạ Hoà, nhất là những nơi đồi núi trọc có địa hình dốc, chia cắt mạnh. Lũ
quét xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10.
Lũ quét là thiên tai xảy ra bất thường và gây hậu quả rất nghiêm trọng về người và
tài sản.
Em có biết?
Một số dấu hiệu của lũ quét:
− Mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng lưu.
− Nước sông suối chuyển màu đục.
− Có tiếng động bất thường của đất đá,
cây cối.
− Xuất hiện âm thanh lạ trong lòng đất.

Hình 5. Lũ quét xảy ra tại huyện Yên Lập năm 2014


(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lập)

75
Để phòng chống lũ quét, cần quy hoạch các điểm dân cư tránh các khu vực dễ xảy ra
lũ quét; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với các nơi thường xảy ra lũ
quét; trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc để hạn chế dòng chảy mặt và chống
xói mòn đất; theo dõi thường xuyên thông tin cảnh báo mưa, lũ quét; thông báo cho
mọi người khi thấy các dấu hiệu của lũ quét,…
c) Ngập lụt
Ngập lụt là thiên tai khá phổ biến tại các xã đồng bằng ven sông, ở những nơi có
địa hình thấp trong tỉnh Phú Thọ. Ngập lụt xảy ra do nhiều nguyên nhân như mưa lớn,
lũ trên các sông suối, hệ thống tiêu thoát nước không đảm bảo; các nhà máy thuỷ
điện xả lũ,...
Ngập lụt gây nhiều hậu quả, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

Em có biết?
Chỉ tính riêng ảnh hưởng của cơn bão số
3 năm 2018, gần 3 800 hộ bị ngập nhà
phải di dời; hơn 5 100 nhà bị ngập nước,
hư hỏng; 2 491 ha lúa và hoa màu bị đổ
ngập; 9 800 m đê cấp 4 bị tràn; 205 m
đường giao thông bị sạt lở; 591 ha ao
nuôi trồng thuỷ sản bị tràn và 11 000 con
gia súc, gia cầm bị chết,…

Hình 6. Ngập lụt tại thị trấn Thanh Sơn năm 2018
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn)

Để phòng chống ngập lụt hiệu quả, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như xây
dựng, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước; củng cố vững chắc, đồng bộ hệ thống đê điều;
tháo dỡ các công trình làm hạn chế dòng chảy; nạo vét lòng sông, suối để thoát lũ nhanh,…
d) Rét hại, sương muối
Rét hại, sương muối chủ yếu diễn ra tại
Em có biết?
các huyện miền núi như Tân Sơn, Thanh
• Rét hại là hiện tượng khi nhiệt độ trung Sơn, Hạ Hoà, Yên Lập do ảnh hưởng của
bình ngày giảm xuống dưới 130C.
không khí lạnh trong mùa đông.
• Sương muối là hiện tượng hơi nước đóng
băng thành các hạt nhỏ và trắng như muối Rét hại, sương muối gây ảnh hưởng lớn
ngay trên bề mặt đất, bề mặt cây cỏ hoặc đến hoạt động sản xuất và sinh hoạt của
các vật thể khác. con người, đến sự sinh trưởng và phát triển
của cây trồng, vật nuôi.

76
Để hạn chế tác động của rét hại, sương muối, cần thực hiện tốt công tác dự báo thời
tiết, chủ động lập kế hoạch ứng phó, đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ cây
trồng, vật nuôi, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu sản phẩm hợp lí,…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai
khác như: hạn hán, nắng nóng, sương mù, dông, lốc, mưa đá,...

1. Khai thác thông tin mục 2, hãy trình bày về một thiên tai thường xảy ra ở tỉnh
Phú Thọ.
2. Nơi em sống thường chịu ảnh hưởng của thiên tai nào? Em và gia đình đã thực
hiện các giải pháp nào để phòng, chống thiên tai đó?

1. Lập sơ đồ thể hiện nội dung biến đổi khí hậu ở tỉnh Phú Thọ (biểu hiện, nguyên
nhân, tác động, ứng phó).
2. Lập bảng một số thiên tai thường xảy ra ở tỉnh Phú Thọ theo mẫu sau:

Tên thiên tai Thời gian, nơi xảy ra Tác hại Biện pháp phòng, chống

? ? ? ?

Chọn một trong hai nhiệm vụ sau:


1. Vận dụng kiến thức đã học, tuyên truyền những việc nên và không nên thực hiện
để ứng phó với biến đổi khí hậu ở cộng đồng nơi em sống.
2. Tìm hiểu và thu thập những kiến thức, kinh nghiệm của người dân địa phương
trong phòng, chống thiên tai và chia sẻ với bạn.

77
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở TỈNH PHÚ THỌ
10

Yêu cầu cần đạt

• Nêu được thực trạng ô nhiễm và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở tỉnh
Phú Thọ.
• Nêu được các hoạt động bảo vệ môi trường ở nhà trường, địa phương và trách
nhiệm của học sinh trong việc bảo vệ môi trường.
• Đề xuất được biện pháp bảo vệ môi trường và tham gia thực hiện bảo vệ môi
trường tại địa phương.

Cùng nghe/hát bài Chung tay bảo vệ môi trường của tác giả Võ Văn Lý.
Theo em, vì sao chúng ta cần bảo vệ môi trường?

Thực trạng và nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Phú Thọ
Phú Thọ là tỉnh miền núi chưa có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp nên môi trường
sinh thái của tỉnh cơ bản còn tốt. Nhiều vùng có sinh cảnh, không khí trong lành như
Vườn quốc gia Xuân Sơn, Đền Hùng, Ao Giời – Suối Tiên,… Tuy nhiên, tại một số khu
vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khu vực khai thác khoáng sản, làng
nghề, khu đô thị và các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang trực tiếp hoặc gián tiếp
gây ô nhiễm môi trường đất, không khí, nguồn nước. Cụ thể:
*Môi trường nước: Phú Thọ có mật độ sông, suối dày đặc với nhiều sông lớn, sông
liên tỉnh chảy qua như: sông Hồng, sông Lô, sông Đà,... và 130 sông, suối thuộc các lưu
vực sông lớn nằm trong tỉnh. Ngoài hệ thống sông, suối dày đặc, Phú Thọ còn có nhiều
hồ, ao, đầm tự nhiên thuận lợi cho phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội của tỉnh và một
số tỉnh lân cận.

78
Theo kết quả quan trắc, phân tích, cảnh báo môi trường hằng năm trên địa bàn tỉnh
từ năm 2016 đến năm 2020 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, do ảnh
hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt của người
dân, các con sông, đầm, hồ là nơi tiếp nhận nước thải công nghiệp và nước thải dịch vụ
đô thị, một số sông, hồ, đầm đã, đang và tiếp tục bị ô nhiễm về chất hữu cơ, chất rắn
lơ lửng, các kim loại nặng như: đầm Sen (thành phố Việt Trì), hồ xã Phú Nham (huyện
Phù Ninh), suối Phai Quan (huyện Thanh Ba), đầm Lao (xã Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ),
sông Hồng (tại các đoạn chảy qua khu đô thị, khu vực hoạt động công nghiệp, khai thác
khoáng sản), sông Chảy (tại khu 12 xã Vân Du, huyện Đoan Hùng), ngòi Lao (đoạn chảy
qua xã Mỹ Lung),… Kết quả quan trắc phân tích năm 2019 và đánh giá diễn biến ô nhiễm
môi trường nước nội đồng bị ảnh hưởng từ các hoạt động công nghiệp, đô thị, dịch vụ
trên địa bàn toàn tỉnh cho thấy: Nhìn chung, tại hầu hết các điểm quan trắc, thông số
trung bình năm 2019 cao hơn so với năm 2016, 2017, 2018, cụ thể: Thông số COD(1) vượt
giới hạn cho phép từ 1,25 đến 5,73 lần, BOD5(2) vượt giới hạn cho phép từ 1,52 đến 6,93
lần, TSS(3) vượt giới hạn cho phép từ 1,174 đến 1,932 lần, NH+4 (4) vượt giới hạn cho phép
từ 1,29 đến 2,86 lần. Kết quả phân tích thực hiện trong tháng 7 năm 2020 cho thấy
thông số BOD5 vượt giới hạn cho phép từ 1,02 đến 4,08 lần; thông số COD vượt giới hạn
cho phép từ 1,167 đến 3,4 lần; thông số NH+4 vượt giới hạn cho phép từ 1,27 đến 4,57
lần còn các thông số khác nằm trong giới hạn cho phép.

Hình 1. Nước suối Cái ô nhiễm bốc mùi hôi thối Hình 2. Nước tại khu vực đập ngòi Lao đỏ ngầu,
(Nguồn: Báo Phú Thọ) đầy bùn đất
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lập)

(1)
COD (viết tắt của Chemical Oxygen Demand) là nhu cầu oxy hoá học. Đây là lượng oxy cần thiết để oxy
hoá các hợp chất hoá học trong nước bao gồm cả vô cơ và hữu cơ.
(2)
BOD5 (từ viết tắt của Biochemical Oxygen Demand) là chỉ số đo lường mức tiêu thụ oxy của các vi sinh
vật, tức là ô nhiễm phân huỷ sinh học.
(3)
TSS (viết tắt của Turbidity & Suspendid Solids) là tổng chất rắn lơ lửng trong nước. Chỉ số này thường
được do bằng máy đo độ đục.
(4)
NH4 (công thức hoá học của amoni) là chất khí không màu, có mùi khai. Amoni tồn tại trong nước dưới
+
hai dạng là NH3 và NH4 .

79
*Môi trường không khí: Theo kết quả quan trắc của dự án “Thực hiện lưới quan trắc,
phân tích, cảnh báo ô nhiễm môi trường hằng năm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ từ năm
2016 đến năm 2020” và kết quả quan trắc phục vụ báo cáo hiện trạng môi trường cho
thấy diễn biến ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia
tăng, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Các vùng bị ảnh hưởng bởi sản xuất
công nghiệp, thủ công nghiệp, khu đô thị có nồng độ chất ô nhiễm cao hơn so với các
khu vực khác trên địa bàn tỉnh, cụ thể:
Tại các khu tập trung nhiều cơ sở sản xuất, nồng độ bụi vượt giới hạn cho phép, điển
hình như khu công nghiệp Thuỵ Vân, khu công nghiệp phía Nam, khu công nghiệp phía
Đông, khu công nghiệp phía Tây thành phố Việt Trì, cụm công nghiệp và khu dân cư
xung quanh, nồng độ các chất ô nhiễm như CO, SO2, NOx cao hơn so với các khu vực
khác trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề như nghề sơn, mộc, mây
tre đan, thực phẩm,… do chưa có hệ thống xử lí khí thải cũng gây ra những tác động
đến môi trường không khí. Bên cạnh đó, hoạt động nông nghiệp có sử dụng các loại
phân bón hoá học và thuốc trừ sâu, đốt các chất thải nông nghiệp làm phát tán các loại
khí mang tính kiềm, axít, khí độc hại vào môi trường.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm không khí ở một số nơi còn do mức độ gia tăng dân số,
gia tăng các phương tiện giao thông vận tải và quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị
hoá nông thôn; cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, khu du lịch; thói quen sinh
hoạt của dân cư tại một số khu vực tập trung dân cư đông đúc như khu vực trung tâm
phường Gia Cẩm, phường Tân Dân, thị trấn Lâm Thao, thị trấn Hùng Sơn, phường Hùng
Vương,… Một số trục đường liên huyện đã xuống cấp hoặc không được vệ sinh
thường xuyên làm mặt đường bẩn, bụi như đường qua xã Ngọc Lập, xã Phúc Khánh,
thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập), xã Sai Nga, xã Điêu Lương, xã Hương Lung (huyện
Cẩm Khê),... Mức độ ô nhiễm bụi tăng cao ở các khu vực thành thị, nhất là vào những giờ
cao điểm.

Hình 3. Bụi do khai thác, chế biến đá Hình 4. Đun nấu hằng ngày bằng bếp than tổ ong
làm vật liệu xây dựng gây ô nhiễm không khí
(Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ)

80
*Môi trường đất: Về cơ bản, chất lượng môi trường đất tỉnh Phú Thọ hiện nay vẫn
đáp ứng tốt cho các nhu cầu sử dụng, đặc biệt là hoạt động canh tác nông nghiệp. Các
mẫu đất có các kim loại nặng đều thấp hơn so với giới hạn cho phép. Kết quả quan trắc
hàm lượng pH trong đất công nghiệp từ năm 2016 đến quý I năm 2020 tại một số vị trí
trên địa bàn tỉnh chỉ ra rằng, hầu hết đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép, vẫn
đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng. Các mẫu đất tại mỗi vị trí có biến động so với các năm
nhưng không nhiều. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường đất được xem là tất cả các hiện
tượng làm nhiễm bẩn môi trường đất bởi các chất gây ô nhiễm. Vẫn còn ô nhiễm đất
cục bộ theo nguồn gốc phát sinh hoặc theo các tác nhân gây ra ô nhiễm từ các hoạt
động dân sinh, công nghiệp, xây dựng, hay như việc sử dụng không hợp lí phân bón
hoá học và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Kết quả quan trắc, phân tích dư
lượng thuốc bảo vệ thực vật trong đất trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 đến quý I năm
2020 tại các khu vực chịu ảnh hưởng của các hoạt động sinh hoạt và sản xuất nông
nghiệp, công nghiệp cho thấy môi trường đất tại huyện Cẩm Khê có dấu hiệu bị ô
nhiễm về dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật. Tại một số vùng đã xuất hiện tính kiềm với
pH lớn hơn 7,1 do tác động của công nghiệp hoá, dân sinh.

Hình 5. Bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi Hình 6. Các bãi rác thải tạm thời không đảm bảo
trên đồng ruộng vệ sinh gây ô nhiễm môi trường đất
(Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ)

1. Dựa vào thông tin và các hình ảnh trên, em hãy nêu khái quát thực trạng và
nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Phú Thọ hiện nay.
2. Ở địa phương em có hiện tượng ô nhiễm môi trường không? Nêu ví dụ.

Các hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Thọ


Thông tin 1
Tỉnh Phú Thọ luôn coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, xác
định đúng và phân cấp trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ môi
trường; nâng cao ý thức chấp hành luật pháp và năng lực của các cơ quan quản lí

81
nhà nước trong công tác môi trường; tập trung cải thiện môi trường ở vùng đông dân
cư, các khu, cụm công nghiệp, vùng nông thôn, làng nghề; tăng cường bảo vệ rừng và
các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế nhập khẩu và lưu hành các loại phương tiện giao
thông, máy móc đã quá hạn sử dụng; bổ sung vào hương ước, quy ước khu dân cư các
nội dung về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; phát động phong trào sạch làng,
sạch ngõ; cải tạo hệ thống thoát nước mặt khu dân cư; thành lập các hợp tác xã, tổ, đội
vệ sinh, thu gom rác thải (đã có 3 địa phương gồm Ngọc Lập, Lương Sơn, Xuân Viên
(huyện Yên Lập) xây dựng lò đốt xử lí chất thải sinh hoạt Losiho có công suất từ 8 − 10
tấn/ngày, 1 khu xử lí rác thải của huyện tại Bến Sơn, thị trấn Yên Lập (huyện Yên Lập));…

Hình 7. Đoàn viên Phú Thọ tham gia Hình 8. Khảo sát Trạm xử lí nước thải tập trung
khơi thông cống rãnh của Trung tâm phát triển hạ tầng và Dịch vụ khu công nghiệp
(Nguồn: Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Cosmos 1
tỉnh Phú Thọ) (Nguồn: Báo Phú Thọ)

Thông tin 2
Xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, thường xuyên và lâu dài,
các nhà trường trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, giáo dục, trang bị các kiến thức
liên quan về môi trường cho học sinh. Việc tuyên truyền, giáo dục được thực hiện dưới
nhiều hình thức như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, các hoạt động thể thao,
văn hoá văn nghệ hay các chiến dịch, các đợt cao điểm tổng vệ sinh môi trường; yêu
cầu học sinh kí cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường, mĩ quan đô thị, vận động gia đình,
người thân không làm mái che, phông bạt, biển quảng cáo trái phép, hạn chế sử dụng
túi ni-lông, phân loại và xử lí rác thải sinh hoạt; tổ chức các hoạt động thu gom rác thải
nhựa, khẩu trang y tế tại những khu vực chợ và ở các địa điểm công cộng; tổ chức các
diễn đàn và các cuộc thi về môi trường như “Ngày hội thiếu nhi đất Tổ bảo vệ môi
trường, đổi rác lấy quà”, “Tái chế sản phẩm”;… Các hoạt động này đã giúp học sinh
Phú Thọ hiểu biết hơn về vai trò của môi trường và những việc cần làm để bảo vệ
môi trường.

82
Hình 9. Học sinh thành phố tham gia “Ngày hội Hình 10. Học sinh đổi rác thải nhựa lấy cây xanh
thiếu nhi đất Tổ bảo vệ môi trường, đổi rác lấy quà” (Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố
(Nguồn: Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì) Việt Trì)

Thông tin 3
Để bảo vệ môi trường sống, mỗi học sinh chúng ta cần có những hành động thiết
thực sau:
– Không vứt rác bừa bãi; cần thu gom, đổ rác đúng nơi quy định.
– Không đổ nước thải ra đường, phố, các nơi công cộng.
– Trồng cây xanh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan.
– Tự giác chấp hành các quy định của các cấp chính quyền địa phương về giữ gìn
vệ sinh.
– Tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư, trường học.
– Tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè cùng thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường.

Hình 11. Học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ trồng cây tại trường
(Nguồn: Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Phú Thọ)

83
1. Em hãy kể tên các hoạt động bảo vệ môi trường ở tỉnh Phú Thọ.
2. Địa phương em, trường em có hoạt động gì để bảo vệ môi trường? Nêu hiệu quả
của hoạt động đó.
3. Theo em, học sinh cần làm gì để bảo vệ môi trường?

1. Em hãy xem bảng ước tính lượng rác thải sinh hoạt phát sinh các năm (từ 2015 – 2019)
của tỉnh Phú Thọ dưới đây và cho biết lượng rác thải này nếu không được thu gom, xử lí
triệt để sẽ dẫn đến hậu quả gì đối với môi trường đất, nước, không khí của tỉnh.

Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh các năm (đơn vị: tấn/ngày)

2015 2017 2018 2019

Thành phố Việt Trì 185,0671 190,76215 193,7722 197,24975

Thị xã Phú Thọ 41,2932 41,44865 41,4524 41,3335

Huyện Đoan Hùng 41,49535 42,61705 43,1485 43,6605

Huyện Hạ Hoà 40,63455 40,7241 40,65845 40,6146

Huyện Thanh Ba 42,90235 43,62645 43,9971 44,2485

Huyện Phù Ninh 42,9274 44,78885 45,71695 46,6387

Huyện Yên Lập 33,9308 35,15375 35,7381 36,24895

Huyện Cẩm Khê 49,13435 50,27875 51,21635 51,82105

Huyện Tam Nông 30,32305 31,64435 32,31445 32,8996

Huyện Lâm Thao 44,70285 45,5477 45,8387 46,1082

Huyện Thanh Sơn 50,2927 52,00265 52,848 53,7449

Huyện Thanh Thuỷ 30,1979 31,24945 31,75475 32,2422

Huyện Tân Sơn 28,4949 29,33385 29,72025 30,093

Tổng cộng 661,3965 679,17775 688,1762 696,90345


(Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ)

84
2. Xử lí tình huống
a) Trên đường đi học về, Hà nhìn thấy một chiếc xe ba gác đang đổ rác thải xây dựng
xuống sông. Nếu là Hà, em sẽ làm gì?
b) Tết Trung thu, tổ dân phố của An tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi ở nhà
văn hoá. Sau khi phá cỗ, các em nhỏ đứng dậy và ra về trong khi vỏ kẹo, bánh, trái cây
đang vứt bừa bãi trên nền nhà. Nếu là An, em sẽ làm gì?
3. Em là tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường
– Em cùng các bạn trong nhóm thảo luận các nội dung để viết bài thuyết trình tuyên
truyền, vận động bảo vệ môi trường cho một trong các đối tượng sau:
+ Người dân
+ Bạn bè
+ Người thân trong gia đình.
Lưu ý: Bài thuyết trình cần nêu bật được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường;
thực trạng môi trường ở địa phương; hậu quả của ô nghiễm môi trường, trách nhiệm
của mọi người trong việc bảo vệ môi trường ở địa phương. Mỗi bài thuyết trình khoảng
1/2 trang A4 và được trình bày trong khoảng 10 phút.
– Đại diện nhóm thuyết trình trước lớp (nên có hình ảnh hoặc thông điệp minh hoạ).
– Bình chọn tuyên truyền viên bảo vệ môi trường giỏi.

Cùng các bạn trong nhóm chọn một khu vực ở nơi em sống, lập và thực hiện dự án
bảo vệ môi trường theo gợi ý sau:

− Tên dự án: ...


− Người thực hiện: ...
− Địa điểm thực hiện dự án: ...
− Mục tiêu dự án: ...
− Thời gian thực hiện: Từ... đến...
− Nội dung dự án:
1. Tìm hiểu thực trạng môi trường tại địa bàn khảo sát (về rác thải, nước thải, khí thải,
tiếng ồn,...) và nguyên nhân: ...
2. Hậu quả của ô nhiễm môi trường ở địa bàn: ...

85
3. Đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại địa bàn: ...
(Ví dụ: tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, xoá các bãi rác tự phát, tuyên truyền vận
động,...)
Phương tiện thực hiện: ...
(Ví dụ: máy ảnh, máy quay, điện thoại thông minh, sổ, giấy, bút viết,... để điều tra
thực trạng và minh chứng cho các hoạt động bảo vệ môi trường đã thực hiện; chổi,
cuốc, xẻng hót rác,... để tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, trồng cây xanh,...)
Những người có thể tham gia hỗ trợ trong quá trình nhóm thực hiện dự án (Ví dụ:
thầy, cô giáo, chính quyền địa phương, người dân, người quản lí các địa điểm công
cộng trên địa bàn,...).

86
TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh, Đất nước Việt Nam qua các đời, NXB Hồng Đức, 2016.
2. Nguyễn Đình Ảnh – tác phẩm thơ chọn lọc, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2017.
3. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, Tập 1, NXB
Chính trị quốc gia, 2000.
4. Ban Chấp hành Đảng bộ – Hội đồng nhân dân – Uỷ ban nhân dân thị xã Phú Thọ, Lịch
sử 100 năm thị xã Phú Thọ, NXB Chính trị quốc gia, 2002.
5. Vũ Kim Biên, Bút Tre, NXB Văn học, Hà Nội, 2009.
6. Vũ Kim Biên, Truyền thống giữ nước của nhân dân vùng đất Tổ, Phú Thọ, 2002.
7. Vũ Kim Biên, Giới thiệu khu di tích lịch sử Đền Hùng, Sở Văn hoá – Thông tin Phú Thọ
xuất bản, 2006.
8. Đặng Ngọc Căn, Địa lí 9 (Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ), NXB Giáo dục
Việt Nam, 2011.
9. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, Động thái và thực trạng kinh tế – xã hội tỉnh Phú Thọ
2010 –2019, NXB Thống kê, 2019.
10. Cục Thống kê tỉnh Phú Thọ, Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ 2020, NXB Thống kê,
2021.
11. Trần Ngọc Duệ (Chủ biên), Lịch sử 8 – 9 (Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Phú Thọ),
NXB Giáo dục Việt Nam, 2011.
12. Lê Bá Hán – Trần Đình Sử – Nguyễn Khắc Phi (đồng Chủ biên), Từ điển thuật ngữ
văn học, NXB Giáo dục, 2009.
13. Phan Huy Lê (Chủ biên), Lịch sử Việt Nam, Tập I, II, III, NXB Giáo dục Việt Nam,
2012.
14. Ngô Đạt Tam – Nguyễn Quý Thao, Atlat địa lí Việt Nam, NXB Giáo dục Việt Nam,
2011.
15. Dương Huy Thiện (Chủ biên), Phú Thọ – miền đất cội nguồn, NXB Trẻ, 2010.
16. Lê Tượng – Vũ Kim Biên, Lịch sử Vĩnh Phú, Ty Văn hoá và Thông tin Vĩnh Phú xuất bản,
1980.
17. Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Viện Nghiên cứu văn hoá, Tổng tập nghề và làng nghề
truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, 2012.
18. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 8, NXB
Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
19. Tài liệu trên các website: https://www.phutho.gov.vn/; http://www.phuthodfa.gov.vn/;
http://phutho.tv.vn/; http://www.viettri.gov.vn/; http://baophutho.vn/

87
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Tổng Giám đốc HOÀNG LÊ BÁCH

Chịu trách nhiệm nội dung:


Tổng biên tập PHẠM VĨNH THÁI

Biên tập nội dung:


VŨ THỊ HẠNH QUỲNH − NGUYỄN THỊ NHIỆM
Thiết kế sách:
ĐẬU QUANG ANH − NGUYỄN THÀNH TRUNG
Sửa bản in:
VŨ THỊ THANH TÂM − PHẠM THỊ TÌNH
Chế bản:
CÔNG TY CP DỊCH VỤ XUẤT BẢN GIÁO DỤC HÀ NỘI

Bản quyền thuộc Dự án Giáo dục Trung học cơ sở khu vực khó khăn nhất, giai đoạn 2 −
Bộ Giáo dục và Đào tạo

TÀI LIỆU GIÁO DỤC ĐỊA PHƯƠNG TỈNH PHÚ THỌ LỚP 8
Mã số: G0VH8Q005R23

In .......... cuốn (QĐ ............... SLK), khổ 19 x 27cm.


In tại Công ty cổ phần in ......................................................
Số ĐKXB: 265-2023/CXBIPH/42-371/GD
Số QĐXB: ................. / QĐ-GD ngày ... tháng ... năm ...
In xong và nộp lưu chiểu tháng ........ năm ...
Mã số ISBN: 978-604-0-36952-9

88

You might also like