You are on page 1of 5

1.

4 Tổng quan về di dân nội địa và các nghiên cứu về thanh niên ở Việt
Nam
1.4.1 Nghiên cứu về di dân nội địa ở Việt Nam
Di dân là hiện tượng phổ biến từ lâu ở Việt Nam, đặc biệt từ sau đổi mới vào những năm tám
mươi của thế kỷ 20. Tuy nhiên các số liệu về di dân rất thiếu (Guest, 1998a). Nguyên nhân
chính về sự thiếu hụt các số liệu về di dân trước năm 1975 là do tác động của chiến tranh
(UNESCAP, 1992). Mặc dù sau giải phóng năm 1975, một số nghiên cứu về di dân đã được
thực hiện nhưng đa số các cuộc nghiên cứu này lại tập trung chủ yếu vào di dân có tổ chức đặc
biệt là di dân lên các vùng kinh tế mới (Do, 1998). Luồng di dân có tổ chức này là đặc trưng
cho xu hướng di dân trong nước giai đoạn 1980-1990 (Djamba et al., 1999). Ngoài ra trong
cuộc tổng điều tra dân số 1979 cũng chưa có câu hỏi nào về di dân, và đây cũng là nguyên
nhân làm trầm trọng việc thiếu nguồn dữ liệu di dân trong giai đoạn này. Doan and Trinh
(1998) cho thấy đa số những số liệu về di dân giai đoạn những năm tám mươi được đề cập
trong cuộc tổng điều tra năm 1989. Tuy nhiên các thông tin về di dân từ cuộc tổng điều tra này
chủ yếu tập trung vào di dân lâu dài, điều này dẫn đến dạng số liệu này bỏ qua những người di
chuyển tạm thời ra thành phố. Vì vậy những số liệu về di dân có rất ít thông tin về xu hướng và
mô hình di dân trong nước giai đoạn sau chiến tranh.
Sau đổi mới một số nghiên cứu về di dân trong nước đã được thực hiện ở cấp độ quốc gia và
địa phương. Một trong những số đó là dự án cấp quốc gia VNE 1989, 1994 và 1996. Mặc dù
mỗi một dự án tập trung vào một nhóm mục tiêu riêng biệt nhưng tất cả đều sử dụng phương
pháp định tính cho cuộc nghiên cứu của mình. Phương pháp nghiên cứu này có hạn chế là
chưa cung cấp được các thông tin chuyên sâu nhằm giải thích động cơ di chuyển và sự hòa
nhập của người nhập cư vào môi trường sống mới (Nabi et al., 1993). Hơn nữa, việc sử dụng
hộ gia đình làm đơn vị mẫu trong cuộc khảo sát năm 1994 (IER, 1996) sẽ bỏ qua những cá
nhân sống trong các khu nhà trọ- những cá nhân này thường là những người nhập cư tạm thời
(Hugo, 1980).

Những cuộc nghiên cứu này mặc dù đã cung cấp những thông tin về khả năng thích ứng của
những người nhập cư nhưng mới chỉ tập trung vào sự thích ứng về kinh tế. Thực tế cho thấy sự
hòa nhập của những người nhập cư là một vấn đề đa chiều, trong khi đó các cuộc nghiên cứu
về nhóm đối tượng này lại chỉ chú trọng đến sự hòa nhập về kinh tế. Để hiểu một cách toàn
diện về cuộc sống của những người nhập cư, chúng ta cần nghiên cứu không chỉ về đời sống
kinh tế mà cả sự thích ứng về sức khỏe và xã hội (Brown, 1983). Ngoài ra, tập hợp các yếu tố
kinh tế, văn hóa và xã hội ảnh hưởng đến sự hòa nhập của những người di chuyển cũng chưa
được xem xét thấu đáo trong các cuộc nghiên cứu về di dân. Ý kiến của các nhà quản lý về
người nhập cư cũng như đề xuất của họ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm đối
tượng này cũng đang bị bỏ qua bởi các cuộc nghiên cứu. Sự thích ứng cần được phải hiểu một
cách toàn diện nhằm giúp cho các nhà quản lý cấp quốc gia và cấp địa phương đưa ra được
những chính sách và chương trình hành động phù hợp và hiệu quả (Nguyen Nhung, 2004).
Từ những kết quả nghiên cứu trên, năm 1997 một cuộc khảo sát về di dân và sức khỏe đã được
thực hiện bởi Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (Dang, 1998). Khác
với các cuộc nghiên cứu đã đề cập ở trên, cuộc nghiên cứu này đã xem xét vấn đề theo cách
tiếp cận xã hội học thông qua việc tìm hiểu vai trò của mạng lưới xã hội trong việc hòa nhập
của những người nhập cư. Các phát hiện của cuộc nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của
mạng lưới xã hội với môi trường sống mới, trong khi các trung tâm giới thiệu việc làm và các
tổ chức xã hội lại không có vai trò cũng như ảnh hưởng nào đến cuộc sống của nhóm đối
tượng này. Khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhà ở và chăm sóc sức khỏe của những
người nhập cư cũng được đề cập chi tiết trong cuộc khảo sát này. Báo cáo cho thấy do công
việc không ổn định, thu nhập thấp dẫn đến đa số những người nhập cư ở các thành phố lớn có
điều kiện sống nghèo nàn như môi trường sống kém vệ sinh. Kết quả là nhưng người nhập cư
kém may mắn này đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe và xã hội. Hơn nữa vấn đề
giới cũng được bàn luận qua việc phân tích ảnh hưởng của sự khác biệt giới lên hành vi của nữ
và nam nhập cư. Mặc dù cuộc nghiên cứu này có cách tiếp cận mới, một số khía cạnh quan
trọng về trải nghiệm sống của những người nhập cư bị bỏ qua. Cụ thể là những hoạt động vui
chơi giải trí sau thời gian làm việc, những sự hòa nhập xã hội khác mối quan hệ với bạn bè,
đồng nghiệp cũng như ràng buộc của họ tại môi trường mới. Quan tọng nhất, thành phố Hồ
Chí Minh, một trung tâm lớn và phát triển nhất ở Việt Nam lại nằm ngoài cuộc nghiên cứu
này.
Vào năm 2000, một nghiên cứu khác về di dân đã sử dụng cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt
được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu về giới và gia đình (Ha et al., 2000), trong đó 60
cuộc phỏng vấn sâu với nữ nhập cư ở Hà Nội, Đà Nẵng và Tp HCM đã được thực hiện. Cuộc
nghiên cứu định tính đầu tiên cung cấp những thông tin chuyên sâu về chất lượng cuộc sống,
tình trạng sức khỏe cũng như những khó khăn của nữ nhập cư tự do. Đây cũng là một trong
những nghiên cứu đầu tiên có lồng ghép giới. Cùng với các cuộc phỏng vấn sâu, cuộc nghiên
cứu cũng sử dụng nhiều phương pháp thu thập thông tin như thảo luận nhóm tập trung và
đánh giá nhanh nông thôn có sự tham gia. Kết quả cho thấy nữ nhập cư ở các thành phố lớn
hòa nhập không tốt với cuộc sống đô thị do điều kiện làm việc kém, nhà ở thiếu phương tiện,
chưa tiếp cận được với nước sạch và vệ sinh môi trường kém. Dù sử dụng cách tiếp cận cách
tiếp cận mới với những thông tin chi tiết, cuộc nghiên cứu lại chủ yếu tập trung vào nhóm nữ
nhập cư mà bỏ qua giới nam. Dù cho những mặt tích cực đã đề cập, đây cũng chỉ dừng lại là
một cuộc nghiên cứu định tính nên mẫu quá nhỏ và kết quả nghiên cứu chưa mang tính đại
diện cho đa số những người nhập cư ở thành phố. Nghiên cứu định tính mới chỉ cung cấp các
thông tin mang tính khai phá (Bouma, 1996). Mặt khác, các thông tin vi mô này chưa phản
ánh bản chất động cơ di chuyển của những người nhập cư lên thành phố.
Một số nhà nghiên cứu quan tâm đến nghèo đô thị cũng đã xem xét cả những người nhập cư
trong các nghiên cứu của mình. Trong dự án “Giảm nghèo trong quá trình đô tị hóa ở Tp
HCM” được thực hiện bởi Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ từ năm 1997 đến 2002
(Nguyen Minh and Nguyen Mai, 2004), tác giả cho rằng những người nhập cư ở Tp HCM
đang thuộc về nhóm nghèo đô thị, và họ đang trở thành nhóm dễ bị tổn thương vì họ thiếu cơ
hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội như tín dụng nhỏ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cũng như
miễn giảm học phí. Tuy nhiên dự án chưa phân tích tác động của chính sách cũng như vai trò
của các tổ chức chính trị trong việc hỗ trợ người nhập cư nghèo. Chưa có thông tin nào về đời
sống tinh thần cũng như sự tham gia của người nhập cư vào các tổ chức chính trị xã hội
(Nguyen Nhung, 2004).
Di dân là một hiện tượng phức tạp trong xã hội và chúng ta có rất ít thông tin về vấn đề này.
Vì vậy một cuộc nghiên cứu khó có thể bao phủ tất cả các khía cạnh trong khi bản chất của di
dân đang ngày càng trở nên phức tạp. Kết quả là nhiều khía cạnh của di dân chưa được
nghiên cứu trong đó có nhóm nhập cư trẻ từ 15-24 tuổi.
1.4.2 Các nghiên cứu về thanh niên ở Việt Nam
Theo tinh thần của Hội nghị thượng đỉnh về Dân số và Phát triển (ICPD) tại Cairo năm 1994
(Lindahl, 1995), Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm cho thanh niên và vị thành niên trong
mấy năm gần đây (Ridge, 2002). Theo đó, nhiều nghiên cứu về vị thành niên đã được thực
hiện tại Việt Nam. Các cuộc nghiên cứu này cho rằng quá trình quá độ về kinh tế và xã hội
trong thời gian qua đã có những tác động tích cực về kỳ vọng và hành vi của thanh niên.
Chính sách đổi mới với việc khuyến khích tư nhân hóa và kinh tế mở đang tạo ra những biến
chuyển trong mối quan hệ gia đình. Quyền lực của cha mẹ và những người lớn tuổi với các
bạn trẻ đang suy giảm theo thời gian.Quan hệ tình dục trước hôn nhân đang trở nên dễ chấp
nhận hơn trong giới trẻ, điều mà trong quá khứ được coi là điều cấm kỵ. Kết quả là tỉ lệ trẻ vị
thành niên có quan hệ tình dục trước hôn nhân và tỉ lệ nạo phá thai trẻ vị thành niên ngày
càng tăng (Goodkind, 1994). Mặc dù một số lượng đáng kể các cuộc nghiên cứu về trẻ vị
thành niên đã được thực hiện ở Việt Nam, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào sức khỏe
sinh sản và chưa có ấn phẩm nào liên quan đến nhân khẩu học của vị thành niên được xuất
bản (Mensch et al., 2002).
Vào năm 2003, một cuộc khảo sát lớn cấp quốc gia về vị thành niên (SAVY, 2005) được thực
hiện tại 42 tỉnh thành với 7,584 thanh niên tuổi từ 14-25 nhằm mục tiêu tìm hiểu về cuộc
sống của vị thành niên khắp cả nước. Kết quả nghiên cứu cho thấy thanh niên, đặc biệt là
những người từ các gia đình nghèo và nhóm dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với nhiều
thách thức vì nghèo đói đang tạo ra rào cản cho họ tiếp cận với giáo dục và việc làm. Tỉ lệ
nghỉ học và mức độ mù chữ cao ở vùng nông thôn đặc biệt là ở khu vực vùng sâu vùng xa nơi
tập trung đa số người dân tộc thiểu số đang làm cho tỉ lệ thanh niên không được đào tạo nghề
cao. Vì vậy phần lớn thanh niên khu vực nông thôn đang làm những công việc lao động phổ
thông với đồng lương thấp trong lĩnh vực nông nghiệp. Đổi lại thanh niên Việt Nam đang
nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ gia đình, họ hàng và bạn bè và đa số thanh niên vẫn quan hệ
mật thiết với gia đình họ. Về vấn đề chăm sóc sức khỏe, mặc dù thanh niên được thông tin
tương đối tốt, nhưng kiến thức của họ về lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.
Ngoài các thông tin được cung cấp đầy đủ về vị thành niên của SAVY (2005), việc sử dụng
hộ gia đình làm đơn vị mẫu trong cuộc nghiên cứu đã bỏ qua một nhóm vị thành niên rất
quan trọng, đó là những trẻ em đường phố, những thanh niên sống trong các nhà trọ, các công
trình xây dựng, trung tâm đào tạo, ký túc xá... (SAVY, 2005). Rất nhiều trẻ em đường phố và
thanh niên trong các công trường, nhà trọ ở các thành phố lớn là người nhập cư. Rõ ràng di
dân trẻ tại thành phố, được gọi là “trôi nổi” đang nằm ngoài các nhóm dân số mục tiêu của
cuộc khảo sát.
Tóm lại, di dân trẻ tại các thành phố lớn đang nằm ngoài các nhóm khách thể của các cuộc
nghiên cứu về thanh niên và vị thành niên. Điều này thể hiện rằng di dân trẻ ở đô thị cần
được sự chú ý hơn nữa bởi các nhà nghiên cứu, đặc biệt là những người nhập cư nghèo tự do
đang sống xa gia đình. Nhóm vị thành niên này đang đối mặt nhiều thách thức so với các
nhóm thanh niên khác. Học vấn thấp, nghèo đói và cô đơn đang là những thách thức mà
những người nhập cư gặp phải khi họ đặt chân đến thành phố. Thực vậy, số lượng thanh niên
mại dâm tương đối cao và rủi ro lây nhiễm HIV/AIDS cũng như các bệnh lây nhiễm qua
đường tình dục ngày càng tăng ở các thành phố lớn ở các nước đang phát triển (Vu et al.,
2003).
Một số nghiên cứu tập trung vào sức khỏe của thanh niên tại thành phố cũng có đề cập đến
sức khỏe của thanh niên nhập cư. Nguyen và các cộng sự (1999) cho rằng số lượng thanh
niên trẻ 15-24 tuổi có xu hướng quan hệ tình dục đang ngày càng tăng trong khi các kiến thức
của họ về vấn đề này lại đang rất hạn chế. Vu và các cộng sự (2003) cho thấy hành vi của
thanh niên nhập cư như có nhiều bạn tình nhưng không được tiếp cận đầy đủ các thông tin về
chăm sóc sức khỏe sinh sản và điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua
đường tình dục và HIV/AIDS. Vì những nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào sức khỏe sinh
sản và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và thanh niên nhập cư là một trong những
nhóm dân số mục tiêu nên mới chỉ phản ánh kiến thức của họ về phòng chống các bệnh lây
qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Ngoài ra còn một số nghiên cứu định tính cũng nghiên cứu di dân trẻ tại Tp HCM, nhưng
cũng chỉ tập trung vào nữ di dân. Đây là những nghiên cứu định tính quy mô nhỏ đầu tiên ở
Việt Nam tìm hiểu về cuộc sống của những người nhập cư trẻ nên những thông tin định tính
này đã bước đầu cung cấp những thông tin chuyên sâu về di dân trẻ.
1.4.3 Kết luận
Những cuộc nghiên cứu về di dân ở Việt Nam chủ yếu tập trung nghiên cứu những người di
chuyển ở tất cả các độ tuổi. Những nghiên cứu về di dân đã cung cấp những thông tin về sự
hòa nhập của họ về việc làm, thu nhập và tiền gửi về quê. Qua phần tổng quan các tài liệu về
di dân cho thấy số lượng di dân trẻ tuổi 15-24 đang ngày càng tăng trong thời gian gần đây và
họ đang đối mặt với nhiều khó khăn tại thành phố do trình độ học vấn thấp đang cản trở khả
năng thích ứng của họ với môi trường đô thị. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về di dân nông
thôn-thành thị nhưng chưa có nghiên cứu nào nghiên cứu một cách toàn diện về sự hòa nhập
của nhóm nhập cư trẻ tại thành phố. Những nghiên cứu về thanh niên và vị thành niên lại bỏ
qua nhóm nhập cư trẻ lang thang đường phố, những người sống trong các khu nhà trọ, ký túc
xá trong các khu công nghiệp và họ chủ yếu là những người di dân tự do.
Dựa vào những bằng chứng trên, chúng ta có thể kết luận rằng di dân trẻ từ nông thôn đến
các thành phố lớn chưa trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý,
trong khi đó họ đang đối mặt với quá nhiều khó khăn so với những nhóm người nhập cư khác
ở thành phố. Vì lý do đó, tác giả quyết định chọn di dân trẻ là khách thể cho cuộc nghiên cứu
này.

You might also like