You are on page 1of 3

ĐỀ THI V – MOOT NĂM 2021

ĐẠI HỌC LUẬT THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

I. TÌNH HUỐNG

1. Vào tháng 10/2018, do làm ăn thua lỗ, Công ty Cổ phần B (“Công ty B”) (là doanh
nghiệp có ngành nghề kinh doanh bất động sản) đã vay của Công ty Cổ phần A (“Công
ty A”) (là doanh nghiệp sở hữu chuỗi cửa hàng bán lẻ tại Thành phố H.) một khoản vay
với giá trị 200 tỉ đồng. Các điều khoản chính trong Hợp đồng Vay (“Hợp đồng Vay”)
bao gồm:

(i) Mục đích vay:


● Thanh toán các khoản nợ xấu của Công ty B nhằm mục đích giúp Công ty
B thoát khỏi nguy cơ phá sản;
● Bổ sung vốn để đầu tư cho một Dự án bất động sản do Công ty Con của
Công ty B thực hiện đang triển khai xây dựng (“Dự án”); và
● Tài trợ vốn để Công ty B thực hiện các hoạt động đầu tư, bao gồm nhưng
không giới hạn, đầu tư mua một lượng tài sản NFT trên sàn giao dịch nước
ngoài với hình thức thanh toán bằng tiền ảo Bitcoin.
(ii) Tài sản thế chấp là các bất động sản của Dự án và tài sản hình thành trong tương
lai phát sinh từ Dự án;
(iii) Thời hạn vay: bốn (4) năm kể từ ngày của Hợp đồng Vay.
(iv) Lãi vay: Là lãi suất trung bình của lãi suất cho vay trung hạn thông thường bằng
Đồng Việt Nam kỳ hạn bốn mươi tám (48) tháng áp dụng cho khu vực phi sản
xuất do hội sở chính của 4 Ngân hàng: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Công
thương Việt Nam, và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam công bố vào
ngày xác định lãi suất. Kỳ hạn tính lãi là 3 tháng.
(v) Lãi phạt: Bên vay đồng ý thanh toán lãi trên số dư nợ gốc và nợ lãi quá hạn của
khoản vay tính theo năm bằng một trăm năm mươi phần trăm (150%) của lãi
suất áp dụng tại ngày đến hạn đối với số dư nợ gốc quá hạn đó và tính từ ngày
đến hạn cho đến ngày thanh toán thực sự số nợ gốc và nợ lãi quá hạn đó.
(vi) Điều kiện vay: Công ty B cam kết sẽ cho ba (03) Công ty Con của Công ty A là
Công ty TNHH C (“Công ty C”), Công ty TNHH D (“Công ty D”), Công ty
TNHH E (“Công ty E”) thuê một số bất động sản của Công ty B đang sở hữu tại
Thành phố H. để thực hiện hoạt động bán lẻ các sản phẩm của các công ty này
liên tục trong thời hạn của Hợp đồng Vay với giá ưu đãi thấp hơn 10% so với giá
mà Công ty B cho các doanh nghiệp khác thuê trên cùng địa bàn của bất động
sản cho thuê. Công ty B cũng đã ký Các Hợp đồng Thuê với Công ty C, Công ty
D và Công ty E và, Các Hợp đồng Thuê có hiệu lực kể từ ngày ký kết Hợp đồng
Vay (“Các Hợp đồng Thuê”). Các Hợp đồng Thuê có các điều khoản và điều
kiện tương tự nhau. Ngược lại, Công ty A đưa ra cam kết rằng các công ty con

1
sẽ không tự ý chấm dứt Các Hợp đồng Thuê trước hạn và thực hiện nghĩa vụ
thanh toán đầy đủ số tiền thuê theo Các Hợp đồng Thuê.
(vii) Phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại: trong trường hợp bất kỳ bên nào vi phạm
các điều khoản của Hợp đồng Vay, bên vi phạm sẽ phải trả một khoản phạt lên
đến 8% giá trị của Hợp đồng Vay. Bên vi phạm còn phải bồi thường cho bên bị
vi phạm toàn bộ số tiền tương ứng với thiệt hại mà bên bị vi phạm phải chịu do
hành vi vi phạm gây ra.
(viii) Điều khoản giải quyết tranh chấp: Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan
đến Hợp đồng Vay sẽ được các bên nỗ lực giải quyết trước hết thông qua hòa
giải thương mại. Nếu hòa giải thương mại không thành, tranh chấp sẽ được giải
quyết bằng trọng tài tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC) theo Quy tắc tố tụng trọng tài
của Trung tâm này. Các Hợp đồng Thuê cũng có điều khoản giải quyết tranh
chấp tương tự như vậy.

2. Để có tiền cho Công ty B vay, Công ty A đã đi vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn với mức lãi suất bằng lãi suất mà Công ty A cho Công ty B vay. Theo
ghi nhận tại Báo cáo tài chính của Công ty A, đây là khoản vay duy nhất mà Công ty A
cấp cho một công ty khác không phải là công ty con của Công ty A.

3. Vào ngày 1/9/2021, Công ty C, Công ty D và Công ty E lần lượt gửi công văn cho Công
ty B (“Công văn”) yêu cầu:

(i) Không thanh toán tiền thuê mặt bằng trong thời gian hai tháng 8/2021và tháng
9/2021 vì các cửa hàng buộc phải đóng cửa theo các chỉ thị chống dịch Covid-19
của UBND Thành phố H.
(ii) Giảm 60% tiền thuê mặt bằng cho thời gian từ tháng 4/2021 đến hết tháng
7/2021 vì tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên các công ty chỉ
có thể hoạt động với tần suất bằng một nửa tần suất hoạt động thông thường.
(iii) Tiền thuê đã được Công ty C, Công ty D và Công ty E thanh toán cho giai đoạn
từ tháng 4/2021 đến tháng 8/2021 sẽ được khấu trừ vào tiền thuê của các tháng
tiếp theo.

Ngoài ra, Công văn còn ghi rõ, sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Công văn, nếu Công
ty B không có phản hồi thì Công ty C, Công ty D và Công ty E sẽ thực hiện thanh lý
Các Hợp đồng Thuê.

4. Tại thời điểm gửi Công văn, Công ty C, Công ty D và Công ty E cũng đã chuyển khoản
thanh toán cho Công ty B số tiền thuê đầy đủ theo Các Hợp đồng Thuê. Báo cáo tài
chính của các công ty này ghi nhận lãi đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ (bao gồm cả
giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9/2021). Doanh thu chính đến từ hoạt động kinh doanh
online của các công ty này.

2
5. Vào ngày 14/8/2021, Cục Thuế Thành phố H. ban hành thông báo thu thuế đối với hoạt
động mua bán Bitcoin của Công ty B trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng
9/2021.

6. Tính đến tháng 9/2021, Công ty B đã không thanh toán tiền gốc và tiền tiền lãi đến hạn
đối với 3 kỳ tính lãi gần nhất.

7. Sau nhiều lần thương lượng không thành, ngày 20/10/2021, Công ty A đã khởi kiện
Công ty B theo Hợp đồng Vay ra Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam do vi phạm
nghĩa vụ thanh toán tiền gốc, lãi và lãi phạt theo Hợp đồng Vay. Công ty B cũng kiện
ngược lại Công ty A do vi phạm cam kết liên quan đến nghĩa vụ theo Các Hợp đồng
Thuê.

II. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG PHIÊN XỬ TRỌNG TÀI

1. Tranh chấp giữa Công ty A và Công ty B có thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung tâm
Trọng tài Quốc tế Việt Nam không?

2. Công ty A có quyền chấm dứt Hợp đồng Vay và yêu cầu Công ty B thanh toán toàn bộ
tiền gốc, lãi chưa thanh toán và lãi phạt theo Hợp đồng Vay không?

3. Công ty B có quyền yêu cầu Công ty A bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm đối với
cam kết liên quan đến Các Hợp đồng Thuê hay không?

4. Luật sư của Công ty A hoặc Công ty B cần đưa ra các lập luận nào để bảo vệ quyền lợi
của Công ty A hoặc Công ty B?

You might also like